Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

12/09/2018

Tuyệt thực có ý nghĩa gì trong thế giới hiện đại ?

Tuấn Khanh

Có bao giờ bạn tự hỏi, người ta biểu thị sự phản kháng bằng tuyệt thực để làm gì, và vì sao lại có chuyện tuyệt thực ?

tuyetthuc1

Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực để đòi Nhà nước thượng tôn công lý và pháp luật - Ảnh minh họa

Tuyệt thực đã có trong lịch sử của loài người từ rất lâu, thậm chí hình thức này đã nằm trong ghi chép của luật pháp Ireland cổ xưa. Nếu ai đó nhận ra điều sai trái của bạn và tự mình nhịn đói đến chết trước cửa nhà bạn, đó là một món nợ danh dự và công lý mà suốt cuộc đời mà bạn phải gánh.

Trong đời sống hiện đại, Mahatma M. Gandhi (1869-1948), người tiên phong của phong trào sự bất tuân dân sự, đã phát động nhiều cuộc tuyệt thực và ăn chay để phản đối sự cai trị hà khắc của người Anh tại Ấn Độ. Con đường bất bạo động của ông tạo ra một giá trị khác của việc biểu tình : Những người tuyên bố tuyệt thực hay tham gia tuyệt thực không mang ý nghĩa của "chống lại", mà họ hành động dựa trên sức mạnh tinh thần để đòi hỏi việc đạt được một giá trị phổ quát mang tính đại chúng.

Tuyệt thực trong việc phản kháng, bất tuân dân sự thường bị các chế độ độc tài hay cộng sản bóp méo là một hình thái như "nằm vạ", nhưng thực chất các cuộc "nằm vạ" đó cao quý ở chỗ là các yêu cầu của người tuyệt thực thường nhắm đến một quyền lợi chung của cộng đồng, hay công bằng xã hội. Tuyệt thực được giáo sư Sharman Apt Russell, tác giả của Hunger : An Unnatural History (tạm dịch Nhịn đói : Một lịch sử bất thường) dẫn ra với những ví dụ đáng kính trọng, và thành quả của nó đã thúc đẩy nền văn minh và nhân ái của con người.

Một trong những người tuyệt thực đầu tiên được ghi vào sử sách đầu thế kỷ 20, là trường hợp của bà Marion Wallace-Dunlop (1864-1942). Là người đấu tranh cho nữ quyền và yêu cầu cho phái nữ phải được quyền bỏ phiếu bầu như nam giới, bị bắt giam, bà đã từ chối các bữa ăn. Khi bác sĩ trong trại giam đến yêu cầu bà dùng đến các phần ăn, bà đã tuyên bố " Ăn, là một quyền tự quyết của tôi". Bà đã được trả tự do khỏi nhà tù Holloway sau 91 giờ tuyệt thực.

Nhưng cũng có chính quyền bất chấp cái chết của công dân mình. Chẳng hạn như trường hợp Bobby Sands (1954-1981), người đấu tranh cho việc cải thiện chế độ lao tù ở Bắc Ireland vào năm 1981. Đó là vết nhơ khó tả của chính quyền bấy giờ và bị ghi vào sử sách nhân loại như một hệ thống khủng bố con người. Trong mắt thế giới, loại chính quyền để cho công dân của mình tuyệt thực đến chết vì quan điểm khác biệt, là loại vô liêm sỉ.

Việc phản kháng bất bạo động là hình thức phổ biến và được rất nhiều người thực hiện, bao gồm những người không phải là chính trị gia. Mia Farrow – nữ diễn viên điện ảnh cũng đã áp dụng cách tuyệt thực để phản đối cuộc xung đột ở Darfur trong năm 2009. Chính quyền Khartoum (Sudan) đã dùng quân đội và công an để trấn áp và khuất phục dân chúng tại Darfur rằng chỉ có họ mới có quyền duy nhất lãnh đạo đất nước.

"Tuyệt thực trở thành một hình thái văn hóa được tổ chức để kiếm tìm công lý trong thế kỷ 20" ("It has become an established cultural form of seeking justice in the 20th Century), nữ giáo sư Sharman Apt Russell đã khẳng định như vậy, trong sách của mình.

Tuy nhiên bà Russell cũng cảnh báo rằng, sức mạnh của vấn đề tranh đấu bằng tuyệt thực là được sự quan tâm liên tục của công chúng. Sức mạnh của việc tuyệt thực sẽ yếu dần nếu công chúng bị chính quyền tổ chức đánh lãng qua các sự kiện khác như giải trí, các vụ bê bối dàn dựng… Công lý và tính mạng của người tranh đấu phụ thuộc và sức quan tâm và chia sẻ lan rộng của cộng đồng. Thế kỷ 21, cộng đồng mạng là một sức mạnh vô lượng trong việc hậu thuẫn và giải cứu những người chọn đấu tranh bằng tuyệt thực.

Tuyệt thực không phải là hình thức hay nhất trong các loại tranh đấu, tuy nhiên vì hiệu quả của nó, nên tuyệt thực đã được sử dụng bởi cả hai phong trào bạo động và bất bạo động. Ý nghĩa phát đi khắp nơi cho thấy một hình ảnh quan trọng rằng ước muốn ôn hòa và chính nghĩa của người tranh đấu, đại diện cho sự tuyệt vọng và bất tín của nhân dân đối với nhà cầm quyền.

Nhà nghiên cứu xã hội học Michael Biggs từ đại học Oxford ghi nhận rằng thường thì các chính quyền đối diện với các trường hợp tuyệt thực, sẽ không sớm có các hành động nhượng bộ nhằm thách thức sức mạnh tinh thần và chịu đựng của các nhà tranh đấu. Nhưng càng kéo dài, chính quyền càng nhận được số lượng dân chúng căm ghét dành cho họ ngày càng lớn hơn. "Tính bất tuân dân sự và bất hợp tác của người dân dành cho chính quyền ngày càng lớn, đó là khởi đầu cho những hỗn loạn và sụp đổ của một chế độ coi thường mạng sống và tiếng nói của người dân", Michael Biggs viết.

Trở lại với trường hợp đau lòng của nghị sĩ Bobby Sands, khi ông mất vì suy kiệt từ cuộc tuyệt thực cho việc đòi cải thiện chế độ lao tù, đám tang của ông tại Belfast đã có đến 100.000 tham dự, mở đầu cho tiền đề của một cuộc đổi thay. Trong thời hiện đại, việc đưa đám tang của một người tuyệt thực đến chết vì công lý và cộng đồng, hoặc chỉ tưởng niệm tại nhà, đó là những cam kết dứt khoát về việc không còn chấp nhận chế độ đương nhiệm.

Hầu hết những người đấu tranh bằng tuyệt thực muốn sử dụng mạng sống của mình như một cam kết sẵn sàng trả giá cho đổi thay. Tuyệt thực không có nghĩa là người tranh đấu muốn kết cục là cái chết, nhưng họ sẵn sàng chấp nhận cái chết, như một cột mốc để chính quyền xét lại tự cách cầm quyền của mình, trước sự giám sát và phẫn nộ của nhân dân.

Việc tuyệt thực trong lao tù cũng vẫn hay xảy ra. Vì bởi trong trại giam, khó có hình thức nào biểu tình được, ngoài tuyệt thực. Trong tù, chính phủ chính xác là nơi phải chịu trách nhiệm cho cuộc sống của tù nhân, nếu tù nhân chết, lời kết án sẽ nhắm vào chính phủ từ người dân cũng như các quốc gia khác đang có thông tin theo dõi về tình trạng trên.

Thế kỷ 21, đám đông dân chúng có thể gửi thỉnh nguyện thư cho tòa án quốc tế để xét xử quan chức/chính quyền chịu trách nhiệm về thảm trạng. Trường hợp của Giang Trạch Dân bị tòa án Tây Ban Nha truy nã về việc thảm sát con người (2013) do đơn tố cáo từ một người Tây tạng tên là Thubten Wangchen, là một ví dụ. Theo cáo quyết, tất cả những quốc gia liên đới ngoại giao và chính sách nhân quyền với Tây Ban Nha đều có nghĩa vụ truy nã và bắt giữ Giang Trạch Dân, bất chấp việc ông ta nguyên là Chủ tịch Trung Quốc.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 12/09/2018 (tuankhanh's blog)

------------

Phụ lục

Một người tuyệt thực có thể kéo dài mạng sống đến bao lâu ?

Nếu được uống nước, một người tuyệt thực dẻo dai có thể sống đến 60 ngày, tuy nhiên, với thể trang yếu và mang bệnh, bất kỳ ai cũng có thể chết trong vòng 8 đến 10 ngày. Một trong lý do có thể giúp kéo dài sức chịu đựng, khi glucose – lượng đường trong cơ thể cạn kiệt – thường là từ 3-5 ngày. Cơ thể sẽ chuyển qua việc dùng chất béo có sẵn trong cơ thể để làm năng lượng sinh tồn. Nhưng như vậy đồng nghĩa với việc chất béo xuất hiện trong máu vượt mức, sẽ trở thành nguy hiểm. Tim, gan và thận sẽ là những bộ phận bị tổn thương nhanh trong giai đoạn này.

Theo lời khuyên của các bác sĩ, những người tuyệt thực nên uống nhiều nước, uống vitamin, đường và muối… sẽ có thể kéo dài mạng sống của mình thêm đôi chút. Trong trường hợp của ông Trần Huỳnh Duy Thức ở trại giam Nghệ An hiện nay, được biết ông chỉ uống nước và từ chối mọi thành phần bổ sung.

*******************

Tù chính trị phải dùng tính mạng để đòi chính quyền tôn trọng luật (RFA, 12/09/2018)

Trong chốn lao tù, nhiều tù nhân lương tâm đã phải dùng đến cách tuyệt thực để đòi hỏi quyền lợi của mình.

tuyetthuc2

Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức - RFA 

Phương cách duy nhất đòi công lý trong tù

Nhắc đến các vụ tuyệt thực trong tù, không thể không kể đến cựu tù nhân lương tâm – blogger Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, người đã hai lần nhịn ăn cả tháng để phản đối cách hành xử của trại giam.

Blogger Điếu Cày chia sẻ với chúng tôi :

Thực tế tôi tuyệt thực 2 lần, lần thứ nhất là 28 ngày ở trại giam B34, nhưng thời gian đó không đưa được thông tin ra ngoài. Tuyệt thực tới mức họ phải đưa đi cấp cứu ở bệnh viện 30/4.

Lần thứ hai là ở trại giam số 6 Nghệ An, với lý do họ biệt giam tôi 3 tháng vô cớ, tôi không vi phạm nội quy gì của trại cả. Tôi cũng viết đơn gửi cho Viện Kiểm sát Nghệ An, nhưng phải tuyệt thực đến 33 ngày họ mới vào giải quyết.

Blogger Điếu Cày cho biết khi đó gia đình ông bị cấm thăm gặp nên không có cách gì để ông báo tin cho họ. Chỉ khi gia đình nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa vào thăm, ông Nghĩa đưa tin thì lúc đó gia đình blogger Điếu Cày và truyền thông mới được biết. Sau khi truyền thông đưa tin, ông Hải vẫn phải tuyệt thực thêm gần 10 ngày nữa thì cơ quan chức năng mới vào giải quyết các yêu cầu của ông.

Blogger Điếu Cày bị kêu án ba mươi tháng tù ngày 19 Tháng Tư 2008 vì tội trốn thuế. Đến ngày 19 tháng Tám 2010, tức bốn mươi tháng sau ông vẫn chưa được trả tự do. Ngày 20 tháng Mười 2010, công an thông báo tạm giữ ông Điếu Cày lại để điều tra tội tuyên truyền chống phá nhà nước, vi phạm điều 88 Bộ Luật Hình Sự. Đến tháng 10 năm 2014, ông được chính quyền VN phóng thích, đưa thẳng ra phi trường và buộc phải rời khỏi Việt Nam. Hiện ông đang lưu vong tại Mỹ.

Ông kể lại tình trạng sức khỏe khoảng thời gian tuyệt thực :

Thực ra những người tuyệt thực chỉ cảm thấy đói trong khoảng thời gian 1 tuần đến 10 ngày đầu thôi. Còn từ đó về sau không thấy đói nữa nhưng khi đó đã có một số tổn thương trong cơ thể rồi thì mùi thức ăn cũng gây khó chịu cho người ta.

Khi tôi tuyệt thực ở B34, lúc đó tôi tiếp nhận nước cũng khó khăn vì thận bị sưng. Lúc cấp cứu tôi mới biết. Uống nước vào cũng ói ra.

Một trường hợp tuyệt thực khác mới xảy ra gần đây và được nhiều người biết đến là blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.

Bà Nguyễn Thị Tuyết Lan, mẹ của blogger Mẹ Nấm cho biết :

Trong tháng 7, Quỳnh tuyệt thực 16 ngày để phản đối cách đối xử của trại giam. Quỳnh bị chửi bới, lăng nhục, vu khống, dọa đánh, dọa giết. Tới ngày thứ 16, người ở Tòa lãnh sự Mỹ tới khuyên thì Quỳnh ngưng tuyệt thực.

Ngày 2/8 tôi vào thăm con thì Quỳnh sút 4 ký, da xanh mướt nhưng lại sạm đen lại. Nhìn con như vậy chỉ biết nói là lòng đau như cắt. Đó là những gì khủng khiếp nhất đối với tôi.

Mẹ Nấm được đánh giá là một trong những blogger hoạt động tích cực nhất đấu tranh cho tự do, nhân quyền và môi trường trong sạch ở Việt Nam. Cô là người lên tiếng mạnh mẽ phản đối nhà máy Formosa gây thảm họa môi trường biển miền Trung Việt Nam. Hiện cô đang thụ án 10 năm tù giam với cáo buộc tuyên truyền chống Nhà nước theo điều 88 Bộ luật hình sự.

Còn nhiều trường hợp tuyệt thực khác để phản đối tình trạng của nhà tù và những ngược đãi tù nhân phải gánh chịu, như luật sư Cù Huy Hà Vũ, từng 2 lần tuyệt thực trong đó có lần đến 25 ngày. Hay 4 thanh niên yêu nước Hồ Văn Oanh, Trần Hữu Đức, Trần Minh Nhật, và Chu Mạnh Sơn... Và cả các nữ tù chính trị như Tạ Phong Tần, Cấn Thị Thêu, Bùi Thị Minh Hằng,…

tuyetthuc3

Cựu tù nhân chính trị, blogger Điếu Cày Nguyễn Văn Hải (bìa trái) ngày 1 tháng 5 năm 2015 theo giờ miền đông Hoa Kỳ, có cuộc hội luận với tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama (giữa) cùng với các nhà báo nước ngoài khác từng bị bắt bớ. AFP

Tuyệt thực đòi thượng tôn pháp luật

Dư luận và giới đấu tranh dân chủ đang quan tâm đến trường hợp tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức đã tuyệt thực sang ngày thứ 30, tính đến ngày 12/9. Ông Thức hiện đang thụ án 16 năm tù với cáo buộc "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền" theo điều 79 Bộ Luật Hình sự năm 1999, tại Trại 6, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Trên trang Facebook cá nhân, Luật sư Lê Quốc Quân, người cũng từng tuyệt thực trong tù, chia sẻ :

"Là người đã tuyệt thực đến 21 ngày, tôi hiểu được sức chịu đựng của con người là có giới hạn. Khi tuyệt thực sâu, tiêu hết mỡ thì cơ thể sẽ lấy protein trong não để sống, do vậy ít nhiều dẫn đến việc não bị tổn thương. Một mặt tôi khuyên anh Thức dừng tuyệt thực vì anh phải sống, phải thoát khỏi lao tù mạnh khoẻ. Mặt khác tôi kêu gọi sự quan tâm của đồng bào trong và ngoài nước, của các cơ quan ngoại giao quốc tế, gây sức ép lên chính phủ để đưa anh Thức ra khỏi tù đày".

Gia đình ông Thức cho biết ông tuyệt thực để yêu cầu chính quyền Việt Nam phải thượng tôn pháp luật và trả tự do vô điều kiện cho ông theo luật pháp Việt Nam, và làm án lệ trả tự do cho các tù nhân chính trị khác.

Ngày 9 tháng 9 vừa qua, gia đình ông đã gửi thư khẩn tới lãnh đạo Nhà nước Việt Nam, Chính phủ, các cơ quan ngoại giao, yêu cầu cho gia đình ông được biết tin về tình trạng sức khỏe của ông và cá cơ quan chấp pháp phải xem xét ngay các yêu cầu của ông Thức và có câu trả lời dựa trên quy định của pháp luật.

Trên mạng xã hội, giới hoạt động đang thực hiện chiến dịch kêu gọi đồng hành tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức và thắp nến cầu nguyện cho sức khỏe của ông. Nhà hoạt động Trần Bang ở Sài Gòn, người đang hưởng ứng tuyệt thực cùng Trần Huỳnh Duy Thức, cho biết :

Có rất nhiều nhóm, mỗi nhóm làm một cách khác nhau ví dụ như tiếp sức thay nhau tuyệt thực và mong gửi tơi ông Trần Huỳnh Duy Thức thông điệp rằng chúng tôi tuyệt thực thay ông, ông nghỉ đi nhưng mục tiêu đấu tranh của ông bọn tôi vẫn giữ đó là yêu cầu trả tự do vô điều kiện cho ông. Thứ hai, là yêu cầu Nhà nước thượng tôn pháp luật và thứ ba là đạt mong muốn của ông ấy là làm án lệ trả tự do cho các tù nhân lương tâm khác.

Mẹ của blogger Mẹ Nấm bà Nguyễn Thị Tuyết Lan cũng cho biết suy nghĩ :

Trong thời gian Quỳnh tuyệt thực tôi cũng làm đơn gởi nhưng không được trả lời. Thực ra mọi chuyện không nằm trong ý muốn của mình, chỉ kêu gọi sự nhân từ của họ khi đối xử với anh Thức cũng như một con người có sự đồng cảm nào đó giữa người với người. Tôi rất thương bác Huỳnh (bố của ông Thức), thương vợ con anh Thức nữa vì tôi cũng ở trong cảnh ngộ đó mà.

Còn blogger Điếu Cày chia sẻ rằng khi người tù bị o ép, đàn áp như vậy thì họ không còn một phương tiện nào khác là đem chính mạng sống của mình ra đấu tranh. Việc đấu tranh như vậy cũng để khẳng định với nhà tù quyết tâm của họ, không thể bị khuất phục bởi những thủ đoạn bẩn thỉu

Nguồn : RFA tiếng Việt, 12/09/2018

Quay lại trang chủ
Read 635 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)