Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 21/3/2018, Đỗ Thị Minh Hạnh, chủ tịch phong trào Lao Động Việt tại Việt Nam được Hoa Kỳ vinh danh với giải thưởng Người Phụ nữ Dũng cảm 2018 (International Women of Courage Awards), đối với những hoạt động không mệt mỏi của chị và các đồng sự cho quyền lợi của người lao động Việt Nam.

mh1

Đỗ Thị Minh Hạnh, chủ tịch phong trào Lao Động Việt tại Việt Nam, được Hoa Kỳ vinh danh với giải thưởng Người Phụ nữ Dũng cảm 2018

Trên trang Facebook Phòng đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động thuộc Bộ ngoại giao  Hoa Kỳ nêu rõ :  Cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã đồng sáng lập Phong trào Lao động Việt để cổ võ cho các công đoàn độc lập ở Việt Nam. Bà đã phải chịu 4 năm tù giam vì khuyến khích công nhân tại các nhà máy biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện lao động.

Đỗ Thị Minh Hạnh, người tù nhân lương tâm, nhà hoạt động công đoàn bị bắt ngày 23 tháng hai năm 2010 cùng với hai người bạn đồng hành là và Nguyễn Hoàng Quốc Hùng và Đoàn Huy Chương, sau khi giúp đỡ 10.000 công nhân nhà máy giầy Mỹ Phong ở Trà Vinh đình công đòi hỏi quyền lợi chính đáng của họ. Sau đó cô bị tuyên án 7 năm tù giam và được trả tự do vào ngày 27 tháng 6 năm 2014.  Còn anh Nguyễn Hoàng Quốc Hùng hiện vẫn đang thụ án 9 năm tù giam. Một thành viên khác của Phong trào lao động Việt là ông Hoàng Đức Bình, Phó Chủ tịch của phong trào, vào năm ngoái cũng bị tuyên án 14 năm tù giam.

Cuộc phỏng vấn được thực hiện, trong lúc Đỗ Thị Minh Hạnh phải sống  và di chuyển liên tục để làm việc, cũng như để tránh bị ngăn chặn, cản trở liên tục từ phía chính quyền.

Cuộc phỏng vấn cũng bị ngắt đoạn bởi hai lần Đỗ Thị Minh Hạnh nằm viện do sức khỏe suy sụp, và làm việc quá sức.

*************

Tuấn Khanh : Chào chị Minh Hạnh, chúc mừng chị vừa được chính phủ Hoa Kỳ trao danh hiệu Người Phụ nữ Dũng cảm 2018 (International Women of Courage Awards), một giải thưởng mà năm ngoái, Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh cũng được vinh danh như chị…

Đỗ Thị Minh Hạnh : Tôi rất cám ơn nước Mỹ đã trân trọng những phụ nữ tranh đấu cho nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Điều này là sự khích lệ sâu sắc, thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội tốt hơn. Riêng bản thân tôi cảm thấy mình vẫn chưa thật sự xứng đáng, vì trên đất nước Việt Nam vẫn còn rất nhiều phụ nữ vô cùng dũng cảm như cô Cấn Thị Thêu, chị Phạm Đoan Trang... Tôi nghĩ rằng mình chỉ thay mặt cho anh chị em trong Phong trào Lao Động Việt đã dấn thân cùng tôi để hoạt động vì quyền lợi và danh dự của những người lao động trên đất nước mình. Tôi hy vọng trên thế giới này, mọi đất nước đều tôn trọng quyền lợi của người dân và không có đàn áp nhân dân bằng bạo lực và nhà tù một cách khốc liệt như Việt Nam.

Tuấn Khanh : Nhận được giải thưởng này, với ý nghĩa là cũng với những anh chị em đã hoạt động vì quyền lợi công nhân nhưng lại bị nhà nước Việt Nam hành xử thô bạo nặng nề, cô nghĩ sao về những người đồng sự của mình hiện đang rơi vào tình cảnh khốn khó, như anh Hoàng Bình, anh Trương Minh Đức, anh Đoàn Huy Chương… ?

Đỗ Thị Minh Hạnh : Trước khi nói về tình trạng của các anh em trong Phong trào Lao Động Việt, tôi xin được nhắc đến hoàn cảnh của anh Nguyễn Nam Phong, người bị án hai năm tù chỉ vì đã chở anh Hoàng Bình và linh mục Nguyễn Đình Thục trên xe. Anh Phong có hai con nhỏ, gia đình khó khăn. Anh chỉ làm hết trách nhiệm của mình là bảo vệ những người trên xe, khi thấy một đám đông côn đồ thường phục bao vây và hành hung, nhưng không có một dấu hiệu hay văn bản nào cho thấy là công an như họ tuyên bố. Bản án dành cho anh chỉ là một sự trả thù và răn đe đối với người dân ở Nghệ An.

Đối với Hoàng Bình, thì mọi hoạt động của anh ta đều chính đáng và không hề có chuyện "chống người thi hành công vụ" như bản án áp đặt cho anh. Chính những người tấn công anh Bình và những người trong xe của linh mục Nguyễn Đình Thục mới bộc lộ rõ sự hung bạo chống con người. Bản án 14 năm dành cho Hoàng Bình chỉ cho thấy tòa án đã bao che cho một thế lực độc ác đang gây thảm họa cho đất nước, đỡ đầu cho Formosa làm hại Việt Nam.

Đối với anh Đoàn Huy Chương và anh Trương Minh Đức là những trường hợp tôi và các anh chị em trong Phong trào Lao Động Việt đang theo dõi chặt chẽ và tìm cách vận động cho họ. Anh Đức là thành viên của Hội Anh em Dân chủ, nhưng là người tích cực giúp về truyền thông cho Phong trào. Anh Đoàn Huy Chương thì vừa mới ra tù đã lại bị sách nhiễu đến mức phải chạy sang Thái Lan. Cả hai anh đều là những người một lòng cho con người và đất nước Việt Nam. Họ vẫn luôn luôn hoạt động ôn hòa vì sự phát triển của đất nước. Những gì đang xảy ra với họ đều bất xứng và áp đặt khiên cưỡng.

Tuấn Khanh : Vì sao hoạt động của anh Hoàng Binh là đưa tin về người dân với thảm họa Formosa, tham gia tuần hành cùng người dân Nghệ An… nhưng mức án của anh lại tăng vọt đến 14 năm ? Theo chị, mức án này được đưa ra có mục đích như thế nào ?

Đỗ Thị Minh Hạnh : Bản án nặng bất ngờ như vậy, tôi nghĩ rằng họ sợ anh Hoàng Bình, vì bởi những hoạt động hợp pháp của anh có sức ảnh hưởng rất lớn. Không chỉ giúp cho ngư dân, giáo dân mà anh Bình còn giúp cho các linh mục trong vùng. Người dân ở Nghệ An yêu mến anh. Khi anh bị bắt, hàng ngàn giáo dân đã đi đòi trả tự do cho anh. Đây chính là những điều mà chính quyền phải thấy lo ngại nên thấy cần hành động.

Tuấn Khanh : Theo mô tả, phiên sơ thẩm diễn ra với phần bào chữa của luật sư Hà Huy Sơn, đã khẳng định rằng cáo trạng là vô lý. Luật sư Hà Huy Sơn đã yêu cầu tòa trả tự do ngay tức khắc cho Hoàng Bình. Ấy vậy mà mọi thứ đã diễn ra như một sắp đặt trước mức án 14 năm. Hiện được biết Hoàng Bình đã gửi kháng cáo cho kỳ phúc thẩm. Chị có nghĩ rằng Hoàng Bình sẽ được giảm án  trong kỳ này không ?

Đỗ Thị Minh Hạnh : Theo kinh nghiệm tôi thấy, thì rất hiếm có những vụ án chính trị xã hội thay đổi hay giảm nhẹ mức án. Tôi nghĩ là họ sẽ giữ nguyên mức án với anh Hoàng Bình mà bất cần tranh tụng gì cả.

Trong phiên tòa của tôi cách đây 8 năm, luật sư cũng không được tranh tụng tại tòa. Những phiên tòa như vậy, chỉ là che mắt thiên hạ. Lúc nào tòa xử cũng nói công khai, nhưng người đến dự thì bị ngăn cản. Bản thân tôi từng là bị cáo, có kinh nghiệm rằng cũng không được cho nói hay thắc mắc gì.

Nhưng vì sao họ lại làm vậy? Bởi họ đuối lý. Nên đặt ra mức án và không cho tranh tụng.

Tuấn Khanh : Trong năm 2017, Hội Anh em Dân chủ liên tục bị bắt giữ và khởi tố. Cùng thời kỳ thì các thành viên của Phong trào Lao Động Việt cũng bị thiệt hại nặng nề. Chị có nghĩ rằng sau Hội Anh em Dân chủ, sẽ đến những thành viên còn lại của Phong trào Lao Động Việt bị nhắm đến hay không ?

Đỗ Thị Minh Hạnh : Chúng tôi đã dự trù tình huống này, và đã chuẩn bị sẳn sàng đón nhận mọi thứ ập xuống. Bản thân tôi sẳn lòng đối đầu với mọi tình huống xấu nhất. Nhưng tôi tin rằng các thành viên của Phong trào Lao đông Việt luôn vững lòng, vì một tổ chức có thể bị cản phá, nhưng tinh thần của những người muốn cống hiến cho nhân dân, đất nước Việt Nam không thể nào bị tiêu diệt. Ngay cả sau sự tồn tại của chúng tôi, vẫn có những con người sẽ nối bước, nối ý chí của chúng tôi.

Chúng tôi quyết tiếp tục công việc yểm trợ cho công nhân, những người lao động mà các anh em đi trước đã thực hiện và để lại. Chúng tôi không cho phép mình ngừng nghỉ.

Tuấn Khanh : Tin tức mới đây cho biết là Nhà nước Việt Nam có thể cho phép hình thành luật về công đoàn độc lập, luật về hoạt động xã hội dân sự… theo thỏa ước EVFTA, muốn ký với liên minh Châu Âu. Chị nghĩ tình hình này có hứa hẹn điều gì tốt đẹp không ?

Đỗ Thị Minh Hạnh : Theo tôi., việc cho phép thành lập các công đoàn độc lập tại Việt Nam thật rất khó xảy ra. Trước đây, khi Việt Nam muốn được tham gia hiệp định TPP (cũ) thì cũng đã có những hứa hẹn về công đoàn độc lập, nhưng khi chữ ký chưa ráo mực thì họ đã ra tay đàn áp công nhân làm việc ở công ty Yupoong, Biên hòa, Đồng Nai, và cả những người hoạt động công đoàn, đồng thời phớt lờ những cam kết. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam chưa bao giờ thực hiện đúng, thậm chí là còn đi ngược lại với các giao ước mà họ ký kết với quốc tế.

Để đạt được mục đích, họ hứa hẹn đủ thứ nhưng lại không thực hiện. Đối với quốc tế, dùng sự mập mờ ngôn ngữ mà nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đánh tráo khái niệm công đoàn độc lập thành công đoàn cơ sở. Vì vậy tại Việt Nam sẽ không có công đoàn độc lập mà chỉ có công đoàn cơ sở. Và tính độc lập thật sự của liên hiệp những người lao động sẽ không bao giờ có.

Tuấn Khanh : Xin cám ơn chị.

Tuấn Khanh (ghi)

Nguồn : RFA, 30/03/2018

Published in Diễn đàn

Cuối tháng 3/2018, Văn Đoàn Độc Lập, một tổ chức tập hợp trí thức, thuần túy về văn học nghệ thuật đã tiến hành phát giải thưởng, lần thứ 3, kể từ khi thành lập đến nay.

Theo thông báo, thì giải thưởng cho năm 2017 có những điều rất thú vị. Nhưng thú vị hơn cả là những cuộc ngăn chận thô bạo đối với những người cầm bút. Có người bị an ninh đe dọa phải quay trở về nhà, có người thì bị đâm lủng bánh xe, rồi có người thì bị lùng nhùng đeo đám - công khai đến trơ trẽn. Thậm chí ban tổ chức 3 lần đổi địa điểm phát giải, cả 3 lần lượt bị cúp điện, cúp nước...

Nhưng rồi giải thưởng 2017 của Văn Đoàn Độc Lập vẫn tuyên bố xong. Dù ngay thời điểm đó, Ban Tuyên giáo công khai nói có ý định rút toàn bộ tác phẩm ra khỏi sách giáo khoa, với những ai là thành viên của Văn Đoàn Độc Lập. 

Nhà văn Hoàng Hưng, thành viên ban tổ chức giải của Văn Đoàn Độc Lập, có cho biết thêm về tình hình.

-----------------

giai0

Dịch giả Hoàng Hưng và nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn giới thiệu sách. (Ảnh: Nguyễn Thế Thanh)

Tuấn Khanh : Thưa nhà thơ Hoàng Hưng, giải văn chương của Văn Đoàn Độc Lập 2017 có gì đáng chú ý, xin ông nói sơ qua cho mọi người được biết

Hoàng Hưng : Các thành viên Hội đồng Giải Văn Việt năm nay nhất trí khá cao về chất lượng các tác phẩm đoạt giải. Nhất trí tuyệt đối đối với 3/5 tác phẩm đoạt Giải : tiểu thuyết "Những tháng năm cuồng nộ" của Khuất Đẩu, thơ Phapxa Chan, và dịch phẩm "1984" của Phạm Nguyên Trường (nguyên tác của G. Orwell). Phát hiện mới là tác giả đoạt giải Thơ, Phapxa Chan, một người rất trẻ, đang ở độ tuổi 20, mới cầm bút từ 2016. Anh đã gửi gắm cho Văn Việt những bài thơ đầu tay của mình, và ngay lập tức đã gây được ấn tượng mạnh vì chất lượng nghệ thuật và phong thái riêng biệt, mới mẻ ; rồi tiếp tục với những chùm thơ cho thấy tiềm năng mở rộng, phát triển thế giới thơ của mình một cách đầy hứa hẹn.

Tuấn Khanh : Thưa ông, đâu là sự khác biệt giữa tiêu chí của Văn Đoàn Độc Lập và hệ thống văn hóa chịu kiểm duyệt của nhà nước hiện tại, khi có người nói rằng hầu hết cũng là những tác phẩm không quá khác biệt với dòng văn chương được chấp nhận ?

Hoàng Hưng : Tiêu chí lựa chọn tác phẩm của chúng tôi là căn cứ hoàn toàn và chỉ căn cứ vào chất lượng nghệ thuật của tác phẩm, không có "định hướng" về quan điểm triết-mỹ học, tư tưởng chính trị xã hội. Chúng tôi từng trao giải cho các tác phẩm đã bị nhà nước thu hồi, nghiền thành bột giấy (Chuyện kể năm 2000 của Bùi Ngọc Tấn) hay không thể in ở bất cứ nhà xuất bản nào trong nước như Thời biến đổi gien của Bùi Ngọc Tấn, Cửu Long cạn dòng, Biển Đông cuộn sóng ; Mekong, dòng sông nghẽn mạch của Ngô Thế Vinh, tản văn của Tuấn Khanh, tiểu thuyết Nhảy múa để chết của Nguyễn Viện. Trong 5 giải của năm nay, có 3 giải cho các tác phẩm không thể được hệ thống kiểm duyệt của nhà nước chấp nhận : tiểu thuyết và truyện ngắn của Khuất Đẩu, truyện ngắn của Mai Sơn, bản dịch tiểu thuyết "1984" của G. Orwell. Vậy chắc là khó nói rằng "hầu hết cũng là những tác phẩm không quá khác biệt với dòng văn chương được chấp nhận…" .

Tuấn Khanh : Với quan điểm cá nhân của mình, ông có đặc biệt muốn nhấn mạnh đến tác phẩm nào trong kỳ giải thưởng lần này ?

Hoàng Hưng : Thoả mãn cả nhu cầu thông điệp xã hội và sáng tạo nghệ thuật là điều rất khó thấy trong hiện tình văn chương tiếng Việt. Tiểu thuyết Những tháng năm cuồng nộ của Khuất Đẩu đã phần nào đạt được. Nó làm tôi cười ra nước mắt vì số phận người dân nước mình trong cuộc chiến kéo dài không chỉ 30 năm trên chiến trường từ 1945, mà còn đến tận bây giờ trong lòng người Việt khắp thế giới.

Tuấn Khanh : Một số khách mời của Văn Đoàn độc lập trong giải thưởng lần ba như nhà văn Khuất Đẩu, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Dạ Ngân, nhà văn Phạm Đình Trọng, nhà báo Lê Phú Khải, nhà thơ Đỗ Trung Quân, dịch giả Mai Sơn, nhà báo Sương Quỳnh... đều gặp những rắc rối khi có ý định đến tham dự. Còn về ban tổ chức thì như thế nào, ông có thể mô tả lại cho những người quan tâm ?

Hoàng Hưng : Nhiều thành viên Hội đồng Giải Văn Việt đã bị an ninh ngăn chặn thô bạo ngay trước cửa nhà. Nhà thơ Bùi Chát bị khoảng 15 người chặn ngay từ tối hôm trước ngày trao Giải. Nhà văn Kim Cúc, nhà thơ Ý Nhi lần đầu tiên trải nghiệm quyền tự do đi lại của mình bị tước đoạt. Nhà văn Đặng Văn Sinh năm nào cũng bị an ninh Hải Dương tới nhà đe doạ để không vào Sài Gòn dự trao Giải, đã phải bỏ vé máy bay khứ hồi đã mua.

Ban tổ chức đã rất vất vả vì phải đổi địa điểm họp mặt tới 3 lần trong một buổi sáng vì bị cắt điện, cắt nước. Có đông an ninh bám sát ở cả 3 nơi, nhưng ghi nhận là họ không xông vào hành hung hay phá phách gì, chỉ ngồi gần quan sát và liên tục điện thoại báo cáo… Có chi tiết vui là một khách mời vừa "live stream" khen "nhà hàng rất kiên gan, vẫn cố gắng nấu ăn cho khách dù bị cúp điện" thì… 3 phút sau, nhân viên nhà hàng đến xin lỗi là "không còn cả nước để nấu". 30 con người, nhiều bậc "lão thành cách mạng", phải vác bụng đói meo đi tìm chỗ ăn tạm buổi trưa. Họ "chỉ đạo chiến dịch" sát sao từng phút, cả trên trận địa thực lẫn trận địa ảo !

Riêng tôi đã bị châm 6 lỗ kim vào bánh xe, ông già 76 được dịp luyện công dắt chiếc xe xẹp bánh đi vài cây lô mếch giữa trưa nắng Sài Gòn mới thay được ruột xe. Chắc đó là lời cảnh cáo đầu tiên ! Lần sau rất có thể là 1 cú tông xe, nhỉ !

Tuấn Khanh : Về phần mình, ông lý giải như thế nào thái độ của nhà cầm quyền hết sức khắc nghiệt với một sinh hoạt văn chương bình thường như vậy ?

Hoàng Hưng : Ngay từ những ngày đầu ra đời Ban Vận động Văn đoàn Độc lập, tôi đã có không ít lần "làm việc" hoặc "trò chuyện" với an ninh. Hỏi : "Văn Việt chỉ làm văn chương, đâu có đi sâu về chính trị mà các anh quan tâm thế ?" Trả lời : "Vì các bác CÓ TỔ CHỨC". Còn Hội Nhà văn Việt Nam và Tuyên huấn Đảng thì đã nhiều lần nêu quan điểm rõ ràng : không chấp nhận một tổ chức văn hoá đứng ngoài hệ thống, một tổ chức khác với Hội Nhà Văn do Đảng cộng sản lãnh đạo và kiểm soát.

Tuấn Khanh : Văn đoàn Độc lập cố xê dịch - nghĩa đen lẫn nghĩa bóng - để tìm một không gian riêng trong xã hội độc tài, nhưng với hiện trạng thì ông nghĩ Văn đoàn đang tự cô lập mình trong xã hội, hay thành công trong việc nhẫn nhịn và chờ đợi một giai đoạn mới ?

Hoàng Hưng : Việc của nhà văn là sáng tác. Việc của Văn Việt là thúc đẩy sáng tác của nhà văn bằng một diễn đàn tự do công bố tác phẩm. Diễn đàn cho cả các nhà văn đang ở nước ngoài muốn đến với bạn đọc trong nước (hiện có khoảng 150 tác giả ở nước ngoài có mặt trên Văn Việt). Không kể các chuyên đề giới thiệu một cách hệ thống Văn học miền Nam trước 1975 (tới nay đã có gần 470 kỳ), Thơ Hải ngoại sau 1975 (53 tác giả), Truyện ngắn Hải ngoại (đã có 24 kỳ), và bắt đầu "Dòng nhạc kỷ niệm" (ca khúc miền Nam trước 1975). Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục và mở rộng thêm những công việc như thế.

Tuấn Khanh : Văn đoàn Độc lập đã có những bước liên kết xuất bản với các nhà xuất bản bên ngoài Việt Nam chưa ?

Hoàng Hưng : Đã liên kết xuất bản ở Mỹ 3 cuốn sách : Truyện ngắn Văn Việt 1 và 2, 40 năm Thơ Việt Hải ngoại (ra mắt tại báo Người Việt tháng 9/2017).

Tuấn Khanh : Mới đây, ban Tuyên giáo có công khai ý định về việc khai trừ sự hiện diện của nhà văn Nguyên Ngọc và các thành viên Văn đoàn ĐL trong xã hội, qua việc muốn rút tên trong sách giáo khoa. Ông nghĩ sao về việc này ? Đó có phải là một cách "tuyên chiến" với Văn đoàn Độc lập không ?

Hoàng Hưng : Ngay từ ban đầu, họ đã chỉ đạo vu khống Ban Vận động Văn Đoàn Độc Lập là "phản động", nhận tiền của bọn phản động từ nước ngoài, họ cấm tối đa việc các thành viên xuất hiện trên báo chí, truyền hình, không cho đi dự Đại hội Hội Nhà văn, sách nhiễu nhiều tác giả xuất hiện trên Văn Việt, kể cả phá việc làm ăn sinh sống… Cái mới lần này là có 1 văn bản chỉ thị giấy trắng mực đen được phơi bày trên mạng. Thế thôi !

Tuấn Khanh : Hãy thử đặt mình vào vị trí của một người cộng sản từng cống hiến cả đời, và nay bị đối xử thô bạo như vậy với những hoạt động phát triển văn hóa ôn hòa, ông sẽ cảm nhận như thế nào, và ông nghĩ nhà văn Nguyên Ngọc sẽ như thế nào ?

Hoàng Hưng : Tôi may mắn chưa bao giờ là "người cộng sản", nhưng rất cảm thông với nỗi đau của những người như nhà văn Nguyên Ngọc, luật gia Lê Hiếu Đằng, tướng Trần Độ… và cho rằng việc họ dứt bỏ các danh lợi mà Đảng ban cho thật đáng khâm phục, tương tự những trí thức, nhà giàu thời Pháp quay ra chống Pháp vậy. 

Tuấn Khanh : Hãy hình dung Văn đoàn Độc Lập vào năm tới, ông lạc quan hơn hay bi quan hơn bối cảnh hiện tại ?

Hoàng Hưng : Lạc quan cũng sai, bi quan cũng sai, chỉ "cứ làm việc mình cho là đúng" là đúng.

Tuấn Khanh (ghi)

Nguồn : RFA, 29/03/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn
mardi, 06 mars 2018 15:41

Những gì còn lại

Trong đám tang của Chris Kyle, tay bắn tỉa lừng danh nhất nước Mỹ, qua đời năm 2015 ở Texas, người ta nhìn thấy chiếc xe tang đi qua một đoạn đường dài hơn 300 cây số mà suốt hai bên đường, luôn có người dân đứng vẫy cờ hoặc nghiêm chào tiễn biệt.

nvd1

Di ảnh cố đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Đó là một hình ảnh xúc động hiếm có về cái chết của một con người. Chris Kyle làngười lính SEAL được ca ngợi như một thiên thần hộ mạng vì đã cứu cả trăm đồng đội của mình trên chiến trường Trung Đông nhờ tài bắn tỉa. Anh giải ngũ, trở về nhà và sau đó chết như một người lính.

Rằm tháng Giêng Mậu Tuất, tức ngày 2/3/2018 tại Sài Gòn, đám tang của nhạc sĩ, đại tá Nguyễn Văn Đông cũng xuất hiện một cảnh tượng xúc động tương tự. Khi lễ di quan diễn ra, nhiều người đàn ông mặc thường phục, không ai bảo ai, đã bất ngờ đưa tay lên chào theo kiểu nhà binh. Thấp thoáng trong những hàng khác, cũng có những cá nhân im lặng đưa tay chào, không cần hiệu lệnh. Hầu hết đó là những cựu thiếu sinh quân Việt Nam Cộng Hòa cùng trường với ông, và những người khác là cựu quân nhân đã chào tiễn biệt ngài đại tá Chánh Văn phòng của Tổng Tham mưu Phó quân lực Việt Nam Cộng Hòa về nơi an nghỉ cuối cùng.

nvd2

Thân hữu và chiến hữu ở Sài Gòn chào tiễn đưa cố đại tá nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Hàng người đứng chào theo kiểu nhà binh trước đám tang của nhạc sĩ - đại tá Nguyễn Văn Đông, đem lại niềm xúc động lạ thường, tương tự như hình ảnh tiễn xe tang của Chris Kyle. Nhưng có lẽ còn đặc biệt hơn với câu chuyện Việt Nam, khi mọi thứ về con người và hệ thống của chính quyền miền Nam bị săn lùng, giam giữ và hủy diệt nhiều năm, nhưng vẫn ẩn khuất đâu đó, rồi bất ngờ hiển lộ.

Nhưng ngoài âm nhạc, vẫn còn đôi chuyện về đại tá Nguyễn Văn Đông chưa được nói hết. Bài viết này là những gì còn lại, chưa kể, sau cuộc tiễn đưa đó.

nvd3

Bạn bè chào vĩnh biệt một người bạn chiến đấu

Đọc tiểu sử cá nhân sau năm 1975, người ta chỉ biết ngắn gọn rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đi trại tù của Nhà nước Bắc Việt trong 10 năm, và sau đó không đi Mỹ theo diện H.O (Humanitarian Operation). Đó là một chiến dịch nhân đạo do tổng thống Mỹ Ronald Reagan bật đèn xanh nhằm giải thoát hàng trăm ngàn quân nhân cựu quân nhân Việt Nam Cộng Hòa bị đưa đi tù, dưới danh nghĩa cải tạo (Special Release Reeducation Center Detainee Resettlement Program). Mọi thứ về đời của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, lâu nay vẫn được mô tả thoáng qua, y như cách mà báo chí Nhà nước đưa tin ông mất. Ấy vậy mà vài ngày sau đám tang, nhiều tờ báo vẫn còn bị khiển trách vì đã có thái độ trân trọng thái quá với một "sĩ quan ngụy".

Năm 1975, ngay sau khi đại tá Nguyễn Văn Đông ra trình diện, dù được chính quyền quân quản tuyên bố là chỉ đi "học tập tư tưởng mới" trong vài tháng. Thế nhưng, sự thật sau đó là 10 năm dài tù đày ở trại Suối Máu, Biên Hòa. Cho đến sau năm 1980 thì đưa về Chí Hòa. Đại tá Nguyễn Văn Đông được trả về nhà vào năm 1985 để được chết ở nhà, theo chính sách khoan hồng của cách mạng. Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể rằng khi chia tay ông 10 năm trước, bà vẫn còn nhớ hình dáng một người đàn ông gầy nhưng khỏe mạnh, để rồi khi nhận lại ông, thì lúc đó gần như chỉ là một cái xác, chỉ còn thoi thóp.

Bà Nguyệt Thu, vợ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông kể lại rằng gia đình lúc đó chỉ còn đợi ngày để chôn ông, vì do ông mang quá nhiều căn bệnh cũng như thuốc men lại quá đắt đỏ và khan hiếm vào thời đó.

Rồi nhiều năm sau, ông sống lại như một kỳ tích, khỏe mạnh. Hai người im lặng sống trong căn nhà nhỏ chỉ có đôi vợ chồng già, không con cái, không nhiều sinh hoạt với xã hội. Bà Nguyệt Thư nói rằng cho đến nhiều năm sau khi ông được thả về, bà vẫn còn khả năng sinh con nhưng ông không còn có thể. Vì vậy hai người đã chọn sống cô đơn cùng nhau đến ngày chung cuộc.

Lời của bà kể như tiếng chuông chùa xa xăm về một nỗi đau không lời. Về với ông được 2 năm, thì bà bị chia cắt với đại tá bởi 10 năm tù không hề tòa án, cũng như không hề có lời giải thích. Khi được trả về nhà, thì ông đã như một phế nhân.

Bà nói rằng không muốn sinh con vì ông quá yếu. Nhưng cũng có thể bà không muốn có một đứa con, bởi cuộc sống như ác mộng mà bà và ông trãi qua, nếu có đơm hoa kết trái thì chắc cũng không thể có được lúc tỏa hương.

nvd4

Kỷ niệm cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông bị đưa đến trại Suối Máu ngay sau khi trình diện. Thực tế là trại này tên là trại Tân Hiệp, Biên Hòa, từng là nơi giam giữ các binh sĩ Bắc Việt chờ trao trả theo các thỏa ước. Tên Suối Máu là do các tù nhân sau năm 1975 gọi thành quen mặc dù bị quản giáo cấm. Bởi năm 1968, cuộc đột kích thất bại ở cứ điểm này, mà dân trong vùng mô tả máu dân thường và của hai bên Nam Bắc chảy như suối, từ đó mà thành tên.

Trại Suối Máu giam giữ khoảng 5.000 người, chia làm 5 trại theo ký hiệu K. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ở K5.

Chỉ một năm ở trại này, do điều kiện giam giữ và ăn uống khắc nghiệt, không chỉ đại tá Nguyễn Văn Đông mang bệnh, mà rất nhiều người cũng đổ ra đủ thứ bệnh từ nội khoa đến ngoại khoa. Mà thuốc thì chủ yếu là một loại dược phẩm dân tộc được bào chế ở miền bắc có tên là Xuyên Tâm Liên. Bệnh gì cũng uống một loại ấy.

Nhà văn Hà Thúc Sinh, tác giả của tác phẩm Đại Học Máu, đã kể rằng nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông vì bị mang bệnh ghẻ nhầy nhụa kỳ lạ, khiến cả mảng lưng của ông lở loét. Đã vậy nhiều chứng bệnh khác như đau bao tử, thấp khớp, huyết áp… ập tới hành hạ ông liên tục nhiều năm. Vào lúc thập tử nhất sinh, anh em khiêng lên trạm xá được ít bữa thì y tá ở đó đuổi về. Lý do là ở bệnh xá không có thuốc điều trị, cũng như cho về thì khỏi mang trách nhiệm.

Nhà văn Hà Thúc Sinh viết rằng mấy người bạn của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông khiêng ông ra hố nước để tắm lại sau nhiều ngày nằm liệt, như một cách giúp duy nhất có thể. Nhưng do phải đi lao động nên mọi người chỉ kịp nhìn thấy ông Nguyễn Văn Đông nằm sấp trên mặt đất, chứ không còn đứng nổi, cố múc nước rồi nằm quơ quào cố tắm rửa một mình như vậy.

Nói về sáng tác trong giai đoạn đó, đại tá Nguyễn Văn Đông đã cố giữ lại cảm hứng của mình trong những năm đầu bị tù, vì nghĩ rằng cùng lắm 2-3 năm gì đó sẽ ra. Nhưng rồi dần dần mọi thứ thui chột theo sức khỏe và niềm hy vọng. Ngay lúc bệnh đã nặng, nhưng phát hiện tù nhân Đỗ Văn Phúc là em họ của ca sĩ Duy Khánh cũng bị tù chung trại, ông đã vui đến mức sáng tác lại. Cảm mến giọng hát của người này mà nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông viết riêng một bài hát để tặng, có tựa đề là "Sài Gòn trong trái tim tôi". Tác phẩm này, giờ chắc đã tuyệt bút, chỉ còn được nhắc lại với đôi ba câu với những ai từng nghe qua như "Sài Gòn tiếc nuối không thôi, Hà Nội héo hắt răng môi, cho nhớ thương vời vợi. Ôi, Sài gòn trong trái tim tôi…".

Năm 1985, khi khiêng ông về nhà, bà Nguyệt Thu nói rằng không nghĩ ông sống qua được năm đó. Sự tuyệt vọng tràn ngập đến mức khi nhận được hồ sơ ghi danh đi chương trình H.O ngay trong nhóm đầu, ông đã từ chối vì muốn được chết trên quê hương mình. Bà cũng thuận theo ý ông. Ấy vậy mà với sự chăm sóc nhẫn nại và yêu thương của người vợ hiền, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đã chậm chạp sống lại một lần nữa, cho đến ngày buộc phải chia tay trần thế.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông - Chọn lọc những sáng tác bất hủ (Thu âm trước 1975)

Khác với cuộc đưa tiễn người lính Chris Kyle, buổi chia tay nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông không có nhiều người khóc. Chỉ có những cánh tay đưa lên, im lặng chào đưa tiễn ông. Động tác rất quen thuộc khiến những người xa lạ nhau như gần lại. Có điều gì đó dâng lên trong suy nghĩ, đầy xúc động. Quả là có những triều đại nguy nga lộng lẫy, nhưng mọi thứ đã không còn. Nhưng cũng có những chế độ đã mất nhưng con người và tinh thần quốc gia thì còn sống mãi.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 04/03/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Văn hóa

Tưởng niệm, một trong các phương thức, chắc không có gì gần gũi bằng âm nhạc.

babai1

Bài báo nhân chứng tội ác gây ra trong trận Tếdt Mậu Thân của quân cộng sản

Tôi chọn viết ra đây 3 bài hát với những chi tiết cần thiết, mồn một như lịch sử được ghi lại bằng âm nhạc, để ngàn đời sau còn được ngâm nga lên trong ký ức dân tộc này.

Nếu những kẻ gây ra tội ác chấp nhận sự thật, các giai điệu này nhắc về quá khứ đau buồn và dân tộc cùng nhau gầy dựng lại, để nhắc nhau không đi vào vết xe đổ, để cùng nhau tìm về một tương lai.

Còn nếu không, thì những lời hát này, sẽ thay cho hàng ngàn linh hồn oan khuất, mãi mãi vang theo từng bước chân của thế hệ Việt Nam, đòi một cuộc giải oan, đòi một tiếng công bằng từ thảm trạng.

Xin dành đôi phút của cái tết Mậu Tuất, để nghe lại, và nhớ lại và nghĩ lại về đất nước này, như một người Việt Nam đúng nghĩa.

-----------------------

Chuyện một chiếc cầu đã gãy

"Chuyện Một Cây Cầu Ðã Gẫy" là ca khúc viết năm 1968, khi nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng đã 31 tuổi ; cho nên, nó không phải là một trong những ca khúc đầu tay của ông như nhiều lời bàn.

babai2

Trước biến cố kinh hoàng, được biết dưới tên đơn giản là "Tết Mậu Thân Huế, 1968", một thành phố tựa mối tình đầu của ông, đồng thời cũng là nơi tiếp giáp quê hương Quảng Nam của mình ; Trầm Tử Thiêng đã sáng tác ca khúc "Chuyện một chiếc cầu đã gẫy !".

Một ca khúc ra đời từ hơn 40 chục năm trước, nay nghe lại người thưởng ngoạn vẫn còn cảm thấy bùi ngùi. Ngay cả khi người nghe không có một chút ấn tượng, hiểu biết gì về biến cố ghê rợn ấy.

Có dễ vì âm điệu của ca khúc được xây trên nền của các câu hò, hoặc dân ca Huế, như Nam Bình, Nam Ai... thích hợp với nội dung, khí hậu của bản nhạc (?)

Ðã thế, ông còn "vẽ" lại một cách lớp lang, thứ tự như một truyện ngắn cảm động bằng âm nhạc, nên dù ai nghe, cũng khó cầm lòng !

Ca khúc mở đầu bằng sự nhớ lại những ngày đầu tiên, khi chiếc cầu được xây dựng :

"Một ngày vào thuở xa xưa trên đất Thần Kinh - Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh - Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời - Khắp cố đô dân lành vui ca thành điệu Nam Bình - Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ - Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ".

Rồi trải qua hàng trăm năm với mưa, nắng, buồn, vui, những cuộc đời thơ mộng, trưởng thành, qua đi, để bao thế hệ tiếp nối lại được mùa hẹn hò, được sống như thi ca trước sự chứng kiến của chiếc cầu nối liền hai đầu tử, sinh đó.

Trong tác phẩm của Trầm Tử Thiêng, chiếc cầu không còn là một kiến trúc, một vật thể làm phương tiện nối liền đôi bờ một con sông mà, nó còn là chứng nhân tình cảm, trung tín nhất của những người ra đi, gầy dựng tương lai, nhưng vẫn không quên lời nguyện thầm, trở về :

"Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa - Dập dìu trong tay chan chứa tình thương - Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường - Áo trắng về trắng cầu quê hương - mỗi lần chiều tan trường - Cầu quen đưa bao chuyến xe - Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề - Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề ngoài miền sơn khê".

"Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em - Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau - Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu - Nước dưới cầu trong veo - Như cuộc tình duyên nghèo...".

Thế rồi, bất ngờ, thảm họa xẩy ra :

"Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui - Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi - Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi - Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài..".

Nhân nhắc tới ca khúc "Chuyện một chiếc cầu đã gẫy" của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng, tôi nghĩ có dễ ít người biết cách đây nhiều chục năm, khi được nhạc sĩ Anh Bằng đồng ý cho hát thử trong băng nhạc Dạ Lan (tiền thân của trung tâm băng nhạc Asia). Nhựt Thanh khi ấy còn rất trẻ, đã chọn ca khúc đó để quyết định vận mệnh đời ca hát của mình...

Kết quả, một sớm một chiều, tiếng hát Trường Thanh (tức Nhựt Thanh) được nhiều thính giả đón nhận.

Thời gian đó, Trường Thanh không chỉ là một tiếng hát ăn khách, mà anh còn tạo lấy cho mình một trung tâm băng nhạc riêng : Trung Tâm băng nhạc Trường Thanh nữa.

(Du Tử Lê - Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng và Chuyện một Chiếc Cầu Đã Gãy)

Lời bài hát Chuyện một chiếc cầu đã gãy

Một ngày vào thuở xa xưa trên đất thần kinh
Người bỏ công lao xây chiếc cầu xinh
Cầu đưa lối cho dân nối liền cuộc đời
Khắp cố đô dân lành an vui ca thành điệu Nam Bình
Niềm vui bao lâu ước mơ giờ trên xứ thơ cầu nối liền bờ
Thỏa lòng người dân hằng chờ có ngày hẹn hò tình đẹp như mơ

Ngày ngày cầu đã đưa em qua nhóm chợ khuya
Cầu đã đưa anh qua xới ruộng nâu
Giờ êm ái quen nghe tiếng hò Ngự Bình
Nước dưới cầu nước vẫn trong xanh như lòng người dân lành
Cầu đưa ta đi sớm trưa tìm trong nắng mưa niềm vui ngày mùa
Hết lòng gìn giữ nhịp cầu nối liền tình người đẹp đời mai sau

Từng đoàn người dệt tương lai đi nắng về trưa
Dập dìu trong tay chan chứa tình thương
Cầu êm bóng xa xa nắng tre rập đường
Áo trắng về trắng cầu quê hương
Mỗi lần chiều tan trường
Cầu quen đưa bao chuyến xe
Nhiều khi vẫn nghe buồn vui tràn trề
Âm thầm người đi, người về, trót ghi lời thề
ngoài miền sơn khê

Ngày nào cầu đã đưa anh qua phố tìm em
Cầu đã đưa ta sang chỗ hẹn nhau
Cầu tha thiết khuyên anh giữ trọn tình đầu
Nước dưới cầu vẫn trong veo
Như cuộc tình duyên nghèo
Tình yêu ta như nước trong
Dù qua mấy sông vẫn một lòng
Thương người nhìn qua đầu cầu
Hứa hẹn ngọt ngào tình bền duyên lâu

Tình người về giữa đêm xuân chưa dứt cuộc vui
Giặc đã qua đây gây cảnh nổi trôi.
Cầu thân ái đêm nay gẫy một nhịp rồi
Nón lá sầu khóc điệu Nam Ai tiếc thương lời vắn dài
Vì sao không thương mến nhau còn gây khổ đau làm lỡ nhịp cầu
Mối thù chờ sang ngày nào nối lại nhịp cầu rửa hờn cho nhau

Chuyện một chiếc cầu đã gãy, ca sĩ Hoàng Oanh, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng

-------------------------

Cơn mê chiều

Tưởng niệm 50 năm thảm sát năm Mậu Thân, Huế, qua một status của nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, tôi tìm gặp và trò chuyện được với người nhà của tác giả Cơn mê chiều. Mới biết nhac sĩ Nguyên Minh Khôi (Nguyên chứ không phải là Nguyễn như mọi người vẫn nhầm) vẫn còn sống tại Saigon như một ẩn sĩ. Tên thật của ông là Vĩnh Khôi, cháu của nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ.

babai3

Nhạc phẩm Cơn mê chiều của nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi

Năm 2018, có lẽ là một năm hit của ca khúc này, bởi rất bài hát Cơn mê chiều thoáng nghe qua, cứ tưởng như một chuyện tình buồn trên đất Thần kinh. Thế nhưng đó lại là một trong ca khúc như lịch sử được ghi bằng âm nhạc, sang trọng và nhẹ nhàng, nói về thảm cảnh của người dân Huế trước thảm nạn cộng sản năm 1968.

Theo lời kể của gia đình nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi, thì ông đã viết bài này ngay sau những ngày Tết Mậu Thân, khi ông vội chạy ra Huế để thăm người yêu, mà sau này là vợ của ông. Bài hát được tức cảm, viết ngay tại thành phố Huế, ngay trước khung cảnh tan hoang của quê nhà. Căn nhà của song thân nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi lúc đó ở đường Phan Bội Châu (nay là Phan Đăng Lưu), bị trúng đạn. Khi ông tìm đến thì chỉ thấy ngôi nhà đổ nát nên bàng hoàng vì đã không có tin tức gì của người yêu, lại thêm nỗi đau có thể mất cả song thân.Trong cảm xúc đau buồn tột cùng đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi. đi lang thang khắp thành phố Huế để nhìn nơi sinh ra của mình, nhìn những cảnh hoang tàn, chết chóc bao phủ... và rồi cảm xúc đó đã viết thành Cơn Mê Chiều. Lúc đó, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi chỉ vừa 27 tuổi.

Từ 10 năm nay, nhạc sĩ Nguyên Minh Khôi ít giao tiếp với bên ngoài, cũng như có sáng tác mới, nhưng chỉ thu âm và chia sẻ với người quen biết.

Một bài hát khác về Huế, với tâm trạng tương tự, là Huế Mù Sương :

Lời bài hát Cơn mê chiều :

Chiều nay không có em, mưa non cao về dưới ngàn
Đàn con nay lớn khôn mang gươm đao vào xóm làng
Chiều nay không có em, xác phơi trên mái lầu
Một mình nghe buốt đau, xuôi Nam Giao tìm bóng mình
Đường nội thành đền xưa ai tàn phá ?
Cầu Tràng Tiền bạc màu loang giòng máu
Hương Giang ơi thuyền neo bến không người qua đò
Một lần thôi nhưng còn mãi ...
Và chiều nay không có em, đường phố cũ chân mềm

Tôi là người khai hoang đi nhặt xác mình, xác người
Cho ruộng đồng xanh màu, cho đám mới lên cao
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

Đừờng vào thành, hàng cây trơ trụi lá
Đồi Ngự Bình thịt xương khô sườn đá
Kim Long ơi, bờ lau ngóng, chuông chùa tắt rồi
Một lần thôi nhưng còn mãi
Và chiều nay khg có em, đường phố chẳng lên đèn

Tôi là người trong đêm, mang ngọn đuốc về nội thành
Xin làm người soi đường đi xóa hết đau thương
Và người ơi xin chớ quên, người ơi xin chớ quên

Nghe nhạc Cơn mê chiều :

Cơn Mê Chiều - Thái Thanh

-------------------------------

Bài ca trên những xác người

Về cái Tết Mậu Thân kinh hoàng ở Huế, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có hai bài hát là "Bài Ca Dành Cho Những Xác Người", và "Hát Trên Những Xác Người" được sáng tác năm 1968, sau khi Trịnh Công Sơn từ Huế trở về Sài Gòn. Những ngày diễn ra biến cố tại Huế, Trịnh Công Sơn có mặt tại cố đô.

babai4

Một người bạn thân của nhạc sĩ, là họa sĩ Trịnh Cung, hồi tưởng rằng Trịnh Công Sơn có kể với ông những tình tiết đã xảy ra cho người nhạc sĩ trong những ngày lưu lại Huế. Họa sĩ Trịnh Cung cho biết, tác giả bài ca Hát Trên Những Xác Người, suýt chút nữa, đã trở thành nạn nhân của Biến Cố Mậu Thân. "Gia đình Sơn bị lùa vào tập hợp tại một điểm tập trung tại Huế. Em Sơn là Trịnh Quang Hà cũng bị lùa vào. May mắn cho Sơn, những người bộ đội là từ miền Bắc vào, họ không biết Sơn là ai. Chứ nếu Sơn bị những người địa phương bắt, thì chắc anh em Sơn cũng đã cùng chung một số phận tại mồ chôn tập thể ở Bãi Dâu.

Trong một bài viết cách đây vài năm, nhà văn Phạm Xuân Đài, cũng là một người bạn của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, đã khẳng định, hai nhạc phẩm viết như là vai trò của một nhân chứng.

Ông viết : "Toàn là những xác người, gần giống như những thước phim tài liệu của Đức Quốc Xã ghi hình ảnh thi hài chồng chất của người Do Thái. Bài hát này của Sơn là một phóng sự bằng nghệ thuật cho người đời biết thế nào là sự chết chóc khi "anh em ta về" thành phố Huế dịp Mậu Thân. Chắc chắn, đó là dịp Sơn nhìn gần cái chết tập thể nhất, nhìn thấy sự man rợ, tuy vẫn thuộc phạm vi cuộc chiến nhưng không phải thuần tuý do động lực chiến tranh. Cả hai bài hát có cùng một đề tài trong hầu cùng một biến cố".

Những nhân chứng thời ấy nói rằng, các đám tang tập thể tại Huế vào các năm 1968, 1969 là hình ảnh không thể quên cho những ai từng một lần nhìn thấy. Trong bài viết "Mass Murder, Mass Burial" của nhà báo Tito V. Carballo, đăng trên Vietnam Bulletin vào năm 1969, có đoạn mô tả một đám tang tập thể như sau : "Dưới ánh mặt trời chói chang, những dãy quan tài được xếp thành từng hàng ngay ngắn. Bên trong mỗi quan đóng vội này là những gì còn sót lại của các thi hài được tìm thấy. Khoảng 15.000 người, trong áo tang trắng, đứng chịu trận dưới trời nắng chang chang. Một ai đó âm thầm khóc, một ai khác khóc to vật vã. Thỉnh thoảng, họ lại nhìn nhau như thể đang tìm một lời an ủi rằng đây không phải là sự thật, đây chỉ là một giấc chiêm bao". Mậu Thân 1968, những gì xảy ra cho người đã chết, sẽ còn mãi trong lòng người đang sống. Biến cố ấy sẽ không trôi qua trong quên lãng. Mậu Thân 1968, đã để lại dấu vết trong âm nhạc, trong văn chương, trong hồi ký, và trên báo chí. (Sưu tầm)

Lời bài hát Bài ca trên những xác người :

Xác người nằm trôi sông, phơi trên ruộng đồng
Trên nóc nhà thành phố, trên những đường quanh co.
Xác người nằm bơ vơ, dưới mái hiên chùa
Trong giáo đường thành phố, trên thềm nhà hoang vu

Mùa xuân ơi, xác nuôi thơm cho đất ruộng cày
Việt Nam ơi, xác thêm hơi cho đất ngày mai
Đường đi tới, dù chông gai
Thì quanh đây đã có người

Xác người nằm quanh đây, trong mưa lạnh này
Bên xác người già yếu, có xác còn thơ ngây
Xác nào là em tôi, dưới hố hầm này
Trong những vùng lửa cháy, bên những vồng ngô khoai

Nghe nhạc Bài ca trên những xác người :

Bài hát trên những xác người

Nghe nhạc Bài ca trên những xác người :

Khánh Ly - Hát Trên Những Xác Người

Chiều 30 Tết, Sài Gòn

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 15/02/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Văn hóa
lundi, 12 février 2018 09:44

Nghệ thuật chôn sống

Vài ngày sau khi có lá thư được cho là của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường phát đi, khẳng định rằng ông không có mặt ở Huế vào xuân Mậu Thân 1968, sự kiện này đã làm bùng phát nhiều lời bàn trên các trang mạng, báo chí…

chon1

Khám phá hố chốn người tập thể sau khi quân cộng sản rút khỏi Thành phố Huế tháng 2/1968 - Ảnh tuần báo Life

Cũng có không ít người đứng ra, nói rằng nếu như vậy thì cần giải oan cho ông Tường khỏi vũng máu nhầy nhụa của cuộc thảm sát thường dân ở Huế. Cuộc thảm sát mà không có sự che đậy nào có thể làm mất hết mùi tanh của máu, của nỗi đau và sự kinh hoàng về cái gọi là "quân cách mạng" vào thời điểm đó, ở Huế.

Ghê sợ nhất, từ các bài tường trình lưu trữ của hãng AP, của ABC News… và từ cả các quyển sách ghi lại từ các phóng viên và người trong cuộc lúc đó, là chuyện kể về các màn chôn sống đồng loại. Vì lý do gì đó, những người bị chôn sống có dây kẽm đâm xuyên qua chuỗi các lòng bàn tay để tránh chuyện ai đó có thể chạy thoát. Thống kê không đầy đủ từ báo chí nước ngoài nói rằng có khoảng 500 thường dân đã chết im lặng, chết tức tưởi như vậy, khi tay không có vũ khí và cũng không có ý định kháng cự với "quân cách mạng".

Một người bạn trên facebook hỏi rằng tôi có ý kiến ra sao về lá thư của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, tôi đã trả lời rằng mình không cần phải nói thêm gì nữa, vì đã có quá nhiều lời bình luận về chuyện này trên trang của tôi, từ những người rất hiểu biết. Mục đích chính của tôi, cũng không phải là tranh cãi với ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, mà chỉ là muốn làm đậm thêm sự thật.

Trong những ngày rầm rĩ cái gọi là "chiến thắng Mậu Thân" của báo đài nhà nước, có những ngôn luận rất chủ đích, được tung ra trên mạng xã hội rằng những cái chết của đồng bào ở Huế là bịa đặt của bọn phản động. Tôi được nhìn thấy những đường dẫn, những bài viết không được tỏa rộng lắm – cũng như không được hưởng ứng nhiều, nói rằng "bọn ba que lại dựng lên những chuyện này". Những đường dẫn ấy, có kèm cả những bức hình người dân Huế sau đại nạn ấy đang đào bới tìm xác người thân bị chôn sống. Chắc chắn, lớp trẻ dại tham gia làm tuyên truyền viên không thể tự mình nghĩ ra những cách nói ngu xuẩn và điên cuồng như vậy, nếu không được hướng dẫn như vậy từ những chính trị viên của chúng.

Vì thế, không có gì xác minh câu chuyện thảm sát Huế 1968 từ "quân cách mạng" là có thật – thật đến từng chữ, như cách nhà văn Nguyễn Quang Lập đã mô tả về hồi ký của ông Nguyễn Đắc Xuân – bằng cách đặt lên mọi sự tuyên truyền khốn nạn, bằng chính bức thư xin lỗi của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường.

Tôi buộc phải làm vậy, vì không muốn đồng bào tôi – dù họ chưa hề là người tôi quen biết – lại bị âm mưu đen tối nào đó muốn chôn sống một lần nữa, sau nửa thế kỷ bị che đậy, bị nói ngược, bị điêu ngoa xảo trá.

Nhưng chung quanh câu chuyện của ông Hoàng Phủ Ngọc Tường, người mà đã nửa thế kỷ, khốn khổ vì luôn bị người đời gọi tên và mỉa mai không thôi, vẫn còn chuyện để bàn.

Có lẽ ông Tường đã có nhiều mùa xuân chồng chất những lời nguyền rủa, khiến năm nay đã 81 tuổi, ông buộc phải lên tiếng vì muốn thôi phải chịu đựng những hạn kỳ của dư luận như vậy.

50 năm không là ít. 50 năm là một đời người, thậm chí 50 năm có thể là thời gian chung cuộc của một chế độ.

Ấy vậy mà 50 năm qua, những đồng chí của ông Tường chưa bao giờ lên tiếng chính thức cho ông, để ông thoát khỏi câu chuyện là người có mặt trong những đêm dã thú ở Huế 1968. Thậm chí những người đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi ông Tường, đặt ông vào chức Tổng thư ký Liên minh các Lực lượng Dân tộc Dân chủ và Hòa bình Thành phố Huế, tức lực lượng chịu trách nhiệm lấy danh sách để bắt và xử những người ở Huế vào năm 1968, cũng không ai lên tiếng, nói giúp rằng ông Tường không có mặt trong cuộc thảm sát, như thư ông Tường phân minh.

Hãy tạm gác lại trách nhiệm của ông Tường. Vấn đề trách nhiệm của những người trong "quân cách mạng" mới thật đáng nói. Họ đã để lửng lơ câu chuyện của ông Tường với nghi án ấy như một kiểu đẩy mọi tội ác cho ông Tường gánh giùm. Đã vậy, năm 1981, "quân cách mạng" đẩy ông Tường ra phát ngôn trước ống kính quốc tế, lợi dụng tinh thần đắc lực lẫn tính hám danh của ông. Và như vậy, "họ" đã âm mưu chôn sống ông Tường lần đầu một cách rất hào nhoáng.

Em của ông Tường, ông Hoàng Phủ Ngọc Phan, người được dư luận nói rằng là một thủ ác không cần bàn cãi vào năm 1968, cũng im lặng. Thật khó mà tìm thấy một bài viết chính danh nào của ông Phan bênh vực về trường hợp người anh của mình. Nói một cách nào đó, nhát xẻng góp phần chôn sống ông Tường, chắc có cả của ông Phan.

Năm 2018, nửa thế kỷ tội ác Mậu Thân 1968, khi truyền thông nhà nước nói rằng "ăn mừng", thì dường như ông Tường không thể cùng vui với niềm vui chiến thắng như vậy. Ông phải tự đưa ra bức thư minh oan cho mình. Chỉ có một số ít bạn văn và những người quen biết lên tiếng yểm trợ cho ông. Nhưng mọi thứ lại bị chìm sâu trong tiếng nhạc mừng 50 năm "cuộc tổng tiến công mùa xuân Mậu Thân". Một lần nữa không có ai trong hệ thống cất lời giúp cho ông Tường.

Thế kỷ của nhân loại hôm nay quả tinh xảo. Chôn sống có thể chỉ một lần để giết chết. Nhưng vẫn có những loại nghệ thuật chôn sống, mà khi nhìn lại đời, mới biết mình lịm dần vì đã tin vào những kẻ đã vỗ vai, bắt tay khen ngợi.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 12/02/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Đối thoại với những người trẻ là một điều thú vị, vì đó là hành trình để nhận biết xem tương lai của một quốc gia rồi sẽ như thế nào.

sinhvien1

Ngọc Kim và bức ảnh Trần Hoàng Phúc trong một lần vận động ở Anh Quốc

Thật may mắn khi có được một cuộc đối thoại như vậy với Ngọc Kim, thư ký phân ban hải ngoại của Hội sinh viên nhân quyền. Kim sinh năm 1992 và đang sống ở Anh Quốc, nơi có rất nhiều người trẻ tuổi ở miền Bắc Việt Nam đến du học.

Chỉ đến khi sinh viên Trần Hoàng Phúc bị bắt và áp vào cáo trạng "tuyên truyền chống Nhà nước" theo điều 88 Bộ Luật hình sự, thì hình ảnh của Hội sinh viên nhân quyền mới xuất hiện rõ trong công chúng ở Việt Nam. Bằng một giọng Bắc nhỏ nhẹ và thận trọng, nhưng Ngọc Kim cũng không thể giấu được sự phấn khích của mình khi nói về Hội sinh viên nhân quyền và những ước mơ cho tương lai – ước mơ không phải cho riêng các bạn của Hội, mà ước mơ cho một Việt Nam cần-thay-đổi.

So với các bàn thắng bóng đá hay bữa tiệc bikini trên máy bay, thì bản ghi chép này thật nhàm chán. Nhưng nếu những nhà lãnh đạo Việt Nam dành chút thời gian để đọc và chân thành hiểu được những gì tuổi trẻ Việt Nam đang nghĩ, thì có lẽ họ cũng sẽ sớm nhận ra rằng khi một đất nước miệt mài với những cuộc vui và chỉ số hạnh phúc, cũng vô cùng giả tạo và nhàm chán, như chính bản thân họ vậy.

-----------------------

Tuấn Khanh : Hội sinh viên nhân quyền của các bạn dường như còn khá mới mẻ đối với công chúng ở Việt Nam. Bạn có thể nói sơ qua về Hội của mình, cũng như cho biết Trần Hoàng Phúc đóng vai trò như thế nào đối với Hội ?

Ngọc Kim : Vâng, ý tưởng thành lập một hội sinh viên độc lập thì đã có từ năm 2014. Khi đó, một bạn sinh viên tìm đến gặp một giáo sư vật lý và trình bày về ý tưởng thành lập một Hội sinh viên độc lập, và được vị giáo sư ủng hộ. Tuy nhiên ông không tiện ra mặt công khai vận động, mà chỉ âm thầm ủng hộ các bạn trẻ. Rồi các bạn sinh viên cùng chí hướng cũng đã âm thầm liên kết với nhau. Trong nhóm lúc đó, mỗi người có một khả năng nhưng thiếu người am hiểu về pháp luật. Cơ duyên đến khi sinh viên luật Trần Hoàng Phúc đến với nhóm.

Từ lâu, Phúc cũng có ý tưởng thành lập một Hội sinh viên độc lập như thế rồi, cho nên các bạn trong nhóm rất dễ làm việc với nhau. Từ đó Phúc là người lo cho Hội về phương diện pháp luật và phương pháp tổ chức hội đoàn, lập kế hoạch cho Hội hoạt động lâu dài. Ở thời điểm Phúc đang bị gán ghép những tội danh bất lợi, phía Hội chỉ có thể tiết lộ được đôi điều như vậy về Phúc mà thôi ạ.

Tuấn Khanh : Lý do vì sao các bạn chọn cố vấn cho Hội sinh viên nhân quyền là bác sĩ Nguyễn Đan Quế ? Việc mời một nhân vật hoạt động chính trị - đặc biệt là bị sự giám sát rất ngặt nghèo từ phía chính quyền, là ý tưởng như thế nào ?

Ngọc Kim : Ý kiến chung của các bạn khi mời bác sĩ Nguyễn Đan Quế, không phải với tư cách ông là một nhà đối lập chính trị, mà là trong tư cách một nhà khoa học. Bác sỹ Nguyễn Đan Quế là một sinh viên xuất sắc dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Khi mới tốt nghiệp trường y, bác sỹ Quế được Liên Hợp Quốc trao học bổng đi tu nghiệp về ngành Y khoa Nội tiết (Endocrinology). Khi về nước, ông giữ chức Giám đốc Khu Nội khoa Bệnh viện Chợ Rẫy bệnh viện Chợ Rẫy. Ông cũng làm giảng viên tại đại học Y-Dược Thành phố Hồ Chí Minh, với mục tiêu lớn là cải cách nền học thuật Việt Nam. Hội sinh viên nhân quyền đã rất vinh dự khi đã mời nhà khoa học lớn này về làm cố vấn cho mình. Ngoài ra, tất cả các bạn trong Hội sinh viên nhân quyền đều tin rằng việc bác sĩ Nguyễn Đan Quế, một trí thức đối lập có tên tuổi tham gia cố vấn, còn làm tăng thêm uy tín của Hội sinh viên nhân quyền.

Hiện tại, Hội còn có một vị cố vấn đặc biệt nữa, đó là giáo sư quốc tế Nguyễn Đăng Hưng. Ông là giáo sư thực thụ tại đại học Liège, vương quốc Bỉ, được hoàng gia Bỉ trao tặng danh hiệu hiệp sĩ cho những đóng góp to lớn cho đất nước này. Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng được báo chí Bỉ vinh danh là 1 trong số 10 người làm thay đổi nước Bỉ, ông đã về nước và giúp nhà nước Việt Nam đào tạo ra nhiều nhân tài về cơ học, trong đó kể đến tiến sĩ Nguyễn Xuân Hùng. Hiện Giáo sư Hưng là cố vấn đặc biệt cho chuyên mục Cải cách học thuật.

Chính sách của Hội sinh viên nhân quyền là mời gọi nhiều nhân tài khoa học và những nhân tài trên nhiều lĩnh vực. Hội sinh viên nhân quyền luôn mở cửa chào đón những sinh viên có thực tài và có mong ước tốt đẹp cho xã hội và đề xuất được các chương trình để cải tạo đất nước 

Tuấn Khanh : Thêm một điều tò mò nữa, nhờ các bạn giải thích là vì sao Hội sinh viên nhân quyền lại gắn với ý nghĩa "nhân quyền". Theo nhận định của các bạn đời sống đại học và sinh viên hiện nay như thế nào, khiến có sự ra đời của Hội ?

Ngọc Kim : Vâng, khi chọn danh từ "nhân quyền" như trong tên gọi, Hội sinh viên nhân quyền đã lường trước được nội hàm ý nghĩa rất rộng của từ "nhân quyền". Nhân quyền, hay gọi cách khác là quyền con người, thì ai cũng có và cũng cần được trân trọng. Nhưng cách hiểu về nhân quyền của mỗi người khác nhau. Ví dụ, cách hiểu về nhân quyền của người phương Đông khác với người phương Tây, và cách hiểu về nhân quyền của giai cấp bị trị chắc chắn khác biệt cách hiểu của giai cấp thống trị. Trong bất kỳ xã hội nào, ai cũng muốn bảo vệ quyền-con-người của mình, cho nên luôn luôn có những xung đột về vấn đề nhân quyền. Do đó lý tưởng hoạt động vì nhân quyền của Hội sinh viên nhân quyền sẽ là một chặng đường rất dài.

Tuấn Khanh : Điều gì khiến cho các bạn tin rằng sinh viên Việt Nam hiện nay cần suy tư, và quan tâm đến nhân quyền ?

Ngọc Kim : Tình hình nhân quyền ở Việt Nam hết sức phức tạp. Nhiều mảnh đời bất công trong xã hội không được ai bênh vực, hỏi nhà nước thì nhà nước lắc đầu làm ngơ không trả lời, hỏi người nước ngoài, thì người ta ở xa làm sao can thiệp kịp ? Do đó, cần có những tổ chức bảo vệ nhân quyền thiết thực ở trong lòng xã hội, và tổ chức đó phải độc lập. Sinh viên Việt Nam là một thành tố quan trọng trong ý nghĩa đó. Sinh viên Việt Nam cần quan tâm đến nhân quyền bởi vì tất cả sinh viên đều là con người, thậm chí những con người đó chuẩn bị ảnh hưởng rất lớn làm thay đổi xã hội. Nếu quyền của một sinh viên bị xâm phạm thì cũng tức là quyền của cả một xã hội đang bị xâm phạm. Bằng cách này hay cách khác, sinh viên nào quan tâm đến nhân quyền đều có thể tác động thay đổi vận mệnh dân tộc.

Có vẻ như các bạn đang đi tìm một tính độc lập của khối đại học, cũng như tinh thần độc lập của giới sinh viên so với sự thực tế giáo dục hiện nay. Các bạn có lưu tâm về vấn đề lịch sử và so sánh sự khác biệt tinh thần đại học hiện nay, so với trước năm 1975 ?

Hiện nay, thời xã hội chủ nghĩa, có thể nói sinh viên đa số không có được tinh thần độc lập như các sinh viên thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975. Sinh viên trước 1975 độc lập trong suy nghĩ hơn và có nhiều sáng tạo hơn, trình độ cao hơn, khả năng ngoại ngữ vượt trội hơn. Thời Việt Nam Cộng Hòa, từ khi còn là học sinh các bạn đã được hưởng một nền giáo dục khai phóng và nhân bản, đến khi lên đại học thì các bạn sinh viên đã là những người giỏi giang, là tài sản của quốc gia. Còn bây giờ, kể từ sau 1975, nền giáo dục trói buộc con người, áp đặt học sinh phải nghĩ theo một con đường định sẵn, cho nên học sinh và sinh viên mái trường xã hội chủ nghĩa như bị rối loạn nhân cách, bằng chứng là rất nhiều người khó hòa nhập được với trào lưu chung của sinh viên quốc tế.

Phải nói thêm rằng giáo sư, giảng viên của khối đại học sau 1975 cũng không được như trước 1975. Không có tự do ngôn luận nên nhiều giáo sư, giảng viên đại học thời nay không có tư tưởng, cho nên đào tạo ra những sinh viên không có tư tưởng. Khi không có tư tưởng thì một người lao động chỉ là công nhân, khi có tư tưởng rồi thì anh mới là nhà báo, nhà văn, nhà chính trị... Nhưng nói cho cùng, cũng không thể trách là các thầy cô hèn nhát được, vì bất kỳ thầy cô nào suy nghĩ độc lập và dạy học sinh tư duy phản biện thì sẽ bị trù dập, thậm chí phải đối diện nhà tù. Không được các giáo sư khích lệ nên sinh viên cứ tư duy theo lối mòn, không dám độc lập suy nghĩ.

Sinh viên của hai giai đoạn này khác biệt nhau rất nhiều. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở tư tưởng. Theo quan điểm của Hội, sinh viên thời chính quyền Sài Gòn - Việt Nam Cộng Hòa có tư tưởng và dám đấu tranh cho lý tưởng, nhưng sau năm 1975, tỉ lệ này trong sinh viên chỉ chưa đầy 1%.

Chính vì vậy khi thấy giáo sư Nguyễn Đăng Hưng là một con người tự do vào làm cố vấn, đã có không ít bạn trẻ nộp đơn để được tham gia Hội Sinh viên Nhân quyền. Tụi em rất vui và tin rằng nhiều bạn trẻ sẽ nhìn ra được rằng xã hội này đã đến lúc cần thay đổi.

Tuấn Khanh : Được biết các bạn là một Hội sinh viên sinh hoạt về các quyền và giá trị con người, theo cách của giới trí thức ôn hòa và bình thường theo hiến pháp/luật pháp, nhưng tại sao hiện nay các thành viên của các bạn phải đánh số như mật danh ?

Ngọc Kim : Lý do là trãi qua 6 tháng hoạt động đầu tiên, bị cơ quan an ninh điều tra theo dõi nên Hội phải áp dụng phương thức thay tên bằng mã số để đảm bảo an toàn cho các Hội viên. Nay thời gian nửa năm đã trôi qua, Hội đã lớn mạnh và mới đây đã dần xóa bỏ mã số cho tất cả các hội viên và chính thức sử dụng tên. Dĩ nhiên, tên này có thể là tên thật hoặc bí danh. Một khi Việt Nam sớm có luật tự do lập hội đoàn, thì tất cả các hội viên Hội sinh viên nhân quyền sẽ cùng thể hiện tên thật và công khai thực hiện các chương trình tái thiết đất nước của mình.

Tuấn Khanh : Cũng liên quan về việc sinh hoạt các quan điểm xã hội, cũng như ứng dụng tri thức căn bản truyền thông trong đời sống, nhưng một thành viên của các bạn là sinh viên Trần Hoàng Phúc đã bị kết tội theo điều 88 tức "tuyên truyền chống nhà nước". Các bạn nhận định như thế nào về điều này ? 

Ngọc Kim : Cần nói rõ bạn Trần Hoàng Phúc là một sinh viên vô cùng năng động. Bạn Phúc có mặt bao quát trên nhiều lĩnh vực, giúp đỡ cho nhiều hội đoàn. Tháng 7 năm 2017, nhà cầm quyền dùng luật điều 88 để bắt Phúc, với tội danh "tuyên truyền chống nhà nước". Nhưng đây là một tội danh hết sức mơ hồ. Nếu một điều nói thật mà nhà nước coi là chống nhà nước, thì nhà nước nên lại xem lại, là tại sao chỗ nào cũng có người chống nhà nước ? Đó là vì nhà nước làm việc không theo sự thật. Bởi không có sự thật trong nhà nước cho nên nhà nước phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác và sẽ có những người bất mãn dùng truyền thông để nói lên sự khác biệt. Trường hợp Trần Hoàng Phúc, theo như Ngọc Kim được biết, thì Phúc muốn dùng truyền thông để kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn.

Một đất nước văn minh phải có năm cột trụ : tam quyền phân lập, tức là lập pháp-tư pháp-hành pháp độc lập với nhau, cột trụ thứ tư là tự do báo chí, cột trụ thứ năm là công đoàn độc lập. Nhà nước muốn đập bỏ cột trụ thứ tư thì tức là đang đập bỏ một phần của nền văn minh nhân loại. Tất nhiên Hội sinh viên nhân quyền không nghĩ rằng mọi thành phần của nhà nước đều phản văn minh như vậy, mà rõ ràng, một phía bảo thủ nào đó, có lợi thế cầm quyền đang muốn ngăn cản quyền tự do báo chí mà thôi. Trần Hoàng Phúc đấu tranh cho cột trụ thứ 4 của một nước văn minh là tự do báo chí, cho nên bạn ấy tất nhiên bị phía lực lượng phản văn minh muốn bỏ tù.

Tuấn Khanh : Tương tự như Hoàng Chí Phong ở Hồng Kông, Phan Kim Khánh hay Trần Hoàng Phúc đều là những sinh viên trẻ, có hoạt động phản biện và chủ trương ước mơ cho đất nước được thay đổi tốt đẹp hơn. Kim Khánh đã có một bản án, và Phúc cũng vậy và bị đặt ở phía kẻ có tội, các bạn nghĩa sao về điều này ?

Ngọc Kim : Cùng bị kết tội chống đối chính quyền, nhưng Hoàng Chi Phong ở Hồng Kông có điều kiện dễ dàng hơn Phan Kim Khánh và Trần Hoàng Phúc ở Việt Nam. Hồng Kông có tự do ngôn luận và thượng tôn pháp luật, đặc trưng của các nước thuộc địa Anh quốc. Giới trẻ Hồng Kông hết thảy đều biết về Hoàng Chi Phong và ủng hộ Hoàng Chi Phong, cho nên Trung Quốc cũng không dám bỏ tù Hoàng Chi Phong với án nặng. Nhưng ở Việt Nam, báo in bị nhà nước kiểm soát gắt gao, họ muốn bưng bít về giới sinh viên bất đồng chính kiến, nên trong nước vẫn chưa nhiều người biết đến Trần Hoàng Phúc và Phan Kim Khánh, Ngọc Kim nghĩ rằng hiện chỉ mới khoảng 20% dân số biết đến những việc làm của hai sinh viên này mà thôi.

Tại Hồng Kông, ít nhất cũng khoảng 95% dân số nước này biết đến Hoàng Chí Phong. Sự ngưỡng mộ của dân chúng đối với Hoàng Chí Phong có ở mọi con phố ở Hồng Kông, làm cho nhà cầm quyền chỉ dám giam giữ người sinh viên này vài tháng đến nửa năm. Còn như Phan Kim Khánh, vì xã hội còn ít người biết đến cho nên tòa án độc tài bỏ tù anh đến 6 năm. Nhưng từ ngày 31/01, Trần Hoàng Phúc ra tòa, tình hình có thể sẽ khác bởi thông tin ngày càng lan tỏa, và hiện đã có nhiều người hơn, trên khắp cả nước biết đến Phúc. Bản án đặt lên Trần Hoàng Phúc có thể tạo những cột mốc mới đối với tình hình chính trị Việt Nam.

Và Ngọc Kim tin rằng, dù ở Hồng Kông hay Việt Nam, nếu Hoàng Chi Phong hay Phan Kim Khánh, Trần Hoàng Phúc bị kết tội thì cho thấy một điều rằng, ở mọi quốc gia, sinh viên độc lập là lực lượng mạnh mẽ nhất có thể thay đổi xã hội.

Tuấn Khanh : Cám ơn sự bộc bạch của các bạn, và xin hỏi một câu cuối, là khi chọn một sự khác biệt với nhà nước, đồng nghĩa với chọn đối diện áp lực. Lúc này áp lực mà các bạn đang đối diện thì như thế nào ? Các bạn có ước mơ gì cho tương lai ?

Ngọc Kim : Dạ, Hội chúng em bị an ninh nhà nước kiểm soát liên tục. Một bạn sinh viên chỉ like và share một status của fanpage Hội thôi mà đã bị công an tỉnh mời lên rồi đe dọa. Có bạn hội viên bị công an đến quấy nhiễu công ăn việc làm. Một bạn khác bị tình nghi tham gia Hội thôi mà đã bị tin tặc tổ chức cướp mất mật khẩu Icloud. Một bạn khác bị phá tài khoản Facebook và Gmail nhưng cuối cùng may mắn vẫn giữ được. Như em thì gia đình cũng bị ảnh hưởng và liên lụy, nhưng vì Kim tin việc Kim làm không có gì sai trái nên vẫn không thay đổi.

Không phải riêng Kim, mà tất cả các bạn đều mơ ước Hội sinh viên nhân quyền sẽ là Tổ chức độc lập của sinh viên Việt Nam : Tập hợp của những sinh viên có mong muốn cải cách học thuật, minh bạch giảng đường và thúc đẩy các giá trị nhân quyền trong giới sinh viên. Với một lý tưởng như vậy, chắc mọi người quan tâm có thể hình dung được phần nào diện mạo của Hội sinh viên nhân quyền trong tương lai.

Tuấn Khanh (ghi lại)

Nguồn : RFA, 30/01/2018

Published in Diễn đàn

Bất chấp những thư ngỏ ký tên hàng ngàn người, dư luận báo chí của Nhà nước suốt nhiều năm chỉ ra vụ án của Hồ Duy Hải còn quá nhiều oan khuất, rạng sáng 5/1/2018, công an tỉnh Long An lẳng lặng tổ chức việc tiêm thuốc độc để tử hình Hải.

Một nguồn tin ẩn danh từ trại giam khẩn cấp báo cho gia đình của Hồ Duy Hải, chỉ một ngày trước ngày thi hành án bất thường, mà chính Hải cũng không được biết.

Trước đó, ông Đinh Văn Sang, Viện trường VKSND tỉnh Long An trên truyền hình, đã chính thức tuyên bố đòi "dứt khoát" Hải nhanh chóng cho đỡ phiền.

Bà Loan lại một lần nữa, vay nợ nần, tức tốc bay ra Hà Nội, lăn lộn trước cửa công đường và đòi xét lại ngày thi hành án kỳ dị này.

Xin hãy chia sẻ câu chuyện này, có thể không vì một tử tù, nhưng hãy vì một người mẹ.

Có thể chúng ta không cứu được cuộc sống của ai đó hôm nay, nhưng hãy chia sẻ để mọi thứ trở thành lịch sử không quên đến ngàn năm sau.

--------------------------

oan1

Bà Nguyễn Thị Loan, mẹ tử tù Hồ Duy Hải khóc hết nước mắt, mỏi mòn sức khỏe vì cố gắng giữ từng ngày sống cho con (ảnh Facebook Nguyễn Thúy Hạnh)

Tuấn Khanh : Thưa, khi trả lời điện thoại này, cô đang ở đâu ?

Nguyễn Thị Loan : Dạ, tôi đi xuyên suốt từ 10 năm qua, kể từ ngày tòa sơ thẩm xong, là tôi ra Hà Nội liền cho đến bây giờ. Còn ở phiên tòa phúc thẩm, tất cả những luật sư mà gia đình tôi mời để cãi cho Hồ Duy Hải, đều tin rằng Hải sẽ được phóng thích tại tòa. Nhưng phiên tòa cay nghiệt đó đã trút xuống đầu con tôi một bản án bất công mặc dù chứng cứ ngoại phạm đã rõ ràng. Luật sư còn dặn tôi rằng có thể Hải sẽ được thả, vài ngày sau phiên phúc thẩm. Gia đình tôi còn chưa kịp mừng thì ông Đoàn Ngọc Lẫm ở Viện kiểm sát tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh lại tuyên bố tử hình con tôi. Trời ơi, gia đình tôi quá sức đau khổ.

Hổm rồi, ngày 7 tháng 12, năm 2017, khi có một vị ở ngoài chính phủ vô họp Hội đồng nhân dân tỉnh Long An để nghe báo cáo kết quả cuối năm, thì ông Đinh Văn Sang, Viện trưởng Viện kiểm sát tỉnh Long An nhắn rằng về Trung ương nhớ đơn đốc giải quyết luôn vụ Hồ Duy Hải vì để lâu rồi mà "không xi-nhê" gì, không ra làm sao. Ông Sang nói cái loại người này để vậy sẽ làm ảnh hưởng an ninh chính trị nước nhà.

Ông Sang có chức mà phát biểu vậy. Thiệt là vô tâm, vô luật pháp. Ba cấp ở tỉnh Long An đã gây ra oan trái cho con trai tôi. Suốt mười năm tôi đi đòi công bằng, công lý (giọng bà Loan chợt nghẹn ngào). Họ lấy cúa con tôi, mà tôi phải đi đòi. Dạ thưa, xin quý cô quý cậu góp giúp một lời cho Hồ Duy Hải được giải oan dùm.

Tuấn Khanh : Một tử tù đang kêu oan với sự theo dõi của xã hội, vốn có tin đồn lan rộng rằng tử tù đang phải chết thay cho thủ phạm là con một quan chức cấp cao, thì bất ngờ lại có một quan chức của tỉnh Long An ra mặt kêu gọi hãy xử tử cho nhanh. Theo cô thấy, thì điều này có bất thường không ?

Nguyễn Thị Loan : Dạ, tôi thấy hoàn toàn khuất tất, bất thường. Giống như họ muốn giết con tôi như một kiểu bịt miệng, giết người diệt khẩu.

Xin thưa với quý cô quý cậu là tại sao tỉnh Bắc Giang người ta làm sai, người ta biết nhận tội với ông Nguyễn Thanh Chấn, ông Hoàng Đức Long, mà tại sao cái tỉnh Long An này lấy hai bàn tay che hết bầu trời, che luôn chính phủ, che luôn Bộ Công An. Trời ơi, tôi không biết nói gì hơn. Tôi đã tới mọi nơi, từ Phủ chủ tịch, Phủ thủ tướng… tôi tới nằm trước cửa nhà riêng của bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Tôi cũng nằm trước cổng nhà của Tổng bí thư. Tôi nói rất đàng hoàng mà sao quý ngài ở đâu mà để cho tỉnh Long An quá lộng hành như vậy ? Là một người mẹ, tôi nằm trước bao nhiêu cánh cổng công quyền, từ miền Nam ra tới miền Bắc… mà sao không ai nhìn dùm con trai tôi, một công dân vô tội, nằm trong ngục tối 10 năm rồi. Nhờ quý cô quý cậu nói lên giùm một tiếng, tôi xin cúi đầu đội ơn.

Tuấn Khanh : Trong suốt 10 năm đi kêu oan cho người nhà, phía chính quyền tỉnh Long An, công an tỉnh Long An có thái độ như thế nào với gia đình mình, thưa cô ?

Nguyễn Thị Loan : Dạ, thưa như vầy. Cuối năm 2014, khi có lệnh hoãn thi hành án của chủ tịch Trương Tấn Sang thì tự nhiên suốt hơn 3 tháng sau đó, gia đình tôi lại không được gặp mặt Hải. Gia đình tôi lo sợ lắm, vì không biết con mình ra sao mà người ta không cho gặp (bà Loan khóc nấc, đứt quãng). Rồi từ đó trở đi, trước cửa nhà tôi bao giờ cũng có 2,3 an ninh ngồi đó, không biết để làm gì. Rồi sau đó kêu gia đình tôi ra, mỗi người ngồi một phòng, hỏi như vầy "ai xúi giục các bà, mà các bà quấy rối như vậy".

Cả nhà tôi đều trả lời rằng con cháu của tụi tôi, giọt máu của gia đình tôi, đau đớn như vầy thì tự nhiên lòng của tụi tôi nổi dậy. Rồi tự nhiên công an cho người gửi giấy xuống phạt mỗi người trong nhà tôi là 300 ngàn. Chị tôi mới nói rằng Nhà nước thấy cây cột nào trong nhà có giá đủ 2 triệu 7 tiền phạt của 9 người, thì cứ cưa đi, chứ gia đình không còn tiền của gì nữa sau 10 năm đi kêu oan. Giờ chỉ có ăn cơm với muối cục để dành tiền đi kêu oan thì còn tiền đâu mà đóng cho các ông ? Nhưng công an cứ liên tục tới nhà, bắt ký giấy nhận là đã tổ chức quấy rối. Nhưng gia đình tôi không chấp nhận.

Tôi chạy ra Cục 8 để khiếu nại, hỏi rằng sao hoãn thi hành án rồi mà không cho tôi gặp mặt con ? Trại giam chỉ qua toà, tòa chỉ qua Viện… rồi mấy nơi đó chỉ qua chỉ lại cho đến 3 tháng rưỡi mới cho tôi được gặp mặt con. Dạ, cái tiếng đau khổ cũng không nói hết được cảnh của gia đình tôi, xin hãy hiểu giùm.

Tôi gặp Hải, thấy ốm o lắm, mới hỏi cán bộ ơi sao mà tôi có gửi tiền, gửi đồ ăn vô, mà sao con tôi như vậy. Thì cán bộ nói rằng tiêu chuẩn cho ăn, cho xài đồ gửi vô, mỗi ngày được có nhiêu thôi, nên phải ráng chịu (bà Loan khóc). Mỗi tháng tôi gửi đồ ăn vô, làm cho mặn thiệt mặn thì nó để được 4, 5 ngày (nói tới đây, giọng bà Loan quặn lên, như nén không cho bật khóc lớn). Sau đó, không biết con tôi ăn cái gì nữa. Trời ơi.

(cuộc nói chuyện gián đoạn trong chốc lát vì bà Loan gào lên một mình, nhưng cố quay mặt đi để không hét vào điện thoại. Tôi dừng một chút rồi nói nhanh, chen vào để bà quên đi, bớt cơn phẫn uất)

Tuấn Khanh : Dạ, về phần luật sư bào chữa cho Hồ Duy Hải thì sao thưa cô ?

Nguyễn Thị Loan : Dạ, mới đầu thì các luật sư coi như người ngoài, chỉ làm việc thôi. Nhưng bây giờ thì họ nhập tâm, coi Hải như con cháu trong nhà. Đòi công lý cho Hải hoài mà không được, họ cũng kêu trời mà nói rằng "không biết nói sao với chị bây giờ". Họ không lấy tiền thù lao nữa, mà chỉ giúp (bà Loan lại khóc. Tôi cũng lặng đi khi cảm nhận phần nào được sự bất lực của các luật sư).

Tuấn Khanh : Trên các trang mạng, các lời bàn… có nguồn tin rằng một người tên là Nguyễn Văn Nghị, bị cho là cháu của bà Trương Mỹ Hoa, cựu quan chức lớn của nhà nước, là thủ phạm. Và Hải là người phải chịu án thay cho nhân vật này. Cô có nghe tin như vậy không ?

Nguyễn Thị Loan : Dạ thưa, chuyện tìm ra hung thủ là chuyện của công an. Tôi chỉ yêu cầu rằng con tôi oan ức, thì trả con tôi về. Tuổi trẻ của con tôi bị giam cầm như vậy từ năm 23 tuổi, năm đã 33 rồi. Nguyễn Văn Nghị có câu lưu nhưng công an sau đó cố ý làm mất dấu vân tay hiện trường của anh này, ém nhẹm hồ sơ hết rồi. Trời ơi, tôi có tố giác một thời gian. Họ cũng ngó lơ. Tôi không muốn moi móc chuyện gì, của ai. Nhưng con tôi bị giam lâu quá tôi phải tố giác. Chính quyền không bắt tội phạm là chuyện của chính quyền, nhưng nếu con tôi không phạm tội thì phải thả con tôi ra chớ phải không quý cô quý cậu ? Cơ quan công an tỉnh Long An thì kêu tôi ra, chỉ để nói rằng tôi tố giác sai ngườib (1).

Tuấn Khanh : Dạ, thưa cô. Đã bao giờ cô đối diện với phía gia đình của nạn nhân trong vụ án của Hồ Duy Hải chưa ? Và họ bày tỏ thái độ với cô ra sao ?

Nguyễn Thị Loan : Dạ, hai người chị của tôi và tôi có đến gia đình của nạn nhân, tới trước thờ đốt nhang rồi nói rằng chuyện này con tôi chắc chắn không thể làm. Gia đình của cô Ánh Hồng, tức nạn nhân, chỉ khóc cùng chúng tôi, chứ không nói gì. Thời gian sau, báo đài cùng đăng tin, lên tiếng rằng con tôi bị oan, người quen chung với hai gia đình nạn nhân kể lại rằng họ nghe được các gia đình đó nói xót thương cho con tôi Hồ Duy Hải, đang đi học mà bị lao lý. Họ chỉ nghe lời công an nói con tôi giết người, thì biết vậy chứ không biết làm sao hơn.

Tôi không đòi công an bắt hung thủ. Tôi chỉ nói con tôi oan thì trả con tôi về. Chuyện bao che ai, là chuyện của mấy ổng. Đã vậy, sao mấy ông còn lên tiếng đốc thúc giết con tôi ?

Mới đây, tôi còn ra trước nhà bà Nguyễn Thị Kim Ngân và nói rằng mấy ông bà ngồi đó để làm gì, khi một công dân vô tội lại bị giết oan ? (bà Loan lại khóc nấc lên) Dạ, tôi chỉ còn biết kính tấm lòng của quý cô quý cậu đã dành cho Hồ Duy Hải mà thôi.

--------------------------

Tôi dừng cuộc nói chuyện với bà Loan trong một tâm trạng nặng trĩu, sau khi khuyên bà rằng mọi thứ cần hy vọng. Trời Hà Nội tháng Chạp giờ này lạnh lắm, mà bà vẫn kiên nhẫn đứng trên đường giương tấm bảng như hộ chiếu của thân phận Việt Nam. Cầm chiếc điện thoại vẫn nóng hực trên tay, tôi thấy mình cũng vô vọng trên một đất nước mà khổ nạn cứ đè nặng trên vai những người mẹ, những người chị. Suốt 10 năm, bà Loan cầm những lá đơn chạy ngược xuôi để đòi công bằng cho con bà. Nước mắt có nóng, cũng không rát bỏng bằng sự quặn đau trong trái tim của người mẹ, hàng giờ lo con mình bị giết chết trong ngục tối. Mà bà Loan chỉ là phần nổi của tảng băng chìm khổng lồ đang đang tiến về con tàu của chế độ này.

Làm mẹ trên đất nước này, như phải gánh vác một định mệnh mang tên Việt Nam. Có bao nhiêu bà mẹ mất đất, mất nhà, mất con và mất cả cuộc đời bình yên đang lang thang khắp trên đất nước chờ sự tỉnh ngộ của kẻ cầm quyền. Suốt buổi, tôi chỉ hỏi và an ủi, nhưng cũng không dám nói quá nhiều với bà Loan, vì rằng tôi sợ niềm hy vọng của người mẹ ấy mất dần. Cũng như sợ chút ít niềm hy vọng cuối cùng của mình và nhiều người khác, chút mong manh ngóng vào lương tri cúa người cầm quyền hôm nay, cũng mất.

Tuấn Khanh ghi

Nguồn : RFA, 10/01/2018 (tuankhanh's blog)

(1) Về chi tiết này, mời xem và tham khảo về sự thiếu minh bạch của công an tỉnh Long An

Published in Diễn đàn
lundi, 08 janvier 2018 08:03

Nghe tin ngày "đại án"

Sáng 8/1, trên các trang mạng xã hội tràn ngập hình ảnh ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh bị còng tay đưa vào tòa. Trên các mặt báo cũng ngập tin. Chuyện quan to bị xử đang là thời sự lớn nhất, đánh bạt chuyện hoa hậu hay BOT Cần Thơ.

daian1

Ông Đinh La Thăng được dẫn giải tới phiên tòa – Ảnh : TTXVN

Có rất nhiều lời bình luận về các bị cáo, đặc biệt là với ông Thăng.

Có người thì hả hê. Có người thì giận dữ chửi rủa. Nhưng cũng có người thương tiếc, và còn nói rằng dẫu sao, Thăng là "người làm việc được".

"Làm việc được", tôi cũng tin vậy. Và Thăng quả quyết nữa. Đặc biệt là trong vụ đập chùa Liên Trì ở Thủ Thiêm, Thăng hết sức thẳng tay để thị uy, và nhanh, so với đời của ông bí thư Lê Thanh Hải thì dù đã có dã tâm, nhưng vẫn phải cân nhắc.

daian2

Đinh La Thăng thời hét ra lửa. Ảnh : internet

Sách vở và miệng đời vẫn còn ghi rõ, là trong thời điểm mọi người phẫn nộ và đòi Formosa phải chịu trách nhiệm cho thảm họa của đất nước, Thăng với vai trò là Bí thư Thành Ủy Saigon, đã nghe thấy tiếng kêu của hàng chục Hội Đoàn, hàng trăm nhân sĩ trí thức… về việc đừng đàn áp người dân khi họ bộc lộ tình yêu nước. Nhưng trong lịch sử tất cả các cuộc đàn áp tại Sài Gòn. Thời cầm quyền của Thăng là những cuộc đàn áp khủng khiếp và sâu rộng nhất.

Tôi nhắc lại những chuyện này, bởi thấy mình hoàn toàn không quan tâm đến phiên tòa xử các vị quan chức đảng viên, là sẽ như thế nào. Vì bởi tôi tin rằng các "đại án" của Thăng hay Thanh đều không có giá trị của thiện ác, mà chỉ là màu sắc của phân tranh. Kết quả có ra sao, cũng không biện minh gì được cho một thể chế đang đầy tham nhũng, mị dân và mục ruỗng ở mọi phía.

Tôi nghĩ về ngôi chùa trăm năm bị đập tan. Nghĩ về vị sư già run rẩy ôm mặt khóc. Nghĩ về đàn bà, trẻ nhỏ bị đánh đập vì đòi công bằng cho quê hương mình. Nghĩ về máu, nước mắt và nỗi oán hận. Kể cả nghĩ về hàng trăm bài báo Nhà nước từng xum xoe ca ngợi và bợ đỡ ông Thăng lẫn ông Thanh, rồi khi trở mặt thì tấn công không chút thương tiếc.

Tôi chỉ nghĩ về thiện – ác, trong đời người.

Tuấn Khanh

Nguồn : Tiếng Dân, 08/01/2018

Published in Diễn đàn

Trò chuyện với luật sư Võ An Đôn, những ngày cuối năm 2017

vad1

Trò chuyện với luật sư Võ An Đôn

Đây không phải là một cuộc phỏng vấn. Bởi một cuộc phỏng vấn thì tôi sẽ phải chọn lựa cách nói, xoay trở cách trình bày cho chỉn chu.

Nhưng nếu như vậy, thì sẽ không thể mô tả được một tính cách của Đôn. Tính cách đã đem lại cho anh sự thương mến từ rất nhiều người, cũng như sự ghét bỏ từ không ít người.

Tôi giữ nguyên cách xưng hô của Đôn, như một người anh em. Nhưng đó không phải là riêng với mối quan hệ quen biết với tôi, mà hầu hết các cuộc phỏng vấn của VOA, BBC, RFA, SBS... Đôn vẫn luôn xưng hô như vậy: nhũn nhặn và gần gũi.

Đôn có biệt hiệu là "luật sư chăn bò" - một cách gọi mà các đồng nghiệp một thời không kìm nổi sự tức giận đã thốt lên như vậy. Nhưng Đôn đón nhận hình ảnh đó một cách tự nhiên như một phần đời của mình. Trong cuộc nói chuyện với Đôn, tiếng gà kêu, tiếng trẻ con nghêu ngao... vẽ cho tôi một bức tranh về cuộc sống của Đôn. Anh bước ra từ bùn đất quê nhà, và khi phải quay lại, thì anh đón nhận mọi thứ thật an nhiên.

Tôi chọn luật sư Võ An Đôn làm người trò chuyện để khép lại một năm đầy biến động. Một năm mà người làm nghề tìm công lý cho kẻ khác, đã không thể nhìn thấy ngay trên số phận của mình.

Tuấn Khanh : Sau khi bị khai trừ khỏi danh sách luật sư đoàn tỉnh Phú Yên, hiện nay Đôn đã làm gì hồi đáp sự kiện đó ?

Võ An Đôn : Dạ, sau khi Đoàn luật sư tỉnh Phú Yên đã loại em ra khỏi danh sách luật sư đoàn, thì em đã có làm đơn khiếu nại gửi lên Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng đến nay thì chưa thấy phản hồi gì anh à.

Tuấn Khanh : Khác với năm 2015, khi Đôn có dấu hiệu bị rút thẻ hành nghề, thì đã có sự can thiệp rất rõ ràng từ Liên đoàn luật sư Việt Nam. Nhưng nay, vì sao mọi thứ lại im lặng khó hiểu như vậy ?

Võ An Đôn : Năm 2015, liên ngành tư pháp của Phú Yên gồm công an, Viện kiểm sát, tòa án có ra văn bản kiến nghị thu hồi chứng chỉ hành nghề hành của em. Lúc đó thông tin được Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết đã khiến báo chí và dư luận phản ứng rất mạnh. Rồi chủ tịch nước là ông Trương Tấn Sang đã chỉ đạo cho các cơ quan ở tỉnh Phú Yên phải rút lại quyết định đó. Có lẽ vì vậy mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã cử 3 người xuống để bảo vệ em.

Nhưng lần này thì khác rồi anh. Theo Luật sư đoàn tỉnh Phú Yên cho biết thì việc khai trừ đã diễn ra rất gấp rút, ngay sau khi em cho biết tin tức liên quan đến Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh ở trong tù. Và có tin là Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ đạo việc khai trừ em, cũng như nhiều cơ quan khác nữa, nên phải làm nhanh gọn. Đó là vì sao lần này diễn biến không giống như lần trước.

Tuấn Khanh : Ngay trước, và sau khi có tin Đôn bị rút thẻ hành nghề, đã có những tin rò rỉ, nhạo báng… từ những luật sư không đồng quan điểm với Đôn. Họ có thông tin trước về một vụ loại bỏ và sử dụng như kiểu tấn công tinh thần một cách hạ cấp. Không khí hả hê về một vụ trừng phạt một thành viên của đoàn luật sư như vậy, có vẻ như rất khác với hoạt động minh xét vì quy chuẩn nghề nghiệp ?

Võ An Đôn : Em nghĩ rằng cũng có cơ sở để suy luận như vậy. Bởi việc tước thẻ hành nghề của em là từ sự chỉ đạo của bên trên. Do đó, em tin rằng dù làm đơn và các đồng nghiệp thông cảm cùng làm đơn kiến nghị cũng không ăn thua, vì đã có sự chỉ đạo từ trung ương.

Người ta không muốn em làm luật sư nữa vì em tham gia nhiều vụ án nhạy cảm ở Việt Nam. Những vụ án oan. Những vụ công an dùng nhục hình đánh dân… Tính của em thì khi tham gia, không chịu được thì chỉ có thể nói hết, nói sự thật. Các cơ quan tố tụng thì không muốn vậy nên tìm cách ngăn lại thôi.

Tuấn Khanh : Có hy vọng gì về việc lấy lại quyền hành nghề luật sư không ? Lẽ nào có một sự thật khác, ngoài bộ mặt trơ trẽn của nghề luật sư Việt Nam qua câu chuyện này, là Đôn bị tước thẻ bởi vì “khó ưa” ?

Võ An Đôn : Em nghĩ là không có hy vọng lấy lại được quyền hành nghề anh à. Mọi thứ như em nói, là đã được chỉ đạo có hệ thống nên chuyện lấy lại quyền hành nghề luật sư là rất mong manh. Mặc dù lý do để tước quyền luật sư của em là họ kết tội em nói xấu chế độ, nói xấu chính quyền… nhưng lại không có chứng minh gì về lời kết tội đó. Nên có cố gắng thì không được gì nữa. Em nghĩ vậy.

Tuấn Khanh : Luật sư thì bị tước thẻ với lý do mơ hồ. Còn tất cả các vụ án về chính trị hay dân quyền, nhân quyền mà các luật sư tham gia trong năm 2017 thì lại hoàn toàn thất bại. Không có một sự bào chữa nào thành công, thậm chí luật sư còn bị khước từ quyền tranh tụng, hay đòi hỏi triệu tập nhân chứng, văn bản phân tích khoa học ngay tại tòa… vậy theo Đôn, 2017 có nên gọi là một năm thất bại của nghề luật sư Việt Nam không ?

Võ An Đôn : Dạ, lâu nay các vụ án liên quan đến nhân quyền mà được các luật sư nhận lời tham gia cũng không nhiều, bởi phần lớn người ta sợ Nhà nước gây khó khăn cho công việc làm ăn, hay rồi bị rút thẻ như em. Nhưng thật lòng mà nói, cho đến lúc này thì hầu hết các vụ án liên quan đến nhân quyền thì luật sư chỉ còn đóng vai trò tham gia cho có vậy thôi anh. Bản án thì đã được ấn định trước. Luật sư đang dần trở thành người chỉ còn có vai trò đưa thông tin cho nạn nhân, bị cáo, rồi chuyển lời nhắn đến gia đình…

Vai trò luật sư thiếu sức mạnh đúng của mình. Ngoài chuyện là người xuất hiện chuyện trò, an ủi, động viên những ai đang vướng vào vụ án trong lúc họ sợ hãi hay cô đơn, thì đôi khi luật sư phải nhờ đến dư luận bên ngoài, bằng cách phát đi thông tin cho mọi người quan tâm và ủng hộ. Còn để giảm được án hay bào chữa cho thoát án thì không thể, anh à.

Tuấn Khanh : Nói như vậy, luật sư và tòa án ở Việt Nam hiện ra phần lớn như một loại nghệ thuật trình diễn, ít khi đạt được giá trị công lý ?

Võ An Đôn : Dạ đúng vậy anh à. Ở tòa án, hầu hết các bản án đều đã định trước, thỉnh thoảng có chút thay đổi. Đặc biệt án chính trị hay nhân quyền thì vai trò luật sư để góp mặt vậy thôi chứ không ai quan tâm họ nói gì. Trong giới tụi em thì nói đùa là tới để đủ mâm đủ cỗ thôi. Làm nghề luật sư đôi khi chứng kiến những chuyện diễn ra mà không làm gì được nên cũng buồn lắm. Đó là lý do mà em nói rằng nghề luật sư ở Việt Nam chỉ còn sống bằng nghề chạy án thôi là vậy đó.

Tuấn Khanh : “Đủ mâm, đủ cỗ” – tính hình thức tạm bợ đó, có phải đã khiến các phiên xử nhân quyền hay chính trị thường diễn ra rất nhanh, mặc dù còn rất nhiều chứng cứ, nhân chứng hay luận cứ cần phải được tranh tụng trước tòa. Thậm chí mới đây có vụ xét xử 9 với tội người chống chế độ ở Bình Định, rồi kế đến là 15 người mang tội khủng bố ở Sài Gòn, lại chỉ diễn ra chỉ trong 1, 2 ngày, nhanh đến ngạc nhiên ?

Võ An Đôn : Dạ, thì ai cũng biết án thì do chỉ đạo nên diễn ra nhanh chóng thôi anh. Các mức án thì mỗi lúc càng cao. Em nghĩ Nhà nước đang muốn dùng các mức án này để khiến cho những người muốn đấu tranh không dám hành động nữa. Án cao và xử nhanh, không có cơ hội thay đổi là nhằm cho mọi người khiếp sợ.

Ở Việt Nam thì không có tam quyền phân lập, nên các vụ án sẽ luôn gặp trường hợp thiếu khách quan, thiếu minh bạch. Và nếu không có thay đổi thì mọi thứ sẽ mãi mãi như vậy thôi.

Tuấn Khanh : Trở lại câu chuyện riêng của Đôn, có nhiều người nói lẽ ra Đôn đã có một tương lai tốt đẹp hơn, nếu không phát ngôn làm trái ý nhiều người. Mọi thứ có thể gọi là vạ miệng, Đôn có hối tiếc về những gì mình đã nói không ?

Võ An Đôn : Em nghĩ mình không có hối tiếc đâu anh. Vì những gì em nói ra hay không thì dân chúng cũng đã biết từ lâu rồi. Em chỉ khẳng định với tư cách là người chứng kiến thôi.

Khi em nói là luật sư Việt Nam chạy án, thì cũng nhiều đồng nghiệp bực bội, chính quyền thì không ưa. Em biết em nói thì cũng thiệt hại cho mình, nhưng nếu mình không nói thì cũng không ai nói. Em nói cũng chỉ mong cho nghề luật sư rồi sẽ có một lúc nào đó thay đổi và tốt đẹp hơn.

Nói thật để dân chúng không quá hy vọng vào khả năng luật sư trong nền luật pháp hiện nay, rồi tin rằng công lý là có thật, để rồi thất vọng.

Em nói là cũng mô tả hiện trạng và đòi hỏi sự thay đổi, chỉ mong tốt cho những đồng nghiệp cũng trong tâm trạng như mình mà không thể nói được thôi. Em không hối tiếc những gì đã nói ra đâu anh.

Tuấn Khanh : Nhưng cũng có ý kiến nói rằng Đôn cũng cần phải thỏa hiệp để có thể sống dược với nghề. Rất nhiều luật sư đang phải như vậy mà ?

Võ An Đôn : Dạ đó là quan điểm cá nhân, chọn lựa để sống yên. Nhưng quan điểm của em thì sống làm nghề luật sư, thì phải lựa chọn nói thật. Bởi luật pháp và công lý là sự thật, thì em cũng muốn được nói thật. Em biết nói thật thì khó nghe nhưng rồi nó sẽ tác động vào việc thay đổi xã hội.

Nếu em không học cách nói thật, thì em cũng như mọi người, thỏa hiệp với sự bất công mà sống thì xã hội này sẽ ra sao? Dạ, em không muốn sống như vậy.

Tuấn Khanh : Nhưng như vậy, Đôn có cảm thấy mình trở nên cô đơn không ? Chẳng hạn như lúc nào ?

Võ An Đôn : Dạ thiệt tình em thấy buồn lắm vì không còn được làm nghề luật sư nữa để giúp cho mọi người. Nhưng cũng an ủi khi thấy dư luận xã hội vẫn không quên em. Đi ngoài đường, người ta không coi em là người thất thời, mà cũng mời em café, nói chuyện chào hỏi… nên em cũng hạnh phúc lắm anh à.

Tuấn Khanh : Để nói một lời kết thúc năm 2017, hướng về năm mới 2018, Đôn muốn gửi lời gì đến mọi người quan tâm đến câu chuyện của Đôn ?

Võ An Đôn : Em cảm ơn lắm, việc mọi người quan tâm đến em, giúp em đi qua những giờ phút khó khăn của đời mình. Trong năm mới, em chỉ mong mọi người hãy dành thêm sự quan tâm, kêu gọi cho sự thay đổi cho luật pháp ngày càng làm đúng công việc phục vụ cho người dân, cho xã hội. Lúc đó thì em cũng như mọi người đều chung một niềm vui, anh à.

Tuấn Khanh ghi

Nguồn : RFA, 30/12/2017 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Sự xuất hiện của bài hát Biển Đông dậy sóng ba đào của tác giả Mặc Thiên vào cuối năm 2017 này, nhắc lại 10 năm trước, người nhạc sĩ bí ẩn này đã từng làm cho giới mộ điệu xôn xao, với bài hát Khóc mẹ dân oan.

Thật xứng danh với lời nhận định "người nhạc sĩ bí ẩn nhất trong năm" mà đài Á Châu Tự Do đã loan đi về Mặc Thiên, khi bài hát Khóc mẹ dân oan do ca sĩ Như Quỳnh trình bày trong DVD của trung tâm Asia số 57 đã làm rơi lệ không biết bao nhiêu người quan tâm về thảm cảnh của hàng đoàn dân oan mất đất ở VN bị đánh đập, bị tù đày.

Năm 2017, bài hát Biển Đông dậy sóng ba đào của Mặc Thiên lại xuất hiện với nội dung về số phận ngư dân Việt trên biển, túng cùng không còn cách mưu sinh khi những chiếc tàu của Trung Quốc vẫn chực chờ từ hôm qua, rồi hôm nay lại bị bắt, bị phá, bị tù… bởi sự ngăn chận Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan…

Nghe lại các bài hát như Khóc mẹ dân oan, Khấn nguyện, Ngọn lửa thiêng liêng…, tưởng chừng như tác giả Mặc Thiên ngồi đâu đó trong căn phòng nhỏ của mình, luôn đau đáu nhìn theo phận người rồi ghi chép với nỗi buồn của một nghệ sĩ, mà chỉ còn biết hát thay cho tiếng thở dài. 10 năm như một chặng đường mà có vẻ như ông không bao giờ ngơi nghỉ trong hành trình quyết chọn làm lưu dân, đuổi theo, ghi chép nỗi đau của dân tộc mình.

Trong một bản tin phát đi vào ngày 27-2-2008 của đài Á Châu Tự Do, có nói rằng

"Đã từ lâu, các sản phẩm băng đĩa nhạc của một số trung tâm lớn tại Hải Ngoại được sao chép lậu và bán tại thị trường Việt Nam.

Và những ngày gần đây nhất, công an văn hoá Việt Nam, còn gọi là PA 25, bắt đầu ra chiến dịch truy quét để ngăn cấm một sản phẩm vừa phát hành, đồng thời, tìm cho ra tác giả một bài hát trong sản phẩm ấy.

Đó là cuốn DVD Asia số 57, đó là bài hát "Khóc Mẹ Dân oan," và đó là nhạc sĩ Mặc Thiên".

Và đó chắc cũng là lý do là nhạc sĩ Mặc Thiên chưa bao giờ xuất hiện, xứng với lời nhận định rằng của đài Á Châu Tự Do rằng "Không một ai trong giới thưởng ngoạn Việt Nam biết Mặc Thiên là ai, và người ta gọi anh là "người nhạc sĩ bí mật nhất năm 2007". Trong lần nhận giải cho bài hát Hạng xuất sắc của Giải thưởng Âm nhạc Tự Do 2017 được tổ chức tại Sydney, Úc Châu, ông có gửi qua thư điện tử giọng nói của mình, để nói về bài hát của mình. Các thành viên của Hiệp hội yểm trợ văn hóa Úc-Việt (VAALA) đã dự đoán rằng có thể ông sống ở Khánh Hòa, miền Trung Việt Nam.

Chắc phải là một đứa con ở miền biển, Mặc Thiên mới có thể viết nên một nhạc khúc đẫm nước mắt của phận ngư dân Việt, mà vị mặn của đại dương không thể sánh với nước mắt của những người mẹ già dõi mắt ra biển, tuyệt vọng trông con trở về.

Ca sĩ Thanh Thúy, người được chọn trình bày ca khúc này với cộng đồng người Việt Úc Châu nói rằng chị như không thở được khi nghe bài hát này, cứ mỗi lần chị nghe, lại muốn khóc mà thương cho người Việt hôm nay.

Đọc trăm bản tin, nghe ngàn câu chuyện, đôi lúc không bằng thưởng thức một bài hát chân thành với đời. Đó là điều mà sự huyền bí của nghệ thuật có thể đem lại cho người nghe, và có thể giúp tái sinh trong cõi vô tâm với vận mệnh quê hương mình. Bài Biển Đông dậy sóng ba đào là một trong những tác phẩm có khả năng đó.

----------------------------------

Lời bài hát

Biển Đông dậy sóng ba đào

Những con tàu đi đánh cá ngoài khơi

Biển đảo Hoàng sa, biển đảo Trường sa giờ đã không về

Những con người mang thân phận Việt Nam

Đã bao ngày qua nhục nhã ê chề

Tàu cộng xâm lăng, hòng cướp biển đông này

Phận người ngư dân bị Trung Quốc xâm hại

Mẹ Việt Nam ơi, người bỏ con sao đành

Nhìn trời quê hương mà xót thương con mình

Nước mắt mẹ tôi đã bao lần rơi

Ngóng xa biển khơi có bao giờ nguôi chờ các con về

Đến khi niềm tin đã cạn lực tan

Quê hương lầm than mẹ trút hơi tàn

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 16/12/2017 (tuankhanh's blog)

Tham khảo thêm :

Các giọng ca đoạt giải Âm nhạc Tự do 2017 (Viet Song Contest)

https://goo.gl/kFza59

Các bài hát đoạt giải Âm nhạc Tự Do 2017 (Viet Song Contest)

https://goo.gl/C8jS2V

Published in Văn hóa