Dự luật Đặc khu và dự luật an ninh mạng dù được quảng cáo, gò ép, áp đặt đã vấp phải sự chống đối mạnh mẽ, rộng khắp, quyết liệt cả trong và ngoài nước.
Nhóm đi đầu trong cuộc biểu tình lúc sáng Chủ Nhật, 10 tháng Sáu, tại Đà Nẵng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc buộc phải công nhận là "làn sóng phản đối khủng khiếp".
Nhiều cuộc biểu tình tự phát diễn ra chuẩn bị cho cuộc biểu tình lớn, rộng vào ngày Chủ nhật 10/6. Từ em học sinh Cát Linh cho đến các giáo sư, nhà kinh tế, nhà nghiên cứu chính trị, các chuyên gia kinh tế, tài chính, môi trường, nhà quân sự, ngọai giao… đều phản đối dự luật, cho đây là "đem thịt dân nuôi đàn hổ đói" bành trướng Trung Quốc.
Nhân dân ta lâu nay bị coi là nhút nhát e sợ cường quyền, thiếu dũng khí chống bất công phi nghĩa, hay cam chịu để giữ mình, quen quỳ xuống để các quan chức được thể ưỡn ngực vẫy vùng, nay đã biết vùng dậy, vẫy gọi nhau đứng thẳng người để đấu tranh ngăn ngừa tai họa chung cho dân tộc.
Và quả nhiên cường quyền hung bạo, hèn với giặc ác với dân bắt đầu biết sợ. Bộ Chính Trị cùng Ban Thường vụ Quốc hội họp thâu đêm 8/6, để 3 giờ sáng cho ra thông cáo "lùi việc bỏ phiếu về Luật đặc khu dự định ngày 15/6 lùi đến phiên họp quốc hội sau" để thảo luận xem xét kỹ theo ý kiến của nhân dân.
Đây là một thủ đoạn chiến thuật để mua thêm thời gian áp đặt tinh vi tiếp hay là bước lùi thật sự trước sự phản kháng quyết liệt, trước đỉnh điểm phẫn nộ xung thiên của toàn dân ? Nhân dân ta cần cảnh giác và đấu tranh tiếp tục mạnh mẽ hơn.
Dù sao, đây là một thời điểm lịch sử có tính chất cách mạng : nỗi lo sợ dai dẳng lâu ngày của nhân dân đã nhường chỗ và chuyển sang thành nỗi lo sợ của cường quyền độc đoán đối với quần chúng nhân dân.
Có thế chứ ! Bộ Chính trị vốn tự cao tự đại, huênh hoang, tự tin là thế nay buộc phải lùi ! Nhân dân ghi một bàn thắng ngoạn mục. Căn bệnh sợ cường quyền đã thuyên giảm đáng kể, niềm tự tin, tin nhau trong nhân dân được nhân lên gấp bội
để tiếp tục đấu tranh không mệt mỏi, củng cố thắng lợi ban đầu.
Có vẻ như Bộ Chính trị phải tính đến vài bước lùi nữa. Họ bất đầu biết sợ. Sợ dân và sợ thế giới.
Theo yêu cầu của phía Cộng hòa liên bang Đức, Bộ Chính trị đã buộc phải trả tự do cho vợ chồng Luật sư Nguyễn Văn Đài - Minh Khánh và người cộng sự Thu Hà để sang cư trú ở Cộng hòa liên bang Đức, do một dân biểu Đức bảo lãnh. Lâu lắm nay họ mới buộc phải nhả ra một nhà chống đối quan trọng. Họ sẽ bị ép thả ông Trần Huỳnh Duy Thức và cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, và cả "kho" hơn 100 tù chính trị khác !
Vẫn chưa hết, ngày 9/6, tờ báo lớn Frankfurter Allgemeine của Cộng hòa liên bang Đức đăng tin Hà nội đã đồng ý sẽ giao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức sau khi tòa án Đức xử xong vụ Nguyễn Hải Long vào ngày 19/6 tới. Tờ báo này không đăng tin thất thiệt. Bà luật sư người Đức của Trịnh Xuân Thanh cũng cho biết tin này.
Có vẻ như cả 3 bước lùi trên đây đều được Bộ Chính trị nghiến răng thông qua trong cuộc họp lịch sử ngày 8/6 để hòng thoát khỏi thế tứ bề thọ nạn, Luật 3 đặc khu bị coi là văn kiện bán đất bán nước cho Trung Quốc, Nhân quyền bị lên án là tệ hại nhất từ trước đến nay và Cộng hòa liên bang Đức và Liên Âu mở rộng điều tra xét xử vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, liên lụy đến nhiều cán bộ cấp cao, cấp tướng, kể cả tướng Tô Lâm bộ trưởng Công An và nhất là truy lên trúng phóoc ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là kẻ chủ mưu không sao chối cãi của cuộc bắt cóc ô nhục. Họ bắt đầu biết sợ là rất phải lẽ !
Mong rằng những bước lùi bước đầu của Bộ Chính trị được thông tin nhanh nhậy truyền đến mọi người Việt đấu tranh cho độc lập tự do dân chủ và nhân quyền, để mọi người đều dứng dậy, vẫy gọi nhau tự tin, tin cậy nhau đấu tranh tiếp chuyển giao hết nỗi lo sợ lưu cũu xưa nay cho giới cầm quyền tham quyền tham nhũng.
Ngày 10/6, tuy đã có tin chính phủ đề nghị quốc hội lùi việc bỏ phiếu về Luật đặc khu sang phiên họp thứ 5/khóa 14 vào tháng 10 cuối năm, các cuộc biểu tình tự phát rộng khắp chưa từng có vẫn diễn ra quyết liệt, rất sinh động, từ vài chục, vài trăm đến vài ngàn người ở Sài Gòn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Dương, Cần Thơ, Mỹ Tho, ở Hà nội, Nghệ An, Hà Tĩnh, Nam Định… kết hợp với các cuộc biểu tình của bà con ở nước ngoài : Hoa kỳ, Nhật Bản, Cộng hòa liên bang Đức, Pháp, Canada… vẫn tạo nên sức ép mạnh mẽ, thừa thắng xông lên, không cho cường quyền chỉ tạm thời lùi bước để rồi sẽ tiếp tục dở trò làm theo lệnh của bọn trùm bành trướng. Đáng chú ý là tại Bình Chánh (Sài Gòn) có 50.000 công nhân Pouyuen (Tân Tạo) đã bãi công chống 2 đạo luật cùng nhân dân cả nước.
Điểm rất quyết liệt là các cuộc đấu tranh gắn liền yêu cầu xóa bỏ hẳn Luật Đặc khu với xóa bỏ hẳn Luật An ninh mạng vì nó bảo vệ an ninh mạng thì ít mà chỉ để đàn áp, bóp chết các tiếng nói phản biện, thủ tiêu quyền tự do ngôn luận được Hiến pháp bảo vệ, chống các quyền dân chủ và nhân quyền của người công dân. Tổ chức quan sát Quyền con người – Human Rights Watch - đã lên tiếng mạnh mẽ tố cáo luật an ninh mạng sẽ ngăn cản Việt Nam hội nhập với quốc tế và làm hại nặng nề các quyền tư do kinh doanh – đầu tư của thế giới vào Việt Nam.
Ngày 10/6 ghi vào lịch sử đấu tranh đòi tự do dân chủ của nhân dân ta một cột mốc tuyệt đẹp.
Bạo quyền không thể cứng đầu mãi được ! Nhân dân không thể cúi đầu mãi được.
Từ nay thế và lực đã đổi thay tận gốc, với điều kiện là nhân dân ta thừa thắng, tự tin xông lên học từ những kinh nghiệm bổ ích vừa qua, vẫy gọi nhau đấu tranh bền bỉ, đông đảo kiên cường, dứt khoát không nhân nhượng, đòi hủy bỏ hoàn toàn các dự thảo Luật an ninh mạng và Luật đặc khu, những đạo luật vi hiến phản dân chủ, phản nhân dân chỉ làm lợi cho kẻ thù bành trướng xảo quyệt - những ông chủ của nhóm người trong Bộ Chính trị cộng sản Việt Nam nhưng là kẻ thù truyền kiếp và hiện tại của nhân dân Việt Nam mãi mãi bất khuất kiên cường.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 11/06/2018
Đất nước Việt Nam đang sống trong tình trạng biến động, sôi sục.
Lãnh thổ của tổ quốc, chủ quyền của đất nước, nền độc lập của quốc gia đang bị thử thách lớn.
Một bãi biển thuộc Phú Quốc.
Sự kiên nhẫn của một dân tộc từng trải qua những thử thách ngàn cân treo sợi tóc lại bị đem ra thách thức một cách nghiêm trọng nhất.
Người dân bình thường, em học sinh bình thường cũng hiểu rõ rằng Luật Đặc khu hành chính – kinh tế Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Bình Định) và Phú Quốc là mưu đồ bành trướng thâm hiểm nhất quán của Trung Quốc mà Bộ Chính trị đảng cộng sản Việt Nam buộc phải "đem thịt dân mình nuôi lũ hổ đói" – Bành trướng phương Bắc.
Bao nhiêu điều dối trá, ngụy biện đều vô hiệu. Nào là ta đã có hàng trăm đặc khu kinh tế rải khắp, nay có thêm 3 cái, có là bao, sẽ thu lợi cực lớn. Thế giới họ có biết mấy đặc khu, mang lợi to lớn, là những tổ trứng Phượng Hoàng, phồn vinh thịnh vượng. 99 năm mới thật hấp dẫn các FDI lớn của thế giới, có giành riêng cho nước nào đâu !
Bà chủ tịch Quốc hội leo lẻo : "Đây là chủ trương của Bộ Chính trị, không thể không làm." Vậy đây là quốc hội của nhân dân hay đảng hội của đảng ?
Ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thấy rõ "làn sóng phản đối khủng khiếp" nên hứa lắng nghe, sẽ điều chỉnh, có vẻ như chỉ sẽ điều chỉnh số năm 99 xuống thấp hơn, nhưng công luận lập tức trả lời : Phải từ bỏ hẳn dự Luật chứ không phải điều chỉnh, không thể cò kè ở những điểm như thế.
Vì ai cũng biết cả 3 vùng nói trên đều đã có chủ đầu tư khá sâu, toàn là đại gia tư bản 9dỏ người Việt thân Trung Quốc, nay họ cần những khoản vốn cực lớn mới.
Vài chục tỷ đôla để đầu tư thêm cho sòng bạc, nhà đỏ cao cấp, nơi nghỉ dưỡng cho cánh thượng lưu, sân gôn, vườn thú, bãi biển cho các đại quý tộc, nằm trong chiến lược kinh tế "một vành đai, một con đường" – one belt, one road - của Hoàng đế cộng sản Trung Hoa Tập Cận Bình.
Đây là lúc Bộ Chính trị bế tắc, ngân sách thâm thủng, tham nhũng là thất thoát hàng trăm ngàn tỷ đồng, kinh tế lụn bại, nợ chồng chất, cố tìm ra một lối thoát hào nhoáng nhưng hoàn toàn mạo hiểm và liều lĩnh.
Họ tính rằng người dân ta hiền lành quá, dễ bảo quá, quốc hội lại nằm trọn trong tay đảng, khi gần 90% là đảng viên, phải tuân theo kỷ luật, chỉ thị của đảng, làm sao khác được.
Nhưng lại có một sự thật là sự chịu đựng cam chịu của người dân là có hạn, con sên bị xéo phải oằn lên, thế tận cùng tắc biến, uy tín của đảng đang ở mức thấp nhất, nhân dân bắt đầu nhận ra đảng không còn xứng đáng là lực lượng tiên phong soi đường chỉ lối, không còn là lực lượng chính đáng lãnh đạo, mất hoàn toàn tính chính danh – legitimacy - nay lại đổ thêm dầu vào lửa bằng dự Luật bán nước này, thách thức láo xuợc nhân dân là chủ thể duy nhất của đất nước.
Một văn kiện phản đối Luật đặc khu lập tức có 737 chữ ký, hôm sau lên 1382 chữ ký, nay lên đến 1591 người tham gia do mạng Bô-xit đề xướng, trong ngoài nước các tổ chức kêu gọi biểu tình ngày Chủ nhật 10/6 đòi hủy bỏ dự Luật, gần 30 đại biểu quốc hội nghi ngại, yêu cầu hõan việc bỏ phiếu để thảo luận sâu thêm, rộng rãi thêm, các nhà kinh tế Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, các nhà nghiên cứu Tương Lai, Nguyễn Trung, Hà Sỹ Phu, các nhà báo Phạm Đình Trọng, Bùi Minh Quốc, các nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyễn Quang Thiều… đều lên tiếng phản đối mạnh mẽ đạo luật phản động này.
Ông tổng bí thư nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị đang đứng trước một đỉnh điểm phẫn nộ xung thiên của toàn dân. Ông tổng Trọng ốm yếu, uy tín suy giảm tệ hại do cầm đầu chủ trương cuộc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh phi pháp chà đạp pháp luật quốc tế bằng bạo lực, gây căng thẳng với CHLB Đức, Tiệp, Slovaque, Ba Lan… và toàn Liên Âu, lại bị tố cáo là nhu nhược với Trung Quốc nhất trong tất cả 5 tổng bí thư sau sự kiện Thành Đô : Tệ hơn cả Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Đã có yêu cầu của một số blogger nếu có bỏ phiếu về Luật đặc khu cần công khai không chỉ con số, tỷ lệ, mà công khai cả tên những ai tán thành, những ai chống, các nhà nhiếp ảnh cần chụp cho rõ, đầy đủ cảnh bỏ phiếu, vì sau này có thể có các phiên tòa xử bày lũ bán nước buôn dân cần đến để làm chứng cứ.
Cả nước sẽ chăm chú theo dõi cuộc bỏ phiếu này.
Để xem ông Tổng Trọng và Bộ Chính Trị có gan lỳ được trước ý chí và phẫn nộ xung thiên của nhân dân hay không ?
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 08/06/2018
Quan hệ Triều Tiên – Hoa Kỳ đang làm cả thế giới như nín thở hồi hộp. Có cuộc họp thượng đỉnh Trump – Kim tại Singapore vào tháng 6 này hay không. Không có ! Rồi lại sẽ có ; rồi có thể có. Và cuối cùng là vẫn sẽ có như đã định – ít ra là đến giờ phút này.
Cuộc gặp lịch sử lần thứ nhì tại Bàn Môn Điếm.
Thật không bíết đâu mà lần !
D. Trump từ nhà buôn tỷ phú thành đạt bước vào làm chính trị ở tuổi 72, đã mang tài thương lượng, mặc cả trong kinh doanh vào cái nghề mới - tổng thống - rất gay go liên quan đến hòa bình hay chiến tranh thế giới.
Ông khẳng định, rồi lại phủ định, chê hết lời đối thủ của mình rồi lại xoay qua ca ngợi hết mức, không còn biết lập trường đích thật của mình.
Ông Tập Cận Bình bị hăng, mừng hụt, khi thấy Hoa Kỳ vẫn cho ra đồng xu-đôla kỷ niệm in hình 2 ông Trump và Kim, đánh dấu một sự kiện lịch sử của thế kỷ.
Ông Tập cảm thấy cô đơn, cô độc hơn lúc nào hết, khi thấy Hoa Kỳ, Nhật Bản, 2 miền Triều Tiên bàn với nhau hầu như sau lưng mình. Cay lắm !
Cuối cùng có vẻ như các nút thắt rồi sẽ được mở, vì cái trở ngại chính có vẻ như đã được các bên nhận ra rõ rệt.
Cái trở ngại chính đó là anh Tàu, anh Trung Cộng - Đại Hán, anh Tập Cận Bình và giấc mộng hão bá chủ thiên hạ trong tương lai gần, làm Hoàng đế vĩnh cửu Trung hoa và số 1 Cường quốc trong Thiên Hạ.
Tập Cận Bình đã dại dột nôn nóng làm vội, làm nhanh điều mà Đặng Tiểu Bình đã thầm thì tiểu di khi sắp tắt thở : "Thao quang dưỡng hối", từ từ mà tiến, dấu kỹ ý đồ chiến lược kẻo bị cả thế giới cảnh giác ngăn chặn, chống đối.
Quả nhiên thực tế cho thấy ông Tập Cận Bình khôn mà không ngoan, nhanh nhẩu đoảng, sớm phơi bày dã tâm và cuồng vọng, bị cả thế giới ngăn chặn, bị D. Trump coi là đối thủ chiến lược số 1 của Hoa Kỳ về thương mại, kinh tế, tài chính cũng như về đối ngoại, quốc phòng. Do tham vọng bị phơi trần, Hoa Kỳ đã thiết kế "liên minh tứ giác Kim cương gồm Hoa Kỳ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc" để chống lại Trung Cộng, mà một trọng điểm được xác định là Biển Đông của Việt Nam.
Trong vấn đề Triều Tiên – Hoa Kỳ, rõ ràng là Trung Cộng đóng vai trò phá đám, chọc gậy bánh xe, phá Bắc – Nam Triều Tiên hòa giải theo chiến lược Đại Hán chia để trị, duy trì dài dài xung đột Bắc – Nam để đục nước béo cò, duy trì Bắc Triều Tiên trong vùng phụ thuộc che chở của mình, chống lại một Triều tiên thống nhất độc lập sát biên giới ; đồng thời Trung Cộng ngăn chặn sự cải thiện quan hệ Hoa Kỳ - Bắc Triều Tiên lo rằng sự cải thiện đột nhiên này sẽ làm cho thế cô đơn của Trung Cộng nổi bật thêm trên vùng Thái Bình Dương, Ấn Độ Dương rộng lớn.
Thế là Tập Cận Bình bị lật tẩy nhìn nhận là kẻ phá hoại từ mọi phía : từ Nam Hàn, Nhật Bản, từ cả Bắc Hàn và Hoa Kỳ, và họ gần như đồng thuận : đường ta ta cứ đi, ta là ta, độc lập tự chủ, không phụ thuộc anh nào, nhưng ta sẽ kết liên minh trong từng vấn đề để cô lập anh Trung Cộng tham vọng quá lớn. Chiếc tầu hàng không mẫu hạm kiểu Liêu Ninh và thủy phi cơ lớn do Bác kinh hạ thủy chỉ tỏ ra công nghiệp quân sự và hải quân TQ còn lâu mới sánh đươc với các cường quốc hải quân khác. Lực bất tòng tâm là đây !
Bộ chính trị và ông tổng Trọng rất nên cắp sách sang học hỏi kinh nghiệm của 2 miền Triều Tiên.
Họ đã cùng nhau dựa trên tinh thần dân tộc độc lập, Bắc Nam hòa giải và gắn bó hướng tới tương lai một Triều Tiên thống nhất, giàu mạnh, đẩy lùi tham vọng bành trướng bá quyền của họ Tập, dựa vào các cường quốc khu vực và thế giới, cùng chung sức ngăn chặn, đẩy lùi tham vọng toàn cầu của Trung Quốc, xác to mà không mạnh, chưa giải quyết được 2 vấn đề nổi cộm của nước mình là vấn đề Đài Loan và Hồng Kông, cùng nhau bảo vệ chế độ dân chủ chống lại chế độ cộng sản toàn trị lạc lõng, trơ trọi, cuối mùa.
Đảng cộng sản từng cho rằng phê và tự phê ngay thật là động lực của tiến bộ, vậy lúc này họ nên so sánh với con đường hòa giải dân tộc "chúng ta là anh em một nhà", ngẫm nghĩ về cái bắt tay chặt chẽ và ôm hôn nhau khăng khít giữa tổng thống Nam hàn Moon Jae-in và lãnh đạo trẻ măng Kim Jong-Un ngày 27/4, nay lại lặp lại chặt chẽ hơn ngày 26/5 tại làng Hòa Bình Bàn Môn Điếm, thúc tổng thống Hoa Kỳ D. Trump phải quyết định duy trì cuộc họp thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên tại Singapore ngày 12 tháng Sáu tới.
Để xem Tập Cận Bình sẽ phá thối ra sao hay đành ngậm bồ hòn làm ngọt.
Cuối cùng cả thế giới phải nể chú bé lãnh tụ Kim Jong-Un mới hơn 33 tuổi đã dày dạn sáng suốt và lãnh đạo có hiệu quả hơn cả cha Kim Jong-Il và ông nội Kim Nhật Thành để chấm dứt hẳn chiến tranh, chìa tay hòa giải để đi đến thống nhất Triều Tiên trong kỷ nnguyên Hòa bình và Thịnh vượng.
Xin nhớ ông Trọng có tuổi hơn gấp đôi chú Un. Hậu sinh khả úy là vậy.
Cái tài, cái khôn, cái giỏi của lãnh tụ hạt tiêu Kim là dám tách dần ra và chống sức ép của Trung Cộng cường quốc ở sát biên giới phía Bắc để thực hiện quyền độc lập tự chủ được toàn thế giới hoan nghênh và Liên hợp Quốc bảo vệ. Học ở Thụy Sỹ, nói tiếng Anh rất sõi, học tiếng Pháp ngang cấp đại học, mê bóng rổ, fan của nhạc rock và jazz, phi ngựa, lái máy bay, đâu phải chỉ là "chú bé tên lửa" như ông Trump đánh giá.
Hãy quan sát kỹ một nguyên thủ 33 tuổi ở Singapore ngày 12/6 tới, ngang hàng với lão già - cụ Trump 73 tuổi. Rất lạ và thú vị.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 31/05/2018
Một chính quyền dân chủ tiến bộ luôn có nhu cầu tìm hiểu, bắt mạch dư luận quần chúng rộng rãi, thăm dò nhận thức, nguyện vọng của nhân dân để điều chỉnh đường lối chính sách của mình cho phù hợp.
Ở các nước văn minh, chính quyền và người công dân luôn cần đến các cơ quan thăm dò dư luận - Hình minh họa.
Ở các nước văn minh, chính quyền và người công dân luôn cần đến các cơ quan thăm dò dư luận, sử dụng như những công cụ cần thiết, nhất là trong các cuộc bầu cử, và trong cuộc sống hàng ngày để cập nhật tình hình giá cả trên thị trường, hàng hóa thiếu thừa, chứng khoán lên xuống, đồng tiền ổn định hay mất giá …
Ở các nước độc đoán phi dân chủ, cũng có vài cơ quan thăm dò dư luận phục vụ lãnh đạo, nhưng hoạt động ngấm ngầm ít công khai vì có sự đối lập quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân, bộ máy cai trị vận hành kín đáo không có môi trường công khai minh bạch.
Ở Việt Nam, từ năm 1982 đã thành lập Viện nghiên cứu Dư luận xã hội trong Ban tuyên giáo TƯ của đảng Cộng Sản có hàng trăm chuyên viên thăm dò, thống kê, tổng hợp, nhưng hoạt động èo uột không có sinh lực vì lãnh đạo không dùng đến mà quần chúng thờ ơ, không biết nó tồn tại hay đã biến mất. Một cơ quan vô tích sự !
Ở Pháp, các cơ quan thăm dò dư luận xã hội có đến hàng trăm tổ chức khác nhau, chuyên về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, thương mại, bất động sản, thể thao văn hóa, giáo dục…
IPSOS hiện nay là cơ quan thăm dò dư luận lớn nhất có trụ sở ở Paris và chân rết ở 82 nước, có 600 chuyên viên ở bộ máy trung tâm, thăm dò tổng hợp mọi mặt của đời sống chính trị xã hội, có số vốn hàng trăm triệu Euro.
HARRIS cũng là hãng thăm dò dư luận lớn, có mặt nổi bật qua các cuộc Tổng tuyển cử và bầu cử địa phưong.
Hãng BVA và Viện CSA cũng là những hãng thăm dò dư luận già dặn có tín nhiệm cao về các mặt chính trị, kinh tế tài chính ngân hàng chứng khoán….
Tổ chức thăm dò dư luận cần đến trước hết một nhóm chuyên viên máy tính hiện đại, có kiến thức về thống kê, tổng hợp, so sánh, biết lựa chọn những vấn đề nóng hổi ăn khách nhất, đề ra những câu hỏi, những vấn đề thăm dò. Sau đó là tổ chức mạng lưới cộng tác viên thường xuyên từ vài trăm đến vài ngàn người, thuộc nhiều địa phương, độ tuổi, nghề nghiệp, xu hướng chính trị khác nhau, liên lạc nhanh nhạy qua điện thoại, email, internet, Facebook, mời họ trả lời vắn tắt câu hỏi đặt ra…
Ở Pháp, không ngày nào là không có vài con số điều tra dư luận được công bố. Sau 1 năm cầm quyền, tín nhiệm của tổng thống trẻ 40 tuổi E. Macron là 54%, của thủ tướng E. Dominique là 51%, vượt các tổng thống tiền nhiệm thường bị phê phán, bị giảm tín nhiệm qua năm đầu cầm quyền. Chính sách kinh tế được 62% tín nhiệm do sản xuất tăng, xuất khẩu tăng khá, thất nghiệp giảm, chính sách đối ngoại tăng tín nhiệm 66% do năng động, kết bạn khăng khít với Cộng hòa liên bang Đức, thân với tổng thống D. Trump, lại kết bạn hẩu với V. Putin ; chỉ có chính sách xã hội, thuế khóa, quan hệ căng với các công đoàn, là bị phê có phần yếu, nương nhẹ chiếu cố cánh nhà đầu tư giàu có.
Hiện nay khi cái Viện nghiên cứu dư luận xã hội của đảng cộng sản hầu như không hoạt động vì họ sợ sự thật, họ sợ các đường lối, học thuyết, chính sách lạc hậu, già nua, cổ lỗ của đảng bị xã hội công khai phủ định, sợ trưng cầu dân ý như sợ bị treo cổ, các lực lượng của xã hội dân chủ nên tự mình đứng ra lập nên một cơ quan thăm dò dư luận xã hội của chính mình, của xã hội công dân, của nhân dân đích thật.
Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội của nhân dân, khách quan, vô tư, khoa học sẽ công bố định kỳ mức độ tín nhiệm của Bộ Chính trị, tổng bí thư, chủ tịch nước…, sẽ có thể điều tra trong xã hội còn có bao nhiêu người "kiên định, ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lênin" ? trong đó đảng viên bao nhiêu ? trí thức bao nhiêu ? các luật sư bao nhiêu ? Các nhà khoa học bao nhiêu ?
Và con số "kiên định chủ nghĩa xã hội mác-xít là bao nhiêu ?, khi ông cựu bộ trưởng ủy viên trung ương Bùi Quang Vinh cho rằng nó có thật đâu mà cứ đi tìm cái định hướng xã hội chủ nghĩa tù mù mù mịt !
Và mở cuộc điều tra dư luận về "cái quyền sở hữu đất đai của toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý" xem có bao nhiêu nông dân, trí thức, nhà văn hóa, tuổi trẻ, nhà kinh doanh còn tin đó là điều đúng đắn hợp lý, hay có hại, cần loại bỏ.
Và nên mở cuộc điều tra dư luận rộng rãi về "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú hay bị bắt cóc kiểu Nhà nước, và nay nên giải quyết ra sao ? Không thể để tù mù rắc rối ngày càng to với Liên Âu, với Cộng hòa liên bang Đức, Tiệp và Slovaky… với biết bao thiệt hại cho đất nước ?".
Và hãy điều tra định kỳ về cái chiến dịch chống tham nhũng, con ngựa chiến Thiên Lý Mã của ông tổng Trọng, khi thì cao trào, lò lửa cực nóng sẽ thiêu hết củi khô lẫn củi tươi, khi thì cầm chừng như hết hơi thở hắt ra sợ vỡ bình quý, sẽ đi đến đâu ?
Rất mong một nhóm bạn thanh niên trí thức trong nước am hiểu máy tính, thống kê, biểu đồ so sánh, thông tin xã hội, năng động xông xáo… sớm đứng ra đảm nhận công việc quan trọng, cấp bách, lý thú và nhiều tác dụng xã hội này. Chắc chắn sẽ được đông đảo bà con ta trong ngoài nước hoan nghênh nhiệt liệt.
Đây là một thách thức đàng hoàng răn đe nghiêm ngặt đối với một chính quyền thiếu vắng nghiêm trọng tính công khai minh bạch, buộc họ phải lộ mặt và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, theo đúng khẩu hiệu là chính quyền "của Dân, do Dân, vì Dân."
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 30/05/2018
Thế giới dân chủ đang rất quan tâm và quan ngại về tình hình đàn áp những người bất đồng chính kiến, những chiến sĩ dấn thân đòi dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam. Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, chuyên viên về Nhân quyền của chính quyền Hoa Kỳ, Cộng hòa liên bang Đức, Anh, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy… đều lên tiếng phàn nàn về sự sa sút tệ hại trong tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam, khi đang có chừng 150 tù nhân chính trị đang bị giam cầm tù đày vì đòi tư do chính trị và tôn giáo.
Phiên tòa xử Blogger Mẹ Nấm.
Mấy năm nay nhân Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán, Nhà nước chỉ giảm án, ân xá cho một số tù kinh tế, hình sự, một số đảng viên tham ô, cố tình bỏ quên các chiến sĩ dân chủ, những con người có nhân cách cao quý, dũng cảm, yêu nước thương dân, kiên cường chống bành trướng, lại bị chính quyền « hèn với giặc ác với dân » đàn áp rất nặng nề.
Chính quyền cố làm như ta đây cũng tôn trọng nhân quyền, cũng cử ra phái đòan tham gia Hội đồng Nhân quyền LHQ, còn ứng cử vào Ban thường trực, đọc báo cáo chuyên đề, tham gia các cuộc Kiểm tra định kỳ phổ quát – Universal Periodic Review (kỳ sắp đến sẽ khởi đầu từ tháng 7/2018), ghi nhận các nhận xét phê bình kiến nghị của các nước, nhưng có ai tin rằng họ làm một cách trung thực, tự đáy lòng, coi tôn trọng dân chủ, dân quyền, nhân quyền là những giá trị cơ bản nhất của thời đại ? Họ giả dối, đóng kịch lừa thiên hạ.
Tệ hơn nữa, họ coi các tù nhân chính trị, những người con quý hiếm nhất của đất nước như là món hàng để trao đổi, mua bán, mặc cả với thế giới, một kiểu bắt cóc hàng loạt để làm con tin tàn ác vô nhân đạo.
Và nay nguy cơ đang đến, đó là, yêu cầu đưa Việt Nam vào danh sách CPC - Country of Particular Concern - Nước cần Quan tâm Đặc biệt – với nhiều trừng phạt nặng nề để cảnh báo, thúc ép đi vào con đường quang minh chính trực.
Việt Nam đã bị một lần trừng phạt như thế cách đây hơn 10 năm, khốn khổ khốn nạn buộc phải nhượng bộ, nới tay để thoát nạn. Nay các quan tham đã vơ vét của dân không chừa một cái gì, nên nước đến chân vẫn ù lỳ, trơ tráo. Họ bỏ mặc ông Trần Huỳnh Duy Thức ốm đau với bản án 15 năm, bỏ mặc cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh 10 năm tù khi mẹ già ốm, 2 con dại, ông Trần Anh Kim cựu đảng viên cao cấp đang thập tử nhất sinh, và bao nhiêu trường hợp đày ải khác.
Tình hình khẩn cấp chí nguy, chí nguy lắm rồi ! Nhân dân không thể nghiến răng chịu mọi thiệt thòi do lầm lỗi dai dẳng của đảng cầm quyền ?
Bộ Chính trị và Quốc hội đang họp cần bàn kỹ và ra quyết định chuyên đề về tôn trọng Nhân quyền, thả tất cả các tù nhân chính trị và tôn giáo, một việc làm cấp bách theo đúng lòng dân, hợp với đòi hỏi quốc tế, từ đó học tập sống hòa nhập thật sự lương thiện không lươn lẹo với thế giói hiện đại, thoát khỏi sự chê trách, sự chỉ trích mạnh mẽ nghiêm khắc của thế giới văn minh.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 25/05/2018
Giữa tháng 5/2018, báo Môi trường và Đô thị đăng một loạt ảnh các biệt thự khủng thuộc khu Vườn Đào thuộc phường Phú Thượng trong quận Tây Hồ đi với bài báo dài "Chiêm ngưỡng những ngôi biệt thự siêu đẹp ở Vườn Đào". Đây là khu đất vàng của thủ đô, giá hiện là 400 triệu đồng một mét vuông. Các biệt thự được đánh giá trên dưới 1 triệu đôla.
Căn biệt thự khiến tờ Môi Trường và Đô Thị phải đính chính.
Bài báo cho biết các biệt thự sang nhất thuộc quyền sở hữu của các quan chức cao cấp đương quyền, các đại gia điện lực, khoáng sản, hóa chất. Trong đó, vẫn theo bài báo, 2 biệt thự hoành tráng nhất, một thuộc về một ủy viên bộ chính trị, và một thuộc về bộ trưởng công thương.
Bộ trưởng Công thương hiện nay là ông Trần Tuấn Anh, con trai nguyên chủ tịch nước Trần Đức Lương.
Ngay ngày hôm sau 18/5 Bộ công thương có công văn cải chính, cho đó là tin bịa đặt, không phải nhà của ông Trần Tuấn Anh, yêu cầu Bộ Thông tin và truyền thông xử lý bài báo này. Báo Môi trường và Thủ đô đã đính chính và xin lỗi độc giả về sự lầm lẫn, đã nghe theo một số cư dân quanh khu biệt thự mà không thẩm tra lại.
Nhưng sự thanh minh, cải chính vội vàng trên đây hoàn toàn không có tác dụng.
Vì quanh mấy chục tòa biệt thự hoành tráng trong Vườn Đào – Tây Hồ, người dân vẫn không biết thuộc về ai, ai làm chủ nhà, do ai xây dựng lên, có sổ đỏ chưa, và mang tên ai ? Vì sao lại giữ bí mật, việc gì mà phải che che giấu giấu vậy ? Không có lửa sao lại có khói ?
Cứ như đó là một vùng ma quái, khó hiểu, khó tìm ra sự thật.
Theo thông lệ, theo thủ tục thông thường, ắt là chính quyền phường Phú Thượng có sổ sách ghi từng biệt thự, mang số nhà bao nhiêu, đường gì, do ai xin phép xây dựng, hoàn thành lúc nào, nay chủ nhà là ai, làm gì, có sổ đỏ hay chưa ?
Ắt là Phòng Xây dựng quận Tây Hồ cũng có đầy đủ các giấy tờ lưu trữ như thế.
Sở Xây dựng của Thủ đô ắt là am hiểu rành rọt, cụ thể, tỷ mỷ nhất về từng biệt thự một.
Phiên họp Quốc hội mới họp cũng bỏ qua, không chất vấn, trao đổi nhận định về vụ việc quan trọng này, coi như chuyện vặt, báo chí lề phải vẫn êm ru, coi như báo Môi trường và Thủ đô cải chính là xong, là hết chuyện, ngoan ngoãn dễ bảo đến thế là cùng ! Việc xử lý hàng ngàn biệt thự hoành tráng không lý giải được nguồn gốc minh bạch rõ ràng là của cải bất lương đang là nỗi quan tâm hàng đầu của toàn xã hội. Chính quyền không thể bênh che mãi cho bọn cướp của dân !
Rất mong các ông nghị đang họp và lãnh đạo của các phiên họp quan tâm đến các vấn đề nóng bỏng trong cuộc sống, như tình hình dân xã Đồng Tâm/Mỹ Đức bị ức hiếp, vấn đề đất đai quận Thủ Thiêm tan nát, nhà Chùa và Nhà Tu tại đó bị nguy cơ tiêu hủy, gần một trăm trạm BOT trong cả nước vẫn hoành hành ngang ngược, vụ đại án MobiFone vẫn mờ mịt dù Thanh tra đã có ý kiến, Luật biểu tình lại hoãn không biết đến bao giờ !
Một chính quyền giấu giếm công luận, không cho biết ngôi biệt thự khủng giá hàng triệu đôla ở góc Võ Chí Công và Lạc Long Quân phường Phú Thượng là của ai, cứ mờ ám không minh bạch, không công khai bàn đến những việc đại sự của xã hội, vẫn chỉ là một chính quyền non nớt chưa đến độ trưởng thành.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 23/05/2018
Vấn đề các biệt thự, biệt phủ của một số quan chức có giá trị rất cao, mà người chủ không chứng minh được nguồn thu nhập lương thiện, đang đặt ra cho toàn xã hội góp ý giải quyết.
Hình ảnh "biệt phủ" của ông Phạm Sỹ Quý ở Yên Bái.
Hiện con số các biệt thự, biệt phủ loại khủng này đã được phát hiện lên đến 40, 50 ngôi nhà cầu kỳ hoành tráng, như những lâu đài cổ ở giữa vùng nông thôn và núi rừng nghèo khổ, làm nổi bật cảnh phân chia giai cấp, giàu nghèo, bất công trong xã hội.
Đây là một hiện tượng bất thường, rất bất thường trong một xã hội mang danh xã hội chủ nghĩa, đang chống tham nhũng quyết liệt, triệt để trừng trị từ "ruồi muỗi đến hổ báo, hươu nai tham lam vô độ", xà xẻo của chung, ăn cắp của những người dân lương thiện.
Đã có những người lên tiếng đòi giải quyết vấn đề nóng hổi này, một hình ảnh chướng mắt nói lên cảnh bất công xã hội.
Và đã có những lời phân trần, cố thanh minh rằng đó là kết quả lao động cần cù khó nhọc của cả gia đình, từ trồng trọt, chăn nuôi, làm chổi đót, chạy xe ôm, tắc-xi, tích lũy dần mà làm nên cơ nghiệp.
Nhưng phần lớn chỉ là thanh minh cuội. Vì không ít là bí thư tỉnh ủy, bí thư thành ủy, chủ tịch UBND huyện, cầm đầu cơ quan thuế, hải quan, cầm đầu ngành lâm nghiệp, cầm đầu cơ quan thanh tra nhà nước, cơ quan tổ chức lo việc kiểm soát, đề bạt cán bộ… tức là những chức vụ lượm hái ra tiền bạc vô kể, ra đất đai, ra gỗ quý hiếm, nắm và lợi dụng quyền lực để cho cấp dưới chạy chức, chạy quyền, chạy tội, vơ vét tài sản cho riêng mình.
Riêng trong Công an và Quân đội, gần 1 ngàn tướng lĩnh và hơn 2 ngàn thượng tá, đại tá cũng có 1 số biến chất, tham ô, cá nhân hưởng thụ, quay lưng lại với nhân dân, không ít xây nhà cửa quá mức, ăn chơi sa đọa, Quân ủy trung ương và đảng ủy Công an, cơ quan kiểm tra công an và quân đội cũng như các tòa án quân sự còn quá lỏng lẻo yếu ớt, không mảy may xứng tầm trong duy trì kỷ luật nghiêm minh. Biệt phủ hơn 10 tỷ của thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa là một minh chứng.
Luật phòng chống tham nhũng chỉ ra rằng kẻ tham nhũng lên đến một tỷ đồng là ngang bằng thu nhập của một lao động phổ thông trong suốt một trăm năm, một số tiền quá lớn, có thể bị xử án tử hình. Huống gì có những biệt phủ được đánh giá trên một trăm tỷ thì không thể do lao động cần cù lương thiện mà đạt được.
Tôi khẩn thiết yêu cầu cuộc họp quốc hội sắp đến, rất nên bàn kỹ đến vấn đề nhức nhối nổi cộm này, cử ra một số chuyên viên, luật sư nghiên cứu những phương án có tính chất luật để giải quyết không thể vì nó phức tạp, đụng chạm mà buông trôi.
Nếu mở cuộc điều tra toàn quốc thì số biệt thự khủng như trên có thể lên đến vài trăm, hàng ngàn, không phải chỉ 50, không cho lọt lưới. Phải ngăn chặn đề phòng kẻ bị đánh động, tẩu tán đất đai nhà cửa, cây cối, vật dụng để thoát thân.
Cần có Tòa án để xem xét, xét xử từng trường hợp, đánh giá lại tài sản cụ thể, có thể kiến nghị tịch thu toàn bộ hay bộ phận, tổ chức bán đấu giá cho vào công quỹ, hoặc chuyển thành tài sản Nhà nước để dùng cho Thư Viện, Bảo tàng, nhà Văn hóa, Trường học, nhà trẻ mẫu giáo, Trạm xá y tế, nhà dưỡng lão, công sở… hay thành nhà ở tập thể cho cán bộ địa phương.
Thế mới là cách làm đột phá theo luật pháp và trên tinh thần xã hội chủ nghĩa, vì xã hội.
Rất mong ông tổng bí thư đưa vấn đề quan trọng này ra thảo luận kỹ trong Bộ Chính trị, trong Ủy ban phòng chống tham nhũng trung ương do ông chủ trì, đưa ra quốc hội sắp họp thảo luận đến nơi đến chốn.
Chắc chắn một việc làm như thế sẽ được hoan nghênh rộng rãi, được nhân dân tán thưởng, và thu về cho công quỹ một tài sản khá lớn, giải quyết triệt để một bất công, ung nhọt xã hội hiển nhiên rất khó coi.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 16/05/2018
Hội nghị trung ương 7 khóa XII vừa họp xong, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc lời bế mạc, "cuộc họp đạt nhất trí cao và đã thành công tốt đẹp." Bao giờ chả thế !
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc diễn văn bế mạc Hội nghị trung ương 7 ngày 12 tháng Năm.
Nội dung cuộc họp trong 6 ngày là 3 vấn đề : đào tạo cán bộ chiến lược, cải cách tiền lương và thực hiện bảo hiểm xã hội, trong đó vấn đề cán bộ là vấn đề lớn nhất.
Vấn đề cán bộ hiện nay đúng là một vấn đề then chốt khi phần lớn cán bộ đều mắc bệnh quan liêu, giáo điều nặng - mà nặng nhất chính là ông tổng bí thư cực kỳ giáo điều mác-xít - mắc tệ xa rời thực tế, tham quyền, chạy chức, chạy quyền, chạy tội, tham nhũng, mắc chủ nghĩa cá nhân hưởng lạc, vô trách nhiệm, không ngang tầm nhiệm vụ. Hàng nghìn cán bộ cao cấp đảng viên bị điều tra, truy tố, kết án tù từ 20 năm đến chung thân và cả tử hình.
Nhưng đây có phải là vấn đề lớn nhất, cấp bách trước hết không ? Xin thưa với ngài tổng bí thư tiến sĩ xây dựng đảng rằng : "không phải !". Cốt lõi vấn đề hiện nay là đổi mới chế độ, đổi mới mô hình chính trị, thay đổi đường lối chính sách cho đúng đắn, hiện đại rồi ngay sau đó mới là lựa chọn cán bộ cho ăn khớp, cho phù hợp theo.
Hiện nay không có vấn đề chính trị nào cấp bách hơn là từ sự bỏ tận gốc gác học thuyết Mác – Lê cũ kỹ, từ bỏ chủ nghĩa xã hội mác-xít quá hư vô, từ bỏ mô hình cầm quyền độc đảng, từ bỏ Nhà nước toàn trị phi pháp quyền, từ bỏ chế độ tam quyền thống nhất không có kiểm soát, cân bằng giũa ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp, từ bỏ hẳn đường lối đối ngoại Bắc thuộc… mở ra Kỷ nguyên dân chủ, tự do và quyền con người, phù hợp với thế giới văn minh phổ cập hiện nay.
Marx sinh ra đã đúng 200 năm, khi chưa có máy bay và tên lửa, chưa có trực thăng, tàu ngầm và hàng không mẫu hạm, chưa có điện nguyên tử và máy tính điện tử, chưa có vệ tinh và tàu vũ trụ ; 200 năm, nền chính trị thế giới đã đi những bước tiến dài, rất dài. Việc ông Tổng Trọng một mực kiên định chủ nghĩa Mác-Lênin, kiên định chủ nghĩa xã hội mác xít, kiên định nền chuyên chính độc đảng… là một thái độ chính trị cổ hủ, lạc hậu hàng vài thế kỷ, là nguyên nhân cốt lõi của thảm họa dân tộc lạc hậu, thấp kém, bế tắc trong phát triển vài chục năm nay.
Cả cuộc họp trung ương 200 con người không một ai lên tiếng chỉ ra sai lầm dai dẳng, khổng lồ như thế ! Thật đáng buồn.
Chỉ có một lối thoát là xóa đi làm lại, hãy mở ngay cuộc họp về đổi mới học thuyết chính trị, đổi mới đường lối, đổi mới mô hình cầm quyền cho tiến bộ, hiện đại, văn minh, hòa nhập với thế giới mới. Sau đó mở hội nghị về tuyển lựa cán bộ chiến lược, cán bộ kinh tế, tài chính, khoa học, quân sự, ngoại giao, văn hóa, kỹ thuật thật phù hợp, thì sẽ xuôi chiều, hợp tình, hợp lý bao nhiêu.
Hãy cùng nhau xây dựng một chiếc xe tân tiến, hiện đại nhất, rồi sau đó tuyển lựa kíp người lái có trình độ cao nhất. Không thể đào tạo một số cán bộ cổ lỗ của thế kỷ 19, không biết computer, không biết vệ tinh, không biết toán học cao cấp để lái một con tàu hiện đại của thế kỷ XXI !
Không ai làm chuyện ngược đời, sai lầm lú lẫn, vô duyên vô tích sự như cái hội nghị lần thứ 7 khóa XII vừa bế mạc.
Vấn đề khủng hoảng cán bộ vẫn còn nguyên vẹn, hứa hẹn một thời kỳ bế tắc triệt để u ám mới cho đất nước ta, nhân dân ta cứ bị đưa ra làm thí nghiệm cho đảng Cộng sản giũa cơn thoái trào bi đát của học thuyết cộng sản mác-xít đã phá sản triệt để, đã thở hắt ra trên toàn thế giới.
Sau Hội nghị trung ương 7, uy tín của ông tổng bí thư ra sao ? Có người cho rằng uy tín, uy quyền của ông lên tới đỉnh cao nhất. Chưa chắc ! một số lớn đảng viên cấp cao và trí thức ngoài đảng công khai yêu cầu ông công khai tài sản riêng, điều mà mọi đại biểu quốc hội đều làm. Nếu né tránh, mọi người sẽ nghi ông tay đã nhúng chàm, mà còn nhúng sâu nữa.
Nhiều người phỏng đoán tại hội nghị 7, số ủy viên Bộ chính trị sẽ thay kha khá. Ông Trần Đại Quang sẽ bị ép rút lui vì sức khỏe. Ông Tô Lâm cũng không chắc trụ lại được, nhưng chỉ có một tin quá cũ : "đồng chí Đinh La Thăng bị khai trừ khỏi đảng". Chỉ có tin có thêm 2 ủy viên Ban bí thư là ông Trần Cẩm Tú, chủ nhiệm mới Ủy ban Kiểm tra trung ương (thay ông Trần Quốc Vượng khi ông Vượng lên làm Thường trực Ban bí thư), và ông Trần Thanh Mẫn, cầm đầu Mặt trận Tổ quốc.
Ông tổng Trọng còn e ngại, chưa dám hành động quyết đoán thêm vì bộ hạ tin cẩn của ông quá thưa thớt. Quanh quẩn vẫn là Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, và nay thêm Trần Cẩm Tú, trong khi uy tín của ông bị sứt mẻ lớn trước con mắt thế giới nhất là ở Liên Âu và Cộng hòa liên bang Đức, coi ông là kẻ đầu têu vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh táo tợn, liều lĩnh, dại dột cực kỳ mà không dám nhận lỗi khi chứng cứ, vật chúng và nhân chứng đã quá đầy đủ. Một chính khách bạt mạng không hiểu gì về pháp quyền quốc tế, lại mặt dày trơ trẽn đến lỳ lợm !
Qua hội nghị trung ương 7, ông Trọng quả là mất đi nhiều uy tín và quyền lực. Chiến dịch chống tham nhũng ầm ĩ chỉ là những đòn sát phạt nhau giữa các phe cánh tranh dành ảnh hưởng và các chức vị béo bở.
Mặc cho những kẻ chuyên nâng bi như nhà luật học (!) Trần Thúc Hoàng nào đó trên báo Nhân dân, ca ngợi ông hết mức và cổ vũ ông làm tới, ông vẫn dè dặt do dự, vì rất có thể ông sẽ bị đứt gánh giữa đường, rất sớm nữa.
Vì trước con mắt tinh tường của nhân dân, của đông đảo trí thức, của đa số đảng viên có trình độ, ông Trọng dần dần bị nhận rõ là nhân vật bảo thủ nhất, giáo điều cực đoan nhất, già nua cũ kỹ nhất, là tổng bí thư Bắc thuộc nặng căn nhất, vượt tất cả Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu và Nông Đức Mạnh.
Sự thật hiển nhiên : ông tổng Trọng là Vua giáo điều bảo thủ, là nhân vật nguy hiểm nhất hiện nay đang khóa chặt con đường hồi sinh và phát triển của dân tộc ta, của nhân dân ta vậy.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 14/05/2018
Hội nghị trung ương 7 sắp kết thúc. Ba nhiệm vụ của cuộc họp là thảo luận về quy họach cán bộ chiến lược cho 5 đến 10 năm tới, cải cách chế độ tiền lương cho cán bộ viên chức và thực hiện bảo hiểm xã hội hiện còn rất sơ sài.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và lá thư kêu gọi ông công khai tài sản cá nhân.
Theo thông báo của hội nghị, mục đích của lập quy họach cán bộ chiến lược là lựa chọn kỹ lưỡng, chặt chẽ chừng 600 cán bộ được coi là ưu tú nhất, cho vị trí 200 ủy viên trung ương khóa mới (XIII) và 400 cán bộ dự kiến cho các cương vị lãnh đạo các tỉnh thành và một số quận huyện quan trọng nhất.
Hiện nay danh sách 600 nhân tài thượng thặng này còn được giữ kín, còn có thể thay đổi chút ít trong vài năm tới, đến Đại hội XIII mới thật rõ.
Xã hội đang ngóng chờ được biết danh sách 600 "ngôi sao lãnh đạo" của đất nước sẽ thi thố tài năng kinh bang tế thế ra sao, đưa đất nước vào thời kỳ phát triển mạnh mẽ, hài hòa và ổn định trong thời gian tới ? Xin chớ hy vọng hão !
Người dân không mấy tin tưởng ở chuyện này vì mấy chục năm nay đảng và Nhà nước đã đổi mới việc kén chọn cán bộ, tuyển lựa nhân tài, mà sao nạn tham nhũng vẫn hoành hành bất trị, ngân sách Nhà nước bị thất thoát quy mô cực lớn, hàng vài trăm cán bộ cấp cao bị khai trừ đảng, bị truy tố, trong đó có cả ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh, thượng tá, đại tá Quân đội, Công an, cán bộ cao cấp ngành ngân hàng, quản lý kinh tế, tài chính, cả một số anh hùng, có nhiều huân chương, một số nhận án hàng chục năm tù, cả tù chung thân và án tử hình.
Chưa có một thông tin nào cho thấy lần này việc tuyển chọn nhân tài đã và sẽ kinh qua những tuyển lựa qua thi cử khắt khe, qua thu lượm kỷ dư luận xã hội của bạn bè, láng giềng, hàng xóm, cơ sở họat động, qua kê khai và thẩm tra tài sản để lọai bỏ từ "ruồi nhặng đến hổ, cáo", những tỷ phú tư bản đỏ, có những biệt thự, biệt phủ giá trị hàng chục tỷ, hàng trăm tỷ đồng do thu nhập bất lương.
Đây là một nhóm cá nhân chọn nhân tài theo hình ảnh của chính mình, không có ý kiến gì của quần chúng, của nhân dân, của công luận, theo đường lối quần chúng.
Có thể nhận ra rằng việc tuyển lựa 600 nhân tài chiến lược kỳ này là con đẻ của một nhóm do tổng bí thư Nguyển Phú Trọng cầm đầu, với bộ hạ gần gũi nhất là ông Trần Quốc Vượng vốn là Chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm tra trung ương, nay là Thường trực Ban Bí thư, ông Phạm Minh Chính trưởng ban Tổ chức trung ương và mới có thêm ông Trần Cẩm Tú nguyên phó chủ nhiệm vừa lên chức Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương.
Bốn vị trên đây có vai trò quyết định lên danh sách quy hoạch cán bộ chiến lược cho đất nước sẽ dựa vào tiêu chuẩn của bản thân, trước hết hình ảnh của tổng bí thư Trọng để soi đèn tìm cho được người tài giỏi.
Thế thì nguy quá ! Sai lầm ghê gớm quá, là tai họa không gì lớn bằng !
Đó là lập trường, quan điểm chính trị vững chắc, coi học thuyết Mác-Lê là cốt lõi lý luận, nền chuyên chính của 1 đảng Cộng Sản toàn trị là nguyên tắc cầm quyền, Quân đội và Công an trung với Đảng - còn đảng còn mình - là chân lý sống, coi Trung Cộng là bạn vàng chí thiết, đảng viên nào lên tiếng đòi đa đảng, đòi tam quyền phân lập, đòi nền tư pháp độc lập, đòi dân chủ nhân quyền là phải bị khai trừ ngay lập tức.
Với 600 nhân tài được tuyển chọn, đào tạo như thế, cùng một khuôn cực kỳ giáo điều, bảo thủ cực đoan nặn ra, làm sao đất nước không chìm thêm xuống vũng bùn của mê muội, của hủ Nho phong kiến, của hủ Mác, hủ Mao, theo đúng mô hình ông tổng Trọng luôn "kiên định chủ nghĩa Mác, kiên định chế độ độc đảng, kiên định chuyên chính chống mọi đòi hỏi dân chủ, tự do, nhân quyền, kiên định hành động bắt cóc ở nước ngoài", nghĩa là cố tình lú lẫn, mê muội thành quốc sách và cố tật.
Với 600 quan chức hủ lậu, như 600 robots theo mô hình các thế kỷ cũ, toàn đồ cổ mốc meo, tư duy già nua lẩm cẩm, đất nước sẽ đi vào thời kỳ mạt vận tuyệt đối, không còn một hy vọng gì đổi mới, phát triển được nữa.
Cái nguy hiểm, cái lạc hậu, cái lẩm cẩm cực đoan của Hội nghị trung ương 7 chính là ở chỗ đó. Mỗi tấm lòng yêu nước, thương dân thật sự không thể ngồi yên !
Đã có ai kéo còi báo động, hay vẫn nói theo : Hội nghị trung ương 7 đạt kết quả mỹ mãn ! Nó đang thai nghén một bọc quái thai 600 dị nhân hãnh tiến.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 11/05/2018
Bước vào Hội nghị trung ương 7, ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành nhân vật trung tâm đầy quyền lực để ban phát các chức vụ then chốt nhất của chế độ cho 5 đến 10 năm tới. Ông không nhắc gì đến mong muốn về hưu vì đã 2 lần quá hạn tuổi, yên tâm sẽ còn được phục vụ đảng của ông 2, 3 năm nữa.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với những câu nói được chú ý. Ảnh Cafef
Cái thế mạnh của ông là cuộc đấu tranh mạnh mẽ chống tham nhũng với hàng vài chục đại án và hàng vài trăm bị cáo, phần lớn là cán bộ cao cấp, kể cả ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh, thượng tá, đại tá quân đội, công an, cán bộ cao cấp trong bộ máy nhà nước, trong đó có một số kẻ nhận bản án tù chung thân và cả tử hình.
Ông Trọng coi con ngựa chống tham nhưng mà ông cưỡi là con Thần Mã đầy uy lực, tự mình coi là đại Bao Công của thời đại, nắm chắc trong tay thanh Bảo Kiếm sắc nhọn, làm run sợ mọi quần thần.
Thế nhưng cái thế của ông không ổn vững chút nào, vì chính ông thú nhận, tham nhũng lan rộng khắp nơi, khó chịu như cơn ghẻ, đánh tham nhũng là đánh vào ta, vào đảng ta. Ông cho bộ hạ ca ngợi ông là nhà chính trị thanh liêm, trong sạch, hiếm hoi, coi thường vật chất, hưởng thụ. Đám cưới con trai ông không thông báo rộng, chỉ làm hẹp trong gia đình, gương mẫu đến thế là cùng.
Nhưng có khá đông đảng viên cao cấp lại không tin vì họ cho ông là kẻ rất khôn ngoan lắm mưu vặt. Đã có thư công khai yêu cầu ông làm gương công bố tất cả tài sản cá nhân và gia đình ông cho toàn dân, toàn đảng được rõ.
Đã có những tin đồn ông "được tặng" món này món kia khi còn làm bí thư thành ủy Hà Nội hay trong vụ Formosa Hà Tĩnh.
Một số tiết lộ từ các vụ đại án dầu khí cho biết đã có chủ trương chung bán dầu thô cho Trung Quốc (một nửa tổng sản lượng khai thác) với giá rẻ mạt, chỉ bằng 70% giá thị trường quốc tế, nhưng được trả bằng tiền tươi – nhân dân tệ in hình Mao, tiền trao cháo múc. Số tiền này được chia cho các ủy viên Bộ chính trị và các bộ hạ liên quan để duy trì cuộc sống "ổn định".
Để xem ông Trọng đối phó ra sao với yêu cầu mạnh mẽ công khai cấp bách này. Chẳng lẽ đánh bài lờ thì khó coi quá !
Nhưng hiện có vấn đề nghiêm trọng hơn, đe dọa uy tín và vị trí của ngài tổng bí thư. Đó là vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Cộng hòa liên bang Đức. Phía Việt Nam một mực coi đó là việc "cá nhân tự nguyện trở về nước đầu thú" nhưng tất cả chứng cứ, nhân chứng vật chứng đều chứng tỏ đây là một vụ bắt cóc bằng bạo lực phi pháp kiểu côn đồ quốc tế, bị ngành tư pháp Đức mở cuộc điều tra, công tố viên và tòa án Đức mở các phiên tòa xét xử dài hạn cho đến kết luận cuối cùng.
Vụ án lớn này đang được mở rộng dần, dẫn đến Bí thư sứ quán về an ninh bị trục xuất, một số công dân Việt sống trên đất Đức, Tiệp, Slovakia bị điều tra, trong đó có cả trung tướng Đường Minh Hưng, thượng tướng Bộ trưởng công an Tô Lâm, và cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng đề cập vấn đề này trong cuộc gặp bà Thủ tướng Merkel.
Dư luận phưong Tây và toàn thế giới đang hướng dần vụ án quốc tế chấn động này đến vai trò và trách nhiệm của cá nhân ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo công pháp quốc tế, không có một nhân vật nào trên thế giới, dù là Tổng thống, Quốc trưởng, là bất khả xâm phạm khi phạm luật.
Rất có thể ông Trọng là kẻ đề ra quyết tâm, phương án cụ thể bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Cộng hòa liên bang Đức. Ông căm thù Thanh vì Thanh dám nói không tín nhiệm ông trên cương vị tổng bí thư. Chính ông đề ra việc truy nã quốc tế và nói lên nhiều lần "phải bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh về nước để trị tội".
Tất cả vấn đề hiện nay là chủ trương cử nhóm hành động sang Liên Âu để bắt cóc Trịnh Xuân Thanh có được thảo luận kỹ đến mức nào trong Bộ chính trị và có biểu quyết cuối cùng hay không ? Đây là một hành động phạm pháp tập thể hay mang tính cách cá nhân, nặng về của riêng ông Trọng.
Phía Liên Âu, nhất là phía Cộng hòa liên bang Đức, có quyết tâm mở rộng vụ án triệt để đến kết luận cuối cùng. Họ có kinh nghiệm của Nhà nước pháp quyền tiền tiến.
Điều đơn giản họ yêu cầu là phía Việt Nam hãy suy nghĩ, cân nhắc cho thật kỹ, tốt nhất là công khai thừa nhận, thú nhận đây là một vụ bắt cóc bằng bạo lực phi pháp, thành tâm xin lỗi nhà nước, nhân dân Đức, nhận bồi thường hậu quả gây nên, và hứa sẽ không tái phạm.
Phải đề phòng phía Liên Âu và nhất là Cộng hòa liên bang Đức nổi giận vì thấy một Nhà nước hẳn hoi đi làm một vụ bắt cóc cấp Nhà nước trên đất người, có đầy đủ bằng chứng hiển nhiên không thể chối cãi lại chối phắt một cách hèn hạ, thấp kém, không hề biết xấu hổ với thế giới, với dân mình.
Phía Liên Âu và Cộng hòa liên bang Đức, rồi có thể cuối cùng đưa vụ án này ra trước Tòa Án Quốc tế La Haye, Hà Lan. Đó là quyền của họ giữa thế giới văn minh, thế giới pháp quyền hiện đại.
Lúc ấy chả lẽ ông Trọng sẽ khăn gói gõ cửa tị nạn ở Bắc Kinh với những ông bạn vàng của mình !
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 09/05/2018