Kiến nghị thành lập Tòa bảo hiến
Nguyễn Nam, VNTB, 27/10/2020
Cách đây 23 năm, nhóm nhân sĩ ở Đà Lạt gồm các ông Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự đã có thư gửi Quốc hội về đề nghị lập Tòa bảo hiến.
Mới đây, ông Bùi Minh Quốc đã nhắc lại nguyện vọng của mấy mươi năm cũ nhân dịp lại sắp có nhiệm kỳ mới của Quốc hội.
Xin được giới thiệu với quý bạn đọc trang Việt Nam Thời Báo về lá thư kiến nghị thành lập Tòa bảo hiến.
Cách đây 23 năm, nhóm nhân sĩ ở Đà Lạt gồm các ông Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, đã có thư gửi Quốc hội về đề nghị lập Tòa bảo hiến
Thư gởi Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Kính thưa Quốc hội,
Chúng tôi, Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, là những người cầm bút, xin bày tỏ với Quốc hội một số ý kiến.
Trong các ngày 28/3 và 31/3/1997, chúng tôi lần lượt bị Công an thành phố Ðà Lạt mời tới để gặp các sĩ quan của Sở Công an tỉnh Lâm đồng. Sau gần ba tiếng đồng hồ căn vặn đủ điều về các bài viết, về các cuộc trả lời phỏng vấn của chúng tôi công bố trên các báo đài nước ngoài, và sau khi cho chúng tôi đọc một đoạn trong Quyết định số 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa thông tin, các sĩ quan Công an đã yêu cầu chúng tôi ký vào một văn bản mang tiêu đề "Biên bản về việc đình chỉ hành vi vi phạm pháp luật".
Tại biên bản, chúng tôi đã khẳng định nội dung các bài viết, bài nói của chúng tôi không liên quan gì đến việc vi phạm pháp luật.
Qua thực tế các buổi bị buộc phải làm việc với Công an chỉ vì các điều mình viết và nói, chúng tôi đề nghị Quốc hội gấp rút rà soát lại các văn bản luật và dưới luật liên quan đến Dân quyền và Nhân quyền trong lĩnh vực tư tưởng và ngôn luận.
Quyết định 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa Thông tin quy định ở điều 3 như sau : "Những văn hóa phẩm có danh mục dưới đây trước khi xuất [ra nước ngoài] phải có văn bản xét duyệt đồng ý của thủ trưởng cơ quan ngành chủ quản ở cấp Bộ [ở Trung ương] hoặc cấp tỉnh [ở địa phương] có thẩm quyền quản lý nội dung văn hóa phẩm đó, cơ quan văn hóa có cấp phép để làm thủ tục hải quan.
Nhóm A :
Các tài liệu, văn bản và ấn phẩm lưu hành nội bộ, tài liệu thuộc danh mục nhà nước.
1. Các loại tài liệu, văn bản, bài viết, các loại bản vẽ, bản đồ được ấn loát hoặc đánh máy, chép tay, in ronéo, photocopy hoặc sao chép bằng mọi kỹ thuật khác, nội dung thuộc mọi lãnh vực, gửi hoặc mang theo người ra nước ngoài để in, để đăng báo, tạp chí, để phục vụ học tập nghiên cứu, giảng dạy, báo cáo khoa học, tham luận trong hội nghị, hội thảo quốc tế…
2. …
3. …
Chính là tại cơ quan Công an thành phố Ðà Lạt ngày hôm ấy, lần đầu tiên chúng tôi mới được biết tới quy định như thế của Bộ Văn hóa Thông tin liên quan đến công việc của mình, và của giới cầm bút nói chung !
Chúng tôi rất đỗi ngạc nhiên trước quy định này.
Khi Hiến pháp nước ta đã khẳng định công dân có quyền tự do tưởng, tự do ngôn luận, thì có nghĩa rằng người dân có toàn quyền viết lên nói lên mọi suy nghĩ của riêng mình, và họ chỉ chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung những điều họ viết, họ nói, thế thôi, còn việc họ muốn công bố những điều đó với ai và ở đâu là thuộc quyền của họ.
Tác phẩm do tôi viết ra là thuộc quyền sở hữu của tôi, hiển nhiên quá rồi, và cũng quá hiển nhiên rằng tôi muốn tặng cho ai, gửi cho ai, công bố ở đâu là thuộc quyền của tôi, tại sao lại buộc tôi phải đem nộp cho ông cán bộ nhà nước xét duyệt trước khi gửi ra nước ngoài ?
Cơ quan an ninh không thể coi việc đăng tải hay bình luận của các đài và báo nước ngoài đối với một bài viết của một người trong nước, như một bằng chứng về nội dung xấu của bài viết ấy, rằng nó để cho bên ngoài lợi dụng, vì rất nhiều bài viết hoặc bài nói của nhiều vị lãnh đạo Ðảng và Nhà nước ta rơi vào trường hợp ấy.
Ðất nước đã mở cửa, đang hàng ngày hằng giờ cố gắng hội nhập vào thế gíới của thời đại thông tin, tại sao chúng ta còn duy trì những quy định quá lỗi thời, đẩy người cầm bút vào một "cái rọ" quản lý cả đến bản thảo viết tay, cả những tham luận hội nghị, hội thảo quốc tế ?
Chúng ta hãy hỏi những đồng nghiệp nhà văn, nhà báo, nhà khoa học các nước khác khi họ sang thăm hay giao lưu với chúng ta, họ có bị mất quyền làm chủ đối với lời ăn tiếng nói của họ như vậy không ?
Bộ Văn hóa Thông tin quy định như vậy, nhưng thực tế những năm qua không ít người cầm bút ở Việt Nam đã cho công bố tác phẩm ở nước ngoài trước khi công bố ở trong nước, không thông qua sự xét duyệt của cơ quan nhà nước.
Tình hình đó chứng tỏ quy định của Bộ Văn hóa Thông tin đã bị thực tiễn vượt qua một cách mặc nhiên, bởi quy định ấy vẫn nằm trong lề lối quản lý cũ, muốn quản lý sự giao lưu văn hóa tư tưởng của con người giống như quản lý dạ dày họ bằng chế độ tem phiếu trước kia. Một kiểu quản lý lỗi thời phi dân chủ như vậy không thể làm nổi chức năng của một chuẩn mực pháp lý nghiêm túc, trái lại nó chỉ còn giữ vai trò như một công cụ để người ta đem ra gây khó dễ đối với một số người này, và lờ đi đối với những người khác.
Chúng tôi cho rằng, quy định về danh mục 2 (nhóm A) trong điều 3 của Quyết định 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa Thông tin là trái với Hiến pháp, trái với quyền Tự do ngôn luận của công dân, trái với Quyền Con người, đặc biệt khi đối chiếu với các điều 50, 53, 69, 146 của Hiến pháp và điều 19 của bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền mà Việt Nam đã long trọng ký kết và cam đoan thực hiện.
Chúng tôi xin phát hiện sự vi phạm Hiến pháp như trên với Quốc hội để Quốc hội xem xét và đề nghị sớm bãi bỏ quy định này.
Chúng tôi cũng đề nghị Quốc hội cho thành lập ngay Tòa án Hiến pháp để dân có một cơ quan có thẩm quyền nhận khiếu nại và xét xử các vụ vi phạm Hiến pháp.
Kính chào,
Ðà Lạt, ngày 10/4/1997
Hà Sĩ Phu, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự
Theo trang web Thư viện pháp luật, thì đến nay hiệu lực của Quyết định số 893 ngày 20/7/1992 của Bộ Văn hóa thông tin, là ở tình trạng "Không xác định" (*).
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 27/10/2020
Chú thích :
(*)https://thuvienphapluat.vn/van-ban/xuat-nhap-khau/Quyet-dinh-893-QD-PC-ban-Quy-dinh-ve-viec-xuat-nhap-van-hoa-pham-khong-thuoc-pham-vi-kinh-doanh-38331.aspx
*****************
Cửu Long, VNTB, 27/10/2020
Đối tượng xét xử của tài phán hiến pháp thường có hai nhóm : tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định, và các khiếu kiện của công dân về việc quyền cơ bản của họ bị các cơ quan nhà nước vi phạm.
Ở đây có hai đơn cử để dễ hình dung : thứ nhứt, pháp luật Việt Nam không dành bất kỳ điều khoản nào về quyền hạn của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam. Do đó mọi sự can thiệp của Tổng bí thư Đảng vào công việc quản trị quốc gia, có thể được xem là một tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định.
Thứ hai, xin dẫn chứng cụ thể bằng trường hợp của công dân Phạm Chí Dũng, người đang vướng vòng lao lý với cáo buộc vi phạm điều luật 117, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
Bằng các bài viết đăng công khai trên VOA tiếng Việt, báo Người Việt, trang Việt Nam Thời Báo, cũng như qua những cuộc hội luận trên sóng của BBC tiếng Việt, trả lời phỏng vấn các cơ quan truyền thông nước ngoài, ông Phạm Chí Dũng bằng quyền Hiến định dành cho công dân như tại các điều :
"Điều 14.1. Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật" ; "Điều 16. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội" ; "Điều 25. Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định"….,
Ông Phạm Chí Dũng đã lên tiếng kêu gọi cần thực thi đầy đủ, minh bạch những quyền Hiến định đó, bao gồm cả quyền người dân được giám sát, chỉ trích, phê phán về những sai lầm của Đảng Cộng sản Việt Nam, ghi tại "Điều 4.2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình", và "Điều 4.3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Như vậy, khi dùng điều luật 117, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) để buộc tội công dân Phạm Chí Dũng, có thể xem đó thuộc nhóm tài phán hiến pháp về các khiếu kiện của công dân trong quyền cơ bản của họ bị các cơ quan nhà nước vi phạm.
Trở lại với vấn đề đối tượng xét xử của tài phán hiến pháp.
Nếu trao cho cơ quan tài phán hiến pháp nhóm đối tượng xét xử tranh chấp về thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định, thì dẫn đến cơ quan tài phán hiến pháp có quyền làm rõ phạm vi thẩm quyền, và có thể nói, gián tiếp phân định thẩm quyền giữa các cơ quan hiến định khác.
Điều này đặc biệt khó lý giải trong các quốc gia có chính thể cộng hòa nghị viện tương tự như Việt Nam. Nếu như cơ quan tài phán hiến pháp có quyền phân định thẩm quyền giữa nghị viện và chính phủ, liệu có phải cơ quan tài phán này đứng cao hơn nghị viện ?
Nghị viện là cơ quan do nhân dân trực tiếp bầu ra, cơ quan tài phán hiến pháp không do nhân dân trực tiếp bầu ra, nhưng cơ quan tài phán này lại có quyền tuyên bố một đạo luật của nghị viện là vi hiến, và không có giá trị áp dụng. Như vậy, nó có mâu thuẫn với nguyên tắc dân chủ đa số hay không ?
Liên quan đến nhóm đối tượng xét xử thứ hai là các khiếu kiện của công dân về việc quyền cơ bản của họ bị các cơ quan nhà nước vi phạm, thì tài phán hiến pháp là vấn đề chủ thể của quyền cơ bản. Ở hầu hết các quốc gia, nguyên đơn của vụ án liên quan quyền cơ bản còn bao gồm cả các pháp nhân, đặc biệt là các tổ chức tôn giáo.
Chương II, Hiến pháp Việt Nam năm 2013 mang tên "Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân", liệu có chúng ta có thể chấp nhận trường hợp nguyên đơn là một pháp nhân trước cơ quan tài phán hiến pháp hay không ? Nếu không thì tại sao ? Vấn đề chủ thể của quyền cơ bản cũng liên quan câu hỏi, liệu quyền cơ bản có bảo vệ cả những người đã chết hay không ? Qua thực tiễn tài phán hiến pháp của các nước trên thế giới thì quyền cơ bản sẽ chấm dứt sau khi chết, ngoại trừ một loại quyền : quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm.
Bàn luận quanh vấn đề trên, theo nhóm tác giả Võ Trí Hảo – Hà Thu Thủy, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì Việt Nam cần phải giải quyết thêm hai vấn đề :
Thứ nhất, liên quan đến nguyên tắc tập quyền xã hội chủ nghĩa. Nếu loại bỏ vấn đề xem xét tính hợp hiến của đạo luật của Quốc hội ban hành ra ngoài phạm vi thẩm quyền của cơ quan tài phán hiến pháp, thì nội dung cốt lõi nhất của tài phán hiến pháp đã bị cắt gọt đến mức, có thể nó không còn được hiểu là tài phán hiến pháp nữa, mục đích xây dựng tài phán hiến pháp không thành.
Ngược lại, cơ quan tài phán hiến pháp mà có thẩm quyền này, nó sẽ xung đột với nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất ở Điều 2 Hiến pháp hiện hành, trực tiếp mâu thuẫn với quy định Quốc hội là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ở Điều 69. Và, nếu chúng ta sửa đổi hai điều khoản này thì có bị xem là chệch định hướng xã hội chủ nghĩa hay không ?
Thứ hai, theo cách hiểu truyền thống, pháp luật chỉ là một hình thức thể hiện ý chí của giai cấp thống trị, còn tòa án là công cụ bạo lực của giai cấp này đối với giai cấp khác, và cuộc đấu tranh giai cấp ở Việt Nam vẫn đang diễn ra ở hình thức mới, cấp độ mới.
Nếu vẫn giữ nguyên cách hiểu này, thì tài phán hiến pháp ở Việt Nam không có trách nhiệm bảo vệ quyền cơ bản của những người bị xếp vào giai cấp bị trị, thậm chí là phải đấu tranh với họ, loại bỏ họ.
Còn đối với giai cấp thống trị, họ đã nắm giữ quyền lực nhà nước trong tay, nên việc quyền cơ bản của họ bị vi phạm bởi các cơ quan nhà nước là không đặt ra, và tài phán hiến pháp cũng không cần thiết đối với họ. Kết quả là tài phán hiến pháp hoàn toàn không cần thiết cho bất cứ ai ở Việt Nam.
Và với lập luận nói trên, quay trở lại hai ví dụ ở phần đầu bài viết cho thấy câu trả lời xem ra khá đơn giản : Thứ nhứt, với thể chế đơn đảng chính trị cầm quyền, thì chuyện Tổng bí thư toàn quyền là đương nhiên. Thứ hai, một khi đã toàn quyền, thì bất kỳ ý kiến nào đi ngược lại với chính sách của Tổng bí thư, người đó sẽ đối mặt tù tội cũng là chuyện rất đổi bình thường.
Thế nhưng Việt Nam hiện đã tham gia vào cam kết về Điều ước quốc tế nên pháp luật của Việt Nam không thể cứ dẫm chân tại chỗ theo ý chí bảo thủ của đảng chính trị.
Vì lợi ích dân tộc, cần lý giải các vấn đề lý luận nêu trên, qua đó góp phần giúp Việt Nam lựa chọn mô hình tài phán hiến pháp phù hợp nhất, thời điểm chín muồi để thành lập cơ quan tài phán hiến pháp.
Cửu Long
Nguồn : VNTB, 27/10/2020
*********************
Định Tường, VNTB, 26/102020
Từ vụ án "Hội Nhà báo độc lập Việt Nam" (*), cho thấy xây dựng một thiết chế bảo hiến còn là đòi hỏi mà trong các Văn kiện Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam trong các khóa gần đây vẫn nhắc đến như một mệnh lệnh : "xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến và hợp pháp trong các hoạt động và các quyết định của các cơ quan công quyền", và "xây dựng cơ chế phán quyết về những vi phạm Hiến pháp trong hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp" như một trong những công việc quan trọng để góp phần "tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Để tránh việc tác giả bài viết này bị chụp chiếc mũ hình sự hóa theo điều 117, Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi 2017), xin được viện dẫn tiếp theo đây cho căn cứ của bài viết, đó là lý thuyết môn Luật Hiến pháp mà sinh viên trường luật được học.
Lý thuyết trên giảng đường đại học biện giải đại để như sau : Hiến pháp là "bản khế ước xã hội đặc biệt" hình thành từ các chủ thể nhân dân của mỗi quốc gia.
Các chủ thể nhân dân này trao quyền thực hiện khế ước của mình cho nhà nước, để nhà nước – với hệ thống những quyền hạn, nghĩa vụ phái sinh cũng do nhân dân ủy thác – trực tiếp thực hiện các nghĩa vụ từ khế ước chung của nhân dân, nhằm mang lại lợi ích chính cho chủ thể thụ hưởng là nhân dân.
Do đó suy ra rằng, nhóm chủ thể thực hiện hiến pháp không phải là bản thân nhân dân, mà là nhà nước – những cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận được, đó là hơn ai hết, nhà nước, với những đặc quyền vốn có của một tổ chức quyền lực công cộng đặc biệt, đại diện cho chủ quyền quốc gia, quản lý dân cư, có quyền ban hành pháp luật, tiến hành thu thuế, lại là chủ thể có khả năng vi phạm nhiều nhất việc thực hiện hiến pháp.
Nói như vậy nên khi chủ thể "càng cao bao nhiêu, càng có khả năng vi phạm hiến pháp bấy nhiêu". Vi phạm hiến pháp từ phía các chủ thể thực hiện hiến pháp cũng là một hiện tượng mang tính quy luật.
Tính chất của vi phạm hiến pháp theo đó cũng có những điểm đặc biệt hơn, nó không chỉ dừng lại ở những hành vi trái với hiến pháp mà còn ở cả những hành vi trái với "tinh thần của hiến pháp", không chỉ ở hành động mà còn ở cả sự thiếu vắng những hành động nhất định trong những hoàn cảnh, điều kiện cụ thể mà theo nguyên tắc, chủ thể có thẩm quyền cần thiết phải thực hiện để đảm bảo những lợi ích hợp hiến của nhân dân.
Một thực tế khách quan là, nếu không có cơ chế kiểm soát nhất định, thì vi phạm hiến pháp sẽ có xu hướng tăng lên và ngày càng phức tạp.
Câu nhận xét để đời của bà luật sư Ngô Bá Thành (1931 – 2004), "Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng !", cho thấy mức độ vi phạm hiến pháp tại Việt Nam đến mức độ nào.
Tuy nhiên cho đến nay Việt Nam vẫn chưa có "Hội đồng Hiến pháp" hay "Hội đồng Bảo hiến" và "Đảng và Nhà nước" trong nhiệm kỳ mới sắp tới đây, trong dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII, chưa đặt vấn đề của hình thành Tòa án Hiến pháp.
Dự kiến phải đến cuối tháng 3-2021 mới tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XIII. Dự thảo Văn kiện của Đại hội Đảng vẫn trong thời gian lấy ý kiến nhân dân. Như vậy, bài viết này mong muốn được góp thêm tiếng nói, để mai đây giảm thiểu cảnh những người tâm huyết với đất nước khi bỏ công sức ra phản biện chính sách như nhà báo Phạm Chí Dũng, Lê Hữu Minh Tuấn,… lại bị hình sự hóa theo nhóm tội "An ninh quốc gia".
Đó là cần có "Hội đồng Bảo hiến".
Cơ quan bảo hiến phải có vị trí độc lập với cả ba hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp. Chỉ có ở vị trí độc lập mới có cái nhìn độc lập, đánh giá độc lập và phán quyết độc lập.
Hội đồng Bảo hiến có thể vẫn do Quốc hội – cơ quan đại diện cho ý chí của toàn dân bầu, tuy nhiên phải gồm các"nhà làm luật danh tiếng, những con người có uy tín cả về trí tuệ, đạo đức và chính trị" được lựa chọn công khai và lấy ý kiến rộng rãi. Dĩ nhiên là cũng nên có cơ chế ứng cử đối với các thành viên và các vị trí trong Hội đồng Hiến pháp, nhằm để có thể phát huy và tận dụng được cao nhất các yếu tố trí tuệ và trách nhiệm khi tham gia Hội đồng.
Tiếp nữa, cần quy định lại theo hướng tăng thẩm quyền, phạm vi hoạt động của cơ quan bảo hiến. Cơ quan bảo hiến Việt Nam phải có các thẩm quyền cụ thể sau : thẩm quyền phán quyết liên quan đến bảo đảm tính tối cao của Hiến pháp trong hệ thống pháp luật quốc gia ; bảo vệ Hiến pháp trước sự vi phạm của các "chức sắc nhà nước cao cấp, các đảng phái chính trị" ; phán quyết tính hợp hiến của các văn bản quy phạm pháp luật – trong đó quan trọng nhất là kiểm tra, phán quyết tính hợp hiến của các đạo luật do Quốc hội ban hành ; các điều ước quốc tế được ký kết nhân danh Nhà nước ; thẩm quyền liên quan đến việc đảm bảo sự phân công, phân nhiệm giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp ; các phán quyết liên quan đến việc bảo vệ các quyền và tự do hiến định của công dân ; giải thích Hiến pháp.
Với tối thiểu những việc làm trên còn giúp Đảng Cộng sản Việt Nam tránh được điều tiếng về sự độc tài của thể chế toàn trị, của "Ở Việt Nam ta đã có cả một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng !".
Định Tường
Nguồn : VNTB, 26/10/2020
Chú thích :
(*)https://vietnamthoibao.org/vntb-nen-co-toa-an-hien-phap-de-xet-xu-nhung-nguoi-doi-canh-tranh-chinh-tri/
*********************
Vân Khanh, VNTB, 25/10/2020
Tội tuyên truyền thông tin nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được quy định tại Điều 117 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) như sau :
"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm :
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân ;
b) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân ;
c) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm gây chiến tranh tâm lý.
2. Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 20 năm.
3. Người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm".
Các tội danh theo quy định ở điều 117 kể trên, thực tế thường là các bài viết mang tính phản biện các chính sách quản trị quốc gia của chính phủ đương nhiệm, trong đó giải pháp thường được các nhà phản biện đưa ra, đó là cần có sự cạnh tranh giữa các đảng phái chính trị để tạo động lực cho cạnh tranh quản trị quốc gia.
Nói theo một nghĩa nào đó, một số nhà phản biện đã lên án việc độc tài toàn trị, kêu gọi cần có sự ‘đa nguyên’ tương tự như quyền tự do công đoàn của người lao động.
Nếu dùng điều luật 117 của Bộ luật Hình sự để xét xử cho những người kêu gọi quyền tự do chính trị, cho thấy sẽ khó thuyết phục về mặt căn cứ pháp lý.
Lập luận thường thấy từ các thẩm phán khi tham gia xét xử về tội danh cáo buộc ở điều 117 như sau :
"Thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự về tội "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam" theo quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 đã gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ngoài hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước, các đối tượng có hành vi chống Nhà nước còn có hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam. Việc tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam chính là hành vi làm mất uy tín, làm suy yếu lực lượng lãnh đạo Nhà nước, làm mất lòng tin của nhân dân đối với Đảng ; tuyên truyền với nội dung chống Đảng Cộng sản Việt Nam.
Đã có ý kiến cho rằng, Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999 và Điều 117 Bộ luật Hình sự năm 2015 chỉ quy định về hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, mà chưa quy định về hành vi tuyên truyền chống Đảng Cộng sản Việt Nam là chưa đầy đủ. Vấn đề này gây khó khăn cho công tác đấu tranh phòng, chống loại tội phạm an ninh quốc gia".
Một đơn cử, rất có thể mai này khi báo chí nhà nước tường thuật về phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án "Hội nhà báo độc lập Việt Nam", những cây bút chuyên về tuyên giáo Đảng sẽ viết đại khái vầy :
"Nghiên cứu quá trình thực hiện hành vi phạm tội của các đối tượng phạm tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như : Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy… cho thấy ngoài việc thực hiện các hành vi làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, nội dung bịa đặt, gây hoang mang trong quần chúng nhân dân, gây chiến tranh tâm lý nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì các đối tượng này còn thực hiện các hành vi trên nhằm chống Đảng Cộng sản Việt Nam.
Để thực hiện được ý đồ trên các đối tượng đã tiến hành tuyên truyền, phát tán các luận điệu xuyên tạc chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước, "bóp méo", "pha loãng" thông tin hướng lái quần chúng xem xét lại lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, bôi nhọ các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước với mong muốn tác động xấu đến tư tưởng làm giảm sút ý chí, niềm tin của quần chúng nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn…"
Với lập luận thường thấy ở trên từ những vụ án tương tự liên quan đến điều 88 trước đây, 117 hiện nay, vô hình trung cho thấy chính tuyên giáo Đảng đã gián tiếp xác nhận là việc cấu thành tội phạm này ở điều luật 88 trước đây và cả 117 hiện tại, đều không mô tả Đảng cộng sản Việt Nam là khách thể trực tiếp được bảo vệ của điều luật này, do đó về nguyên tắc một khi luật hình sự không có điều khoản cụ thể nào về hành vi chống Đảng Cộng sản Việt Nam qua việc trực tiếp, lẫn gián tiếp như kêu gọi sự cạnh tranh giữa các đảng chính trị, thì xem ra nếu vẫn muốn bắt bỏ tù những người phản biện này, cần thiết có chế định của Tòa án Hiến pháp.
Đơn giản, Hiến pháp 2013, điều 4.1 ghi rằng Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Điều 4.3 ghi rằng "Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật".
Như vậy, nếu ai đó có ý kiến phản đối điều 4.1 Hiến pháp từ lập luận là Đảng Cộng sản Việt Nam đã vi phạm điều 4.3 của Hiến pháp, vì Đảng đã tự cho mình cái quyền đứng trên Hiến pháp – như qua việc chọn nhân sự các cấp của Quốc hội và Chính phủ, thì người đó cần phải được xét xử từ Tòa án Hiến pháp. Khi ấy, chắc chắn những gì liên quan đến ‘đa nguyên – đa đảng’ sẽ có những phán xét theo căn cứ pháp luật phù hợp nhất so sự khập khiễng hiện nay.
Nguồn : VNTB, 25/10/2020
Không có tòa bảo hiến, các điều luật dễ bị xuyên tạc khiến chỉ áp dụng cho những người yếu thế mà bỏ qua những kẻ cậy quyền cậy chức. Không có tòa bảo hiến thì đương nhiên cũng thiếu cả sự quan trọng nhất : không cơ quan nào giám sát Thực thi Hiến pháp. Hiến pháp bị vi phạm cũng không ai xử lý. Nhất là đối với những người lao động ở tầng dưới xã hội, mãi mãi họ bị đè đầu cưỡi cổ mà chả biết kêu ai.
Công đoàn khối Cơ quan PVN tổ chức đối thoại với NLĐ vào tháng 12/2018 - Ảnh minh họa
Theo chủ nghĩa hợp hiến, không một ai được thiên vị trong hiến pháp của một nước, để đảm bảo công bằng. Điều 10 Hiến pháp về lao động đã không tôn trọng chủ nghĩa hợp hiến khi đưa một tổ chức công đoàn riêng rẽ vào trong Hiến pháp. Điều này làm cho một công đoàn được nuông chiều, nâng đỡ, thiên vị. Khi một cá nhân tổ chức nào được thiên vị ở trong hiến pháp thì sẽ làm việc toàn tâm cho kẻ tạo ra sự thiên vị gây nên bất công xã hội.
Trích nguyên văn điều quy định về công đoàn trong Hiến pháp năm 2013 của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam :
"Điều 10 : Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động ; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội ; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động ; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Điều 10 này của Hiến pháp gây bức xúc rất lớn trong quần chúng, khi đã được bóc mẽ ra. Họ nói rằng họ phải đưa tiền ( một cách cưỡng ép thụ động) để nuôi một tổ chức không có hoạt động thực chất, trừ ăn chơi nhậu nhẹt và mấy cuộc đi tham quan, hỏi thăm và lễ hội nhảy múa gọi là. Những việc chính yếu, thiết thực thì công đoàn nhà nước thì họ không làm, dù đã được thế độc quyền trong hiến pháp. Một nhà tranh đấu vận động thành lập các nghiệp đoàn độc lập cho Việt Nam, ông Lê Trọng Hùng ở Hà Nội cho rằng vì công đoàn theo chủ nghĩa Marx đã chết một nửa còn một nửa. Ông Hùng tái khẳng định công đoàn nhà nước chỉ còn hình thức và đã chết về linh hồn, chỉ còn nước giải tán và rút khỏi Hiến pháp là bản hợp đồng giữa người dân và nhà nước. Khi bên kia không thực hiện được hợp đồng thì hoặc là bên này xóa bỏ cuốn hợp đồng đó, hoặc là hai bên ngồi với nhau để làm lại một bản hợp đồng mới khác.
Hồi cuối năm 2018, Việt Nam đã tham gia Hiệp ước CPTPP, lại mở ra cho các doanh nghiệp và thị trường, chủ yếu là tư doanh hơn quốc doanh. Đây là cơ hội để người lao động Việt Nam chủ động và nâng cao kiến năng của mình !
Anh Trương Li bình luận :
"Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương được cải tiến với 10 nước khác và sẽ vận hành từ năm 2019, hoặc Hiệp định với Liên hiệp Âu châu. Giới đầu tư nhìn vào khuôn khổ luật chơi quốc tế và mong Việt Nam sẽ chấp hành như cam kết, nhất là về quyền lợi đích thực của người lao động Việt".
Không có tòa bảo hiến, các điều luật dễ bị xuyên tạc khiến chỉ áp dụng cho những người yếu thế mà bỏ qua những kẻ cậy quyền cậy chức. Không có tòa bảo hiến thì đương nhiên cũng thiếu cả sự quan trọng nhất : không cơ quan nào giám sát Thực thi Hiến pháp. Hiến pháp bị vi phạm cũng không ai xử lý. Nhất là đối với những người lao động ở tầng dưới xã hội, mãi mãi họ bị đè đầu cưỡi cổ mà chả biết kêu ai. Công đoàn nhà nước thì ở quá xa, còn nghiệp đoàn độc lập thì chưa có điều kiện để hiện diện thường trực. Chẳng hạn, các tài xế Grabbike phải trả phí môi giới 25% cho nhà cung cấp ứng dụng trung gian, suốt ngày họ phải lo nơm nớp bị đuổi việc vô lý mà chẳng thấy công đoàn nào xông pha bảo vệ quyền lợi của họ. Luật pháp nước Việt Nam chẳng lẽ bảo vệ công ty Grab từ nước ngoài vào thay vì bảo vệ chính những người lao động trong nước ?
Đã vậy, nghe đâu sắp có thêm một điều luật ngớ ngẩn khác, phải cố gắng lắm mới hiểu được dụng ý người ra luật :
"...Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở không được đồng thời bao gồm đoàn viên là người lao động thông thường và người lao động là người đại diện cho lợi ích của người sử dụng lao động…" (trích Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019).
Anh Nguyễn Vũ Hiệp, biên tập viên của trang tin Mạng lưới nghiệp đoàn (unionsnetwork.org) nhận xét : Với dự luật này thì người lao động cũng coi giống như bột giặt, luôn được chia thành bột giặt OMO và bột giặt thường.
Kiều Phong
Nguồn : VNTB, 20/05/2019
Với quá nhiều vụ chính quyền ngang nhiên thách thức các quyền được Hiến định của người dân, cần thiết thành lập Tòa bảo hiến (Tòa hiến pháp) để giữ gìn kỷ cương phép nước. Sự tồn vong của đảng cộng sản Việt Nam cũng cần đến cấp tòa này, khi những sai phạm mang tính cố tình của chính quyền đã khiến đảng cộng sản bị vạ lây…
Hai mẹ con bà Dương Thị Tân, Nguyễn Trí Dũng - những nạn nhân thường trực của chế độ công an trị ở Việt Nam.
Hành hung người dân, đập phá nhà dân bất chấp pháp luật
Sáng Chủ nhật 19/1, công dân Dương Thị Tân chuẩn bị rời chung cư nơi bà ở trên đường Phạm Ngọc Thạch, Quận 3, Sài Gòn để đi dự lễ cầu nguyện vị bào huynh vừa tạ thế của linh mục Vinh Sơn Phạm Trung Thành, nguyên Giám tĩnh Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, thì bị lực lượng an ninh thường phục ngăn chặn, và đã dùng vũ lực khiến bà Tân phải nhập viện sau đó.
Theo đơn thuốc chữa trị, bà Tân phải đeo một nẹp cố định phần cột sống bị thương tổn do xô xát với lực lượng an ninh sáng 19/1. Nhiều ý kiến ngờ rằng các an ninh thường phục vì nghĩ bà Tân rời nhà để tham dự tưởng niệm 45 năm Hải chiến Hoàng Sa nên họ quyết liệt ngăn chặn.
Cũng trong ngày Chủ nhật 19/1, phát biểu tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2018, triển khai chương trình công tác năm 2019 do Ban Tổ chức Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, theo tường trình của báo chí, thì Bí thư Nguyễn Thiện Nhân "yêu cầu ngay từ bây giờ bí thư quận ủy, huyện ủy phải chủ động làm dự báo về sự thích hợp của đội ngũ quy hoạch ở các vị trí thuộc quận, huyện, phường, xã. Từ đó xem xét những người nằm trong quy hoạch có đủ năng lực đảm đương nhiệm vụ không ?".
Nếu quả thật báo chí tường thuật đúng, thì trước mắt có ít nhất hai vụ việc mà bí thư quận ủy Quận 3 và bí thư quận ủy quận Tân Bình cần đưa ra khỏi tổ chức đảng và chính quyền những quan chức, viên chức đã bất chấp pháp luật để đập phá nhà cửa của người dân vườn rau Lộc Hưng.
Tương tự, bí thư quận ủy Quận 3 phải chịu trách nhiệm về việc đã để lực lượng an ninh thường phục cản trở việc đi lại của bà Dương Thị Tân, dẫn đến hậu quả bà Tân phải chịu thương tật cột sống, cần điều trị trong thời gian dài.
Tính mạng, nhân phẩm công dân đã bị chính quyền dẫm đạp thô bạo !
Trong trường hợp của bà Dương Thị Tân, các vi phạm pháp luật của chính quyền địa phương gồm có các điều cụ thể sau ở Hiến pháp 2013 - Điều 16 : 1. Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. 2. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Điều 20 : 1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm ; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
Điều 23 : Công dân có quyền tự do đi lại và cư trú ở trong nước, có quyền ra nước ngoài và từ nước ngoài về nước.
Điều 25 : Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình.
Công dân Dương Thị Tân chỉ là một trong số rất nhiều nạn nhân của việc chính quyền một số địa phương tự cho mình cái quyền đánh đập đe dọa tính mạng bất kỳ ai dám thể hiện những quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp.
Công khai đập phá tài sản nhà cửa của người dân
Với vụ việc nhà cửa của người dân ở khu vườn rau Lộc Hưng bị chính quyền quận Tân Bình đập phá, không tuân thủ pháp luật liên quan về Luật Đất đai cùng các văn bản liên quan quy hoạch, thu hồi… ; sau đó chính quyền chẳng những ngăn trở người dân nơi đây trong các thủ tục hành chính của khiếu nại, tố cáo về những hành vi sai trái đó của chính quyền, mà còn đe dọa người dân về tội hình sự là lợi dụng quyền tự do ngôn luận…, cho thấy các quyền Hiến định dành cho người dân đang bị thách thức nghiêm trọng.
Điều 22 : 1. Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. 2. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý.
Điều 30 : 1. Mọi người có quyền khiếu nại, tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền về những việc làm trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân. 2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải tiếp nhận, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Người bị thiệt hại có quyền được bồi thường về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự theo quy định của pháp luật. 3. Nghiêm cấm việc trả thù người khiếu nại, tố cáo hoặc lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống, vu cáo làm hại người khác.
Điều 32 : 1. Mọi người có quyền sở hữu về thu nhập hợp pháp, của cải để dành, nhà ở, tư liệu sinh hoạt, tư liệu sản xuất, phần vốn góp trong doanh nghiệp hoặc trong các tổ chức kinh tế khác. 2. Quyền sở hữu tư nhân và quyền thừa kế được pháp luật bảo hộ. 3. Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường.
Điều 54.3 : Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân đang sử dụng trong trường hợp thật cần thiết do luật định vì mục đích quốc phòng, an ninh ; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Việc thu hồi đất phải công khai, minh bạch và được bồi thường theo quy định của pháp luật.
Điều 2, Hiến pháp 2013 ghi : "1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do Nhân dân làm chủ ; tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. 3. Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp".
Thế nào là tính ưu việt của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ?
Những điều luật viện dẫn ở trên, có thể diễn giải là Nhà nước pháp quyền khác với Nhà nước không pháp quyền ở khả năng bảo đảm tính phổ quát và tính tuyệt đối của chủ quyền của nhân dân, chủ quyền của quốc gia và dân tộc. Về phương diện pháp lý, Hiến pháp với tính cách là bản khế ước của nhân dân, là cơ sở pháp lý cao nhất và đầy đủ nhất bảo đảm sự khẳng định đó.
Như vậy với quyền lực được xác lập ở Điều 4.1, Hiến pháp về vai trò của đảng cộng sản Việt Nam là "lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội", đã đến lúc người đứng đầu đảng cầm quyền cần quyết liệt hơn nữa trong giữ gìn kỹ cương phép nước. Người dân đã oán than ngút trời lắm rồi về sự ngang ngược của chính quyền ở nhiều địa phương, khiến lòng tin còn sót lại ngày càng cạn kiệt dần về người cộng sản hôm nay.
Tòa án hiến pháp hay tòa bảo hiến là một đề nghị ở đây đối với thể chế chính trị độc đảng cầm quyền ở Việt Nam. Tòa bảo hiến sẽ xem xét các vấn đề liên quan đến hiến pháp. Thẩm quyền chính của tòa này là quyết định luật bị vi phạm, hoặc vi hiến hay không, ví dụ chúng có xung đột với các quyền và quyền tự do mà hiến pháp thiết lập hay không. Mọi hành vi vi hiến đều bị tòa hiến pháp bãi bỏ nhằm bảo vệ sự tối cao của hiến pháp.
Đừng để ngày nào đó người dân nghĩ rằng sở dĩ không dám lập tòa bảo hiến, vì chẳng nhẽ "lạy ông tôi ở bụi này", hay là câu mai mỉa : "chân mình thì lấm mê mê, đi cầm bó đuốc mà rê chân người"… Hoặc ngắn gọn : "Độc tài là vậy !".