Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

27/07/2018

"Gia đình sẽ đồng hành đến cùng với Phúc"

Tuấn Khanh

Sau phiên tòa ngày 10/7 xử 3 nhân vật Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc, thì đến cuối tháng 7, nhân vật cuối cùng trong nhóm mới được thăm nuôi và gặp mặt thân nhân trước khi bị chuyển sang trại giam.

Ngày 19/7/2018, gia đình Phúc đã vào Trại tạm giam số 1 gặp mặt.

phuc1

Sinh viên Trần Hoàng Phúc

Phúc nói với mẹ mình, rằng : dù chế độ nhà tù có khắc nghiệt, dù ai đó muốn dùng những trò hèn kế bẩn với Phúc thì Phúc vẫn sẽ không bao giờ tuyệt thực. Phúc sẽ ăn để sinh tồn vì có sinh tồn thì Phúc mới có thể đấu tranh cho nhân quyền, cho công lý.

Dưới đây là cuộc trò chuyện, thăm hỏi nhanh với bà Huỳnh Thị Út, mẹ của Trần Hoàng Phúc

--------------

Tuấn Khanh : Xin chị cho biết về tình hình sức khỏe của Phúc hiện nay, cũng như cho biết thêm những chi tiết mà chị nhận biết ở tại tòa phúc thẩm.

Huỳnh Thị Út : Nếu nói về sức khỏe của Phúc thì nước da của Phúc trắng bệch, người rất ốm. Nếu so với lúc ban đầu chưa bị bắt, thì Phúc bị ốm đi đến 12-13 kí lô. Ở tòa phúc thẩm, các luật sư được vào trước. Sau khi khai mạc phiên tòa xong thi mình mới được cho vào. Và việc nhìn thấy nhau trong tòa chỉ là nhìn thấy thôi. Chỉ đến khi giải lao, mấy anh an ninh còng tay 3 người là anh Thuận, anh Điển và Phúc đưa đi ra, dẫn đi đâu thì mình không biết. Đến lúc 2g chiều xử lại, mình được vào trước nên có được chút xíu thời gian nhìn thấy người ta đưa Phúc vào phòng xử bằng lối hành lang. Tôi chỉ kịp chạy ra, xin nắm tay Phúc một cái rồi thôi. Lúc nghị án, thì họ làm rất nhanh, còng tay đưa 3 người ra ngoài ở đâu đó. Khi tuyên án thì 3 người được dẫn vào nghe án, xong rồi lập tức đưa ra đi ngoài mang đi, đi thật nhanh. Mọi thứ diễn biến nhanh quá nên tôi không nói được lời nào với Phúc.

Tuấn Khanh : Vậy thì lúc tạm giam sau sơ thẩm cho đến lúc tòa phúc thẩm, có lúc nào chị được thăm nuôi Phúc không ?

Huỳnh Thị Út : Trong thời gian ở trong trại tạm giam số 1, tôi đã gửi đơn xin thăm gặp rất nhiều lần đến Tòa án, đến Viện kiểm sát, Công an thành phố, trại tạm giam... nhưng họ không giải quyết. Tôi chỉ được mua đồ ở căn-tin gửi vào cho Phúc thôi. Mà ngay cả số tiền gửi đồ cho Phúc cũng bị giới hạn. Sau đó khi tìm hiểu, thi tôi biết được thì các tù nhân khác không chịu mức giới hạn tiền gửi đồ như Phúc.

Họ nói chỉ cho mình gửi từ 1,2 đến 1,3 triệu một lần gửi đồ. Sau khi tìm hiểu đủ chứng cứ và làm mạnh lên thì họ mới nhượng bộ cho gửi 1,9 triệu / lần gửi.

Tuấn Khanh : Được biết 8 vị luật sư bào chữa cho Phúc đã gửi thư đến Tòa án và Viện Kiểm sát để yêu cầu việc (1) phải trình chiếu các tang vật rõ ràng để luận tội, (2) phải triệu tập các điều tra viên để đối chất, (3) phải cho thân nhân và tất cả những người quan tâm đến dự tòa, nhưng dường như tất cả yêu cầu này đều bị làm ngơ, điều này có đúng không ?

Huỳnh Thị Út : Phía luật sư cho biết rằng họ đã làm tất cả mọi thứ theo luật pháp nhưng không thấy phản hồi. Nhưng một vài các luật sư cho tôi biết rằng vì trong phiên tòa đã không trình chiếu các chứng cứ để xem xét luận tội, cũng như việc vắng mặt các điều tra viên... đó là cơ sở cho việc yêu cầu giám đôc thẩm. Về vấn đề này tôi phải thảo luận lại với gia đình để đi đến chuyện có giám đốc thẩm hay không.

Tuấn Khanh : Được biết là Trần Hoàng Phúc đã chọn thái độ im lặng trước tòa, phía các luật sư thì có ý kiến ra sao về điều này ?

Huỳnh Thị Út : Dạ, tôi được biết là các luật sư tôn trọng thái độ của Phúc và không có ý kiến gì. Còn theo luật sư Trần Vũ Hải nhận định thì phiên tòa này là phần chủ động đã không thuộc về tòa án, mà thuộc về Trần Hoàng Phúc và các luật sư. Nguyên văn, ông viết trên facebook là "trong phiên toà phúc thẩm Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và Trần Hoàng Phúc tuyền truyền chống Nhà nước.., cùng với 10 đồng nghiệp khác, bị cáo Phúc và các bị cáo khác phản đối chủ toạ và đại diện Viện Kiểm sát, vì cho rằng phiên toà được tiến hành không đúng thủ tục tố tụng, cụ thể phiên toà vẫn tiến hành khi các giám định viên và một số điều tra viên được triệu tập nhưng không đến phiên toà. Bị cáo Phúc tuyên bố không trả lời kiểm sát viên và Hội đồng xét xử, giữ quyền "im lặng", chỉ trả lời luật sư". 

Tuấn Khanh : Với tư cách là một người mẹ, có đứa con đang rơi vào vòng lao lý. Nhiều tháng nay phải ngược xuôi Sài Gòn - Hà Nội để lo mọi thứ cho Phúc, chị có nghĩ rằng việc làm của Phúc là bồng bột, gây vạ cho gia đình ? Chị nghĩ sao về lý tưởng vào con đường đã chọn của Phúc ?

Huỳnh Thị Út : Phúc có lý tưởng của Phúc. Phúc có hoài bão của Phúc. Gia đình rất tôn trọng ý kiến, suy nghĩ của Phúc. Những việc của Phúc làm hôm nay, rõ ràng không hề vi phạm pháp luật, Những điều của Phúc làm chỉ giúp cho cộng đồng, cho xã hội, cho sự tiến bộ của nhân loại, cho nhân quyền và dân chủ. Chí vì vậy, gia đình không bao giờ phải đối những chuyện Phúc làm.

Việc bắt Phúc và xử trái pháp luật như vậy, gia đình không thể chấp nhận. Việc không chấp nhận sẽ không đơn thuần là một phản ứng, mà gia đình sẽ đồng hành cùng Phúc, quyết làm sáng tỏ vấn đề này, quyết đấu tranh cho Phúc đến cùng.

Tuấn Khanh thực hiện

Nguồn : RFA, 27/07/2018 

---------------------------

Trích ý kiến của luật sư Ngô Anh Tuấn, sau tòa phúc thẩm

Tôi hiểu cái khó của vị chủ toạ phiên toà này ;
Tôi hiểu giới hạn quyền xét xử của vị chủ toạ phiên toà này ;
Tôi hiểu và cảm thông với những điều khó nói của ông nhưng điều ấy không có nghĩa là ông có quyền trút mọi gánh nặng lên vai người khác và tước đoạt hết các quyền của họ, trong đó có quyền được nói. Hành vi của ông thẩm phán, chủ toạ phiên toà này là sự thể hiện của sự yếu kém về năng lực, hiểu biết pháp luật cũng như vi phạm tư cách, đạo đức của một người thẩm phán chân chính.

---------------------------

Trích ý kiến của luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, sau tòa phúc phẩm

Để phán đối việc thân chủ của tôi là bị cáo Trần Hoàng Phúc bị chủ tọa phiên tòa tước đoạt quyền tự bào chữa một cách thiếu căn cứ và không chính đáng.

Tôi quyết định từ bỏ quyền bào chữa của mình để tỏ thái độ, qua đó ủng hộ và bảo vệ bị cáo Trần Hoàng Phúc.

Tôi chỉ muốn nói rằng : Chính quyền Batixta tại Cuba vào thập niên 50 của thế kỷ trước bị xem là độc tài, quân phiệt nhưng đã để cho Fidel Castro phát biểu tự bào chữa liên tục và kéo dài 4 tiếng đồng hồ trong vụ án hoạt động lật đổ chính quyền vào năm 1959 mà mọi người biết đến nội dung qua tác phẩm “Lịch sử sẽ xóa án cho tôi” do Nhà xuất bản Công an nhân dân xuất bản.

Quay lại trang chủ
Read 927 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)