Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

09/05/2018

Quyết định hành chính trái thẩm quyền : Vô hiệu, khôi phục lại nguyên trạng !

Trần Thành & Thảo Vy

Báo chí đang tập trung mổ xẻ chuyện ông Ba Đua đã ký quyết định phủ nhận một quyết định của ông Sáu Dân. Ít ai để ý rằng trước đó một năm, ông Hai Nhựt cũng đã ‘sổ toẹt’ luôn ý kiến của ông Sáu Dân về dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

badua1

Nguyên Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua và Nguyên Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải

Vào năm 2005, phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua (còn gọi là Ba Đua) đã ký một văn bản có nội dung thay thế một quyết định do Thủ tướng Võ Văn Kiệt (còn gọi là Sáu Dân) ban hành trước đó 9 năm.

Cả hệ thống chính trị không nhận ra cái sai ?

Văn bản ghi ngày 27/12/2005, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Đua ký ban hành Quyết định số 6565/QĐ-UBND (1) về việc "Duyệt quy hoạch chung khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000". 

Trong phần viện dẫn pháp luật để ban hành quyết định nói trên, có ghi "Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung khu đô thị Thủ Thiêm", tuy nhiên ở Điều 2 của Quyết định 6565 lại ghi "Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ".

Chưa bàn về nội dung của "Duyệt quy hoạch chung khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000" ghi trong Quyết định số 6565/QĐ-UBND là đúng, sai thế nào so với quy hoạch phê duyệt trước đó, chỉ với Điều 2 "Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ", cho thấy ông Nguyễn Văn Đua đã cố tình vi phạm Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 1996 (hiện nay đã là phiên bản năm 2015).

Điểm lạ lùng nhất ở đây là khi ấy tất cả những nơi nhận được Quyết định số 6565/QĐ-UBND do ông Nguyễn Văn Đua ký ban hành lại không hề có bất kỳ một phản ứng nào, kể cả Thủ tướng Phan Văn Khải. Danh sách cấp trên của ông Nguyễn Văn Đua đã nhận văn bản này gồm có : Thủ tướng Chính phủ ; Bộ Xây dựng ; Thường trực Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ; Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ; Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh ; Văn phòng Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.

Phải chăng năng lực pháp lý của ông Nguyễn Văn Đua cũng như toàn bộ hệ thống chính trị của Thành phố Hồ Chí Minh, của văn phòng Thủ tướng chính phủ lại yếu kém đến mức không nhận ra nội dung của Quyết định số 6565/QĐ-UBND là trái thẩm quyền ? Quyết định này của ông Nguyễn Văn Đua còn vi phạm Luật về tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003. Hệ lụy dắt dây kéo theo từ Quyết định số 6565/QĐ-UBND đưa đến việc vi phạm Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Có sự cấu kết giữa địa phương và trung ương để lũng đoạn chính sách ?

Thật ra không hề có sự nhầm lẫn nào ở đây. Quyết định số 81/2004/QĐ-UB, đề ngày 05 tháng 04 năm 2004 do chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải (còn gọi là Hai Nhựt) ký ban hành có tiêu đề "phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/2000, khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm".

Trong Quyết định này, ông Lê Thanh Hải cũng viện dẫn Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch xây dựng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm, để đưa ra một nội dung trái thẩm quyền : "Nay phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung 1/5000, quy hoạch chi tiết 1/2000 Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm" (trích Điều 1).

Gọi là trái thẩm quyền, vì việc điều chỉnh quy hoạch sẽ phải tuân thủ theo nguyên tắc, cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó (hoặc cấp trên của cấp đó) mới có thẩm quyền điều chỉnh.

Với một văn bản pháp luật sai thẩm quyền dẫn đến hàng loạt kiếu kiện, thưa gửi kéo dài suốt từ đó đến nay của người dân vùng đất Thủ Thiêm, cho thấy cần thiết dừng mọi hoạt động về xây dựng tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm để củng cố cơ sở pháp lý. Thậm chí có thể khôi phục lại nguyên trạng đối với những lô đất đã cưỡng chế giải tỏa nhưng vẫn chưa xây dựng, hoặc pháp lý xây dựng không đúng quy định. Đất ở nơi từng có chùa Liên Trì là một đơn cử.

badua2

Thủ Thiêm nhìn từ trên cao

Người viết cũng muốn đặt thêm nghi vấn là từ câu chuyện nói trên, cho thấy cần rà soát lại hết toàn bộ hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm. Không chỉ vậy, dư luận được quyền hoài nghi tất cả các dự án liên quan đất đai trong suốt nhiệm kỳ hành chính từ cấp ủy ban cho đến nhiệm kỳ trong đảng của ông Lê Thanh Hải.

Từng là một ủy viên Bộ Chính trị, ông Lê Thanh Hải chắc chắn hiểu rất rõ rằng ngay cả vị thế chủ tịch thành phố cũng không được quyền ký quyết định sửa đổi về quy hoạch, chứ nói chi tới chuyện một phó chủ tịch lại dám ký ban hành văn bản thay thế luôn quyết định của Thủ tướng.

Câu hỏi đặt ra là nếu nói chuyện luật thì mặc dù quyết định của ông Nguyễn Văn Đua không có giá trị pháp lý, nhưng thực tế nó vẫn được thực hiện răm rắp suốt từ đó đến nay, thì chắc chắn phải là sự mập mờ và có cả sự dối trá ở trong đó.

Ngoài ra cũng cần truy xét trách nhiệm công vụ của ông Nguyễn Tấn Dũng, vì Công văn số 1642/CP-CN ngày 24/11/2003 do phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký cho phép UBND Thành phố Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung khu đô thị mới Thủ Thiêm, (mà ông Lê Thanh Hải và ông Nguyễn Văn Đua đã viện dẫn như lá bùa hộ mệnh khi ký ban hành quyết định như đã nói ở trên), trong trường hợp này không hề có giá trị pháp lý.

Bởi như đã đề cập, thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh khu đô thị mới Thủ Thiêm phải thuộc về Thủ Tướng – thời điểm đó là Thủ tướng Phan Văn Khải. Bởi theo nguyên tắc, cấp nào phê duyệt quy hoạch thì cấp đó (hoặc cấp trên của cấp đó) mới có thẩm quyền điều chỉnh.

Hãy chỉ mặt gọi tên những ông lớn, bà lớn…

Người viết có ông bạn là nhà báo. Ông bạn này kể rằng khoảng năm 2000, trong cuộc họp Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi phê phán gay gắt lãnh đạo quận 2 chậm trễ trong công tác giải tỏa đền bù, chủ tịch UBND Thành phố Võ Viết Thanh gút lại : "Anh Chín Lực (Đỗ Tiến Lực – chủ tịch UBND quận 2), tôi đã chỉ đạo, nhắc nhở anh nhiều lần phải tiến hành cắm mốc đường dẫn từ hầm Thủ Thiêm lên (đường Mai Chí Thọ bây giờ), để bàn giao cho đơn vị thi công, tôi cho anh hứa lần cuối, chừng nào cắm xong ?".

Ông Chín Lực ngửa bài : "Thưa anh Bảy, anh làm ơn nói với các ông lớn, bà lớn cho tôi biết đất chỗ nào của ông nào hay của bà nào, để tôi biết đường mà cắm". Toàn thể đại biểu cười rần, có lẽ chạm nọc nhạy cảm, ông Bảy Thanh chuyển sang phần nghị sự khác.

Trần Thành - Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 09/05/2018

********************

(1) Quyết định số 6565/QĐ-UBND (thuvienphapluat.vn)

       ỦY BAN NHÂN DÂN                        CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH                      Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

-----------                                        -------------------

Số : 6565/QĐ-UBND           TP. Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 12 năm 2005

QUYẾT ĐỊNH

VỀ PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG KHU TRUNG TÂM ĐÔ THỊ MỚI THỦ THIÊM TỶ LỆ 1/5000

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003 ;
Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý quy hoạch ;
Căn cứ Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch chung Khu đô thị Thủ Thiêm ;
Căn cứ Quy hoạch Tổng mặt bằng thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 ;
Căn cứ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn số 1642/CP-CN ngày 24 tháng 11 năm 2003 về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới Thủ Thiêm ;
Căn cứ Quyết định số 81/2004/QĐ-UB ngày 05 tháng 04 năm 2004 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về phê duyệt nhiệm vụ thiết kế đồ án điều chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm ;
Căn cứ ý kiến thẩm định của Bộ Xây dựng tại Công văn số 2055/BXD-KTQH ngày 07 tháng 02 năm 2004 về việc thỏa thuận điều chỉnh Quy hoạch chung và Quy hoạch chi tiết Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm ;
Xét đề nghị của Ban Quản lý Khu Thủ Thiêm tại Tờ trình số 28/TTr/BQL-QH ngày 03 tháng 6 năm 2005 ;
Xét đề nghị của Sở Quy hoạch – Kiến trúc tại Tờ trình số 1817/QHKT-ĐB2 ngày 18 tháng 8 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. 

Duyệt quy hoạch chung Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5000, với các nội dung chủ yếu như sau :

1. Tính chất : Đô thị mới Thủ Thiêm là khu trung tâm mới hiện đại, mở rộng của trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, với chức năng chính là trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp của thành phố, khu vực và có vị trí quốc tế ; là trung tâm văn hóa, nghỉ ngơi, giải trí ; đảm nhiệm một số chức năng mà trung tâm thành phố hiện hữu còn thiếu và hạn chế phát triển. Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là một công trình chiến lược, mở ra cơ hội tăng tốc phát triển mọi mặt và nâng cấp thành phố Hồ Chí Minh ngang tầm các đô thị quốc tế hiện đại của khu vực trong thế kỷ XXI.

2. Quy mô :

- Diện tích : Quy mô Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm là 737 ha, trong đó :

+ Khu đô thị phát triển mới : 657 ha.

+ Khu đô thị chỉnh trang : 80 ha.

- Tổng số dân định cư là : 130.000 người.

- Số người làm việc thường xuyên : 350.000 người/ngày.

- Khách vãng lai : 1.000.000 (một triệu) người/ngày.

* Tổng diện tích sàn xây dựng : khoảng 6.000.000m2 sàn.

Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được chia làm năm (5) khu vực chính :

- Khu lõi Trung tâm chính

- Khu Đa chức năng Đại lộ Đông Tây

- Khu dân cư phía Bắc

- Khu dân cư phía Đông

- Khu Lâm viên sinh thái phía Nam.

3. Cơ cấu sử dụng đất :

3.1. Khu đô thị phát triển mới : quy mô 657 ha, bao gồm :

- Đất xây dựng trung tâm thương mại : 46,6 ha chiếm 7,09%

- Đất khu thương mại, đa năng : 22,0 ha chiếm 3,35%

- Đất khu dân cư đa chức năng : 23,2 ha chiếm 3,54%

- Đất khu dân cư mật độ cao : 45,3 ha chiếm 6,89%

- Đất khu dân cư mật độ trung bình : 4,7 ha chiếm 0,72%

- Đất khu dân cư mật độ thấp : 24,0 ha chiếm 3,65%

- Đất xây dựng công trình công cộng : 17,1 ha chiếm 2,60%

- Đất xây dựng công trình văn hóa, cơ sở tôn giáo : 23,4 ha chiếm 3,57%

- Đất xây dựng trường học : 14,6 ha chiếm 2,23%

- Đất công viên công cộng : 86,1 ha chiếm 13,11%

- Đất xây dựng khu nghỉ ngơi giải trí, giáo dục : 27,3 ha chiếm 4,15%

- Đất khu vực đầm lầy sinh thái : 105,3 ha chiếm 16,02%

- Đất ao hồ mặt nước : 65,2 ha chiếm 9,91%

- Đất xây dựng đường giao thông : 152,2 ha chiếm 23,17%

3.2. Khu đô thị chỉnh trang : quy mô 80 ha, bao gồm các loại đất có các chức năng sau :

- Đất khu thương mại, đa chức năng

- Đất khu dân cư mật độ cao

- Đất khu dân cư mật độ trung bình

- Đất khu dân cư mật độ thấp

- Đất xây dựng công trình văn hóa, cơ sở tôn giáo

- Đất xây dựng trường học

- Đất công viên công cộng

- Đất khu vực đầm lầy sinh thái

- Đất ao hồ, mặt nước

- Đất xây dựng đường giao thông

Khu vực chỉnh trang 80 ha thuộc phạm vi nghiên cứu quy hoạch chung được xác định rõ cơ cấu sử dụng đất và các chỉ tiêu quy hoạch cụ thể khi nghiên cứu, hoàn tất quy hoạch chi tiết theo hướng chỉnh trang để phù hợp tối đa với quy hoạch chung xây dựng toàn khu, với quy hoạch chi tiết khu trung tâm đô thị phát triển 657 ha. Việc nghiên cứu, điều chỉnh được thực hiện theo nguyên tắc sau :

- Đảm bảo về hạ tầng trục chính (đường cấp 3 trở lên).

- Đảm bảo thực thi tốt ý tưởng quy hoạch khai thác hệ thống kênh rạch theo quy hoạch chung.

- Đảm bảo cảnh quan, mỹ quan kiến trúc phù hợp với quy hoạch chung của Thủ Thiêm.

4. Định hướng phát triển các khu chức năng chính :

Khu lõi trung tâm chính : Chức năng chủ yếu là tài chính, thương mại, dịch vụ cấp thành phố, khu vực và quốc tế. Các công trình mang chức năng trên được bố trí tập trung tại các khu vực giáp đại lộ Vòng cung, xung quanh Quảng trường trung tâm. Hệ số sử dụng đất từ 3,3 đến 18,6 ; tầng cao công trình từ 10 đến khoảng 40 tầng.

Các khu dân cư : Dân cư được bố trí hợp lý vào các khu chức năng. Có 4 khu dân cư chính

+ Khu dân cư lõi trung tâm : được bố trí trong Khu lõi trung tâm chính nhằm tạo nên khu vực đa chức năng tạo sức sống động cho khu trung tâm. Nhà ở được phân bố đa dạng trong các công trình đa chức năng, kết hợp trong các cụm cao ốc văn phòng, trung tâm thương mại và khu nhà ở cao cấp tập trung. Dân số dự kiến khoảng 40.000 người.

+ Khu dân cư phía Bắc : được phát triển rộng hai bên đại lộ Vòng cung, bao gồm các công trình nhà ở đa chức năng và các khu nhà ở riêng biệt. Hệ số sử dụng đất từ 2,7 đến 5,2 ; tầng cao công trình từ 10 tầng đến 32 tầng. Dân số dự kiến khoảng 50.000 người.

+ Khu dân cư phía Đông : là khu vực dân cư chuyển tiếp, giữa Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm và quận 2. Hệ số sử dụng đất 2,3 đến 4,5. Dân số dự kiến khoảng 15.000 người.

+ Khu đa chức năng đại lộ Đông – Tây : Là khu vực dân cư mật độ thấp. Hệ số sử dụng đất từ 1,5 đến 3,5 ở phía Nam đại lộ Đông Tây và từ 2,5 đến 4,5 ở phía Bắc đại lộ Đông Tây. Tầng cao công trình từ 3 đến 16 tầng. Dân số dự kiến khoảng 25.000 người.

Đất dành cho giáo dục : bao gồm hệ thống các trường từ Tiểu học đến Phổ thông trung học, được bố trí trong các khu dân cư.

Khu vực hành chính và công sở : bố trí dọc theo đại lộ Đông – Tây, hệ số sử dụng đất từ 2,5 đến 4,5.

Khu vực văn hóa : Công trình văn hóa lớn cấp thành phố được bố trí phía Đông hồ trung tâm, phía Nam khu Trung tâm chính và ở phía Đông kênh trung tâm Hội nghị triển lãm quốc tế. Một số công trình nhỏ hơn nằm tại trung tâm các khu dân cư.

Không gian mở : Hệ thống các không gian mở phong phú của Thủ Thiêm có chức năng đặc biệt quan trọng đối với yêu cầu phát triển và hoàn thiện nhiều ý tưởng quy hoạch chủ đạo của một đô thị sinh thái. Đây là nơi có môi trường, cảnh quan thiên nhiên hấp dẫn, đặc trưng, là nơi tập trung các sinh hoạt đa dạng của cộng đồng dân cư và du khách, đáp ứng nhu cầu du lịch, vui chơi giải trí của nhân dân thành phố và khu vực. Không gian mở được bố trí liên hoàn như một mạng lưới thống nhất, kết nối không gian công cộng của Thủ Thiêm : Công viên ven sông Sài Gòn, Quảng trường trung tâm, Công viên Vòng cung, Công viên hồ trung tâm, Công viên ven các kênh rạch, Công viên trong các khu ở và Lâm viên sinh thái phía Nam. Lâm viên này được tôn tạo như một khu bảo tồn cảnh quan sinh thái tự nhiên độc đáo và hấp dẫn của thành phố, được khai thác phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí và bảo vệ môi trường.

5. Định hướng phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật :

5.1. Quy hoạch giao thông :

Hệ thống cầu và đường hầm :

Đô thị mới Thủ Thiêm được kết nối với các quận nội thành hiện hữu qua 5 cầu và 01 đường hầm :

- Cầu nối với quận Bình Thạnh (cầu Thủ Thiêm).

- Cầu nối với quận 1 (cầu Ba Son).

- Cầu đi bộ nối với quận 1.

- Cầu nối với quận 4.

- Cầu nối với quận 7.

- Đường hầm Thủ Thiêm (thuộc dự án xây dựng Đại lộ Đông – Tây đã được Chính phủ phê duyệt).

Hệ thống đường đô thị chia thành 4 cấp :

- Trục đường chính cấp (cấp 1) : bao gồm Đại lộ Đông –Tây, đường Bắc Nam nối Bình Thạnh - Thủ Thiêm – quận 7.

- Đường cấp 2 : Bao gồm đại lộ Vòng cung, đường ven sông Sài Gòn (đoạn đối diện quận 1), đường ven hồ trung tâm (nối với xa lộ Hà Nội) và các tuyến đường nối các đường vòng cung với các cầu qua sông Sài Gòn.

- Đường cấp 3 : bao gồm các tuyến đường giới hạn 5 khu chức năng chính của đô thị Thủ Thiêm và giới hạn khu vực các khu nhà ở.

- Đường cấp 4 : Bao gồm các tuyến đường nội bộ trong các khu chức năng chính của đô thị Thủ Thiêm và nội bộ các khu nhà ở.

Hệ thống giao thông công cộng :

- Metro : Đô thị mới Thủ Thiêm có 1 tuyến metro ngầm nối quận 1 với phía Đông thành phố ngang qua Thủ Thiêm. Có 3 nhà ga metro được bố trí tại Quảng trường trung tâm, phía Đông Nam hồ trung tâm, Viện nghiên cứu.

- Xe buýt : Tuyến chính được bố trí trên các trục đại lộ Vòng cung, đại lộ Đông – Tây và các tuyến đường chính nối kết giữa các khu chức năng của Khu đô thị mới. Toàn tuyến nối với mạng lưới xe buýt của thành phố qua hệ thống cầu qua quận 1, quận 4, quận 7 và quận Bình Thạnh và các tuyến đường nối với quận 2 và phía Đông thành phố.

- Giao thông đường thủy : bao gồm hệ thống các bến tàu giao thông thủy hai bên bờ sông Sài Gòn, phục vụ nhu cầu của nhân dân và du khách. Mạng lưới taxi thủy được bố trí trên các kênh rạch được cải tạo, hình thành một mạng lưới giao thông đường thủy nối trung tâm khu đô thị với các khu vực lân cận và thành phố.

- Xe điện : Dự kiến bố trí trên các tuyến đường đại lộ Đông – Tây, đại lộ Vòng cung và kết nối với mạng lưới xe điện chung của thành phố.

Hệ thống đường đi bộ :

- Mạng lưới đường bộ được nối kết với các không gian mở, các trung tâm công cộng chính của thành phố và các không gian công cộng trong công trình, các khu nhà ở.

- Cầu bộ hành qua Sông Sài Gòn nối trung tâm quận 1 với Quảng trường trung tâm Thủ Thiêm là công trình có kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng sẽ đảm nhận chức năng chính gắn kết hệ thống đường đi bộ của hai trung tâm (mới và hiện hữu).

5.2. Cấp điện và mạng viễn thông :

- Nguồn điện : nguồn điện cung cấp cho Thủ Thiêm được sử dụng từ điện lưới quốc gia.

- Tổng nhu cầu điện năng : 1,35 triệu MWH

- Trạm biến áp : bao gồm 3 trạm 110 KV

+ Trạm An Khánh được nâng cấp.

+ Hai trạm mới đặt tại Khu lõi trung tâm chính và Đại lộ Đông – Tây.

- Mạng cấp điện và viễn thông : hệ thống dây tải điện và cáp viễn thông đều đặt ngầm dưới đất.

- Trung tâm viễn thông được đặt vị trí tại Tháp quan sát.

5.3. Cấp nước :

- Chỉ tiêu cấp nước sinh hoạt khu dân cư bình quân khoảng 250 lít/người/ngày/đêm, tính cho dân cư cư trú tại khu quy hoạch là 130.000 dân.

- Chỉ tiêu cấp nước cho các nhu cầu sinh hoạt khác ở khu quy hoạch, bình quân 350 lít/người/ngày/đêm, tính cho số lao động thường xuyên là 350.000 người.

- Nguồn nước : lấy từ nhà máy nước Thủ Đức và mạng lưới cấp nước chung của thành phố.

- Mạng cấp nước : được đấu nối với hệ thống cấp nước chung của thành phố qua 4 điểm : trên đường Trần Não, đại lộ Vòng cung, đại lộ Đông – Tây và qua sông Sài Gòn nối với đường ống cấp nước phía quận 7.

5.4. Thoát nước và vệ sinh đô thị :

- Tổng lưu lượng nước thải được tính toán trên cơ sở quy mô dân số, diện tích khu vực và chỉ tiêu sử dụng nước đô thị.

- Hệ thống thoát nước được thiết kế riêng cho thoát nước mặt và nước thải sinh hoạt, dịch vụ. Nước thải sẽ được thu gom thông qua hệ thống chảy tự nhiên và trạm bơm, đưa về nhà máy xử lý trước khi thải ra sông rạch.

- Tại ba khu vực thuộc phía Nam Thủ Thiêm, nước thải sinh hoạt và dịch vụ được thiết kế thành hệ thống riêng và được xử lý cục bộ trước khi thoát ra vùng đầm lầy châu thổ.

- Rác được thu gom tại công trình và sử dụng xe chuyên dụng chở đến nơi xử lý rác theo quy hoạch chung của thành phố.

5.5. Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng :

- Quy hoạch san nền khu vực phát triển (đường và các lô đất xây dựng công trình) với cao trình tối thiểu 2,5 mét. Quy hoạch san nền tạo độ dốc thoát nước tự nhiên cho Thủ Thiêm tối thiểu 0,5% và tối đa 3% (cao độ san nền lấy theo cao độ Quốc gia tại Hòn Dấu).

- Khu vực châu thổ phía Nam đô thị Thủ Thiêm, không kể 3 khu quy hoạch phát triển du lịch giải trí, có cốt cao độ chủ yếu giữ bằng cốt nền tự nhiên.

Lưu ý : Trong quá trình đầu tư phát triển các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, thiết lập các dự án đầu tư hệ thống cấp nước, thoát nước và chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng, cần được nghiên cứu tính toán cụ thể và bổ sung theo nội dung văn bản số 2055/BXD-KTQH  ngày 07 tháng 12 năm 2003 của Bộ Xây dựng và các quy chuẩn xây dựng hiện hành.

6. Dự kiến các giai đoạn phát triển :

Thời gian thực hiện phát triển Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm theo quy hoạch dự kiến là 20 năm với 4 giai đoạn phát triển dự kiến :

- Giai đoạn 1 – từ 2005 đến 2010 : phát triển mạnh ban đầu trên diện tích đất 350 hecta bao gồm một bộ phận lớn của Khu lõi trung tâm chính và toàn bộ Khu dân cư phía Đông.

- Giai đoạn 2 – từ 2010 đến 2015 : phát triển diện tích đất 180 hecta. Nhiệm vụ trọng tâm là hoàn tất Khu hạt nhân trung tâm và Khu Đa chức năng Đại lộ Đông – Tây.

- Giai đoạn 3 – từ 2015 đến 2020 : phát triển diện tích 87 hecta chủ yếu cho Khu dân cư mật độ trung bình ở phía Bắc của đô thị.

- Giai đoạn 4 – từ 2020 đến 2025 : diện tích đất 120 hecta còn lại sẽ được phát triển, tập trung chủ yếu tại phía Nam đại lộ Đông Tây.

Thời gian thực hiện đầu tư phát triển và nội dung phân giai đoạn đầu tư trên đây sẽ được điều chỉnh trong quá trình xây dựng và thực thi các kế hoạch phát triển cho từng giai đoạn và kế hoạch hàng năm, trên cơ sở nghiên cứu các dự án, chương trình cụ thể và cơ chế chính sách đẩy mạnh đầu tư phát triển, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của thành phố.

Điều 2.

- Quyết định này thay thế Quyết định số 367/TTg ngày 04 tháng 6 năm 1996 của Thủ tướng Chính phủ.

- Căn cứ nội dung Quyết định này, Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm có trách nhiệm phối hợp với các Sở ngành chức năng và Ủy ban nhân dân quận 2 tổ chức công bố công khai quy hoạch để các tổ chức, cơ quan và nhân dân biết, thực hiện. Ban Quản lý Đầu tư Xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Ủy ban nhân dân quận 2 kiểm tra, giám sát xây dựng theo quy hoạch và xử lý hoặc kiến nghị xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch theo quy định của pháp luật.

- Trong quá trình thực hiện xây dựng các công trình trọng điểm trong đô thị mới Thủ Thiêm, Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm phối hợp với các Sở Ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất các chương trình kế hoạch đầu tư phát triển các dự án xây dựng cụ thể, đề xuất các giải pháp thực thi quy hoạch ; hướng dẫn và tổ chức các cuộc thi kiến trúc, đấu thầu thiết kế, thi công theo đúng các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo nâng cao hiệu quả và chất lượng các công trình xây dựng theo đúng quy hoạch.

- Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng Ban Quản lý đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm và Ủy ban nhân dân quận 2 khẩn trương rà soát các dự án và quy hoạch đã được duyệt trong phạm vi khu vực chỉnh trang (80 ha), điều chỉnh các quy hoạch chi tiết và dự án không phù hợp với nội dung đồ án quy hoạch này, đề ra giải pháp và hướng dẫn các chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch, dự án xây dựng cho phù hợp tối đa với quy hoạch chung, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

- Sở Quy hoạch – Kiến trúc có trách nhiệm chủ trì phối hợp cùng Ủy ban nhân dân quận 2, quận 9, quận Thủ Đức, quận 1, quận Bình Thạnh, quận 4, quận 7, xem xét điều chỉnh, bổ sung quy hoạch xây dựng các khu lân cận, nhằm đảm bảo việc đầu tư phát triển đồng bộ với chiến lược phát triển Khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm. Sở Quy hoạch – Kiến trúc xây dựng kế hoạch thực hiện và trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 3. 

Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Giám đốc các Sở Quy hoạch – Kiến trúc, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông – Công chính, Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 2 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH 
PHÓ CHỦ TỊCH  



Nguyễn Văn Đua

Nơi nhận : 

  • -  Như Điều 3 ;
  • - Thủ tướng Chính phủ (để b/c) ;

    - Bộ Xây dựng (báo cáo) ;

    - Thường trực Thành ủy ;

    - Thường trực HĐND Thành phố ;

    - Thường trực UBND Thành phố ;

    - Văn phòng Thành ủy ;

    - VPHĐ-UB : Các PVP ;

    - Các Tổ NCTH ;

    - Lưu (ĐT/M) H.

    Nguồn : Bản quyền ©2015 THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Quay lại trang chủ
Read 959 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)