Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người mình thường nhắc nhở nhau lời của Tổng thống Nguyễn văn Thiệu "Đừng nghe những gì cộng sản nói…".

Nhưng thật ít người biết ở cuối đời ông Thiệu đã công khai giải pháp dân chủ và hòa giải để tái thiết quốc gia.

nvt1

Tưởng niệm ngày ông Thiệu lìa trần, 29/9/2001, xin cùng nhau suy ngẫm về con đường dân chủ hóa Việt Nam ông đưa ra trong cuộc phỏng vấn do Đài Truyền Hình Việt Nam Denver Colorado tổ chức vào ngày 03/05/1993.

Cộng sản cần hòa giải với dân

Ông Thiệu cho biết đã cố gắng tận lực đấu tranh với cả cộng sản lẫn đồng minh, nhưng không làm tròn nhiệm vụ được nhân dân giao phó, nên hoàn toàn nhận trách nhiệm trước nhân dân và lịch sử về sự sụp đổ của Việt Nam Cộng Hòa.

Theo ông Việt Nam Cộng Hòa là một quốc gia trên căn bản công pháp quốc tế đã bị cộng sản xâm chiếm bằng vũ lực.

Hà Nội không thực hiện hòa giải hòa hợp, không tôn trọng quyền tự quyết của người miền Nam (có cả người cộng sản miền Nam) như Hà Nội đã ký trong Hiệp Định Ba Lê năm 1973.

Ông cho rằng Việt Nam Cộng Hòa vẫn tồn tại trong tim óc của 30 triệu người dân miền Nam. Hà Nội vẫn nợ người dân miền Nam và vẫn chỉ nên được xem là chiếm đóng miền Nam trái phép.

Nếu Hà Nội không hòa giải chính trị bằng tổ chức bầu cử tự do, người miền Nam hằng trăm năm nữa vẫn không nhìn nhận họ là đại diện cho Việt Nam.

Ông thiệu cho biết từ năm 1984 ông bắt đầu kết nối các chiến hữu trong và ngoài nước để thành lập Tổ chức Vận động Yểm trợ Dân chủ và Tái thiết Việt Nam và đưa ra một giải pháp dân chủ và hòa giải gồm 3 giai đoạn được tóm tắc dưới đây.

Giai đoạn 1 : Vận động

Vận động cả người dân, báo chí lẫn chính phủ quốc hội Mỹ, các quốc gia tự do và vận động cả Liên Hiệp Quốc, vừa để tố cáo cộng sản vi phạm nhân quyền, vừa để vận động nhân quyền, nhưng quan trọng nhất phải là vận động dân chủ hóa Việt Nam.

Hoa Kỳ đã ký vào Hiệp Định Ba Lê năm 1973, vì thế người mình cần luôn luôn nhắc nhở Hoa Kỳ tôn trọng lời hứa dân chủ hóa Việt Nam họ đã ký kết.

Khi Việt, Miên và Lào có tự do dân chủ, thì Đông Nam Á mới thực sự là một khối dân chủ và ổn định, tạo được thế quân bình trong khu vực Châu Á. Như vậy không chỉ có lợi cho Việt Nam mà cho cả Mỹ và các quốc gia tự do.

Ông Thiệu nhấn mạnh tự do và dân chủ của Việt Nam phải do chính người Việt nỗ lực đấu tranh khôi phục lại.

Vì vậy cần lấy việc vận động người dân trong và ngoài nước làm chính, còn người ngoại quốc chỉ vận động yểm trợ đấu tranh.

Ông chọn giải pháp chính trị ôn hòa, không bạo động, không bạo loạn tránh một cuộc nội chiến gây hận thù triền miên cho các thế hệ mai sau.

Ông Thiệu cho biết cũng cần vận động những người cộng sản ý thức được tình trạng quốc gia đang lâm vào chỗ trì trệ để cùng đồng bào trong và ngoài nước đi đến một giải pháp dân chủ hóa Việt Nam.

Giai đoạn 2 : Thành lập Hội đồng Dân chủ và Hòa giải

Nguyên văn ông Thiệu kêu gọi :

"…tất cả các thành phần quốc gia trong và ngoài nước ngồi lại để soạn thảo một chương trình cải tiến và cải tổ đất nước, xây dựng dân chủ cấp quốc gia rộng rãi, có thể gọi là Hội đồng Xây dựng Dân chủ hay Hội đồng Hòa Giải Hòa Hợp dân tộc cũng được".

Trong bài này xin được gọi là Hội đồng Dân chủ và Hòa giải gọi tắc là Hội đồng.

Giai đoạn 3 : tiến trình dân chủ hóa

Vai trò chính của Hội đồng là xây dựng một tiến trình dân chủ hóa đất nước hay một con đường dân chủ hóa Việt Nam.

Bước đầu, vận động để tiến tới một cuộc bầu cử tự do có quốc tế giám sát bầu ra một quốc hội lập hiến ;

Bước thứ hai, quốc hội lập hiến xây dựng một hiến pháp mới cho Việt Nam ;

Bước thứ ba, xây dựng một thể chế hợp hiến, hợp pháp như quốc hội lập pháp và chính phủ từ thượng tầng quốc gia cho đến địa phương tỉnh, quận, xã, ấp ;

Bước thứ tư, xây dựng dân chủ và hòa giải, có tự do bầu cử mới có dân chủ, và khi có dân chủ rồi người Việt cần tiếp tục củng cố, duy trì và hoàn chỉnh nền tảng tự do dân chủ để tiến đến hòa giải dân tộc.

Ông Thiệu cho rằng người Việt hải ngoại không nên cố gắng tập hợp thành một tổ chức thống nhất, chỉ lãng phí thời giờ và công sức, vì môi trường sinh hoạt hải ngoại là dân chủ, đa nguyên, đa đảng.

Ông Thiệu cũng cho rằng không thể lập chính phủ lâm thời ở hải ngoại vì chính phủ cần có dân, có đất và cần được quốc tế công nhận.

Ông tin rằng một ngày nào đó sẽ hình thành một chính phủ từ trong nước, người hải ngoại chúng ta cần sẵn sàng tìm hiểu và hỗ trợ một cách tích cực.

Ông Thiệu tin rằng cũng không cần phải kêu gọi lật đổ chế độ cộng sản mà cứ vận động đến khi nào có một chính quyền chuyển tiếp.

Nếu chính quyền chuyển tiếp giao cho Hội đồng tổ chức cuộc bầu cử quốc hội lập hiến thì rất tốt, bằng không thì nỗ lực của Hội đồng trong quá trình dân chủ hóa Việt Nam cũng đã được ghi nhận.

Hòa giải chính trị

Ông Thiệu nêu rõ cho đến khi nào Hà Nội thực thi quyền tự quyết của người dân bằng lá phiếu bầu cử tự do thì mới xóa bỏ được hận thù, việc thắng thua qua chọn lựa của người dân thì mới có thể có hòa giải (chính trị) và hòa hợp thực sự.

Hòa giải chính trị thật ra chỉ là bước đầu của một quá trình hòa giải dân tộc, cần phải tiếp tục hòa giải các mặt khác nữa như lịch sử, văn hóa, vùng miền, trong đó có cả hòa giải về chênh lệch giàu nghèo giữa những tầng lớp xã hội và giữa các địa phương.

Hòa giải phải thực hiện trước vì đó là giải pháp để mọi người cùng hướng tới cùng nhìn nhận các vấn đề trái biệt.

Khi mọi người đã đồng ý chấp nhận giải pháp bầu cử tự do, thì khi đó không phải chỉ có hai bên mà rất nhiều bên, đa nguyên, đa đảng, mới hòa hợp tiến hành bầu cử quốc hội lập hiến, soạn hiến pháp, bầu cử quốc hội lập pháp và chính phủ các cấp.

Còn cộng sản Hà Nội sử dụng khẩu hiệu "hòa hợp và hòa giải" trái ngược với ý nghĩa bên trên, nghĩa là cứ hợp với nhau thì mọi trái biệt sẽ tan biến.

Bài học lịch sử về "hòa hợp và hòa giải" là ngày 30/04/1975, Tổng thống Dương Văn Minh thuộc thành phần thứ ba phải đầu hàng vô điều kiện bộ đội Bắc Việt.

Đến ngày 31/01/1977, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng Hoà Miền Nam Việt Nam và Mặt trận Giải phóng Miền Nam, trên danh nghĩa của những người cộng sản miền Nam, hoàn tất nhiệm vụ và giải thể.

Mọi khác biệt chính trị được thống nhất làm một, cả nước tiến lên xã hội chủ nghĩa, một xã hội không ai rõ hình dạng ra sao.

Ngày nay cộng sản bế tắc cả lý luận lẫn thực tiễn, xã hội và đất nước lâm vào bế tắc toàn diện.

Giải pháp dân chủ hóa khả thi ?

Sau đảo chánh 1/11/1963, chính trị tại miền Nam rơi vào khủng hoảng, biểu tình thường xuyên xẩy ra với hằng loạt các cuộc đảo chính, chính phủ dân sự Phan Huy Quát không hoạt động được phải trao trả quyền lực cho Quân Đội.

Ngày 19/06/1965, Hội đồng Quân lực bầu Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia. Ngay sau đó ông Thiệu tuyên bố cho mở cuộc bầu cử quốc hội lập hiến.

Quyết định của ông được tất cả quân đội, người dân và mọi đảng phái, mọi phe cánh chính trị nhiệt tình ủng hộ, chấm dứt tình trạng khủng hoảng chính trị.

Ngày 3/9/1966, Quốc hội Lập hiến hình thành với 118 dân biểu đắc cử và đến ngày 1/4/1967, Hiến pháp 1967 được công bố làm cơ sở pháp lý cho sinh hoạt chính trị của nền Đệ nhị Cộng Hòa.

Bởi thế ông Thiệu mới đưa ra giải pháp dân chủ và hòa giải như một con đường dân chủ hóa Việt Nam.

Mỹ đổi chiến lược

Ngày nay Hoa Kỳ đã thay đổi chiến lược công khai thúc đẩy các quốc gia độc tài cộng sản phải thay đổi thể chế sao cho phù hợp với quyền lợi của quốc gia họ, của thế giới và nhất là quyền lợi của Hoa Kỳ.

Phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York ngày 24/09/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc đến "bóng ma của chủ nghĩa xã hội" như sau :

"Một trong những thách thức nghiêm trọng nhất mà các quốc gia phải đối mặt là bóng ma của Chủ nghĩa xã hội. Nó là kẻ phá hoại quốc gia, kẻ hủy hoại xã hội…

…Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản không phải vì công lý, bình đẳng, không phải nâng đỡ người nghèo, và dĩ nhiên không phải vì những điều tốt đẹp cho đất nước.

Chủ nghĩa xã hội và Chủ nghĩa cộng sản chỉ vì một điều duy nhất : quyền lực của giai cấp thống trị".

Vì thế những ý kiến ông Thiệu đưa ra về vận động quốc tế thật đúng lúc cho chúng ta vận dụng vận động quốc tế.

Trung Quốc lo sợ sụp đổ

Trong Bạch thư Kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa được Bắc Kinh cho phổ biến vào thứ sáu 27/09/2019, nói rất rõ Trung cộng cần sự lãnh đạo mạnh mẽ, thống nhất của đảng Cộng sản nếu không sẽ "sụp đổ" :

"Trung Quốc có diện tích rộng lớn, có các điều kiện quốc gia phức tạp, và nhiều khó khăn quản trị hiếm khi được nhìn thấy. Không có lực lượng lãnh đạo thống nhất và mạnh mẽ, Trung Quốc sẽ tiến tới chia rẽ và sụp đổ, mang đến thảm họa cho thế giới".

Nếu Bắc Kinh sụp đổ thì cộng sản Hà Nội khó có thể tồn tại.

Nhưng lời văn mang tính cách đe dọa cái chết Trung cộng sẽ là một thảm họa cho thế giới.

Việt Nam lại ở ngay cạnh Trung cộng và cộng sản Hà Nội vẫn chưa mảy may thay đổi dứt khoát đứng về phía dân tộc nên lời đe dọa cần được quan tâm hơn.

Hiện tình Việt Nam

Điều ông Thiệu nhận xét gần đây được chứng minh qua việc Hà Nội ra Luật Quốc tịch 2008 đòi hỏi người hải ngoại phải ghi danh giữ quốc tịch nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam.

Trong vòng 6 năm cho đến ngày 1/7/2014, có chưa tới 6.000 trong số 4,5 triệu người ghi danh, nghĩa là chỉ hơn 0,1% số người Việt hải ngoại muốn nhận Hà Nội làm đại diện cho họ và gia đình.

Sau 44 năm, người Việt tiếp tục bỏ nước ra đi, sinh viên du học không trở về, phái đoàn quốc hội thăm Đại Hàn mất tích 9 người, đảng viên cộng sản muốn diễn biến hòa bình, dân thì nghèo, xã hội khủng hoảng, đất nước đối mặt với chiến tranh, nếu có một cuộc trưng cầu dân ý chắc chắn đa số người Việt sẽ muốn thay đổi thể chế.

Phải chăng đến lúc mọi bên, mọi phía, mọi phe cánh cần ý thức được vận mệnh đất nước đang lâm nguy trước giặc Tàu xâm lược để cùng nhau thực hiện giải pháp dân chủ và hòa giải do Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đề ra.

Ghi ân

Nhân ngày giỗ Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu năm nay, là con dân Việt Nam cộng Hòa xin chân thành ghi ân Tổng thống và tất cả những bậc tiền bối đã hy sinh bảo vệ miền Nam tự do.

Con đường dân chủ và hòa giải ngày một gần đích hơn, lịch sử sẽ công bằng đánh giá lại vai trò của Tổng thống và viết lại trang sử Việt Nam cộng Hòa bi thương nhưng hào hùng.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 29/09/2019

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn

Vua nước Chiêm Thành là Chế Mân, người anh hùng chiến thắng cả được quân Nguyên Mông, thế mà lại phải đầu hàng trước nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của Huyền Trân Công chúa. Ông liền dâng cả miền đất của Châu Ô, Châu Rí cho Việt Nam để làm quà sính lễ xin cưới Huyền Trân về làm vợ.

hue1

Trước Đại nội Huế - Ảnh minh họa

Nàng hy sinh, giúp mở được con đường Nam Tiến. Vua Trần đổi tên hai Châu thành Thuận Châu và Hóa Châu, gọi tắt là Thuận Hóa. Chữ 'Hóa' dần dần đọc trại đi thành "Huế".

Câu chuyện lãng mạn ấy đi đôi với cái phong cảnh nhẹ nhàng, quyến rũ của miền đất này. Lăng tẩm, Thành nội, Thành ngoại, đầm sen tỏa hương thơm ngát. Rồi những buổi chiều tím, những đêm trăng mờ, những con đò nho nhỏ.

Nếu ta dừng lại ở vài bậc chót khi lên Chùa Thiên Mụ mà ngắm cảnh hoàng hôn rực rỡ trên dòng Sông Hương thì sẽ thấy lòng mình lắng xuống, rồi như bị cuốn vào với tiếng chuông chùa, ngân vang vào không trung : ai đi xa Huế làm sao quên được Sông Hương ?

Cái cảnh nửa đi nửa ở không phải chỉ ám ảnh người lữ khách khi phải lìa xa nơi Cố đô, nhưng nó còn làm cho các nhà quân sự trăn trở không ít khi phải vĩnh biệt chốn Kinh Kỳ vào cuối tháng Ba năm ấy. Lúc thì cố thủ, lúc thì rút quân, rút xong lại muốn quay về giữ Huế, cứ dùng dằng mãi.

Quyết định rút khỏi Huế

Trong một báo cáo tối mật của Tướng Fred Weyand gửi Tổng Thống Gerald Ford sau chuyến viếng thăm chiến trường Miền Nam vào cuối tháng Ba 1975, ông nói tới hậu quả bi đát của việc cúp hết viện trợ làm tê liệt khả năng chiến đấu của Việt Nam Cộng hòa.

Về cuộc họp tại Dinh Độc Lập trước khi bỏ Huế (13/3), ông bình luận :

"Trong mười hai ngày tiếp theo sau buổi họp này (từ 13 tới 25), có sự băn khoăn lớn lao (critical desolation) từ phía Quân Đoàn I và Sài Gòn về việc nên giữ lại những phần nào ở Quân đoàn I, nhất là về việc có nên hay không nên giữ Huế".

"Anh Trưởng hả ? Liệu có giữ được Huế không ?"

Tổng thống Thiệu hỏi Tướng Ngô Quang Trưởng qua điện thoại. Hôm đó là ngày 25 tháng Ba 1975.

Một cuộc họp tại Dinh Độc Lập dưới quyền chủ tọa của Tổng thống Thiệu lúc 9 giờ 30 sáng. Hiện diện : ngoài Phó Tổng thống Trần Văn Hương và Thủ tướng Trần Thiện Khiêm còn có :

Về phía quân sự : Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, Trung tướng Đồng Văn Khuyên.

Về phía dân sự : Ngoại trưởng Vương Văn Bắc, Tổng trưởng Kế hoạch Nguyễn Tiến Hưng.

Khi mọi người đã đến đông đủ, một bầu không khí im lặng ghê rợn bao phủ phòng họp. Những điểm mầu đỏ đánh dấu vị trí đồn trú của quân đội Bắc Việt trên tấm bản đồ lớn trên tường đã mọc lên như nấm. Cuộc duyệt xét tình hình quân sự bắt đầu.

Sau khi Tướng Khuyên trình bày về tình hình QK I và II, Tổng thống Thiệu nhấc máy điện thoại gọi tướng Trưởng hỏi xem có giữ được Huế hay không. Rồi ông nhắc lại câu trả lời từ đầu giây bên kia :

Trung tướng Trưởng : "Nếu có lệnh, thì giữ".

Tổng thống Thiệu : "Liệu giữ được bao lâu ?"

Trung tướng Trưởng : "Ngày một ngày hai".

Tổng thống Thiệu : "Vậy nếu không giữ được, phải quyết định ngay, và nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ".

Vì những biến cố về Huế còn đặt ra nhiều nghi vấn nên chúng tôi đã ghi lại thật rõ trong cuốn sách Tâm Tư Tổng Thống Thiệu về những diễn tiến ở Dinh Độc Lập có liên hệ tới Quân đoàn I vào tháng 3/1975, cùng với suy tư của Tổng thống Thiệu và Trung tướng Trưởng. Thêm vào đó là tường thuật của Đại tướng Viên và những tài liệu của Hoa Kỳ (xem Tâm tư Tổng thống Thiệu, Chương 3).

hue2

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong chuyến công du tới Anh, 10/4/1973

Cuộc họp tại Dinh Độc Lập ngày 19 tháng 3

Trong bối cảnh ấy thì sáng ngày 19/3, tướng Trưởng bay vào Sài Gòn để trình bày kế hoạch rút lui lên Tổng thống, lần này có sự hiện diện của cả Phó Tổng thống Nguyễn Văn Hương.

Sự hiện diện của cụ Hương là việc bất thường, vì xưa nay khi bàn chuyện quân sự ông Thiệu thường chỉ mời có các ông Khiêm, Viên và Quang mà thôi. Chắc lúc đó, ông phải nhờ đến sự ủng hộ của Phó Tổng thống để thuyết phục tướng Trưởng nên bỏ Huế.

Theo Đại tướng Viên thuật lại trong cuốn Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa (trang 162-163) :

"tướng Trưởng trình bày kế hoạch với hai giải pháp :

Kế hoạch thứ nhất : nếu Quốc lộ 1 (QL 1) còn sử dụng được, quân ông sẽ rút từ Huế về Đà Nẵng và từ Chu Lai về Đà Nẵng ;

Kế hoạch thứ hai : nếu QL 1 bị cắt, các lực lượng sẽ rút vào ba cứ điểm là Chu Lai, Huế và Đà Nẵng, nhưng Huế và Chu Lai chỉ là hai nơi tập trung quân để cuối cùng thì rút về Đà Nẵng bằng đường biển. Đà Nẵng sẽ là điểm phòng thủ chánh do bốn sư đoàn bộ binh và bốn liên đoàn Biệt động quân đảm nhận.

Vì lúc ấy "không thể rút quân theo kế hoạch thứ nhất được vì đoạn đường Huế-Đà Nẵng, Chu Lai-Đà Nẵng đã bị chốt, làn sóng tỵ nạn lại đang từ mọi ngả dùng con lộ duy nhất này để chạy về Đà Nẵng, nên tướng Trưởng kết luận : 'Chúng ta chỉ có một chọn lựa, và chúng ta phải thi hành ngay trước khi quá trễ'.

Chọn lựa của tướng Trưởng là rút quân về Huế, Đà Nẵng, Chu Lai và lợi dụng những công sự phòng thủ đã có trong thành phố, hay địa hình chung quanh, như những cao điểm của những ngọn đồi ngoại thành để chống cự".

Trong cuộc họp ngày 19/3, Tổng thống Thiệu kể lại là ông đã miễn cưỡng chấp thuận kế hoạch thứ hai của ông Trưởng vì ông Trưởng nói không còn đường nào tháo lui khỏi Huế được nữa vì QL 1 đã bị chặn : "Tôi nói với tướng Trưởng là mặc dầu lịch sử có thể phán xét tôi như một thằng ngu (imbécile) nhưng vì lòng tôi đối với đất nước, tôi đồng ý". Sau đó ông Thiệu tiễn ông Trưởng ra khỏi Dinh Độc Lập và nói : "Tôi đợi đến khi anh về tới Đà Nẵng rồi sẽ tuyên bố cố thủ Huế trên đài phát thanh".

Tổng thống Thiệu thêm : "Khi về tới Đà Nẵng thì ông Trưởng gọi điện thoại để yêu cầu tôi hãy hoãn lại việc tuyên bố tử thủ Huế trên đài phát thanh, vì có thể ta không giữ nổi Huế".

Tôi hỏi tại sao tướng Trưởng lại thay đổi ?

Tổng thống Thiệu trả lời : "Lý do là khi máy bay vừa đáp xuống Đà Nẵng, tướng Trưởng nghe tướng (Lâm Quang) Thi, Tư lệnh phó Quân đoàn I báo cáo là quân đội Bắc Việt đã bắt đầu pháo vào Bộ chỉ huy rồi".

Việc tướng Thi báo cáo Bộ tư lệnh của ông đã bị pháo thì Đại tướng Viên cũng xác nhận trong cuốn hồi ký của ông (sđd., trang 164-165). Nhưng việc tướng Trưởng xin hoãn tuyên bố cố thủ Huế trên đài phát thanh thì chưa thấy ai nói tới.

Cũng theo lời Tổng thống Thiệu, vì ông đã miễn cưỡng đồng ý với tướng Trưởng về việc giữ Huế mà bây giờ lại thấy ông Trưởng dè dặt, lung lạc nên nhân cơ hội này, ông Thiệu lại nói thêm về việc nên bỏ Huế. Ông cho ông Trưởng biết là cả Phó Tổng thống, cả Thủ tướng đều chống lại việc giữ cả hai nơi - Huế và Đà Nẵng- cùng một lúc.

Nhưng mặc dù Tổng thống Thiệu tỏ ý dè dặt, tướng Trưởng vẫn tiến hành kế hoạch giữ ba cứ địa Huế, Chu Lai và Đà Nẵng, vì Quốc Lộ 1 đã bị chận rồi, không thể rút được nữa, vả lại ông cho rằng Tổng thống tuy dè dặt nhưng chưa rút lại lệnh đó.

Vào thời điểm này thì Đài BBC luôn loan báo đầy đủ chi tiết về cuộc triệt thoái Pleiku và tiên đoán là quân đội Bắc Việt sẽ tới vùng phụ cận Sài Gòn trong vòng vài ba tuần lễ vì Quốc lộ 14 từ Ban Mê Thuột đã mở rộng. Đài VOA thì tường thuật về vụ nhóm Dân chủ ở Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu chống viện trợ bổ túc cho Miền Nam (ngày 12 tháng Ba) với số phiếu 189-49 ; rồi nhóm ở Thượng viện theo sau với số phiếu 34-6.

Binh sĩ nghe liên tục như vậy nên tinh thần sa sút rất nhanh. Từ Miền Trung, đơn xin tiếp liệu về thực phẩm, dược phẩm, nhà tạm trú cho gia đình binh sĩ và nhân dân di tản tới tấp bay về Sài Gòn, nhưng chính phủ trung ương đã hầu như cạn kiệt.

Năm ngày trăn trở về Huế

Ngày 23/03/1975, theo Thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn trong hồi ký Đất Nước Tôi :

"Tướng Trưởng họp bộ tham mưu tại Đà Nẵng, ra chỉ thị cho tướng Thi tử thủ Huế nhưng đồng thời phải có kế hoạch để sẵn sàng di tản về Đà Nẵng nếu tình thế đòi hỏi. Đến đây ai cũng nhận thấy tình hình cố đô Huế rất nguy kịch, nếu không nói là tuyệt vọng". Sau đó, sáng ngày 24 tháng Ba, tướng Thi và Bộ Tư lệnh tiền phương đáp tầu Hải quân đi Đà Nẵng…".

Ngày 25 tháng Ba, theo Đại tướng Viên :

"Tất cả các đơn vị của Quân đoàn I tụ lại tại ba phòng tuyến chánh : nam Chu Lai, Đà Nẵng (kể cả Hội An) và Bắc thành phố Huế… Tinh thần binh sĩ xuống thấp và chán nản. Từ lâu, chinh chiến hết trận này đến trận nọ, nhưng chưa bao giờ họ nằm trong cảnh tuyệt vọng như vầy… Trong tình thế thất vọng đó, Quân đoàn I nhận thêm một quân lệnh từ Dinh Độc lập : Tổng thống Thiệu ra lệnh tướng Trưởng dùng ba sư đoàn cơ hữu của quân đoàn để phòng thủ Đà Nẵng. Sư đoàn Thủy quân lục chiến được đóng vai trừ bị. Đêm đó tướng Trưởng ra lệnh cho Sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị chung quanh Huế rút về Đà Nẵng…

Kế hoạch di tản lực lượng khỏi Huế bắt đầu bằng cách cho sư đoàn 1 Bộ binh và các đơn vị cơ hữu của sư đoàn rút ra Cửa Tư Hiền…" (sđd., 171).

Lệnh bỏ Huế ngày 25/03/1975

Như viện dẫn ở đầu bài, trong buổi họp ngày 25 tháng Ba, sau khi Tổng thống Thiệu hỏi tướng Trưởng "nếu ông quyết định giữ Huế thì được bao lâu", ông Trưởng trả lời là chỉ giữ được "ngày một ngày hai", ông Thiệu lập lại cho mọi người nghe, rồi ra lệnh : "Vậy nếu không giữ được, phải quyết định ngay, và nếu quyết định (bỏ Huế) thì phải làm cho lẹ".

Tới đây ông Thiệu không nhắc lại thêm các câu trả lời sau đó của ông Trưởng nữa. Ông đặt ống nói xuống, và nói : "Ông Trưởng rất chán nản (depressed). Sau khi tham khảo với Đại tướng Viên, Tổng thống Thiệu ra chỉ thị cho ông gửi công điện cho tướng Trưởng, đưa ra ba lệnh (và tôi ghi rất rõ ràng xuống cuốn sổ tay còn giữ được) :

"Thứ nhất, bỏ Huế ;

"Thứ hai, phải làm cho lẹ ; và

"Thứ ba, tử thủ Đà Nẵng".

Tổng thống Thiệu thở dài : "Mình trông cậy vào ba cứ điểm (enclaves), mà bây giờ chỉ còn một ở Đà Nẵng". Nghe vậy, ông Bắc và tôi bàng hoàng nhìn nhau. Như vậy là đã có lệnh chính thức bỏ Huế.

Trong cuốn 'Decent Interval,' tác giả Frank Snepp viết về lòng thương của tướng Trưởng đối với binh sĩ và hậu quả như sau :

"Đang khi tướng Trưởng trình bày với Tổng thống Thiệu về kế hoạch của ông thì số quân đội mà ông cần để thi hành này lại đang tan rã (disintegrating). Và đó là một phần lỗi của ông ta (He was partly to blame). Mấy ngày trước đó ông đã cho phép quân nhân của Sư đoàn I được phép lo cho an toàn của gia đình họ. Ông đã làm như vậy là vì lòng thương của một tư lệnh đối với binh sĩ, nhưng khi Quốc Lộ I đã bị chận rồi thì chỉ thị này đã dẫn tới hỗn loạn, vì sĩ quan cũng như quân nhân đã bỏ đồn từng loạt để lo cho thân nhân tìm lối thoát".

Số phận quân nhân

Nơi đây, tôi mở ngoặc để nhắc lại về tình trạng kinh tế khó khăn của thân nhân người binh sĩ trước khi sụp đổ. Từ mùa hè 1974, sau khi giá xăng dầu tăng lên gấp ba lần, ngân sách không còn đủ khả năng tăng lương cho quân đội để đáp ứng với lạm phát vì viện trợ đã bị cắt gần hết.

Chính phủ chỉ định cho mỗi bộ nhận một sư đoàn để tìm cách giúp đỡ. Sư đoàn 1 được giao cho Bộ Kế hoạch.

Trong một chuyến đi Huế thăm sư đoàn này, chúng tôi được Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm đưa đi thăm hỏi gia đình binh sĩ.

hue3

Các binh sĩ Việt Nam Cộng hòa bị áp giải trên đường phố Sài Gòn sau khi quân miền Bắc chiếm được thành phố, đánh dấu sự kết thúc cuộc chiến

Ông tâm sự rằng để cho thân nhân sống trong các lều, bạt ngay sát trại như thế này thì thật là nguy hiểm khi bị pháo kích và cũng thật khó khăn khi phải chuyển quân, nhưng phải chấp nhận vì với số lương quá ít ỏi, người lính phải chi tiêu chung với gia đình.

Thật vậy, với 20.000 đồng một tháng (mãi lực bằng khoảng $28 đô la), người quân nhân chỉ có thể mua gạo, nước mắm cho gia đình, còn lại rất ít cho những nhu cầu khác như thuốc men, may mặc, giáo dục con cái, giải trí.

Ngày 26 tháng Ba, 1975 một buổi họp tiếp theo tại Dinh Độc Lập vào lúc 10 giờ sáng. Có mặt tại buổi họp gồm Tổng thống Thiệu, Ngoại trưởng Bắc và chúng tôi.

Cuộc họp này là để bàn về việc tìm cách để cấp tốc khai thác hai bức thư của Chủ tịch Thượng viện Trần Văn Lắm và Chủ tịch Hạ viện Nguyễn Bá Cẩn viết cho hai Chủ tịch Lưỡng viện Quốc hội Hoa Kỳ ngày hôm trước (25 tháng Ba). Giữa cuộc họp thì Tổng thống Thiệu lại nhấc điện thoại nói chuyện với tướng Trưởng về Huế :

Tổng thống Thiệu : "Anh Trưởng hả ? Tình hình Huế thế nào ?"

tướng Trưởng (theo như lời ông Thiệu nhắc lại trong phòng họp) : "Đang bị đánh vài trận".

Cùng ngày bỏ Huế, Tổng thống Thiệu chỉ thị cho tôi trình ông bản thảo chót về bức thư cầu cứu Tổng thống Ford.

Mở đầu có câu : "Thưa Tổng thống, lúc lá thư này tới tay Ngài, thành phố Huế có lẽ đã bị bỏ ngỏ, và rất có thể chính Sài Gòn cũng bị đe dọa".

Ông Thiệu gạch ngay câu mở đầu đi vì Huế đã bị bỏ ngỏ rồi. Trên đầu thư chúng tôi đề "Saigon, March…, 1975" để trống con số về ngày gửi, vì chưa biết ông định gửi thư ngày nào. Lúc ấy ông lấy bút chì xanh viết xuống số "25" thật to, tức là "Saigon, March 25, 1975".

Tôi còn nhớ rõ khuôn mặt buồn thảm của ông lúc ấy. Ông bảo tôi đưa bản văn cho Chánh văn phòng tổng thống là Đại tá Cầm để cho đánh máy và chuyển cho Đại sứ Graham Martin ngay.

Gửi thư đi rồi, Tổng thống Thiệu chờ đợi từng giây phút về phản ứng của Tổng thống Ford.

hue4

Tổng thống Hoa Kỳ Gerald Ford, Ngoại trưởng Henry Kissinger và Phó tổng thống Nelson Rockefeller hôm 28/4/1975 đã thảo luận tại Tòa Bạch Ốc về kế hoạch di tản khỏi Sài Gòn

Nhưng nhận được thư SOS, Tổng thống Ford lờ đi, không hồi âm, măc dù khi lên nhậm chức tổng thống thay Nixon vào mùa hè 1974 ông đã viết cho ông Thiệu ngay ngày làm việc đầu tiên tại Tòa Bạch Ốc :

"Những cam kết mà nước Mỹ đã hứa hẹn với Việt Nam Cộng Hòa trong quá khứ vẫn còn hiệu lực và sẽ được hoàn toàn tôn trọng trong nhiệm kỳ của tôi" (thư ngày 10 tháng 8, 1974, xem Khi Đồng Minh Tháo Chạy, trang 194-196).

Tổng thống Ford chỉ làm một nghĩa cử để biểu diễn. Trong cuốn hồi ký A Time to Heal (1979) ông viết lại :

"Chiều ngày 25 tháng Ba (ngày 26 giờ Sài Gòn), tôi họp với các ông Kissinger, Scowcroft, Martin và Tướng Weyand, Tham mưu trưởng Lục quân. Mọi người đều biết là tình hình Miền Nam rất trầm trọng, nhưng chẳng ai biết nó nguy kịch như thế nào. Tôi yêu cầu ông Weyand bay sang Sài Gòn sớm nhất có thể, ở đó một tuần rồi mang về một báo cáo đầy đủ".

Nói rằng "Chẳng ai biết nó nguy kịch như thế nào" thì đúng là nói dối.

Ông đã nhận được thư SOS của Tổng thống Thiệu và của lưỡng viện Việt Nam Cộng hòa, lại được nghe Đại sứ Graham Martin từ Sài Gòn về báo cáo. Sau này Đại sứ Martin còn nói lại với chúng tôi là sau khi ông họp nhiều lần với Tổng thống Thiệu, cũng như đã có đầy đủ tin tức chiến trường do ông Polgar (Giám đốc CIA ở Sài Gòn) cung cấp, ông đã báo cáo rất chi tiết cho cả hai ông Kissinger và Ford. Như vậy là trong hồi ký, trước sự đã rồi, Tổng thống Ford chỉ biện luận cho hành vi phản bội của mình.

Hồn khí linh thiêng nơi cố đô

Vừa rút khỏi Huế buổi sáng thì bưổi chiều lại một tin sét đánh, hy vọng cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa để có chút tiền sống cầm hơi đã bị tan biến.

hue0

Quân đội cộng sản tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước Thành nội Huế ngày 26/3/1975. Ảnh : Lâm Hồng Long - TTXVN.

Vào cuối năm 1974, một tia sáng loé lên. Có ông vua dầu lửa người xứ Arabia chiếu cố đến Miền Nam. Vua Saud al Faisal cho biết ông có rất nhiều thiện cảm với nhân dân Miền Nam và đã bí mật đồng ý cho Miền Nam vay một số tiền để mua tiếp liệu (xem Khi Đồng Minh Tháo Chạy, trang 474).

Thật là một cơ hội quý báu. Đang lúc nguy kịch lại có nhà hảo tâm đến cứu. Vua Faisal bằng lòng cho vay dài hạn 300 triệu USD (để bù đắp cho số tiền vừa bị Quốc hội Mỹ vét nạo hết). Bao nhiêu hy vọng tràn trề. Họp lên họp xuống, nhất thiết là phải thực hiện ngay kế hoạch này để tới 1975/76 còn giữ được một phần lượng nhập cảng những hàng thiết yếu. Đặc biệt là dầu, xăng, thực phẩm, thuốc men, và phân bón. Nếu quá khan hiếm những sản phẩm này thì chắc chắn sẽ có khủng hoảng lớn.

Nhưng đúng là "họa vô đơn chí". Những cái rủi ro nó hay theo nhau mà đến. Đang lúc chúng tôi sửa soạn để cùng với Ngoại trưởng Vương Văn Bắc lên đường đi Riyadh đàm phán, mong sớm có giải ngân, thì đùng một cái, vua Faisal bị chính cháu ruột mình sát hại một cách thảm thương ngay trong hoàng cung.

Chính phủ Miền Nam bàng hoàng. Tổng thống Thiệu gửi điện văn chia buồn cùng Hoàng gia, nói tới nghĩa cử cao đẹp của ngài Faisal, cầu xin cho Allah sớm đưa Ngài về nơi cực lạc. Vì tình cảm cao đẹp ấy, Việt Nam Cộng hòa yêu cầu Hoàng gia tiếp tục thực hiện công cuộc yểm trợ Miền Nam như Ngài đã vạch ra.

Thế nhưng, trong lúc tang gia bối rối, tình hình quốc nội xáo trộn, Hoàng gia Saudi đâu còn thời giờ hay tinh thần mà để ý đến chuyện của nước khác.

Đứng về khía cạnh tâm linh, tôi tự hỏi làm sao lại có sự trùng hợp giữa cố đô Hoàng triều Huế và ông vua xứ Saudi cùng một ngày như vậy ? Phải chăng đã đến lúc vận nước suy tàn ?

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 09/04/2019

Tác giả, tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng là cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

Published in Diễn đàn

Ý kiến nói đạo luật về "Người Cày Có Ruộng" và kết quả cải cách điền địa là một điểm sáng chói trong sự nghiệp lãnh đạo của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

nccr1

Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký tại Cần Thơ sắc lệnh số 003/60 ban hành luật "Người Cày Có Ruộng".

Ngày Tổng thống Thiệu ra đi (29/9/2001), ông đã mang xuống tuyền đài bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu nỗi buồn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ông cũng đã mang theo một sự yên ủi vô biên, một niềm vui cuối cùng của cuộc đời. Đó là sự thành công trong lãnh vưc kinh tế, xã hội. Đạo luật về "Người Cày Có Ruộng" và kết quả (tương đối là tốt đẹp) về cải cách điền địa là một điểm sáng chói trong sự nghiệp lãnh đạo của ông. Ảnh hưởng của nó vào đời sống người nông dân là một thành quả lớn lao của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

Truyền thông Mỹ không bao giờ bình luận về khía cạnh tích cực này cũng như thành tích "5 Năm Vàng Son, 1955-1960" của Đệ Nhất Cộng Hòa (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, chương 13). Mỗi khi đề cập tới Việt Nam thì chỉ là "Vietnam War," như ta đang xem phim tài liệu dài 18 giờ do Ken Burns thực hiện. Đài PBS bắt đầu chiếu phim này từ ngày 19/9/2017. Thật là một sự trùng hợp : chi khoảng hai tuần sau, New York Historical Society lại có một triển lãm lớn tại bảo tàng ở số 170 Central Park West, NYC từ ngày 4/10/2017 tới 22/4/2018, với cùng chủ đề "Vietnam War."

Hội chứng Việt Nam đã trở thành một phần của lịch sử Hoa Kỳ, được giảng dạy ở các đại học, nhưng cũng chỉ nhắm vào Vietnam War, với cái nhìn của người Mỹ, dù luôn nói rằng "với góc độ từ mọi phía tham gia cuộc chiến." Chắc chắn rằng cuốn phim do PBS trình chiếu cũng như hình ảnh tại triển lãm ở New York sẽ không bao gồm - dù chỉ một ít - hình ảnh nói lên những xây dựng của Việt Nam Cộng Hòa ngay giữa một cuộc chiến hoang tàn.

nccr2

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong lễ khai trương một bệnh viện ở Sài Gòn

Cho nên, nhân dịp ngày giỗ Tổng thống Thiệu (29/9/2017), chúng tôi nhắc lại kỷ niệm người cày có ruộng để phần nào vinh danh người quá cố (xem Tâm Tư Tổng thống Thiệu, chương 22).

Tấc đất tấc vàng

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân ta là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần nước thì là vàng. 'Đất Nước tôi' : đất và nước. Chỉ có người Việt Nam ta mới dùng hai chữ này để chỉ quê hương, tổ quốc mình. Một lý do là vì đại đa số nhân dân chỉ sinh sống loanh quanh ở những vùng đất ven sông. Lúc đầu con cháu Văn Lang, Âu Lạc đã kéo nhau tới vùng đồng bằng sông Hồng Hà. Tới thời Nam tiến thì vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tính ra thì tới 75% dân số Miền Bắc sinh sống ở đồng bằng sông Hồng và 75% nhân dân Miền Nam, ở đồng bằng Cửu Long.

Cải cách điền địa

Từ ngày lập quốc, tổ tiên ta đã để ý tới việc phân chia ruộng đất, làm sao cho đa số người dân được chia sẽ đất đai. Tới năm 207 trước Tây nguyên, theo phép tỉnh điền của Tầu, Triệu Đà đã phân chia đất đai : mỗi mảnh đất được chia làm 9 lô : lô ở giữa thuộc công điền, còn lại thì phân chia cho 8 gia đình, họp lại là một "tỉnh" (tsing). Dần dần, vua chia cho mỗi thanh niên 100 mẫu ('meou') tương đương 3,600 mét vuông để canh tác. Khi tới 60 tuổi thì phải trả lại để chia cho người khác. Nhờ không có tích lũy đất đai nên sự cách biệt giầu nghèo không quá lớn, công bình xã hội thời ấy đã tiến bộ xa hơn ở nhiều quốc gia khác.

Đến đời vua Trần Thuận Tôn (năm 1388) thì có chiếu ấn định không người dân nào được sở hữu quá 10 mẫu. Dưới triều Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng đều làm luật cải cách điền địa. Nổi tiếng là Sứ thần đặc trách Phát triển Nông thôn tên là Nguyễn Công Trứ, ông có công lớn biến đổi vùng đất hoang vu miền duyên hải gồm Ninh Bình, Nam định, Hải Dương thành đất canh tác và phân chia cho nông dân (trong đó có gia đình của tác giả).

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa

Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng cải cách ruộng đất trong điều kiện chính trị, kinh tế thật khó khăn vào lúc mới thành lập nền Cộng Hòa. Ông đã mạnh dạn ký Dụ số 57 (tháng 10, 1956) nhằm khởi sự một cuộc cách mạng ruộng đất, nhắm vào nhiều lãnh vực : cải tổ quy chế tá điền, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, dinh điền, để cho dân khai thác ; khuyến khích chủ điền tự ý phân chia điền sản để bán cho tá điền rồi chính phủ giúp nông dân tín dụng để mua đất. Thành quả của bước đầu đang được gặt hái trong "Năm Năm Vàng Son" (Xem Chương 13, Khi Đồng Minh Nhảy Vào) thì ông bị sát hại năm 1963. Trong hai năm tiếp theo, tình hình chính trị Miền Nam thật nhiễu nhương, làm mất đi cái đà của những tiến bộ kinh tế và xã hội, trong đó có sự dán đoạn của công cuộc cải cách điền địa.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa

Vừa lên chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Tướng Thiệu ký ngay Sắc Luật 020/65 ngày 8 tháng 10, 1965 để sửa đổi Dụ 57, "cấp quyền sở hữu thiệt thọ cho nông dân mua ruộng truất hữu." Cùng một ngày vào năm sau, ông ký Sắc Luật số 021/66 "cấp quyền thực trưng vô thường trên những sở đất thuộc công sản Quốc gia tại các Dinh điền và Trại định cư cho những người đang thực sự khai khẩn." (Chúng tôi may mắn sưu tầm được bản gốc của cả hai sắc luật này và in trong cuốn Tâm Tư Tổng thống Thiệu, trang 472-473).

Trong một chuyến đi Miền Tây vào tháng 2, 1966, ông tuyên bố ở Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là ông không đồng ý với việc chính phủ cứ khư khư giữ đất lại. Ông tuyên bố : "Đất đai phải thuộc về người trồng cấy." Chương trình được đại sứ Mỹ Bunker hết sức ủng hộ.

nccr3

Chiến tranh đã gây tang tóc và tàn phá miền Nam Việt Nam

Hai trở ngại lớn và biện pháp giải quyết

Ngay từ ban đầu, nỗ lực cải cách điền địa đã gặp phải hai trở ngại lớn từ hai phía Mỹ, Việt.

Về phía Mỹ, cơ quan viện trợ USAID là nguồn hỗ trợ một phần tài chính và kỹ thuật cho chương trình này thì lại thiếu nhất quán về vấn đề 'quyền tư hữu đất đai.' Có hai trường phái : một trường phái cho rằng người nông dân Việt Nam đã quen với truyền thống tá điền, không hiểu nhiều và cũng không đặt vấn đề sở hữu đất, miễn sao chính phủ giúp cho họ ổn định, giữ được khế ước cho lâu dài, không tăng tô (tiền thuê đất) là được rồi, việc phân chia đất làm sở hữu sẽ đưa lại nhiều vấn đề rắc rối. Trường phái thứ hai thì có ý kiến ngược lại : sở hữu đất là quan trọng nhất và có ý nghĩa sâu xa đối với nông dân. Theo quan điểm này, ý niệm về công bình xã hội phải gắn chặt với việc người nông dân được sở hữu một miếng đất. Chế độ tá điền dù được hoàn thiện tới bao nhiêu cũng không thể thay thế được mục tiêu này.

Để đi tới một kết luận cho vững chắc, Viện Nghiên Cứu Stanford (Stanford Research Institute gọi tắt là SRI) của Đại học Stanford được USAID thuê để nghiên cứu thật sâu vấn đề này trong hai năm 1966-1968, dùng những kỹ thuật tân tiến để trắc nghiệm thái độ và quan niệm của nông dân. Kết quả trắc nghiệm cho thấy thật rõ ràng : người dân ước mong làm sở hữu mãi mãi một miếng đất. Đối với một nông dân sống trong mái nhà tranh, trên một mảnh đất khoảng 1/3 mẫu, làm sao có được một vài sào ruộng để canh tác là giấc mơ. Miếng đất ấy sẽ nối kết quá vãng, hiện tại và tương lai. Nó nối kết tổ tiên với con, với cháu. Rồi lúc người nông dân về già, không còn canh tác được nữa thì lấy gì mà sống ? Vì hết còn làm tá điền, phải trả đất lại cho ông phú nông thì chỉ còn trông mong vào con cái. Chúng nó mà lờ đi thì hết đường vì đâu có 'savings' (tiền tiết kiệm) hay "social security".

Về phía Việt, trở ngại lớn nhất là sự chống đối của các đại điền chủ. Ruộng đất miền Đồng Bằng Cửu Long có một đặc tính hãn hữu : đó là nó tập trung quá nhiều vào vài nghàn điền chủ lớn. Ngay từ cuối Thế kỷ 19, dân gian ta đã có câu nói về tứ đại phú : "Nhất Sỹ, nhì Phương, ba Xường tứ Định." Người thứ tư là Định thì sau này có thay đổi thành "tứ Hỏa" (hay Chú Hỏa), rồi "tứ Bưởi" (Bạch Thái Bưởi). Nhưng người thứ nhất là Sỹ, tức Huyện Sỹ (người xây nhà thờ Huyện Sỹ, bà con với Nam Phương Hoàng hậu) thì không bao giờ thay đổi. Đây là bốn đại đại gia sở hữu nhiều ruộng đất nhất, nằm sát nhau, trải ra thành những cánh đồng xanh tươi "thẳng cánh cò bay" ở Miền Tây, trông thật ngoạn mục.

Trong bối cảnh ấy, cải cách điền địa nhằm giới hạn quyền sở hữu đất đai là một việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chính phủ đã thuyết phục được các địa chủ bằng ba cách : thứ nhất là tranh đấu được sự ủng hộ của đại đa số nông dân (qua đài phát thanh, truyền đơn, hội thảo) và dùng kết quả để thuyết phục chủ đất ; thứ hai, bồi thường khá xòng phẳng bằng cách mua lại đất để phân chia cho nông dân. Tài trợ việc mua đất bằng một sáng kiến : bán công khố phiếu (hay trái phiếu chính phủ) với lãi xuất hấp dẫn 10% một năm cho địa chủ, phần còn lại thì trả bằng tiền mặt. Thứ ba, có một yếu tố thuận lợi khác nữa : trong cái rủi cũng có cái may : đó là vì tình hình thiếu an ninh ở một số khu vực nông thôn, điền chủ cũng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận nhường ruộng lại cho chính phủ.

nccr4

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đón đoàn Quốc hội Mỹ, mùa hè 1974. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng ngồi ở bìa trái hình

Chọn An Giang làm thí điểm

Sau khi vượt được cả hai trở ngại, công cuộc cải cách điền địa tiến tới những bước đi thật dài. Tháng 1, năm 1967 : Tổng thống Thiệu đề nghị chọn An Giang làm nơi thí điểm. Ở vùng đồng bằng Cửu Long (rộng trên 37 ngàn cây số vuông, với dân số gần 7 triệu người - 34% dân số Miền Nam), An Giang là tỉnh đông dân thứ nhì (1,4 triệu người với mật độ rất cao : 341 người một cây số vuông), chỉ sau Hậu Giang (1,9 triệu người, mật độ 372 người).

Kinh nghiệm An Giang được áp dụng ngay vào hai tỉnh Chương Thiện, và Kiến Tường rồi lan ra những tỉnh khác. Tháng 7, 1969 Tổng thống Thiệu đệ nộp Quốc Hội đạo luật 'Người Cày Có Ruộng'. Thoạt đầu, Hạ Viện thông qua (vào tháng 9), nhưng dự thảo luật vẫn được tranh luận rộng rãi. Ủy Ban Canh Nông Thượng Viện xem xét và tu sửa lại. Sau cùng cả lưỡng viện đều thống nhất theo đúng tinh thần dân chủ.

'Người cày có ruộng'

Ngày 26/3/1970 là ngày quan trọng, được chỉ định là 'ngày lễ nghỉ toàn quốc'. Hôm đó, trong một nghi lễ long trọng ở vùng Đồng bằng Cửu Long, Tổng thống Thiệu ký thành Luật 'Người Cày Có Ruộng.' Luật có những quy định chính như sau :

  • Hủy bỏ quy chế tá điền ;
  • Phân chia công điền, công thổ ;
  • Giới hạn mỗi điền chủ chỉ được canh tác một diện tích không quá 15 mẫu ; trên số đó là phải bán cho chính phủ để tái phát cho nông dân ;
  • Ưu tiên dành cho người trực tiếp canh tác đất đai truất hữu ;
  • Đền bù cho chủ đất thật nhanh và tương đối là công bằng : 20% bằng tiền mặt ; 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi suất trong 8 năm (có thể dùng để chuyển nhượng, thế chấp vay ngân hàng, cầm cố).

Điều quan trọng nhất của chương trình là đã hủy bỏ được quy chế tá điền từ bao nhiêu thế kỷ, giải phóng được tâm lý người nông dân luôn phải làm thuê cấy mướn.

Cải tiến kỹ thuật và tín dụng để hỗ trợ nông dân

Tuy là có ruộng, nhưng diện tích phân chia cho nông dân rất nhỏ nên đòi hỏi phải làm thể nào để giúp tăng năng xuất. Từ thời Tổng thống Diệm nhiều loại giống lúa mới đã được nhập vào. Nhưng từ 1967 thì có sự cải tiến kỹ thuật vượt mức với nỗ lực gọi là , 'Cuộc cách mạng xanh' - nhập loại giống lúa mới IR-8 vừa được Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (International Rice Research Institute - IRRI) ở Phi Luật Tân phát minh.

Tổng thống Thiệu cho thử nghiệm loại này ở Võ Đạt (còn gọi là Xã Võ Đất), tỉnh Phan Thiết (bây giờ là Bình Thuận), vì nông dân ở đây vừa bị mất cả một vụ lúa do trận lụt lớn. Thử nghiệm thành công ở Võ Đạt chẳng mấy lúc đã được lặp lại ở Long Định (Mỹ Tho) và Bến Lức (Long An), rồi lán ra thật nhanh tới khắp Đồng bằng Cửu Long. Nông dân nơi nơi phấn khởi áp dụng giống lúa mới, gọi nó là 'lúa thần nông'.

Bây giờ, có ruộng, có lúa thần nông rồi, nhưng nông dân lấy tiền đâu mà mua lúa giống, máy cày, xăng nhớt, phân bón, thuốc sát trùng. Vấn đề này được giải quyết một phần qua chương trình tăng tín dụng nông thôn. Năm 1967 Ngân hàng Phát triển Nông Nghiệp được thành lập (Agricultural Development Bank of Vietnam - ADBV) thay Quốc Gia Nông Tín Cuộc.

Năm 1969 cũng là năm thành lập các Ngân hàng Nông thôn (Rural Banks). Tới 1972 thì ngân hàng này đã có mặt tại tất cả 44 tỉnh. Tới cuối 1973 đã có tới 64 ngân hàng và kế hoạch là tới 1980, sẽ mở chi nhánh hoạt động ở tất cả 250 quận của 44 tỉnh.

Với số tín dụng, nông dân có thể mua phân bón, đồ ăn gia súc, thuốc sát trùng, máy bơm nước đáp ứng đòi hỏi của lúa thần nông, 'gia súc thần nông.' Sản ngạch tăng, ở nhiều nơi nông dân còn thặng dư gạo bán ra, mua được xe máy, gọi là "Honda Rice".

Ngày vui vô biên của Tổng thống Thiệu

Cuộc cải cách điền địa đã thành một 'cuộc cách mạng ruộng đất,' hỗ trợ mục tiêu xây dựng công bình xã hội. Ảnh hưởng của nó đã làm cho chương trình Phát Triển Nông Thôn có nhiều tiến bộ. Lúa Thần Nông tăng năng xuất ; tín dụng nông thôn giúp mua phân bón, máy cày.

Hạn chót phải thúc đẩy động lực sản xuất qua chương trình 'Người Cày Có Ruộng' là ngày 26 tháng 3, 1973. Vào ngày này, Tổng thống Thiệu nhận được báo cáo như sau. Báo cáo này được thẩm định kỹ càng bởi cả hai bên Việt-Mỹ :

Mục tiêu của "Người Cày Có Ruộng" là phân phát khoảng trên một triệu mẫu cho gần một triệu nông dân. Kết quả là gần 1.2 triệu mẫu được cấp phát cho gần một triệu nông dân. Tính theo mỗi gia đình trung bình là 4 người, số người được hưởng là gần 4 triệu, tức là 20% tổng dân số :

nccr5

Kết quả Chương trình Người cày có ruộng từ 1970 đến 1973

Như vậy, ngày 26/3/1973 phải là ngày vui nhất của Tổng thống Thiệu. Sau này, khi có dịp nhắc lại những kỷ niệm về người cày có ruộng, về lúa thần nông, Ba Tri, Võ Đạt, chúng tôi thấy ánh mắt ông vui hẳn lên. Rồi ông vui cười, kể lại nhiều chuyện của ông về nông thôn và về nghề đánh cá ở Phan Rang, khác hẳn với khuôn mặt u sầu khi ông hồi tưởng về những chuyện chiến sự.

Bài học cho các nước khác

Cải cách điền địa là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Tuy nó đóng góp lớn lao vào công cuộc xây dựng công bình xã hội, nhưng nó cũng có thể biến thành một ngòi nổ nguyên tử, làm đảo lộn sự phát triển của một quốc gia. Kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian 1965-1975 mang lại một số bài học hữu ích cho các quốc gia khác. Chúng tôi tóm gọn vào 4 chữ "Đ" :

  1. Điều đình với cả điền chủ lẫn nông dân để có sự hơp tác tương đối giữa hai bên như một phương án "team work." Công việc này đòi hỏi (i) phải tiên đoán và tìm giải pháp cho các tắc nghẽn trong từng chặng đường của chương trình ; và (ii) giải quyết các tranh chấp cho kịp thời, công bình giữa điền chủ và nông dân cũng như giữa nông dân với nhau (như tranh tụng về ranh giới ruộng).
  2. Đền bù điền chủ tương đối cho xòng phẳng. Giá đất cũng phải xấp xỉ bằng giá thị trường. Nếu như chưa có thị trường đất đai thì ít nhất tại mỗi địa phương cũng đã có những mua bán lẻ tẻ có thể dựa vào để làm hội thảo định giá ;
  3. Đài thọ 80% tiền bồi thường bằng cách bán công khố phiếu (trái phiếu kho bạc) cho điền chủ với lãi xuất hấp dẫn. Phần còn lại (20%) thì trả bằng tiền mặt ; và
  4. Đáp ứng nhu cầu canh tác của nông dân về "đầu vào" (inputs) như kỹ thuật, tín dụng để họ thực sự trở nên người chủ đất (chứ không phải đem đất đi bán lại !).

Nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan đã tiếp nhận được một số kinh nghiệm này và tiến tới Agricultural Land Reform Act 1975 (Luật đất đai 1975). Cùng năm ấy, bên Phi Châu còn có những nước như Ethiopia tuyên dương Land Reform Program 1975 ; Uganda với sắc luật Land Reform Decree 1975.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 24/09/2047

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

Published in Diễn đàn