Ít nhất 250 nhà báo đang bị cầm tù trên thế giới. Trung Quốc đứng đầu các chế độ độc đoán không chấp nhận truyền thông độc lập, tiếp theo là Thổ Nhĩ Kỳ, Ả Rập Xê Út, Erythrea, Iran. Tại Châu Á, Việt Nam chiếm huy chương bạc trong danh sách không vẻ vang này, theo bản báo cáo thường niên của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ), công bố ngày 11/12/2019 từ NewYork.
Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ). Ảnh minh họa.Reuters
Trong năm 2019, số nhà báo bị giam trên thế giới vì nhiệm vụ thông tin độc lập tiếp tục chiếm mức độ gần như kỷ lục : ít nhất 250 người, giảm được 5 người so với năm trước, theo phối kiểm của Ủy Ban Bảo Vệ Nhà Báo (CPJ).
Tại Châu Á, Việt Nam tiếp tục đứng hạng nhì sau Trung Quốc trong danh sách chế độ nhà tù khắc nghiệt chống báo chí với 12 nhà báo bị giam hay đang chờ lãnh án. Nạn nhân mới nhất là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập Việt Nam.
Các nhà tù Trung Quốc giam giữ ít nhất 48 phóng viên, nhiều hơn năm 2018 một người. Trong bối cảnh đàn áp tại Tân Cương và phong trào dân chủ tại Hồng Kông, hàng chục phóng viên Trung Quốc bị bắt vì các bài phóng sự. CPJ đặt biệt chú ý trường hợp nữ phóng viên độc lập Sophia Hoàng Tuyết Cần (Huang Xue Qin), bị bắt vào tháng 10/2019 sau khi kể lại câu chuyện cô tham gia tuần hành dân chủ tại Hồng Kông trên blog cá nhân.
Thổ Nhĩ Kỳ đứng sau Trung Quốc với 47 người tù vốn là phóng viên, ít hơn năm trước 11 người nhưng không có nghĩa là có tiến bộ. Sau khi triệt hạ gần 100 cơ quan truyền thông độc lập, chính quyền Erdogan tạm thả hàng chục nhà báo trong khi chờ xử phúc thẩm.
Trong khu vực vùng Vịnh, Ả Rập Xê Út và Ai Cập chiếm quán quân với 26 tù nhân báo giới ở mỗi nước. Tại Iran, trong bối cảnh biểu tình chống vật giá leo thang, số nhà báo bị bắt lên đến 11 người.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 11/12/2019
Không thể im lặng mãi trước những lời tố cáo của các tổ chức nhân quyền, của chuyên gia Liên Hiệp Quốc, đe dọa trừng phạt của Quốc Hội Mỹ, Bắc Kinh buộc phải gián tiếp nhìn nhận có nhà tù tập thể giam giữ người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Bí thư tỉnh ủy Trần Toàn Quốc (Chen Quanguo) tỉnh Tân Cương tham dự một cuộc thảo luận tại Đại Hội Đảng cộng sản Trung Quốc lần thứ 19, Bắc Kinh, ngày 19/10/2017. Reuters/Tyrone Siu/File Photo
Ngoại trưởng Vương Nghị, trong tuyên bố ngày 13/11/2018 gọi đây là những "trường đào tạo, giúp công dân thoát khỏi ảnh hưởng khủng bố, hội nhập vào xã hội" trong chính sách "phòng ngừa bất ổn và khủng bố" của Trung Quốc.
Toàn bộ Tân Cương và 10 triệu dân Duy Ngô Nhĩ sống dưới ngọn roi của một bộ máy công an trị có một không hai trên thế giới. Từ năm 2016, chính quyền tuyển mộ thêm 100.000 công an vũ trang bố trí khắp các thành phố và nông thôn. Hơn 100 sinh viên từ Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ hồi hương bị bắt, một số thiệt mạng trong nhà giam, theo số liệu của Ủy ban Liên Hiệp Quốc bài trừ kỳ thị chủng tộc.
Ngoài kềm kẹp thân thể, chính quyền Trung Quốc thiết lập một hệ thống giám sát điện tử : camera nhận diện, máy đọc số xe, thiết bị bay tự hành, an ninh mạng internet, điện thoại di động, xem lén điện thư… Trong thời gian này, khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ đã bị đưa vào các trại giam tập thể này nhân danh "ổn định và hài hòa".
Câu hỏi đặt ra là vì sao Bắc Kinh tăng tốc trấn áp tại Tân Cương ? Vì sao phải cách ly một phần mười dân Hồi giáo ?
Trong chương trình "Décryptage/Giải mã" của RFI, Aynur Omer, nữ sinh viên Duy Ngô Nhĩ, thành viên Hội Duy Ngô Nhĩ tại Pháp cho biết tình cảnh gia đình mình như sau :
"Lần đầu tiên tôi nghe nói đến trại cải tạo là vào tháng 6/2017 khi chú của tôi, một công chức, bị bắt. Lúc đầu cha mẹ tôi trấn an là chú sẽ về thôi, sau đó gia đình nói là chú bị bệnh phải lo điều trị, sau đó nói là chú đi xa không có tin tức… Lúc đó mới biết là ở Tân Cương có nhà tù vĩ đại và chính quyền đang xây rộng thêm. Lúc đầu tôi không tưởng tượng là cả triệu người bị giam".
Sinh viên Aynur Omer cho biết thêm hai người anh em trai của mẹ cũng bị bắt, một người được thả còn một người vẫn bị giam. Bản thân cô cũng bị đe dọa không dám về nước thăm gia đình, và cô đang chờ nhập quốc tịch Pháp để yên thân.
Theo khuyến cáo của ngoại trưởng Trung Quốc thì công luận không nên nghe theo tin đồn mà chỉ nên tin vào thông tin chính thức.
Trái lại, theo Marc Julienne, chuyên gia của Viện Nghiên cứu Chiến lược Paris, sự kiện Bắc Kinh giữ im lặng, không công khai nhìn nhận sự thật , chứng tỏ là "có vấn đề" : chính sách giam cầm tập thể vừa vi phạm Hiến Pháp Trung Quốc, vừa bất hợp pháp đối với luật quốc tế.
"Qua các báo cáo thì chiến dịch bắt giam người Duy Ngô Nhĩ bắt đầu từ cuối năm 2016, và chương trình xây dựng nhà giam lớn khởi công vào đầu năm 2017, phù hợp với thông tin của cô Aynur Omer. Trung Quốc luôn chối là không có những trại tù cải tạo theo nghĩa của các nước Tây phương. Trái lại, Bắc Kinh còn hãnh diện cho là họ phát triển những trung tâm giáo dục, dạy nghề. Trên cơ sở lập luận chính thức này, các học viên là những người tình nguyện xin vào trung tâm đào tạo, trong đó họ được nội trú để học nghề".
Sinh viên, doanh nhân có liên hệ với nước ngoài
Trong tiến trình hoàn toàn trái phép này, nhân danh chống đe dọa khủng bố, cán bộ đảng viên, công an, cảnh sát, quân đội đều có toàn quyền hù dọa, tra tấn để tìm thông tin. Họ đe dọa sẽ trả đũa gia đình, thân nhân nếu người tù không hợp tác.
Ngay giới doanh nhân, sinh viên có một thời gian sống ở nước ngoài cũng phải "khai báo thành khẩn" với đảng Cộng Sản để được cải tạo và khoan hồng, theo thuật ngữ, lời lẽ của chính quyền Trung Quốc từ thời "cách mạng văn hóa, chống hữu khuynh" do Mao phát động. Chính vì thế mà chính quyền Tập Cận Bình tuyên bố sẽ ra luật mới để hợp pháp hóa những "vùng tối" trong chính sách đàn áp này. Chuyên gia Marc Julienne phân tích :
"Đúng là như thế. Các trại cải tạo ở Tân Cương là bất hợp pháp, Trung Quốc vẫn chưa nhìn nhận. Trên thực tế, ngày 9 tháng 10 vừa qua, họ công bố luật mới. Tuy nhiên, luật mới này thật sự chỉ là tu chính của một luật khác áp dụng tại địa phương gọi là điều lệ chống cực đoan hóa tại Tân Cương. Thế nào là chống cực đoan hóa ? Đó là một chương trình cải tạo "cá nhân và tập thể" qua các biện pháp tẩy não học tập chính trị, theo dõi diễn biến tâm lý, sửa sai, học tiếng quan thoại và luật Trung Quốc".
Trung Quốc giả điếc cho đến tháng 8 năm nay thì gặp phải hai sự kiện bắt buộc phải có phản ứng cho dù cố lách.
Trường dạy nghề, dùi cui và ngân sách của Bộ Công an
Trước hết là hình ảnh vệ tinh cho thấy trong vùng sa mạc hoang vu lần lượt mọc lên những kiến trúc hình chữ nhật có tường cao bao bọc. Một nhóm phóng viên quốc tế (AFP, BBC) tìm hiểu qua tài liệu chính thức, hóa đơn đặt hàng, giao hàng phát hiện là toàn là dây kẽm gai, hơi cay, ghế tra tấn, 2.768 dùi cui, 1.367 đôi còng sắt …
Thứ đến, tại cuộc họp ở Genève ngày 10/08/2018, bà phó chủ tịch Ủy ban Liên Hiệp Quốc bài trừ kỳ thị chủng tộc Gay McDougall chất vấn phái đoàn Trung Quốc : Có đúng không ? "Nhân danh chống khủng bố và bảo vệ ổn định xã hội, chính quyền Trung Quốc biến vùng tự trị Tân Cương của người Duy Ngô Nhĩ thành một trại tập trung vĩ đại. Theo thẩm định, ít nhất một triệu người bị giam giữ trong những nhà giam được gọi là để chống Hồi giáo cực đoan, và hai triệu người khác nữa trong những nơi được gọi là trại cải tạo. Ở những nơi đó, họ bị nhồi sọ chính trị".
Phái đoàn Trung Quốc không trả lời trực tiếp mà biện minh là "không kỳ thị chủng tộc, không tra tấn".
Chuyên gia Marc Julienne : "Đó chính là điều nghịch lý trong thái độ của Trung Quốc. Họ vẫn nói đó là các trung tâm dạy nghề trong khi mọi bằng chứng thu thập được từ năm 2017 qua hình ảnh vệ tinh, nhân chứng sống, báo cáo, hóa đơn đặt hàng, gọi thầu đều quy về một mối : đó là một chiến dịch quy mô trấn áp đạo Hồi, bắt giam hàng loạt người dân trong cộng đồng Hồi giáo gồm đa số là Duy Ngô Nhĩ và phần còn lại là Kazakhstan. Ngân sách xây "nhà trường" sao lại thuộc Bộ Công an ?"
Từ Tây Tạng đến Tân Cương trong chính sách công an trị
Từ ba năm nay Tân Cương yên tĩnh, Bắc Kinh khẳng định không một vụ khủng bố nào xảy ra từ năm 2016, nhưng tại sao tăng tốc trấn áp ?
Theo Human Rights Watch, các biện pháp tăng cường trấn áp tại Tân Cương được phát động từ năm 2016 đúng vào năm Trần Toàn Quốc, sau 5 năm "bình định" vùng đất Phật giáo Tây Tạng, được bổ nhiệm về khu tự trị người Hồi.
Tại Tây Tạng, Trần Toàn Quốc sử dụng chiến thuật "thiên la địa võng" : Sa thải hàng loạt cán bộ bị nghi ngờ có suy nghĩ độc lập. Toàn bộ hệ thống kênh truyền hình Tây Tạng chỉ phát chương trình Trung Quốc, các nhà báo còn độc lập bị thay thế bằng người của chế độ. Lãnh thổ Tây Tạng bị chia ô vuông như bàn cờ, có một đồn cảnh sát chịu trách nhiệm, hộ khẩu trong mỗi tổ dân phố có hệ thống theo dõi kép. Trong năm năm, Trần Toàn Quốc lập ra thêm 700 đồn cảnh sát, 84.100 tổ quản lý hộ khẩu, tuyển mộ thêm 12.000 công an để trấn áp mọi đề kháng ở Tây Tạng.
Năm 2016, hung thần được bổ nhiệm làm bí thư Tân Cương. Theo chỉ thị của Trần Toàn Quốc "các trung tâm dạy nghề phải được quản lý như trong quân đội, phải bảo vệ như những nhà tù" (AFP).
Chỉ vì con đường tơ lụa mới
Từ ba năm nay Tân Cương yên tỉnh nhưng vì sao Bắc Kinh cần bàn tay thép của Trần Toàn Quốc và kinh nghiệm trấn áp ở Tây Tạng để làm gì ?
Chuyên gia Marc Julienne : "Các nguồn tin của tôi xác nhận là Trung Quốc kiểm soát rất chặt, nhưng mối lo chính của họ là con đường tơ lụa mới, dự án cơ bản, ưu tiên số một của chính sách kinh tế và đối ngoại của Bắc Kinh. Con đường tơ lụa xuất phát từ Tân Cương, do vậy, một cách thuần lý, một cách "lô-gic" điểm gốc phải ổn định. Vấn đề hiện nay là làm sao có thể biết trước là chính sách đàn áp cho phép "bình định" được Tân Cương, hay trái lại, chỉ làm người dân địa phương kháng cự mạnh mẽ hơn và làm tăng thêm khát vọng đòi độc lập.
Liệu Tân Cương có may mắn hơn Tây Tạng hay không ?
Trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung căng thẳng trong nhiều mặt, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói đến biện pháp trừng phạt Bắc Kinh. Ngày 14/11 vừa qua, một nhóm dân biểu và thượng nghị sĩ Hoa Kỳ thuộc cả hai đảng, đệ trình lưỡng viện Quốc Hội một dự thảo nghị quyết kêu gọi hành pháp trừng phạt các quan chức cao cấp của Trung Quốc, để trả đũa hành động vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Tân Cương.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 22/11/2018
Cuộc gặp gỡ Donald Trump- Vladimir Putin ngày 16/07/2018 ở Helsinki nhằm bình thường hóa quan hệ Mỹ-Nga kết thúc mơ hồ trống đánh xuôi, kèn thổi ngược. Tình trạng này có thể đẩy Moskva, ở thế yếu, rơi vào vòng tay Bắc Kinh. Tuy nhiên, theo giới phân tích, cho dù tăng cường hợp tác nhưng Nga-Trung bảo vệ nhiều quyền lợi đối nghịch nhau.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin trong một cuộc hội kiến ở Thiên Tân, 08/06/2018 - Sputnik/Alexei Druzhinin/Kremlin via Reuters
Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc và Nga liên tục đưa ra những lời tuyên bố "thắt chặt đối tác hữu nghị, tin cậy lẫn nhau" thì tại Tây phương, giới phân tích nhận định một cách dứt khoát là do tương quan lực lượng không cân bằng và quyền lợi chiến lược mâu thuẫn, con đường hợp tác Nga-Trung cuối cùng sẽ đi đến bế tắc.
Hư thực ra sao ?
Trung Quốc và Nga là hai đồng lõa, nhưng không phải là đồng minh. Đó là nhận định của nhà báo Pháp Isabelle Faucon trên nguyệt san Le Monde Diplomatique tháng 08/2018.
Trên ván cờ khu vực và thế giới, do có cùng lo ngại thế lực Tây phương mà đứng đầu là Hoa Kỳ, chính quyền Nga và Trung Quốc "nâng cấp" quan hệ song phương từ "thân thiện" lên "đồng cảm ở mức cao nhất", theo bình luận của một nhà ngoại giao Nga về chiến lược Châu Á của Moskva : cho phép Trung Quốc trang bị vũ khí tối tân của Nga và sử dụng hạ tầng cơ sở trên lãnh thổ Nga để giao thương với Châu Âu… qua dự án Con đường tơ lụa mới. Cụ thể là năm 2014, trong bối cảnh căng thẳng với Tây phương trong vụ khủng hoảng Ukraine, lần đầu tiên Nga đồng ý bán tên lửa S-400 và chiến đấu cơ Su-35 cho quân đội Trung Quốc.
Quan hệ giữa hai đại cường Á-Âu này không phải là đơn giản cho đến tận đầu thế kỷ 21. Cho dù từng là "anh em xã hội chủ nghĩa" nhưng Mao Trạch Đông không bao giờ tha thứ cho Stalin từng chê cộng sản Trung Quốc không đủ sức chiến thắng Quốc Dân Đảng Trung Hoa. Sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Liên xô tan rã, hai nước cảm thấy phải xóa bỏ mối căng thẳng thường trực này, chướng ngại cản trở hai nước phát triển.
Phải mất 15 năm, Nga và Trung Quốc mới giải quyết xong "lấn cấn" đường biên giới chung hơn 4000 km. Quyết tâm cải thiện quan hệ được nhiều thuận lợi. Cả Bắc Kinh và Moskva đều muốn "bảo vệ chế độ" và lo sợ bị "khuynh đảo". Theo họ, Hoa Kỳ và Tây phương nói chung, can thiệp làm thay đổi các thể chế độc đoán để phục vụ nhu cầu kinh tế và địa chính trị của Tây phương qua các cuộc cách mạng dân chủ và mở rộng liên minh NATO.
Trong chiều hướng này, cho dù vẫn giữ thái độ trung lập trong hồ sơ Biển Đông, năm 2016, lần đầu tiên Nga ủng hộ quan điểm của Trung Quốc lên án Mỹ gây bất ổn và đã đưa tàu chiến tham gia tập trận chung với Trung Quốc. Tuy nhiên, cuộc tập trận diễn ra ngoài vùng biển tranh chấp với láng giềng Đông Nam Á. Năm sau, hải quân Nga-Trung cùng tập trận tại biển Baltic, địa bàn xung khắc với hải quân NATO.
Đồng nhưng không thuận
Tuy đồng lõa với nhau trên nhiều hồ sơ trong quan hệ song phương và quốc tế nhưng trong tổng kết thành quả ngoại giao 2017, Hội đồng Quốc gia về Quốc tế sự vụ của Nga nhấn mạnh đến thế áp đảo của Trung Quốc gây bất lợi cho Nga trong quan hệ chính trị và kinh tế.
Cụ thể, cán cân lực lượng đã nghiêng hẳn về phía Trung Quốc trong 25 năm qua. Nước Nga của Putin chỉ là bạn hàng thứ 9 của Trung Quốc, với 95 tỷ đôla. Trong khi đó, trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Mỹ, năm 2017, lên đến 555 tỷ và với Liên Hiệp Châu Âu là 615 tỷ.
Nga cũng thua thiệt ngay trong "cơ sở" trao đổi mậu dịch : xuất dầu khí mua lại hàng tiêu dùng, máy móc, trang thiết bị của Trung Quốc.
Bất lợi cũng diễn ra ngay khu vực biên giới. Moskva rất lo sợ cho vấn đề an ninh lãnh thổ, mất chủ quyền vì đất rộng người thưa trước khối lượng dân số khổng lồ của Trung Quốc.
Từ Moskva, thông tín viên Hoàng Dung cho biết cụ thể :
"Nga và Trung Quốc có đường biên giới chung và cả hai đều có tiềm năng rất lớn trên thế giới. Chính vì thế, họ lại càng không muốn đối thủ của mình lớn mạnh hơn mình. Sự lớn mạnh và hiện đại của nước này là mối lo cho nước kia, cho nên hai bên hợp tác nhưng không phải là đồng minh… các nhà chiến lược Nga nhìn nhận rằng nước Nga rộng lớn với miền Viễn Đông hầu như trống trải bên cạnh láng giềng Trung Quốc khổng lồ với 1,5 tỷ người là một vấn nạn…".
Theo Le Monde Diplomatique, kế hoạch hợp tác Nga-Trung năm 2009 là một bằng chứng hai nước "đồng sàng dị mộng" : Trung Quốc muốn nhanh chóng phát triển miền viễn đông của Nga mà Bắc Kinh xem là lãnh thổ "Đông Bắc thiên nhiên" từ thế kỷ 19 với một hệ thống thương nhân hoạt động theo bang hội. Trái lại, Moskva tìm cách kiểm soát ảnh hưởng của Trung Quốc và do vậy tỏ ra không sốt sắng thực hiện đề án này. Đến 2012, Nga thành lập Bộ Phát triển Viễn Đông, xây dựng căn cứ không gian Vostotchny và canh tân đường xe lửa Baikal-Hắc Long Giang, thu hút đầu tư quốc tế ngoài Trung Quốc, tái quân bình chính sách đối ngoại tại Châu Á. Năm 2012, cũng là năm chiếc cầu treo dài nhất thế giới, do Pháp xây dựng, nối liền thành phố Vladivostock với đảo Rousski được khánh thành.
Mối lo đối phó với "thảm họa da vàng" được Nga khéo léo thực hiện từ thời hậu cộng sản.
Hoàng Dung : "Ngay từ thập niên 1990, người ta lo lắng làn sóng di dân này của Trung Quốc vì thế chính sách di trú đối với dân Trung Quốc tại Nga cũng hết sức nghiêm khắc. Người Trung Quốc hầu như rất là khó khăn để nhận được quy chế sống dài hạn. Người Việt tuy có nhiều người sống bất hợp pháp, nhưng nhận được quy chế sống dài hạn thì dễ dàng hơn người Trung Quốc rất nhiều. Gần đây, người Trung Quốc sang vùng Viễn Đông của Nga để lấy vợ rất đông. Tại nhiều thành phố gần biên giới, các biển hiệu ghi bằng tiếng Hoa cho nên cơ quan di trú của Nga hết sức khắt khe. Bây giờ họ kiểm tra nghiêm khắc những người nước ngoài lấy vợ lấy chồng là người Nga. Đặc biệt hơn nữa là bất cứ trung tâm thương mại nào của người Trung Quốc thuê để sinh sống hay kinh doanh mà chỉ có người Trung Quốc, thì khó tồn tại quá 6 tháng. Cảnh sát kinh tế Nga tìm mọi cớ để đóng cửa…".
Cũng theo Le Monde Diplomatique tháng 8, Moskva cũng tìm cách hạn chế ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc tại Trung Á. Đó chính là lý do sâu xa mà tổng thống Putin đề xuất sáng kiến thành lập Liên Hiệp Kinh Tế Á-Âu năm 2015. Nhưng Nga lại nằm dưới tay Trung Quốc bởi lẽ Bắc Kinh có nhiều tiền hơn và các nước Trung Á tỏ ra dè dặt với Nga, sau vụ bán đảo Crimée bị Nga sáp nhập bằng thủ đoạn chính trị và quân sự.
Đã thế, giới lãnh đạo Bắc Kinh thẳng tay khai thác lợi thế. Trước hết, Trung Quốc luôn thận trọng, bảo vệ quan hệ tốt với Mỹ và Tây phương, do vậy không phải lúc nào Bắc Kinh cũng ủng hộ Moskva trên các hồ sơ chiến lược. Trung Quốc cũng theo chiến thuật "đường ta ta đi", tránh không làm Nga mất mặt, nhưng tập trung đầu tư vào quyền lợi riêng "một vành đai, hai con đường" và không bao giờ theo chân Nga công kích Tây phương nếu thấy bất lợi.
Trong thế chân vạc quốc tế này, chính quyền Nga đã dự kiến ra sao ?
Hoàng Dung : "Nhìn sâu vào thì các dự án đầu tư giữa hai nước thì dường như không nhằm để cho đối phương được phát triển. Ví dụ như Trung Quốc rất cần dầu khí và muốn Nga xây ống dẫn thẳng qua Trung Quốc nhưng Nga cuối cùng xây ống dẫn sang hải cảng Nakhodka để có thể xuất dầu khí sang Nhật. Ngược lại, vào năm 2008, khi Nga bị ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính tác động làm thiếu tiền, Nga hy vọng Trung Quốc ứng trước 10 năm tiền mua dầu khí theo thỏa thuận, nhưng Trung Quốc vẫn đủng đỉnh không đưa tiền khi Nga cần. Do vậy, cho dù hai bên cần tạo cái lực lượng ngang bằng với Mỹ và NATO, nhưng lại không muốn hợp tác chặt chẽ chỉ vì sợ đối tác mạnh hơn mình. Hợp tác Nga-Trung vì thế chỉ mang tính chính trị hơn là thực tế…".
Vấn đề là Moskva làm cách nào thu hẹp hố sâu cách biệt đang đe dọa an ninh quốc gia ? Mới đây, phản ứng tự vệ của Nga đã góp phần làm đổ bể vụ tai tiếng tham ô trong tập đoàn năng lượng Nhà nước Trung Quốc CEFC. Việc chủ tịch Diệp Giản Minh bị điều tra làm hỏng kế hoạch chiếm 14% cổ phần của Rosneft.
Theo giới phân tích, cho đến nay, để "giới hạn nguy cơ Trung Quốc", chính quyền Nga cố gắng tạo một "mối quan hệ tin cậy" và tránh gây hiềm khích. Tuy nhiên, từ khi đạt được một số thành công quân sự và ngoại giao tại Trung Đông, Nga đã lấy lại thế cân bằng lực lượng với Trung Quốc. Theo Viện chiến lược IISS, cho dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc cao gấp 3 lần ngân sách của Nga (150 tỷ/45,6 tỷ) theo số liệu 2017, Moskva vẫn bỏ xa Bắc Kinh về vũ khí hạt nhân.
Hội nhập Châu Âu ?
Trong cuộc chạy đua cạnh tranh với Mỹ, Bắc Kinh không có lý do gì quy hoạch chương trình phát triển kinh tế của mình "dựa theo nhịp độ của đối tác Nga", nhà báo Isabelle Faucon nêu câu hỏi : "liệu Moskva có tiếp tục thụ động dựa vào "lòng tốt" của Trung Quốc hay bắt buộc phải thay đổi chính sách tăng tốc canh tân đất nước và cởi mở hơn với Tây phương ?".
Hướng đi của Nga ?
Dựa vào bài học lịch sử, thông tín viên Hoàng Dung phân tích như sau :
"Trong chiều dài lịch sử, lúc nào Nga cũng hướng về Châu Âu hơn Châu Á. Ước mơ của Pierre đại đế từ thời thế kỷ 18 mở cánh cửa cho nước Nga sang Châu Âu đến bây giờ cũng là một ước mơ của người Nga muốn hội nhập chính trị và kinh tế nước Nga vào dòng chảy chung là Châu Âu".
Tú Anh
Nguồn : RFI, 09/08/2018
Chỉ trong vòng nửa năm, Kim Jong-un đã làm thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cởi lớp áo chủ chiến, lãnh đạo Bắc Triều Tiên chứng tỏ là một chiến lược gia về quan hệ quốc tế nhiều bản lĩnh với sự trợ giúp vô tình của tổng thống Mỹ Donald Trump, theo nhận định của không ít chuyên gia.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong buổi gặp gỡ tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm lần thứ nhì, ngày 27/05/2018. KCNA/via Reuters
Sau nhiều thập niên vất vả suy tính tìm tòi và chế tạo cho được vũ khí hạt nhân để bảo vệ chế độ, phải đến đời thứ ba là Kim Jong-un, Bình Nhưỡng tự cho là đủ tự tin để lớn tiếng đe dòa "tiêu diệt Hòa Kỳ trong biển lửa" trong suốt năm 2017, năm đầu nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump.
Thế rồi, đột nhiên Bình Nhưỡng đổi chiều làm một bước ngoặt 180°. Trong thông điệp đầu năm dương lịch 2018, lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra cởi mở và thông báo Bắc Triều Tiên sẽ tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc.
Theo AFP, lẽ ra chỉ có giá trị một bài học về quan hệ quốc tế trong sách ngoại giao nhưng "nhờ có phản ứng tự phát và khó lường của Donald Trump" và thời cơ thuận lợi, quyết định này đã tạo ra được một chuỗi tác động ngoạn mục sau đó.
Đúng lúc, đúng người
Hồi thứ nhất : Trong bối cảnh Thế Vận Hội Pyongchang biểu tượng của "hòa bình", Kim Jong-un không bỏ lỡ cơ hội tốt, nhận lời mời đối thoại của tân tổng thống Hàn Quốc, mới đắc cử vài tháng trước thay thế Park Geun Hye, tổng thống bảo thủ bị truất phế vì tội tham ô.
Hồi thứ hai : Kim Jong-un khai thác triệt để thời cơ để vuốt ve đại quốc : sang hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cám ơn sự bảo vệ che chở của đồng minh đàn anh, điều mà trong 7 năm qua, cháu nội của Kim Nhật Thành chẳng muốn làm từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011.
Sau hồi thứ ba là họp thượng đỉnh với tổng thống Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm vào cuối tháng Tư, và Kim Jong-un chuẩn bị gặp Donald Trump, mà giới phân tích xem là hồi thứ tư, với thượng đỉnh lịch sử Singapore.
Tất cả những diễn tiến trên đây, theo giáo sư Kim Hyun Wook, đại học ngoại giao Seoul, đã được Kim Jong-un tiên liệu : Phải đi bước đầu hòa giải với Hàn Quốc thì mới có thể đối thoại với Mỹ và bắt tay được với Hòa Kỳ thì mới kéo được Trung Quốc vào ván cờ.
Không còn hung hăng dòa Mỹ, Kim Jong-un thay đổi tác phong, biến thành một nhà lãnh đạo quốc gia lịch thiệp, tươi cười, biết lắng nghe người đối diện trong các cuộc tiếp xúc với Moon Jae-in và Tập Cận Bình. Cùng lúc đó, Bình Nhưỡng thực hiện một vài hành động có tính thuyết phục công luận như trả tự do cho các công dân Mỹ bị giam cầm, rồi phá hủy một cơ sở thử hạt nhân, và ban lệnh "tạm ngưng" thử tên lửa trong khi chờ đợi kết quả của chính sách hòa dịu.
Đối với các chính khách cánh hữu ở Hàn Quốc thì Bình Nhưỡng chỉ đóng kịch để được bỏ cấm vận, sau đó đâu lại vào đấy, như nhiều lần xảy trong quá khứ. Tuy nhiên, để bắt tay với Mỹ, Kim Jong-un đã phải dẹp thù trong, nhất là những nhân vật bị xem là thân Trung Quốc như dượng rễ Jang Song-thaek, năm 2013, ám sát anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam tại Kuala-Lumpur năm 2017, và cách nay vài hôm, thanh trừng ba tướng lãnh chủ chiến.
Kim Jong-un chứng tỏ có tài năng "lôi kéo các nhà lãnh đạo liên can người này chống người kia để thủ lợi", theo nhận định của một nhà nghiên cứu, cựu điệp viên CIA, Jung Park. Trong suy tính của Kim Jong-un, Bắc Kinh là "đối trọng" bảo đảm an toàn cho Bình Nhưỡng trong trận đấu với Washington.
Thời cơ thuận lợi
Nhưng tài ba một mình không đủ.
Nếu tổng thống Mỹ không phải là Donald Trump thì liệu nước cờ của Kim Jong-un có hiệu nghiệm hay không ? Theo Koo Kab-woo, chuyên gia Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un được cả hai yếu tố thuận lợi từ thời cơ đến nhân hoà. Không có Moon Jae-in tinh tế, Donald Trump "bốc đồng" nhận lời đối thoại trước khi tham khảo các cố vấn, thì mưu kế của Kim khó thành tựu. Nhưng dù kết quả thượng đỉnh Singapore ra sao, Bình Nhưỡng có thể yên tâm không bị Mỹ đánh phủ đầu như Donald Trum từng đe dọa.
Trong thập niên 1980, xung khắc Tây phương-Liên Xô được giải tòa cũng nhờ thời cơ thuận lợi với bốn nhân vật lãnh đạo xuất hiện cùng lúc : tổng thống Reagan, thủ tướng Anh Thatcher, Giáo hoàng John Paul II và ổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Gorbatchev. Giới quan sát cho rằng Tây phương đồng thuận giúp nhà lãnh đạo cải cách Gorbatchev thoát khủng hoảng kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Bình Nhưỡng bằng mọi cách bắt tay với Mỹ và do đâu Seoul hết sức trợ lực thuyết phục Washington ?
Câu trả lời có lẽ nằm trong hai câu hỏi kế tiếp sau đây :
Ngày nay ai thật tâm lo ngại Hòa Kỳ tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên ngoài Kim Jong-un và Moon Jae-in ? Ai lo sợ viễn cảnh bị Trung Quốc sử dụng như món hàng "mặc cả" với Mỹ đánh đổi với Đài Loan ?
Tú Anh
Nguồn : RFI, 06/06/2018
Sau "Hiểm họa da vàng" và "Từ Thiên An Môn đến bức tường Bá Linh" trong loạt bài "Châu Á đang giành vị trí trung tâm thế giới của Châu Âu ?", RFI tiếp tục giới thiệu phần cuối : Liệu Bắc Kinh trở thành bá chủ ? Ba nhà sử học Pháp Philip Golub, Pierre Glossier và Hugues Tertrais phân tích chiến lược của Trung Quốc "muốn theo con đường phát triển của Mỹ" để trở thành một siêu cường hoặc ít ra là ngang ngửa với Mỹ vào năm 2049.
Lính gác tại Quản trường Thiên An Môn, Bắc Kinh ngày kỷ niệm khởi đầu Cách Mạng Văn Hóa 16/05/2016. Reuters/Kim Kyung-Hoon
Trung Quốc bá chủ ?
Câu hỏi đầu tiên là Trung Quốc ngày nay có hội đủ sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ sau Thế Chiến Thứ Hai ? Các sử gia Pháp cho là "không" :
Pierre Glossier : Không. Không. Bởi vì vào năm 1945, bối cảnh lúc đó rất đặc biệt : Hoa Kỳ hưởng lợi từ thế chiến tuy không cố ý.
Châu Âu suy sụp. Khủng hoảng bùng dậy tại Châu Á với cuộc nội chiến quốc-cộng tại Trung Hoa, trong lúc Nhật Bản suy tàn sau khi thua trận. Do vậy, ảnh hưởng bá quyền của Mỹ càng lan rộng vì không có đối trọng , trước mặt là khoảng trống.
Và cũng vì thế mà đến những năm 1973, 1974, bắt đầu xuất hiện hiện tượng tái quân bình một cách tự nhiên : Châu Âu hồi sinh và trở lại bàn cờ ngoại giao . Tại Châu Á, Nhật Bản cũng phục hưng. Hoa Kỳ tuy vẫn giữ vai trò nổi trội nhưng trên chính trường quốc tế, thế quân bình ít nhiều được tái lập.
Trung Quốc ngày nay có tiềm năng rất lớn nhờ nước rộng dân đông. Nhưng dự phóng tương lai không theo một phương trình đường thẳng. Ai biết chuyện gì sẽ xảy ra cho tương lai Trung Quốc ? Làm sao xác quyết từ nay đến năm 2050 không có chuyện bất ngờ ? Mà lịch sử của nước Trung Hoa cũng không phải là một dòng sông êm ả.
Câu hỏi duy nhất là Trung Quốc có đi theo con đường của Hoa Kỳ từ thế kỷ 19 hay không ? Chính quyềnTrung Quốc nghiên cứu rất kỹ lịch sử phát triển của nước Mỹ. Vào cuối thế kỷ 19, sức mạnh của Hoa Kỳ bắt đầu vượt trội, áp đảo các nước Châu Mỹ và vươn lên thành đại cường thế giới. Liệu Trung Quốc có tham vọng đó hay không ? Có muốn một học thuyết Monroe tại Châu Á để rồi áp đảo toàn bộ khu vực để làm cường quốc như Mỹ ? Có thể Bắc Kinh thực hiện hai mục tiêu này cùng một lúc. Ở Châu Á, nhiều người dự đoán như thế.
Phần tôi, tôi nghĩ rằng mốc hẹn của Trung Quốc là năm 2049, nhân nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa đúng 100 tuổi. Đó là cơ hội để đảng Cộng sản Trung Quốc chứng tỏ thành công thay đổi hẵn bộ mặt Trung Quốc từ một đại quốc bị sĩ nhục thành một đại cường ca khúc khải hoàn.
Học thuyết Monroe, được tổng thống Mỹ James Monroe trình bày năm 1823, thể hiện mong muốn Hoa Kỳ "bảo trợ cho an ninh và ổn định tại khu vực Tây bán cầu" bảo vệ độc lập cho toàn Châu Mỹ. Trung Quốc không đủ điều kiện để thực hiện học thuyết này tại Châu Á, cũng không thể thống trị khu vực.
Hugues Tertrais : Thấy được hay không tương lai Trung Quốc vào năm 2050 ? Tôi đồng ý là không thể dự phóng. Đành rằng xu hướng chung thì thấy được, nhưng làm sao đoán được những bất ngờ, vì "sự cố" tự thân nó không thể dự báo. Nói cách khác, Trung Quốc có thể trở thành một đại cường toàn thắng, nhưng cũng có thể ngược lại. Trước khi xảy ra chiến tranh Việt Nam thì ai tiên liệu có cuộc chiến này ?
Còn chuyện học thuyết Monroe Châu Á, thì mô hình của Mỹ đã từng được nói đến. Trước hết, Nhật Bản sử dụng mô hình này thời chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Bây giờ người ta nói đến học thuyết Monroe của Trung Quốc . Nhưng theo tôi, Trung Quốc không thống trị được Châu Á. Chúng ta đã thấy kinh nghiệm học thuyết Monroe của Mỹ thực hiện ở Châu Mỹ : Washington không đô hộ khu vực. Tokyo cũng thế, không thống trị Châu Á với học thuyết Monroe của Nhật trong thế kỷ 20. Bây giờ với Trung Quốc, tôi nghĩ là Châu Á đang trên đà thiết lập một thế cân bằng mới, hơn là sẽ bị một thế lực bá quyền mới thống trị.
Thứ nhất, bởi vì Nhật Bản còn đó, Nhật Bản không có chết. Về phần Trung Quốc, họ đang "tìm một biên giới mới" mà chưa tìm ra. Giữa Trung Quốc và Nhật Bản, ai sẽ là đại cường thống trị Châu Á ? Trong khi đó, trong khu vực còn một cường quốc khác đang trổi dậy, đó là Ấn Độ. Rồi Đông Nam Á, với 600 triệu dân, không phải là không đáng kể. Tuy là một nhóm với nhiều nước nhỏ, nhưng khối này cũng muốn có vai vế trong khu vực, nếu họ biết tận dụng sức mạnh đoàn kết.
Theo sử gia Philip Golub, Trung Quốc không có yếu tố nhân hòa và thời thế thuận lợi như Hoa Kỳ trong thế kỹ 19 và 20.
Philip Golub : Giới lãnh đạo Trung Quốc rất hài lòng khi liên tục được khen ngợi là đang bắt kịp Hoa Kỳ một cách nhanh chóng. Nước Mỹ phải mất cả thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20 mới phát triển thành một cường quốc kỹ nghệ. Tuy nhiên, khác với Mỹ, chính quyền Trung Quốc phải đối đầu với nhiều vấn nạn to lớn từ bên trong lẫn bên ngoài. Trung Quốc đứng trước những thử thách ghê gớm, từ ô nhiễm môi trường đến quy hoạch đô thị và phát triển thị trường nội địa. Nói cách khác, không thể so sánh Trung Quốc với Mỹ. Hoa Kỳ thành công chinh phục các cường quốc Tây Âu và một phần thế giới, trong khi đó tại Châu Á, Trung Quốc phải đối đầu với Nhật Bản và với sức mạnh áp đảo của… Hoa Kỳ.
Từ thế kỷ 19, Hoa Kỳ đã là cường quốc quân sự ở Tây bán cầu. Thế kỷ 21 này, sức mạnh của Mỹ là vô địch trên toàn thế giới, vô địch ở Châu Á Thái Bình Dương, vô địch ở trong vùng biển mà Trung Quốc gọi là "Nam hải". Do vậy, các nhà lãnh đạo Trung Quốc phải suy nghĩ nhiều lần trước khi tranh giành vai trò số một của Mỹ.
Vấn đề là nước Mỹ của tổng thống Donald Trump co cụm kinh tế. Chính sách bảo hộ thương mại của Mỹ tác động gì đến Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và các tiểu long Đông Nam Á ?
Pierre Glossier : Donald Trump hiểu gì, không rõ ông ấy có hiểu, và muốn gì không phải là chuyện quan trọng. Điều cốt yếu là chính quyền Mỹ nói chung muốn gì. Người ta nói đến chính sách nào là co cụm, nào là điều chỉnh tình thế từ xa…Trên thực tế, một cách nhanh chóng, bộ quốc phòng và bộ ngoại giao Mỹ, nhất là bộ quốc phòng, vẫn ưu tiên thắt chặt các liên minh truyền thống để bảo đảm cho khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu trao đối với Châu Á, cực kinh tế số một thế giới, được tiếp tục. Tuy Donald Trump bác bỏ Hiệp Định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương TPP một cách hấp tấp, tôi tự hỏi ông ta ngày nay có cảm thấy hối tiếc hay không, nhưng Hoa Kỳ không có ý định bỏ Châu Á, rút chân khỏi Châu Á.
Tuy nhiên, để không bị rơi vào thế kẹt giữa Mỹ và Trung Quốc, nhiều nhà lãnh đạo trong vùng gia tăng các chuyến công du tìm đối tác mới, ký kết những thỏa thuận hợp tác kinh tế mới, để không bị rơi vào tình thế mà người Pháp gọi là "gom hết trứng vào một giỏ" hay bị lôi kéo vào cuộc xung đột tiềm tàng giữa Washington và Bắc Kinh. Chúng ta thấy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc, thủ tướng Shinzo Abe cũng nhiều lần gặp tổng thống Nga Vladimir Putin, Việt Nam cũng bắt đầu đối thoại với nhiều nước, Úc và Ấn Độ cũng liên tục trao đổi, thảo luận với nhau. Ba nước Nhật, Ấn, Úc cũng siết chặt quan hệ.
Nói chung, hình thức quan hệ lưỡng cực đối đầu Cộng Sản-Chống Cộng Sản của thời chiến tranh lạnh không còn thích hợp nữa, nhưng Hoa Kỳ vẫn luôn hiện diện trong khu vực. Sự hiện diện này còn một mục đích khác nữa là để Nhật Bản không lấy lý do quốc phòng để trang bị vũ khí hạt nhân. Vấn đề của Trung Quốc là làm sao không cho Mỹ triển khai sức mạnh quân sự, cho nên người ta thấy Bắc Kinh sử dụng lá bài Moskva để gây khó khăn cho Washington, trong khi Mỹ dùng bàn cờ Trung Á, nằm kẹt giữa Nga và Trung Quốc để kềm hai đối thủ này. Nhìn chung, sân chơi đang được mở rộng.
Theo sử gia Hugues Tertrais, tương quan lực lượng tại Châu Á thay đổi không ngừng nhưng đó chỉ là hiện tượng nhất thời. Chiến lược của Mỹ vẫn bất di bất dịch.
Hugues Tertrais : Tôi cũng đồng ý là một thế cân bằng mới đang hình thành, nhưng Hoa Kỳ vẫn bám trụ tại Châu Á chứ không đi đâu hết. Nhật Bản cũng thế. Sự kiện mới nhất là lần đầu tiên Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự. Cuộc diễn binh nhân 70 năm chiến thắng quân Nhật tại quảng trường Thiên An Môn là một hình thức biểu dương sức mạnh tiềm tàng, vì chưa bao giờ được sử dụng, là một sự kiện mang ý nghĩa quan trọng.
Điều này cho thấy là tương quan lực lượng ở Châu Á đang thay đổi không ngừng tùy theo sức mạnh của mỗi nước. Tuy nhiên, phải phân biệt rõ các hiện tượng được nhìn thấy hiện nay với xu hướng trong tương lai. Chẳng hạn như về kinh tế, tổng thống Donald Trump gạt bỏ TPP, nhưng trên thực tế từ đầu thế kỷ 20, Hoa Kỳ luôn khuyến khích và ủng hộ doanh nhân Mỹ buôn bán với Châu Á nhất là từ sau Thế Chiến Thứ Hai.
Tiếp theo là đến thập niên 1990, với Diễn đàn APEC và tuyên bố chung 1994 thúc đẩy mậu dịch tự do trong vùng Châu Á Thái Bình Dương. Vì thế, tuyên bố của ông Donald Trump không ký TPP không có nghĩa là Hoa Kỳ xét lại chính sách tự do mậu dịch. Hoa Kỳ luôn là một đại cường trao đổi thương mại tiếp tục điều hành thế giới. Donald Trump nói gì thì nói, chúng ta phải phân biệt hiện tượng nhất thời với xu hướng chung , từ kinh tế đến quân sự.
Câu hỏi then chốt ở đây là trong bối cảnh Donald Trump bỏ TPP, rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu COP21, mở rộng đường cho Trung Quốc thao túng chính trường quốc tế, liệu Bắc Kinh có đứng ra lãnh trách nhiệm của một đại cường hay chỉ muốn duy trì nguyên trạng ?
Ý kiến chung của ba sử gia Pháp như sau :
Chưa biết là Trung Quốc có sẵn sàng khai thác cơ hội chiến lược và khoảng trống do Mỹ để lại hay không ? Phải chờ xem chính sách đối ngoại của Bắc Kinh trong những năm tới mới biết được.
Thái độ của tổng thống Mỹ đáp ứng nhu cầu ý thức hệ. Thành phần cực đoan nhất trong xu hướng dân tộc chủ nghĩa tại Mỹ tuy không đông, nhưng có mặt trong giới thân cận của Donald Trump, trong một số định chế, nhất là về an ninh quốc phòng. Nhiều lý thuyết gia của phe này cho rằng Hoa Kỳ cần phải can thiệp "đê điều, ngăn chận Trung Quốc" trước khi quá trể. Theo họ, không nên để cho Trung Quốc trổi dậy ở Châu Á . Nguy cơ xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc là chuyện có thể xảy ra. Không phải chiến tranh toàn diện, nhưng có thể đụng độ tại Biển Đông. Bắc Kinh phải "xử lý" ra sao để đừng dẫn đến đụng độ, vì nếu xảy ra xung đột với Mỹ, kinh tế của Trung Quốc sẽ bị thiệt hại nặng.
Nhưng tại Mỹ cũng có một xu hướng thứ hai chủ trương nên cho Trung Quốc một chổ đứng, vì nếu tiếp tục can thiệp quân sự thì đến một lúc nào đó chính Hoa Kỳ sẽ bị hụt hơi và sẽ thua tại một nơi nào đó.
Trung Quốc cũng có lý do để không lợi dụng cơ hội Mỹ co cụm, bởi vì tình thế nguyên trạng hiện nay có lợi cho Trung Quốc, theo nghĩa Bắc Kinh giả vờ tôn trọng nguyên tắc kinh tế thị trường, nhưng bảo hộ mậu dịch để dành lợi thế làm giàu và gây tổn hại cho người lao động Mỹ.
Nói cho cùng, điều mà Hoa Kỳ và tổng thống Donald Trump thấy rõ và cũng là mục tiêu sâu xa là buộc Trung Quốc phải thực sự tôn trọng luật lệ và nguyên tắc kinh tế thị trường. Một khi Trung Quốc tuân thủ luật chơi quốc tế, thì Hoa Kỳ sẽ không còn bị Trung Quốc cạnh tranh bất chính. Tuy nhiên, nguy cơ xung đột trực diện với Mỹ là có thật, vì mọi nước, ở mọi nơi, không phải chỉ riêng Trung Quốc và ở Châu Á, đều muốn phát huy ảnh hưởng.
Tú Anh
Nguồn : RFI, 07/09/2017