Chính trường Việt Nam liên tiếp xảy ra những động thái khá trái ngược liên quan đến số phận của đại gia ngân hàng và cũng được xem là một trong số ‘tay hòm chìa khóa’ của thủ tướng đời trước là Nguyễn Tấn Dũng : ông Trần Bắc Hà.
Tại kỳ họp cuối tháng Năm năm 2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã phát đi bản thông cáo báo chí sau, kết luận những vi phạm của ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ là ‘rất nghiêm trọng’.
Trong hai ngày 27/6 và 28/6/2018, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã họp và công bố thi hành kỷ luật hàng loạt quan chức cao cấp, trong đó khai trừ đảng đối với ‘đồng chí Trần Bắc Hà’.
Nhưng chỉ trước đó chưa đầy một tuần lễ, đã có một hố phân cách lớn giữa quan điểm của cơ quan cảnh sát điều tra của Bộ Công an và cơ quan đảng của Nguyễn Phú Trọng về xử lý Trần Bắc Hà. Vào ngày 21/6/2018, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận lại hồ sơ, cáo trạng vụ án xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) và một loạt các ngân hàng lớn khác gây thiệt hại 6.100 tỷ đồng sau một thời gian điều tra bổ sung. Theo kết quả điều tra bổ sung đại án Phạm Công Danh giai đoạn 2, chưa thấy tài liệu hay chứng cứ, lời khai nào thể hiện ông Trần Bắc Hà hưởng lợi từ việc cho 12 công ty "ma" của Danh vay. Qua đó, cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ xác định ông Trần Bắc Hà và các thành viên Phân ban đồng phạm với Phạm Công Danh về tội "Cố ý làm trái…", nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ xử lý hình sự ông Hà. Kết quả này được cho là không hề khác gì so với cáo trạng trước khi tòa trả hồ sơ điều tra bổ sung.
Vào tháng 10/2017, Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật ông Trần Bắc Hà liên quan vụ án Phạm Công Danh. Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay.
Ngay sau khi Ủy ban Kiểm tra trung ương công bố khai trừ đảng đối với ‘đồng chí Trần Bắc Hà’, một facebooker thạo tin nội bộ là Lê Nguyễn Hương Trà đưa tin trên FB của bà : ‘Tin về Bắc Hà mà mình biết, thì ông đã trở về Việt Nam cách đây 4 tháng, sau khi TAND Tp.HCM mở phiên xử đại án Trầm Bê – Phạm Công Danh ; bị ung thư và điều trị tại Singapore. Sức khỏe hiện vẫn yếu !’
Tin tức trên có thể đáng tin cậy, vì vào đầu năm 2018, Lê Nguyễn Hương Trà đã từng đưa tin về vụ Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ bị bắt ở Singapore và bị dẫn độ về Việt Nam. Vài tháng sau, Lê Nguyễn Hương Trà lại là người đầu tiên đưa tin về vụ các viên tướng công an là Nguyễn Thanh Hóa – Cục trưởng Cục phòng chống tôi phạm công nghệ cao, và Phan Văn Vĩnh – cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát nhân dân thuộc Bộ Công an – bị khám xét nơi làm việc và ‘sắp bị bắt’. Thực tế sau đó đã diễn ra đúng như thế.
Như vậy, có khả năng là ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ sau một thời gian ‘chữa bệnh ở Singapore’ đã trở về Việt Nam, không biết là do ‘tự nguyện’ hay bị cưỡng bức.
Vào đầu năm 2018, vụ án Phạm Công Danh – Ngân hàng Xây Dựng – Trầm Bê mà dẫn đến thất thoát 6.000 tỷ đồng đã được xét xử. Phạm Công Danh bị kêu án rất nặng. Tuy bị triệu tập đến phiên tòa này, Trần Bắc Hà đã không có mặt.
Vào thời gian đó, dư luận xôn xao tin đồn về "sắp bắt Trần Bắc Hà".
Nhưng sau đó, Trần Bắc Hà đã như thể chui xuống đất.
Một khả năng lớn là ông Trần Bắc Hà đã từ Lào qua Thái Lan và bay đến Singapore.
Tại sao phải đi một đường lòng vòng quá mất công như thế, trong khi từ Hà Nội chỉ mất hơn một giờ đồng hồ lại đáp xuống sân bay Singapore ?
Lào – Thái Lan – Singapore lại là lộ trình rất có thể được thực hiện bởi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ, vào những này cuối năm 2017 khi nhân vật này chính thức "ra đi tìm đường cứu nước".
Phải chăng sau một thời gian đào thoát và lẩn trốn ở nước ngoài, Trần Bắc Hà đã bị bắt kín và đưa về Việt Nam mà chắc chắn không còn tự do, thậm chí đang nằm trong một buồng giam nào đó của Bộ Công an ?
Một chi tiết đáng chú ý là mới đây, Tòa án Thành phố Hồ Chí Minh bỗng nhiên tự tin hẳn lên với một quyết định triệu tập ông Trần Bắc Hà ra tòa vì liên quan đến 4.700 tỉ của BIDV tại "đại án" ngân hàng Phạm Công Danh giai đoạn 2. Phiên tòa này xử vụ cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả thiệt hại 6.000 tỉ xảy ra tại Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 24-7 đến ngày 15-8 tới.
Câu hỏi tiếp theo là phải chăng hành động triệu tập đầy tự tin của tòa án xuất phát từ việc tòa này đã biết Trần Bắc Hà không phải ở nước ngoài mà đang ở Việt Nam, thậm chí còn biết đang ở đâu ?
Một dấu hỏi khác cũng mang tính ‘thông điệp chính trị’ không kém : Vì sao kỳ họp của Ủy ban Kiểm tra trung ương vào cuối tháng Sáu năm 2018, trong khi không áp bất cứ mức kỷ luật đảng nào đối với hai quan chức ‘phe ta’ là Nguyễn Bắc Son – cựu bộ trưởng thông tin và truyền thông, và Trương Minh Tuấn – đương kim bộ trưởng bộ này, lại thẳng tay khai trừ đảng ‘đồng chí Trần Bắc Hà’ ? Phải chăng do Trần Bắc Hà là người của ‘thời kỳ trước’, tức thời Nguyễn Tấn Dũng ?
Và phải chăng động thái khai trừ đảng Trần Bắc Hà sẽ dẫn tới quy trình tố tụng hình sự đối với ông Hà, tức Trần Bắc Hà sẽ bị khởi tố và bị bắt giam như đại gia ngân hàng Trầm Bê đã bị bắt vào tháng Tám năm 2017 và sau đó phải nhận cái án 6 năm tù giam ?
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 02/07/2018
Vụ Trịnh Xuân Thanh và hai án lớn 'xử cận nhau' (BBC, 24/01/2018)
Bình luận việc ông Trịnh Xuân Thanh phải ra tòa một vụ khác sau hai ngày vụ xử trước vừa xong, một luật sư từ Việt Nam nói với BBC rằng "ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xử cận nhau như vậy".
Ông Trịnh Xuân Thanh bị tuyên án chung thân trong phiên xử hôm 22/1
Hai ngày sau khi bị tuyên án chung thân trong vụ án tại PVC, ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) lại tiếp tục bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội xét xử tội tham ô tài sản hôm 24/1.
Ra tòa cùng ông là các "đồng phạm" trong số đó có ông Đinh Mạnh Thắng, cựu chủ tịch Hội đồng Quản trị công ty cổ phần đầu tư và thương mại Dầu khí Sông Đà, em trai ông Đinh La Thăng.
Yêu cầu đặc biệt ?
Cáo buộc "tham ô tài sản" xảy ra trong vụ chuyển nhượng cổ phần bất động sản tại dự án Nam Đàn Plaza của Công ty cổ phần bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land).
Cáo trạng nêu ông Thanh và bảy bị cáo "chiếm đoạt 49 tỷ đồng tiền chênh lệch trong thương vụ này".
Riêng ông Thanh bị cáo buộc "tham ô 14 tỷ đồng".
Trả lời BBC từ Thành phố Hồ Chí Minh hôm 24/01, Luật sư Đặng Đình Mạnh, Trưởng văn phòng luật mang tên ông, nói :
"Chắc chắn hai vụ án hình sự về tội danh "Cố ý làm trái…", "Tham ô tài sản" xảy ra tại PVN và PVC và vụ "Tham ô tài sản" tại PVP Land có khối lượng hồ sơ rất lớn".
"Tuy nhiên, hai vụ này lại được đưa ra xét xử cách nhau hai ngày là sẽ là áp lực rất lớn đối với bản thân các bị cáo và các luật sư bào chữa cho họ". "Tôi thật sự khâm phục các luật sư nào đã nhận tham gia cả hai vụ án này".
"Thông thường, chúng ta ít thấy các vụ án lớn được xếp lịch xét xử cận với nhau vậy. Rõ ràng đã có những yêu cầu đặc biệt tác động đối với lịch xét xử".
Trước đó, Jonathan Head, phóng viên BBC về Đông Nam Á bình luận về ông Thanh và phiên xử trước vừa kết thúc hôm đầu tuần :
"Một phiên tòa cấp cao tại Việt Nam xét xử hai quan chức cao cấp của công ty dầu khí quốc gia về tội tham nhũng được xem như là một nỗ lực của phe bảo thủ của Đảng Cộng sản nhằm khẳng định quyền lực của mình".
"Kể từ khi phe bảo thủ của đảng Cộng sản nắm quyền kiểm soát Bộ Chính trị tại đại hội Đảng cách đây hai năm, phe này đã để mắt đến các quan chức được cho rằng đã trở nên giàu có bất thường trong suốt nhiệm kỳ dài 10 năm của Thủ tướng đã bị loại (ousted) Nguyễn Tấn Dũng".
"Được công bố rộng rãi, phiên tòa cho thấy một cảnh tượng về những vị trước đây từng 'không ai chạm tới được' đang khóc lóc xin khoan hồng".
"Lãnh đạo Đảng đang sử dụng các phiên tòa này để bẻ gãy bất kỳ sự phản đối tiềm ẩn nào từ những người thân cận ông Dũng, đồng thời để cho công chúng biết rằng họ nghiêm túc trong việc chống nạn tham nhũng", phóng viên Jonathan Head viết trong bài hôm 22/01 trên trang BBC News bằng tiếng Anh.
Theo báo InfoNet của Bộ Thông tin và truyền thông, ngoài mức án chung thân trong vụ án tại PVC, ông Thanh còn bị buộc bồi thường 34,3 tỷ đồng "đã chiếm đoạt và làm thất thoát".
*************************
Trịnh Xuân Thanh sẽ thoát án tử và được ‘trả lại’ Đức ? (CaliToday, 23/01/2018)
Phiên tòa "Thăng – Thanh" vào tháng đầu tiên của năm 2018 đã kết thúc với cái kết không đến nỗi quá tệ đối với Trịnh Xuân Thanh : chung thân chứ không phải tử hình, dù trước đó nhiều đồn đoán cho rằng Thanh sẽ phải nhận án tử ở ngay phiên tòa đầu tiên. Cũng bởi thế Trịnh Xuân Thanh – tuy nằm trong trại B14 của Bộ Công an nhưng có lẽ cảm nhận được tình thế đối ngoại không đến nỗi bế tắc – đang lóe lên một tia hy vọng rằng trong những tháng hoặc những năm tới, ông ta có thể được nhà cầm quyền Việt Nam "trao trả" cho phía Đức.
https://youtu.be/Rp801N5tyVQ
Thoibao.de – một trang tin của người Việt ở Đức, dẫn nhận định của Hãng thông tấn Đức DPA cho rằng, với khéo léo ngoại giao cũng có thể sẽ đạt được điều như sau, ông Thanh [ngồi tù] trong một vài năm thực sự có thể quay trở lại Berlin – mặc dù ông bị kết án tù chung thân. Do đó người ta có thể hiểu được, thay vì chỉ trích, Bộ Ngoại giao Đức ở Berlin đã tuyên bố : "Những quan sát mà chúng tôi nhận được từ trong phòng [dành cho báo chí theo dõi phiên tòa qua màn hình] thì phần lớn phù hợp với nhà nước pháp quyền, [theo nghĩa thực hiện đúng] những gì mà được ấn định trong Bộ luật hình sự Việt Nam"…
Thái độ có vẻ mềm mại trên của Bộ Ngoại giao Đức là khác hẳn với sự cứng rắn trước đó khi nước này tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 10/2017, đồng thời củng cố thêm một giả thiết trước đó cho rằng có thể Tổng bí thư Trọng đã tìm cách hứa hẹn gì đó với người Đức để "vừa giải quyết đối nội vừa không phải trả giá đối ngoại".
Trịnh Xuân Thanh (giữa) bị dẫn ra tòa ở Hà Nội hôm 22/1/2018. Ảnh : AP
Vào cuối tháng 11/2017, 4 tháng kể từ khi vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" kéo theo cuộc khủng hoảng Đức – Việt, một tín hiệu đầu tiên về khả năng Hà Nội có thể nhượng bộ Berlin mới hiện ra. Theo đó, VOA tiếng Việt cho biết phía Đức đã phản hồi sau khi Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng muốn "khẩn trương" xét xử vụ Trịnh Xuân Thanh. Một nguồn tin không muốn nêu tên trong Bộ Ngoại giao Đức nói rằng chính quyền Berlin "hiện vẫn trao đổi với chính phủ Việt Nam" về vụ ông Thanh. Khi được hỏi phía Hà Nội đã hồi đáp như thế nào trước các đề nghị Berlin đưa ra hồi tháng Chín, trong đó có yêu cầu Việt Nam xin lỗi và cam kết không lặp lại việc vi phạm pháp luật của Đức, nguồn tin ngoại giao này nói : "Việt Nam biết cần phải làm gì để sửa chữa thiệt hại đã gây ra và để từng bước đưa mối bang giao song phương trở lại quan hệ đối tác chiến lược"…
Kể từ tháng 10/2017 khi tạo nên cơn động đất khi đột ngột tuyên bố tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, đó là lần đầu tiên người Đức – dù chỉ là gián tiếp mà chưa có một thông báo chính thức nào – hé ra ý có thể phục hồi mối quan hệ này, do đó cũng mang lại một tia hy vọng cho giới chóp bu Việt Nam bị cáo buộc đã dùng lực lượng mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào cuối tháng 7/2017.
Bản án chung thân đối với Trịnh Xuân Thanh, cho dù ông Trọng hoàn toàn có quyền "tử hình" nhân vật này, cho thấy một khả năng đang dần lộ rõ : nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Châu Âu (EVFTA), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" với Đức một vấn đề quan trọng nào đó.
Vấn đề đó là gì mà đã khiến người Đức tạm nguôi cơn giận dữ ?
Chỉ có thể là chiếu theo yêu cầu bất di bất dịch của Nhà nước Đức về việc Việt Nam phải trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức, nhưng không hẳn để Đức làm thủ tục tị nạn chính trị cho Thanh, mà rất có thể chỉ làm động tác trục xuất cho đúng với thể thức một nhà nước pháp quyền. Còn trục xuất đi đâu, về Việt Nam hay sang một nước thứ ba nào đó thì chưa biết.
Hẳn đó là lý do để ông Trọng tự tin giữ riệt Trịnh Xuân Thanh, không chịu trả trước khi xử án, mà chỉ có thể trả lại sau khi Thanh đã hoàn tất các phiên tòa, kể cả một phiên tòa nữa sẽ được xét xử vào tháng Giêng năm 2018. Khi đó, Trịnh Xuân Thanh sẽ hết "giá trị sử dụng", còn Tổng bí thư Trọng cũng sẽ vớt vát được "thể diện" của ông và nhìn về tương lai EVFTA.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm – gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước Châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng "mất cả chì lẫn chài".
Ngay trước mắt, Đức là nước đang có nhiều lý do đủ thuyết phục nhất để bỏ phiếu phủ quyết đối với EVFTA.
Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm "xử lý nội bộ", vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động Châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.
Thiền Lâm
********************
Trần Bắc Hà ‘đi chữa bệnh’ nhưng sao không có hình ảnh ? (CaliToday, 23/01/2018)
Khoảng trống mà cựu chủ tịch Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà để lại ở phiên tòa xử Phạm Công Danh – Trầm Bê vào tháng 1/2018 ngày càng bao trùm bí ẩn.
Dấu hỏi rất lớn đang được đặt ra là tại sao người đại diện của ông Trần Bắc Hà đã nộp giấy tờ chứng minh ông Hà đang chữa bệnh tại Singapore, đã phẫu thuật vào này 15/1/2018, Hội đồng xét xử đã có vẻ chấp nhận động tác này, nhưng vẫn không có bất cứ hình ảnh nào được công bố cho công luận và báo chí để chứng minh ông Trần Bắc Hà thực sự đang nằm trên giường bệnh ở Singapore ?
Những "triệu chứng" về bệnh nhân Trần Bắc Hà đang khá giống với một trường hợp nổi đình nổi đám vào cuối năm 2014 : Trưởng ban Nội chính trung ương Nguyễn Bá Thanh.
Từ giữa năm 2014, ông Nguyễn Bá Thanh bất ngờ vướng phải một căn bệnh nan y và đã phải đi Mỹ điều trị. Tuy nhiên vào thời gian đó, và tuân theo một căn bệnh truyền thống quá khó chữa, Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe trung ương cùng Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam đã không hề có bất kỳ thông tin nào cho câu hỏi của giới cán bộ về hưu về tình trạng của nhân vật "bắt liền hốt liền" này. Chỉ đến những tháng cuối năm 2014, một trang mạng bất ngờ gây đình đám và cực kỳ nguy hiểm đối với một bộ phận chóp bu Việt Nam – trang Chân Dung Quyền Lực – đã bất ngờ công bố nhiều hình ảnh và tài liệu y khoa về bệnh nhân Nguyễn Bá Thanh trong bệnh viện Mỹ, cùng căn bệnh ung thư giai đoạn cuối, gây nên một cơn bão dư luận ghê gớm và lôi kéo cả những ông xem ôm, bà bán thịt hồi hộp theo dõi số phận của nhân vật gần đất xa trời này.
Cực chẳng đã, cuối cùng "trung ương" đành phải đưa ông Nguyễn Bá Thanh về nước, nhưng lại theo cách nửa kín nửa hở, đặc biệt không có hình ảnh mà chỉ tường thuật lời ông Thanh qua một người trung gian như "tau khỏe mà, có chi mô"…
Chỉ vài tháng sau phát ngôn bất hủ trên, Nguyễn Bá Thanh chính thức qua đời, tạm khép lại một bộ hồ sơ chính trị nội bộ gây quá nhiều nghi ngờ trong lòng công luận.
Giờ đây, công luận cũng đang nghi ngờ, và trên thực tế có quyền nghi ngờ, về trường hợp "không không thấy" của ông Trần Bắc Hà.
Trước khi ông Trần Bắc Hà "phẫu thuật" ở Singapore, vào ngày 13/1 báo Tuổi Trẻ Online đã xác minh rằng theo cơ sở dữ liệu của cơ quan chức năng Việt Nam, ông Trần Bắc Hà đang có mặt tại Việt Nam. Theo nguồn tin này, dữ liệu quản lý của cơ quan chức năng cho thấy lần cuối cùng ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất – nhập cảnh là tại cửa khẩu Bờ Y (huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum – giáp ranh với Lào) vào đầu tháng 11-2017. Từ đó đến nay, dữ liệu chưa ghi nhận ông Trần Bắc Hà làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài. Nói cách khác, nguồn tin từ cơ quan chức năng cho thấy ông chưa xuất cảnh.
Mới đây, trang điện tử Zing.vn lại tung ra một điều tra riêng, cho thấy bản chụp hộ chiếu được hợp pháp hóa lãnh sự cho thấy ông Trần Bắc Hà đã dùng hộ chiếu được Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Pakse (Lào) cấp vào tháng 11/2017. Tại một trang hộ chiếu cho thấy ngày 7/12/2017, ông Trần Bắc Hà xuất cảnh rồi sau đó nhập cảnh vào ngay cửa khẩu La Lay từ Quảng Trị qua tỉnh Salavan (Lào). Trong thời gian cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, ông Trần Bắc Hà đi lại giữa Thái Lan và Lào bằng đường bộ thông qua cửa khẩu Vang Tao. Ngày 7/1, ông Trần Bắc Hà tiếp tục đi qua cửa khẩu Vang Tao qua Thái Lan, rồi từ đó đáp chuyến bay từ Bangkok đi Singapore…
Ảnh : Zing.vn
Như vậy, một khả năng lớn là ông Trần Bắc Hà đã từ Lào qua Thái Lan và bay đến Singapore.
Tại sao phải đi một đường lòng vòng quá mất công như thế, trong khi từ Hà Nội chỉ mất hơn một giờ đồng hồ lại đáp xuống sân bay Singapore ?
Lào – Thái Lan – Singapore lại là lộ trình rất có thể được thực hiện bởi Thượng tá tình báo công an Phan Văn Anh Vũ – tức đại gia Vũ "Nhôm", vào những này cuối năm 2017 khi nhân vật này chính thức "ra đi tìm đường cứu nước".
Ngày càng lộ ra mâu thuẫn lớn giữa lời giải trình của người đại diện của ông Trần Bắc Hà với thực tế Trần Bắc Hà chưa xuất cảnh khỏi Việt Nam từ tháng 11/2017, hoặc Trần Bắc Hà quả thực đã xuất cảnh nhưng "không biết đi đâu". Trong trường hợp đó, một sự thật "kinh khủng" đang xảy đến là hoặc ông Trần Bắc Hà đã xuất cảnh lậu sang Singapore không phải để chữa bệnh mà đã cao chạy xa bay, hoặc ông Hà vẫn còn nguyên trên lãnh thổ Việt Nam nhưng không ai biết ông ở đâu.
Nếu quả thực Trần Bắc Hà vẫn còn ở Việt Nam, tại sao ông ta không lên tiếng, không trả lời cho tòa án ? Phải chăng đây là thái độ cố ý "lánh mặt" – từ ngữ nhẹ nhàng chỉ sự vắng mặt cố ý của ông Trần Bắc Hà, nếu không nói là hành động trốn tránh ? Cơ quan hay những cá nhân nào đã giúp ông Trần Bắc Hà ẩn nấp ở một chỗ nào đó trong lãnh thổ Việt Nam ?
Có lẽ không phải ngẫu nhiên mà vào những ngày này đang lao xao tin đồn về "sắp bắt Trần Bắc Hà".
Trần Bắc Hà không chỉ là một đại gia mà còn là một chính trị gia – hiểu theo một cách nào đó, và đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể trong thời gian gần đây và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình.
Hay ông Hà đã bị bắt nhưng chưa được công bố ?
************************
Ai đã 'đánh cắp' cảng Quy Nhơn ? (Người Lao Động, 24/01/2018)
Làm sao lấy lại được cảng Quy Nhơn sau khi được cổ phần hóa chớp nhoáng, bán cho tư nhân giá rẻ mạt - là câu hỏi đau đáu của người dân.
Tiến hành cổ phần hóa và thoái toàn bộ phần vốn nhà nước tại cảng Quy Nhơn đã diễn ra nhanh đến bất thường. Kết quả cuối cùng là toàn bộ tài sản của cảng biển chiến lược ở miền Trung rơi vào tay một doanh nghiệp với giá chỉ vài trăm tỉ đồng.
Việc cổ phần hóa diễn ra rất bất thường, đến nỗi người dân Quy Nhơn - Bình Định cho rằng cảng Quy Nhơn đã bị "đánh cắp" bởi một nhóm lợi ích mà nhiều người ở thành phố biển này biết rất rõ họ là những ai.
Cảng Quy Nhơn trực thuộc Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) - Bộ Giao thông vận tải nhưng vì sao tháng 7-2015, khi đang giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Nguyễn Văn Thiện lại có văn bản đề nghị Bộ Giao thông vận tải khẩn trương bán phần vốn còn lại cho "nhà đầu tư chiến lược" để tạo nguồn vốn đầu tư, nâng cấp, mở rộng cảng (?).
Cũng vì văn bản này mà ngày 25/5/2017, Ban Bí thư đã có quyết định kỷ luật ông Nguyễn Văn Thiện với hình thức Cảnh cáo vì đã ký văn bản không thông qua tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Vì sao việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn không thuộc trách nhiệm của tỉnh Bình Định nhưng bí thư Thiện lại sốt sắng đến vậy ? Đó cũng là lý do vì sao Thanh tra Chính phủ phải vào cuộc. Đó cũng là lý do vì sao cuối tháng 7-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa cảng Quy Nhơn.
Câu hỏi này sẽ được làm sáng tỏ trong nay mai.
Tuy nhiên, những gì đang diễn ra đã cho thấy có dấu hiệu lợi ích nhóm trong việc bán cảng Quy Nhơn, khi mà "ai đó" đã ép cán bộ - công nhân cảng Quy Nhơn phải ký một lá đơn gửi Thủ tướng Chính phủ với nội dung khẳng định việc cổ phần hóa, thoái vốn ở cảng biển này là đúng pháp luật và rõ ràng !
Cảng Quy Nhơn là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại 1, có cơ sở hạ tầng rất quy mô. Theo nhiều chuyên gia, riêng cầu tàu tiếp nhận được tàu 50.000 tấn vốn xây dựng phải hơn 1.000 tỉ đồng. Cảng còn có 165 phương tiện, thiết bị chuyên dùng trị giá hàng trăm tỉ đồng. Nếu tính riêng cần cẩu bờ di động sức nâng 100 tấn có giá trên 150 tỉ đồng. Đó là chưa kể kho bãi, đất đai thuộc cảng rất lớn. Với khối tài sản đồ sộ như vậy nhưng trước khi cổ phần hóa, cảng Quy Nhơn chỉ được định giá hơn 404 tỉ đồng.
Tháng 9-2013, cảng Quy Nhơn tổ chức bán đấu giá thành công, bán ra 10% vốn điều lệ cho cổ đông tự do, tương đương 4,04 triệu cổ phần. Ngoài ra, còn bán 4,04 triệu cổ phần khác cho "nhà đầu tư chiến lược" là Công ty Cổ phần Đầu tư và Khoáng sản Hợp Thành (Hà Nội). Sau nhiều lần Vinalines chuyển nhượng, Hợp Thành nắm giữ đến 86,23% cổ phần với tổng trị giá chỉ 440 tỉ đồng.
Điều đáng nói là trước khi chuyển nhượng toàn bộ cổ phần cho Hợp Thành trong đợt 2 và đợt 3, giữa năm 2015, lãnh đạo cảng Quy Nhơn có văn bản gửi Vinalines và Bộ Giao thông vận tải đề nghị giữ lại 51% phần vốn nhà nước nhưng không được xem xét. Và tất nhiên, cảng Quy Nhơn ngay lập tức bị nuốt trọn !
Vì sao một cảng lớn như vậy, thoắt một cái đã trở thành cảng của tư nhân với giá bèo đến thế ? Vì sao và ai phải chịu trách nhiệm cổ phần hóa cảng này khuất tất, để tài sản của nhà nước chạy vào tay tư nhân với giá như cho ? Và còn rất nhiều câu hỏi khác…
Làm sao lấy lại được cảng Quy Nhơn sau khi đã cổ phần hóa là một câu hỏi đau đáu không chỉ với dân Bình Định mà là của cả nước. "Cái gì của Caesar phải trả về cho Caesar", tài sản của nhà nước phải trả lại cho dân cho nước.
Nhưng trước hết phải vạch mặt cho được nhóm lợi ích đã tìm mọi cách "đánh cắp" cảng Quy Nhơn, lôi ra ánh sáng...
Lưu Nhi Dũ
*************
"Người đổ vỏ" Ngô Văn Tuấn bị miễn nhiệm chức vụ cuối cùng (CaliToday, 24/01/2018)
Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức kỳ họp bất thường để bãi nhiệm chức danh đại biểu Hội đồng nhân dân đối với ông Ngô Văn Tuấn trong nhiệm kỳ 2016-2021. Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương đảng cộng sản Việt Nam, ông Ngô Văn Tuấn đã "nâng đỡ không trong sáng" đối với bà Trần Vũ Quỳnh Anh.
"Người đổ vỏ" Ngô Văn Tuấn. Ảnh : Internet
Theo truyền thông trong nước cho biết, sáng ngày 24/1 kỳ họp bất thường Hội đồng nhân dân chỉ mời 95 đại biểu, ngoài ra, phóng viên không được phép tham dự.
Tại phiên họp, 90/91 đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã bỏ phiếu thống nhất miễn nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân đối với ông Ngô Văn Tuấn. Phiên họp diễn ra nhanh chóng, gần 9 giờ sáng đã kết thúc.
Cũng trong sáng 24/1, ông Ngô Văn Tuấn đã không có mặt tại phiên họp xử lý mình.
Sau khi kỳ họp kết thúc, phóng viên báo chí dù cố gắng tiếp xúc các ông Trịnh Văn Chiến-Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa nhưng không nhận được câu trả lời.
Việc bãi nhiệm tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân chỉ mang tính thủ tục, vì trước đó, vào ngày 18/1, ông Nguyễn Xuân Phúc-thủ tướng cộng sản Việt Nam đã ký quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa đối với ông Ngô Văn Tuấn. Quyết định này được đưa ra sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra trung ương và ông Tuấn đã bị cách chức mọi chức vụ trong đảng. Ông Tuấn không còn là Tỉnh ủy viên tỉnh Thanh Hóa nữa.
Ông Ngô Văn Tuấn (sinh năm 1966) cho đến nay không còn bất cứ chức vụ nào và số phận của ông cũng sẽ giống như Nguyễn Xuân Anh (cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), nghĩa là sẽ phải về hưu non, do không được điều chuyển đến nơi khác làm việc theo quy định mới mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới ban hành gần đây.
Ông Ngô Văn Tuấn được coi là "người đổ vỏ" cho ông Trịnh Văn Chiến, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, vì cô Trần Vũ Quỳnh Anh là vợ bé của ông Chiến và có với ông này hai người con. Từ một nhân viên hợp đồng, cô Trần Vũ Quỳnh Anh đã dùng nhan sắc để tiến thân. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, cô Quỳnh Anh đã trở thành trưởng phòng Nhà đất và thị trường Bất động sản của Sở Xây dựng. Lúc này, ông Ngô Văn Tuấn chính là giám đốc sở.
Ông Chiến mới đích thị là người "nâng đỡ không trong sáng" cô Trần Vũ Quỳnh Anh thông qua ông Ngô Văn Tuấn. Từ sau Đại hội đảng cộng sản Việt Nam lần thứ XII, nội bộ đảng cộng sản Việt Nam có những xáo trộn lớn, một cuộc thanh trừng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đích thân cầm đầu đã khiến rất nhiều lãnh đạo cao cấp phải điêu đứng, trong đó ông Đinh La Thăng, cựu Ủy viên Bộ Chính trị đã phải vào tù. Ông Trịnh Văn Chiến cũng nằm trong số bị đưa vào lò. Tuy nhiên, không rõ bằng cách nào, dù với rất nhiều tai tiếng nhưng ông Trịnh Văn Chiến lại bình chân như vại, tiếp tục ngồi chiếc ghế Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Thay vào đó, người phải chịu trận cho ông là Ngô Văn Tuấn, phó Chủ tịch tỉnh.
"Kẻ ăn ốc" Trịnh Văn Chiến. Ảnh : Internet
Còn cô Trần Vũ Quỳnh Anh, sau khi những tai tiếng bị phanh phui, báo chí, truyền thông trong nước cũng như hải ngoại đưa tin, cô đã nhanh chóng sắp xếp tẩu tán tài sản cùng với hai người con sang New Zealand định cư.
Người Quan Sát
Cách đây mấy năm, khi có biến – ông Bắc Hà cũng từng bị… "ung thư" – để rồi sau khi Nguyễn Tấn Dũng hoàn hồn, ông lại khỏe như võ sĩ. Một tướng, bám ghế sau hai năm quá tuổi mới chịu bàn giao, năm ngoái vẫn còn kỳ kèo xin một chức trợ lý để hòng ngồi lại ; nay, ngửi thấy mùi còng số 8, nghe nói, lại vừa phát bệnh... ; một tướng khác thì ở trong trạng thái "tâm thần".
Ngửi thấy mùi còng số 8, tướng Trần Bắc Hà (trái) bỗng phát bệnh...
Phát biểu của Đinh La Thăng về giải Nobel Y học thời còn Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh có khi chẳng phải là phét lác, mầm bệnh ung thư ở Việt Nam không như những gì loài người từng biết mà nó di căn bởi nhân cách tế bào.
Rất lạ là quan chức Việt Nam khi còn chức thì lại thường giấu bệnh. Từ Lê Đức Anh, Đào Duy Tùng, đến – đặc biệt là – Đoàn Khuê. Đại tá Vũ Bằng Đình mất chức Giám đốc Viện 108 chỉ vì báo cho Trung ương bệnh án ung thư hạch của tướng Đoàn Khuê ở thời điểm mà ông này khát khao trở thành Chủ tịch.
Trong chính trường Việt Nam, tôi chỉ biết mỗi ông Nguyễn Minh Triết là khác với các đồng chí của mình. Năm 2003, khi đang là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, các bác sĩ phát hiện ông bị ung thư tiền liệt. Sức khỏe trên hết. Việc đầu tiên ông Triết làm là viết đơn từ chức. Tôi nhớ ngay sau đó, cả Tổng bí thư Nông Đức Mạnh & Trưởng ban Tổ Chức Trần Đình Hoan đã đích thân bay vô động viên ông Triết yên tâm chữa bệnh mà không cần từ chức. Không rõ do bác sĩ chẩn đoán sai hay do điều trị kịp thời, ông Triết "vui thú điền viên" tới tận bây giờ sau khi qua một nhiệm kỳ tưng bừng làm Chủ tịch.
Đã từng có một bị án chết vì thực sự ung thư mà (trước sức ép dư luận) không được hoãn thi hành án để điều trị. Tuy nhiên, những hành vi vi phạm pháp luật trước khi bị ung thư, thậm chí trước khi bị tâm thần phải bị khởi tố điều tra. Nếu họ bệnh thật thì cho dù không phải chịu hình phạt tù, trách nhiệm trả lại tiền đã ăn cắp của dân cũng phải tuân theo pháp luật. Những ai thực sự bệnh tật khi tại chức thì cũng nên nêu gương ông Triết, mạng mình còn không quý làm sao các ông biết quý mạng dân. Đừng bám cho đến khi nhân cách bị ung thư tới giai đoạn cuối.
Huy Đức
Nguồn : fb.truonghuysan, 12/01/2018
Đọc thêm :
Cái tên Singapore đã vang lên ít nhất 3 lần trong tháng Một năm 2018.
Ông Trần Bắc Hà (áo xanh, bìa phải) ngồi chắp tay "niệm phật" cùng vợ chồng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ảnh : vietnamthoibao.org
Lần thứ nhất là lễ kỷ niệm "45 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Singapore".
Lần thứ hai là một sự kiện đặc sắc hơn hẳn : một ‘thỏa thuận ngầm" nào đấy giữa hai chính quyền Singapore và Việt Nam đã khiến thượng tá tình báo Phan Văn Anh Vũ - trùm bất đông sản Vũ "Nhôm" bắt buộc phải về Hà Nội "quy án".
Còn vụ việc thứ ba và gần đây nhất, chưa đến mức trở thành sự kiện nhưng cũng đang dần nóng lên, là tình trạng "điều trị ung thư gan" của một đại gia ngân hàng là Trần Bắc Hà - nguyên là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng BIDV mà rất được lòng Ngân hàng nhà nước Việt Nam, đặc biệt vào thời Thống đốc Nguyễn Văn Bình - người được xem là "cánh tay mặt" của thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Nếu đại gia ngân hàng Trầm Bê là người được xem là "tay hòm chìa khóa" của nhóm Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Văn Bình, thì Trần Bắc Hà cũng được xem là có mối quan hệ rất "đặc biệt" với Nguyễn Văn Bình thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Nói cách khác, có thể ví trục Nguyễn Văn Bình - Trần Bắc Hà với trục Nguyễn Tấn Dũng - Trầm Bê.
Trong phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và Ngân hàng Xây Dựng cùng vụ thất thoát đến 6.000 tỷ đồng, Trần Bắc Hà bị triệu tập nhưng đã không có mặt. Nhiều tờ báo ngay lập tức đã tỏa ra săn tin về ông Hà. Báo Thanh Niên đã tìm đến cả hai nơi ở của Trần Bắc Hà ở Hà Nội và Sài Gòn nhưng chính quyền địa phương những nơi này đều không biết ông Hà ở đâu.
Cuối cùng và có vẻ cực chẳng đã, một nguồn tin nào đó trong "nội bộ" đã phải nhờ đến báo chí đăng tải về "Ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng Phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore, có đơn xin vắng mặt, nhờ luật sư tham gia tố tụng tại tòa".
Hầu như rất khó để biết được Trần Bắc Hà có bị bệnh thật hay là không, cho dù Hội đồng xét xử vụ Phạm Công Danh đã thông báo là có nhận được bệnh án của ông Hà. Nhưng trong năm 2017, một hiện tượng xã hội học kiêm chính trị học rất đáng mổ xẻ là "cứ bị triệu tập là kêu bệnh" - như lời tán thán của một số thẩm phán đối với một số vụ án kinh tế. Nhiều "người có liên quan" trong các vụ án này, bình thường vẫn khỏe như trâu, nhưng vừa nghe tin "dính án" thì ngay lập tức đã thấy họ nằm trong bệnh viện và có sẵn một hồ sơ bệnh án thuộc loại "sắp đi".
Có một cơ sở để cho rằng việc báo bệnh của ông Trần Bắc Hà là có thực. Đó là việc Cơ quan điều tra Bộ Công an từng có kiến nghị đề nghị kiểm điểm và xử lý kỷ luật ông Trần Bắc Hà - nguyên chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng BIDV liên quan vụ án Phạm Công Danh. Cơ quan điều tra nhận định các cá nhân này có sai phạm trong việc cho Phạm Công Danh vay tiền nhưng kết quả giám định cho thấy BIDV không có thiệt hại xảy ra nên các cá nhân tại BIDV không phạm tội vi phạm quy định về cho vay. Nếu dựa vào kiến nghị này, ông Hà chẳng có lý do nào phải quá lo ngại.
Tuy nhiên, kiến nghị trên của Cơ quan điều tra là vào tháng 10/2017, tức khi cựu ủy viên bộ chính trị Đinh La Thăng còn chưa bị bắt. Còn bây giờ đang là hai phiên tòa xử Phạm Công Danh và Đinh La Thăng diễn ra cùng thời gian. Do vậy, không có gì chắc chắn là Trần Bắc Hà sẽ hoàn toàn "vô can" và không thể bị bắt.
Một bài học kinh nghiệm xương máu đối với những người như Trần Bắc Hà là vụ Trầm Bê.
Còn hơn Trần Bắc Hà, Trầm Bê là một nhân vật đã từng được dư luận đánh giá là "công an không thể sờ đến". Ngay trước khi Trầm Bê bị bắt vào đầu tháng 8/2017, còn có tin ngoài lề cho biết "Trầm Bê đã thoát".
Nếu Trầm Bê mà còn bị bắt và một cựu ủy viên bộ chính trị như Đinh La Thăng còn phải ra tòa với hai bàn tay bị tra vào còng số 8, cơ may cho Trần Bắc Hà quả thật rất mong manh.
Vào tháng 8/2017, khi Trầm Bê chính thức bị Bộ Công an bắt, một luồng tin đồn nhưng có vẻ có độ tin cậy khá cao đã ám chỉ Trần Bắc Hà sẽ bị bắt.
Trần Bắc Hà không chỉ là một đại gia mà còn là một chính trị gia - hiểu theo một cách nào đó, và đương nhiên đã biết được không ít tin tức cung đình, đặc biệt những tin tức liên quan đến an nguy của mình. Rất có thể trong thời gian gần đây và đặc biệt sau khi Đinh La Thăng bị bắt, ông Hà đã nắm được một nguy hiểm nào đó sẽ xảy đến với mình. Đó chính là lý do mà Trần Bắc Hà quyết định "đi chữa bệnh ở nước ngoài" trong thời gian này nhằm tránh phiên tòa xử Phạm Công Danh.
Vô tình hay hữu ý, địa chỉ "chữa bệnh" của Trần Bắc Hà lại là Singapore - đất nước vừa trục xuất Vũ "Nhôm". Về mặt tiền lệ và "địa lý", đó là một dấu hiệu dường như không được may mắn lắm cho đại gia Trần Bắc Hà.
Nếu trong thời gian tới, Tổng bí thư Trọng tung ra ý chỉ "bằng mọi cách đưa Trần Bắc Hà về quy án", chắc hẳn số phận ông Hà sẽ không còn chỉ bị "kỷ luật" như kiến nghị của Cơ quan cảnh sát điều tra. Khi đó, cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ mất thêm một "người tử tế" nữa.
Thiền Lâm
Nguồn : VNTB, 12/01/2018
**********************
Ông Trần Bắc Hà điều trị ung thư tại Singapore (Người Lao Động, 10/01/2018)
Ông Trần Bắc Hà được điều trị ung thư gan tại một bệnh viện ở Singapore và có đơn xin vắng mặt, nhờ luật sư tham gia tố tụng tại tòa.
Trần Bắc Hà - nguyên là lãnh đạo cao nhất của Ngân hàng BIDV và những núi nợ làm sập cả hệ thống ngân hàng Việt Nam
Một nguồn tin của báo Người Lao Động xác nhận ông Trần Bắc Hà (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị, Trưởng phân ban Rủi ro Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV) đang điều trị ung thư gan có dấu hiệu tái phát tại Bệnh viện Gleneagles, Singapore.
Theo đó, ông Trần Bắc Hà đang chuẩn bị phẫu thuật lần hai.
Trước đó, ông Trần Bắc Hà được Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triệu tập đến phiên tòa xét xử "đại án" Trầm Bê (nguyên Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng quản trị Sacombank) với hai tư cách : Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và là người làm chứng.
Tuy nhiên, ngày 9/1, luật sư của ông Trần Bắc Hà đã nộp đơn của ông này xin vắng mặt và đang chờ tòa cấp giấy chứng nhận đại diện tham gia tố tụng tại tòa.
Ngày 10/1, thẩm phán chủ tọa phiên tòa Phạm Lương Toản đã công bố tại tòa đã nhận được hồ sơ bệnh án ông Hà bị ung thư gan và đơn xin vắng mặt của ông.
http://nld.com.vn/phap-luat/ong-tran-bac-ha-dieu-tri-ung-thu-tai-singapore-20180110121620655.htm
Phạm Dũng
*******************
Con ông Trần Bắc Hà góp vốn xây siêu khách sạn 2.900 tỷ đồng (Zing, 11/11/2017)
Công ty của 2 người con ông Trần Bắc Hà là hai cổ đông trong liên danh xây dựng Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng 2.900 tỷ đồng.
UBND tỉnh Bình Định đã có quyết định chủ trương đầu tư cho Liên danh Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Hưng thực hiện dự án Khu phức hợp khách sạn, thương mại và căn hộ cao cấp Thiên Hưng.
Đây là dự án siêu khách sạn, thuộc một trong những dự án lớn nhất đầu tư tại Bình Định. Dự án có diện tích lên tới 10.840 m2 với tổng vốn đầu tư hơn 2.900 tỷ đồng, thực hiện tại khu đất K200 ở khu đô thị, thương mại, dịch vụ phía Tây đường An Dương Vương, Thành phố Quy Nhơn.
Theo Trung tâm Xúc tiến đầu tư Bình Định, mục tiêu của dự án là xây dựng khu tổ hợp thương mại dịch vụ, căn hộ cao cấp và khách sạn với quy mô 2 tòa tháp cao 39 tầng, nhiều phòng, căn hộ cao cấp để bán hoặc cho thuê. Cùng với đó là hàng trăm phòng khách sạn tiêu chuẩn 5 sao, trung tâm thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí, spa...
Phối cảnh dự án siêu khách sạn Thiên Hưng vốn đầu tư 2.900 tỷ đồng tại thành phố Quy Nhơn. Ảnh: binhdinhinvest.
Bên cạnh sự tham gia của một tập đoàn lớn, liên danh đầu tư dự án có 2 doanh nghiệp là Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Hưng và Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú.
Theo giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Hưng, công ty này được thành lập từ năm 2014, với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản. Đại diện pháp luật của công ty là bà Trần Lan Phương, con gái ông Trần Bắc Hà, cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị của Ngân hàng BIDV.
Hiện tại, bà Phương cũng chính là Giám đốc tại Thiên Hưng.
Công ty cổ phần Tập đoàn An Phú là công ty do con trai ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch BIDV) là ông Trần Duy Tùng sáng lập và hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị. An Phú được thành lập từ năm 2009, với số vốn điều lệ 200 tỷ đồng.
Ông Trần Duy Tùng chính là người mới từ chức khỏi vị trí lãnh đạo cấp cao tại Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (QNP).
Ông Trần Duy Tùng là người mới từ chức sếp lớn tại Cảng Quy Nhơn, một doanh nghiệp kinh doanh nhà, cảng lớn tại Bình Định.
Tuy không có thông tin về tỷ lệ góp vốn của các bên trong dự án siêu khách sạn Thiên Hưng 2.900 tỷ đồng, nhưng với tên gọi dự án là Thiên Hưng, nhiều dự đoán có thể công ty con gái ông Trần Bắc Hà chính là cổ đông lớn nhất trong dự án.
Trên đường Hàn Mặc Tử có khu Resort Hoàng Gia Quy Nhơn tiêu chuẩn 4 sao, tọa lạc trên khu đất hàng chục nghìn m2 trên bờ biển. Khu resort này trước đây thuộc sở hữu của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức, hiện đã được chuyển nhượng lại cho Công ty cổ phần Hoàng Anh Đất Xanh Quy Nhơn, nơi bà Ngô Kim Lan, vợ ông Trần Bắc Hà là chủ sở hữu.
Theo tìm hiểu, khu đất dọc đường Hàn Mặc Từ tại Thành phố Quy Nhơn đều thuộc diện đất “vàng” của thành phố vì có vị trí đắc địa, gần bờ biển thuận lợi phát triển du lịch nghỉ dưỡng. Hiện nay, giá đất được rao bán công khai tại đây cũng chênh lệch bất thường, nhưng không dưới 100 triệu đồng/m2.
Quang Thắng
****************
Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn (vừa có thông báo gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, cho biết ông Trần Duy Tùng không còn tư cách thành viên Hội đồng quản trị (Hội đồng quản trị) kể từ ngày 1/10, sau khi có đơn xin từ chức hôm 22/9.
Ông Trần Duy Tùng (1985), con trai ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch Ngân hàng BIDV, được Đại hội đồng cổ đông thường niên Công ty cổ phần Cảng Quy Nhơn 2017 chấp thuận trở thành thành viên Hội đồng quản trị, sau một thời gian là thành viên tạm thời thay ông Trần Tuấn Nghĩa hồi giữa năm 2016.
QNP trước đây là thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines). Doanh nghiệp này cổ phần hóa năm 2013 và là đơn vị sở hữu cảng biển tổng hợp quốc gia, trọng điểm khu vực miền Trung.
Sau cổ phần hóa, doanh nghiệp tư nhân Đầu tư và Khoảng sản Hợp Thành là cổ đông lớn nhất, với 78% vốn.
Số cổ phần sau đó đã được chuyển cho bà Trần Thị Quỳnh Yên, Tổng giám đốc Hợp Thành, đứng tên. Bà Yên hiện là thành viên Hội đồng quản trị Cảng Quy Nhơn.
Trước đó, Chính phủ yêu cầu thanh tra toàn diện việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn, bởi có dấu hiệu thất thoát tài sản nhà nước tại đây. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hồi tháng 7 cũng đã chỉ đạo khẩn trương thanh tra, kết luận rõ đúng sai trong việc cổ phần hóa Cảng Quy Nhơn.
Ông Trần Duy Tùng rút lui khỏi Cảng Quy Nhơn khoảng hơn 1 tháng sau khi xuất hiện tin đồn ông Trần Bắc Hà bị bắt. Tin đồn sau đó được xác định là thất thiệt, không có căn cứ, nhưng đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam khi đó bốc hơi gần 2 tỷ USD.
H.Tú
‘Bắt Bắc Hà’ không chỉ là tin đồn…
Mà còn có cơ sở.
Hơn cả thế, là "cơ sở thực tiễn" - nói theo ngôn từ rất ưa thích của giới chóp bu Việt Nam.
"Cơ sở thực tiễn" ấy không phải xuất phát từ vài ba nhà đầu tư nhỏ lẻ hay "tay to" muốn trục lợi trong thị trường chứng khoán xanh đỏ mỗi ngày, mà từ… nhà báo Huy Đức.
Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà bắt đầu nghỉ hưu từ ngày 1/9 sau 35 năm công tác
"Cây bút tín hiệu"
Ngày 9/8/2017, Huy Đức "ngẫu hứng" đăng một status trên facebook của ông với tựa đề vỏn vẹn "Bắc Hà". Tuy chẳng viết gì về chuyện ông Trần Bắc Hà - cựu chủ tịch hội đồng quản trị của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển - bị công an bắt hoặc có thể bị bắt, Huy Đức chỉ mô tả kèm hình ảnh "Trong bức ảnh này (Bogaya, Ấn Độ), khi xếp bằng dưới gốc bồ đề nơi được cho là phật tổ từng ngồi, Bắc Hà (phải cùng) là người duy nhất có dáng điệu rúm ró khác thường. Đây là giai đoạn mà ở quốc gia này, Bắc Hà chỉ "dưới Ba Dũng" và hách dịch với phần còn lại, vậy nhưng khi đối diện với thần linh nhìn ông ta vô cùng sợ hãi." Cùng ngày, chỉ số chứng khoán Việt Nam lao dốc đến hơn 2%.
Huy Đức không chỉ là tác giả của "Bên thắng cuộc" vào thời gian năm 2013, mà từ cuối năm 2015 đến nay còn nổi tiếng ở một khía cạnh khác : nhà báo này được một số dư luận xem là "tín hiệu" cho những cuộc kỷ luật hoặc bắt bớ trong nội bộ.
Vào tháng 10/2015 - gần 3 tháng trước khi diễn ra đại hội 12, cây viết Huy Đức đã tung lên mạng xã hội bài "Em vợ thủ tướng & siêu lừa Dương Thanh Cường", mổ xẻ chi tiết về vợ chồng tướng công an Trần Quốc Liêm - em vợ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - mà Huy Đức xem là "mắt xích" quan trọng nhất trong vụ án Dương Thanh Cường (lừa đảo ngân hàng Agribank 966 tỷ đồng). Sau đó, người ta chứng kiến Thủ tướng Dũng phải làm bản giải trình 12 điểm cho Bộ Chính trị, rồi "rớt đài" đau đớn tại Đại hội 12. Từ sau đại hội 12 đến nay, không biết tướng Liêm ở đâu. Thậm chí có luồng thông tin cho rằng ông Liêm đã hoàn toàn "mất tích".
Vào tháng 9/2016 và ngay trước Hội nghị trung ương 4, Huy Đức lại có bài ‘THANH hay THĂNG’ trên blog Ba Sàm. Đây là một bài báo rất đáng chú ý, xét về tính tín hiệu chính trị cho cuộc thanh trừng trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây lần đầu tiên Huy Đức đề cập trực tiếp với chiều sâu về nhân vật Đinh La Thăng - khi đó là Ủy viên bộ chính trị và Bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Huy Đức kết luận trong bài ‘THANH hay THĂNG’ : "Thanh – Thuận, cho dù tội trạng tày đình cũng chỉ là kẻ thừa hành. PVC chưa phải là mất mát đau nhất ở PViệt Nam dưới thời Đinh La Thăng ; di sản của ông ta sau 5 năm ở đây chỉ có thể nói là "tan hoang". Nếu các cơ quan pháp luật muốn làm tới nơi thì quy mô của vụ án không chỉ "xảy ra ở PVC" mà là ở PVN, vấn đề không phải là Thuận hay Thanh mà là Thăng".
Có thể hình dung, bài viết trên đã hướng Cơ quan điều tra C46 của Bộ Công an sang một "quy trình" mới : PViệt Nam (Tập đoàn Dầu khí quốc gia).
Nhưng có vẻ vào tháng 9/2016, Huy Đức đã bị "việt vị". Hội nghị trung ương 4 trôi qua buồn tẻ và chẳng hề xuất hiện hồ sơ nào của Vũ Đức Thuận, còn vị thế của Đinh La Thăng vẫn nguyên vẹn.
Phải đến tháng 5/2017, tại Hội nghị trung ương 5, Huy Đức mới toại nguyện khi Đinh La Thăng bị "đá" khỏi Bộ chính trị và chức vụ bí thư thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, cùng lúc nhân vật này bị "nhốt quyền lực vào lồng" - theo cách nói sính dùng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - tại Ban Kinh tế trung ương cùng với Nguyễn Văn Bình - cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước và cũng là người được xem là trợ thủ đắc lực của Nguyễn Tấn Dũng thời ông Dũng còn là thủ tướng.
Đầu tháng 8/2017, Huy Đức lại là nguồn tin đầu tiên phát tín hiệu "bắt Trầm Bê". Trầm Bê là một đại gia ngân hàng, người được xem là "tay hòm chìa khóa" của nhóm Nguyễn Tấn Dũng - Nguyễn Văn Bình.
Còn lúc này là Trần Bắc Hà…
Trục "Nguyễn Văn Bình - Trần Bắc Hà" ?
Trần Bắc Hà cũng được xem là một đại gia ngân hàng. Nhưng hơn cả thế, ông Hà được cho rằng có mối quan hệ rất "đặc biệt" với Nguyễn Văn Bình thời ông Bình còn là thống đốc Ngân hàng nhà nước. Nói cách khác, có thể ví trục Nguyễn Văn Bình - Trần Bắc Hà với trục Nguyễn Tấn Dũng - Trầm Bê.
Một sự trùng hợp đáng điên đảo đối với ông Trần Bắc Hà là vào tháng Tám này - thời điểm có "tin đồn" ông Hà bị bắt, lại "ứng" với tháng Tám năm 2012 khi một đại gia ngân hàng là Bầu Kiên bị bắt thật, khiến thị trường chứng khoán lao dốc không phanh trong suốt mấy phiên.
Vào buổi sáng ngày 9/8/2017, mặc dù một quan chức (giấu tên) của Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã giải thích với báo chí rằng không có chuyện bắt ông Trần Bắc Hà, nhưng cái cách mà chỉ số chứng khoán Việt Nam vẫn tiếp tục lao dốc đến hết ngày hôm đó đã cho thấy "tin đồn" diễn biến theo cách không có lửa sao có khói.
Trước khi bị bắt vào năm 2012, Bầu Kiên cũng vài lần bị "tin đồn", và cũng có quan chức đứng ra thanh minh "không có chuyện bắt ông Nguyễn Đức Kiên".
Ngay trước khi Trầm Bê bị bắt vào đầu tháng 8/2017, cũng có tin ngoài lề cho biết "Trầm Bê đã thoát".
Điểm tương trùng với sự kiện bắt Bầu Kiên năm 2012 là vào ngày 9/8/2017 khi chỉ số chứng khoán lao dốc, đã không có hiện tượng những nhà đầu tư nào đó cố ý tung tin đồn để trục lợi bằng hành vi "gom hàng giá thấp".
Chiến dịch được tuyên truyền là "chống tham nhũng" của Tổng bí thư Trọng đang phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu. Một trong những nhân vật được dư luận cho rằng nằm trong "vây cánh Nguyễn Tấn Dũng" mà sẽ bị ông Trọng "tỉa từng người một" là đương kim ủy viên bộ chính trị Nguyễn Văn Bình.
"Nguy cơ mất chế độ, mất Đảng chứ không phải chuyện đùa"
Ba ngày trước khi xuất hiện "tin đồn" ông Trần Bắc Hà bị công an bắt, vào chiều ngày 6/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có một cuộc tiếp xúc với cử tri quận Tây Hồ. Tại đây, khi nói về vấn đề chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, lần đầu tiên ông Trọng tán thán "Dư luận bức xúc lắm, nguy cơ mất chế độ, mất Đảng chứ không phải chuyện đùa".
Vào những năm 2011 - 2012, Tổng bí thư Trọng mới chỉ lo ngại về "sự tồn vong của chế độ", liên quan đến tham nhũng.
Giờ đây, "cây bút tín hiệu" Huy Đức có lẽ đang báo trước một "điềm", nếu không phải xấu thì cũng chẳng tốt lành gì, dành cho ông Trần Bắc Hà, dù ông đã lui về hưu trí từ năm ngoái.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 14/08/2017