Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Kiểm điểm UPR và kiểm điểm theo công ước là sân chơi với luật chơi công bằng

Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc là cơ hội để người dân ở các quốc gia độc tài đòi hỏi chính phủ của họ giải trình về các vi phạm nhân quyền. Qua đó, người dân tăng dần bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm và thế quốc tế để ngày càng kềm chế một cách hiệu quả sự lạm dụng quyền lực của chính phủ. Đấy công dụng đích thực và quan trọng của các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc.

upr1

Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Ảnh Liên Hiệp Quốc

Nhưng công dụng này chỉ được phát huy khi chính người dân nhập cuộc, sử dụng mỗi cuộc kiểm điểm như một sân đấu nơi mình vừa so tài vừa trau luyện công lực thay vì xem nó như một sân khấu mà mình là khán giả đứng ngoài cổ võ. Tiếc là đối với cuộc kiểm điểm UPR Việt Nam vừa rồi, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đã chọn làm khán giả ; đó đây lại còn có sự thổi phồng UPR lên thành yếu tố "trời giáng" lên chế độ. Nhưng "bóng xì hơi", ảo vọng ban đầu nhường chỗ cho tâm lý hụt hẫng. Giờ đây chẳng còn ai nói đến UPR nữa. Cộng đồng mạng xã hội đã xoay qua những chuyện thời thịnh khác.

Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp những ai thực sự muốn góp phần thay đổi đất nước nhận định đúng đắn về thủ tục kiểm điểm định kỳ của Liên Hiệp Quốc, trau luyện kỹ năng khai dụng nó và bước vào sân đấu.

Thủ tục kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc có 2 loại thủ tục kiểm điểm : Kiểm điểm theo công ước và kiểm điểm định kỳ phổ quát mà chúng ta thường gọi tắt là UPR (tên dài là Universal Periodic Review). Chu kỳ cho mỗi thủ tục kiểm điểm là từ 4.5 đến 5 năm. Khi một buổi kiểm điểm diễn ra công khai thì đó chỉ là phần hiển lộ ra ngoài của tiến trình kéo dài suốt chu kỳ 4,5 – 5 năm. Để khai dụng thủ tục kiểm điểm, chúng ta cần tác động đến mọi giai đoạn dọc suốt chu kỳ ấy.

a. Giai đoạn trước kiểm điểm : thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng. Quốc gia đối tượng nộp báo cáo quốc gia cho ủy ban kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc (mỗi cuộc kiểm điểm có một ủy ban kiểm điểm chịu trách nhiệm) để giải trình về thực thi các khuyến cáo nhận được từ cuộc kiểm điểm của chu kỳ trước. Kế đến, các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế (báo cáo phản biện). Một số thủ tục kiểm điểm có báo cáo đợt 2 : ủy ban kiểm điểm tổng hợp các bản báo cáo và những thông tin từ nguồn riêng để lập danh sách các vấn đề mà quốc gia đối tượng cần trả lời ; sau đó, các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội phản biện các trả lời này trước buổi kiểm điểm.

b. Buổi kiểm điểm : Mỗi buổi kiểm điểm thường diễn ra trong 2 ngày : ngày đầu, ủy ban kiểm điểm đặt câu hỏi và ngày hôm sau quốc gia đối tượng trả lời. Trước khi buổi kiểm điểm diễn ra, ủy ban kiểm điểm họp tham khảo các tổ chức xã hội dân sự đã nộp báo cáo thay thế. Sau buổi kiểm điểm khoảng 1 đến 2 tuần, ủy ban kiểm điểm đưa ra bản "nhận xét kết luận", bao gồm nhiều khuyến cáo để yêu cầu quốc gia đối tượng thực thi.

c. Giai đoạn sau buổi kiểm điểm : Ủy ban kiểm điểm cho quốc gia đối tượng thời gian, thường là 12 tháng, để báo cáo là đã, đang hoặc sẽ đáp ứng các khuyến cáo trong bản "nhận xét kết luận" như thế nào. Sau đó, các tổ chức xã hội dân sự có cơ hội để nộp báo cáo phản biện. Thường, ủy ban kiểm điểm còn yêu cầu quốc gia đối tượng nộp báo cáo giữa kỳ (giữa chu kỳ kiểm điểm) và các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội để phản biện giữa kỳ. Sau báo cáo giữa kỳ thì bắt đầu chuẩn bị cho chu kỳ kiểm điểm nối tiếp.

Kiểm điểm theo công ước

Tổng cộng có 9 công ước quan trọng về nhân quyền. Mỗi công ước có một ủy ban hữu trách. Chẳng hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi việc thực thi Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) bởi các quốc gia đã tham gia ; Ủy ban Chống tra tấn theo dõi việc thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT) ; Ủy ban Xóa bỏ phân biệt đối xử với Phụ nữ chịu trách nhiệm về Công ước Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW)… Các ủy ban này thực hiện các cuộc kiểm điểm.

Việt Nam đã ký 7 trong số 9 công ước này (xem thêm chi tiết trong phần ghi chú). Vì các chu kỳ kiểm điểm gối đầu nhau, ở bất kỳ thời điểm nào Việt Nam cùng lúc được chiếu cố bởi 7 ủy ban kiểm điểm theo công ước. Tuy nhiên, việc chấp nhận tham gia kiểm điểm theo công ước lại tùy theo thiện chí của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, sau lần kiểm điểm về ICCPR năm 2002, 16 năm sau Việt Nam mới lại qua kiểm điểm, ngày 11-12 tháng 3 tới đây, nghĩa là Việt Nam đã tránh né 2 chu kỳ kiểm điểm.

Kiểm điểm UPR

Kiểm điểm UPR khác với các kiểm điểm theo công ước ở chỗ nó mang tính cách định kỳ và phổ quát. Định kỳ nghĩa là hễ đến lượt mình thì phải qua kiểm điểm chứ không thể tùy nghi tham gia hay không. Phổ quát nghĩa là mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tuần tự qua cuộc kiểm điểm, mọi quốc gia đều có quyền đặt câu hỏi và cho khuyến cáo đối với quốc gia đối tượng, và các câu hỏi và các khuyến cáo có thể bao quát mọi lĩnh vực nhân quyền. Trong khi đó, kiểm điểm theo công ước chỉ áp dụng cho những quốc gia nào đã ký công ước, câu hỏi và khuyến cáo do ủy ban kiểm điểm đưa ra, và nội dung phải giới hạn trong phạm vi của mỗi công ước.

Do những đặc tính kể trên, thể thức kiểm điểm UPR cũng hơi khác với thể thức kiểm điểm theo công ước. Dưới đây là các giai đoạn và mốc điểm liên quan đến cuộc UPR đối với Việt Nam vừa rồi :

15 tháng 7, 2018 : hạn chót để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế, chỉ ra những khiếm khuyết trong việc thực thi các khuyến cáo từ lần UPR trước.

14 tháng 11, 2018 : chính phủ Việt Nam nộp báo cáo quốc gia, giải trình về thực thi các khuyến cáo từ UPR lần 2 năm 2014.

12 tháng 12, 2018 : ủy ban kiểm điểm tham vấn các tổ chức xã hội dân sự.

15 tháng 1, 2019 : các quốc gia gửi trước các câu hỏi và khuyến cáo cho Việt Nam.

22 tháng 1, 2019 : buổi kiểm điểm UPR lần 3 đối với Việt Nam ; các quốc gia đặt câu hỏi trực tiếp với đoàn Việt Nam.

Tháng 7, 2021 : Việt Nam nộp báo cáo giữa kỳ.

30 tháng 6, 2023 : thời hạn để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế cho UPR lần 4.

Tháng 1, 2024 : Kiểm điểm UPR lần 4 đối với Việt Nam.

Lịch trình ở trên cho thấy là, muốn khai dụng kiểm điểm UPR thì một tổ chức xã hội dân sự đã phải bắt đầu công việc rà soát báo cáo quốc gia của Việt Nam và chuẩn bị biên soạn báo cáo thay thế ít ra 9 tháng trước và bắt đầu vận động các quốc gia đặt câu hỏi cho Việt Nam ít ra 2 tháng trước buổi kiểm điểm UPR. Chờ đến đúng ngày diễn ra buổi kiểm điểm UPR để lên tiếng thì đã quá trễ.

Kiểm điểm UPR vượt qua được khiếm khuyết của kiểm điểm theo công ước là không quốc gia nào được bỏ qua kiểm điểm khi đến phiên mình, nhưng lại mang một số khuyết điểm khác. Khiếm khuyết lớn nhất là, các chế độ độc tài liên kết với nhau để khi một trong số đó qua kiểm điểm thì các chính phủ khác đặt câu hỏi làm bộ để vừa đỡ đòn vừa lấy bớt thời gian còn lại cho các câu hỏi đích thực. Muốn tìm hiểu thêm về kiểm điểm UPR, xin đọc bài "Vận động nhân quyền qua UPR". http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1427-2019-01-13-03-17-22.html

Cách khai dụng các cuộc kiểm điểm

Muốn khai dụng một cuộc kiểm điểm theo công ước, các tổ chức xã hội dân sự phải chia nhau để đi chuyên sâu về từng công ước, hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chuyên theo dõi việc thực thi công ước đó, và có lịch làm việc liên tục suốt chiều dài của mỗi chu kỳ kiểm điểm.

Chẳng hạn, để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, BPSOS đã cùng một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế soạn các bản báo cáo chung và riêng, và đã nộp trước thời hạn 15 tháng 7, 2018 :

1. Bản báo cáo chung về tuân thủ các công ước quốc tế (BPSOS, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền, Hiệp hội các Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu và Hội thánh em đạo Cao Đài)

2. Bản báo cáo chung về vi phạm tự do tôn giáo (Hội Tinh thần đoàn kết Phật Giáo, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trung ương hải ngoại, Hội thánh em đạo Cao Đài, Hội Hmong đoàn kết cho Công lLý và Hội thánh Đấng Christ Tây Nguyên)

3. Bản báo cáo chung về quyền tự do biểu đạt và internet (Hội Nhà Báo Độc Lập và BPSOS)

4. Báo cáo chung về tình trạng vô quốc gia của người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành (BPSOS, Statelessness Network Asia Pacific và Institute on Statelessness and Inclusion)

5. Bản báo cáo về tình trạng tra tấn (Liên Minh Chống tra tấn -- Việt Nam)

Ngày 11-14 tháng 12, BPSOS cử phái đoàn đến Geneva tiếp xúc với các phái bộ thường trực của Thuỵ Điển, Đức, Hoa Kỳ và Liên Âu, đồng thời phối hợp với các tổ chức nhân quyền thân hữu vận động các bộ ngoại giao của Na Uy, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ… Mục đích của chúng tôi là ảnh hưởng đến các câu hỏi và khuyến cáo của họ dành cho Việt Nam.

BPSOS không cử phái đoàn đến Geneva vào ngày diễn ra cuộc kiểm điểm UPR (22 tháng 1, 2019) vì lúc ấy đã quá trễ để ảnh hưởng các phái bộ quốc gia trong việc đặt câu hỏi và cho khuyến cáo.

Chúng tôi đang phân tích các câu hỏi và các khuyến cáo đã được đặt ra cho Việt Nam để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.

Kết chuỗi các cuộc kiểm điểm

Đi suốt chiều dài của một chu kỳ kiểm điểm là đòi hỏi tối thiểu. Để tăng tác dụng, chúng tôi tập trung vào một số chủ đề trọng tâm và chọn ra một số hồ sơ tiêu biểu để kết chuỗi các cuộc kiểm điểm lại với nhau. Chẳng hạn, tại cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, chúng tôi tập trung vào 4 chủ đề : tự do tôn giáo, tra tấn, tù nhân lương tâm và tình trạng vô quốc gia của người Hmong và Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Ba trong số 4 chủ đề này chúng tôi đã nêu tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống tra tấn ngày 14 và 15 tháng 11, 2018. Và chúng tôi lại sẽ nêu cả 4 chủ đề này tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị, sẽ diễn ra ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây.

Về hồ sơ thì chúng tôi chọn một số hồ sơ tiêu biểu để "đóng cọc" vào một cuộc kiểm điểm và theo đuổi chúng xuyên qua các cuộc kiểm điểm gối đầu tiếp theo. Chẳng hạn, chúng tôi đã đưa vào buổi kiểm điểm về chống tra tấn hồi tháng 11 năm ngoái hồ sơ của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị tra tấn đến chết ở đồn công an. Chúng tôi tiếp tục đưa hồ sơ này vào cuộc kiểm điểm UPR, kèm với thông tin cập nhật. Hồ sơ này lại tiếp tục được đưa vào cuộc kiểm điểm về quyền dân sự và chính trị sắp đến. Như vậy, chính phủ Việt Nam không trả lời cho xong chuyện vì họ sẽ tiếp tục đối mặt với cùng một số hồ sơ xuyên suốt từ cuộc kiểm điểm này sang cuộc kiểm điểm khác.

Kết luận

Qua các cuộc kiểm điểm, Liên Hiệp Quốc tạo sân chơi quốc tế nơi mà luật chơi công bằng, nơi mà người dân có thể ngồi ngang hàng với những người cầm quyền. Chế độ độc tài không thể dùng bạo lực để khống chế người dân, không thể dở thói ngang ngược theo luật rừng, không thể ngăn chặn người dân góp tiếng nói với quốc tế. Họ có thể trả lời vòng vo, nói sai sự thật nhưng người dân lại có cơ hội để phản biện, để phanh phui, để thách đố.

Người dân, hoàn toàn lép vế ở trong nước, có thể dùng các cuộc kiểm điểm làm diễn đàn để đòi hỏi nhà nước độc tài giải trình về nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền, đưa ra các khuyến cáo đề nghị cho Liên Hiệp Quốc để chuyển cho nhà nước, và hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc theo dõi việc nhà nước đáp ứng các khuyến cáo ấy. Qua những công đoạn ấy, các tổ chức xã hội dân sự cũng tự giới thiệu mình với quốc tế.

Muốn nhập cuộc chơi, các tổ chức xã hội dân sự phải học hỏi nhiều và tập luyện nhiều để tăng kiến thức, tăng kỹ năng, tăng kinh nghiệm. Lợi ích thiết thực gặt hái được chính là bản lãnh và nội lực của người dân ngày thêm vững chãi, và thế quốc tế ngày càng tăng lên.

Tôi mong rằng những người thực tâm vì dân vì nước sẽ đầu tư thời gian và công sức để tự biến mình thành những chuyên viên về từng cuộc kiểm điểm theo công ước và về kiểm điểm UPR. Để yểm trợ cho những người này, BPSOS sẽ tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện trực tuyến chuyên sâu về từng lĩnh vực nhân quyền.

Đã đến lúc những người thực tâm muốn thay đổi đất nước ngưng làm khán giả đứng ngoài vỗ tay và bước vào sân đấu quốc tế.

Ngày 3 tháng 2, 2019

Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia.com

-----------------

Ghi chú :

9 công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng :

1. International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) : Công ước về quyền dân sự và chính trị, Việt Nam ký năm 1982

2. International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR) : Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Việt Nam ký năm 1982

3. Convention on the Rights of the Child (CRC) : Công ước về quyền của trẻ em, Việt Nam ký năm 1990

4. Convention to End all forms of Discrimination against Women (CEDAW) : Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Việt Nam ký năm 1980

5. Convention on the Elimination of Racial Discrimination (CERD) : Công ước về xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, Việt Nam ký năm 1982

6. Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (CAT) : Công ước xóa bỏ tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Việt Nam ký năm 2014

7. Convention on the Rights of Persons with Disabilities (CRPD) : Công ước về quyền của người có khuyết tật, Việt Nam ký năm 2014

8. Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families (CMW) : Công ước về bảo vệ lao động di dân và thành viên gia đình của họ, Việt Nam chưa ký

9. Convention for the Protection of all Persons from Enforced Disappearance (CED) : Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích, Việt Nam chưa ký

Bản tiếng Việt của các công ước do nhà nước Việt Nam cung cấp (Một số bản dịch này có những lỗi quan trọng, có thể làm sai nghĩa nội dung của công ước).

Bài liên quan :

"Vận động nhân quyền qua UPR"

BPSOS công bố bản tiếng Việt nhận xét kết luận của Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc : Việt Nam mắc nhiều vi phạm trong thực thi Công ước Chống Tra Tấn

Liên Hiệp Quốc kiểm điểm Việt Nam về tra tấn : Cơ hội để người dân lên tiếng

Published in Diễn đàn

Tin tổng hợp và tin do cộng tác viên cung cấp

Ngày 20/1/2019, chị Nguyễn Thị Quý, vợ tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng (15 năm tù), đã đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle (Pháp) để vận động cho UPR (cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát) tại Genève, Thụy Sĩ sẽ diễn ra vào ngày mai 22/1/2019.

tnlt1

Chị Nguyễn Thị Quý, vợ tù nhân lương tâm Lê Đình Lượng, đã đặt chân xuống sân bay Charles de Gaulle ngày 20/01/2019

Trước đó, chị Nguyễn Thị Kim Thanh, vợ tù nhân lương tâm Trương Minh Đức (12 năm tù), anh Nguyễn Trung Trọng Nghĩa con trai tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Trung Tôn (12 năm tù) cũng đã có mặt tại Pháp để đi Genève vận động cho nhân quyền tại Việt Nam.

tnlt2

Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát hay Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (viết tắt từ tiếng Anh là UPR), là cơ chế kiểm điểm tình hình nhân quyền của mỗi nước thành viên của Liên Hợp Quốc, dưới sự bảo trợ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc diễn ra 4 năm 1 lần. Mỗi nước thành viên  đều phải lần lượt thực hiện việc rà soát tình hình nhân quyền của nước mình.

Ngoài 3 gia đình đến Genève từ trong nước, còn có các tù nhân lương tâm đã "ém sẵn":  Luật sư Nguyễn Văn Đài và Đặng Xuân Diệu (tị nạn chính trị), Giáo sư Phạm Minh Hoàng (bị nhà cầm quyền trục xuất). Đại diện của Phóng Viên Không Biên Giới, đại diện của tổ chức chống tra tấn cũng tham gia vận động nhân quyền cho Việt nam tại UPR.

Hội thảo về UPR

Bên lề UPR có một cuộc hội thảo vào ngày 21/1. Ban tổ chức của hội thảo gồm :

- Christians for the Abolition of Torture (ACAT)

- Hội Bầu Bí Tương Thân

- COSUNAM (Ủy Ban Thụy Sĩ Việt Nam)

- Destination Justice

- Hội Anh Em Dân Chủ

- Lawyers’ Rights Watch Canada

- Media Legal Defence Initiative (MLDI)

- Phong Trào Lao Động Việt

- Reporters Without Borders (RSF)

- Việt Nam Canh tân Cách mạng đảng (Việt Tân)

Diễn giả của hội thảo có :

- 3 gia đình tù nhân lương tâm đến từ trong nước (vừa nêu trên) ;

- Luật sư Nguyễn Văn Đài, chủ tịch Hội Anh Em Dân Chủ, cựu tù nhân lương tâm ;

- Ông Đặng Xuân Diệu, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm ;

- Giáo sư Phạm Minh Hoàng, nhà hoạt động, cựu tù nhân lương tâm ;

- Bà Libby Liu, Tổng giám đốc Đài Á Châu Tự Do ;

- Bà Anne-Marie Von Arx, Dân biểu quốc Hội tiểu bang Geneva. Qua nhiều năm nay, bà lên tiếng cho tù nhân lương tâm Việt Nam, đã từng đến Việt Nam trực tiếp tìm hiểu về tình hình nhân quyền ở Việt Nam ;

- Luật sư nhân quyền Doreen Chen, Destination Justice. Cô hoạt động khắp thế giới và đã từng hợp tác với Giáo sư luật trường đại học Stanford, Allen Weiner, thực hiện và đề nạp đơn lên Liên Hiệp Quốc về 14 thanh niên Công giáo bị bắt năm 2011 ;

- Cô Jade Dussart, Quản lý chương trình Á Châu của tổ chức ACAT, một tổ chức thường xuyên lên tiếng chống tra tấn trong nhà tù Việt Nam đối với tù nhân chính trị ;

- Ông Hoàng Tứ Duy, Phát ngôn nhân đảng Việt Tân ;

- Daniel Bastard, Trưởng văn phòng Asia, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF) ;

- Luật sư Saba Ashraf, đại diện tổ chức Media Legal Defence Initiative (MLDI) ;

- Ông Rolin Wavre, Chủ tịch Ủy Ban Việt Thụy Sỹ, COSUNAM và Phó chủ tịch Đảng Cấp Tiến Thụy Sĩ.

Lễ trao giải nhân quyền cho Trần Thị Nga và Lê Đình Lượng

Tại hội thảo sẽ có lễ trao giải thưởng nhân quyền 2018 cho ông Lê Đình Lượng và Trần Thị Nga.

Những hoạt động xung quanh UPR 2019

Ngoài buổi hội thảo còn có các hoạt động khác như gặp gỡ một số đoàn đại diện thường trực của Liên Hiệp Quốc và các nước Czech, Đức, Hoa Kỳ, Na Uy và Thy Sĩ và biểu tình.

Nhiều tổ chức Việt Nam trong và ngoài nước và các NGOs quốc tế khác cũng đã có những cuộc vận động cho nhân quyền ở Việt Nam, đã nạp hồ sơ trước đó.

Cuộc Kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR 2019 diễn ra trong lúc nhà cầm quyền Việt Nam siết chặt kiểm soát, đàn áp khốc liệt những người bất đồng chính kiến như hoạt động dân chủ, biểu tình chống chính sách của chính phủ. Sự đàn áp này trong năm 2018 là chưa từng thấy. Kết quả của Kiểm định định kỳ phổ quát 2019 và những hoạt động xung quanh UPR có ảnh hưởng rất quan trọng đến tình hình nhân quyền ở Việt Nam.

Nguyễn Tường Thụy

Nguồn : VNTB, 21/01/2019

Published in Diễn đàn
dimanche, 13 janvier 2019 10:43

Vận động nhân quyền qua UPR

Hơn một tuần nữa, vào ngày 22/1/2019, đề tài nhân quyền Việt Nam sẽ được thảo luận sôi động trong chương trình nghị sự tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, dưới tên gọi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát.

upr1

Đề tài nhân quyền Việt Nam sẽ được thảo luận trong chương trình nghị sự tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở Geneva, dưới tên gọi Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Ảnh minh họa (UN/HR)

Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (Universal Periodic Review), gọi tắt là UPR, là một thuật ngữ không quá xa lạ đối với Việt Nam trong những năm gần đây, dùng để đánh giá tổng quát tình trạng nhân quyền của tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, theo định kỳ 4,5 năm/lần đối với mỗi một quốc gia.

Với thể thức vận hành đó, Cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon từng nhận xét UPR là một cơ chế "có tiềm lực để quảng bá và bảo vệ nhân quyền tại những góc cạnh tối tăm nhất trên thế giới".

Cơ chế UPR được Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đề ra để đối phó với 2 khiếm khuyết lớn của các cuộc kiểm điểm định kỳ theo công ước do Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc vẫn thực hiện. Khiếm khuyết thứ nhất là, một quốc gia ký công ước nào thì mới phải qua cuộc kiểm điểm về thực thi công ước đó ; do đó để tránh bị kiểm điểm, nhiều quốc gia đã không ký một số công ước Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Khiếm khuyết thứ hai là, một quốc gia dù đã ký công ước thì vẫn có thể "chai mặt" không tham gia kiểm điểm. Chẳng hạn, gần đây nhất Việt Nam đã bỏ qua 2 kỳ kiểm điểm, tổng cộng 10 năm, về thực thi Công ước Quốc tế về Quyền dân sự và chính trị.

Với quyết tâm cải cách tình trạng này trên toàn thế giới, Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ra đời vào năm 2006, phụ trách tiến hành kiểm điểm nhân quyền định kỳ, một cách luân phiên, đối với tất cả các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc. Và cuộc kiểm điểm này mang tính cách phổ quát, nghĩa là về mọi lĩnh vực nhân quyền bất luận quốc gia qua kiểm điểm có ký công ước liên quan hay không. Thủ tục này tạo ra một áp lực chiếu soi vào những nơi tăm tối về nhân quyền bất kể thủ phạm là ai, bất kể vụ việc gì, xảy ra ở bất kỳ đâu.

upr2

Chu kỳ đánh giá tổng quát tình trạng nhân quyền của tất cả quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc, theo định kỳ 4,5 năm/lần đối với mỗi một quốc gia - Ảnh UN/HR

UPR sắp tới buộc nhà nước Việt Nam phải giải trình trách nhiệm trước quốc tế về các vùng tối nhân quyền tại quốc gia mình, thông qua hoạt động báo cáo và điều trần về tình hình nhân quyền quốc gia trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.

Cơ chế hoạt động của UPR

Một cách ngắn gọn, cơ chế hoạt động UPR có thể ví như "chiếc đèn pin" dùng để soi chiếu vào vùng tối nhân quyền.

Trong cơ chế này, các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động nhân quyền như là cục pin cung cấp nguồn năng lượng đầu vào cho UPR, thông qua hoạt động cung cấp thông tin, nêu lên các vấn đề vi phạm nhân quyền ở quốc gia bị kiểm điểm.

Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc đóng vai trò như là một dây dẫn tiếp nhận thông tin về các vấn đề hạn chế nhân quyền, và chuyển tải nó thành các khuyến nghị nhân quyền để chuyển đến quốc gia bị kiểm điểm.

Các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc (Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, các Ủy ban Công ước…) như cái bóng đèn, tiếp nhận và xử lý nguồn thông tin đầu vào, trên cơ sở chuyên môn của mình để chuyển hóa thành nguồn sáng nhân quyền. Trong đó Nhóm Công tác UPR của Hội đồng Nhân quyền (Working Group) điều phối phiên họp kiểm điểm như cái công tắc khởi động được bật lên theo định kỳ.

upr3

Cơ chế hoạt động UPR có thể ví như "chiếc đèn pin" dùng để soi chiếu vào vùng tối nhân quyền

Nhà nước bị kiểm điểm như là cái kính khúc xạ của chiếc đèn pin, tiếp nhận nguồn sáng từ chiếc bóng đèn, đóng vai trò là đầu ra cho nguồn sáng nhân quyền, chịu trách nhiệm cuối cùng trước tình trạng nhân quyền sáng sủa hay lu mờ tại quốc gia mình. Ánh sáng phát ra được khuếch đại tốt hay dở sẽ được quyết định bởi lăng kính hấp thụ của nhà nước qua việc chấp nhận thực thi các khuyến nghị cải thiện nhân quyền hay bác bỏ nó.

Thí dụ, những người biểu tình ôn hòa đấu tranh vì môi trường bị cảnh sát sử dụng bạo lực và bắt giữ, được xem là một góc cạnh tăm tối nhân quyền cần đến cơ chế UPR để soi rọi vào nó. Theo cơ chế này, các cá nhân và các tổ chức xã hội dân sự phát hiện vụ việc và tiến hành nộp báo cáo lên các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc và thông tin đến các quốc gia thành viên khác. Các cơ quan nhân quyền Liên Hiệp Quốc sẽ tiếp nhận và xử lý thông tin thành vụ việc vi phạm nhân quyền trên cơ sở đối chiếu với các điều khoản ghi nhận trong luật nhân quyền quốc tế, và tiến hành chất vấn nhà nước tại phiên họp điều trần. Các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc sẽ sử dụng nguồn thông tin và cơ sở pháp lý này để đưa ra khuyến nghị cho nhà nước bị kiểm điểm cần phải có hành động chấm dứt việc đánh đập và truy bắt người biểu tình ôn hòa. Nhà nước trong kỳ kiểm điểm sẽ phải trả lời về vụ việc này và nêu rõ có chấp nhận thực thi khuyến nghị chấm dứt tình trạng này hay bác bỏ nó.

Từ đó cho thấy trong cơ chế hoạt động UPR, mỗi chủ thể sẽ đóng một vai trò khác nhau trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền. Trước tiên là việc cung cấp thông tin đầu vào đến từ các cá nhân và tổ chức nhân quyền, rồi được các quốc gia và Liên Hiệp Quốc chuyển tải thành khuyến nghị cải thiện nhân quyền, và sau đó mức độ thực thi khuyến nghị nhân quyền ra sao sẽ được quyết định bởi sự đón nhận qua lăng kính khúc xạ là nhà nước.

Điểm lại các kỳ UPR của Việt Nam

Việt Nam đã trải qua hai kỳ UPR, kỳ đầu tiên vào năm 2009, kỳ thứ hai vào năm 2014, và kỳ thứ ba diễn ra vào ngày 22/1/2019.

Tại kỳ đầu tiên, Việt Nam nhận được tổng số 146 khuyến nghị, trong đó chấp nhận 94 khuyến nghị, từ chối 46 khuyến nghị, trả lời chung 5 khuyến nghị và để ngỏ 1 khuyến nghị. Ở kỳ thứ hai, Việt Nam nhận được tổng số 227 khuyến nghị, trong đó chấp nhận 182 khuyến nghị và từ chối 54 khuyến nghị.

Mới đây, tại hội thảo công bố báo cáo quốc gia được nhà nước Việt Nam đệ trình cho UPR kỳ thứ ba sắp tới, Bộ ngoại giao Việt Nam tuyên bố đã thực hiện xong 175 khuyến nghị về nhân quyền, chiếm 96,2% trên tổng số khuyến nghị đã chấp nhận tại kỳ thứ hai.

Tuy nhiên tuyên bố của Bộ ngoại giao là hoàn toàn trái ngược với các tuyên bố của các nhà hoạt động nhân quyền, tổ chức xã hội dân sự, và các tổ chức phi chính phủ (gọi chung là "các bên liên quan") được thể hiện qua báo cáo dành cho các bên liên quan nộp cho Liên Hợp Quốc để chuẩn bị cho UPR kỳ thứ ba.

Các bên liên quan trong báo cáo của mình đã nêu rõ về tình hình nhân quyền Việt Nam đã không được cải thiện theo như khuyến nghị, qua việc nhà nước Việt Nam tiếp tục sử dụng các điều luật liên quan đến an ninh quốc gia để bỏ tù các nhà hoạt động nhân quyền, hạn chế quyền tự do ngôn luận trên không gian mạng, giải tán các cuộc biểu tình ôn hòa bằng bạo lực và bắt bớ, trấn áp việc thực hành tự do tôn giáo, quyền tự do lập hội và hội họp bị hạn chế...

Sự tham gia của các bên liên quan

Tình trạng "trống đánh xuôi, kèn thổi ngược" là một đặc tính cơ bản qua các kỳ UPR của Việt Nam khi phản ánh mối quan hệ giữa nhà nước và các bên liên quan.

Trước quốc tế, nhà nước Việt Nam có truyền thống luôn bác bỏ tình trạng nhân quyền tệ hại, thay vào đó là các báo cáo tốt đẹp về thành tích nhân quyền của mình. Điều này cho thấy vai trò của các bên liên quan tham gia vào tiến trình UPR là rất quan trọng để phản biện và giám sát việc thực thi nhân quyền của nhà nước.

Cơ chế UPR mở rộng và khuyến khích cho các bên liên quan được tham gia vào toàn bộ tiến trình kiểm điểm nhân quyền của một quốc gia, bất kể địa vị và tư cách pháp lý của họ.

Sự tham gia tiến trình UPR của các bên liên quan là rất đa dạng, có thể chia làm 3 giai đoạn song hành với các hoạt động của nhà nước :

- Trước phiên họp kiểm điểm : nhà nước nộp báo cáo quốc gia cho Hội đồng Nhân quyền – các bên liên quan sẽ nộp báo cáo song song với nhà nước. Ngay sau đó, các tổ chức xã hội dân sự và những người hoạt động nhân quyền cần vận động để thuyết phục các phái bộ ở Liên Hiệp Quốc của các chính quyền có truyền thống bảo vệ nhân quyền đặt các câu hỏi phù hợp tại phiên họp kiểm điểm.

- Tại phiên họp kiểm điểm tại Geneva : nhà nước điều trần trước Hội đồng Nhân quyền, thực hiện đối thoại, trả lời các chất vấn, nhận khuyến nghị từ các quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc – các bên liên quan sẽ tham dự phiên họp điều trần với tư cách là quan sát viên, sau đó có thể phát biểu, đưa ra tuyên bố bằng lời trong phiên họp báo cáo kết quả hoặc phiên họp thông tin chung của Hội đồng Nhân quyền.

- Sau phiên họp kiểm điểm : Hội đồng Nhân quyền sẽ thông qua tài liệu kết luận UPR, nhà nước có nghĩa vụ triển khai thực hiện các kết luận và khuyến nghị theo tài liệu kết quả kiểm điểm – các bên liên quan sẽ giám sát, đôn đốc quá trình nhà nước thực hiện khuyến nghị, phổ biến các khuyến nghị này đến dân chúng trong nước, và đưa ra các sáng kiến cho nhà nước thực hiện hoặc các bên liên quan sẽ xây dựng chương trình hành động theo khuyến nghị nhân quyền.

Các thủ thuật làm giảm hiệu quả của UPR

Các chính quyền độc tài thường áp dụng 2 thủ thuật để cản trở cơ chế UPR. Trong cách thứ nhất, chính quyền ấy dựng lên nhiều tổ chức xã hội dân sự giả -- các tổ chức này cũng nộp bản báo cáo song song với nhà nước để tán thành và phụ họa cho văn bản giải trình của nhà nước. Trong lần kiểm điểm này, không ít các tổ chức xã hội dân sự "quốc doanh" của Việt Nam đã nộp báo cáo khen ngợi những thành tựu về nhân quyền của nhà nước.

Thủ thuật thứ hai là một nhà nước độc tài cũng vận động những chính quyền thân thiện với mình đặt câu hỏi tại kỳ kiểm điểm. Các câu hỏi này thường mở đầu bằng lời khen ngợi và tiếp theo là câu hỏi cò mồi để quốc gia bị kiểm điểm có dịp khoe thêm. Càng nhiều quốc gia cò mồi thì càng bớt đi thời gian cho các quốc gia có ý định chất vấn.

Do đó, rất cần thiết có đông tổ chức xã hội dân sự thực thụ đóng góp thông tin với ủy ban kiểm điểm, và cũng rất cần thiết có một nỗ lực vận động từ rất sớm và kéo dài cho sự lên tiếng của các chính quyền hằng quan tâm đến nhân quyền tại kỳ kiểm điểm.

Vài kinh nghiệm tham gia UPR dành cho các bên liên quan

Khi nộp báo cáo cho UPR, cần thực hiện trước thời hạn là 7 tháng, trước ngày diễn ra kỳ họp kiểm điểm, chú ý đến độ dài của báo cáo không quá 5 trang đối với báo cáo đơn và 10 trang đối với báo cáo liên minh.

Từ trong nước có thể tiếp xúc với các Đại sứ quán thân thiện với nhân quyền, vận động quốc gia họ nêu vấn đề và sử dụng khuyến nghị do các bên liên quan đề xuất.

Thiết lập mối quan hệ đối tác với các tổ chức có vị thế tham vấn cho Hội đồng Kinh tế Xã hội Liên Hiệp Quốc (ECOSOC) và đề xuất họ bảo trợ để đến Geneva tham dự phiên họp kiểm điểm và phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền. Các tổ chức có vị thế ECOSOC quen thuộc với Việt Nam có thể kể đến như : Human Rights Watch, Amnesty International, Reporters Without Borders, CIVICUS, Freedom House, International Federation for Human Rights…

Khi đến Geneva có thể tổ chức các hoạt động bên lề tại trụ sở Liên Hợp Quốc nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế, bằng các hoạt động như tổ chức buổi họp báo cung cấp thông tin, tiếp xúc và vận động các đoàn ngoại giao của các quốc gia quan tâm về nhân quyền Việt Nam, gặp gỡ các chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc để nghe tư vấn của họ cho chương trình hành động của mình sau này.

Thực hiện công tác truyền thông nhanh nhạy về sự kiện, cùng với việc đưa ra các bình luận, phân tích, đánh giá về phiên điều trần nhằm phổ biến kiến thức nhân quyền từ UPR đến với người dân trong nước. Sau đó chuyển ngữ kịp thời các tài liệu về kết quả UPR, sử dụng các khuyến nghị UPR trong hoạt động thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền sau này, và giám sát quá trình thực hiện khuyến nghị nhân quyền của nhà nước cho đến kỳ UPR kế tiếp.

Toàn bộ tài liệu phục vụ cho UPR của Việt Nam có tại trang website của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc tại : Universal Periodic Review - Viet Nam.

 

Nguồn : machsongmedia, 13/01/2019

Published in Diễn đàn