Tổng cộng, FLC Faros của Trịnh Văn Quyết đã dễ dàng tăng vốn điều lệ khống 5 lần từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng
Ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC và ông Kevin McAllister, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Boeing thực hiện lễ ký kết dưới sự bảo trợ của Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng .
Với một nền kinh tế thị trường chịu sự định hướng triệt để của yêu cầu chính trị ở một Nhà nước cộng sản, liệu nếu muốn ‘qua mặt’ Đảng, có dễ không ?
Câu trả lời ở đây với cụ thể trường hợp của cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết, là "dễ" lắm, vì thiệt hại thuộc về nhà đầu tư, còn lúc thành "án" thì Nhà nước sẽ "thu" số tài sản có từ chuyện "dễ" này.
Hồ sơ điều tra được Bộ Công an công khai với báo chí về vụ ông Trịnh Văn Quyết, tóm lược như sau - trích :
Trong những năm đầu, công ty này của ông Quyết gần như không hoạt động, vốn điều lệ cũng không thay đổi - giữ nguyên mức 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên từ tháng 4/2014, ông Quyết chỉ đạo em gái mình là Trịnh Thị Minh Huế (nhân viên kế toán thuộc ban kế toán Tập đoàn FLC) cùng một số thuộc cấp nhiều lần lập hồ sơ góp vốn khống để "bơm" vốn điều lệ của công ty tăng "phi mã".
Những cổ đông của FLC Faros đã ký khống các chứng từ như ủy nhiệm chi, giấy nộp tiền mặt, giấy rút tiền mặt để em gái ông Quyết sử dụng làm thủ tục nộp tiền vào, rút tiền ra rồi nộp lại quay vòng nhiều lần. Vốn của FLC Faros "ảo" vì tiền góp vừa chuyển vào tài khoản ngân hàng đã vội rút ra qua nhiều hình thức như tạm ứng, trả trước, đầu tư, ủy thác đầu tư cho các cá nhân và tổ chức liên quan.
Tổng cộng, FLC Faros đã năm lần tăng vốn điều lệ khống từ 1,5 tỷ lên 4.300 tỷ đồng tương ứng với 430 triệu cổ phần. Để che giấu việc rút vốn ra, ông Quyết dùng cách lập các hợp đồng ủy thác đầu tư, cho vay vốn, hợp tác kinh doanh khống. Đến thời điểm hết hạn hợp đồng phải thu hồi các khoản ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh, cho vay vốn..., ông Quyết lại che giấu bằng cách ký các hợp đồng mua cổ phần các công ty thuộc nhóm FLC.
Sau khi nâng khống vốn điều lệ, biết Faros không đủ điều kiện được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh nhưng ông Quyết vẫn chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ gửi các cơ quan quản lý nhà nước đề nghị chấp thuận. Đến ngày 24-8/2016, mã cổ phiếu ROS được đưa lên sàn chứng khoán với số lượng 430 triệu cổ phiếu, mệnh giá 10.000 đồng, tổng giá trị cổ phiếu theo mệnh giá 4.300 tỷ đồng.
Từ tháng 9/2016 đến tháng 3/2022, ông Quyết giao cho bà Huế sử dụng các tài khoản dưới tên Trịnh Văn Quyết và 40 tài khoản chứng khoán nhờ người khác đứng tên để thực hiện việc mua, bán cổ phiếu ROS. Tổng cộng, bà Huế đã bán hơn 391 triệu cổ phiếu ROS ban đầu hình thành từ vốn góp khống (cổ phiếu không đảm bảo giá trị) thu được hơn 4.800 tỷ đồng.
Tại Faros, vốn điều lệ là 4.300 tỷ đồng nhưng số tiền thực góp của các cổ đông là 1.197 tỷ đồng, được sử dụng cho các hoạt động tổng thầu thi công các dự án của FLC trước khi niêm yết. Do đó, cơ quan điều tra xác định ông Trịnh Văn Quyết đã chiếm đoạt số tiền các nhà đầu tư mua cổ phiếu ROS là hơn 3.600 tỷ đồng. Ngoài ra, ông Quyết còn bị cáo buộc chỉ đạo em gái dùng 500 tài khoản chứng khoán liên tục mua bán, khớp chéo tạo cung - cầu giả, "lái" năm mã cổ phiếu "họ" FLC tăng từ 70 - 1.700%.
Theo kết luận, với mã chứng khoán AMD, chỉ trong vòng hai tháng đã bị nhóm của Trịnh Văn Quyết thao túng "thổi giá" tăng hơn 70% từ 13.750 đồng/cổ phiếu lên 23.450 đồng/cổ phiếu. Với riêng mã này, ông Quyết thu lời bất chính hơn 39 tỷ đồng. Với mã chứng khoán HAI của Công ty cổ phần nông dược HAI, nhóm của Trịnh Văn Quyết đã thao túng "thổi giá" tăng đến mức hơn 459%...
Một viên chức của Sở Giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra giải thích ngắn gọn và… khó hiểu cho biện giải về vụ án Trịnh Văn Quyết : "Cách thức chung để ngăn chặn hoạt động thao túng trên thị trường chứng khoán là bộ máy quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phải có đủ thẩm quyền" (?!).
Với cách biện giải trên cho thấy Trịnh Văn Quyết chỉ là phần nổii của tảng băng ngầm về muôn mặt thao túng chứng khoán ở nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trần Dzạ Dzũng
Nguồn : VNTB, 31/10/2023
Nơi đáng sợ đối với đại gia
Mới đây báo chí đã đăng tin về một status của ông Đặng Tất Thắng, cựu Phó Tổng Giám đốc FLC , cựu Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị FLC và là cựu Chủ tịch Bamboo Airways.
Trịnh Văn Quyết bị giam chung với tội phạm hình sự Ảnh minh họa
Nội dung của status này như sau :
"Chúc mừng sinh nhật anh tôi… anh Q.
Lần đầu tôi được vào thăm anh, tôi là người ôm anh đầu tiên, hỏi thăm : Anh có khỏe không ? ? ? Anh kêu anh khỏe, chỉ mỗi ở đây là quá khổ thôi. Chả hiểu sao anh gặp ai cũng chào là Thầy. Hóa ra ở trong đấy là thế.
Trước khi chia tay anh với tôi có nói với nhau : Tại sao tù kinh tế lại giam cùng Cướp, Giết, Hiếp … anh có làm hại ai bao giờ đâu ? Tôi ôm mà rưng rưng
Lần sau cùng tôi và anh gặp nhau là lần anh và tôi đưa Bamboo Airways cho người khác… tôi khóc, lần hiếm hoi trong đời tôi khóc mà anh không khóc, anh nắm tay tôi và kêu chờ anh ra nhé, không được đi đâu, anh hiểu em…
Chúc mừng anh, người anh, người thầy… mong rằng đâu đó trong kia có người đưa anh đọc FB của em…".
Đấy là nội dung mà ông Đặng Tất Thắng đã chia sẻ trên trang facebook Thang Dang. Nội dung cuộc gặp gỡ này đã giúp xã hội thấy ra nhiều điều. Bỏ qua phần tình cảm giữa hai cựu lãnh đạo FLC và Bamboo Airways, phần còn lại là sự thật trần trụi bên trong nhà tù. Đó là, chính quyền họ đã giam tù nhân kinh tế chung với những tội phạm nguy hiểm Cướp Giết Hiếp.
Giới làm ăn, họ phạm tội thì họ sẽ trả giá bằng án tù, nếu bị tòa tuyên có tội. Những tội phạm kinh tế không nên bị nhốt chung với những thành phần nguy hiểm, như vậy rất có thể tính mạng của họ sẽ bị đe dọa. Tù nhân họ chỉ bị mất quyền công dân, họ vẫn còn đầy đủ quyền con người, không thể bị đẩy đến giới hạn của sự nguy hiểm.
Lâu nay người dân nghĩ rằng, tù nhân kinh tế vẫn sống như ông hoàng trong trại giam vì họ có tiền. Có thể họ sống dễ dàng hơn tù nhân bình thường khác, tuy không thể như tiên, nhưng sự việc này cho thấy một thực tế rất khác. Việc chính quyền giam giữ những người bình thường chung với loại tội phạm Cướp Hiếp Giết là sự vô trách nhiệm. Nếu ông Trịnh Văn Quyết mà bị loại tội phạm đầu gấu kia tấn công thì không biết trại giam có chịu trách nhiệm hay không ?
Có ý kiến cho rằng, tội phạm Việt Nam quá nhiều, rất có thể nhà tù không có nơi phân loại tù nhân thường và tù nhân nguy hiểm, và họ phải giam chung như vậy. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, bản chất của nhà tù cộng sản là khắc nghiệt, bởi những tù nhân lương tâm từng bị bắt tù cũng đã mô tả cho xã hội biết nhiều về điều kiện sinh hoạt đáng kinh tởm và cách hành xử rất hà khắc của cai ngục.
Tình trạng xem nhẹ quyền con người của trại giam chế độ đã bị các nhà phản biện xã hội nói nhiều, đã bị các tổ chức quốc tế lên tiếng, nhưng nó vẫn không được cải thiện. Điều đáng nói là, giới làm ăn vì kiếm tiền nhờ quan hệ chính trị đã phớt lờ những tiếng nói chính trực.
Ngày nay, đại gia bị sa lưới pháp luật ngày càng nhiều. Nội dung status trên cho thấy ông Trịnh Văn Quyết có nhận ra điều bất nhân của nhà tù, tuy nhiên, không biết liệu ông có dám can đảm phản đối chế độ cai ngục hà khắc như những anh Trần Huỳnh Duy Thức, hay cựu tù nhân lương tâm Điếu Cày Nguyễn Văn Hải đã từng làm hay không ? Hay ông biết mà vẫn chỉ dám âm thầm nói nhỏ cho người thân biết, chứ không mạnh mẽ lên tiếng ?
Nay đã là thế kỷ 21, là rất nhiều nước trên thế giới không còn sử dụng những đòn trừng phạt hà khắc với tù nhân nữa, thì với nhà tù cộng sản dường như vẫn không hề có cải thiện gì cả. Với các đại gia hiện nay chưa bị cầm tù, họ có thấy rằng, nhà tù của chế độ này có vấn đề không ? Và nếu nhận ra, liệu họ có dám nói tiếng nói phản đối hay không ?
Người bị tù, không phải ai cũng đủ sức khỏe để chống lại đầu gấu hay đại bàng trại giam. Nhốt tất cả chung với thành phần bất hảo, chính quyền này dường như không xem tù nhân là con người.
Ngọc Bảo (Tổng hợp)
Nguồn : Thoibao.de, 30/11/2022
Ngày 12/5, hàng trăm nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long đã tập trung tại trụ sở FLC (Cầu Giấy, Hà Nội) để yêu cầu tập đoàn này thanh toán lợi nhận theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Nhà đầu tư ‘vây’ trụ sở FLC ngày 12/5
Theo phản ánh, trong gần 1 năm qua, hàng trăm nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long vô cùng bức xúc trước việc Tập đoàn FLC chây ì, trì hoãn việc thanh toán lợi nhuận theo đúng hợp đồng đã ký kết.
Dự án FLC Hạ Long là tổ hợp khách sạn và biệt thự được khởi công xây dựng từ năm 2016 và đưa vào hoạt động cuối năm 2018 ; riêng tòa khách sạn 5 sao với hơn 600 căn hộ do nhà đầu tư góp vốn. Lúc nhận bàn giao nhà cũng là lúc hai bên ký hợp đồng thỏa thận theo hình thức condotel. Theo đó, FLC sẽ thuê lại tất cả các căn hộ của nhà đầu tư góp vốn để kinh doanh.
Theo hợp đồng này, FLC cam kết hàng năm sẽ trả lợi nhuận 12% trên tổng số vốn nhà đầu tư. Tập đoàn này cũng cam kết mỗi năm sẽ trả lợi nhận làm 2 đợt vào đúng ngày 30/6 và 31/12. Cũng theo điều khoản trong hợp đồng này, nếu FLC chậm thanh toán ngày nào thì phải trả mức 150% lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Mặc dù hợp đồng đã ký kết như vậy, nhưng các nhà đầu tư lại cho rằng trên thực tế, việc thanh toán lợi nhuận kì 1 (6 tháng đầu năm 2019) đã bị FLC Hạ Long chây ì, trì hoãn nhiều tháng.
Cụ thể, cho đến hết tháng 8/2019, FLC Ha Long vẫn chưa thanh toán lợi nhuận. Từ giữa tháng 9, FLC Hạ Long có thanh toán nhưng rất "nhỏ giọt". Theo các nhà đầu tư, việc trả lợi nhuận đợt 1 về nguyên tắc phải làm đúng ngày 30/6/2019 nhưng mãi đến hết tháng 12 mới xong và họ phớt lờ thanh toán khoản 150% lãi suất ngân hàng do thanh toán chậm. Đến đợt 2, về nguyên tắc phải trả vào ngày 31/12/2019 song cho đến tận bây giờ, FLC vẫn chưa thưc thực hiện việc thanh toán lợi nhuận.
Đáng nói là đã chậm thực hiện thanh toán lợi nhuận nhưng phía FLC lại không tiến hành xin lỗi, thông báo hay đàm phán với các nhà đầu tư. Cực chẳng đã, hàng trăm nhà đầu tư đã phải tập trung tại trụ sở của FLC, căng băng rôn đòi tập đoàn đàm phán và thanh toán lợi nhuận.
Theo tìm hiểu của VietnamFinance, liên quan đến dự án FLC Hạ Long, vào tháng 02/2020, FLC đã phát đi thông báo về việc tạm dừng chi trả lợi nhuận theo nội dung đã cam kết trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Theo đó, công ty này quyết định tạm thời dừng chi trả lợi nhuận cam kết cho khách hàng ở một số dự án nghỉ dưỡng gồm : The Coastal Hill Quy Nhơn, Condotel Quảng Bình, Condotel Hạ Long (năm đầu). Doanh nghiệp này cho biết sẽ thông báo về thời hạn trả lợi nhuận cụ thể ngay sau khi tổ chức y tế thế giới WHO tuyên bố hết dịch, khi các cơ sở kinh doanh FLC trở lại hoạt động.
Mặc dù vậy, các nhà đầu tư cho rằng việc FLC lấy lý do ảnh hưởng của dịch bệnh để chậm thanh toán lợi nhuận đợt 2 năm 2019 là không thuyết phục, bởi việc kinh doanh trong 6 tháng cuối năm 2019 của tập đoàn này hoàn toàn chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, thậm chí còn "làm ăn rất tốt".
"FLC lấy lý do dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng tới nguồn thu nên chưa thể thanh toán lợi nhuận cho chúng tôi. Tuy nhiên, tập đoàn này lại có tiền để vừa khởi công tòa tháp cao 72 tầng tại Hải Phòng với tổng mức đầu tư hơn 3.472 tỷ đồng là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được", một nhà đầu tư tại dự án FLC Hạ Long nói với VietnamFinance.
Được biết, giá bán căn hộ tại FLC Hạ Long từ 52,3 triệu đồng đến 60 triệu đồng/m2 (cao hơn nhiều so với giá nhà chung cư cao cấp ở Hà Nội).
Ảnh chụp điều khoản ‘Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng’ trong hợp đồng mà FLC đã ký với các nhà đầu tư
Đây không phải lần đầu tiên FLC bị vây trong giai đoạn cả nước đang chiến đấu với đại dịch Covid-19. Sáng 18/4, hàng chục khách mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn đã vây khu vực dự án thuộc phường Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Quy Nhơn, Bình Định căng băngrôn đòi căn hộ vì cho rằng nhà đầu tư chậm bàn giao nhà hơn 1 năm.
Anh T.H.N. (một khách hàng mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn) cho biết ngày 5/10/2017, anh ký hợp đồng với đại diện bên bán là ông Nguyễn Thiện Phú - phó giám đốc Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros - mua 1 căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn có diện tích 45,4m2 với giá 1 tỉ 430 triệu đồng.
Theo anh N., hợp đồng nêu rõ : "Bên bán dự kiến bàn giao căn hộ cho bên mua vào quý 4/2018. Các bên thống nhất thời gian bàn giao căn hộ có thể được gia hạn tối đa 2 lần nhưng mỗi lần không được chậm quá 45 ngày kể từ ngày cuối cùng của thời điểm dự kiến bàn giao".
"Đến hết quý 4-2018, công thêm cả 2 lần gia hạn tối đa 45 ngày, theo hợp đồng ký kết FLC Faros đã chậm hơn 1 năm. Điều khiến chúng tôi "ăn không ngon ngủ không yên" là dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn vẫn còn nhiều hạng mục thi công dang dở" - anh N. bức xúc.
Dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn (khách sạn 5 sao và công trình phức hợp nhà ở dạng căn hộ khách sạn kết hợp thương mại dịch vụ) được UBND tỉnh Bình Định giao đất, cho thuê đất cho Công ty FLC Faros ngày 17/11/2016. Khu đất có diện tích 17.426,4m2 thuộc khu quy hoạch Trung đoàn vận tải 655, phường Nguyễn Văn Cừ, Thành phố Quy Nhơn. Thời hạn thuê 50 năm kể từ ngày ký quyết định.
Khách hàng mua căn hộ tại dự án FLC Sea Tower Quy Nhơn căng băng rôn đòi chủ đầu tư bàn giao căn hộ sáng 18/4
Đại dịch Covid-19 dường như đã đẩy Tập đoàn FLC vào cơn bĩ cực khi mới đây hãng hàng không thuộc Tập đoàn FLC là Bamboo Airways bị truyền thông đưa tin là nợ như ‘Chúa Chổm’.
Ngày 7/5, báo chí phản ánh về việc thời gian qua, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Quản lý bay (VATM), Công ty cổ phần mặt đất Sài Gòn (SAGS) và Công ty cổ phần mặt đất Hà Nội (HGS)… gửi nhiều văn bản thúc nợ Công ty cổ phần Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) trong tháng 2, tháng 3 và đầu tháng 4.
Các chủ nợ cũng đồng thời gửi báo cáo lên Bộ Giao thông và vận tải về tình hình công nợ năm 2019 và những tháng đầu năm 2020 mà hãng hàng không tư nhân này chưa chịu thanh toán.
Cụ thể, ACV đã có văn bản gửi Bộ Giao thông và vận tải và Cục hàng không Việt Nam về việc Bamboo Airways chậm thanh toán tiền dịch vụ và đang nợ 205 tỷ đồng.
Theo ACV, việc thực hiện hợp đồng về điều khoản thanh toán, hãng Bamboo Airways thường xuyên không đúng thời hạn thanh toán và không đảm bảo mức bảo lãnh thanh toán thực hiện hợp đồng theo đúng quy định của hợp đồng đã ký kết.
Hãng bay của tỷ phú Trịnh Văn Quyết thường xuyên chậm thanh toán trung bình khoảng 42 ngày so với thời hạn thanh toán quy định trong hợp đồng đã ký kết. Tính đến hết ngày 18/3, Bamboo Airways đang nợ ACV hơn 205 tỉ đồng .
Trong số đó, tổng số nợ quá hạn là hơn 178,7 tỷ đồng, bao gồm 107,3 tỷ đồng phí dịch vụ phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh hành khách, hành lý mà Bamboo Airways đã thu hộ ACV.
Số tiền còn lại là 71,3 tỷ đồng tiền dịch vụ phục vụ mặt đất, phục vụ cảng do ACV trực tiếp cung cấp cho Bamboo Airways. Bên cạnh các khoản trên, Bamboo Airways còn 25,7 tỷ đồng nợ chưa tới hạn trả và 4,5 tỷ đồng tiền lãi quá hạn theo hợp đồng giữa hai bên.
Ảnh 4 : Máy bay Airbus A321 Neo của Bamboo Airways tại cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài
Sự việc căng thẳng đến mức khiến Chủ tịch Bamboo Airways Trịnh Văn Quyết phải lên facebook cá nhân để trần tình.
Trên trang Facebook cá nhân, ông Trịnh Văn Quyết đã phản bác thông tin mà báo giới phản ánh, gây xôn xao dư luận trong ngày 7/5.
Theo đó, ông Trịnh Văn Quyết cho biết cũng như nhiều doanh nghiệp Việt Nam khác, FLC trong lịch sử hoạt động đã không ít lần bị tấn công bởi các "thông tin bẩn" trên báo chí và mạng xã hội. Mới đây nhất là tin đồn bịa đặt "Bamboo Airways bán 49% cổ phần cho Trung Quốc" lan tràn nhiều nơi trên Facebook.
"Hoặc như bản tin tôi đọc được hôm nay trên báo về việc Bamboo Airways hiện vẫn chây ì, chúa chổm, chưa chịu thanh toán nợ cho ACV", ông Quyết viết trên trang cá nhân.
Về vấn đề này, ông Quyết khẳng định đến thời điểm hiện tại, Bamboo Airways đã thanh toán toàn bộ công nợ cho hợp đồng năm 2019 (bao gồm cả các khoản phí thu hộ là phí phục vụ hành khách, soi chiếu an ninh) với ACV.
Đối với các khoản nợ phát sinh trong năm 2020, ông Quyết cho biết Bamboo Airways đã đạt được thỏa thuận với ACV, để làm cơ sở cho việc thanh toán công nợ trong giai đoạn đầu năm 2020, bất chấp bối cảnh chung của các hãng hàng không từ đầu năm đến nay vẫn đang rất khó khăn do đại dịch.
Chủ tịch Bamboo Airways cũng cho biết thêm trong báo cáo tài chính quý I/2020 của ACV, thì khoản phải thu tính đến tháng 3/2020 của ACV đối với Bamboo Airways là nhỏ nhất trong top 3 hãng hàng không lớn nhất Việt Nam. Con số nợ ACV của hai hãng lớn còn lại đều gấp gần 3 lần hãng hàng không của ông Quyết.
Bản thân ông Trịnh Văn Quyết, cựu Chủ tịch Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (ROS) trong vòng chưa đầy một tháng sau khi từ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị đã liên tiếp 2 lần thoái vốn tại ROS, lần đầu ông bán 53,8 triệu cổ phiếu nhưng vẫn là cổ đông lớn nhất ; giao dịch được thực hiện ngày 10/4, tức ba ngày sau khi ông rời ghế lãnh đạo nên không phải báo cáo trước với HoSE. Lần thứ hai, ông bán 5 triệu cổ phiếu, giảm tỷ lệ sở hữu tại đây xuống 40,95% ; giao dịch được thực hiện ngày 06/5 vừa qua. Trong báo cáo mới đây, người thân của ông cũng đã bán toàn bộ 1,8 triệu cổ phiếu này.
Tại phiên họp thường niên đầu tháng 5, nhiều cổ đông chất vấn ban lãnh đạo FLC Faros về quyết định từ chức và thoái vốn của ông Quyết. Tuy nhiên, đại diện doanh nghiệp này cho rằng đây là các quyết định cá nhân theo nhu cầu tài chính nên không thể can thiệp. Việc từ chức có thể vì cần tập trung thời gian cho hai công ty khác là Tập đoàn FLC và Bamboo Airways.
Sau khi ông Quyết rời công ty, cổ phiếu ROS giảm mạnh từ vùng 4.100 đồng xuống 3.500 đồng.
Ảnh chụp ‘tâm thư’ của Chủ tịch Trịnh Văn Quyết trên trang facebook cá nhân
FLC của ông Trịnh Văn Quyết những năm gần đây dính nhiều bê bối. Phiên tòa vào ngày 30/9/2019 tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy (Hà Nội) về vụ kiện giữa Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam liên quan đến bài viết "Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỷ đồng" đã được đông đảo dư luận quan tâm và hôm nay 15/5 vừa mới diễn ra phiên xử phúc thẩm.
Đáng chú ý là trong báo cáo tài chính 2016 và 2017 của Tập đoàn FLC đã thể hiện rõ nợ Tập đoàn Hòa Bình 213 tỷ đồng. Trong thư xác nhận nợ mà Tập đoàn FLC đề nghị Tập đoàn Hòa Bình xác nhận vào ngày 08/02/2018 cũng ghi rõ số tiền nợ là 213 tỷ đồng, để phục vụ công tác kiểm toán theo quy định của pháp luật và đó quyết không thể là hành vi gian dối.
Từ năm 2015 đến tháng 8/2018, Tập đoàn Hòa Bình đã 13 lần gửi công văn yêu cầu Tập đoàn FLC thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
Đây là những chứng cứ quan trọng xác định trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán của Tập đoàn FLC với Tập đoàn Hòa Bình.
Đại diện của Tập đoàn Hòa Bình nhiều lần khẳng định tại Tòa rằng số nợ được xác lập chứ không đàm phán.
Tuy nhiên, Hội đồng xét xử lại nhận định theo hướng chưa thống nhất giữa hai doanh nghiệp, không đánh giá về các chứng cứ nêu trên, dẫn tới bản án bị sai lệch.
Phiên tòa ngày 30/9 tại Tòa án nhân dân quận Cầu Giấy phán quyết buộc Báo điện tử Giáo dục Việt Nam gỡ bỏ bài viết, xin lỗi công khai và đền bù Tập đoàn FLC.
Phán quyết của Tòa được giới chuyên gia đánh giá là vô căn cứ.
Trong một diễn biến mới nhất, hôm nay, ngày 15/5, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội đưa vụ kiện giữa Công ty cổ phần tập đoàn FLC (Tập đoàn FLC) và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam) ra xét xử phúc thẩm.
Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của bị đơn – Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Tại tòa, Tập đoàn FLC giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, giữ nguyên án sơ thẩm. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của tập đoàn FLC đối với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, buộc tạp chí phải đăng các lời cải chính, xin lỗi trên báo chí. Buộc tạp chí phải bồi thường cho tập đoàn FLC số tiền hơn 14 triệu đồng.
Một lần nữa, phiên tòa lại đưa ra phán quyết không hợp lý, gây bức xúc trong dư luận.
Toàn cảnh phiên tòa Tập đoàn FLC kiện Báo điện tử Giáo dục Việt Nam
Là một trong những tập đoàn được nhiều người ví lớn mạnh rất nhanh như ‘Thánh Gióng’ của Việt Nam, bên cạnh những nghi vấn về quá trình phát triển ‘thần kỳ’ với những dự án trên những khu vực trọng điểm trên khắp đất nước, FLC cũng liên tiếp gặp phải những lùm xùm xung quanh việc bảo đảm quyền lợi của các khách hàng, nhà đầu tư và đối tác.
Nhưng liên tiếp những vụ việc trong những năm vừa qua của FLC khiến dư luận phải đặt câu hỏi liệu doanh nghiệp này còn tồn tại được bao lâu hay FLC đã quá lớn để có thể sụp đổ bởi sự đổ vỡ của nó chắc chắn sẽ kéo theo những hệ lụy kinh hoàng cho thể chế cộng sản ở Việt Nam?
Thu Thủy (Thành phố Hồ Chí Minh)
Nguồn : Thoibao.de, 16/05/2020