Sau khi xem bộ phim dài nhiều tập "The Vietnam War" của 2 nhà đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tôi thấy có 2 vấn đề cần phản biện vì các tác giả không thể hiểu rõ ràng, đầy đủ về Việt Nam nên đã đưa ra những nhận xét không thích hợp với thực tế.
Nguyễn Ái Quốc (hàng đầu, thứ 2 từ phải) tham dự Đại hội Quốc tế Cộng sản (lần thứ 5) tại Moskva năm 1921 cùng Joseph Gothon-Lunion (thứ 3) và Leon Trotsky (thứ 4) - ảnh Hanoi @ Agence Vietnam Press
Trước hết bộ phim tỏ ý tiếc rằng hồi 1945, ông Hồ Chí Minh đã có thiện chí gửi đến 6, hay 8 bức thư và điện cho tổng thống H.S. Truman để kêu gọi sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với cuộc đấu tranh dành độc lập của Việt Nam chống thực dân Pháp. Nhưng đáng tiếc là phía Hoa Kỳ không đáp ứng, sau đó còn giúp vũ khí và tài trợ cho Pháp rồi thay chân Pháp tham chiến ở Việt Nam.
Bộ phim còn nói lên thiện chí của ông Hồ Chí Minh trích dẫn Tuyên Ngôn Độc lập của Hoa Kỳ trong bản Tuyên Ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 ở Hà Nội.
Điều này phản ánh suy nghĩ của nhiều người cho rằng nếu hồi đó Hoa Kỳ đáp ứng lời chìa tay hữu nghị của Hà Nội thì chiến tranh có thể không xảy ra, Việt Nam được độc lập như Ấn Độ, Miến Điện… mà không phải đổ máu.
Cũng theo luồng suy nghĩ này, nhiều người cho rằng hồi 1945, ông Hồ Chí Minh là nhà lãnh đạo theo chủ nghĩa yêu nước, có chú tâm giành độc lập dân tộc, do Hoa Kỳ không đáp ứng lời kêu gọi ủng hộ và kết thân mà ông Hồ phải buộc lòng quay sang tìm sự ủng hộ của Trung Cộng và Nga Xô, ngả vào lòng thế giới cộng sản.
Trên đây chính cũng là lầm lẫn của tôi từ khi ở trong nước, được tự đính chính sau khi nghiên cứu nhiều hồ sơ lịch sử ở Moscow, Paris, London, Washington DC, trong các kho tư liệu của Đệ Tam Quốc tế Cộng sản ở Nga, của "Phòng Nhì" và thư viện Montpellier / Pháp, của Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ…
Ngay từ khi còn ở trong nước, tháng 5/1990, tôi gặp ông Archimede Patty tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh ông Hồ ở hội trường Ba Đình, chính ông A. Patty từng ở trong tổ Con Nai của tình báo Mỹ đột nhập Việt Bắc để bắt liên lạc và giúp huấn luyện quân sự bộ đội Việt Minh, cho tôi biết rằng ông không tiếc gì việc lỡ làng mối quan hệ Mỹ - Việt, vì sự thể ắt phải như thế. Theo ông tìm hiểu, hồi đó, tổng thống F.D. Roosevelt và tổng thống H.S. Truman cùng các ngọai trưởng E. Stentinius và J. Byrns nắm rất chắc lý lịch của ông Hồ, qua trao đổi tin tức rất đầy đủ kịp thời giữa tình báo Pháp, Anh và CIA. Từ đầu năm 1945 họ đã thông báo cho nhau rằng ông Hồ là cán bộ quốc tế ăn lương của Quốc tế Cộng sản, được huấn luyện kỹ ở Moscow từ năm 1924, cầm đầu Đảng Cộng sản Đông Dương và sớm muộn sẽ thực hiện chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, Lào và Cam-bốt.
Năm 1992 tôi cùng nhà sử học Stanley Karnow gặp các nhà ngoại giao Mỹ tại trụ sở bộ ngoại giao, khi trao đổi về vấn đề này, các bạn Mỹ cho rằng cả 6 bức thư của ông Hồ gửi tổng thống Truman đều được nghiên cứu nhưng cố tình không trả lời, vì chả lẽ lại nói rằng chúng tôi đang thực hiện "Chiến lược be bờ ngăn chặn chủ nghĩa cộng sản" - "Containment Strategy", mà các ông đích thị là cộng sản trá hình, không thể chơi với nhau.
Các bạn nhà báo Pháp, Anh, Đức, Nhật của tôi được trao đổi về vấn đề này cũng chung một ý nghĩ là ông Hồ là con người rất khôn ngoan, nhiều mưu mẹo, rất "già jeu" về chính trị. Ông có thủ thuật "lạt mềm buộc chặt" là thế.
Năm 1945, khi thế chiến II kết thúc, phe xã hội chủ nghĩa theo chủ nghĩa cộng sản vừa phôi thai ở Châu Âu, ở Châu Á chưa có nước nào theo chủ nghĩa cộng sản, đảng cộng sản Trung quốc chưa nắm được chính quyền, nên ông Hồ phải che giấu thật kỷ bản chất cộng sản của mình. Ở trong nước số đảng viên cộng sản chỉ có 1 vài nghìn, yếu ớt lắm. Phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 với các khẩu hiệu cực đoan, bạo động "đả trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ" không được lòng dân, còn gây phản cảm mạnh trong mọi giới.
Ngay từ năm 1941 phong trào Việt Minh – "Việt Nam độc lập đồng minh hội" do đảng cộng sản chủ trương đã dấu kỹ bản chất cộng sản, tất cả các tỏ chức của Mặt trận đều mang tên "cứu quốc". Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Binh sĩ cứu quốc, Công nhân cứu quốc… với tiêu chí giành độc lập dân tộc, không nói gì đến giai cấp và đấu tranh giai cấp.
Cuối năm 1946 đảng cộng sản Đông dương còn giả vờ tuyên bố tự giải tán để cố tập họp các nhân sĩ, quan lại cũ, trí thức tham gia kháng chiến, học đòi thủ thuật của Staline giải thể Đệ tam quốc tế cộng sản năm 1943 để bắt tay với thế giới dân chủ chống phát xít.
Chỉ sau khi nối liền biên giới với đảng cộng sản Trung Quốc đã nắm được chính quyền tháng 10/1949, đảng Cộng sản Đông dưong mới bắt đầu hé lộ bản chất cực đoan phi dân tộc, bè phái của mình, qua cuộc cải cách ruộng đất, cải tạo công thương nghiệp, chống Nhân văn giai phẩm, qua vụ án xét lại chống đảng, thải lọai các nhân sĩ trí thức trong 2 đảng Xã hội và Dân chủ, nắm trọn chính quyền về mình không chia xẻ cho ai, dẫn đến sự thoái hóa, rồi tha hóa toàn diện, phụ thuộc làm tôi đòi cho đảng cộng sản Trung quốc, bế tắc, mất trọn niềm tin của xã hội như hiện nay.
Bài học rút ra từ vấn đề trên đây là Việt Nam hiện nay nếu muốn có nền độc lập chân chính, trọn vẹn, hòa nhập với thế giới hiện đại để phát triển vững chắc mang lại phồn vinh hạnh phúc cho toàn dân, chỉ có một con đường là từ bỏ chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa xã hội mù mờ, từ bỏ con đường chia rẽ dân tộc, hèn với giặc ngoại xâm ác với dân, tham nhũng lan tràn bất trị, hòa nhập trọn vẹn với thế giới dân chủ, thật lòng thực hiện đòan kết hòa giải dân tộc, không có con đường nào khác.
Vấn đề thứ hai cần phản biện là trong cuốn phim và trên các mạng thông tin từng đưa ra con số thổi phồng quá đáng về số quân nhân Trung Quốc có mặt ở Việt Nam trong thời chiến. Có nơi đưa ra con số 320.000, cứ như quân Tàu có mặt khắp nơi để Quân đội nhân dân đổ vào Nam hết. Không có gì gian dối bằng !
Tôi từng ở bộ Tổng tham mưu trong thời chiến. Con số quân nhân Trung Quốc luôn được cập nhật để có các đoàn thăm viếng quà cáp khi có ngày lễ lớn của mỗi bên. Số lựong, tên đơn vị, địa điểm đóng quân ghi rõ trên bản đồ để cho Cục Tuyên huấn hàng tháng cử tổ chiếu phim đến phục vụ bộ đội "bạn," và đôi khi cử Đoàn văn công quân đội của Tổng Cục chính trị đến múa hát cho bạn.
Phần lớn là các đơn vị phòng không sang để luyện tập, học hỏi kinh nghiệm chiến trường. Khi cao nhất là 22 tiểu đoàn gồm có chừng 140 ụ súng, với quân số từ 8.000 đến 12.000. Họ đóng quân trong rừng, nhà gỗ ở tạm, tránh quan hệ với nhân dân địa phương, xa các thị trấn. Chỉ ở vài tỉnh thuộc quân khu 1.
Còn ở phía Nam sông Hồng, ở các Quân khu 3, 4, 5, 7, 8, 9, vào miền Trung và Nam bộ, - chừng 92% diện tích thì tuyệt nhiên không có 1 quân nhân Trung Quốc nào.
Đây là kiểu thống kê gian xảo của Trung Quốc. Mỗi đợt quân Trung Quốc được luân phiên phái sang chỉ 3 đến 4.000, thời gian mỗi đợt chỉ có 3 đến 4 tháng, nếu cộng lại trong 10 năm là 120 tháng, có 40 đợt cộng lại mới là 160.000 người. Họ tùy tiện thổi phồng lên 2 hay 3 lần nữa cho có vẻ đông đảo lắm. Anh Tàu hay ngoa ngôn, phóng đại, thổi phồng là thế !
Nên hồi đó trong cả nước, rất ít người thấy, gặp mặt lính Trung Quốc. Phòng tùy viên quân sự trong Sứ quán khi đông nhất chỉ có 130 người.
Vài tỉnh phía Bắc thuộc quân khu 1, người dân rất vui nhộn khi thấy các đơn vị phòng không Trung quốc bắn máy bay Mỹ, đó là họ bắn vô tội vạ, không hề tiết kiệm, bắn từ rất xa, có khi chưa nhìn thấy máy bay, một tay bấm cò một tay giơ cao Mao tuyển bìa đỏ chót ; miệng đọc lời ông Mao thuộc lòng như đọc kinh. Và có hạ được chiếc nào đâu, dù vãi đạn lên trời. nếu hạ được 1 chiếc họ đã khoe khoang hết mức.
Họ ngủ dậy là đọc Mao tuyển, trước khi cầm đũa ăn cơm, trước khi đi ngủ đều đọc Mao tuyển, làm nhà, đào hầm hố đều niệm Mao tuyển…
Quả thật phía Trung Quốc có lần yêu cầu để cho họ vào tham gia vận chuyển trên đường Hồ Chí Minh, nhưng lãnh đạo Việt Nam không chịu, vì biết rằng họ vào dễ, trở về thì khó, sẽ bị mắc mưu thâm.
Đó là điều cảnh giác đáng khen, không như hiện nay mở toang cửa cho tràn ngập vào trên mọi địa bàn, tận Tây Nguyên, Nam bộ, với các phố xá, hàng giả, hàng độc hại tràn vào khắp nơi.
Trên đây là 2 điều thực tế cần phản biện qua bộ phim "The Vietnam War" để tránh những hiểu sai, hiểu lầm về cuộc chiến này.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 21/10/2017
Sau khi xem bộ phim "The Vietnam War" của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick, tôi có nhiều băn khoăn, kỷ niệm, suy nghĩ về cuộc chiến dù chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm, muốn chia sẻ rộng rãi để cho cuộc thảo luận thêm sôi nổi và có ích.
Một cảnh trong Vietnam War, PBS.
Đã có nhiều nhà bình luận đến nay vẫn còn nêu lên vấn đề : "Trong cuộc chiến tranh Việt Nam phía Hoa Kỳ có thể nào thắng không ?". Và thắng như thế nào ? vào lúc nào ?
Cũng có ý kiến khẳng định đây là cuộc chiến mà Hoa Kỳ không có cách nào, không bao giờ thắng được. Đã có cuốn sách viết theo đề tài "Một cuộc chiến bất khả chiến thắng" nói lên sự bế tắc của phía Hoa Kỳ, các nhà làm chính sách Hoa Kỳ đã chọn nhầm đối thủ, do không am hiểu lịch sử lâu dài của Việt Nam.
Đã có ý kiến nêu lên hai sự kiện có tính chất rủi ro, đáng tiếc ở phía Việt Nam Cộng Hhòa và Hoa Kỳ đã xảy ra, việc Hoa Kỳ chủ trương loại bỏ hai anh em ông Diệm và ông Nhu cuối năm 1963 và sự kiện Watergate dẫn đến tổng thống R. Nixon bị mất chức năm 1974, khi cuộc chiến tranh ở thời kỳ gay gắt nhất.
Theo tôi có những khả năng chiến tranh sẽ diễn ra một cách khác, rất có thể Việt Nam Cộng hòa và Hoa Kỳ không bị thua hoàn toàn như đã xảy ra.
Xin kể một kỷ niệm khó quên để dẫn chứng và minh họa.
Năm 1963 - 1964 tôi tham gia đoàn nghiên cứu dài ngày của Bộ quốc phòng - Tổng tư lệnh kéo dài hơn 1 năm. Đoàn vào địa bàn Quân khu V và vùng Tây Nguyên, các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Gia Lai, Kon Tum, Ban Mê Thuột, đi qua nhiều binh trạm trên đường mòn Hồ Chí Minh. (Năm 1961 tôi đã vào đường mòn Hồ Chí Minh khi mới mở ở Trị - Thiên. Lúc ấy vận chuyển chính là thồ bằng vai và lưng người, mỗi người khoảng trên dưới 50, 60 kg, rất vất vả).
Năm 1963 đường Hồ Chí Minh đã vào sâu tới Nam bộ, chủ yếu là thồ bằng hàng vạn xe đạp đẩy bằng chân tay, tay lái nối dài bằng một chiếc gậy. Mỗi xe thồ được chừng trên dưới 1 tạ. Khi đi thì đẩy, khi trở về trạm cũ thì đạp cho nhanh. Đã có vài binh trạm ở Trường Sơn Tây đường mở rộng, chạy được ô tô.
Khi trở ra chúng tôi nghỉ chân ở thị xã Đồng Hới, Quảng Bình. Tại đây tôi dự cuộc họp có mặt đại tướng Võ Nguyên Giáp với đại tá Đồng Sỹ Nguyên, tư lệnh của đường Hồ Chí Minh. Cuộc họp bàn kỹ đến mở rộng, hiện đại hóa, cơ giới hóa đường mòn, lập các trạm đỗ xe, sửa xe tải lớn, mở rộng đường ra 6 - 7 mét để tránh nhau, lắp đường ống cho xăng dầu, lập thêm các ụ cao xạ, trạm thông tin, điện thoại, rađa, các nhà nghỉ, trạm xá ở mỗi binh trạm. Bản đồ các binh trạm cũ và mới được phác họa.
Tướng Giáp rất băn khoan lo nghĩ vì cái thế của đường mòn có vẻ rất mong manh, như một sợi chỉ căng ra, nhỏ bé, đơn độc, dễ bị cắt đứt, không có thế bề ngang để dựa vào nhau. Khi hỏi về khả năng bảo vệ, duy trì lâu dài thường xuyên đường vận chuyển chiến lược, mạch máu chủ duy nhất nối liền Bắc Nam, (tuy cũng có đường vận chuyển ven biển, nhưng còn nhỏ bé lắm) vị tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thú nhận rằng : "Nếu đối phương chỉ dùng không quân bắn phá thả bom, dù tăng cường gấp bội B52 thả bom thảm thì không đáng lo. Vì cho đến nay, theo thống kê bom B52 thả từ rất cao, 4.000 đến 6.000 mét, máy bay lại bay rất nhanh, nên bom tản mạn lớn, trung bình chỉ có 3/1.000 trái bom đụng đến đường Hồ Chí Minh. Bom phá, đất đá có sẵn để sửa đường rất nhanh".
Nhưng đáng lo nhất là nếu như phía Hoa Kỳ dùng hẳn 1 vài lữ đoàn hay 1 sư đoàn chiếm hẳn 1 hay 2 binh trạm thì thành vấn đề rất lớn, rất đáng lo.
Vì địa bàn một binh trạm chỉ lớn bằng 1 xã. Binh trạm lại có quá nhiều đầu mối. Kể ra có đến gần 30 cơ quan, tổ chức. Mỗi binh trạm có 1 Chỉ huy trưởng, 6, 7 chỉ huy phó mà vẫn không nắm được hết tình hình. Nào là bãi đóng quân cho các đơn vị ra vào, đơn vị công binh và thanh niên xung phong mở đường, sửa đường, nhà khách cho cán bộ ra vào, các nhà kho, hầm kho đủ thứ, kho súng đạn, kho quân nhu, kho thuốc men, kho lương thực, kho gạo, kho nhu yếu phẩm, trạm giao liên chuyển công văn, không thể nhận chuyển thư riêng vì không kham nổi, rồi còn ụ cao xạ, kho đạn cao xạ, các trạm gác quân báo bảo vệ xung quanh, dự kiến đường ống chuyển xăng dầu, bãi xe tải, trạm sửa xe, hệ thống thông tin điện tử, điện thoại, rađa, trạm thông tin…
Mỗi chỉ huy trưởng là một chỉ huy các binh chủng hợp thành, công việc phải quán xuyến, giải quyết hàng ngày trong các mối quan hệ với cấp trên, với các binh trạm kề bên, với các đơn vị đi qua, với chính quyền và đảng ủy cấp tỉnh, huyện, xã địa phương…
Chỉ nhìn sơ đồ tổ chức một binh trạm là đã đủ để hoa mắt.
Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên tỏ ý rất lo âu, kết luận rằng cho đến nay đối phương có vẻ chỉ ưu tiên dùng không quân. Về bộ binh chỉ có những tốp thám báo nhỏ, vài chục người, chưa có trận nào dùng hàng tiểu đoàn, trung đoàn hay lớn hơn chiếm lĩnh hẳn 1 binh trạm. "Xin nói thật rằng tôi lo nhất nếu điều đó xảy ra, khi ấy cả binh trạm sẽ như bầy ong vỡ tổ, mỗi đơn vị chạy đi một hướng, rất khó liên lạc với nhau để khôi phục tình hình. Tôi lo đến mất ngủ vì khi ấy liên lạc chỉ huy nắm tình hình sẽ mất ổn định lâu dài, vận chuyển chiến lược sẽ bị đình đốn một thời gian chưa ước đoán được".
Sau này nhiều lần gặp lại tướng Giáp, tôi thấy ông vẫn giữ một nỗi lo âu dai dẳng, tỏ ý rất băn khoăn lo ngại phía Hoa Kỳ dùng 1 hay 2 lữ đoàn chiếm giữ hẳn 1, 2 binh trạm thì sẽ khó khăn lớn, phức tạp lớn, ảnh hưởng nhiều đến mọi chiến trường ở miền Nam. Có lần, vào năm 1970, ông dặn chúng tôi - tổ chuyên viết bình luận quân sự trên báo Quân đội nhân dân - là không nên nói nhiều đến tầm quan trọng quyết định của đường Hồ Chí Minh, không được nói đến tổ chức phức tạp của các binh trạm, không được để lộ cái có thể tạm gọi là gót chân A-sin của quân đội miền Bắc, vẽ đường cho hươu chạy… Chúng tôi theo đúng như thế.
Đầu năm 1971, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa mở cuộc hành quân Lam Sơn 719 trên đường 9 – Nam Lào, đụng đến đường Hồ Chí Minh nhưng lúc này đường đã mở rộng xuống phía Nam, lại thất bại ngay, vì rơi vào trúng kế chuẩn bị sẵn của bộ tổng tư lệnh ở Hà Nội, trong vòng một tháng rưỡi phải rút lui khỏi Khe Sanh – Tchepone – Bản Đông, không có ảnh hưởng gì đến đường Hồ Chí Minh đã hiện đại hóa, cơ giới hóa, mở rộng, kéo dài về phía Nam.
Cho đến năm 1974, 1975, Hoa Kỳ chuyển sang chiến lược Việt Nam hóa, giảm đáng kể chi phí, rút dần quân Hoa Kỳ, tôi nghĩ tổng tư lệnh Giáp và tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên mới thở dài khoan khoái, nhẹ nhõm khi thấy đường Hồ Chí Minh đã an toàn, thành đại lộ dẫn đưa đại quân vào miền Nam.
Tôi nhắc lại nỗi lo âu dai dẳng của tướng Giáp suốt gần 10 năm (1963–1971) để nói rằng nếu như Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa mở một cuộc tấn công lớn chiếm hẳn 1, 2 binh trạm, một đoạn dù nhỏ con đường Hồ Chí Minh, hậu quả sẽ là đình đốn kéo dài việc vận chuyển quân lính, vũ khí, quân nhu quân dụng ra các mặt trận, diễn biến chiến tranh sẽ diễn ra khác hẳn thực tế đã diễn ra, cuộc chiến có thể giằng co kéo dài và kết thúc một cách khác.
Tôi đã kể qua chuyện này với tướng Westmoreland hồi 1998 ở Washington DC, ông buồn bã nói rằng, chúng tôi có nghĩ đến cắt đứt đường đó bằng đơn vị bộ binh hay thủy quân lục chiến cỡ sư đoàn, nhưng Lầu Năm góc không duyệt. Họ tin tưởng ở lực lượng không quân, nhất là B52 rải thảm bom, theo quan điểm vũ khí luận, cốt làm sao tiết kiệm tính mạng binh lính, điều hết sức nhạy cảm ở hậu phương nước Mỹ hồi ấy. Ông cũng phàn nàn là tình báo quân sự Hoa Kỳ không biết gì về đối phương, nhất là về những điều cơ mật ở đại bản doanh.
Cũng có anh bạn nhà báo Mỹ thổ lộ với tôi rằng, đó là vì phía Hoa Kỳ có những nhà chiến lược lo đánh lớn vào đường Hồ Chí Minh sẽ đụng chạm với Trung Quốc, vì có tin đoàn xe tải trên đường là do Trung Quốc đảm nhiệm, với xe tải Bát Nhất, người lái là sĩ quan quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, đường ống dẫn xăng dầu cũng do Trung Quốc giúp điều hành. Một sự phán đoán vu vơ, suy diễn do nghèo nàn về tin tức tình báo chuẩn xác, vì thật ra không hề có lính Trung Quốc nào trên đường Hồ Chí Minh.
Xin chớ ai chụp mũ cho tôi là phản động, chỉ đường cho hươu chạy khi tôi nói lên điều này. Vì chiến tranh không thể làm lại từ đầu. Lịch sử đã sang trang.
Chiến tranh đã kết thúc hơn 40 năm. Nay nhìn lại có thể nói lên những bí mật quân sự thời chiến để cùng nhau nhìn lại cuộc chiến một cách chuẩn xác nhất, khi 2 bên đã bình thường hóa, kết bạn về mọi mặt, nhìn đến tương lai một cách tin cậy nhau trong mối quan hệ chiến lược lâu bền, hai bên đều có lợi.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 18/10/2017
Đã có nhà văn cho rằng chiến tranh là "vũ điệu của những con số". Thật vậy, trong chiến tranh những con số nói lên rất nhiều điều.
Một cảnh trong The Vietnam War, PBS.
Ngày tháng, cho đến giờ của một trận chiến. Trận đánh kéo dài bao nhiều giờ, phút ? lực lượng tham chiến các bên là bao nhiêu ? số bom, đạn lớn nhỏ nhiều hay ít ? hiệu quả ra sao ? thương vong, người chết, bị thương nặng nhẹ ra sao, bao nhiêu ? tù binh, chiến lợi phẩm nhiều ít là bao nhiêu ?
Nói đến một trận đánh mà không có những con số để thuyết minh thì thật là vô duyên, vô dụng.
Trong chiến tranh ở Việt Nam, 2 bên đều đưa ra những con số của mỗi trận chiến. Nhưng mỗi bên có một quan niệm, cách thức khác hẳn nhau. Điều này có tác dụng không nhỏ đối với kết thúc của cuộc chiến, có thể nói là có tác dụng quyết định thắng thua trong chiến tranh.
Về phía Hoa Kỳ, các thông báo, tin tức, các con số đều chuẩn xác theo nền nếp công khai, chính quy của một hệ thống sổ sách, thống kê, kế toán khoa học, chi ly, nghiêm chỉnh. Con số sỹ quan, quân nhân, chuyên viên, kỹ thuật viên, đơn vị có mặt ở miền Nam Việt Nam là bao nhiêu, được thông báo từng tuần lễ, từng tháng một. Các đợt tăng quân, giảm quân, rút quân cũng công khai tỷ mỷ, rõ ràng, chính xác đến tuyệt đối.
Tướng Westmoreland còn ra chỉ lệnh cho mọi cấp chỉ huy phải đích thân đếm kỹ các xác chết của đối phương để đảm bảo các báo cáo thật chuẩn xác.
Còn phía Bắc Việt Nam đưa bao nhiêu quân vào miền Nam ? không có một tin tức nào, một con số nào suốt từ năm 1960 đến năm 1975. Coi như không hề có 1 quân nhân nào từ miền Bắc vượt qua giới tuyến quân sự. Cứ như là tất cả đều là Quân giải phóng của Mặt trận Giải phóng là dân miền Nam, dân tại chỗ hết. Có thế mới là "tôn trọng tuyệt đối quyền tự quyết của nhân dân miền Nam" như đã cam kết trong các Hiệp định. Các xe tăng vào Nam cũng cắm cờ Mặt trận.
Về công bố con số thương vong trong các trận đánh, trong cuộc chiến tranh cũng vậy, mỗi bên có một quan niệm riêng, một cung cách riêng khác hẳn nhau.
Phía Hoa Kỳ theo nếp làm việc công khai, minh bạch, chuẩn xác. Bộ Quốc phòng công bố hàng tuần lễ tổn thất của quân nhân Hoa Kỳ ở miền Nam Việt Nam, có tuần lễ 40, 60 người, có tuần lễ lên 180 người. Tổng số sau khi chiến tranh kết thức là gần 60.000, có tên từng người ghi trên bức tường kỷ niệm giữa thủ đô Washington DC.
Vậy mà theo công bố của phía Bắc Việt Nam, riêng trong năm 1968 qua trận chiến Mậu Thân, quân Hoa Kỳ đã tổn thất lên đến 130.000 người (!).
Nếu cộng tất cả các con số thương vong của quân đội Việt nam Cộng hòa đăng trên báo Quân đội Nhân dân thì chỉ riêng trong năm 1968, con số đó lên đến gần nửa triệu, hơn 460.000 ngàn quân ! Một con số thổi phồng quá đáng ! Còn "phía ta" thì không có con số nào, nghĩa là… không đáng kể.
Về số máy bay bị bắn rơi trên miền Bắc, con số Lầu Năm góc đưa ra là gần 1.000 máy bay các loại, nhưng theo công bố của Hà Nội là gần 3.000 chiếc. Những con số thật và số ma, số ảo cãi nhau, nhảy múa loạn xạ trong nhận thức của người muốn biết sự thật. Tin ở con số nào ?
Cũng như những sự kiện. Trong "The Vietnam war", các nhà làm phim tái hiện cuộc tàn sát Mỹ Lai với kết quả viên thiếu úy W. Calley bị ra vành móng ngựa với bản án tù chung thân (sau được ân xá), còn vụ tàn sát Mậu Thân ở Huế với vài ngàn nạn nhân bi thảm thì đến nay cũng chưa thật rõ ngọn ngành và nguyên nhân, không có ai là người chịu trách nhiệm.
Thật ra mỗi bên có cái lý sự của mình.
Phía Hoa Kỳ là một thể chế dân chủ thuần thục, luôn tôn trọng sự chân thực, chính xác, không cho phép mỵ dân, lừa dân, nói dối dân, sẽ mất hết niềm tin, cơ sở tồn tại của chế độ.
Phía chế độ độc đoán độc đảng là quan niệm đánh lừa được địch trong chiến tranh, nghi binh, che dấu sự thật không đáng nói trong chiến tranh là thủ thuật, khôn ngoan, miễn là giành được chiến thắng, toàn thắng. Mọi sự nói dối, lừa địch và che dấu, lừa dư luận trong nước và thế giới là được phép, lương tâm yên tĩnh, không cần băn khoăn. Kết quả biện minh cho biện pháp. Thực dụng đặt lên trên đạo đức, tính lương thiện.
Thật khó phán xử bên nào, đúng bên nào sai. Hai chế độ chính trị, hai nền văn hóa đối chọi nhau, khác hẳn nhau.
Nếu như phía Hoa Kỳ cũng che dấu sự thật, không thông báo chi ly, chính xác tổn thất của phía mình từng tuần lễ, che dấu tổn thất hàng tuần tăng gấp 2, 3, đến 5 lần năm sau so với các năm trước, thì có thể phong trào phản chiến không mạnh mẽ quyết liệt như đã từng xảy ra.
Nếu như phía Bắc Việt cũng làm như Hoa Kỳ, công bố sòng phẳng chân thực các con số thương vong các bên, thường thương vong trong một trận cao hơn đối phương đến 3, 4 lần, thì hậu phương sẽ bị chấn động lớn, lòng dân hậu phương sẽ không yên. Cuộc chiến có thể không kết thúc như đã diễn ra.
Sự nhảy múa hoa mắt của những con số, đây cũng là một góc khuất lý thú của cuộc chiến mà 2 nhà đạo diễn Hoa Kỳ đã không nêu bật lên. Nó có tác dụng đối với kết quả và kết thúc của cuộc chiến.
Xin nêu lên một sự thật như một đóng góp nhỏ bé cho việc nhìn lại và tổng kết về cuộc chiến vừa qua.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 18/10/2017
Một số báo lề phải trong nước mới đây có đăng công văn của Cục trưởng Cục xuất bản in và phát hành thuộc Bộ Thông tin truyền thông gửi Hội nhà văn Hà Nội và nhà xuất bản Nhã Nam về đình chỉ phát hành tác phẩm "Mối chúa" của tác giả Đãng Khấu đã được in xong.
Bìa sách "Mối Chúa" bị cấm phát hành ở Việt Nam - Ảnh minh họa
Đãng Khấu là tên mới của nhà văn Tạ Duy Anh khá nổi tiếng trước đây với các tác phẩm "Lão khổ", "Thiên thần sám hối", "Sinh ra để chết", "Bước qua lời nguyền", nói lên nỗi đau khổ nhọc nhằn bế tắc của nông dân Việt Nam thấp cổ bé họng bị tầng lớp cường hào mới cướp đất, hà hiếp, bi đát hơn cả thời phong kiến, thực dân cũ.
Đãng chữ hán nghĩa là trừ hại. Khấu nghĩa là bọn cướp, như thảo khấu. Một tên mang ý nghĩa là lên tiếng để tố cáo vạch mặt bọn cường hào mới, bênh vực bà con nông dân lương thiện.
Nội dung cuốn sách ra sao mà bị đình chỉ phát hành ?
Mời các bạn đọc kỹ công văn nói trên của Cục trưởng Đặng Văn Hóa là có thể hiểu nội dung của cuốn sách. Công văn có đoạn :
"…Nội dung cuốn sách phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay.
Tác giả vạch trần những tiêu cực và bất công trong xã hội.
Tuy nhiên, phần lớn các nhân vật trong tác phẩm từ thấp lên cao đều đen tối, vô vọng, đau đớn.
Qua lời kể của các nhân vật, hiện lên những thế lực hắc ám, một xã hội hầu như được chỉ huy bởi những kẻ ngu ngốc, tham lam, thủ đoạn.
Toàn bộ hệ thống bộ máy chính quyền bộc lộ sự tàn nhẫn vô đạo, đàn áp nông dân, giết hại lẫn nhau, giết người chống đối chỉ vì tiền.
Một số chi tiết được viết với giọng điệu giễu nhại sâu cay, miêu tả có phần tô đậm và có tính chất khái quát khiến cho hiện thực trở nên đen tối, u ám…".
"…Các trang viết về chính quyền cưỡng chế nông dân trong việc thực hiện các dự án được miêu tả một cách cường điệu, coi đó như 2 lực lượng thù địch, chính quyền đàn áp như một trận đánh địch với vũ khí, lực lượng bí mật…".
Vẫn chưa hết, sau mỗi đoạn công văn còn chỉ ra những trang sách đáng chú ý nhất, đó là những trang 38, 43, 74, 129, 140, 141, 158, 161, 173, 198, 251 và các trang 113, 118, 124, 167, 168, 207, 209, 220 và 248.
Trong công văn không có một đoạn nào phân tích, phê phán tác giả phạm những lầm lỗi sai phạm ra sao, ở những chỗ nào, có nguy hại gì cho độc giả để dẫn đến việc phải ra lệnh đình chỉ phát hành, không cho tác phẩm đã in đến tay bạn đọc. Đây là một điều lạ !
Thành ra xét cho cùng bản công văn chỉ có một tác dụng là kích thích tò mò của bạn đọc, làm cho nhiều bạn đọc thèm muốn thưởng thức tác phẩm hiếm có, thú vị này, khi mà tác phẩm có thể truyền bá nhanh nhậy, nhân lên nhanh chóng, phổ biến đầy đủ rộng rãi trên các mạng điện tử tự do, internet, Facebook, Youtube… và in thành sách ở nước ngoài.
Một số bạn đã được đọc tác phẩm này của Tạ Duy Anh cho biết đây là tác phẩm rất hay, độc đáo, kể về đỉển hình một tên tỉnh trưởng kiêm bí thư tỉnh ủy cùng bọn cường hào mới cướp đất của nông dân ra sao rồi đàn áp những người chống đối ra sao với một văn phong quen thuộc của Tạ Duy Anh, giản dị, sống động, chân thực, lôi cuốn.
Tít của cuốn sách "Mối chúa" muốn nhắn nhủ bạn đọc và xã hội rằng mối là loại sinh vật cực kỳ nguy hiểm, các ổ mối đều có những con mối chúa sinh sôi vô hạn độ, có thể đục khoét từng mảng tường, nền nhà, từng mảng đê kiên cố, gây nên những tổn thất ghê gớm. Muốn trừ khử bọn phá hoại này cần phải tận diệt các ổ mối chúa, cũng như muốn diệt bọn tham nhũng ăn cướp tiền của đất đai của dân thì phải tận diệt bọn trùm tham nhũng lớn nhất, bọn cầm quyền độc đoán hèn với giặc, ác với dân, ăn không từ một thứ gì, đang ngồi trên pháp luật đục khoét và hành hạ nông dân và toàn thể nhân dân ta.
Ngài Cục trưởng ra lệnh đình chỉ phát hành cuốn "Mối chúa" đã vô tình tôn cao giá trị của tác phẩm hay là ông cố tình có thiện chí quảng cáo ngầm cho tác phẩm này, làm cho tác phẩm thêm giá trị, kích thích sự tò mò tìm đọc của hàng triệu bạn đọc ở khắp nơi ?
Tôi còn nhớ một bài báo rất hay, rất độc, cũng rất độc đáo của nhà văn Trần Huy Quang mang đầu đề "Linh nghiệm" hồi 1980 được đăng lọt lưới trên tuần báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam, bị cấm, thu hồi, nhưng càng được phổ biến rộng rãi, với chữ mở đầu bài là tên nhân vật : "H…inh", đọc xong mới vỡ lẽ đoán ra đó là tên ông Hồ Chí Minh rút gọn. Một bài báo kín đáo, sâu xa, thú vị cực hiếm trên văn đàn.
Tình thế dẫn đến tôi có những người bạn Mỹ. Trong chiến tranh tôi đã kết thân với nhà nghiên cứu Murray Hiebert, nhà báo Nayan Chanda, nhà sử học Stanley Karnow… qua một số cuộc họp ở Bangkok / Thái lan, Kuala Lampur / Malaysia, ở trụ sở Liên Hợp Quốc / New York và Hà Nội.
Poster phim tài liệu The Vietnam War.
Sau chiến tranh, tôi lại có thêm nhiều bạn Mỹ nữa, bạn thân và rất thân. Luôn gửi thư cho nhau, gửi thư thiếp chúc Tết đều cho nhau. Trong đó có 2 thượng nghị sỹ John McCain và John Kerry. Đây là 2 chính khách nổi tiếng, ông J. Kerry thuộc đảng Dân chủ, từng chiến đấu bị thương ở miền Nam, về sau là người chống chiến tranh, từng là ngoại trưởng dưới tổng thống Barack Obama. Ông J. McCain vốn là phi công Hoa Kỳ bị bắn rơi và bị bắt làm tù binh ở Hỏa lò Hà Nội một thời gian. Hồi đó tôi có gặp và nhiều lần phỏng vấn ông. Ông McCain từng là ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, nay là Chủ tịch Ủy ban quốc phòng Thượng viện Hoa Kỳ.
Năm 1992 khi tôi sang thăm Hoa Kỳ, các bạn Mỹ dẫn tôi đến trụ sở Quốc Hội ở trên đồi Capitol, tham quan dự thính các cuộc họp, sau đó gặp các Nghị sĩ. Tôi gặp lại 2 ông Kerry và McCain. Cuộc gặp kéo dài, thân tình, thích thú. Hai ông yêu cầu tôi ra điều trần tại một ủy ban của Quốc Hội về vấn đề tù binh Hoa Kỳ, tôi chuẩn bị kỹ, chân thật, biết gì nói nấy, còn biếu tặng 6 cuốn sổ tay riêng ghi các cuộc phỏng vấn hơn 60 phi công Mỹ từng bị tù, để họ làm kỷ niệm và nghiên cứu.
Sau đó chúng tôi lại gặp nhau tại gia đình nhà sử học Stanley Karnow, có thứ trưởng ngoại giao H. Salomon tham dự. Lúc này Liên Xô đã tan vỡ, phe XHCN đã tự giải thể. Một cuộc gặp thân mật ấm cúng. Cô con gái Catherine Karnow, một nhà nhiếp ảnh chuyên nghiệp chụp nhiều ảnh kỷ niệm. Hôm sau cô đưa tôi ra Bức tường kỷ niệm ghi tên của hơn 50.000 quân nhân Mỹ tử trận tại Việt Nam để chụp bức ảnh quý làm bìa cho cuốn sách "From Enemy to Friend" của tôi được Naval Institute – Học viện Hải quân Hoa Kỳ nhận in và phát hành.
Tôi còn nhớ mãi sau khi ăn tiệc thịnh soạn chúng tôi ra uống càphê ở phòng khách, tôi nêu lên vấn đề ở Việt Nam hiện nay chúng tôi đấu tranh tập trung đòi dân chủ và nhân quyền, chính là những giả trị then chốt của nước Mỹ mà hơn 50.000 quân nhân Mỹ đã hy sinh ở chiến trường Việt Nam cũng vì các giá trị ấy.
Ông McCain cao hứng nói : Vậy tại đây chúng ta cùng nhau cam kết chung sức đấu tranh cho dân chủ hóa ở Việt Nam cho đến khi thắng lợi, chính là để vinh danh tất cả các quân nhân của các bên đã hy sinh trong cuộc chiến, làm cho các sự hy sinh đó thêm ý nghĩa và không uổng phí. Tôi ghi nhanh, đại thể là "We joint all efforts in our common struggle for the whole democratization in Viet Nam, so we will glorify the sacrifice of our soldiers of all sides, that make greater sense to those heroes of the war".
Thế rồi chúng tôi chia tay trong niềm vui cam kết và cùng nhau hứa hẹn, các bàn tay Mỹ - Việt úp chồng lên nhau : "Hòa chung sức để đấu tranh cho Việt Nam có dân chủ hóa hoàn toàn, thật sự, thì lúc ấy mới coi như chiến tranh thật sự kết thúc, thắng thua rõ ràng. Lúc ấy Hoa Kỳ toàn thắng, ngăn chặn, thủ tiêu Chủ nghĩa cộng sản hoang dại, nhân dân Việt Nam - cả miền Bắc cùng miền Nam – cùng toàn thắng, có độc lập, dân chủ, hòa hợp thống nhất trọn vẹn, ba bên cùng toàn thắng, chỉ có chủ nghĩa và đảng Cộng sản là thua, và đại đa số đảng viên rồi sẽ trở nên những công dân yêu nước, lương thiện, như ở Cộng hòa liên bang Đức, Ba Lan … hiện nay. Họ cũng thắng vì họ cũng được giải phóng".
Tôi hiểu hai ông bạn của tôi không quên lời cam kết thân thiết trên đây. Hai ông đều là những nhân vật quan trọng rất quý mến nhân dân Việt Nam và mong thắt chặt quan hệ chiến lược toàn diện. Gần đây ông McCain còn đến thăm cảng Cam Ranh và báo tin hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ sẽ cập bến thăm hải cảng quân sự quan trọng và đẹp đẽ này. Rất tiêu biểu cho hòa giải Mỹ - Việt sau cuộc chiến.
Một điều quan trọng là ông đại sứ Hoa Kỳ mới được cử sắp sang nhận nhiệm vụ ở Hà Nội, Daniel J. Kreitenbrink đã phát biểu tại quốc hội Hoa Kỳ rằng một trong những ưu tiên hàng đầu của ông "sẽ là vấn đề tôn trọng nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam" và còn nói rõ rằng "xu hướng gia tăng các vụ bắt giữ, xét xử với những bản án hà khắc đối với các nhà hoạt động trong 18 tháng qua là rất đáng lo ngại". Đây cũng là một nét minh họa cho sự cam kết Mỹ - Việt chung sức phấn đấu cho dân chủ hóa thật sự ở Việt Nam.
Nhân bàn tán về bộ phim Hoa Kỳ "The Vietnam War" của Ken Burns và Lynn Novick tôi nhớ lại lời cam kết thân thiết Mỹ - Việt 25 năm trước và trình làng như một lời nhắn nhủ chung hãy kết nghĩa Mỹ - Việt thêm chặt để hành động mạnh mẽ theo như lời cam kết bạn bè tại Washington năm 1992.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 11/10/2017
Phi lộ
Các bạn quý mến,
Bài báo này sau khi đăng trên VOA có một bạn hồi âm ngay, cho rằng Bùi Tín bịa đặt xấu xa, làm gì có chuyện bặt tin, trong chiến tranh thư từ vẫn được gửi và nhận bình thường giữa 2 miền !!!
Bộ đội tranh thủ nghỉ đọc thư chụp tại dãy Trường Sơn năm 1972 (Ảnh : Đoàn Công Tính-Dân Trí)
Tôi viết theo kinh nghiệm cá nhân. Tôi đi B 3 lần, một lần 8 tháng, 1 lần 18 tháng, vợ trẻ, con gái lên 6, con trai lên 3 vậy mà không một lá thư đi về, bặt tin hoàn toàn. Dù lo nghĩ, buồn nhớ thương, nhưng chịu.
Tôi có 2 cháu con 2 bà chị, cháu Hiệp 22 tuổi, cháu Hưng 19 hy sinh ở Bình Định, Đức Phổ, báo tử chậm gần 1 năm, nay vẫn không biết thi hài, mộ ở đâu. 2 cháu cũng không có một lá thư từ khi lên đường.
Tôi không vu cáo, bịa đặt. Tôi thấy phải phơi bày sự thật, vì những oan hồn, oan trái trong cuộc chiến.
Xin các bạn từng đi B, các gia đình tử sỹ cho biết tôi có bịa đặt vu cáo hay không.
Ý kiến quý báu của bạn xin email cho tôi.
Cám ơn các bạn nhiều.
Bùi Tín
(05/10/2017)
_____
"Kính gửi Ban biên tập Tiếng Dân,
Tôi vừa đọc trên Tiếng Dân hôm nay bài "Những oan hồn của cuộc chiến" của ông Bùi Tín (1), thấy có đoạn trong file kèm đây là hoàn toàn sai, bịa đặt :
"Có những điều ít ai biết, đó là tình trạng cực kỳ phi lý, thương tâm, oan trái, từ khi lên đường vào Nam, các cán bộ chiến sĩ đều bị cắt đứt liên lạc một cách tuyệt đối với bố mẹ, anh chị em, bạn bè, vài năm, có khi hàng chục năm, mà không có một lá thư được nhận hay được gửi về nhà. Sự bặt tin thật là buồn đau độc ác. Đây là một nét độc đáo của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh không có thư từ của người cầm súng, đằng đẵng từ khi lên đường, cho đến khi trở về, lành lặn hay bị thương nặng nhẹ, hay thành người tàn tật suốt đời".
Trong chiến tranh chống Mỹ, tôi đã ở chiến trường miền Nam 13 năm, biết rõ hoàn toàn không có sự cấm đoán "độc ác" nào với việc liên lạc thư từ giữa những người chiến đấu ở miền Nam và người thân ở miền Bắc. Tất nhiên là liên lạc có khó khăn, do chiến sự, nhưng tuyết đối không có chuyện cấm đoán, thậm chí trái lại còn được khuyến khích. Rất dễ hiểu : để người cầm súng yên tâm chiến đấu. Cũng dễ hiểu những thư từ đó không được tiết lộ những bí mật quân sự mà mọi người lính đều biết.
Không biết ông Bùi Tín bịa ra chi tiết này để làm gì, sẽ chỉ khiến cho những điều khác do ông nói ra có thể đúng sẽ trở nên khó tin. Khách quan, trung thực, đứng đắn bao giờ cũng cần thiết.
Nguyên Ngọc (05/10/2017)
(1) http://baotiengdan.com/2017/10/05/nhung-oan-hon-cua-cuoc-chien/
_____
Hồi âm của nhà văn Bùi Tín :
"Thân gửi cô Ngọc Thu và anh Nguyên Ngọc,
Rất cám ơn cô NT đã đăng bài và cho biết ý kiến của anh Nguyên Ngọc.
Tôi hơi bất ngờ vì tôi nghĩ anh Nguyên Ngọc cũng rõ cái tình cảnh không có thư từ liên lạc công khai, chính thức qua bưu điện Nam – Bắc ra sao. Sự bặt tin là phổ biến. Tôi đã sống với cả đại đội ở chiến trường miền Nam hàng tháng, đều là như thế. Anh em chỉ có thể gửi thư tay cho cán bộ, anh em bị thương trở ra miền Bắc đưa tay hộ. Hầu như 100% là thế.
Sao anh NN lại nói là thư từ được gửi bình thường ?! Xin hỏi các anh em đi B mà xem. Các gia đình tử sỹ thì rõ.
Tôi có kinh nghiệm bản thân, 3 lần đi B – vào Nam là như thế. Đi 8 tháng, 1 năm rưỡi mà bặt tin. Vợ trẻ, con gái 6 tuổi, con trai 2 tuổi mà bằng bẵng 8 tháng không một tin nào. Gửi ai được ? đành chịu. Tôi còn nhớ ghé qua Bộ Chỉ huy Quân khu 5 gặp anh Nguyên Ngọc, các bạn đi bắn con rộc – con vượn bao tử cho ăn cháo rộc. Còn nhớ mãi.
Tôi hiểu do chiến tranh, di chuyển, đơn vị cơ động, giải thể, sát nhập, giải tán… nên báo tử chậm một cách phổ biến. Cục Chính sách của Tổng cục Chính trị cho biết chậm trung bình là 18 tháng ! Nhiều tử sỹ được anh em bạn từ miền Nam ra báo, sau mới được Bộ Quốc phòng báo chính thức.
Cháu Hưng 19 tuổi và cháu Hiệp 23 tuổi của tôi, con 2 bà chị hy sinh ở Quảng Ngãi, Bình Định đến nay vẫn không tìm ra mộ, thi hài. Cháu Hiệp học rất giỏi, là lớp trưởng. 2 cháu đi không có một lá thư, hy sinh không có một vật gì để lại.
Tôi thấy tất cả là sự thật. Xin làm một cuộc điều tra xã hội học công khai khách quan thì sẽ rõ.
Tôi nghi đây là một chính sách thâm độc khôn ngoan, do thiếu tình người. Mang tính cưỡng bức tinh vi.
Tôi luôn định cho mình sự trung thực trên hết, và cả cái quyền tự do phán xét có trách nhiệm.
Tôi rất quý anh Nguyên Ngọc về tính ngay thẳng, và sự gắn bó với lý tưởng Phan chu Trinh.
Có gì xin anh trao đổi thêm.
Quý mến,
Bùi Tín
(05/10/2017)
_____
Theo đề nghị của anh, tôi xin đóng góp một chút dữ kiện. Hồi còn sinh thời, trước năm 1975, Nhật Tuấn em trai tôi cũng đã đi B và lặn lội vài năm trên đường Trường Sơn. Sau 1975, khi Nhật Tuấn vào Sài Gòn, anh em chúng tôi có dịp hàn huyên nhiều chuyện.
Khi đề cập đến chuyện nhà, Tuấn có than rằng nhiều năm xa Bố (sống ở Hà Nội), vậy mà không bao giờ có dịp viết thư hỏi thăm vì trong cuộc chiến làm gì có chuyện thư từ qua lại. Ngay cả khi đồng đội có người bỏ xác trên chiến trường cũng không có chuyện thư từ báo tin về cho gia đình hay nữa. Như vậy có ai cho rằng "anh bịa đặt xấu xa" theo tôi là không đúng. Riêng tôi, vẫn theo dõi các bài anh viết, tôi rất cảm phục sự trung thực và tấm lòng của anh đối với đất nước.
Nhật Tiến
(05/10/2017)
_____
Một số phim tài liệu về chiến tranh Việt Nam do quân đội Hoa Kỳ phổ biến mà tôi được xem cho thấy bộ đội miền Bắc không có phương tiện chuyên chở trong vùng rừng núi. Cho nên sau nhiều trận giao tranh, trước khi vôi vã rút lui, họ chỉ có thời giờ vội vã chôn vùi bộ đội tử thương trong nhửng mồ chôn tập thể trong rừng núi. Vì vậy chuyện mất xác là chuyện bình thường. Miến Bắc cố tình dấu con số thương vong.
Bộ Đội Việt Nam có nhiều binh tử trận và mất tích ở Campuchia, cho tới nay vẫn chưa tìm thấy hết. Do đó mà trong những lần các nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam gặp lãnh đạo Campuchia đều thảo luận về ba vấn đề then chốt là :
(1) Tranh chấp biên giới ;
(2) Người gốc Việt sống ở Campuchia ;
(3) và binh sĩ Việt mất tích tại Campuchia theo các bài tường thuật của báo Việt Nam gần đây. Việt Nam chiếm đóng Campuchia từ 1978-1889.
Trong 10 năm đã không hoàn tất được việc tìm kiếm này. Do đó, Việt Nam liên tục kêu gọi Campuchia giúp đỡ.
Thành ra, những lời anh kể phản ảnh đúng sự thật.
Nguyễn Quốc Khải
(06/10/2017)
*******************
Bộ phim Chiến tranh Việt Nam của các đạo diễn Hoa Kỳ gây nên nhiều tranh luận, ý kiến khác nhau của người Việt trong và ngoài nước.
Mộ liệt sĩ trường Sơn, Đường số 9 - Ảnh minh họa
Đó là điều tất yếu vì cuộc chiến tranh kéo dài gần 30 năm, liên quan đến nhiều nước, với những động cơ khác nhau, không thể làm thỏa mãn mọi người.
Đây là một dịp bổ ích và lý thú để công luận có thể được dịp phát biểu thêm, soi tỏ thêm nhiều điều mới mẻ, những góc tối của cuộc chiến, từ đó có thể bổ xung cho nhau nhiều hiểu biết mới để soi tỏ thêm quá khứ, hiện tại và tương lai của các bên tham chiến trong mối quan hệ quốc tế phức tạp hiện nay.
Một số nhà báo, làm phim truyền hình người Việt, người Pháp, Hoa Kỳ, Đức… phỏng vấn tôi nhân dịp này. Tôi đã phát biểu ý kiến của mình.
Với tư cách là một nhân chứng sống, từng tham dự cuộc chiến từ ngày đầu đến ngày cuối, ở miền Bắc cũng như ở miền Nam, ở chiến trường Cam-bốt cũng như ở Lào, tôi có nhiều suy nghĩ, kỷ niệm về cuộc chiến tranh, nay có dịp để nói lên những điều quan trọng bị khỏa lấp mà bộ phim hoành tráng của các nhà làm phim Hoa Kỳ không đề cập đến.
Nhiều bạn hỏi tôi, nếu tôi tham gia một bộ phim khác về Chiến tranh Việt Nam, tôi sẽ nói lên những điều gì ? Tôi có khá nhiều điều cần phát biểu về cuộc chiến, khi tưởng nhớ, ngẫm nghĩ lại về cuộc chiến. Qua bài báo này trước hết, tôi muốn nói đến những oan hồn của cuộc chiến.
Tôi có một số người thân, ông chú, các anh chị em họ Bùi vốn là đảng viên Quốc Dân Đảng và Đại Việt Quốc dân đảng đã bị Việt Minh chụp mũ cho là Việt gian, bị bắt giam sau Cách mạng tháng Tám. Tiêu biểu là ông Bùi Nhữ Uyên chú ruột tôi từng theo cụ Nguyễn Thượng Hiền, người cùng làng sang Nhật Bản vận động cho phong trào Đông Du và sau đó về Trung Quốc, tham gia Việt Nam Quang Phục hội của Cụ Phan Bội Châu. Chú tôi bị bắt năm 1946, bố tôi (Bùi Bằng Đoàn) lúc đó là trong Ban Thường trực Quốc hội can thiệp với ông Hồ chí Minh, ông Hồ lệnh cho chính quyền tỉnh Hà Đông thả ngay chú tôi, nhưng đúng vào đêm lệnh thả đến nhà giam ở Vân Đình thì chú tôi mất vì "đau bụng" khẩn cấp. Bạn tù cùng giam cho rằng chú tôi bị trại giam đầu độc.
Những oan hồn tôi không thể quên. Việt Minh từ hồi đó coi tất cả các đảng yêu nước chống Pháp là Việt gian, như Quốc Dân đảng, Đại Việt, Việt Nam Quang Phục hội, Việt Nam Cách mạng đồng minh, đệ tứ (Trostkyt)… Họ phê phán rất mạnh cụ Phan Bội Châu và Phan Chu Trinh, coi là sai lầm thân Tàu, chuộng Pháp.
Tôi còn nhớ trước năm 1940 1941 số đảng viên Quốc dân đảng rất đông, vượt con số đảng viên đảng CS Đông dương ở các nhà giam, ở Côn Đảo. Rất nhiều giáo viên tiểu học các xã, huyện, trí thức nông thôn tham gia phong trào Quốc dân đảng của Nguyễn Thái Học. Rất nhiều trung nông, phú nông, cả địa chủ nhỏ có học tham gia đảng này, về sau bị Cải cách ruộng đất kiểu Mao vu cáo là địa chủ ác bá, là việt gian, bị sát hại gần hết, theo thống kê khi sửa sai con số oan hồn này lên đến hơn 15.000.
Ngoài số nói trên cần kể đến oan hồn của các nhà yêu nước Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm – lãnh đạo nhóm Troskyt, tướng Nguyễn Bình và nhà sử học Trần Huy Liệu - nguyên là đảng viên Quốc dân đảng, cụ Đặng Văn Hướng – nguyên Bộ trưởng không bộ do ông Hồ phong chức và cụ Nguyễn Khắc Niêm, thân sinh ông Nguyễn Khắc Viện, chủ tịch Hội Việt kiều yêu nước ở Pháp – 2 cụ đều bị tàn sát trong Cải cách ruộng đất.
Cũng cần ghi thêm trong danh sách các oan hồn những cán bộ cộng sản có ít nhiều thức tỉnh đã bị thải loại, ra rìa, như tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, các đại tá Đỗ Đức Kiên, Lê Trọng Nghĩa, Lê Minh Nghĩa, Hoàng Minh Chính… trong vụ án "xét lại", Trần Dần, Hoàng Cầm, Phùng Quán… trong vụ Nhân văn Giai phẩm, Trần Xuân Bách, Trần Độ, Nguyễn Hộ, Nguyễn Cơ Thạch, Võ Nguyên Giáp… từng có tư duy độc lập chống lại một số chủ trương chính sách của đảng.
Những ngôi mộ vô danh trong cuộc chiến tranh Việt Nam vừa qua sẽ không bao giờ có tên - Ảnh minh họa
Các đồng đội của tôi vào Nam chiến đấu theo lời nguyện "sinh Bắc tử Nam để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc", chết vài chục vạn, hơn 300.000 tử sĩ hiện chưa tìm ra thi hài mộ chí, cũng là những oan hồn, nỗi đau lòng uất hận của hàng vài triệu bố mẹ, anh chị em ruột thịt. Đó là những oan hồn vì khi chiến đấu, tự nguyện hy sinh, các đồng đội của tôi đều mang theo hy vọng rồi gia đình mình, bố mẹ anh chị em mình, đồng bào mình sẽ được hưởng độc lập tự do, an bình, phồn vinh hạnh phúc. Những hy vọng thiêng liêng ấy đến nay vẫn còn xa vời. Ngược lại đất nước còn bị ách Bắc thuộc từ sau mật đàm Thành Đô năm 1990, tự do tư tưởng, ngôn luận còn bị cấm đoán, trừng phạt, an ninh của nhân dân, nông dân, trí thức, nhà kinh doanh tự do bị đe dọa, các chiến sỹ yêu nước, đòi tự do cho nhân dân bị tù đầy, chênh lệch giàu nghèo tồi tệ hơn thời phong kiến, thực dân, đảng cộng sản biến thành lực lượng kìm hãm đà tiến bộ, phát triển của đất nước, mắc nợ hàng triệu oan hồn đã hy sinh do những lời đường mật giả dối.
Tôi có nhiều anh em, cháu, - con các bà chị ruột và chị họ vào Nam chiến đấu và hy sinh ở Đức Phổ, Quảng Ngãi, Bình Định nay vẫn chưa tìm ra thi hài, mộ chí. Đã đến lúc phải nói thẳng ra là gia đình và các cháu đã bị lừa. Họ đưa ra Luật nghĩa vụ quân sự, tuyên truyền về vinh quang trai thời loạn là sinh Bắc tử Nam, cưỡng bức các cháu bỏ học cầm súng, bắt ký các bản tình nguyện nhập ngũ, buộc bố mẹ phải ký tên "vinh dự hiến con cho Tổ quốc", trong khi con cháu các quan lớn hầu hết đều được xuất ngoại học tập ở Liên Xô, Trung Quốc , Ba lan, Đông Đức, Tiệp… Một sự bất công khổng lồ. Bố mẹ các cháu tôi lo nghĩ tiếc thương con, ban đêm xụt xùi khóc, nhưng vẫn phải tỏ ra vui vẻ khi tiễn con vào Nam. Các cháu đều miễn cưỡng ký giấy "tình nguyện vào Nam chiến đấu, đâu cần xin có mặt" theo ý nguyện (cưỡng bức) của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Cả một khoa học bịp bợm thành hệ thống.
Tôi đã từng nhiều lần vào Nam cùng các đơn vị, vào Bình Trị Thiên, rồi vào Tây Nguyên – Kon Tum, Gia Lai, vào Bình Định, Buôn Ma Thuột, Bình Long, Sài Gòn… có những điều ít ai biết, đó là tình trạng cực kỳ phi lý, thương tâm, oan trái, từ khi lên đường vào Nam, các cán bộ chiến sĩ đều bị cắt đứt liên lạc một cách tuyệt đối với bố mẹ, anh chị em, bạn bè, vài năm, có khi hàng chục năm, mà không có một lá thư được nhận hay được gửi về nhà. Sự bặt tin thật là buồn đau độc ác. Đây là một nét độc đáo của cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Cuộc chiến tranh không có thư từ của người cầm súng, đằng đẵng từ khi lên đường, cho đến khi trở về, lành lặn hay bị thương nặng nhẹ, hay thành người tàn tật suốt đời. Hoặc có khi tử trận, nhưng giấy báo tử để chậm vài năm là thường, vì chiến tranh khốc liệt, tử sỹ nhiều, đơn vị giải thể, tiêu tùng hết, nhiều đơn vị sát nhập vào nhau, sổ sách mất, cháy, chỉ huy thuyên chuyển liên miên, không có nền nếp chính quy, kiểu du kích, đại khái, lem nhem.
Cho đến chuyện quản lý tù binh Mỹ chặt chẽ, có sổ sách hàng ngày mà cuối cùng vẫn mất tích, không lý giải được, lên đến hơn 100 người, đủ biết công việc quản lý của quân đội thời chiến luộm thuộm ra sao.
Ở các nước văn minh, với quân đội hiện đại, họ rất quan tâm đến việc thông tin, thư từ gia đình quân nhân được chuyển nhanh nhất, chu đáo nhất đến tay chiến sĩ ngoài mặt trận. Đây là trách nhiệm, đền đáp thiết thực có ý nghĩa nhất những hy sinh của gia đình và các quân nhân. Ở Việt Nam, đảng cộng sản cho việc cố tình bặt tin là biện pháp cưỡng bức để các chiến sĩ không còn suy nghĩ thao thức mong chờ thư đi từ lại, một lòng một dạ hy sinh chiến đấu cho những mục tiêu riêng của đảng. Đây là món rất độc của chiến tranh tâm lý. Vì nếu tự do thư từ, thông tin, các chiến sĩ sẽ kể về những trận đánh thiêu thân, cả đơn vị chết quá nửa như sau tết Mậu Thân thì hậu phương sẽ bị chấn động, rất nguy hiểm để kêu gọi tiếp những đợt "sinh Bắc tử Nam", mà phần lớn sẽ không trở về.
Ngoài hàng mấy chục vạn oan hồn trên đây, tôi không thể không nhắc đến vài vạn người chưa chết nhưng bị những oan khiên dằn vặt không kém các oan hồn kể trên. Họ rất đáng thương, nhưng xã hội đã lãng quên họ.
Đó là chừng 20.000 cán bộ, chiến sĩ Quân đội Nhân dân (theo thống kê chưa đầy đủ của Cục quân lực Bộ Tổng tham mưu) vào Nam bị chiêu hồi bởi Việt nam Cộng hòa, sau chiến tranh trở về gia đình ở miền Bắc, đã bị hỏi tội, bỏ tù, cải tạo, trả thù, bôi xấu, hạ nhục, hành hạ ra sao, bị gia đình xỉ vả, láng giềng khinh miệt, không sao ngẩng mặt lên được. Theo tôi biết, rất đông anh em đó ở Hà Nội, Hà đông, Thái Bình, Nam Định, Hải Phòng, Nghệ Tĩnh… Một số bảo mạng, cầu an, không chịu được gian khổ, căng thẳng, nhưng không ít có ý nghĩ lành mạnh, không đang tâm bắn vào anh em trong một cuộc huynh đệ tương tàn phi lý vô đạo nên đã chịu chiêu hồi, hy vọng khi chiến tranh kết thúc, không ai nỡ trị tội mình. Đã có nhà văn nào nói lên thảm cảnh của số anh em bị chiêu hồi rồi trở về quê quán này để tiếp tục bị oan khiên, kêu trời không thấu này. Đã có tổ chức xã hội nào cúi xuống nâng đỡ các số phận đen đủi này, tất cả chỉ là nạn nhân của một cuộc chiến tranh phi lý vô đạo do đảng cộng sản gây nên vì những mục tiêu và cuồng vọng riêng.
Nếu tôi tham gia dựng lên những bộ phim về cuộc chiến tranh ở Việt Nam, tôi sẽ nói đến bản chất của chiến tranh, qua những mặt tối, những góc tối bị che dấu, bị che lấp, nhưng oan hồn, những nỗi oan trái chưa được biết, để có thể nói lên hết mặt trái của cuộc chiến tranh không anh hùng, chẳng oanh liệt, một cuộc nồi da xáo thịt, huynh đệ tương tàn đáng hổ thẹn, đáng sám hối. Tít bộ phim có thể là "Những oan hồn - hay mặt trái của chiến tranh", hay "Một cuộc chiến đầy dối trá", cũng có thể là "Cuộc chiến của những người nô lệ", vì đảng cộng sản tự nguyện làm nô lệ cho học thuyết Mác – Lênin, rồi qua đó bắt nhân dân, quân đội làm nô lệ cho những tham vọng riêng của đảng, để cho đất nước lạc hậu, tàn lụi đổ nát, bất công như hiện nay.
Ông Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng Đại học Kinh tế Sài Gòn, một đảng viên cộng sản kỳ cựu rất có lý khi đề nghị mỗi ngày kỷ niệm 30/4 là một cuộc Sám hối và xin lỗi của đảng cộng sản đã chủ động gây nên những tổn thất về sinh mạng, tài sản, thời gian của dân tộc đến mức quá sức chịu đựng của nhân dân, để lịch sử có thể sang trang, đất nước có một chế độ chính trị dân chủ, độc lập thật sự, lãnh thổ toàn vẹn, có nhân quyền, phát triển phồn vinh cho toàn xã hội.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 05/10/2017
Vụ Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc gây nên quan hệ căng thẳng trong quan hệ Việt Nam với Cộng hòa liên bang Đức và Liên Âu đang có khả năng hòa dịu chút ít.
Nguyễn Phú Trọng trong một cuộc viếng thăm Indonesia.
Tuy phía Đức tỏ ra rất kiên quyết, nhấn mạnh rằng phía Việt Nam cần công nhận sai lầm, xin lỗi và cam kết không tái phạm trên lãnh thổ Đức, nếu không phía Đức giành quyền có thêm những bước trừng phạt mới, sau khi tạm đình chỉ mối quan hệ chiến lược đã đạt được và hoãn việc xem xét thông qua hiệp định tự do buôn bán Liên Âu - Việt Nam.
Phía Việt Nam đã tận dụng các cuộc gặp của phó thủ tướng Vương Đình Huệ với bà Lucia Bergfield, bí thư thứ nhất Sứ quán Đức, của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với đại sứ Christian Berger tại Cần Thơ để chúc mừng thắng lợi của bà thủ tướng A. Merkel qua cuộc bầu cử vừa qua, nhân đó cố xoa dịu mối quan hệ, đi để trở lại bình thường hóa.
Theo tin mới nhất, phía Cộng hòa liên bang Đức tỏ ra mềm dẻo, không yêu cầu đưa Trịnh Xuân Thanh trở lại Đức nữa, mà đưa ra yêu cầu mới là phía Viêt Nam đưa Trịnh Xuân Thanh ra xét xử công khai theo đúng thủ tục pháp lý tại Tòa án trong nước, phía Cộng hòa liên bang Đức sẽ có đại diện cùng các nhà báo Đức tham dự các phiên tòa một cách chính thức.
Vậy là quả bóng lại được phía Đức đá sang sân Việt Nam với ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là thủ quân kiêm thủ thành.
Yêu cầu của phía Đức rất rõ ràng, đúng vào lúc Quốc hội đã có những nghị quyết về chấn chỉnh ngành tư pháp theo chế độ pháp quyền chặt chẽ, các tòa án xét xử chỉ chiếu theo luật, không có vùng cấm, không một ai đứng ngoài luật pháp, xử công khai, đúng người, đúng tội. Việt Nam lại đang hợp tác với Cộng hòa liên bang Đức trong lĩnh vực cải thiện ngành tư pháp.
Đây chính là điều các chiến sĩ dân chủ, nhân quyền, các tổ chức xã hội dân sự lề trái đòi hỏi lâu nay, bị Bộ Chính trị liên tục vi phạm qua những phiên tòa bỏ túi, tuyên án theo lệnh của đảng, xử rất nặng các chiến sĩ kiên cường chống Tàu xâm lược.
Một chế độ độc đoán độc đảng chuyên ngồi trên pháp luật rất khó chấp nhận yêu cầu rất hợp lý, chính đáng của phía Cộng hòa liên bang Đức.
Họ sợ. Vì đây chính là yêu cầu của Trịnh Xuân Thanh từ khi còn ở trên đất Đức.
Khi ra trước tòa, Thanh sẽ có dịp khai báo ra hết mọi thủ đoạn ăn cắp tài sản chung, ăn chia giữa các phe nhóm lợi ích riêng tư, tung hê ra tất cả các bộ mặt nhọ nhem của các vị quyền cao chức trọng, không trừ một ai, vì Thanh không phải là kẻ tham nhũng duy nhất làm thất thoát 3.300 tỷ đồng.
Vụ xử tội lỗi tại ngân hàng Đại dương - OceanBank vừa qua – với 1 án tử hình, 1 án chung thân và hơn 20 án từ 3 đến 27 năm tù, cho thấy nó có quan hệ gốc gác với Tổng công ty VietnamPetro do Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh cầm đầu, mà vụ án được coi là lớn nhất này vẫn bị trì hoãn.
Ông Tổng Trọng đang lo sợ đến mất ngủ vì đứng trước một vấn đề rất mong manh, ông không cầm chắc trong tay. Lẽ ra khi quyết tâm cho nhóm mật vụ đi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh về là ông cho Thanh ra xét xử ngay để trị cái tội dám tuyên bố công khai "từ bỏ đảng cộng sản do không còn tin ở tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nữa". Nhưng nay ông lại sợ. Vì chính Thanh biết quá nhiều và có thể tiết lộ rất nhiều.
Mà giữ mãi Trịnh Xuân Thanh cô lập trong nhà giam khi chưa bị tuyên án, không cho Thanh gặp cha, con, bạn bè, luật sư là phạm pháp, làm cho dư luận phẫn nộ khi thấy bức ảnh duy nhất Thanh gầy còm, ngơ ngác, thất thần, với một trang thư nghệch ngoặc vội vã áp đặt.
Vị trí Tổng bí thư của ông Cả Trọng không có gì vững chắc khi cuộc họp trung ương VI sắp tới gần. Ông có thể bị chất vấn về lời cam kết kiên quyết diệt nạn nội xâm này đến cùng, nhưng 12 đại án dự định thanh toán trong năm, vì sao lại kéo dài vô hạn ! Vậy là thất bại, thất hứa. Ông là người có trách nhiệm chính. Ông coi chống tham nhũng là con ngựa chiến của ông, nay ông đã ngã ngựa, còn bị ngựa đá cho lăn đùng.
Ông còn tự đưa ra tiêu chuẩn người lãnh đạo cao nhất phải là người không bị bệnh tham lam quyền lực cám dỗ ; vậy khi đã 73 tuổi mà không chịu về nghỉ như đã hẹn, thì nghĩa là gì ?
Nay ông lại mắc thêm cái tội rất nặng phạm tiêu chuẩn người lãnh đạo cao nhất là phải tạo nên uy tín cao trong quan hệ quốc tế có lợi cho quyền lợi quốc gia, thì chính ông chứ không phải ai khác đã tạo nên cuộc khủng hoảng đối ngoại nghiêm trọng nhất, khi cho nhóm mật vụ ra nước ngoài bắt cóc, bị bắt quả tang còn cãi bừa, nay bị trừng phạt, thiệt hại về uy tín, niềm tin, viện trợ, quan hệ kinh tế, tài chính, ngoại giao đình đốn, rồi còn bị đe dọa sẽ nhừ đòn nữa chưa biết bao giờ hết.
Cuối đời chính trị của mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã tự dấn thân vào vòng hiểm nguy. Trong cơn nguy khốn, ông đã mạnh tay loại ra những đối thủ dự bị Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang… nhưng trong hiểm nguy ông chỉ còn vài ba cận thần mờ nhạt Trần Quốc Vượng, Phạm Minh Chính, ông thủ tướng đầu nhọn ma-ze in vietnam…
Nhiều kẻ tay chân thức thời sẽ bỏ rơi Cụ khi thế Cụ suy yếu, cô đơn, họ phù thịnh chứ không dại phù suy, như lẽ thường phải thế.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 04/10/2017
Bộ phim tài liệu The Vietnam War của hai đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick vừa được trình chiếu rộng rãi từ trung tuần tháng Chín. Có nhiều tin tức nói rằng Hà Nội không hài lòng với nội dung phim. Một trong các lý do là vì nhắc đến vai trò của Tổng bí thư Lê Duẩn, lấn át ông Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông Giáp mất ngày 4 tháng 10, 2013, ở tuổi 103. Sau đây là bài viết của nhà báo Bùi Tín, người từng có nhiều dịp gần gũi với tướng Giáp, nhân dịp công chiếu The Vietnam War.
Tướng Giáp trong một lần tiếp cựu Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, Robert McNamara.
***
Tướng Giáp đã đi vào huyền thoại trong lịch sử Việt Nam, trong lịch sử chiến tranh của thế giới. Đã có những bản tiểu sử chính thức của ông.
Cũng có những tin tức thêu dệt về ông, ví dụ có những bài báo, cuốn sách trong nước viết rằng ông từng được Hội đồng Hoàng gia Anh Quốc tuyên dương là một trong 10 thiên tài quân sự thế giới, được đúc tượng đặt trong bảo tàng quân sự Anh quốc. Tôi đã sang London, tìm hiểu, đây chỉ là tin vịt không có thật, nhưng bộ máy tuyên truyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không hề cải chính.
Vậy tướng Giáp là con người ra sao trong cái cơ chế chính trị Việt Nam do đảng cộng sản lãnh đạo theo chế độ toàn trị ?
Tôi có nhiều dịp tiếp cận ông, đôi lúc còn cùng ông tâm sự, do tin cậy quý mến nhau, vì cùng trưởng thành qua nền văn hóa học đường Pháp, tôn trọng quyền tư duy độc lập, theo luận lý. Hơn nữa ông sống kín đáo, ít tâm sự cùng ai, sống nội tâm rất mạnh, giàu suy nghĩ, không rượu chè, không thuốc lá, không bia bọt, giải trí hầu như duy nhất là đọc sách, suy ngẫm và chơi nhạc nhẹ piano, mà ông ưa nhất là bài "Sông Đa-núyp xanh" - Le Danube bleu.
Tôi nhiều lần được đi các chuyến xuất ngoại của ông, làm thư ký báo chí, giúp ông trả lời phỏng vấn của các nhà báo Pháp, Anh, Nga, Trung quốc, Ba lan, Đức, Hung… Chuyến đi lý thú nhất là vào năm 1977 ông cầm đầu phái đoàn quân sự đi cám ơn các nước sau khi chiến tranh kết thúc, trao huân chương cho nhiều chuyên gia quân sự từng giúp Việt Nam. Đoàn được mời nghỉ ở Sochi bên bờ Hắc hải, trong dinh thự nghỉ hè sang trọng của Bộ trưởng quốc phòng Liên Xô. Tại đây, bên bờ biển, tôi có dịp hỏi chuyện ông, gợi ý dò hỏi nhiều chuyện ít ai biết, do bản tính tò mò của nhà báo. Sau đó có vài ngày thăm Berlin, tôi nhớ nhất là cuộc hội ngộ mật của 3 ông tướng 3 châu : Fidel Castro của Cuba, đại tướng Hoffman của Cộng hòa dân chủ Đức và tướng Giáp, sau khi Fidel rất cao hứng vừa đi thanh tra 20 ngàn quân tình nguyện Cuba ở các nước Châu Phi như Angola, Congo, Mozambique… Ngày 1/5/1977, đoàn trở về Moscow, tướng Giáp là khách danh dự duy nhất đứng bên ông Brezhnev trên lễ đài cuộc duyệt binh hoành tráng.
Một kỷ niệm khó quên là hồi năm 1978 tôi có dịp nghe ông nói chuyện về những kinh nghiệm quân sự tại Học viện quân sự cao cấp do tướng Hoàng Minh Thảo làm hiệu trưởng. Nghe nói chuyện có các tướng Hoàng Văn Thái, Lê Trọng Tấn, Nguyễn Hữu An rất gần ông Giáp. Ông từng nghiên cứu về Napoleon, Kutuzov, Zhukov, Frounzé, đọc Binh gia yếu lược, Vạn kiếp tông bí. Ông say sưa nói về "ngụ binh ư nông", dân binh, dân quân, về chủ trương "đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung" thời đầu đến Đại Đoàn Công – pháo trước chiến dịch Điện Biên, thành lập các Quân đoàn 1, 2, 3, 4 trước 30/4/1975. Ông giảng về nguyên lý "đánh chắc thắng", về yếu tố nghi binh, bất ngờ - Pháp không bao giờ nghĩ đối phương có thể mang đủ lương thực từ đồng bằng lên vùng núi xa Điện Biên, cũng không bao giờ nghĩ đối phương có thể kéo pháo nặng lên sườn núi cao hiểm trở quanh Điện Biên ; đánh Buôn Ma Thuật mở đầu chiến dịch cũng bất ngờ… Binh thư của ông là tổng hợp nhiều kinh nghiệm thực tế được đúc kết. Ông có năng khiếu của giáo sư sử học, lại có tư duy luận lý của một cử nhân Luật. Đúng là một trí thức toàn diện cầm quân, hiểu quy luật.
Ông Giáp có nhiều nỗi buồn dai dẳng. Tôi cố tìm hiểu vấn đề này.
Trước hết ông không được ông Trường Chinh đánh giá cao. Mà ông Đặng Xuân Khu – Trường Chinh - lại là Tổng bí thư. Ông Trường Chinh có xu thế thân Trung Quốc, sùng bái Trung Quốc. Cái bí danh ông chọn đã cho thấy điều đó, chỉ có Trung Quốc có cuộc vạn lý Trường chinh. Hai cuốn sách kinh điển của ông là "Trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi" và "Nền dân chủ mới" đều là bản dịch 2 cuốn "Trì cửu chiến" và "Tân dân chủ chủ nghĩa" của ông Mao.
Ông Trường Chinh hồ hởi đón các đoàn chuyên gia Tàu của bác Mao gửi sang, một mực nghe theo họ trong Cải cách ruộng đất – tàn sát gần 170.000 trung nông yêu nước có học bị chụp mũ là địa chủ ác bá chui vào đảng. Trong lúc đó ông Giáp một mực chống lại ý kiến của La Quý Ba, Trần Canh và cả của Mao Trạch Đông là dùng chiến thuật biển người để tấn công ở Điện Biên Phủ, theo phương châm tác chiến "tốc chiến - tốc quyết" - đánh nhanh - giải quyết nhanh.
Ông Giáp đã suy nghĩ rất kỹ và quyết định thay hẳn phương châm trên thành "đánh chắc, tiến chắc", rút pháo ra, chuẩn bị kỹ, kéo pháo lên các sườn núi cao chĩa thẳng xuống vị trí địch (không bắn cầu vồng), đánh dũi, đánh lấn dần từng bước, từng trận nhỏ đến lớn, đánh chắc tiến chắc, mà ít tổn thất. Không thay đổi phương châm tác chiến thì có nguy cơ thất bại nặng nề cho cả cuộc kháng chiến chống Pháp. Sự thay đổi phương châm có ý nghĩa quyết định.
Số phận tướng Giáp thật sự lâm nguy khi ngay sau đó vấp phải cặp Lê Duẩn - Lê Đức Thọ có ý định hạ bệ ông để giành quyền lãnh đạo trên cao nhất khi ông Hồ sức bắt đầu suy yếu. Sau khi phát hiện sai lầm kinh khủng trong Cải cảch ruộng đất, ông Trường Chinh chịu trách nhiệm chính mất chức tổng bí thư, ai sẽ là người thay ? Thoạt đầu ông Hồ nghĩ đến ông Giáp, uy tín đang lên sau đại thắng Điện Biên. Ông Hồ chọn ông Giáp để thay mặt đảng nói chuyện với nhân dân đông đảo ở sân vận động Hàng Đẫy nhận sai lầm và hứa hẹn sửa sai, ổn định tình hình. Nhưng Lê Đức Thọ lại có ý đồ khác. Thọ rất thân thiết với Duẩn cùng ở lại miền Nam sau Hiệp định Geneva 1954, do có chung ý định phải ưu tiên đấu tranh bằng bạo lực để thống nhất đất nước, nên quyết gạt ông Giáp ra khỏi quyền lực tối cao. Lê Đức Thọ cùng Lê Duẩn tranh thủ Phạm Hùng, Lê Đức Anh, Võ Chí Công thực hiện âm mưu này, bằng cách phịa ra "vụ án xét lại chống đảng, làm tay sai cho nước ngoài", vu cáo tướng Giáp có mưu đồ đảo chính, lần lượt bắt giam hơn 30 cán bộ cao cấp, từ tướng Đặng Kim Giang, tướng Nguyễn Vịnh, đại tá Đỗ Đức Kiên, đại tá Lê Trọng Nghĩa, đại tá Lê Minh Nghĩa, viện trưởng triết học Hoàng Minh Chính, vụ trưởng Vũ Đình Huỳnh, bộ trưởng Lê Liêm… Cậy thế là Trưởng ban Tổ chức trung ương đảng, Lê Đức Thọ dự định khai trừ tướng Giáp ra khỏi Bộ Chính trị nhưng ông Phạm Văn Đồng không đồng tình, đặc biệt là ông Hồ lên tiếng bảo vệ ông Giáp khi ông Hồ nói rõ trong cuộc họp của Bộ Chính trị khi ông Thọ tố cáo ông Giáp nhiều lần tiếp riêng đại sứ Liên Xô Serbatov, rằng "đó là các cuộc gặp xã giao, chú Văn (Giáp) đều báo cáo với bác".
Sau chiến thắng Điện biên Phủ trong cuộc chỉnh huấn chính trị, chấn chỉnh tổ chức do các chuyên gia Trung Quốc điều khiển, phía Trung Quốc đã đưa ra danh sách cho 2 ông Trường Chinh và Lê Đức Thọ yêu cầu loại bỏ các cấp chỉ huy không có nguồn gốc công nông, nhất là bần cố nông, loại bỏ hết các sỹ quan gốc gác tiểu tư sản, cầu an hưởng lạc, bảo mạng, không thuần, trong đó có ông Giáp, nhưng ông Hồ đã kiên quyết tự mình xé bỏ, một thái độ rất sáng suốt.
Thế rồi nhóm Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh… ngày càng thắng thế, hạ thấp vai trò của ông Hồ - vin cớ rằng Bác cao tuổi, bát đầu lầm lẫn rồi, ốm đau cần nghỉ ngơi, hạ thấp vai trò chỉ huy quân sự của tướng Giáp, vin cớ là ông Giáp chưa hề vào miền Nam, nâng cao vai trò bao biện của Lê Đức Thọ, vừa cầm đầu cuộc đàm phán ở Paris, vừa trực tiếp vào chiến trường miền Nam để giành toàn thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh.
Trong một số lần tâm sự với tôi, tướng Giáp không bao giờ tỏ ra cay cú bực tức vì cá nhân mình bị đối xử bất công, nhưng ông luôn tỏ ra đau buồn khi nói đến sinh mạng binh sỹ bị hy sinh quá nhiều trong và sau cuộc tiến công Mậu Thân.
Theo báo cáo mật do Cục tác chiến báo cáo riêng cho tướng Giáp, trong năm 1968 sau các đợt tiến công tháng 1, tháng 5 rồi tháng 9, quân miền Bắc hy sinh ở miền Nam lên đến 170.000, cộng với 32.000 quân địa phương miền Nam và 30.000 cán bộ đảng viên của đảng bộ miền Nam. Những con số này tướng Giáp dặn tôi giữ kín vì chắc là chưa đầy đủ, nay tôi xin hé ra, vì là con số đã quá nửa thế kỷ để độc giả tham khảo. Theo ông Giáp, sau đợt 1 thất bại, chỉ có bề nổi là một nhóm vào được trong tòa Sứ quán Mỹ, không nên đánh thêm đợt 2, tháng 5 và đợt 3 tháng 8-1968, càng đánh càng thua to, lộ hết cơ sở.
Tôi cảm thấy rất rõ là tướng Giáp tỏ ra không mặn mà mà còn phản đối cuộc tấn công Mậu Thân, ông cho là mạo hiểm, không chắc thắng, khi ở miền Nam chưa có những quả đấm mạnh cỡ Sư đoàn, cỡ Quân đoàn như về sau này. Qua cuộc mạo hiểm liều lĩnh vô trách nhiệm này, bao nhiêu vốn liếng quân sự ky cóp từ năm 1963 đến năm 1968 bị thủ tiêu gần hết, 17.000 quân nhân trai tráng miền Bắc bị chết oan "sinh Bắc tử Nam", phải 3, 4 năm sau mới tạm hồi phục, mà không hề có nổi dậy, không có tổng khởi nghĩa như mong muốn và kêu gọi.
Ông kể khi Mậu Thân nổ ra ông đang ở Hungary để mổ sỏi mật và ông Hồ thì sang Bắc Kinh dưỡng bệnh. Họ đã cố tình cách ly 2 vị để không có một trở ngại nào cho kế hoạch ngông cuồng vô trách nhiệm của họ.
Sau 30/4/1975, vị trí ông Giáp ngày càng lu mờ. Kể từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), 5 đời Tổng bí thư đều ngả hẳn về phía Trung Quốc, từ Nguyễn Văn Linh, qua Đỗ Mười rồi Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh cho đến Nguyễn Phú Trọng, cái thế của ông Giáp bị mất dần cho đến bị triệt tiêu hẳn.
Đầu năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Giáp cố làm một cuộc phản công cuối đời khi ông đã hơn 90 tuổi. Đó là một loạt kiến nghị tâm huyết gửi Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương Đảng về "Vụ án siêu nghiêm trọng ở Tổng Cục 2", về "Không nên khai thác mỏ bauxit ở Tây Nguyên", nhưng không có một hồi âm nào, dù cho các lá thư tâm huyết của ông được hơn 30 tướng lĩnh đồng tình. Họ coi ông không còn tồn tại. Vì ông nói lên khá rõ là vụ Tổng cục 2, vụ Bauxit đều có bàn tay lông lá của bành trướng Trung Quốc.
Điều những người quý mến đúng giá trị của tướng Giáp được an ủi nhiều là khi ông mất ở tuổi đại thọ cực hiếm 103, đông đảo người dân tiễn đưa, lưu luyến xót thương, vào tận gần Đèo Ngang để tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng, vượt qua tất cả các cuộc tiễn đưa ông Lê Duẩn, Lê Đức Thọ, Nguyễn Chí Thanh, Phạm Hùng, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Linh… Một sự công bằng đáng quý.
Bài báo này cũng là bó hương tôi thắp để tưởng nhớ một vị tướng tài ba, có tâm, có tầm nhưng không gặp thời thế, để vừa là anh hùng, vừa là nạn nhân bi thảm của một chế độ thiếu tình yêu thương, thiếu tôn trọng trí thức, lại thiếu vắng luật pháp và sự công bằng.
Nguồn : VOA, 29/09/2017
Bộ phim dài 10 tập (18 tiếng đồng hồ) của 2 đạo diễn Mỹ Ken Burns và Lynn Novick đã được trình chiếu rộng rãi trên TV cũng như trên internet.
Poster của phim The Vietnam War.
Nhiều người chăm chú xem, thưởng thức và bình luận. Người khen khá nhiều, cho rằng các tác giả đã dày công sưu tầm, tuyển chọn những đoạn phim, hình ảnh tiêu biểu, quý giá nhất, có được cách nhìn khách quan, đa chiều.
Nhiều người phân vân, chê trách bộ phim có nhiều thiếu sót, chưa nói lên đầy đủ bản chất của cuộc chiến, tuy có đầu đề là "Chiến tranh Việt Nam", nhưng lại nặng về cuộc chiến tranh của Hoa Kỳ ở Việt Nam !
Riêng với người Việt Nam, bộ phim bị chê trách nhiều hơn là khen.
Ở trong nước, ban tuyên huấn của Đảng Cộng Sản ra chỉ thị cho bộ máy truyền thông không trình chiếu, không bình luận, không bàn tán về bộ phim này, chắc là vì chưa nói lên được công lao của đảng trong toàn thắng "giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", còn nêu lên các vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế, trại cải tạo sĩ quan viên chức Viêt Nam Cộng Hòa và vụ thuyền nhân bi thảm.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho rằng bộ phim không có giá trị vì không nói lên được chính nghĩa và thiện chí của Đảng, Nhà nước, Quân đội nhân dân và nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh cách mạng.
Cộng đồng người Việt ở nước ngoài nói chung đánh giá thấp, phê phán khá mạnh bộ phim, cho là không khách quan, không cân đối, không công bằng, sai lệch trong đánh giá thấp chính quyền miền Nam, đánh giá thấp quân đội Việt Nam Cộng hòa, nhìn nhận sai lệch quá ưu ái với phong trào chống chiến tranh trên đất Hoa Kỳ.
Tất nhiên cuộc chiến tranh kéo dài trong gần 30 năm, với 2 chiến trường miền Bắc, miền Nam Việt Nam, lây lan sang Cam-bốt, Lào, dính liền với cuộc chiến tranh lạnh giữa 2 phe gồm các siêu cường, cường quốc trên thế giới, với biết bao diễn biến với nhiều mặt phức tạp, khó lòng mô tả cho đầy đủ, làm vừa lòng mọi người, ở mọi phía.
Nhưng dù sao đây cũng là một cố gắng to lớn, mang cách nhìn phóng khoáng, đa diện ít định kiến, hiếm hoi, so với các bộ phim đã xuất hiện xưa nay.
Theo ý riêng của tôi, đây là cuốn phim hoành tráng, mang nhiều cố gắng, phản ánh nhiều mặt, nhiều nhân vật tiêu biểu của cuộc chiến.
Chỗ đứng chính trị của các tác giả làm phim chưa rõ. Họ có đứng trên lập trường ủng hộ hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ, bảo vệ nhân quyền, cổ súy sự tôn trọng pháp luật quốc tế, của những công dân của thế giới mới hay không ? hay chỉ là lập trường lạnh lùng, trung lập, cách nhìn trung dung của người ngoài cuộc ?
Điều mà hình như các tác giả bỏ qua là cuộc chiến thuộc thế kỷ XX, mà nay đã bước vào thế kỷ XXI. Phần lớn những diễn viên chính của cuộc chiến đã đi vào dĩ vãng, bộ phim này là để cho lớp con cháu họ xem và suy ngẫm cho cuộc sống hiện tại.
Có những sự kiện lịch sử phải cần một thời gian khá dài mới có thể đánh giá đầy đủ đúng, sai, tốt xấu, tiến bộ hay lạc hậu. Hậu quả của cuộc chiến ra sao ? tốt đẹp hay bi đát cho từng bên, từng đối tượng. Như phải ngắm một quả núi từ xa.
Ví dụ như đối với nhân dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam, tuy đảng cộng sản huênh hoang là chính nghĩa, thiện chí, yêu nước, giải phóng, thống nhất, đại thắng, hoàn thành sứ mạng vẻ vang… nhưng hiện nay tất cả là giả dối, lừa gạt, là bịa đặt, không có thật. Sự thật chỉ là con số không to đùng.
Họ nói độc lập, nhưng từ sau Mật ước Thành Đô (tháng 9/1990) Việt Nam sống dưới một chế đô Bắc thuộc, phụ thuộc cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại vừa tinh vi vừa lộ liễu, vậy thì lời thề Độc lập và Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 chỉ còn là bánh vẽ.
Họ nói dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhưng không hề có bầu cử tự do, chỉ có đảng chọn dân bầu, bỏ tù hàng trăm tù chính trị chống bành trướng, coi các công dân yêu nước, yêu dân chủ, nhân quyền là thù địch. Quốc hội chỉ là đảng hội khi 90% là đảng viên. Vậy dân chủ hay đảng làm chủ ?
Họ nói giải phóng, hứa hẹn, cam kết hòa hợp dân tộc nhưng cầm tù hàng trăm ngàn sĩ quan, viên chức Việt Nam Cộng hòa, cho nửa triệu cán bộ chính trị, kinh tế, văn hóa, đảng viên, công an, giáo chức, viên chức miền Bắc trình độ yếu ớt vào tiếp quản, cai trị miền Nam, thực tế là phá phách toàn diện cuộc sống vốn tiến bộ hơn miền Bắc, vậy giải phóng hay kềm kẹp, đẩy lùi miền Nam ?
Và lời hứa của ông Hồ sau chiến tranh sẽ xây dựng đất nước to lớn giàu mạnh gấp 10 lần thời chiến nay, đi đến đâu ? Có nhiều nhà cao tầng, nhưng thu nhập bất công gấp trăm lần thời xưa, nạn tham nhũng vượt xa thời thuộc Pháp, thời phong kiến. Đời sống, thu nhập dân thường kém Thái lan, Malaysia hàng 20 năm.
Vậy thì chiến thắng, đại thắng để làm gì ? Câu nói "dân ta tòan thắng đế quốc Mỹ xâm lược và tay sai" trở nên cay đắng bẽ bàng. Đến nay phải công nhận rằng dân Việt Nam đã thua, thua to, thua triệt để, thua trắng tay. Linh mục Nguyễn Văn Lý nói không sai "Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam : chưa Độc lập - thiếu Tự Do – chưa Hạnh Phúc", là rất đúng, nhưng lại bị trả giá bằng hơn 10 năm tù !
Nhiệm vụ các nhà làm phim chân chính của nước ta là nên làm một bộ phim dài nói lên những sự thật ấy, khi mà bộ phim "The Vietnam war" đã bỏ quên.
Lẽ ra các nhà làm phim nói trên nên suy nghĩ để qua cuộc chiến tranh thế kỷ XX gợi ý cho những giải pháp cho các cuộc chiến, tranh chấp trong thế kỷ XXI này.
Vũ khí nguyên tử từng chuẩn bị được dùng ở Điện Biên Phủ, ở Triều Tiên, Cuba. Nay lại có nguy cơ nổ ra thật sự do cậu bé Kim Chính Ân - Ủn lên gân.
Các cuộc chiến ở Syria, Trung Đông, Ukraine… nên tìm ra giải pháp nào ? Làm sao tiêu trừ nạn khủng bố do Nhà nước hồi giáo IS chủ trương ?
Vai trò của Liên Hợp Quốc trong sứ mạng bảo vệ hòa bình, ngăn ngừa chiến tranh, cứu trợ các nạn nhân và người di cư ra sao ?
Vai trò của Hoa Kỳ nên co lại lo cho "nước Mỹ trước hết" hay cần đóng vai cường quốc số 1 có trách nhiệm cao quý trên thế giới ?
Bộ phim sẽ rất hay, hấp dẫn hơn, có ích khi nó có hậu nói đến hậu quả các cuộc chiến cho đến ngày hôm nay, mối quan hệ Việt Mỹ nay ra sao, Việt Nam đang trong tình hình thế nào và gợi ý, nhắn nhủ cho người xem tham gia vào giải quyết những vấn đề trước mắt của thế giới ra sao. Có lẽ nó cần bổ xung thêm 1 hay 2 tập kết thúc. Mong các nhà làm phim quan tâm.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 25/09/2017
Đã có tổng kết trên thế giới là chính quyền cộng sản xưa nay đều kiêu ngạo, tự phụ, coi thường luật pháp quốc tế, không có nền văn hóa biết xin lỗi dù cho phạm sai lầm và tội lỗi rõ ràng.
Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức.
Staline từng ký giấy tiêu diệt hàng vạn – cụ thể là gần 22.000 sĩ quan Ba Lan - bị Hồng quân Liên Xô bắt làm tù binh năm 1939 - trong khu rừng Katyn vào tháng 5/1940, rồi đổ tội cho phát xít Đức, cho đến năm 1989 mới bị phát hiện. Quan hệ Nga – Ba Lan hiện vẫn còn nhức nhối cay đắng bởi cuộc tàn sát khủng khiếp này, khi Putine đến nay vẫn ngoan cố ám chỉ Gorbachov đã có dã tâm cố tình khơi lên vụ thảm sát cũ ở Katyn nhằm bôi đen và lật đổ chế độ xô viết.
Trung Cộng năm 2016 cho mật vụ sang Hồng Kông bắt cóc 2 nhà xuất bản sách vạch rõ cuộc sống buông thả trác táng của ông tổng Tập Cận Bình, đưa về lục địa, bị công luận Hồng Kông và Đài Loan lên án, buộc phải thả tự do, nhưng không một lời xin lỗi.
Thì Việt Nam cộng sản cũng vậy. Vụ án Trịnh Xuân Thanh bị nhóm mật vụ do ông tổng Trọng phái sang Berlin bắt cóc, với những chứng cớ, hình ảnh, nhân vật rõ ràng, vẫn bị chính quyền Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bác bỏ, cho rằng ông Thanh tự dẫn xác về đầu thú, nhưng không trưng ra một bằng chứng nào về trở về ra sao, qua con đường nào, với giấy tờ gì, có ai làm chứng. Cảnh Trịnh Xuân Thanh phờ phạc, thất thần, bị giam kín không cho ai quan hệ dù chưa ra tòa làm cho dư luận trong ngoài nước lo âu, phẫn nộ.
Vẫn là cái thói coi luật pháp không ra gì, ta là luật pháp, ta làm ra luật, ta xét xử, ta độc quyền phán xét, tòa án trong tay ta, một tư duy bệnh hoạn, một não trạng lạc hậu, lạc lõng giữa thế giới văn minh có pháp quyền chặt chẽ.
Ông Tổng bí thư và Bộ Chính trị nghĩ rằng đã chối bỏ sự thật thì vì sĩ diện của đảng, uy tín của Nhà nước, không thể lùi bước, những mong rồi sự việc sẽ phai nhạt với thời gian, mọi việc sẽ đi vào lãng quên, thế là thoát nạn. Đã vậy ban Tuyên huấn còn đạo diễn cho báo Văn nghệ công kích, mạt sát Nhà nước Cộng hòa liên bang Đức là bịa đặt, vu cáo, lên gân để kiếm phiếu cho cuộc bầu cử trong nước. Đã ngoan cố còn vụng dại khiêu khích.
Và thế là bị ăn đòn tiếp. Ngày 22/9, người phát ngôn bộ Ngoại giao Đức Rainer Breul cho biết nhà ngoại giao thứ 2 trong Sứ quán Việt Nam tại Berlin phải rời khỏi nước Đức trong 4 tuần cùng với gia đình, do bị xác định có dính vào cuộc bắt cóc.
Vẫn chưa hết, ông R. Breul cho biết rõ : "Phía Đức nhận thấy không có hồi đáp đầy đủ từ Việt Nam sau vụ bắt cóc", và nhắc lại lời của bộ trưởng Ngoại giao Sigmar Gabriel : "Đây là vụ vi phạm rất nghiêm trọng chưa từng có trên lãnh thổ quốc gia", và phía Đức đã quyết định tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam, và sẽ còn những quyết định khác, cho đến khi nào phía Việt Nam nhận ra lẽ phải, nhận sai lầm, nói lên lời xin lỗi và cam kết sẽ không tái diễn vụ việc nghiêm trọng như thế trên lãnh tổ Cộng hòa liên bang Đức. Lời cảnh báo nghiêm đáng sợ.
Có thể hiểu những quyết định khác tiếp theo là gì ?
Sẽ là kéo dài việc tạm ngừng quan hệ đối tác chiến lược được dày công xây dựng 20 năm nay ; đình chỉ món viện trợ 220 triệu Euro đang được giải ngân ; hạ thấp quan hệ buôn bán, quan hệ ngoại giao ; tiếp tục trục xuất những kẻ liên quan đến cuộc bắt cóc do ngành tư pháp Đức điều tra, xử lý ; đình hoãn việc xét duyệt thông qua Thỏa thuận buôn bán Liên Âu – Việt Nam. Thiệt hại lớn đủ đường.
Chơi găng, không biết điều với Cộng hòa liên bang Đức là chơi găng căng thẳng với cả 27 nước trong Liên Âu, với Pháp, Ý, Tây Ban nha, Bồ đào nha, Ba lan, Tiệp, Hungari, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển…, là cực kỳ dại dột khi Việt Nam chuẩn bị gấp cho cuộc họp APEC sắp diễn ra ở Đà Nẵng. Không khác gì đôi chân đã yếu do bị bọn bành trướng Trung Quốc lấn lướt phá phách, nay lại tự mình vác đá đập vào chân thì làm sao đứng thẳng, đi đứng, đối đáp, ăn nói đàng hoàng được với thế giới ?
Ngoan cố, gan lỳ khi phạm tội sẽ bị nhừ đòn !
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, việc chuẩn bị cho Hội nghị APEC, cuộc khủng hoảng đối ngoại gay gắt hiện nay phải là đề tài thảo luận thật sôi nổi, kỹ lưỡng trong cuộc họp TƯ đảng lần thứ VI khóa XII và cuộc họp Quốc hội cuối năm nay.
Đây là dịp tốt để Đảng thực hiện phê và tự phê sâu sắc nghiêm chỉnh, từ bỏ não trạng cứng nhắc, chỉ tiến không biết lùi, học hỏi để biết điều hay lẽ phải, biết nhận lỗi và biết xin lỗi, để trở thành một thành viên đã trưởng thành trong cộng đồng thế giới văn minh.