Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người Pháp lại một lần nữa xuống đường để phản đối kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu - lần này là từ 62 lên 64 tuổi. Đề xuất này đã được thủ tướng Elisabeth Borne công bố vào ngày 10 tháng 1 và đang nỗ lực được nghị viện thông qua. Ở Pháp, đề xuất này không được lòng dân : 68% người dân phản đối cải cách. Nhưng so với những nơi khác ở Châu Âu thì kế hoạch tăng tuổi nghỉ hưu trông khá khiêm tốn. Vì sao tuổi hưởng lương hưu của Pháp lại thấp như vậy ?

retraite0

Tuổi nghỉ hưu ở Pháp là một phần của huyền thoại quốc gia

Hầu hết người dân Châu Âu đều lớn hơn 62 tuổi rất nhiều khi họ bắt đầu nhận tiền lương hưu của nhà nước. Tuổi hưởng lương hưu của Anh là 66. Ở Đức là 67. Pháp có hai mốc tuổi hưởng lương hưu : tuổi nghỉ hưu tối thiểu theo luật là 62 tuổi, được hưởng toàn bộ lương hưu nếu đã thực hiện đủ số năm đóng bảo hiểm xã hội cần thiết, và 67 tuổi, khi chế độ lương hưu được trả đầy đủ trong bất cứ trường hợp nào. Các quy định mới sẽ đẩy nhanh việc tăng số năm đóng góp bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 41 lên 43 năm.

Các quy định phức tạp ở nhiều quốc gia về tín dụng và ngoại lệ có nghĩa là trên thực tế, nhiều người Châu Âu nghỉ hưu sớm hơn tuổi hưởng lương hưu của quốc gia họ. Đàn ông Anh khi nghỉ hưu có tuổi trung bình là 63,7 ; phụ nữ là 63,2. Đàn ông Đức nghỉ hưu ở tuổi trung bình là 63,1 và phụ nữ là 63,2. Ở Pháp, độ tuổi trung bình còn thấp hơn : đàn ông nghỉ hưu trung bình ở tuổi 60,4 và phụ nữ là 60,9. Nhờ tuổi thọ trung bình cao, thời gian nghỉ hưu trung bình của nam giới ở Pháp cao thứ hai trong OECD (sau Luxembourg) ; còn đối với phụ nữ là cao thứ ba.

Điều này gây áp lực lớn lên hệ thống của Pháp. Lương hưu được tài trợ bởi các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc trích từ lương của những người đang làm việc để chi trả cho những người nghỉ hưu tại bất kỳ thời điểm nào. Ngày nay, chỉ có 1,7 người làm việc ở Pháp trên một người hưu trí, giảm từ mức 2,1 vào năm 2000. Con số đó dự kiến sẽ giảm xuống còn 1,3 vào năm 2070.

Sự pha trộn giữa lịch sử và văn hóa chính trị giải thích tuổi nghỉ hưu thấp của Pháp. Chế độ lương hưu sớm nhất của đất nước được thiết lập cho lực lượng hải quân dưới thời Ancien Régime [1] (chế độ cũ), vào năm 1673. Cho đến nay, một số nhóm lao động, chẳng hạn như vũ công tại Nhà hát Opera Paris hoặc công nhân đường sắt, được hưởng quyền nghỉ hưu sớm dựa trên các chế độ mang tính lịch sử như vậy. Tại SNCF, công ty đường sắt quốc gia, nhân viên có thể nghỉ hưu sớm nhất là 52-55 tuổi. Các quy tắc hiện đại quản lý lương hưu đã được áp dụng năm 1945, với sự ra đời của nhà nước phúc lợi của Pháp. Vào thời điểm đó, tuổi để hưởng lương hưu toàn phần là 65 tuổi. Mãi cho đến khi François Mitterrand, một tổng thống theo tư tưởng xã hội chủ nghĩa, lên nắm quyền vào năm 1981 với lời hứa tăng cường quyền của người lao động, Pháp mới hạ tuổi hưởng lương hưu xuống 60.

Kể từ đó, bất kỳ nỗ lực nào nhằm buộc người Pháp phải làm việc lâu hơn đều gây ra sự phẫn nộ và phản kháng. Giống như tuần làm việc 35 giờ, việc giảm tuổi nghỉ hưu ở Pháp đã trở thành một phần huyền thoại quốc gia : thúc đẩy một xã hội tiến bộ, trong đó gánh nặng công việc được giảm bớt. Năm 1995, các cuộc đình công như vũ bão đã chứng kiến nỗ lực (thất bại) của Jacques Chirac trong việc tăng tuổi hưởng lương hưu. Vào năm 2010, các cuộc biểu tình lớn nhằm phản đối quyết định (cuối cùng đã thành công) của Nicolas Sarkozy về việc tăng tuổi từ 60 lên 62. Nỗ lực của Tổng thống Emmanuel Macron để đẩy ngưỡng tuổi lên 64 có thể trông khiêm tốn trên giấy tờ — nhưng nó táo bạo về mặt biểu tượng cũng như gây ra những rủi ro về mặt chính trị.

The Economist

Nguyên tác : "Why is the French pension age so low ?"The Economist, 31/1/2023

Phạm Quốc Hào biên dịch

Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 15/02/2023

————————

[1] Chế độ cũ (tiếng Pháp : Ancien Régime) là chế độ chính trị xã hội quân chủ, quý tộc được thành lập tại Vương quốc Pháp từ khoảng thế kỷ 15 cho đến cuối thế kỷ thứ 18 (giai đoạn Cách mạng Pháp) dưới các triều đại cuối Valois và Bourbon (ND).

Additional Info

  • Author The Economist, Phạm Quốc Hào
Published in Diễn đàn

Tuổi nghỉ hưu của Chủ tịch nước, Phó thủ tướng

Cho đến hiện tại thì không có quy định nào về tuổi nghỉ hưu đối với quan chức từ cấp Bộ trưởng trở lên.

Luật nào quy định tuổi nghỉ hưu của quan chức cấp Bộ Chính trị ?

"Xét nguyện vọng cá nhân, Bộ Chính trị đã đồng ý để Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh và Phó thủ tướng Vũ Đức Đam thôi giữ các chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định" – trích thông cáo báo chí ngày 23/12/2022 của Bộ Chính trị.

nghihuu1

Ảnh minh họa Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng

Một thông cáo báo chí khác được Quốc hội phát hành gần hai tuần lễ sau đó, viết :

"Trưa 5/1/2023, tại kỳ họp bất thường lần thứ 2, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã họp tiến hành nội dung về công tác nhân sự.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam theo nguyện vọng cá nhân.

Theo Thủ tướng, trong thời gian đảm nhiệm chức vụ, 2 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đã có nhiều cố gắng, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Xét nguyện vọng cá nhân, Bộ Chính trị đã đồng ý để đồng chí Phạm Bình Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XIII, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 và đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng khóa XIII, Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 thôi giữ chức vụ lãnh đạo, nghỉ công tác và nghỉ hưu theo quy định.

Từ các căn cứ trên, Thủ tướng trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn miễn nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng nhiệm kỳ 2021-2026 đối với hai đồng chí Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam".

Tương tự, tiếp sau đó cũng gần hai tuần lễ, lại có một thông cáo báo chí được phát hành với nội dung :

"Ngày 17/1/2023, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã họp xem xét và cho ý kiến về nguyện vọng thôi giữ các chức vụ, nghỉ công tác và nghỉ hưu của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng, an ninh nhiệm kỳ 2021-2026".

Cụm từ "nghỉ hưu theo quy định" và "nghỉ hưu" ở cả ba thông cáo báo chí như trên là điều mà người ta chưa thể tìm thấy trong một văn bản pháp quy hiện hành nào.

"Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" chỉ là khẩu hiệu tuyên truyền

Tính đến hiện tại thì pháp luật Việt Nam chỉ có quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được áp dụng cụ thể ở các đối tượng cụ thể như sau tại Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, hiệu lực thi hành từ ngày 20-10-2022, theo đó ở khoản 1 Điều 2 quy định :

"Phó Trưởng ban, cơ quan Đảng ở trung ương ; Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản ;

Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ; Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm các Ủy ban của Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ; Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao ;

đ) Thứ trưởng, cấp phó của người đứng đầu cơ quan ngang bộ ; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước ; Phó trưởng các tổ chức chính trị – xã hội ở trung ương ; Phó Bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc trung ương ; Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ;

Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương ; Giám đốc Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ; Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ; Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Trưởng ban Ban quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia ; Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp ;

Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ; Ủy viên Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ; Ủy viên Ban Thường vụ kiêm Trưởng các Ban đảng của Thành ủy thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh ; Ủy viên Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy là người dân tộc thiểu số".

Khoản 2 Điều 2, Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, cho biết điều chỉnh luôn cả "Công chức được bổ nhiệm chức danh Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao".

Tránh nhằm lẫn, Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, tại khoản 3 Điều 2 nói rõ nghị định này không áp dụng đối với các đối tượng sau :

"Cán bộ giữ chức vụ từ Bộ trưởng hoặc tương đương trở lên ; Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều này là Ủy viên Trung ương Đảng ;

Trợ lý, thư ký của Tổng bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội.

Việc nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với các trường hợp quy định tại khoản này thực hiện theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Đảng".

Nghị định số 83/2022/NĐ-CP, tại Điều 3. Nguyên tắc thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn, ghi :

"1. Bảo đảm khách quan, công bằng, công khai và đúng quy định.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức theo quy định tại Nghị định này nhưng phải bảo đảm tuổi nghỉ hưu không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ.

3. Cán bộ, công chức quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định này khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định nghỉ hưu ở tuổi cao hơn vẫn tiếp tục giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

4. Trong thời gian thực hiện chính sách nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nếu cán bộ, công chức có nguyện vọng nghỉ làm việc thì được giải quyết chế độ hưu trí theo quy định của pháp luật".

Như vậy, nếu khẩu hiệu quen thuộc "Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật" được thực thi thì cả 3 ông Vũ Đức Đam, Phạm Bình Minh, Nguyễn Xuân Phúc không thể "nghỉ hưu".

Hà Nguyên

Nguồn : VNTB, 28/01/2023

**************************

Ghế Chủ tịch nước vì sao còn bỏ trống ?

Gió Bấc, RFA, 26/01/2023

Cơn càn quét đốt lò đang đẩy triều đình nhà sản vào cơn bấn loạn. Những quân cờ đang di động không ngừng, các mối quan hệ hợp tác, đối đầu ; liên minh, đối thủ chuyển hóa nhanh chóng. Truất phế Nguyễn Xuân Phúc nhưng chức vụ Chủ tịch nước bị bỏ trống cho thấy mục tiêu của các cao thủ trong cuộc đua này hội tụ về điểm duy nhất là ngôi vương Tổng Bí Thư. Tổng Trọng, vừa là người dẫn dắt điều hành, vừa là một tay đua, chắc hẳn đã có chủ kiến, đã lựa chọn ứng viên tiềm năng nhất, quân ách chủ bài này đang là bí mật cung đình.

vtax1

Quyền Chủ tịch nước chỉ là cái vai đóng thế rất hờ, mờ nhạt hơn cái bóng - Ảnh minh họa Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dâng hương tại đền Hai Bà Trưng / Khắc Hiếu

Sau cuộc phế truất ngoạn mục Nguyễn Xuân Phúc nhân vật số 2 trong tứ trụ ngay trước thềm năm mới điều mà dư luận quan tâm là vì sao trong cảnh quần ngư tranh thực, ghế ít đít nhiều của triều đình mà chiếc ghế danh giá Chủ tịch nước lại ế ẩm. Quyền Chủ tịch nước chỉ là cái vai đóng thế rất hờ, mờ nhạt hơn cái bóng, ngay cả việc hết sức nghị thức là đọc cái thơ chúc tết do ai đó viết sẵn cũng bị Tổng Trọng tiếm quyền cưỡng đoạt. Người ta quan tâm vì sự tò mò như khán giả xem hát chờ diễn biến mới trong tấn tuồng quen thuộc. Không ai dại dột kỳ vọng vào sự đổi thay, tiến bộ của các lãnh đạo đảng, nhà nước thời Tổng Trọng.

Báo chí trong nước nín thin, không dám bàn đến chuyện cung đình mà lẽ ra phải tận lực khai thác thông tin, phải tận lực truy hỏi để cung cấp cho người dân được biết ai sẽ là nguyên thủ quốc gia. Cái khẩu hiệu dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra của chính quyền nhà sản hóa ra chỉ có hiệu lực ở khái niệm dân làm theo sự chỉ đạo của nhà nước như con ngựa mắt bịt bạc chỉ cắm đầu chạy dưới ngọn roi của gã xà ích. Ai tái mái hỏi han bàn bạc thì đã có sẵn điều luật 331. Thông tin quan trọng nhất quốc gia người dân đành trông chờ ở đài địch, bọn xấu phương tây.

VOA thì dự đoán bằng câu hỏi : Ai kế nhiệm Chủ tịch Nguyễn Xuân Phúc – Tô Lâm, Trương Thị Mai hay Võ Văn Thưởng ? Theo đó, Tiến Sĩ Lê Hồng Hiệp cho rằng Tô Lâm là ứng cử viên sáng giá về tiêu chuẩn theo quy định lẫn thực lực. Ngược lại nhà bình luận Bùi Thanh Hiếu cho rằng Võ Văn Thưởng có nhiều triển vọng hơn (1).

RFA cũng đặt câu hỏi tương tự, cũng dẫn chiếu ý kiến Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp giới thiệu ứng viên số 1 Tô Lâm nhưng bên cạnh đó có thêm ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, Giáo sư về chuyên ngành Chính trị, Đại học New South Wales tại Học viện Lực lượng Quốc phòng Úc cho RFA biết qua tin nhắn như sau : "Các nguồn tin của tôi cho biết có ba ứng cử viên khả dĩ. Thứ nhất, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch nước. Điều này sẽ tiếp nối tiền lệ khi Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Thứ hai, tên của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang đã được đề cập. Và thứ ba, Tô Lâm có thể là một ứng cử viên triển vọng" (2).

Việt Nam Thời Báo của Hội Nhà Báo Độc Lập Viêt Nam có bài "Thay vua giữa dòng" đã đưa ra nhiều cái tên và cuối cùng đã chốt lại " Việt Nam có lẽ vẫn chưa sẵn sàng cho một nữ Chủ tịch nước hay nữ Thủ tướng nên chọn lựa lớn sẽ rơi vào ông Nguyễn Văn Nên khi mà phe Tây Ninh đang gặp lúc thuận buồm xuôi gió" (3)

Tuy nhiên, những suy đoán nói trên đều dựa trên yếu tố đơn giản về tiêu chuẩn, thân thế, quan hệ của các cá nhân ứng viên mà không đặt trên nền tổng thể của bàn cờ mà các quân cờ đều di động, trong đó, Tổng Trọng vừa là người đặt luật chơi, vừa là người chơi vừa phần nào đó cũng là một quân cờ nên những dự đoán trên dù có lý nhưng khó thể nói là chính xác.

Trước hết hãy điểm qua về vai trò, tình thế của các ứng viên sáng giá.

Võ Văn Thưởng, hai khóa là Ủy Viên Bộ Chính Trị, đã từng có những phát ngôn đúng đường lối lý luận theo đảng phản dân của Tổng Trọng, đúng là nhân vật sáng giá. Nhưng tình thế hiện nay Thưởng đang sắm vai rất quan trọng, cần thiết cho Tổng Trọng để chia sẻ sự phẫn nộ, bất bình của các nhóm đối địch khi triển khai chiến dịch đốt lò. Thưởng ngoan ngoãn, sốt sắng thay Trọng phát ngôn, ký các quyết định kỷ luật những đối thủ bị thanh trừng như Trần Quốc Vượng đã từng làm. Chỉ khi nào có kẻ dại dột thay thế Thưởng hưởng quyền rơm ôm vạ đá ở chức vụ nguy hiểm làm bia đỡ đạn thì Trọng mới cho Thưởng làm Chủ tịch nước.

Tô Lâm đang nắm trong tay quyền lực cực mạnh. Có thể nói từ sau Trần Quốc Hoàn đến nay, Tô Lâm là Bộ Trưởng Công An mạnh nhất. Qua các đại án, Tô Lâm đang nắm trong tay nhiều Bộ Ngành có thể tùy nghi tha giết. Qua chủ trương luân chuyển, giám đốc công an các tỉnh thành không phải là người địa phương, mà do Bộ Công An bổ nhiệm, Tô Lâm có quyền lực rất lớn với hầu hết các đảng bộ tỉnh thành. Nếu cần lấy phiếu tín nhiệm, phiếu bầu ở Ban Chấp Hành Trung Ương hoặc Đại Hội Đảng, Tô Lâm sẽ thu được số phiếu rất cao thậm chí có thể cao hơn cả Tổng Trọng.

Nhưng Tô Lâm cũng có nhược điểm gây thù chuốc oán quá nhiều, không chỉ bên ngoài mà ngay trong chính ngành công an cũng có những đối thủ ngấm ngầm. Bản thân Tô Lâm cũng không phải sạch sẽ. Những chữ ký, những công văn trong vụ án mua bán AVG vẫn còn đó. Việc mua quan bán chức qua luân chuyển cán bộ trong ngành công an. Vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh vẫn đang bị điều tra xét xử ở Đức và Cộng hòa Séc…. Chỉ cần một đối thủ có tầm nào đó tấn công, khai thác đúng mức, Tô Lâm có thể biến thành củi, khó có thể đươc ân hạn về hưu như Nguyễn Xuân Phúc.

Tô Lâm rất cần vào tứ trụ để được thành trường hợp đặc biệt, kéo dài thêm một nhiệm kỳ trong khóa 14 tới nhưng phải vào vai thực quyền thực lực chứ không thể là chức vụ danh dự hảo là Chủ tịch nước. Rời bỏ quyền lực Bộ Trưởng Công An để nhận chức danh hảo Chủ tịch nước trong tình huống này không khác nào tự sát.

Với Nguyễn Văn Nên thì mới vào Bộ Chính Trị một nhiệm kỳ, vai vế chưa đủ tuổi so với các đối thủ khác. Mặt khác thà là đầu gà Bí Thư Thành Ủy hùng cứ một phương thực quyền thực lực hay hơn nhiều so với hư danh chủ tịch nước. Nguyễn Văn Nên từng có thời gian gần gũi Tổng Trọng trong một nhiệm kỳ nên đủ bình tỉnh và bản lĩnh để tránh cái bẫy nguy hiểm này.

Nhưng để giải được bàn cờ này cần khảo sát nhân vật quan trọng nhất, người vừa đặt luật chơi, vừa là người chơi.

Luật chơi của Tổng Trọng là gì ? Đừng lầm tưởng Tổng Trọng truất phế Nguyễn Xuân Phúc, Phạm Bình Minh là chống tham nhũng.

Trong đại nạn tham nhũng của triều đình nhà sản thì tham nhũng lớn nhất vẫn là đất đai. Nguồn gốc, điều kiện tham nhũng đất đai chính là quyền sở hữu toàn dân mà thực chất là đặc quyền cấp phát, thu hồi đất của nhà nước. Bao nhiêu ý kiến của chuyên gia, trí thức đã đề đạt. Bao nhiêu vụ tranh chấp đổ máu đã xảy ra. Tổng Trọng không thể không biết nhưng chính y là thành trì kiên định bảo lưu đặc quyền ấy.

Trọng luôn miệng rêu rao dân chủ nhưng xây dựng guồng máy, hệ thống chính trị bóp nghẹt quyền ứng cử, bầu cử từ nội bộ đảng đến tổ chức chính quyền. Triệt tiêu mọi mầm mống của xã hội dân sự. Quyền lập hội, quyền biểu tình, đình công của người dân bị trì hoãn không thời gian hạn định….

Với lý tưởng "bao lợi quyền đi qua tay mình" (quốc tế ca), tranh đoạt quyền bính là cuộc đua không hồi kết của triều đình nhà sản. Để giữ vững ngai vàng, các bạo chúa Stalin, Mao phải liên tục phát động những cuộc thanh trừng đến hơi thở cuối. Tập phất cờ đã hổ diệt ruồi để làm lãnh tụ suốt đời, Tổng Trọng không thua kém cũng đốt lò, gom củi giữ ghế Tổng Bí Thư ngày càng kiên định. Điều Nguyễn Phú Trọng cần nhất là thiên hạ đại loạn để tọa sơn quan hổ đấu. Công cuộc đốt lò chính là phương tiện triệt hạ thân cành cho đến gốc rễ các đối thủ tiềm năng.

Trong tâm thế đó, chức danh Chủ tịch nước tuy không thực quyền nhưng hết sức nguy hiểm có thể là cầu nối để bước lên chiếc ghế Tổng Bí Thư mà Trọng đang nắm giữ và muốn tiếp tục nắm giữ trong khóa tới.

Việc Tổng Trọng cướp quyền bà Ánh Xuân, Quyền Chủ tịch nước chúc tết người dân không phải do háo danh mà là sự tính toán răn đe các đối thủ. Tổng Tr5ong không ham hố gì chức vụ ấy nhưng cần khoảng cách an toàn để bảo vệ ngai vàng.

Nói Tô Lâm chê ghế Chủ tịch nước không an toàn cũng đúng nhưng chưa đủ. Về thủ tục, muốn ngồi lên ghế này phải được Bô Chính Trị giới thiệu, Ban Chấp Hành Trung Ương bỏ phiếu và đưa ra Quốc hội bầu. Nhưng Bộ Chính Trị chưa ai đủ sức đối đầu với Tổng Trọng để giới thiệu người khác.

Nếu Tổng Trọng nhân danh thành quả đốn củi gộc, củi bự của Tô Lâm giới thiệu ra Bộ Chính Trị biểu quyết cho thăng tiến lên làm Chủ tịch nước, đương nhiên đa số sẽ nhất trí và Tô Lâm không có cửa từ chối. Vì theo nguyên tắc đảng viên không được từ chối nhiệm vụ được đảng phân công. Thực chất Tổng Trọng không muốn làm điều này vì được vào tứ trụ, Tô Lâm sẽ là trường hợp đặc biệt về tuổi trong đại hội 14 và sẽ là đối thủ cạnh tranh nặng ký của ngai vàng Tổng Bí Thư.

Thực chất chức danh Chủ tịch nước không hề bị ế như một số nhà bình luận suy đoán, ngoại trừ Tô Lâm, mọi ứng viên khác đều thèm muốn nhưng tất cả đều kiêng dè không dám tranh phần với Tổng Trọng.

Tiếp tục một đít hai ghế cho đến hết nhiệm kỳ khóa 13 để loại Tô Lâm trong đại hội tới là chiến lược, là luật chơi của Tổng Trọng. Nhưng phải lọt vào tứ trụ để trụ lại khóa sau cũng là nước cờ của Tô Lâm. Tô Lâm dày công mất sức đốn củi không chỉ cho Tổng Trọng đốt lò mà còn dọn đường trụ hạng, thăng tiến cho mình. Vì vậy, liên minh Tổng Trọng - Tô Lâm là cặp đôi đồng sàng dị mộng có thể chuyển hóa thành đối thủ bất cứ lúc nào. Điều kiện để bùng nổ, chuyển hóa từ bạn thành thù rất đa dạng và rất dễ xảy ra. Có thể là khi Tô Lâm không còn hy vọng trụ hạng, cũng có thể là khi Tô Lâm đủ mạnh để tháo bỏ vòng kim cô. Cũng có thể là khi Tổng Trọng đã dọn sạch những nguy cơ về đối thủ cạnh tranh nặng ký khác.

Tổng Trọng tuy tạm thời nắm thế thượng phong nhưng mang gót chân asin chết người là tuổi tác. Tổng Trọng đã vi phạm điều quan trọng nhất trong điều lệ đảng là ngồi chức Tổng Bí Thư quá hai nhiệm kỳ. Về trách nhiệm của người đứng đầu và trách nhiệm trưởng tiểu ban nhân sự của hai đại hội 12, 13, Tổng Trọng cũng có trách nhiệm nặng nề hơn cả Nguyễn Xuân Phúc khi để lọt vào Ban Chấp Hành Trung Ương, Bộ Chính Trị quá nhiều thành viên thoái hóa biến chất phải chịu kỷ luật, thậm chí ngồi tù.

Nếu có tiếng nói đủ mạnh đưa các vi phạm này ra Ban Chấp Hành Trung Ương, khả năng Tổng Trọng bị truất phế như Nguyễn Xuân Phúc hoàn toàn có thể xảy ra.

Gió Bấc

Nguồn : RFA, 26/01/2023

1. https://www.voatiengviet.com/a/6923022.html

2. https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/nguyen-xuan-phuc-steps-down-who-are-potential-candidates-for-presidency-01172023063305.html

3. https://vietnamthoibao.org/vntb-thay-vua-giua-dong/

Additional Info

  • Author Hà Nguyên
Published in Diễn đàn

Đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sinh năm 1953. Ông Trần Công Chánh, sinh năm 1959, được Ban Bí thư "Quyết định cho ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang được nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/1/2018". Còn ông Trần Hữu Hậu, sinh năm 1960, nhận được Quyết định của Ban bí thư Trung ương Đảng về việc được nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 01/09/2018, theo Nghị định số 108 ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Ông Hậu là Bí thư Thành ủy thành phố Tây Ninh.

nghi1

Ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành ủy Tây Ninh – người từng mở trang Facebook cá nhân để “trực tiếp tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, bức xúc của người dân” vừa xin nghỉ hưu trước tuổi.

Câu hỏi đặt ra : phải chăng tuổi nghỉ hưu đối với các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy là khác nhau ?

Phó bí thư nữ nghỉ hưu ở tuổi 60

Nghị định 53/2015/NĐ-CP "quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức" do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 29/05/2015, có điều khoản "tuổi nghỉ hưu đối với các trường hợp này không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ".

Tuy nhiên ở Điều 2.h của Nghị định chỉ quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với cán bộ nữ là "Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy" ; không có điều khoản nào về cán bộ chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Cũng nói thêm, không tìm thấy điều khoản nào của Nghị định 53/2015/NĐ-CP cho trường hợp cán bộ nam là "Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy" (1).

Nghị định 108/2014/NĐ-CP "về chính sách tinh giản biên chế" (2) được viện dẫn trong trường hợp của ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành ủy thành phố Tây Ninh, cho thấy là không phù hợp. Nghị định 108/2014/NĐ-CP được ban hành căn cứ vào Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Cán bộ, công chức, và Luật Viên chức. Trong lúc đó thì Bí thư Thành ủy như ông Trần Hữu Hậu thuộc diện cán bộ do Bộ Chính trị quản lý.

2nghi2

Cán bộ hưu trí nhận lương qua bưu điện. Ảnh : Đình Tuyển (TNO)

Cho đến nay, người viết vẫn chưa tìm thấy văn bản nào của Bộ Chính trị quy định về tuổi nghỉ hưu của Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy.

Đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội bằng tuổi với ông Trần Công Chánh. Nếu như ông Chánh từng được cho nghỉ hưu trước tuổi, thì phải chăng ông Hoàng Trung Hải sẽ nghỉ hưu đúng tuổi vào ngày 1/1/2019 ? Trường hợp sinh năm 1953 như Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ như thế nào ? Thật ra thì câu trả lời là còn tùy vào ‘buồn – vui’ của ông Tổng bí thư, vì cả hai vị Bí thư đó đều nằm trong danh sách 200 ủy viên Trung ương Đảng.

Thế nào là đủ sức khỏe ?

Trong trường hợp "nghỉ hưu trước tuổi" của ông Trần Công Chánh, khả dĩ chấp nhận bởi lý do "sức khỏe", vì điều đó phù hợp với quy định của Bộ Chính trị. Còn thế nào là "không đủ sức khỏe" để làm Bí thư hay Tổng bí thư thì đến nay vẫn chưa thấy văn bản giải thích.

Ở Quy định số 90-QĐ/TW về "quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04/08/2017 (3) có quy định rằng, "Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương : Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" (trích 2.18). Tiêu chuẩn chung đó là "Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm" (trích 1.5).

Tuy nhiên nội dung ở Quy định số 90-QĐ/TW cũng như Quy định 89-QĐ/TW "quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" (4), đều không có điều khoản nào về cụ thể số tuổi bổ nhiệm là bao nhiêu ; và cả việc giám định sức khỏe theo chuẩn định nào để có thể đạt yêu cầu "đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ" cũng chưa thấy hướng dẫn.

Tuổi nghỉ hưu của cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị ?

Cho đến nay, nếu như những cán bộ ấy là nữ, và không nằm trong danh sách 200 ủy viên Trung ương Đảng, thì chuyện sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 mới được quy định ở Nghị định 53/2015/NĐ-CP. Cán bộ nam thì vẫn chưa có quy định cụ thể nào, như Điều 4.8 Quy định 105-QĐ/TW (5) ghi : Bộ Chính trị ủy quyền cho các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư quyết định nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong phạm vi phụ trách của mình (trừ các đồng chí ủy viên Trung ương đảng.

Như vậy, chỉ mới xét về độ tuổi, đã cho thấy cần tiếp tục tìm kiếm sự công bằng, sự rạch ròi bằng đòi hỏi những quy phạm pháp luật, và gồm cả quy định mang tính nội bộ trong chuyện quản lý nhân sự đảng. Nếu không, dư luận có quyền hoài nghi về các phe nhóm ngay trong nội bộ Đảng đang tìm cách thanh trừng, loại bỏ nhau trước thềm Hội nghị Trung ương 8 dự kiến vào tháng 10/2018 cho chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Ngoài ra để cụ thể hóa Điều 4.3, Hiến pháp 2013 (*) trong bối cảnh Việt Nam đang tìm kiếm những hiệp định thương mại song phương với nhiều quốc gia, thì Luật về Đảng cầm quyền, là sự cấp thiết.

Bởi vì ngay cả việc ‘nghỉ hưu’ của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy cũng đã thiếu những luật định tương ứng, thì xem ra ‘bình đẳng - nhân quyền’ ngay trong nội bộ Đảng cũng là chuyện cần thẳng thắn bàn luận công khai trên các diễn đàn xã hội dân sự.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 094/09/2018

(1) http://bit.ly/2LNA0E2

(2) http://bit.ly/2Pv0nku

(3) http://bit.ly/2wBlSrH

(4) http://bit.ly/2NFmzYp

(5) http://bit.ly/2PYJEXv

(*) Hiến pháp 2013, Điều 4.3 : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Published in Diễn đàn