Bước vào Hội nghị trung ương 7, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật trung tâm đầy quyền lực để ban phát các chức vụ then chốt nhất của chế độ cho 5 đến 10 năm tới. Ông không nhắc gì đến mong muốn về hưu vì đã 2 lần quá hạn tuổi, yên tâm sẽ còn được phục vụ đảng của ông 2, 3 năm nữa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những câu nói được chú ý. Ảnh Cafef
Cái thế mạnh của ông là cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng với hàng vài chục đại án và hàng vài trăm bị cáo, phần lớn là cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh, thượng tá, đại tá quân đội, công an, cán bộ cao cấp trong bộ máy nhà nước, trong đó có một số kẻ nhận bản án tù chung thân và cả tử hình.
Ông Trọng coi con ngựa chống tham nhưng mà ông cưỡi là con Thần Mã đầy uy lực, tự mình coi là đại Bao Công của thời đại, nắm chắc trong tay thanh Bảo Kiếm sắc nhọn, làm run sợ mọi quần thần.
Thế nhưng cái thế của ông không ổn vững chút nào, vì chính ông thú nhận, tham nhũng lan rộng khắp nơi, khó chịu như cơn ghẻ, đánh tham nhũng là đánh vào ta, vào đảng ta. Ông cho bộ hạ ca ngợi ông là nhà chính trị thanh liêm, trong sạch, hiếm hoi, coi thường vật chất, hưởng thụ. Đám cưới con trai ông không thông báo rộng, chỉ làm hẹp trong gia đình, gương mẫu đến thế là cùng.
Nhưng có khá đông đảng viên cao cấp lại không tin vì họ cho ông là kẻ rất khôn ngoan lắm mưu vặt. Đã có thư công khai yêu cầu ông làm gương công bố tất cả tài sản cá nhân và gia đình ông cho toàn dân, toàn đảng được rõ.
Đã có những tin đồn ông "được tặng" món này món kia khi còn làm bí thư thành ủy Hà Nội hay trong vụ Formosa Hà Tĩnh.
Một số tiết lộ từ các vụ đại án dầu khí cho biết đã có chủ trương chung bán dầu thô cho Trung Quốc (một nửa tổng sản lượng khai thác) với giá rẻ mạt, chỉ bằng 70% giá thị trường quốc tế, nhưng được trả bằng tiền tươi – nhân dân tệ in hình Mao, tiền trao cháo múc. Số tiền này được chia cho các ủy viên Bộ chính trị và các bộ hạ liên quan để duy trì cuộc sống "ổn định".
Để xem ông Trọng đối phó ra sao với yêu cầu mạnh mẽ công khai cấp bách này. Chẳng lẽ đánh bài lờ thì khó coi quá !
Nhưng hiện có vấn đề nghiêm trọng hơn, đe dọa uy tín và vị trí của ngài tổng bí thư. Đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Cộng hòa liên bang Đức. Phía Việt Nam một mực coi đó là việc "cá nhân tự nguyện trở về nước đầu thú" nhưng tất cả chứng cứ, nhân chứng vật chứng đều chứng tỏ đây là một vụ bắt cóc bằng bạo lực phi pháp kiểu côn đồ quốc tế, bị ngành tư pháp Đức mở cuộc điều tra, công tố viên và tòa án Đức mở các phiên tòa xét xử dài hạn cho đến kết luận cuối cùng.
Vụ án lớn này đang được mở rộng dần, dẫn đến Bí thư sứ quán về an ninh bị trục xuất, một số công dân Việt sống trên đất Đức, Tiệp, Slovakia bị điều tra, trong đó có cả trung tướng Đường Minh Hưng, thượng tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm, và cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập vấn đề này trong cuộc gặp bà Thủ tướng Merkel.
Dư luận phưong Tây và toàn thế giới đang hướng dần vụ án quốc tế chấn động này đến vai trò và trách nhiệm của cá nhân ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo công pháp quốc tế, không có một nhân vật nào trên thế giới, dù là Tổng thống, Quốc trưởng, là bất khả xâm phạm khi phạm luật.
Rất có thể ông Trọng là kẻ đề ra quyết tâm, phương án cụ thể bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Cộng hòa liên bang Đức. Ông căm thù Thanh vì Thanh dám nói không tín nhiệm ông trên cương vị tổng bí thư. Chính ông đề ra việc truy nã quốc tế và nói lên nhiều lần "phải bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước để trị tội".
Tất cả vấn đề hiện nay là chủ trương cử nhóm hành động sang Liên Âu để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có được thảo luận kỹ đến mức nào trong Bộ chính trị và có biểu quyết cuối cùng hay không ? Đây là một hành động phạm pháp tập thể hay mang tính cách cá nhân, nặng về của riêng ông Trọng.
Phía Liên Âu, nhất là phía Cộng hòa liên bang Đức, có quyết tâm mở rộng vụ án triệt để đến kết luận cuối cùng. Họ có kinh nghiệm của Nhà nước pháp quyền tiền tiến.
Điều đơn giản họ yêu cầu là phía Việt Nam hãy suy nghĩ, cân nhắc cho thật kỹ, tốt nhất là công khai thừa nhận, thú nhận đây là một vụ bắt cóc bằng bạo lực phi pháp, thành tâm xin lỗi nhà nước, nhân dân Đức, nhận bồi thường hậu quả gây nên, và hứa sẽ không tái phạm.
Phải đề phòng phía Liên Âu và nhất là Cộng hòa liên bang Đức nổi giận vì thấy một Nhà nước hẳn hoi đi làm một vụ bắt cóc cấp Nhà nước trên đất người, có đầy đủ bằng chứng hiển nhiên không thể chối cãi lại chối phắt một cách hèn hạ, thấp kém, không hề biết xấu hổ với thế giới, với dân mình.
Phía Liên Âu và Cộng hòa liên bang Đức, rồi có thể cuối cùng đưa vụ án này ra trước Tòa Án Quốc tế La Haye, Hà Lan. Đó là quyền của họ giữa thế giới văn minh, thế giới pháp quyền hiện đại.
Lúc ấy chả lẽ ông Trọng sẽ khăn gói gõ cửa tị nạn ở Bắc Kinh với những ông bạn vàng của mình !
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 09/05/2018