Chỉ trong vòng nửa năm, Kim Jong-un đã làm thế giới đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cởi lớp áo chủ chiến, lãnh đạo Bắc Triều Tiên chứng tỏ là một chiến lược gia về quan hệ quốc tế nhiều bản lĩnh với sự trợ giúp vô tình của tổng thống Mỹ Donald Trump, theo nhận định của không ít chuyên gia.
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un trong buổi gặp gỡ tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm lần thứ nhì, ngày 27/05/2018. KCNA/via Reuters
Sau nhiều thập niên vất vả suy tính tìm tòi và chế tạo cho được vũ khí hạt nhân để bảo vệ chế độ, phải đến đời thứ ba là Kim Jong-un, Bình Nhưỡng tự cho là đủ tự tin để lớn tiếng đe dòa "tiêu diệt Hòa Kỳ trong biển lửa" trong suốt năm 2017, năm đầu nhiệm kỳ của tổng thống Donald Trump.
Thế rồi, đột nhiên Bình Nhưỡng đổi chiều làm một bước ngoặt 180°. Trong thông điệp đầu năm dương lịch 2018, lãnh đạo Kim Jong-un tỏ ra cởi mở và thông báo Bắc Triều Tiên sẽ tham gia Thế Vận Hội Mùa Đông tại Hàn Quốc.
Theo AFP, lẽ ra chỉ có giá trị một bài học về quan hệ quốc tế trong sách ngoại giao nhưng "nhờ có phản ứng tự phát và khó lường của Donald Trump" và thời cơ thuận lợi, quyết định này đã tạo ra được một chuỗi tác động ngoạn mục sau đó.
Đúng lúc, đúng người
Hồi thứ nhất : Trong bối cảnh Thế Vận Hội Pyongchang biểu tượng của "hòa bình", Kim Jong-un không bỏ lỡ cơ hội tốt, nhận lời mời đối thoại của tân tổng thống Hàn Quốc, mới đắc cử vài tháng trước thay thế Park Geun Hye, tổng thống bảo thủ bị truất phế vì tội tham ô.
Hồi thứ hai : Kim Jong-un khai thác triệt để thời cơ để vuốt ve đại quốc : sang hội kiến chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và cám ơn sự bảo vệ che chở của đồng minh đàn anh, điều mà trong 7 năm qua, cháu nội của Kim Nhật Thành chẳng muốn làm từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011.
Sau hồi thứ ba là họp thượng đỉnh với tổng thống Moon Jae-in tại Bàn Môn Điếm vào cuối tháng Tư, và Kim Jong-un chuẩn bị gặp Donald Trump, mà giới phân tích xem là hồi thứ tư, với thượng đỉnh lịch sử Singapore.
Tất cả những diễn tiến trên đây, theo giáo sư Kim Hyun Wook, đại học ngoại giao Seoul, đã được Kim Jong-un tiên liệu : Phải đi bước đầu hòa giải với Hàn Quốc thì mới có thể đối thoại với Mỹ và bắt tay được với Hòa Kỳ thì mới kéo được Trung Quốc vào ván cờ.
Không còn hung hăng dòa Mỹ, Kim Jong-un thay đổi tác phong, biến thành một nhà lãnh đạo quốc gia lịch thiệp, tươi cười, biết lắng nghe người đối diện trong các cuộc tiếp xúc với Moon Jae-in và Tập Cận Bình. Cùng lúc đó, Bình Nhưỡng thực hiện một vài hành động có tính thuyết phục công luận như trả tự do cho các công dân Mỹ bị giam cầm, rồi phá hủy một cơ sở thử hạt nhân, và ban lệnh "tạm ngưng" thử tên lửa trong khi chờ đợi kết quả của chính sách hòa dịu.
Đối với các chính khách cánh hữu ở Hàn Quốc thì Bình Nhưỡng chỉ đóng kịch để được bỏ cấm vận, sau đó đâu lại vào đấy, như nhiều lần xảy trong quá khứ. Tuy nhiên, để bắt tay với Mỹ, Kim Jong-un đã phải dẹp thù trong, nhất là những nhân vật bị xem là thân Trung Quốc như dượng rễ Jang Song-thaek, năm 2013, ám sát anh cùng cha khác mẹ Kim Jong-nam tại Kuala-Lumpur năm 2017, và cách nay vài hôm, thanh trừng ba tướng lãnh chủ chiến.
Kim Jong-un chứng tỏ có tài năng "lôi kéo các nhà lãnh đạo liên can người này chống người kia để thủ lợi", theo nhận định của một nhà nghiên cứu, cựu điệp viên CIA, Jung Park. Trong suy tính của Kim Jong-un, Bắc Kinh là "đối trọng" bảo đảm an toàn cho Bình Nhưỡng trong trận đấu với Washington.
Thời cơ thuận lợi
Nhưng tài ba một mình không đủ.
Nếu tổng thống Mỹ không phải là Donald Trump thì liệu nước cờ của Kim Jong-un có hiệu nghiệm hay không ? Theo Koo Kab-woo, chuyên gia Hàn Quốc về Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un được cả hai yếu tố thuận lợi từ thời cơ đến nhân hoà. Không có Moon Jae-in tinh tế, Donald Trump "bốc đồng" nhận lời đối thoại trước khi tham khảo các cố vấn, thì mưu kế của Kim khó thành tựu. Nhưng dù kết quả thượng đỉnh Singapore ra sao, Bình Nhưỡng có thể yên tâm không bị Mỹ đánh phủ đầu như Donald Trum từng đe dọa.
Trong thập niên 1980, xung khắc Tây phương-Liên Xô được giải tòa cũng nhờ thời cơ thuận lợi với bốn nhân vật lãnh đạo xuất hiện cùng lúc : tổng thống Reagan, thủ tướng Anh Thatcher, Giáo hoàng John Paul II và ổng bí thư Đảng cộng sản Liên Xô Gorbatchev. Giới quan sát cho rằng Tây phương đồng thuận giúp nhà lãnh đạo cải cách Gorbatchev thoát khủng hoảng kinh tế.
Câu hỏi đặt ra là vì sao Bình Nhưỡng bằng mọi cách bắt tay với Mỹ và do đâu Seoul hết sức trợ lực thuyết phục Washington ?
Câu trả lời có lẽ nằm trong hai câu hỏi kế tiếp sau đây :
Ngày nay ai thật tâm lo ngại Hòa Kỳ tấn công phủ đầu Bắc Triều Tiên ngoài Kim Jong-un và Moon Jae-in ? Ai lo sợ viễn cảnh bị Trung Quốc sử dụng như món hàng "mặc cả" với Mỹ đánh đổi với Đài Loan ?
Tú Anh
Nguồn : RFI, 06/06/2018