Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có bao giờ bạn tự hỏi, người ta biểu thị sự phản kháng bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực ?

tuyetthuc1

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để đòi Nhà nước thượng tôn công lý và pháp luật - Ảnh minh họa

Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý mà suốt cuộc đời mà bạn phải gánh.

Trong đời sống hiện đại, Mahatma M. Gandhi (1869-1948), người tiên phong của phong trào sự bất tuân dân sự, đã phát động nhiều cuộc tuyệt thực và ăn chay để phản đối sự cai trị hà khắc của người Anh tại Ấn Độ. Con đường bất bạo động của ông tạo ra một giá trị khác của việc biểu tình : Những người tuyên bố tuyệt thực hay tham gia tuyệt thực không mang ý nghĩa của "chống lại", mà họ hành động dựa trên sức mạnh tinh thần để đòi hỏi việc đạt được một giá trị phổ quát mang tính đại chúng.

Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như "nằm vạ", nhưng thực chất các cuộc "nằm vạ" đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger : An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói : Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người.

Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố " Ăn, là một quyền tự quyết của tôi". Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực.

Nhưng cũng có chính quyền bất chấp cái chết của công dân mình. Chẳng hạn như trường hợp Bobby Sands (1954-1981), người đấu tranh cho việc cải thiện chế độ lao tù ở Bắc Ireland vào năm 1981. Đó là vết nhơ khó tả của chính quyền bấy giờ và bị ghi vào sử sách nhân loại như một hệ thống khủng bố con người. Trong mắt thế giới, loại chính quyền để cho công dân của mình tuyệt thực đến chết vì quan điểm khác biệt, là loại vô liêm sỉ.

Việc phản kháng bất bạo động là hình thức phổ biến và được rất nhiều người thực hiện, bao gồm những người không phải là chính trị gia. Mia Farrow – nữ diễn viên điện ảnh cũng đã áp dụng cách tuyệt thực để phản đối cuộc xung đột ở Darfur trong năm 2009. Chính quyền Khartoum (Sudan) đã dùng quân đội và công an để trấn áp và khuất phục dân chúng tại Darfur rằng chỉ có họ mới có quyền duy nhất lãnh đạo đất nước.

"Tuyệt thực trở thành một hình thái văn hóa được tổ chức để kiếm tìm công lý trong thế kỷ 20" ("It has become an established cultural form of seeking justice in the 20th Century), nữ giáo sư Sharman Apt Russell đã khẳng định như vậy, trong sách của mình.

Tuy nhiên bà Russell cũng cảnh báo rằng, sức mạnh của vấn đề tranh đấu bằng tuyệt thực là được sự quan tâm liên tục của công chúng. Sức mạnh của việc tuyệt thực sẽ yếu dần nếu công chúng bị chính quyền tổ chức đánh lãng qua các sự kiện khác như giải trí, các vụ bê bối dàn dựng… Công lý và tính mạng của người tranh đấu phụ thuộc và sức quan tâm và chia sẻ lan rộng của cộng đồng. Thế kỷ 21, cộng đồng mạng là một sức mạnh vô lượng trong việc hậu thuẫn và giải cứu những người chọn đấu tranh bằng tuyệt thực.

Tuyệt thực không phải là hình thức hay nhất trong các loại tranh đấu, tuy nhiên vì hiệu quả của nó, nên tuyệt thực đã được sử dụng bởi cả hai phong trào bạo động và bất bạo động. Ý nghĩa phát đi khắp nơi cho thấy một hình ảnh quan trọng rằng ước muốn ôn hòa và chính nghĩa của người tranh đấu, đại diện cho sự tuyệt vọng và bất tín của nhân dân đối với nhà cầm quyền.

Nhà nghiên cứu xã hội học Michael Biggs từ đại học Oxford ghi nhận rằng thường thì các chính quyền đối diện với các trường hợp tuyệt thực, sẽ không sớm có các hành động nhượng bộ nhằm thách thức sức mạnh tinh thần và chịu đựng của các nhà tranh đấu. Nhưng càng kéo dài, chính quyền càng nhận được số lượng dân chúng căm ghét dành cho họ ngày càng lớn hơn. "Tính bất tuân dân sự và bất hợp tác của người dân dành cho chính quyền ngày càng lớn, đó là khởi đầu cho những hỗn loạn và sụp đổ của một chế độ coi thường mạng sống và tiếng nói của người dân", Michael Biggs viết.

Trở lại với trường hợp đau lòng của nghị sĩ Bobby Sands, khi ông mất vì suy kiệt từ cuộc tuyệt thực cho việc đòi cải thiện chế độ lao tù, đám tang của ông tại Belfast đã có đến 100.000 tham dự, mở đầu cho tiền đề của một cuộc đổi thay. Trong thời hiện đại, việc đưa đám tang của một người tuyệt thực đến chết vì công lý và cộng đồng, hoặc chỉ tưởng niệm tại nhà, đó là những cam kết dứt khoát về việc không còn chấp nhận chế độ đương nhiệm.

Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tự cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân.

Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Vì bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên.

Thế kỷ 21, đám đông dân chúng có thể gửi thỉnh nguyện thư cho tòa án quốc tế để xét xử quan chức/chính quyền chịu trách nhiệm về thảm trạng. Trường hợp của Giang Trạch Dân bị tòa án Tây Ban Nha truy nã về việc thảm sát con người (2013) do đơn tố cáo từ một người Tây tạng tên là Thubten Wangchen, là một ví dụ. Theo cáo quyết, tất cả những quốc gia liên đới ngoại giao và chính sách nhân quyền với Tây Ban Nha đều có nghĩa vụ truy nã và bắt giữ Giang Trạch Dân, bất chấp việc ông ta nguyên là Chủ tịch Trung Quốc.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 12/09/2018 (tuankhanh's blog)

------------

Phụ lục

Một người tuyệt thực có thể kéo dài mạng sống đến bao lâu ?

Nếu được uống nước, một người tuyệt thực dẻo dai có thể sống đến 60 ngày, tuy nhiên, với thể trang yếu và mang bệnh, bất kỳ ai cũng có thể chết trong vòng 8 đến 10 ngày. Một trong lý do có thể giúp kéo dài sức chịu đựng, khi glucose – lượng đường trong cơ thể cạn kiệt – thường là từ 3-5 ngày. Cơ thể sẽ chuyển qua việc dùng chất béo có sẵn trong cơ thể để làm năng lượng sinh tồn. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc chất béo xuất hiện trong máu vượt mức, sẽ trở thành nguy hiểm. Tim, gan và thận sẽ là những bộ phận bị tổn thương nhanh trong giai đoạn này.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người tuyệt thực nên uống nhiều nước, uống vitamin, đường và muối… sẽ có thể kéo dài mạng sống của mình thêm đôi chút. Trong trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức ở trại giam Nghệ An hiện nay, được biết ông chỉ uống nước và từ chối mọi thành phần bổ sung.

*******************

Tù chính trị phải dùng tính mạng để đòi chính quyền tôn trọng luật (RFA, 12/09/2018)

Trong chốn lao tù, nhiều tù nhân lương tâm đã phải dùng đến cách tuyệt thực để đòi hỏi quyền lợi của mình.

tuyetthuc2

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức - RFA 

Phương cách duy nhất đòi công lý trong tù

Nhắc đến các vụ tuyệt thực trong tù, không thể không kể đến cựu tù nhân lương tâm – blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, người đã hai lần nhịn ăn cả tháng để phản đối cách hành xử của trại giam.

Blogger Điếu Cày chia sẻ với chúng tôi :

Thực tế tôi tuyệt thực 2 lần, lần thứ nhất là 28 ngày ở trại giam B34, nhưng thời gian đó không đưa được thông tin ra ngoài. Tuyệt thực tới mức họ phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 30/4.

Lần thứ hai là ở trại giam số 6 Nghệ An, với lý do họ biệt giam tôi 3 tháng vô cớ, tôi không vi phạm nội quy gì của trại cả. Tôi cũng viết đơn gửi cho Viện Kiểm sát Nghệ An, nhưng phải tuyệt thực đến 33 ngày họ mới vào giải quyết.

Blogger Điếu Cày cho biết khi đó gia đình ông bị cấm thăm gặp nên không có cách gì để ông báo tin cho họ. Chỉ khi gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào thăm, ông Nghĩa đưa tin thì lúc đó gia đình blogger Điếu Cày và truyền thông mới được biết. Sau khi truyền thông đưa tin, ông Hải vẫn phải tuyệt thực thêm gần 10 ngày nữa thì cơ quan chức năng mới vào giải quyết các yêu cầu của ông.

Blogger Điếu Cày bị kêu án ba mươi tháng tù ngày 19 Tháng Tư 2008 vì tội trốn thuế. Đến ngày 19 tháng Tám 2010, tức bốn mươi tháng sau ông vẫn chưa được trả tự do. Ngày 20 tháng Mười 2010, công an thông báo tạm giữ ông Điếu Cày lại để điều tra tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Đến tháng 10 năm 2014, ông được chính quyền VN phóng thích, đưa thẳng ra phi trường và buộc phải rời khỏi Việt Nam. Hiện ông đang lưu vong tại Mỹ.

Ông kể lại tình trạng sức khỏe khoảng thời gian tuyệt thực :

Thực ra những người tuyệt thực chỉ cảm thấy đói trong khoảng thời gian 1 tuần đến 10 ngày đầu thôi. Còn từ đó về sau không thấy đói nữa nhưng khi đó đã có một số tổn thương trong cơ thể rồi thì mùi thức ăn cũng gây khó chịu cho người ta.

Khi tôi tuyệt thực ở B34, lúc đó tôi tiếp nhận nước cũng khó khăn vì thận bị sưng. Lúc cấp cứu tôi mới biết. Uống nước vào cũng ói ra.

Một trường hợp tuyệt thực khác mới xảy ra gần đây và được nhiều người biết đến là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm cho biết :

Trong tháng 7, Quỳnh tuyệt thực 16 ngày để phản đối cách đối xử của trại giam. Quỳnh bị chửi bới, lăng nhục, vu khống, dọa đánh, dọa giết. Tới ngày thứ 16, người ở Tòa lãnh sự Mỹ tới khuyên thì Quỳnh ngưng tuyệt thực.

Ngày 2/8 tôi vào thăm con thì Quỳnh sút 4 ký, da xanh mướt nhưng lại sạm đen lại. Nhìn con như vậy chỉ biết nói là lòng đau như cắt. Đó là những gì khủng khiếp nhất đối với tôi.

Mẹ Nấm được đánh giá là một trong những blogger hoạt động tích cực nhất đấu tranh cho tự do, nhân quyền và môi trường trong sạch ở Việt Nam. Cô là người lên tiếng mạnh mẽ phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường biển miền Trung Việt Nam. Hiện cô đang thụ án 10 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Còn nhiều trường hợp tuyệt thực khác để phản đối tình trạng của nhà tù và những ngược đãi tù nhân phải gánh chịu, như luật sư Cù Huy Hà Vũ, từng 2 lần tuyệt thực trong đó có lần đến 25 ngày. Hay 4 thanh niên yêu nước Hồ Văn Oanh, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật, và Chu Mạnh Sơn... Và cả các nữ tù chính trị như Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng,…

tuyetthuc3

Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) ngày 1 tháng 5 năm 2015 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ. AFP

Tuyệt thực đòi thượng tôn pháp luật

Dư luận và giới đấu tranh dân chủ đang quan tâm đến trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực sang ngày thứ 30, tính đến ngày 12/9. Ông Thức hiện đang thụ án 16 năm tù với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999, tại Trại 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Lê Quốc Quân, người cũng từng tuyệt thực trong tù, chia sẻ :

"Là người đã tuyệt thực đến 21 ngày, tôi hiểu được sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Khi tuyệt thực sâu, tiêu hết mỡ thì cơ thể sẽ lấy protein trong não để sống, do vậy ít nhiều dẫn đến việc não bị tổn thương. Một mặt tôi khuyên anh Thức dừng tuyệt thực vì anh phải sống, phải thoát khỏi lao tù mạnh khoẻ. Mặt khác tôi kêu gọi sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước, của các cơ quan ngoại giao quốc tế, gây sức ép lên chính phủ để đưa anh Thức ra khỏi tù đày".

Gia đình ông Thức cho biết ông tuyệt thực để yêu cầu chính quyền Việt Nam phải thượng tôn pháp luật và trả tự do vô điều kiện cho ông theo luật pháp Việt Nam, và làm án lệ trả tự do cho các tù nhân chính trị khác.

Ngày 9 tháng 9 vừa qua, gia đình ông đã gửi thư khẩn tới lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, yêu cầu cho gia đình ông được biết tin về tình trạng sức khỏe của ông và cá cơ quan chấp pháp phải xem xét ngay các yêu cầu của ông Thức và có câu trả lời dựa trên quy định của pháp luật.

Trên mạng xã hội, giới hoạt động đang thực hiện chiến dịch kêu gọi đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức và thắp nến cầu nguyện cho sức khỏe của ông. Nhà hoạt động Trần Bang ở Sài Gòn, người đang hưởng ứng tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết :

Có rất nhiều nhóm, mỗi nhóm làm một cách khác nhau ví dụ như tiếp sức thay nhau tuyệt thực và mong gửi tơi ông Trần Huỳnh Duy Thức thông điệp rằng chúng tôi tuyệt thực thay ông, ông nghỉ đi nhưng mục tiêu đấu tranh của ông bọn tôi vẫn giữ đó là yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông. Thứ hai, là yêu cầu Nhà nước thượng tôn pháp luật và thứ ba là đạt mong muốn của ông ấy là làm án lệ trả tự do cho các tù nhân lương tâm khác.

Mẹ của blogger Mẹ Nấm bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cũng cho biết suy nghĩ :

Trong thời gian Quỳnh tuyệt thực tôi cũng làm đơn gởi nhưng không được trả lời. Thực ra mọi chuyện không nằm trong ý muốn của mình, chỉ kêu gọi sự nhân từ của họ khi đối xử với anh Thức cũng như một con người có sự đồng cảm nào đó giữa người với người. Tôi rất thương bác Huỳnh (bố của ông Thức), thương vợ con anh Thức nữa vì tôi cũng ở trong cảnh ngộ đó mà.

Còn blogger Điếu Cày chia sẻ rằng khi người tù bị o ép, đàn áp như vậy thì họ không còn một phương tiện nào khác là đem chính mạng sống của mình ra đấu tranh. Việc đấu tranh như vậy cũng để khẳng định với nhà tù quyết tâm của họ, không thể bị khuất phục bởi những thủ đoạn bẩn thỉu

Nguồn : RFA tiếng Việt, 12/09/2018

Published in Diễn đàn

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đang bước đến ngày thứ 30, tròn một tháng tuyệt thực tại trại giam số 6 Nghệ An.

Số người ghi danh đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức đã vượt qua con số 60, và có ý kiến kêu gọi tổ chức tuyệt thực tập thể để ủng hộ.

Theo các báo cáo y khoa, ngưỡng chịu đựng của một người tuyệt thực từ 30 cho đến 45 ngày.

donghanh1

Hàng chục người tham gia đồng hành tuyệt thực với Trần Huỳnh Duy Thức

Gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức cho biết, mỗi ngày đều có người của gia đình gọi điện thoại vào trại giam số 6 Nghệ An để thăm hỏi tình hình sức khỏe của ông Thức. Tuy nhiên điều kỳ lạ là số điện thoại chính của trại giam đã luôn có chuông mà không hề có ai bắt máy. Điều này đã xảy ra kể từ khi ông Thức bắt đầu tuyệt thực được một tuần.

Vào ngày thứ 22 tuyệt thực của ông Thức, tổ chức Amnesty International, văn phòng tại Thái Lan đã phát động chiến dịch ủng hộ cho tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, có tên "Tôi Thức để #Free Thức". Chương trình này kêu gọi các người dùng facebook quan tâm đến tình trạng của ông Thức hãy đổi hình đại diện (avatar) do Amnesty International, văn phòng Thái Lan đề nghị.

Văn bản phát động chiến dịch này ghi rằng :

"Trần Huỳnh Duy Thức đang tuyệt thực ở trong tù để phản đối sự ngược đãi và việc công an ép ông phải nhận tội. Chúng tôi đồng hành cùng với gia đình của ông và kêu gọi mọi người ủng hộ bằng cách share hoặc sử dụng hình ảnh này làm hình đại diện cho trang cá nhân của mình.

Trần Huỳnh Duy Thức là một kĩ sư và là một doanh nhân ở thành phố Hồ Chí Minh. Ông sáng lập ra EIS, một công ty chuyên về cung cấp dịch vụ internet cho điện thoại di động ở Việt Nam có chi nhánh ở Singapore và Mỹ. Ông sau đó trở thành một nhà hoạt động và tập trung vào việc viết blog về tình hình chính trị xã hội ở Việt Nam và góp ý cho chính phủ về các hướng cải cách. Ông cũng thành lập phong trào Con Đường Việt Nam, một tổ chức nhằm cổ xúy các giá trị của nhân quyền và dân chủ.

Trần Huỳnh Duy Thức bị bắt và kết án 16 năm tù vào năm 2010 với cáo buộc "âm mưu lật đổ chính quyền". Ông là một trong những tù nhân lương tâm có tên trong danh sách mà chúng tôi công bố hồi tháng Tư năm nay".

Cùng với lời vận động này, gia đình của ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng phát đi lá thư ngỏ, kêu gọi mọi giới trong và ngoài nước hãy quan tâm đến tình trạng của ông Thức. Và đây có lẽ là lá thư ngỏ đầu tiên phát đi không có ý định gửi cho bất kỳ một cơ quan nào nhà nước hay nhân vật lãnh đạo hiện thời, mà chỉ nhằm gửi đến người dân Việt Nam. Nói mọi cách nào đó, lá thư ngỏ này thể hiện tuyệt đối tinh thần kiên cường của ông Trần Huỳnh Duy Thức là "không van nài, không xin xỏ".

Lời kêu gọi của thư ngỏ nhấn mạnh rằng :

"Hãy gọi tên Trần Huỳnh Duy Thức, như một cách gọi tên công lý phải được thực thi, trên mọi trang mạng xã hội, mọi phương tiện giao tiếp của thế giới phẳng.

Hãy nhắc tên Trần Huỳnh Duy Thức ở mọi cơ hội trò chuyện trực tiếp và giải thích về quyền con người và đạo đức của một nhà cầm quyền.

Xin mọi thánh lễ Công giáo, nhật tụng Phật giáo hay các buổi cầu nguyện của Hòa Hảo, Cao Đài, Tin Lành… hãy dành chút thời gian đồng hành cùng Trần Huỳnh Duy Thức trong việc đòi công lý, bày tỏ một chính kiến ôn hoà trước một hiện thực bị che giấu.

Lên tiếng cho Trần Huỳnh Duy Thức hôm nay, là lên tiếng cho chúng ta và quê hương ngày mai, với niềm tin mãnh liệt rằng con người Việt Nam không bao giờ từ chối lẽ phải, không bao giờ né tránh sự thật".

Ngay sau khi thư ngỏ này phát đi, danh sách những người quyết đồng hành tuyệt thực cùng với Trần Huỳnh Duy Thức đã nhanh chóng tăng lên từng ngày, hiện đã vượt con số 60 người, bao gồm, sinh viên, công nhân, thầy tu, bác sĩ… trong số đó có những người quen thuộc với giới bất đồng chính kiến như tù nhân lương tâm Lê Thăng Long, Điều phối viên Hội Cựu Tù Nhân Lương Tâm Phạm Bá Hải, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, nhà văn Phạm Đình Trọng…

Thầy Thích Ngộ Chánh, một trong những người đầu tiên tuyệt thực đồng hành, từ Lâm Đồng, nói rằng "Những gì ông Thức đang làm, cho thấy ông là một người vô ngã, vị tha với tấm lòng cho quê hương đất nước, vì vậy tôi đồng hành là để kêu gọi thêm sự quan tâm đến trường hợp của ông".

Vy Nguyễn, một trong những người tuyệt thực đồng hành cho biết không chỉ riêng cô, mà cả gia đình đều ủng hộ việc cô lên tiếng đồng hành với ông Trần Huỳnh Duy Thức. Thậm chí các anh của cô cũng sẳn sàng tuyệt thực đồng hành bên cạnh cô.

Có tin, có thể một số người tuyệt thực đồng hành cùng ông Trần Huỳnh Duy Thức sẽ tập hợp tuyệt thực, bất chấp việc có thể bị đàn áp.

Nói trên đài Á Châu Tự Do, bà Trần Diệu Liên, chị gái TNLT Trần Huỳnh Duy Thức nới rằng gia đình hết sức cảm động và ấm lòng khi thấy có nhiều người chia sẻ ước mơ và hoài bão của ông Trần Huỳnh Duy Thức trong lúc này. "Chỉ cần mỗi con người với một chút sức,thì chính quyền sẽ phải lắng nghe và đối thoại", bà Trần Diệu Liên nói.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 08/09/2048 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Nhà văn Anh gốc Pakistan Babar Ahmad từng viết rằng "Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn". Ông ghi lại suy nghĩ này sau khi được trả tự do, với 8 năm bị cầm tù tại Anh do bị nghi ngờ là tiếp ý tưởng cho khủng bố khi viết những câu chuyện về cuộc xung đột sắc tộc ở Bosnia và Chechnya, rồi một trang web có khuynh hướng ủng hộ Taliban đăng lại.

dieu1

"Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn" (Babar Ahmad)

Suốt trong thời gian đó, thư từ của của Babar Ahmad gửi ra ngoài, đều bị mật vụ Anh soi chiếu cẩn mật, vì lo ngại rằng các ngôn từ ẩn dụ của ông có thể là thông điệp cho ai đó.

Nhưng xét cho cùng, cuộc đời của Babar Ahmad không ngặt nghèo như Trần Huỳnh Duy Thức, vì tất cả những lá thư mà người ta gửi cho ông, cũng như ông gửi đi đều đến đúng địa chỉ mà không bị cắt gọt gì. Với tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, từ tháng 6/2018, khi có những đòi hỏi từ phía trại giam về việc ông Thức phải làm đơn nhận tội và xin khoan hồng để được đặc xá, ông đã bị hành hạ bằng nhiều cách vị quyết liệt từ chối việc đổi chác đó.

dieu2

Trần Huỳnh Duy Thức, từ tháng 6/2018, đã bị hành hạ bằng nhiều cách vị quyết liệt từ chối việc đổi chác đó.

Lâu nay, khi viết thư về gia đình, ông Thức vẫn viết một mạch thăm hỏi ba mẹ, anh em, vợ con. Nhưng giờ, theo "quy định mới", ông Thức mỗi lần viết thư về thăm nhà, chỉ được viết cho một người. Nếu là cho ba thì không được cho mẹ, đã viết cho vợ thì không được cho con. Cán bộ mới nhậm chức là Trần Duy Phong xuất hiện ở trại giam số 6 Nghệ An đã quyết định như vậy, nhưng không giải thích là vì sao.

Trước đây, anh Thức làm thơ, viết nhạc và gửi về gia đình như một cách chia sẻ tinh thần. Giờ thì trại giam cũng không cho cho phép anh gửi những tác phẩm đó về nhà. Thư từ bên ngoài của người ủng hộ tinh thần cho anh gửi đến trại cũng bị giấu đi, không tới tay anh.

Trước đó, ông Thức từng bị một thời gian dài giam trong buồng tối, không có ánh sáng sinh hoạt. Mắt của ông không thể thấy được và bị giảm thị lực trầm trọng. Lúc đó gia đình xin được gửi các đèn pin bằng nhựa vào để giúp ông sinh hoạt dễ đang hơn, dĩ nhiên cán bộ trại giam cũng từ chối vì lý do an ninh.

Tường tự như Barba Ahmad, ông Trần Huỳnh Duy Thức chỉ có ngôn ngữ và suy nghĩ của mình để thể hiện. Ông Thức bị kết tội vì lên tiếng chỉ ra các sai lầm của một nhà nước về kinh tế, chính trị và kêu gọi phải thay đổi. Nhưng điểm khác biệt giữa hai con người ấy, là Barba Ahmad bị kết tội là liên quan đến một nhà nước khủng bố, còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thì bị một nhà nước kết tội và giam cầm ông bằng phương thức khủng bố.

Barba Ahmad bị giam từ năm 2004 đến 2012, sau đó Tòa án tối cao của Anh Quốc đã ra phán quyết buộc chính phủ bồi thường ông 60.000 bảng Anh và công bố hồ sơ về việc ông bị kết tội oan, bị ngược đãi trong nhà tù. Năm 2009 cũng là năm ông Thức bị bắt. Một năm sau, ông bị đưa ra toà, và bị kêu án 16 năm tù giam và 5 năm quản chế vì ngay tại toà, ông lên tiếng tố cáo quá trình điều tra đã bức cung và nhục hình đối với ông. Mức án này cao gấp đôi so với ban đầu dự kiến của Viện kiểm sát, như một cách trả thù cho thái độ của ông.

Đến ngày 23/8/2018, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực được 10 ngày để phản đối hành vi ngược đãi của cán bộ trại giam trong việc kiểm duyệt thư từ, sách nhiễu sinh hoạt của ông mà không theo bất kỳ một quy định chính thức nào. Và ông nói nếu việc ngược đãi vẫn tiếp tục, ông sẽ lại tuyệt thực để chống lại sự bất công và sai trái này.

Hàng ngày, trong thời gian ông Thức tuyệt thực, gia đình vẫn điện thoại vào trại giam để theo dõi tình trạng của ông, nhưng phía trại giam im lặng, không phản hồi bất kỳ điều gì. Vì sức khỏe hiện nay của ông Thức rất yếu, việc tuyệt thực của ông là điều khiến gia đình vô cùng lo lắng.

Trong suốt thời gian Barba Ahmad vướng vòng lao lý, nhiều lần và hàng chục ngàn người đã ký thỉnh nguyện thư để ủng hộ ông. Năm 2015, ông trở lại cư ngụ ở Anh trong sự trọng thị của cảnh sát và chính phủ Anh, vì thái độ ôn hòa và quyết đòi công lý cho mình.

Ở Việt Nam, đã córất nhiều lần và hàng chục ngàn chữ ký, lời kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội hãy trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức. Năm 2018, dư luận trong và ngoài nước một lần nữa dậy lên ý kiến đồ trả tự do cho ông, sau khi ông đã chịu án 9 năm tù. Nhiều lần, đại diện của chính phủ Việt Nam đề nghị ông đi tỵ nạn để được tự do, ông đã dứt khoát từ chối và nói "tôi phải ở lại để phục vụ cho đất nước mình".

Năm 2018, Trần Huỳnh Duy Thức hiện rõ hơn trong suy nghĩ và trái tim của hàng triệu người Việt, vì thái độ ôn hòa và quyết liệt đòi công lý cho mình, và khó khăn hơn Barba Ahmad vì nơi ông đòi hỏi, là một một quốc gia độc tài và không có nền tư pháp độc lập.

Nhưng ông vẫn không ngừng lại. Trong hơi thở yếu đuối vì tuyệt thực nhưng không khoan nhượng, nói từ trại giam, ông vẫn căn dặn gia đình mình rằng "Không cần phải van xin, và cũng đừng kêu gọi ân huệ nào, mà chúng ta chỉ cần đòi hỏi một nhà nước biết tuân thủ với luật pháp của chính họ đề ra".

Như Barba Ahmad viết "Ngục tù cho biết rằng, có những thứ mà người ta không thể tước đoạt được từ bạn, đó là trái tim của bạn". Những năm tháng hành hạ và ngược đãi Trần Huỳnh Duy Thức từ nhà tù đã không làm thay đổi ông. Nhà tù của chế độ cộng sản đã tước đoạt tuổi trẻ, sức sáng tạo của ông, nhưng không thể đánh bại được ước mơ phải xây dựng và đổi thay đất nước của ông. 

Một ước mơ đầy cảm động của con người yêu nước mình, thứ mà chủ nghĩa cộng sản không bao giờ có hay tước đoạt được.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 23/08/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Sau phiên tòa ngày 10/7 xử 3 nhân vật Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc, thì đến cuối tháng 7, nhân vật cuối cùng trong nhóm mới được thăm nuôi và gặp mặt thân nhân trước khi bị chuyển sang trại giam.

Ngày 19/7/2018, gia đình Phúc đã vào Trại tạm giam số 1 gặp mặt.

phuc1

Sinh viên Trần Hoàng Phúc

Phúc nói với mẹ mình, rằng : dù chế độ nhà tù có khắc nghiệt, dù ai đó muốn dùng những trò hèn kế bẩn với Phúc thì Phúc vẫn sẽ không bao giờ tuyệt thực. Phúc sẽ ăn để sinh tồn vì có sinh tồn thì Phúc mới có thể đấu tranh cho nhân quyền, cho công lý.

Dưới đây là cuộc trò chuyện, thăm hỏi nhanh với bà Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc

--------------

Tuấn Khanh : Xin chị cho biết về tình hình sức khỏe của Phúc hiện nay, cũng như cho biết thêm những chi tiết mà chị nhận biết ở tại tòa phúc thẩm.

Huỳnh Thị Út : Nếu nói về sức khỏe của Phúc thì nước da của Phúc trắng bệch, người rất ốm. Nếu so với lúc ban đầu chưa bị bắt, thì Phúc bị ốm đi đến 12-13 kí lô. Ở tòa phúc thẩm, các luật sư được vào trước. Sau khi khai mạc phiên tòa xong thi mình mới được cho vào. Và việc nhìn thấy nhau trong tòa chỉ là nhìn thấy thôi. Chỉ đến khi giải lao, mấy anh an ninh còng tay 3 người là anh Thuận, anh Điển và Phúc đưa đi ra, dẫn đi đâu thì mình không biết. Đến lúc 2g chiều xử lại, mình được vào trước nên có được chút xíu thời gian nhìn thấy người ta đưa Phúc vào phòng xử bằng lối hành lang. Tôi chỉ kịp chạy ra, xin nắm tay Phúc một cái rồi thôi. Lúc nghị án, thì họ làm rất nhanh, còng tay đưa 3 người ra ngoài ở đâu đó. Khi tuyên án thì 3 người được dẫn vào nghe án, xong rồi lập tức đưa ra đi ngoài mang đi, đi thật nhanh. Mọi thứ diễn biến nhanh quá nên tôi không nói được lời nào với Phúc.

Tuấn Khanh : Vậy thì lúc tạm giam sau sơ thẩm cho đến lúc tòa phúc thẩm, có lúc nào chị được thăm nuôi Phúc không ?

Huỳnh Thị Út : Trong thời gian ở trong trại tạm giam số 1, tôi đã gửi đơn xin thăm gặp rất nhiều lần đến Tòa án, đến Viện kiểm sát, Công an thành phố, trại tạm giam... nhưng họ không giải quyết. Tôi chỉ được mua đồ ở căn-tin gửi vào cho Phúc thôi. Mà ngay cả số tiền gửi đồ cho Phúc cũng bị giới hạn. Sau đó khi tìm hiểu, thi tôi biết được thì các tù nhân khác không chịu mức giới hạn tiền gửi đồ như Phúc.

Họ nói chỉ cho mình gửi từ 1,2 đến 1,3 triệu một lần gửi đồ. Sau khi tìm hiểu đủ chứng cứ và làm mạnh lên thì họ mới nhượng bộ cho gửi 1,9 triệu / lần gửi.

Tuấn Khanh : Được biết 8 vị luật sư bào chữa cho Phúc đã gửi thư đến Tòa án và Viện Kiểm sát để yêu cầu việc (1) phải trình chiếu các tang vật rõ ràng để luận tội, (2) phải triệu tập các điều tra viên để đối chất, (3) phải cho thân nhân và tất cả những người quan tâm đến dự tòa, nhưng dường như tất cả yêu cầu này đều bị làm ngơ, điều này có đúng không ?

Huỳnh Thị Út : Phía luật sư cho biết rằng họ đã làm tất cả mọi thứ theo luật pháp nhưng không thấy phản hồi. Nhưng một vài các luật sư cho tôi biết rằng vì trong phiên tòa đã không trình chiếu các chứng cứ để xem xét luận tội, cũng như việc vắng mặt các điều tra viên... đó là cơ sở cho việc yêu cầu giám đôc thẩm. Về vấn đề này tôi phải thảo luận lại với gia đình để đi đến chuyện có giám đốc thẩm hay không.

Tuấn Khanh : Được biết là Trần Hoàng Phúc đã chọn thái độ im lặng trước tòa, phía các luật sư thì có ý kiến ra sao về điều này ?

Huỳnh Thị Út : Dạ, tôi được biết là các luật sư tôn trọng thái độ của Phúc và không có ý kiến gì. Còn theo luật sư Trần Vũ Hải nhận định thì phiên tòa này là phần chủ động đã không thuộc về tòa án, mà thuộc về Trần Hoàng Phúc và các luật sư. Nguyên văn, ông viết trên facebook là "trong phiên toà phúc thẩm Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc tuyền truyền chống Nhà nước.., cùng với 10 đồng nghiệp khác, bị cáo Phúc và các bị cáo khác phản đối chủ toạ và đại diện Viện Kiểm sát, vì cho rằng phiên toà được tiến hành không đúng thủ tục tố tụng, cụ thể phiên toà vẫn tiến hành khi các giám định viên và một số điều tra viên được triệu tập nhưng không đến phiên toà. Bị cáo Phúc tuyên bố không trả lời kiểm sát viên và Hội đồng xét xử, giữ quyền "im lặng", chỉ trả lời luật sư". 

Tuấn Khanh : Với tư cách là một người mẹ, có đứa con đang rơi vào vòng lao lý. Nhiều tháng nay phải ngược xuôi Sài Gòn - Hà Nội để lo mọi thứ cho Phúc, chị có nghĩ rằng việc làm của Phúc là bồng bột, gây vạ cho gia đình ? Chị nghĩ sao về lý tưởng vào con đường đã chọn của Phúc ?

Huỳnh Thị Út : Phúc có lý tưởng của Phúc. Phúc có hoài bão của Phúc. Gia đình rất tôn trọng ý kiến, suy nghĩ của Phúc. Những việc của Phúc làm hôm nay, rõ ràng không hề vi phạm pháp luật, Những điều của Phúc làm chỉ giúp cho cộng đồng, cho xã hội, cho sự tiến bộ của nhân loại, cho nhân quyền và dân chủ. Chí vì vậy, gia đình không bao giờ phải đối những chuyện Phúc làm.

Việc bắt Phúc và xử trái pháp luật như vậy, gia đình không thể chấp nhận. Việc không chấp nhận sẽ không đơn thuần là một phản ứng, mà gia đình sẽ đồng hành cùng Phúc, quyết làm sáng tỏ vấn đề này, quyết đấu tranh cho Phúc đến cùng.

Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn : RFA, 27/07/2018 

---------------------------

Trích ý kiến của luật sư Ngô Anh Tuấn, sau tòa phúc thẩm

Tôi hiểu cái khó của vị chủ toạ phiên toà này ;
Tôi hiểu giới hạn quyền xét xử của vị chủ toạ phiên toà này ;
Tôi hiểu và cảm thông với những điều khó nói của ông nhưng điều ấy không có nghĩa là ông có quyền trút mọi gánh nặng lên vai người khác và tước đoạt hết các quyền của họ, trong đó có quyền được nói. Hành vi của ông thẩm phán, chủ toạ phiên toà này là sự thể hiện của sự yếu kém về năng lực, hiểu biết pháp luật cũng như vi phạm tư cách, đạo đức của một người thẩm phán chân chính.

---------------------------

Trích ý kiến của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, sau tòa phúc phẩm

Để phán đối việc thân chủ của tôi là bị cáo Trần Hoàng Phúc bị chủ tọa phiên tòa tước đoạt quyền tự bào chữa một cách thiếu căn cứ và không chính đáng.

Tôi quyết định từ bỏ quyền bào chữa của mình để tỏ thái độ, qua đó ủng hộ và bảo vệ bị cáo Trần Hoàng Phúc.

Tôi chỉ muốn nói rằng : Chính quyền Batixta tại Cuba vào thập niên 50 của thế kỷ trước bị xem là độc tài, quân phiệt nhưng đã để cho Fidel Castro phát biểu tự bào chữa liên tục và kéo dài 4 tiếng đồng hồ trong vụ án hoạt động lật đổ chính quyền vào năm 1959 mà mọi người biết đến nội dung qua tác phẩm “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản.

Published in Diễn đàn

Công an Lâm Đồng khủng bố, nhằm muốn ép Minh Hạnh phải đi tỵ nạn, ra khỏi Việt Nam ?

Từ nhà của mình, cô Đỗ Thị Minh Hạnh thử tìm một câu trả lời cho việc công an cộng sản Việt Nam liên tục khủng bố cô và người cha già tại tư gia ở Di Linh, Lâm Đồng, là có thể "Công an muốn tôi đi tỵ nạn, ra khỏi Việt Nam để dứt bỏ mối lo ngại về sự có mặt của tôi ở trong nước cùng sự nối kết với giới công nhân".

dtmh1

"Công an muốn tôi đi tỵ nạn, ra khỏi Việt Nam để dứt bỏ mối lo ngại về sự có mặt của tôi ở trong nước cùng sự nối kết với giới công nhân" (Đỗ Thị Minh Hạnh)

Được biết, để bảo đảm tính mạng cho cha mình, cô Hạnh đã dự định rời nhà đi nơi khác, nhưng 3 lần cô nhờ người chở đi đều bị các loại côn đồ do công an hậu thuẫn ngăn chận, đe dọa.

Thậm chí anh Đinh Văn Hải, một người khuyết tật ở Di Linh khi ghé thăm gia đình cô, khi ra về đã công an cho người đánh gãy xương vai và tay.

Đêm 3/7, tại Di Linh, Lâm Đồng, với sự làm ngơ đầy tính tổ chức của công an địa phương, các toán côn đồ trong đêm lại tấn công nhà của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, lần này có cả khí gas độc, khiến cô Hạnh đang trong tình sức khỏe bất thường.

Nhiều hình ảnh ghi lại vào các đêm qua, cũng như với đợt tấn công thứ 4 đã có trên các trang mạng.. Đó là những cuộc khủng bố cách ngày, vào những giờ cố định, khi mọi gia đình đang say giấc và cũng quá sợ hãi để lên tiếng.

Không có gì bất thường trước những câu chuyện bạo lực rất đỗi bình thường tại vùng đất Lâm Đồng, khi những hồ sơ tấn công người bất đồng chính kiến dùng côn đồ được bảo trợ bằng công an, được ghi nhận từ năm 2015, với trường hợp đốt ruộng, tấn công nhà của cựu tù nhân Trần Minh Nhật, rồi mới đây, tháng 6/2018 là vụ công an gõ cửa nhà đại lão Hứa Phi, Chánh trị sự Đạo Cao Đài, nói để đưa giấy mời rồi ập vào nhà tấn công, đánh đập khiến ông hôn mê, phải đưa đi cấp cứu.

Theo cô Đỗ Thị Minh Hạnh nhận định, các đợt tấn công vào nhà cô, kể cả tấn công vào ông Đỗ Ty, cha cô mà nay đã hơn 70 tuổi, vì công an cho rằng cô có liên quan đến việc công nhân ở các vùng biểu tình đòi cải thiện đời sống cũng như phản ứng về luật đặc khu và an ninh mạng.

Hình ảnh hôm nay của đời sống công dân tại Lâm Đồng, sự xấu đi của bộ mặt vùng đất này, dù biện minh thế nào trước các sự việc nói trên, chắc không thể nào thiếu được phần trách nhiệm và tiếng nói của thiếu tướng Bùi Văn Sơn, giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng.

Dưới đây là phần trả lời của cô Đỗ Thị Minh Hạnh, từ ngôi nhà của mình tại Di Linh, mà nay không khác gì một ngôi hầm trú ẩn.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 05/07/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Câu chuyện của nữ sinh Trương Thị Hà có lẽ là một trong những cột mốc đáng nhớ nhất về những ngày tháng mà Facebook trở nên bất thường với những người bất đồng chính kiến hay với những người chỉ muốn chân thành bày tỏ quan điểm của mình.

face1

Hà là sinh viên Luật. Cô tham gia cuộc biểu tình ngày 17/6/2018 với một tấm biểu ngữ và niềm tin trong trắng rằng chính quyền là những người biết lắng nghe. Thế nhưng cô bị bắt lôi vào khu tập trung thẩm vấn và tra tấn ở Tao Đàn, quận 1. Nơi đó cô liên tục bị đánh đập dã man, sỉ nhục và ép nhận một tội trạng mơ hồ bởi những nhân viên khoác áo nhà nước lẫn thường phục nhưng côn đồ. Sau đó, khi ông Phạm Tấn Hạ, phó hiệu trưởng trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hồ Chí Minh xuất hiện, Hà khóc và lên tiếng cầu cứu, thế nhưng nhân vật này đã từ chối.

Câu chuyện bất nhẫn và chứa đựng nhiều khía cạnh về giá trị của tính người và bộ dạng chung của giới trí thức xã hội chủ nghĩa, đã được Hà kể lại trên Facebook của mình với một nỗi buồn về ý nghĩa thầy trò, nhận được rất nhiều sự chia sẻ. Nhưng bất ngờ sau một thời gian ngắn, bài viết này đã bị ban quản trị Facebook xóa bỏ mà không có một lời giải thích rõ ràng nào.

Đây không phải là lần đầu tiên. Kể từ sau cuộc gặp của bà Monika Bickert, Giám đốc chính sách quản lý toàn cầu của Facebook và Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Trương Minh Tuấn vào ngày 26/4/2017 tại Hà Nội, các trường hợp xóa bài, khóa trang, không hiển thị... trên hệ thống Facebook ở Việt Nam dựa trên "vi phạm tiêu chuẩn cộng đồng" ngày càng nhiều và càng đậm màu sắc chính trị theo kiểu con buôn thỏa hiệp với Đảng cộng sản Việt Nam.

Nhiều nhà hoạt động hay giới ủng hộ tự do ngôn luận nói rằng dù họ phát biểu ôn hòa, và thường chỉ là khuấy động về việc đòi sự minh bạch trong chính sách xã hội, nhưng họ luôn là nạn nhân của các cuộc trừng phạt không lời từ Facebook. Có ý kiến cho rằng sai lầm đó là do các lực lượng cực đoan được nhà nước nuôi dưỡng trên không gian mạng như Hội cờ đỏ, Lực lượng 47, Hội chống phản động... đã tổ chức report đánh phá. Nhưng có vẻ cách giải thích này cũng là một loại bình phong khá thuận tiện cho phía quản trị Facebook, bất chấp bà Monika Bickert hay chính Mark Zuckerberg từng khẳng định công ty Facebook đủ sức hiểu biết và kiểm soát được mọi thứ từ các thuật toán thông minh thể hiện khả năng trí tuệ nhân tạo.

Thế nhưng, ở cột mốc của câu chuyện nữ sinh Trương Thị Hà lại có những tình tiết rất thú vị. Chỉ vài mươi phút sau khi bài viết của cô sinh viên bị hệ thống Facebook im lặng xóa đi, người ta thấy trên các blog của mạng xã hội Minds, bài viết này nhanh chóng được nhân ra và dẫn ngược về các trang Facebook. Lần đầu tiên, sự cấm đoán nội tại của Facebook đã vấp phải một phản ứng mới mẻ của người dùng : Họ không gửi thư xin xỏ việc có lại bài hay thôi khóa trang, mà tức thì lên tiếng đáp trả thái độ độc tài bằng công cụ mới.

Trong vài ngày qua, những người quản lý Minds chắc cũng bất ngờ khi thấy một lượng lớn người dùng từ Việt Nam tràn sang, khiến nơi này trở nên rộn rịp với nhiều câu hỏi. Nhiều nhất là những câu hỏi và đề nghị phiên bản tiếng Việt cho đoàn người exodus từ Facebook. Có một người nước ngoài khi thấy sự bất thường này đã hỏi rằng có chuyện gì ở Việt Nam, một cư dân mới đến đã giải thích rằng Facebook ở Việt Nam trở nên không còn an toàn nữa, và mọi người muốn tìm một nơi cư trú hay diễn đàn mới.

Lúc này, một làn sóng khác thì đang kêu gọi mọi người đừng rời bỏ và hãy tiếp tục dùng Facebook như một công cụ để thể hiện hoạt động bất tuân dân sự với luật an ninh mạng, vốn được coi là thủ thuật vươn xa bộ máy kiểm duyệt hà khắc và độc đoán của những người cộng sản.

Với 50 triệu tài khoản, Facebook đang là một hiện tượng phục sinh của quyền lực thứ tư tại Việt Nam từ khoảng năm 2010. Nó là cuộc cách mạng nhận thức của hàng triệu người Việt từ thành thị đến nông thôn, nhưng đồng thời cũng là nỗi hãi hùng của nhà cầm quyền trong thói quen bịt mắt hay bóp méo những vấn đề mà họ cần thao túng.

Những người rời bỏ Facebook nói rằng họ muốn bày tỏ một thái độ bất mãn với mạng xã hội này, đang mỗi lúc càng chuyên chính tư sản hơn. Có người nói trên trang nhà mới tại Minds rằng họ không muốn bị bán đứng hay bị động trước những âm mưu ập vào mình. Chưa có con số thống kê cụ thể nào về lượng người từ bỏ Facebook sang Minds, nhưng dự đoán rằng sang tháng 1/2019, tức vào thời điểm an ninh mạng được thi hành, sẽ còn nhiều nguời nữa nhập vào dòng exodus thời @ này.

minds

Minds có chủ trương ủng hộ tự do ngôn luận, chống kiểm duyệt, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Minds mở cửa cho tất cả mọi nội dung, miễn là những nội dung đó hợp pháp theo luật Hoa Kỳ

Nhưng bên cạnh đó, nhiều người vẫn khẳng định rằng mình quyết chọn Facebook để làm mặt trận thông tin với nhà cầm quyền, bất chấp những hiểm nguy từ luật an ninh mạng. Thậm chí với những người đã có thêm tài khoản mới ở Minds, vẫn tuyên bố rằng họ mượn công cụ yểm trợ, để tiếp tục thể hiện sự bất mãn của mình với chính quyền, thậm chí với cả sự thỏa hiệp của Facebook ngay trên không gian quen thuộc mà họ đang mỗi lúc có nhiều chứng cứ hơn về sự bất tín.

Nhà cầm quyền Việt Nam có thể chưa tính đến điều này : Luật an ninh mạng nhằm để đe dọa người dùng mạng xã hội Việt Nam, nay đã không làm cho quá nhiều người lo sợ - thậm chí luật này đang được nhiều người gọi nhại đi là luật thú vật - mà ngược lại còn làm khiến làn sóng bất mãn cao hơn cùng với quyết tâm đối đầu với các sai lầm từnhà cầm quyền bằng tự do ngôn luận.

Cũng giống như cách mà nữ sinh Trương Thị Hà bị công an tra tấn và đe dọa, rồi bị từ chối cứu giúp từ người đại diện giới trí thức nhân văn xã hội chủ nghĩa, cô rất buồn nhưng không tuyệt vọng. Bị Facebook khóa bài nhưng Hà nhanh chóng phát lại quan điểm của mình trên Minds một cách mạnh mẽ và cả quyết. Làn sóng bất mãn chỉ khiến người ta mạnh hơn và khơi sức thách thức mọi sự man rợ mà họ đã chứng kiến từ nhà cầm quyền, kể cả sự man rợ đó được gọi bằng cái tên mỹ miều là "luật".

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 30/06/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Sau những giờ phút tức giận, thậm chí là tuyệt vọng... có lúc tôi lại cảm thấy vô cùng thú vị về giai đoạn này của nước mình. Một giai đoạn rực rỡ xảo trá của những kẻ cầm quyền, và u uất khủng khiếp của hàng triệu người dân đang nhìn thấy viễn cảnh mình bị cai trị bởi bọn phản bội.

khoang1

Phú Quốc, một trong 3 đặc khu được đề nghị AFP

Dưới bề mặt lặng yên của đời sống, là sự sôi sục của từng con người vô danh. Những con người trước đây chỉ vì miếng cơm manh áo, vì gia đình của mình nên luôn im lặng, luôn chấp nhận... nay đã bật lên lời phản đối như một tiếng khóc. Thậm chí, có người viết trên facebook, nhân danh cả gia đình mình để phản đối - tức phần quan trọng nhất mà họ vẫn che chắn, giấu vào trong - giờ cũng đưa ra để minh chứng và bày tỏ một nguyện vọng được làm người.

Làm người - hai tiếng ấy ở đất nước này, bây giờ nghe thật vất vả làm sao. Những người không quen biết mà tôi nhìn thấy, rõ là sau khi cố dành dụm, chắt chiu, chấp nhận mọi thứ để mong được chút an sinh, giờ thì họ đã không còn nhẫn nại nổi, bật lên tiếng kêu cuối cùng là mong được làm người, và là người Việt Nam.

Thật thú vị - làm người - điều mà mấy trăm đại biểu quốc hội chắc cũng không mơ thấy nổi rằng họ có được khả năng ấy, dù vẫn được các chủ nhân ông, chủ nhân bà ve vuốt bộ lông và hàng ngày ám thị, gọi bằng "người".

Trong đêm, một thanh niên tham gia vào các nhóm tuyên truyền phản dư luận nhắn cho tôi như một tự thú đầy hoang mang. Bạn ấy kể là nhóm của bạn ấy được hướng dẫn cách thức phản dư luận như "đọc luật đặc khu chưa", chỉ là "kinh tế và phát triển", bị ảo tưởng về "thuyết âm mưu", coi chừng là "kỳ thị"... Và rất nhiều thứ khác. Nhưng ngay cả người thanh niên bị định hướng suy nghĩ ấy cũng ngơ ngác hỏi "sự thật là sao vậy chú ?".

Đó là một câu hỏi khó với tôi, và có lẽ với rất nhiều người khác. Vì cốt lõi của câu hỏi là sự thật, điều mà 90 triệu dân Việt đói khát nó từ nhiều thập niên nay. Một câu hỏi khó bao gồm về mối quan hệ nồng ấm riêng của hai đảng cộng sản, chứ không phải của nhân dân và tổ quốc Việt Nam.

Nhưng chí ít, điều mà mọi người Việt Nam nên thú vị là dù sự thật bị ẩn giấu nơi nào đó, nó vẫn đủ sáng chói để in bóng trên mặt đất, đủ để nhận rõ cuộc sống hôm nay.

Với cách cầm quyền hiện tại, người ta nhận ra loại chủ nghĩa xã hội chư hầu, đã tạo ra đủ một lớp người không ngần ngại để khoe khoang thú tính của mình khi có cơ hội liếm láp vào quyền lực, vì chút lợi trên máng ăn riêng sẵn sàng vặn vẹo lý trí để tung hô điên cuồng và chà đạp quê hương, dân tộc mình. Chương trình "đổi quê hương lấy ghế" đang lan từ quan đến các loại trí thức, con mọn của nhà nước. Thật bỉ cực cho tổ tiên Việt Nam, nhưng âu cũng là chưa lúc nào như lúc này, thú vị vì dễ nhận mặt nhau, dễ gọi tên đúng về giống loài.

Giờ phút như tiếng chuông gióng lên buồn bã về số phận. Tôi cũng như những con người vô danh đang phản đối luật đặc khu nhượng địa 99 năm, chỉ là một đám đông cô thế trước hệ thống cầm quyền cả quyết. Sự cô độc đó, chợt nhắc tôi về bài thơ của Bắc Đảo trong sự kiện Thiên An Môn 1989. Trước lằn ranh của chọn lựa sống còn, ông viết rằng mình vô danh, chỉ có cây bút làm bạn, và rồi cũng để lại, từ biệt mẹ lên đường để chọn, dẫu phải chết, để được làm người.

Làm người đôi khi là cả một chặng đường dài, nhưng đôi khi chỉ là một khoảnh khắc chọn lựa. Tôi cũng đã bỏ lại cây viết của mình, nói từ biệt bình an trong tiếng chuông của số phận, và xin được góp một chỗ đứng cùng các bạn, những người vô danh, cô thế đang lên tiếng về quyền làm người Việt Nam trên quê hương mình. Tôi muốn rơi nước mắt khi nhìn những dòng viết phản đối có khi yếu ớt, có khi kềm chế và có khi đầy tuyệt vọng. Tôi biết, chúng ta cùng muốn được làm người, và phải là một người Việt Nam tự do, dù sợ hãi.

Vì vậy, tôi mang ơn các bạn.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 04/06/2018

Published in Diễn đàn

Phỏng vấn Hòa thượng Thích Không Tánh, về tình hình tự do tín ngưỡng tại Việt Nam

Từ ngôi chùa nhỏ, đang tá túc tại Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, Hòa thượng Thích Không Tánh, đại diện cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất, thành viên của Hội đồng Liên tôn Quốc Nội bày tỏ vài suy nghĩ về đạo pháp, đất nước, dân tộc, niềm tin.

Đặc biệt, ngài nói thêm về tình hình tự do tín ngưỡng ở Việt Nam , ngay sau khi nhà nước Việt Nam ban hành Luật tôn giáo và tín ngưỡng vào năm 2018.

Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn : RFA, 31/05/2018

*******************

Tự do tôn giáo Việt Nam 2017 : Tăng cường sách nhiễu (VOA, 30/05/2018)

Việt Nam có bước tiến về luật thực thi quyền tự do tôn giáo nhưng chính quyền lại tăng cường sách nhiễu các nhóm tôn giáo có ý kiến trái chiều, nhất là các nhóm Công giáo chỉ trích chính quyền, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đánh giá.

hoathuong1

Hoạt động của Hội Cờ Đỏ bị cho là sách nhiễu giáo dân

Nhận xét về Việt Nam trong phúc trình thường niên về tự do tôn giáo trên thế giới công bố vào sáng thứ Ba ngày 29/5 năm 2018, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói Việt Nam đã có nỗ lực giảm đáng kể thời gian đăng ký hoạt động cho các nhóm tôn giáo chưa được công nhận. Theo đó, Mỹ ghi nhận rằng Luật Tín ngưỡng và Tôn giáo của Việt Nam, vốn có hiệu lực từ đầu năm 2018, đã giảm thời gian chờ được công nhận đối với các nhóm tôn giáo từ 23 năm xuống còn 5 năm.

Ngoài ra Luật mới của Việt Nam cũng giảm nhiều các hoạt động tôn giáo đòi hỏi phải có sự chấp nhận trước của chính quyền, bản phúc trình ghi nhận.

"Lần đầu tiên Việt Nam cũng đã xác định rõ quyền địa vị pháp lý cho các nhóm tôn giáo đã được nhìn nhận. Luật quy định rằng các nhóm tôn giáo được thực hiện các hoạt động giáo dục, y tế, bảo vệ xã hội, từ thiện và nhân đạo phù hợp với các đạo luật liên quan", bản phúc trình viết nhưng cũng lưu ý rằng đạo luật mới về tôn giáo của Việt Nam không nêu cụ thể các đạo luật liên quan là đạo luật nào mà có khả năng mâu thuẫn với điều luật mới này, hay những bộ luật khác có điều luật không rõ ràng chẳng hạn như Luật Giáo dục.

"Các nhóm Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo, Bahai và Phật giáo đã được phép tổ chức giáo dục tôn giáo cho các tín đồ trong cơ sở của mình. Các sinh viên học sinh tiếp tục tham gia vào các buổi học giáo lý căn bản được tổ chức trong khuôn khổ khóa tu mùa hè ở các chùa, tự viện trên cả nước", phúc trình cho biết.

Tăng cường sách nhiễu

Bên cạnh đó, bản phúc trình về tự do tôn giáo của Mỹ cũng ghi nhận những trường hợp khiến họ quan ngại như trường hợp hai tù nhân tôn giáo tử vong bất thường trong tù và các hoạt động sách nhiễu đối với các nhóm hoạt động tôn giáo bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền.

Hai trường hợp tử vong bất thường đó là trường hợp của Ma Seo Sùng bị chính quyền xã Ea So, huyện Ea Kar, tỉnh Đắc Lắc, bị bắt với cáo buộc ‘tàng trữ ma túy’ nhưng sau đó chính quyền lại nói rằng người này cùng cháu trai đang ‘tìm kiếm miền đất mới của Chúa Trời.’ Trường hợp thứ hai là của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị Công an tỉnh Vĩnh Long bắt về với cáo buộc ‘tuyên truyền chống Nhà nước’ và ‘thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’. Sau đó chính quyền thông báo là Ma Seo Sùng đã treo cổ trong trại giam còn Nguyễn Hữu Tấn đã cắt cổ tự tử - cả hai vụ việc đều xảy ra vào tháng Năm năm 2017.

Ngoài ra, phúc trình cũng ghi nhận trường hợp của tín đồ Phật giáo Hòa Hảo đồng thời là nhà hoạt động tôn giáo và nhân quyền Nguyễn Bắc Truyền và Mục sư Tin Lành Nguyễn Trung Tôn bị bắt giữ vào tháng Bảy với cáo buộc ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Còn tín đồ Hòa Hảo Bùi Văn Trung cùng gia đình đã bị bắt giam về tội ‘Gây rối trật tự công cộng’

Bên cạnh đó, một nhóm người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên được biết đến với tên gọi "Nhà nước Degar" tố cáo họ tiếp tục bị Hà Nội theo dõi, thẩm vấn, bắt giữ tùy tiện và bị phân biệt đối xử, một phần là vì ‘hoạt động tôn giáo’ của họ, bản phúc trình cho biết.

Giới chức Việt Nam cho rằng các nhóm Thiên chúa giáo Degar đã ‘kích động ly khai bạo lực’. Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên đã thường xuyên giải tán các buổi tụ tập tôn giáo của họ và tổ chức các buổi từ bỏ ‘Thiên chúa giáo Degar’ hay ‘các tín ngưỡng Thiên chúa giáo khác’ cho tín đồ một cách công khai.

Một trong những hoạt động sách nhiễu tôn giáo được bản phúc trình nêu lên là vụ việc vào tháng Năm khi "các nhân viên an ninh mặc thường phục quấy nhiễu giáo dân và linh mục, tấn công giáo dân và hủy hại tài sản của Nhà thờ và tài sản của giáo dân" tại Giáo họ Văn Thai thuộc Giáo phận Vinh, tỉnh Nghệ An.

"Truyền thông Nhà nước và các trang blog ủng hộ chính quyền đã tìm cách bôi nhọ các linh mục tích cực hỗ trợ những nhà hoạt động và các nạn nhân của thảm họa môi trường Formosa", phúc trình nêu rõ và dẫn lại vụ các tổ chức xã hội do chính quyền kiểm soát như Hội Cựu Chiến binh, Hội Phụ nữ đã tổ chức các cuộc phản đối lên án các Linh mục Đặng Hữu Nam và Nguyễn Đình Thục của Giáo phận Vinh.

"Các trang blog ủng hộ chính quyền đã đăng nhiều bài viết lên án các linh mục Công giáo, cáo buộc họ nhận tiền và thông đồng với các thế lực thù địch với mục đích kích động bạo loạn chống lại Đảng Cộng sản và Nhà nước", phúc trình viết.

"Vào ngày 29 và 30 tháng 10, hàng trăm người thuộc Hội Cờ đỏ đã tập trung tại Giáo xứ Song Ngọc, Nghệ An, để lên án các giáo dân… khiến cho hai linh mục thuộc Giáo phận Vinh bị bao vây".

Ngoài ra, phúc trình cũng dẫn lại vụ xung đột xảy ra vào ngày 17/12 giữa giáo dân và những người ủng hộ chính quyền xung quanh việc xây dựng một nhà nguyện mới của Giáo phận Vinh. "Truyền thông Nhà nước đưa tin các giáo dân tấn công công an trong khi mạng xã hội tường thuật rằng các nhân viên an ninh mặc thường phục đã tấn công giáo dân theo lệnh của chính quyền địa phương", phúc trình cho biết.

Một trường hợp khác cũng được nêu lên trong bản phúc trình của Bộ ngoại giao Mỹ là vụ khoảng 10 người có vũ trang đã chen ngang thánh lễ tại Nhà thờ Giáo xứ Thọ Hòa ở tỉnh Đồng Nai hôm 4/9 để đòi trừng trị vị linh mục đã kêu gọi cải cách chính trị trên Facebook.

Bên cạnh các vụ sách nhiễu, Bộ ngoại giao Mỹ cũng ghi nhận nhiều vị chức sắc tôn giáo tại Việt Nam bị chính quyền cấm xuất cảnh như Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, Mục sư Thân Văn Trường vì lý do ‘an ninh quốc gia’.

"Tự do tôn giáo là yếu tố quan trọng trong khởi đầu của nước Mỹ. Bảo vệ quyền tự do tôn giáo mang ý nghĩa sống còn đối với tương lai chúng ta", Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại buổi công bố bản phúc trình về tự do tôn giáo hôm thứ Ba ngày 29/5.

"Quyền tự do tôn giáo không phải của riêng chúng ta. Đó là quyền của bất cứ cá nhân nào trên thế giới. Tổng thống Trump đứng về phía những ai đấu tranh cho tự do tôn giáo. Phó Tổng thống của chúng ta cũng đứng về phía họ, và tôi cũng vậy", ông Pompeo nói và cho biết thúc đẩy quyền tự do tôn giáo cũng đồng nghĩa với thúc đẩy lợi ích của Hoa Kỳ.

Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cho biết tại buổi công bố bản phúc trình là Mỹ sẽ tổ chức Hội nghị các bộ trưởng để thúc đẩy tự do tôn giáo tại Bộ ngoại giao vào ngày 25 và 26 tháng 7 tới đây.

"Tôi trông đợi chào đón những đồng sự đến từ những chính phủ có cùng chung suy nghĩ, cũng như đại diện các tổ chức quốc tế, các cộng đồng tôn giáo và xã hội dân sự để tái khẳng định cam kết của chúng tôi đối với tự do tôn giáo như là một quyền con người phổ quát", Ngoại trưởng Pompeo nói và cho biết hội nghị này sẽ xác định những cách cụ thể để đẩy lùi tình trạng kỳ thị tôn giáo cũng như đảm bảo sự tôn trọng quyền tự do tôn giáo cho tất cả mọi người.

Published in Video

Mùa hè năm nay, có một thanh niên rụt rè tìm cách liên lạc với tôi, mục đích là nhờ tôi xem và góp sức cho một video ngắn, nói về tử tù Hồ Duy Hải. Điều làm tôi ngạc nhiên, bởi mọi công việc của Chung, tên người thanh niên ấy, đều đến từ một giấc mơ thôi thúc anh.

tutu0

Nỗi đau khổ và tuyệt vọng của một người mẹ có con là tử tù bị án oan - Ảnh mẹ của Hồ Duy Hải ở Long An

Hai năm trước Chung ngẫu nhiên đọc được những tin tức về tử tù Hồ Duy Hải ở Long An. Câu chuyện về một thanh niên trẻ bị gán, sắp đặt các chứng cứ như để chết thay cho con cháu của một cựu quan chức cộng sản khiến Chung trở thành một nhà điều tra độc lập : Anh tìm, cất giữ mọi thông tin về Hồ Duy Hải, lọc lại mọi nguồn nghi vấn và lời của luật sư, theo dấu những hình ảnh người mẹ của Hồ Duy Hải đội nắng mưa ở Hà Nội kêu oan cho đứa con mình.

Mọi thứ ám ảnh Chung đến mức thành một giấc mơ. Chung mơ thấy Hồ Duy Hải được trả tự do. Anh thấy mọi người trong gia đình của Hải khóc và cười, thấy công lý trên đất nước này có thật chứ không là bánh vẽ. Anh ngồi dậy và quyết định rằng mình phải làm một cái gì đó.

Từ đó, Chung tìm cách liên lạc với mẹ của Hồ Duy Hải để làm một bản video clip nhỏ, như một cách góp sức vào việc kêu gọi mọi người hãy quan tâm đến số phận của một thanh niên đang bị đẩy vào đoạn đầu đài, bất chấp tiếng khóc như điên dại của người mẹ, của những luật sư đã tận lực chỉ ra mọi cáo buộc chỉ là giả trá.

Chung vào Saigon kiếm sống từ nhiều năm nay, là một người gốc ở Thái Bình. Công việc của Chung vất vả và hoàn toàn không dính dáng gì đến chuyện đời xã hội, nhưng Chung nói anh đã không thể ngồi yên, nên dành rất nhiều thời gian để vận động chung với gia đình của Hồ Duy Hải. Thế nhưng hầu hết các báo nhà nước đều im lặng, không phản hồi gì về bài viết và video của Chung gửi đến. Chỉ có một số ít blog và trang mạng xã hội có khuynh hướng độc lập mới đưa lại, tiếp sức cho Chung.

Đây không phải là câu chuyện ăn khách mới, nhưng rõ có cái gì đó thật bất thường khi nhiều tờ báo lớn cũng có vẻ ngại ngùng về đề nghị nhắc lại vụ án thảm thiết kêu oan hơn 10 năm, và cũng bất thường khi quan chức cấp cao ở Long An thì trơ trẽn hối thúc phải thi hành án tử để kết thúc sự kiện này.

Còn ngay trong tù, ngày thường của Hồ Duy Hải cũng luôn bị đặt vào tình trạng căng thẳng nhất : không được đọc báo, không được xem tivi… để bịt mắt hoàn toàn những gì ngoài xã hội đang lên tiếng cho mình. Thậm chí khi được gia đình thăm nuôi thì luôn có chục công an viên đứng canh cả mẹ lẫn con, ngăn cấm không cho nói bất cứ lời nào về vụ án. Ngay cả hy vọng vào công lý hay niềm tin vào sự sống của mình, phía Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Long An cũng ráo riết ngăn chận, không cho gia đình hay Hồ Duy Hải được nối sức với nhau.

Khi quan lại và bọn âm mưu thao túng công lý, dân lành chỉ còn lại hy vọng và tiếng nói. Ngay cả những con người xa lạ như Chung, hôm nay cũng muốn góp một lời cho sự kiện Hồ Duy Hải, cho thấy mười năm hay nhiều hơn nữa, ngọn lửa đòi sự thật chỉ ngày càng lớn hơn, lan rộng hơn chứ không le lói như kẻ ác mong đợi.

Xin hãy một lần nữa chia sẻ cùng Chung, và chia sẻ cùng gia đình của oan tử Hồ Duy Hải. Chưa bao giờ như lúc này, những người mong chờ một cuộc sống tốt đẹp cần đoàn kết, đứng cùng với nhau để nhìn rõ hơn và đòi hỏi nhiều hơn cho sự thật, cho lẽ phải.

Xem video ở đây, do chính Chung thực hiện :

https://www.facebook.com/chung.thep/videos/353816648355970/

***************

Lời kêu gọi của Chung

Từ khi tôi biết tin về vụ án oan của anh Hồ Duy Hải và người mẹ của Anh là cô Nguyễn thị Loan, hơn 10 năm đi khắp nơi từ địa phương lên trung ương để kêu oan cho con tôi cảm thấy khâm phục, xúc động làm tôi suy nghĩ rất nhiều về nỗi đau mà gia đình cô gặp phải.

Cách đây không lâu tôi đã nằm mơ về nơi cô ở, gặp Cô và gia đình để chia sẻ nỗi đau và cùng nhau kêu gọi mọi người trong xã hội lên tiếng cho gia đình của anh Hồ Duy Hải.

Hình ảnh của cô đã ám ảnh trong tôi, khiến tôi phải làm điều gì đó và hôm nay tôi đã có mặt tại nơi Cô ở để có thể nói chuyện và chia sẻ cùng gia đình Cô về câu chuyện dường như chỉ có thể tồn tại trong tiểu thuyết.

Tôi đã tìm hiểu rất kỹ về vụ án.

Khi đọc hồ sơ vụ án tôi thấy có quá nhiều điều vô lý và khuất tất, nói chính xác là họ cố tình ghép tội cho Anh ấy, một bản kết tội quá hoang đường đẩy một người vô tội thành một người có tội một cách phi lý và sai pháp luật.

Chính vì thế hôm nay tôi và gia đình cô thay mặt một người bị án tử tù oan xin được kêu gọi sự giúp đỡ của tất cả mọi người trong và ngoài nước hãy lên tiếng bằng mọi phương tiện để anh được minh oan và trở về với gia đình tiếp tục cuộc sống.

Chúng ta hãy cùng nhau lên tiếng cho một người bị oan và một người mẹ suốt 10 năm trời đi kêu oan cho con, kêu gọi cơ quan có thẩm quyền xem xét lại toàn bộ quá trình tố tụng của vụ án một cách khách quan, trả lại công bằng cho người bị oan và tìm ra hung thủ thật sự để người bị hại chết được siêu thoát.

**********************

Các bằng chứng chứng minh anh Hồ Duy Hải bị oan :

1. Dấu vân tay để lại tại hiện trường không phải là của Hồ Duy Hải.

2. Không có nhân chứng nào khẳng định nhìn thấy Hồ Duy Hải, và Cơ quan điều tra cũng không chứng minh được đương sự có mặt tại hiện trường trong buổi tối xảy ra vụ án.

3. Cơ quan điều tra không tìm thấy và thu giữ được những tang vậy mà bị cáo Hồ Duy Hải khai đã dùng để gây án. Cơ quan điều tra phải nhờ người ra chợ mua mới (dao và thớt) hoặc dùng chiếc ghế tương tự khác để thay thế cho "hung khí thật" !

4. Hồ sơ vụ án bị làm sai lệch : Lời khai của Hồ Duy Hải trong bản cung bị tự tiện tảy xóa, sửa chữa, không có sự xác nhận của bị cáo.

5. Hội đồng xét xử chỉ chọn và sử dụng những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc buộc tội, ngược lại không sử dụng và loại bỏ những chứng cứ, lời khai có lợi cho việc gỡ tội !

******************

Link các bài viết của các luật sư và của các nhà báo đã điều tra và chứng minh Anh Hồ Duy Hải bị kết án oan qua mười năm qua bên dưới cmt.

Xin mọi người cùng lên tiếng cứu một người vô tội !

Tháng 5/2018

Chung thép

Published in Diễn đàn

Phạm Duy là họa sĩ bằng âm nhạc. Lăng nghe những ca khúc của ông, đặc biệt là những âm điệu dân ca, người ta cảm thấy như mình bị nhấn chìm vào bức tranh đẹp nhất của quê hương mình.

Chú Cuội (Phạm Duy) - Ái Vân

Quê hương Việt Nam đẹp khôn cùng trong những bài hát của Phạm Duy. Có những bài hát đã hơn nửa thế kỷ, khi cất lên vẫn như thảm lụa ký ức, trãi khắp trong suy nghĩ, để người ngồi mà tự vấn mình yêu đất nước này đến mức nào.

Tôi lớn lên và may mắn được học những bài học về lòng yêu nước, đơn giản qua những cây cầu, bà mẹ, ánh trăng… mà Phạm Duy mô tả. Mà kỳ lạ thay, bao nhiêu giáo điều, bao nhiêu chủ nghĩa, tuyên ngôn học được, mọi thứ luôn trôi đi khi lắng nghe âm nhạc của Phạm Duy, để đọng lại hai chữ Việt Nam.

Một ngày của thập niên 80, bất ngờ tôi nghe được bài Chú Cuội, không phải do tiếng hát huyền thoại Thái Thanh, mà của ca sĩ Ái Vân. Đó là những giờ phút đắm chìm trong tiếng hát đến mức mà nhiều năm sau, khi gặp chị ở miền Nam nước Mỹ, được chị ký tặng cho chiếc CD, tôi vẫn xao xuyến như đứa trẻ được chiếc kẹo đầu tiên trong đời mình.

Chú Cuội

Chú Cuội là một bài hát ít người thể hiện. Thái Thanh là sự điêu luyện và tinh tế đến nhấn vào tim mình từng chữ một, còn Ái Vân thì đem lại một không gian ngọt ngào và đẹp đến mức không muốn thoát ra.

Vào lúc quê hương đi vào hỗn loạn, dân tộc bị xô vào chốn hoang đàng. Chắc không có an ủi tốt hơn là nghe lại một chút tình quê, để thấy mình vẫn là một người Việt Nam, vẫn còn ôm một niềm hy vọng.

chu1

Nữ ca sĩ Ái Vân

----------------------

Trò chuyện cùng nghệ sĩ Ái Vân

Tuấn Khanh : Trước khi vào Nam, chị đã biết đến nhạc sĩ Phạm Duy chưa ?

Ái Vân : Trước đây thỉnh thoảng được nghe ba của Ái vân nhắc đến bác Phạm Duy, hoặc ông cậu - nhạc sĩ Canh Thân, bà trẻ Lan Phương là những nghệ sĩ, nhạc sĩ của Hà Thành đã vào trong Nam. Chỉ thỉnh thoảng thế thôi bởi vì đó là những nhân vật "nhạy cảm" thật khó mà được nhắc đến một cách công khai ở miền Bắc trước đây. Chỉ sau này khi ra hải ngoại , qua trung tâm Thúy Nga và một vài trung tâm khác , Ái Vân mới được hát nhạc Phạm Duy, được làm quen với ông và được làm việc với ông trong một album nhạc có tựa đề là "Tình hoài hương " do Ái Vân thực hiện. Đặc biệt Ái Vân có vinh dự được tham gia ba phần minh họa Kiều của nhạc sĩ Phạm Duy.

Tuấn Khanh : Là một người hát nhiều thể loại âm nhạc, Chị nhìn thấy sự khác biệt nào giữa khuynh hướng sáng tác theo âm điệu dân ca của nhạc sĩ Phạm Duy với những dòng tác phẩm tương tự mà chị đã trình bày trước đó ?

Ái Vân : Thông thường các ca khúc mang âm hưởng dân ca chỉ đơn giản dựa theo một làn điệu nhất định. Ở Phạm Duy, những bài hát mang âm điệu dân ca không những rất rõ nét, đậm đà, tha thiết giai điệu quê huơng mà cách chuyển điệu trong mỗi bài khiến nó trở nên như vừa quen, lại vừa rất mới lạ.

Tuấn Khanh : Chị đã từng chọn một bước ngoặc trong đời mình, là từ vị trí một ca sĩ hàng đầu ở Việt Nam vào ở miền Bắc, và bất ngờ bước ra chọn cuộc sống ở nước ngoài ít tiếp cận sân khấu hơn. Có bao giờ chị hối tiếc vì điều đó không ?

Ái Vân : Đầu năm 1990 khi sự nghiệp của Aí Vân đang ở độ chín nhất của nguời nghệ sĩ nhưng do hoàn cảnh riêng , mình đã phải dứt bỏ gia đình, quê hương, sự nghiệp ở đằng sau để chọn "one way ticket" cho một cuộc sống mới nơi đất lạ quê nguời. Vào lúc đó, một quyết định như vậy thật sự là điều hết sức khó khăn và đau đớn. Nhưng khi nhìn lại, mình thấy thật may mắn vì đó là quyết định đúng đắn nhất trong cuộc đời .

Tuấn Khanh : So với những ca sĩ từ nước ngoài trở về Việt Nam và thường quay trở lại sân khấu để biểu diễn, chị là người gần như rất hiếm khi xuất hiện trở lại. Chị có thể giải thích về việc chọn lựa như vậy ?

Ái Vân : Năm 1999, sau khi trải qua bạo bệnh, Ái Vân muốn được trở về hát trên sân khấu quê nhà, gặp lại những fans hâm mộ ngày xưa và cũng đáp lại uớc nguyện của ba Hà Quang Định là đuợc xem con gái trở về biểu diễn ít nhất một lần... Sau khi về hát lần đầu , mình đã nhận đuợc nhiều lời mời và cũng tham gia thêm một số chuơng trình. Khi ba mất, duờng như nguồn cảm hứng cũng không còn ! Lúc này, mình thích cuộc sống hướng nội nhiều hơn vì thế nên đành từ chối tham gia nhiều chương trình trình diễn, làm giám khảo cuộc thi hoặc ngay cả live show riêng cho Ái Vân mà một vài nhà tài trợ đã có nhã ý tổ chức cho mình. 
Bài "Chú Cuội "được cô Marie To của Trung tâm Thuý Nga chọn để mình hát thu hình. Ngay từ đầu mình đã bị cuốn hút bởi giai điệu và ca từ đều quá đẹp. Mình nhớ lúc đó đã đề nghị với cô Thủy cho mình được vào cả hai nhân vật : Chị Hằng và Chú Cuội. 27 năm về truớc hình như chưa có kỹ thuật digital như bây giờ nên việc lồng ghép cho hai nhân vật cùng lúc được thực hiện khá thô sơ. Tuy nhiên , đó là một trong những ca khúc của Phạm Duy được thu hình mà mình yêu thỉch nhất.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 06/04/2018 (tuankhanh's blog)

Published in Văn hóa