"Hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Hoa Kỳ sẽ dừng chân tại thành phố cảng Đà Nẵng thuộc miền Trung Việt Nam vào ngày 25/6/2023, trong chuyến thăm hiếm hoi của một tàu chiến Hoa Kỳ tới quốc gia Đông Nam Á này, trong bối cảnh căng thẳng với Bắc Kinh ở Biển Đông vẫn ở mức cao", hãng tin Reuters bình luận trong một bản tin phát đi từ Hà Nội hôm 23/6.
di chuyển ngoài khơi bờ biển Iwo To của Philippines ngày 22/5/2023. (MC2 Jason Tarleton/Hải quân)
Theo hãng tin của Anh hôm thứ Sáu, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết chiếc mẫu hạm sẽ đến vào chiều chủ nhật và ở lại Đà Nẵng cho đến ngày 30/6, tuy đã không trả lời các yêu cầu bình luận của hãng này.
Trước đó, nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Ronald Reagan của Hải quân Hoa Kỳ đã ‘đi qua’ Biển Đông sau cuộc tập trận vừa kết thúc với các hạm đội của Nhật Bản, Pháp và Canada, theo những hình ảnh do Lầu Năm Góc công bố, hôm thứ tư, Philstar.com, báo mạng của Philippines cho hay.
"Các cuộc tập trận, và chuyến quá cảnh của Reagan qua Biển Đông căng thẳng, diễn ra giữa lúc Trung Quốc liên tục khẳng định rằng sự hiện diện quân sự lớn hơn của Hoa Kỳ trong khu vực đang đe dọa hòa bình", trang tin hàng đầu về thời sự của Philippines bình luận.
Hôm 22/6 từ Sài Gòn, nhà quan sát an ninh khu vực và Biển Đông, luật gia Hoàng Việt bình luận trên quan điểm riêng với Đài Á Châu Tự Do về chuyến thăm dự kiến sắp diễn ra của hàng không mẫu hạm Ronald Reagan tới Việt Nam :
"Việc tàu sân bay USS Ronald Reagan sắp cập cảng Đà Nẵng là một biểu tượng quan trọng trong quan hệ Việt – Mỹ, chuyến thăm của tàu sân bay này của Mỹ đã được trông đợi từ lâu, bởi vì theo kế hoạch chung mà Việt Nam và Mỹ đã ký kết, cứ hai năm một lần tàu sân bay Mỹ sẽ đến Việt Nam, nhưng do trong năm 2022 đã có một số trục trặc, nên tàu sân bay Mỹ đã không thể cập cảng của Việt Nam được và phải dời sang năm nay.
Tàu Ronald Reagan tới thăm Việt Nam trong một bối cảnh vô cùng bận rộn, và phải nói thêm ở đây rằng những hàng không mẫu hạm không bao giờ đi một mình, kể cả khu trục trực thăng Nhật Bản JS Izumo cũng không thể đi một mình, mà bao giờ cũng có sự phối hợp của các loại hình khác. Ví dụ, trong một chuyến đi của hàng không mẫu hạm sẽ có các máy bay chiến đấu bảo vệ trên vùng trời, cũng như có những tàu ngầm hoặc tàu khu trục để hộ tống cho hàng không mẫu hạm ở biển, cho nên việc có các tàu đi cùng và có các máy bay của Mỹ đến trước (tiền trạm), để chuẩn bị cho chuyến thăm của tàu Ronald Reagan cũng là chuyện bình thường. Bởi vì, hàng không mẫu hạm nếu không có những máy bay chiến đấu hay là tàu ngầm hoặc tàu chiến bảo vệ, thì sẽ là một mục tiêu rất dễ bị đánh chìm".
Về mặt bối cảnh của chuyến thăm Việt Nam được dự kiến này của tàu sân bay USS Ronald Reagan, ông Hoàng Việt nói tiếp :
"Điểm đặc biệt của chuyến thăm này nằm trong bối cảnh mà trước đó vừa có chuyến thăm của khu trục trực thăng Izumo của Nhật Bản, bên cạnh nhiều chuyến thăm của giới chức Việt Nam ra nước ngoài và ngược lại nhiều quan chức thuộc giới chức chính trị và ngoại giao nước ngoài và các phương tiện quân sự nước ngoài cũng đã, vừa tới thăm Việt Nam, sự xuất hiện của hàng không mẫu hạm của Mỹ tại Đà Nẵng do đó có lẽ là một thông điệp mà Việt Nam muốn thể hiện với nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt với Trung Quốc rằng Việt Nam muốn phát triển quan hệ với nhiều quốc gia, kể cả với những quốc gia đóng vai trò quan trọng có thể đối địch với Trung Quốc, trong đó có Mỹ và Nhật Bản…"
Từ Tokyo, Nhật Bản, hôm 22/6, nhà quan sát thời sự, chính trị và an ninh khu vực Đỗ Thông Minh nói với RFA tiếng Việt trên quan điểm cá nhân :
"Về mặt ý nghĩa của sự kiện này, rõ ràng chúng ta thấy có sự liên kết giữa Mỹ với Việt Nam, nhất là phía Mỹ luôn luôn sẵn sàng bắt tay và viện trợ dồi dào, như trong vụ đại dịch Covid-19, Mỹ tặng Việt Nam hơn 20 triệu liều vắc-xin, có lẽ Việt Nam là quốc gia được Mỹ tặng nhiều nhất như vậy mà nhờ đó dịch Covid-19 ở Việt Nam cũng giảm đi rất nhiều. Trở lại với chiếc USS Ronald Reagan, đây là một hàng không mẫu hạm thuộc lớp này mà Mỹ sản xuất chừng một chục hay mười một chiếc mà chiếc đầu tiên là Empire đã về hưu. Những chiếc khác trong tương lai cũng lần lượt sẽ về hưu, và thế hệ mới sẽ là các hàng không mẫu hạm Gerald Ford…
Đã hai lần tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam, với chuyến thăm của USS Ronald Reagan lần này, điều đó cho thấy quân đội Mỹ sẵn sàng tiếp tay với Việt Nam trong trường hợp có thể xảy ra chiến tranh, còn sự tiếp tay đến mức độ nào thì có thể sẽ được biết rõ sau. Nhân đây, tôi muốn nêu một giả thuyết khi mọi người chưa rõ liệu chiến tranh có xảy ra hay không, nhưng giả thiết có chiến tranh giữa Trung Quốc với Việt Nam, và Trung Quốc đã chiếm hết Hoàng Sa rồi, còn ở một phần của Trường Sa họ đã xây căn cứ rất nhiều, nếu Trung Quốc ỷ vào thế nước lớn ăn hiếp Trường Sa, thì Mỹ sẽ là nước có tiếng nói, ngoài ra Mỹ sẽ cung cấp thông tin tình báo cho Việt Nam. Như chúng ta biết, Mỹ có hệ thống tình báo rất mạnh ở khắp mọi nơi, từ thời Thế chiến Hai, Nhật Bản thua một phần cũng vì vấn đề tình báo mạnh của Mỹ…".
Theo ông Đỗ Thông Minh, trong tình huống có xung đột quân sự, vũ trang ở mức chiến tranh như trên xảy ra với Trung Quốc tấn công Việt Nam trên Biển Đông, tin tức tình báo của Mỹ được cung cấp cho Việt Nam sẽ có thể có vai trò quan trọng, ông nói tiếp :
"Điều này có nghĩa là gì ? Nghĩa là tình báo của Mỹ có thể cho Việt Nam biết trước Trung Quốc đưa những vũ khí gì tới khu vực đó. Và muốn chống lại những vũ khí đó thì phải có những vũ khí gì ? Tất cả điều này Mỹ có thể nắm được, còn khi Việt Nam không đủ vũ khí, trong trường hợp đề phòng như vậy, Mỹ sẵn sàng cho Việt Nam mua ‘với giá tượng trưng’ hoặc mua ‘trả sau’. Và trong tương lai, nếu yên ổn với nhau, tức là quan hệ tốt, có khi Mỹ có thể ‘cho không’ Việt Nam nữa.
Như vậy, với những hỗ trợ này, tức là thứ nhất có thế có người giúp đỡ về tình báo, và thứ hai có đủ phương tiện thêm, Việt Nam sẽ có thể chống đỡ, còn nếu không, với tiềm lực hiện nay của Việt Nam mà đa phần là vũ khí Việt Nam đã mua được (từ nguồn của Nga) như đã biết, thì cầm cự tối đa theo tôi chỉ hai hay ba tháng là cạn kiệt… Riêng về mặt vũ khí, khi đó, giống như đối với Ukraine bây giờ, khi nhiều nước không có năng lực mà cần giúp đỡ, trong khi Mỹ có năng lực dồi dào hơn, Mỹ có thể hỗ trợ. Còn mặt khác, với Mỹ, muốn giữ được đồng minh, muốn có thế về địa lý chính trị mạnh, thì Mỹ khi đó cũng phải giúp các nước yếu, hay nghèo, hay gặp khó khăn…"
Còn từ Ottawa, Canada, cũng trong dịp này từ góc nhìn cá nhân, ông Vũ Đức Khanh - nhà quan sát an ninh, chính trị, bang giao quốc tế nói với Đài Á Châu Tự Do về sự kiện chuyến thăm sắp diễn ra của tàu Mỹ :
"Từ giữa tháng 5/2023, tôi đã được biết Việt Nam và Hoa Kỳ đã có thỏa thuận cho chiếc hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan viếng thăm Việt Nam vào cuối tháng sáu này. Tuy nhiên, hễ mỗi lần có dấu hiệu ấm lên trong quan hệ Việt-Mỹ là Trung Quốc gây sức ép lên Hà Nội. Chúng ta có thể thấy những vụ vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam của Trung Quốc từ hơn một tháng nay.
Hà Nội, theo tôi, đã rút kinh nghiệm và lần này họ chỉ ra thông cáo thật cận ngày ; và trước khi đón hải quân Mỹ, Việt Nam đã tiếp đón tàu hải quân Trung Quốc trước, sau đó đến tàu chiến của Ấn Độ và mới nhất là nhóm tàu chiến, khu trục trực thăng của Nhật Bản. Động thái này của Việt Nam theo tôi là Việt Nam đã cho thế giới thấy rằng Hà Nội không sợ Trung Quốc, nhưng cũng không muốn chọc giận Trung Quốc.
Theo những tin tức có thể kiểm chứng được, Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan sẽ có một buổi tiệc tiếp tân trên chiếc tàu này vào chiều ngày 26/6 này, với dự kiến chuyến thăm này sẽ diễn ra từ ngày 25 đến 30/6. Tuy nhiên, mọi việc vẫn có thể bị hoãn vào giờ chót như cách đây một năm khi cũng chiếc Hàng không mẫu hạm này chuẩn bị vào Đà Nẵng vào cuối tháng 7/2022 thì bị phía Việt Nam huỷ bỏ, do tình hình lúc đó khá căng thẳng vì cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi quyết tâm đến Đài Loan bất chấp sự phản đối dữ dội của Bắc Kinh. Chiếc mẫu hạm này vào thời điểm đó đã rời Singapore và đi thẳng đến gần vùng biển Đài Loan để bảo vệ an ninh cho bà Pelosi".
Chuyến thăm được dự kiến của hàng không mẫu hạm Mỹ Ronald Reagan, tuy vậy theo ông Vũ Đức Khanh, có một độ muộn trễ nhất định, ông nói :
"Thực ra, chuyến thăm này là quá trễ vì giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã có thỏa thuận cho những chuyến thăm này hai năm một lần như tất cả chúng ta đều biết và lần cuối cùng ở Đà Nẵng là đã từ tháng 3/2020.
Nhưng có một chi tiết quan trọng cần chú ý là số lượng tàu chiến đi hộ tống mẫu hạm. Nếu số lượng này lần này có quy mô như thế, và phải tính tới việc họ vừa tham gia một tập trận rất quy mô với với các đồng minh khác, thì về mặt khí thế và thời điểm, chứng tỏ rằng Việt Nam và Mỹ đã có bước tiến, còn nếu Việt Nam không dám tiếp đón tàu Mỹ vào, thì coi như vẫn giậm chân tại chỗ.
Và đây cũng là một phép thử cho biết liệu Việt Nam và Hoa Kỳ có nâng cấp bang giao lên bậc đối tác chiến lược trong năm nay như phía Mỹ từng nhấn mạnh như một ưu tiên của họ hay là không. Theo tôi sẽ thật là tuyệt vời nếu sau chuyến thăm Đà Nẵng lần này, một lãnh đạo cấp cao của Hà Nội đến Washington D.C. trong tháng 7/2023 để nâng cấp quan hệ đối tác toàn diện lên mức đối tác chiến lược và chính thức, thì tương lai đất nước Việt Nam sẽ sáng sủa hơn, khi càng lúc càng có nhiều đối tác trong khu vực cũng như trên thế giới sẵn sàng bảo vệ Việt Nam khi cần thiết", luật sư Vũ Đức Khanh nói với Đài Á Châu Tự Do hôm thứ Tư.
Cũng hôm 22/6, báo mạng VietnamNet của Việt Nam dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng cho biết dự kiến tàu sân bay Ronald Reagan sẽ thăm thành phố Đà Nẵng vào ngày 25-30/6/2023.
"Vừa qua, Việt Nam đón các chuyến thăm của tàu hải quân các nước, trong đó có chuyến thăm của tàu Ronald Reagan của Mỹ lần này. Đây là hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển trong khu vực và cũng như trên thế giới", người phát ngôn BNG Việt Nam được dẫn lời khẳng định.
"USS Ronald Reagan là tàu sân bay Mỹ được triển khai thường trực tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Tàu có trọng tải 97.000 tấn, dài 333m, thủy thủ đoàn khoảng 5.000 người. Tàu thuộc biên chế Hạm đội 7 hải quân Mỹ, có căn cứ chính tại quân cảng Yokosuka, Nhật Bản. Lần gần đây nhất mà một tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam là tháng 3/2020, khi tàu USS Theodore Roosevelt cập cảng Đà Nẵng, nhân dịp hai nước kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Trước đó, tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Việt Nam tháng 3/2018", vẫn theo báo mạng VietnamNet hôm thứ tư.
Tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan thăm Việt Nam vào lúc Trung Quốc đẩy mạnh khiêu khích ở Biển Đông
Trọng Nghĩa, RFI, 23/06/2023
Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan sẽ ghé thăm Việt Nam - cụ thể là ghé cảng Đà Nẵng - từ ngày 25 đến ngày 30/06/2023. Thông tin này do chính Bộ ngoại giao Việt Nam đưa ra vào hôm qua, 22/06. Theo giới quan sát, việc tàu sân bay Mỹ ghé cảng Việt Nam là một sự kiện hiếm hoi, và chuyến thăm lần này của chiếc Ronald Reagan diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng có thêm nhiều hành động lấn lướt Việt Nam trên Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ USS Ronald Reagan thăm cảng Manila, Philippines, ngày 14/10/2022. AP - Aaron Favila
Theo báo chí Việt Nam, trong cuộc họp báo thường kỳ tại Hà Nội chiều hôm qua, bà Phạm Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ ngoại giao, đã xác nhận chuyến ghé cảng Đà Nẵng của tàu sân bay Mỹ, đồng thời giải thích thêm : "Vừa qua Việt Nam đã đón các chuyến thăm của tàu hải quân các nước, và dịp này là tàu USS Ronald Reagan. Đây là hoạt động giao lưu hữu nghị thông thường vì hòa bình ổn định, hợp tác, phát triển trên thế giới".
Chiếc USS Ronald Reagan như vậy chỉ là tàu sân bay thứ ba của Mỹ ghé thăm Việt Nam từ năm 1975 đến nay. Lần đầu tiên là chiếc USS Carl Vinson vào tháng 03/2018, kế đến là chiếc USS Theodore Roosevelt vào tháng 03/2020.
Theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat, hàng không mẫu hạm Mỹ Ronald Reagan ghé thăm Việt Nam vào thời điểm căng thẳng gia tăng trên Biển Đông, với việc Hà Nội gần đây đã lên tiếng phản đối một loạt hành vi của Bắc Kinh xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
The Diplomat nhắc lại rằng kể từ tháng 5, một tàu khảo sát cùng với một số tàu Trung Quốc khác đã liên tiếp xâm nhập vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực gần Bãi Tư Chính, làm căng thẳng gia tăng. Bãi Tư Chính là nơi xảy ra một vụ xâm nhập tương tự của Trung Quốc vào năm 2019, dẫn đến cuộc đối đầu giữa các tàu cảnh sát biển Việt Nam và Trung Quốc.
Tuy nhiên, The Diplomat cũng ghi nhận là chuyến thăm diễn ra vào một "thời điểm trì trệ tương đối trong quan hệ song phương Mỹ-Việt, với đà phát triển chậm lại trong những năm gần đây". Tờ báo nêu bật ví dụ là trong năm qua, các quan chức Hoa Kỳ đã thúc đẩy mạnh mẽ việc nâng cấp mối quan hệ giữa hai quốc gia từ "quan hệ đối tác toàn diện" lên cấp "quan hệ đối tác chiến lược". Thế nhưng, Hà Nội phản ứng khá thờ ơ, các quan chức Việt Nam tuyên bố rằng nội dung của quan hệ đối tác quan trọng hơn là cái tên mà hai bên đặt cho mối quan hệ đó.
Trọng Nghĩa
Trung Quốc lên tiếng vụ tàu sân bay Mỹ thăm Đà Nẵng (VOA, 27/01/2018)
Hôm 26/1 Trung Quốc lên tiếng nói họ không phản đối chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Đà Nẵng dự kiến vào tháng 3/2018.
Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan.
Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh khẳng định như vậy và nói thêm rằng miễn là những sự hợp tác đó có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực.
Khi được hỏi liệu Trung Quốc có lo ngại gì về việc hàng không mẫu hạm Mỹ đến Việt Nam, bà Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc luôn luôn tán thành khi thấy các nước tăng cường quan hệ hợp tác trên tinh thần hữu nghị.
Trước đó, hãng tin AP nhận định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ có phần chắc sẽ làm Trung Quốc tức giận bởi vì Bắc Kinh có thể coi đây là một động thái của Mỹ nhằm tăng cường sức mạnh quân sự trong khu vực.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng thuộc đại học George Mason, bang Virginia, nói với VOA rằng thông thường Trung Quốc phản ứng rất dữ dội về những động thái quân sự của Mỹ ở Biển Đông :
"Khi Hải quân Mỹ tuần tra tự do hàng hải thì Bắc Kinh đã phản ứng rất dữ dội. Người phát ngôn của Trung Quốc từng nói sẽ không thể nhân nhượng vấn đề Biển Đông và họ chuẩn bị sẵn sàng để thắng Mỹ nếu có cuộc chiến tranh xảy ra".
Trước chuyến thăm của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Jim Mattis tới Việt Nam, Tân Hoa Xã nhận định ông Mattis đang mưu tìm một mối quan hệ chặt chẽ hơn với Hà Nội bằng việc tăng cường các quan hệ giữa hai quân đội.
Giáo sư Carl Thayer thuộc Học viện Quốc phòng Úc nhận định với VOA rằng tàu sân bay này sẽ cập cảng Tiên Sa, nơi trước đây là căn cứ hải quân của Mỹ ở Đà Nẵng trong chiến tranh Việt Nam.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp của viện nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS nói với VOA rằng chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam sẽ là biểu tượng cho hợp tác chiến lược Việt – Mỹ trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và thách thức trên Biển Đông :
"Con tàu không chỉ dừng ở ngoài khơi mà sẽ cập cảng. Đây là một thông điệp về sự tin cậy càng ngày càng lớn giữa hai nước về mặt chiến lược và cũng là một cái biểu tượng cho các quan hệ ngày càng phát triển giữa hai nước trong bối cảnh hai bên có thêm sự tương đồng về mặt lợi ích chiến lược trong bối cảnh Trung Quốc đang trỗi dậy và thách thức các lợi ích của hai bên, đặc biệt là trên Biển Đông".
Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis hôm 25/1 dự kiến tàu chiến Mỹ sẽ ghé cảng Đà Nẵng vào tháng 3 năm nay.
**********************
Trung Quốc không phản đối hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam (RFA, 26/01/2018)
Trung Quốc không phản đối hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Chủ tịch Trần Đại Quang. 25/1/2018. AFP
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Bắc Kinh nói với báo chí vào ngày 26 tháng giêng, và bà nhấn mạnh rằng Trung Quốc luôn vui mừng khi thấy các quốc gia phát triển những quan hệ hữu nghị với nhau, quan hệ Mỹ- Việt cũng thế, miễn là nó đem lại hòa bình ổn định cho khu vực.
Theo những thông tin chính thức từ hai phía Mỹ và Việt Nam thì hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ ghé Đà Nẵng trong tháng Ba năm nay, và đây là lần đầu tiên kể từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975, Mỹ đưa một hàng không mẫu hạm đến thăm cảng Việt Nam.
Cũng liên quan đến Mỹ và Biển Đông, Mỹ cho biết sẽ thực hiện trở lại các chiến dịch tự do hàng hải tại vùng biển này.
Tuy nhiên chi tiết của chiến dịch sắp tới đây không được công bố, và điểm quan trọng và nhạy cảm nhất là người ta không biết tàu chiến Mỹ sẽ đi vào khu vực 12 hải lý xung quanh các đảo, bãi cạn, mà Trung Quốc đang kiểm soát, như những lần trước hay không.
Xin được nhắc lại là các chiến dịch tự do hàng hải là việc tuần tra của các tàu chiến Mỹ ở biển Đông, bắt đầu được thực hiện dưới thời Tổng thống Obama, sau đó chính quyền Tổng thống Trump cũng tiếp tục thực hiện.
Biện pháp cho tàu chiến đi vào vùng 12 hải lý quanh các đảo đá và bãi cạn do Trung Quốc chiếm đóng tại Biển Đông nhằm phủ nhận chủ quyền của Trung Quốc xung quanh các đảo đá và bãi cạn đó theo đúng công ước quốc tế về luật biển, qui định những hòn đảo mà con người không thể sống dài lâu trên đó được thì quốc gia chiếm đóng không có chủ quyền trên vùng biển xung quanh.
*********************
Trung Quốc 'không lo ngại' hàng không mẫu hạm Mỹ thăm Việt Nam (BBC, 26/01/2018)
Lần đầu tiên sau thời kì hậu chiến, Mỹ chuẩn bị đưa tàu sân bay đến thăm Việt Nam vào tháng 3 năm 2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xã giao Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis
Các cơ quan chức năng của cả hai phía tuyên bố về khả năng này vào hôm Thứ Năm (25/1).
Đây được xem là bằng chứng rõ ràng về việc tăng cường mối quan hệ quân sự giữa hai bên sau hơn bốn thập niên kể từ chiến tranh Việt Nam.
Hôm 26/1, khi được hỏi về việc này, người phát ngôn ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói Trung Quốc không phản đối.
"Trung Quốc luôn vui mừng nhìn thấy sự phát triển quan hệ hợp tác, thân thiện bình thường giữa các nước".
"Chúng tôi sẽ không phản đối trao đổi quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ miễn là chúng bình thường và có ích cho hòa bình, ổn định khu vực".
Thông báo này được đưa ra trong chuyến thăm Hà Nội của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Một hàng không mẫu hạm Mỹ dự kiến sẽ cập bến cảng trung tâm Đà Nẵng vào tháng 3, Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết.
Phát ngôn viên của Lầu Năm Góc Jeff Davis khẳng định chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ được bàn bạc và thảo luận kỹ lưỡng giữa Bộ trưởng James Mattis và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng đang cố gắng để nhận được sự phê duyệt cuối cùng từ các nhà lãnh đạo.
"Chúng tôi hi vọng nó sẽ được chấp thuận", ông David cho biết.
Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, ông Harry Harris tuần trước mô tả Trung Quốc là một "lực lượng chuyển tiếp gây cản trở ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương" sau khi ông có cuộc gặp với các nhà lãnh đạo quân sự Nhật Bản và Ấn Độ tại New Delhi.
Image captionBộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tiếp Bộ trưởng James Mattis
Trong những năm gần đây, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã tăng cường mối quan hệ quân sự với Việt Nam.
Theo đó New Delihi cung cấp các khóa đào tạo quân sự cấp cao cho lực lượng hải quân và các phi công chiến đấu cơ phản lực.
Viễn cảnh tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam được đưa ra khi Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Tòa Bạch Ốc hồi tháng 5 năm ngoái, và các cuộc thảo luận cũng tiếp tục được diễn ra khi Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch gặp ông Mattis ở Washington hồi tháng 8.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Chí Vinh trở thành quan chức cấp cao nhất của Việt Nam thăm quan tàu sân bay của Mỹ khi ông dẫn đầu 11 quan chức Việt Nam theo dõi các hoạt động trên tàu chiến Hải quân USS Carl Vinson tháng 10 năm ngoái, thông tin từ Hải quân Mỹ cho biết.
Mặc dù không có bất cứ tàu sân bay nào của Mỹ đến Việt Nam kể từ thời điểm chiến tranh chấm dứt nhưng một số tàu chiến nhỏ của Mỹ đã có các chuyến thăm cao cấp do trong những năm gần đây.
Image captionPhi công kiểm tra phi cơ A/A-18 trên hàng không mẫu hạm USS George H.W. Bush ở Đại Tây Dương hồi tháng 10/2017 - hình chỉ có tính minh họa
Trong đó bao gồm chuyến thăm 2016 của tàu chiến Hải Quân USS Frank Cable và USS John S. McCain tới vịnh Cam Ranh, một khu hậu cần quan trọng trong chiến tranh Việt Nam
Ian Storey, một chuyên gia về biển Đông thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak tại Singapore, được trích lời :
"Chuyến thăm của tàu sân bay Mỹ mang ý nghĩa rất quan trọng"
"Nó là một biểu tượng của sự cải thiện mối quan hệ quốc phòng trong bối cảnh sức mạnh của Trung Quốc đang ngày càng gia tăng", ông Storey nói thêm.
Quan hệ quốc phòng Việt-Mỹ tiến triển rõ nét tiếp tục thu hút sự quan tâm của giới phân tích. Trong bài viết mang tựa đề rất hóm hỉnh "Trung Quốc, chuẩn bị đi ! Tàu sân bay Mỹ đang trực chỉ Việt Nam - Get Ready, China : U.S. Navy Aircraft Carriers are Headed to Vietnam" đăng trên tạp chí Mỹ The National Interest ngày 20/08/2017, nhà báo Zachary Keck đã phân tích thêm về ý nghĩa của sự kiện một tàu sân bay Mỹ sẽ ghé thăm Việt Nam vào năm tới 2018.
Ảnh minh họa : Máy bay Carrier Air Win 5, Carrier Air Wing 9 và tàu sân bay USS John C. Stennis tập trận trong vùng biển Philippines, ngày 18/06/2016. REUTERS/Courtesy Steve Smith/U.S. Navy
Nhà báo Mỹ trước hết ghi nhận rằng đây là lần đầu tiên mà một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé cảng Việt Nam, từ ngày chiến tranh kết thúc vào năm 1975. Đối với giới quan sát, sự kiện này là một dấu hiệu cho thấy quan hệ hai bên thắt chặt thêm, và cùng nhắm vào một đối tượng là Trung Quốc. Và dĩ nhiên là Bắc Kinh không hài lòng chút nào.
Cách đây hai tuần, Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam, Ngô Xuân Lịch công du nước Mỹ và tiếp xúc với đồng nhiệm James Mattis. Theo Bộ quốc phòng Mỹ, hai bên đã thảo luận về những bước tăng cường hợp tác song phương cũng như về an ninh khu vực, và đồng ý mở rông hợp tác hải quân và chỉa sẻ thông tin.
Nhân dịp này, hai bên đã bàn về chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ khi điều kiện kỹ thuật cho phép. Tên chiếc tàu sẽ ghé Việt Nam chưa được cho biết, cũng như cảng mà chiếc tàu sẽ ghé thăm. Bộ Quốc Phòng Mỹ chỉ cho biết là vào năm tới.
Tuy thế, các nhà quan sát cho là tàu sân bay sẽ ghé Cam Ranh, vì như nhà báo của tạp chí Nhật Bản The Diplomat, Prashanth Parameswaran ghi nhận vào năm ngoái, cầu tầu của cầu cảng Cam Ranh đã được tu sửa để có thể đón hàng không mẫu hạm.
Quan hệ thắt chặt nhanh chóng
Dẫu sao thì chuyến ghé cảng Việt Nam của tàu sân bay Mỹ là dấu hiệu mới nhất phản ánh đà nhanh chóng thắt chặt thêm quan hệ giữa hai nước, để đối phó với sự vươn lên của Trung Quốc, cho dù sự nghi kỵ Mỹ-Việt bắt nguồn từ cuộc chiến trước đây vẫn còn.
Từ khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, phải chờ đến năm 1995 hai bên mới tái lập bang giao, với quan hệ ấm dần với các cuộc viếng thăm của các tổng thống Mỹ khởi đầu là Bill Clinton năm 2000, George W. Bush năm 2006. Nhưng phải chờ đến thời Obama thì quan hệ song phương mới thật sự được củng cố, với chính sách "xoay trục" bắt đầu từ cuối năm 2011.
Tháng 7/2013, tổng thống Obama và chủ tịch Việt Nam Trương Tấn Sang thông báo hai nước nâng cấp quan hệ lên hàng Đối Tác Chiến Lược. Qua năm 2014, Mỹ giảm cấm vận vũ khí một phần, trước khi hoàn toàn bãi bỏ hai năm sau.
Sau đó không lâu, vào tháng 10/2016, hai tàu chiến Mỹ : tàu hậu cần tàu ngầm USS Frank Cable và khu trục hạm USS John S. McCain ghé cảng Cam Ranh. Đó là lần đầu tiên từ sau chiến tranh mà chiến hạm Mỹ cập bến Cam Ranh. Tàu Mỹ trước đó cũng đã ghé cảng này, nhưng không phải là tàu chiến. Khu trục hạm USS John S. McCain, đặt căn cứ ở Nhật Bản, cũng đã viếng thăm các cảng khác ở Việt Nam trước khi ghé Cam Ranh. Mới tháng Sáu vừa qua, chiếc John S. McCain cũng đã trở lại Cam Ranh.
Tuy nhiên, Zachary Keck cũng công nhận rằng quan hệ Việt Mỹ thời Donald Trump, khởi đầu vất vả khi mà quyết định đầu tiên của ông là rút khỏi hiệp định thương mại TPP. Nhưng rồi quan hệ lại tiếp tục trên con đường của chính quyền Obama trước đây.
Vào tháng 5, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gặp tổng thống Trump ở Nhà Trắng, ông Trump cũng có kế hoạch viếng thăm Việt Nam nhân thượng đỉnh APEC vào tháng 11/2017. Mỹ cũng đã cung cấp cho Việt Nam một tuần dương hạm lớp Hamilton vào tháng 5 và một tháng sau thì một tàu chiến hiện đại LCS được bảo trì ở Cam Ranh. Và tháng 7 vừa qua Hải Quân Việt Nam và Mỹ tiến hành diễn tập thường niên (NEA).
Trung Quốc trong tầm nhắm
Theo nhận định của Zachary Keck, tuy hai bên không thừa nhận, nhưng động lực thắt chặt quan hệ này là Trung Quốc, một mặt do sức mạnh quân sự ngày vươn lên và thái độ ngày quyết đoán hơn, nhất là ở Biển Đông, một mặt khác là do ảnh hưởng Trung Quốc ngày quan trọng hơn.
Từ khi lên nắm quyền năm 2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích hẳn lại gần Trung Quốc khiến Việt Nam trong thế cô lập hơn trong các quốc gia Đông Nam Á trong việc đương đầu với Trung Quốc ở Biển Đông.
Zachary Keck nhắc lại nhận định của Gregory Poling, giám đốc trung tâm Minh Bạch Hàng Hải Châu Á của CSIS (Center for Strategic and International Studies' Asia Maritime Transparency Initiative) trên đài CNN tuần qua : "Khi nói đến tranh chấp ở Biển Đông, lãnh đạo Việt Nam có lẽ cảm thấy rất lẻ loi những ngày này".
Việt Nam cũng trong tình thế bị Trung Quốc liên tiếp hù dọa trong năm nay.
Tháng Sáu vừa qua, Việt Nam đã cho phép một chi nhánh của tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol khoan dò dầu khí ở Bãi Tư Chính (Vanguard Bank), nằm trong khu đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Trung Quốc cũng tranh giành.Bắc Kinh đã phản đối ngay qua các kênh ngoại giao. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã triệu mời đại sứ Việt Nam, dọa sử dụng sức mạnh nếu Việt Nam không bỏ việc khoan thăm dò và hứa không khoan lại ở vùng biển này.
Mặc dù bất đồng quan điểm trong tầng lớp lãnh đạo, nhưng Việt Nam đã phải chấp nhận yêu sách của Trung Quốc. Theo một số nguồn tin, một phần do Hà Nội không tin tưởng là có thể dựa vào chính quyền Trump đến giúp đỡ.
Một sự cố khác là trong tháng này, là ngoại trưởng Trung Quốc đã hủy bỏ cuộc gặp ngoại trưởng Việt Nam vì Hà Nội đưa vấn đề Biển Đông trong thông cáo cuối cùng của các ngoại trưởng ASEAN.
Nhà báo Zachary Keck nhìn thấy thực tế là tổng thống Philippines ‘xoay trục’ sang Trung Quốc và Thái Lan, một đồng minh khác của Mỹ, cũng ve vãn Bắc Kinh từ sau cuộc đảo chính 2014, khiến Washington ngày tin tưởng hơn vào Việt Nam trong hồ sơ Biển Đông. Động thái biểu tượng như tàu sân bay là bước khởi đầu, nhưng rõ ràng là chưa thể đủ để đối phó với Trung Quốc.
Mai Vân lượt dịch
Nguồn : RFI, 23/08/2017
Một tàu sân bay Mỹ sẽ lần đầu tiên đến Việt Nam năm 2018 thể theo quyết định của hành pháp Hoa Kỳ ở Washington DC. Chuyên gia trong và ngoài nước nói gì về động thái này của Hoa Kỳ trong bối cảnh căng thẳng vì hành động quân sự hóa Biển Đông, nơi mà Bắc Kinh dành gần như hầu hết chủ quyền.
Chiến hạm USS John S. McCain của Mỹ tại Biển Đông. Ảnh chụp hôm 10/8/2017. AFP photo
Lời hứa từ Tổng thống Mỹ
Gởi một tàu sân bay Mỹ đến Việt Nam là lời hứa từ tổng thống Donald Trump với thủ tướng Việt Nam khi ông Nguyễn Xuân Phúc ghé Nhà Trắng ngày 31 tháng Năm 2017.
Nếu mọi chuyện diễn biến như dự định thì năm 2018 Việt Nam sẽ lần đầu tiên đón tiếp một tàu sân bay chứ không phải những chiến hạm thông thường từng cập cảng Việt Nam trước giờ.
Tin được loan báo vào lúc dư luận trong nước tập trung mọi chú ý vào chuyến thăm Hoa Kỳ của đại tướng Ngô Xuân Lịch lần này trong cương vị bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam.
Trên báo mạng National Business Times hôm 9 tháng Tám vừa qua, với câu hỏi "Tại sao Hoa Kỳ gởi tàu sân bay đến Việt Nam", ký giả Pritha Paul dẫn lời bộ trưởng Jim Mattis của Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nói với đối tác Việt Nam Ngô Xuân Lịch hôm thứ Ba rằng Wahington và Hà Nội có cùng lợi ích chung, đó là tuyến lưu thông tự do trên vùng biển Nam Trung Hoa không thể gặp trở ngại vì những hành động có tính cách liên tục và thách đố từ phía Trung Quốc.
Cùng ngày văn bản gởi ra từ Lầu Năm Góc cho thấy bộ trưởng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ nói với bộ trưởng Bộ quốc phòng Việt Nam rằng Mỹ ca ngợi sự dấn thân cũng như phát triển vai trò lãnh đạo của Việt Nam trước những vấn đề thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương.
Quyết định của Mỹ gởi tàu sân bay đến Việt Nam được tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hà Lan, hiện là viện phó Viện nghiên cứu các vấn đề phát triển của Việt Nam (Vietnam institute of development studies-VIDS), cho là một bước ngoặt quan trọng trong quan hệ đối tác chiến lược giữa 2 quốc gia :
Bước ngoặt ở đây thể hiện qua 3 điểm, thứ nhất là tổng thống Trump nói ít làm nhiều. Thứ hai, Việt Nam cũng đến lúc không thể lần khân mãi được như qua vụ Giàn khoan 360 cuối tháng Bảy vừa qua. Thứ ba, quyết định này từ cả 2 phía nó càng nói lên "điểm tới hạn" của chính sách an ninh quốc phòng "ba không" của Việt Nam với Mỹ và thế giới.
Tôi không muốn dùng chữ "hai cựu thù" vì từ này đã lỗi thời từ lâu, cả Mỹ lẫn Việt Nam nên cảm ơn Trung Quốc đã thúc đẩy tiến trình này nhanh hơn so với các chuyển động nội tại bên trong nền chính trị vốn rất khó phân biệt và khó nhận dạng của Việt Nam.
Được hỏi tại sao một quyết định quan trọng như vậy, tức gởi tàu sân bay đến Việt Nam, không được tiến hành ngay mà phải chờ đến sang năm, ông Đinh Hoàng Thắng phân tích :
Nhà báo hẳn còn nhớ câu của người Châu Âu, là "thuốc súng luôn phải giữ khô", kéo dài việc thực thi một quyết định hệ trọng như vậy phải cần thời gian để tất cả các bên liên quan quen với trạng thái "thuốc súng đang được sấy".
Có thể sẽ có thay đổi từ giờ đến sang năm, thế nhưng quyết định này khó dẫn đến xung đột quân sự. Mỹ và Trung Quốc khó có thể đụng độ quân sự vì các bãi đảo đá ngầm mà nhiều nước cũng đang tranh giành chủ quyền. Mỹ và Trung Quốc đều có những lợi ích toàn cầu lớn hơn nhiều, nhưng vấn đề FONOPS và "đi qua vô hại" là lý do tồn tại qui chế siêu cường của Hoa Kỳ, nếu không thì đấy không còn là nước Mỹ nữa.
Trung Quốc khiến Việt Nam gần Mỹ hơn
Giáo sư Amitav Acharya, chuyên gia quan hệ quốc tế, giám đốc Trung tâm nghiên cứu Châu Á thuộc American University ở Washington DC, nói rằng tình hình căng thẳng trên biển Nam Trung Hoa, mà Việt Nam gọi là Biển Đông, khiến Việt Nam phải lo củng cố mối quan hệ quân sự song phương với Hoa Kỳ bằng cách này cách khác, thế nhưng :
Tôi không nghĩ tàu sân bay Mỹ tới Việt Nam có nghĩa là Mỹ sẵn sàng cho chiến tranh, đó chỉ là biểu tượng hay giản dị đó là dấu hiệu cho thấy hai bên đang xích lại gần nhau hơn về mặt quân sự.
Có rất nhiều việc khác trong mối quan hệ quân sự đó, thí dụ những cuộc tập trận chung trong tương lai, những loại vũ khí nào Mỹ sẽ bán cho Việt Nam, những cái đó quan trọng hơn là điều động một tàu sân bay tới một nước.
Bãi Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc bồi đắp thành đảo nhân tạo. AFP
Không thể chối cãi là Hoa kỳ đang nỗ lực để chứng tỏ sự hiện diện của mình trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, giáo sư Acharya khẳng định tiếp, nhưng cũng đừng quên là chiến lược tái cân bằng lực lượng mà tổng thống tiền nhiệm Obama đề ra cho vùng Châu Á Thái Bình Dương đã chấm dứt từ lúc tổng thống Trump bước vào Nhà Trắng :
Ngoại trừ lập trường tự do lưu thông và tự do hàng hải ra thì không ai biết thực sự chính sách quân sự của hành pháp Trump đối với biển Nam Trung Hoa như thế nào. Theo tôi tốt nhất là nên chờ đợi và theo dõi, nhất là khi hành pháp Mỹ có vẻ như đang quá bận bịu với vấn đề Bắc Hàn. Ngay cả phản ứng của Trung Quốc sẽ như thế nào một khi khi tàu sân bay Mỹ tiến vào hải phận Việt Nam cũng là điều tôi không muốn phán đoán trước. Tôi nghĩ chúng ta nên chờ một thời gian để xem mối quan hệ quân sự Việt Nam Hoa Kỳ trong đó có yếu tố Trung Quốc nó sẽ chuyển biến như thế nào.
Tôi cũng không thấy có dấu hiệu nào là Hoa Kỳ với hành pháp Trump sẽ hết lòng bảo vệ cho Việt Nam, một điều chừng như vượt quá chính sách hiện hành vốn rất không rõ ràng của ông Trump. Hãy còn quá sớm để bình luận, đó là tất cả những gì tôi có thể nói về quan hệ quân sự Mỹ Việt tính đến lúc này.
Theo nhận định của ông Rodger Baker, nhà phân tích chiến lược và địa chính trị của công ty tham vấn Stratfor, được ký giả Prathi Paul trích dẫn trong bài của ông liên quan đến việc tàu sân bay Hoa Kỳ sẽ đến Việt Nam năm tới, thì cuộc gặp gỡ và lời hứa hẹn của tổng thống Donald Trump với thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng Năm là sự kiện được hành pháp Trump tính toán kỹ lưỡng nhằm tạo một thế phòng vệ mới trước ý đồ quân sự hóa các bãi đá và các đảo trên biển Nam Trung Hoa.
Việt Nam chiếm một vị trí quan trọng trong vùng Đông Nam Á, ông Rodger Baker nhận định, đã có nhiều tàu tuần tra cỡ nhỏ đã được Mỹ chuyển giao cho lực lượng tuần duyên Việt Nam mấy tuần qua, những cuộc giao lưu trao đổi giữa hải quân 2 nước đã và đang diễn ra, trong lúc quyết định bán vũ khí cho Việt Nam đã được Hoa Kỳ dỡ bỏ một phần từ năm ngoái.
Tuy nhiên vẫn lời ông Baker thì sau chuyến viếng thăm của thủ tướng Việt Nam đến Nhà Trắng hồi tháng Năm thì quan hệ ngoại giao Việt Nam Trung Quốc càng ngày càng xấu đi.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh Việt Nam trở nên thân thiện hơn với Hoa Kỳ về mặt quân sự thì Biển Đông sẽ trở thành tâm điểm biểu dương lực lượng của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế đang làm việc tại Singapore :
Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Hoa Kỳ muốn Việt Nam can dự nhiều hơn, muốn Việt Nam trở thành đối tác để xử lý vấn đề Biển Đông, ứng phó với tham vọng hàng hải của Trung Quốc ở Hoa Đông và Biển Đông.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp kết luận là dù tàu chiến hay hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ có ghé Việt Nam hay không thì Trung Quốc cũng sẽ không ngưng hành động bành trướng thế lực trên biển. Ông nói tác động bên ngoài không làm Bắc Kinh nao núng, họ chỉ nhượng bộ khi gặp khó khăn trong nước hoặc khi nào đã hoàn tất kế hoạch quân sự hóa của mình.
Thanh Trúc, phóng viên RFA
Nguồn : RFA, 11/08/2017
Toàn bộ tàu sân bay của Mỹ đang nằm trong căn cứ và không tuần tra ở bất cứ vùng biển nào. Theo hãng Fox, đây là lần đầu tiên kể Chiến tranh thế giới thứ hai, không tàu sân bay nào của Mỹ hoạt động.
Tàu sân bay Dwight D. Eisenhower - Ảnh : Reuters
Ngày 30/12, hàng không mẫu hạm Dwight D. Eisenhower và các tàu sân bay hộ tống đã quay về căn cứ hải quân Norfolk tại Virginia. Trong khi đó tàu thay thế George H.W. Bush chưa được hạ thủy.
Tàu sân bay George H.W. Bush đang trong quá trình đại tu kéo dài đến 13 tháng, lâu hơn dự định rất nhiều, một phần do ngân sách hải quân bị cắt giảm hàng tỉ USD. Dự kiến phải vào giữa tháng 1/2017, tàu này mới có thể được đưa vào hoạt động.
Hãng tin Sputnik của Nga cho biết các binh lính trên tàu đã hoàn tất công việc tập luyện nhưng vẫn phải chờ các công đoạn trùng tu cuối cùng của tàu.
Theo hãng tin Fox News, các binh lính Mỹ đã tập luyện để giảm khoảng thời gian cất cánh giữa hai chiến đấu cơ trên tàu George H.W.Bush từ 60 giây xuống còn 40 giây.
Trong thời gian hoạt động, từ Địa Trung Hải và Vịnh Ba Tư nhóm tàu do hàng không mẫu hạm Dwight D. Eisenhower dẫn đầu đã thực hiện nhiều cuộc không kích nhắm vào tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria.
Tuy nhiên, tàu thành viên trong nhóm này là Nitze và Mason đã bị tấn công ở Hồng Hải bởi lực lượng Houthi do Iran đỡ đầu tại Hồng Hải.
Đây cũng là lần đầu tiên Mỹ không có tàu sân bay nào tại khu vực Trung Đông. Trong giai đoạn 2011-2013, hải quân Mỹ có đến hai tàu sân bay tại Vịnh Ba Tư, do tướng James Mattis - người được tổng thống đắc cử Donald Trump chọn làm Bộ trưởng Quốc phòng - chỉ huy.
Dù vậy, hiện Mỹ vẫn còn binh lực mạnh tại khu vực này với nhiều tàu cơ động, hàng ngàn lính thủy đánh bộ và chiến đấu cơ sẵn sàng cất cánh.
Đ.K.L