Cuộc bầu cử giữa kỳ vừa qua Tổng thống Trump và đảng Dân Chủ đều tuyên bố thắng cử, cẩn thận phân tích sẽ thấy rõ điều đó thực sự đã xảy ra.
Phân tích sâu hơn sẽ thấy rõ cử tri Mỹ đã ủng hộ ông Trump trong cuộc chiến chống lại Bắc Kinh và ủng hộ đảng Dân Chủ kiểm soát ông Trump tập trung vào hướng đối ngoại này.
Dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Trump trừng phạt Bắc Kinh
Tuyên bố thắng lớn…
Theo Tu chính án 17, bầu cử Thượng viện chỉ mới bắt đầu từ năm 1913, còn trước đó Thượng viện được các nghị viện tiểu bang bầu ra.
Kết quả cuộc bầu cử lần này được ông Trump xem là thắng lớn như ông giải thích trên Twitter : "Chỉ 5 lần trong 105 năm, một Tổng thống đương nhiệm giành được thêm ghế Thượng viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ."
Các cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây đảng của tổng thống đương nhiệm thường bị mất một số ghế ở cả hai viện.
Theo ước tính lần này đảng Cộng Hòa có thêm chừng 3 ghế nghị sỹ nhưng lại mất chừng 35 ghế dân biểu, đảng Dân Chủ giành được quyền kiểm soát Hạ viện.
Một số nghị sĩ có quan điểm chống lại ông Trump, như ông Bob Corker, tiểu bang Tennessee, ông Jeff Flake, tiểu bang Arizona đã quyết định không ra tranh cử, còn ông John McCain đã qua đời vài tháng trước.
Thượng viện sắp tới sẽ dễ dàng ủng hộ ông Trump trong việc bổ nhiệm thêm thẩm phán, các viên chức chính phủ và cản trở Hạ viện tiến hành luận tội và truất phế ông.
Đảng Cộng Hòa đã chiếm được ghế của hai nghị sĩ Dân chủ chống lại việc đánh thuế trên hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Nghị sĩ Claire McCaskill ở tiểu bang Missouri chỉ còn được 45.5% phiếu bầu nhường ghế cho ông Josh Hawley thuộc đảng Cộng Hòa.
Nghị sĩ Heidi Heitkamp ở tiểu bang Bắc Dakota chỉ được 43.5% phiếu thua rất xa đối thủ đảng Cộng Hòa là ông Kevin Cramer.
Nghị sĩ Dân chủ Sherrod Brown, ở tiểu bang Ohio, công khai tuyên bố ủng hộ việc đánh thuế hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc đã giữ được chiếc ghế của mình.
Có 43 dân biểu đảng Cộng hòa không ra tranh cử, nhiều người đã bỏ phiếu chống lại các dự luật do ông Trump đưa ra trong hai năm qua.
Kết quả cuộc bầu cử tạo cơ hội cho ông Trump có được những dân biểu và nghị sỹ đảng Cộng Hòa ủng hộ nên việc ông đánh giá kết quả là "thắng lợi to lớn" không có gì là quá đáng hay quá chủ quan.
Đảng Dân chủ thắng Hạ viện…
Điều hết sức lý thú là có thêm rất nhiều phụ nữ thắng cử và các vị tân dân cử này có nguồn gốc và khuynh hướng rất khác nhau.
Tân dân biểu Sharice Davids và Debra Haaland là hai phụ nữ gốc người da đỏ đầu tiên được bầu vào Quốc Hội Mỹ.
Cô Sharice Davids còn là dân biểu đầu tiên công khai là người đồng tính.
Tân dân biểu Rashida Tlaib người gốc Palestine và Ilhan Omar người gốc Somali, là hai phụ nữ Hồi giáo đầu tiên trúng cử vào Quốc hội Mỹ.
Tân dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez là phụ nữ trẻ nhất khi trở thành dân biểu chỉ mới 29 tuổi.
Cô được nhiều người biết tới vì thành viên của tổ chức Dân chủ Xã hội theo khuynh hướng xã hội chủ nghĩa và đã giành được 78% phiếu tại quận 14, New York.
Về phụ nữ Mỹ gốc Việt phải kể đến Dân biểu Stephanie Murphy, tên Việt là Đặng Thị Ngọc Dung, vừa được tái đắc cử với tỷ lệ 58% phiếu cử tri.
Dân biểu Stephanie Murphy là người có khuynh hướng hợp tác lưỡng đảng, trong nhiệm kỳ trước bà nhiều lần biểu quyết thuận theo các đạo luật do đảng Cộng Hòa đưa ra.
Với nhiều dân biểu phụ nữ thuộc nhiều nguồn gốc và ý thức hệ khác nhau sẽ là thế mạnh cho đảng Dân chủ nếu họ có thể dung hòa được và sử dụng thế mạnh này trong lần tranh cử tổng thống sắp tới.
Nếu không thực hiện được nội bộ của họ sẽ phân chia ý thức hệ, tranh cãi phương cách điều hành và tranh giành quyền lực cấu xé lẫn nhau.
Trong những ngày sắp tới Hạ viện sẽ bầu lại chủ tịch. Tổng thống Trump đã công khai ủng hộ dân biểu Nancy Pelosi hiện là lãnh đạo phe thiểu số.
Ông Trump cho biết bà Nancy Pelosi chủ trương đoàn kết xây dựng hữu nghị lưỡng đảng và ông sẵn sàng kêu gọi các dân biểu đảng Cộng Hòa đoàn kết dồn phiếu cho bà.
Bất cứ điều gì Tổng thống Trump đã, đang và sẽ làm nếu vi phạm luật pháp Hoa Kỳ đều có thể bị Hạ viện mang ra luận tội. Thiếu sự hợp tác lưỡng đảng việc luận tội và truất phế Tổng thống Trump có thể xảy ra.
Đảng Cộng Hòa hiện đang kiểm soát Thượng viện nên có thể kềm hãm việc xảy ra. Đây có lẽ là yếu tố mà rất nhiều cử tri Mỹ dành phiếu Thượng viện và Hạ viện cho hai đảng khác nhau.
Được CNN phỏng vấn hôm 8/11/2018, bà Nancy Pelosi cho biết đảng Dân chủ có một số ưu tiên phải làm trong các lĩnh vực như lương lao động, chăm sóc y tế và tính toàn vẹn của chính phủ và các vấn đề khác.
Bà còn cho biết "Nếu có bằng chứng tổng thống nên bị luận tội, thì phải rõ ràng với công chúng và tiến hành theo cách lưỡng đảng".
Tổng thống Trump cũng đã đưa ra một hướng đi khá rõ ràng. Đảng Dân chủ nay đã kiểm soát Hạ viện nên cần chủ động đưa ra các kế hoạch về cơ sở hạ tầng, kế hoạch về chăm sóc y tế, hay bất cứ kế hoạch nào, ông và đảng Cộng hòa sẽ tiến hành đàm phán.
Chiến tranh Bắc Kinh ngọn cờ tranh cử…
Chiến thắng lớn nhất của ông Trump là đã chuyển đổi được suy nghĩ của đa số cử tri Mỹ về việc trừng phạt thương mãi Bắc Kinh.
Từ nhiều thập niên đa số các nhà kinh tế học Mỹ và thế giới đều chạy theo lý thuyết kinh tế tự do và quên đi thực tế chính trị.
Những người này lại ảnh hưởng truyền thông báo chí, ảnh hưởng các chính trị gia và ảnh hưởng dư luận rằng tự do thương mãi sẽ mang lại lợi ích cho nước Mỹ và cho thế giới.
Nhiều chính trị gia, nhất là các chính trị gia thuộc đảng Dân chủ bị chụp cho các mũ "bảo hộ công nghiệp" chống lại kinh tế tự do khi lên tiếng đòi hỏi bảo vệ công ăn việc làm cho cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Cho đến đầu tháng 8/2018, truyền thông báo chí, tầng lớp khoa bảng và đối thủ chính trị vẫn đội cho ông Trump cái mũ "bảo hộ công nghiệp" thật lớn.
Trong khi ông Trump thẳng thừng điểm mặt Bắc Kinh là "lũ cướp", cướp công ăn việc làm, cướp tài sản trí tuệ, không tôn trọng lời hứa, không tôn trọng luật chơi… và sứ mệnh cử tri Mỹ giao cho ông là thẳng tay trừng phạt Bắc Kinh.
Càng ngày càng nhiều người hiểu ra bản chất của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh. Khuynh hướng chống đối ông giảm mạnh và khuynh hướng ủng hộ ông gia tăng.
Đặc biệt cử tri Mỹ gốc Việt lên đến 64% ủng hộ ông Trump khi ông phát động cuộc chiến chống lại Bắc Kinh.
Số cử tri Mỹ đi bầu thật đông với một tỷ lệ khá cao cử tri Mỹ đã dành phiếu Thượng viện cho đảng Cộng Hòa nhưng lại bầu cho đảng Dân Chủ tại Hạ viện.
Kết quả cuộc bầu cử cho thấy dân Mỹ ủng hộ ông Trump trong cuộc chiến chống lại Bắc Kinh.
Quan điểm lưỡng đảng…
Trong cuộc họp báo sau bầu cử vào sáng ngày 7/11/2018, ông Trump mong rằng cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có thể góp phần khắc phục sự chia rẽ nghiêm trọng của nước Mỹ.
Nay công việc đã trở lại với nước Mỹ, các khoản thuế người Trung Quốc phải trả cho nước Mỹ sẽ được sử dụng cho lợi ích nước Mỹ… Điều ông muốn thực hiện là đoàn kết và hợp tác lưỡng đảng để phục vụ nước Mỹ.
Ông không muốn tiếp tục chứng kiến cảnh Trung Quốc sử dụng sức mạnh kinh tế của họ để kiểm soát toàn cầu.
Dân biểu Eliot Engel, ứng cử viên Dân chủ cho Ủy ban Đối ngoại Hạ viện, cho biết Đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy ông Trump đưa ra các chính sách hà khắc hơn đối với Nga, Ả Rập và Bắc Triều Tiên. Nhưng với Trung Quốc và Iran, ông thừa nhận rằng họ không thể làm gì nhiều để thay đổi nguyên trạng.
Về chiến tranh thương mại phía Dân chủ muốn ông Trump phải giải trình nhiều hơn về mức thuế đánh trên các hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc.
Đây là dấu hiệu cho thấy trong 2 năm tới ông Trump sẽ tập trung vào chính sách đối ngoại để định hình chính trị thế giới điều mà ông luôn bày tỏ sự quan tâm.
Cuộc gặp tại Argentina…
Ngày 1/11/2018 trên Twitter ông Trump cho biết ông đã có 1 cuộc nói chuyện dài và rất tốt với ông Tập Cận Bình xoay quanh vấn đề thương mại và các vấn đề khác trong đó có vấn đề Triều Tiên.
Sau đó ông Trump cho biết đã yêu cầu giới chức Mỹ soạn một dự thảo thỏa thuận thương mại cho phía Trung Quốc, ông sẽ gặp ông Tập trong Hội nghị G20 tổ chức tại thủ đô Buenos Aires của Argentina vào cuối tháng 11 này.
Ông còn cho biết sẽ đàm phán về các vấn đề thương mãi và nếu không đạt được thỏa thuận thì ông sẽ tuyên bố đánh thuế trên toàn bộ hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc vào Mỹ.
Về phía Trung Quốc, phát biểu tại lễ khai mạc Hội chợ Nhập Cảng Quốc tế vào ngày 5/11/2018, ông Tập đưa ra một dấu hiệu trái ngược là ông muốn đặt Trung Quốc vào vị trí đứng đầu trong công cuộc toàn cầu hóa.
Ông ngầm ám chỉ ông Trump sử dụng luật rừng khi áp dụng chính sách kinh tế làm hại cho kinh tế của các nước khác và như thế sẽ dẫn đến tình trạng trì trệ kinh tế toàn cầu.
Điều này cho thấy ông Tập chưa sẵn sàng cho việc đàm phán và cuộc chiến thương mãi Mỹ Trung sẽ dữ dội hơn trong những ngày sắp tới.
Chiến thương mãi, sẽ dẫn đến chiến tranh tiền tệ, chiến tranh tài chính và chiến tranh chứng khoán, và biết đâu sẽ dẫn đến chiến tranh quân sự.
Thế giới và Việt Nam sẽ có nhiều chuyển biến trong những ngày sắp tới.
Chia sẻ cá nhân…
Xin chúc mừng tất cả những tân dân cử gốc Việt khắp nước Mỹ. Các anh chị dù thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ, đều là những vốn quý của cộng đồng Việt Nam, đều sẽ đóng góp cho nước Mỹ mạnh lên và mang lại quyền lợi cho người Việt tại Mỹ.
Nước Mỹ có mạnh thì ít nhiều mới có thể kềm chế được tham vọng bành trướng của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.
Việt Nam là một nước nhỏ lại ở cạnh nước Tàu luôn muốn xâm lược nên một nước Mỹ hùng cường là mong muốn của người Việt tự do.
Nước Úc giàu có, dân trí cao, không chiến tranh mà các Thủ tướng Úc đều luôn luôn ủng hộ các Tổng thống Mỹ bất luận họ thuộc đảng Cộng Hòa hay đảng Dân Chủ.
Trước đây tôi là công chức liên bang Úc, cứ mỗi lần tranh cử tại Mỹ hay nước Mỹ xảy ra biến cố, chúng tôi đều phải tường thuật cho Thủ Tướng Úc ảnh hưởng của sự kiện đến nước Úc và đến thế giới.
Nhờ đó tôi mới thấy rõ các Thủ Tướng Úc quan tâm đến bầu cử ở Mỹ và nước Mỹ đến mức độ nào.
Những lúc như vậy tôi lại cảm thấy thương tiếc nhị vị Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa khi đất nước chiến tranh họ đã phải trông ngóng tin tức bầu cử ở Mỹ từng giờ từng phút vì mọi quyết định của cử tri Mỹ đều ảnh hưởng đến miền Nam tự do.
Bàn cờ thế giới đang thay đổi rất nhiều, rất nhanh và càng ngày càng thuận lợi cho việc thay đổi thể chế tại Việt Nam.
Ước mong một ngày không xa người Việt trong và ngoài nước sẽ rủ nhau đi bầu để chọn những người thật xứng đáng và thực tâm lo cho đất nước.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 9/11/2018
Nguyễn Quang Duy
Kyodo : Nhật Bản theo chân Mỹ đóng băng tài sản công ty Trung Quốc (VOA, 25/08/2017)
Nhật Bản đã quyết định theo chân Mỹ gây áp lực nhiều hơn lên Bắc Triều Tiên bằng việc áp đặt những biện pháp trừng phạt đơn phương mới lên sáu công ty và hai cá nhân từ Trung Quốc và Namibia, hãng tin Kyodo của Nhật Bản loan tin dẫn một nguồn tin chính phủ.
Tư liệu - Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) phát biểu trong một cuộc hội kiến Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại hội nghị Thượng đỉnh G20, ngày 8 tháng 7, 2017, ở Hamburg, Đức.
Các biện pháp chế tài mới được thiết kế để phong tỏa tài sản của những người và những công ty bị cho là có tham gia trong việc hỗ trợ Bình Nhưỡng xuất khẩu than đá và đưa nhân công ra nước ngoài, dường như nhằm mục đích hạn chế dòng tiền đổ vào quốc gia đã phát triển các chương trình hạt nhân và phi đạn vi phạm các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc, Kyodo nói.
Tuy nhiên, hành động mới nhất của Nhật Bản có thể sẽ vấp phải chỉ trích của Trung Quốc, nước vốn phản đối bất kỳ nước nào áp đặt chế tài đơn phương ngoài khuôn khổ của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, đặc biệt là những chế tài nhắm mục tiêu vào các công ty và cá nhân Trung Quốc, theo Kyodo.
Nguồn tin của Kyodo cho biết nội các của Thủ tướng Shinzo Abe dự kiến sẽ thông qua các biện pháp trừng phạt mới vào ngày thứ Sáu.
Hôm thứ Ba, chính quyền Mỹ cho biết họ đã mở rộng danh sách chế tài của mình để bao gồm các thực thể và cá nhân Trung Quốc và Nga vì hỗ trợ Bắc Triều Tiên phát triển vũ khí.
Hành động này diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được thông qua trong tháng này sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo liên lục địa đầu tiên vào tháng 7.
*****************
Mỹ chế tài các thực thể của Trung Quốc, Nga vì hỗ trợ Bắc Triều Tiên (VOA, 23/08/2017)
Loan báo được Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin đưa ra hôm thứ Ba, 22 tháng 8, nhắm mục tiêu vào các công ty và các cá nhân từ Trung Quốc và Nga vì hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.
Mỹ đang áp đặt các biện pháp chế tài mới liên quan đến Bắc Triều Tiên, nhắm vào các công ty và các cá nhân từ Trung Quốc và Nga vì hỗ trợ chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng. Các quan chức Mỹ loan báo tin này hôm thứ Ba nhưng không nói các biện pháp này sẽ tập trung vào các ngân hàng Trung Quốc như trông đợi trước đó.
Văn phòng Quản lý Tài sản Nước ngoài định danh sáu thực thể do người Trung Quốc sở hữu, một của Nga, một của Bắc Triều Tiên và hai thực thể đặt tại Singapore. Ngoài ra còn có một công ty con đặt tại Namibia thuộc một công ty Trung Quốc và một thực thể Bắc Triều Tiên hoạt động tại Namibia.
Sáu cá nhân bao gồm bốn người Nga, một người Trung Quốc và một người Bắc Triều Tiên, Bộ Tài chính cho biết.
Hành động này diễn ra sau khi các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc được thông qua trong tháng này sau khi Bắc Triều Tiên thử nghiệm hai phi đạn đạn đạo liên lục địa đầu tiên vào tháng 7.
Bộ Tài chính cho biết các biện pháp trừng phạt mới nhắm vào những những người và những thực thể đang giúp đỡ những cá nhân vốn đã bị định danh vì hỗ trợ chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân của Bắc Triều Tiên và hoạt động buôn bán năng lượng của họ, trong đó có ba công ty nhập khẩu than đá của Trung Quốc.
Các bước này cũng nhắm mục tiêu vào những người và những thực thể giúp Bắc Triều Tiên đưa nhân công đi làm việc ở nước ngoài và cho phép các thực thể bị chế tài của Bắc Triều Tiên có thể tiếp cận hệ thống tài chính của Mỹ và quốc tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sắp trừng phạt Bắc Kinh theo một chiến thuật mà Trung Quốc gọi là « nhất tiễn hạ song điêu ». Với mục đích vừa cân bằng quan hệ thương mại hiện bất lợi cho Mỹ, vừa đoàn kết nội bộ trong bối cảnh bị công kích tứ phía, chủ nhân Nhà Trắng sẽ dùng vũ khí thương mại để trả đũa Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump, ngày 31/07/2017 tại Nhà Trắng, Washington - REUTERS/Joshua Roberts
Cách nay hai tuần, cuộc thảo luận kinh tế thường niên Mỹ-Trung không mang lại một tiến triển nào. Tiếp theo đó, vụ phóng tên lửa liên lục địa của Bắc Triều Tiên mà Bình Nhưỡng khoe là có thể bay đến nước Mỹ, làm tổng thống Donald Trump trút cơn giận lên đầu giới lãnh đạo Bắc Kinh : Không để cho Trung Quốc tiếp tục lợi dụng buôn bán với Mỹ để thu lời hàng trăm tỷ…
Theo AFP, chủ nhân Nhà Trắng sắp thực hiện lời đe dọa này, trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc đánh cắp sở hữu trí tuệ và phát minh của Hoa Kỳ. Bảo vệ tác quyền trí tuệ, từ nhãn hiệu, bằng sáng chế cho đến thiết kế thời trang, là nhu cầu sinh tử của các doanh nghiệp Mỹ tại Trung Quốc.
Gian thương có hệ thống
Doanh nhân Mỹ, cũng như đồng nghiệp châu Âu đầu tư tại Hoa Lục, từ lâu nay đã lên án luật pháp Trung Quốc bắt buộc họ « chia sẻ » bí mật công nghiệp với đối tác Trung Quốc. Nếu có tranh chấp trước pháp luật thì doanh nhân Tây phương bao giờ cũng thua kiện, phải bồi thường rất nặng nề, có khi phải bỏ của chạy lấy người.
Cơ quan đại diện thương mại của Mỹ USTR, hồi tháng 4 năm nay, đã tố cáo tệ nạn « vi phạm quyền sở hữu trí tuệ » lan rất rộng tại Hoa Lục : Ngoài thủ đoạn đánh cắp bí mật thương mại, xâm nhập máy vi tính lấy dữ liệu, xuất khẩu hàng nhái, hàng giả, Trung Quốc còn buộc doanh nghiệp Mỹ phải nghiên cứu phát minh ngay tại Hoa Lục hay chuyển giao hiểu biết cho đối tác Trung Quốc, đó là điều kiện bắt buộc nếu muốn được phép làm ăn tại đất nước của Mao.
Cũng vì sợ áp lực của chính quyền Trung Quốc mà những đại công ty dịch vụ truyền thông, tin học như Apple và Google phải bỏ qua một bên đạo lý về quyền tự do thông tin, bảo vệ thân chủ.
Lúc chưa đắc cử, Donald Trump dọa tăng thuế nhập khẩu lên 45%, đánh lên hàng Trung Quốc để cân bằng cán cân thương mại bị nhập siêu đến 309 tỷ đô la trong năm 2016.
Từ khi vào Nhà Trắng, Donald Trump lại dịu giọng với Bắc Kinh, với dụng ý nhờ chính quyền Tập Cận Bình hợp tác trong hồ sơ Bắc Triều Tiên cho đến khi không thấy kết quả cụ thể, Washington đã thi hành biện pháp trừng phạt nhôm và thép của Trung Quốc.
Một công mà đôi ba việc
Theo Gary Clyde Hufbauer, chuyên gia Viện Kinh Tế Quốc Tế ở Washington, nếu Donald Trump thấy hợp tác với Trung Quốc mang lại kết quả thì ông ấy không bao giờ gia tăng trừng phạt. Đúng là một công mà đôi ba việc.
Tổng thống Mỹ có trong tay vũ khí mang tên « Ban 301 » với đầy đủ quyền hạn trả đũa thương mại để bảo vệ kinh tế quốc gia. Vũ khí « 301 » đã từng được sử dụng nhiều lần thời Ronald Reagan, trừng phạt Nhật trong thập niên 1980.
Giờ đây, chủ nhân Nhà Trắng có thể hạn chế đầu tư Trung Quốc tại Mỹ hoặc tăng hàng rào thuế quan đối với các công ty quốc doanh, với sự ủng hộ của công luận bài Trung Quốc.
Cho dù sẽ bị Bắc Kinh trả đũa, nhưng biện pháp trừng phạt của Donald Trump, tạo ra phản ứng thuận lợi tại Mỹ. Từ đảng đối lập Dân Chủ đến giới phân tích kinh tế, tất cả đều ủng hộ tổng thống Donald Trump, một chuyện thật hiếm hoi.
Claude Barfield của Viện Doanh Nghiệp Mỹ bình luận : Tôi không tin Donald Trump đưa ra những quyết sách kinh tế vì tinh thần ái quốc nhưng trong trường hợp này chính phủ Mỹ có lý một phần.
Thủ lĩnh của đảng Dân Chủ tại Thượng Viện, Chuck Schumer, hôm thứ Tư, thúc giục lãnh đạo hành pháp phải gấp rút hành động.
Theo AFP, lớp phấn son trang điểm cho hình ảnh quan hệ « nồng ấm » Mỹ-Trung mà hai ông Trump và Tập diễn tuồng hồi mùa xuân năm nay tại Florida, đã rơi xuống tả tơi.
Tú Anh