Chỗ mạnh của Mỹ là vũ khí nguyên tử thì chúng không dùng được. Còn chỗ mạnh của ta là chiến tranh nhân dân thì Mỹ không có. Phát huy ưu thế này và những kinh nghiệm tích lũy được, chúng ta nhất định đánh thắng bất kỳ tên xâm lược nào, dù đó là đế quốc Mỹ
Tất cả những bức thư "chỉ đạo" của Lê Duẩn đã được nhiều nhà xuất bản sưu tập, và in thành sách
Sau khi di cư vào Nam, nhạc sĩ Thanh Bình đã viết "mấy hàng" gửi về quê cũ :
Từ miền xa, viết thư về thăm xóm làng
Sắt son gửi trong mấy hàng
Thăm bà con dãi dầu năm tháng
Từ Tiền giang thương qua đèo Cả thương sang
Đêm đêm nhìn vầng trăng sáng
Thương những già hôm sớm lang thang
Em thơ ơi có còn học hành sớm tối
Áo nâu tươi gái làng còn che môi cười
Và đàn bò còn nghe chim hót lưng đồi
Nhớ nhung rồi thương quá lắm bé thơ ơi…
Nhân vật đồng nghiệp và đồng thời với tác giả những lời ca thượng dẫn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn tâm sự :
"Nhớ lại những năm sau 54, ‘Lá Thư Về Làng’ của Thanh Bình đã gây xúc động trong lòng bao người vừa rời bỏ miền Bắc trong cuộc di cư vào Nam. Càng cảm nhận ra rằng mình được bao dung, yên ổn trong vùng đất mới, người ta càng xót xa thương nhớ về quê cũ".
Thực ra thì cái "vùng đất mới" cũng không được "yên ổn" gì cho lắm. Miền Nam, vào thời điểm đó, chỉ có được sự "yên ổn" tạm thời thôi. Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam đã được khai sinh, từ bên kia vỹ tuyến, vào ngày ngày 20 tháng 12 năm 1960.
Cũng từ thời điểm này, Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao Động Việt Nam (ở Hà Nội) vẫn đều đặn gửi thư vào Nam. Khác với "Lá Thư Về Làng" chân tình và mộc mạc của Thanh Bình, Lê Duẩn chả hề gửi lời thăm hỏi đến bất cứ một cụ già hay bé thơ nào ráo.
Thư của ông đề ngày 7 tháng 2 năm 1961 ("Gửi Anh Mười Cúc và các đồng chí Nam Bộ") có những dòng sau :
Vừa qua, Bộ chính trị đã đề ra phương hướng cho phong trào cách mạng miền Nam. Để có sự nhất trí hơn nữa trong nhận định, tôi trình bày thêm với các đồng chí một số ý kiến...
Một điều cần khẳng định là cách mạng miền Nam không chỉ đối phó với chính quyền và quân đội của Diệm mà phải đối phó với cả đế quốc Mỹ và tay sai của Mỹ ở Đông Nam Á...
Trong năm nay, Trung ương sẽ giúp xây dựng 12 tiểu đoàn cho cả Khu 5 và Nam Bộ. Các khung cán bộ sẽ do Trung ương đưa vào, còn chiến sĩ thì tuyển lựa tại chỗ. Riêng đối với Nam Bộ, ngoài này sẽ cung cấp đủ cán bộ cho 6 tiểu đoàn và 1 tiểu đoàn gồm cả cán bộ và chiến sĩ. Sắp tới, ta phải phát triển gấp đôi, tạo ra một bước chuyển đáng kể về lực lượng quân sự...
Tất cả những bức thư "chỉ đạo" của Lê Duẩn đã được nhiều nhà xuất bản sưu tập, và in thành sách : Thư vào Nam. Ấn bản năm 2015, của Nhà Xuất Bản Tổng Hợp, có đôi dòng giới thiệu vô cùng trang trọng :
Cuốn sách tập hợp những bức thư và điện của đồng chí Lê Duẩn (Anh Ba) gửi vào miền Nam khói lửa trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Toàn bộ cuốn sách cho thấy đồng chí Lê Duẩn qua thực tiễn chỉ đạo các chiến trường, từ nhận định tình hình đến chủ trương, biện pháp đã phát triển hết sức phong phú cả hai mặt lý luận và thực tiễn, kết hợp nhuần nhuyễn đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang.
"Thư vào Nam" là một cuốn sách quý, góp phần tổng kết kinh nghiệm cuộc kháng chiến chống Mỹ, là tư liệu lịch sử giá trị có thể áp dụng sáng tạo để giải quyết những vấn đề trong sự nghiệp cách mạng hiện nay.
Một trong "những vấn đề trong sự nghiệp cách mạng hiện nay" là sự có mặt của lực lượng hải quân Hoa Kỳ tại Đà Nẵng, và thái độ "háo hức đón chào hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của người dân Việt".
Về sự kiện này, trong mục điểm tin của trang Báo Tiếng Dân (đọc được vào hôm 5 tháng 3 năm 2018) có đôi đoạn như sau :
Mỹ đi rồi Mỹ lại về…
Hơn nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đón người Mỹ vào Đà Nẵng, bây giờ đến lượt lãnh đạo cộng sản Việt Nam sẵn sàng đón tàu sân bay Mỹ, theo báo Người Lao Động. Sở Ngoại vụ Thành phố Đà Nẵng cho biết : Các cấp lãnh đạo đã lên kế hoạch chi tiết từ hơn nửa năm trước để đón tàu sân bay đầu tiên của người Mỹ cập cảng Việt Nam.
Báo Zing đưa tin : Đoàn công tác liên ngành Việt Nam thăm tàu sân bay Mỹ. Bộ Ngoại giao xác nhận : Đáp lại lời mời của Đại sứ quán Mỹ, đoàn cán bộ liên ngành của Việt Nam đã đến thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong ngày 3 và 4/3/2018, "khi tàu này đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam".
Báo Giáo Dục Việt Nam có bài tổng hợp : Cụm tàu sân bay Hoa Kỳ USS Carl Vinson thăm Việt Nam, phản ứng và bình luận. Theo cựu Đô đốc Hải quân Hoa Kỳ John Kirby, Việt Nam muốn củng cố mối quan hệ với Hoa Kỳ, trong tình hình Trung Quốc tiếp tục hiện thực hóa tham vọng bá quyền ở Biển Đông.
Biên tập viên tạp chí The Diplomat, Prashanth Parameswaran cho rằng, chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson còn có mục đích động viên các nước ASEAN rằng Washington sẽ không để Biển Đông rơi vào tay Bắc Kinh.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng nhận định : Nền ngoại giao "cân bằng động" sẽ sang trang. Theo Tiến sĩ Thắng, tình thế của nước Việt Nam hiện tại đã buộc các lãnh đạo cộng sản Việt Nam phải "gác lại quá khứ" với người Mỹ và theo đuổi lộ trình ngoại giao "cân bằng động", nghĩa là cố gắng thoát khỏi ảnh hưởng của "bạn vàng" và củng cố quan hệ với Mỹ.
BBC đặt câu hỏi : Tại sao Việt Nam tiếp đón hàng không mẫu hạm Mỹ ? Bài viết nêu quan điểm của nhà báo Bill Hayton về lộ trình ngoại giao "nước đôi" của quan chức cộng sản Việt Nam : Họ tiếp đón tàu sân bay Mỹ để "đáp trả đối với các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông", nhưng họ cũng không muốn làm mất lòng "bạn vàng" và vẫn sẽ không tham gia các liên minh quân sự của người Mỹ....
Ảnh : news.zing
Trong một cuộc họp báo vào chiều ngày 1 tháng 3 năm 2018, Phát Ngôn Bộ Ngoại Giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, tuyên bố : "Tàu sân bay Mỹ đến thăm Việt Nam để góp phần duy trì hoà bình khu vực".
Báo Tiền Phong cho biết thêm : "Đà Nẵng và 6 tháng chuẩn bị đón tàu sân bay cùng 6.000 thuỷ thủ Mỹ". Thảo nào mà chuyến viếng thăm đã diễn tiến hết sức thuận lợi và vô cùng cảm động. Thiệt là công phu và qúi hoá hết biết luôn. Rồi ra, không chừng, thành phố Đà Nẵng còn (dám) cử đại diện ra tận Lăng Ba Đình để báo công dâng Bác nữa.
Tính từ bức thư vào Nam đầu tiên của Lê Duẩn, viết ngày 7 tháng 2 năm 1961 (để chỉ đạo cuộc chiến chống Mỹ cứu nước) cho đến khi hàng không mẫu hạm USS Carl Winson đến thả neo trong vịnh Đà Nẵng để "góp phần duy trì hoà bình khu vực" là đúng 67 năm ròng. Phải mất hơn 2/3 thế kỷ người cộng sản Việt Nam mới "ngộ" ra được ai là kẻ có "dã tâm xâm lược" và "gây ra chiến tranh trong khu vực !".
Sự chậm lụt (hay chậm hiểu) của họ đã làm hao tổn xương máu của hằng chục triệu lương dân, và dìm cả đất nước xuống hố sâu của sự khốn cùng như hiện cảnh. Tuy thế, vẫn chưa có giấu hiệu gì cho thấy là giới quan chức của Hà Nội đã thức tỉnh và sẽ thôi "khúm núm" trước mặt kẻ thù.
Tưởng Năng Tiến
Nguồn : RFA, 14/03/2018 (tuongnangtien's blog)
Trong 2 tuần đầu của tháng 3 này có 2 sự kiện thu hút mối quan tâm lớn của nhiều người dân trong nước và truyền thông quốc tế. Đó là chuyến thăm lịch sử đến Đà Nẵng của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc năm 1975 và mốc lịch sử 30 năm trận thảm sát lính Việt Nam mà Trung Quốc ra tay tại bãi đá Gạc Ma năm 1988.
Hai sự kiện này trong toàn cảnh Biển Đông được những người quan sát nhìn nhận thế nào ?
Một hải quân chụp ảnh hoàng hôn trên vịnh Đà Nẵng trong thời gian USS Carl Vinson cập cảng này. AFP
Người dân thành phố Đà Nẵng đã trải qua 4 ngày được gọi là những ngày hội giao lưu văn hóa khi nhóm tàu tác chiến do hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson dẫn đầu thả neo tại Vịnh Đà Nẵng thực hiện chuyến thăm được cho là lịch sử từ ngày 5/3 đến ngày 9/3/2018 kể từ khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc vào năm 1975.
Giới quan sát cho rằng sự kiện này chứng tỏ mối quan tâm của Hoa Kỳ đến vùng biển tranh chấp có tuyến đường hàng hải quan trọng mà Trung Quốc muốn kiểm soát.
Cũng theo giáo sư Tương Lai, khoảng một tháng trước đây, ông Nguyễn Tiến Hưng, từng là Quốc Vụ khanh thời Việt Nam Cộng Hoà, và là người am hiểu về tình hình trước và sau năm 1975 có một bài phân tích ông cho là rất hay.
"Bài phân tích đó nói về Đà Nẵng và chiến lược của Hoa Kỳ với Viêt Nam. Đà Nẵng luôn luôn là một điểm nhạy cảm vào bậc nhất trong quá trình xúc tiến cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như kết thúc cuộc chiến tranh đó".
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên trưởng ban biên giới chính phủ, trả lời báo trong nước khẳng định rằng "hợp tác quốc phòng - quân sự là một trong những nội dung quan trọng, nếu không muốn nói là chủ yếu, trong quan hệ song phương, mang ý nghĩa chiến lược của mối quan hệ, nhất là giữa các đồng minh, đối tác".
Phó Đô đốc chỉ huy hạm đội Bảy của Mỹ ở Thái Bình Dương là ông Phillip Sawyer đã trả lời các nhà báo ở Đà Nẵng rằng sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Carl Vinson, cũng như sự có mặt của ông ở Đà Nẵng là vì Việt Nam, vì quan hệ toàn diện Mỹ Việt trong đó có quan hệ quân sự.
Viện dẫn cùng với ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, nhân vật được Giáo sư Tương Lai nhìn nhận là người am hiểu về Việt Nam và Mỹ trong bối cảnh Biển Đông hiện nay, nói rằng "Mỹ đang chứng tỏ sự hiện diện của hải quân trong khu vực để trấn an các quốc gia trong vùng này, là Mỹ ngay dưới thời Tổng thống Trump vẫn hết sức quan tâm đến Biển Đông và khu vực Đông Nam Á này", và ông nói thêm :
"Tàu này đến, nên đặt trong phạm vi chiến lược toàn cầu của Mỹ và vấn đề chiến lược của Mỹ đối với Việt Nam".
Do đó, trả lời cho câu hỏi liệu sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng có phải là câu trả lời của Hoa Kỳ đối với sự bành trướng ở Biển Đông hay không, Giáo sư Tương Lai khẳng định :
"Theo tôi điều đó là có. Biểu thị đó không phải chỉ là ở chỗ sự hiện diện của Carl Vinson mà thôi mà của những nhà lãnh đạo hải quân Mỹ ở Thái Bình Dương".
Chuyến thăm này đã được Bộ trưởng Quốc phòng hai nước thống nhất từ tháng 10 năm ngoái nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch sang Mỹ, và được xác định chính thức trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng một năm nay của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng, chuyên gia môn quan hệ quốc tế thuộc trường đại học George Mason, Hoa Kỳ trong lần trả lời phỏng vấn của RFA đã đưa ra nhận định :
"Ở cấp độ cao cấp nhất của Đảng, nước Việt Nam đã muốn và sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của tàu sân bay ở Việt Nam. Đó là chỉ dấu của sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa hai nước Mỹ và Việt Nam".
Theo Giáo sư Tương Lai, chính tờ Washington Times cũng có một bài viết dẫn lời Chuẩn đô đốc - Chỉ huy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson John Fuller nói về sự hiện diện của Hoa Kỳ tại Đà Nẵng nói riêng và Biển Đông nói chung.
"Sự hiện diện của Hoa Kỳ có ý nghĩa lớn. Tôi nghĩ điều rõ ràng là chúng tôi có mặt trong vùng biển Nam Trung Hoa và đang hoạt động ở đây. Mục tiêu của tàu Carl Vinson ở Biển Đông để thúc đẩy tự do hàng hải, để bay lá quốc kỳ của Mỹ, và hợp tác với đối tác và đồng minh. Tất cả để gửi thông điệp cho Trung Quốc, vùng biển này không phải của riêng họ.
Cho nên vấn đề người Trung Quốc không thích chuyện này là điều quá rõ".
Tờ Hoàn cầu Thời báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc Bắc Kinh hôm 7/3/2018 bình luận rằng Trung Quốc không hài lòng việc tàu sân bay Mỹ ghé thăm Việt Nam, nhưng không nói rõ lý do. Tuy nhiên bài báo nhấn mạnh sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ không thể làm đảo lộn cán cân quân sự tại Biển Đông, không thể gây sức ép đặc biệt nào lên Trung Quốc, và người Mỹ chỉ phí tiền để làm việc đó mà thôi.
Hãng thông tấn Reuters từng đưa ra nhận định sự hiện diện của Carl Vinson ở Đà Nẵng cho thấy sự phức tạp trong quan hệ của Hà Nội với Bắc Kinh liên quan đến vấn đề biển Đông.
Mấy ngày sau đến thời điểm đánh dấu một sự kiện khác mà bấy lâu nay nhiều người Việt Nam kêu gọi nhau ‘không thể quên’ : đó là trận thảm sát tại bãi đá Gạc Ma – Trường Sa nơi 64 tử sĩ đã nằm xuống vào ngày 14/3/1988 dưới lằn đạn của Trung Quốc.
Năm nay, đánh dấu tròn 30 năm sự kiện Gạc Ma – Trường Sa. Một vị nhân sĩ được nhiều người biết đến tại Việt Nam, Giáo sư Tương Lai phân tích với chúng tôi quan điểm của ông khi được hỏi liệu phải chăng mốc thời gian diễn ra sự có mặt của USS Carl Vinson ở Đà Nẵng có vẻ như là một sự trùng hợp có chủ ý ?
"Người Mỹ chẳng hơi đâu nghĩ đến những vấn đề 30 năm kỷ niệm Gac Ma, không nằm trong tư duy chiến lược của họ".
Trong khi đó Giáo sư Tương Lai tiết lộ một chi tiết từ những nguồn tin mà ông có được liên quan vấn đề Gạc Ma :
"Ngày 27/2 trong một giao ban báo chí, có một ý người ta cân nhắc và bình luận nhiều, đó là kỷ niệm 30 năm Gạc Ma được tuyên truyền cổ vũ cho tinh thần anh hùng chiến đấu hy sinh của các chiến sĩ Gạc Ma. Có một câu như thế. Chúng tôi đang chờ, đến ngày 14/3 sắp tới, trong ứng xử người ta ứng xử thế nào thì mới bình luận được".
Xét ở một góc độ nào đó, có thể về chiến lược quân sự, chính trị, ngoại giao hay chỉ là sự trùng hợp về cột mốc thời gian như đã đề cập ở trên, có thể thấy sự tương quan giữa Carl Vinson, Gạc Ma và Biển Đông hay không ?
Phân tích điều này theo ý kiến cá nhân, giáo sư Tương Lai cho rằng ‘có khả năng đó".
"Gắn 3 sự kiện này rất đúng vì nó là thời điểm diễn ra".
Biển Đông là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc với một số nước khác trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Việc Trung Quốc liên tục gia tăng xây dựng các cơ sở quân sự và bồi đắp các đảo nhân tạo ở khu vực đang tranh chấp đã làm các nước lo ngại.
Nguồn : RFA, 12/03/2018
Giữa trưa ngày 5/3, tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson và hai tàu hộ tống đến cảng Đà Nẵng, bắt đầu chuyến thăm kéo dài cho đến ngày 9/3, theo tường thuật của báo chí Việt Nam.
Tàu sân bay Mỹ USS Carl Vinson đến cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hôm 5/3/2018.
Chuyến thăm được coi là có tính lịch sử vì đây là lần đầu tiên một tàu sân bay Mỹ thăm một cảng Việt Nam kể từ sau ngày 30/4/1975. Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về Việt Nam tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, đánh giá với VOA rằng chuyến thăm "có 7 phần tượng trưng và 3 phần thực chất".
Tin cho hay, lễ đón các tàu USS Carl Vinson, USS Lake Champlain và USS Wayne E. Meyer đã diễn ra tại Cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, chiều 5/3, với đại diện phía chủ nhà là các quan chức của Sở Ngoại vụ Đà Nẵng, Cục Đối ngoại Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.
Theo trích dẫn trên báo chí Việt Nam, Chuẩn Đô đốc John Fuller, tư lệnh nhóm tàu sân bay tác chiến, Hải quân Mỹ, phát biểu tại lễ đón : "Hôm nay là một ngày lịch sử và chúng tôi rất vinh dự khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu tại đây. Chúng tôi cũng muốn cảm ơn Việt Nam vì sự hỗ trợ hậu cần tuyệt vời giúp chuyến thăm này trở thành hiện thực. Mỹ và Việt Nam đang hợp tác chặt chẽ hơn bao giờ hết".
Báo chí cũng trích phát biểu của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel Kritenbrink tại lễ đón, khi ông nhấn mạnh đến tính biểu tượng của chuyến thăm đối với tổng thể mối quan hệ song phương của hai nước. Đại sứ Mỹ nói : "Chuyến thăm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ, mong muốn Việt Nam trở thành một nước vững mạnh, thịnh vượng và độc lập. Với sự nỗ lực, tôn trọng lẫn nhau và bằng cách tiếp tục giải quyết các vấn đề trong quá khứ cùng hướng đến một tương lai tốt đẹp hơn ; từ cựu thù, chúng ta đã trở thành đối tác chặt chẽ".
Đại diện cho Đà Nẵng, ông Lâm Quang Minh, Giám đốc Sở Ngoại vụ của thành phố, nói với các phóng viên rằng chuyến thăm của đội tàu Hải quân Hoa Kỳ là "dịp quảng bá và thu hút đầu tư thương mại và du lịch" cho thành phố trong thời gian tới.
Ông Minh nói rằng chuyến thăm cũng "khẳng định năng lực đảm bảo hậu cần, kỹ thuật đón tàu quân sự của Cảng Đà Nẵng, cũng như vai trò, vị trí của thành phố trong việc hợp tác quốc tế và bảo đảm quốc phòng".
Hình ảnh trên báo chí cho thấy đại diện của hải quân và Bộ Quốc phòng Việt Nam tại lễ đón nhưng không có trích dẫn nào thể hiện quan điểm của họ về chuyến thăm.
Cổng thông tin của chính phủ Việt Nam đăng tin trưa ngày 5/3 cho biết trước lễ đón đã có một đoàn cán bộ "liên ngành" của Việt Nam thăm tàu sân bay USS Carl Vinson trong các ngày 3 và 4/3, khi tàu đi qua vùng biển quốc tế gần Việt Nam.
Nguồn thông tin chính thức của chính phủ nói chuyến thăm Đà Nẵng của đội tàu hải quân Mỹ "tiếp tục thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển phù hợp với khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện, đóng góp vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, hợp tác và phát triển khu vực".
Tàu sân bay USS Carl Vinson và hai tàu khu trục hộ tống di chuyển trên Thái Bình Dương
Bộ Quốc phòng Việt Nam nói trong một thông cáo rằng các sĩ quan và thủy thủ Mỹ sẽ có nhiều hoạt động ở Đà Nẵng, bao gồm biểu diễn ca nhạc, giao lưu thể thao, thăm và giao lưu tại 5 trung tâm trợ giúp trẻ em và người khuyết tật, trong đó có Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất da cam.
Vẫn theo Bộ Quốc phòng, đoàn hải quân Mỹ sẽ trao đổi chuyên môn, kỹ thuật về cung cấp điện, nước ; hỗ trợ ứng phó thảm họa ; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy ; y tế, ẩm thực ; huấn luyện thuỷ thủ với một số cán bộ, chuyên gia, sinh viên Việt Nam trên tàu sân bay và một số địa điểm ở Đà Nẵng.
******************
Về ý nghĩa của chuyến thăm và những tác động của nó, VOA đã phỏng vấn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu viên chính, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore.
VOA : Chuyến thăm của đội tàu sân bay USS Carl Vinson có tính chất đặc biệt đến mức nào, thưa tiến sĩ ?
Lê Hồng Hiệp : Năm 2010, tàu USS George Washington cũng là tàu sân bay đã đậu ngoài khơi Đà Nẵng và đón các quan chức Việt Nam ra thăm bằng máy bay. Chúng ta thấy cách đây 8 năm khoảng cách giữa 2 bên còn tương đối lớn theo đúng nghĩa đen.
Còn ngày nay, sau 8 năm, khoảng cách đấy đã thu hẹp lại. Bằng chứng là tàu [sân bay] lần này không đậu ngoài khơi nữa mà vào trong cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, để tiến hành các giao lưu, tiếp xúc trực tiếp. Điều đấy cho thấy hai bên đã có sự tin cậy lẫn nhau cao hơn, và họ cũng có sự thoải mái lớn hơn trong việc tiến hành các hoạt động quân sự cấp cao giữa hai bên.
Điều đó cho thấy là chuyến thăm có ý nghĩa theo tôi là đặc biệt. Còn ý nghĩa thực chất thế nào, theo tôi có lẽ 7 phần mang ý nghĩa tượng trưng và 3 phần mang ý nghĩa thực chất. Tại vì dẫu sao cũng chỉ là một chuyến thăm và giữa hai bên chủ yếu là các hoạt động giao lưu, trao đổi, không có nhiều các hoạt động quân sự thực chất. Vì vậy, tôi cho rằng chuyến thăm này vẫn có ý nghĩa biểu tượng nhiều hơn.
Tuy nhiên 3 phần còn lại tôi nghĩ có tính thực chất, vì nó cho thấy hai bên đã sẵn sàng để tiến hành các hoạt động quân sự ở cấp cao và quy mô lớn. Đây có thể chỉ là sự kiện đầu tiên để mở màn cho xu hướng đó.
Tôi tạm gọi là xu hướng bình thường hóa các hoạt động quân sự cấp cao giữa hai bên, qua đó hai bên trở nên ít nhạy cảm hơn với các hoạt động này, cũng như ít dè chừng hơn với thái độ của bên thứ ba phản ứng lại các hoạt động như vậy.
Tôi nghĩ đây là bước tiến tích cực trong quan hệ song phương nói chung cũng như trong hợp tác quốc phòng giữa hai bên nói riêng.
VOA : Việt Nam đón đội tàu sân bay Mỹ ở trong cảng gửi ra thông điệp gì cho Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : Sự phát triển quan hệ song phương nói chung và phát triển quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ nói riêng thời gian qua có động lực rất lớn là sự chia sẻ nhận thức chung của hai bên về lợi ích chiến lược song trùng ở khu vực Biển Đông, cũng như nhận thức chung của hai bên về các mối đe dọa do các biến đổi về địa chính trị xuất phát từ sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Chuyến thăm lần này [của đội tàu sân bay Mỹ] dù hai bên không thừa nhận rõ ràng nhưng có một thông điệp gửi ra bên ngoài, đặc biệt là tới Trung Quốc. Đấy là hai bên Việt Nam và Hoa Kỳ đang có những hoạt động về tăng cường hợp tác quân sự để đối phó với các nguy cơ và thách thức an ninh mới mà hai bên đều phải đối mặt. Rõ ràng rất nhiều người có thể hiểu được thách thức đấy chủ yếu xuất phát từ phía Trung Quốc.
VOA : Trung Quốc có lo ngại gì hay đánh giá như thế nào về chuyến thăm này ?
Lê Hồng Hiệp : Cả Hoa Kỳ lẫn Việt Nam đều là đối thủ của Trung Quốc trong khu vực. Việt Nam là một bên tranh chấp trực tiếp của Trung Quốc trên Biển Đông, còn Hoa Kỳ là đối thủ cạnh tranh về chiến lược, không những ở khu vực mà trên phạm vi toàn cầu.
Chính vì vậy, khi hai đối thủ của Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhau, đặc biệt là trên lĩnh vực chiến lược và quân sự, điều đó hẳn nhiên tạo ra tâm lý ít nhất là không thoải mái, hoặc nặng nề hơn là bất an từ phía Trung Quốc.
Tuy nhiên, có thể thấy Trung Quốc không làm to chuyện trước chuyến thăm của tàu Carl Vinson tới Việt Nam. Có vẻ như họ cố tình làm ngơ. Điều này cũng dễ hiểu vì họ không muốn thể hiện sự bất an của mình trước mắt cộng đồng quốc tế nói chung, và Việt Nam và Hoa Kỳ nói riêng.
VOA : Liệu Trung Quốc có tìm cách "làm cân bằng lại" các động thái ở Biển Đông và khu vực bằng cách đề nghị Việt Nam đón tàu sân bay của Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : Trên lý thuyết, không loại trừ việc Trung Quốc ngỏ ý, hay Việt Nam đưa ra lời mời các tàu Trung Quốc tới thăm, bao gồm cả các tàu sân bay của Trung Quốc.
Tuy nhiên, trên thực tế, tôi nghĩ vẫn còn có nhiều sự nhạy cảm. Tôi cảm giác hai bên vẫn chưa sẵn sàng, chưa cảm thấy thoải mái nếu như có một tàu sân bay của Trung Quốc tới thăm Việt Nam.
Tại vì ít nhất từ phía Việt Nam, tàu sân bay là biểu tượng của sức mạnh quân sự của Trung Quốc, nhưng từ góc nhìn của Việt Nam, sức mạnh của Trung Quốc lại là một mối đe dọa, đặc biệt là trong bối cảnh hai bên đang có các tranh chấp, các căng thẳng trên Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thời gian xa hơn nữa, có thể có những chuyển biến trong quan hệ song phương, và cảm nhận về mối đe dọa của Trung Quốc nó giảm bớt, có thể điều đấy tạo điều kiện thuận lợi và mang lại thời điểm chín muồi để tiến hành chuyến thăm như vậy.
Nhưng trong thời gian trước mắt hoặc ngắn hạn, tôi nghĩ điều đó khó có thể xảy ra.
VOA : Xin cảm ơn Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp !
An Tôn thực hiện
Nguồn : VOA, 05/03/2018
Sự kiện một hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên sẽ ghé thăm Việt Nam vào tháng 3 tới là một dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù đang được thắt chặt thêm, hơn 4 thập niên sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam.
Tàu sân bay USS Carl Vinson trên đường đến tham dự cuộc tập trận song phương với Nhật Bản. Ảnh chụp tại biển Philippines ngày 23/04/2017. US Navy/Mass Communication Specialist 2nd Class Z.A. Landers/H
Thông tin chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson đến Đà Nẳng vào tháng 3 đã được đưa ra ngày 25/01/2018, trong ngày thứ hai của chuyến viếng thăm Việt Nam của Bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Jim Mattis.
Đây sẽ là một chuyến viếng thăm lịch sử vì cho tới nay chưa bao giờ có một hàng không mẫu hạm của Hoa Kỳ cập bến Việt Nam. Trước đây, trong thời gian chiến tranh Việt Nam, các hàng không mẫu hạm của Mỹ chỉ hoạt động ở ngoài khơi, chứ không ghé vào các cảng của Việt Nam.
Được đặt theo tên của một dân biểu Quốc Hội Hoa Kỳ và được đưa vào sử dụng từ năm 1982, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có chiều dài hơn 300 mét là một trong những hàng không mẫu hạm đa năng lớp Nimitz, chạy bằng năng lượng hạt nhân. Đây là một trong 10 hàng không mẫu hạm khổng lồ của hải quân Mỹ và là một trong những hàng không mẫu hạm lớn nhất thế giới. Trên hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có một phi đội khoảng 70 chiến đấu cơ các loại, phần lớn là chiến đấu cơ F-18 có khả năng hoạt động ngày đêm, bất kể thời tiết, với tốc độ siêu thanh.
Bình thường hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson có hơn 3.000 quân nhân điều khiển và bảo trì tàu. Khi triển khai hoạt động ở nước ngoài, tàu nhận thêm hơn 2.000 nhân sự đi cùng của không đoàn số 2.
USS Carl Vinson đã từng tham gia vào nhiều chiến dịch quân sự của Mỹ ở nước ngoài, đặc biệt là hỗ trợ cho chiến dịch Enduring Freedom ở Afghganistan vào năm 2001 nhằm đáp trả các vụ tấn công khủng bố ở Hoa Kỳ 11/09 năm đó. Vào tháng 4 năm ngoái, USS Carl Vinson đã được điều động đến vùng biển ngoài khơi bán đảo Triều Tiên trong bối cảnh Hoa Kỳ và quốc tế nói chung ngày càng quan ngại về chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng.
Hiện nay, đội tàu sân bay USS Carl Vinson đang được triển khai ở vùng tay Thái Bình Dương trong khuôn khổ các hoạt động bình thường. Và chính là trong khuôn khổ hoạt động ở khu vực này mà USS Carl Vinson sẽ ghé thăm cảng Đà Nẳng vào tháng 3 tới.
Theo nhận định của hãng tin Reuters ngày 25/01, chuyến viếng thăm của một hàng không mẫu hạm Mỹ chắc chắn sẽ nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước đang lo ngại trước đà bành trướng của Trung Quốc, đặc biệt là tại Biển Đông.
Reuters trích lời các nhà ngoại giao cho biết là thông tin về chuyến viếng thăm của hàng không mẫu hạm Carl Vinson đến Đà Nẳng được xác nhận sau nhiều tháng thương thuyết quân sự trong hậu trường giữa Hà Nội và Washington.
Khả năng một hàng không mẫu hạm Mỹ ghé thăm Việt Nam đã được nêu lên khi tổng thống Donald Trump tiếp thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng vào tháng 5/2017. Đàm phán về vấn đề này đã tiếp diễn khi bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch gặp đồng nhiệm Mỹ Jim Mattis ở Washington vào tháng 8 năm ngoái.
Reurters cũng nhắc lại rằng vào tháng 10 năm ngoái, thứ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Vinh đã dẫn đầu một phái đoàn 11 quan chức Việt Nam đến quan sát các phi cơ hoạt động trên hàng không mẫu hạm Carl Vinson ngoài khơi California. Ông Nguyễn Chí Vịnh như vậy đã là quan chức cao cấp nhất của chế độ Hà Nội lên thăm một hàng không mẫu hạm của Mỹ. Cho nên, khi tiếp thứ trưởng Quốc Phòng Việt Nam, đô đốc John Fuller, tư lệnh Nhóm tác chiến tàu sân bay số 1 (CSG-1) đã xem đây là "một ngày có tính chất lịch sử".
Cho tới nay, nhiều chiến hạm của Mỹ đã mở các chuyến viếng thăm Việt Nam cùng với đà cải thiện quan hệ giữa hai nước. Mang tính biểu tượng nhất trong số đó là chuyến viếng thăm của tàu ngầm USS Frank Cable và tàu tên lửa dẫn đường USS John S. Mc Cain đến Vịnh Cam Ranh, từng là căn cứ quân sự của Mỹ trong thời gian chiến tranh Việt Nam. Nhưng rõ ràng chuyến ghé thăm sắp tới của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson là mang tính biểu tượng cao hơn cả.
Trong những năm gần đây, các đơn vị của Hải quân Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập huấn với hải quân Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam chưa tham gia vào cuộc thao dượt quân sự RIMPAC, vẫn được tổ chức 2 năm một lần, quy tụ hải quân của 26 quốc gia, dưới sự chỉ huy của Mỹ.
Việt Nam cũng đã mua nhiều thiết bị quân sự của Hoa Kỳ, trong đó có tàu tuần duyên lớp Hamilton. Năm ngoái, Washington đã tiến thêm một bước trong việc thắt chặt quan hệ quân sự với Hà Nội qua việc bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam.
Theo nhận định của ông Ian Storey, chuyên gia về Biển Đông của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, được hãng tin Reuters trích dẫn, chuyến thăm của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson "có ý nghĩa rất lớn" và là "một biểu tượng hiển nhiên của quan hệ quốc phòng đang được thúc đẩy trước đà lớn mạnh của Trung Quốc".
Theo Reuters, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng với Trung Quốc do vấn đề Biển Đông, đa số người dân Việt Nam ủng hộ việc Hà Nội thắt chặt quan hệ với Washington.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam hôm qua cũng đã ra thông cáo nhấn mạnh chuyến thăm chính thức Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ diễn ra trong bối cảnh khuôn khổ "Đối tác toàn diện" giữa hai nước "không ngừng được củng cố, phát triển, đặc biệt sau các chuyến thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo cấp cao hai nước năm 2017".
Cũng theo thông cáo của bộ Quốc Phòng Việt Nam, về phương hướng thời gian tới, hai nước sẽ "thúc đẩy hợp tác theo các nội dung trong Bản Ghi nhớ về thúc đẩy hợp tác quốc phòng (MOU) ký năm 2011, Tuyên bố Tầm nhìn chung vế quan hệ quốc phòng (JVS) ký năm 2015, Kế hoạch hành động 3 năm giai đoạn 2018 - 2020 và thoả thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước". Những hợp tác đó sẽ giành ưu tiên cho "việc khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực thực thi pháp luật trên biển, quân y, đào tạo tiếng Anh...
Bộ Quốc phòng Việt Nam cũng hoan nghênh Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác để sớm khởi công Dự án xử lý môi trường nhiễm dioxine tại sân bay Biên Hòa và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Chuyến đi của bộ trưởng Quốc Phòng Jim Mattis diễn ra ngay sau khi Lầu Năm Góc vào tuần trước vừa công bố chiến lược an ninh mới của Mỹ. Chiến lược này tập trung vào việc xây dựng các đối tác và thắt chặt các liên minh để đối phó với hai quốc gia bị xem là mối đe dọa chủ yếu đối với Hoa Kỳ là Trung Quốc và Nga.
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có một vị trí chiến lược trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương, mà Hoa Kỳ đang cố thúc đẩy thành một vùng tự do và rộng mở, tức là một vùng mà quyền tự do hàng hải và luật pháp quốc tế được tôn trọng nghiêm chỉnh, đặc biệt là ở khu vực Biển Đông. Khi gặp các lãnh đạo Việt Nam, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ đã đặc biệt nhấn mạnh đến quyền tự do hàng hải ở vùng Biển Đông. Theo ông Mattis, đây là một vấn đề quan trọng đối với nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh của Việt Nam.