Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Cách đây chừng hơn 3 năm, chuyên gia kinh tế bà Phạm Chi Lan thuật lại nhận xét của một giới chức Ngân Hàng Thế Giới rằng, Việt Nam là quốc gia không chịu phát triển. Quả là một nhận xét đầy tính mỉa mai về thân phận của một dân tộc. Dĩ nhiên, thành phần lãnh đạo quốc gia phải chịu trách nhiệm và đã có không ít những nhận xét nghiêm khắc về họ. Ở đây tôi muốn nói với những thành phần ngoài chính quyền đang thao thức thay đổi đất nước : Liệu chúng ta có cũng đang ở trong cái bẫy "không chịu phát triển" ?

dinhche0

Niềm hãnh diện đặt không đúng chỗ dễ làm cho người ta không thấy nhu cầu học hỏi, mở mang kiến thức, phát triển năng lực.

Nhu cầu định chế hóa

Một quốc gia phát triển đòi hỏi nhiều yếu tố cần và đủ. Nhưng nếu phải chọn một yếu tố mang tính quyết định thì tôi chọn khả năng định chế hóa trên toàn xã hội.

Định chế hóa, tiếng anh là institutionalize, thể hiện tính tổ chức ở cấp cao, như cỗ máy có khả năng tự vận hành, ít lệ thuộc vào cá nhân. Một tổ chức được định chế hóa khi nó có đủ các bộ phận với chức năng chuyên biệt nhưng bổ trợ cho nhau, các bộ phận này tương tác theo những công thức rập khuôn "cứ thế mà làm", và quy trình vận hành của tổ chức bao hàm khả năng tự điều chỉnh.

Cỗ máy như vậy dứt khóat cần con người để vận hành, nhưng không phụ thuộc bất kỳ cá nhân nào. Người ta thường ví một tổ chức như vậy với chiếc đồng hồ, ai cũng có thể sử dụng từ đời này sang đời khác mà chẳng cần biết ai đã chế tạo ra nó.

Đặc tính của định chế hóa

Khi bé, đọc truyện thần thoại chúng ta thích thú với phép biến hóa phân thân của Tôn Ngộ Không và phép trường sinh bất tử của các vị tu tiên. Định chế hóa là cách để những con người bình thường không chỉ đạt mà còn vượt qua cả 2 phép này.

Tôn Ngộ Không dứt mớ lông trên người, thổi "phù" một cái là hóa ra nhiều chục phiên bản của chính mình. Với khả năng định chế hóa, con người còn thần thông hơn thế. Chúng ta chỉ cần nhìn vào các chuỗi nhà hàng McDonald’s, Starbucks… hoặc các chuỗi khách sạn Marriott, Hilton… Nhờ định chế hóa cao, các tổ chức doanh nghiệp này đã dùng phép "rập khuôn" để phủ toàn cầu với phiên bản của mình, khác hẳn mô hình hoạt động thiếu định chế hóa của các cửa hàng xén, các quán cơm vỉa hè.

Định chế hóa còn cho phép những con người với đời sống hữu hạn đạt giấc mơ bất tử. Khi tạo được cỗ máy tự vận hành, con người có thể truyền thừa lý tưởng và sứ mệnh của mình qua nhiều thế hệ. Có những định chế của con người đã trường tồn cả trăm năm hoặc cả nghìn năm. Tổ chức nhân quyền Freedom House ở Hoa Kỳ, thành lập năm 1941, đã trải qua gần 80 năm với hoạt động ngày một thêm mạnh mẽ. Hội Hồng Thập Tự, thành lập năm 1863, vẫn tiếp tục hoạt động và đã lan tỏa ra khắp thế giới. Một số giáo hội đã trường tồn hàng nghìn năm.

Định chế hóa trong xã hội

Khái niệm định chế hóa áp dụng cho một tổ chức cũng có thể áp dụng cho một quốc gia, một dân tộc, một xã hội.

Sự phát triển của một đất nước phụ thuộc nhiều vào khả năng định chế hóa ở tầm quốc gia. Quốc gia công nghiệp luôn luôn đạt mức định chế hóa cao hơn các quốc gia nông nghiệp. Nền kinh tế phát triển luôn luôn đòi hỏi khả năng định chế hóa cao hơn nền kinh tế thô sơ. Chúng ta có thể cảm nhận được điều này khi đặt chân đến một quốc gia nơi mà đời sống được tổ chức ngăn nắp, phố xá được bảo trì, luật lệ đâu ra đó, so với một quốc gia kém phát triển, nơi mọi thứ đều luộm thuộm, tùy tiện, hổ lốn.

Sức mạnh của một nền văn hóa cũng đến từ sự định chế hóa, thường thể hiện qua các quy tắc và quy ước thành văn hoặc bất thành văn – đó chính là những công thức giúp nền văn hóa trường tồn từ đời này sang đời khác và lan tỏa trong toàn xã hội, nhiều khi còn vượt khỏi biên cương của một quốc gia. Bài học lịch sử của người Mông Cổ bị Hán hóa sau khi chiếm được Trung Hoa cho thấy hậu quả của nền văn hóa yếu khi cọ sát với nền văn hóa mạnh hơn bội phần.

Xã hội dân chủ là nơi mà người dân định chế hóa các hoạt động của mình ở mức vượt xa chính quyền. Khả năng định chế hóa của người dân được diễn đạt qua khái niệm xã hội dân sự, được hiểu là tổng thể của những tổ chức nằm ngoài chính quyền (và không là doanh nghiệp hoặc đơn vị gia đình). Xã hội dân sự phát triển đòi hỏi người dân phải tập hợp thành tổ chức và các tổ chức phải đạt trình độ định chế hóa cao trong hoạt động nội bộ và trong sự liên kết ở ngoài xã hội.

Bẫy không chịu phát triển

Tôi thấy trong số những người đấu tranh dân chủ hoặc nhân quyền ở trong nước, nhất là thành phần có học thức, bàng bạc chủ trương "tôi chỉ hoạt động độc lập", hiểu theo nghĩa đứng ngoài mọi tổ chức. Nghĩ thế là ngộ nhận đơn độc với độc lập.

Muốn độc lập thì phải mạnh về lực và vững về thế. Muốn tăng lực thì phải định chế hóa các hoạt động trong nội bộ của tổ chức. Muốn tăng thế thì phải định chế hóa các mối liên kết ngoài tổ chức. Một người đơn độc thì chẳng có gì để định chế hóa. Và ngay cả khi có một nhóm người nhưng thiếu định chế thì vẫn chỉ là một đám đông ô hợp.

Hãnh diện rằng "tôi chỉ hoạt động độc lập" chính là hãnh diện về sự yếu kém của mình về khả năng định chế hóa. Niềm hãnh diện đặt không đúng chỗ dễ làm cho người ta không thấy nhu cầu học hỏi, mở mang kiến thức, phát triển năng lực. Đó chính là cái bẫy không chịu phát triển nơi những người đang mong muốn thay đổi xã hội và phát triển đất nước.

Đóng góp trên hết và trước nhất của những ai có lòng và hiểu biết ngay lúc này là học và hành về định chế hóa. Việt Nam đang cần rất nhiều những người chế tạo đồng hồ giỏi.

Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia, 14/04/2019

Published in Diễn đàn

Kiểm điểm UPR và kiểm điểm theo công ước là sân chơi với luật chơi công bằng

Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc là cơ hội để người dân ở các quốc gia độc tài đòi hỏi chính phủ của họ giải trình về các vi phạm nhân quyền. Qua đó, người dân tăng dần bản lĩnh, kỹ năng, kinh nghiệm và thế quốc tế để ngày càng kềm chế một cách hiệu quả sự lạm dụng quyền lực của chính phủ. Đấy công dụng đích thực và quan trọng của các cuộc kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc.

upr1

Kiểm điểm UPR là 1 trong 8 cuộc kiểm điểm về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam, trên nguyên tắc, phải trải qua mỗi 5 năm. Ảnh Liên Hiệp Quốc

Nhưng công dụng này chỉ được phát huy khi chính người dân nhập cuộc, sử dụng mỗi cuộc kiểm điểm như một sân đấu nơi mình vừa so tài vừa trau luyện công lực thay vì xem nó như một sân khấu mà mình là khán giả đứng ngoài cổ võ. Tiếc là đối với cuộc kiểm điểm UPR Việt Nam vừa rồi, nhiều người Việt ở trong và ngoài nước đã chọn làm khán giả ; đó đây lại còn có sự thổi phồng UPR lên thành yếu tố "trời giáng" lên chế độ. Nhưng "bóng xì hơi", ảo vọng ban đầu nhường chỗ cho tâm lý hụt hẫng. Giờ đây chẳng còn ai nói đến UPR nữa. Cộng đồng mạng xã hội đã xoay qua những chuyện thời thịnh khác.

Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp những ai thực sự muốn góp phần thay đổi đất nước nhận định đúng đắn về thủ tục kiểm điểm định kỳ của Liên Hiệp Quốc, trau luyện kỹ năng khai dụng nó và bước vào sân đấu.

Thủ tục kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc có 2 loại thủ tục kiểm điểm : Kiểm điểm theo công ước và kiểm điểm định kỳ phổ quát mà chúng ta thường gọi tắt là UPR (tên dài là Universal Periodic Review). Chu kỳ cho mỗi thủ tục kiểm điểm là từ 4.5 đến 5 năm. Khi một buổi kiểm điểm diễn ra công khai thì đó chỉ là phần hiển lộ ra ngoài của tiến trình kéo dài suốt chu kỳ 4,5 – 5 năm. Để khai dụng thủ tục kiểm điểm, chúng ta cần tác động đến mọi giai đoạn dọc suốt chu kỳ ấy.

a. Giai đoạn trước kiểm điểm : thường kéo dài từ 12 đến 24 tháng. Quốc gia đối tượng nộp báo cáo quốc gia cho ủy ban kiểm điểm của Liên Hiệp Quốc (mỗi cuộc kiểm điểm có một ủy ban kiểm điểm chịu trách nhiệm) để giải trình về thực thi các khuyến cáo nhận được từ cuộc kiểm điểm của chu kỳ trước. Kế đến, các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế (báo cáo phản biện). Một số thủ tục kiểm điểm có báo cáo đợt 2 : ủy ban kiểm điểm tổng hợp các bản báo cáo và những thông tin từ nguồn riêng để lập danh sách các vấn đề mà quốc gia đối tượng cần trả lời ; sau đó, các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội phản biện các trả lời này trước buổi kiểm điểm.

b. Buổi kiểm điểm : Mỗi buổi kiểm điểm thường diễn ra trong 2 ngày : ngày đầu, ủy ban kiểm điểm đặt câu hỏi và ngày hôm sau quốc gia đối tượng trả lời. Trước khi buổi kiểm điểm diễn ra, ủy ban kiểm điểm họp tham khảo các tổ chức xã hội dân sự đã nộp báo cáo thay thế. Sau buổi kiểm điểm khoảng 1 đến 2 tuần, ủy ban kiểm điểm đưa ra bản "nhận xét kết luận", bao gồm nhiều khuyến cáo để yêu cầu quốc gia đối tượng thực thi.

c. Giai đoạn sau buổi kiểm điểm : Ủy ban kiểm điểm cho quốc gia đối tượng thời gian, thường là 12 tháng, để báo cáo là đã, đang hoặc sẽ đáp ứng các khuyến cáo trong bản "nhận xét kết luận" như thế nào. Sau đó, các tổ chức xã hội dân sự có cơ hội để nộp báo cáo phản biện. Thường, ủy ban kiểm điểm còn yêu cầu quốc gia đối tượng nộp báo cáo giữa kỳ (giữa chu kỳ kiểm điểm) và các tổ chức xã hội dân sự lại có cơ hội để phản biện giữa kỳ. Sau báo cáo giữa kỳ thì bắt đầu chuẩn bị cho chu kỳ kiểm điểm nối tiếp.

Kiểm điểm theo công ước

Tổng cộng có 9 công ước quan trọng về nhân quyền. Mỗi công ước có một ủy ban hữu trách. Chẳng hạn, Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc chịu trách nhiệm theo dõi việc thực thi Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) bởi các quốc gia đã tham gia ; Ủy ban Chống tra tấn theo dõi việc thực thi Công ước Chống tra tấn (CAT) ; Ủy ban Xóa bỏ phân biệt đối xử với Phụ nữ chịu trách nhiệm về Công ước Liên Hiệp Quốc về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với Phụ nữ (CEDAW)… Các ủy ban này thực hiện các cuộc kiểm điểm.

Việt Nam đã ký 7 trong số 9 công ước này (xem thêm chi tiết trong phần ghi chú). Vì các chu kỳ kiểm điểm gối đầu nhau, ở bất kỳ thời điểm nào Việt Nam cùng lúc được chiếu cố bởi 7 ủy ban kiểm điểm theo công ước. Tuy nhiên, việc chấp nhận tham gia kiểm điểm theo công ước lại tùy theo thiện chí của mỗi quốc gia. Chẳng hạn, sau lần kiểm điểm về ICCPR năm 2002, 16 năm sau Việt Nam mới lại qua kiểm điểm, ngày 11-12 tháng 3 tới đây, nghĩa là Việt Nam đã tránh né 2 chu kỳ kiểm điểm.

Kiểm điểm UPR

Kiểm điểm UPR khác với các kiểm điểm theo công ước ở chỗ nó mang tính cách định kỳ và phổ quát. Định kỳ nghĩa là hễ đến lượt mình thì phải qua kiểm điểm chứ không thể tùy nghi tham gia hay không. Phổ quát nghĩa là mọi quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc đều phải tuần tự qua cuộc kiểm điểm, mọi quốc gia đều có quyền đặt câu hỏi và cho khuyến cáo đối với quốc gia đối tượng, và các câu hỏi và các khuyến cáo có thể bao quát mọi lĩnh vực nhân quyền. Trong khi đó, kiểm điểm theo công ước chỉ áp dụng cho những quốc gia nào đã ký công ước, câu hỏi và khuyến cáo do ủy ban kiểm điểm đưa ra, và nội dung phải giới hạn trong phạm vi của mỗi công ước.

Do những đặc tính kể trên, thể thức kiểm điểm UPR cũng hơi khác với thể thức kiểm điểm theo công ước. Dưới đây là các giai đoạn và mốc điểm liên quan đến cuộc UPR đối với Việt Nam vừa rồi :

15 tháng 7, 2018 : hạn chót để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế, chỉ ra những khiếm khuyết trong việc thực thi các khuyến cáo từ lần UPR trước.

14 tháng 11, 2018 : chính phủ Việt Nam nộp báo cáo quốc gia, giải trình về thực thi các khuyến cáo từ UPR lần 2 năm 2014.

12 tháng 12, 2018 : ủy ban kiểm điểm tham vấn các tổ chức xã hội dân sự.

15 tháng 1, 2019 : các quốc gia gửi trước các câu hỏi và khuyến cáo cho Việt Nam.

22 tháng 1, 2019 : buổi kiểm điểm UPR lần 3 đối với Việt Nam ; các quốc gia đặt câu hỏi trực tiếp với đoàn Việt Nam.

Tháng 7, 2021 : Việt Nam nộp báo cáo giữa kỳ.

30 tháng 6, 2023 : thời hạn để các tổ chức xã hội dân sự nộp báo cáo thay thế cho UPR lần 4.

Tháng 1, 2024 : Kiểm điểm UPR lần 4 đối với Việt Nam.

Lịch trình ở trên cho thấy là, muốn khai dụng kiểm điểm UPR thì một tổ chức xã hội dân sự đã phải bắt đầu công việc rà soát báo cáo quốc gia của Việt Nam và chuẩn bị biên soạn báo cáo thay thế ít ra 9 tháng trước và bắt đầu vận động các quốc gia đặt câu hỏi cho Việt Nam ít ra 2 tháng trước buổi kiểm điểm UPR. Chờ đến đúng ngày diễn ra buổi kiểm điểm UPR để lên tiếng thì đã quá trễ.

Kiểm điểm UPR vượt qua được khiếm khuyết của kiểm điểm theo công ước là không quốc gia nào được bỏ qua kiểm điểm khi đến phiên mình, nhưng lại mang một số khuyết điểm khác. Khiếm khuyết lớn nhất là, các chế độ độc tài liên kết với nhau để khi một trong số đó qua kiểm điểm thì các chính phủ khác đặt câu hỏi làm bộ để vừa đỡ đòn vừa lấy bớt thời gian còn lại cho các câu hỏi đích thực. Muốn tìm hiểu thêm về kiểm điểm UPR, xin đọc bài "Vận động nhân quyền qua UPR". http://www.machsongmedia.com/vietnam/danchu/1427-2019-01-13-03-17-22.html

Cách khai dụng các cuộc kiểm điểm

Muốn khai dụng một cuộc kiểm điểm theo công ước, các tổ chức xã hội dân sự phải chia nhau để đi chuyên sâu về từng công ước, hoạt động trong sự phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chuyên theo dõi việc thực thi công ước đó, và có lịch làm việc liên tục suốt chiều dài của mỗi chu kỳ kiểm điểm.

Chẳng hạn, để chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, BPSOS đã cùng một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam và quốc tế soạn các bản báo cáo chung và riêng, và đã nộp trước thời hạn 15 tháng 7, 2018 :

1. Bản báo cáo chung về tuân thủ các công ước quốc tế (BPSOS, Hội Phụ nữ Nhân quyền Việt Nam, Hội Bảo vệ Người bảo vệ nhân quyền, Hiệp hội các Giáo dân Giáo xứ Cồn Dầu và Hội thánh em đạo Cao Đài)

2. Bản báo cáo chung về vi phạm tự do tôn giáo (Hội Tinh thần đoàn kết Phật Giáo, Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo trung ương hải ngoại, Hội thánh em đạo Cao Đài, Hội Hmong đoàn kết cho Công lLý và Hội thánh Đấng Christ Tây Nguyên)

3. Bản báo cáo chung về quyền tự do biểu đạt và internet (Hội Nhà Báo Độc Lập và BPSOS)

4. Báo cáo chung về tình trạng vô quốc gia của người Hmong và người Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành (BPSOS, Statelessness Network Asia Pacific và Institute on Statelessness and Inclusion)

5. Bản báo cáo về tình trạng tra tấn (Liên Minh Chống tra tấn -- Việt Nam)

Ngày 11-14 tháng 12, BPSOS cử phái đoàn đến Geneva tiếp xúc với các phái bộ thường trực của Thuỵ Điển, Đức, Hoa Kỳ và Liên Âu, đồng thời phối hợp với các tổ chức nhân quyền thân hữu vận động các bộ ngoại giao của Na Uy, Anh Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Thụy Sĩ… Mục đích của chúng tôi là ảnh hưởng đến các câu hỏi và khuyến cáo của họ dành cho Việt Nam.

BPSOS không cử phái đoàn đến Geneva vào ngày diễn ra cuộc kiểm điểm UPR (22 tháng 1, 2019) vì lúc ấy đã quá trễ để ảnh hưởng các phái bộ quốc gia trong việc đặt câu hỏi và cho khuyến cáo.

Chúng tôi đang phân tích các câu hỏi và các khuyến cáo đã được đặt ra cho Việt Nam để chuẩn bị cho giai đoạn kế tiếp.

Kết chuỗi các cuộc kiểm điểm

Đi suốt chiều dài của một chu kỳ kiểm điểm là đòi hỏi tối thiểu. Để tăng tác dụng, chúng tôi tập trung vào một số chủ đề trọng tâm và chọn ra một số hồ sơ tiêu biểu để kết chuỗi các cuộc kiểm điểm lại với nhau. Chẳng hạn, tại cuộc kiểm điểm UPR vừa qua, chúng tôi tập trung vào 4 chủ đề : tự do tôn giáo, tra tấn, tù nhân lương tâm và tình trạng vô quốc gia của người Hmong và Tây Nguyên theo Đạo Tin Lành. Ba trong số 4 chủ đề này chúng tôi đã nêu tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống tra tấn ngày 14 và 15 tháng 11, 2018. Và chúng tôi lại sẽ nêu cả 4 chủ đề này tại buổi kiểm điểm Việt Nam về Công ước quốc tế về Quyền Dân sự và Chính Trị, sẽ diễn ra ngày 11 và 12 tháng 3 tới đây.

Về hồ sơ thì chúng tôi chọn một số hồ sơ tiêu biểu để "đóng cọc" vào một cuộc kiểm điểm và theo đuổi chúng xuyên qua các cuộc kiểm điểm gối đầu tiếp theo. Chẳng hạn, chúng tôi đã đưa vào buổi kiểm điểm về chống tra tấn hồi tháng 11 năm ngoái hồ sơ của tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo Nguyễn Hữu Tấn bị tra tấn đến chết ở đồn công an. Chúng tôi tiếp tục đưa hồ sơ này vào cuộc kiểm điểm UPR, kèm với thông tin cập nhật. Hồ sơ này lại tiếp tục được đưa vào cuộc kiểm điểm về quyền dân sự và chính trị sắp đến. Như vậy, chính phủ Việt Nam không trả lời cho xong chuyện vì họ sẽ tiếp tục đối mặt với cùng một số hồ sơ xuyên suốt từ cuộc kiểm điểm này sang cuộc kiểm điểm khác.

Kết luận

Qua các cuộc kiểm điểm, Liên Hiệp Quốc tạo sân chơi quốc tế nơi mà luật chơi công bằng, nơi mà người dân có thể ngồi ngang hàng với những người cầm quyền. Chế độ độc tài không thể dùng bạo lực để khống chế người dân, không thể dở thói ngang ngược theo luật rừng, không thể ngăn chặn người dân góp tiếng nói với quốc tế. Họ có thể trả lời vòng vo, nói sai sự thật nhưng người dân lại có cơ hội để phản biện, để phanh phui, để thách đố.

Người dân, hoàn toàn lép vế ở trong nước, có thể dùng các cuộc kiểm điểm làm diễn đàn để đòi hỏi nhà nước độc tài giải trình về nghĩa vụ thực thi các cam kết quốc tế về nhân quyền, đưa ra các khuyến cáo đề nghị cho Liên Hiệp Quốc để chuyển cho nhà nước, và hỗ trợ cho Liên Hiệp Quốc theo dõi việc nhà nước đáp ứng các khuyến cáo ấy. Qua những công đoạn ấy, các tổ chức xã hội dân sự cũng tự giới thiệu mình với quốc tế.

Muốn nhập cuộc chơi, các tổ chức xã hội dân sự phải học hỏi nhiều và tập luyện nhiều để tăng kiến thức, tăng kỹ năng, tăng kinh nghiệm. Lợi ích thiết thực gặt hái được chính là bản lãnh và nội lực của người dân ngày thêm vững chãi, và thế quốc tế ngày càng tăng lên.

Tôi mong rằng những người thực tâm vì dân vì nước sẽ đầu tư thời gian và công sức để tự biến mình thành những chuyên viên về từng cuộc kiểm điểm theo công ước và về kiểm điểm UPR. Để yểm trợ cho những người này, BPSOS sẽ tiếp tục tổ chức các khóa huấn luyện trực tuyến chuyên sâu về từng lĩnh vực nhân quyền.

Đã đến lúc những người thực tâm muốn thay đổi đất nước ngưng làm khán giả đứng ngoài vỗ tay và bước vào sân đấu quốc tế.

Ngày 3 tháng 2, 2019

Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia.com

-----------------

Ghi chú :

9 công ước quốc tế về nhân quyền quan trọng :

1. International Covenant on Civil and Political Rights (ICCPR) : Công ước về quyền dân sự và chính trị, Việt Nam ký năm 1982

2. International Covenant on Economic, Social and Cultural Rights (ICESCR) : Công ước về quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, Việt Nam ký năm 1982

3. Convention on the Rights of the Child (CRC) : Công ước về quyền của trẻ em, Việt Nam ký năm 1990

4. Convention to End all forms of Discrimination against Women (CEDAW) : Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, Việt Nam ký năm 1980

5. Convention on the Elimination of Racial Discrimination (CERD) : Công ước về xóa bỏ kỳ thị chủng tộc, Việt Nam ký năm 1982

6. Convention against Torture and Other Cruel, Inhuman or Degrading Treatment or Punishment (CAT) : Công ước xóa bỏ tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người, Việt Nam ký năm 2014

7. Convention on the Rights of Persons with Disabilities (CRPD) : Công ước về quyền của người có khuyết tật, Việt Nam ký năm 2014

8. Convention on the Protection of the Rights of All Migrant Workers and Members of Their Families (CMW) : Công ước về bảo vệ lao động di dân và thành viên gia đình của họ, Việt Nam chưa ký

9. Convention for the Protection of all Persons from Enforced Disappearance (CED) : Công ước về bảo vệ tất cả mọi người khỏi bị cưỡng bức mất tích, Việt Nam chưa ký

Bản tiếng Việt của các công ước do nhà nước Việt Nam cung cấp (Một số bản dịch này có những lỗi quan trọng, có thể làm sai nghĩa nội dung của công ước).

Bài liên quan :

"Vận động nhân quyền qua UPR"

BPSOS công bố bản tiếng Việt nhận xét kết luận của Ủy ban Chống tra tấn Liên Hiệp Quốc

Liên Hiệp Quốc : Việt Nam mắc nhiều vi phạm trong thực thi Công ước Chống Tra Tấn

Liên Hiệp Quốc kiểm điểm Việt Nam về tra tấn : Cơ hội để người dân lên tiếng

Published in Diễn đàn

Dưới đây là bản dịch Việt ngữ lời phát biểu của Ts. Nguyễn Đình Thắng tại cuộc điều trần ngày 7 tháng 6, 2018 trước Quốc hội Hoa Kỳ.

----------------------

Kính thưa ông Chủ tịch và quí vị thành viên của Ủy Ban Đối Ngoại,

Xin cám ơn quí vị đã sử dụng phiên điều trần kịp thời này để làm nổi bật sự chú ý về tình trạng nhân quyền ngày càng tồi tệ ở Việt Nam. Tôi cũng xin cảm ơn quí vị vì đã tạo cơ hội này để tôi gặp lại một người bạn tốt, đó là Dinah PoKempner sau 25 năm xa cách. Chúng tôi đã làm việc chung với nhau để ngăn chặn hiểm hoạ cưỡng bách hồi hương thuyền nhân Việt Nam tại Hồng Kông.

Từ cuối năm 2016, chúng tôi đã ghi nhận số lượng tù nhân lương tâm và sự thúc đẩy mạnh mẽ hơn của chính phủ để buộc tín đồ của các giáo hội độc lập và không đăng ký với nhà nước từ bỏ đức tin của họ hoặc chuyển sang các tôn giáo do chính phủ tạo ra hoặc kiểm soát.

Chúng tôi ghi nhận hiện có khoảng 170 tù nhân lương tâm ở Việt Nam, với khoảng một phần ba trong số họ là tù nhân tôn giáo. Trong năm tháng đầu năm 2018, có 23 người đấu tranh bảo vệ nhân quyền đã bị kết án tổng cộng 172 năm tù, kèm theo 41 năm bị quản thúc tại gia. Trong số đó, bốn thành viên của cùng một gia đình Phật giáo Hòa Hảo đang thụ án tổng cộng 17 năm tù. Cuộc đàn áp tàn bạo chống lại Phật tử Hòa Hảo được ghi trong báo cáo của Ủy ban điều hành Trung ương Phật giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, mà tôi xin phép được nộp kèm đây như là một phần của lời điều trần của tôi.

dieutran1

Điện Biên - Người theo đạo Tin Lành bị trục xuất khỏi bản (ảnh Hmong United for Justice)

Chính phủ Việt Nam đã leo thang trong việc buộc các tín đồ của các nhóm tôn giáo độc lập phải từ bỏ đức tin của họ. Bắt buộc từ bỏ đức tin đã làm cho số thành viên của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, được thành lập bởi cựu tù nhân lương tâm Mục sư Nguyễn Công Chính, giảm mạnh từ mức cao 1.500 chỉ 18 tháng trước để nay chỉ còn 500 tín đồ. Ít nhất 1.100 gia đình người H'Mông ở miền Bắc và miền Trung Việt Nam đã bị từ chối giấy chứng minh nhân dân và bị trục xuất khỏi làng vì họ từ chối từ bỏ đức tin Kitô giáo của họ. Hoàn cảnh của họ được mô tả chi tiết trong một báo cáo của tổ chức Người Hmong Đoàn Kết Cho Công lý, mà tôi xin phép đưa vào hồ sơ của buổi điều trần này.

Yêu cầu đăng ký là công cụ mạnh nhất của chính phủ để buộc các thành viên của các tôn giáo không đăng ký từ bỏ đức tin của họ và/hoặc tham gia các tôn giáo do chính phủ dựng lên hoặc kiểm soát. Điều nầy đánh dấu sự suy giảm hoặc tiêu vong của các tôn giáo độc lập nhưng thường bị nhầm lẫn như dấu hiệu là tự do tôn giáo đang cải thiện.

Một ví dụ điển hình là sự ép hàng triệu tín đồ Cao Đài cải đạo hàng loạt, một điều đã lọt ra khỏi sự chú ý của cộng đồng quốc tế trong suốt hai thập kỷ qua. Năm 1978, chính phủ Việt Nam đã xoá bỏ Giáo hội Cao Đài. Sau đó vào năm 1997, theo chỉ thị của Đảng Cộng sản, chính phủ đã tạo ra một chi phái hoàn toàn mới, vốn phủ nhận tín lý căn bản nhất của Đạo Cao Đài, đó là sự cộng thông trực tiếp giữa Đức Chí Tôn và nhân loại thông qua cơ bút. Để dễ tham khảo, tôi sẽ gọi chi phái do chính phủ dựng lên này là Chi Phái 1997.

dieutran2

Ông Nguyễn Thành Tám, người được nhà nước cộng sản Việt Nam đưa lên cầm đầu Chi Phái 1997 (ảnh Chi Phái 1997)

Được hỗ trợ bởi chính phủ, chi phái này đã chiếm đoạt một cách có hệ thống các thánh thất Cao Đài trên khắp đất nước bằng vũ lực và bạo lực với sự tiếp tay của công an và những tên côn đồ. Trong hơn 8 năm, những người theo đạo Cao Đài ở Sài Gòn phải cử hành lễ trên vỉa hè bên ngoài ngôi thánh thất của họ sau khi nó bị chiếm đoạt bởi chi phái do chính phủ dựng lên. Vào năm 2012, các thành viên của chi phái ấy, với sự hỗ trợ của các quan chức chính phủ và những tên côn đồ, đã chiếm đoạt thánh thất Cao Đài ở Phù Mỹ, tỉnh Bình Định bằng vũ lực. Vị lãnh đạo địa phương của Chi Phái 1997 đổ xăng lên người một tín đồ Cao Đài trẻ tuổi và chuẩn bị châm lửa khi các đồng đạo ngăn ông ta lại. Trong số hàng trăm ngôi thánh thất Cao Đài, trừ 15 cái tất cả đều đã bị chiếm đoạt bởi chi phái do chính phủ dựng lên.

Để ép buộc những người theo đạo Cao Đài cải đạo, Chi Phái 1997 thường xuyên quấy phá các sinh hoạt tôn giáo tại tự gia của các tín đồ Cao Đài. Vào ngày 11 tháng 11 năm 2015, các thành viên của chi phái nầy, cùng với cảnh sát, công an và những tên côn đồ, xông vào nhà của một nữ tín đồ Cao Đài ở tỉnh Tây Ninh, ngăn cản buổi lễ đang diễn ra và đạp đổ mâm thức dành cho quan khách bởi vì nữ tín đồ ấy không xin phép Chi Phái 1997 trước. Chúng tôi đã ghi nhận khoảng 20 trường hợp tương tự ở các tỉnh, thành khác nhau. Cách đây chưa đầy 5 tháng, Chi Phái 1997 đã ngăn chặn việc chôn cất một tín đồ Cao Đài 78 tuổi vì các thành viên trong gia đình của người quá cố đã mời các chức sắc Cao Đài đến dự đám tang. Tuần trước, chúng tôi nhận được các báo cáo cho hay rằng nhiều ngôi mộ của những người theo Cao Đài bị phá rỡ bởi Chi Phái 1997.

Chi phái do chính phủ dựng lên khác với Đạo Cao Đài trong mọi khía cạnh : tín lý, tên, điều lệ, luật đạo, cấu trúc tổ chức... Tuy nhiên, nó lại chiếm cả Tòa thánh và sử dụng tiêu đề thư, con dấu, và các hình tượng của Đạo Cao Đài trong tất cả các giao dịch và ấn phẩm. Do đó, các chính quyền ngoại quốc đã nhầm lẫn nó với Đạo Cao Đài, và hiểu sai rằng các hoạt động của nó là nhiều tự do tôn giáo hơn cho những người theo Đạo Cao Đài. Điều này tương tự như một giáo phái không công nhận Đấng Christ là con của Đức Chúa Trời, chiếm lấy Toà Thánh Vatican, bức hại những người Công giáo và tự thể hiện mình là Giáo hội Công giáo. Và cộng đồng quốc tế đã bị lừa.

Luật mới về tín ngưỡng và tôn giáo thậm chí còn yêu cầu đăng ký nghiêm ngặt hơn và sẽ cấp cho chính quyền địa phương nhiều quyền hạn hơn để thắt siết các tôn giáo độc lập và không đăng ký, vốn đại diện cho đại đa số người có đức tin ở Việt Nam. Cách đây ba tuần, chính quyền xã Liên Trạch, tỉnh Quảng Bình đã chính thức tuyên bố rằng, theo luật mới, từ giờ vị linh mục chánh xứ không được làm lễ tại nhà riêng của các giáo dân. Trong trường hợp của Đạo Cao Đài, luật mới chắc chắn sẽ tạo thêm thuận lợi cho kẻ mạo danh, nhận mình là Đạo Cao Đài.

dieutran3

Ông Nguyễn Đình Thắng điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ, ngày 7/6/2018 (ảnh từ video của Quốc hội Hoa Kỳ).

Vì tất cả những điều kể trên, tôi khuyến nghị chính phủ Hoa Kỳ :

(1) Tái chỉ định Việt Nam là quốc gia đặc biệt quan tâm (CPC) hoặc, ít ra, đặt Việt Nam vào Danh Sách Theo Dõi về tự do tôn giáo quốc tế ;

(2) Áp dụng các biện pháp trừng phạt theo Luật Magnitsky Toàn Cầu và Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế lên các quan chức chính phủ và các tác nhân phi chính phủ, như các Hội Cờ Đỏ và Chi Phái 1997, chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng ;

(3) Áp lực Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức và vô điều kiện và sửa đổi luật của họ, bao gồm Luật Tín Ngưỡng và Tôn Giáo, nhằm tuân thủ tất cả các hiệp ước nhân quyền mà Việt Nam là quốc gia thành viên ;

(4) Phối hợp với các chính phủ cùng chí hướng để nêu lên những quan ngại nghiêm trọng về các vấn đề nhân quyền tại phiên Kiểm Định Định Kỳ Phổ Quát về Việt Nam, được tổ chức vào tháng 1 năm 2019 ; và

(5) Tiếp xúc với các cộng đồng tôn giáo không đăng ký qua các buổi họp bàn tròn thường xuyên với các đại diện của họ tại Việt Nam và tại Hoa Kỳ.

Ts. Nguyễn Đình Thắng
Tổng Giám đốc kiêm Chủ tịch BPSOS

Nguồn : machsongmedia.com, 12/06/2018

Published in Diễn đàn

Dự luật Nhân quyền Việt Nam (Vietnam Human Rights Act) : Gói chính sách toàn diện để bảo vệ đồng bào, thay đổi Việt Nam được Đại biểu Christopher Smith (Cộng Hòa, New Jersey) đưa vào Hạ Viện ngày 26 tháng 4, có số đăng bộ là HR 5621.

nq1

Đại biểu Smith và các vị dân biểu tham gia buổi điều trần về tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, ngày 25/05/2017 (ảnh VOA)

Ngôn ngữ của bản dự thảo năm nay thay đổi gần như hoàn toàn so với những bản dự thảo của các năm về trước. HR 5621 tập trung đòi hỏi Bộ ngoại giao báo cáo đầy đủ, trung thực và chi tiết các vi phạm nhân quyền được chia theo từng lĩnh vực một.

Chiến thuật mới này nhằm khai thác thành quả đạt được cuối năm 2016 khi Quốc hội thông qua Luật Magnitsky toàn cầu và Luật Tự do tôn giáo quốc tế Frank R. Wolf. Hai luật này, được ban hành gần như cùng lúc, hàm chứa nhiều biện pháp trừng phạt, tập thể đối với cả chế độ và đặc thù đối với cá nhân các thủ phạm.

Mục đích của HR 5621 là tạo điều kiện để áp dụng các biện pháp chế tài sẵn có lên Việt Nam bằng cách đòi hỏi Bộ ngoại giao báo cáo hàng năng cho Quốc hội một cách cụ thể về thực trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Khi thực trạng đã được phơi bày một cách đầy đủ và trung thực, Bộ ngoại giao sẽ phải tự đi đến kết luận là cần áp dụng các biện pháp chế tài nào, với những ai.

Vì ngôn ngữ của dự luật chưa được đưa vào trang mạng chính thức của Quốc hội Hoa Kỳ, tôi tóm lược dưới đây nội dung của HR 5621 cho mọi người cùng dễ theo dõi.

Phần 1 : Giới thiệu tên của dự luật và bảng mục lục

Phần 2 : Các nhận định và tuyên bố về chính sách tổng quát

Khẳng định chính sách của Hoa Kỳ là gắn liền vấn đề nhân quyền, pháp trị, và sự phát triển xã hội dân sự với mọi quyết định về phát triển quan hệ với Việt Nam.

Đặc biệt, Quốc hội kêu gọi Bộ ngoại giao thu nhận ý kiến của cộng đồng người Mỹ gốc Việt và các tổ chức nhân quyền trong việc tiến trình làm chính sách.

Quốc hội kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ áp dụng Luật Magitsky toàn cầu đối với cá nhân các thủ phạm đàn áp nhân quyền và các giới chức tham nhũng lớn.

Phần 3 : Tù nhân lương tâm

Nhận định : Số tù nhân lương tâm đã tăng đáng kể, tổng cộng lên đến 171 ; họ bị truy tố theo các điều 79, 87, 88, 89, 245, 247, 257 và 258.

Yêu cầu Việt Nam hủy bỏ các điều khoản luật dùng để bắt người tranh đấu cho nhân quyền hay kêu gọi dân chủ.

Yêu cầu Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm ; nêu đích danh : Nguyễn Văn Đài, Đào Quang Thục, Trần Thị Xuân, Nguyễn Văn Túc, Nguyễn Bắc Truyển, Phạm Văn Trội, Mục sư Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Trực, và Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ.

Yêu cầu Bộ ngoại giao áp dụng biện pháp chế tài theo Luật Magnitsky toàn cầu đối với các giới chức chính quyền tham gia vào việc bách hại và bắt bớ những người đấu tranh ôn hòa như kể trên.

Phần 4 : Tự do Tôn giáo

Nhận định : Việt Nam thực hiện chính sách ngăn cản tự do tôn giáo đối với giáo Hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Công giáo, Phật giáo Hòa hảo, Cao đài và Tin lành ; năm 2016, chính quyền Việt Nam gia tăng ép người Tây Nguyên và người Hmong theo Tin lành phải bỏ đạo ; chính quyền chiếm hay đập phá các nơi thờ tự của Phật giáo Hòa hảo và đạo Cao đài.

Chính sách : Áp dụng các biện pháp chế tài của Luật Tự do tôn giáo quốc tế Frank R. Wolf đối với cá nhân các thủ phạm, chỉ định Việt Nam là quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) ; tạo điều kiện hoạt động cho các tổ chức và cộng đồng tôn gíao độc lập.

Phần 5 : Tự do Internet

Nhận định : Việt Nam đang cố gắng kiểm soát và thắt nghẹt việc tiếp cận và sử dụng Internet của người dân.

Chính sách : Đặt điều kiện để phát triển mậu dịch với Hoa Kỳ là Việt Nam phải bảo đảm quyền tự do thông tin, tính minh bạch, và đối xử đồng đều với các dịch vụ Internet ở mọi quốc gia ; kêu gọi Văn phòng Tự do Internet của Hội đồng Thống đốc về truyền thông của Hoa Kỳ phổ biến các phương tiện giúp người dân Việt Nam vượt sự kiểm soát Internet của chính quyền.

Phần 6 : Bản Phúc trình hàng năm về Tình trạng nhân quyền trên thế giới

Phần này không chỉ áp dụng cho Việt Nam mà cho toàn thế giới.

Chính sách : Bộ ngoại giao phải báo cáo tỉ mỉ về sự liên quan giữa viện trợ kinh tế của Hoa Kỳ và tình trạng tự do Internet ở các quốc gia, và những gì mà chính quyền ở mỗi quốc gia đã làm để bảo vệ tự do Internet ; phải báo cáo về sự liên quan giữa viện trợ an ninh của Hoa Kỳ với tình trạng chính quyền của quốc gia ấy đòi nhà mạng gỡ bỏ các ý kiến, bài đăng không mang tính cách bạo động, và đàn áp các người thể hiện quan điểm qua mạng xã hội.

Phần 7 : Chống buôn phụ nữ và trẻ em

Chính sách : Chuẩn thuận cho Ngoại trưởng thiết lập chương trình để theo dõi và ngăn chặn việc buôn bán phụ nữ và thiếu nữ ở Việt Nam.

Phần 8 : Chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ

Nhận định : Chính quyền Việt Nam cưỡng chế đất và cơ ngơi như một biện pháp bách hại các cộng đồng tôn giáo, các giáo hội tôn giáo độc lập ; Nghị quyết 23/2003/QH11 và Luật Đất 13/2003/QH11 đã dẫn đến hậu quả là nhiều công dân Mỹ đã bị chiếm đoạt tài sản.

Chính sách : Chính quyền Hoa Kỳ phải nói cho Việt Nam biết là luật pháp Hoa Kỳ bảo vệ tài sản của công dân trước sự chiếm đoạt phi pháp, và mọi quyết định ưu đãi thuế quan cho Việt Nam và sự ủng hộ của Hoa Kỳ khi Việt Nam vay vốn các định chế tài chánh quốc tế tuỳ thuộc vào việc có hay không tình trạng chiếm đoạt tài sản của công dân Hoa Kỳ.

Phần 9 : Quỹ Phát triển sắc dân thiểu số

Nhận định : Các sắc dân thiểu số ở Việt Nam bị nhiều thiệt thòi, bị kỳ thị và bị vi phạm nhân quyền trầm trọng.

Chính sách : Lập Quỹ phát triển cho các sắc dân thiểu số, trích bớt từ ngân sách viện trợ kinh tế và an ninh cho Việt Nam hiện nay. Khi chọn tài trợ cho một tổ chức ở Việt Nam, Bộ ngoại giao phải hội ý với cộng đồng người Mỹ gốc Việt, đại diện các sắc dân thiểu số ở Việt Nam và Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF). Báo cáo việc sử dụng quỹ này cho Quốc hội, phải có ý kiến của các tổ chức phi chính phủ và của USCIRF.

Phần 10 : Chính sách đối ngoại công cộng của Hoa Kỳ

Nhận định : Chính phủ Hoa Kỳ cần tìm biện pháp để vô hiệu hoá các nỗ lực của Việt Nam để ngăn sóng đài Á Châu Tự Do ; cần duy trì mức ngân sách hiện hành cho chương trình Việt ngữ ; Hoa Kỳ cần tạo cơ hội cho mọi thành phần người dân, đặc biệt các thành phần tôn giáo và sắc tộc, tham gia các chương trình trao đổi văn hoá và giáo dục của Hoa Kỳ.

Phần 11 : Vũ khí sát thương

Nhận định : Việc bán vũ khí sát thương, ngoại trừ các vũ khí để bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, phải được đặt điều kiện về các bước cụ thể của Việt Nam để cải thiện nhân quyền.

Phần 12 : Báo cáo về Đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam

Chính sách : Bộ ngoại giao, cộng thêm vào nội dung từ trước đến giờ, phải báo cáo về các vụ tra tấn, bạo hành bởi công an, chết trong đồn công an, bạo lực của đám đông hay xã hội nhắm vào các cộng đồng tôn giáo ; về việc trả lại tài sản của các cộng đồng và tổ chức tôn giáo đã bị tịch thu bởi chính quyền hay các tổ chức tôn giáo có nhà nước chống lưng ; về diễn tiến giải quyết các đòi hỏi bồi thường của công dân Hoa Kỳ có tài sản bị chiếm đoạt bởi chính quyền Việt Nam ; về thực thi chương trình bảo vệ phụ nữ và trẻ em trước nạn buôn người ; về Quỹ Phát triển cho các sắc dân thiểu số ; về bảo đảm tự do Internet.

Với nội dung kể trên, HR 5621 tổng hợp hầu hết các lĩnh vực nhân quyền đang là mối quan tâm chung của người Việt ở trong và ngoài nước. Nội dung này được chuẩn bị từ tháng 11 năm ngoái. Trong khi nội dung này đang được hoàn thiện, BPSOS cũng chuẩn bị hàng loạt hồ sơ song song với từng phần nội dung, để mọi thành phần trong cộng đồng người Việt đều có thể dự phần khai thác : đòi tự do cho tù nhân lương tâm, chống tra tấn, tự do Internet, chống buôn người, chống tham nhũng, bảo vệ quyền của các dân tộc thiểu số, đòi bồi thường tài sản, bảo vệ tự do tôn giáo…

Riêng về tự do tôn giáo, chúng tôi đã và đang soạn sẵn tài liệu cho mọi tôn giáo sử dụng trong vận động : Phật giáo thì có hồ sơ của các chùa ở Bà Rịa – Vũng Tàu, Đồng Nai, Đà Nẵng, và hồ sơ của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ ; Tin lành thì có bộ hồ sơ ép bỏ đạo và tra tấn đối với người Tây Nguyên theo đạo Tin lành ; Công giáo thì có hồ sơ Hội Cờ Đỏ và Chiến dịch cứu Đông Yên ; Phật giáo Hòa hảo thì có hồ sơ Nguyễn Hữu Tấn bị chết trong đồn công an và hồ sơ xử tù ông Bùi Văn Trung cùng với nhiều thân quyến và đồng đạo ; Cao đài thì có hồ sơ về Chi phái 1997. Nhiều tài liệu này đã được nộp cho Liên Hiệp Quốc.

Tôi kêu gọi sự hợp lực của tất cả những người có lòng với đất nước và dân tộc nói chung, hoặc với tôn giáo hay sắc tộc của riêng mình, để chúng ta cùng nhau vận động cho HR 5621 -- và cũng vận động cho một nghị quyết riêng cho các tù nhân lương tâm mà tôi sẽ trình bày sau.

Năm 2016, chúng ta đã góp phần không nhỏ với cuộc vận động thành công cho Luật Magnitsky toàn cầu và Luật Tự do tôn giáo quốc tế Frank R. Wolf. Đây là lúc chúng ta khai thác các biện pháp chế tài của 2 đạo luật này. Luật Nhân quyền cho Việt Nam sẽ là một phương tiện hữu hiệu cho mục đích khai thác này. Xin hãy ghi danh tham gia Ngày vận động cho Việt Nam năm nay, ngày 10 tháng 7 tới đây. Mỗi người một tay chúng ta sẽ góp phần thực tiễn để bảo vệ đồng bào và thay đổi đất nước.

Ghi danh tham gia Ngày vận động cho Việt Nam : http://tiny.cc/VNAD2018 (xin lưu ý, phải viết hoa chữ VNAD)

Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : Mạch Sống, 02/05/2018

Published in Diễn đàn

Hôm 27/03/2018, BPSOS công bố tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" bằng tiếng Anh. Tập hồ sơ này cùng với 2 phụ đính, là 2 bản báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai, đã được tải lên trang mạng dvov.org. Chúng tôi mong rằng các tài liệu này sẽ hữu ích cho công cuộc vận động bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam nói chung và cho các giáo xứ Công giáo đang là mục tiêu tấn công bởi các Hội Cờ Đỏ nói riêng.

Các thời điểm quan trọng

Công bố tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" lúc này có tác dụng chuẩn bị cho 3 sự kiện sắp đến :

(1) Hội nghị Thượng đỉnh đánh dấu 20 năm hoạt động của Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế (USCIRF) trong tháng 4 ;

(2) Cuộc đối thoại nhân quyền Hoa Kỳ - Việt Nam vào tháng 5 tại thủ đô Hoa Kỳ ;

(3) Buổi kiểm điểm định kỳ đối với Việt Nam về thực thi Công ước quốc tế về Quyền dân sự vá chính trị (ICCPR) vào tháng 7 tại Liên Hiệp Quốc.

Chúng tôi, và chúng ta cùng nhau, sẽ vận động để đưa hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" vào nội dung của các sự kiện này. Song song, chúng tôi, và chúng ta cùng nhau, sẽ vận động để "Hội Cờ Đỏ" được đưa vào các bản phúc trình về nhân quyền và về tự do tôn giáo quốc tế, sẽ được công bố vào tháng 5 và tháng 6, cũng như bản phúc trình của Ủy hội USCIRF, sẽ được công bố vào tháng 5.

bpsos1

Đại sứ lưu động về Tự do tôn giáo quốc tế và hồ sơ "Hội Cờ Đỏ", Bộ ngoại giao Hoa Kỳ, ngày 27/03/2018 (ảnh BPSOS)

Cách nào để vận động ?

Chúng tôi đã phổ biến tập hồ sơ này đến nhiều trăm tổ chức nhân quyền quốc tế và tổ chức xã hội dân sự ở trong vùng Châu Á - Thái Bình Dương, cũng như đến khoảng một chục tòa đại sứ ở Hà Nội của các quốc gia dân chủ.

Những người ở Việt Nam, nếu có dịp tiếp xúc với các nhân viên tòa đại sứ hay các phái đoàn ngoại quốc, cũng xin tùy nghi sử dụng các tài liệu này và kêu gọi họ đặt vấn đề trực tiếp với chính quyền Việt Nam : Report on Red Flag Association : An emerging threat to Catholic communities in Vietnam.

Phụ đính 1 -- Báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc : Vietnam Continued to Persecute Catholics in Nghe An Province in 2017.

Phụ đính 2 -- Báo cáo với Liên Hiệp Quốc về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Kẻ Gai : Individual Complaints and Model Questionnaire of the UN Special Rapporteur on Freedom of Religion or Belief.

Các tổ chức của người Việt ở hải ngoại cũng thế. Xin tùy nghi sử dụng các tài liệu kể trên trong quốc tế vận.

Nội dung vận động

Khi ký kết một công ước quốc tế về nhân quyền, quốc gia thành viên cam kết 2 điều :

(1) Tôn trọng, nghĩa là tự mình không vi phạm nhân quyền của người dân ;

(2) Bảo vệ, nghĩa là phải ngăn chặn và trừng phạt thành phần thứ 3 vi phạm nhân quyền của người dân.

Trách nhiệm bảo vệ quan trọng không kém trách nhiệm tôn trọng. Bởi vậy, khi một chế độ, vì muốn tránh tiếng, nên mượn tay của thành phần ngoài chính quyền để đàn áp dân của mình thì vẫn là vi phạm.

Thực ra làm vậy là hạ sách. Nó cho chúng ta bước đệm thuận tiện hơn để vận động quốc tế can thiệp. Chẳng hạn, chúng tôi đề nghị chính phủ Hoa Kỳ yêu cầu nhà nước Việt Nam điều tra các cáo buộc về Hội Cờ Đỏ và truy tố thủ phạm theo đúng luật quốc gia, và có câu trả lời tại buổi đối thoại nhân quyền vào tháng 5 tới đây.

Nếu phía Việt Nam có thái độ bao che thì phía Hoa Kỳ tự động sẽ nhìn ra. Đó là chứng cứ để chúng tôi đảy tiếp bước chế tài cá nhân các giới chức liên luỵ theo Luật Magnitsky Toàn Cầu, hoặc chế tài tập thể bằng sự chỉ định CPC (quốc gia đặc biệt quan tâm) đối với chế độ ở Việt Nam. Tôi đề nghị người Việt ở trong và ngoài nước hãy dùng "Hội Cờ Đỏ" làm bước đệm cho công cuộc quốc tế vận. Đi 2 bước ngắn dễ hơn là tiến 1 bước dài.

Không ngưng ở đây

Hoàn tất tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ" không có nghĩa là xong việc. Chúng tôi tiếp tục cập nhật tập hồ sơ này mỗi khi có sự việc gì mới xảy ra. Do đó, chúng tôi kêu gọi đồng bào ở trong nước giúp theo dõi thật sát mọi hoạt động của các thành viên Hội Cờ Đỏ và gửi cho chúng tôi thông tin cập nhật mỗi khi họ có hành động mang tính cách hăm doạ, bách hại hay khủng bố. Xin gửi thông tin đến địa chỉ email : Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

Đồng thời, chúng tôi mong rằng tập hồ sơ "Hội Cờ Đỏ", kể cả 2 phụ đính, sẽ được nhiều người, nhiều nhóm, nhiều tổ chức dùng làm tài liệu mẫu để thực hiện các hồ sơ tương tự. Ở đây có 2 loại hồ sơ : (1) Báo cáo sự kiện ; (2) tường trình tình trạng.

Báo cáo sự kiện tập trung vào một vụ đàn áp nhân quyền cụ thể, bao gồm thông tin chi tiết về diễn tiến, thủ phạm, và nhân chứng cùng với hình ảnh và tài liệu làm chứng cứ, chứng từ. Hai phụ đính về hoạt động của Hội Cờ Đỏ nhắm vào Giáo xứ Song Ngọc và nhắm vào Giáo xứ Kẻ Gai là ví dụ cho loại báo cáo sự kiện.

Tường trình tình trạng là hồ sơ mô tả tổng quát tình trạng đàn áp nhân quyền, phân tích căn nguyên và trình bày hậu quả. Tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ mà chúng tôi công bố ngày hôm qua là một ví dụ. Nó trình bày lai lịch của các Hội Cờ Đỏ, chủ trương và phương cách hoạt động của họ, cũng như thái độ của chính quyền đối với họ và đối với nạn nhân của họ.

Khả năng thực hiện 2 loại báo cáo vi phạm nhân quyền này sẽ giúp cho người dân ở trong nước, với sự hỗ trợ của đồng bào của họ ở hải ngoại, đối phó một cách hiệu quả và nhanh chóng đối với mọi nhân tố đàn áp, kể cả đến từ chính quyền hay đến từ các thành phần được chính quyền mượn tay. Khi mà nhất nhất các vi phạm cam kết quốc tế về nhân quyền đều bị báo cáo, thì chế độ sẽ khó hứa một đằng nhưng làm một nẻo, còn chúng ta sẽ dễ hơn để vận động chế tài.

Để tiện cho người dân ở trong và ngoài nước mà không rành tiếng Anh, chúng tôi kêu gọi sự tiếp tay của những quý vị nào có thể giúp dịch 3 tài liệu kể trên sang tiếng Việt.

Mọi liên lạc với chúng tôi, xin gửi về Cette adresse e-mail est protégée contre les robots spammeurs. Vous devez activer le JavaScript pour la visualiser..

Ngày 28 tháng 3, 2018

Ts. Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia, 28/03/2018

Bài liên quan :

Mối đe dọa mới nổi nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam"

Ngày 27 tháng 3, 2018

Hôm nay tổ chức BPSOS, qua Đề Án Tự Do Tôn Giáo, công bố tập tài liệu về "Hội Cờ Đỏ : Mối đe dọa mới nổi nhắm vào các cộng đồng Công giáo ở Việt Nam".

Tại buổi họp với Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Sáng nay, Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch của BPSOS, đã trao tập tài liệu này tận tay Đại Sứ Lưu Động về Tự do Tôn giáo Quốc tế Sam Brownback.

Trong 18 trang, tài liệu này trình bày quá trình hình thành của các "Hội Cờ Đỏ" ở Tỉnh Nghệ An và lan dần ra Hà Nội và Tỉnh Đồng Nai.

"Các Hội Cờ Đỏ là một hiện tượng mới ở Việt Nam : nhân tố không thuộc chính quyền đang vi phạm nhân quyền một cách nghiêm trọng, đặc biệt là nhắm vào các cộng đồng Công giáo nào đặt vấn đề về cách chính quyền giải quyết thảm họa do Nhà Máy Gang Thép Formosa gây ra".

bpsos2

Buổi họp mặt Hội cờ đỏ Hà Nội bên cạnh nhà thờ giáo họ Văn Thai, xứ Song Ngọc, hạt Thuận Nghĩa hôm 29/10/2017. Courtesy FB Thanh Niên Công Giáo

Tài liệu cho biết, trước đây công an Việt Nam thường dùng các thành phần xã hội đen hay thành viên của các đoàn thể ngoại vi của Đảng Cộng Sản để đàn áp tôn giáo và các người vận động cho nhân quyền. Khi bị quốc tế lên án, chính quyền Việt Nam biện bác rằng đấy là quần chúng tự phát.

Ngược lại, các thành viên Hội Cờ Đỏ đã khoe rằng họ có tổ chức, có chương trình hành động, và có sự phối hợp. Thậm chí, ngày 29 tháng 10 vừa qua, khoảng 700 thành viên thuộc nhiều Hội Cờ Đỏ đã tụ tập để ra mắt "Liên Minh Hội Cờ Đỏ" ngay sát cạnh nhà thờ Văn Thai, một giáo họ Công giáo ở Nghệ An mà đã nhiều lần bị các thành viên Hội Cờ Đỏ khủng bố tinh thần.

Bản báo cáo nhận định rằng, qua các hành vi và hoạt động của chúng, các Hội Cờ Đỏ cho thấy họ có 3 mục tiêu chính :

(1) Ngăn chặn nạn nhân của thảm họa môi sinh trong việc nộp đơn kiện hay biểu tình phản đối Nhà Máy Gang Thép Formosa ;

(2) Chia rẽ những người không Công giáo với các giáo dân Công giáo, và kêu gọi tảy chay việc giao thương với các làng Công giáo ;

(3) Hăm dọa các giáo dân bằng cách bôi bẩn các lãnh đạo tinh thần của họ, tấn công các người có uy tín trong cộng đồng của họ, và xâm phạm chỗ ở và nơi thờ phượng của họ.

Thành viên của các Hội Cờ đỏ đã lăng mạ các tu sĩ Công giáo, khủng bố tinh thần giáo dân, hành hung những người tham gia biểu tình đòi công lý, đập phá nhà ở và doanh nghiệp trong các xứ đạo, la ó và ném đá để gây xáo trộn các buổi lễ và sinh hoạt tại nhà thờ…

Bản báo cáo đưa ra 4 đề nghị cho Bộ ngoại giao Hoa Kỳ và 2 đề nghị cho các định chế Liên Hiệp Quốc về nhân quyền. Phần phụ đính của tài liệu gồm 2 bản báo cáo gửi Liên Hiệp Quốc của Giáo xứ Song Ngọc và Giáo xứ Kẻ Gai.

bpsos3

Trang bìa của tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ

Ts. Thắng cho biết là BPSOS đã nhận được thông tin từ nhiều nguồn ở Việt Nam và hải ngoại.

"Chúng tôi xin chân thành cảm ơn và mừng là đã nhận được sự hỗ trợ của nhiều người để hình thành một cách nhanh chóng tập tài liệu về Hội Cờ Đỏ", Ông nói.

Tập tài liệu này đã được tải lên trang dvov.org, trang mạng của BPSOS để đưa thông tin về Việt Nam đến với quốc tế : Red Flag Associations: An emerging threat to Catholic communities in Vietnam.

 

Nguồn : http://machsongmedia.com

Published in Diễn đàn

Trong khi các nhóm Cao Đài độc lập ở hải ngoại bị tản lực thì một nhóm người xoay chiều đã lẳng lặng cầu chứng thương hiệu "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh" với chính quyền Liên Bang Hoa Kỳ từ năm 2014.

Là chủ nhân của thương hiệu này, họ có quyền yêu cầu mọi thánh thất Cao Đài phải ngưng sử dụng tên của tôn giáo mình nếu không được họ cho phép. Theo tôi, đó là lý do đủ để các nhóm Cao Đài vượt qua sự khác biệt nhỏ và chung sức cho việc lớn : sự tồn vong của toàn đạo.

Chiếm danh xưng ở hải ngoại

Trong 2 bài trước, tôi đã viết về kế hoạch mà Chi Phái Tây Ninh 1997, một tổ chức do Đảng cộng sản Việt Nam dựng lên năm 1997, đánh cắp căn cước của Đạo Cao Đài được sáng lập trước đó 71 năm. Họ đã không ngưng ở đó. Năm 2011, họ triển khai kế hoạch để chiếm tên của Đạo Cao Đài ở hải ngoại. Đó là bước đầu trên lộ trình đánh cắp nốt căn cước của Đạo Cao Đài trên toàn thế giới.

Người thực hiện kế hoạch này là ông Trần Quang Cảnh, cựu Chủ tịch Hội đồng đại diện của Cơ quan truyền giáo hải ngoại. Đây là một tổ chức được những tín đồ Cao Đài ở hải ngoại thành lập năm 1998 với tôn chỉ là đối phó với chính sách diệt Đạo Cao Đài của Đảng cộng sản Việt Nam.

Lộ trình đánh cắp nốt căn cước của Đạo Cao Đài diễn tiến như sau :

caodai1

Tên của tôn giáo bị đăng ký trở thành thương hiệu

Năm 2005, ông Cảnh dùng danh nghĩa Cơ quan truyền giáo hải ngoại để về Việt Nam móc nối với chính quyền và Chi Phái Tây Ninh 1997. Khi hay tin, Hội Đồng Giám Sát của tổ chức này ra thông báo phủ nhận tính cách đại diện của ông Cảnh : "Nội dung các cuộc vận động không phù hợp với tôn chỉ và mục đích của Cơ quan truyền giáo hải ngoại".

caodai2

Thông báo của Cơ quan truyền giáo hải ngoại phủ nhận tính cách đại diện của ông Trần Quang Cảnh

Ông Cảnh rời bỏ Cơ quan truyền giáo hải ngoại và hợp tác với Chi Phái Tây Ninh 1997. Ngày 17 tháng 6, 2011, Ông Cảnh được Chi Phái Tây Ninh 1997 hợp thức hóa chức Chánh Trị Sự và phong phẩm Lễ Sanh của chi phái này. Ngày 18 tháng 6, 2011, Ông Cảnh được ông Nguyễn Thành Tám, người đứng đầu Chi Phái Tây Ninh 1997, giao nhiệm vụ "hướng dẫn chức sắc, chức việc và tín đồ nam, nữ ở nước ngoài hướng về Hội Thánh Cao Đài Tòa Thánh Tây Ninh" – tức là tuyên vận cho Chi Phái Tây Ninh 1997.

caodai3

Ông Trần Quang Cảnh và ông Nguyễn Thành Tám, San Francisco, ngày 20/09/2016 (ảnh của Chi Phái Tây Ninh 1997)

Thực hiện nhiệm vụ tuyên vận này, ngày 19 tháng 7, 2012 ông Cảnh đăng ký tổ chức "CaoDai Overseas Missionary" với tiểu bang California, như một tổ chức tôn giáo. Địa chỉ dùng để đăng ký là nhà riêng của vợ chồng Ông Cảnh – vợ của ông Cảnh, Bà Võ Kim Thoàn, sau này cũng được phong chức Lễ Sanh của Chi Phái Tây Ninh 1997. Theo đơn đăng ký hoạt động, một mục tiêu của tổ chức CaoDai Overseas Missionary là giữ liên lạc với các thánh thất và tổ chức Cao Đài ở trên thế giới cùng với Hội Thánh Cao Đài ở trong nước – tức là Chi Phái Tây Ninh 1997 ; đúng theo nhiệm vụ mà ông Cảnh được giao phó.

Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia, 26/03/2018

Published in Diễn đàn

Chính quyền cộng sản Việt Nam chọn cách riêng để triệt Đạo Cao Đài : đánh cắp căn cước.  Tại buổi họp với Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế và rồi Bộ ngoại giao Hoa Kỳ ngày 21 tháng hai vừa qua, các giới chức dự họp đã ngỡ ngàng khi tôi đã phát biểu như vậy.

Đó là buổi họp mà BPSOS sắp xếp cho phái đoàn vận động tự do tôn giáo, gồm những tín hữu hay người am tường về Phật giáo, Phật giáo Hòa hảo, Tin lành Tây Nguyên, Tin Lành Hmong và Công giáo. Tôi có mời một tín đồ Cao Đài tham gia phái đoàn, nhưng vào phút chót người ấy không đi được nên tôi phải nói thay.

caodai1

Đại sứ lưu động Sam Brownback và phái đoàn vận động tự do tôn giáo, ngày 21/02/2018 (ảnh HT TVL)

Trong phần trình bày về Đạo Cao Đài, tôi khởi đầu bằng lời khẳng định rằng Bộ ngoại giao và Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam, cũng như các tổ chức quốc tế, đều bị qua mặt trong suốt 20 năm qua. Họ lẫn lộn giữa hai tổ chức khác nhau đại diện cho hai tôn giáo khác nhau : một đằng là Đạo Cao Đài được sáng lập cách đây gần một thế kỷ và đằng kia là một chi phái do nhà nước Việt Nam dựng lên mới được 20 năm và không được Đạo Cao Đài công nhận.

Cú lừa trắng trợn dài hai thập niên bắt đầu bị đưa ra ánh sáng

Đạo Cao Đài, sáng lập năm 1926, được chính quyền Việt Nam Cộng Hòa công nhận tư cách pháp nhân năm 1965, với tầm hoạt động quốc gia và quốc tế và có cơ sở trung ương đặt tại Tòa Thánh Tây Ninh.

Sau khi chiếm miền Nam, chế độ cộng sản không chấp nhận Đạo Cao Đài. Ngày 20/7/1978, Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tây Ninh công bố "bản án Cao Đài", cáo buộc rằng Đạo Cao Đài là một tôn giáo phản động, chống đối chính quyền cách mạng. Tiếp theo đó, ngày 13/12/1978 Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh ra nghị quyết giải tán cơ cấu hành chánh Đạo Cao Đài, và Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh đã thực hiện nghị quyết này. Các cơ quan lãnh đạo Đạo Cao Đài phải ngưng hoạt động, chỉ để lại Hội đồng Chưởng Quản dưới Hiệp Thiên Đài để liên lạc với tín đồ và đối phó với chính quyền.

Năm 1996, Tỉnh ủy Tây Ninh của Đảng cộng sản đề ra kế mới để tiêu diệt Đạo Cao Đài, ghi trong bản Kế Hoạch 01, ngày 27 tháng 5, 1996. Bản kế hoạch này xác định rằng chủ trương của Đảng cộng sản là tiêu diệt Đạo Cao Đài bằng cách "khoanh lại trong địa phương Tây Ninh, đến một lúc nào đó sẽ tiêu vong" đã thất bại, cho nên phải thay đổi bằng cách lập ra một chi phái để làm phương tiện xóa Đạo Cao Đài. Ngày 29 tháng 5, 1996 Đảng bộ tỉnh Tây Ninh thành lập Ban chỉ đạo gồm các viên chức nhà nước để dựng lên một tôn giáo mới với những điều kiện :

- Xác định tôn giáo Cao đài Tây Ninh là một chi phái

- Không sử dụng cơ bút

- Bộ máy giáo hội hai cấp

Tôn giáo mới này, tạm gọi là Chi Phái Tây Ninh 1997. Tôi không dùng từ "Cao Đài" vì nghĩ rằng tôn giáo mới này không chỉ khác mà còn nghịch lại với Đạo Cao Đài.

caodai2

Về danh hiệu thì Đạo Cao Đài có tên chính thức là "Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ" (6 chữ), gọi tắt là Đạo Cao Đài (3 chữ). Trong khi đó, chi phái mà nhà nước cộng sản dựng lên có danh hiệu là "Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Cao Đài Tây Ninh" (10 chữ), gọi tắt là Đạo Cao Đài Tây Ninh (5 chữ). Về luật pháp thì đây là hai tổ chức khác nhau.

Về tín lý, hai tổ chức có nhiều điểm khác biệt về căn bản. Đạo Cao Đài 1926 có 3 hội là Hội Nhơn Sanh, Hội Hội Thánh và Thượng Hội, lập nên quyền vạn linh ngang bằng với quyền của Đức Chí Tôn tại thế. Chi Phái Tây Ninh 1997 không có Thượng Hội nên cũng không có quyền vạn linh.

Chi Phái Tây Ninh 1997 cũng không có Bàn trị sự. Trong Đạo Cao Đài, các Ban trị sự cấu thành "Hội Thánh Em" để thay mặt Hội Thánh (còn được gọi là Hội Thánh Anh) hành đạo nơi địa phương; khi Hội Thánh Anh bị uy hiếp hay bị xóa bỏ thì Hội Thánh Em phải lo khôi phục. Không có Ban trị sự thì Pháp Chánh Truyền của Đạo Cao Đài không được thể hiện ở phần hạ tầng, đến các tín đồ.

Cũng thể hiện tín lý là việc cầu phong chức sắc. Chức sắc của Đạo Cao Đài thì phải được thiên phong, nghĩa là qua thể thức cầu cơ bởi Hiệp Thiên Đài tại Cung Đạo để chấm phái (Thái, Thượng, Ngọc) tương ứng với Nho, Tiên và Phật. Trong khi đó, chức sắc của Chi Phái Tây Ninh 1997 là phàm phong, còn gọi là "banh phong" – nghĩa là dùng 6 trái banh sơn 3 mầu vàng, xanh, đỏ để bắt banh chọn phái cho các chức sắc. Như vậy, mọi chức sắc của Chi Phái Tây Ninh 1997 đều không đủ tiêu chuẩn chức sắc theo Đạo Cao Đài.

Về tổ chức, cơ cấu của Chi Phái Tây Ninh 1997 chỉ có hai cấp, khác với cơ cấu tổ chức 5 cấp của Đạo Cao Đài. Trong Đạo Cao Đài thì Tòa Thánh Tây Ninh đóng vai trò "trung ương" đối với các chi phái. Trong khi đó, Chi Phái Tây Ninh 1997 dù chiếm ngự Tòa Thánh Tây Ninh vẫn không thể xác định tư cách trung ương đối với các chi phái Cao Đài khác.

Về hiến chương, Đạo Cao Đài có đủ hai Hội thánh Hiệp Thiên Đài lo về Tư pháp (Điều 8) và Cửu Trùng Đài lo về Hành pháp (Điều 9). Chi phái Tây Ninh 1997 không có Hội thánh Hiệp Thiên Đài và Cửu Trùng Đài mà chỉ có chức sắc Hiệp Thiên Đài và chức sắc Cửu Trùng Đài ; Hội đồng Chưởng Quản, do người của nhà nước cài cắm, nắm toàn quyền, một mình một chợ.

Về luật đạo, hai bên cũng khác nhau. Trong Đạo Cao Đài, Đạo Luật Mậu Dần (1938), Điều III, Mục 7 ghi : "Nếu như một ai còn đương quyền Đời mà muốn vào hàng phẩm Chức Việc, thì phải từ bỏ quyền Đời đặng để trọn tâm lo tròn trách nhậm Đạo". Thế nhưng, các chức sắc thành lập và nắm quyền của Chi Phái Tây Ninh 1997 lại tham gia các tổ chức chính quyền và của đảng cộng sản, kể cả các tổ chức chịu trách nhiệm tiêu diệt Đạo Cao Đài :

- Ông Hồ Ngọc Thơ, Hội trưởng Hội đồng Chưởng Quản, là Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (Đại hội lần thứ IV nhiệm kỳ 1994 – 1999), đồng thời cũng là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh, là tổ chức đã ra "bản án Cao Đài" năm 1978.

- Ông Nguyễn Thành Tám, Phó hội trưởng thường trực Hội đồng Chưởng Quản, là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh (Khóa V, nhiệm kỳ 1994 – 1999), tổ chức đã ra "bản án Cao Đài" năm 1978. Năm 1997, ông Nguyễn Thành Tám là Dân biểu quốc hội.

- Bà Huỳnh Thị Nhìn, Ủy viên Hội đồng Chưởng Quản, cũng là Ủy viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh (Khóa V nhiệm kỳ 1994 – 1999), tổ chức đã ra "bản án Cao Đài" năm 1978.

Về nội quy, tất cả nhân sự hành đạo của Đạo Cao Đài đều phải mặc đạo phục theo qui định. Chi Phái Tây Ninh 1997 lập ra Ban Trật Tự Nội Ô mặc thường phục là vi phạm nội quy của Đạo Cao Đài. Họ là lực lượng do nhà nước cài vào. Trên thực tế chính họ dùng bạo lực để trấn áp người theo Đạo Cao Đài.

Khi tín lý, luật đạo và hiến chương khác nhau thì rõ ràng đó là hai tôn giáo khác nhau. Khi danh hiệu, nội quy và cơ cấu tổ chức đều khác nhau thì rõ ràng đó là hai tổ chức khác nhau.

Trên nguyên tắc, khi khác nhau thì mỗi bên sinh hoạt riêng, tôn trọng lẫn nhau. Đằng này Chi Phái Tây Ninh 1997 đã chiếm lĩnh Tòa Thánh Tây Ninh và các cơ ngơi của Đạo Cao Đài, và rồi tự giới thiệu với tín đồ, với quần chúng và với quốc tế rằng mình là Đạo Cao Đài. Trong các văn thư, giấy tờ, tài liệu, trang web, chương trình truyền hình… họ đều dùng danh hiệu Đại-Đạo Tam-Kỳ Phổ-Độ (6 chữ) mặc dù tên của họ là khác, gồm 10 chữ.

Theo luật pháp Hoa Kỳ, thì đó là đánh cắp căn cước (identity theft), dẫn đến hàng loạt các hệ lụy về luật pháp như là lạm dụng danh hiệu (trademark), xâm phạm tài sản trí tuệ (intellectual property), chuyển quyền sở hữu tài sản (conversion), cạnh tranh bất công (unfair competition), gây tổn thương vật chất và căng thẳng tinh thần (physical damage và emotional distress)…

caodai3

Đại Sứ Lưu Động David Saperstein, vị tiền nhiệm của Ông Sam Brownback, đón tiếp phái đoàn của Chi Phái Tây Ninh 1997, tháng 9, 2016 (ảnh của Chi Phái Tây Ninh 1997)

Tại buổi họp với Bộ ngoại giao và Ủy hội về Tự do tôn giáo quốc tế, để giải thích hiện tượng khá lạ lùng này, tôi đã ví von : Hãy tưởng tượng Đảng Phát-xít Ý thời Đệ Nhị Thế Chiến dựng lên tổ chức, lấy tên là Catolica (nghe hao hao như Catholic), do người trong đảng cầm đầu với mục đích tiêu diệt Giáo hội Công giáo (Catholic Church). Tín lý của họ không tin rằng Chúa Giê-Su là con của Đức Chúa Trời. Về tổ chức họ không công nhận Giáo hoàng và nghi thức tấn phong, mà chọn linh mục, giám mục và hồng y bằng cách rút thăm. Họ đã dùng bạo lực để trục xuất các chức sắc của Giáo hội Công giáo và chiếm ngự Tòa Thánh Vatican. Và rồi họ tự nhận mình là Giáo hội Công giáo. Với sự ví von có chút tính khôi hài này, mọi người đã hiểu ngay.

Tôi chỉ ra rằng năm 2016, giới chức Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã đón tiếp phái đoàn của Chi Phái Tây Ninh 1997, đinh ninh đó là thành phần đại diện Đạo Cao Đài. Hàng năm Tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Việt Nam cũng mời chức sắc Chi Phái Tây Ninh 1997 đến dự các buổi khánh tiết mà tưởng rằng họ là chức sắc Đạo Cao Đài. Các giới chức Hoa Kỳ không phải là những người duy nhất đã bị mắc mưu bởi sự đánh cắp căn cước. Các giới chức của Liên Hiệp Quốc và của nhiều quốc gia Phương Tây cũng ngộ nhận như vậy. Và kể cả rất nhiều tín đồ Cao Đài ở trong và ngoài nước cũng lầm lẫn.

Nhưng để phân định trắng đen thì không gì bằng căn cứ vào phán quyết của các chức sắc của Hiệp Thiên Đài, cơ quan tư pháp của Đạo Cao Đài. Ngày 26/11/2015, cơ quan Hiệp Thiên Đài đã ra thông báo, có phần ghi :

"Hành vi của Đầu Huynh Đạo Sư Phàm Phong Thượng Tám Thanh là nghịch Thiên, phạm Pháp không phải là chức sắc Thiên Phong của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ Tòa Thánh Tây Ninh nên chúng tôi gọi theo Thế danh Nguyễn Thành Tám không gọi Thánh danh Đầu Sư Thượng Tám Thanh…".

Cũng trong thông báo ấy, các chức sắc Hiệp Thiên Đài khẳng định rằng Chi Phái Tây Ninh 1997 là "bàng môn tả đạo", không được Đạo Cao Đài công nhận dù chỉ trong tư cách một chi phái.

Lập tức, ông Nguyễn Thành Tám đã đóng cửa văn phòng Hiệp Thiên Đài và đuổi các chức sắc Hiệp Thiên Đài ra khỏi Tòa Thánh Tây Ninh. Như vậy, cuối năm 2015, nghĩa là chỉ mới đây thôi, tổ chức do nhà nước dựng lên đã hoàn tất việc chiếm lĩnh triệt để Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài.

Tôi chia sẻ với các giới chức dự phiên họp rằng chính tôi trước đây cũng hiểu lầm rằng chính sách của nhà nước Việt Nam là rượu mới, bình cũ, nghĩa là cài người vào thành phần lãnh đạo của Đạo Cao Đài để rồi lèo lái và lũng đoạn. Nhưng không, chính sách của họ là rượu khác, bình khác : Tổ chức đang chiếm ngự Tòa Thánh Tây Ninh của Đạo Cao Đài là một tổ chức hoàn toàn khác, đại diện cho một tôn giáo cũng hoàn toàn khác. Nhưng họ lại đánh cắp căn cước của Đạo Cao Đài.

Tôi chỉ tình cờ khám phá thực tế này cách đây chưa được một năm. Dựa vào một trao đổi ngẫu nhiên với một tín đồ Cao Đài mới ở Việt Nam sang Hoa Kỳ, tôi lục lọi các tài liệu về sự ra đời của Chi Phái Tây Ninh 1997. Rõ ràng, nó khác với Đạo Cao Đài.

Tôi đề nghị với các giới chức Bộ ngoại giao và Ủy hội Tự do tôn giáo quốc tế là từ nay chính quyền Hoa Kỳ phải phân biệt giữa hai tổ chức đại diện cho hai tôn giáo khác nhau, và tích cực tiếp xúc với những thành phần thực sự đại diện Đạo Cao Đài. Họ xin thêm thông tin để từ nay ứng xử cho đúng. Tôi để lại bản thông tin tóm tắt và hứa sẽ gửi thêm thông tin chi tiết và đầy đủ trong vài tuần tới đây. Tôi cũng sẽ phổ biến các thông tin này để mọi người cùng tìm hiểu.

Nguyễn Đình Thắng

Nguồn : machsongmedia.com, 02/03/2018

Published in Diễn đàn
lundi, 05 février 2018 21:26

BPSOS lập Quỹ Công Lý

Dùng Tòa án Hoa Kỳ để đối phó các vi phạm nhân quyền ở Việt Nam

.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch BPSOS

Ngày 5 tháng 2, 2018

Hôm nay BPSOS công bố Quỹ Công Lý, tiếng Anh là Legal Justice Fund, là quỹ pháp lý để đưa ra tòa án Hoa Kỳ các cá nhân và tổ chức đã hoặc đang làm công cụ cho chính sách đàn áp nhân quyền ở Việt Nam. Quỹ có vốn khởi đầu là 50.000 Mỹ kim, trong đó 30% là do BPSOS trích quỹ ứng trước, và phần còn lại do một số nhà hảo tâm cam kết đóng góp. Mục tiêu của BPSOS là nâng mức vốn này lên 100.000 Mỹ kim trong vòng 3 tháng.

"Mục đích của chúng tôi là giúp các nạn nhân của chế độ cộng sản nay đang ở Hoa Kỳ đòi công lý tại tòa án Hoa Kỳ", Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ tịch BPSOS, nói.

Trong năm qua, BPSOS đã chọn ra một số hồ sơ để bắt đầu nghiên cứu và hội ý với luật sư cho các vụ kiện sẽ khởi xướng trong năm 2018, mà đối tượng bao gồm :

- Một tổ chức và một số chức sắc tôn giáo quốc doanh làm công cụ cho chính sách đàn áp tôn giáo ;

- Một số công ty quốc doanh và tư nhân, và ngân hàng nhà nước làm công cụ hay phương tiện cho chính sách cướp đoạt tài sản của một cộng đồng giáo dân Công giáo ;

- Một số giới chức chính quyền chịu trách nhiệm về hành vi tra tấn.

Càng tiếp cận cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ thì chế độ ở Việt Nam càng phải chịu sự kềm tỏa của luật pháp Hoa Kỳ. Như vậy, Nghị Quyết 36 của Đảng cộng sản Việt Nam đang tạo cơ hội cho người Việt ở Hoa Kỳ bắt các thủ phạm và tòng phạm trả giá, trong hệ thống luật pháp Hoa Kỳ, cho các vi phạm nhân quyền của chế độ ở Việt Nam. Đó là mục đích của Quỹ Công Lý.

"Khác với vận động Hành pháp và Lập pháp, vốn tùy thuộc nhiều vào sự hưởng ứng của các giới chức chính quyền, chỉ cần có luật sư đại diện là chúng tôi nắm chủ động trong các vụ kiện tại tòa án Hoa Kỳ", Tiến sĩ Thắng giải thích.

BPSOS thường được biết đến qua các cuộc vận động Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ và công cuộc quốc tế vận. Thực ra, trong hơn 20 năm qua BPSOS đã có nhiều hoạt động trong lĩnh vực Tư Pháp.

Từ năm 1995 đến giờ, BPSOS đã khởi xướng hay tham gia 13 vụ kiện, gồm 11 vụ ở Hoa Kỳ và 2 vụ ở ngoài Hoa Kỳ và đã thu về được trên 2 triệu Mỹ kim tiền bồi thường cho chính BPSOS hoặc cho các nạn nhân của chế độ. Các bị đơn bao gồm Bộ ngoại giao Hoa Kỳ (2 lần), 3 công ty đa quốc gia, 2 công ty quốc doanh Việt Nam, một tổ chức Hoa Kỳ, một tờ báo Việt ngữ và một số cá nhân có hành vi phỉ báng. Gần đây nhất, năm 2016 BPSOS được bồi thường trên 150.000 Mỹ kim bởi một công ty năng lượng đa quốc gia.

"Chúng tôi trích một phần từ số tiền bồi thường này để lập Quỹ Công Lý và thực hiện ngay một số vụ kiện mà chúng tôi đã nghiên cứu trong năm qua", Tiến sĩ Thắng nói.

Quỹ Công Lý là một quỹ luân lưu – sau khi trích vốn để thực hiện một vụ kiện thì lập tức phải nâng trở lại mức 100.000 Mỹ kim để sẵn sàng cho vụ kiện kế tiếp. Quý đồng hương có thể đóng góp cho Quỹ Công Lý qua trang mạng https://www.bpsos.org  hoặc bằng cách gửi ngân phiếu đề cho "BPSOS/Quỹ Công Lý" và gửi về :

BPSOS/Quỹ Công Lý

6066 Leesburg Pike, Suite 100

Falls Church, VA 22041 USA

BPSOS tiếp tục tổ chức gây quỹ tài trợ cho những hoạt động quốc tế như bảo vệ nạn nhân buôn người và đồng bào tị nạn, can thiệp cho các tù nhân lương tâm, và xây dựng nội lực cho các cộng đồng người dân ở Việt Nam. BPSOS vẫn tiếp tục các cuộc vận động Hành pháp và Lập pháp Hoa Kỳ. Quỹ Công Lý không thay thế những hoạt động và nỗ lực kể trên.

Nguồn : http://machsongmedia.com

Published in Diễn đàn