Vào tháng 12 này, vấn đề nhân quyền ở Viêt Nam trở nên sôi nổi hơn bao giờ hết. Vụ xử phúc thẩm cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có mẹ già con dại 10 năm tù giam, chỉ vì cái "tội" yêu nước tột đỉnh, thương dân tột cùng, căm thù nung nấu quân bành trướng là một cuộc tự thú của chế độ rằng chế độ này là chế độ phi pháp, bất nhân, không coi quyền con người mà họ cam kết với dân mình, với thế giới chỉ là sự lừa dối ô nhục.
Vụ xử phúc thẩm cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh có mẹ già con dại 10 năm tù giam, chỉ vì cái "tội" yêu nước tột đỉnh, thương dân tột cùng - Hình minh họa.
Bản án anh Nguyễn Văn Hóa 22 tuổi ở Hà Tĩnh 7 năm tù chỉ vì anh đau lòng với nông dân và ngư dân trong thảm họa Formosa để nói lên sự thật, một phiên tòa không có luật sư, không có nhà báo, công chúng cũng là một trò cười ô nhục của một chế độ leo lẻo về cải cách nền tư pháp, xây dựng chế độ pháp quyền công minh, không để oan người ngay, không để lọt kẻ gian.
Không phải ngẫu nhiên mà đại diện Liên Âu ở Hà Nội, phụ trách nhân quyền của Cộng hòa liên bang Đức, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, Ân xá Quốc tế Amnesty International, Phóng viên không biên giới Reporters Sans Frontières, Hội nhà văn quốc tế Pen Club… lên tiếng phản đối các vụ xử án tàn bạo chà đạp pháp luật, chà đạp công pháp quốc tế này.
Thật đẹp mặt cho chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa ngay khi cuộc thẩm định định kỳ về quyền con người ở Liên hợp Quốc diễn ra, phơi mặt bộ mặt rất khó coi của kẻ lừa dối, đạo đức giả, nói một đằng, làm một ngả, của một kẻ có hạnh kiểm nhân quyền và dân quyền tồi tệ loại nhất thế giới.
Qua tin tức trên báo chí công khai, không thấy nêu lên họ tên, tiểu sử và bộ mặt của Hội đồng xét xử các phiên tòa rừng rú trên đây, những lời luận án và tuyên án của họ để mọi người có thể thấy những con người tha hóa nhưng được giao cho cầm cân nảy mực đã xử sự ra sao, để báo chí, công luận sẽ chất vấn, phỏng vấn họ về công việc của họ, rằng họ vận dụng luật nào, theo lệnh ai, họ có lương tâm, đạo lý hay không mà đang tâm tuyên án tàn ác đến vậy, không sợ ác quả ác báo, làm việc thất đức ra sao ? Họ cũng có gia đình, có chồng con hay vợ con, sao lại gây ác, tàn phá gia đình người khác đến vậy.
Tương phản với những con người ấy là cô "Mẹ Nấm" bình tĩnh, hiên ngang, tự tin quyết không nhận tội danh nào, ngẩng cao đầu trước cường quyền ; là bà Mẹ cô xông vào phiên tòa để bênh vực bảo về con gái yêu của mình dù cho bị ngăn cản bằng vũ lực ; là cô nhà báo Trịnh Kim Tiến xông xáo cùng bạn bè kéo đến phiên tòa để tường thuật tại chỗ bất chấp sự cản trở, đánh dập vũ phu của bọn bảo vệ hung hãn, tát tới tấp, thụi liên tiếp vào mặt vào ngực và lôi kéo lên xe đưa về đồn. Cô Kim Tiến một mực chất vấn bọn côn đồ nhà nước "anh là ai ?" theo bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ bất khuất Việt Khang kiên cường với cách chống cường quyền bằng cách riêng của mình. Bên cạnh cô Trịnh Kim Tiến là vô số luật sư của nhân dân, chân chính của nhân dân như luật sư Võ An Đôn đến phiên tòa để làm chứng cho phiên tòa rừng rú này.
Có thể nhận định không ngoa rằng bạo quyền hung hãn đã phong anh hùng, phong thánh, tạc tượng cho cô Mẹ Nấm. Sau phiên tòa hình dáng, vẻ mặt cương nghị hiền hậu của cô in rất sâu trong lòng mọi người Việt yêu nước mình, thưong dân mình.
Các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban chấp hành trung ương, các đại biểu quốc hội, thanh tra chính phủ, ủy viên Ban Kiểm tra trung ương, bà Chủ tịch quốc hội, ông bộ trưởng tư pháp - trên mỗi cương vị của mình - có theo dõi kỹ các cuộc xử án này hay không ? thái độ họ ra sao ? khi mồm họ cứ leo lẻo, nào là "chế độ của dân, do dân, vì dân", cái gì, ở đâu cũng "nhân dân", nào là Chính quyền nhân dân, Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân, Tòa án nhân dân, Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, hội thẩm nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân… nhưng thật ra không ở đâu nhân dân có quyền sống tự do, theo pháp luật cả.
Ở một nước, đâu đâu cũng thấy 2 chữ nhân dân nhưng lại tuyệt đối vắng lặng nhân quyền và dân quyền !
Có nơi nào trên trái đất này sự giả dối, hèn hạ, hung bạo phi pháp, phản nhân dân lại ngự trị ngang ngược, hỗn hào láo xược với nhân dân mình đến vậy ?
Đây hãy là sự nhận định công bằng cần thiết để mọi người Việt hãy cùng loài người tiến bộ lên tiếng và hành động mạnh mẽ vì công lý và quyền con người khắp nơi trên trái đất này.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 05/12/2017
Dư luận Hoa Kỳ và thế giới đang bình luận, đánh giá về năm đầu tiên nắm quyền của tổng thống Donald Trump (20/1/2017 – 20/1/2018) trong khi Công tố viên độc lập Robert Mueller đang ráo riết điều tra về sự dính líu của nước Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ cuối năm 2016, dẫn đến sự trúng cử sát nút của ông Donald Trump thắng bà Hillary Clinton.
Bìa sách "Collusion" của Luke Harding. Nguồn : Amazon
Đúng vào lúc này, từ nước Anh xuất hiện cuốn sách do nhà xuất bản Penguin Random House ấn hành, làm xôn xao dự luận, theo nhật báo Le Monde ngày 29/11/2017. Đó là cuốn sách có đầu đề "Collusion", có thể dịch ra là "Sự thông đồng" với mấy hàng chữ tiếp theo ngay ngoài bìa : "Các cuộc gặp bí mật – những món tiền bẩn – làm cách nào nước Nga giúp cho D.Trump trúng cử". Cuốn sách dày 350 trang, giá bán 21 Euro.
Tác giả là nhà báo Anh Luke Harding vốn sống nhiều năm ở Moscow, là phóng viên thường trú của báo Anh Guardian, năm 2011 bị trục xuất khỏi nước Nga do cuốn sách "Etat mafieux vituel" – "Nhà nước bị nghi là ma-phi-a’", mô tả cuộc sống của nước Nga dưới triều đại V. Putin.
Nhà báo L. Harding còn nổi tiếng về cuốn sách "Hồ sơ Snowden" – "The Snowden files", viết về những tiết lộ của nhân viên tình báo CIA Hoa Kỳ, Edward Snowden kể lại sự kiểm soát gắt gao của chính phủ Mỹ đối với các hệ thống truyền thông mạng.
L. Harding được công chúng đánh giá cao, là nhà báo xông xáo, thông minh, tay nghề cao, chuyên điều tra khui ra những điều bí ẩn trong các bộ máy tình báo, an ninh các nước Âu Mỹ.
Do đó, báo Le Monde nhận xét rằng cuốn sách này có sức nặng khui ra nhiều điều bí ẩn bị che dấu, có thể cung cấp nhiều bằng chứng về sự can thiệp rõ ràng, tinh vi nhưng không sao chối cãi được về ý định của ông Vladimir Putin, chính quyền Nga cùng bộ máy truyền thông Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, đưa lại thắng lợi cho ông D. Trump. Có thể "lá phiếu" ảo của V. Putin đã mang lại thắng lợi thật cho ông D. Trump ! Thật là kỳ lạ, nhưng có thể là sự thật.
Cuốn sách đang được rao bán bởi hãng buôn lớn Amazon có trụ sở gốc ở Seattle/Hoa kỳ, có thể mua trên mạng.
Trong thời gian tới, sẽ cho thấy cuốn sách này gây chấn động ra sao đến công luận nước Mỹ và có tác dụng ra sao đến cuộc điều tra của Công tố viên Robert Mueller đang được mở rộng để sớm di đến kết luận.
Cuốn sách này có thể gây ra mất ngủ cho ông D. Trump. Để xem ông có phản ứng ra sao trên các "tuýt" hằng đêm hay không.
Tòa án tỉnh Khánh Hòa ngày 29/6/2017 kết án cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh - Mẹ Nấm - 10 năm tù giam vì "tội" âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân. Ai cũng biết cô Mẹ Nấm chỉ có mỗi một "tội" là yêu nước thật lòng, thương dân thật bụng, bênh dân oan và chống giặc bành trướng và giặc nội xâm tham nhũng một cách kiên cường nhất.
Mẹ Nấm cùng hai con phản đối Trung Quốc đem giàn khoan HD-891 vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam.
Phiên tòa trên đây là biểu hiện rõ nhất của bản chất phản nhân dân, chà đạp công lý, phi pháp, vô đạo đức của chế độ toàn trị, coi thường pháp luật, khinh thường dư luận.
Cả một làn sóng dư luận trong và ngoài nước lập tức dâng cao lên án bản án tàn ác này, khi Mẹ Nấm có mẹ già đau ốm, 2 con nhỏ, bản thân lại mang nhiều bệnh.
Nhiều chính phủ, hơn 40 giáo sư, nhà nghiên cứu, trí thức, nhà báo của nhiều nước đã gửi kiến nghị yêu cầu chính quyền phải hủy bỏ bản án phi nhân độc ác này.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã làm lễ vinh danh Mẹ Nấm cùng những phụ nữ kiên cường của nhiều nước khác, với sự có mặt của bà Melania Trump.
Tổ chức nhân quyền quốc tế Human Rights Watch, Phóng viên không Biên giới – Reporters sans frontières - và Pens Club - Hội các nhà văn Thế giới - đều lên tiếng mạnh mẽ. Mười dân biểu và nghị sỹ Hoa Kỳ đồng thanh yêu cầu tổng thống D. Trump nêu vấn đề vi phạm nhân quyền của nước chủ nhà trong cuộc họp APEC vừa qua, đòi tự do ngay cho Mẹ Nấm và hơn 100 tù nhân chính trị khác.
Vậy mà tất cả các ông bà nghị Việt Nam đều câm miệng, không một đại biểu nào chất vấn vụ việc phi lý phi pháp này.
Trong khi bà bộ trưởng ngọai giao Thụy Điển cất công sang Việt Nam chỉ để thảo luận về nhân quyền thay mặt cho cả khối Liên Âu 27 nước thì ông Bộ trưởng Ngoại giao và các thứ trưởng ở Hà Nội đều lảng tránh vấn đề này !
Trong quốc hội có bà Nguyễn Thị Kim Ngân và Tòng Thị Phóng đều trong Bộ Chính trị cùng gần một trăm đại biểu nữ đều ngoảnh mặt làm ngơ trước thân phận bi thảm của một người phụ nữ can trường hiếm có. Họ đại diện cho ai ?
Các nhà văn, nhà báo trong nước nghĩ gì khi các nhà báo, nhà văn nước ngoài quan tâm mạnh mẽ mà bản thân mình lại yên lặng, câm nín như thế ?
Chỉ còn vài ngày nữa tòa án tỉnh Khánh Hòa sẽ mở phiên phúc thẩm xử Mẹ Nấm một lần cuối, chung thẩm, vào ngày thứ năm 30/11.
Đây là dịp hiếm có để mọi người quan tâm tỏ rõ thái độ của mình để bênh vực người ngay, người vô tội, cảnh báo hội đồng xét xử phải mở phiên tòa thật sự công khai, xử theo đúng luật chứ không theo chỉ thị của ai khác, có sự chứng kiến của các nhà báo, nhà luật học trong nước và quốc tế, cần bắc loa ra ngoài tòa cho đông đảo nhân dân được theo dõi chặt chẽ. Thế mới là phiên xét xử của tòa án nhân dân, nếu không chỉ là xét xử của đảng quay lưng lại với nhân dân. Riêng Hội đồng xét xử mang trách nhiệm rất lớn, không được đóng vai ô nhục tay sai của đảng để hà hiếp công dân nước mình, làm một việc phi pháp, thất đức, sẽ bị xã hội nhớ tên và nguyền rủa.
Rất mong anh chị em ta trong nước sẽ xuống đường nhân dịp này, mang thật nhiều hình ảnh mẹ Nấm và 2 con nhỏ, các luật sư có công tâm, chuộng công lý sẽ theo dõi chặt chẽ kịp thời bình xét về phiên tòa. Các báo trong nước rất nên lên tiếng có nhận xét, đưa tin, bình luận ngay thật khách quan, không cần ai chỉ bảo, như mạng thông tin CTC1 gần đây tuy ở lề phải đang làm một cách chuyên nghiệp và được bạn đọc hoan nghênh.
Vụ xử phúc thẩm Mẹ Nấm sắp tới là rất quan trọng. Đây là thước đo rõ nhất về Việt Nam có thật sự muốn hòa nhập với thế giới hay không, có muốn cải thiện quan hệ với Liên Âu hay không, có muốn Hiệp ước buôn bán tự do với Liên Âu được thông qua trôi chảy hay không, có muốn thật lòng hàn gắn quan hệ bị ngưng trệ với Cộng hòa liên bang Đức hay không.
Đất nước Việt Nam thực hiện "đổi mới" từ năm 1963, hơn 50 năm rồi mà thật sự không đổi mới được bao nhiêu, có người nói họ chỉ "đổi" mà không "mới", đổi mới mà vẫn như cũ, có khi không được như cũ !
Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hình minh họa.
Có những việc lẽ ra phải thay đổi từ rất lâu mà vẫn cứ để nguyên.
Đó là việc tôn trọng và thi hành triệt để Hiến pháp.
Hiến Pháp là văn kiện pháp lý cơ bản, hệ trọng nhất của đất nước. Hiến Pháp là Luật Mẹ. Tất cả các đạo luật thông qua sau khi có Hiến pháp là để hướng dẫn thi hành, cụ thể hóa những điều đã có trong Hiến pháp, không được trái, không được sai dù là nhỏ với Hiến pháp.
Theo thông lệ, khi có Hiến pháp, hay khi Hiến pháp có điểm gì bổ sung, thay đổi được quốc hội thông qua, ngành hành pháp là thủ tướng, chính phủ cùng với quốc hội phải bắt tay ngay vào việc bàn luận, sớm ra những Nghị định cụ thể để hướng dẫn việc thi hành được đúng đắn, đầy đủ, giải thích rõ ràng, phòng tránh mọi sự hiểu sai, làm sai, làm trái tinh thần và lời văn của hiến pháp.
Ví dụ như khi Hiến pháp nêu rõ việc công dân có quyền tư do tư tưởng, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do cư trú… chính phủ cùng quốc hội phải ra ngay những nghị định giải thích cặn kẽ và cụ thể hóa thành các bộ Luật chỉ rõ các quyền đó được thực hiện ra sao, phải được tôn trọng như thế nào, thế nào là vi phạm, và các vi phạm sẽ bị xử phạt ra sao, ở những mức nào ?
Do đó mà có các bộ Luật Hình Sự, bộ Luật về Báo chí, Luật về tôn giáo, tín ngưỡng, Luật về cư trú, xuất nhập cảnh… được công bố để thực hiện.
Khi có công dân phạm luật, bị truy tố, ngành tư pháp sẽ chiếu theo Hiến pháp và luật pháp cùng các văn kiện pháp quy để mở các phiên tòa xử đúng người đúng tội, theo thật đúng luật, không thể tùy tiện, không được sai trái hay ra ngoài phạm vi quy định của luật pháp.
Vậy mà cho đến nay quốc hội và chính phủ qua bao nhiêu nhiệm kỳ đã bỏ qua, (hay cố tình bỏ quên ?) khá nhiều điều quan trọng trong Hiến pháp, mà không có Luật hay các Nghị định tương ứng để cụ thể hóa, hướng dẫn việc áp dụng.
Chỉ lấy ra 2 ví dụ. Các Hiến pháp từ năm 1946 đến các bản Hiến pháp năm 1959, 1980, 1992 và Hiến pháp năm 2013 hiện hành đều ghi rõ "quyền lập hội" và "quyền biểu tình" của công dân, 2 quyền cơ bản mà bất cứ công dân nước dân chủ nào cũng có quyền thực hiện một cách rộng rãi hàng ngày.
Hai năm nay, trong quốc hội đã có đại biểu nêu lên 2 vấn đề này để thảo luận, nhưng rồi vẫn bị trì hoãn kéo dài không hạn độ. Thế là có những nội dung lớn trong các bản Hiến pháp từ hơn 70 năm nay vẫn bị treo giò, treo lơ lửng, trì hoãn sự áp dụng, không cho thực thi trong cuộc sống ! Có nhiều trí thức chỉ còn biết than thở : quốc hội ta hiền quá, không hiểu hết, thật rõ hiến pháp và luật pháp phải thi hành ra sao cho đúng đắn, triệt để, cứ theo kiểu xin – cho, đảng cho đến đâu thì chỉ biết cúi đầu nhận đến đấy.
Chả vậy mà cô giáo viên Trần Thị Lam có mấy câu thơ :
Đất nước mình ngộ quá phải không anh
Bốn ngàn tuổi mà dân không chịu lớn
Bốn ngàn tuổi mà vẫn còn bú mớm
Trước những bất công vẫn không biết kêu đòi
Rất mong kỳ họp cuối năm đang được tiến hành có đại biểu nêu lên, nhấn mạnh 2 vấn đề này cho rốt ráo, vì để hiến pháp bị treo giò hơn 70 năm thì vô lý quá, kỳ quá ! Sao đảng lại sợ dân biểu tình, sợ người công dân biểu hiện trung thực thái độ của mình đến thế ? Dân làm chủ ở chỗ nào ?
Nhớ lại thời ông Lê Duẩn, nói không ngừng "nhân dân làm chủ", "lấy dân làm gốc" để bị nhân dân mỉa mai rằng đảng "lấy dân làm guốc", "lấy dân làm củi" !
Sao đảng lại sợ các tổ chức xã hội dân sự của dân đến vậy, tất nhiên là các tổ chức mang tính chất dân chủ, xã hội, xây dựng đất nước, có lợi cho cuộc sống của nhân dân.
Ở các nước dân chủ văn minh thường có Viện Bảo hiến, hay Hội Đồng Hiến pháp có nhiệm vụ thúc đẩy việc thực thi thật nghiêm minh, triệt để, chính xác Hiến pháp và pháp luật.
Nếu tổ chức như thế cũng có ở nước ta thì quốc hội đã bị thổi còi nhắc nhở từ lâu, từ rất lâu rồi.
Rất mong các đại biểu quốc hội, các trí thức, nhất là đông đảo luật sư, các bạn sinh viên ngành luật, các tổ chức xã hội dân sự… tham gia ý kiến trong vấn đề này, liên quan đến quyền công dân, đến mong muốn xây dựng một chế độ pháp quyền nghiêm minh hiện đại, đi kịp với nền văn minh nhân loại đã bước vào thế kỷ XXI.
Không thể để cho Hiến pháp bị coi thường, có thể nói là khinh thường trong một thời gian dài đến vậy !
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 14/11/2017
Tuần lễ APEC đang được tiến hành ở Đà Nẵng – Hội An.
Lãnh đạo đảng, Nhà nước, báo chí và ban Tuyên giáo đảng ở trong nước tỏ ra vui mừng, lạc quan về cuộc họp quốc tế hiếm có này.
Dọn dẹp phố cổ Hội An sau bão Damrey, 8 tháng 11.
Nào là cuộc họp này nâng cao vị trí, uy tín quốc tế của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chứng tỏ Việt Nam đang hội nhập sâu sắc với khu vực và thế giới, mở rộng cửa giao lưu với bạn bè khắp nơi, mở ra cơ hội mới cho tự do, phát triển, Việt Nam sẽ tăng cường đáng kể các mối quan hệ nhiều mặt và sẽ nhận được những làn sóng viện trợ và đầu tư lớn hơn trước của thế giới.
Xin chớ vội hý hửng rồi vỡ mộng.
Quả thật ít khi Việt Nam có đông khách quốc tế như lần này, lại là những nguyên thủ lớn nhất. Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga V. Putin, Thủ tướng Nhật Bản S. Abe, Thủ tướng Canada J. Trudeau, bà Aung Sau Syu Ky lãnh đạo Myanmar, Thủ tướng Úc M.Turbill, Tổng thống Chilê M. Bachelet, Thủ tướng Malaysia N.Razak, Tổng thống Mexico P.Nido, nữ Thủ tướng New Zealand J. Ardern (37 tuổi, là nhà lãnh đạo trẻ nhất cuộc họp này ; trong khi ông D. Trump là người cao tuổi nhất – 72 tuổi, chưa kể ông Trọng chưa đến cuộc họp còn cao tuổi hơn : 73 tuổi).
Dự họp còn có vài trăm nhà kinh doanh nổi tiếng của thế giới và Việt Nam, trong đó có một số bản tham luận về nhiều đề tài liên quan đến kinh doanh và phát triển.
Đã có những báo hiệu chẳng lành. Ngày 7/11 - ngày kỷ niệm tròn 1 thế kỷ của cách mạng tháng Mười Nga – Tổng Thống Hoa Kỳ, Donald Trump, công bố ngày này là ngày "Tưởng niệm Nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản trên toàn thế giới", ngay vào lúc tổng thống Hoa Kỳ đến gần nước cộng sản Bắc Triều Tiên và đặt chân lên đất Trung Quốc và Việt Nam, 2 quốc gia cộng sản. Một sự ngẫu nhiên không vui vẻ với nước đang mở hội đón APEC 2017.
Báo Hoa Kỳ, Pháp, Đức… nhân ngày này cũng đăng ảnh V/I. Lenin, với chú thích gọn "Đây là kẻ sáng lập ra chủ thuyết toàn trị". Trung Quốc và Việt Nam là 2 nước được cả thế giới nhận diện là đang một mực theo chế độ độc đảng toàn trị, 2 chính quyền cộng sản độc đoán lẻ loi còn sống sót trơ trọi sau khi Liên Xô và phe xã hội chủ nghĩa tan biến do bản chất phản dân chủ, phản nhân dân.
Tôi đã chăm chú nghe các tham luận của các nhà lãnh đạo kinh tế và doanh nhân Việt Nam tại cuộc họp thượng đỉnh doanh nghiệp mấy ngày qua ở Hội trường lớn Đà Nẵng APEC, do truyền hình VTC1 truyền đi, quả là mất thì giờ !
Nào là phải vực nông nghiêp dậy, coi là một trọng điểm của nền kinh tế, xây dựng những đơn vị sản xuất nông nghiệp quy mô lớn năng xuất cao, tạo ra hàng xuất khẩu có số lượng và chất lượng cao, đủ sức cạnh tranh với khu vực và thế giới. Nói thì hay vậy. Nhưng với cái xiềng xích "đất đai ruộng đồng là thuộc quyền sở hữu toàn dân do Nhà nước (cộng sản) thay mặt quản lý", biến đảng ủy các cấp thành chủ sở hữu trên thực tế, muốn thu hồi bao nhiêu lúc nào cũng được, với đền bù rẻ mạt, người nông dân vốn là chủ sở hữu bỗng trở thành bần cố nông làm công cho ông địa chủ lớn là đảng toàn trị, thì nông nghiệp làm sao mà khởi sắc nổi ! Không một nhà kinh tế hay doanh nghiệp nào dám nói đến cái thảm cảnh của nông nghiệp, nông thôn và nông dân này. Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân gắn bó với vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long đã có lần nói lên bế tắc do quan hệ sản xuất quái đản trên đây đã kìm hãm sức sản xuất nông nghiệp ra sao.
Đã có một số tham luận nêu lên vai trò của các nhà kinh doanh trẻ, có sức nghĩ, sức làm, sức trẻ sẽ làm cho nền kinh tế tư nhân khởi sắc mạnh mẽ như Bill Gates, như Jack Ma. Nhưng có ai nói đến cái xiềng xích trói chặt tay các doanh nghiệp tư nhân khi đảng một mực giữ phương châm lấy "sở hữu quốc doanh làm chủ đạo", nêu bật sự không bình đẳng trong kinh doanh, coi quốc doanh là con đẻ, tư nhân là con ghẻ, ưu tiên mọi thứ cho quốc doanh, từ các dự án to lớn, béo bở, đến ưu tiên tuyệt đối về cấp vốn không hạn chế từ ngân hàng Nhà nước với tiền lãi thấp nhất, với cả sự dễ dãi về xét duyệt dự án, sự ưu đãi ghi trong luật cho các Tập đoàn quốc doanh cá mập. Chính do đó mà các nhà kinh doanh tư nhân thân cô thế cô bị bóp chết, phá sản hàng lọat, kể cả các nhà kinh doanh có ý chí, kinh nghiệm, tiền vốn khá, trong khi các tập đòan quốc doanh chỉ phá của, lỗ lã hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng do tham nhũng tràn lan, ở mọi cấp, gắn liền với các phe cánh quan chức cao nhất. Số ít nhà kinh doanh tư nhân thành đạt phần lớn là sân sau của các phe nhóm quyền cao chức trọng, cũng được coi như các doanh nhân quốc doanh trá hình được ưu đãi, được chia ít lợi lộc không sạch sẽ.
Nhiều đại biểu nói đến một nền kinh tế Việt Nam dựa vào trí thức, trí tuệ, sản xuất các sản phẩm kỹ thuật tinh vi, mũi nhọn, nền sản xuất theo kỹ thuật số, mua bán qua hệ thống internet nhanh nhậy, đón đầu nhảy vọt vào giữa thế kỷ XXI, đuổi kịp các nền kinh tế tiền tiến nhất… nhưng đây chỉ là giấc mơ hão huyền.
Vì điều kiện trước hết cho mơ ước đó là cuộc cải cách giáo dục sâu rộng từ mẫu giáo đến đại học và sau đại học, sớm dạy toán, lý, hóa, kỹ thuật số cao cấp từ bậc trung học, dạy kỹ năng tự tìm tòi, thực nghiệm và sáng tạo. Muốn vậy phải đơn giản hóa một số bộ môn phụ, bỏ hẳn các môn Mác Lênin, lịch sử đảng trong chương trình và trong các kỳ thi rất có hại, phí thời gian, chỉ nuôi dưỡng tư duy cứng nhắc, giáo điều, triệt tiêu óc sáng tạo, năng động khởi nghiệp.
Nói tóm lại muốn phát triển kinh tế, mời gọi hợp tác đầu tư quy mô lớn, không có con đường nào khác là đổi mới chế độ cai trị, thực hiện mô hình dân chủ - pháp quyền, xây dựng nếp sống bình đẳng, trả lại cho nông dân và mọi người lao động quyền sở hữu cá nhân về đất đai, tải sản do họ vốn có và sáng tạo ra, cải cách tận gốc nền giáo dục quá lạc hậu, giáo điều, nhồi sọ…, xây dựng một xã hội tự do, bình đẳng, cởi mở, kết bạn thân với các quốc gia dân chủ trên cơ sở bình đẳng cùng có lợi.
Tuy các nguyên thủ chưa phát biểu, có thể dự đoán qua và sau cuộc họp, Trung Quốc vẫn được lãnh đạo Việt Nam tôn sùng ; về kinh tế Trung Quốc vẫn sẽ khống chế, vẫn xuất siêu cực lớn, rất có hại cho Việt Nam. Hoa Kỳ sẽ hạn chế gắt gao thậm chí đánh thuế cao hơn hàng nhập từ Việt Nam như hàng may mặc, giày dép, nông phẩm, hạn chế xuất siêu từ Việt Nam, làm cho khó khăn về kinh tế tài chính tăng thêm gấp bội.
Có thể dự đoán, cuộc họp APEC sẽ qua, nước đăng cai sẽ chi phí tiếp khách, quà cáp, tặng rất phẩm lớn, hàng nghìn tỷ đồng nhưng thu về không đáng kể. Chỉ được một số lời khen xã giao, lời tự khoe mẽ bẽ bàng vì không thực chất. Chỉ thiệt cho người dân đang bị lũ lụt gây khốn khổ thêm, thiệt cho đất nước kinh tế đang khó khăn, tài chính đang kiệt quệ, thu không bù chi, nay lại phải chi rất lớn vào dịp cuối năm trong một không khí đất trời và tâm tư xã hội đều u ám, ảm đạm.
Câu châm ngôn "Hãy tự cứu mình trước, ông trời sẽ giúp sau" – Aide toi, le Ciel aidera. "Trời" đây là các nước quanh ta, là thế giới, lúc này có ý nghĩa rất sâu sắc vậy.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 10/11/2017
Ngày 07/11/2017, từ Paris, tôi nhận được tin buồn. Bà Trịnh Văn Bô, nhà kinh doanh thành đạt đã trút hơi thở cuối cùng ở Hà Nội, đại thọ 103 tuổi.
Gia đình ông Trịnh Văn Bô : Một 'bà đỡ' tài chính của chính quyền cách mạng - Đại Đoàn Kết
Tôi buồn vì tôi coi bà là bà chị thân thiết có lòng nhân ái, yêu nước tuyệt vời.
Tôi buồn vì bà đã nhiều lần tâm sự với tôi về hoàn cảnh éo le của bà và nhờ tôi giúp đỡ từ những năm 1976-1980 nhưng tôi không sao làm bà vui lòng. Năm 1990 trước khi sang Pháp tôi đã đến chào bà như một niềm ân hận và thương cảm đối với một bà chị có tấm lòng nhân hậu và lòng yêu nước tột đỉnh đang ở trong tình trạng uất hận mà vẫn lạc quan, tươi cười.
Tôi xin kể tóm tắt nguồn cơn với các bạn, nhất là với các đảng viên cộng sản để có thể hiểu rõ thêm cái bản chất của đảng này và tự tìm ra kết luận.
Bà Trịnh Văn Bô, tên khai sinh là Hoàng Thị Minh Hồ, là bà chủ hiệu Tơ lụa Phúc Lợi, phố Hàng Ngang, khu phố cổ Hà Nội. Bà là doanh nhân thành đạt lớn. Bà tham gia phong trào Việt Minh bí mật năm 1944, nhiều lần góp những món tiền lớn cho phong trào, từ 1 vạn đến 8 vạn đồng bạc Đông dương.
Tháng 8/1945 bà tình nguyện đón ông Hồ Chí Minh từ chiến khu miền Bắc về ở ngôi nhà mình ở 48 Hàng Ngang. Ông Hồ đã ở đây hơn 1 tháng, viết Tuyên Ngôn Độc Lập tại đây. Sau đó bà biếu tặng cả ngôi nhà này thành Bảo tàng cấp Nhà nước cho đến nay. Trong Tuần lễ vàng, bà góp hàng nghìn lạng vàng, gần bằng ngân sách tiếp thu của chế độ cũ. Tổng cộng số vàng bà góp là trên 5 nghìn lạng. Tất cả áo quần mới tươm tất của ông Hồ, các ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp… mặc trong ngày 2/9/1945 đều do bà cung cấp. Hồi ấy nhiều người coi bà là "Bộ trưởng tài chính" của nước Việt Nam độc lập. Sau này bà sinh hoạt trong đảng Xã hội do đảng cộng sản lập ra để vận động các trí thức, nhà kinh doanh cũng như trong Hội Liên hiệp Phụ nữ.
Điều không may đối với bà là năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, chính phủ từ Việt Bắc trở về Hà Nội, Bộ Quốc phòng yêu cầu mượn tạm ngôi nhà rộng lớn của bà ở số nhà 34 phố Hoàng Diệu gần Cột Cờ, sát khu vực quân sự của Bộ Quốc phòng. Bản giao kèo cho mượn trong 2 năm (từ 1954 đến 1956) có chữ ký cam kết của đại tướng Hoàng Văn Thái, tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân. Chính gia đình ông Thái đến ở ngôi nhà ấy. Quá hạn, năm 1957, 1958 bà Trịnh Văn Bô ngỏ ý "xin lại" ngôi nhà cũ của mình nhưng ông Thái và bộ Quốc phòng không trả lời. Lúc này gia đình ông bà Trịnh Văn Bô đã có 7 người con, đều lập gia đình, có đúng 30 cháu và chắt, tất cả 40 người ở tại ngôi nhà cũ chật chội 24 phố Nguyễn Gia Thiều, gần hồ Ha Le, nơi tôi ghé thăm bà trước khi sang Pháp.
Điều làm cho ông bà Bô cay đắng rồi oán hận là vào năm 1978, đại tướng Hoàng Văn Thái được cấp nơi ở mới trong ngôi nhà lớn xây riêng cho cấp tướng ở khu Liễu Giai, nhưng ông không trả lại nhà cho ông bà Bô. Ngôi biệt thự 34 phố Hoàng Diệu vẫn là nơi ở của cặp quý tử Võ Điện Biên, con đầu của đại tướng Võ Nguyên Giáp và vợ là con gái đầu của đại tướng Hoàng Văn Thái.
Năm 1988, ông Bô ốm nặng, qua đời trong niềm ân hận trên đây. Trong buổi dự đám tang ông, bà Bô đã khóc khi gặp tôi và yêu cầu tôi giúp, sau khi ông bà đã gửi hơn 20 lá đơn cho mọi cửa. Tôi đã in thêm các đơn của bà, gửi cho vợ chồng tuớng Giáp, vợ chồng tướng Thái, cho Ban kiểm tra trung ương đảng, cho đại tướng Chu Huy Mân ở Tổng cục chính trị, nhưng đều vô hiệu.
Cho đến tháng 6/1989 bà Bô mới nhận được công văn do ông Đỗ Mười nhân danh Thủ tướng ký, yêu cầu Bộ Quốc phòng trả lại ngôi nhà trên cho bà Bô. Công văn này chờ hoài vẫn không hiệu quả.
Tháng 7 năm 1990 chính Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo ký công văn yêu cầu Bộ Quốc phòng sớm trả lại ngôi nhà trên, nhưng rồi cũng như nước đổ đầu vịt.
Cho đến năm 1993 Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Phó thủ tướng Phan Văn Khải yêu cầu có cuộc họp liên tịch giữa Ủy ban Hành chính Thủ đô, Sở nhà đất Hà Nội và Bộ Quốc phòng để giải quyết xong xuôi một vấn đề dân sự đã kéo quá dài này.
Cuộc họp có kết luận nhưng rồi không ai chấp hành, không có ai có thể cưỡng chế việc thi hành. Một thái độ ù lỳ, bất chấp luật pháp, bất chấp đạo đức của kẻ có uy quyền đảng trị !
Cho đến tận tháng 10 năm 2003, gia đình, con cháu bà Bô mới quyết định làm liều khi đã bị dồn đến chân tường. Tận dụng khi gia đình người ở ngôi nhà đi vắng, chỉ có một bộ đội gác gần đó, con cháu bà Bô cõng bà – bà cụ 90 tuổi già yếu đã nghễnh ngãng liều đột nhập vào ngôi nhà, mang "Bằng khoán điền thổ" gốc, trưng ra, với một giải lụa mang dòng chữ : "Vui mừng trở về ngôi nhà cũ". ký tên : Gia đình Trịnh Văn Bô. Tôi được tin này, đã lập tức gọi điện thoại về mừng bà chị và con cháu đã giành lại được ngôi nhà của mình, các cháu thuật lại cho bà bằng cách viết ra, vì tai bà đã điếc hẳn !
Sau này anh Trần Duy Nghĩa, con cố thị trưởng Thủ đô, bác sĩ Trần Duy Hưng - là bạn cực thân của gia đình bà Bô - từ Pháp trở về Việt Nam, có dịp đến thăm bà cụ Bô kể cho tôi chuyện cơ mật của gia đình. Đó là khi tự mình trở về nhà, bà Bô đã dự liệu sẽ liều mình nếu như bà bị đuổi khỏi ngôi nhà thân yêu của chính mình. Bà đã bảo con bà mang theo một can đầy xăng để liều sống chết với lẽ phải, sống chết với nhà cửa, với con cháu ruột thịt của mình. Thế nhưng thật là may mắn và hạnh phúc, can xăng đã không cần dùng đến.
Bài báo này như một nén hương thắp trên mộ của bà Trịnh Văn Bô, bà chị của tôi đầy lòng nhân ái, yêu nước đến tột đỉnh, từng tự cho mình một phương châm sống, là "Trong buôn bán, nếu có lời chỉ nên giữ lại 7 phần mười làm vốn, để ra 3 phần mười làm từ thiện. Còn khi đất nước cần thì nên hiến hết không tính toán, chỉ giữ chút ít để sống và kinh doanh tiếp". Bài học cho đảng viên tham nhũng ở khắp nơi hiện nay, cho các doanh nhân mới.
Một nhà kinh doanh yêu nước đến tột cùng, yêu nhân dân đến thế là cùng ! Xin bà chị mỉm cười, yên nghỉ trên cõi vĩnh hằng.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 07/11/2017
Tập Cận Bình, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa sắp sang Việt Nam dự cuộc họp APEC - Hội nghị kinh tế Châu Á Thái Bình Dương. Ông Tập xuất ngoại lần này ngay sau cuộc Đại hội đảng Cộng sản Trung quốc lần thứ XIX, được coi như một sự kiện lớn lao nhất của nước lớn này trong năm nay, một thắng lợi to lớn của cá nhân ông.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Trong đại hội, ông Tập đã đọc một bài diễn văn dài hơn 30 ngàn từ, trong 3 tiếng rưỡi, khiến ông Giang Trạch Dân ngồi ở hàng đầu phải ngáp dài và nhiều lần nhìn đồng hồ tay, tỏ ý sốt ruột.
Tại đại hội, ông Tập được suy tôn là lãnh tụ vĩ đại, ngang hàng với ông Mao khai sinh ra nước Trung Hoa mới của triều đại cộng sản, được ghi tên trong Điều lệ của đảng, đang dắt dẫn Trung quốc trên con đường là cường quốc hàng đầu của thế giới trong thời gian không xa, vào năm 2049 – kỷ niệm tròn một thế kỷ ra đời nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa năm 1949, vào giữa thế kỷ XXI, được nhấn mạnh trong khẩu hiệu đẹp đẽ "Bách niên mục tiêu".
Ông Tập đã nêu bật nội dung của "Chủ nghĩa Xã hội mang màu sắc Trung quốc", đưa Trung quốc trở lại là nước bá chủ khu vực và thế giới thời xa xưa của Tần Thủy Hoàng, Hán Cao Tổ, Đường Thái Tông và Tống Tổ, đứng ở hàng đầu thế giới về tổng sản phẩm xã hội, nâng cao nhanh thu nhập và sản phẩm tính theo đầu người.
Ông Tập quảng bá cho "Giấc mộng Trung hoa trong thời đại mới", với "con đường tơ lụa mới" và "vành đai ven biển lớn", xây dựng thàng công Trung quốc thành "Quốc gia hùng cường tươi đẹp".
Ông Tập Cận Bình thực hiện giấc mộng Trung Hoa bằng con đường nào ? biện pháp nào ?
Có thể tóm tắt là đảng cộng sản Trung quốc sẽ thực hiện mục tiêu trên bằng "đường lối toàn trị của một đảng duy nhất", theo phương châm "lấy đảng trị nước," không nhắc gì đến Hiến pháp, luật pháp, đến tự do ứng cử, bầu cử, đến các quyền tự do của người dân, đến nhân quyền của 1,3 tỷ nhân dân Trung quốc.
Theo tinh thần của đại hội, các tổ chức xã hội dân sự đều đặt dưới quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Trung quốc.
Các nhà bình luận chính trị thế giới đều hầu như nhất trí cho rằng ông Tập Cận Bình đã không che dấu ý đồ trở thành lãnh tụ vĩ đại loại lớn nhất cùng ngang hàng với Mao Trạch Đông, đó là "khát vọng vĩ nhân", không chịu thua kém ai.
Ông Tập đang thay thế quyền uy của lãnh đạo tập thể bằng "uy quyền cá nhân không hạn chế", để nhiều người cho rằng sau Đại hội XIX, ông Tập đã trở thành "Hoàng Đế Đỏ," "Hoàng Đế của Trung hoa Cộng sản". Cho đến tổng thống D. Trump của Hoa Kỳ cũng nhận định ông Tập là Hoàng Đế.
Giấc mộng vàng Trung Hoa của ông Tập liệu có thành hiện thực ?
Khó, khó khăn lắm, nếu không nói là đó là một sự hoang tưởng, một sự toan tính chủ quan, xa rời thực tế, xa rời thời đại, xa rời mong muốn của đông đảo người dân Trung Quốc.
Cần nhớ lại lời khuyên của ông Đặng Tiểu Bình trước khi trút hơi thở cuối cùng cho các cận thần lúc đó, tóm tắt trong 4 chữ "thao quang dưỡng hối", với nội dung là trong vòng 30, 40 năm hãy lẳng lặng phát triển, nín thở qua sông, chớ để lộ tham vọng, ý đồ lớn của mình. Vì xa gần, xung quanh Trung quốc có quá nhiều đối thủ hùng mạnh nguy hiểm, luôn sẵn sàng ngăn cản sự phát triển lớn mạnh của Trung quốc, nhất là về quân sự. Đó là Hoa Kỳ, là Âu Châu, Úc Châu, là Nhật Bản, Ấn Độ và nhiều nước Đông Á, Đông Nam Á. Họ sẽ phong tỏa các bí mật kỹ thuật hiện đại, các sáng kiến phát minh mới, các loại vũ khí tân tiến, các bằng sáng chế bí mật… Trong khi đó về không quân, tên lửa hiện đại, nhất là về hải quân hiện đại Trung quốc còn rất xa, rất lâu mới bằng được mức Hoa Kỳ hiện nay, (có mặt như hải quân hiện chỉ bằng 1/6).
Hơn nữa mức sống của nhân dân nói chung còn thấp, mức sống nhân dân vùng nội địa (như Tây Tạng, Tân Cương ở phía Tây và Tây Bắc) lại càng thấp so với vùng duyên hải, các thành quả phát triển giành cho ngân sách quốc phòng ngày càng cao, tệ nạn quan liêu, tham nhũng lan tràn quy mô lớn vẫn còn nặng nề, lấy đâu ra phần để cải thiện cuộc sống của hàng tỷ nhân dân ?
Trung quốc dưới ông Tập sẽ là nước "đảng giàu, nước mạnh lên, dân đói khổ ô nhục như nô lệ".
Điều rất rõ khát vọng dân chủ của nhân dân lục địa ngày càng mạnh mẽ thời mở rộng cửa, giao lưu, thông tin quốc tế tràn ngập, tuổi trẻ ngày càng có khát vọng tự do, khi nền kinh tế tư nhân đã chiếm trên 60% giá trị, chế độ "độc tài cá nhân", chế độ toàn trị của hoàng đế họ Tập sẽ không dễ gì được đông đảo nhân dân Trung quốc chấp nhận. Hồng Kông đến nay vẫn một mực cứng đầu duy trì quyền tự do cố hữu với cả một thế hệ trẻ kiên cường. Đài Loan đang có xu hướng đòi độc lập, giữ vững quy chế "một nước, 2 chế độ", gắn bó quân sự với Hoa Kỳ bất chấp mua chuộc và đe dọa của lục địa chĩa sang hàng ngàn tên lửa.
Không phải ngẫu nhiên mà phong trào đòi dân chủ của Trung quốc vẫn kiên trì dù bị đàn áp khốc liệt. Các nhà giàu bỏ chạy ra nước ngoài. Phong trào thoát Cộng vẫn diễn ra, phong trào Pháp Luân Công vẫn dai dẳng.
Cho nên nền độc tài cá nhân, chế độ toàn trị phản dân chủ của ông Tập cận Bình đã làm cho ông Tập trở thành một nhân vật nguy hiểm về nhiều mặt, nguy hiểm vì đường lối bá quyền, bành trướng, xâm lược (cả về quân sự, kinh tế và văn hóa) đối với mọi khu vực, từ phía Đông, phía Nam, phía Tây, cho đến Châu Phi, Châu Mỹ la tinh.
Xin nhớ Trung quốc cách đây không lâu đã từng động binh gây sự vũ trang xung đột với Liên Xô cũ, với Ấn Độ, với Việt Nam, Triều tiên, Miến điện...
Hiện nay đã hình thành "tứ giác kim cương" gồm Hoa Kỳ - Nhật Bản - Ấn Độ - Úc Châu công khai hình thành để ngăn chặn Trung quốc. Họ chỉ chờ Việt Nam tự nguyện gia nhập.
Ông Tập cũng là nhân vật nguy hiểm cho nhân dân Trung quốc, mà khát vọng tự do, khát vọng phát triển để cải thiện cuộc sống khỏi nghèo đói, môi trường khỏi bị tàn phá nặng nề, đã bị ông Tập hy sinh một cách phũ phàng cho tham vọng vĩ nhân hão huyền của ông ta.
Xin nhớ trong bài diễn văn tràng giang đại hải của ông Tập, vắng hẳn bóng của nhân dân, vắng hẳn các khái niệm dân chủ, nhân quyền, ngoài một câu lơ lửng vuốt đuôi không có nội dung : "Đặt lợi ích của nhân dân ở vị trí tối cao" (!).
Mong rằng bộ Chính trị, các nhà lãnh đạo đảng, Nhà nước Việt Nam hãy cùng các tổ chức xã hội dân sự ngoan cường nhận diện cho thật rõ vị khách nguy hiểm nổi bật sắp sang nước ta nhân dịp cuộc họp APEC sắp đến.
Nguồn : VOA, 04/11/2017
Dân ta có câu châm ngôn "khỏe vì gạo, bạo vì tiền". Khi hết tiền, mọi khó khăn sẽ đến, không còn sống bình thường được nữa .
Cạn tiền, giảm biên chế, mở ra xáo trộn gay gắt, ai đi ai ở ?
Đất nước Việt Nam hiện ngân sách cuối năm đã cạn tiền. Nhiều huyện, tỉnh, thành phố nợ lương của cán bộ, viên chức 2, 3 tháng ròng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kéo còi báo động về nguy cơ "sụp đổ tài chính quốc gia". Do quản lý lỏng lẻo, các nhóm lợi ích chia chác ngân sách, tiền của của xã hội, các cấp quan chức đua nhau tham nhũng hàng nghìn, chục nghìn đồng, bị truy tố không ít, nhưng tiền thu hồi không đáng kể, tẩu tán hết rồi, thu lại chỉ chừng 3% !
Thế là việc giảm biên chế trở nên cấp bách, khi số viên chức Nhà nước ăn lương từ trung ương xuống cấp phường xã lên đến 12 triệu người, chưa kể quân đội và công an.
Riêng ngành Công an, thời chiến tranh, hầu như không có tướng, các Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn, Phạm Hùng đều không mang quân hàm. Cục trưởng số 1 là ông Dương Thông lúc tại chức chỉ là đại tá. Cả Bộ Công an hồi đó chỉ có chừng 10 tổng cục và vụ. Nay có đến 230 viên tướng, 120 tổng cục, cục, vụ, viện. Ngân sách hành chính bộ Công an cao hơn ngân sách hành chính của bộ Quốc phòng, nhằm mục tiêu số 1 là bảo vệ đảng.
Trước đây mỗi nhân viên công an, an ninh, du côn được thuê làm chỉ điểm, 1 ngày theo dõi nghi phạm, tội phạm, được phụ cấp thêm 500.000 đồng/ngày ở cấp tỉnh thành, 300.000 đồng cấp quận huyện, 100.000 đồng cấp phường xã, nhưng từ giữa năm 2017, phụ cấp này hầu như bãi bỏ, vì cạn tiền. Thế là họ bỏ việc, đi kiếm việc khác. Anh chị em đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền cảm thấy dễ thở hơn.
Tiền cạn, vấn đề giảm biên chế, chuyển dần một số chức vụ bên đảng nhập sang chức vụ tương đương bên chính phủ, giảm bớt cấp phó ở mọi nơi, mọi cấp, sớm thực hiện nhất thể hóa ở cấp phường xã, quận huyện đang là công việc phải làm ngay trong thời gian tới, không thể chậm trễ. Vì túi tiền lương đã cạn. Thế là có Nghị quyết 18 về tinh giảm biên chế, hợp nhất một số chức vụ, giải thể một số cơ quan.
Tiền đã cạn, túi đã rỗng, ông bạn vàng phương Bắc chỉ có thể biếu tặng, thưởng công vài trăm triệu nhân dân tệ, đâu có thể cho vài tỷ, vài chục tỷ để cứu ngân sách thâm thủng nặng, vì tình hình tài chính của họ cũng gay go, dự trữ ngoại tệ teo dần nhanh. Càng giàu họ càng keo kiệt, huống hồ tài chính họ cũng đang lâm nguy !
Điều gì sẽ xảy ra trước mắt ?
Sẽ là một cuộc tranh dành ghế, ai đi ai ở, bao nhiêu vị "phó" sẽ bị thải loại ? họ là ai ? từ thứ trưởng các bộ, phó ban các ban (có đến hàng trăm vị), và hàng nghìn phó chủ tịch các ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân tỉnh, huyện, xã, và hàng vạn tổng cục phó, cục phó, vụ phó, viện phó, hàng chục vạn phó giám đốc, phó phòng các cơ quan các cấp bị dôi ra, coi như thừa, cần đưa đi nơi khác hoặc về nghỉ.
Sẽ có một sự xáo trộn ở mọi nơi, mọi cấp, không trừ một nơi nào, cấp nào. Các cơ quan tổ chức chuyên ban phát ghế tha hồ được lợi theo thói quen mua bán ghế. Các phe nhóm tha hồ tranh dành ghế, so đo, kèn cựa, kiện cáo, kể tội nhau, vu cáo nhau, thù oán sẽ lan tràn. Rồi họ hàng anh em, chú bác, con cháu bênh che nhau, không sao gỡ nổi, không ai làm trọng tài vô tư. Và sẽ là rối to, là loạn to, là rối loạn trong cả nước như một khối bòng bong, càng gỡ càng rối thêm.
Nếu hợp nhất 2 chức vụ Bí thư và chủ tịch huyện, xã thì ai đi ai ở ? ai chọn ?
Nếu giải thể các Ban chỉ đạo vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ với hàng vài trăm cán bộ thì chuyển họ về cơ quan nào đây, với chức vụ gì ?
Nếu hợp nhất Ban đối ngoại trung ương vào bộ Ngoại giao thì ai đi ai ở lại ?
Nếu hợp nhất ban Kinh tế trung ương đảng vào bộ Công thương thì các chức vụ bố trí ra sao đây ? ai làm trọng tài ?
Và hợp nhất ban Tổ chức trung ương vào Bộ Nội vụ thì sắp xếp ra sao ? cực kỳ phức tạp, khó khăn gay gắt, có thể sống mái với nhau, vì các vị trí này quá béo bở.
Số cán bộ, viên chức mất việc, chờ việc, sẽ có thể lên đến hàng triệu trong công cuộc tinh giảm biên chế chưa từng có này. Mà không làm thì không thể được, khi chính bộ nội vụ cho rằng có đến 30% cán bộ viên chức ăn lương mà không làm việc, có văn phòng tỉnh ủy chi hàng tỷ đồng để uống bia đãi khách, có nơi vợ chồng, anh em, con cháu một dòng họ chiếm trọn các chức vụ trong một huyện, một tỉnh.
Đã có một quyết định luân lưu cán bộ theo quy mô lớn sẽ làm cho sự rối rắm, hỗn độn lên đến tột đỉnh. Ai đi ? ai ở ? ai bị điều luân lưu về địa phương nào ? bao lâu ? sẽ có sự xáo trộn, đảo lộn, ra vào, lên xuống, xa gần không sao kể xiết. Và thời gian để kiện cáo, tố giác nhau, suy bì tỵ nạnh sẽ không còn giới hạn. Một mình ông tổng bí thư làm sao định đoạt, gỡ rối cho hết ? một mình bộ chính trị làm sao giải tỏa thỏa mãn mọi yêu cầu đề nghị về tổ chức cán bộ ?
Và rồi cuối năm năng xuất công việc sẽ giảm đi trông thấy, vì tình hình biến động, không sao ổn định, tâm lý xáo trộn, lo âu, cuộc đấu tranh nội bộ sẽ tràn lan, gay gắt, kéo dài, xã hội càng thêm bất ổn khi cuộc sống khó khăn, đồng tiền mất giá, xã hội hoảng loạn, bất an, niềm tin thủng đáy, đảng nghĩ một đằng, nhân dân mong một nẻo khác. Đảng chỉ lo giữ ghế thống trị, nhân dân khao khát dân chủ, tự do, bình đẳng, nhân quyền, thành quả phát triển được phân chia công bằng hợp pháp, phồn vinh an ninh cho toàn xã hội được chung hưởng.
Ngân sách cạn tận đáy, giảm biên chế quy mô lớn, xã hội xáo trộn, tất cả do chế độ độc đảng tạo nên, tự thú nhận thất bại của cả đường lối, chính sách đến học thuyết và mô hình cai trị mất gốc dân tộc, quay lưng lại với nhân dân.
Lễ kỷ niệm hoành tráng, duyệt binh rầm rộ, biểu tình quần chúng đông đảo, ăn uống linh đình, cờ và khẩu hiệu rực rỡ, diễn văn lê thê, thôi thì đủ như náo động.
Hội thảo Cách mạng tháng Mười Nga (1917 – 2017) ở Hà Nội
Năm nay kỷ niệm tròn 1 thế kỷ Cách mạng tháng Mười Nga (1917 – 2017), lẽ ra phải là ngày hội lớn nhất. Nhưng ở nước Nga, gần như yên lặng. Còn có gì để kỷ niệm ? Chỉ nổi cộm một vấn đề mong muốn một số người, ngay trong quốc hội Nga, là đưa thi hài đã rữa của ông V.I. Lenin về mai táng ở Petersburg để "giải phóng Hồng trường giữa thủ đô Moscow".
Ở Bắc Kinh cũng êm re, ông Tập Cận Bình tập trung sức củng cố thế lực "Hoàng đế Đỏ" của mình. Tại Bình Nhưỡng, Kim Jong-un đang bận rộn thử tên lửa và bom nguyên tử. Ở Cuba, sau khi Fidel Castro qua đời ông em già yếu Raul Castro đang lo chuyện bàn giao quyền lãnh đạo cho thế hệ mới.
Riêng tại Việt Nam, lãnh đạo ưa thích chơi đồ cổ, không có lễ kỷ niệm gì lớn, nhưng vẫn có một buổi tọa đàm nhỏ ngày 22/10 lưa thưa nhạt nhẽo, và một buổi hội thảo ngày 26/10 cũng nhạt nhẽo lưa thưa không kém do Học viện chính trị quốc gia cùng Ban Tuyên giáo trung ương đảng, Hội đồng lý luận trung ương và Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức. Đó là những tổ chức đặc sệt giáo điểu cổ hủ với những phát biểu già nua có từ nửa thế kỷ trước, đọc lại nguyên si, cứ như trái đất ngừng quay, đồng hồ ngừng chạy 30, 40 năm nay !
Vẫn là Marx–Lenin, là chủ nghĩa xã hội hiện thực, tương lai của thế giới cộng sản trên trái đất này ! Đọc và nghe mà khiếp vía ! Xưa là "hủ nho", nay là "hủ Marx" ! Không một trí thức tự do nào tham dự những buổi đọc kinh này.
May thay ! cũng vào ngày 26/10/2017 trên báo Washington Post có bài báo rất hay, bổ ích, lý thú của 2 nhà báo Greg Jaffe và Vidhi Osh nhan đề "Đây là một chỗ hiếm mà người cộng sản còn có thể mơ ước". Ở đâu vậy ? Xin hãy hồi hộp chờ xem.
Hai tác giả cho rằng hiện còn có 5 nước theo chủ nghĩa cộng sản. Đó là Trung Quốc, Việt Nam, Cuba, Bắc Triều Tiên và Lào. Tại đó học thuyết cộng sản đã phá sản hoàn toàn, do thực hiện những điều tệ hại nhất của chủ nghĩa Marx – Lê, áp dụng bạo lực, khủng bố, đấu tranh giai cấp khốc liệt trong nội bộ đảng và ngoài xã hội. Thiên đường chẳng thấy đâu, chỉ có chết chóc, nghèo đói, bất công, do đàn áp và thất bại, đổ vỡ, chỉ là địa ngục trần gian, tạo nên trên 100 triệu nhân mạng tiêu vong.
Chỉ có một nơi trên quả đất này, chủ nghĩa cộng sản có sức sống kỳ diệu, do những nhà lãnh đạo ở đó biết chắt lọc, chỉ thực hiện những điều tốt đẹp của chủ nghĩa Marx, kiên quyết xa rời những mặt tối, tiêu cực, có hại của cái học thuyết ấy.
Đó là bang Kerala thuộc Ấn Độ, có 35 triệu dân, do Đảng cộng sản Kerala lên nắm chính quyền từ năm 1957 đến nay qua tự do bầu cử. Đây là mảnh đất phì nhiêu vùng Tây Nam Ấn Độ, có 800 km bờ biển nhìn ra biển A-rập, theo đạo Phật gốc từ xa xưa vẫn mộ đạo đến ngày nay, chuộng từ bi hỷ xả, cứu nhân độ thế thành nếp sống và nếp tư duy văn hóa cao quý.
Đảng cộng sản Kerala hiện vẫn quý trọng cố Tổng bí thư đảng thời 1957 E.M.S.
Namboodiripad đã định hướng cho việc áp dụng chủ nghĩa Marx có lựa chọn, không mù quáng, không giáo điều, không Lenin, không Staline, cũng không Mao. Hai định hướng là giáo dục phát triển từ mầm non đến Đại học, trên đại học, luôn dẫn đầu toàn nước Ấn. Thứ hai là xã hội chăm lo sức khỏe cho toàn dân một cách bình đẳng, rộng rãi, có chất lượng cao nhất, không mất tiền.
Theo thống kê chung toàn Ấn Độ, Kerala là bang mũi nhọn,
Hiểu biết về cuộc sống ở Kerala áp dụng chủ nghĩa Marx một cách có sàng lọc theo chế độ xã hội dân chủ, tôi bỗng nghĩ đến chủ trương của cụ Phan Châu Trinh, nâng dân trí, hậu (làm cho hùng hậu) dân khí, vượng dân sinh, nếu được thực hiện cũng sẽ đạt Thiên đường trên đất mình, như Kerala-Thiên đường cộng sản hiện thực ngày nay vậy.
Chúng ta nên kết luận gì ở đây ? Về toán học thường quy luật nào cũng có một vài trường hợp lẻ loi, ngoại lệ. Nên có phương ngôn : "Ngoại lệ chứng minh cho quy luật". Kerala, chỉ chiếm có 1 phần trên 2 nghìn dân số toàn thế giới, 35 triệu trên 7,5 tỷ dân. Tác giả "Tuyên ngôn của đảng cộng sản" là Marx và Engels hy vọng hão huyền sẽ nhuốm đỏ toàn thế giới. Nhưng may mà có người biết cách thực hiện mặt ước vọng viển vông của học thuyết ấy bằng biện pháp riêng tư, bỏ qua các biện pháp bạo lực bất nhân, nên đã thắng lợi. Điều này không mảy may chứng minh sức sống của chủ nghĩa Marx, mà chỉ chứng minh đó là một tà thuyết chết người, bị 98% dân số thế giới bác bỏ dứt khoát. Kerala có giá trị là một ngoại lệ để chứng minh hùng hồn cho chân lý ấy. Cám ơn 2 nhà báo Greg Jaffe và Vidhi Osh đã nêu lên ngoại lệ hấp dẫn này.
Rất mong các đảng viên cộng sản Việt Nam, từ đảng viên thường, các trí thức có học, đến các ủy viên trung ương, các ủy viên Bộ Chính trị hãy tìm hiểu tường tận về Kerala, đi du lịch học hỏi tại chỗ không xa xôi gì, để ngẫm nghĩ cũng là người cộng sản mà sao họ minh mẫn thế, thông minh thế, vì dân đến thế, coi trọng giáo dục, văn hóa, y tế công cộng đến thế, xã hội bình đẳng an bình như thế, sao ta lại không làm nổi ? hãy cố đi một quãng đường gần, mở mắt nhìn ra nước ngoài, cố học một sàng khôn.
Bùi Tín
Nguồn : VOA, 30/10/2017
Tướng Nguyễn Chí Vịnh vừa sang Hoa Kỳ dự cuộc đối thoại quốc phòng Việt - Mỹ, với một số thỏa thuận nhằm tăng cường khả năng bảo vệ vùng ven biển Việt Nam, trao đổi kinh nghiệm trong huấn luyện, diễn tập chung, phía Mỹ giúp cho Việt Nam tẩy trừ chất Dioxin ở quanh sân bay Biên Hòa, tiếp theo việc hoàn thành việc tẩy trừ quanh sân bay Đà Nẵng.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh trao lại một số kỷ vật của Thượng nghị sĩ John McCain trong thời gian ông bị giam tạiHora Ló, Hà Nội, Việt Nam cuối những năm 1960, đầu những năm 1970 của thế kỷ trước.
Theo màn truyền hình VTV4 ngày 21/10, nhân dịp này thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh đã trao một món quà "rất quý" cho thượng nghị sĩ John McCain, hiện là Chủ tịch Ủy ban quốc phòng của Thượng viện Hoa Kỳ. Đó là một tập tài liệu đã ngả màu vàng xám, gồm một số lá thư riêng của gia đình, bố mẹ, vợ con, bạn bè ông McCain gửi cho ông trong gần 5 năm rưỡi ông bị cầm tù trong trại giam Hỏa Lò, Hà Nội.
Ông McCain là nhân vật nổi tiếng. Ông nội và cha ông đều là Đô đốc hải quân 4 sao, ngang cấp Đại tướng. Ông bị bắt khi ném bom nhà máy điện Hà Nội, bị bắn, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch, bị thương nặng, được cứu chữa và bị giam từ tháng 10 năm 1967 đến đầu năm 1973. Lúc ấy ông là Thiếu tá hải quân 31 tuổi.
Trở về Hoa Kỳ ông trở thành chính khách của đảng Cộng hòa rất có uy tín, 2 lần trúng cử ở Viện Dân biểu và 5 lần liền trúng cử Thượng nghị sĩ.
Tại sao ông Vịnh lại mang món quà "độc" trên đây sang Hoa Kỳ ? Chắc hẳn đã được sự tán thành của Bộ Ngoại giao và cả của Bộ Chính trị. Tôi dùng chữ "độc" với hàm cả 2 nghĩa, độc đáo với nghĩa tốt đẹp, khôn ngoan, hoặc với nghĩa độc hại, tệ hại.
Không biết ông McCain có vui mừng, hoan hỉ, biết ơn người trao tặng phẩm hay không. Bản tin không nói gì. Hay là theo phán đoán bình thường, ông McCain sẽ tỏ ra rất đau buồn và có thể rất phẫn nộ nữa. Hơn nữa lúc này ông lại đang bị bệnh hiểm nghèo ung thư trên não, mắt bị đau nặng.
Điều trên đây biểu lộ thái độ cực kỳ hà khắc đến độc ác, man rợ của chính quyền Việt Nam khi chủ trương tịch thu hết, còn lưu giữ mọi thư từ riêng tư của mấy trăm tù binh Mỹ do họ quản lý, không cho họ nhận tin tức của bố mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè mà họ mong ngóng ngày đêm, cũng giống như không mảy may quan tâm đến việc liên lạc thư từ của các quân nhân miền Bắc Việt Nam vào Nam chiến đấu.
Tại sao họ không trao trả những tập thư đó ngay từ đầu năm 1973, để ông McCain có thể đưa ra cho bố, mẹ, vợ con ông xem, sao họ lại ngâm tôm thêm 44 năm nữa, nay mới lấy ra làm mồi kết thân ! Thật không có gì tệ hại, vụng dại bằng !
Mấy năm trước, ông Phạm Quang Nghị trong Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội cũng sang Hoa Kỳ và tặng ông Mc Cain mấy bức ảnh chụp tấm bia lưu niệm cắm bên bờ hồ Trúc Bạch có ghi rõ tên tuổi, chức vụ, ngày tháng ông bị bắn rơi và bị bắt sống, điều không đẹp đẽ gì, gây nên phản cảm rất sâu nặng, cứ như cố tình khoét sâu thêm nỗi đau lòng về một số phận đen đủi mấy chục năm trước, điều mà đương sự chỉ muốn lãng quên, nay lại bị khơi dậy như trì triết nặng nề cố tình làm cho tủi nhục thêm. Cũng là một sự vụng dại độc hại về chính trị.
Đây có thể là do gốc gác của một chế độ rất thiếu văn hóa, không biết cách ứng xử văn minh, nhân ái và nhân đạo trong quan hệ quốc tế. Chủ quan và mù quáng, tự kiêu tự đại không đúng chỗ, không đúng lúc. Mà lại không xấu hổ.
Ắt hẳn trong đầu ông tướng Vịnh vốn lười học, - ăn chơi từ khi còn đi học ở trường kỹ thuật quân sự Vĩnh Phú như tướng Đặng Quốc Bảo hiệu trưởng từng kể lại - cũng như trong đầu các ủy viên Bộ Chính Trị chỉ có thể nghĩ rằng đưa lại bó thư quý cho đương sự ắt rằng đương sự sẽ chỉ biết ơn, coi đây là quà quý được ban phát cho không, vì họ chỉ quen suy nghĩ một chiều, lấy bụng ta suy ra bụng người khác.
Xin-cho, ban phát là nếp nghĩ độc nhất của họ. Ở trong nước chính sách này còn ít nhiều tác dụng, nhưng xuất khẩu nó thì thật là tệ hại.
Một điều dại dột, vụng về, ngớ ngẩn về ngọai giao mà cả Bộ Ngoại giao, cả Vụ Lễ tân, cả Ban đối ngọai trung ương đảng - hàng mấy trăm con người có học, không một ai lên tiếng ngăn cản, kể cả ông bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh có vẻ như vẫn còn mê ngủ, chưa mở mắt nhìn được thế giới đã bước vào bình minh của thế kỷ XXI !
Nguồn : VOA, 23/10/2017