Một chính quyền dân chủ tiến bộ luôn có nhu cầu tìm hiểu, bắt mạch dư luận quần chúng rộng rãi, thăm dò nhận thức, nguyện vọng của nhân dân để điều chỉnh đường lối chính sách của mình cho phù hợp.
Ở các nước văn minh, chính quyền và người công dân luôn cần đến các cơ quan thăm dò dư luận - Hình minh họa.
Ở các nước văn minh, chính quyền và người công dân luôn cần đến các cơ quan thăm dò dư luận, sử dụng như những công cụ cần thiết, nhất là trong các cuộc bầu cử, và trong cuộc sống hàng ngày để cập nhật tình hình giá cả trên thị trường, hàng hóa thiếu thừa, chứng khoán lên xuống, đồng tiền ổn định hay mất giá …
Ở các nước độc đoán phi dân chủ, cũng có vài cơ quan thăm dò dư luận phục vụ lãnh đạo, nhưng hoạt động ngấm ngầm ít công khai vì có sự đối lập quyền lợi giữa Nhà nước và nhân dân, bộ máy cai trị vận hành kín đáo không có môi trường công khai minh bạch.
Ở Việt Nam, từ năm 1982 đã thành lập Viện nghiên cứu Dư luận xã hội trong Ban tuyên giáo TƯ của đảng Cộng Sản có hàng trăm chuyên viên thăm dò, thống kê, tổng hợp, nhưng hoạt động èo uột không có sinh lực vì lãnh đạo không dùng đến mà quần chúng thờ ơ, không biết nó tồn tại hay đã biến mất. Một cơ quan vô tích sự !
Ở Pháp, các cơ quan thăm dò dư luận xã hội có đến hàng trăm tổ chức khác nhau, chuyên về các mặt chính trị, kinh tế, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, thương mại, bất động sản, thể thao văn hóa, giáo dục…
IPSOS hiện nay là cơ quan thăm dò dư luận lớn nhất có trụ sở ở Paris và chân rết ở 82 nước, có 600 chuyên viên ở bộ máy trung tâm, thăm dò tổng hợp mọi mặt của đời sống chính trị xã hội, có số vốn hàng trăm triệu Euro.
HARRIS cũng là hãng thăm dò dư luận lớn, có mặt nổi bật qua các cuộc Tổng tuyển cử và bầu cử địa phưong.
Hãng BVA và Viện CSA cũng là những hãng thăm dò dư luận già dặn có tín nhiệm cao về các mặt chính trị, kinh tế tài chính ngân hàng chứng khoán….
Tổ chức thăm dò dư luận cần đến trước hết một nhóm chuyên viên máy tính hiện đại, có kiến thức về thống kê, tổng hợp, so sánh, biết lựa chọn những vấn đề nóng hổi ăn khách nhất, đề ra những câu hỏi, những vấn đề thăm dò. Sau đó là tổ chức mạng lưới cộng tác viên thường xuyên từ vài trăm đến vài ngàn người, thuộc nhiều địa phương, độ tuổi, nghề nghiệp, xu hướng chính trị khác nhau, liên lạc nhanh nhạy qua điện thoại, email, internet, Facebook, mời họ trả lời vắn tắt câu hỏi đặt ra…
Ở Pháp, không ngày nào là không có vài con số điều tra dư luận được công bố. Sau 1 năm cầm quyền, tín nhiệm của tổng thống trẻ 40 tuổi E. Macron là 54%, của thủ tướng E. Dominique là 51%, vượt các tổng thống tiền nhiệm thường bị phê phán, bị giảm tín nhiệm qua năm đầu cầm quyền. Chính sách kinh tế được 62% tín nhiệm do sản xuất tăng, xuất khẩu tăng khá, thất nghiệp giảm, chính sách đối ngoại tăng tín nhiệm 66% do năng động, kết bạn khăng khít với Cộng hòa liên bang Đức, thân với tổng thống D. Trump, lại kết bạn hẩu với V. Putin ; chỉ có chính sách xã hội, thuế khóa, quan hệ căng với các công đoàn, là bị phê có phần yếu, nương nhẹ chiếu cố cánh nhà đầu tư giàu có.
Hiện nay khi cái Viện nghiên cứu dư luận xã hội của đảng cộng sản hầu như không hoạt động vì họ sợ sự thật, họ sợ các đường lối, học thuyết, chính sách lạc hậu, già nua, cổ lỗ của đảng bị xã hội công khai phủ định, sợ trưng cầu dân ý như sợ bị treo cổ, các lực lượng của xã hội dân chủ nên tự mình đứng ra lập nên một cơ quan thăm dò dư luận xã hội của chính mình, của xã hội công dân, của nhân dân đích thật.
Viện Nghiên cứu Dư luận xã hội của nhân dân, khách quan, vô tư, khoa học sẽ công bố định kỳ mức độ tín nhiệm của Bộ Chính trị, tổng bí thư, chủ tịch nước…, sẽ có thể điều tra trong xã hội còn có bao nhiêu người "kiên định, ca ngợi chủ nghĩa Mác-Lênin" ? trong đó đảng viên bao nhiêu ? trí thức bao nhiêu ? các luật sư bao nhiêu ? Các nhà khoa học bao nhiêu ?
Và con số "kiên định chủ nghĩa xã hội mác-xít là bao nhiêu ?, khi ông cựu bộ trưởng ủy viên trung ương Bùi Quang Vinh cho rằng nó có thật đâu mà cứ đi tìm cái định hướng xã hội chủ nghĩa tù mù mù mịt !
Và mở cuộc điều tra dư luận về "cái quyền sở hữu đất đai của toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý" xem có bao nhiêu nông dân, trí thức, nhà văn hóa, tuổi trẻ, nhà kinh doanh còn tin đó là điều đúng đắn hợp lý, hay có hại, cần loại bỏ.
Và nên mở cuộc điều tra dư luận rộng rãi về "Trịnh Xuân Thanh tự nguyện về nước đầu thú hay bị bắt cóc kiểu Nhà nước, và nay nên giải quyết ra sao ? Không thể để tù mù rắc rối ngày càng to với Liên Âu, với Cộng hòa liên bang Đức, Tiệp và Slovaky… với biết bao thiệt hại cho đất nước ?".
Và hãy điều tra định kỳ về cái chiến dịch chống tham nhũng, con ngựa chiến Thiên Lý Mã của ông tổng Trọng, khi thì cao trào, lò lửa cực nóng sẽ thiêu hết củi khô lẫn củi tươi, khi thì cầm chừng như hết hơi thở hắt ra sợ vỡ bình quý, sẽ đi đến đâu ?
Rất mong một nhóm bạn thanh niên trí thức trong nước am hiểu máy tính, thống kê, biểu đồ so sánh, thông tin xã hội, năng động xông xáo… sớm đứng ra đảm nhận công việc quan trọng, cấp bách, lý thú và nhiều tác dụng xã hội này. Chắc chắn sẽ được đông đảo bà con ta trong ngoài nước hoan nghênh nhiệt liệt.
Đây là một thách thức đàng hoàng răn đe nghiêm ngặt đối với một chính quyền thiếu vắng nghiêm trọng tính công khai minh bạch, buộc họ phải lộ mặt và tôn trọng ý kiến, nguyện vọng của đông đảo nhân dân, theo đúng khẩu hiệu là chính quyền "của Dân, do Dân, vì Dân."
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 30/05/2018