Thiền Lâm, CaliToday, 17/07/2018
Tuổi Trẻ Onlile bị đình bản 3 tháng vì ‘gây mất đoàn kết dân tộc’ hay do cổ súy luật Biểu tình ?
Ảnh : VienDongDaily.com
Trong cách nhìn riêng của Cục Báo chí thuộc Bộ Thông tin và truyền thông, Tuổi Trẻ Online đã “có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết có tựa ‘Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu tình’ trên báo vào ngày 19/6/2018, và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?’ ngày 26/5/2017”.
Nhưng về nội dung, bài viết ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?’ trên Tuổi Trẻ Online lại hoàn toàn không có bất kỳ chi tiết nào mà có thể bị quy chụp lại ‘gây mất đoàn kết dân tộc’.
Trong khi quyết định kỷ luật Tuổi Trẻ Online do Cục trưởng Cục Báo chí Lưu Đình Phúc ký không nêu dẫn chứng cụ thể về tại sao ‘gây mất đoàn kết dân tộc’, một facebooker là Lê Nguyễn Hương Trà đã cho biết có một nội dung trong phần bình luận của bạn đọc trên Tuổi Trẻ dưới bài “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” bị đánh giá là chống phá chính quyền, đã được chụp lại với nội dung ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !”.
Trong những năm gần đây, đặc biệt từ lúc viên thủ tướng muốn ‘trở về làm người tử tế’ là Nguyễn Tấn Dũng thốt lên câu ‘không thể cấm được facebook đâu các đồng chí à !’ trong khung cảnh ‘toàn đảng, toàn quân và toàn dân lập thành tích chào mừng đại hội 12’ vào gần cuối năm 2015, hiện tượng nhiều phản hồi bày tỏ bức xúc, phẫn uất và công khai chỉ trích nhiều chính sách của ‘đảng và nhà nước ta’ đã thể hiện ngay trên một số tờ báo nhà nước, nhưng chủ yếu chỉ bị Ban Tuyên giáo trung ương và Bộ Thông tin và truyền thông ‘nhắc nhở’ chứ những tờ báo này ít khi bị kỷ luật hay phạt tiền.
Phản hồi ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !” xem ra vẫn còn quá ‘hiền’ so với nhiều phản hồi ‘chửi đảng’ và ‘chống chính quyền’ trên một số tờ báo nhà nước trong thời gian qua. Do vậy, khó có thể xem phản hồi ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !” là nguyên nhân chính yếu dẫn đến việc Tuổi Trẻ Online bị đình bản, mà chỉ có thể xem phản hồi này là cái cớ để Bộ Thông tin và truyền thông bổ sung vào ‘chuyên án Tuổi Trẻ Online’ để có tính thuyết phục hơn về tính sai phạm khi thi hành kỷ luật tờ báo này.
Một khi ‘Bắc kỳ cai trị Nam Kỳ mà !” không phải là nguyên nhân chính thì nguồn cơn thâm sâu nhất khiến Tuổi Trẻ Online bị đình bản chính là bản tin đăng về Trần Đại Quang ‘cần luật Biểu tình’. Tức đây là một vụ kỷ luật đậm đặc yếu tố chính trị như vụ Petrotimes của Nguyễn Như Phong hai năm về trước.
Ngày 19/6/2018, bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” với nội dung ban đầu là “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có luật Biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này” – đăng trên báo Tuổi Trẻ – đã bị biến dạng chỉ vài tiếng đồng hồ sau khi lên trang. Nội dung bài đã được sửa lại và không còn bất kỳ phát ngôn nào của Trần Đại Quang liên quan luật Biểu tình, mà chỉ còn thấy ông Quang ‘chuyên chính vô sản’ về những vụ việc nghiêm trọng xảy ra tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là “do các đối tượng chống đối, kích động, lôi kéo”.
Tuổi Trẻ Online đã phạm vào một trong những điều húy kỵ nhất của chính thể độc đảng khi tờ báo này bày tỏ tinh thần cổ súy cho luật Biểu tình, lồng trong bối cảnh đại đa số dân chúng đã quá chán ghét chính quyền và chỉ chờ cơ hội thuận lợi là lao chân xuống đường.
Quyết định đình bản 3 tháng đối với một trong những tờ báo lớn nhất ở Việt Nam là Tuổi Trẻ Online, khó có thể hiểu khác hơn, chính là nhắm đến mục đích ‘Việt Nam luôn bảo đảm tự do báo chí’ và ngăn chặn làn sóng biểu tình mà không để tạo tiền đề cho ‘Mùa xuân Ả rập’ ở Việt Nam.
Nhưng với người dân Việt, việc có hay không luật Biểu tình không còn quá quan trọng. Từ năm 2011 và đặc biệt từ năm 2014 đến nay, người dân Việt Nam đã tự động xuống đường mà bất cần một khung luật nào cho phép. Trong cơn phẫn nộ và bế tắc tận cùng, trong nỗi thất vọng vượt quá giới hạn trước một chế độ đặc trưng quá tham nhũng, độc đoán và khiến phát sinh đủ thứ hậu quả xã hội trầm kha, ngày càng có thêm nhiều người dân vượt qua nỗi sợ của mình để bước ra đường, mở miệng và thét to những gì họ muốn.
Vào tháng Mười năm 2018, cuộc tổng biểu tình ở Việt Nam đã có nhân số gấp 10 lần cuộc biểu tình chống giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc vào năm 2014, khi lên đến hàng trăm ngàn người và bùng nổ tại trên 50% tỉnh thành trong quốc gia.
Sau cuộc biểu tình ngày Mười tháng Sáu, có nhiều biểu hiện cho thấy Bộ Chính trị đảng và ông Trọng có thể đã bị rúng động, hoảng hốt và lo sợ về kịch bản ‘Mùa xuân Ả rập’ có thể diễn biến ngay tại Việt Nam, do đó đã có những động tác chỉ đạo sắt đá hiếm có nhằm cứu vãn tình thế trị.
Thiền Lâm
Nguồn CaliToday, 17/07/2018
Đình bản Tuổi Trẻ vì ai : Chủ tịch nước hay độc giả ?
Nguyễn Hùng, VOA, 17/07/2018
Trang mạng của Tuổi Trẻ hôm 16/7 nói lờitạm biệt độc giả trong ba tháng sau khi bị Cục trưởng Báo chí Lưu Đình Phúc ký quyết định xử phạt vì một bài viết được cho là sai sự thật và một bài đăng bình luận “gây mất đoàn kết dân tộc”.
RSF xếp hạng Việt Nam thứ 175 trong số 180 quốc gia về tự do báo chí năm 2018. (Ảnh : RSF.org)
Trong cùng ngày Tuổi Trẻ cũng đăng đính chính với nội dung như sau :
“Báo Tuổi Trẻ Online ngày 19/06/2018 đăng bài viết "Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình".
“Trong bài viết này,Tuổi Trẻ Online có đăng : "Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị của cử tri cần có Luật biểu tình và hứa báo cáo Quốc hội về nội dung này".
“Trên thực tế, khi tiếp xúc với cử tri tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 19/06/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang không phát biểu nội dung trên.
“Và trong bài viết trênTuổi Trẻ Online ngày 26/05/2017, Tuổi Trẻ Online đã đăng bài "Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?".
“Do trục trặc kỹ thuật trong quá trình chuyển đổi hệ thống, báo đã để xuất hiện comment (bình luận của bạn đọc) có nội dung không phù hợp với chủ trương biên tập củaTuổi Trẻ.
“Báo Tuổi Trẻ Online đã xóa bỏ comment trên.
“Báo Tuổi Trẻ Online xin chân thành cáo lỗi Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh và toàn thể bạn đọc.”
Điều đầu tiên có thể thấy là một trong hai bài bị xử phạt đã đượcđăng trên mạng từ hơn một năm trước nhưng nay mới bị lôi ra xử. Thậm chí hình phạt cho việc đăng bình luận của bạn đọc trong bàiSao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây bị phạt tiền tới 170 triệu đồng so với 50 triệu đồng tiền phạt đối với bài về phát biểu của Chủ tịch Trần Đại Quang.
Và cũng chính bình luận của độc giả đã khiến trang mạng của Tuổi Trẻ bị đình bản ba tháng chứ không phải tin ông chủ tịch nước nói về biểu tình mà Tuổi Trẻ nhận đã tự sáng tác ra.
Nhưng liệu có phải vậy không ? Có đúng chỉ vì một độc giả mà báo bị phạt hơn gấp ba số tiền phạt cho điều có thể nói là bịa ra phát biểu của chủ tịch nước ? Hơn thế nữa, thông tin được cho là bịa đặt không khiến báo mạng của Tuổi Trẻ bị đình bản mà đăng chính xác bình luận của người đọc lại khiến Tuổi Trẻ chết lâm sàng trên mạng.
Có thể đúng như vậy và cũng có thể không. Tôi từng phụ trách duyệt các bình luận của độc giả BBC để đưa vào cuối các bài viết liên quan và biết chắc công an Việt Nam ghét cay ghét đắng nhiều bình luận được đăng. Chắc hẳn họ đã vô cùng vui vì mấy năm gần đây BBC không còn mở phần bình luận cho độc giả ở cuối một số bài như trước khi mà có những bài thu hút một số lượng bình luận vô cùng nhiều.
Các quan chức Việt Nam nói chung chỉ thích bình luận khi các bình luận đó có lợi cho họ. Bằng không họ sẽ tìm đủ mọi lý do vô cùng mơ hồ để kết tội những người bình luận và cả những người đăng tải. Lý do có thể là “tuyên truyền chống Nhà nước Xã hội chủ nghĩa” hay “gây mất đoàn kết dân tộc” như trong trường hợp của Tuổi Trẻ.
Nhưng cũng có thể bình luận của độc giả chỉ là cái cớ. Sự việc xảy ra đã hơn một năm và “gây mất đoàn kết dân tộc” không phải là điều hay được nhắc tới. Cục Báo chí cũng không nói bình luận của độc giả đúng hay sai. Nếu độc giả bình luận chính xác, Cục Báo chí có thể vi phạm Luật Báo chí vốn có hiệu lực từ ngày 1/1/2017 mà theo đó cáccông dân có quyền “phản hồi thông tin trên báo chí”. Cục Báo chí cũng nói Tuổi Trẻ “có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính” đối với quyết định xử phạt. Nhưng báo đã chấp nhận bị đình bản thay vì khiếu nại hay khởi kiện, ít nhất về việc đăng bình luận của độc giả. Điều này cũng phần nào cho thấy những người làm báo ở Việt Nam muốn có sự tự do to như manh chiếu nhưng chính quyền chỉ cho độ bằng cái chén haytệ hơn nhiều.
Lúc 21g30 ngày 16/7/2018, trên tờ Tuổi Trẻ Online đăng thông báo sẽ dừng hoạt động trong vòng 3 tháng. Theo báo Tuổi Trẻ cho biết, việc bị đình bản là do phải thực hiện quyết định xử phạt hành chính do Cục báo chí, Bộ thông tin truyền thông đưa ra. Thông tin này đã khiến cho độc giả và dư luận trong nước hết sức băn khoan, vì Tuổi Trẻ là một tờ báo lớn ở quốc nội.
Báo Tuổi Trẻ tạm biệt độc giả trong 3 tháng. Ảnh chụp màn hình
Quyết định xử phạt đã được ông Lưu Đình Phúc-Cục trưởng Báo chí, Bộ Thông tin-Truyền thông ký cùng ngày. Bên cạnh việc đình bản 3 tháng đối với báo online, tờ Tuổi Trẻ còn bị phạt 220 triệu đồng. Lý do mà phía Cục báo chí đưa ra là vì :
– Thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng trong bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” trong ngày 19/6/2018, khi ông Trần Đại Quang có biểu tiếp xúc với cử tri Sài Gòn.
– Thông tin tin gây mất đoàn kết dân trong trong phần bình luận (Comment) của bài viết “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây” đăng vào ngày 26/5/2017.
Từ những thông tin mà chúng tôi thu thập được, Cục Báo chí và Bộ Thông tin-Truyền thông ra quyết định xử phạt là làm theo chỉ thị từ Ban Tuyên giáo Trung ương. Việc báo Tuổi Trẻ bị xử phạt là điều mà nhiều người đã tiên liệu trước. Vì trước đó, 9/7, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn, Bộ Thông tin-Truyền thông đã tổ chức Hội nghị Sơ kết, trong đó có nhắc đến một số sai phạm mà báo chí mắc phải trong thời gian qua. Trong cuộc họp đó, Tuổi Trẻ là tờ báo được nhắc đến nhiều nhất vì đã mắc phải những “vi phạm rất nghiêm trọng” và đang cân nhắc đình bản 3 tháng cùng với việc nộp phạt hàng trăm triệu đồng.
Có tất thảy hơn 20 lỗi của báo Tuổi Trẻ do Ban tuyên giáo chỉ ra. Song, chủ yếu vẫn là 2 lỗi mà chúng tôi đã nêu trên. Đối với bài viết “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật biểu tình” ra ngày 19/6/2018, từ các đồng nghiệp cho chúng tôi biết rằng, trong lần tiếp xúc cử tri tại Sài Gòn, chính miệng ông Trần Đại Quang đã nói như vậy. Tuy nhiên, không rõ vì nguyên nhân gì mà sau này ông chủ tịch nhà nước cộng sản Việt Nam lại chối biến, không thừa nhận mình đã nói ra. Đồng thời cùng với đó, một việc làm khiến giới quan sát chính trị ngạc nhiên là Ban tuyên giáo ra lệnh cho báo Tuổi Trẻ phải gỡ bài báo ấy xuống. Điều này cho thấy rằng, ông Trần Đại Quang đang bị các đồng chí của mình “truy sát”. Nhất cử nhất động của ông Quang đều bị soi để tìm ra các sai phạm. Điều đó cũng cho thấy quyền lực trong đảng của ông Quang cũng không còn được như trước.
Việc xử phạt tờ báo vì bài viết liên quan đến việc nhất thiết phải ban hành Luật biểu tình cho thấy rằng, chính quyền cộng sản Việt Nam đang rất sợ các cuộc biểu tình, và Quốc hội cộng sản Việt Nam đang cố gắng khất lừa người dân từ năm này sang năm khác. Cho dù từ nhiều năm trước đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị phải soạn thảo ra Luật biểu tình.
Thời điểm mà cuộc tổng biểu tình trên khắp cả nước vẫn đang làm nóng hổi thì việc ông Trần Đại Quang phát biểu về Luật biểu tình đúng là “nhạy cảm”.
Báo Tuổi Trẻ buộc phải cải chính và xin lỗi ông Chủ tịch nước.
Về việc xử phạt báo Tuổi Trẻ vì “thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận” hết sức khôi hài. Vì sự việc đã xảy ra từ hơn một năm trước. Lỗi không nằm ở bài báo, mà nằm phần bình luận (Comment) mà độc giả đã viết trên báo Tuổi Trẻ Online. Trong bài “Trong quuy hoạch sao chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?” phản ánh tình trạng giao thông ở miền Tây quá tệ hại, trong khi nơi này được coi là vựa lúa của cả nước. Chính từ giao thông quá kém nên kinh tế ở nơi này không phát triển. Trong khi đó, bao nhiều tiền của từ người dân đóng thuế đều mang ra ngoài Bắc để phát triển đường xá. Sự bất công này dễ dàng nhận thấy bằng mắt thường.
Trong phần comment, một độc giả đã bình luận như sau : “Nam Kỳ đang bị bọn Bắc kỳ ngu dốt dai trị”. Bình luận đó không hiểu sao lại bị bộ phận kiểm duyệt báo Tuổi Trẻ Online cho xuất hiện trên báo và nhanh như cắt, Ban Tuyên giáo đã chụp hình lại comment trên và bị cho là “gây mất đoàn kết dân tộc”.
Có lẽ, gây mất đoàn kết dân tộc không ai khác là đảng cộng sản Việt Nam thông qua những chính sách mà họ ban hành. Từ sau 1975, tình trạng kỳ thị, trả thù những người từng phục vụ trong chế độc Việt Nam Cộng Hòa diễn ra rầm rộ. Đến cả con cái, những người vô can hoặc là nạn nhân trong cuộc chiến cũng trở thành kẻ thù của chế độ cộng sản Việt Nam. Con cái những người từng phục vụ trong chế độ cũ không được thi vào các trường đại học. Chưa hết, những giáo dân Công giáo cũng phải chịu sự trả thù từ chính quyền mới. Đó không phải là “gây mất đoàn kết dân tộc” thì là gì ?
Việc báo Tuổi Trẻ Online bị đình bản đã gây chấn động làng báo trong nước. Vì đây là một tờ báo lớn trong nước. Nó cũng khiến cho cho rất nhiều tờ báo khác lo lắng. Việc xử phạt báo Tuổi Trẻ là cách mà Ban Tuyên giáo đang muốn răn đe các tờ báo khác.
Vào thời điểm truyền thông mang xã hội phát triển, các tờ báo muốn có được độc giả, kiếm được nhiều quảng cáo thì chỉ còn cách đi theo con đường tự do ngôn luận, mang tin tức đến cho độc giả. Tuy nhiên, tự do ngôn luận là kẻ thù của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam. Do đó, việc làm báo ở trong nước rất khó khăn, người làm báo phải lách qua các khe cửa hẹp mới mong đưa đến độc giải những tin tức nóng hổi.
Khi độc giả càng ngày càng bỏ báo giấy thì việc đình bản 3 tháng đối với báo Tuổi Trẻ Online chính là đòn giáng mạnh xuống tờ báo này. Không chỉ tờ báo, mà còn có cả hàng trăm người đang làm việc ở đây.
Người Quan Sát
**********************
Đêm 16 Tháng Bảy, làng báo “lề phải” ở Việt Nam rúng động trước tin trang điện tử của báo Tuổi Trẻ (Tuổi Trẻ Online) bị đình bản ba tháng kèm theo số tiền phạt 220 triệu đồng (9.542 USD).
Truyền thông báo chí tại Việt Nam hiện nay vẫn nằm trong sự kiểm soát hoàn toàn của đảng cộng sản Việt Nam và không có báo chí tư nhân. (Hình : Getty Images)
Ngoài ra, theo lệnh xử phạt của Bộ Thông Tin Truyền Thông cộng sản Việt Nam, tờ báo này còn phải “cải chính, xin lỗi vì đăng hai nội dung thông tin sai sự thật, gây ảnh hưởng xấu”.
Bản tin trên báo Pháp Luật ở Sài Gòn cho biết : “Theo quyết định do ông Lưu Đình Phúc, cục trưởng Cục Báo Chí, Bộ Thông Tin Truyền Thông ký, Tuổi Trẻ Online đã có hành vi thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong bài báo “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình” đăng ngày 19 Tháng Sáu, 2018 và thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài báo “Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?” đăng ngày 26 Tháng Năm, 2017.”
Bản tin cũng cho biết quyết định xử phạt này có hiệu lực kể từ ngày ký (16 Tháng Bảy 2018).
Tuổi Trẻ là tờ báo lớn và có đông độc giả thuộc loại hàng đầu tại Việt Nam và lệnh xử phạt này không áp dụng cho tờ báo giấy (báo in) vốn được phát hành hàng ngày.
Cũng cần nhắc lại, chỉ sau vài giờ đăng, bài báo với tựa đề “Chủ tịch nước đồng ý cần ban hành Luật Biểu Tình ,” ngay câu mở đầu bản tin, báo Tuổi Trẻ Online hôm 19 Tháng Sáu 2018, đưa tin : “Tiếp xúc cử tri với vai trò đại biểu Quốc Hội Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Tịch Nước Trần Đại Quang nói ông đồng tình với kiến nghị cử tri cần có Luật Biểu Tình và hứa báo cáo Quốc Hội về nội dung này.”
Không bao lâu sau khu vừa đưa lên mạng, tờ Tuổi Trẻ đã vội vã rút xuống và thay nội dung bản tin về cuộc tiếp xúc của ông “đại biểu Quốc Hội – chủ tịch nước” Trần Đại Quang với các chi tiết khác, không có cái câu nói trên. Còn tựa đề mới của bản tin Tuổi Trẻ về ông Trần Đại Quang tiếp xúc cử tri ở Sài Gòn được thay vào đó là “Chủ tịch nước : Vụ việc tại Bình Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh là do bị kích động.”
Còn ‘thông tin gây mất đoàn kết dân tộc trong phần bình luận của bài báo ‘Sao trong quy hoạch chưa thấy cao tốc cho miền Tây ?’ được đề cập trong lệnh xử phạt nhưng không nói chi tiết là câu ‘comment’ :”Bắc kỳ cai trị Nam kỳ mà !”
Trang ‘Tuổi Trẻ Online’ loan báo về việc bị đình bản trong 3 tháng . (Hình : Chụp qua màn hình)
Việc báo Tuổi Trẻ, cơ quan truyền thông của Thành Đoàn thành phố Sài Gòn, bỗng nhiên bị phạt gây hoang mang trong giới phóng viên. Vì bẵng đi một thời gian, người ta thấy Bộ Thông Tin Truyền Thông không còn phạt vạ cơ quan báo chí nào và có suy đoán nguyên do là vì ông Trương Minh Tuấn, người đứng đầu Bộ này, đang rối ren vì án kỷ luật “treo lơ lửng” trên đầu ông này do sai phạm trong thương vụ MobiFone mua AVG.
Việc phạt tiền và đình bản ‘Tuổi Trẻ online’ diễn ra trong bối cảnh làng báo “lề phải” gặp khó khăn do doanh thu quảng cáo và phát hành suy giảm sau mỗi năm. Tuy quyết định xử phạt Cục Báo Chí ghi là “Báo Tuổi Trẻ có quyền khiếu nại” nhưng người ta chưa từng thấy một cơ quan báo chí dám kiện quyết định xử phạt của Cục Báo Chí hay Bộ Thông Tin Truyền Thông.
Hồi Tháng Tư, 2018, báo Tuổi Trẻ, đình chỉ công việc của nhà báo Anh Thoa, trưởng phòng Truyền Hình để “làm rõ cáo buộc xâm hại tình dục một nữ cộng tác viên”. Đến nay, không có thông tin cập nhật về vụ việc này. (T.K.)