Mỹ trở lại UNESCO để chống đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
Sau hơn 4 năm vắng bóng tại UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, nước Mỹ đã quyết định quay trở lại tổ chức này kể từ tháng 07/2023, với "một kế hoạch tài chính cụ thể". Tổng giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay, hôm qua, 12/06/2023, đã tổ chức họp và thông báo chính thức cho đại diện 193 nước thành viên về quyết định của Washington.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thông báo quyết định của Hoa Kỳ tái gia nhập tổ chức này. Tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp, ngày 12/06/2023. AFP - Alain Jocard
Đây được xem là biện pháp của chính quyền Biden nhằm đối phó với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Trên đài RFI, bà Annick Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, Đại học Sorbonne Nouvelle của Pháp, nhấn mạnh :
"Hoa Kỳ đang dùng quyền lực mềm về giáo dục và thông tin để đáp trả quyền lực mềm của Trung Quốc về công nghệ và thương mại trải rộng từ Liên Hiệp Châu Phi đến Liên Đoàn Ả Rập. Hiện nay, Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của Liên Đoàn Ả Rập không chỉ mở cửa về ngoại giao và thương mại với Trung Quốc mà còn chơi trò tăng giá dầu có lợi cho nước Nga và rất bất lợi cho phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
Theo tôi, lý do lưỡng đảng Mỹ ủng hộ quyết định này chính là, đối với Hoa Kỳ, cuộc đọ sức này đòi hỏi việc trở lại UNESCO, đòi hỏi Mỹ phải đáp trả từng bước, từng bước, với mọi lợi thế tương ứng của họ và ở cấp độ giáo dục. Chúng ta đều biết là các trường đại học Mỹ thu hút cả thế giới như thế nào. Giới trẻ toàn cầu, trong đó có giới trẻ Trung Quốc, là những thực thể cấu thành các xã hội dân sự, là những công dân của thế giới mang tính quốc tế ngày nay. Và UNESCO chính là lò luyện và là tấm gương phản chiếu sức mạnh của quyền lực mềm của Mỹ ở quy mô đa phương".
Vào năm 2017, dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này thiên vị, chống Israel. Quyết định của Mỹ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018. Israel khi đó cũng tuyên bố rút khỏi UNESCO.
Thùy Dương
Vịnh Hạ Long được xếp vào một trong số 100 các danh thắng đẹp nhất trong số các di sản thế giới của UNESCO theo tờ Newsweek. Báo chí Việt nam đã cho chạy tít “Báo Mỹ : Vịnh Hạ Long trong top 100 di sản UNESCO” một cách đầy kiêu hãnh. Nhưng chính danh hiệu “di sản thế giới” đang góp phần giết chết dần đi các di sản này khi dòng du khách đổ về ngày một đông.
Những núi đá sừng sững được kiến tạo hàng triệu năm nay đang bị tàn phá ở Vịnh Hạ Long
Không đánh đổi tất cả
Peru là một quốc gia phụ thuộc nhiều vào công nghiệp du lịch và điểm đến không ai có thể bỏ qua ở quốc gia Nam Mỹ là thành phố cổ Machu Picchu nơi được xếp hạng di sản thế giới năm 1984.
Để đến được Machu Picchu người ta hoặc phải đi xe lửa với giá đắt đỏ – 140 đô la khứ hồi cho một chuyến xe lửa 4 giờ đồng hồ ; hoặc phải đi xe bus với giá chỉ bằng một phần tư nhưng phải ngồi xe 6 -7 tiếng, và chặng cuối cũng cũng phải đi bộ tới 3 tiếng đồng hồ mới tới nơi vì không có đường cho xe chạy.
Những người có sức khoẻ tốt thì có thể đi bộ trong 3-4 ngày trời theo lối đi của người Inca cổ xưa. Đi bộ kiểu này lại là cách tốn kém nhất để đến được vùng đất Machu Picchu. Một người phải trả từ 400- 700 đô la Mỹ cho một chuyến đi bộ như vậy. Một chặng đường chưa tới 50 cây số, mỗi ngày chỉ lội bộ chừng mươi mười lăm cây số nhưng không phải ai cũng đi được ở nơi có độ cao 2.000-3.000 mét nhiều khi không đủ khí oxy để thở. Chưa hết lại còn phải đăng ký trước có khi tới nửa năm mới có chỗ.
Vé tham quan khu thành cổ cũng không hề rẻ chút nào với giá gần 50 đô la một người nhưng không phải mua lúc nào cũng có mà phải mua trước nhất là vào mùa cao điểm. Cộng thêm vô đó là 24 đô la cho hai lượt xe từ chân núi lên đến khu tham quan và trở về. Giá khách sạn, ăn uống, dịch vụ ở thị trấn nhỏ ngày đắt gấp hai ba lần những nơi khác bởi không có phương tiện chuyên chở.
Một người tới đây có hà tiện cũng phải tốn hết 100 đô la cho một ngày tham quan ở đây. Nhưng họ không tìm cách hi sinh khung cảnh thiên nhiên để đổi lấy lượng du khách bằng mọi giá.
Đường độc đạo từ các thành phố lân cận chỉ là đường xe lửa nhưng họ không phá núi để làm đường cho xe hơi chạy tới tận nơi. Tốc độ xây dựng ở khu dân cư dưới chân núi lớn mặc cho những lời chỉ trích, ở đâu cũng nghe tiếng các công trình xây dựng nhưng mọi thứ đất đá, nguyên vật liệu, kể cả thực phẩm được đưa vô thị trấn bằng xe đẩy cút kít như ở Việt nam vì đường đi hẹp, đông người. Nhưng việc xây dựng chỉ dừng ở chân núi.
Xe chở khách từ chân núi lên khu vực tham quan chỉ giới hạn ở 20 chiếc xe 25 chỗ ngồi chạy điện mà nhất định không đầu tư mua thêm xe và khi đông khách phải xếp hàng 2 tiếng đồng hồ mới tới lượt từ lúc ba bốn giờ sáng để kịp lên núi đón bình minh. Khách nào hà tiện, không muốn tốn tiền có thể lội bộ 2-3 tiếng từ chân núi lên trên. Cơ quan du lịch ở đây không có ý định xây cáp treo từ chân núi lên cao mà để cho khách lội bộ vậy đó.
Số người tham quan bị giới hạn ở mức 3.267 người buổi sáng và 2.673người buổi chiều tuy nhiên lượng khách này tăng lên hơn hai lần theo khuyến cáo của UNESCO. Ngoài ra có hai đỉnh núi cao du khách có thể mua vé thêm để leo lên ngắm cảnh và cũng chỉ cho phép 400 khách leo lên đỉnhHuayna Picchuvà 800 khách cho đỉnh Machu Picchu. Loại vé này vào mùa cao điểm có khi cũng phải đặt trước 6 tháng mới mua được.
Đường đi khó khăn, giá không rẻ , nhiều khi có tiền mà không có sức khoẻ cũng không thực hiện được nên khách đến nơi này là du khách chọn lọc, thật sự có hứng thú vơi nền di sản cũng như lịch sử Inca và thiên nhiên Peru chứ không phải để tìm đến một công viên giải trí nhàm chán.
Thế nhưng chính Unesco cũng khuyến cáo Peru về tình trạng quá tải du khách gây tổn hại cho thành cổ Machu Picchu từ nhiều năm qua.
Hội an
Trong năm 2017 có 3,22 triệu người đã đến tham quan Hội an, tăng 22% so với năm trước. Một Hội An vốn chật hẹp đã trở nên càng chật hẹp hơn.
Khách vào Hội an phải mua vé, việc bán vé để tạo ra thu nhập cho địa phương và cũng đồng nghĩa là càng đông du khách sẽ càng tăng thu nhập. Với 3,22 triệu du khách một năm ( đông gần gấp 20 lần dân số Hội An ), như vậy hàng ngày Hội An đón trung bình 8-9 ngàn du khách. Đường phố chật hẹp chỉ với vài ba con phố chính, du khách chỉ có đổ ra đường để rồi chỉ có du khách va vô nhau.
Để thoả mãn nhu cầu ăn ở và giải trí của khách, từ một điểm du lịch Văn hoá, Hội an đã tự biến mình thành một công viên giải trí với đầy các quán xá để phục vụ du lịch, phá huỷ đi tính độc đáo của những toà nhà cổ xưa vốn là điểm lôi kéo du khách đến với Hội An. Người dân địa phương cũng đã đi ra ngoài khu phố cổ sinh sống để nhường lại chỗ cho du khách.
Với một lượng lớn du khách như vậy chỉ nội việc xử lý lượng rác thải mỗi ngày lên đến 50 tấn chỉ ở Hội an là một bài toán không có lời giải đáp khi công nghệ xử lý rác thải của Việt nam chưa tiến bộ và ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa được nâng cao. Và hệ luỵ là ô nhiễm nước ngầm, đất đai khi biện pháp xử lý rác vẫn ở mức chôn rác thải.
Hạ Long
Nằm sát biên giới với người khổng lồ phương bắc, Hạ Long đón gần 7 triệu du khách, gấp hai lần Hội an. Để lôi cuốn khách, Hạ Long đã đưa vào khai thác nhiều “công trình dịch vụ du lịch đẳng cấp” như : Công viên nước Hạ Long, Sunworld Hạ Long Park, công viên hoa… mà họ ( lãnh đạo địa phương ) cho rằng sẽ góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch Hạ Long, tạo dấu ấn đặc sắc, tăng sức thu hút đối với du khách thập phương.
Những người đến Hạ long để hưởng các “công trình dịch vụ du lịch đẳng cấp” chắc chắn không phải là các lượt khách quốc tế đến từ Âu Mỹ khi họ muốn thưởng ngoạn cảnh quan thiên nhiên chứ không phải đặt chân vào một công viên giải trí vốn chẳng lạ gì ở Phương Tây. Các công trình này sẽ góp phần bóp chết các tiêu chuẩn về giá trị địa chất, địa mạo vốn đã được Unesco công nhận vào năm 2000.
Chưa kể đến việc thói quen xả rác vô tội vạ, nước thải không qua xử lý từ các khu dân cư đông đúc được xả thẳng vào vịnh Hạ Long. Nếu đặc khu Vân đồn với các khu công nghiệp, khách sạn, sân golf, sân bay đi vào hoạt động thì lượng rác và nước thải sẽ còn tăng lên theo cấp số nhân.
Với lượng khách 9 triệu lượt một năm như hiện nay, chính quyền Hạ Long đã gần như không thể xử lý hết những vấn nạn về ô nhiễm tiếng ồn, nước, và rác thải. Với ước muốn tăng lượng khách càng nhiều càng tốt – dự kiến sẽ tăng lên đến 12 triệu – sẽ làm thay đổi sự đa dạng sinh học trong vùng vịnh một cách nhanh chóng mà không thể nào hồi phục lại được.
Hạ long, Hội an hay bất kỳ di sản thế giới nào của Việt nam, nếu không kìm lại việc tăng lượng khách du lịch bằng mọi giá để có nguồn thu cho ngân sách lại thì chỉ có thể lôi cuốn lượng khách ồ ạt, thiếu chọn lọc. Nếu những nơi này tiếp tục chấp nhận biến các danh thắng vô giá thành các khu công viên giải trí hiện đại thì không sớm thì muộn sẽ mất đi lượng khách muốn tìm về thiên nhiên và tìm hiểu lịch sử từ phương Tây. Một khi các yếu tố vốn làm nên sự độc đáo của các di sản UNESCO bị mất đi, thì nguy cơ bị đưa vào danh sách di sản đang gặp nguy cơ hoặc thậm chí bị đưa ra khỏi danh sách di sản UNESCO là điều không thể tránh khỏi.
Phương Thảo
Nguồn : VNTB, 22/07/2018
Tại báo cáo thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới đang hiện diện ở các quốc gia thành viên năm 2017, UNESCO khẳng định hang Sơn Đoòng, nằm trong vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, là "Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu"- Outstanding Universal Value - và đề nghị Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo vào hang Sơn Đoòng. Cho đến nay, khuyến cáo đó của UNESCO vẫn còn nguyên hiệu lực.
Cửa sau của hang Én, nơi dẫn tới hang Sơn Đoòng, theo hướng đi trekking (đi bộ dài ngày) đang được khai thác. Đây là nơi đã khảo sát cho dự án cáp treo tại vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
UNESCO : cáp treo sẽ tác động tiêu cực đến Sơn Đoòng
Báo cáo và khuyến cáo của UNESCO trong tài liệu kiểm tra, thẩm định và bảo tồn 99 di sản của thế giới nằm tại các quốc gia thành viên, đã được công bố vào tháng 7/2017. Trong đó, Uỷ ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO được yêu cầu xem lại các báo cáo về tình trạng bảo tồn các tài sản có trong tài liệu.
Trong phần nhận định về Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, trong đó có hang Sơn Đoòng, Ủy ban Di sản Thế giới cho biết, các báo cáo trước đây đã cho thấy có một số yếu tố tác động tiêu cực đến di sản như các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, các hành vi xâm phạm rừng và hoạt động khai thác gỗ trái phép, sự giảm sút và biến mất của một số động thực vật…
Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và trung ương đều thiếu các kế hoạch quản lý khách du lịch. Kế hoạch Phát triển Du lịch Bền vững đưa ra không đầy đủ, thiếu những cảnh báo về tác động của khách du lịch, các hoạt động vui chơi giải trí, trong đó có dự án làm cáp treo vào hang động Sơn Đoòng.
Đầu năm 2017, UNESCO nhận được báo cáo của Việt Nam, trong đó, phía Việt Nam báo cáo một số thông tin liên quan đến bảo tồn và phát triển quần thể di sản này, đồng thời khẳng định : "Chưa cấp phép cho dự án cáp treo vào hang động Sơn Đoòng, trong khi chờ đợi Đánh giá Tác động Môi trường".
Báo cáo của Việt Nam cũng cho biết, UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý tiến hành nghiên cứu và điều tra để xác định lựa chọn tốt nhất cho phát triển du lịch liên quan đến di sản.
Báo cáo của Việt Nam khẳng định : dự án xây dựng cáp treo sẽ chỉ được tiến hành nếu có sự tán thành của Uỷ ban Di sản Thế giới.
Khu rừng trong lòng hang Sơn Đoòng, một trong những yếu tố làm nên sự độc đáo của hang. Khách thám hiểm được yêu cầu đi theo lối mòn do các chuyên gia hang động giám sát, nhằm giảm thiểu tác động của con người lên hệ sinh thái tự nhiên trong hang.
Trong diễn biến liên quan, Trung tâm Di sản Thế giới và Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) đã phân tích báo cáo và đưa ra kết luận, đề xuất lên Ủy Ban Di Sản Thế giới. Theo đó :
Việt Nam đã thể hiện nỗ lực tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức bảo tồn giữa các cộng đồng địa phương và cải thiện bảo tồn đa dạng sinh học tại di sản. Tuy nhiên, thông tin cung cấp chưa đủ để đánh giá hiệu quả của việc thực thi pháp luật, trong khi đó, khai thác và săn bắt trái phép vẫn tiếp tục có dấu hiệu diễn ra.
Dữ liệu cung cấp về các loài động vật hoang dã cũng chưa đủ để đánh giá chính xác tình hình thực tế, số lượng các loài tăng giảm ra sao.
Việt Nam đã xác nhận thực hiện nghiên cứu dự án cáp treo nằm trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt vào hang Sơn Đoòng nhưng cho hay sẽ chỉ tiến hành khi có sự chấp thuận của Ủy ban Di sản Thế giới.
Thế nhưng, động thái UBND tỉnh Quảng Bình đồng ý cho khảo sát và nghiên cứu để thực hiện dự án lại cho thấy dự án xây cáp treo vẫn đang được cân nhắc. Cần lưu ý rằng, việc làm cáp treo đồng nghĩa với khả năng số lượng khách tham quan vào hang tăng mạnh. Điều đó đi kèm các tác động tiêu cực tiềm ẩn đối với môi trường nhạy cảm của hang động. Các hoạt động bất hợp pháp khác cũng có khả năng gia tăng.
Trong khi đó, hoạt động du lịch hang động, hay đi thám hiểm hang động (có giới hạn) hiện tạo ra việc làm cho các cộng đồng địa phương. Du lịch đại trà, với quần thể cáp treo, sẽ khiến nhu cầu lao động của người khuân vác và hướng dẫn địa phương giảm đáng kể.
Vì vậy, Trung tâm Di sản Thế giới và IUCN đề nghị Ủy ban Di Sản Thế giới khẳng định lại mối quan tâm của mình đối với dự án này và các tác động tiềm tàng lên tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, đồng thời yêu cầu Việt Nam hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch phát triển cáp treo.
Dựa trên những đánh giá của Trung tâm Di sản Thế giới và IUCN, Ủy ban Di sản Thế giới đã tái khẳng định mối quan tâm về đề xuất xây dựng cáp treo vào hang động Sơn Đoòng trong khu vực bảo vệ nghiêm ngặt và những tác động tiềm tàng của dự án đến tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, kêu gọi hủy bỏ vĩnh viễn kế hoạch xây dựng cáp treo.
Ủy ban Di sản Thế giới cũng đề nghị Việt Nam mời đại diện của Trung tâm Di sản Thế giới và Đoàn giám sát phản ứng của IUCN đến trực tiếp đánh giá tình trạng bảo tồn, tác động của hành vi săn trộm, khai thác trái phép và các loài xâm lấn từ bên ngoài, cũng như tư vấn cho Việt Nam về du lịch bền vững tương thích với tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu, trong đó có hang Sơn Đoòng.
UNESCO yêu cầu Việt Nam nộp bản báo cáo cập nhật về tình trạng bảo tồn di sản cho Trung tâm Di sản Thế giới vào tháng 12/2018, để Ủy ban Di sản Thế giới kiểm tra vào năm 2019.
Cửa vào hang Sơn Đoòng khá hẹp, hiện cách thức vào hang là từng người, bám dây đu xuống với hỗ trợ của chuyên gia hang động.
Tập đoàn FLC liên quan đến đâu ?
Những ngày gần đây, tin đồn lan truyền trên mạng xã hội liên quan đến sự việc tập đoàn FLC và tỉnh Quảng Bình đang âm thầm xây dựng cáp treo tại vườn quốc gia dẫn vào hang Sơn Đoòng, đã khiến nhiều người quan tâm đến di sản thiên nhiên Sơn Đoòng bất an, và có rất nhiều ý kiến phản đối dự án cáp treo vào Sơn Đoòng, kêu gọi hủy bỏ mọi dự định liên quan đến xây cáp treo vào Sơn Đoòng.
Trước diễn biến căng thẳng này, tối 26/1, trên một facebook được cho là của tập đoàn FLC đã đưa ra thông báo ngắn, tố cáo tin giả (fake news) cho rằng FLC và chính quyền tỉnh Quảng Bình "âm thầm triển khai dự án cáp treo" đến gần hang Sơn Đoòng, hay "cố tình tung hoả mù" về dự án.
Thông báo ngắn đó cho biết, hiện tại tập đoàn FLC "hoàn toàn không có bất cứ hoạt động khảo sát nào liên quan đến hang Sơn Đoòng hoặc khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng. FLC cũng hoàn toàn không có bất cứ hoạt động xây dựng nào liên quan đến các khu vực này từ trước đến nay".
Đáng chú ý, thông báo cho hay, việc nghiên cứu, khảo sát khu vực xung quanh hang Sơn Đoòng của FLC - theo lời mời của tỉnh Quảng Bình - liên quan đến ý tưởng làm cáp treo đến gần hang, chỉ tiến hành trong vài ngày và đã kết thúc từ tháng 5/2017.
Vẫn theo thông báo, quan điểm của FLC là : "bất cứ ý tưởng, dự án khai thác du lịch nào xung quanh hang Sơn Đoòng sẽ chỉ được chúng tôi cân nhắc khi và chỉ khi đã được Chính phủ và chính quyền địa phương thông qua, cũng như đã được các bộ ban ngành chức năng tại Việt Nam phê duyệt, đáp ứng đầy đủ các nguyên tắc chung khi khai thác di sản trong phát triển kinh tế - xã hội. Và đặc biệt phải nhận được sự chấp thuận từ UNESCO".
Một trong hai hố sụt thuộc hệ thống hang Sơn Đoòng, nơi từng được đề xuất làm cáp treo và thang máy để đưa hàng ngàn du khách vào trong hang mỗi ngày.
Để làm rõ thông báo ngắn trên có phải của tập đoàn FLC, chúng tôi đã nỗ lực liên hệ với tập đoàn này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa liên lạc được người có thẩm quyền phát ngôn chính thức. Trong một diễn biến liên quan, trả lời trên Tuổi Trẻ online ngày 26/1, ông Lê Thanh Tịnh, giám đốc ban quản lý vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) cho biết, không hề có chuyện gần đây tập đoàn FLC thực hiện khảo sát làm cáp treo vào hang Sơn Đoòng như những thông tin trên mạng xã hội đang lan truyền.
Ông Tịnh cũng cho biết, thực chất của thông tin này là việc tập đoàn FLC thực hiện khảo sát làm cáp treo vào hang Én, nhưng thời điểm diễn ra vào cuối năm 2016. Sau đó, đến đầu năm 2017, đoàn khảo sát này đã báo cáo phương án xây dựng cáp treo vào hang Én với tỉnh Quảng Bình.
Theo đó, tuyến cáp treo này sẽ dài khoảng 5,1 km từ km37 Đường Hồ Chí Minh (nhánh đông) vào đến hang Én. Từ hang Én đến hang Sơn Đoòng còn cách khoảng 3,5 km. Đến tháng 8/2017 khi thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào làm việc với tỉnh Quảng Bình, đồng ý về chủ trương làm cáp treo vào hang Én với điều kiện không làm ảnh hưởng đến di sản và có tham khảo ý kiến của UNESCO.
"Sơn Đoòng không phù hợp với kiểu làm du lịch đại trà, nên không có chuyện làm cáp treo vào đó đâu", ông Tịnh khẳng định. Ông Hồ An Phong, giám đốc Sở Du lịch Quảng Bình cũng khẳng định đến thời điểm này tỉnh Quảng Bình chưa hề có ý định làm cáp treo vào Sơn Đoòng.
Cửa vào hang Sơn Đoòng hiện tại, theo tour thám hiểm dài ngày...
Mặc dù thông tin được đưa ra từ nhiều nguồn, có độ vênh về nội dung và có điều chỉnh cách giải thích, nhưng dựa vào báo cáo của Việt Nam gửi UNESCO và các thông tin nói trên, có thể khẳng định : UBND tỉnh Quảng Bình muốn triển khai dự án cáp treo và thực tế đã cho khảo sát trong năm 2017. Quy trình khảo sát có thể vào đến hang Én, một hang động lớn cách Sơn Đoòng vài cây số, và được coi là cửa ngõ vào hang Sơn Đoòng. Thông qua một số thông số ghi chú trên các vách đá được cho là trong hang Sơn Đoòng, có thể thấy quá trình khảo sát đã vào đến Sơn Đoòng.
Những người miệt mài cứu Sơn Đoòng khỏi "miệng" cáp treo
Ba năm trước, thông tin xây cáp treo vào Sơn Đoòng từng liên quan đến tập đoàn Sun Group và tạo ra làn sóng phản đối. Tập đoàn này ngay sau đó đã có giải thích trên báo chí : "Tập đoàn chưa biết thông tin phản ứng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về dự án cáp treo tại Sơn Ðoòng như thế nào. Tuy nhiên trong trường hợp UNESCO đồng ý cho xây dựng cáp treo thì chưa chắc Sun Group đã đầu tư…
Hiện dư luận đang tranh cãi theo nhiều chiều hướng khác nhau. Còn về phía Sun Group, dự án đang trong giai đoạn nghiên cứu, thẩm định đánh giá về lợi nhuận kinh tế sẽ mang lại sau khi dự án đi vào hoạt động nên chưa có gì phải bàn cãi".
Tháng 2/2015, Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình đến năm 2030. Quy hoạch xác định rõ nguyên tắc : cùng với việc bảo tồn nguyên trạng, vườn quốc gia cũng sẽ gắn bảo tồn di sản với phát triển kinh tế địa phương để đưa di sản Phong Nha - Kẻ Bàng trở thành một trong những vùng du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất ở Châu Á - Thái Bình Dương.
Phê duyệt này, cùng với thông tin tập đoàn Sun Group không tiếp tục nghiên cứu, thẩm định Sơn Đoòng và không có kế hoạch đầu tư cáp treo vào Sơn Đoòng, đã làm làn sóng phản đối xây cáp treo vào Sơn Đoòng giảm nhiệt.
Sơn Đoòng tưởng đã được bình yên với giá trị di sản thiên nhiên thế giới mà UNESCO hai lần công nhận cho Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, và Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh vinh danh Sơn Đoòng là "hang động tự nhiên lớn nhất thế giới".
Thế nhưng, từ năm 2017 đến nay, một cái tên khác lại nổi đình nổi đám khi nhắc đến cáp treo Sơn Đoòng : tập đoàn FLC của tỷ phú Trịnh Văn Quyết. Phát biểu trên Tuổi Trẻ ngày 4/5/2017, ông Trịnh Văn Quyết cho biết sắp tới FLC sẽ đầu tư xây dựng hệ thống cáp treo Sơn Đoòng nằm trong quần thể di sản Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình).
Theo ông Quyết, hệ thống cáp treo này là "chủ trương, mong muốn của tỉnh". Trước đây đã có một doanh nghiệp lớn dự định đầu tư vào nhưng sau đó đã... bỏ cuộc. "FLC không có nhu cầu làm nhưng tỉnh đã mời không dưới 3 lần. Chúng tôi đầu tư các dự án lớn khác trong tỉnh nên mới nhận lời. Còn tỉnh muốn kết nối, muốn du khách đến đấy không chỉ nghỉ dưỡng mà còn khám phá Sơn Đoòng để không lãng phí tiềm năng khai thác từ di sản nên mới mời chúng tôi đầu tư cáp treo", ông Quyết cho biết.
Những mạo hiểm, thách thức của hành trình khám phá hang Sơn Đoòng ngày càng hấp dẫn du khách Việt.
Từ diễn tiến bất ngờ đó, làn sóng phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Ðoòng xâm hại "Tài sản có giá trị độc đáo toàn cầu" tiếp tục bùng lên mạnh mẽ, trong đó dự án #Save Sơn Doong (Cứu Sơn Đoòng) do những người trẻ khởi động, đã miệt mài theo sát các diễn tiến liên quan đến số phận Sơn Đoòng, kịp thời loan báo những thông tin có nguy cơ xâm hại đến Sơn Đoòng cho dư luận biết.
Thành lập từ những ngày đầu tiên khi có thông tin về khả năng hình thành một dự án cáp treo vào tận hang Sơn Đoòng năm 2014, nhóm các bạn trẻ đã dùng rất nhiều cách để lan tỏa ý thức bảo vệ một di sản vô giá của người dân Việt Nam, của đất nước Việt Nam và của nhân loại, không thuộc về riêng tỉnh Quảng Bình hay của bất cứ một tập đoàn nhiều tiền, nhiều quyền nào.
Những ngày đầu năm 2018 khi làn sóng phản đối cáp treo vào Sơn Đoòng tiếp tục bùng lên, cũng là những ngày bận rộn của nhóm các bạn trẻ #Save Son Doong tại Sài Gòn, với dự án trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo.
Người trẻ đang trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án trải nghiệm này lần đầu tiên được nhóm #Save Son Doong thực hiện tại Đà Nẵng, ngay trước Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), tháng 11/2017, thu hút được khoảng 3.500 cá nhân đến xem, đủ mọi thành phần, lứa tuổi.
Khi tiếp tục thực hiện tại Thành phố Hồ Chí Minh, tháng 1/2018, hàng trăm người - cả Việt Nam lẫn nước ngoài - đã đến trải nghiệm để hiểu hơn về di sản và hưởng ứng lời kêu gọi, tại sao phải bảo vệ di sản, cũng như tìm kiếm một giải pháp phát triển bền vững cho di sản, vừa mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, vừa bảo tồn cho thế hệ tương lai. Mọi thông tin, hoạt động đều được lan tỏa trên mạng xã hội, đặc biệt là facebook.
"Mạng xã hội là công cụ chính giúp chúng tôi truyền tải thông điệp. Chúng tôi đã tận dụng mạng xã hội theo cách tốt nhất để đánh thức trách nhiệm của mọi người cùng chung tay bảo vệ di sản thiên nhiên, môi trường", Thiên Hương, một thành viên của nhóm #Save Son Doong chia sẻ.
Thiên Hương đang nỗ lực đưa các giá trị khoa học và nguyên sơ của Sơn Đoòng đến với nhiều người, tại buổi trải nghiệm hành trình khám phá Sơn Đoòng qua công nghệ thực tế ảo. Ảnh : Lê Quỳnh
Hoạt động bền bỉ của nhóm #Save Son Doong, cùng thông tin khảo sát thực hiện dự án cáp treo của tỉnh Quảng Bình và tập đoàn FLC, đã khơi lên sự quan tâm của rất nhiều người với Sơn Đoòng, trong đó có những chiến dịch ký tên phản đối xây dựng cáp treo vào Sơn Đoòng, với hàng trăm ngàn người tham gia.
Điều này cho thấy, bên cạnh những "lớp sóng tin tức" dồn dập mỗi ngày, tưởng chừng nuốt chửng những tiếng kêu gọi yếu ớt bảo vệ di sản thiên nhiên, vẫn có rất nhiều người âm thầm làm việc với niềm tin có thể kêu gọi nhận thức và hành động của mọi người.
Trách nhiệm và nghĩa vụ cuối cùng, liên quan đến khuyến cáo của UNESCO, đang thuộc về chính các cơ quan chức năng của Việt Nam và lãnh đạo tỉnh Quảng Bình, một trong những địa phương từng gián tiếp bị thiệt hại nặng nề về môi trường tự nhiên từ vụ xả thải của nhà máy Formosa và bây giờ đang đối diện trực tiếp với nguy cơ tổn thất về giá trị di sản thiên nhiên do chủ trương xây dựng cáp treo tự mình đưa ra.
Khi bất chấp khuyến cáo của UNESCO, liệu danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, nơi có Sơn Đoòng, có còn nguyên vẹn ?
Ninh Hạ
Nguồn : Người đô thị, 29/01/2018
Một chế độ gồm toàn khuôn mặt thớt.
Phan Huy
"Tôi đã từng rất ngạc nhiên khi được biết quyền tự do đi lại và cư trú, đặc biệt là quyền tự do xuất nhập cảnh dành cho chính công dân Việt là điều kiện tiên quyết mà Chính phủ Việt Nam phải chấp nhận để nhận được các khoản vay từ World Bank". Tôi nghe thạc sĩ Trần Kiên nói vậy, và cũng "ngạc nhiên" không kém.
Hóa ra tại vì World Bank nên nhiều câu ca dao (mới) của Việt Nam đã chóng bị thời thế vượt qua, và sắp chìm vào quên lãng :
Trăm năm trong cõi người ta
Ở đâu cũng được đi ra đi vào
Xa xôi như xứ Bồ Ðào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Ðen đủi như An-Gô-La
Người ta cũng được đi ra đi vào
Chậm tiến như ở nước Lào
Người ta cũng được đi vào đi ra
Chỉ riêng có ở nước ta
Người ta không được đi ra đi vào
Sau khi được đi đứng lung tung thì lắm kẻ lại sinh tật ăn nói rất linh tinh. Hồi năm 2014 – sau chuyến du lịch Âu Châu – trong một cuộc phỏng vấn dành cho BBC, nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã phát biểu (đôi điều) không mấy tốt đẹp về đất nước :
"Tôi sang Châu Âu, tôi quan sát dáng người đi, nét mặt của họ khác dân mình lắm. Bên nhà chúng ta vừa đi vừa nghĩ mưu, thành ra ấn tượng nhất cho tôi là sự tự tin của bước chân, nét mặt người bên đó. Đi thì mới biết mình bị mất những gì".
Mới đây, diễn viên Hồng Vân cũng thế :
"Người dân Nhật Bản được hưởng chế độ an sinh tuyệt vời nhất... Chỉ thương người dân Việt Nam mình được hưởng toàn những điều giả dối".
Nguồn ảnh : Hội Sinh Viên Nhân Quyền
Chả riêng gì ông nhà văn, hay bà nghệ sĩ, ngay cả mấy cô bán hàng rong cũng ăn nói linh tinh thấy mồ luôn – theo tường trình ("Tâm tình của hai phụ nữ Việt bán hàng tại Thái") của phóng viên Chân Như, RFA, từ Bangkok :
"Chính quyền Thái họ đối xử tương đối tốt. Chị có coi trên mạng cảnh nhiều người bán hàng rong ở Việt Nam, thấy phức tạp hơn so với bên đây nhiều, bên này họ nói vậy thôi chứ họ bắt vào thôi rồi họ phạt ít trăm Bath thôi, chứ họ không thu giữ gì cả. Chứ không phải như bên mình đâu, chị coi trên mạng cảm thấy thương người bán hàng rong như chị lắm. Bên này cảm thấy thích hơn, tốt hơn".
Hễ cứ có dịp bước chân ra nước ngoài là dân Việt đều "biết mình bị mất những gì". Tổ quốc nhìn từ xa khiến ai cũng ai cũng phải ái ngại – trừ qúi vị lãnh đạo đất nước :
- Nguyễn Minh Triết : "Ngày nay, chúng ta ngẩng cao đầu, sánh vai cùng cường quốc..".
- Trương Tấn Sang :"Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của gần 30 năm đổi mới mà nhân dân ta đạt được khiến chúng ta hãnh diện và tự hào, bạn bè quốc tế ngưỡng mộ".
- Nguyễn Thị Kim Ngân : "Đất nước này được như thế này, ngẩng mặt lên nhìn với bạn bè năm Châu bốn biển như thế này, vai trò vị thế như thế này đó là do chúng ta duy trì được sự ổn định chính trị và trật tự an toàn trong cả nước".
Ông nhà văn, bà nghệ sĩ, cô bán hàng rong đều là những nhân vật mà ai cũng có thể nhận diện hay sờ mó được. Chớ "bạn bè bốn biển năm châu" thì thiệt khó biết là thằng cha hay con mẹ (rượt) nào, và "bạn bè quốc tế ngưỡng mộ chúng ta" gồm những ai (e) cũng là điều khó đoán.
May mà có cuộc Bầu cử lãnh đạo UNESCO vào ngày 10 tháng 10 vừa qua. Kết quả, theo BBC : "Tuy được báo chí truyền thông Việt Nam đánh giá cao sau cuộc phỏng vấn ứng tuyển hồi tháng Tư, Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam chỉ giành được 2 phiếu bầu, thấp nhất cùng hạng với Azerbaijan".
Cũng BBC, hai ngày sau, buồn bã cho hay : "Việt Nam rút khỏi cuộc đua lãnh đạo Unesco".
Về sự kiện này, Tiến sĩ Dương Hồng Ân (VOA) có đôi lời bình nghe không được "tử tế" gì cho lắm :
"Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến cá nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới".
Đã thế, trên trang RFA, nhà báo Trương Duy Nhất còn hân hoan ra mặt :
"Mừng. Khi hay tin Phạm Sanh Châu chỉ được vỏn vẹn 2 phiếu, là một trong hai ứng viên ít phiếu nhất cuộc bầu vòng 1 cho chiếc ghế Tổng giám đốc UNESCO.
Có lẽ không chỉ riêng tôi. Nhiều, rất nhiều người Việt không dấu nổi sự vui mừng…".
Trong số "nhiều người Việt" này, chắc chắn, không có ông qúi vị lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Có lẽ, họ đều hơi "ngỡ ngàng" khi biết sự thực là bạn bè bốn biển năm Châu hay bạn bè quốc tế , té ra, không "ngưỡng mộ chúng ta" gì ráo.
Bằng chứng mới nhất không chỉ ở vỏn vẹn hai phiếu bầu cho ông Phạm Sanh Châu mà còn ở thái độ lạnh nhạt của Ngân Hàng Thế Giới (WB) trước những lời nài nỉ "xin hổ trợ" của ngài Thủ tướng, vào hôm 20 tháng 9 vừa qua. Thái độ của ông Nguyễn Xuân Phúc tuy có hơi trơ tráo nhưng hoàn toàn không sai lệch, so với cung cách và truyền thống lãnh đạo của giới "chính khách Việt Nam" – theo nhận xét của Tiến sĩ Nguyễn Văn Tuấn :
"Việt Nam cũng là nước chuyên xin xỏ : suốt năm này sang năm khác, quan chức Việt Nam ngửa tay xin viện trợ từ rất nhiều nước trên thế giới. Xin nhiều đến nỗi có quan chức nước ngoài phàn nàn nói ‘Sao chúng mày nói là chúng mày rất thông minh và cần cù mà cứ đi xin hoài vậy. Dân xứ tao phải làm lụng vất vã mới có tiền cho chúng mày’. Thật là nhục...".
Bị xỉ vả tới cỡ đó, nói nào ngay, cũng chưa "nhục" mấy. Nhà văn Trần Đĩnh còn dẫn lời của một vị quan chức ngoại giao Ba Lan (nghe) còn nhục nhã hơn nhiều : "Với chúng mày tốt nhất là đưa chúng mày ra một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương rồi thế giới góp tiền nuôi và mọi người nhờ thế mà được yên ổn".
Chả biết đến khi nào "thế giới" mới thực hiện được giải pháp "một hòn đảo hẻo lánh giữa Thái Bình Dương" cho Việt Nam để "mọi người nhờ thế mà được yên ổn" hơn ? Trong khi chờ đợi, tôi xin có một lời đề nghị nhỏ, rất nhỏ và cũng rất dễ thực hiện, là từ nay xin qúi vị lãnh đạo đất nước (làm ơn) nổ nhỏ bớt lại chút xíu – mỏng mỏng thôi – cho nó đỡ kỳ.
Đẩy cả một dân tộc đến bước đường cùng, đến độ phải xin ăn để sống qua ngày mà Chủ Tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân vẫn thản nhiên "ngẩng mặt lên nhìn bạn bè năm Châu bốn biển" thì quả đúng là đồ mặt thớt.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 18/10/2017
(tuongnangtien's blog)
UNESCO chọn lãnh đạo mới (VOA, 14/10/2017)
Cơ quan văn hóa Liên hiệp quốc ngày 13/10 chọn cựu Bộ trưởng Văn hóa Pháp, Audrey Azoulay, làm tân lãnh đạo UNESCO, trao cho bà chìa khóa vực dậy tương lai của cơ quan này sau khi Mỹ rút chân.
Bà Audrey Azoulay
Sau vòng bỏ phiếu thứ năm, bà Azoulay chiến thắng sít sao trước ứng viên Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và xác nhận cuối cùng sẽ tùy vào sự chuẩn thuận của 195 thành viên trong UNESCO vào ngày 10/11 tới đây.
"Trong thời khủng hoảng này, chúng ta hơn bao giờ hết cần hỗ trợ, tăng cường và cải tổ UNESCO thay vì bỏ rơi tổ chức này", bà Azoulay phát biểu với báo giới và cho biết bà sẽ hiện đại hóa tổ chức.
"Nếu tôi được xác nhận, điều đầu tiên tôi sẽ làm là phục hồi tính nhiệm cho UNESCO, phục hồi lòng tin của các thành viên và hiệu năng để có thể vận hành", bà Azoulay nói.
Như vậy, bà Azoulay, người sẽ thay thế bà Irina Bokova người Bulgaria lãnh đạo UNESCO từ năm 2009 tới nay, sẽ phải tìm cách mang lại sức sống mới cho Tổ chức Văn hóa Khoa Học Giáo dục Liên hiệp quốc có trụ sở tại Paris này.
Mỹ đúng ra cung cấp 1/5 nguồn quỹ tài trợ cho UNESCO, nhưng đã đình trệ từ năm 2011 khi UNESCO chấp nhận Palestine làm thành viên toàn diện.
Ngày 12/10 Mỹ tuyên bố chia tay UNESCO, tố cáo tổ chức này thiên vị chống lại Israel. Israel cũng tuyên bố sẽ rút ra khỏi UNESCO.
Theo Reuters
***********************
Một người Pháp được bầu làm tổng giám đốc UNESCO (RFI, 14/10/2017)
Hôm 13/10/2017, bà Audrey Azoulay, 45 tuổi, cựu bộ trưởng văn hóa Pháp, đã được bầu làm Tổng giám đốc UNESCO. Nhân vòng thứ năm, cũng là vòng cuối cùng của cuộc bỏ phiếu, ứng cử viên Pháp đã giành được 30/58 phiếu, chiến thắng sít sao trước đối thủ người Qatar được 28 phiếu còn lại. Tuy nhiên, việc lựa chọn bà Azoulay sẽ phải chờ Đại Hội Đồng các quốc gia thành viên UNESCO, họp lại ngày 10/11/2017 tới đây, thông qua.
Bà Audrey Azoulay, tổng giám đốc tân cử của UNESCO.
Bà Azoulay đã nhận thêm một lá phiếu từ Ai Cập, sau khi ứng cử viên của nước này bị loại khỏi cuộc đua. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Ai Cập cho biết, Cairo đã yêu cầu UNESCO "xác minh những vi phạm đã bị phát hiện trong suốt quá trình diễn ra cuộc bỏ phiếu".
Dù nằm trong số những ứng cử viên tiềm năng nhất cho chiếc ghế tổng giám đốc UNESCO, ông Hamad ben Abdulaziz al-Kawari, ứng cử viên của Qatar chịu nhiều bất lợi hơn so với bà Audrey Azoulay. Viện Simon Wiesenthal Europe từng phản đối cựu bộ trưởng văn hóa Qatar này tham gia ứng cử, vì cho rằng ông có những phát ngôn bài Do Thái. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng ngoại giao nghiêm trọng giữa Qatar và các nước láng giềng trên bán đảo Ả Rập hồi tháng 6 có lẽ đã khiến Qatar mất đi lá phiếu ủng hộ từ các nước này.
Sinh ra trong một gia đình Do Thái ở Essaouira, Maroc, có cha là cố vấn cho nhà vua Maroc và mẹ là một văn sĩ, bà Azoulay nhận bằng thạc sĩ quản trị tại đại học Paris Dauphine, sau đó tiếp tục theo học tại các trường Khoa Học Chính Trị Paris Sciences Po và trường Hành Chính Quốc Gia Pháp ENA. Dưới thời tổng thống François Hollande, bà từng là tổng giám đốc Trung Tâm Điện Ảnh Quốc Gia, sau đó đảm nhiệm vị trí bộ trưởng Văn Hóa Pháp vào năm 2014.
Việc bà Azoulay được bầu làm tổng giám đốc UNESCO như là một minh chứng thuyết phục, bác bỏ cáo buộc của Hoa Kỳ về việc tổ chức này chủ trương bài Do Thái.
Trước quyết định rời bỏ UNESCO của Hoa Kỳ và Israel hôm thứ 5 12/10/2017, bà Azoulay lên tiếng kêu gọi các quốc gia thành viên cần phải "tham gia", thay vì "rời bỏ" tổ chức này trong giai đoạn khủng hoảng.
Trong kế hoạch hành động của mình, bà Azoulay dự định sẽ tăng cường hoạt động của UNESCO trong lĩnh vực giáo dục, lĩnh vực mà bà cho là "chất xúc tác của sự phát triển và bình đẳng nam nữ". Bà cũng cam kết sẽ tái lập tham vọng văn hóa của UNESCO, biến tổ chức này thành một nhân tố tham chiếu đối với sự phát triển bền vững, đồng thời kêu gọi thêm những nguồn đóng góp. Điều này đòi hỏi UNESCO phải "hành động khẩn trương hơn, với một phương pháp quản lý minh bạch, dễ hiểu và hiệu quả".
Duy Anh
********************
Mỹ đồng sáng lập UNESCO rồi bỏ hai lần (BBC, 13/10/2017)
Ngoài chuyện tiết kiệm ngân sách của Mỹ đóng cho UNESCO từ ngày thành lập, quyết định rút khỏi tổ chức này của chính quyền Donald Trump còn có ba lý do.
Trụ sở Unesco ở Paris
Theo lời Đại sứ Nikki Haley của Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc thì UNESCO chuyên công kích giá trị Phương Tây, bài xích Israel và nâng các nhà độc tài lên vị trí trang trọng (dictators to prominent positions).
Quyết định rút khỏi UNESCO của Hoa Kỳ sẽ có hiệu lực từ ngày cuối cùng của năm 2018, theo công bố của Bộ ngoại giao Mỹ.
Thành lập ngày 16/11 năm 1945 ở London, Anh Quốc, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (The United Nations Organization for Education, Science and Culture (UNESCO) là kết quả của các ý tưởng đề cao giao lưu văn hóa trong Thế Chiến 2 qua Hội nghị Các Bộ trưởng Giáo dục (CAME), có từ 1942.
Nhưng UNESCO cũng trải qua không ít thăng trầm.
Không được Stalin mến mộ
Theo nghiên cứu đã công bố của Ilya Gaiduk, Moscow dưới thời Stalin rất nghi ngờ cơ chế UNESCO kết nối các dân tộc thông qua văn hóa và giáo dục 'theo kiểu tư bản chủ nghĩa'.
Đây là lý do Liên Xô tẩy chay UNESCO ngay từ ngày có cuộc họp đầu tiên tại London do Hoa Kỳ và Anh chủ trì để bàn việc thông qua Hiến chương UNESCO.
Sau khi thành lập và có trụ sở đặt tại Paris, Pháp, phải một năm sau, ngày 4/11/1946, Hiến chương UNESCO mới được 20 quốc gia thông qua.
Đó là các nước Úc, Brazil, Canada, Trung Hoa Dân quốc của Tưởng Giới Thạch, Tiệp Khắc, Đan Mạch, CH Dominican, Ai Cập, Pháp, Hy Lạp, Ấn Độ, Li Băng, Mexico, New Zealand, Na Uy, Ả Rập Saudi, CH Nam Phi, Thổ Nhĩ Kỳ, Hoa Kỳ và Anh Quốc.
Giữ quan điểm về văn hóa khác hẳn Phương Tây, Liên Xô không chỉ đứng ngoài mà còn buộc các nước Đông Âu cộng sản không được tham gia UNESCO, và những nước đã tham gia thì phải rút ra.
Vì thế mới có chuyện Tiệp Khắc, Hungary và Ba Lan phải rút khỏi UNESCO trong các năm 1952-53.
Bản thân Liên Xô chỉ gia nhập UNESCO sau khi Stalin qua đời năm 1953.
Tính toán của lãnh tụ Liên Xô Nikita Khrushchev là dùng diễn đàn UNESCO để mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở Châu Âu 'tư bản', và các nước Thế giới thứ ba.
Vì thế, chính sách của Liên Xô nay xoay sang 'càng nhiều thành viên cộng sản càng tốt'.
Năm 1954, cùng Liên Xô có cả hai cộng hòa Belarus và Ukraine, vốn không có chủ quyền riêng, vì nằm trong Liên Xô, cũng gia nhập UNESCO.
Moscow cũng khuyến khích tất cả các quốc gia vệ tinh của khối Đông Âu vào tổ chức này.
Chọn cả hai hay chỉ một trong hai ?
Irina Bokova sắp rời chức vụ tổng thư ký Unesco
Tư cách thành viên của UNESCO không tránh khỏi việc trở thành chủ đề chính trị quốc tế và quan hệ giữa các thể chế khác biệt ý thức hệ.
Đông Đức chỉ gia nhập UNESCO năm 1972 sau khi chính sách 'Ostpolitik' của Thủ tướng Tây Đức, Willy Brandt đưa ra khái niệm 'hai quốc gia của một dân tộc Đức', và hai nước công nhận lẫn nhau.
Đến 1990, Đông Đức sát nhập vào CHLB Đức nên tư cách thành viên riêng tại UNESCO chấm dứt.
Khác với Đông và Tây Đức, hai quốc gia Trung Hoa không chấp nhận lẫn nhau.
Trung Hoa Dân quốc mà nay là Đài Loan từng là quốc gia đồng sáng lập UNESCO, nhưng sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được công nhận là thành viên LHQ năm 1971 thì Đài Loan cũng mất vị trí trong UNESCO.
Nam và Bắc Hàn đều là thành viên UNESCO nhưng tham vọng 'được vinh danh' cho món kim chi của hai nước đem lại câu chuyện kỳ quái.
Sau khi công nhận kim chi Hàn Quốc là 'di sản phi vật thể thế giới', UNESCO cũng phải cấp cho kim chi của Bắc Triều Tiên danh hiệu tương tự dù sự khác biệt giữa hai loại kim chi này không đáng kể.
Vào tháng 7/1951, Quốc gia Việt Nam dưới thời Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Trần Văn Hữu chính thức gia nhập UNESCO, và tư cách thành viên này được duy trì bởi Việt Nam Cộng Hòa đến 1975.
Nước Việt Nam thống nhất gia nhập UNESCO năm 1987.
Từng bỏ UNESCO rồi quay lại
Quyết định của Tổng thống Donald Trump rút Hoa Kỳ khỏi UNESCO và không đóng 500 triệu USD vào quỹ của tổ chức này không phải là mới.
Từ 1985 đến 2003, Hoa Kỳ đã một lần nằm ngoài UNESCO.
Năm 1985, chính phủ Mỹ, nước đóng góp 25% ngân sách của UNESCO (374 triệu USD một năm) nói tổ chức này cần cải tổ vì bị 'chính trị hóa' bởi Liên Xô và phe cộng sản.
Sau đó, Hoa Kỳ rút ra, tạo khủng hoảng không nhỏ về ngân khoản cho UNESCO.
Một năm sau, chính phủ Anh của Margaret Thatcher cũng tuyên bố rút với lý do tương tự, bất chấp một nghị quyết của Hạ viện, và lời kêu gọi của Thủ tướng Đức Helmut Kohl muốn Anh ở lại UNESCO.
Anh đóng mỗi năm 4,6% ngân sách của UNESCO, và khoản tiền vào năm 1986 là 9,75 triệu USD.
Đến năm 1997, Anh Quốc vào lại UNESCO.
Tại Châu Á, Singapore là nước từng rút khỏi UNESCO 'vì lý do kinh tế'.
Đảo quốc thuộc ASEAN rút khỏi UNESCO từ 1986 đến 2007 dù chỉ đóng trước đó chưa tới 100 nghìn USD một năm.
Có vẻ như Singapore dưới thời ông Lý Quang Diệu từng tin rằng việc tham gia UNESCO không đem lại lợi ích gì cụ thể.
Ai làm Tổng Giám đốc UNESCO ?
Trong 10 Tổng Giám đốc của UNESCO từ ngày thành lập đến nay, các nhân vật chính đều có thành tích cao trong văn hóa, giáo dục hoặc có sự nghiệp ngoại giao quốc tế.
Hà Nội tháng 10/2010 : bà Irina Bokova trao cho ông Nguyễn Thế Thảo Bằng Chứng nhận của UNESCO về khu di tích Hoàng thành Thăng Long
John Wilkinson Taylor (1906 - 2001) là người Mỹ duy nhất từng lãnh đạo UNESCO, ở vị trí tạm quyền, giai đoạn rất ngắn, 1952-1953.
Trước bà Irina Bokova người Bulgria, Tổng Giám đốc nhiệm kỳ hiện nay và sắp hết, lãnh đạo UNESCO là ông Kōichirō Matsuura, nhà ngoại giao Nhật Bản.
Ông là người Đông Á đầu tiên giữ chức này, và được tái đắc cử, tổng cộng 10 năm, từ 1999 đến 2009.
Bà Irina Bokova là con gái Tổng biên tập báo Đảng Cộng sản ở Bulgaria, ông Georgi Bokov.
Bà từng học tại Moscow và là đảng viên cộng sản cho đến 1990, làm việc trong Bộ ngoại giao Bulgaria thời xã hội chủ nghĩa, và là nghị sĩ quốc hội thời hậu cộng sản.
************************
Mỹ rút lui do Unesco 'thành kiến với Israel' (BBC, 12/10/2017)
Hoa Kỳ rút lui khỏi tổ chức giáo dục, văn hóa, khoa học của Liên Hiệp Quốc, và cáo buộc Unesco tổ chức này có "thành kiến với Israel".
Unesco được biết đến nhiều về việc chọn, bảo tồn các địa điểm di sản thế giới, như Palmyra của Syria và Đại vực (Grand Canyon) của Mỹ.
Bộ ngoại giao Hoa Kỳ nói sẽ thành lập một ủy ban giám sát tại trụ sở chính của Unesco ở Paris để thay thế cho cơ quan đại diện chính thức của mình.
Tổng giám đốc Unesco Irina Bokova nói việc Mỹ rút lui là điều "vô cùng đáng tiếc", là tổn thất cho "gia đình Liên hiệp quốc" và cho chủ thuyết hợp tác đa quốc gia.
Hồi 2011, Hoa Kỳ đã hủy việc đóng góp cho ngân khoản Unesco để phản đối việc tổ chức này ra quyết định cấp quy chế thành viên đầy đủ cho Palestine.
Việc Mỹ rút khỏi Unesco cũng do bởi mục tiêu tiết kiệm tiền, tạp chí Foreign Policy tường thuật.
Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích điều mà ông coi là sự đóng góp bất cân xứng của Hoa Kỳ cho các tổ chức của Liên hiệp quốc.
Mỹ hiện đóng góp 22% vào ngân sách thường lệ của UN, và 28% cho hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hiệp quốc.
Bầu chọn lãnh đạo Unesco
Unesco hiện đang trong tiến trình bầu chọn tân lãnh đạo.
Tổng giám đốc hiện thời của UNESCO là bà Irina Bukova, người Bulgaria
Các cựu bộ trưởng Hamad bin Abdulaziz al-Kawari của Qatar và Audrey Azoulay của Pháp đang dẫn đầu trong cuộc đua thay vị trí của bà Bokova.
Đại sứ Phạm Sanh Châu của Việt Nam là một trong bảy gương mặt ra ứng cử.
Sau khi về vị trí áp chót ở vòng bầu chọn thứ hai, ông Phạm Sanh Châu đã rút lui khỏi cuộc đua.
Để trở thành người đứng đầu tổ chức phụ trách giáo dục, khoa học và văn hóa của Liên Hiệp Quốc, ứng viên cần giành được ít nhất 30 phiếu trong tổng số 58 thành viên của hội đồng bầu chọn.
Nếu không có ứng viên nào giành được đa số quá bán sau vòng bầu chọn thứ tư, thì tiếp theo sẽ là vòng đối đầu trực tiếp giữa hai ứng viên được nhiều phiếu nhất.
Ứng viên được ủy ban bầu chọn cũng phải được 195 quốc gia thành viên của UNESCO chuẩn thuận trong tháng 11, tuy đây chỉ là thủ tục mang tính hình thức.
***********************
Tại sao Việt Nam rút khỏi cuộc đua giành chức lãnh đạo UNESCO ? (VOA, 12/10/2017)
Đại sứ Phạm Sanh Châu từng tự hào là người Việt Nam đầu tiên ra ứng cử trong cuộc đua giành chức Tổng giám đốc UNESCO, nhưng nay đã rút lui trước vòng 3 cuộc bầu chọn cho vị trí cao nhất trong Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc.
Đại sứ Phạm Sanh Châu tại một vòng bầu chọn vào chức Tổng giám đốc UNESCO.
Nhà ngoại giao 56 tuổi – hiện là trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao và Đặc phái viên của Thủ tướng về các vấn đề UNESCO – là một trong 9 ứng cử viên dự tranh ghế tổng giám đốc UNESCO nhiệm kỳ 2017-2021.
Theo trang web chính thức của UNESCO, đại diện Việt Nam đã rút lui khỏi cuộc đua mà trước đó ông đã trực tiếp vận động tại 30 quốc gia thành viên với lời cam kết "sẽ giúp UNESCO đoàn kết hơn".
Trong 1 bức thư gửi cho Chủ tịch Hội đồng Chấp hành UNESCO Michael Worbs, đại sứ phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO, bà Trần Thị Hoàng Mai, thông báo với tổ chức của Liên Hiệp Quốc rằng chính phủ Việt Nam quyết định rút ứng viên khỏi cuộc đua. Trong thư, bà Mai tái khẳng định cam kết của Việt Nam sẽ phát triển hơn nữa sự hợp tác với các tổ chức của UNESCO và với tân Tổng giám đốc kế tiếp của tổ chức này.
Bức thư phái đoàn thường trực của Việt Nam tại UNESCO ký tên đại sứ Trần Thị Hoàng Mai thông báo cho chủ tịch Ban chấp hành UNESCO về quyết định rút ông Phạm Sanh Châu khỏi cuộc đua tới chức Tổng giám đốc của tổ chức này
VOA không thể liên lạc với đại sứ Châu để xin bình luận về quyết định của ông.
Việc Việt Nam giới thiệu ứng cử viên ra tranh chức Tổng giám đốc tổ chức văn hóa của LHQ được Hà nội coi là "bước triển khai cụ thể đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XII về chủ động tích cực hội nhập quốc tế".
Phóng viên TTXVN tại Paris nói "tranh cử góp phần tăng cường vị thế, vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế" và "thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương giữa Việt Nam và các quốc gia trên thế giới, nhất là các nước lớn, có quan hệ đối tác hợp tác chiến lược, đối tác toàn diện" của Việt Nam.
Mục tiêu này của Việt Nam vấp phải trở ngại khi cách đây vài tuần, Đức tạm đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng kéo dài giữa Berlin và Hà nội về việc Đức tố cáo mật vụ Việt Nam ở Berlin bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu lãnh đạo Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trên đất Đức hồi cuối tháng 7.
Tháng trước chính phủ Đức quyết định ngừng đối tác chiến lược với Việt Nam sau những căng thẳng ngoại giao vì vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh ở Berlin. Một tổ chức nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sỹ đã phát động chiến dịch loại bỏ đại diện của Việt Nam khỏi danh sách ứng cử viên Tổng giám đốc UNESCO sau vụ bắt cóc này.
Kể từ đầu tháng 8, một tổ chức có tên là Liên hội nhân quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ đã mở một cuộc vận động toàn cầu, đặc biệt nhắm vào Bộ ngoại giao và đại sứ của hầu hết các nước thành viên Hội đồng hành pháp UNESCO để thuyết phục họ bác ứng viên của Việt Nam trong cuộc đua vào chức vị cao nhất của tổ chức này. Liên hội nhân quyền nói Việt Nam "không thể nào được bầu vào chức tổng giám đốc UNESCO sau vụ tổ chức bắt cóc người giữa Berlin".
Từ Stuttgart, Tiến sĩ Dương Hồng Ân thuộc Diễn đàn Việt Nam 21 của cộng đồng người Việt, nói không có cơ sở để khẳng định liệu vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh có ảnh hưởng đến việc tranh cử của đại diện Việt Nam hay không, nhưng ông cho biết cộng đồng người Việt không ủng hộ ứng cử viên của Việt Nam vào chức vụ Tổng giám đốc UNESCO.
"Nói về phương diện văn hóa, chúng tôi nghĩ là (Việt Nam) không có đủ khả năng nói chuyện văn hóa với các nước trên toàn thế giới. Tôi không bàn đến các nhân ông ứng cử viên mà tôi chỉ nói là chế độ Cộng sản hiện nay không có đủ tư cách, không có đủ khả năng nói chuyện về văn hóa đối với toàn cầu và thế giới".
Một số nghị sĩ Đức cũng chỉ trích những hành động vi phạm nhân quyền của Việt Nam sau vụ Trịnh Xuân Thanh và vận động các nước thành viên Liên minh Châu Âu không ủng hộ Việt Nam trong quá trình đàm phán để ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt -EU.
Tại vòng 2 diễn ra hôm 10/10, đại diện Việt Nam chỉ nhận được 5 phiếu trong tổng số 58 phiếu bầu cho chiếc ghế cao nhất UNESCO, và như vậy được xếp hạng áp chót, cùng với đại diện của Trung Quốc – Qian Tang. Ở vị trí chót bảng sau đại diện Việt Nam và Trung Quốc là đại diện của Li băng, bà Vera El-Khoury Lacoeuilhe, chỉ đoạt được có 2 phiếu.
Tại vòng 3 diễn ra ngày 11/10, đại diện của Pháp, Audrey Azoulay, và của Qatar, Hamad bin Abdulaziz Al-Kawari, cùng dẫn đầu với số phiếu 18 cho mỗi người. Các đại diện khác từ Azerbaijan, Iraq và Guatemala cũng đã rút lui.
Nhận định về khó khăn của Việt Nam trong cuộc đua, báo Thể Thao Văn Hóa của TTXVN nhận định "không ít nước đang chờ đợi một ứng cử viên Tổng giám đốc từ một nước có nguồn tài chính dồi dào cũng như có khả năng kết nối, huy động, kêu gọi các nguồn vốn nhằm mục đích giải quyết được tình hình khó khăn về mặt tài chính của UNESCO".
UNESCO sẽ chính thức thông báo Tổng giám đốc mới vào ngày 13/10.
Trong một động thái khác, Bộ ngoại giao Mỹ vừa tuyên bố rằng Hoa Kỳ sẽ chính thức rút khỏi UNESCO và duy trì với tư cách quan sát viên, thay vì là thành viên.