Không phải khi tiếng còi kết thúc trận chung kết giữa U23 Việt Nam và U23 Uzbekistan mà người ta đã sướng ngay. Bằng chứng là tại các tụ điểm theo dõi qua màn hình và ngay cả ở sân Thường Châu, cổ động viên lặng đi, ra về trong trật tự không ai nói với ai câu nào. Nhiều người hâm mộ, từ các sao Việt đến cả cụ già, em nhỏ bật khóc tu tu : "Việt Nam thua rồi".
Nhiều người hâm mộ, từ các sao Việt đến cả cụ già, em nhỏ bật khóc tu tu : "Việt Nam thua rồi".
Nhưng rồi những giờ phút nặng nề ấy cũng qua đi khi chợt nhận ra tuy thua nhưng vẫn có cái để tự hào bởi chức á quân, tuy chỉ là giải U23 chứ không phải là giải quốc gia. Dù sao đó cũng là thành tích mà Việt Nam chưa bao giờ vươn tới. Vậy là cơn sướng bùng lên và kéo dài không biết đến khi nào vì "tuy thua nhưng vẫn… vô địch" ! ?
Đội tuyển Việt Nam được đón về Hà Nội bằng một chuyến chuyên cơ do VietJet tặng. Màn biểu diễn hở hang đến mức không thể hở thêm được nữa được tặng không ngay trên máy bay khiến các cầu thủ xấu hổ ngoành mặt đi hay cắn răng chịu đựng. Màn diễn lố bịch, trơ trẽn đến nỗi người ta không gọi là hãng Vietjet mà nhạy bén đổi ngay thành Vietsex.
Xin có mấy câu thơ minh họa thay vì đăng hình ảnh :
Mở mạng ra xem bỗng cúi gầm
Hay mình lác mắt mới trông nhầm
Tày bay cứ tưởng nơi hoan lạc
Người mẫu mà ngờ gái mại dâm.
Sấn sổ quàng vai, em rụt lại
Sượng sùng ngoảnh mặt, chị đương tầm
Ngỡ như nhà thổ đang mùa ế
Bỏ chạy không đành phải nín câm.
Sự việc đón đội tuyển từ sân bay về trung tâm thành phố là ấn tượng nhất. Người hâm mộ kín hai bên tuyến đường dài 30 km nên xe chở các cầu thủ phải di chuyển với tốc độ đi bộ. Hẳn là các cầu thủ U23 rất vui và cảm động trước tình yêu mà người hâm mộ dành cho các em. Nếu không có ông Trung nào đó nhảy lên xe dành cho đội, cầm cái hô Việt Nam vô địch, át cả huấn luyện viên Park Hang-seo ngồi cạnh đấy gây ra nhiều chê trách, mai mỉa thì buổi chào đón các cầu thủ trên đường về Hà Nội đã diễn ra trọn vẹn.
Tuy nhiên, chương trình sau đó quá rinh rang. Về tới Ba Đình đội phải vào ngay lăng để báo công mặc dù ông Hồ chẳng liên quan gì đến cái huy chương bạc ở Thường Châu cả. Báo công xong, lại kéo nhau đến Văn phòng Chính phủ nhận khen ngợi. Ở đây, đội được chụp ảnh với thủ tướng trong cảnh bị các quan chức chen lấn, ép hẳn về phía sau, cứ làm như mấy ông mặc comple vừa đá ở Thường Châu về vậy.
Mãi 9 giờ tối, Đội mới có mặt tại sân Mỹ Đình để tham gia gala báo công.
(Lộ trình này cồng kềnh hơn lộ trình dự kiến là từ sân bay về, đến Văn phòng Chính phủ chào Thủ tướng rồi về khách sạn Crowne Plaza West Hà Nội để nghỉ ngơi. Đến 19h ra Sân vận động Quốc gia Mỹ Đình dự lễ Gala báo công).
Đêm ấy, hẳn là các em rất mệt và thiếu ngủ. Hôm sau lại phải tới Hội trường Diên Hồng để Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân… xoa đầu.
Đấy mới ở cấp… nước. Còn cấp tỉnh thì sao. Hầu như tỉnh nào có cầu thủ U23 đều tổ chức vinh danh và báo công phát nữa như Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Hải Dương, Thái Bình với mức độ hoành tráng khác nhau và đều chung một điểm là tràn ngập sự sung sướng. Nghệ An còn bỏ các em lên ô tô diễu khắp phố cho dân xem nữa chứ.
Đó là đoạn ở tỉnh. Không biết về đến huyện, xã, làng bản có đoạn này không.
Việc các địa phương tổ chức ngợi ca, khen thưởng cũng là việc cần làm nhưng không nên ầm ỹ quá ; nhất là chuyện báo công. Đã báo ở Lăng rồi thì về tỉnh có cần thiết phải báo lại lần nữa ở tỉnh không, hay là "bác" ở Hà Nội và "bác" ở Nghệ An là hai người khác nhau.
Chưa hết, khác với các tỉnh vinh danh cầu thủ quê nhà, Thành phố Hồ Chí Minh lại tổ chức mừng công đội tuyển U23 Việt Nam như Hà Nội đã làm vì Hà Nội tuy là thủ đô nhưng Hồ Chí Minh lại là thành phố to nhất nước, lẽ nào chịu kém cạnh. Nghe nói chương trình này sẽ được tổ chức rất "hoành tráng". Ta để ý chữ "mừng công" chứ không phải "báo công" như Hà Nội hay các tỉnh. Nhưng nếu bắt các em đến bức tượng nào đó xì xụp vái lạy, lẩm bẩm này nọ thì lại là "báo công" đấy. Buổi mừng công này diễn ra vào ngày 4/2. Nghĩa là 8 ngày sau khi kết thúc giải vẫn còn sướng như thế này.
Lướt qua những sự việc từ hôm đội U23 về nước để thấy cái sự sung sướng kéo quá dài và khá nhiêu khê.
Người hâm mộ vui mừng là điều chính đáng vì đấy là niềm vui rất hiếm hoi ở một đất nước có quá nhiều cay đắng, buồn tủi. Bản thân tôi ngồi ở quán bia xem tường thuật trực tiếp cũng từng nín thở mỗi khi khung thành của U23 Việt Nam bị vây hãm và cũng vỡ òa niềm vui khi Bùi Tiến Dũng ghi bàn quá đẹp mắt, gỡ hòa cho đội nhà. Vấn đề cần nói tới là các nhà tổ chức sự kiện và báo chí. Dù thành tích cỡ mấy cũng không nên vì thế mà ba hoa rằng "thế nước mạnh, vận nước lên, lòng dân đồng thuận".
Bóng đá là môn thể thao được ưa chuộng hơn cả nên mới gọi là môn thể thao vua. Nhưng các quốc gia mạnh về túc cầu không có nghĩa là mạnh về tất cả và các cường quốc không phải nước nào cũng giỏi về bóng đá. Argentina là một ví dụ còn Hoa Kỳ là ví dụ cho điều ngược lại. Mặt khác, dù thành tích đạt được ở Thường Châu tuy vượt quá mong đợi nhưng phong độ chưa thể nói là ổn định và chắc chắn. Điều này cần phải qua nhiều giải nữa mới có thể khẳng định. Vì vậy, nếu có sướng thì cũng nên vừa vừa, đủ để vui mừng. Đừng vì quá say sưa với thành tích mà đã tưởng đặt được cả Châu Á xuống dưới bàn chân.
4/2/2018
Nguyễn Tường Thụy
Nguồn : RFA, 04/02/2018 (nguyentuongthuy's blog)
Không ai ngờ số người, số vụ quá giang đội tuyển U23 Việt Nam, ăn theo thành tích của họ tại Giải vô địch U23 Châu Á lại đông đến như vậy…
Đội tuyển U23 Việt Nam.
***
Sau khi vắt kiệt sức trong trận tranh cúp với đội tuyển U23 Uzbekistan vào chiều 27 tháng 1, đội tuyển U23 Việt Nam quay về Việt Nam vào sáng 28 tháng 1. Chuyện đội tuyển U23 Việt Nam hiện diện tại trận chung kết đã khiến kế hoạch di chuyển của cả đội từ phi trường Thường Châu (Trung Quốc) về phi trường Nội Bài (Việt Nam) thay đổi. Những "người hùng" tại Giải vô địch U23 Châu Á không quay về bằng phi cơ của Vietnam Airlines như dự tính vì hãng hàng không Vietjet cử hẳn một "chuyên cơ" sang đón họ. "Chuyên cơ" không chỉ khiến công chúng sôi lên vì giận, Vietjet phải lên tiếng xin lỗi vì để những vũ công ăn mặc hở hang, ưỡn ẹo giống như mời chào các cầu thủ trẻ, Cục Hàng không Việt Nam phải vội vàng xử phạt Vietjet,… mà còn làm dấy lên thắc mắc về việc chọn… "chuyên cơ".
Người sử dụng Internet tại Việt Nam đã chuyển cho nhau xem bài viết "Có quá rẻ - cái giá của sự đánh đổi" mà Bích Hà Trần, cựu nhân viên Vietnam Airlines, đưa lên facebook. Facebooker này nhận định, Vietjet đã giựt chuyện đón đội tuyển U23 Việt Nam từ tay Vietnam Airlines để quảng bá cho mình là một hành vi thiếu đạo đức trong kinh doanh. Chi phí cho một chuyến bay từ Việt Nam sang Trung Quốc đón đội tuyển U23 Việt Nam dưới dạng "chuyên cơ" chỉ vài ngàn Mỹ kim – quá rẻ so với chi phí quảng cáo để đạt tới hiệu quả gây sự chú ý tương đương nơi hàng trăm triệu người. Vậy thì ngoài chuyện tán thành đề nghị dùng "chuyên cơ", Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có biết đòi thêm gì cho mình hay không, khoản đó nếu có thì có tương xứng không, ai hoặc những ai dính líu tới việc nhận lời, giúp Vietjet hưởng lợi lớn một cách thiếu minh bạch như vậy, họ hưởng bao nhiêu ?
Từ những thông tin, nhận định của Trần Bích Hà, chỉ riêng trên facebook của Binh Hà Trần đã có cả ngàn facebooker cho rằng, đây là chuyện cần phải làm rõ nhưng có viên chức nào muốn làm và sẽ làm tới nơi, tới chốn ?
Dẫu được ưu đãi bằng "chuyên cơ" nhưng rõ ràng đội tuyển U23 Việt Nam đã phải cõng Vietjet, cho Vietjet… quá giang và chẳng phải chỉ có… Vietjet !
Trên đường từ phi trường Nội Bài về Hà Nội, thiên hạ thấy ông Nguyễn Lân Trung, cựu Phó Chủ tịch VFF đứng trên sàn chiếc xe buýt hai tầng như… lãnh đạo đội tuyển U23, vung tay chào người hâm mộ tích cực, hào hùng hơn cả những "người hùng". Bị công chúng chỉ trích, báo giới chất vấn, ông Trung phân trần rằng ông được "tổ chức phân công" để dẫn dắt đám đông bày tỏ tình cảm, sự tri ân với đội tuyển U23 Việt Nam. Phó Chủ tịch, phụ trách truyền thông của VFF vội vàng cải chính, không phân công ông Trung làm chuyện đó !
Sau hành trình kéo dài gần năm tiếng từ phi trường Nội Bài về trung tâm thành phố Hà Nội, nhịn tiêu, nhịn tiểu, bí bách tới mức, cảnh sát giao thông phải cung cấp… xô cho các thành viên trong đội tuyển tiêu, tiểu vào đó, đội tuyển U23 Việt Nam chưa được nghỉ ngơi. Họ được đưa đến lăng của ông Hồ Chí Minh để dâng hương và báo công, rồi vào Văn phòng Chính phủ nhận huân chương.
Xem trận chung kết giữa đội tuyển U23 Việt Nam với đội tuyển U23 Uzbekistan, nhiều người xót xa vì đó là lần thứ ba, cầu thủ của đội tuyển U23 Việt Nam tiếp tục phải lăn xả tới phút 120, đặc biệt là ở trận cuối cùng phải quần thảo với đối phương trong tuyết. Ai cũng biết sức người có hạn nhưng lạ là giới hữu trách ở Việt Nam không nghĩ đến chuyện để họ nghỉ ngơi. Gặp gỡ đội tuyển U23 Việt Nam ngày hôm sau, khi họ vừa tiếp tục phơi thân nhiều giờ trong thời tiết chỉ chừng 10 độ C, ông Nguyễn Xuân Phúc, Thủ tướng Việt Nam bảo rằng, ông biết "các bạn và các em đang rất đói và mệt" nhưng vì ông vui, nhân dân vui, ông tin các thành viên của đội tuyển U23 "có đói cũng vui" nên ngoài chuyện trao huân chương, Thủ tướng Phúc cầm đọc cho hết một… xấp giấy dày.
Dường như viếng lăng, dâng hương, nhận huân chương, việc Thủ tướng ráng đọc cho hết xấp giấy – giống như đề nghị quá giang – kéo dài quá mức nên Chương trình Giao lưu nghệ thuật nhằm vinh danh đội tuyển U23 diễn ra ở sân vận động Mỹ Đình đã khai mạc chậm hơn dự trù hàng giờ, khiến vài chục ngàn người đội mưa, chịu lạnh đứng ngóng. Tiếng là chương trình do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp thực hiện nhưng nhiều cá nhân, kể cả báo chí nhận xét, chương trình thiếu chuyên nghiệp, bát nháo như một đêm văn nghệ ở… hội chợ. Các thành viên trong đội tuyển U23 Việt Nam – đối tượng được vinh danh – chỉ làm những tấm đệm cho những viên chức đăng đàn và Đài Truyền hình Việt Nam có cơ hội tăng lượt người xem, thu hút quảng cáo.
Cuối buổi vinh danh, Lương Xuân Trường, Đội trưởng đội tuyển U23 Việt Nam, thú thật, suốt ngày, cả đội chưa được ăn bữa nào đúng nghĩa. Tuy Trường bảo rằng anh không đói nhưng ống kính truyền hình cho thấy, dù tên của Trường được cả MC lẫn khán giả cùng hô nhưng phải mất khoảng nửa phút và được đồng đội lưu ý, Trường mới nhận ra thiên hạ gọi tới mình.
Đó mới chỉ là những vụ quá giang xảy ra trong ngày 28 tháng 1. Từ 29 tháng 1 đến giờ, các thành viên của đội tuyển U23 Việt Nam còn phải vào trụ sở Quốc hội, hầu chuyện Chủ tịch Quốc hội, để Chủ tịch Quốc hội xoa đầu. Chia nhau hầu chuyện báo giới…
***
Thành thật mà nói, những vụ quá giang đã tiếp thêm lửa để những người sử dụng Internet tại Việt Nam hăm hở luận bàn khi những trận cầu nảy lửa của Giải vô địch U23 Châu Á đã chấm dứt. Nguyễn Huỳnh Duy xem ứng xử "có đói cũng vui" của Thủ tướng Phúc là bằng chứng cho thấy "có thực mới vực được đạo" đã lỗi thời, chỉ "vui" là đủ để sánh vai bạn bè năm Châu tiến vào "cách mạng công nghiệp 4.0". Phạm Đoan Trang đăng lại tấm ảnh chụp đội tuyển U23 Việt Nam lọt thỏm giữa một rừng những cá nhân trán bóng, bụng bự khi họ được chở tới Văn phòng Chính phủ kèm thắc mắc : Mấy ông bà này là ai ? Chúng tôi không biết ! và đề nghị : Mấy ông bà đi ra đi ! Bạn bè của Trang có người bảo đó là "Đội Kền Kền", có người gọi đó là hiện tượng "giây máu ăn phần". Có người như Aikido Tropic bình : Ăn không chừa thứ gì, kể cả diện tích khung hình ! Dường như sợ nhiều người không hiểu thành ngữ "giây máu ăn phần", Cong Thang Vu viết hẳn một status riêng.
Giữa sự rộn ràng của phong trào quá giang, Nguyen Chuong tán về Thánh Gióng. Theo đó, dẹp xong giặc Ân, Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, không chịu ở lại "mừng công" vì "cõi trần nhung nhúc bọn "lục súc tranh công", nếu "ở lại, bọn lục súc sẽ biến công trạng của Gióng thành... công lao của chúng. Chi bằng tách ra một cõi, người đời mới không lẫn lộn".
Thế các thành viên đội tuyển U23 Việt Nam – những "người hùng" thì sao ? Cho đến giờ này, họ chỉ cảm ơn người hâm mộ và hứa sẽ cố gắng hơn trên các sân cỏ. Tuy nhiên theo Nguyen Dan – người quan sát buổi truyền hình trực tiếp buổi "mừng công" do Quốc hội Việt Nam tổ chức hôm 29 tháng 1 – thì "mặt các cầu thủ nhìn rất buồn". Tuy bà Ngân (Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội), không cầm giấy đọc như Thủ tướng Phúc và nói khá hơn nhưng các cầu thủ chẳng hào hứng chút nào. Có cầu thủ nói chuyện riêng, có cầu thủ thì dành khoảng thời gian đó để ký tên cho người hâm mộ.
***
Nhà văn Phạm Thị Hoài vừa đưa lên trang facebook của bà vài suy nghĩ về bóng đá và thời cuộc. Trong đó : Bóng đá là điều kỳ vĩ duy nhất trong cuộc đời không can thiệp vào cuộc đời. Nó khép lại với tiếng còi kết thúc. Trước khi tấn công một đất nước, không kẻ ngoại xâm nào nghiên cứu lòng ái quốc bóng đá và số lượng cờ trên má hay trên mông người hâm mộ ở đó. Ai hèn vẫn hèn. Ai ngu vẫn ngu. Ai lười vẫn lười. Ai đê tiện vẫn đê tiện. Ai ăn cắp vẫn ăn cắp. Ai vơ vét vẫn vơ vét. Ai thích nhậu nhẹt hơn rèn luyện thân thể vẫn nhậu nhẹt. Ai chém gió vẫn chém gió. Ai đạo đức giả vẫn đạo đức giả. Ai nuốt lời vẫn nuốt lời. Ai xấu trai vẫn xấu trai. Kẻ độc tài vẫn độc tài. Lòng người chia rẽ vẫn chia rẽ. Thực phẩm bẩn vẫn bẩn. Tham nhũng vẫn tham nhũng. Bệ rạc vẫn bệ rạc. Lầm than vẫn lầm than. Trái bóng tròn vô can. Phép màu chỉ diễn ra trên sân cỏ. Tôi mến bóng đá vì sự vô dụng khổng lồ của nó. 90 phút yêu nước vô hại là đủ và cần chấm dứt, khi trái bóng ngừng lăn.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 02/02/2018
Sau 'lòng tự hào dân tộc' còn lại cái gì ? (VNTB, 30/01/2018)
U23 Việt Nam đã làm nên lịch sử khi trở thành Á quân bóng đá Châu Á. Gần như cả nước vỡ òa trước niềm vui quá lớn này. Suốt gần cả tuần qua từ thứ ba cho đến thứ bảy mọi bàn tán đều tập trung vào U23, những gương mặt trẻ đem lại niềm tự hào dân tộc.
Nỗi buồn trong ánh mắt cầu thủ U23 Việt Nam - Ảnh minh họa
Tự hào với chiến thắng
Báo Nhật Nikkei Asean Review ví von rằng các trận túc cầu của tuyển U23 đã kéo người Việt lại gần với nhau, bất kể giàu nghèo. Sự hào hứng với bóng đá là điều dễ hiểu nhưng sự bất thường là ở chỗ các trận đấu này đã thôi thúc cảm giác về tình đoàn kết ở Việt Nam khi mà phát triển kinh tế ngày càng đào sâu hố ngăn cách giàu nghèo. Trận đấu giữa Việt Nam – đội bóng FIFA xếp hạng 112 – với Iraq – đội bóng hạng 77 – dù có thua hay thắng cũng sẽ kéo người Việt Nam lại gần với nhau và khuấy động hồi ức về một lý tưởng cộng sản vốn dường như ngày càng trở nên sáo rỗng.
Sự đoàn kết có thể thấy rõ ở cơn " bão" sau trận đấu kết thúc khi hàng ngàn người đổ ra đường. Kẹt xe, còi bấm inh ỏi nhưng ai cũng tươi cười mà không la hét, chửi bới nhau. Cảnh sát giao thông cũng làm ngơ cho những xe vi phạm giao thông. Ngay cả Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài diễn văn chào mừng U23 chiến thắng trở về còn khen ngợi "Điều đặc biệt, đông như vậy, hàng vạn người như vậy, nhưng người dân Việt Nam ý thức cao, không cãi vã ồn ào, mà đi theo nề nếp, trật tự an toàn giao thông".
Niềm tự hào dân tộc dâng cao khi chưa bao giờ mà ngóc ngách mọi phố phường đều đỏ rực mà không cần tổ trưởng dân phố đi đến tận nhà để nhắc nhở đến như thế. Người ta cầm cờ, vẽ cờ lên mặt, mặc áo đỏ sao vàng chỉ để thể hiện sự ủng hộ cho U23 Việt Nam . Mạng xã hội cũng tràn ngập các hình ảnh cờ đỏ sao vàng và biết bao người treo trên trang trạng thái rằng họ tự hào với U23 và rằng " Việt Nam vô địch".
Ngày thứ bảy 27/01/2018 U23 một lần nữa lại làm cho người hâm mộ rung động dù đã thua trong trận chung kết vì đã cháy hết mình cho trận đấu trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Có người khóc vì thua cuộc nhưng cũng rất nhiều người vui vì các em đã tiến được một chặng đường dài trên đấu trường thể thao Châu Á, hứa hẹn một tương lại sáng cho bóng đá nước nhà.
Sự hâm hộ có thể chứng kiến ở hình ảnh người hâm mộ tràn ra đón " các chiến binh sân cỏ" khiến cho xe bus chở các em trong đội U23 phải mất 4 giờ đồng hồ mới đi hết quãng đường từ sân bay về trung tâm thành phố Hà nội. Chưa bao giờ mà người ta ăn mừng lớn và một cách tự nguyện đến như vậy.
Ông Phúc nhìn nhận rằng phong cách thi đấu tự tin, tính kỷ luật, đoàn kết, quả cảm và đặc biệt giải thưởng Fairplay thể hiện rõ nét đẹp văn hóa Việt Nam là khiêm tốn, giản dị, thân thiện.
Nhân danh lòng tự hào dân tộc
Tự nhận khiêm tốn, giản dị thân thiện có lẽ phải xẩu hổ khi thấy những gì mà cổ động viên Việt Nam dành cho đội tuyển trên Facebook của những người trót làm cho giấc mơ bóng đá của người Việt Nam không trọn vẹn.
Tình yêu và lòng tự hào dân tộc lên tới mức ngày thứ ba 23/1/2018 khi cho rằng trọng tài Singapore không công bằng với U23 Việt Nam khi cho Quatar hưởng quả phạt đền, những cổ động viên trên Facebook đã rần rần truy ra cho bằng được trang Facebook cá nhân của ông Muhammad Taqi. Họ nhân danh "lòng yêu nước'" và tinh thần Fairplay để đồng lòng viết những bình luận thô tục. Họ không chỉ viết tiếng Việt mà còn viết cả tiếng Anh và rất đỗi tự hào vì đã làm được điều đó.
Lòng tự hào dân tộc bị lợi dụng khi những người trẻ tuổi lại tấn công Facebook của cầu thủ Uzbekistan – người đã ghi bàn làm cho giấc mơ "đặt cả Châu Á dưới chân mình" của Việt Nam tan thành mây khói. Một cuộc bạo hành ngôn từ tập thể lại diễn ra. Không dừng lại ở đó, môt tập thể thanh niên còn tự hào phát tán hình ảnh của họ giơ những tờ giấy A4 in lời mạ lỵ cầu thủ mang áo số 11 của đối phương trên mạng xã hội.
Không ai có thể ăn mừng mãi mà no được, niềm vui chiến thắng ngất ngây nhất thời rồi cũng tan đi như bọt xà phòng để rồi ai cũng phải quay trở về với cuộc sống thường nhật như thủ môn Bùi Tiến Dũng hay bất cứ em cầu thủ nào cũng sẽ "về nhà nghỉ ngơi và giúp bố mẹ". Người lớn cũng lại bị cuốn vào cơn lốc cơm áo gạo tiền như ông Phúc đã chỉ đạo : " Không được ngủ quên trên vòng quyệt quế mà phải tiến bước mọi mặt của đất nước nhân dịp đội U23 của chúng ta thành công tại giải vô địch U23 Châu Á lần này. Dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam , toàn dân ta đoàn kết xây dựng, phát triển đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Một khi qua cơn mê
Vâng cơn mê bóng đá đã qua đi, giờ người dân lại đối mặt với nợ công kịch trần, người ta lại nhớ nếu không nhờ có Samsung thì sản lượng nhập khẩu của Việt Nam sẽ giảm đi 20%, người ta lại nhớ tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết đã cùng với lãnh đạo tỉnh Quảng bình đã bắt tay làm cáo treo vào tận Sơn Đoong để tận thu ngân sách, làm giàu cho những đại gia bất động sản và quan chức đồng thời góp phần bức tử một di sản thiên nhiên.
Dân giàu theo ý Thủ tướng kiến tạo sẽ đi lên theo hướng nào khi dầu thô đã múc lên bán gần hết, than và quặng mỏ đã xúc lên xuất khẩu thô gần cạn kiệt ? Nước mạnh ra sao khi hầu hết các yếu điểm địa lý quan trọng của đất nước từ Bắc chí Nam đều hiện diện hàng vạn công nhân và các nhà máy Trung Quốc ? Đất nước dân chủ đến đâu khi những tiếng nói trái chiều bị dập tắt, tự do ngôn luận bị kiểm duyệt, ai ước đa nguyên đa đảng hay tam quyền phân lập sẽ là kẻ tội đồ dân tộc ?
Công bằng ở đâu khi các dân oan lăn lóc ở khắp nơi ? Có công bằng không khi chính phủ cho giải ngân hàng ngàn tỷ đồng xây tượng đài và các tòa nhà hành chính và trẻ em vùng cao co ro trong những lớp học nhếch nhác ; 60% dân chúng vẫn phải sống ở mức chưa được 4 triệu đồng một tháng trong khi quan chức với đồng lương khiêm tốn lại có nhà xe trị giá hàng bao nhiều tỷ đồng ? Văn minh ở đâu khi nói phê phán những bất cập trong xã hội lại bị quy là nói xấu. Những lời bình luận thô tục, thiếu giáo dục trưng cho cả thế giới biết sự văn minh của người Việt trên Facebook của người nước ngoài lại được tặc lưỡi cho qua nhân danh lòng tự hào dân tộc ngu muội ?
"Trong thành tựu to lớn hôm nay, chúng ta vẫn có chút niềm tiếc nuối. Nhưng chúng ta hãy coi đó là động lực cho nỗ lực sáng tạo để từ thềm cao Châu lục hôm nay vươn lên tầm cao World Cup ngày mai và chúng ta tin tưởng, chúng ta sẽ làm được điều mong mỏi này đối với nhân dân chúng ta". Ông Phúc chỉ mong sẽ có World Cup mà ông quên rằng muốn có được thành tích đó, phải có tiền để huấn luyện cầu thủ từ nhỏ, thuê thầy ngoại, cho đi nước ngoài tập huấn và cọ xát. Muốn có tiền đầu tư vào đó phải xuất phát từ kinh tế mạnh.
Tài nguyên thiên nhiên hết, rừng cạn, biển chết, không khí ô nhiễm, người dân nghèo chạy tiền để ra nước ngoài làm nô lệ. Kinh tế Việt Nam rồi sẽ không còn lợi thế nơi sản xuất hàng hoá giá rẻ, thì lúc đó sẽ ra sao khi mà Việt Nam không hề có bản lĩnh sáng tạo và điều hành kinh tế một cách hiệu quả ?
Phương Thảo
**********************
Những kẻ ăn hôi (CaliToday, 29/01/2018)
Ba ngày sau khi đội tuyển túc cầu U23 thất bại trong trận chung kết gặp Uzbekistan và đoạt huy chương bạc, người dân trong nước vẫn chưa hết bàn tán. Đối với người dân, việc đi đến trận chung kết, dù không giành được huy chương vàng thì các cầu thủ vẫn là những người hùng. Nỗi khát khao được thế giới biết đến đã được dân chúng gửi gắm vào các cầu thủ U23. Điều này phần nào có thể cảm thông được sau một thời gian dài phải chịu sự cai trị độc đoán, hình ảnh Việt Nam trong con mắt của bạn bè quốc tế trở nên xấu xí. Song song với niềm vui là những tai tiếng mà giới lãnh đạo chính quyền, đám quan chức túc cầu đang cố lồng ghép chính trị vào thể thao.
Sự tiếp đón nồng hậu các cầu thủ trở về khiến cho nhiều người phải đặt ra câu hỏi, vì sao chỉ đạt được huy chương bạc nhưng lại được chào đón trọng thị đến như vậy ? Trong khi với đội tuyển U23 Uzberkistan dù đạt được huy chương vàng nhưng truyền thông và người dân nước này lại chẳng mấy quan tâm. Hơn nữa, giải đấu U23 Châu Á không phải là giải lớn. Các đội tuyển mạnh, như : Nhật Bản, Hàn Quốc… không mang đến những hảo thủ của họ. Và các cầu thủ đang thi đấu ở Âu Châu cũng không thèm trở về để phục vụ trong giải đấu này. Phần nào nhờ vào điều đó, các cầu thủ Việt Nam mới được lọt vào trận chung kết. Điều này không có nghĩa là phủ nhận hết những nổ lực, cố gắng của các cầu thủ, nhưng để chiến thắng còn phải có thêm sự may mắn.
Nếu việc đội tuyển U23 vào đến trận chung kết làm người dân ngất ngây, thì bằng việc cho các người mẫu trình diễn bikini trên phi cơ của hãng Vietjet Air để ăn mừng đã làm cho dân chúng dậy sóng phẫn nộ. Hãng phi cơ Vietjet Air những mong bằng màn trình diễn áo tắm, phơi bày thân thể sẽ được sự hưởng ứng của các tuyển thủ. Vậy nhưng, nó lại trở thành trò hề để bàn tán. Ngay sau đó, Tổng giám đốc hãng hàng không Vietjet Air đã phải lên tiếng xin lỗi trước sự cố trên. Dù bị phản đối, dù bị lên án thì giá cổ phiếu của Vietjet Air vẫn lên điểm, số tiền mà hãng hàng không này kiếm được sau phi vụ trình diễn áo tắm trên phi cơ đã có kết quả.
Không chỉ Vietjet Air ăn hôi theo thành công của đội tuyển U23 Việt Nam , mà ngay đến cả những lãnh đạo, quan chức chính quyền cũng tận dụng cơ hội nhằm đẩy mạnh tinh thần dân tộc, tranh công về phần mình.
Ngay khi vừa đặt chân tới phi trường Nội Bài, một chiếc xe bus hai tầng được phái đến để chở các cầu thù về Hà Nội. Ngay trên vị trí trang trọng bỗng xuất hiện ông Nguyễn Lân Trung. Ông này không phải là cầu thủ, cũng không nằm trong ban huấn luyện, ông chỉ là cựu quan chức từng nắm vị trí phó Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) nhưng việc ông đứng vào vị trí trang trọng chỉ dành cho cầu thủ và ban huấn luyện đã làm cho nhiều người cho rằng, ông Trung chính là kẻ ăn hôi, bám vào chiến thắng của U23 Việt Nam để đánh bóng tên tuổi cho mình.
Hình ảnh ông Nguyễn Lân Trung trên chiếc xe bus 2 tầng để tranh công. Ảnh : Internet
Trước phản ứng gay gắt của dư luận, ví ông như là kẻ ăn hôi, ông Nguyễn Lân Trung đã trả lời với báo chí rằng :
"Tôi theo đón đoàn từ 9 giờ sáng. Tôi ở đó để giúp truyền thông, giương ảnh Bác Hồ, ảnh ông Park (huấn luyện viên đội tuyển U23-người viết), hô khẩu hiệu để cầu thủ trên xe và những người ở dưới hô theo "Việt Nam vô địch". Bây giờ tôi khản hết cả giọng rồi"
"Liên đoàn làm thẻ để cho tôi có nhiệm vụ vào tham gia tổ chức lễ đón, hỗ trợ công tác truyền thông. Tôi ở trên xe với nhiệm vụ hỗ trợ truyền thông như các lần khác. Và tôi đã làm hết mình. Tôi làm việc và không bao giờ nghĩ mình vơ công trạng của ai".
Tuy nhiên, phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF là Nguyễn Xuân Gụ vào trưa ngày 29/1 khẳng định không giao cho ông Nguyễn Lân Trung lên xe bus 2 tầng diễu hành để hỗ trợ công tác truyền thông. Lời khẳng định của ông Gụ chẳng khác nào tạt nước vào mặt ông Nguyễn Lân Trung. VFF chẳng hề giao nhiệm vụ giương ảnh Hồ Chí Minh hay ảnh huấn luyện viên Park Hang Seo, mà là do tự ý ông Trung làm điều đó để tranh công.
Ông Nguyễn Lân Trung là thành viên trong gia tộc Nguyễn Lân đầy tai tiếng. Vào thời Nhân văn Giai phẩm, ông Nguyễn Lân đã thóa mạ Giáo sư Trần Đức Thảo và Giáo sư Trương Tửu, vì hai ông này đã cổ súy cho tự do sáng tác không chịu sự chỉ thị từ chính quyền Cộng sản. Phần thưởng mà chính quyền dành cho ông Nguyễn Lân là danh vị "Nhà giáo nhân dân", cho dù ông này tai tiếng với những tác phẩm làm từ điển rất nhiều sai sót. Thừa hưởng ơn mưa móc của chính quyền, những người con của ông Nguyễn Lân cũng theo đó để tâng bốc chế độ, cổ súy cho chính quyền Cộng sản độc tài tiếp tục sự cai trị độc đoán của mình.
Không chỉ ông Nguyễn Lân Trung, mà cả bộ máy chính quyền Cộng sản lao vào ăn hôi sau thành công của đội tuyển U23. Một ngày sau khi thua 1-2 trên đất Trung Cộng, đội tuyển U23 Việt Nam đã phải chịu sự chỉ thị của chính quyền Cộng sản vào lăng Hồ Chí Minh để thắp hương và "báo công lên bác". Việc làm này vô cùng phản cảm, nhưng đó là ý đồ của chính quyền nhằm lồng chính trị vào trong thể thao, cố lấy thành công của U23 Việt Nam để đẩy hình tượng Hồ Chí Minh lên làm bậc thánh. Cho dù với người Việt Nam ảnh hưởng văn hóa Á Đông, việc báo công với một xác chết không được hỏa táng hay mang đi chôn là việc không thể chấp nhận, vì như vậy người chết sẽ không được siêu thoát.
Huấn luyện viên và các cầu thủ phải đứng, trong khi các quan chức ngồi tại văn phòng chính phủ cộng sản Việt Nam . Ảnh : Internet
Không chỉ màn "báo công" cho xác chết Hồ Chí Minh, cả Chính phủ Việt Nam , mà đứng đầu là ông Nguyễn Xuân Phúc cùng rất nhiều quan chức cấp cao khác đã tiếp đón các cầu thủ U23 Việt Nam . Bằng những từ ngữ hết sức xáo rỗng, coi các cầu thủ như những anh hùng đã mang vinh quang về cho dân tộc, chính phủ cộng sản Việt Nam đang muốn nói với dân chúng rằng, nhờ sự ưu ái, quan tâm của họ mà đội tuyển U23 mới có được thành công như hôm nay.
Song, bằng việc cho truyền thông khai thác mạnh mẽ thành công của đội tuyển U23, chính quyền cộng sản Việt Nam muốn dân chúng mê muội, lâng lâng mà quên mất đi những vấn đề nóng bỏng liên quan đến sinh nhai, từ các trạm thu phí BOT, đến giá xăng tăng, nợ nần quốc gia chồng chất, lạm phát kinh hoàng…Và cũng quên đi việc quan chức Tòa Đại sứ Việt Nam tại Chile phơi vây cá mập trên mái nhà. Một việc làm được coi là nỗi nhục quốc thể.
Hình ảnh hàng chục quan chức Chính phủ, từ ông Nguyễn Xuân Phúc cho đến các phó thủ tướng, Bộ trưởng khác tranh nhau đứng chụp hình che kín cả các cầu thủ phần nào đã cho thấy họ đang muốn ăn hôi theo thành công của các cầu thủ U23. Trong khi đó, theo tiết lộ của đội trưởng U23 Lương Xuân Trường cho biết, từ khi về đến Việt Nam cho đến lúc gặp
Thủ tướng Chính phủ, cả anh lẫn các cầu thủ khác đều chưa được ăn uống gì.
Không chỉ chính phủ, ngay đến cả Quốc hội cũng lao vào ăn hôi thành công của đội tuyển U23. Chiều ngày 29/1, tại Hội trường Diên Hồng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, chủ tịch Quốc hội đã có buổi tiếp đón các cầu thủ U23. Tại đó, bất chấp các lãnh đạo nói những lời đao to búa lớn, các cầu thủ U23 chẳng thèm bận tâm, vì họ đang mãi nhỏ to với nhau những câu chuyện riêng.
Ở Việt Nam , thể thao đã bị chính quyền cộng sản Việt Nam lợi dụng một cách triệt để nhằm phục vụ cho mưu đồ đen tối của mình. Nói cách khác, chính quyền là kẻ ăn hôi sau chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam . Làm mất đi sự cao quý của thể thao.
Người Quan Sát
U23 Việt Nam và giấc mơ vượt ngưỡng (BBC, 23/01/2018)
Đêm 20/1/2018, người dân Việt Nam đã được sống qua những giờ khắc lịch sử khi đội tuyển U23 nước nhà quả cảm chiến thắng ứng cử viên vô địch U23 Iraq và lần đầu tiên giành quyền vào vòng bán kết giải U23 Châu Á.
Các cầu thủ U23 Việt Nam mặc ấm trong buổi tập ở Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc
Đội tuyển U23 của chúng ta đã cho người hâm mộ đi qua hết mọi cung bậc cảm xúc từ bất ngờ đến hào hứng, từ lo lắng đến nghẹt thở và cuối cùng là vỡ òa trong niềm vui chiến thắng.
Lần đầu tiên, chúng ta đã chơi sòng phẳng ở vòng loại trực tiếp với một đội bóng hàng đầu Châu Á. Lần đầu tiên chúng ta không vỡ trận khi thế trận phòng ngự chủ động sụp đổ trong hiệp phụ.
Chúng ta đã cho quốc tế trầm trồ thán phục với một lối chơi ổn định đến đáng sợ xuyên suốt tất cả các trận đấu của giải. Thật không ngoa khi nói, chúng ta đang vượt ngưỡng.
Dùng từ vượt ngưỡng là bởi đây không phải là một chiến công vụt sáng vụt tắt mà là kết tinh của một quá trình vươn lên lâu dài. Đó là thành quả của nhiều năm phát triển những lò đào tạo trong nước, là lộ trình hợp lý ở nhiều cấp tuyển trẻ, là sự nâng tầm có đồng nhất lối chơi phòng ngự khoa học và kỷ luật kết hợp với tố chất kỹ thuật vốn có của bóng đá nước nhà.
Mới một năm trước đây thôi, làng túc cầu Châu Á cũng đã một phen chấn động khi tuyển U19 Việt Nam lần lượt vượt qua những ông lớn Triều Tiên, UAE, Iraq hay Bahrain để vào bán kết Châu lục, giành quyền đến U20 World Cup 2017.
Điều ít người còn nhớ là đây tuy là chiến công lịch sử nhưng lại không phải lần đầu tiên một đội tuyển U23 Việt Nam ghi dấu ấn tại sân chơi Châu lục. Hơn 10 năm trước, chúng ta đã có một thế hệ tài năng của Công Vinh, Thanh Bình, Vũ Phong, Xuân Hợp, Long Giang, Tiến Thành hay Việt Cường dưới sự chỉ đạo của huấn luyện viên tạm quyền Mai Đức Chung thi đấu xuất thần tại vòng loại Olympic Bắc Kinh 2008.
Họ đã chiến thắng những Lebanon, Oman để giành quyền vào vòng 8 đội cuối cùng. Thế nhưng tiếc thay, với lý do tập trung cho mục tiêu cao nhất là... Sea Games 2007, những người làm bóng đá Việt Nam đã thờ ơ với sân chơi này. Kết quả là chúng ta đã chấp nhận gửi một đội hình 2 tham dự vòng loại vòng loại cuối với Nhật Bản, Ả rập Saudi và Qatar.
Trong bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, khái niệm momentum dùng để chỉ những kết quả thi đấu tích cực dựa trên những kết quả tốt trước đó. Khi một kết quả tốt tới thì sự tự tin và trạng thái tâm lý hưng phấn dẫn tới những bước nhảy tiếp theo.
'Mới là khởi đầu'
Đội tuyển U23 năm đó cũng trở thành nòng cốt cho một thế hệ vàng son của bóng đá nước nhà. Nhiều người trong số họ sau đó đã cùng đội tuyển quốc gia đã lọt vào tứ kết ASIAN Cup 2007 trong lần đầu tham dự, đăng quang AFF Suzuki Cup 2008 và giành chiếc huy chương Bạc đáng tiếc ở Sea Games 2009.
Than ôi ! Phải dùng từ đáng tiếc bởi năm đó chúng ta đã tới gần nhất với chiếc Huy Chương Vàng SEA Games, cái vòng kim cô ám ảnh những người làm bóng đá Việt Nam suốt bao nhiêu năm. Có lẽ nếu có nó, bóng đá Việt Nam đã mãi chẳng bị giam hãm trong giấc mơ con ao làng. Có lẽ nếu trong suốt những năm đó, chúng ta không buông xuôi và biết chủ động ưu tiên những giải đấu cấp Châu lục (như vòng loại Olympic 2008 hay World Cup 2010) thì niềm vui hôm nay có khi đã đến sớm.
Chúng ta đã được thấy nhiều giấc mơ dần dần mở khóa và tới lúc mơ tiếp những điều lớn hơn, tới lúc thật sự bỏ qua ao làng Đông Nam Á để hòa mình với đại dương. Trước mắt là những ASIAN cup 2019, Vòng Loại Olympics 2020 và thậm chí là những vòng loại World Cup.
Để hiện thực hóa những tham vọng đó, bóng đá Việt Nam không được phép tự mãn và ngủ quên trên những thành công ngày hôm nay. Đây mới là khởi đầu và sự khiêm tốn, cầu tiến cần được giữ cho các cầu thủ của chúng ta nhất là khi nhiều người trong số họ có thể sẽ có cơ hội xuất ngoại sau giải U23 Châu Á năm nay.
Ở tầm vĩ mô hơn, việc quan trọng nhất và cũng là việc mà bóng đá Việt Nam đã làm tốt trong những năm vừa qua là phát triển các lò đào tạo trẻ cũng như mật độ các giải trẻ trong năm. Trọng tâm của việc đào tạo trẻ vẫn phải chú trọng vào yếu tố kỹ thuật ở các lứa tuổi nhỏ kết hợp với các phương pháp thúc đẩy dinh dưỡng và thể hình, thể lực cho các lứa U16-U21.
Điều đáng mừng là nhiều đội bóng ở V-League đã và đang xây dựng lối chơi đẹp mắt xoay quanh các cầu thủ nội mà tiêu biểu là Hà Nội FC, Sài Gòn FC và HAGL. Chúng ta hoàn toàn có thể tin với tính cạnh tranh ngày càng tăng cao của giải quốc gia, những mô hình đào tạo bóng đá theo chuẩn Châu Âu sẽ ngày càng được áp dụng rộng khắp.
Việc giáo dục đạo đức cầu thủ cũng có tầm quan trọng ngang ngửa với huấn luyện chuyên môn. Ngoài trình độ văn hóa và nhận thức xã hội, các lứa trẻ Việt Nam cần được hun đút lòng tự hào dân tộc và ý chí vì màu cờ sắc áo. Tôi luôn ấn tượng cách huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn nhắc đến tổ quốc và đồng bào đang trong cơn hoạn nạn bão lụt với tuyển U19, thôi thúc họ làm nên bất ngờ ở giải U19 Châu Á năm 2016. Sức mạnh tinh thần vốn luôn là vũ khí tối thượng của các đội tuyển Việt Nam.
Cuối cùng, ở tầm chiến lược, chúng ta nên xem trọng tâm hướng tới là thành tính cấp Châu lục. Những kết quả vừa qua cho chúng ta thấy bóng đá Việt Nam đã bắt đầu có bản sắc riêng, có thể vươn ra những sân chơi lớn hơn và thậm chí tiệm cận tốp đầu. Việc áp dụng thông suốt và tối ưu hóa lối chơi phòng ngự khoa học sẽ giúp đội tuyển Việt Nam đi xa hơn là chăm chăm vào khu vực Đông Nam Á manh mún, bạo lực và nhiều tiểu xảo.
Tôi cảm thấy cực kỳ an tâm khi ngay từ trước trận tứ kết gặp Iraq, ông Trần Quốc Tuấn đã bắt đầu nói về những lợi thế chúng ta có ở vòng loại Olympics Tokyo 2020 nhờ đi sâu ở giải lần này.
Hiểu về giấc mơ để chúng ta không tự hài lòng sớm, không tự huyễn hoặc trong những điều xa vời và không giam hãm bản thân trong những điều nhỏ bé.
Để sự vượt ngưỡng về đẳng cấp này chỉ là điểm khởi đầu cho nhiều chiến tích mới.
Tôi bắt đầu viết những dòng này từ trước khi trận tứ kết diễn ra và chỉ hoàn thành vài tiếng trước trận bán kết lịch sử với Qatar, trong lòng không thôi tự hỏi vài hôm nữa khi giải đấu qua đi chắc sẽ trống trải lắm.
Rồi những ngày sôi động này cũng sẽ dần trôi vào kỉ niệm. Chỉ mong sao, chúng ta hiểu đúng về những giấc mơ và những niềm vui thế này sẽ còn trở lại trong tương lai không xa !
Sean Nguyễn (London, Anh Quốc)
*********************
U23 Việt Nam vào chung kết Cúp Châu Á, kỳ tích nối tiếp kỳ tích (RFI, 23/01/2018)
Lại thêm một chiến công lịch sử cho bóng đá Việt Nam tại đấu trường Châu lục. Chiều ngày 23/01/2018, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam đã loại đội tuyển Qatar bằng tỷ số thi đá luân lưu 11 mét 4-3 trong trận bán kết trên sân vận động Thường Châu Trung Quốc.
Cổ động viên Việt Nam vui mừng chiến thắng sau thành tích lịch sử. Ảnh ngày 23/01/2018. HOANG DINH NAM / AFP
Các cầu thủ U23 đã có 120 phút thi đấu kiên cường, bản lĩnh và tự tin với màn rượt đuổi tỷ số đầy kịch tính với Qatar, một đội bóng mạnh hàng đầu Châu lục. Hai lần bị Qatar dẫn trước, hai lần đội quân của huấn luyện viên người Hàn Quốc Park Hangseo đã vươn lên ngoạn mục, san bằng tỷ số.
Cú đúp của Quang Hải đã giúp Việt Nam có được tỷ số hòa 2-2 trong thời gian thi đấu chính thức. Hai đội đá thêm hiệp phụ, tỷ số hòa vẫn được giữ. Qatar và Việt Nam phải so tài bằng màn thi đá luân lưu 11 mét và kết quả cuối cùng là chiến thắng thuộc về các cầu thủ U23 Việt Nam.
Loại Qatar ở trận bán kết, tuyển U23 Việt Nam vào thẳng chung kết của giải đấu Châu lục. Đây là chiến tích lịch sử không chỉ của bóng đá Việt Nam mà còn của cả bóng đá Đông Nam Á. Đây là lần thứ 2, tuyển U23 Việt Nam được dự vòng chung kết giải vô địch bóng đá U23 Châu Á. Lần trước cách đây 2 năm, Việt Nam đã không vượt qua được vòng bảng.
Bước vào giải đấu tại Trung Quốc năm nay, không mấy ai nghĩ đội bóng của khu vực Đông Nam Á này có thể đi xa quá vòng bảng. Tuy nhiên với một tinh thần thi đấu quả cảm đầy tự tin cộng với đấu pháp khôn khéo của huấn luyện viên người Hàn Quốc, vừa về cầm quân đội bóng mới hơn một tháng, các cầu thủ U23 Việt Nam đã liên tục làm nên những trận địa chấn ở đấu trường Châu lục : Đánh bại các đối thủ lớn, gồm toàn những ứng viên cho chức vô địch như thắng Úc 1-0 ở vòng bảng, loại Iraq bằng tỷ số 5-3 bằng đá luân lưu 11 mét và hôm nay là loại Qatar ở bán kết.
Hàng triệu người hâm mộ ở các thành phố lớn trên khắp Việt Nam đổ ra đường ăn mừng chiến công lịch sử của U23 Việt Nam. Họ đã trải qua hơn 2 giờ đồng hồ theo dõi cổ vũ đội nhà thi đấu qua màn hình với những cảm xúc nghẹt thở.
Đối thủ cuối cùng của U23 Việt Nam sẽ là Uzbekistan, đội đại diện của bóng đá Trung Á vừa hạ tuyển Hàn Quốc bằng tỷ số 4-1 trong trận bán kết ở thành phố Côn Sơn. Trận chung kết sẽ diễn ra trên sân Thường Châu, nơi đội Việt Nam vừa có chiến thắng lẫy lừng trước Qatar, 15 giờ (giờ Việt Nam) ngày 27/01/2018.
Anh Vũ
*****************
Các đường phố Việt Nam tràn ngập người đổ ra ăn mừng cuồng nhiệt sau khi Việt Nam giành quyền đá trận chung kết của Giải vô địch U-23 bóng đá Châu Á (AFC).
Để đi đến kết quả ấn tượng này, Việt Nam đã chiến thắng Qatar trong lượt sút 11 mét luân lưu nghẹt thở.
Thủ môn Bùi Tiến Dũng là người hùng của đội Việt Nam, anh chặn được hai cú sút 11 mét, giúp đội bóng của đất nước Đông Nam Á đánh bại Qatar 4-3 khi thi đấu tại sân vận động Thường Châu, Giang Tô, Trung Quốc.
Tiến Dũng đã làm thất bại nỗ lực của bộ đôi bên đội Qatar là Ahmad Moein và Sultan Al-Brake, để chốt lại chiến thắng cho Việt Nam.
Đội của anh, dưới sự dẫn dắt của huấn luyện viên trưởng Park Hang-seo, sẽ tiếp tục cuộc hành trình như mơ, tới đây sẽ thách thức đối thủ là Uzbekistan vào thứ Bảy, 27/1.
Nếu Tiến Dũng là người hùng trong loạt sút 11 mét, thì Nguyễn Quang Hải là người hùng ở mọi thời điểm khác.
Hải ghi hai bàn thắng đem lại tỉ số hòa, một bàn vào phút 69 và bàn kia vào phút 88 - chỉ 60 giây sau khi Qatar vượt lên dẫn 2-1 và có vẻ như đã giúp họ đặt một chận vào trận chung kết.
Việt Nam đã không chịu bỏ cuộc và tinh thần bất khuất của họ đã khiến đội kia phải đá thêm hiệp phụ, và sau đó là loạt đá 11 mét.
Đội Việt Nam đã trào dâng sung sướng mừng chiến thắng sau khi Vũ Văn Thành đá 11 mét thành công, trong khi Qatar buồn bã vì lần thứ hai liên tiếp bị thua ở trận bán kết.
Đã có hàng chục ngàn người Việt Nam xem trận đấu qua các màn hình lớn ở nơi công cộng, sau đó còn nhiều người hơn thế đổ xuống các đường phố để ăn mừng một trong những ngày vĩ đại nhất trong lịch sử thể thao của Việt Nam.
(Arab News, Fox Sports Asia, Goal)
******************
U23 Việt Nam gặp U23 Uzbekistan trong trận chung (RFA, 23/01/2018)
Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam sẽ gặp đội tuyển U23 Uzbekistan trong trận chung kết Giải Vô Địch U23 Châu Á, diễn ra vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Bảy, 27 tháng Một năm 2018 trên sân vận động Thường Châu, Trung Quốc.
Các cổ động viên Việt Nam chào mừng chiến thắng của đội tuyển U23 Việt Nam trước U23 Qatar ở trận bán kết U23 AFC hôm 23/1/2018 - AFP
Trận so giầy sắp đến diễn ra sau khi các tuyển thủ U23 Việt Nam tạo kỳ tích sau khi thắng đội tuyển U23 Qatar với tỷ số 4-3 bằng loạt sút luân lưu trên chấm 11 mét. Đội quân U23 Ubezkistan cũng hiên ngang lấy vé vào chung kết, thắng đội U23 Hàn Quốc 4-1 ở hiệp phụ.
Đây là lần đầu tiên U23 Việt Nam vào tới chung kết Châu Á, và cả nước lên cơn sốt khi thấy đội nhà thành công ở mức không thể ngờ. Ngay chính ông huấn luyện viên Felix Sanchez của đội Qatar vừa thua Việt Nam ở bán kết cũng lên tiếng ca ngợi, nói rằng Việt Nam xứng đáng góp mặt ở chung kết vì là đội bóng có trình độ cao.
Câu hỏi lớn nhất từ giờ cho tới khi trận chung kết Giải Vô Địch U23 Châu Á diễn ra sẽ là liệu U23 Việt Nam có tiếp tục tạo lịch sử hay không ? Có lẽ ngay lúc này, câu trả lời đúng nhất chính là phát biểu của ông Huấn Luyện Viên Park Hang-Seo, khi ông nói rằng nỗ lực tuyệt diệu mà dàn cầu thủ Việt Nam thể hiện trên sân đã tạo những điều đặc biệt nhất cho nền bóng đá quốc gia.
Ông huấn luyện viên đội tuyển U23 Việt Nam bảo thêm ông tin rằng mọi chuyện không dừng lại ở đây, nhắc nhở mọi người -kể cả dàn cầu thủ con cưng của ông- là còn một trận nữa, đó là trận chung kết diễn ra vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Bảy, 27 tháng Một năm 2018 trên sân vận động Thường Châu, Trung Quốc.