Có lẽ không có gì đa nguyên và phức tạp như con người. Bên trong bộ óc nhỏ bé là một thế giới kỳ diệu và muôn màu. Mọi tiềm năng và cơ hội nằm ở đây. Chiến tranh hay hòa bình cũng nằm trong đây. Tại sao lại có người chỉ biết cho mình, tự mê ? Tại sao cũng có những người có tâm địa ích kỷ, chuyên thao túng tâm lý người khác cho lợi ích riêng mình ? Nhưng tại sao cũng có những người rất khiêm cung nhưng lại vô cùng tài giỏi ? v.v…
Tự mê, thao túng và hội chứng giả mạo - Hình minh họa.
Tại sao là câu hỏi rất khó, không biết làm sao trả lời. Trong bài này chỉ bàn về hiện tượng là chính.
Tự mê (narcissism)
Tự mê, hay tự kiêu, là một hiện tượng không mới mẻ gì đối với con người. Tự mê không phải là vì một người có nhiều lòng tự trọng. Nghiên cứu mới nhất cho thấy rằng sự tự mê khác biệt đáng kể với lòng tự trọng về sự phát triển, nguồn gốc, hậu quả và kết quả của nó. Tự mê chủ yếu đến từ nỗi khao khát được đánh giá cao hoặc được ngưỡng mộ, mong muốn trở thành trung tâm của sự chú ý và mong đợi được đối xử đặc biệt. Trong khi tự trọng là sự tự tin vào giá trị của chính mình ; nó là một nguồn lực tâm lý quý giá và là một yếu tố rất tích cực trong cuộc sống ; nó quan hệ mật thiết với thành tích, các mối quan hệ tốt và sự hài lòng trong cuộc sống.
Tự mê có ở trong hết tất cả chúng ta, không nhiều thì ít. Bản thân người tự mê, một mình, thì vô hại. Nhưng con người là một thực thể xã hội, nên tự mê luôn tác động đến những người chung quanh. Với tính cách tập thể, trong cộng đồng, quốc gia, đảng phái chính trị, thi đua thể thao, hay chủng tộc và tôn giáo, thì hầu như ai cũng là những người tự mê. Nó cũng có những mặt ưu điểm tích cực, nhưng khi đi quá đà, trở thành cực đoan, thì sự thiệt hại sẽ không hề nhỏ. Cái gì cực đoan quá khích cũng dễ đưa đến rạn nứt, hủy hoại. Chẳng hạn như lòng yêu nước, là rất tốt, nhưng khi đi xa quá trở thành chủ nghĩa quốc gia, chỉ thấy dân tộc mình là trên hết, thì có vấn đề ngay.
Những kẻ tự mê mình quá (narcissist) thường thiếu sự đồng cảm (empathy), nhưng lại muốn người khác ngưỡng mộ họ, chú ý đến họ, có khi thần tượng họ nữa, vì họ tin rằng họ quan trọng hoặc hay hơn người khác.
Người tự mê thường gây ra bao nhiêu vấn đề phiền toái và nhức nhối trong mối quan hệ với người khác, bởi vì cái tôi của họ quá cao. Họ muốn làm trung tâm của mọi thứ. Họ có nhiều thủ thuậtthao túng mối quan hệ với người khác. Chẳng hạn, người tự mê cho rằng họ biết hết tất cả, nên người khác phải nghe họ ; họ vui sướng và tự mãn bằng cách kiểm soát và chinh phục người khác ; họ chỉ làm các việc mà được vinh danh, tôn kính hay nể phục ; họ phá luật để đạt được mục tiêu, bất chấp kết quả chung là gì ; họ khoe khoang, khoác lác mà không biết ngượng. Tóm lại kẻ tự mê lệ thuộc vào nguồn cung cấp từ người chung quanh để họ duy trì hình ảnh hời hợt, ích kỷ và tự phụ của họ.
Phải chăng tình trạng (chủ nghĩa) tự mê đang ngày càng gia tăng, nhất là trong giới trẻ ? Nhưng các nghiên cứu về tâm lý thì không ủng hộ nhận định này.
Thao túng tâm lý (gaslighting)
Gaslighting là một thuật ngữ được dùng khá nhiều trong thời gian qua (xem nguồn gốc chữGaslighting ở đây). Nó có nghĩa là hình thức lạm dụng tâm lý trong đó một người hoặc một nhóm người có khả năng khiến bạn đặt câu hỏi về sự tỉnh táo, về khả năng nhận thức về thực tế, hoặc về ký ức của bạn. Những người gặp phải tình trạng bị điều khiển, thao túng về tâm lý này thường cảm thấy bối rối, lo lắng và rồi chính họ không tin tưởng vào bản thân. Gaslighter thao túng nhận thức của người khác một cách ác ý, để rồi chính người đó là nạn nhân nhưng lại thắc mắc về mình, ngờ vực cả điều mình là nạn nhân hay chính mình là phạm nhân.
Trên thế giới cũng từng có những người có khả năng thao túng tâm lý gần như toàn xã hội như thế, điển hình là Joseph Stalin, Adolf Hitler, Mao Trạch Đông, Pol Pot v.v…
Hiện nay cũng có những chính trị gia cũng tự mê quá, nên họ sẵn sàng làm mọi thứ để tiếp tục thao túng tâm lý người khác, và thao túng toàn xã hội.
Gaslight có thể diễn ra trong mọi quan hệ, trong gia đình, nhà trường, công sở, và trong chính trị.
Trong quan hệ, những kẻ thao túng tâm lý cố tình tuyên truyền đến bạn bè và gia đình của nạn nhân nhằm cô lập họ và khiến những người khác liên kết với kẻ thao túng. Điều này làm giảm khả năng người khác tin câu chuyện của nạn nhân và ngăn chặn việc kết nối của họ khỏi các khả năng có thể giúp họ bước ra khỏi chỗ đó.
Nói chung, các đặc tính khác của thành phần thao túng tâm lý này là :
- Chuyên môn nói láo và phóng đại
- Lập đi lập lại các lời dối trá
- Làm lớn chuyện khi bị thách thức
- Chuyên môn chia rẽ bạn với người khác
- Lấn át và kiểm soát bạn
- Đi nói xấu rằng bạn là khùng điên, là bất ổn hoặc chính bạn là kẻ thao túng
- Vu khống, chụp mũ, mạ lỵ bạn những điều mà chính họ lại đang làm như thế với bạn
- Đánh phủ đầu người khác ; phóng chiếu suy diễn từ trí tưởng tượng của mình v.v…
Không phải những người thao túng (gaslighter) đều là những kẻ tự mê (narcissist), nhưng những kẻ tự mê biết sử dụng thủ đoạn thao túng điêu luyện. Gaslighter cảm thấy rằng họ có quyền kiểm soát người khác, hoặc rằng cảm xúc hoặc ý kiến của họ là quan trọng nhất. Họ muốn trốn tránh mọi trách nhiệm và đổ mọi lỗi lầm lên người khác.
Đọc đến đây, các bạn có thấy ai chung quanh mình, người thân hay bạn bè mình, đang là kẻ tự mê, hoặc/và thao túng tâm lý ?
Nếu bạn nhận ra kẻ Gaslighter là một người bạn của mình, thì bạn cần xem có đáng để bạn tiếp tục mối quan hệ đầy ngược đãi này không. Nó độc hại hơn bạn nghĩ, nhất là về lâu về dài.
Nếu kẻ gaslighter đang lôi kéo bạn để đi gaslighting người khác thì bạn cũng nên tránh thành phần này. Vì, theo thông thường, không có gì bảo đảm thành phần này không quay sang tấn công bạn trong tương lai.
Hội chứng giả mạo (imposter syndrome)
Có bao giờ trong cuộc đời của bạn, bạn cảm thấy mình không xứng đáng với vai trò, chức vụ hay danh hiệu mà mình lãnh nhận, hay người khác tặng cho mình, không ?
Chẳng hạn, trong gia đình tôi, cha mẹ và anh chị đều nghĩ rằng tôi rất giỏi toán. Có người còn nghĩ tôi viết văn cũng khá. Nhưng mỗi ngày tôi vẫn học và nhìn thấy mình có tiến bộ, nhưng vẫn thấy mình rất nhỏ bé.
Có vài lần tôi được giải thưởng cao quý về khả năng lãnh đạo hay sáng kiến tại công sở, nhưng tôi vẫn thấy mình tầm thường so với bao người tài giỏi chung quanh.
Những cảm nhận này, theo khoa học tâm lý, là khá bình thường. Nó được gọi là hội chứng giả mạo, tiếng Anh là imposter syndrome. Nó có thể xảy ra cho bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Thật ra đại đa số con người, dù tài giỏi mấy, cũng có thể bị hội chứng này.
Tài tử gạo cộiTom Hanks, với hai giải thưởng Academy Awards, có lần chia sẻ như sau : "Bất kể chúng ta đã làm được gì, sẽ có lúc mình nghĩ, 'Làm thế nào tôi đến được đây ? Khi nào họ sẽ phát hiện ra rằng tôi thực sự là một kẻ lừa đảo, và lấy đi mọi thứ của tôi ?'".
Tom Hanks chia sẻ thêm : "Có những ngày tôi biết rằng 3 giờ chiều mai tôi sẽ phải trình bày một số điều chuyển tải tình cảm, và nếu tôi không thể làm điều đó, có nghĩa là tôi sẽ phải giả mạo. Nếu tôi giả mạo nó, điều đó có nghĩa là người ta có thể bắt quả tang khi tôi giả vờ, và nếu họ bắt được tôi như thế, thì đó chỉ là ngày tiêu đời."
Không chỉ riêng Tom Hanks, mà rất nhiều người nổi tiếng và thành công khác cũng trải nghiệm tương tự.
Một trong những câu chuyện lý thú nhất, từNeil Gaiman, một tác giả người Mỹ, kể như sau.
"Vài năm trước, tôi đã may mắn được mời đến một cuộc họp mặt của những người giỏi và vĩ đại : nghệ sĩ và nhà khoa học, nhà văn và người khám phá ra nhiều thứ. Và tôi cảm thấy rằng bất cứ lúc nào họ cũng nhận ra rằng tôi không đủ tiêu chuẩn để có mặt ở đó, trong số những người đã thực sự làm được điều này. Vào đêm thứ hai hoặc thứ ba của tôi ở đó, tôi đứng ở cuối hành lang, trong khi một chương trình giải trí âm nhạc đang diễn ra, và tôi bắt đầu nói chuyện với một người đàn ông lớn tuổi, lịch sự, rất tốt bụng, về một số đề tài, kể cả tên chung của chúng tôi [Neil]. Và sau đó anh ta chỉ vào hội trường của mọi người, và nói những lời với dụng ý, "Tôi chỉ nhìn vào tất cả những người này, và tôi nghĩ, tôi đang làm cái quái gì ở đây vậy ? Họ đã tạo ra những điều tuyệt vời. Tôi chỉ đến nơi mà tôi được gửi đến". Và tôi nói, "Có. Nhưng anh là người đàn ô ng đầu tiên lên mặt trăng. Tôi nghĩ rằng điều đó có giá trị cho một cái gì đó chứ."
Viết đến đây, chắc mọi người đoán được người đàn ông mà Neil Gaiman nói chuyện, có cùng tên đầu, là ai rồi phải không ?
Vâng, đó là Neil Armstrong, người đầu tiên đáp xuống mặt trăng. Một người được cả thế giới ngưỡng mộ một thời. Nhưng ông vẫn cảm thấy nhỏ bé so với bao người vĩ đại khác.
Ai cũng có ước mơ, hoài bão. Có khi rất lớn. Có người trở nên vĩ đại, nhưng vẫn thấy nhỏ bé. Họ thật khiêm cung. Cho nên chúng ta còn nhiều điều phải học hỏi lắm phải không các bạn ?
Thành công là một tiến trình. Nó là sự cố gắng không ngừng của mỗi chúng ta trong việc bỏ tâm bỏ trí bỏ lực vào trong mục đích mình muốn đạt được. Nhưng không ai là siêu nhân. Không ai là đạn bắn không thủng cả. Ai cũng từng có lúc cảm thấy vô dụng, hay vô vọng, nhưng nhờ niềm tin và ý chí mà vực được chính mình. Tuy thế, vẫn có lúc chúng ta cảm thấy hồ nghi, không biết mình xứng đáng không, không biết mình làm có đạt được đến đích mình đặt ra không. Nhưng rồi, từng bước, chúng ta cứ việc tiến đến. Đi những bước nhỏ mà chắc. Trãi qua tiến trình đó, chúng ta có cơ hội tôi luyện ý chí son sắc hơn, niềm tin vững chãi hơn. Những thử thách và khó khăn luôn là cơ hội để mình tiến lên một bước. Rồi một bước nữa. Bước nữa v.v…
Imposter syndrome là điều mà ai cũng có thể trải qua. Tự vấn, hoài nghi chính mình, không phải là điều hoàn toàn xấu hay tiêu cực. Nó giúp cho chúng ta khiêm tốn, biết được giới hạn để không trở nên tự mê, tự kiêu, tự đại. Ngoài kia còn nhiều người tài giỏi hơn mình rất nhiều. Thế giới là một biển học vô bờ. Bằng sự chính trực và khiêm cung, dù nhỏ nhoi đến mấy, mỗi chúng ta đều có thể là người hữu ích cho việc chung.
Tự mê vừa phải là điều cũng cần. Nhưng tự mê quá sẽ mất cân bằng và trước sau gì cũng đau khổ vì sau cùng sẽ rất cô đơn. Người bình thường không thích kẻ tự mê, ngoại trừ những người cuồng say. Thao túng tâm lý xảy ra khá thường trong thời đại nay, và nó rất tai hại. Có những người điêu luyện đến độ họ có khả năng thao túng tâm lý của một thành phần xã hội, đưa xã hội đó vào vòng luẩn quẩn của tranh chấp, chia rẽ. Hội chứng giả mạo thoạt nghe có vẻ tự ti mặc cảm, nhưng chính nó cũng là liều thuốc bổ để còn giữ được sự lương tri, tỉnh táo và đúng đắn trong mình (sanity).
Phạm Phú Khải & Trần Kiều Ngọc
Nguồn : VOA, 07/06/2021