Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nếu căn cứ vào Bộ luật hình sự 2015, Điều 229. "Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai", đã có thể khởi tố vụ án hình sự trong sai phạm về quy hoạch ở khu đô thị mới Thủ Thiêm.

saipham1

Báo chí trong nước khai thác công bố của Thanh tra chính phủ về những sai phạm trong vụ Thủ Thiêm

Chiều ngày 7/9, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ chính thức công bố kết luận kiểm tra một số nội dung chủ yếu liên quan đến việc khiếu nại của công dân về khu đô thị mới Thủ Thiêm (Thành phố Hồ Chí Minh).

Những sai phạm được điểm danh (trích)

Kết quả kiểm tra cho thấy :

- Các văn bản trên (như : tờ trình, văn bản thẩm định của UBND Thành phố, Bộ Xây dựng và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) nêu không đầy đủ, cụ thể về ranh giới, vị trí quy hoạch, nhất là "các hồ sơ kèm theo" theo quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994, Thông tư số 25/BXD-KTQH ngày 22/8/1995 và Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 như : toàn bộ phần bản vẽ gồm sơ đồ hiện trạng ; các loại bản đồ quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hạ tầng, điện, nước, môi trường và các loại văn bản thuyết minh, thỏa thuận...

Dẫn đến, qua thời gian dài cùng với công tác lưu trữ không tốt của các cơ quan liên quan (Bộ Xây dựng, Văn phòng Chính phủ…), UBND Thành phố và các sở, ngành không cung cấp đầy đủ được các hồ sơ, tài liệu chính thức kèm theo Quyết định số 367/TTg, nhất là các bản đồ quy hoạch 1/5000.

- Kiểm tra tại Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm và Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố chỉ cung cấp được 02 loại bản đồ quy hoạch 1/5000 gồm :

1. Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng 1/5000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm ghi ngày 12/6/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan (Công ty Dịch vụ phát triển Đô thị - UDESCO là đơn vị lập, Sở Xây dựng và Kiến trúc sư trưởng Thành phố cho thấy : có một số lô đất, trong đó có phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An chỉ thể hiện ở bước nghiên cứu, đề xuất quy hoạch ; trên bản đồ quy hoạch không thể hiện các chỉ tiêu kiến trúc, quy hoạch (số lô, diện tích, hệ số sử dụng đất…) là không đúng so với quy định tại Quyết định số 322/QĐ-BXD ngày 28/12/1993 của Bộ Xây dựng quy định về việc lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị.

2. Bản đồ quy hoạch sử dụng đất (từ 5 đến 10 năm) với tỷ lệ 1/5000 lập ngày 20/11/1995 có đóng dấu của các đơn vị liên quan như nêu trên, nhưng không xác định một phần Khu phố 1, phường Bình An thuộc phạm vi lập quy hoạch.

Như vậy, phần diện tích khoảng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An không có trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm (phần lõi với diện tích 770 ha) được phê duyệt tại Quyết định số 367/TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, nội dung này cũng được Thanh tra Thành phố thực hiện thanh tra năm 2008 và đã có Kết luận, theo đó, UBND Thành phố đã xác nhận, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 484/UBND-ĐTMT ngày 07/9/2009.

Về quy hoạch chi tiết 1/2000

Căn cứ Văn bản số 2704/CV-UB- QLĐT của UBND Thành phố về việc giao nhiệm vụ phê duyệt quy hoạch 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày 16/9/1998, Kiến trúc sư Trưởng Thành phố có Quyết định số 13585/KTST-QH phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị mới Thủ Thiêm với diện tích Khu đô thị mới là 748 ha (gồm : 618 ha đất và 130 ha mặt nước sông Sài Gòn) có vị trí phía bắc, phía nam, phía tây giáp sông Sài Gòn, phía đông giáp phần còn lại của phường An Khánh.

Kết quả kiểm tra cho thấy :

- Theo quy định tại Nghị định số 91/NĐ-CP ngày 17/8/1994, thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/2000 đối với Khu đô thị mới Thủ Thiêm thuộc UBND Thành phố, nhưng UBND Thành phố đã giao cho Kiến trúc sư trưởng phê duyệt, trong đó,giảm khoảng 26,3 ha (có bao gồm 03 ha mặt nước) so với Quyết định số 367/TTg, nguyên nhân là do : đã giao đất cho 05 doanh nghiệp đầu tư dự án kinh doanh nhà ở, khu vui chơi, giải trí, thương mại với tổng diện tích 23,3 ha thuộc phường Bình An, Quận 2 trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch và bổ sung vào trong ranh quy hoạch khoảng 4,3 ha thuộc một phần khu phố 1, phường Bình An hiện nay.

Việc làm này của Kiến trúc sư trưởng Thành phố là không đúng thẩm quyền khi chưa được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh tăng, giảm diện tích, theo đó, ranh quy hoạch Khu đô thị mới đã thay đổi về phía bắc thuộc Khu phố 1, phường Bình An tăng 4,3 ha, giảm 26,3 ha, vi phạm quy định tại Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ.

- Quyết định số 13585/KTST-QH ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng Thành phố, trong đó, ghi vị trí giới hạn không đúng so với bản đồ và thực địa, cụ thể : quyết định nêu "Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (quận Bình Thạnh) và xa lộ Hà Nội ; phía Nam giáp sông Sài Gòn (quận 7) ; phía Đông giáp phần còn lại phường An Khánh, Quận 2 : phía Tây giáp sông Sài Gòn (trung tâm quận 1)".

Nhưng theo bản đồ và thực tế đúng phải là : "Phía Bắc giáp sông Sài Gòn (Quận Bình Thạnh) và một phần phường An Khánh, Bình An, Quận 2 ; Phía Nam giáp sông Sài Gòn (Quận 7) ; Phía Đông giáp phần còn lại của phường Bình Khánh, Quận 2 ; Phía Tây giáp sông Sài Gòn (Quận 1)". Đây là một trong các nguyên nhân dẫn đến người dân khiếu nại về ranh quy hoạch và đền bù, giải phóng mặt bằng.

- Trước đó, ngày 15/01/1998, UBND Thành phố đã có Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT phê duyệt điều chỉnh quy hoạch các khu vực không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn Quận 2, trong đó quy định 06 khu vực được quy hoạch không bán nhà thuộc sở hữu nhà nước (gồm : Khu trung tâm thành phố mới ; Khu quy hoạch An phú – An Khánh ; Khu liên hợp thể dục thể thao Rạch Chiếc ; Ga Thủ Thiêm ; Khu công nghiệp Cát Lái và Khu biệt thự Thảo Điền – An Phú), nhưng không xác định cụ thể quy mô diện tích của từng khu vực. Theo đó, người dân đã cho rằng Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không có trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm, phát sịnh khiếu nại.

Tuy nhiên, theo quy định tại Nghị định 91/NĐ-CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ, Quyết định số 255/QĐ-UB-QLĐT không phải là căn cứ xác định ranh quy hoạch, thu hồi và giao đất Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Về thu hồi đất

Ngày 04/01/2002, UBND Thành phố có Văn bản số 70/UB-TH đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thu hồi toàn bộ diện tích đất quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm theo Quyết định số 367/TTg là 930 ha, trong đó, khu đô thị mới 770 ha đất và khu tái định cư 160 ha, nhưng không xác định ranh giới, vị trí khu tái định cư.

Ngày 22/02/2002, căn cứ văn bản nêu trên của UBND Thành phố, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 190/CP-NN cho phép UBND Thành phố căn cứ Quyết định số 367/TTg thu hồi 930 ha đất gồm : 770 ha đất để xây dựng khu đô thị mới và 160 ha khu tái định cư nằm ở vị trí thuộc 05 phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm.

Căn cứ Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN của Thủ tướng Chính phủ, UBND Thành phố đã có Quyết định số 1997/QĐ-UB ngày 10/5/2002 về việc thu hồi và giao đất xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, trong đó : thu hồi 621,4 ha đất nằm trong quy hoạch tại các phường An Khánh, An Lợi Đông, Bình An, Bình Khánh và Thủ Thiêm thuộc Quận 2 và giao cho Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm tổ chức bồi thường và quản lý đầu tư xây dựng.

Qua kiểm tra cho thấy :

UBND Thành phố căn cứ vào Quyết định số 367/TTg và Văn bản số 190/CP-NN được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thu hồi 4,3 ha đất thuộc khu phố 1, phường Bình An để thực hiện một số dự án trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm là chưa đủ cơ sở pháp lý, dẫn đến, thiếu căn cứ thực hiện, không xác định đúng, đủ diện tích đất phục vụ tái định cư theo quy hoạch, cần rà soát và có giải pháp giải quyết phù hợp.

Cần khởi tố vụ án theo Điều 229, Bộ luật hình sự

Nội dung về điều luật hình sự này có nội dung như sau :

"1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm :

a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2) ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2) ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2) ;

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp ;

c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm : a) Có tổ chức ; b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2) ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2) ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2) ; c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp ; d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm :

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên ; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên ; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên ;

b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".

Tuy nhiên trong phần "Kiến nghị xử lý", bản kết luận kiểm tra nói trên chỉ đưa ra đề xuất là xem xét xử lý hành chánh, không thấy đề cập đến các dấu hiệu sai phạm vốn phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật hình sự.

Giơ cao đánh khẻ là vậy !.

Trần Thành & Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 09/09/2018

Published in Diễn đàn

Trong những dịp gặp gỡ thân hữu, cựu bộ trưởng tư pháp Nguyễn Đình Lộc từng nói rằng rất có thể việc tư hữu hóa đất đai sẽ là tử huyệt của thể chế chính trị !

"Hiện nay đất đai thuộc sở hữu toàn dân có rất nhiều biến dạng, đất đai phân hóa và có nhiều người đang nắm những tài sản lớn. Bây giờ tư hữu hóa đất đai trở lại thì có những hệ quả không thể lường trước được cho nên sẽ có những bất ổn. Có rất nhiều kiến nghị nhưng cuối cùng vẫn chưa thực hiện được, chẳng hạn trở lại nhiều hình thức sở hữu. Có những vấn đề đang rất lúng túng, cho nên trước mắt phải thực hiện cái sở hữu toàn dân, nhưng mà Nhà nước sẽ có những chính sách mềm dẻo để khuyến khích mọi người gắn bó với ruộng đất, nhưng đồng thời tránh lạm dụng". Ông Nguyễn Đình Lộc chia sẻ như vậy.

sohuu1

Cánh đồng lúa huyện Chương Mỹ - Hà Nội

Công hữu hóa đất đai là đòn bẫy của tham nhũng quyền lực

Ông Lộc dè dặt cũng đúng vì đã ngồi ghế bộ trưởng Tư pháp đến 10 năm. Có lẽ ông đang lo rằng nếu sắp tới đây Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chấp nhận về một nghị quyết đa dạng hóa quyền sở hữu đất đai, thì sẽ mau chóng lộ mặt những ông bà chủ sở hữu đất đai ở khu Thủ Thiêm chẳng hạn, lại là những chính khách từng sắm vai chóp bu trong bộ sậu quyền lực quy hoạch đất đai.

Nói hình tượng chút, có lẽ vị cựu bộ trưởng Tư pháp đang lo lắng dùm cho ai đó trong bộ máy cầm quyền như một gã phàm ăn nuốt phải lưỡi câu : Nuốt tiếp thì vướng cước và có thể bị chọc thủng dạ dày, mà lôi ra thì móc vào cổ họng.

Từ câu chuyện đang diễn ra ở Thủ Thiêm, quận 2 Sài Gòn cho thấy có mối bùng nhùng trong sở hữu đất đai khiến các nhà quản lý lúng túng. Ngay trong các văn bản pháp luật hiện hành đã thể hiện sự không đồng nhất trong việc xác định quyền sở hữu đất đai. Nếu như Hiến pháp quy định "đất đai là tài sản thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu đất đai trên toàn lãnh thổ", thì Bộ Luật Dân sự lại quy định đất đai là một trong những loại tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Trong khi đó, Luật Đất đai lại quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu"...

sohuu2

Ông Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng Bộ tư pháp (người ngồi giữa) trong một cuộc họp.

Vấn đề cốt lõi về quyền sở hữu do 3 yếu tố cấu thành. Thứ nhất là quyền chiếm hữu, thứ hai là quyền định đoạt và thứ ba là quyền hưởng lợi. Cả ba quyền này suy cho cùng đều là quyền tài sản, có quyền buôn bán được.

Chiều hôm 9/5, tại quận 2 có buổi gặp gỡ giữa chính quyền với người dân Thủ Thiêm. Xin được trích sổ tay phóng viên : "Một người nói : Nhà tôi mặt tiền đường Lương Định Của, giá thị trường 200 triệu đồng/m2. Chính quyền bồi thường 18 triệu đồng/m2, ưu tiên cho xuất mua chung cư tái định cư giá 20 triệu đồng/m2. Vậy đó, tôi mất nhà, mất chỗ làm ăn buôn bán, lại phải mang nợ thêm 2 triệu/m2 nhà. Mà nhà tôi thì ở ngoài ranh qui hoạch, không tin thì mở bản đồ ra xem".

Hầu hết những người dân hôm nay đều khẳng định như vậy : "Nhà tôi ngoài ranh qui hoạch. Bản đồ chứng minh đây..".. Còn chủ tịch quận 2 thì nói : "Vấn đề trong hay ngoài ranh thì quận chưa trả lời được, chúng tôi chờ trả lời của Thành phố rồi mới giải quyết được khiếu nại của bà con". Chưa trả lời được nhưng nhà của dân đã bị giải toả rồi. Giải tỏa trắng. Câu trả lời của chủ tịch quận chưa dứt, dưới các hàng ghế hội trường hàng loạt người đã bật dậy kêu khóc phẫn nộ…". (hết trích)

Như vậy thực chất chẳng có người dân nào có quyền sở hữu đất. Có cả chục cuộc gặp gỡ nữa như hôm 9-5 ở quận 2 xem ra cũng chẳng giải quyết được gì ; có chăng cũng chỉ là tình thế mang tính tạm bợ. Những ai đẩy toàn dân xuống vực thẳm sa lầy vì chính sách đất đai sở hữu toàn dân, thì chính họ phải có trách nhiệm kéo người dân do khỏi bãi lầy đó.

Nhà nước của dân, mà lại sợ dân có quyền tư hữu

Trở lại với câu hỏi sẽ là tử huyệt của ai nếu tư hữu hóa đất đai ?

Tư hữu và công hữu khác nhau trước hết ở chủ thể có quyền sở hữu. Thay đổi chủ thể có quyền sở hữu có nghĩa thay đổi chủ thể có quyền định đoạt. Ở đây hiện đang là Nhà nước có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai. Từ vụ quy hoạch Thủ Thiêm, cho thấy những quan chức chóp bu như Lê Thanh Hải thích thu hồi là sẳn sàng sử dụng quyền lực để sửa lại quy hoạch và thu hồi. Ai dám ngăn cản việc thu hồi sẽ bị quy tội chống đối nhà nước, và thẳng tay cưỡng chế. Hòa thượng Thích Không Tánh, Viện chủ chùa Liên Trì là một nạn nhân như vậy.

Nếu thay đổi chủ thể có quyền định đoạt, có nghĩa người dân có quyền định đoạt việc sử dụng đất đai của mình. Nhà nước muốn thu hồi phải được sự đồng ý của dân, tất nhiên trừ những trường hợp vì lợi ích chung. Dân không muốn cho Nhà nước sử dụng đất của họ, thì Nhà nước muốn cưỡng chế cũng không được. Khi ấy sẽ không còn cơ hội cho những nhóm lợi ích thâu tóm đất đai để chiếm lợi về mình.

sohuu3

Không công nhận tư hữu đất đai dẫn đến nhiều xung đột xã hội hiện nay.

Phía bảo thủ sẽ cho rằng thay đổi chế độ sở hữu sẽ làm thay đổi pháp luật phức tạp. Lý do này vớ vẩn, hệ thống pháp luật của Việt Nam luôn luôn thay đổi, 30 năm trước cũng thay đổi lại toàn bộ và đất nước tiến lên. Vậy cớ gì thay đổi pháp luật thì dân nghèo nước yếu ! ?

Phía bảo thủ lập luận là một khi thay đổi chế độ sở hữu sẽ làm hỏng chế độ xã hội chủ nghĩa. Lý do này cũng vớ vẩn nốt. Nói theo cách của tuyên giáo Đảng, thì chế độ xã hội chủ nghĩa đơn giản là có đặc điểm là kỹ thuật tiên tiến, khoa học phát triển, dân trí cao, con người công bằng bình đẳng với nhau... Còn cái công hữu tư liệu sản xuất, đã là sang tận chủ nghĩa cộng sản rồi.

Phía bảo thủ lo việc thay đổi chế độ sở hữu sẽ dẫn tới thay đổi hệ thống hành chính. Tiếp tục nói theo ngôn ngữ tuyên giáo, Nhà nước là của dân thì thành lập, thay đổi hay tiêu diệt nó đều là quyền của dân, không phải quyền của nhà nước. Lo bò trắng răng làm chi.

Tạm kết

Một trong những ông tổ của chủ nghĩa tư bản, Adam Smith, đã nhận ra mặt trái của chủ nghĩa tư bán "ở đâu có sở hữu (tư) tài sản thì ở đó có bất công. Chế độ (pháp lý) tư hữu được thiết lập nhằm bảo vệ người giàu chống lại người nghèo hay người có tài sản chống lại người không có tài sản".

Thế hệ cha ông đi làm cách mạng là mong muốn xóa bỏ cảnh "người bóc lột người" (người nắm trong tay tư liệu sản xuất bóc lột người không có tư liệu sản xuất, theo lý luận của Marx), để người nghèo có ruộng, mà bây giờ chấp nhận sở hữu tư nhân đất đai thì há chẳng phải là quay về bến cũ sao ?

sohuu4

Tư hữu đất đai là cơ sở quan trọng cho sự thúc đẩy Cách mạng 4.0 mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang mong muốn hướng tới

Nói thế để thấy nói thay đổi thì dễ, nhưng thay đổi được hay không thì còn phải bàn cãi nhiều.

Quan điểm của người viết trước giờ thì vẫn ủng hộ "tư hữu tài sản", bởi vì chỉ có chế độ tư hữu mới bảo đảm khai thác tài sản ở mức hiệu quả cao nhất. Còn mặt trái của chủ nghĩa tư bản thì phải dùng các chính sách của nhà nước để khắc phục. Chứ cứ lửng lửng lơ lơ như hiện tại thì tài sản của quốc gia vẫn cứ mất dần dần (thông qua các quyết định cấp đất, thu hồi đất sai trái, không minh bạch của các quan chức được giao quản lý) mà người dân thì cũng chẳng an tâm sản xuất, hoạt động kinh doanh trên mảnh đất của mình.

Hơn nữa đất đai không còn là tư liệu sản xuất chủ yếu và quan trọng nhất trong nền sản xuất hiện đại phụ thuộc nhiều vào tri thức như ngày nay nữa. Cách mạng 4.0 như kỳ vọng qua nhiều phát biểu về chuyện này của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là một ví dụ.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 12/05/2018

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của nhóm tác giả về quyền tư hữu đất đai tại Việt Nam - Quan điểm được bảo hộ bởi Điều 19 - Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền.

********************

Sở hữu đất đai : tử huyệt của chế độ

Nam Nguyên, phóng viên RFA

Nhà nước Việt Nam vẫn quyết tâm duy trì đất đai là sở hữu toàn dân như một cách khẳng định quyền sở hữu này thuộc về Nhà nước. Tại sao, cứ nhất quyết không cho tư hữu đất đai mặc dù mọi tầng lớp nhân dân đều mong muốn sự cải cách.

Trái hiến pháp

Từ hiến pháp 1980 Việt Nam khởi sự hiến định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước quản lý, Hiến pháp 1992 duy trì điều này. Dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi đang được góp ý hiện nay cũng tiếp tục khẳng định người dân không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền sử dụng đất.

sohuu5

Đất trồng hoa màu bên cạnh những tòa nhà căn hộ cao cấp tại quận Cầu Giấy, thành phố Hà Nội hôm 24 tháng 06 năm 2010. AFP

Giáo sư Hoàng Xuân Phú, Viện sĩ Thông tấn Hàn lâm, từ Hà Nội nhận định trên mạng xã hội cho rằng, vấn đề đất đai sở hữu toàn dân chẳng khác nào một tử huyệt của chế độ. Vì dưới một chính quyền tốt có khả năng thì đất đai sở hữu toàn dân có thể tạo nên sức mạnh để phát triển. Nhưng khi chính quyền tha hóa tham nhũng thì đất đai sở hữu toàn dân là cơ hội đục khoét.

Đối với vấn đề vừa nêu, tối 15/1/2013 Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc, cựu Bộ trưởng tư pháp từ Hà Nội nhận định :

"Nói tử huyệt thì cũng không hẳn như vậy, nhưng vấn đề không hề đơn giản. Bản thân chúng tôi thấy rằng tình hình khó mà lường trước được cho nên phải có chế độ từng bước một, hình dung được từng bước một như thế nào thì nó mới hợp lý".

Trong bài viết của mình, Giáo sư Hoàng Xuân Phú phân tích rõ hơn về việc tại sao Đảng và Nhà nước gặp khó đến vậy trong việc trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân. Theo ông, có quá nhiều câu hỏi chưa được giải đáp vì, đất đai vốn dĩ nằm trong trạng thái phân bổ tương đối ổn định và hợp lý về mặt lịch sử, nhưng mấy chục năm qua bị đẩy vào tình trạng hỗn loạn. GS Hoàng Xuân Phú ví  bộ máy cầm quyền như một gã phàm ăn  nuốt phải lưỡi câu: Nuốt tiếp thì vướng cước và có thể bị chọc thủng dạ dày, mà lôi ra thì móc vào cổ họng.

VIETNAM-POLITICS-VOTE

Một bức tranh cổ động kêu gọi người dân Phát huy quyền làm chủ, ảnh chụp hôm 19 tháng 05 năm 2011 tại Hà Nội. AFP PHOTO. Photo: RFA

Trả lời Nam Nguyên về việc tại sao Đảng và Nhà nước cứ phải duy trì đất đai sở hữu toàn dân mà không thể thay đổi trong dịp sửa hiến pháp năm nay, trong khi nhu cầu cải cách là bức thiết và phản biện của nhân sĩ trí thức chuyên gia và ý kiến người dân đều mong muốn được trả lại quyền sở hữu đất đai. Tiến sĩ Nguyễn Đình Lộc nhận định :

"Hiện nay đất đai thuộc sở hữu toàn dân có rất nhiều biến dạng, đất đai phân hóa và có nhiều người đang nắm những tài sản lớn. Bây giờ tư hữu hóa đất đai trở lại thì có những hệ quả không thể lường trước được cho nên sẽ có những bất ổn. Có rất nhiều kiến nghị nhưng cuối cùng vẫn chưa thực hiện được, chẳng hạn trở lại nhiều hình thức sở hữu. Có những vấn đề đang rất lúng túng, cho nên trước mắt phải thực hiện cái sở hữu toàn dân nhưng mà Nhà nước sẽ có những chính sách mềm dẻo để khuyến khích mọi người gắn bó với ruộng đất, nhưng đồng thời tránh lạm dụng".

Nên đa sở hữu

Bà Phạm Chi Lan, nguyên thành viên ban tư vấn kinh tế cho Thủ tướng Chính phủ cho rằng, muốn chắp cánh phát triển kinh tế và ổn định xã hội thì nên chấp nhận hình thức đa sở hữu, bao gồm phần của Nhà nước, phần của tư nhân, của doanh nghiệp, đoàn thể, hoặc tôn giáo. Bà nói:

"Tôi rất tiếc về việc cho đến bản dự thảo hiện nay Nhà nước vẫn còn muốn thiên về hướng duy trì quyền sở hữu Nhà nước về đất đai. Tôi ở trong số những người có đề xuất khi tiến tới sửa đổi Luật Đất đai, theo đó nên công nhận nhiều hình thức sở hữu khác nhau. Trong đó vẫn duy trì sở hữu Nhà nước với một số loại đất đai thuộc sử dụng công, thí dụ như đất đai dùng cho mục đích quốc phòng, an ninh, các công trình công cộng… hoặc trụ sở các cơ quan Nhà nước… còn thì nên công nhận sở hữu tư nhân cho đất đai thí dụ của nông dân. Ở đây tôi đặc biệt quan tâm tới đất đai của nông dân, bởi vì Việt nam vẫn là một nước nặng về nông nghiệp, nông dân vẫn là một lực lượng rất lớn trong xã hội. Đóng góp của nông nghiệp cũng rất lớn ở Việt Nam trong mọi thời kỳ khác nhau. Về lâu về dài ít nhiều nông nghiệp cũng vẫn là một thế mạnh của Việt Nam trong phát triển kinh tế trong khi Việt Nam chưa vươn lên được các ngành công nghiệp và dịch vụ khác tiên tiến hơn".

Đáp câu hỏi của Nam Nguyên, nếu không qua được cửa ải đất đai sở hữu toàn dân thì nên sửa Hiến pháp như thế nào, để có thể bảo vệ quyền thực tế về đất đai của người dân. Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu:

"Hiếp pháp là một đạo luật mẹ, đạo luật gốc, Hiến pháp đề ra những nguyên tắc, theo tôi nên sửa theo hướng là, quyền sử dụng đất của người dân là quyền của họ, mà quyền này phải được Nhà nước bảo hộ. Người dân được giao mảnh đất có quyền chuyển nhượng định đoạt, có quyền thế chấp cầm cố… và đó là những quyền bất khả xâm phạm dù Nhà nước có thể quản lý. Hiến pháp là một đạo luật mẹ có thể qui định những nguyên tắc này".

Với tình hình xã hội bất ổn, hàng chục ngàn vụ khiếu kiện liên quan đến đất đai, thu hồi cưỡng chế sai luật, đền bù không thỏa đáng, không ít vụ chống đối đòi công lý nhưng bị đàn áp tạo ra bộ mặt rất xấu cho chính quyền. Thế nhưng dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi vẫn giữ qui định đất đai là sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Thực chất chẳng có người dân nào có quyền sở hữu đất và nói như GS Hoàng Xuân Phú, những ai đẩy toàn dân xuống vực thẳm sa lầy vì chính sách đất đai sở hữu toàn dân, thì chính họ phải có trách nhiệm kéo người dân do khỏi bãi lầy đó.

Nam Nguyên

Nguồn : RFA, 15/01/2013

Published in Diễn đàn

Báo chí đang tập trung mổ xẻ chuyện ông Ba Đua đã ký quyết định phủ nhận một quyết định của ông Sáu Dân. Ít ai để ý rằng trước đó một năm, ông Hai Nhựt cũng đã ‘sổ toẹt’ luôn ý kiến của ông Sáu Dân về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

badua1

Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua và Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Vào năm 2005, phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua (còn gọi là Ba Đua) đã ký một văn bản có nội dung thay thế một quyết định do Thủ tướng Võ Văn Kiệt (còn gọi là Sáu Dân) ban hành trước đó 9 năm.

Cả hệ thống chính trị không nhận ra cái sai ?

Văn bản ghi ngày 27/12/2005, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ký ban hành Quyết định số 6565/QĐ-UBND (1) về việc "Duyệt quy hoạch chung khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000". 

Trong phần viện dẫn pháp luật để ban hành quyết định nói trên, có ghi "Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm", tuy nhiên ở Điều 2 của Quyết định 6565 lại ghi "Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ".

Chưa bàn về nội dung của "Duyệt quy hoạch chung khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000" ghi trong Quyết định số 6565/QĐ-UBND là đúng, sai thế nào so với quy hoạch phê duyệt trước đó, chỉ với Điều 2 "Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ", cho thấy ông Nguyễn Văn Đua đã cố tình vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 (hiện nay đã là phiên bản năm 2015).

Điểm lạ lùng nhất ở đây là khi ấy tất cả những nơi nhận được Quyết định số 6565/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Đua ký ban hành lại không hề có bất kỳ một phản ứng nào, kể cả Thủ tướng Phan Văn Khải. Danh sách cấp trên của ông Nguyễn Văn Đua đã nhận văn bản này gồm có : Thủ tướng Chính phủ ; Bộ Xây dựng ; Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ; Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Phải chăng năng lực pháp lý của ông Nguyễn Văn Đua cũng như toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh, của văn phòng Thủ tướng chính phủ lại yếu kém đến mức không nhận ra nội dung của Quyết định số 6565/QĐ-UBND là trái thẩm quyền ? Quyết định này của ông Nguyễn Văn Đua còn vi phạm Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Hệ lụy dắt dây kéo theo từ Quyết định số 6565/QĐ-UBND đưa đến việc vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Có sự cấu kết giữa địa phương và trung ương để lũng đoạn chính sách ?

Thật ra không hề có sự nhầm lẫn nào ở đây. Quyết định số 81/2004/QĐ-UB, đề ngày 05 tháng 04 năm 2004 do chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải (còn gọi là Hai Nhựt) ký ban hành có tiêu đề "phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/2000, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm".

Trong Quyết định này, ông Lê Thanh Hải cũng viện dẫn Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, để đưa ra một nội dung trái thẩm quyền : "Nay phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm" (trích Điều 1).

Gọi là trái thẩm quyền, vì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc, cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó (hoặc cấp trên của cấp đó) mới có thẩm quyền điều chỉnh.

Với một văn bản pháp luật sai thẩm quyền dẫn đến hàng loạt kiếu kiện, thưa gửi kéo dài suốt từ đó đến nay của người dân vùng đất Thủ Thiêm, cho thấy cần thiết dừng mọi hoạt động về xây dựng tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để củng cố cơ sở pháp lý. Thậm chí có thể khôi phục lại nguyên trạng đối với những lô đất đã cưỡng chế giải tỏa nhưng vẫn chưa xây dựng, hoặc pháp lý xây dựng không đúng quy định. Đất ở nơi từng có chùa Liên Trì là một đơn cử.

badua2

Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Người viết cũng muốn đặt thêm nghi vấn là từ câu chuyện nói trên, cho thấy cần rà soát lại hết toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không chỉ vậy, dư luận được quyền hoài nghi tất cả các dự án liên quan đất đai trong suốt nhiệm kỳ hành chính từ cấp ủy ban cho đến nhiệm kỳ trong đảng của ông Lê Thanh Hải.

Từng là một ủy viên Bộ Chính trị, ông Lê Thanh Hải chắc chắn hiểu rất rõ rằng ngay cả vị thế chủ tịch thành phố cũng không được quyền ký quyết định sửa đổi về quy hoạch, chứ nói chi tới chuyện một phó chủ tịch lại dám ký ban hành văn bản thay thế luôn quyết định của Thủ tướng.

Câu hỏi đặt ra là nếu nói chuyện luật thì mặc dù quyết định của ông Nguyễn Văn Đua không có giá trị pháp lý, nhưng thực tế nó vẫn được thực hiện răm rắp suốt từ đó đến nay, thì chắc chắn phải là sự mập mờ và có cả sự dối trá ở trong đó.

Ngoài ra cũng cần truy xét trách nhiệm công vụ của ông Nguyễn Tấn Dũng, vì Công văn số 1642/CP-CN ngày 24/11/2003 do phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm, (mà ông Lê Thanh Hải và ông Nguyễn Văn Đua đã viện dẫn như lá bùa hộ mệnh khi ký ban hành quyết định như đã nói ở trên), trong trường hợp này không hề có giá trị pháp lý.

Bởi như đã đề cập, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh khu đô thị mới Thủ Thiêm phải thuộc về Thủ Tướng – thời điểm đó là Thủ tướng Phan Văn Khải. Bởi theo nguyên tắc, cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó (hoặc cấp trên của cấp đó) mới có thẩm quyền điều chỉnh.

Hãy chỉ mặt gọi tên những ông lớn, bà lớn…

Người viết có ông bạn là nhà báo. Ông bạn này kể rằng khoảng năm 2000, trong cuộc họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi phê phán gay gắt lãnh đạo quận 2 chậm trễ trong công tác giải tỏa đền bù, chủ tịch UBND Thành phố Võ Viết Thanh gút lại : "Anh Chín Lực (Đỗ Tiến Lực – chủ tịch UBND quận 2), tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở anh nhiều lần phải tiến hành cắm mốc đường dẫn từ hầm Thủ Thiêm lên (đường Mai Chí Thọ bây giờ), để bàn giao cho đơn vị thi công, tôi cho anh hứa lần cuối, chừng nào cắm xong ?".

Ông Chín Lực ngửa bài : "Thưa anh Bảy, anh làm ơn nói với các ông lớn, bà lớn cho tôi biết đất chỗ nào của ông nào hay của bà nào, để tôi biết đường mà cắm". Toàn thể đại biểu cười rần, có lẽ chạm nọc nhạy cảm, ông Bảy Thanh chuyển sang phần nghị sự khác.

Trần Thành - Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 09/05/2018

********************

(1) Quyết định số 6565/QĐ-UBND (thuvienphapluat.vn)

       ỦY BAN NHÂN DÂN                        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                      Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------                                        -------------------

Số : 6565/QĐ-UBND           TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 12 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU TRUNG TÂM ĐÔ THỊ MỚI THỦ THIÊM TỶ LỆ 1/5000

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý quy hoạch ;
Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu đô thị Thủ Thiêm ;
Căn cứ Quy hoạch Tổng mặt bằng thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 ;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1642/CP-CN ngày 24 tháng 11 năm 2003 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm ;
Căn cứ Quyết định số 81/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 04 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm ;
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2055/BXD-KTQH ngày 07 tháng 02 năm 2004 về việc thỏa thuận điều chỉnh Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm ;
Xét đề nghị của Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm tại Tờ trình số 28/TTr/BQL-QH ngày 03 tháng 6 năm 2005 ;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại Tờ trình số 1817/QHKT-ĐB2 ngày 18 tháng 8 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. 

Duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000, với các nội dung chủ yếu như sau :

1. Tính chất : Đô thị mới Thủ Thiêm là khu trung tâm mới hiện đại, mở rộng của trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế ; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí ; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là một công trình chiến lược, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển mọi mặt và nâng cấp thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị quốc tế hiện đại của khu vực trong thế kỷ XXI.

2. Quy mô :

- Diện tích : Quy mô Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là 737 ha, trong đó :

+ Khu đô thị phát triển mới : 657 ha.

+ Khu đô thị chỉnh trang : 80 ha.

- Tổng số dân định cư là : 130.000 người.

- Số người làm việc thường xuyên : 350.000 người/ngày.

- Khách vãng lai : 1.000.000 (một triệu) người/ngày.

* Tổng diện tích sàn xây dựng : khoảng 6.000.000m2 sàn.

Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm năm (5) khu vực chính :

- Khu lõi Trung tâm chính

- Khu Đa chức năng Đại lộ Đông Tây

- Khu dân cư phía Bắc

- Khu dân cư phía Đông

- Khu Lâm viên sinh thái phía Nam.

3. Cơ cấu sử dụng đất :

3.1. Khu đô thị phát triển mới : quy mô 657 ha, bao gồm :

- Đất xây dựng trung tâm thương mại : 46,6 ha chiếm 7,09%

- Đất khu thương mại, đa năng : 22,0 ha chiếm 3,35%

- Đất khu dân cư đa chức năng : 23,2 ha chiếm 3,54%

- Đất khu dân cư mật độ cao : 45,3 ha chiếm 6,89%

- Đất khu dân cư mật độ trung bình : 4,7 ha chiếm 0,72%

- Đất khu dân cư mật độ thấp : 24,0 ha chiếm 3,65%

- Đất xây dựng công trình công cộng : 17,1 ha chiếm 2,60%

- Đất xây dựng công trình văn hóa, cơ sở tôn giáo : 23,4 ha chiếm 3,57%

- Đất xây dựng trường học : 14,6 ha chiếm 2,23%

- Đất công viên công cộng : 86,1 ha chiếm 13,11%

- Đất xây dựng khu nghỉ ngơi giải trí, giáo dục : 27,3 ha chiếm 4,15%

- Đất khu vực đầm lầy sinh thái : 105,3 ha chiếm 16,02%

- Đất ao hồ mặt nước : 65,2 ha chiếm 9,91%

- Đất xây dựng đường giao thông : 152,2 ha chiếm 23,17%

3.2. Khu đô thị chỉnh trang : quy mô 80 ha, bao gồm các loại đất có các chức năng sau :

- Đất khu thương mại, đa chức năng

- Đất khu dân cư mật độ cao

- Đất khu dân cư mật độ trung bình

- Đất khu dân cư mật độ thấp

- Đất xây dựng công trình văn hóa, cơ sở tôn giáo

- Đất xây dựng trường học

- Đất công viên công cộng

- Đất khu vực đầm lầy sinh thái

- Đất ao hồ, mặt nước

- Đất xây dựng đường giao thông

Khu vực chỉnh trang 80 ha thuộc phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung được xác định rõ cơ cấu sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể khi nghiên cứu, hoàn tất quy hoạch chi tiết theo hướng chỉnh trang để phù hợp tối đa với quy hoạch chung xây dựng toàn khu, với quy hoạch chi tiết khu trung tâm đô thị phát triển 657 ha. Việc nghiên cứu, điều chỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau :

- Đảm bảo về hạ tầng trục chính (đường cấp 3 trở lên).

- Đảm bảo thực thi tốt ý tưởng quy hoạch khai thác hệ thống kênh rạch theo quy hoạch chung.

- Đảm bảo cảnh quan, mỹ quan kiến trúc phù hợp với quy hoạch chung của Thủ Thiêm.

4. Định hướng phát triển các khu chức năng chính :

Khu lõi trung tâm chính : Chức năng chủ yếu là tài chính, thương mại, dịch vụ cấp thành phố, khu vực và quốc tế. Các công trình mang chức năng trên được bố trí tập trung tại các khu vực giáp đại lộ Vòng cung, xung quanh Quảng trường trung tâm. Hệ số sử dụng đất từ 3,3 đến 18,6 ; tầng cao công trình từ 10 đến khoảng 40 tầng.

Các khu dân cư : Dân cư được bố trí hợp lý vào các khu chức năng. Có 4 khu dân cư chính

+ Khu dân cư lõi trung tâm : được bố trí trong Khu lõi trung tâm chính nhằm tạo nên khu vực đa chức năng tạo sức sống động cho khu trung tâm. Nhà ở được phân bố đa dạng trong các công trình đa chức năng, kết hợp trong các cụm cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khu nhà ở cao cấp tập trung. Dân số dự kiến khoảng 40.000 người.

+ Khu dân cư phía Bắc : được phát triển rộng hai bên đại lộ Vòng cung, bao gồm các công trình nhà ở đa chức năng và các khu nhà ở riêng biệt. Hệ số sử dụng đất từ 2,7 đến 5,2 ; tầng cao công trình từ 10 tầng đến 32 tầng. Dân số dự kiến khoảng 50.000 người.

+ Khu dân cư phía Đông : là khu vực dân cư chuyển tiếp, giữa Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2. Hệ số sử dụng đất 2,3 đến 4,5. Dân số dự kiến khoảng 15.000 người.

+ Khu đa chức năng đại lộ Đông – Tây : Là khu vực dân cư mật độ thấp. Hệ số sử dụng đất từ 1,5 đến 3,5 ở phía Nam đại lộ Đông Tây và từ 2,5 đến 4,5 ở phía Bắc đại lộ Đông Tây. Tầng cao công trình từ 3 đến 16 tầng. Dân số dự kiến khoảng 25.000 người.

Đất dành cho giáo dục : bao gồm hệ thống các trường từ Tiểu học đến Phổ thông trung học, được bố trí trong các khu dân cư.

Khu vực hành chính và công sở : bố trí dọc theo đại lộ Đông – Tây, hệ số sử dụng đất từ 2,5 đến 4,5.

Khu vực văn hóa : Công trình văn hóa lớn cấp thành phố được bố trí phía Đông hồ trung tâm, phía Nam khu Trung tâm chính và ở phía Đông kênh trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế. Một số công trình nhỏ hơn nằm tại trung tâm các khu dân cư.

Không gian mở : Hệ thống các không gian mở phong phú của Thủ Thiêm có chức năng đặc biệt quan trọng đối với yêu cầu phát triển và hoàn thiện nhiều ý tưởng quy hoạch chủ đạo của một đô thị sinh thái. Đây là nơi có môi trường, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đặc trưng, là nơi tập trung các sinh hoạt đa dạng của cộng đồng dân cư và du khách, đáp ứng nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố và khu vực. Không gian mở được bố trí liên hoàn như một mạng lưới thống nhất, kết nối không gian công cộng của Thủ Thiêm : Công viên ven sông Sài Gòn, Quảng trường trung tâm, Công viên Vòng cung, Công viên hồ trung tâm, Công viên ven các kênh rạch, Công viên trong các khu ở và Lâm viên sinh thái phía Nam. Lâm viên này được tôn tạo như một khu bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên độc đáo và hấp dẫn của thành phố, được khai thác phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí và bảo vệ môi trường.

5. Định hướng phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật :

5.1. Quy hoạch giao thông :

Hệ thống cầu và đường hầm :

Đô thị mới Thủ Thiêm được kết nối với các quận nội thành hiện hữu qua 5 cầu và 01 đường hầm :

- Cầu nối với quận Bình Thạnh (cầu Thủ Thiêm).

- Cầu nối với quận 1 (cầu Ba Son).

- Cầu đi bộ nối với quận 1.

- Cầu nối với quận 4.

- Cầu nối với quận 7.

- Đường hầm Thủ Thiêm (thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây đã được Chính phủ phê duyệt).

Hệ thống đường đô thị chia thành 4 cấp :

- Trục đường chính cấp (cấp 1) : bao gồm Đại lộ Đông –Tây, đường Bắc Nam nối Bình Thạnh - Thủ Thiêm – quận 7.

- Đường cấp 2 : Bao gồm đại lộ Vòng cung, đường ven sông Sài Gòn (đoạn đối diện quận 1), đường ven hồ trung tâm (nối với xa lộ Hà Nội) và các tuyến đường nối các đường vòng cung với các cầu qua sông Sài Gòn.

- Đường cấp 3 : bao gồm các tuyến đường giới hạn 5 khu chức năng chính của đô thị Thủ Thiêm và giới hạn khu vực các khu nhà ở.

- Đường cấp 4 : Bao gồm các tuyến đường nội bộ trong các khu chức năng chính của đô thị Thủ Thiêm và nội bộ các khu nhà ở.

Hệ thống giao thông công cộng :

- Metro : Đô thị mới Thủ Thiêm có 1 tuyến metro ngầm nối quận 1 với phía Đông thành phố ngang qua Thủ Thiêm. Có 3 nhà ga metro được bố trí tại Quảng trường trung tâm, phía Đông Nam hồ trung tâm, Viện nghiên cứu.

- Xe buýt : Tuyến chính được bố trí trên các trục đại lộ Vòng cung, đại lộ Đông – Tây và các tuyến đường chính nối kết giữa các khu chức năng của Khu đô thị mới. Toàn tuyến nối với mạng lưới xe buýt của thành phố qua hệ thống cầu qua quận 1, quận 4, quận 7 và quận Bình Thạnh và các tuyến đường nối với quận 2 và phía Đông thành phố.

- Giao thông đường thủy : bao gồm hệ thống các bến tàu giao thông thủy hai bên bờ sông Sài Gòn, phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Mạng lưới taxi thủy được bố trí trên các kênh rạch được cải tạo, hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy nối trung tâm khu đô thị với các khu vực lân cận và thành phố.

- Xe điện : Dự kiến bố trí trên các tuyến đường đại lộ Đông – Tây, đại lộ Vòng cung và kết nối với mạng lưới xe điện chung của thành phố.

Hệ thống đường đi bộ :

- Mạng lưới đường bộ được nối kết với các không gian mở, các trung tâm công cộng chính của thành phố và các không gian công cộng trong công trình, các khu nhà ở.

- Cầu bộ hành qua Sông Sài Gòn nối trung tâm quận 1 với Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm là công trình có kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng sẽ đảm nhận chức năng chính gắn kết hệ thống đường đi bộ của hai trung tâm (mới và hiện hữu).

5.2. Cấp điện và mạng viễn thông :

- Nguồn điện : nguồn điện cung cấp cho Thủ Thiêm được sử dụng từ điện lưới quốc gia.

- Tổng nhu cầu điện năng : 1,35 triệu MWH

- Trạm biến áp : bao gồm 3 trạm 110 KV

+ Trạm An Khánh được nâng cấp.

+ Hai trạm mới đặt tại Khu lõi trung tâm chính và Đại lộ Đông – Tây.

- Mạng cấp điện và viễn thông : hệ thống dây tải điện và cáp viễn thông đều đặt ngầm dưới đất.

- Trung tâm viễn thông được đặt vị trí tại Tháp quan sát.

5.3. Cấp nước :

- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt khu dân cư bình quân khoảng 250 lít/người/ngày/đêm, tính cho dân cư cư trú tại khu quy hoạch là 130.000 dân.

- Chỉ tiêu cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt khác ở khu quy hoạch, bình quân 350 lít/người/ngày/đêm, tính cho số lao động thường xuyên là 350.000 người.

- Nguồn nước : lấy từ nhà máy nước Thủ Đức và mạng lưới cấp nước chung của thành phố.

- Mạng cấp nước : được đấu nối với hệ thống cấp nước chung của thành phố qua 4 điểm : trên đường Trần Não, đại lộ Vòng cung, đại lộ Đông – Tây và qua sông Sài Gòn nối với đường ống cấp nước phía quận 7.

5.4. Thoát nước và vệ sinh đô thị :

- Tổng lưu lượng nước thải được tính toán trên cơ sở quy mô dân số, diện tích khu vực và chỉ tiêu sử dụng nước đô thị.

- Hệ thống thoát nước được thiết kế riêng cho thoát nước mặt và nước thải sinh hoạt, dịch vụ. Nước thải sẽ được thu gom thông qua hệ thống chảy tự nhiên và trạm bơm, đưa về nhà máy xử lý trước khi thải ra sông rạch.

- Tại ba khu vực thuộc phía Nam Thủ Thiêm, nước thải sinh hoạt và dịch vụ được thiết kế thành hệ thống riêng và được xử lý cục bộ trước khi thoát ra vùng đầm lầy châu thổ.

- Rác được thu gom tại công trình và sử dụng xe chuyên dụng chở đến nơi xử lý rác theo quy hoạch chung của thành phố.

5.5. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng :

- Quy hoạch san nền khu vực phát triển (đường và các lô đất xây dựng công trình) với cao trình tối thiểu 2,5 mét. Quy hoạch san nền tạo độ dốc thoát nước tự nhiên cho Thủ Thiêm tối thiểu 0,5% và tối đa 3% (cao độ san nền lấy theo cao độ Quốc gia tại Hòn Dấu).

- Khu vực châu thổ phía Nam đô thị Thủ Thiêm, không kể 3 khu quy hoạch phát triển du lịch giải trí, có cốt cao độ chủ yếu giữ bằng cốt nền tự nhiên.

Lưu ý : Trong quá trình đầu tư phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các dự án đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước và chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng, cần được nghiên cứu tính toán cụ thể và bổ sung theo nội dung văn bản số 2055/BXD-KTQH  ngày 07 tháng 12 năm 2003 của Bộ Xây dựng và các quy chuẩn xây dựng hiện hành.

6. Dự kiến các giai đoạn phát triển :

Thời gian thực hiện phát triển Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch dự kiến là 20 năm với 4 giai đoạn phát triển dự kiến :

- Giai đoạn 1 – từ 2005 đến 2010 : phát triển mạnh ban đầu trên diện tích đất 350 hecta bao gồm một bộ phận lớn của Khu lõi trung tâm chính và toàn bộ Khu dân cư phía Đông.

- Giai đoạn 2 – từ 2010 đến 2015 : phát triển diện tích đất 180 hecta. Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn tất Khu hạt nhân trung tâm và Khu Đa chức năng Đại lộ Đông – Tây.

- Giai đoạn 3 – từ 2015 đến 2020 : phát triển diện tích 87 hecta chủ yếu cho Khu dân cư mật độ trung bình ở phía Bắc của đô thị.

- Giai đoạn 4 – từ 2020 đến 2025 : diện tích đất 120 hecta còn lại sẽ được phát triển, tập trung chủ yếu tại phía Nam đại lộ Đông Tây.

Thời gian thực hiện đầu tư phát triển và nội dung phân giai đoạn đầu tư trên đây sẽ được điều chỉnh trong quá trình xây dựng và thực thi các kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn và kế hoạch hàng năm, trên cơ sở nghiên cứu các dự án, chương trình cụ thể và cơ chế chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của thành phố.

Điều 2.

- Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.

- Căn cứ nội dung Quyết định này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có trách nhiệm phối hợp với các Sở ngành chức năng và Ủy ban nhân dân quận 2 tổ chức công bố công khai quy hoạch để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện. Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ủy ban nhân dân quận 2 kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình thực hiện xây dựng các công trình trọng điểm trong đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp với các Sở Ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất các chương trình kế hoạch đầu tư phát triển các dự án xây dựng cụ thể, đề xuất các giải pháp thực thi quy hoạch ; hướng dẫn và tổ chức các cuộc thi kiến trúc, đấu thầu thiết kế, thi công theo đúng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả và chất lượng các công trình xây dựng theo đúng quy hoạch.

- Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và Ủy ban nhân dân quận 2 khẩn trương rà soát các dự án và quy hoạch đã được duyệt trong phạm vi khu vực chỉnh trang (80 ha), điều chỉnh các quy hoạch chi tiết và dự án không phù hợp với nội dung đồ án quy hoạch này, đề ra giải pháp và hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, dự án xây dựng cho phù hợp tối đa với quy hoạch chung, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

- Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, quận 1, quận Bình Thạnh, quận 4, quận 7, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các khu lân cận, nhằm đảm bảo việc đầu tư phát triển đồng bộ với chiến lược phát triển Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Sở Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng kế hoạch thực hiện và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 3. 

Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc các Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông – Công chính, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH 
PHÓ CHỦ TỊCH  



Nguyễn Văn Đua

Nơi nhận : 

  • -  Như Điều 3 ;
  • - Thủ tướng Chính phủ (để b/c) ;

    - Bộ Xây dựng (báo cáo) ;

    - Thường trực Thành ủy ;

    - Thường trực HĐND Thành phố ;

    - Thường trực UBND Thành phố ;

    - Văn phòng Thành ủy ;

    - VPHĐ-UB : Các PVP ;

    - Các Tổ NCTH ;

    - Lưu (ĐT/M) H.

    Nguồn : Bản quyền ©2015 THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Published in Diễn đàn