Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

04/09/2018

Tuổi nghỉ hưu của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy ?

Trần Thành

Đương kim Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh sinh năm 1953. Ông Trần Công Chánh, sinh năm 1959, được Ban Bí thư "Quyết định cho ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang được nghỉ hưu trước tuổi từ ngày 1/1/2018". Còn ông Trần Hữu Hậu, sinh năm 1960, nhận được Quyết định của Ban bí thư Trung ương Đảng về việc được nghỉ hưu trước tuổi kể từ ngày 01/09/2018, theo Nghị định số 108 ngày 20/11/2014 của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế. Ông Hậu là Bí thư Thành ủy thành phố Tây Ninh.

nghi1

Ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành ủy Tây Ninh – người từng mở trang Facebook cá nhân để “trực tiếp tiếp nhận, giải quyết những phản ánh, bức xúc của người dân” vừa xin nghỉ hưu trước tuổi.

Câu hỏi đặt ra : phải chăng tuổi nghỉ hưu đối với các Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy là khác nhau ?

Phó bí thư nữ nghỉ hưu ở tuổi 60

Nghị định 53/2015/NĐ-CP "quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với cán bộ, công chức" do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký ngày 29/05/2015, có điều khoản "tuổi nghỉ hưu đối với các trường hợp này không vượt quá 65 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ".

Tuy nhiên ở Điều 2.h của Nghị định chỉ quy định về tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với cán bộ nữ là "Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy" ; không có điều khoản nào về cán bộ chức danh Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy. Cũng nói thêm, không tìm thấy điều khoản nào của Nghị định 53/2015/NĐ-CP cho trường hợp cán bộ nam là "Phó Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy" (1).

Nghị định 108/2014/NĐ-CP "về chính sách tinh giản biên chế" (2) được viện dẫn trong trường hợp của ông Trần Hữu Hậu, Bí thư Thành ủy thành phố Tây Ninh, cho thấy là không phù hợp. Nghị định 108/2014/NĐ-CP được ban hành căn cứ vào Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Cán bộ, công chức, và Luật Viên chức. Trong lúc đó thì Bí thư Thành ủy như ông Trần Hữu Hậu thuộc diện cán bộ do Bộ Chính trị quản lý.

2nghi2

Cán bộ hưu trí nhận lương qua bưu điện. Ảnh : Đình Tuyển (TNO)

Cho đến nay, người viết vẫn chưa tìm thấy văn bản nào của Bộ Chính trị quy định về tuổi nghỉ hưu của Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy.

Đương kim Bí thư Thành ủy Hà Nội bằng tuổi với ông Trần Công Chánh. Nếu như ông Chánh từng được cho nghỉ hưu trước tuổi, thì phải chăng ông Hoàng Trung Hải sẽ nghỉ hưu đúng tuổi vào ngày 1/1/2019 ? Trường hợp sinh năm 1953 như Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh thì sẽ như thế nào ? Thật ra thì câu trả lời là còn tùy vào ‘buồn – vui’ của ông Tổng bí thư, vì cả hai vị Bí thư đó đều nằm trong danh sách 200 ủy viên Trung ương Đảng.

Thế nào là đủ sức khỏe ?

Trong trường hợp "nghỉ hưu trước tuổi" của ông Trần Công Chánh, khả dĩ chấp nhận bởi lý do "sức khỏe", vì điều đó phù hợp với quy định của Bộ Chính trị. Còn thế nào là "không đủ sức khỏe" để làm Bí thư hay Tổng bí thư thì đến nay vẫn chưa thấy văn bản giải thích.

Ở Quy định số 90-QĐ/TW về "quy định tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý" do ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 04/08/2017 (3) có quy định rằng, "Bí thư tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương : Bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoặc Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương" (trích 2.18). Tiêu chuẩn chung đó là "Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm" (trích 1.5).

Tuy nhiên nội dung ở Quy định số 90-QĐ/TW cũng như Quy định 89-QĐ/TW "quy định khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp" (4), đều không có điều khoản nào về cụ thể số tuổi bổ nhiệm là bao nhiêu ; và cả việc giám định sức khỏe theo chuẩn định nào để có thể đạt yêu cầu "đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ" cũng chưa thấy hướng dẫn.

Tuổi nghỉ hưu của cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị ?

Cho đến nay, nếu như những cán bộ ấy là nữ, và không nằm trong danh sách 200 ủy viên Trung ương Đảng, thì chuyện sẽ nghỉ hưu ở tuổi 60 mới được quy định ở Nghị định 53/2015/NĐ-CP. Cán bộ nam thì vẫn chưa có quy định cụ thể nào, như Điều 4.8 Quy định 105-QĐ/TW (5) ghi : Bộ Chính trị ủy quyền cho các đồng chí Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư quyết định nghỉ hưu khi đến tuổi theo quy định đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý trong phạm vi phụ trách của mình (trừ các đồng chí ủy viên Trung ương đảng.

Như vậy, chỉ mới xét về độ tuổi, đã cho thấy cần tiếp tục tìm kiếm sự công bằng, sự rạch ròi bằng đòi hỏi những quy phạm pháp luật, và gồm cả quy định mang tính nội bộ trong chuyện quản lý nhân sự đảng. Nếu không, dư luận có quyền hoài nghi về các phe nhóm ngay trong nội bộ Đảng đang tìm cách thanh trừng, loại bỏ nhau trước thềm Hội nghị Trung ương 8 dự kiến vào tháng 10/2018 cho chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng.

Ngoài ra để cụ thể hóa Điều 4.3, Hiến pháp 2013 (*) trong bối cảnh Việt Nam đang tìm kiếm những hiệp định thương mại song phương với nhiều quốc gia, thì Luật về Đảng cầm quyền, là sự cấp thiết.

Bởi vì ngay cả việc ‘nghỉ hưu’ của Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy cũng đã thiếu những luật định tương ứng, thì xem ra ‘bình đẳng - nhân quyền’ ngay trong nội bộ Đảng cũng là chuyện cần thẳng thắn bàn luận công khai trên các diễn đàn xã hội dân sự.

Trần Thành

Nguồn : VNTB, 094/09/2018

(1) http://bit.ly/2LNA0E2

(2) http://bit.ly/2Pv0nku

(3) http://bit.ly/2wBlSrH

(4) http://bit.ly/2NFmzYp

(5) http://bit.ly/2PYJEXv

(*) Hiến pháp 2013, Điều 4.3 : "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".

Quay lại trang chủ
Read 602 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)