Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

13/09/2018

Việt Nam : Thể chế nào cho giáo dục ?

Phạm Quý Thọ

Cải cách giáo dục Việt Nam lại đang trở thành chủ đề nóng ở nhiều khía cạnh và cấp độ.

theche1

Giáo dục và đào tạo được nhà nước Việt Nam xếp là quốc sách hàng đầu

Khởi đầu từ sách Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục do Giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Có hai hướng mà truyền thông đang tập trung : một là tính khoa học và thực tế của 'công nghệ giáo dục' trong sách Tiếng Việt 1. Ý kiến ủng hộ nói cần có thay đổi so với 'truyền thống', 'trẻ con bây giờ cần được dạy khác', 'cha mẹ đừng áp đặt'… nhất là trong cách phát âm dựa vào 'âm tiết hay hình'.

Ngược lại, ý kiến phản đối cho rằng con em họ không phải là 'chuột bạch' để mang ra thử nghiệm, cần phải có đánh giá khách quan, công khai về 'công nghệ giáo dục' này.

Xa hơn, công luận phản ứng mạnh mẽ với cách mô tả bằng con số 'một số 7 và mười ba số 0' về kinh phí đề án cải cách giáo dục. Họ nói về các nhóm lợi ích, sự lãng phí tiền của xã hội, phải có người chịu trách nhiệm về hậu quả…

'Phun trào như núi lửa'

Khủng hoảng giáo dục được nhắc đến từ lâu, trong nhiều cuộc thảo luận, chính thức và không chính thức, 'lề phải' cũng như 'lề trái'. Những 'sự cố' như trên là những cơ hội để mổ xẻ, nhìn nhận đúng sai, phải trái, nguyên nhân, hậu quả… Cuộc khủng hoảng này vẫn đang diễn ra. Các biểu hiện của nó khi thì 'ngủ' khi 'phun trào' như núi lửa vậy.

Các ý kiến tranh luận đã đa chiều hơn và phân tích sâu hơn về thể chế trong cải cách giáo dục.

Truyền thông nhà nước có vẻ 'bớt định hướng' hơn cho chủ đề này, bởi vậy, các phản ánh sẽ làm rõ hơn câu trả lời : thể chế nào cho giáo dục trong quá trình cải cách ?

Có hai bài đáng chú ý liên quan trên trang GD.NET ngày 12/9/2018. Bài thứ nhất có tên : 'Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn thất kinh với Tổng chủ biên lý giải thay sách giáo khoa'.

Từ góc độ người làm khoa học, Giáo sư Nguyễn Xuân Hãn sau khi đã liệt kê lại các nghị quyết của Đảng có liên quan cải cách giáo dục từ Nghị quyết số 14-NQ/TW của Bộ chính trị ra ngày 11/1/1979 đến Nghị quyết 29-NQ/TW tại Hội nghị Trung ương 8 khóa XI, ngày 1/11/2013, ông đặt câu hỏi vì sao trong suốt 40 năm đó vẫn chưa có được sách giáo khoa chuẩn.

Ông lý giải nguyên nhân và cho rằng 'tư duy đổi mới trong làm sách hiện nay đi theo hướng ngược lại 180 độ với tiền nhân'. Ông muốn có một 'chuẩn kiến thức' theo hệ thống tri thức của nhân loại, bao gồm 'Kiến thức cơ bản - các quy luật của tự nhiên và xã hội, tinh hoa nhất của loài người, ít thay đổi', và 'Kiến thức ứng dụng các kiến thức cơ bản vào cuộc sống, luôn luôn đa dạng và biến động'.

Có thể đồng tình với quan điểm này về đại thể. Tuy nhiên, với cách hiểu khác nhau về 'quy luật xã hội', đặc biệt là sự diễn giải nó, thậm chí duy ý chí, cho phù hợp với chế độ xã hội cụ thể tạo nên những rào cản cho việc thay đổi thể chế nói chung và thể chế giáo dục nói riêng

Bài thứ hai là 'Chủ tịch Quốc hội : Thực nghiệm gì mà mấy chục năm, học sinh khổ quá'. Bài báo tường thuật khái quát phiên họp thứ 27 ngày 12/9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục cho ý kiến về dự án Luật Giáo dục sửa đổi. Các ý kiến cho thấy Luật Giáo dục còn nhiều điều cần sửa, nhiều vấn đề tồn đọng từ lâu như nội dung kiến thức 'hàn lâm', áp đặt, thiếu tự nhiên không phù hợp với trẻ, chương trình học quá tải, nội dung sách giáo khoa hay thay đổi và độc quyền phát hành gây lãng phí tiền của xã hội…

Các thành viên của Uỷ ban đã tỏ thái độ không đồng tình với vấn đề 'thí điểm' chương trình, sách giáo khoa. Chủ tịch Quốc hội đã nhận xét bức xúc như tựa đề của bài báo.

Chính phủ và ý thức hệ

Tại sao 'Thí điểm, thực nghiệm' mặc dù 'còn thiếu khuôn khổ pháp lý', nhưng vẫn diễn ra trong thời gian dài và trên diện rộng ? Ông Phó thủ tướng giải trình rằng 'Chính phủ không có chủ trương cải cách tiếng Việt'.

Trong điều kiện còn không ít chính sách giáo dục xa rời thực tế và việc thực thi không được công khai minh bạch, thiếu trách nhiệm giải trình và quyền lực không được kiểm soát, bộ máy và cán bộ tha hoá phẩm chất, lối sống… Thường trực Ủy ban đề xuất bổ sung quy định Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ trước khi quyết định thí điểm chính sách mới trong giáo dục… Liệu Quốc hội có giám sát được Chính phủ ?

Báo chí phản ánh thực chất và mạnh mẽ hơn những bức xúc và nêu sự cần thiết phải thay đổi thể chế, cơ chế giáo dục, đặc biệt khai thác chủ đề về nhóm lợi ích, tăng phản biện đối với hoạch định và thực thi chính sách, tạo dư luận ủng hộ đổi mới kể cả một số vấn đề được coi là 'nhạy cảm'.

Thể chế giáo dục là một bộ phận cấu thành của thể chế quốc gia. Cải cách giáo dục bao gồm cải cách thể chế giáo dục, trong đó Luật giáo dục phải được xây dựng và hoàn thiện đồng thời với sự thay đổi bộ máy, nhân sự quản lý giáo dục.

Hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã sụp đổ cùng với những chuẩn mực duy ý chí, đặc biệt về tự do và dân chủ, sao cho khác biệt với các giá trị phổ quát được hình thành trong quá trình phát triển thị trường - nền tảng kinh tế của xã hội tư bản.

Tuy nhiên ở Việt Nam, ý thức hệ giáo điều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường vẫn gây nên sự ngộ nhận chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cải cách khiến cho mục đích giáo dục hướng đến xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa, thiếu tính thực tế, sai với lẽ tự nhiên, sẽ cản trở cải cách thể chế giáo dục.

Giáo dục là lĩnh vực gắn với sự hình thành và phát triển năng lực và phẩm giá con người thông qua việc cung cấp kiến thức và kỹ năng cần thiết cho cuộc sống.

Thực tế đang đòi hỏi cải cách giáo dục loại bỏ 'căn bệnh' duy ý chí, ý thức hệ giáo điều, xây dựng hệ giá trị bền vững cho con người tuân theo các quy luật phát triển tự nhiên. Các yêu cầu này cấp thiết để thay đổi thể chế giáo dục hiện nay ở Việt Nam để đảm bảo tính khả thi cho các chính sách giáo dục đúng đắn, phù hợp với thực tế, vì sự phát triển con người.

Phạm Quý Thọ

Nguồn : BBC, 13/09/2018

Tác giả Phạm Quý Thọ là chuyên gia về chính sách công, nguyên Chủ nhiệm Khoa Chính sách công, Học viện Chính sách và phát triển, thuộc Bộ Kế hoạch và đầu tư Việt Nam.

Quay lại trang chủ
Read 544 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)