Gần một năm rưỡi sau khi từ trần, tro cốt của cựu Đại tá Bùi Tín, qua đời ở Paris, "vẫn chưa thể trở về Việt Nam theo nguyện vọng của gia đình" một nhà báo ở Pháp cho hay.
Ông Bùi Tín lúc sinh thời trong một lần đến thăm Bức tường tưởng niệm Chiến tranh Việt Nam 'Vietnam Memorial' ở Washington, Hoa Kỳ
"Nhà nước Việt Nam rất lo sợ đám tang của ông Hoàng Minh Chính, của tướng Trần Độ, của ông Nguyễn Trọng Vĩnh, của ông Nguyễn Thanh Giang... những người đấu tranh, những người dám lên tiếng như vậy, thì họ rất sợ một đám táng sẽ gây lên những phản ứng mà nhà nước không ngờ và sẽ không đối phó kịp", bà Tường An - Ca Dao nói với Bàn Tròn Thứ Năm.
"Nhưng mà vừa qua thấy rằng đám tang của Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh đã có được những bước mà chúng ta tạm gọi là nhân nhượng của nhà nước... qua đó, tôi mong rằng tro của nhà báo Bùi Tín còn ở Paris đây, thì trong năm nay sẽ được trở về nơi chôn nhau cắt rốn của ông".
Bà Tường An - Ca Dao nêu ra vấn đề ngày khi trả lời phóng viên Quốc Phương của BBC News tiếng Việt hôm 02/1/2020 nhân chuyện nhà nước Việt Nam tổ chức đám tang trọng thể cho cựu đại sứ, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tại Hà Nội.
"Bởi vì đó là nguyện vọng cuối cùng của nhà báo Bùi Tín và nguyện vọng của gia đình, để có một đám tang đàng hoàng cho nhà báo Bùi Tín... để tro cốt của ông được đưa về Việt Nam, mà từ năm ngoái đến nay nhà nước Việt Nam vẫn còn cấm", bà Tường An nói.
Ông Bùi Tín mang hàm đại tá cao cấp của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nhưng sau trở thành người bất đồng chính kiến và lúc sinh thời đã bị một số đài báo chính thống ở Việt Nam phê phán.
'Chưa ra cáo phó chính thức'
Khi được hỏi về căn cứ nào để nhận định là có chuyện 'cấm' như vậy, bà Tường An nói với BBC :
"Trong đám tang của nhà báo Bùi Tín thì con gái của nhà báo Bùi Tín có qua tham dự và chúng tôi đã qua một số thủ tục để mà đem tro của ông Bùi Tín về.
"Những thủ tục bên đây (bên Pháp) thì không có gì khó cả.
"Nhưng mà ở gia đình thì cho biết rằng là ở Việt Nam, người ta không muốn đem tro của ông Bùi Tín về.
"Cho nên, cho tới bây giờ chúng ta thấy là ở Paris có một đám tang lễ của ông Bùi Tín.
"Nhưng mà bên gia đình vẫn chưa ra một cáo phó chính thức.
"Bởi vì họ muốn rằng là đem tro của nhà báo Bùi Tín về nhà (Việt Nam), xong rồi ở nhà mới đưa ra một cáo phó chính thức và sẽ làm tang lễ ở tại Việt Nam, tại Hà Nội.
"Tuy nhiên, vì Hà Nội vẫn chưa cho đem tro về, cho nên sau đó bà Bùi Bạch Liên đã phải trở về Việt Nam tay không.
"Nhưng mà gia đình vẫn rất mong muốn một ngày nào đó thì tro của ông Bùi Tín được đem về Việt Nam.
"Hiện giờ, tro của nhà báo Bùi Tín vẫn đang được thờ ở Chùa Khánh Anh, ở Evry", ký giả Tường An - Ca Dao, người từng ở trong Ban Tổ chức tang lễ tại Paris cho nhà báo Bùi Tín kể lại.
Giỗ đầu của cố nhà báo Bùi Tín tại chùa Khánh Anh, Pháp (Hình trên FB Tường An)
Hôm 03/1, sau hội luận Bàn Tròn Thứ Năm, bà Tường An qua bút đàm bổ sung thêm với BBC một vài chi tiết, bà cho hay :
"Bà Bạch Liên đã phải ở lại Pháp để lo thủ tục đem tro của thân phụ về.
"Bên Pháp, đã xong các thủ tục về bảo hiểm cũng như giấy phép xuất tro của chính quyền địa phương, nhưng cuối cùng gia đình báo tin là Hà Nội không cho đem tro nhà báo Bùi Tín về.
"Trong khi gia đình đợi đem tro về rồi sẽ làm cáo phó và cử hành tang lễ chính thức, như tôi đã chia sẻ tại Bàn Tròn Thứ Năm, thế nhưng chuyện đó đã không xảy ra.
"Sau khi bà Bạch Liên về lại Hà Nội thì gia đình làm một lễ cầu siêu tại nhà. Tuy nhiên, vẫn không đưa ra cáo phó về cái chết của ông Bùi Tín,
"Tro của ông lúc đầu được đưa tạm về nhà riêng ở Paris.
"Sau nhiều nỗ lực vận động, gia đình vẫn không được phép đem tro về, nên gia đình đã liên lạc với thầy Thích Quảng Đạo của chùa Khánh Anh xin phép gửi tro trên chùa. Thầy Thích Quảng Đạo đã hoan hỉ đồng ý và do đó cho đến ngày hôm nay, tro của nhà báo được giữ trên ngôi chùa này".
Ông Bùi Tín qua đời ngày 11/8/2018 tại bệnh viện André Grégoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp, hưởng thọ 91 tuổi.
Là cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, ông có một con trai hiện sinh sống ở Canada và một con gái ở Việt Nam.
Giữa ông và tôi rất khác nhau. Ông lừng danh. Tôi vô danh. Ông nổi tiếng tầm cỡ quốc tế. Tôi nổi tiếng tầm cỡ gia đình. Ông dày dạn. Tôi non kém. Ông sâu sắc. Tôi nông cạn. Nhưng ông và tôi giống nhau một điểm. Cả hai đến từ miền Bắc Việt Nam. Nguời anh em Cộng sản gọi chúng tôi là "bọn phản động". Người anh em Cộng hòa coi chúng tôi là "bọn nằm vùng". Chúng tôi lưu vong ngay giữa gia đình.
Nhưng ông và tôi giống nhau một điểm. Cả hai đến từ miền Bắc Việt Nam. Nguời anh em Cộng sản gọi chúng tôi là "bọn phản động". Người anh em Cộng hòa coi chúng tôi là "bọn nằm vùng". Chúng tôi lưu vong ngay giữa gia đình.
Tôi gặp Bùi Tín lần đầu vào một chiều mùa hè năm 1980 tại Hà Nội. Tôi gặp ông lần cuối cũng vào mùa hè 2017 tại California. Tôi không bao giờ nghĩ rằng đó là lần cuối.
Những buổi chiều ngắn ngủi bên ông. Chúng tôi đi dạo trong khuôn viên thinh lặng, mêng mông của một trường đại học miền Nam Cali. Ông dừng lại như để lấy thêm hơi thở rồi hỏi tôi có biết loài cây này không. Tôi cố cười để giấu sự dốt nát của minh. Tôi trả lời thành thật. Tên tiếng Việt của nó tôi còn chưa biết nói gì đến tiếng Anh.
Ông nói tên tiếng Anh và tiếng Việt của nó. Ông giải thích vì sao nó tới đất này. Thì ra đó là loài phượng tím. Tôi đã đi trên con đường này bao lần. Hoa tím vương đầy lối mà tôi thật vô tâm. Chẳng khi nào dừng lại mà tự hỏi đó là cây gì, hoa gì ? Rồi tôi suy ngẫm về thân phận con người. Thì ra không phải chỉ có loài người đi tìm nơi lánh nạn, mà cả loài cỏ cây, gỗ đá cũng kiếm nơi trú ẩn.
Ông và tôi ngồi nghỉ dưới vòm phượng tím, không gian yên tĩnh, nắng chiều Cali thật dịu dàng. Tôi hỏi ông về câu chuyện trưa 30/4/1975. Khi ông còn ở Việt Nam, sử sách viết rõ : Ông là sĩ quan cao cấp nhất có mặt vào thời điểm đó. Ông đại diện cho Quân đội Nhân dân bước vào Dinh Độc Lập nhận bàn giao từ Tổng thống Dương Văn Minh. Từ khi ông bỏ Đảng, trở thành nhà bất đồng chính kiến, tên ông bị đục bỏ khỏi khoảnh khắc bi thương và oan nghiệt nhất của lịch sử Việt Nam đương đại.
Huy Đức khẳng định : Bùi Tín không có mặt ở Dinh Độc Lập vào thời điểm đó. Huy Đức là một người viết được cho là tử tế. Cuốn Bên Thắng Cuộc của anh do nhà xuất bản Người Việt tại Hoa Kỳ phát hành, không bị kiểm duyệt. Tại sao Huy Đức lại loại tên ông ra. Lẽ nào Huy Đức nhầm lẫn. Lẽ nào Huy Đức lại ngụy tạo lịch sử trắng trợn đến cỡ đó. Ông cười nhẹ nhàng, nhưng không trả lời rồi bảo : Cho đến giờ ông vẫn còn ân hận vì đã quá lời với Dương Văn Minh lúc đó. Ông vẫn còn nhớ như in khi ông đọc tờ thực đơn của bữa ăn trưa cuối cùng của tống thống Việt Nam Cộng Hòa : Cá thu kho mía và gân bò hầm sâm.
Ngày ông mất, truyền thông phương Tây tràn ngập những bài về ông. Con trai cưng của một Thượng thư Bộ Hình lẫy lừng trong triều đình Huế. Một người lính đã can dự vào trận Điện Biên Phủ và bị thương ở đó. Một phóng viên chiến trường cự phách. Một sĩ quan quân đội đã tham gia thẩm vấn những phi công Mỹ tại nhà tù khét tiếng Hỏa Lò. Một người đã tiếp nhận sự đầu hàng của vị Tổng thống Nam Việt Nam. Một sĩ quan cao cấp của Quân đội Nhân dân đào ngũ. Một nhà bất đồng chính kiến kiên cường. Một kiếp lưu vong bất khuất.
Tôi xót xa cho những năm tháng lưu đày lênh đênh thương nhớ vô tận của ông. Tôi hỏi ông có nghĩ đến cơ hội trở về. Ông bảo : "Người ta" có bắn tiếng sẽ cho ông về, sẽ phục hồi mọi quyền lợi cho ông, với một điều kiện. Ông phải im lặng. Ông không được viết lách phát biểu gì. Làm sao Bùi Tín có thể im lặng trước nỗi đau đớn tủi nhục của đồng bào mình.
Như bao nhiêu những người Việt Nam khác cùng thế hệ, ông đã can dự vào cả bốn cuộc chiến liên tục, đẫm máu, dai dẳng và tàn khốc nhất trong lịch sử Việt Nam. Đánh Pháp. Đánh Mỹ. Đánh Khmer Đỏ. Đánh bá quyền Trung Quốc. Ông đã giành cả thời trai trẻ để tham dự vào đoàn quân quyết đập vỡ mặt nền Cộng hòa Pháp, quyết đánh bể đầu nền Tự do Mỹ.
Nhưng rồi, chính Pháp và Mỹ đã giang rộng vòng tay cưu mang ông những năm tháng lưu vong tận tuyệt. Cũng chính Pháp và Mỹ đã cho ông nếm hương vị của bầu khí quyển tự do vô tận mà ông cùng các đồng chí của ông hằng đánh đuổi. Cuộc đời ông là một bi kịch khổng lồ, một trò nhạo báng vĩ đại, một nghịch lý siêu phàm, một tấn hài cay đắng, một nhầm lẫn lịch sử.
Giữa ông và tôi rất khác nhau. Ông lừng danh. Tôi vô danh. Ông nổi tiếng tầm cỡ quốc tế. Tôi nổi tiếng tầm cỡ gia đình. Ông dày dạn. Tôi non kém. Ông sâu sắc. Tôi nông cạn. Nhưng ông và tôi giống nhau một điểm. Cả hai đến từ miền Bắc Việt Nam. Nguời anh em Cộng sản gọi chúng tôi là "bọn phản động". Người anh em Cộng hòa coi chúng tôi là "bọn nằm vùng". Chúng tôi lưu vong ngay giữa gia đình.
Dưới vòm phượng tím, bầu trời đang tối dần. Ông đọc bài thơ "Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?" của cô giáo Lam, ở Hà Tĩnh. Tuổi 90, tay chống gậy, Bùi Tín bước từng bước chậm chạp và khó nhọc, nhưng giọng ông hùng hồn, mạch lạc và sang sảng. Ông nhấn từng chữ, gởi cả tâm tư vào câu hỏi đầu tiên của mỗi khổ thơ :
Đất nước mình ngộ quá phải không anh ?
Đất nước mình lạ quá phải không anh ?
Đất nước mình buồn quá phải không anh ?
Đất nước mình thương quá phải không anh ?
Đất nước mình rồi sẽ về đâu anh ?
Anh không biết em làm sao biết được
Câu hỏi gửi trời xanh, gửi người sau, người trước
Ai trả lời giùm đất nước sẽ về đâu...
Những tia nắng cuối cùng trong ngày hắt lên. Ông nhọc nhằn ngồi xuống phiến đá lặng im như một pho tượng. Màn đêm nhạt nhòa buông xuống. Tôi đọc cho ông nghe câu thơ của Salvatore Quasimodo :
"Mỗi người đứng bơ vơ trên trái tim trái đất. Lòng xuyên qua một tia nắng mặt trời. Và chưa chi chiều đã tắt".
Thi sĩ trẻ tuổi người Mỹ gốc Việt Ocean Vương vừa cho ra đời cuốn tiểu thuyết "On Earth We’re Briefly Gorgeous" - Trên mặt đất chúng ta chỉ huy hoàng trong chốc lát. Ngạn ngữ Việt có câu "Đời người sống gởi thác về". Trịnh Công Sơn hát "Có đường phố nào vui. Cho ta qua một ngày". Chúa Giê Su trước giờ lâm chung Ngài cầu nguyện : "Xin Cha ở với con giờ này. Mọi việc trên đất đã xong xuôi cả rồi". Cuộc dạo chơi trên đất của Bùi Tín cũng đã xong xuôi.
Ông và thế hệ của ông đã đánh thức lương tri, đã gieo mầm mơ ước, đã thắp lên những tia hy vọng, tự do, đã đốt lên đốm lửa trong đêm dài tăm tối. Ông như người lính đã hoàn thành nhiệm vụ. Ông như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng. Ông xứng đáng được yên nghỉ.
Giỗ đầu ông. Đốt nén nhang lòng, truy điệu một người lính đã nằm xuống. Ông sống khôn chết thiêng. Mong ông tha thứ. Tôi hứa đưa ông về nhà chơi, nhưng chưa kịp. Ông đã ra đi và chưa chi chiều đã tắt.
Queen East Toronto, Canada, 05/08/2019
Trần Phương
Nguồn : VNTB, 10/08/2019
Đọc lại blog của ‘Thằng hèn vĩ đại’
Mạnh Kim, VOA, 14/08/2018
"Sáng nay, 2/8/2011, đường kết nối Internet của tớ đã bị người ta cắt không thông báo lý do gì cả. Vậy là khó khăn khi cập nhật tin tức đây, nhưng tớ đã có cách"... – đó là một thông báo ngắn của trang blog Tô Hải đề ngày 2/8/2011. Và đó không phải là lần đầu tiên ông bị cắt internet. Dù vậy, ông vẫn xoay sở. Vẫn viết. Viết như một người có trách nhiệm và lương tâm. Viết trên giường bệnh. Có khi ông mệt viết không nổi nhưng vẫn đọc và nhờ vợ viết giùm. Giờ này, ông Tô Hải đã đi. Rất xa. Nhưng ông "vẫn còn". Trang blog của ông vẫn còn. Nó hiện diện như một bằng chứng cho thấy lương tâm công dân của một "thằng hèn" như ông nó "sạch" và "sang" như thế nào…
Tô Hải thời còn trẻ (Hình : FB To Hai)
"Đã 3 tuần rồi… không được phép ngồi… không được phép đi lại… chỉ được phép nằm… Vậy mà nằm cả ngày cũng có cái lợi đấy : Năng suất đọc tin trên mạng bỗng dưng tăng gấp 2, gấp 3. Vốn ngoại ngữ tự nhiên được cải tiến, giàu có thêm nhiều từ ngữ về kinh tế, chính trị, xã hội lâu nay không biết (nhờ luôn có vài ba cuốn từ điển bên mình). Các đề tài gợi ý cho hàng trăm entries để viết nếu có sức khoẻ được như cách đây 2 năm. Vậy mà than ôi, đành phải ngậm đắng nuốt cay cho qua. Mà những vấn đề cho qua, xét cho cùng nói lắm mỏi mồm, viết lắm mỏi tay, ngồi máy tính lắm gãy thêm xương sống vì chẳng có một li tác dụng nào hết, ngoài việc "tự sướng" với mình khi đọc các comment hưởng ứng và phát triển "chủ đề" của các friends ở năm châu bốn biển".
Đó là những dòng tâm sự ông Tô Hải viết cách đây hơn 8 năm, ngày 24/04/2010. Nói là nói như thế nhưng ông không bao giờ ngưng suy nghĩ và ngưng giãi bày. Ông bàn về đủ chủ đề. Ông viết có khi bằng giọng văn chế nhạo, có khi bằng sự nghiêm túc với nhận thức rõ ràng. Những nhận xét của ông giờ này đọc lại vẫn còn đậm tính thời sự. Nói về hòa hợp-hòa giải, ông viết :
"Làm sao có thể hòa giải-hòa hợp với những người phải bỏ nước ra đi, sống ở quê người, những người bị làm mồi cho cá mập đại dương, cho lũ cướp biển, bỏ lại tất cả của cải, nhà cửa, xe cộ cho mấy ông cán bộ lấy làm chiến lợi phẩm ?... Làm sao có thể hòa giải-hòa hợp với hàng vạn gia đình, con cháu họ khi cha ông họ bị cướp sạch ruộng đất, nhà cửa, bị đấu tố rồi giết hại bằng đủ kiểu dã man như thời Trung Cổ bởi những Đoàn, Đội Cải cách ruộng đất cơ chứ ?... Làm sao có thể hòa giải với hàng triệu gia đình có cha, ông là sỹ quan phía "bên kia" bị đánh lừa bằng những lời hứa hẹn kiểu ông Trần Văn Trà "Người Việt Nam không ai thắng ai thua, Chỉ có Đế Quốc Mỹ là thua thôi !", đã hồ hởi (?) đi "học tập mang theo lương thực 10-20" ngày để rồi bị đi mút mùa ở các trại cải tạo nơi rừng sâu nước độc, để ở nhà vợ con bị xua đi kinh tế mới... và không ít người đã mất xác cho đến nay, bao gia đình vẫn phải về tìm hài cốt ở những nơi chồng, cha họ đã từng bị "học tập", dưới danh nghĩa "khúc ruột ngàn dặm" một cách đắng cay và mai mỉa… Và còn hàng ngàn, hàng vạn thứ chủ trương, hành động gây thù, gây oán ngàn đời không rửa sạch, xảy ra suốt hơn 60 năm tớ sống và làm việc trong "kinh hoàng và sợ hãi thường trực" nữa... Cho nên tớ mới nghĩ rằng : Chỉ khi nào những kẻ gây nên thù hận nhìn ra là mình có tội thì may ra sự hận thù mới được dần dần được nguôi ngoai… (trích entry đề ngày 21/11/2010).
Có những thời điểm, chắc chắn là rất tuyệt vọng trước hiện tại và tương lai u ám của đất nước, ông đã phải thốt lên :
"Đau ! Đau lắm ! Đau đến rã rời ! Đau đến tuyệt vọng ! Đau đến mất ăn, mất ngủ ! Đau đến nỗi không muốn viết cái entry số 59 này nữa !... Phải đến 3 ngày phấn đấu thực sự mới có thể ngồi dậy, cài đai nâng cột sống, rồi viết những dòng sau đây để "tự kiểm điểm" về những điều hy vọng hão, những mong ước mù lòa trong công cuộc góp phần đẩy mạnh "tự diễn biến từ bên trên", với hy vọng sớm đưa đất nước vào một cuộc đổi thay cơ bản… Nhưng tớ đã lầm ! Lầm về cơ bản : Họ có là cộng sản đâu mà hòng lật đổ cái chủ nghĩa cộng sản không hề có trên đất nước này ? Vậy tớ góp ý cho ai ? Lật đổ cái gì ?... Cái trò bầu cử ở Quốc Hội, cho đến hôm nay quả là một màn mở đầu quá dở. Nó chứng minh trước thế giới là cái "cơ quan quyền lực cao nhất nước" lần này chẳng qua chỉ là 500 cái bánh xe được lắp ráp sẵn để "Dạ ! chúng em xin chấp hành" !...
Ông viết tiếp : "Các ông "nói dối lem lẻm, nói dối không biết ngượng" (chữ của Nguyễn Khải) khi nhắc đến những con số… mà chính các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước đã gọi là những con số "chẳng biết từ đâu mà ra" (!)… Các ông đã vượt qua cả Gobbel, Hitler về nói dối vì bọn này biết là mình nói dối nhưng nói nhiều, nói dối mãi, sẽ còn lại một cái gì (mentir, mentir toujours, il en restera quelque chose)... Còn các ông biết rằng mình nói dối nhưng bắt cả gần 90 triệu dân phải vui vẻ nhận đó là nói thật. Ai phản biện lại điều mà các ông biết là các ông nói dối sẽ trở thành "lực lượng thù địch"… (trích "Phấn đấu ký số 59 : Tia hy vọng "cỏn con" cuối cùng của Tớ đã tắt ngóm !, 25/07/2011).
Một video clip quay ngày 16/12/2007, trong đó có cảnh ông Tô Hải tranh cãi với bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (lúc ấy là Trưởng ban Tuyên giáo thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh) khi ông tham gia một cuộc biểu tình chống Trung Quốc, hôm rày đã được cộng đồng mạng nhắc lại. Như tất cả những người bất đồng chính kiến khác, ông Tô Hải cũng bị quy chụp là "phản động", bị "thế lực thù địch" "tác động" và "giật dây". Và như thời Văn nhân-Giai phẩm, ông cũng bị trù dập bằng nhiều hình thức. Trong "Phấn đấu ký số 73" (ngày 10/10/2011), ông kể :
"Hôm nay định nghỉ cái lưng vài ngày thì… vấp phải một chuyện không vui muốn vùng dậy ghi ngay vào nhật ký mở ! Đó là một cú điện báo cho mình biết về "tai vạ" đã rơi xuống đầu của ca-nhạc-sỹ Tuấn Phong, trưởng bộ môn thanh nhạc Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh ! Anh đã bị gọi lên Sở Văn hóa hỏi "tội" về việc dám cả gan dàn dựng lại bản cantate 4 chương "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" của mình viết từ những năm 1958 cho dàn nhạc giao hưởng và 4 bè hợp xướng ! Thì ra, Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh, do không nhận được văn bản hay cú điện nào "cấm sử dụng tác phẩm của Tô Hải", nên anh chị em cứ vô tư dàn dựng cái gì mà họ thấy là hay, là có lợi cho sự học tập của sinh viên mà thôi !... Tất cả đều chỉ là "lệnh miệng". Không một giấy tờ công khai, không một tuyên bố : Tội thằng già này chẳng khác chi bọn Xét Lại, Nhân Văn ! Phải triệt cái đường sống của nó ! Việc làm phát xít hóa này đã được tiến hành cả hơn 2 năm nay… Bọn đồ tể văn nghệ, nhân dịp mình viết "Không nên níu kéo những gì không cần níu kéo", đã được dịp ra tay "trảm luôn" 20 đến 25 tác phẩm còn lại có tiếng nói của trái tim mình, trong đó có "Nụ cười sơn cước", "Đứt giây đàn", "Cung đàn nhắc lại làm chi", "Những người trẻ mãi", "Tiếng hát người chiến sỹ biên thùy" mà "Nhà nước" đã có thu thanh, phát sóng, biểu diễn nhiều lần !"…
Dù thế nào, so với thế hệ Phùng Quán hay Nguyễn Hữu Đang, ông Tô Hải cũng có một không gian để giãi bày. Ông còn có "bạn từ bên Tây, lần đầu comment trên blog tớ đã tôn vinh tớ hơi quá lời ! Có những tờ báo mạng chuyên chửi tớ hết lời cũng lần đầu đưa entry của tớ lên đầu trang ! Thú thật, tớ cũng thấy vui vui và quên đi bao khó khăn, quên đi những chuyện "bão giá tàn phá ngay trong nhà", những chuyện bệnh tật nan y... để được theo đuổi vai trò làm một blogger chỉ có nói lên Sự Thật, mãi mãi là Sự Thật vì đã gần nửa đời người tớ chỉ có nói dối, tham gia nói dối, nhai lại ý kiến của người khác" (trích entry ngày 16/07/2011)…
Thôi thì, trong khi "những nhà lãnh đạo đương thời đang ngơ ngác trước một con đường không lý tưởng, không lý luận chỉ đường mà chỉ còn một tấm bùa duy nhất là tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh để đi theo" ; trong khi "bọn thoái hóa, biến chất, ăn cướp, ăn đủ thứ, hiếp đáp Nhân Dân, vơ vét đầy túi tham, không e dè, sợ hãi, trâng tráo và trắng trợn" vẫn còn nhan nhản ; trong khi ông, đến lúc nhắm mắt, vẫn chưa thấy được "các ông "đỉnh cao trí tuệ" chịu rời đỉnh cao để xuống làm quần chúng nhân dân như mọi người"... thì ông cũng đã có thể mỉm cười mà đi với cái ngẩng cao đầu, vì rằng : "20 năm cuối đời này, tớ đã thấy ra : Không rũ bỏ được nỗi SỢ và cái HÈN thì… mãi mãi chỉ là những đàn ngựa, đàn cừu của những chủ trại nuôi cho béo để cưỡi hoặc để lột da may áo mà thôi !".
Mạnh Kim
Nguồn : VOA, 14/08/2018
******************
Những người theo đảng, những người tỉnh mộng !
Ánh Liên, VNTB, 14/08/2018
Trong một bài viết tưởng nhớ về hai tên tuổi mới mất trong tuần vừa qua : nhà báo Bùi Tín và nhạc sĩ Tô Hải. Nhà văn Phạm Đình Trọng đã gửi lời chào tạm biệt đến 'những người cuối cùng của thế hệ hào hoa mà lạc bước đã ra đi'.
Hai người hào hoa đã ra đi
Nhưng với người viết, sự ra đi của hai ông là sự ra đi của một lớp người 'đã tỉnh mộng', lớp người mà sự hăng hái và phấn đấu theo lời kêu gọi của đảng, sau đó đã bị vỡ mộng bởi hiện thực 'bẻ gãy xiềng xích' cũ để tròng lên một xiềng xích mới.
Cả hai người đều là tri thức đúng nghĩa, và cả hai người đều có thể đã nhận ra, trong hệ quy chiếu của thể chế hiện tại, nó biến những trí thức thành những người yếu đuối, mềm oặt, những 'Trí thức cụp tai/ Ngòi bút trượt dài sợ hãi/... Trí thức cụp tai xin phiếu bé ngoan' (thơ của Nguyễn Đình Chính).
Hiện này không chỉ diễn ra với nhạc sĩ Tô Hải hay nhà báo Bùi Tín, nó còn hiện diện cả trên một nhân vật mới gây xôn xao dư luận mạng xã hội gần đây - ông Nguyễn Ngọc Vinh - Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ.
Ông Vinh - người tự nhận là 'Đang cố gắng sống như một công dân gương mẫu tuân thủ pháp luật, một nhà báo đàng hoàng, một đảng viên trong sạch và ngay thẳng, vậy mà chỉ ngủ một đêm thức dậy tôi thấy mình có nguy cơ biến thành tội phạm.'
Chính ông Vinh cũng tự đặt câu hỏi lớn : một đảng viên luôn trăn trở về thời sự, tại sao tôi lại bị kết tội khi đặt các câu hỏi về vận mệnh của đất nước và dân tộc mình ? Tại sao ?
Giống như hai nhân vật lớn kể trên, sự kiện lần này của ông Nguyễn Ngọc Vinh được xem như một sự kiện làm vỡ mộng tâm tưởng chính ông. Vỡ mộng về sự phấn đấu, nhiệt tình và hăng hái đóng góp như một người đảng viên thực thụ, để cùng đảng, cùng toàn dân xây dựng một nhà nước bền vững. Bởi ông có giỏi đến mức nào, có tâm huyết ra sao, nếu ông không nghe lời mà đảng đã quy hoạch, thì ông cũng sẽ bị kết tội.
Một Cù Huy Hà Vũ, luật sư giỏi về mảng quốc tế cùng với gia thế cách mạng gộc đã bị ứng xử như thế.
Một Trần Huỳnh Duy Thức, một doanh nhân có tâm và tầm, người nhìn ra xu thế của internet từ những năm 90 cũng bị ứng xử như thế.
Và một Ngô Bảo Châu cũng như vậy.
Những trí thức thực sự, nhưng không nghe theo mệnh lệnh từ đảng chỉ bảo, mà chỉ theo 'chỉ đạo' từ trái tim, khối óc (để được sống như một con người) sẽ buộc 'phải gắng mà học tập nhân dân nghĩa là phải cúi đầu tuyệt đối vâng, nghe lời đảng'. Nếu không nghe, họ sẽ bị bạc đãi, bằng kỷ luật lẫn tù giam.
Cuộc đời triết gia Trần Đức Thảo 'tan nát vì cách mạng' - như cách mà giáo sư Nguyễn Ngọc Bích đề cập cũng là khối bi kịch tiếp tục áp dụng lên những trí thức đời sau.
Một thời sôi nổi theo lời đảng đã qua ?
Bi kịch lớn của một người từng theo cách mạng, những người cộng sản là sự 'vỡ mộng', nhưng bi kịch lớn hơn cả vẫn là chưa kịp vỡ mộng cho đến khi mất đi. Như nhạc sĩ Tô Hải, ông vỡ mộng từ năm 2000 (thế kỷ XX) với sự ra đời của 'Nhật ký một thằng hèn', trong khi đó, nhà báo Bùi Tín lại vỡ mộng từ những năm 1990 - với sự tỉnh mông theo từng giai đoạn lần lượt : còn tin đảng cải thiện cho đến khi chấm dứt niềm hy vọng này.
'Tỉnh mộng thực sự', đó cũng là điều mà ông Nguyễn Ngọc Vinh nhận diện. Đó cũng là kết quả tất yếu của một quy trình trong đảng : khi đã thuộc đảng, thì tự do ý chí phải biến mất. Nghĩa nôm na, người trí thức phải bán linh hồn tự do để đổi lại sự tồn tại trong khuôn dạng 'cụp tai/sợ hãi/ xin phiếu bé ngoan'.
Tự do không tồn tại, nên đảng mới thực sự cài cắm sâu và duy trì sự thống trị. Bởi một tổ chức với hàng chục năm trời nghe ca tụng, nay buộc phải hứng chịu lời trái chiều thì không phải là dễ dàng, nếu thiếu tính khoan dung và chấp nhận đổi thay - đáng tiếc, cả hai điều này lại thiếu vắng ngay trong nội bộ chính đảng cộng sản ở Việt Nam.
Người viết luôn đánh giá cao sự 'vỡ mộng' của những người đã và đang là đảng viên hơn là những người ngoài đảng. Vì họ bị kiềm chế, kèm kẹp trong hệ thống quy định - nghị quyết trong hàng chục năm. Các văn bản vô tri giác đó áp đặt lên những đảng viên, hút cạn sinh lực đấu tranh và tư tưởng tự do của họ, trả lại cho họ một thân xác không còn ý chí sinh đấu, chỉ còn sự tồn tại.
Bấy lâu nay, khi nói về đảng viên - nhiều quan điểm cho rằng đó là 'sướng', nhưng đó là đảng viên cấp cao, họ chấp nhận bị tước đoạt để leo cao và sử dụng quyền lược để tước đoạt trở lại. Còn những đảng viên cấp thấp thì hoàn toàn bị tước đoạt, đến mức, tự do của đảng viên còn thua một con chim bị nhốt trong lồng. Bởi chim còn thích khi nào hót, chứ đảng viên chỉ hót khi có lệnh.
Quay trở lại sự kiện Nguyễn Ngọc Vinh cho thấy, sự tác động tích cực của mạng xã hội trong thúc đẩy sự 'tỉnh mộng' trong đội ngũ công nhân viên chức nhà nước, trong hệ thống đảng viên, và khi sự 'tỉnh mộng' càng nhiều thì tiến trình teo tóp kiểm soát trong đảng càng diễn ra nhanh. Hệ thức độc tài sẽ buộc chuyển dần sang tính dân chủ hoặc chính nó phải tự sát với tính độc tài cố hữu của mình.
'Những người tỉnh mộng' do đó, trở thành một nỗi lo sợ trong đảng với cụm từ 'tự diễn biến, tự chuyển hóa', nhưng lại là niềm vui - hạnh phúc của nhân dân, bởi từ đó 'Tổ quốc bớt đi một thằng ăn hại'.
Ánh Liên
Nguồn : VNTB, 14/08/2018
********************
Viết nhân chuyến ‘ra đi’ của nhà báo Bùi Tín
Thiện Ý, VOA, 13/08/2018
Nhân được tin truyền thông trên mạng, nhà báo Bùi Tín, một cựu đảng viên đảng cộng sản Việt Nam phản tỉnh rất sớm, vừa qua đời tại Paris Pháp quốc, hưởng tuổi 91(1927-2018). Chúng tôi thành kính gửi lời phân ưu đến đại tang quyến và cầu chúc hương hồn nhà báo Thành Tín - Bùi Tín sớm hưởng hạnh phúc vĩnh cữu nơi cõi vĩnh hằng.
Nhà báo Bùi Tín.
Chúng tôi không quen, tất nhiên rồi (vì cách biệt về tuổi tác và khác môi trường sống trong cũng như sau chiến tranh) nhưng biết ông cũng như nhiều người khác còn quan tâm đến đất nước, qua các bài viết của ông phổ biến rộng rãi trên mạng và một số cuốn sách ấn hành tại hải ngoại như "Mặt Thật", "Hoa Xuyên Tuyết"… Vì vậy về mặt tình cảm chúng tôi không xúc động nhiều, cũng không ngạc nhiên mà chỉ lấy làm tiếc khi nhận được tin nhà báo kỳ cựu Bùi Tín vĩnh viễn ra đi về một thế giới khác, mà nhiều người tin tưởng ở đó không còn chiến tranh, hận thù.
Chúng tôi không ngạc nhiên vì sự ra đi ở tuổi 91 dễ có mấy ai mà người xưa gọi là đại thọ (trên 60 là tuổi thọ, trên 70 là "thất thập cổ lai hy" và trên 80 là thượng thọ). Nhưng chúng tôi lấy làm tiếc vì hai điều :
- Một là nếu như người quá cố sống thêm ít năm nữa thì sẽ tiếp tục đóng góp lực đẩy, lực xoay làm gia tốc tiến trình dân chủ hóa cho Quê Mẹ Việt Nam sớm kết thúc. Bởi vì gần 30 năm qua, kể từ sau khi đào tỵ tại Pháp (1990-2018) nhà báo Bùi Tín đã dùng ngòi bút sắc bén và dầy kinh nghiệm nghề nghiệp của mình đấu tranh trên mặt trận truyền thông đến hơi thở cuối cùng cho mục tiêu làm tiêu vong từng bước chế độ độc tài đảng trị hay toàn trị cộng sản tại Việt Nam, để dân chủ hóa Đất nước. Nội dung những bài viết hay những cuốn sách của nhà báo Bùi Tín đều ít nhiều có tác dụng cảnh tỉnh những người cộng sản từng là đồng chí, đồng đội của Ông trong và sau cuộc nội chiến Quốc- Cộng do đảng cộng sản Việt Nam phát động, tiến hành ở Miền Nam Việt Nam (1954-1975). Đồng thời, bằng chính những kinh nghiệm thực tiễn của những năm dài tin theo "Đảng Ta" vì bị lừa bịp, được dàn trải trong những bài viết và những cuốn sách đã có sức lôi cuốn sự chú ý và sức thuyết phục cao đối với mọi giới độc giả trong cũng như ngoài Việt Nam.
- Hai là nếu như lúc còn sống nhà báo Bùi Tín không bị một số người quốc gia theo chủ nghĩa "Nhất nguyên chống cộng", mắc mưu các "dư luận viên" mà chúng tôi thường gọi là những "Đặc tình truyền thông cộng sản" nên đã nghi ngờ ông như một kẻ"phản tỉnh cuội" hay "giả vờ phản tỉnh" để chui sâu vào các tổ chức cộng đồng người Việt quốc gia để đánh phá. Thế nhưng, thực tế sau 28 năm sống đời tỵ nạn ở Pháp, khách quan người ta chỉ thấy các hoạt động thực địa (đi đó đây thuyết trình, hội luận…) và viết sách báo trên lãnh vực truyền thông, đều hữu ích cho công cuộc chống cộng vì tự do, dân chủ ; không thấy dấu hiệu gì là "giả vờ phản tỉnh" để "nằm vùng" cho Việt cộng. Thành ra, nếu như nhà báo Bùi Tín không bị hoài nghi, đánh phá, nhục mạ, chụp mũ thì có lẽ những bài viết và nhưng cuốn sách của Ông đã có tác dụng tốt hơn nhiều cho công cuộc chống cộng vì tự do dân chủ cho đất nước. Đồng thời đã làm thất bại ý đồ của Việt cộng muốn dùng chính người Việt quốc gia chống cộng để tiêu diệt những "đảng viên cộng sản phản tỉnh" bị coi là phần tự nguy hiểm, có hại cho chế độ khi đào thoát ra nước ngoài cách này hay cách khác. Vì hơn ai hết, những cựu đảng viên cộng sản phản tỉnh biết rõ bộ mặt thật của đảng cộng sản Việt Nam, là những nhân chứng sống để những gì họ nói, viết về đảng và chế độ cộng sản Việt Nam đều lạ sự thật, khả tín và có sức thuyết phục cao.
Tiếc rằng trước và sau nhà báo Bùi Tín – Thành Tín, tệ trạng hoài nghi, đánh phá những cựu đảng viên cộng sản hay các cựu viên chức dân sự cũng như quân sự "phản tỉnh" vẫn tồn tại, tuy có giảm mức độ và cường độ. Nhìn lại những khuôn mặt "phản tỉnh" nổi bật sau này như các nhà tranh đấu dân chủ : luật sư Cù Huy Hà Vũ, nhà báo blogger Điếu Cầy Nguyễn Văn Hải cựu bộ đội phục viên, cựu sĩ quan công an Tạ Phong Tần, nhà văn Trần Khải Thanh Thủy và nhiều người khác đều từng là nạn nhân của sự hoài nghi, là mắc mưu Việt cộng và chỉ có lợi cho Việt cộng mà thôi.
Chúng tôi nghĩ rằng, người cộng sản cũng là con người biết suy tư đúng, sai, phải trái. Chẳng qua do hoàn cảnh, trong một thời khoảng nào đó, do cơ chế và sự tuyên truyền lừa bịp, một chiều, nhất thời họ có thể đã làm sai, gây tội ác. Nhưng hoàn cảnh thay đổi, với các sự kiện thực tiễn, thông tin đa chiều, người cộng sản "phản tỉnh" là điều chắc chắn xẩy ra và khả tín. Chúng tôi đã tin nhà báo Bùi Tín "phản tỉnh thật" ngay khi ông đào tỵ vào năm 1990 với những lời tuyên bố và một số bài viết đầu tiên chúng tôi nghe được, đọc được lúc đang còn ở trong nước. Sau khi ra hải ngoại (1992) ít năm sau tình cờ một bài viết của tôi tựa đề "30/04/1975 Quốc gia thua để thắng, Cộng sản thắng để thua" đã được báo Người Việt" ở California cho đăng tải cạnh bài viết của nhà báo Bùi Tín về 30/04/1975. Dường như tờ báo muốn cho độc giả thấy cái nhìn của một người quốc gia Thiện Ý và người cộng sản phản tỉnh Thành Tín - Bùi Tín như có cái gì gần nhau… Chúng tôi cũng rất tin bất cứ đảng viên cộng sản nào "phản tỉnh" khi được đưa ra hay trốn thoát ra hải ngọai, là họ "phản tỉnh thật" cho đến khi họ có những lời nói, hành động để lộ cho thấy họ là những "đặc tình thực địa" (nằm vùng) hay "Đặc tình truyền thông" (dư luân viên) do nhà cầm quyền Việt cộng tổ chức và chỉ đạo.
Houston, ngày 12/08/2018.
Thiện Ý
Nguồn : VOA, 13/08/2018
**********************
Cát Linh, RFA, 13/08/2018
Một sự kiện mà sẽ khó có sự trùng lặp lần thứ hai vừa xảy ra với văn đàn Việt Nam, đó là sự ra đi của hai văn sĩ tri thứ Việt Nam, một là nhạc sĩ, một là nhà báo, người còn trong nước, người đã đào tỵ ở nước ngoài cùng qua đời ngày 11 tháng 8 vừa qua, hưởng thọ 91 tuổi.
Nhạc sĩ Tô Hải (trái) và nhà báo Bùi Tín - RFA edit
Đặc biệt là cả hai là những người đã từng thuộc về một "chiến tuyến khác".
Họ có phải là những hình ảnh hiện thân cho một thế hệ thanh niên thời "bấy giờ" hay không ?
Nhà văn Uyên Thao, người viết lời giới thiệu cho cuốn "Hồi ký của một thằng hèn" của nhà văn Tô Hải, từ Virginia tâm sự :
"Cái thế hệ của chúng tôi như Bùi Tín, Tô Hải chỉ là một trong những thế hệ, trong một đoạn đường dài tiếp nối của nhiều thế hệ trước. Thành ra tâm tư của những người đó thì tôi có một bài viết nói là tất cả đều không đạt được những tâm tư mong ước của mình vì có 2 cái bệnh : thứ nhất là bệnh ngu và thứ hai là bệnh hèn. Rất nhiều thế hệ Việt Nam đã bị 2 cái bệnh đó. Anh Tô Hải xác nhận mình là "thằng hèn", là thằng ngu vì mình đã bị lừa gạt trong mùa thu năm 1945. Không những mình đem tai hoạ cho mọi người mà còn gieo tai rắc hoạ cho chính bản thân mình.
Phải nói ngay là có nhiều thế hệ Việt Nam đã lâm vào tình trạng ngu và hèn như anh Tô Hải đã nói".
Nếu ai đã được xem qua "Hồi ký của một thằng hèn" sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, nhạc sĩ Tô Hải đã không ngần ngại, nhưng chắc chắn cũng rất đau đớn khi phải viết rằng :
"Tập "Hồi ký" này tôi đã viết xong từ năm 2000, nhưng do... hèn, tôi đã không dám cho nó ra mắt bạn đọc. Vâng, do... hèn, chứ chẳng phải do cái gì khác, tôi đã giấu nó đi, lại còn cẩn thận ghi thêm một dòng ở ngoài bìa "Để xuất bản vàonăm 2010".
Như một lời di chúc dặn vợ con, khi tôi đã… chết !
Ảnh của Nhạc sĩ Tô Hải trong "Hồi ký của một thằng hèn" RFA
Cũng ngay trong phần mở đầu, nhạc sĩ Tô Hải có nhắc đến hàng loạt những cái tên như Hoàng Minh Chính, Trần Độ, Lê Hồng Hà, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Hoàng Tiến, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang, Vũ Cao Quận... Ông cũng nhắc tới những nhà sư, những linh mục thà chết không chịu đứng chung hàng với lũ tu sĩ "quốc doanh", và nhiều, rất nhiều người khác nữa.
Trong chiều dài lịch sử cận đại của Việt Nam, theo nhà báo Đinh Quang Anh Thái, số người cộng sản cốt lõi vận động cuộc cách mạng cộng sản của họ so với số đông của dân tộc Việt Nam không là bao nhiêu cả.
"Cái lúc đuổi được người Pháp đi thì người Cộng sản cướp công của dân tộc. Trong khối dân tộc ấy có Việt Nam Quốc Dân Đảng, có Đại Việt, có nhiều lực lượng quốc gia khác. Những lực lượng ấy hoàn toàn chống lại Cộng sản nhưng vẫn yêu nước. Cho nên Bùi Tín, Tô Hải, Trần Độ hay Hoàng Minh Chính chỉ là biểu tượng cho một tầng lớp không nhiều lắm của thanh niên hồi đó.
"Còn biết bao nhiêu người khác cũng yêu nước nồng nàn, cũng muốn đuổi Pháp đi, cũng muốn xây dựng đất nước Việt Nam tốt đẹp nhưng họ không hề chọn Chủ nghĩa cộng sản. Họ ý thức được rằng chủ nghĩa cộng sản là một căn bệnh ung thư của nhân loại nên họ chống ngay từ lúc đầu".
Nhấn mạnh thêm, ông kể rằng, có một nhà tri thức người Pháp đã nói một câu nói mà sau này một số tri thức Việt Nam cũng hay nói với nhau câu ấy, đó là "Tuổi đôi mươi mà không đi theo cộng sản thì không có trái tim. Tới tuổi 50 ngoài mà còn đi theo cộng sản là không có cái đầu".
Nhạc sĩ Tô Hải lúc sinh thời cũng cho rằng thời kỳ theo đảng cộng sản là sai lầm.
Vì cái sai lầm đó mà phải chăng đã có một người vượt qua nỗi khiếp sợ mấy mươi năm, ngửa mặt và vỗ ngực thốt lên hai tiếng "thằng hèn" ?
Từng có dịp phỏng vấn nhạc sĩ Tô Hải lúc sinh thời, nhà báo Đinh Quang Anh Thái hiểu rõ về tâm thế của một người mà ông cho rằng "bây giờ ông ấy đã rất thanh thoát".
"Khi mà chọn đặt tên cho mình như vậy thì nhạc sĩ Tô Hải đã vượt qua được ít nhất là những điều sau đây : Thứ nhất là nỗi sợ hãi trong một chế độ toàn trị như vậy. Cái điều thứ hai quan trọng hơn là ông vượt qua chính nỗi sợ hãi về bản thân ông, bởi vì trên cuộc đời này người ta có thể bảo người khác hèn nhưng tự nhận mình hèn thì khó lắm. Nhưng ít nhất Tô Hải là một trong số rất ít những người sống trong chế độ Cộng sản đã can đảm nhìn thẳng vào sự thật đó và nhìn nhận một cách công khai rằng ông hèn.
Chính sự nhìn nhận đó đã làm cho ông không "hèn" nữa mà ông "lớn hẳn lên".
Và cũng vì cái sai lầm đó, mà phải chăng đã có một nhà báo Bùi Tín, cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam quyết định xin tị nạn tại Pháp vào tháng 9 năm 1990, khi sang Pháp dự hội hàng năm của báo L’Humanité của đảng Cộng sản Pháp ?
Với nhà báo Bùi Tín, ông Đinh Quang Anh Thái cho biết sự thức tỉnh của ông liên quan đến lịch sử của khối Cộng sản thế giới. Thời điểm ông Bùi Tín sang Pháp và đào tỵ ở lại cũng là thời điểm sụp đổ của Cộng sản Liên Xô và Cộng sản Đông Âu.
"Lúc đó ông Bùi Tín có mang theo một thông điệp không phải của riêng ông Bùi Tín mà của một nhóm người có suy nghĩ giống ông Bùi Tín mà biểu tượng có thể là Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bởi vì trong những lần gặp gỡ ngay khi ông Bùi Tín đặt chân đến Pháp rồi sau đó qua Mỹ lần đầu tiên thì ông hỏi rằng ông tướng Giáp muốn có một sự đổi mới tại Việt Nam chứ không như thời của Lê Duẩn, Lê Đức Thọ…
Nhưng ông Bùi Tín vẫn nghĩ rằng cái lớp lãnh đạo thời đó như Lê Duẫn, Lê Đức Thọ làm hỏng cái lý tưởng cộng sản của những người như ông Bùi Tín, nên ông muốn cùng với Võ Nguyên Giáp làm sạch lại chủ nghĩa cộng sản mà họ cho là nguyên chất của thời ngày xưa. Nhưng sau một thời gian rất ngắn ông Bùi Tín nhận ra rằng chủ nghĩa cộng sản đang bị nhân loại vứt vào sọt rác, và thực tế ở xã hội Việt Nam ngày càng cho ông thấy rằng con đường cuối cùng là phải bỏ chủ nghĩa đó đi".
Và cuối cùng ông cương quyết đấu tranh cho một nước Việt Nam tự do và dân chủ.
"Hồi ký của một thằng hèn" của nhạc sĩ Tô Hải hay "Hoa xuyên tuyết" của nhà báo Bùi Tín tựu trung là ước mơ, là khát vọng, là nỗi ê chề của một lý tưởng thuộc về một thế hệ từng cháy bỏng khát vọng cống hiến cho tổ quốc. Nhà văn Uyên Thao cũng ngậm ngùi nhớ lại :
"Hầu hết bọn tôi đều có cái ý nghĩ mà có lẽ mình ngu như vậy. Vào lúc đó bọn tôi 13, 14 tuổi cho đến 16, 17 tuổi thì bọn tôi vỗ tay hoan hô những lời tuyên truyền là đất nước mình sẽ đi đến Tam vô, sẽ đạt tới thế giới đại đồng. Mình không hiểu nhưng mình cứ vỗ tay hoan hô, và lao vào hành động. Khi lao vô rồi thì cái ngu nó dắt mình đi, và khi mình tỉnh rồi thì nhìn ra những cái đó chả là gì cả, reo rắc tang thương cho đất nước mình".
Có lẽ bên cạnh cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, thì hai ông và sẽ có một thế hệ nối tiếp hiện tại là những người hiểu rõ nhất những lời ca :
"Mẹ vỗ tay reo mừng chiến tranh
Chị vỗ tay hoan hô hòa bình
Người vỗ tay cho thêm thù hận
Người vỗ tay xa dần ăn năn".
Cát Linh
Nguồn : RFA, 13/08/2018
Nhà báo Bùi Tín : 'Hoa Xuyên Tuyết chính là khát vọng tự do' (BBC, 11/08/2018)
Nhà báo Bùi Tín qua đời hôm 11/08/2018 tại Paris, Pháp, hưởng thọ 91 tuổi
Hoa xuyên tuyết là loài hoa 'mỏng manh', nhưng 'mạnh mẽ' và 'kỳ diệu', khiến người ta có thể tưởng tượng, liên hệ đến khát vọng, ước muốn tự do của dân tộc mình vươn lên khỏi mọi sự đàn áp, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín, người vừa qua đời hôm 11/8/2018 ở Pháp, hưởng thọ 91 tuổi, chia sẻ với BBC vài tháng trước khi ông mất từ Paris.
'Mặt thật' trong khi ấy là sự chia sẻ 'một cách chân thành', 'với tinh thần phê bình' của một người cựu Đảng viên từng sống dưới chế độ Cộng sản ở Việt Nam gần hai thập niên rưỡi, cựu Đại tá quân đội Bắc Việt, cựu Phó Tổng Biên tập báo Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng Sản Việt Nam, chia sẻ thêm với BBC Tiếng Việt trong một phỏng vấn hồi đầu tháng 02/2018.
Trước hết, nhà báo kỳ cựu nhìn lại một số tác phẩm ông viết từ khi còn ở Việt Nam, nhiều năm trước khi ông bất ngờ ở lại và tị nạn chính trị tại Pháp vào tháng 9/1990 :
"Ở trong nước, tôi vừa viết báo và vừa viết sách, ở trong nước, tôi có nhiều cuốn sách như là cuốn '60 ngày ở Sài Gòn', tôi kể lại thời gian 60 ngày tôi vào Sài Gòn tham gia Ủy ban Liên hiệp Đình chiến để thực hiện Hiệp định Paris.
"Trong nước, tôi có viết nhiều cuốn sách về các chiến trường, nhưng từ khi ra ngoài thì trước hết tôi có viết cuốn 'Hoa Xuyên Tuyết'. Cuốn ấy xuất bản đến 5 lần và bán chạy hết cả rồi.
"Trong cuốn 'Hoa Xuyên Tuyết', tôi nói lên khát vọng tự do, bởi vì sang đây vào mùa lạnh, tôi mới thấy được tình hình là có bông hoa 'Perce-neige', tức là xuyên ra những làn tuyết dày, trời giá lạnh để mà ngoi lên mặt trời.
Nhà báo Bùi Tín - Ảnh minh họa
"Cái sức mạnh rất là mỏng manh nhưng mạnh mẽ và kỳ diệu, thì tôi tưởng tượng đấy là ước muốn khát vọng tự do và dân chủ, nhất định là qua các bản tuyết dày là chế độ đàn áp, nó sẽ mọc lên mặt trời.
"Rất đẹp, những hoa trắng muốt, cho nên tôi lấy tít đó là Hoa Xuyên Tuyết, bán sách rất là chạy".
Về một tác phẩm khác cũng được nhiều người biết đến của ông, cuốn 'Mặt Thật', nhà báo Bùi Tín nói tiếp với BBC :
"Cuốn sách thứ hai bằng tiếng Việt là cuốn 'Mặt Thật', tôi vạch rõ thêm tất cả những cái giả dối của Đảng một cách chân thành với tinh thần phê bình của một người Đảng viên cũ đã từng sống dưới chế độ 24 năm.
"Cuốn sách đó cũng hết nhẵn rồi, còn về sách tiếng nước ngoài, tôi có viết cuốn này đáng kể nhất là cuốn 'From Enermy to Friend' (Từ Thù Đến Bạn), nói về cuộc đời tôi và nói về cuộc đấu tranh dân chủ, một cuốn nữa cũng bằng tiếng Anh là cuốn kỷ niệm thời kỳ còn trẻ và ở trong quân đội 'Following Ho Chi Minh' (Đi theo Hồ Chí Minh), London xuất bản.
"Còn tiếng Pháp, thì tiếng sách chính là 'Vietnam - Face Cachée du Régime' (Việt Nam - Bộ mặt Che dấu của Chế độ), trong này có rất nhiều ảnh tư liệu.."., nhà báo Bùi Tín nói với BBC Tiếng Việt hôm 02/2/2018 từ Paris.
Ai có thể phủ nhận ?
Từ Paris, một số nguồn tin cho BBC Tiếng Việt biết bạn bè, đồng nghiệp và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp cũng như ở nhiều nơi khác tại hải ngoại, đang chờ đợi ngày giờ chính thức, địa điểm tổ chức tang lễ của cố nhà báo và nhà bất đồng chính kiến.
Trong lúc đó, mạng xã hội và các nguồn tiếp tục xuất hiện các chia sẻ, cảm tưởng, chia buồn sau cái chết của nhà báo Bùi Tín. Từ thủ đô nước Pháp, nhà báo, blogger Từ Thức viết cho BBC Tiếng Việt :
"Dù đồng thuận hay bất đồng ý kiến về ít hay nhiều điểm với nhà báo Bùi Tín, không ai có thể phủ nhận điều này : Ông đã đóng góp rất nhiều cho việc lật mặt nạ chế độ, tố cáo tội ác của cộng sản đối với dân tộc. Trong suốt thới gian sống ở hải ngoại, ông đã không ngừng hoạt động, viết sách báo lên án tập đoàn cầm quyền, tố cáo độc tài, đòi tự do, dân chủ.
"Ngưòi ta có thể đồng thuận hay không đồng ý với ông trên ít hay nhiều phương diện, không ai có thể phủ nhận sự đóng góp hữu hiệu, đáng kể của ông. Tiếng nói của ông hữu hiệu bởi vì được nghe. Được nghe bởi vì cất lên từ trong lòng chế độ.
"Andreï Sakharov là một thí dụ điển hình cho thấy không gì làm lung lay chế độ bằng chính tiếng nói phản kháng của những người đã từng là sản phẩm, hay hơn nữa, là thành phần ưu tú của chế độ. Không ai hiểu chế độ hơn họ. Không ai biết rõ khuyết điểm, chỗ yếu của chế độ hơn họ. Tiếng nói của họ vang xa hơn, được tin hơn, nhất là tại quốc nội.
"Phủ nhận điều đó, từ chối sự đóng góp cần thiết, quý báu đó, với lý do trước kia họ đã đứng trong hàng ngũ cộng sản, là tự trói tay mình, không muốn phong trào dân chủ lên cao hơn, trải rộng hơn.
"Công cuộc xây dựng lại đất nước cần bàn tay của mọi người, đến từ những phương trời khác biệt. Chỉ cần một mẫu số chung : chối bỏ độc tài để dành quyền sống cho dân tộc. Trong tinh thần đó, không ai có thể phủ nhận những viên gạch lót đường cho nền móng dân chủ còn phôi thai ở Việt Nam của nhà báo Bùi Tín.
"Sự ra đi của ông là một mất mát lớn cho những người muốn khai tử chế độ độc tài trên quê hương, trong một giai đoạn đen tối nhất của đất nước".
Từ London, Anh quốc, nhà báo Đỗ Văn, cựu Biên tập viên BBC Việt ngữ viết :
"Nói cho cùng, cuộc đời của cựu Đại Tá Bùi Tín nếu như một số người mà hơn hai chục năm qua khi phán xét về ông vẫn thường gọi là "hiện tượng Bùi Tín" kể cũng không quá đáng. Thực hư, thiết tưởng hành vi của ông tối thiểu, theo thiển ý, cũng là với chủ ý của ông, đó là làm thức tỉnh tới lương tri của những người cộng sản tại Việt Nam.
"Bên ngoài Việt Nam, ông có danh xưng là Nhà báo Bùi Tín. Theo tôi, danh vị này không đúng vì những bài viết của ông vẫn dưới ngòi bút với quan niệm nhằm sách động lương tri về mặt chính tri.
"Tôi được biết ông hơn ba chục năm qua, kể từ lần đầu tiếp xúc để phỏng vấn khi ông còn là một người cộng sản trung kiên cho tới sau này sống ở hải ngoại, ông lớn tiếng tỏ ra bất phục chế độ tại Hà nội, tôi thấy ông là một nhân vật trí thức, hiểu biết nhiều và có lẽ cũng miệt mài khắc khoải quá nhiều về vận mệnh của dân tộc".
'Chỉ tiếc một điều'
Còn từ Thụy Sỹ, cựu Lãnh sự Việt Nam tại Geneve, nguyên Phó Vụ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Đặng Xương Hùng, người cũng là một nhà bất đồng và tị nạn chính trị, chia sẻ với BBC Việt ngữ từ Thụy Sỹ :
Nhà báo Bùi Tín (trái) chia sẻ với BBC, nhìn lại cuộc đời và những đóng góp của ông trong cuộc phỏng vấn vào tháng 2/2018.
"Với tôi bác Bùi Tín là một tấm gương. Tấm gương dũng cảm kiên định với niềm tin của mình. Tôi đã chọn cách mà bác đã làm để thể hiện chính kiến của tôi. Niềm tin của bác nhất định sẽ thành hiện thực. Chúc bác yên nghỉ ngàn thu.
"Hành động phản kháng của bác Bùi Tín năm 1990, nằm trong bối cảnh : hệ thống xã hội chủ nghĩa đang bế tắc, chủ thuyết Mác Lê Nin bộc lộ là chủ nghĩa hoang tưởng, Việt Nam đổi mới nhưng nửa chừng.
"Đã xuất hiện những nhân vật kêu gọi cho sự đổi mới chính trị như Trần Xuân Bách, Trần Quang Cơ. Tuy nhiên, thái độ của những nhà lãnh đạo VN lúc bấy giờ là đàn áp và thẳng tay trừng trị những nhà đòi nới lõng dân chủ, kiên quyết giữ chủ thuyết Mác Lê Nin. Chính vì thế để chọn cách thể hiện chính kiến của mình, nhà báo Bùi Tín đã chọn cho mình cách xin tị nạn chính trị tại Pháp.
"Báo chính chính thống của đảng lúc đó đã đối phó khá mạnh. Quy cho nhà báo Bùi Tín là tên phản bội. Một mặt, định hướng dư luận về sự kiện, mặt khác, cũng lo ngại một sự lây lan tư tưởng trong nội bộ.'
Trả lời BBC thêm về phản ứng bên trong nội bộ của Việt Nam, trong đó có ngành Ngoại giao Việt Nam, từ lúc biết tin nhà báo Bùi Tín 'tị nạn chính trị' ở Pháp hồi tháng 9/1990, ông Đặng Xương Hùng nói tiếp :
"Những khó khăn về kính tế, quân sự lúc bấy giờ cũng ảnh hưởng không nhỏ đến suy nghĩ của phần đông quan chức nhà nước. Bộ Ngoại giao bên ngoài vẫn phải tuân thủ theo tiếng nói chính thống, nhưng bản thân tôi nghe trong nội bộ, hầu như không có ai nói «hỗn» về bác Bùi Tín. Trong lòng, họ còn nghĩ đây lại thêm một tiếng chuông, mong cho lãnh đạo cao cấp cảnh tỉnh.
"Theo tôi, đóng góp lớn nhất của nhà báo Bùi Tín là một quan chức cấp cao trong hệ thống đã thể hiện chính kiến, chống lại đường lối lãnh đạo sai lầm của đảng cộng sản Việt Nam, là người đi đầu trong việc chỉ ra rằng đảng cộng sản VN đã phản bội là dân tộc VN. Chỉ tiếc là thời điểm nhà báo mạng xã hội chưa mạnh, sự lan truyền của nó còn bị hạn chế, hơn nữa phía chính quyền ra sức bưng bít và lấp liếm giảm nhẹ tầm lây lan của nó".
"Chỉ tiếc một điều là bác Bùi Tín đã không được hưởng những thành quả đóng góp của mình !"
'Trải vinh quang, cay đắng'
Từ Warsaw, thủ đô Ba Lan, nhà báo Mạc Việt Hồng, Chủ biên báo mạng Đàn Chim Việt Online, chia sẻ trên trang FB cá nhân một status mà bà đồng ý để BBC Tiếng Việt sử dụng và giới thiệu, bà viết :
"Bác Bùi Tín đã ra đi đêm qua tại Paris sau 3 tuần nằm viện. Bác là nhà báo viết nhiều, viết nhanh và viết khỏe nhất mà mình biết. Bài báo cuối cùng của bác được gửi ra từ bệnh viện hôm 27/7/2018. Bác viết tay rồi được một thân hữu chép lại và gửi tới cho một số cơ quan truyền thông hải ngoại.
Nhà báo Bùi Tín (hàng đầu, đội mũ nồi, thứ hai từ phải sang) trong một sự kiện báo chí truyền thông khi còn ở Việt Nam.
"Ở tuổi 80 rồi 90, nhưng bác nắm bắt tình hình rất nhanh, nhận định sắc bén mọi vấn đề, rất minh mẫn. Từng vài lần dự những cuộc họp hay hội nghị có bác, thấy bác ngồi, gật gù, lim dim, tưởng như rất lơ đãng, nhưng vẫn theo dõi mọi diễn biến, mọi câu nói và bật lại ngay lập tức khi cần.
"Cuộc đời của bác trải dài gần một thế kỉ với vinh quang, cay đắng, với lý tưởng cộng sản cao đẹp rồi chán ghét và từ bỏ lý tưởng đó, với khát vọng dân chủ chưa bao giờ đạt được ; giống như số phận của dân tộc Việt Nam, giống như khát vọng của rất nhiều người khác, dù thầm kín hay công khai thể hiện nó.
"Bác đã sống một cuộc đời trọn vẹn, hết mình. Viết hết mình, sống hết mình. Những gì dang dở rồi cũng có những người khác thực hiện nó. Ước mơ của bác là ước mơ của nhiều người. Lịch sử phát triển của loài người cho thấy, không gì là không thể. Bác hãy yên giấc ngàn thu. Vĩnh biệt bác".
Từ Gò Công, Tiền Giang, nhà báo tự do, blogger Ngô Nhật Đăng, người có tuổi thơ ở đường Lý Nam Đế, được mệnh danh là 'phố sỹ quan' tại Hà Nội trước kia, chia sẻ với BBC về nhà báo Bùi Tín :
"Năm 1990, tin nhà báo Bùi Tín xin tị nạn chính trị tại Paris làm Hà Nội xôn xao. Tôi hỏi bố tôi [nhà thơ Xuân Sách] : "Sao bác Tín với vị trí như thế mà lại bỏ đi hả bố ?" Bố tôi chỉ nói : "Bác ấy là con cụ Bùi Bằng Đoàn".
"À ra vậy, tôi có thân với một kỹ sư là cháu ngoại cụ Bùi, gọi bác Tín là cậu ruột, biết cụ là một quan Thượng thư theo Việt Minh kháng chiến và cũng biết cụ được ông Hồ Chí Minh rất tôn trọng, luôn gọi là "Bùi công", nhưng cũng chính ông Hồ là người mở màn phát súng đấu tố cụ Bùi trong Hội nghị chỉnh huấn ở Việt Bắc.
"Hồi những năm 68, 69 khi Mỹ ngừng ném bom miền Bắc bọn nhóc chúng tôi được về Hà Nội từ nơi sơ tán. Những ngày nghỉ hè bọn tôi quậy phá lắm, nào bắn sấu, trộm nhãn, nhảy vào bể nước tắm vv…"địa bàn" là mấy cơ quan ở đầu phố Lý Nam Đế và Phan Đình Phùng nơi có tòa sọan báo Quân đội nhân dân mà bác Tín làm việc.
"Mấy chú mấy bác thì kệ, "bọn trẻ nghịch ngợm ấy mà", chúng tôi chỉ sợ hai người là bác Chính Hữu và bác Bùi Tín. Bác Chính Hữu mà bắt gặp là ăn bạt tai ngay, còn với bác Bùi Tín thì phải chạy thật nhanh không thì ăn roi tre của anh bộ đội đi cùng mỗi lần bác sang Lý Nam Đế hỏi cung tù binh Mỹ".
'Làm nhiệm vụ hỏi cung'
Và nhà báo tự dô Ngô Nhật Đăng kể tiếp :
"Ngày ấy, có một số phi công Mỹ quan trọng không nhốt ở Hỏa Lò mà nhốt trong dãy xà-lim từ thời Pháp (để giam binh lính vô kỷ luật) phía sau phố Lý Nam Đế, trong đó có ông John McCain.
"Bác Tín làm nhiệm vụ hỏi cung, bọn tôi thường rủ nhau rình sau cửa sổ. Có lần bị bác chỉ mặt "Con bố Sách phải không ? Liệu hồn cấm đi kể lung tung nghe chưa ?" Ấn tượng của tôi về bác chỉ là một ông trung tá, luôn đeo cái xà-cột dài quá gối và bộ mặt lạnh lùng.
"Sau này được đọc "Hoa xuyên tuyết", "Mặt thật" của ông tôi mới ngộ ra, như một lần tôi được nghe lỏm mấy chú bác nói với nhau : "Phải cố bảo toàn mạng sống, tìm cơ hội nói ra những sự thật cho nhân dân được biết.
"Nghe tin ông mất thấy ngậm ngùi, nhớ lá thư mấy năm trước ông gửi : "Cố lên cháu nhé !," nhà báo Ngô Nhật Đăng viết qua bút đàm với BBC.
Còn từ Leeds, Anh quốc, cựu đạo diễn truyền hình, nhà báo tự do, blogger Song Chi cũng chia sẻ trong dịp này :
"Tôi, một người miền Nam sinh sau đẻ muộn, may mắn biết nhà báo Bùi Tín không chỉ qua những bài báo thời sự chính trị sắc sảo, mà đã có dịp gặp ông dăm lần, khi thì tại nhà ông ở Paris, lúc tại một cuộc họp mặt dân chủ ở Đức… Cứ định sẽ lại qua Paris thăm ông và nhiều người quen khác, nhưng không kịp nữa rồi...
"Nhà báo Bùi Tín không chỉ là một nhân chứng mà còn là một "người trong cuộc", trực tiếp tham gia vào cuộc chiến đấu chống Mỹ với tư cách người của "bên thắng trận". Ông đã chiến đấu trên hai mặt trận : cầm súng như một người lính và viết lách như một nhà báo của Quân đội Nhân dân Việt Nam, hơn thế, là một phóng viên chiến trường, và sau này lại sử dụng ngòi bút để tố cáo chế độ cộng sản.
"Là một trong những người nhận ra bản chất của chế độ này khá sớm, ông xin tỵ nạn chính trị tại Pháp từ năm 1990 và kể từ đó trở thành một tiếng nói bất đồng chính kiến mạnh mẽ, tố cáo chế độ bao nhiêu năm nay".
'Tôi tin ông sẽ vui'
Ông Bùi Tín lúc tham gia một cuộc Họp mặt Dân chủ ở Stuggart Đức hồi cuối tháng 6/2018
Và cựu đạo diễn truyền hình viết thêm :
"Những bài báo và những cuộc nói chuyện của ông nơi này nơi kia giúp cho nhiều người, nhất là giới trẻ, hiểu được sự thật khác với "cái gọi là sự thật" do nhà cầm quyền tuyên truyền về chế độ, về cuộc chiến tranh VN, về những nội tình bên trong hay một số nhân vật của đảng cộng sản cũng như con đường tương lai đúng đắn mà dân tộc này cần phải đi : con đường tự do, dân chủ.
"Ông viết lách không mệt mỏi, 80 rồi 90 tuổi nhưng đầu óc vẫn minh mẫn, tháng nào cũng có vài bài trên blog VOA…
"Hơn những bài viết, cuộc đời của ông là một minh chứng thuyết phục được bao nhiêu người về một con người đã vì tin tưởng vào lý tưởng của đảng cộng sản mà đi theo và đã nhận ra sai lầm như thế nào.
"Nhưng trong đời thường suốt bao nhiêu năm ông vẫn phải "lãnh đạn" của cả hai phía : sự tấn công, mạ lỵ từ phía nhà cầm quyền Việt Nam vì đối với họ, ông là "một kẻ phản bội", và từ phía những người chống cộng cực đoan không chịu bỏ qua việc ông từng là Đại tá Việt Cộng, từng góp phần vào cái "chiến thắng" của đảng cộng sản.
"Số phận của ông phản ánh bi kịch của khá nhiều người Việt Nam khi nhận ra cái lý tưởng, mục tiêu chiến đấu, con đường… mà mình đã đi là sai lầm, mình đã góp phần tạo nên chế độ... này, nhưng đồng thời cuộc đời đó cũng tạo nên niềm cảm hứng cho nhiều người đứng trong hàng ngũ của đảng cộng sản Việt Nam khi nghĩ đến chuyện dũng cảm từ bỏ mọi thứ để quay về với nhân dân…
"Cả một đời mình nhà báo Bùi Tín đã làm việc không mệt mỏi và trăn trở, đau đáu cùng vận mệnh đất nước, dân tộc.
"Bây giờ thì ông đã nằm xuống và cũng không kịp nhìn thấy ngày chế độ cộng sản được cho là đầy 'tham nhũng, thối nát', phản bội lý tưởng 'phục vụ nhân dân' của chính họ, sụp đổ.
"Nhưng niềm an ủi là ngày càng có nhiều người, thuộc mọi lứa tuổi, sinh ra ở Miền Nam hay Miền Bắc, trong hay ngoài nước, thành phần xuất thân khác nhau, nhưng đã nhận ra bản chất của đảng và nhà nước cộng sản, tiếp nối ông, dùng ngòi bút để tố cáo chế độ và thức tỉnh nhân dân.
"Tôi tin rằng nhà báo Bùi Tín rất vui về điều đó. Xin thành kính phân ưu cùng gia đình ông và xin cầu nguyện cho linh hồn ông được siêu thoát," cựu đạo diễn Song Chi chia sẻ với BBC.
******************
Nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Bùi Tín qua đời ở tuổi 91 (VOA, 11/08/2018)
Ông Bùi Tín, nhà báo, nhà bất đồng chính kiến, cựu phó tổng biên tập báo Nhân Dân, chứng nhân của thời khắc lịch sử 30 tháng Tư, 1975 tại Dinh Độc Lập trong tư cách phóng viên chiến trường, vừa qua đời lúc 1 giờ 25 phút sáng ngày 11 tháng Tám, tại bệnh viện André Grégoire, Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp. Ông thọ 91 tuổi.
5555555555555555
Nhà báo Bùi Tín - Ảnh minh họa
Theo ghi nhận trên Facebook của nhà báo Tường An, một người bạn thân thiết của ông Bùi Tín, ông bệnh nặng, nhập viện từ ngày 13/7. Lúc ấy, bác sĩ nói với bà rằng tình trạng sức khỏe của ông Bùi Tín đã xấu đi rất nhiều. Ông gần như hôn mê. Gọi mãi ông mới nhấp nháy mắt rồi lại rơi vào cơn mê sảng. Nhiệt độ trong người xuống rất thấp.
Vẫn theo ghi nhận của bà Tường An, ông Bùi Tín đã chuẩn bị chu tất tinh thần của mình trong những ngày cuối đời. "Bác đã chuẩn bị tất cả, di chúc, tâm thư.... Ai lo chuyện gì... Mấy tuần trước, bác còn nằm trên giường bệnh viết bài bằng tay rồi kêu người đánh máy lại".
Một người bạn của ông Bùi Tín, trong email gửi ra cho bạn hữu cách đây vài hôm, kể lại lúc vào thăm ông tại bệnh viện : "Đang ngủ, rồi bác giật mình quay sang như vẫn đang nói chuyện : Tình hình có gì không ?"
Nhà báo Ca Dao, tức Tường An, kể, "Vào thăm bác, câu đầu tiên Bác hỏi là : Cô Ca Dao đã đăng bài của tôi chưa ?"
Nhà văn, nhà báo, giáo sư Thomas Bass, trong email gửi VOA, viết rằng "Người bạn của chúng ta đã sống một cuộc đời viên mãn, nhưng chắc chắn chúng ta rồi sẽ nhớ ông một khi không còn được nghe tiếng nói của ông nữa".
Bùi Tín sinh năm 1927 tại Hà Đông, là con trai cụ Bùi Bằng Đoàn, Thượng Thư triều đình Huế và nguyên Trưởng Ban Thường Trực Quốc Hội Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa khóa I, 1946 – 1955.
Ông Bùi Tín nhập ngũ năm 18 tuổi. Trong Cách Mạnh Tháng Tám, ông tham gia hoạt động chính trị trong vai trò nhà báo – bút danh Thành Tín - rồi gia nhập Việt Minh. Ông từng viết cho báo Quân Đội Nhân Dân, rồi từng là phó tổng biên tập báo Nhân Dân. Quân hàm của ông trong Quân Đội Nhân Dân Việt Nam là cấp Đại Tá.
Năm 1990, ông sang Pháp dự hội nghị hàng năm của báo L'Humanité (Nhân Đạo, báo của Đảng Cộng Sản Pháp), rồi quyết định xin tỵ nạn.
Từ đó ông viết cho nhiều cơ quan báo chí Việt Ngữ tại hải ngoại, trong đó thường xuyên nhất là cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ, VOA. Sách, báo của ông có nội dung về giai đoạn lịch sử mà ông là một chứng nhân, và về hệ thống chính trị của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Ông cũng là người theo dõi sát sao các diễn biến chính trị, xã hội bên trong Việt Nam, và có những bình luận kịp thời, sắc bén.
Trong bài viết đăng ngày 13 tháng Sáu, tựa đề "Họ Dám Tấn Công Vào 'Túi Khôn' của Nhân Loại Văn Minh," Bùi Tín phản ứng mạnh mẽ trước tin tức Quốc Hội Việt Nam sẽ tiếp tục bỏ phiếu liên quan đến Dự Luật An Ninh Mạng. Ông viết : "Thật là một sự sai lầm khủng khiếp, một nước cờ ngu xuẩn. Họ vừa mới tỏ ra biết điều đôi chút khi chịu lùi một bước, hoãn việc thông qua dự Luật Đặc khu vào phiên họp quốc hội sau, thì sáng 12/6 họ vẫn giữ nguyên ý định bỏ phiếu về dự Luật an ninh mạng, một đạo luật phản động, phản dân chủ không kém gì dự luật Đặc khu".
Hay trong bài viết tiếp sau đó, cũng là bài viết cuối cùng của tác giả trên VOA, ngày 26 tháng Sáu, Bùi Tín viết rằng "Một lỗ hổng lớn tồn tại từ sau khi công bố bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 là chưa hề có đạo luật nào về Hội họp, Biểu tình cho nên cái quyền hiến định này cứ "lửng lơ con cá vàng", dân cứ việc thực hiện, đảng cứ việc tảng lờ, trên thực tế là ngăn cản, còn đàn áp trừng phạt bằng bạo lực". Và ông gọi đây là "món nợ lưu cữu 72 năm" nhà nước còn nợ nhân dân.
Nội dung tác phẩm của ông phê phán đường lối của ban lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam, và phê phán cả chế độ Cộng Sản và lý thuyết xã hội chủ nghĩa, đòi hỏi một sự đổi mới tự do dân chủ thật chất và nhanh chóng ở Việt Nam.
Tác giả Bùi Tín có tấm lòng đặc biệt ưu ái giới tranh đấu và hoạt động dân chủ trong nước. Ông đề cập đến họ, một cách liên tục, trong rất nhiều bài viết của mình. Và dường như ông đặc biệt yêu thích bài thơ "Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh," của cô giáo Trần Thị Lam.
Bạn hữu thân quen của ông có thể đến viếng, chia tay cùng ông tại Centre Hospitalier Intercommunal, André Grégoire, 56 Boulevard de la Boissière, 93100 Montreuil.
******************
Nhà báo Bùi Tín qua đời (RFA, 11/08/2018)
Nhà báo Bùi Tín, cựu Phó Tổng biên tập báo Nhân Dân, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng Sản Việt Nam, vừa qua đời vào lúc 1 giờ 25 phút sáng ngày 11/8 tại bệnh viện Andre Gregoire ở Montreuil, ngoại ô Paris, Pháp. Ông thọ 91 tuổi.
Nhà báo Bùi Tín trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFA ở Washington DC - RFA
Nhà báo Tường An cho biết bệnh viện thông báo cho bà tin này vào lúc 1 giờ 32 phút sáng ngày 11/8.
Theo nhà báo Tường An, người rất thân với nhà báo Bùi Tín, sức khoẻ của nhà báo Bùi Tín đã xấu đi từ cách đây khoảng 1 tháng. Ông phải nhập viện vào ngày 13/7 do thận bị yếu. 3 tuần sau đó, tình trạng của ông xấu đi và ông phải chuyển sang bệnh viện Andre Gregoire để điều trị, nhưng theo nhà báo Tường An thì sức khoẻ của ông lúc này đã quá yếu, ông gần như hôn mê.
Ngoài bệnh thận, nhà báo Bùi Tín cũng bị các vấn đề sức khoẻ khác như tim và cao huyết áp. Cách đây khoảng 2 năm ông cũng đã phải nhập viện vì tình trạng sức khoẻ của mình.
Nhà báo Tường An cho biết, từ năm 2011 nhà báo Bùi Tín đã viết tâm thư cho các bạn bè, người thân và viết di chúc. Trong di chúc của mình ông muốn khi chết được hoả thiêu. Tuy nhiên vào lúc này nhà báo Tường An, người được nhà báo Bùi Tín tin tưởng thực hiện di chúc chưa thể cho biết tro của ông sẽ được đưa đi đâu.
Nhà báo Bùi Tín vốn là cựu đại tá quân đội Nhân dân Việt Nam và là người có mặt sớm nhất tại dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975 khi kết thúc cuộc chiến Việt Nam.
Vào tháng 9 năm 1990, khi sang Pháp dự hội hàng năm của báo L’Humanite của đảng Cộng sản Pháp, ông đã quyết định xin tị nạn tại Pháp.
Nhà báo Bùi Tín là người có nhiều bài viết chỉ trích đảng Cộng sản Việt Nam và chế độ cộng sản. Ông tham gia viết blog đều đặn cho Đài VOA của Hoa Kỳ. Theo nhà báo Tường An, trong những ngày nằm trong bệnh viện, dù sức khoẻ còn rất yếu, ông vẫn cố gắng viết trên giấy và nhờ người khác đánh máy lại.
Nhà báo Bùi Tín hiện còn hai người con : một con trai ở Canada và một con gái còn ở Việt Nam. Hai ngày trước khi qua đời, nhà báo Tường An đã gọi điện thoại cho con gái ông để ông có thể nghe. Dù không nói được nhưng theo nhà báo Tường An, khi nghe con gái khóc ‘bố ơi đừng đi, bố phải đợi con’, đôi mắt ông hấp háy dường như ông nghe và hiểu được những gì con gái nói với mình.
https://youtu.be/wZ0JJXaQB4o
Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề, xin thông báo rộng rãi đến công luận quốc tế và trong nước hai lời tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gần đây :
1. Vào tháng 1/2018, trước Quốc hội và đông đảo nhà báo, ông Trọng phát biểu : “Những đảng viên đòi đa nguyên, đa đảng, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, thực hiện tam quyền phân lập là lạc hậu, bị tác động của bọn phản động, cần phải bị khai trừ ra khỏi đảng”.
2. Trong tháng 7/2018, ông Trọng lại tuyên bố : “Những kẻ đòi dân chủ đa nguyên, từ bỏ chủ nghĩa xã hội, tam quyền phân lập… đều là bọn bất hảo”. (Theo định nghĩa là những kẻ gian manh, trộm cướp, lừa bịp, đĩ điếm, lưu manh).
Những tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng
Đây là hai lời phát biểu nghiêm trọng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, mang tính chất đe dọa, chụp mũ, vu cáo một số lớn đảng viên cao cấp, trí thức, đòi tự do dân chủ, nhân quyền, là những giá trị phổ quát của nền văn minh chính trị của nhân loại. Ông là một con người nổi tiếng về giáo điều, bảo thủ, kiêu ngạo và tự mãn.
Chúng tôi yêu cầu các đảng viên có lập trường dân chủ, đa nguyên, thảo luận rộng rãi về hai lời phát biểu trên, có tính chất khiêu khích, chụp mũ, khi chính đảng cộng sản nêu ra mục tiêu là xây dựng xã hội dân chủ, bình đẳng văn minh và phát triển.
Mong rằng các tổng bí thư, đảng viên cộng sản toàn thế giới lưu ý dến lập trường chính trị của ông Trọng, xúc phạm lương tâm chính trị, danh dự của các đảng viên cộng sản toàn thế giới.
3. Chúng tôi yêu cầu khẩn thiết các đảng viên cộng sản Việt Nam đòi dân chủ, tự do cho toàn dân, lưu ý, Ủy ban Kiểm tra trung ương thanh tra kiểm soát đảng xem xét hai lời phát biểu trên đây, vi phạm nghiêm trọng Hiến pháp và Điều lệ đảng ; yêu cầu chức năng của Tổng bí thư phải không tham quyền, khiêm tốn, có thái độ dân chủ, bình đảng, tôn trọng pháp luật, biết đoàn kết toàn đảng, thực thi dân chủ, nhân quyền, từ đó xem xét chức trách Tổng bí thư của ông Nguyễn Phú Trọng, để bảo vệ uy tín của lãnh đạo ở trong nước, cũng như ở ngoài nước, đưa đất nước ta đến ổn định, bình an và phát triển trong tự do, dân chủ, bình đẳng, hội nhập với thế giới dân chủ, văn minh.
Với một Tổng bí thư, việc này không thể dễ dãi bỏ qua. Ông Trọng thiếu một lời xin lỗi vì đã xúc phạm, hạ nhục hàng triệu đảng viên Cộng sản đòi dân chủ.
Bùi Tín
(28/07/2018)
*******************
Ảnh chụp hai trang viết tay của Bùi Tín
Báo Tuổi trẻ, và nhiều tờ báo khác trong nước, ra ngày 20/6 tiết lộ về một vụ án lớn rất kỳ lạ, hấp dẫn, nhưng sau đó không có tin gì tiếp theo. Đến nay vẫn không thấy vụ án bị khởi tố. Đây là điều bí hiểm cần tìm hiểu.
Các đối tượng : Huế, Sơn, Hải và Long giả danh sĩ quan quân đội lừa đảo hàng trăm tỷ.
Bản tin lọt lưới nói lên những điều gì ?
Xin tóm tắt : Tại quận Từ Liêm, thủ đô Hà nội, từ đầu năm 2016, có một nhóm người do Hoa Hữu Long, 54 tuổi, tốt nghiệp đại học xây dựng, cùng vợ là Cao Thị Kim Loan 48 tuổi, và một số bạn, là Nguyễn Minh Sơn 47 tuổi sống ở quận Cầu Giấy, Mạc Phúc Hải 54 tuổi sống ở quận Ba Đình cùng Phùng thị Thanh Hoa 40 tuổi sống ở quận Từ Liêm, Đậu Thị Hương 49 tuổi sống ở phường Khương Thượng, tự nhận là người của một công ty lớn trực thuộc bộ Quốc Phòng mang tên "Tập đoàn Đông Dương" chuyên làm nhiệm vụ thầu những dự án lớn của Nhà nước, rất cần tuyển người cho công ty, có lương cao, phụ cấp hậu hỹ. Chúng cũng có quan hệ lừa đảo với các công ty dân sự.
Nhóm người này in ra đủ các giấy tờ cần thiết của Công ty và Tập đoàn Đông Dương, kiếm và may đủ loại quân phục với các bộ quân hàm, huân chương như thật.
Hoa Hữu Long mang quân phục và quân hàm Thiếu tướng quân đội làm việc tại Bộ Quốc phòng, Đậu Thị Hương không nghề nghiệp đóng vai Đại tá rồi Thiếu tướng Công An biệt phái tại tập đoàn, những người khác đều là sĩ quan với đủ loại giấy tờ chứng minh thư giả.
Theo điều tra ban đầu, suốt trong 2 năm rưỡi hoành hành trên đất thủ đô và vùng lân cận, nhóm này đánh lừa được gần 1 ngàn người nhẹ dạ cả tin nộp tiền để mong có được công ăn việc làm khá giả trong công ty và Tập đoàn ma này. Ai cũng hy vọng được làm việc trong cơ quan kinh tế của Bộ quốc phòng, vừa có uy tín lại có lương cao.
Mỗi người xin việc phải chi từ 65 đến 150 triệu. Các món tiền này được thu mà không cấp biên lai, viện cớ đây là tập đoàn lớn của Bộ quốc phòng, phải giữ bí mật quân sự. Nhóm này đã thu và chia nhau số tiền chừng 14 tỷ đồng.
Vụ án lớn có nhiều tội phạm và hàng ngàn nạn nhân bị lừa gạt kéo dài hơn 2 năm ở giữa thủ đô Hà Nội cho ta thấy điều gì và đặt ra nhiều câu hỏi lớn.
Vì sao bộ máy an ninh đông đảo từ thành phố xuống các quận huyện, phường xã, hàng vạn sĩ quan và nhân viên an ninh, từ cấp tướng, đại tá, thượng tá, trung tá đến hàng ngàn sĩ quan cấp úy và quân lính an ninh rải khắp nơi lại tê liệt cảnh giác, để nhóm này hoạt động lừa đảo một thời gian dài đến vậy, làm hại cho nhiều dân lành đến vậy, đến gần đây mới bị phát hiện.
Suốt hơn 2 năm, nhóm này ngang nhiên hoạt động.
Tại cuộc họp quốc hội mới đây, không một đại biểu nào nhắc đến vụ án lớn này. Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương vừa có phiên họp quan trọng cũng không nhắc gì đến vụ án lớn này ! Đây là một điều bí hiểm.
Ở các nước dân chủ văn minh, giữa thủ đô, để xảy ra vụ án lớn kéo dài làm thiệt hại cho nhiều công dân đến vậy, chắc chắn chủ tịch thành phố, tư lệnh thủ đô và giám đốc công an đã bị mất chức và chịu kỷ luật rất nghiêm. Cả đến Bộ trưởng quốc phòng và Bộ trưởng công an cũng có phần trách nhiệm.
Để xem một vụ án quan trọng về chính trị và hình sự như thế đến bao giờ mới bị khởi tố và xét xử.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 27/06/2018
Các bản Hiến pháp Việt Nam từ năm 1946, qua thay đổi các năm 1959, 1980, 1992 và 2013, cả thảy 5 bản Hiến pháp đều ghi rõ quyền hạn và nghĩa vụ người công dân, bao gồm quyền bình đẳng, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do hội họp (biểu tình), tự do cư trú, đi lại, tín ngưỡng, tự do thân thể, thư tín, nhà ở, tự do bầu cử, ứng cử, bãi miễn, phúc quyết hiến pháp, có quyền tư hữu và có nền tư pháp độc lập.
Dân Bình Thuận đối mặt cảnh sát cơ động trong cuộc biểu tình chống dự luật đặc khu tại Bình Thuận.
Nền nếp nắm chính quyền quy định ngay sau khi Hiến pháp được ban bố và trước khi có hiệu lực, các cơ quan lập pháp và hành pháp (Quốc hội và Chính phủ) phải cụ thể hóa các điều khoản của Hiến pháp, hướng dẫn cách thực hiện triệt để nghiêm cách nhưng không được trái với tinh thần của Hiến pháp.
Chính do đó, từ lâu đã có những đạo luật về xuất bản, báo chí, về cư trú, xuất nhập cảnh, tư do tín ngưỡng, bầu cử và ứng cử, và gần đây có cả luật về trưng cầu dân ý, một tiến bộ rõ rệt nhưng đáng tiếc là chưa hề đưa ra thực hiện, như đối với 2 dự luật Đặc Khu và An ninh mạng vừa qua !
Một lỗ hổng lớn tồn tại từ sau khi công bố bản Hiến pháp đầu tiên năm 1946 là chưa hề có đạo luật nào về Hội họp, Biểu tình cho nên cái quyền hiến định này cứ "lửng lơ con cá vàng", dân cứ việc thực hiện, đảng cứ việc tảng lờ, trên thực tế là ngăn cản, còn đàn áp trừng phạt bằng bạo lực.
Đây là một món nợ tinh thần cực kỳ nghiêm trọng, Nhà nước độc đảng ngang nhiên chà đạp hiến pháp, thủ tiêu quyền công dân được hiến pháp bảo vệ, trong khi theo văn bản Hiến pháp năm 1992 "Đảng cộng sản gắn bó mật thiết với nhân dân, phục vụ nhân dân, chịu sự giám sát của nhân dân, chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình".
Có thể nói lãnh đạo đảng đã cố tình bỏ quên trách nhiệm của mình là đôn đốc quốc hội và chính phủ thảo ra bộ Luật về tự do Hội họp, biểu tình, một quyền hiến định mà hầu hết nhân dân các nước khác đều có quyền thực hiện một cách ôn hòa phổ biến. Đây là món nợ lưu cữu hơn 72 năm mà đảng và Bộ chính trị phải sớm trả lại cho nhân dân.
Là một chính đảng tự vỗ ngực nắm trọn quyền lãnh đạo Nhà nước, Bộ chính trị phải chủ động trả món nợ lớn này cho dân, nếu không tự họ đã tự từ nhiệm là lực lượng lãnh đạo, tự đánh mất tính chất lương thiện chính đáng của chính mình.
Dù Luật biểu tình chưa ban hành, nhân dân càng tự xác định có quyền thực hiện đầy đủ quyền hiến định ấy, sư chậm trễ là lỗi của chính quyền độc đảng chà đạp hiến pháp, phủ nhận quyền ghi trên hiến pháp là đạo luật Mẹ, cao nhất.
Luật Biểu tình đã được thảo luận tại quốc hội rồi bỏ lửng chỉ là vì bộ chính trị sợ nhân dân biểu tình chống Trung Quốc, lột trần thái độ xấu xa "hèn với giặc, ác với dân" của họ. Khi Trung Quốc đưa tàu HD 981 vào khoan dầu trong vùng biển nước ta, đã làm nổ ra các cuộc biều tình xuống đường ôn hòa nhưng quyết liệt, Bộ chính trị liền ra lệnh đàn áp, bát bớ dọa nạt. Với vụ Formosa gây ô nhiễm nặng cả vùng ven biển miền Trung, nhân dân cùng xuống đường biểu tình quyết liệt, cũng bị đàn áp và trả thù. Nay việc 2 dự thảo Luật Đặc khu và An ninh mạng phục vụ cho bọn bành trướng lấn đất, bịt mồm dân bị nhân dân cả nước tổng biểu tình khắp các vùng từ Sài Gòn, Mỹ Tho, Cần Thơ, Bình Dương, Bình Thuận, Đak Lak, Nghệ An, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, bị đàn áp rất tàn bạo, bị bắt bớ tràn lan, gây nên căm phẫn lớn trong nhân dân, tạo nên cao trào chống bành trướng và tay sai của chúng hiện nay. Họ càng trì hoãn luật, dân càng khẳng định quyền biểu tình của mình.
Chính đó là lý do vì sao mới đây ngày 19/6 khi ông Trần Đại Quang, Chủ tịch nước phát biểu "theo tôi Luật biểu tình là cần thiết, tôi đề nghị Quốc hội ban hành Luật này" được báo Tuổi trẻ đăng lại đã bị xóa bỏ ngay sau đó, chắc là theo lệnh của Tổng bí thư và Ban tuyên huấn trung ương, những kẻ mẫn cán nhất trong cúc cung phục vụ Bắc triều, tự cho mình cái quyền tối cao đè đầu ông Chủ tịch nước, lập công với ông chủ Tập Cận Bình của họ.
Chính do thái độ phục vụ bành trướng như thế nên có vẻ như Bộ chính trị quyết gò ép ông Trầ Đại Quang phải sớm ký lệnh ban hành Luật An ninh mạng đã bị ép thông qua và tiếp tục ép Quốc hội thông qua Luật Đặc khu vào tháng 10 tới.
Nhân dân sẽ đáp trả bằng những cuộc tổng biểu tình rộng khắp quyết liệt gấp bội nhưng ôn hòa không cần bạo lực, quyết đòi họ phải ban hành Luật Biểu tình, món nợ quá hạn quá lâu, hủy bỏ hẳn 2 đạo Luật phi pháp phục vụ bọn bành trướng.
Chính trường Việt Nam sẽ náo động lôi cuốn hàng triệu người mới thức tỉnh vẫy gọi nhau xuống đường nói không với 2 đạo Luật bán nước, nói không với thái độ nhu nhược đê hèn của lãnh đạo đi với quân giặc chống nhân dân, phản lại dân tộc, phản lại đất nước. Chúng ta có chính nghĩa ngời sáng, gắn bó chặt chẽ với thế giới dân chủ văn minh.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Tòa án liên bang Đức ở Berlin đang tiếp tục xử vụ án quốc tế bắt cóc tháng 7/2017, một vụ án dư luận Cộng hòa liên bang Đức cho là nghiêm trọng chưa từng có, như thời chiến tranh lạnh của thế kỷ trước.
Trịnh Xuân Thanh bị xét xử tại Việt Nam.
Cả lập pháp, hành pháp và tư pháp Cộng hòa liên bang Đức chung một quyết tâm xét xử công khai, đến nơi đến chốn vụ án lớn này để không cho nó tái diễn, đe dọa nền an ninh của quốc gia hùng cường này.
Bà thủ tướng A. Merkel, tổng chưởng lý liên bang, trực tiếp chỉ đạo vụ án lớn này. Riêng việc hỏi cung bị can cũng là nhân chứng quan trọng Nguyển Hải Long đã kéo dài 3 phiên và còn kéo dài sang tận tháng 7 và tháng 8, đủ thấy tòa án làm việc tỷ mỷ, thận trọng, công khai, minh bạch ra sao.
Vụ án càng kéo dài lại có thêm tình tiết mới. Không phải chỉ có Cộng hòa liên bang Đức và Tiệp mà nay Cộng hòa Slovak cũng liên quan khi ông Tô Lâm lấy cớ tăng quan hệ với nước này đã xin họ giúp một chuyên cơ đặc biệt và bộ trưởng công an Slovak nhẹ dạ đồng ý. Máy bay này phải bay qua không phận Ba Lan đến nước Nga, lẽ ra phải báo trước 10 ngày theo điều lệ hàng không nhưng đã bay ngay hôm đến và danh sách VIP - nhân vật quan trọng - không qua thẩm tra hộ chiếu có tên nhân vật Slovak nhưng thật ra chỉ toàn người Việt. Nay cả Slovak và Ba Lan đều giật mình ngỡ ngàng vì không ngờ vô tình liên quan đến vụ bắt cóc quốc tế phạm pháp này.
Thời Báo De ở Đức cho biết tại phiên tòa Berlin, bà Trần thị Phương Nga (thư ký tòa án ghi nhầm là Trần Dương Nga) vợ ông Trịnh Xuân Thanh khai rằng theo bà có 12 tướng, sĩ quan cấp cao ngành Công an có can dự ít nhiều vụ bắt cóc này, gồm có : Thượng tướng Tô Lâm, trung tướng Đường Minh Hưng, trung tướng Lê Mạnh Cường (phó Tổng cục trưởng Tình báo), Phạm Văn Hiếu, Lưu Trung Việt, Vũ Quang Dũng, Vũ Hồng Minh, Đào Công Duy, Vũ Trọng Kiên, Đặng Tuấn Anh và Nguyễn Thế Đôn.
Tại phiên tòa gần đây, nhân chứng Nguyễn Vân Anh, bạn gái của Vũ Đình Duy, cũng khai rõ các mối quan hệ với tướng Tô Lâm, với Đào Quốc Oai và Nguyễn Hải Long.
Phiên tòa đã dần dần bóc dỡ và công khai một loạt tên tuổi người Việt và quan chức ngoại giao Việt Nam hoạt động hoặc bị tình nghi liên quan đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức, ngoài viên đại sứ bị cảnh cáo, viên đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa đã bị trục xuất, còn có Nguyễn Hải Long đang khai trước tòa, nay có thêm N.V. Tiến, nguyên lao động tại Đông Đức, nay làm nhà hàng ở Berlin, chơi thân với đại tá Thoa, nay lại có thêm Lê Đức Trung, bí thư thứ nhất Sứ quán, và Việt kiều L.K. Phong.
Phát hiện mới mẻ nhất là sứ quán Việt Nam ở Paris – Pháp cũng đã góp phần đắc lực trong vụ bắt cóc, như có nhiều ghi âm điện thọai giữa tướng Tô Lâm nói từ Pháp đi các nơi về vụ bắt cóc, rồi người trong sứ quán Paris thuê xe ô tô lớn và nhỏ đi sang Berlin (Đức) và Brno (Tiệp). Có tin 1 cán bộ sứ quán sắp bị chính phủ Pháp trục xuất do sự can dự phạm pháp này, danh tính chưa công bố. Pháp luôn đồng tình với Đức là hạt nhân của khối Liên Âu.
Gần đây có tin phía Việt Nam sẽ đồng ý cho bố con Trịnh Xuân Thanh quay về Cộng hòa liên bang Đức, trở về với tình hình trước cuộc bắt cóc, nhưng tin này chưa rõ nguồn, có thể chỉ là quả bóng thăm dò.
Xem ra vụ án này có thể xét xử kéo dài đến cuối năm. Mọi quan hệ Việt Nam - Cộng hòa liên bang Đức, Việt Nam – Tiệp, Việt Nam – Slovak, Việt Nam – Ba Lan, Việt Nam – Pháp sẽ căng thẳng kéo dài. Một tá 12 ông tướng Công an và cả ông Nguyễn Phú Trọng sẽ có thể gặp khó khăn, rất phiền toái nếu có việc đặt chân trên đất Liên Âu.
Theo tiến sĩ Gerhard Will, nhà nghiên cứu chính trị Đức, vụ án sẽ kéo dài sang năm 2019 với nhiều khó khăn căng thẳng giữa Việt Nam và Liên Âu, làm đình trệ mối quan hệ toàn diện chính trị, kinh tế, thương mại, ngoại giao, đầu tư, viện trợ… cho đến khi lãnh đạo Việt Nam giật mình tỉnh ngộ, nhận lỗi, xin lỗi và cam kết không tái phạm, vì rõ ràng bắt cóc là chủ trương của đảng và Nhà nước Việt Nam mang tính chất côn đồ bạo lực không thể bỏ qua.
Nếu Hà nội một mực giữ ý kiến Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước, không có vụ bắt cóc, tòa án liên bang Đức sẵn sàng để ngỏ cho các luật sư và các bị can từ Việt Nam sang Berlin để thanh minh và tranh tụng công khai để Hội đồng xét xử rộng đường xem xét kỹ thêm và kết luận trước các nhà báo quốc tế.
Khả năng này không có, thì sẽ đến lúc 2 nước chính thức gặp nhau, phía Đức sẽ trình bày hồ sơ vụ án rất cụ thể với đầy đủ nhân chứng, vật chứng, hình ảnh hiện vật, Việt Nam sẽ hết đường chối cãi… Chẳng lẽ tất cả do phía Đức bịa đặt tưởng tượng ra hay sao.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 21/06/2018
Tình hình trong nước càng ngày càng xấu đi một cách cực kỳ nguy hiểm. Nhân dân thức tỉnh khi lãnh đạo ngày càng quan liêu tham nhũng, xã hội suy đồi, bất công lan rộng, tất cả những ý kiến, nguyện vọng chính đáng của người dân mong muốn đảng lắng nghe và chấp nhận đều bị Bộ Chính trị bỏ ngoài tai, còn vu cáo chụp mũ là bị ảnh hưởng, xúi dục, mua chuộc của phản động, của đảng Việt Tân nào đó mà người dân cũng không hề biết đó là "bọn phản động" nào, đảng Việt Tân là ở đâu !
Quang cảnh biểu tình trước chợ Hàn, Đà Nẵng.
Mâu thuẫn giữa đảng cầm quyền với nhân dân vốn được coi là mâu thuẫn nội bộ không đối kháng, nay dần dần do thái độ kẻ cả kiêu ngạo của lãnh đạo, không thèm nghe nhân dân mách bảo điều hay lẽ phải, lại coi nhân dân là thù địch cần trấn áp, đang trở hành mâu thuẫn đối kháng quyết liệt. Họ đang bỏ tù gần 200 anh chị em đấu tranh cho tự do của toàn dân, cho dân chủ và nhân quyền, những người con yêu nước chân chính, dũng cảm kiên cường của dân tộc, bất chấp sự lên án quyết liệt của thế giới văn minh.
Những năm gần đây khi nhân dân thức tỉnh nhận ra những sai lầm dai dẳng của lãnh đạo, đứng dậy, xuống đường biểu tình, chống đối quyết liệt lãnh đạo đã có những dấu hiệu hoảng sợ và mạnh tay trấn áp hơn. Sự kiện Đồng Tâm ở Mỹ Đức nổ ra với đặc điểm là đảng đánh thẳng vào "các đồng chí thù địch" vốn là bí thư và đảng ủy viên đảng bộ xã, bị dân quân và đảng viên dồn vào nhà văn hóa, chăm sóc, khuyên bảo rồi trả tự do khi chủ tịch thủ đô phải xuống tận nơi bảo lãnh cam kết không trả thù để rồi nuốt lời hứa một cách đê hèn. Rồi vụ môi trường ven biển miền Trung bị hủy hoại nặng do hãng Formosa gây nên, việc khai thác bô-xít cực kỳ nguy hại vẫn ngang nhiên thực hiện bất chấp can ngăn của đông đảo nhà khoa học và tướng Võ Nguyên Giáp, và đến nay là 2 dự luật Đặc khu kinh tế - hành chính và An Ninh Mạng cực kỳ nguy hại tuy có lùi luật Đặc Khu nhưng vẫn giữ ý định bỏ phiếu vào tháng 10 tới, và luật An ninh mạng đã bị thông qua bởi đại đa số Đại biểu quốc hội là đảng viên bị cưỡng bức bỏ phiếu dù không thông, sẽ được ban bố thi hành, bóp nghẹt tự do tư tưởng, gây thiệt hại ghê gớm cho nền kinh tế và kinh doanh, chứng khoán mất hàng ngàn điểm.
Nhân dân ta hiểu sâu sắc đây là 2 đạo luật theo bước Bắc kinh, có lợi cho Bắc kinh, nên đã tự động, tự phát vùng dậy đấu tranh như một phép lạ, không cần ai ra lệnh, hô hào, tổ chức, tạo nên một cuộc đấu tranh rộng lớn, đông đảo, đồng thời trong cả nước và có đà lan rất rộng, chứng minh rằng chống xâm lược phương Bắc đã ăn sâu vào máu thịt của nhân dân ta từ ngàn xưa, chỉ chờ dịp là trỗi dậy và bùng nổ xung thiên, quyết đòi lãnh đạo phải hủy bỏ vĩnh viễn 2 đạo Luật phản động.
Trước cao trào đấu tranh của nhân dân đã thức tỉnh, Bộ chính trị đã huy động lực lượng trấn áp chưa từng có, ngăn chặn các ngả đường, các cửa nhà có người tham gia đấu tranh, bắt bớ tràn lan kể cả tra tấn hòng dập tắt cuộc đấu tranh. Nhưng lần nay nhân dân không sợ. Nỗi sợ hãi như đã đổi ngôi chuyển sang phía lãnh đạo !
Trong những ngày qua, có nhiều thông tin lan truyền trên mạng về sự kiện ở Phan Rí-Tuy Phong/ Bình Thuận. Thông tin nói, chưa được kiểm chứng độc lập, là chúng cho một số tay sai ác ôn trà trộn trong hàng ngũ đấu tranh, che kín mặt gây nên cảnh đốt phá cơ quan, xe cộ để sau đó đổ riết cho dân nổi dậy và bắt đi hàng trăm người để đưa ra tòa án nghiêm trị.
Khu vực này là vùng thâm thù Trung Quốc, do ngư dân bị chúng đâm thủng thuyền, giết hại nhiều nhất miền Trung, nhà máy điện Vĩnh Tân do chúng xây dựng làm ô nhiễm nặng, gây bệnh tật cho dân trong vùng nên 2 đạo dự luật Đặc khu và An ninh mạng như đổ dầu vào lửa tạo nên cao trào đấu tranh.
Một nhóm gồm phần lớn cựu đảng viên cao tuổi lập ra "nhóm trí thức Lão mà chưa an" theo phương châm "lão giả bất an", tuổi cao nhưng tư duy còn rất trẻ, minh mẫn, chưa muốn an nghỉ tuổi già, mong sẽ đối thoại công khai bằng lý lẽ với lãnh đạo, với bộ Chính trị, lấy công luận xã hội và dư luận toàn đảng làm trọng tài. Đây là một sáng kiến xây dựng, lãnh đạo nhận lời thì khó mà từ chối cũng không ổn. Từ đây có thể đảng cộng sản sẽ bị phân hóa làm 2, một nhóm đảng cầm quyền giáo điều bảo thủ cổ lỗ, đại diện cho lãnh đạo bán mình cho ma quỷ bành trướng, quay lưng lại nhân dân và dân tộc ; một đảng khác, gồm đại đa số đảng viên lương thiện, sáng suốt ở cơ sở, ngả dần theo tư duy "đặt dân tộc và nhân dân lên trên, lên trước đảng".
Có thể dự đoán số đảng viên giáo điều bảo thủ tham quyền tham nhũng theo đuôi Bộ Chính trị chỉ có chừng vài vạn, còn số đảng viên có lòng yêu nước thương dân lên đến gần 3 triệu, chừng 90% số đảng viên, phần lớn nhập đảng chỉ vì động cơ kiếm sống, có sổ hưu nuôi gia đình. Bi kịch hay "điều may" phân hóa đảng làm 2 mảng đối lập là có thật. Nhóm trí thức "Lão mà chưa yên" có thể qua đối thoại xây dựng phản biện trở nên một hạt nhân có sức thu hút dần các đảng viên trung thực để thành một hạt nhân lãnh đạo mới của một đảng dân tộc và dân chủ thay thế cho đảng cộng sản già nua đã lão hóa thật sự thành lú lẫn và lẩm cẩm, phản dân tộc, phản dân chủ. Họ không bị kẻ xấu, bọn phản động nào xúi bẩy, dật giây, mua chuộc.
Tình hình chính trị đang sôi sục chưa từng có. Thế cùng tất biến là lúc này. Nhân dân thức tỉnh, vẫy gọi nhau đứng lên là lúc này. Các đợt vu cáo khủng bố người dân chỉ là đổ thêm dầu vào lửa. Nhớ lại những câu thơ của Bùi Minh Quốc :
Vì ta cúi nên ta nhìn chúng lớn,
Ta thẳng lưng thấy chúng cũng thường thôi !
Và chính lúc chúng mang phồng mép trợn
Lại là khi chúng sợ sắp tiêu đời !
Mong rằng tổng bí thư và Bộ Chính trị thức tỉnh, nhận ra sai lầm nghiêm trọng khi coi các chiến sĩ dân chủ nhân quyền và quần chúng xuống đường chống 2 Luật Đặc khu và An ninh mạng là kẻ thù cần trấn áp. Lãnh đạo còn tính trang bị súng ống hiện đại cho dân quân xã, đưa 25 ngàn quân lính xuống cấp xã để tăng cường đàn áp ở cơ sở, cho bọn xấu gây rối để lấy cớ hành dân trị dân. Hãy tỉnh ngộ trước khi quá muộn, không có gì sai lầm hơn là tuyên chiến với nhân dân.
Họ coi dân là thù địch thì họ còn sống với ai trên đất Việt Nam, với dân tộc Việt Nam vốn hiền hòa chỉ mong có cuộc sống thanh bình an cư lạc nghiệp, biết bảo vệ đến cùng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại bọn bá quyền xâm lược phương Bắc và bè lũ tay sai đê hèn của chúng ?
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 20/06/2018
Thật là một sự sai lầm khủng khiếp, một nước cờ ngu xuẩn. Họ vừa mới tỏ ra biết điều đôi chút khi chịu lùi một bước, hoãn việc thông qua dự Luật Đặc khu vào phiên họp quốc hội sau, thì sáng 12/6 họ vẫn giữ nguyên ý định bỏ phiếu về dự Luật an ninh mạng, một đạo luật phản động, phản dân chủ không kém gì dự luật Đặc khu.
Mục đích của dự thảo Luật an ninh mạng là kiểm soát mọi thông tin trên mạng, là thủ tiêu triệt để mọi thông tin tự do của đời tư cá nhân. Hình minh họa.
Quốc hội tay sai của đảng, với hơn 90% là đảng viên, lại dấn thân vào con đường sai lầm khủng khiếp, triệt để tước quyền tự do ngôn luận, tự do thông tin của toàn dân, giao cho Công an toàn quyền kiểm soát xâm nhập và tịch thu mọi nguồn thông tin của tập thể và cá nhân trên mạng internet.
Ai cũng biết thông tin viễn thông (không dây) và internet cùng máy điện toán - computer - là những thành tựu nổi bật nhất của loài người văn minh hiện đại, phục vụ đắc lực cho cuộc sống vật chất tinh thần của toàn nhân loại.
Mục đích của dự thảo Luật an ninh mạng là kiểm soát mọi thông tin trên mạng, là thủ tiêu triệt để mọi thông tin tự do của đời tư cá nhân - tư nhân và của mọi tập thể, là sao chép hầu như nguyên si bộ Luật an ninh mạng của Bắc Kinh, đang bị cả thế giới lên án là ngu xuẩn, dại dột, bất lực chống lại cái "túi khôn" quý báu nhất của thời đại văn minh.
Trên đất nước Việt Nam hiện có trên 60 triệu máy tính, phần lớn là của cá nhân, của cán bộ, học sinh, sinh viên, nhà kinh doanh, chuyên viên các ngành. Tự do thông tin đã trở thành không khí, máu thịt của toàn dân trong quan hệ cá nhân tập thể và xã hội, với kỹ thuật số hiện đại và ý tưởng xây dựng thủ đô và các thành phố, thị trấn "thông minh". Luật an ninh mạng sẽ cho phép cơ quan an ninh của Bộ công an kiểm soát tất cả các thông tin, dữ kiện, và có thể xử lý rất tùy tiện theo những khái niệm cực kỳ mơ hồ như "làm mất đoàn kết toàn dân", "đe dọa nền an ninh quốc gia", "có mưu đồ lật đổ chính quyền", "loan truyền tin thất thiệt"…
Chính vì những nguy cơ đó mà ngay trước ngày bỏ phiếu, các đại diện ngành truyền thông và thông tin cùng nhau hiệp thương khẩn cấp yêu cầu hoãn cuộc bỏ phiếu để lấy ý kiến rộng rãi và thảo luận kỹ càng hơn.
Đó là các Hiệp hội Internet Việt Nam ; Hội tin học Việt Nam ; Hội tự động hóa Việt Nam ; Hiệp hội phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam ; Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam ; Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam ; Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam ; Hiệp hội an toàn thông tin Việt Nam ; Hội truyền thông Số Việt Nam ; Hội tin học Thành phố Hồ Chí Minh ; Câu lạc bộ phần mềm tự do nguồn mở Việt Nam ; Câu Lạc Bộ Trường công nghệ thông tin Việt Nam ; Đại diện ICT Việt Nam. Mười ba hội trên đây bao gồm hàng vài ngàn chuyên gia am hiểu sâu sắc ngành Thông tin đa dạng đa ngành, phần khá lớn là đảng viên trí thức tinh hoa ngành truyền thông Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ.
Ngành truyền thông hiện đại với kỹ thuật số và hàng ngàn vệ tinh nhân tạo đuợc thế giới văn minh coi là cột trụ của phát triển và phồn vinh trong thế kỷ này.
Vì lẽ đó, tổ chức Ân Xá Quốc Tế - Amnesty International - đã khẩn cấp báo động cho các hãng thông tin quốc tế Microsoft, Google, Apple, Facebook, Sam Sung về việc quốc hội của Đảng cộng sản Việt Nam đang chuẩn bị thông qua Luật an ninh mạng, không những triệt tiêu quyền tự do của dân Việt, còn đe dọa nghiêm trọng nguyên tắc bảo mật trong thông tin quốc tế được pháp luật quốc tế bảo vệ, cần lên tiếng can ngăn, cảnh báo. Đủ biết Luật an ninh mạng là nguy hiểm tệ hại đến đâu.
Nhưng không kịp !
Đây là một mưu đồ thủ tiêu quyền tự do ngôn luận, tự do phản biện của công dân, vi phạm quyền tự do tư tưởng được hiến pháp và pháp luật quốc tế về nhân quyền bảo vệ.
Nhân dân ta đã buộc bạo quyền phải lùi bước hoãn việc thông qua dự Luật Đặc khu, cần đấu tranh để hủy bỏ hẳn "dự luật bán đất, bán nước" đó, nay lại cần lên tiếng mạnh mẽ đòi hủy bỏ hẳn Luật an ninh mạng cực kỳ phản động, phản dân chủ, phản thời đại. Cần dạy cho những kẻ u mê tăm tối chậm tiến đến thê thảm dám tấn công vào cái "túi khôn" quý báu của nhân loại là hệ thống Internet.
Trong và ngoài nước, hãy lên tiếng và hành động, hội họp, mittinh, xuống đường tuần hành, tổng biểu tình, bãi khóa, xé bỏ, đốt cháy Luật an ninh mạng, không cho nó có hiệu lực từ ngày 01/01/2019 như dự định. Hàng triệu máy tính cá nhân hãy đồng loạt lên mạng tỏ thái độ bác bỏ Luật an ninh mạng ngay lúc này.
Để hiểu rõ thêm về Luật an ninh mạng, mong các bạn tìm đọc loan truyền các bài viết của chuyên gia lão luyện về thông tin viễn thông Dương Ngọc Thái, tốt nghiệp ở Hoa Kỳ, và nhà báo trong nước Kim Hạnh (trên mạng Dân làm báo), và cố gắng có những kiến nghị mang vài vạn chữ ký cho có trọng lượng cảnh báo thế lực bạo quyền tăm tối dại dột đang vác gạch nện vào đôi chân run rẩy của chính mình.