Tướng là lá bài có vị trí lớn nhất trong cỗ tam cúc. Nhưng lá bài tướng chưa kịp vật ra để bắt sĩ, tượng, xe... của đối thủ thì ván bài đã tàn, tướng phải chui, úp bài, phí hoài một lá bài mạnh. Dân gian gọi lá bài tướng thối đó là tướng đi ỉa.
Chính trường nhà nước cộng sản Việt Nam vừa qua cũng có hai tướng đi ỉa như vậy.
Tướng bốn sao quân đội
Từ những trận chiến đẫm máu suốt 10 năm, 1979–1989, ở biên giới phía Bắc trong cuộc chiến chống quân Trung Quốc xâm lược trở về vào học các trường quân sự, từ trường sĩ quan tới các học viện quân sự cấp cao, con đường binh nghiệp đó đã đưa chàng trai chân quê Đỗ Bá Tỵ từ anh lính binh nhì lên tới đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đỗ Bá Tỵ, từ anh lính binh nhì lên tới đại tướng Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Con đường thành danh, thành tướng cầm quân của người lính Đỗ Bá Tỵ gắn liền với cuộc chiến 10 năm đằng đẵng của những người lính dùng máu mình giành đi, giật lại với bọn Trung Quốc xâm lược từng điểm cao, từng mỏn đá ở biên cương phía Bắc. Đó là người lính chiến đấu vì Tổ quốc, vì nhân dân, người lính của Tổ quốc, của nhân dân.
Khác với con đường binh nghiệp của tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh. Con đường thành tướng của người lính Phùng Quang Thanh gắn liền với sách lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của người Mỹ. Quân Mỹ rút ra khỏi cuộc chiến, giao lại chiến trường Việt Nam cho người Việt Nam. Con đường thành tướng của người lính Phùng Quang Thanh cũng gắn liền với cơ mưu của kẻ "tọa sơn quan hổ đấu". Kẻ cấp súng đạn cho người Việt Nam đánh Mỹ, lại càng cấp nhiều súng đạn hơn cho người Việt Nam giết người Việt Nam. Thế giới càng đại loạn, kẻ lao vào cuộc chiến càng đổ nhiều máu, nội bộ càng xâu xé, chia rẽ, kinh tế càng kiệt quệ thì kẻ ngồi trên núi nhìn thế giới đại loạn sẽ thừa cơ thâu tóm thế giới.
Chiến dịch lớn Lam Sơn 719 đầu năm 1971 ở đường 9, Nam Lào, trận đánh lớn đầu tiên của "Việt Nam hóa chiến tranh" chỉ có người Việt bắn giết người Việt, Những mỏn núi, những dòng suối heo hút chưa có tên ở biên giới Việt Lào bỗng trở thành núi xác, suối máu người Việt. Trong chiến dịch tương tàn đẫm máu về mức độ ác liệt và có ý nghĩa to lớn trong lịch sử cuộc chiến đó, thượng sĩ, trung đội trưởng Phùng Quang Thanh đã trở thành anh hùng, đã viết lên tên mình bằng máu của những người Việt ở bên kia trận tuyến.
Người Việt giết nhiều người Việt mà trở thành anh hùng thì đó là thứ anh hùng không tim, thứ người hùng của cái đảng mang hận thù giai cấp vô lại về li tán dân tộc, tàn phá đất nước, thứ người hùng của nghị quyết 15, nghị quyết xác định ý chí của đảng hận thù giai cấp, quyết đánh chiếm miền Nam bằng bạo lực cách mạng. Đó cũng là thứ người hùng của những kẻ "tọa sơn quan hổ đấu", những kẻ cấp súng đạn cho người Việt giết người Việt, người Việt tự làm li tán người Việt, người Việt tự làm suy yếu dân tộc Việt.
Đại tướng Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh
Là người anh hùng của những kẻ "tọa sơn quan hổ đấu" nên đại tướng, Bộ trưởng Bộ quốc phòng Phùng Quang Thanh luôn cao giọng : "Việt Nam mãi mãi biết ơn sự giúp đỡ quý báu của Trung Quốc đối với nhân dân Việt Nam trong những năm qua... Việt Nam luôn coi trọng quan hệ đoàn kết, hữu nghị với Trung Quốc trên cơ sở 16 chữ vàng : láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai".
Và ông tướng thống lĩnh sức mạnh quân sự Việt Nam để bảo vệ Tổ quốc Việt Nam lại luôn lo lắng trước tinh thần yêu nước chống Trung Quốc xâm lược của người dân Việt Nam : "Tôi thấy lo lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực đến Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng cái đó là nguy hiểm cho dân tộc". Chỉ có bán linh hồn cho Trung Quốc xâm lược mới lo lắng trước ý chí chống quân xâm lược của người dân Việt Nam. Và kẻ bán linh hồn cho Trung Quốc đã được ngồi trên chiếc ghế Bộ trưởng Bộ Quốc phòng liền hai nhiệm kì.
Còn người lính cả cuộc đời chiến đấu ở mặt trận giữ đất biên cương chống giặc Trung Quốc xâm lược và khi là Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ quốc phòng, vị tướng trên mặt trận giữ nước chống Trung Quốc xâm lược đã chỉ ra mưu đồ của kẻ thù mà cả cuộc đời binh nghiệp của ông phải đối đầu : "Dù Trung Quốc đã rút giàn khoan nhưng âm mưu hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông là không thay đổi. Chỉ có điều cuộc đấu tranh này sẽ chuyển sang giai đoạn khác, thậm chí quyết liệt hơn, phức tạp hơn".
Đó là vị tướng mà lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam đương đại đã thử thách và lựa chọn để trao trọng trách đứng đầu bộ binh, nắm giữ sức mạnh quân sự Việt Nam, thống lĩnh ba quân, bảo vệ Tổ quốc. Nhưng cũng vì những năm tháng bền bỉ, vững vàng chống giặc Trung Quốc xâm lược giữ đất biên cương và cũng vì thẳng thắn chỉ ra mưu đồ của Trung Quốc "hiện thực hóa đường lưỡi bò, độc chiếm Biển Đông là không thay đổi" mà vị tướng thao lược được nhân dân và Tổ quốc tin cậy và trông chờ bỗng phải rời quân ngũ, chuyển ra dân sự, làm ông nghị gật, dù được mang chức danh là Phó Chủ tịch quốc hội. Quốc hội đã cam phận chỉ là công cụ của đảng cộng sản cầm quyền, cam phận thực hiện những màn diễn hao tốn hàng ngàn tỉ tiền thuế của dân chỉ để hợp thức hóa các quyết định của đảng. Đảng đã quyết ắt Quốc hội phải gật thì đến Chủ tịch quốc hội cũng chỉ là nghị gật, cũng chỉ là rô bốt, chỉ là con rối dưới bàn tay giật dây của đảng !
Vị tướng mang ý chí của nhân dân quyết bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, vị tướng là hiện thân của những nhà cầm quân thao lược trong lịch sử ngàn năm giữ nước của dân tộc Việt Nam đã bị nhà nước cộng sản Việt Nam biến thành lá bài thối, thành lá bài tướng đi ỉa.
Tướng một sao công an
Ông là thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị công an, Giám đốc Học viện Chính trị công an. Ở phương diện quốc gia đó, ông Long quá hiểu thực chất mối quan hệ giữa hai nhà nước cộng sản Việt Nam – Trung Quốc, ông quá hiểu chiếc bóng của Đảng cộng sản Trung Quốc trùm lên Đảng cộng sản Việt Nam, phủ bóng đen xuống xã hội Việt Nam từ sau giao kèo kí kết giữa ông Nguyễn Văn Linh và ông Giang Trạch Dân ở Thành Đô năm 1990, về việc Đảng cộng sản Việt Nam bán linh hồn cho Đảng cộng sản Trung Quốc để Trung Quốc bảo kê cho sự độc tôn tồn tại của Đảng cộng sản Việt Nam trước bão táp của nhân dân, trước xu thế của thời đại loại bỏ độc tài cộng sản giành quyền con người cho người dân, giành dân chủ cho xã hội.
Thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị công an, Giám đốc Học viện Chính trị công an
Là tướng công an, ông Long càng biết rõ rằng ngay sau khi trở thành người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam, ông tiến sĩ bảo vệ đảng Nguyễn Phú Trọng liền kí kết với người đứng đầu Đảng cộng sản Trung Quốc Hồ Cẩm Đào cụ thể hóa sự bảo kê đó : "Đi sâu hơn nữa hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thi hành pháp luật và an ninh... ; tăng cường giao lưu và hợp tác giữa các cơ quan như tòa án, viện kiểm sát, công an, hành chính tư pháp...; tăng cường phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trong việc giữ gìn ổn định trong nước của mình". (Tuyên bố chung 15/10/2011)
"Giữ gìn ổn định trong nước của mình" tức là giữ vững sự độc tôn thống trị xã hội của đảng cộng sản Việt Nam. Với Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng – Hồ Cẩm Đào ngày 15/10/2011, giữ vững sự thống trị xã hội của Đảng cộng sản Việt Nam không phải chỉ có sức mạnh bạo lực của công an Việt Nam mà còn có sức mạnh bạo lực của công an Trung Quốc.
Đảng cộng sản Việt Nam cầm quyền đã giao cả sự sống còn của đảng cho Trung Quốc thì sự sống còn của đất nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam cũng nằm trong tay Trung Quốc là đương nhiên. Cam kết Thành Đô 1990, Tuyên bố chung Nguyễn Phú Trọng – Hồ Cẩm Đào 2011 đã biến Việt Nam thành chư hầu của Trung Quốc thì Trung Quốc hành xử với Việt Nam thế nào chả được. Vậy mà cơn cớ gì ông tướng công an Trương Giang Long lại dám đăng đàn mạnh miệng rằng Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta. Rằng Trung Quốc có gien tốt thấp, gien không tốt vượt trội. Rằng có tới hàng trăm đặc tình Trung Quốc cài cắm vào các cơ quan nhà nước Việt Nam. Rằng Trung Quốc xấu, xấu nữa, thì chúng ta cũng vẫn tìm cách phải chung sống, chỉ làm sao để họ đừng xấu hơn.
Đứng trên bục cao, mắt gườm gườm nhìn người nghe, giọng bộc bạch như để thổ lộ những điều mới mẻ, cơ mật nhưng thật ra những điều ông tướng công an Trương Giang Long nói cũng chẳng có gì mới mẻ ghê gớm. Những điều tướng Long nói, người dân nặng lòng với nước đều đã biết từ lâu và còn biết nhiều hơn thế nữa. Nhưng dù sao những điều ông tướng công an Trương Giang Long nói ra cũng tỏ ra dù là con người công cụ "còn đảng còn mình" ông tướng Long cũng đã thấy được phần nào cái họa Bắc thuộc mà đảng của ông đã rước về cho dân tộc Việt Nam, ông cũng đã có được nỗi lo gần với nỗi lo của dân về vận mệnh đất nước.
Cái clip ông tướng công an đăng đàn mạnh miệng động chạm đến thiên triều cộng sản Trung Hoa nếu chỉ là tài liệu học tập ngoại khóa trong nội bộ công an thì mọi chuyện rồi cũng bình lặng qua đi. Nhưng cái clip ông tướng công an nói về cái gien xấu của Trung Quốc, nói về dã tâm Trung Quốc cướp Biển Đông của Việt Nam lại tràn lan trên mạng xã hội lề dân, gây xôn xao dân chúng thì sự việc không dừng lại ở đó.
Ngay sau khi mạng xã hội lề dân tràn ngập clip tướng công an Trương Giang Long đăng đàn liền đến sự việc cả hệ thống báo chí lề đảng đăng tin và ảnh ông thượng tướng Thứ trưởng bộ Công an trao quyết định nghỉ hưu cho ông thiếu tướng đã đăng đàn nói về gien xấu của Trung Quốc.
Sinh năm 1955, ở tuổi 62, với học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư, theo qui định của nhà nước, ông thiếu tướng Trương Giang Long cứ yên tâm làm việc ở cơ quan nhà nước với tư cách nhà khoa học ít nhất ba năm nữa. Vì sau thời gian dài nạp trí tuệ của loài người, trèo lên vai những người khổng lồ, từ tuổi sáu mươi mới đến độ chín của những nhân cách khoa học, mới là thời gian của những trí tuệ riêng tỏa sáng, đứng thẳng lên thành những cá nhân khoa học. Nhận quyết định phong hàm thiếu tướng từ ba năm trước, năm 2014. Thời hạn để ông thiếu tướng công an Trương Giang Long đón nhận hàm trung tướng cũng đã cận kề. Nhưng giữa đường đứt gánh. Tất cả đã chấm dứt.
Từ bao lâu nay, tướng lĩnh quân đội, công an đến tuổi nghỉ hưu cứ lặng lẽ nhận quyết định mà về. Dù là đại tướng Bộ trưởng về vườn, báo chí cũng không đưa tin. Báo chí lề đảng của nhà nước cộng sản Việt Nam đồng loạt đưa tin ông thiếu tướng công an Trương Giang Long nhận quyết định về hưu là để bằng con đường truyền thông nhà nước, Việt Nam bẩm báo với thiên triều Bắc Kinh rằng chiếu chỉ của thiên triều đã được chư hầu Việt Nam chấp hành nghiêm chỉnh. Ông tướng công an Việt Nam làm phiền lòng thiên triều Bắc Kinh thì con đường công danh, sự nghiệp chính trị của ông đã chấm dứt.
Vết nhơ của trang sử vàng
Chính trường cộng sản Việt Nam không phải chỉ có hai ông tướng như hai lá bài tam cúc tướng đi ỉa. So với hàng chục tướng tá quân đội, hàng chục công thần của đảng cấp Bộ trưởng, hàng chục trí thức lớn trí tuệ uyên bác của dân bị vu cho tội xét lại chống đảng, bị tù đầy, hãm hại cho đến chết để làm đẹp lòng thiên triều Bắc Kinh, thì ông đại tướng quân đội bị gạt ra khỏi quân ngũ ra dân sự làm nghị ông gật, ông thiếu tướng công an phải về hưu đột ngột, tức tưởi chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng đó là nỗi cay đắng lớn cho nền độc lập của nhà nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, là nỗi đau lớn cho dân tộc Việt Nam và là vết nhơ lớn cho trang sử vàng oai hùng Việt Nam.
Trước tin Thiếu tướng Trương Giang Long vừa nhận quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí theo thông báo của Bộ Công an, cựu Đại tá an ninh Nguyễn Đăng Quang, người có trên 40 năm làm việc trong ngành công an của Việt Nam, nói ông "bất ngờ" và "ngạc nhiên" về quyết định này.
Thiếu tướng, Giáo sư, Tiến sĩ Trương Giang Long, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị, tại lễ thành lập Học viện Chính trị CAND năm 2014
Nói với BBC hôm 04/10, Đại tá Quang cho rằng dù vì lý do nào đi nữa, Bộ Công an không nên công bố quyết định này trước Hội nghị trung ương 6 hiện đang diễn ra.
Thiếu tướng Tiến sĩ Giáo sư Trương Giang Long là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị Công an Nhân dân và Giám đốc Học viện Chính trị Công An Nhân dân.
Quyết định cho ông Long về nghỉ được truyền thông Việt Nam đăng tải rộng rãi hôm 3/10.
"Bất ngờ" và "ngạc nhiên"
Trong cuộc phỏng vấn với BBC hôm 04/10/2107, Đại tá Nguyễn Đăng Quang, người từng được biệt phái từ ngành an ninh sang làm việc trong ngành ngoại giao của Việt Nam, nói ông hơi bất ngờ và ngạc nhiên về chuyện Thiếu tướng Long nhận quyết định chờ hưu trí.
"Thiếu tướng Long chờ hưu tức là không phải nghỉ hưu ngay mà là chờ từ 1 năm đến 1 năm rưỡi rồi mới nhận sổ hưu", ông Quang giải thích.
"[Tôi ngạc nhiên vì] ngoài cấp hàm thiếu tướng, anh Long còn có học vị tiến sĩ, học hàm giáo sư. Theo quy định chung của nhà nước, những người có học hàm học vị giáo sư tiến sĩ được lưu giữ lại từ 5 đến 7 năm.
Tức là phải đến tuổi 65 cho đến 67, họ mới nghỉ hưu chính thức, mặc dù khi đến tuổi 60, theo yêu cầu, thì họ có thể "không đảm nhận công tác quản lý và chỉ làm công tác chuyên môn thuần túy".
Theo Đại tá Nguyễn Đăng Quang, Thiếu tướng Long "hoàn toàn có thể vẫn ở lại tiếp tục lên lớp giảng dạy mặc dù có thể không làm viện trưởng [Giám đốc Học viện Chính trị Công an Nhân dân] nữa".
Trong quyết định nghỉ công tác chờ hưu trí của ông Long, không nói tới việc ông Long được lưu nhiệm lại để làm công tác chuyên môn, Đại tá Quang bình luận.
Khi được hỏi tại sao quyết định này lại được đưa ra vào lúc này, Đại tá Quang nói : "về mặt thời điểm cũng có thể là tình cờ ngẫu nhiên. Nhưng ở góc độ quan hệ tế nhị giữa Việt Nam và Trung Quốc, vì lý do gì nữa cũng không nên công bố [quyết định này] trước Hội nghị trung ương 6 đang diễn ra hôm nay".
Đại tá Quang nhấn mạnh ông không có ý nói việc này là do "chịu sức ép gì từ bên ngoài".
Có quan điểm bị Trung Quốc không thích ?
Trả lời câu hỏi liệu có sự tương đồng nào giữa trường hợp của Thiếu tướng Trương Giang Long và ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam, Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, người mà giới nghiên cứu nói là từng có quan điểm phản đối Trung Quốc, đại tá Quang kể lại :
"Ông Nguyễn Cơ Thạch đã công khai nói với các quan chức của Bộ Ngoại giao trong những cuộc họp chính thức và không chính thức rằng Trung Quốc đưa ra một điều kiện là muốn cải thiện quan hệ Việt Trung thì việc đầu tiên Việt Nam cần làm và phải làm là loại bỏ Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch.
"Đây là điều tôi được nghe trực tiếp anh Nguyễn Cơ Thạch nói trong một cuộc họp tôi có tham dự. Điều này cựu Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cụ Nguyễn Trọng Vịnh biết rất rõ. "
Mối liên hệ với video clip về quan hệ Việt - Trung ?
Trong một video xuất hiện trên YouTube hồi tháng 3/2017, mà đến nay có hàng triệu lượt người xem, ông Trương Giang Long nói nhiều về quan hệ với Trung Quốc mà ông gọi là quốc gia "có dã tâm", có "gene xấu".
Theo ông, "Trung Quốc không bao giờ từ bỏ dã tâm chiếm Biển Đông của chúng ta".
Trung Quốc có "gene tốt thấp, gene không tốt vượt trội".
"Nhưng Trung Quốc xấu, xấu nữa, thì chúng ta cũng vẫn tìm cách phải chung sống, chỉ làm sao để họ đừng xấu hơn".
Về chính trị Việt Nam, và nhận thức bạn thù, ông nói :
"Phải tới Đại hội 12, Đảng ta mới bừng tỉnh, mới ghi vào trong nghị quyết là mọi chủ trương đường lối đối ngoại đều phải lấy lợi ích dân tộc làm trọng, phải xuất phát từ lợi ích dân tộc".
Khi được hỏi liệu có mối liên hệ gì giữa những phát biểu của ông Long trong clip này và quyết định chờ nghỉ hưu mà ông Long vừa nhận, Đại tá Quang cho biết, theo quan điểm của cá nhân ông, có sự nhạy cảm và rất có thể có liên quan gì đó đến quan hệ Việt-Trung mặc dù không có thông tin chính thức hay bằng chứng gì.
Bình luận thêm về video clip dài khoảng 30 phút này mà ông đã "nghe đi nghe lại", Đại tá Quang nói :
Thiếu tướng Trương Giang Long trong video clip dài 30 phút về quan hệ Việt Trung phát trên YouTube hồi tháng 3/2017.
"Tôi không biết video clip này được tiết lộ một cách cố tình hay vô ý, nhưng những nội dung mà anh Trương Giang Long nói là hoàn toàn thực tế. Đấy là thực tại trong các cơ quan Việt Nam hiện nay.
"Các cơ quan an ninh của Việt Nam biết rất rõ Trung Quốc đã hoạt động cài cắm người vào các cơ quan như thế nào.
"Đây là một vấn nạn mà các cơ quan an ninh Việt Nam phải đối phó".
Đại tá Nguyễn Đăng Quang cũng nói thêm, dù không trực tiếp biết Thiếu tướng Long, ông đánh giá ông Long là "người có năng lực, một Giáo sư tiến sỹ sắc sảo và có nhiều kinh nghiệm trong công tác nghiệp vụ".
"Có thể khẳng định anh Trương Giang Long hoàn toàn xứng đáng là một thiếu tướng và hơn nữa, còn xứng đáng quân hàm cao nhất cho Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Chính trị theo quy định của nhà nước là hàm trung tướng", Đại tá Nguyễn Đăng Quang nói với Quốc Phương của BBC Tiếng Việt.
Sau khi bài báo "Ông tướng nửa tỉnh, nửa mê" được phổ biến trên VOA, tôi tiếp tục băn khoăn suy nghĩ, đọc thêm một số bài bình luận liên quan, nên nảy ra vài phán đoán mới, xin mạnh dạn trình bày dưới đây.
Ảnh chụp đoạn video bị rò rỉ trung tuần tháng 3/2017.
Tôi đặt ra một giả thuyết, ông Trương Giang Long có thể thuộc về một phái trong cơ quan Công an có thế lực, đang có một ý đồ thầm kín rất hệ trọng, có ý đồ tuyên truyền khôn khéo về ý đồ của mình theo từng bước thận trọng.
Theo ý đồ đó, bản video này chỉ là bước đầu. Sẽ có thể còn nhiều bước tiếp theo, tùy theo tình hình.
Qua bản video dạo đầu này, ông Long chỉ muốn nhắn nhủ người xem và người nghe một vài điều cốt lõi quan trọng nhất. Nhưng để giữ kín đáo, không bị phát giác lộ tẩy, ông phải có một màn khói ngụy trang, một vài động tác giả coi như mình vẫn trung thành với đường lối chính thống hiện tại, để giữ mình, không bị lên án, cô lập và thải loại bằng những cách thâm hiểm nào đó. Như ông Trần Xuân Bách, như ông Nguyễn Cơ Thạch, như tướng Võ Nguyên Giáp và tướng Trần Độ đã từng là nạn nhân. Đây là một biện pháp cao thủ, nhìn xa trông rộng. Nay tôi hy vọng là như thế.
Vậy thì "những điều cốt lõi nào" tướng Long muốn nhắn nhủ nhân dân ta. Xin đọc kỹ đoạn mở đầu. Đó là khẳng định bọn bành trướng Trung Quốc luôn nuôi giữ mưu đồ xâm lược, chinh phục trọn vẹn nước ta trước sau như một, từ xa xưa cho đến ngày nay và trong thời gian tới. Đây là nguy cơ mất nước trầm trọng nhất hiện nay mọi người cần ghi nhớ không chút mơ hồ. Nhưng nước sẽ không thể mất, như Trung Quốc từng thất bại tất cả hơn 20 lần xâm lược nước ta.
Thứ hai là tình hình hiện tại là cấp bách, cực kỳ khẩn trương. Chúng đã lôi kéo, móc ngoặc, mua chuộc được hàng trăm, hàng trăm cán bộ cấp cao, lôi kéo cả bộ máy Quốc hội, Chính phủ, Nhà nước làm tay sai cho chúng để hoàn thành trọn vẹn việc xâm chiếm nước ta, chúng ta phải nhận cho thật rõ nguy cơ này.
Thứ ba là, "từ Đại Hội XII đảng ta đã bừng tỉnh, nhận rõ tình hình, đặt vấn đề độc lập dân tộc lên trên hết để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Thứ tư là chúng tôi - một bộ phận cốt cán tinh hoa trong Bộ Công an, đã hiểu rõ tình hình, "nắm chắc, nắm chặt những kẻ cầm quyền làm tay sai cho quân giặc bành trướng", quyết ngăn chặn đi đến thủ tiêu âm mưu thâm độc bán nước cầu vinh của chúng.
Rất có thể cốt lõi của buổi nói chuyện là 4 điểm trên đây. Còn tất cả các điểm khác chỉ là trang trí, là hỏa mù che đậy khỏa lấp các điều báo động và thông báo tâm huyết ấy, nhằm chuẩn bị dư luận cho những thông báo tiếp theo.
Như luận điệu "cố giữ cho tình hình không xấu thêm trong quan hệ Việt-Trung, không thể nghiêng hẳn về một bên" - tránh hang hùm để vào hang cọp, là để có vẻ như không xa rời quan điểm chính thống, để tự bảo vệ.
Tất nhiên có thể suy diễn ra từ buổi nói chuyện này những gì nữa ? Đây có thể là những điều hệ trọng bậc nhất diễn giả không nói thẳng ra nhưng để mọi người tưởng tượng và phán đoán thêm, như nghe văng vẳng bên tai, rằng :
"Anh Tô Lâm, Bộ trưởng Công an là người lãnh đạo cao nhất của chúng tôi, là người đáng tin cậy, đang nắm chắc bộ này, đang tranh thủ sự đồng tình của Chủ tịch nước, Trần Đại Quang, vốn cũng là Bộ trưởng Công an, đã nhận ra nguy cơ của giặc bành trướng Đại Hán và bộ mặt của những kẻ trong bộ máy Đảng, Chính phủ, Nhà nước, Quốc hội… đã bán mình cho giặc vì cầu vinh và tư lợi, đã nắm rất chắc, rất chặt bọn này để khi cần sẽ trừng trị chúng, cứu nước ta, cứu dân ta".
Phải chăng đây là lời hiệu triệu kín đáo ban đầu khi chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương 5 mùa Xuân 2017 này, sẽ có thể có chuyện cực kỳ nghiêm trọng xảy ra.
Trong không khí cực kỳ căng thẳng giữa các phe phái gầm ghè nhau, có thể thấy thế lực của ông Ba Dũng vẫn không chịu thua, vì vốn nắm sâu quân đội, công an, tình báo, ngân hàng, các tổng công ty quốc doanh lớn, rất có thể liên kết với tướng Trần Đại Quang, tướng Tô Lâm đang có thực lực vượt trội để cô lập phe cánh đang rất yếu thế của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đang bị cô lập và chỉ trích về khả năng lãnh đạo, về vụ khủng hoảng môi trường qua sự kiện Formosa, qua vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong đảng, nhiều đảng viên, nhất là đảng viên cao cấp, trí thức, ngày càng có nhiều người nhận ra rằng nguy cơ giáo điều, cực đoan, mê muội dai dẳng về chủ nghĩa Mác-Lê-Mao, về chủ nghĩa xã hội không tưởng là nguy cơ gốc gác, còn nguy hiểm gấp nhiều lần nguy cơ tham nhũng, cần giải quyết cái gốc gác chí nguy này. Ông Trọng đại diện cho quan điểm giáo điều bảo thủ, nô lệ cho Trung Quốc.
Một nét rất có ý nghĩa là gần đây nhà văn hóa Nguyễn Khắc Mai, vốn là một cán bộ cộng sản cốt cán, đã lên tiếng yêu cầu điều tra truy tố về tội phản quốc chống đảng của ông Nguyễn Phú Trọng vì đã vi phạm những điều cấm kỵ với đảng viên cũng như về tội tham ô trong vụ Formosa tàn phá môi trường và những biệt thự ở thủ đô Hà Nội.
Phải chăng đã đến lúc "thế cùng tắc biến" là lúc này đây ? Nợ nhà nước, nợ ngân hàng đặt len đôi vai gày nhom của người dân thiếu thịt cá và rau sạch. Ngân sách bị rơi vãi hàng trăm nghìn tỷ đồng vì tham ô, lãnh phí ; người dân yêu nước, yêu dân chủ, chống bành trướng rên xiết trong tù khi bọn cường hào tham quan tha hồ vơ vét, lộng hành. Xã hội xáo trộn, suy thoái, đạo đức suy đồi, bạo lực hoành hành. Giáo dục lạc hậu. Y tế bê tha, hết chịu nổi.
Lời kêu gọi tổng nổi dậy hàng tuần hàng tháng của toàn dân đòi dân chủ, dân quyền, dân sinh môi trường sạch, của Linh mục Nguyễn Văn Lý vang động. Phong trào Phan Châu Trinh dấy lên cao trào đòi dân quyền, với lời bộc bạch của Giáo sư – Phật tử Cao Huy Thuần tự thú đầy cảm động "Dân tộc tôi chưa xứng đáng với tiền nhân".
Ý định hành động mạnh mẽ từ một nhóm có thực quyền từ trên xuống hòa với nguyện vọng sâu đậm mong được đổi đời từ dưới lên, khớp lại thành thời cơ lớn lúc này.
Giờ phút trọng đại, xin nhớ ở nước ta cuộc đảo chính Nhật-Pháp 6/3/1945 rất ít tiếng súng và dân không ai chết. Cuộc Cách Mạng Tháng Tám 1945 cũng hiền lành chỉ có mít-tinh, xuống đường, hô vang khẩu hiệu, nhà vua vui lòng thành công dân và làm cố vấn cho chính quyền mới, nói chung là đổi đời, thay chế độ trong hòa bình, trong hân hoan cười vui không nước mắt không đầu rơi máu chảy.
Một cuộc cách mạng, đổi thay tận gốc chế độ, mô hình cầm quyền theo thời đại dân chủ, được một bộ phận lãnh đạo của đảng cầm quyền khởi xướng theo ước nguyện của toàn dân sẽ toàn thắng nhanh gọn, mở ra Kỷ nguyên Dân chủ cho đất nước, tạo nên một cuộc đột phá hoành tráng cho Lịch sử Việt Nam.
Vậy thì nhóm bảo thủ, giáo điều, Mác-Lê cực đoan theo ông Tổng Lú cùng nhà tuyên huấn Đinh Thế Huynh hãy tự thoái vị đi là khôn ngoan đúng lúc. Các phe phái cường hào cấp xã, huyện, cấp tỉnh và trung ương tham nhũng hãy tự nguyện trả đất, trả nhà, trả biệt thự, trả tài sản bất minh cho nhân dân là biết điều và khôn ngoan.
Nội bộ dân tộc yên vui, mối quan hệ Việt-Trung vẫn sẽ giữ là lân bang chung sống hòa bình tôn trọng lẫn nhau - như quan hệ của Ấn Độ, Nhật Bản, Thái Lan, Mông Cổ với lân bang Trung Quốc vậy, và Việt Nam sẽ có toàn quyền liên minh, liên kết với ai theo quyền tự quyết thiêng liêng, cũng như tự chọn chế độ chính trị văn minh tiến bộ, đi với thời đại mới.
Lòng dân khao khát đổi thay, khao khát hòa bình, dân chủ tự do và nhân quyền. Hay lắng nghe khát vọng sâu xa ấy để hành động theo lòng dân, dân sẽ đứng cả dậy chung một lòng một hướng. Vận mênh dân tộc đang đứng trước một khúc quanh hoành tráng. Chín mươi triệu dân trong nước cùng 5 triệu người Việt khắp nơi sẽ chung tài nguyên, năng lực, tâm huyết xây dựng nước Việt Nam thống nhất thật sự, phồn vinh và hạnh phúc.
Bùi Tín
Dư luận trong và ngoài nước mấy tuần nay chú ý, bàn luận khá nhiều đến bài nói chuyện nội bộ của Thiếu tướng công an Trương Giang Long, với chức vụ là Phó tổng cục trưởng Tổng cục chính trị, kiêm Giám đốc Học viện chính trị của Công an nhân dân.
Thiếu tướng công an Trương Giang Long, Phó tổng cục trưởng Tổng cục chính trị, kiêm Giám đốc Học viện chính trị của Công an nhân dân (Ảnh chụp đoạn video bị rò rỉ trung tuần tháng 3/2017)
Đoạn phim buổi nói chuyện cho biết đối tượng buổi nói chuyện - bồi dưỡng là các cán bộ nguồn của ngành Công an, làm tăng thêm tò mò của người được xem, mong được biết sự thật trong ngành này, để biết họ đã dạy bảo bồi dưỡng nhau ra sao.
Trước hết về thật hay giả, nhiều nhà chuyên môn về âm thanh, hình ảnh cho rằng đây là buổi nói chuyện có thật, hình ảnh khá rõ cả diễn giả và người nghe, âm thanh ổn định.
Còn động cơ tiết lộ ra ngoài là gì ? Từ đâu ? Phải chăng từ chính một số người trong ngành công an muốn phổ biến rộng rãi những thông tin mà có người cho là "khác lạ, động trời", không bình thường, của một phe phái nào đó trong ngành công an đang đi trệch khỏi lề chính thống, với những mưu đồ thầm kín gì chăng ?
Trước hết có không ít ý kiến cho rằng nội dung nói chuyện nửa giờ của ông tướng họ Trương chẳng có gì mới. Vẫn là ba hoa chích chòe, lên gân chỗ này chỗ kia cho có vẻ kịch tích, nhưng về cơ bản vẫn là sợ Tàu, ghét Mỹ, chống dân chủ, khinh nhân dân lại vừa xoa dịu mị dân, vừa tự ti ươn hèn lại vừa tự cao tự đại vô lối. Nghĩa là câu này chửi câu kia, ý trước chống ý sau, tự mâu thuẫn, không nhất quán, không lô gích, rất tùy tiện, đầy sơ hở.
Trước hết, cần chỉ ra một lỗ hổng trong nhận thức khá là phổ biến trong xã hội cần giải quyết một cách rốt ráo. Đó là nhận thức phải trái, đúng sai về 2 cuộc chiến tranh : cuộc chiến giành độc lập 1946-1955 và cuộc chiến tranh gọi là chống Mỹ cứu nước 1960-1975.
Trong 2 cuộc chiến tranh đó bên nào là phải, là chính nghĩa, bên nào là trái, phi nghĩa, phản dân tộc phản nhân dân ? Không thể cứ tù mù lầm lẫn mãi được. Phải rất sáng suốt, rất công bằng, thấu đáo mới nhìn ra, nhận ra được. Nhiều khi phải có dũng khí và lòng lương thiện qua chính mình. Ông tướng Long vẫn mê muội ở điểm này.
Theo tôi trong cuộc chiến tranh chống Pháp, từ khi bắt tay với Trung Hoa cộng sản năm 1949, làm nên trận Điện Biên Phủ là Việt Nam từ bỏ nền độc lập dân tộc, đi theo học thuyết Mác-Lê-Mao và chủ nghĩa xã hội là 2 sai lầm, hai cạm bẫy chết người đến nay vẫn không thoát. Đó là thân phận chịu làm con tốt đen cộng sản trên bàn cờ quốc tế trong cái phe xã hội chủ nghĩa bị cả thế giới dân chủ coi là nguy cơ diệt chủng của loài người. Hàng triệu thanh niên Việt Nam tuấn tú chết oan nghiệt vì sai lầm này. Chính quyền nước Pháp phạm sai lầm khi nghĩ rằng khôi phục thuộc địa ở Việt Nam, ở Algeria là khôi phục danh dự của nước Pháp. Nếu Việt Nam không chọn sai con đường cộng sản thì vẫn sẽ có độc lập mà không qua chiến tranh, như Malaysia, Indonesia, Ấn Độ, Myanmar vậy.
Trong cuộc chiến 1960-1975 cũng vậy, nếu Việt Nam không dại dột làm một tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa, theo học thuyết Mác-Lê và Mao, thì không thể là đối tượng của chiến lược be bờ đẩy lùi nguy cơ cộng sản chống nhân loại của toàn thế giới dân chủ. Cần nhận rõ là Việt Nam Cộng Hòa đã có nền cai trị tiến bộ hơn hẳn miền Bắc, có tranh cử dân chủ, có tự do báo chí, có 3 quyền phân lập kiềm chế nhau, có nền tư pháp độc lập, và không thể gọi Hoa Kỳ là giặc vì không có ý đồ xâm lược nước ta. Có thể nói gần 60.000 quân nhân Hoa Kỳ bỏ mình trên chiến trường Việt Nam đã hy sinh vì động cơ trong sáng, bảo vệ độc lập tự do cho nhân dân Việt Nam. Trong thâm tâm tôi nghĩ và nay dám nói thẳng nói thật rằng nếu như thống nhất theo mô hình Việt Nam Cộng Hòa thì Việt Nam đã phát triển nhanh hơn, bền vững hơn nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.
Với thời gian, các điều sự thật, chân lý trên đây đã được nhiều người chấp nhận nhưng vẫn còn ít ỏi. Mong sẽ được bàn luận rộng rãi, sôi nổi, sâu sắc hơn nữa. Đây là điểm then chốt mà ông tướng công an đã không dám, không thể đả động đến, vì ông vẫn còn bị cầm tù trong những nhận thức giáo điều ăn quá sâu trong tiềm thức.
Cho nên khi mới thoạt nghe bài nói của ông tướng công an họ Trương tôi đã thấp thỏm mừng. Ông ta lên án bọn bành trướng rắp tâm nuốt chửng nước ta, chúng nó thâm độc lắm, không bao giờ từ bỏ dã tâm bành trướng. Chúng đe dọa, chia rẽ, lôi cuốn, mua chuộc, thâm nhập khắp nơi, còn ta thì mất cảnh giác, tốt với bạn bè quá. Chúng nó vào sâu, rất sâu, lôi kéo hàng trăm, mấy trăm kẻ làm tay sai, còn lôi kéo cả quốc hội, cả nhà nước, cả chính phủ làm tay trong cho chúng. Theo ông, may mà Đại hội XII bừng tỉnh, ghi trong Nghị quyết phải coi trọng lợi ích dân tộc, bảo vệ nền độc lập. Người đọc có lòng với đất nước càng thêm phấn chấn khi ông tướng bốc đồng cho biết Công an đã "theo dõi rất chắc, rất chặt những kẻ cơ hội chính trị rắp tâm tiếp tay cho bọn bành trướng, câu kết với bên ngoài để lật đổ, chống phá ta".
Vậy là ông tướng công an này đã tỉnh ngộ chăng ? Được như thế thì quá tốt.
Nhưng không, không phải vậy. Sau khi ông tướng công an có một lúc như tỉnh, thì sau đó ông ấp úng, lâm vào một cơn mê hoảng dài.
Ông bắt đầu cơn mê khi nói rằng "Trung Quốc họ xấu như thế, mà dù cho có xấu hơn nữa ta vẫn cứ phải tìm cách sống chung với họ". Một thuyết định mệnh mang tính đầu hàng.
Đối với Hoa Kỳ, ông tướng này càng tỏ ra huênh hoang cao ngạo, khoe khoang về chuyện Tổng thống Obama phải mời đích danh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôn trọng thể chế chính trị, bỏ qua những đòi hỏi về dân chủ, nhân quyền, về Việt Nam vào ủy ban thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, "ngồi cùng bàn chung mâm với họ". Ông tướng này còn khoe chuyện tướng Tô Lâm cảnh báo đại sứ Mỹ chớ có theo vết chân người đi trước, o ép Việt Nam. Ông còn cao hứng dùng Hoa Kỳ để dọa Tàu rằng chỉ cần một phát tên lửa là các căn cứ quân sự dày công xây dựng trên 7 đảo nhân tạo ở Biển Đông sẽ thành cát bụi. Ông tự đề cao Việt Nam, rằng "Trung Quốc vô cùng lo ngại rằng Việt Nam ngả về phía Hoa Kỳ", "Mỹ cố tìm cách lôi kéo Việt Nam vào đội hình chống Trung Quốc", và "chỉ có Việt Nam mới chống lại được với Trung Quốc".
Tưởng rằng ông tướng này đã tỉnh ngộ khi nói ra những điều ấy, để rút ra những kết luận khôn ngoan sáng suốt, nhưng thật tội nghiệp cho ông ta, ông ta lại tự vả vào mặt mình khi kết luận ngay rằng "Việt Nam không thể chuyển sang thân Hoa Kỳ", vì như vậy là "từ hang hùm chui sang hang cọp" ! Thế là hết chuyện. Bắc Kinh chỉ mong có điều này.
Dù cho có lúc Hoa Kỳ do tình thế đặc biệt sui ép đã bỏ rơi Việt Nam.
Cho nên bài nói chuyện của ông tướng công an hóa ra vô duyên, cố làm chuyện giật gân, rúng động, nhưng cuối cùng hóa ra nhạt nhẽo vô duyên, nửa tỉnh nửa mê, cuối cùng mê nhiều hơn tỉnh. Tôi tôn trọng ý kiến giải tín hiệu phán đoán của anh Bùi Quang Vơm, nhưng tôi hoài nghi rằng bài nói này không có tác dụng mấy với Linh mục Nguyễn Văn Lý cùng tổ chức và bè bạn thân cận của ông, cũng chẳng có tác dụng gì đến chính sách của tân Tổng thống Trump đã xác định đối với Trung Quốc, cũng không tác dụng gì đến chính sách bành trướng dai dẳng của Trung Quốc.
Cái tỉnh ngộ quan trọng có tính quyết định là nhận thức của số đông nhân dân ta về ta, về bạn, về thù.
Chỉ cần đông đảo nhân dân ta tỉnh ngộ, chung sức chung lòng, chung hành động theo nhận định chuẩn xác ta, thù, bạn, là vấn đề chủ quyền, hòa bình, phát triển, hạnh phúc của nhân dân ta sẽ giải quyết nhanh gọn triệt để, mở ra kỷ nguyên Dân chủ, bù lại sự mất mát vô kể về sinh mạng, tài nguyên, thời gian trong gần một trăm năm qua.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 03/04/2017