Kiểm điểm UPR và kiểm điểm theo công ước là sân chơi với luật chơi công bằng
Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc là cơ hội để người dân ở các quốc gia độc tài đòi hỏi chính phủ của họ giải trình về các vi phạm nhân quyền. Qua đó, người dân tăng dần bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm và thế quốc tế để ngày càng kềm chế một cách hiệu quả sự lạm dụng quyền lực của chính phủ. Đấy công dụng đích thực và quan trọng của các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc.
Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Ảnh Liên Hiệp Quốc
Nhưng công dụng này chỉ được phát huy khi chính người dân nhập cuộc, sử dụng mỗi cuộc kiểm điểm như một sân đấu nơi mình vừa so tài vừa trau luyện công lực thay vì xem nó như một sân khấu mà mình là khán giả đứng ngoài cổ võ. Tiếc là đối với cuộc kiểm điểm UPR Việt Nam vừa rồi, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đã chọn làm khán giả ; đó đây lại còn có sự thổi phồng UPR lên thành yếu tố "trời giáng" lên chế độ. Nhưng "bóng xì hơi", ảo vọng ban đầu nhường chỗ cho tâm lý hụt hẫng. Giờ đây chẳng còn ai nói đến UPR nữa. Cộng đồng mạng xã hội đã xoay qua những chuyện thời thịnh khác.
Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp những ai thực sự muốn góp phần thay đổi đất nước nhận định đúng đắn về thủ tục kiểm điểm định kỳ của Liên Hiệp Quốc, trau luyện kỹ năng khai dụng nó và bước vào sân đấu.
Thủ tục kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc
Liên Hiệp Quốc có 2 loại thủ tục kiểm điểm : Kiểm điểm theo công ước và kiểm điểm định kỳ phổ quát mà chúng ta thường gọi tắt là UPR (tên dài là Universal Periodic Review). Chu kỳ cho mỗi thủ tục kiểm điểm là từ 4.5 đến 5 năm. Khi một buổi kiểm điểm diễn ra công khai thì đó chỉ là phần hiển lộ ra ngoài của tiến trình kéo dài suốt chu kỳ 4,5 – 5 năm. Để khai dụng thủ tục kiểm điểm, chúng ta cần tác động đến mọi giai đoạn dọc suốt chu kỳ ấy.
a. Giai đoạn trước kiểm điểm : thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng. Quốc gia đối tượng nộp báo cáo quốc gia cho ủy ban kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc (mỗi cuộc kiểm điểm có một ủy ban kiểm điểm chịu trách nhiệm) để giải trình về thực thi các khuyến cáo nhận được từ cuộc kiểm điểm của chu kỳ trước. Kế đến, các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế (báo cáo phản biện). Một số thủ tục kiểm điểm có báo cáo đợt 2 : ủy ban kiểm điểm tổng hợp các bản báo cáo và những thông tin từ nguồn riêng để lập danh sách các vấn đề mà quốc gia đối tượng cần trả lời ; sau đó, các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội phản biện các trả lời này trước buổi kiểm điểm.
b. Buổi kiểm điểm : Mỗi buổi kiểm điểm thường diễn ra trong 2 ngày : ngày đầu, ủy ban kiểm điểm đặt câu hỏi và ngày hôm sau quốc gia đối tượng trả lời. Trước khi buổi kiểm điểm diễn ra, ủy ban kiểm điểm họp tham khảo các tổ chức xã hội dân sự đã nộp báo cáo thay thế. Sau buổi kiểm điểm khoảng 1 đến 2 tuần, ủy ban kiểm điểm đưa ra bản "nhận xét kết luận", bao gồm nhiều khuyến cáo để yêu cầu quốc gia đối tượng thực thi.
c. Giai đoạn sau buổi kiểm điểm : Ủy ban kiểm điểm cho quốc gia đối tượng thời gian, thường là 12 tháng, để báo cáo là đã, đang hoặc sẽ đáp ứng các khuyến cáo trong bản "nhận xét kết luận" như thế nào. Sau đó, các tổ chức xã hội dân sự có cơ hội để nộp báo cáo phản biện. Thường, ủy ban kiểm điểm còn yêu cầu quốc gia đối tượng nộp báo cáo giữa kỳ (giữa chu kỳ kiểm điểm) và các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội để phản biện giữa kỳ. Sau báo cáo giữa kỳ thì bắt đầu chuẩn bị cho chu kỳ kiểm điểm nối tiếp.
Kiểm điểm theo công ước
Tổng cộng có 9 công ước quan trọng về nhân quyền. Mỗi công ước có một ủy ban hữu trách. Chẳng hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi việc thực thi Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) bởi các quốc gia đã tham gia ; Ủy ban Chống tra tấn theo dõi việc thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT) ; Ủy ban Xóa bỏ phân biệt đối xử với Phụ nữ chịu trách nhiệm về Công ước Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW)… Các ủy ban này thực hiện các cuộc kiểm điểm.
Việt Nam đã ký 7 trong số 9 công ước này (xem thêm chi tiết trong phần ghi chú). Vì các chu kỳ kiểm điểm gối đầu nhau, ở bất kỳ thời điểm nào Việt Nam cùng lúc được chiếu cố bởi 7 ủy ban kiểm điểm theo công ước. Tuy nhiên, việc chấp nhận tham gia kiểm điểm theo công ước lại tùy theo thiện chí của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, sau lần kiểm điểm về ICCPR năm 2002, 16 năm sau Việt Nam mới lại qua kiểm điểm, ngày 11-12 tháng 3 tới đây, nghĩa là Việt Nam đã tránh né 2 chu kỳ kiểm điểm.
Kiểm điểm UPR
Kiểm điểm UPR khác với các kiểm điểm theo công ước ở chỗ nó mang tính cách định kỳ và phổ quát. Định kỳ nghĩa là hễ đến lượt mình thì phải qua kiểm điểm chứ không thể tùy nghi tham gia hay không. Phổ quát nghĩa là mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tuần tự qua cuộc kiểm điểm, mọi quốc gia đều có quyền đặt câu hỏi và cho khuyến cáo đối với quốc gia đối tượng, và các câu hỏi và các khuyến cáo có thể bao quát mọi lĩnh vực nhân quyền. Trong khi đó, kiểm điểm theo công ước chỉ áp dụng cho những quốc gia nào đã ký công ước, câu hỏi và khuyến cáo do ủy ban kiểm điểm đưa ra, và nội dung phải giới hạn trong phạm vi của mỗi công ước.
Do những đặc tính kể trên, thể thức kiểm điểm UPR cũng hơi khác với thể thức kiểm điểm theo công ước. Dưới đây là các giai đoạn và mốc điểm liên quan đến cuộc UPR đối với Việt Nam vừa rồi :
15 tháng 7, 2018 : hạn chót để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế, chỉ ra những khiếm khuyết trong việc thực thi các khuyến cáo từ lần UPR trước.
14 tháng 11, 2018 : chính phủ Việt Nam nộp báo cáo quốc gia, giải trình về thực thi các khuyến cáo từ UPR lần 2 năm 2014.
12 tháng 12, 2018 : ủy ban kiểm điểm tham vấn các tổ chức xã hội dân sự.
15 tháng 1, 2019 : các quốc gia gửi trước các câu hỏi và khuyến cáo cho Việt Nam.
22 tháng 1, 2019 : buổi kiểm điểm UPR lần 3 đối với Việt Nam ; các quốc gia đặt câu hỏi trực tiếp với đoàn Việt Nam.
Tháng 7, 2021 : Việt Nam nộp báo cáo giữa kỳ.
30 tháng 6, 2023 : thời hạn để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế cho UPR lần 4.
Tháng 1, 2024 : Kiểm điểm UPR lần 4 đối với Việt Nam.
Lịch trình ở trên cho thấy là, muốn khai dụng kiểm điểm UPR thì một tổ chức xã hội dân sự đã phải bắt đầu công việc rà soát báo cáo quốc gia của Việt Nam và chuẩn bị biên soạn báo cáo thay thế ít ra 9 tháng trước và bắt đầu vận động các quốc gia đặt câu hỏi cho Việt Nam ít ra 2 tháng trước buổi kiểm điểm UPR. Chờ đến đúng ngày diễn ra buổi kiểm điểm UPR để lên tiếng thì đã quá trễ.
Kiểm điểm UPR vượt qua được khiếm khuyết của kiểm điểm theo công ước là không quốc gia nào được bỏ qua kiểm điểm khi đến phiên mình, nhưng lại mang một số khuyết điểm khác. Khiếm khuyết lớn nhất là, các chế độ độc tài liên kết với nhau để khi một trong số đó qua kiểm điểm thì các chính phủ khác đặt câu hỏi làm bộ để vừa đỡ đòn vừa lấy bớt thời gian còn lại cho các câu hỏi đích thực. Muốn tìm hiểu thêm về kiểm điểm UPR, xin đọc bài "Vận động nhân quyền qua UPR". http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1427-2019-01-13-03-17-22.html
Cách khai dụng các cuộc kiểm điểm
Muốn khai dụng một cuộc kiểm điểm theo công ước, các tổ chức xã hội dân sự phải chia nhau để đi chuyên sâu về từng công ước, hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chuyên theo dõi việc thực thi công ước đó, và có lịch làm việc liên tục suốt chiều dài của mỗi chu kỳ kiểm điểm.
Chẳng hạn, để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, BPSOS đã cùng một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế soạn các bản báo cáo chung và riêng, và đã nộp trước thời hạn 15 tháng 7, 2018 :
1. Bản báo cáo chung về tuân thủ các công ước quốc tế (BPSOS, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền, Hiệp hội các Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu và Hội thánh em đạo Cao Đài)
2. Bản báo cáo chung về vi phạm tự do tôn giáo (Hội Tinh thần đoàn kết Phật Giáo, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trung ương hải ngoại, Hội thánh em đạo Cao Đài, Hội Hmong đoàn kết cho Công lLý và Hội thánh Đấng Christ Tây Nguyên)
3. Bản báo cáo chung về quyền tự do biểu đạt và internet (Hội Nhà Báo Độc Lập và BPSOS)
4. Báo cáo chung về tình trạng vô quốc gia của người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành (BPSOS, Statelessness Network Asia Pacific và Institute on Statelessness and Inclusion)
5. Bản báo cáo về tình trạng tra tấn (Liên Minh Chống tra tấn -- Việt Nam)
Ngày 11-14 tháng 12, BPSOS cử phái đoàn đến Geneva tiếp xúc với các phái bộ thường trực của Thuỵ Điển, Đức, Hoa Kỳ và Liên Âu, đồng thời phối hợp với các tổ chức nhân quyền thân hữu vận động các bộ ngoại giao của Na Uy, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ… Mục đích của chúng tôi là ảnh hưởng đến các câu hỏi và khuyến cáo của họ dành cho Việt Nam.
BPSOS không cử phái đoàn đến Geneva vào ngày diễn ra cuộc kiểm điểm UPR (22 tháng 1, 2019) vì lúc ấy đã quá trễ để ảnh hưởng các phái bộ quốc gia trong việc đặt câu hỏi và cho khuyến cáo.
Chúng tôi đang phân tích các câu hỏi và các khuyến cáo đã được đặt ra cho Việt Nam để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.
Kết chuỗi các cuộc kiểm điểm
Đi suốt chiều dài của một chu kỳ kiểm điểm là đòi hỏi tối thiểu. Để tăng tác dụng, chúng tôi tập trung vào một số chủ đề trọng tâm và chọn ra một số hồ sơ tiêu biểu để kết chuỗi các cuộc kiểm điểm lại với nhau. Chẳng hạn, tại cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, chúng tôi tập trung vào 4 chủ đề : tự do tôn giáo, tra tấn, tù nhân lương tâm và tình trạng vô quốc gia của người Hmong và Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Ba trong số 4 chủ đề này chúng tôi đã nêu tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống tra tấn ngày 14 và 15 tháng 11, 2018. Và chúng tôi lại sẽ nêu cả 4 chủ đề này tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị, sẽ diễn ra ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây.
Về hồ sơ thì chúng tôi chọn một số hồ sơ tiêu biểu để "đóng cọc" vào một cuộc kiểm điểm và theo đuổi chúng xuyên qua các cuộc kiểm điểm gối đầu tiếp theo. Chẳng hạn, chúng tôi đã đưa vào buổi kiểm điểm về chống tra tấn hồi tháng 11 năm ngoái hồ sơ của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị tra tấn đến chết ở đồn công an. Chúng tôi tiếp tục đưa hồ sơ này vào cuộc kiểm điểm UPR, kèm với thông tin cập nhật. Hồ sơ này lại tiếp tục được đưa vào cuộc kiểm điểm về quyền dân sự và chính trị sắp đến. Như vậy, chính phủ Việt Nam không trả lời cho xong chuyện vì họ sẽ tiếp tục đối mặt với cùng một số hồ sơ xuyên suốt từ cuộc kiểm điểm này sang cuộc kiểm điểm khác.
Kết luận
Qua các cuộc kiểm điểm, Liên Hiệp Quốc tạo sân chơi quốc tế nơi mà luật chơi công bằng, nơi mà người dân có thể ngồi ngang hàng với những người cầm quyền. Chế độ độc tài không thể dùng bạo lực để khống chế người dân, không thể dở thói ngang ngược theo luật rừng, không thể ngăn chặn người dân góp tiếng nói với quốc tế. Họ có thể trả lời vòng vo, nói sai sự thật nhưng người dân lại có cơ hội để phản biện, để phanh phui, để thách đố.
Người dân, hoàn toàn lép vế ở trong nước, có thể dùng các cuộc kiểm điểm làm diễn đàn để đòi hỏi nhà nước độc tài giải trình về nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền, đưa ra các khuyến cáo đề nghị cho Liên Hiệp Quốc để chuyển cho nhà nước, và hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc theo dõi việc nhà nước đáp ứng các khuyến cáo ấy. Qua những công đoạn ấy, các tổ chức xã hội dân sự cũng tự giới thiệu mình với quốc tế.
Muốn nhập cuộc chơi, các tổ chức xã hội dân sự phải học hỏi nhiều và tập luyện nhiều để tăng kiến thức, tăng kỹ năng, tăng kinh nghiệm. Lợi ích thiết thực gặt hái được chính là bản lãnh và nội lực của người dân ngày thêm vững chãi, và thế quốc tế ngày càng tăng lên.
Tôi mong rằng những người thực tâm vì dân vì nước sẽ đầu tư thời gian và công sức để tự biến mình thành những chuyên viên về từng cuộc kiểm điểm theo công ước và về kiểm điểm UPR. Để yểm trợ cho những người này, BPSOS sẽ tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện trực tuyến chuyên sâu về từng lĩnh vực nhân quyền.
Đã đến lúc những người thực tâm muốn thay đổi đất nước ngưng làm khán giả đứng ngoài vỗ tay và bước vào sân đấu quốc tế.
Ngày 3 tháng 2, 2019
Nguyễn Đình Thắng
Nguồn : machsongmedia.com
-----------------
Ghi chú :
9 công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng :
1. International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) : Công ước về quyền dân sự và chính trị, Việt Nam ký năm 1982
2. International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR) : Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Việt Nam ký năm 1982
3. Convention on the Rights of the Child (CRC) : Công ước về quyền của trẻ em, Việt Nam ký năm 1990
4. Convention to End all forms of Discrimination against Women (CEDAW) : Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Việt Nam ký năm 1980
5. Convention on the Elimination of Racial Discrimination (CERD) : Công ước về xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, Việt Nam ký năm 1982
6. Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (CAT) : Công ước xóa bỏ tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Việt Nam ký năm 2014
7. Convention on the Rights of Persons with Disabilities (CRPD) : Công ước về quyền của người có khuyết tật, Việt Nam ký năm 2014
8. Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families (CMW) : Công ước về bảo vệ lao động di dân và thành viên gia đình của họ, Việt Nam chưa ký
9. Convention for the Protection of all Persons from Enforced Disappearance (CED) : Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích, Việt Nam chưa ký
Bản tiếng Việt của các công ước do nhà nước Việt Nam cung cấp (Một số bản dịch này có những lỗi quan trọng, có thể làm sai nghĩa nội dung của công ước).
Bài liên quan :
BPSOS công bố bản tiếng Việt nhận xét kết luận của Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc
Liên Hiệp Quốc : Việt Nam mắc nhiều vi phạm trong thực thi Công ước Chống Tra Tấn
Liên Hiệp Quốc kiểm điểm Việt Nam về tra tấn : Cơ hội để người dân lên tiếng