Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

26/09/2017

'Người Cày Có Ruộng' - Niềm yên ủi của Tổng thống Thiệu

Nguyễn Tiến Hưng

Ý kiến nói đạo luật về "Người Cày Có Ruộng" và kết quả cải cách điền địa là một điểm sáng chói trong sự nghiệp lãnh đạo của cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.

nccr1

Ngày 26 tháng 3 năm 1970, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký tại Cần Thơ sắc lệnh số 003/60 ban hành luật "Người Cày Có Ruộng".

Ngày Tổng thống Thiệu ra đi (29/9/2001), ông đã mang xuống tuyền đài bao nhiêu cay đắng, bao nhiêu nỗi buồn. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ông cũng đã mang theo một sự yên ủi vô biên, một niềm vui cuối cùng của cuộc đời. Đó là sự thành công trong lãnh vưc kinh tế, xã hội. Đạo luật về "Người Cày Có Ruộng" và kết quả (tương đối là tốt đẹp) về cải cách điền địa là một điểm sáng chói trong sự nghiệp lãnh đạo của ông. Ảnh hưởng của nó vào đời sống người nông dân là một thành quả lớn lao của nền Đệ Nhị Cộng Hòa.

Truyền thông Mỹ không bao giờ bình luận về khía cạnh tích cực này cũng như thành tích "5 Năm Vàng Son, 1955-1960" của Đệ Nhất Cộng Hòa (xem Khi Đồng Minh Nhảy Vào, chương 13). Mỗi khi đề cập tới Việt Nam thì chỉ là "Vietnam War," như ta đang xem phim tài liệu dài 18 giờ do Ken Burns thực hiện. Đài PBS bắt đầu chiếu phim này từ ngày 19/9/2017. Thật là một sự trùng hợp : chi khoảng hai tuần sau, New York Historical Society lại có một triển lãm lớn tại bảo tàng ở số 170 Central Park West, NYC từ ngày 4/10/2017 tới 22/4/2018, với cùng chủ đề "Vietnam War."

Hội chứng Việt Nam đã trở thành một phần của lịch sử Hoa Kỳ, được giảng dạy ở các đại học, nhưng cũng chỉ nhắm vào Vietnam War, với cái nhìn của người Mỹ, dù luôn nói rằng "với góc độ từ mọi phía tham gia cuộc chiến." Chắc chắn rằng cuốn phim do PBS trình chiếu cũng như hình ảnh tại triển lãm ở New York sẽ không bao gồm - dù chỉ một ít - hình ảnh nói lên những xây dựng của Việt Nam Cộng Hòa ngay giữa một cuộc chiến hoang tàn.

nccr2

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu trong lễ khai trương một bệnh viện ở Sài Gòn

Cho nên, nhân dịp ngày giỗ Tổng thống Thiệu (29/9/2017), chúng tôi nhắc lại kỷ niệm người cày có ruộng để phần nào vinh danh người quá cố (xem Tâm Tư Tổng thống Thiệu, chương 22).

Tấc đất tấc vàng

Người khôn của khó. Lo lắng chính của người dân ta là làm sao có được một mảnh đất để sinh sống. Nếu như mảnh đất ấy lại nằm gần nước thì là vàng. 'Đất Nước tôi' : đất và nước. Chỉ có người Việt Nam ta mới dùng hai chữ này để chỉ quê hương, tổ quốc mình. Một lý do là vì đại đa số nhân dân chỉ sinh sống loanh quanh ở những vùng đất ven sông. Lúc đầu con cháu Văn Lang, Âu Lạc đã kéo nhau tới vùng đồng bằng sông Hồng Hà. Tới thời Nam tiến thì vào vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tính ra thì tới 75% dân số Miền Bắc sinh sống ở đồng bằng sông Hồng và 75% nhân dân Miền Nam, ở đồng bằng Cửu Long.

Cải cách điền địa

Từ ngày lập quốc, tổ tiên ta đã để ý tới việc phân chia ruộng đất, làm sao cho đa số người dân được chia sẽ đất đai. Tới năm 207 trước Tây nguyên, theo phép tỉnh điền của Tầu, Triệu Đà đã phân chia đất đai : mỗi mảnh đất được chia làm 9 lô : lô ở giữa thuộc công điền, còn lại thì phân chia cho 8 gia đình, họp lại là một "tỉnh" (tsing). Dần dần, vua chia cho mỗi thanh niên 100 mẫu ('meou') tương đương 3,600 mét vuông để canh tác. Khi tới 60 tuổi thì phải trả lại để chia cho người khác. Nhờ không có tích lũy đất đai nên sự cách biệt giầu nghèo không quá lớn, công bình xã hội thời ấy đã tiến bộ xa hơn ở nhiều quốc gia khác.

Đến đời vua Trần Thuận Tôn (năm 1388) thì có chiếu ấn định không người dân nào được sở hữu quá 10 mẫu. Dưới triều Nguyễn, các vua Gia Long, Minh Mạng đều làm luật cải cách điền địa. Nổi tiếng là Sứ thần đặc trách Phát triển Nông thôn tên là Nguyễn Công Trứ, ông có công lớn biến đổi vùng đất hoang vu miền duyên hải gồm Ninh Bình, Nam định, Hải Dương thành đất canh tác và phân chia cho nông dân (trong đó có gia đình của tác giả).

Thời Đệ Nhất Cộng Hòa

Tổng thống Ngô Đình Diệm cố gắng cải cách ruộng đất trong điều kiện chính trị, kinh tế thật khó khăn vào lúc mới thành lập nền Cộng Hòa. Ông đã mạnh dạn ký Dụ số 57 (tháng 10, 1956) nhằm khởi sự một cuộc cách mạng ruộng đất, nhắm vào nhiều lãnh vực : cải tổ quy chế tá điền, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang, dinh điền, để cho dân khai thác ; khuyến khích chủ điền tự ý phân chia điền sản để bán cho tá điền rồi chính phủ giúp nông dân tín dụng để mua đất. Thành quả của bước đầu đang được gặt hái trong "Năm Năm Vàng Son" (Xem Chương 13, Khi Đồng Minh Nhảy Vào) thì ông bị sát hại năm 1963. Trong hai năm tiếp theo, tình hình chính trị Miền Nam thật nhiễu nhương, làm mất đi cái đà của những tiến bộ kinh tế và xã hội, trong đó có sự dán đoạn của công cuộc cải cách điền địa.

Thời Đệ Nhị Cộng Hòa

Vừa lên chức Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, Tướng Thiệu ký ngay Sắc Luật 020/65 ngày 8 tháng 10, 1965 để sửa đổi Dụ 57, "cấp quyền sở hữu thiệt thọ cho nông dân mua ruộng truất hữu." Cùng một ngày vào năm sau, ông ký Sắc Luật số 021/66 "cấp quyền thực trưng vô thường trên những sở đất thuộc công sản Quốc gia tại các Dinh điền và Trại định cư cho những người đang thực sự khai khẩn." (Chúng tôi may mắn sưu tầm được bản gốc của cả hai sắc luật này và in trong cuốn Tâm Tư Tổng thống Thiệu, trang 472-473).

Trong một chuyến đi Miền Tây vào tháng 2, 1966, ông tuyên bố ở Ba Tri (tỉnh Bến Tre) là ông không đồng ý với việc chính phủ cứ khư khư giữ đất lại. Ông tuyên bố : "Đất đai phải thuộc về người trồng cấy." Chương trình được đại sứ Mỹ Bunker hết sức ủng hộ.

nccr3

Chiến tranh đã gây tang tóc và tàn phá miền Nam Việt Nam

Hai trở ngại lớn và biện pháp giải quyết

Ngay từ ban đầu, nỗ lực cải cách điền địa đã gặp phải hai trở ngại lớn từ hai phía Mỹ, Việt.

Về phía Mỹ, cơ quan viện trợ USAID là nguồn hỗ trợ một phần tài chính và kỹ thuật cho chương trình này thì lại thiếu nhất quán về vấn đề 'quyền tư hữu đất đai.' Có hai trường phái : một trường phái cho rằng người nông dân Việt Nam đã quen với truyền thống tá điền, không hiểu nhiều và cũng không đặt vấn đề sở hữu đất, miễn sao chính phủ giúp cho họ ổn định, giữ được khế ước cho lâu dài, không tăng tô (tiền thuê đất) là được rồi, việc phân chia đất làm sở hữu sẽ đưa lại nhiều vấn đề rắc rối. Trường phái thứ hai thì có ý kiến ngược lại : sở hữu đất là quan trọng nhất và có ý nghĩa sâu xa đối với nông dân. Theo quan điểm này, ý niệm về công bình xã hội phải gắn chặt với việc người nông dân được sở hữu một miếng đất. Chế độ tá điền dù được hoàn thiện tới bao nhiêu cũng không thể thay thế được mục tiêu này.

Để đi tới một kết luận cho vững chắc, Viện Nghiên Cứu Stanford (Stanford Research Institute gọi tắt là SRI) của Đại học Stanford được USAID thuê để nghiên cứu thật sâu vấn đề này trong hai năm 1966-1968, dùng những kỹ thuật tân tiến để trắc nghiệm thái độ và quan niệm của nông dân. Kết quả trắc nghiệm cho thấy thật rõ ràng : người dân ước mong làm sở hữu mãi mãi một miếng đất. Đối với một nông dân sống trong mái nhà tranh, trên một mảnh đất khoảng 1/3 mẫu, làm sao có được một vài sào ruộng để canh tác là giấc mơ. Miếng đất ấy sẽ nối kết quá vãng, hiện tại và tương lai. Nó nối kết tổ tiên với con, với cháu. Rồi lúc người nông dân về già, không còn canh tác được nữa thì lấy gì mà sống ? Vì hết còn làm tá điền, phải trả đất lại cho ông phú nông thì chỉ còn trông mong vào con cái. Chúng nó mà lờ đi thì hết đường vì đâu có 'savings' (tiền tiết kiệm) hay "social security".

Về phía Việt, trở ngại lớn nhất là sự chống đối của các đại điền chủ. Ruộng đất miền Đồng Bằng Cửu Long có một đặc tính hãn hữu : đó là nó tập trung quá nhiều vào vài nghàn điền chủ lớn. Ngay từ cuối Thế kỷ 19, dân gian ta đã có câu nói về tứ đại phú : "Nhất Sỹ, nhì Phương, ba Xường tứ Định." Người thứ tư là Định thì sau này có thay đổi thành "tứ Hỏa" (hay Chú Hỏa), rồi "tứ Bưởi" (Bạch Thái Bưởi). Nhưng người thứ nhất là Sỹ, tức Huyện Sỹ (người xây nhà thờ Huyện Sỹ, bà con với Nam Phương Hoàng hậu) thì không bao giờ thay đổi. Đây là bốn đại đại gia sở hữu nhiều ruộng đất nhất, nằm sát nhau, trải ra thành những cánh đồng xanh tươi "thẳng cánh cò bay" ở Miền Tây, trông thật ngoạn mục.

Trong bối cảnh ấy, cải cách điền địa nhằm giới hạn quyền sở hữu đất đai là một việc hết sức khó khăn. Tuy nhiên, chính phủ đã thuyết phục được các địa chủ bằng ba cách : thứ nhất là tranh đấu được sự ủng hộ của đại đa số nông dân (qua đài phát thanh, truyền đơn, hội thảo) và dùng kết quả để thuyết phục chủ đất ; thứ hai, bồi thường khá xòng phẳng bằng cách mua lại đất để phân chia cho nông dân. Tài trợ việc mua đất bằng một sáng kiến : bán công khố phiếu (hay trái phiếu chính phủ) với lãi xuất hấp dẫn 10% một năm cho địa chủ, phần còn lại thì trả bằng tiền mặt. Thứ ba, có một yếu tố thuận lợi khác nữa : trong cái rủi cũng có cái may : đó là vì tình hình thiếu an ninh ở một số khu vực nông thôn, điền chủ cũng dễ dàng hơn trong việc chấp nhận nhường ruộng lại cho chính phủ.

nccr4

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đón đoàn Quốc hội Mỹ, mùa hè 1974. Tác giả Nguyễn Tiến Hưng ngồi ở bìa trái hình

Chọn An Giang làm thí điểm

Sau khi vượt được cả hai trở ngại, công cuộc cải cách điền địa tiến tới những bước đi thật dài. Tháng 1, năm 1967 : Tổng thống Thiệu đề nghị chọn An Giang làm nơi thí điểm. Ở vùng đồng bằng Cửu Long (rộng trên 37 ngàn cây số vuông, với dân số gần 7 triệu người - 34% dân số Miền Nam), An Giang là tỉnh đông dân thứ nhì (1,4 triệu người với mật độ rất cao : 341 người một cây số vuông), chỉ sau Hậu Giang (1,9 triệu người, mật độ 372 người).

Kinh nghiệm An Giang được áp dụng ngay vào hai tỉnh Chương Thiện, và Kiến Tường rồi lan ra những tỉnh khác. Tháng 7, 1969 Tổng thống Thiệu đệ nộp Quốc Hội đạo luật 'Người Cày Có Ruộng'. Thoạt đầu, Hạ Viện thông qua (vào tháng 9), nhưng dự thảo luật vẫn được tranh luận rộng rãi. Ủy Ban Canh Nông Thượng Viện xem xét và tu sửa lại. Sau cùng cả lưỡng viện đều thống nhất theo đúng tinh thần dân chủ.

'Người cày có ruộng'

Ngày 26/3/1970 là ngày quan trọng, được chỉ định là 'ngày lễ nghỉ toàn quốc'. Hôm đó, trong một nghi lễ long trọng ở vùng Đồng bằng Cửu Long, Tổng thống Thiệu ký thành Luật 'Người Cày Có Ruộng.' Luật có những quy định chính như sau :

  • Hủy bỏ quy chế tá điền ;
  • Phân chia công điền, công thổ ;
  • Giới hạn mỗi điền chủ chỉ được canh tác một diện tích không quá 15 mẫu ; trên số đó là phải bán cho chính phủ để tái phát cho nông dân ;
  • Ưu tiên dành cho người trực tiếp canh tác đất đai truất hữu ;
  • Đền bù cho chủ đất thật nhanh và tương đối là công bằng : 20% bằng tiền mặt ; 80% bằng công khố phiếu với 10% lãi suất trong 8 năm (có thể dùng để chuyển nhượng, thế chấp vay ngân hàng, cầm cố).

Điều quan trọng nhất của chương trình là đã hủy bỏ được quy chế tá điền từ bao nhiêu thế kỷ, giải phóng được tâm lý người nông dân luôn phải làm thuê cấy mướn.

Cải tiến kỹ thuật và tín dụng để hỗ trợ nông dân

Tuy là có ruộng, nhưng diện tích phân chia cho nông dân rất nhỏ nên đòi hỏi phải làm thể nào để giúp tăng năng xuất. Từ thời Tổng thống Diệm nhiều loại giống lúa mới đã được nhập vào. Nhưng từ 1967 thì có sự cải tiến kỹ thuật vượt mức với nỗ lực gọi là , 'Cuộc cách mạng xanh' - nhập loại giống lúa mới IR-8 vừa được Viện Nghiên Cứu Lúa Gạo Quốc Tế (International Rice Research Institute - IRRI) ở Phi Luật Tân phát minh.

Tổng thống Thiệu cho thử nghiệm loại này ở Võ Đạt (còn gọi là Xã Võ Đất), tỉnh Phan Thiết (bây giờ là Bình Thuận), vì nông dân ở đây vừa bị mất cả một vụ lúa do trận lụt lớn. Thử nghiệm thành công ở Võ Đạt chẳng mấy lúc đã được lặp lại ở Long Định (Mỹ Tho) và Bến Lức (Long An), rồi lán ra thật nhanh tới khắp Đồng bằng Cửu Long. Nông dân nơi nơi phấn khởi áp dụng giống lúa mới, gọi nó là 'lúa thần nông'.

Bây giờ, có ruộng, có lúa thần nông rồi, nhưng nông dân lấy tiền đâu mà mua lúa giống, máy cày, xăng nhớt, phân bón, thuốc sát trùng. Vấn đề này được giải quyết một phần qua chương trình tăng tín dụng nông thôn. Năm 1967 Ngân hàng Phát triển Nông Nghiệp được thành lập (Agricultural Development Bank of Vietnam - ADBV) thay Quốc Gia Nông Tín Cuộc.

Năm 1969 cũng là năm thành lập các Ngân hàng Nông thôn (Rural Banks). Tới 1972 thì ngân hàng này đã có mặt tại tất cả 44 tỉnh. Tới cuối 1973 đã có tới 64 ngân hàng và kế hoạch là tới 1980, sẽ mở chi nhánh hoạt động ở tất cả 250 quận của 44 tỉnh.

Với số tín dụng, nông dân có thể mua phân bón, đồ ăn gia súc, thuốc sát trùng, máy bơm nước đáp ứng đòi hỏi của lúa thần nông, 'gia súc thần nông.' Sản ngạch tăng, ở nhiều nơi nông dân còn thặng dư gạo bán ra, mua được xe máy, gọi là "Honda Rice".

Ngày vui vô biên của Tổng thống Thiệu

Cuộc cải cách điền địa đã thành một 'cuộc cách mạng ruộng đất,' hỗ trợ mục tiêu xây dựng công bình xã hội. Ảnh hưởng của nó đã làm cho chương trình Phát Triển Nông Thôn có nhiều tiến bộ. Lúa Thần Nông tăng năng xuất ; tín dụng nông thôn giúp mua phân bón, máy cày.

Hạn chót phải thúc đẩy động lực sản xuất qua chương trình 'Người Cày Có Ruộng' là ngày 26 tháng 3, 1973. Vào ngày này, Tổng thống Thiệu nhận được báo cáo như sau. Báo cáo này được thẩm định kỹ càng bởi cả hai bên Việt-Mỹ :

Mục tiêu của "Người Cày Có Ruộng" là phân phát khoảng trên một triệu mẫu cho gần một triệu nông dân. Kết quả là gần 1.2 triệu mẫu được cấp phát cho gần một triệu nông dân. Tính theo mỗi gia đình trung bình là 4 người, số người được hưởng là gần 4 triệu, tức là 20% tổng dân số :

nccr5

Kết quả Chương trình Người cày có ruộng từ 1970 đến 1973

Như vậy, ngày 26/3/1973 phải là ngày vui nhất của Tổng thống Thiệu. Sau này, khi có dịp nhắc lại những kỷ niệm về người cày có ruộng, về lúa thần nông, Ba Tri, Võ Đạt, chúng tôi thấy ánh mắt ông vui hẳn lên. Rồi ông vui cười, kể lại nhiều chuyện của ông về nông thôn và về nghề đánh cá ở Phan Rang, khác hẳn với khuôn mặt u sầu khi ông hồi tưởng về những chuyện chiến sự.

Bài học cho các nước khác

Cải cách điền địa là một vấn đề hết sức nhạy cảm. Tuy nó đóng góp lớn lao vào công cuộc xây dựng công bình xã hội, nhưng nó cũng có thể biến thành một ngòi nổ nguyên tử, làm đảo lộn sự phát triển của một quốc gia. Kinh nghiệm của Việt Nam Cộng Hòa trong thời gian 1965-1975 mang lại một số bài học hữu ích cho các quốc gia khác. Chúng tôi tóm gọn vào 4 chữ "Đ" :

  1. Điều đình với cả điền chủ lẫn nông dân để có sự hơp tác tương đối giữa hai bên như một phương án "team work." Công việc này đòi hỏi (i) phải tiên đoán và tìm giải pháp cho các tắc nghẽn trong từng chặng đường của chương trình ; và (ii) giải quyết các tranh chấp cho kịp thời, công bình giữa điền chủ và nông dân cũng như giữa nông dân với nhau (như tranh tụng về ranh giới ruộng).
  2. Đền bù điền chủ tương đối cho xòng phẳng. Giá đất cũng phải xấp xỉ bằng giá thị trường. Nếu như chưa có thị trường đất đai thì ít nhất tại mỗi địa phương cũng đã có những mua bán lẻ tẻ có thể dựa vào để làm hội thảo định giá ;
  3. Đài thọ 80% tiền bồi thường bằng cách bán công khố phiếu (trái phiếu kho bạc) cho điền chủ với lãi xuất hấp dẫn. Phần còn lại (20%) thì trả bằng tiền mặt ; và
  4. Đáp ứng nhu cầu canh tác của nông dân về "đầu vào" (inputs) như kỹ thuật, tín dụng để họ thực sự trở nên người chủ đất (chứ không phải đem đất đi bán lại !).

Nước láng giềng của Việt Nam là Thái Lan đã tiếp nhận được một số kinh nghiệm này và tiến tới Agricultural Land Reform Act 1975 (Luật đất đai 1975). Cùng năm ấy, bên Phi Châu còn có những nước như Ethiopia tuyên dương Land Reform Program 1975 ; Uganda với sắc luật Land Reform Decree 1975.

Nguyễn Tiến Hưng

Nguồn : BBC, 24/09/2047

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng, cựu Tổng trưởng Kế hoạch Việt Nam Cộng Hòa từ năm 1973 đến 1975, phụ tá về tái thiết của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Hiện định cư tại Hoa Kỳ, ông đã xuất bản các cuốn sách Khi Đồng minh tháo chạy (2005) và Khi Đồng minh nhảy vào (2016).

Quay lại trang chủ
Read 873 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)