Mỹ trở lại UNESCO để chống đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc
Sau hơn 4 năm vắng bóng tại UNESCO, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc, nước Mỹ đã quyết định quay trở lại tổ chức này kể từ tháng 07/2023, với "một kế hoạch tài chính cụ thể". Tổng giám đốc UNESCO, Audrey Azoulay, hôm qua, 12/06/2023, đã tổ chức họp và thông báo chính thức cho đại diện 193 nước thành viên về quyết định của Washington.
Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay thông báo quyết định của Hoa Kỳ tái gia nhập tổ chức này. Tại trụ sở UNESCO, Paris, Pháp, ngày 12/06/2023. AFP - Alain Jocard
Đây được xem là biện pháp của chính quyền Biden nhằm đối phó với đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trên trường quốc tế.
Trên đài RFI, bà Annick Cizel, chuyên gia về chính sách đối ngoại của Mỹ, Đại học Sorbonne Nouvelle của Pháp, nhấn mạnh :
"Hoa Kỳ đang dùng quyền lực mềm về giáo dục và thông tin để đáp trả quyền lực mềm của Trung Quốc về công nghệ và thương mại trải rộng từ Liên Hiệp Châu Phi đến Liên Đoàn Ả Rập. Hiện nay, Ả Rập Xê Út và các thành viên khác của Liên Đoàn Ả Rập không chỉ mở cửa về ngoại giao và thương mại với Trung Quốc mà còn chơi trò tăng giá dầu có lợi cho nước Nga và rất bất lợi cho phương Tây nói chung và Hoa Kỳ nói riêng.
Theo tôi, lý do lưỡng đảng Mỹ ủng hộ quyết định này chính là, đối với Hoa Kỳ, cuộc đọ sức này đòi hỏi việc trở lại UNESCO, đòi hỏi Mỹ phải đáp trả từng bước, từng bước, với mọi lợi thế tương ứng của họ và ở cấp độ giáo dục. Chúng ta đều biết là các trường đại học Mỹ thu hút cả thế giới như thế nào. Giới trẻ toàn cầu, trong đó có giới trẻ Trung Quốc, là những thực thể cấu thành các xã hội dân sự, là những công dân của thế giới mang tính quốc tế ngày nay. Và UNESCO chính là lò luyện và là tấm gương phản chiếu sức mạnh của quyền lực mềm của Mỹ ở quy mô đa phương".
Vào năm 2017, dưới thời tổng thống Donald Trump, Hoa Kỳ đã rút khỏi UNESCO với lý do tổ chức này thiên vị, chống Israel. Quyết định của Mỹ chính thức có hiệu lực từ tháng 12/2018. Israel khi đó cũng tuyên bố rút khỏi UNESCO.
Thùy Dương