Việt Nam đã tự "trát muối vào mặt" trước Thế giới trong 3 cuộc bỏ phiếu tại Liên Hiệp Quốc về cuộc chiến xâm lăng Ukraine của Nga.
Ngày 7/4/2022, Việt Nam đã "bỏ phiếu chống" trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, theo đó có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 58 bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia "bỏ phiếu chống", trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Lào.
Xấu hổ nhất là Việt Nam đã "bỏ phiếu chống" trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 7/4/2022 vì các cuộc tàn sát vô nhân đạo của quân Nga trong cuộc xâm lăng Ukraine.
Có 93 nước bỏ phiếu ủng hộ, 58 bỏ phiếu trắng và 24 quốc gia "bỏ phiếu chống", trong đó có Trung Quốc, Việt Nam và Lào.
Hai nước Châu Á bỏ phiếu "trục xuất Nga" là Phi Luật Tân và Myanmar (Miến Điện). Các nước Châu Á "bỏ phiếu trắng" là Cao Miên, Brunei, Nam Dương, Mã Lai Á, Tân Gia Ba và Thái Lan.
Trước cuộc bỏ phiếu, Nga đã cảnh báo các nước rằng lần này, ai bỏ phiếu đồng ý hoặc bỏ phiếu trắng sẽ bị Nga coi là một "cử chỉ không thân thiện" và "sẽ nhận những hậu quả trong quan hệ song phương".
Theo hãng thông tấn TASS của Nga thì danh sách "không thân thiện" bao gồm : Mỹ, Canada, các nước Liên minh Châu Âu (EU), Vương quốc Anh, Ukraine, Montenegro, Thụy Sĩ, Albania, Andorra, Iceland, Liechtenstein, Monaco, Na Uy, San Marino, Bắc Macedonia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Micronesia, New Zealand, Singapore và Đài Loan.
Trước đó, ngày 24/3/2022, Việt Nam cũng đã theo đuôi Trung Quốc "bỏ phiếu trắng", cùng với Brunei và Lào trong cuộc bỏ phiếu về viện trợ nhân đạo cho Ukraine.
Các nước trong khối Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN, The Association of South East Asian Nations) bỏ "phiếu ủng hộ" gồm Miên, Nam Dương, Mã Lai, Tân Gia Ba, Miến Điện, Phi Luật Tân và Thái Lan.
Nên biết tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc lần đầu hôm thứ Tư 02/03/2022, Việt Nam đã "bỏ phiếu trắng" đối với Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine và yêu cầu Moscow rút các lực lượng quân sự của họ.
Nghị quyết, được sự ủng hộ của 141 trong số 193 thành viên của hội đồng.
Nga, và chỉ 4 nước - Bắc Hàn, Syria, Belarus, và Eritrea - bỏ phiếu chống nghị quyết.
35 nước, trong đó có Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Việt Nam, bỏ phiếu trắng.
Trong cả khối ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào bỏ phiếu trắng, còn Campuchia, Myanmar "hòa nhịp" với các nước còn lại bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết lên án cuộc xâm lăng của Nga.
Nhìn chung, Cao Miên, một đồng minh cật ruột của Trung Quốc đã biết bảo vệ danh dự và tư cách độc lập của một quốc gia tự chủ để hành sử trước mắt Thế giới hơn hẳn Việt Nam.
Bằng chứng nhãn tiền
Trước cuộc họp ngày 7/4, Liên Hiệp Quốc và cả Thế giới đã được xem rất nhiều hình ảnh và lời tường thuật của người dân Ukraine về sự tàn sát dã man của quân đội Nga nhằm vào thường dân tại Bucha, bên ngoài Thủ đô Kyiv và thành phố biển Mariupol ở phía đông, trung tâm vùng Donbas thân Nga.
Tại cả hai nơi, một số hầm chứa xác dân được khai quật cho thấy nhiều người bị trói trước khi bị hành quyết, trong khi nhiều xác người nằm rải rác trên các đường phố và khu dân cư tan hoang vì đạn pháo kích và hỏa tiễn Nga.
Ấy thế mà Nga đã trắng trợn cáo buộc Ukraine, được Mỹ và Tây phương hậu thuẫn, đã "dàn dựng" những hình ảnh người chết để chống Nga. Tuy nhiên tuyên truyền của Nga đã bị các phóng viên báo chí Tây phương lột mặt nạ qua các đoạn phim tường thuật tại chỗ khiến Thế giới phẫn nộ. Tổng thống Mỹ, Joe Biden và một số nước khác gọi đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin là "đồ tễ". Một số tổ chức quốc tế, kể cả Hồng Thập tự Quốc tế (Red Cross) đã cử nhân viên sang Ukraine điều tra tội ác của Putin.
Việt Nam Việt Nam bỏ phiếu trắng Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine
Lập trường của Việt Nam
Trước thái độ đa số chống Nga tại Liên Hiệp Quốc, phía Việt Nam đã cố gắng "đứng giữa" để không bị mất lòng Nga, nước đồng minh lâu dời và cũng là ân nhân của Đảng cộng sản Việt Nam. Do đó, Đại biểu Việt Nam là Đặng Hoàng Giang đã phát biểu trong cuộc bỏ phiếu ngày 2/3/2022 rằng : "Việt Nam hết sức lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc… Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh, nhằm đạt được giải pháp lâu dài có tính đến lợi ích và quan ngại của tất cả các bên, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia".
Vào ngày hôm sau, 3/3/2022, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng tuyên bố tại Hà Nội : "Việt Nam luôn theo dõi sát sao và hết sức quan ngại trước tình hình xung đột vũ trang tại Ukraine đang ảnh hưởng tới hoà bình, ổn định tại khu vực và trên thế giới".
Bà Hằng nói : "Chúng tôi cho rằng ưu tiên hiện nay là cần kiềm chế tối đa, chấm dứt các hành động sử dụng vũ lực để tránh gây thêm thương vong và tổn thất đối với dân thường, nối lại đối thoại và đàm phán thông qua tất cả các kênh nhằm đạt được giải pháp lâu dài, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên, trên cơ sở phù hợp với Hiến chương của Liên hợp quốc các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế".
Tuy nhiên đến lần bỏ phiếu viện trợ nhân đạo cho Ukraine thì Việt Nam lại "bỏ phiếu trắng", không ra mặt chống nhưng cũng không dám ủng hộ vì sợ mất lòng Trung Quốc, vì Bắc Kinh cũng bỏ phiếu trắng. Đến cuộc bỏ phiếu trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam cũng theo đuôi Trung Quốc bỏ phiếu chống. Hành động này được phía Việt Nam biện giải là "quá vội vàng" vì các cuộc điều tra vi phạm nhân quyền của Nga ở Ukraine chưa hoàn tất.
Như vậy cho thấy phía Việt Nam đã không dám tự quyết định khi đụng chạm đến quyền lợi của Nga và Trung Quốc. Nói cách khác, sự lệ thuộc chính trị đã làm mất lý trí để phân định giữa lẽ phải và điều gian trá trong quan hệ quốc tế.
Hành động của Việt Nam được coi là việc trả nợ cho Nga và Trung Quốc, vì hai nước này luôn luôn lên tiếng bênh vực Việt Nam mỗi khi bị Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế tố cáo Việt Nam vị phạm nhân quyền.
Mỗi khi bị quốc tế lên án, Việt Nam thường đưa ra một số sự kiện tiêu biểu để bác bỏ, như : Người dân Việt Nam có đầy đủ các quyền như quy định trong Hiến pháp và luật pháp như các quyền tự do ngôn luận và tư tưởng, quyền được thông tin ; quyền tự do tín ngưởng, tôn giáo ; quyền cư trú và đi lại ; tự do hội họp, phát biểu và kinh doanh, v.v...
Việt Nam cũng bác bỏ tố cáo của quốc tế cho rằng Việt Nam tiếp tục giam giữ các "tù nhân chính trị" và "tù nhân lương tâm". Theo lập luận của Việt Nam thì những người bị giam giữ, không do thực hiện các quyền tự do mà "đã vi phạm luật pháp" của Việt Nam.
Sự thật là sự thật
Tuy nhiên, sự thật là có các nhóm Nhà báo đôc lập và cô Phạm Đoan Trang đã bị bắt tù chỉ vì muốn thực quyền quyền tự do ngôn luận.
Nhóm Nhà báo đôc lập được thành lập bởi các ông Phạm Chí Dũng (56 tuổi), Nguyễn Tường Thụy (72 tuổi) và Lê Hữu Minh (34 tuổi), đã bị phạt tù từ 11 đến 15 năm. Trong khi Nhà báo nữ Phạm Đoan Trang, 44 tuổi đã bị phạt tù 9 năm
Ngoài ra Tòa án nhân dân huyện Thới Lai, Cần Thơ vào chiều 28/10/2021 tuyên phạt 5 nhà báo của nhóm Báo Sạch tổng cộng 14 năm 6 tháng tù giam. Những nhà báo độc lập này bị cáo buộc tội danh "lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức cá nhân" theo Khoản 2 Điều 331 Bộ Luật Hình sự.
Cụ thể, ông Trương Châu Hữu Danh bị tuyên 4 năm 6 tháng tù, ông Đoàn Kiên Giang và Lê Thế Thắng mỗi người 3 năm tù ; ông Nguyễn Phước Trung Bảo và Nguyễn Thanh Nhã đồng mức án 2 năm tù (Đài Á Châu Tự do, ngày 28/10/2021)
Nhưng dưới con mắt xếch của Nhà nước cộng sản Việt Nam thì nhân quyền ở Việt Nam hoàn toàn được bảo vệ. Vì vậy, trong một phát biểu năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói văng mạng rằng : "Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ, cuộc sống bình yên, an ninh, an toàn, an dân, đó là điều quan trọng nhất, phát huy tối đa yếu tố con người. Đồng thời giữ vững ổn định chính trị. Xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, không hy sinh an sinh xã hội, môi trường, tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại ; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng ; là bạn, đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế" (VOV, ngày 06/12/2021).
Ông Chính nói như thế để đề cao quyền lợi vật chất của Nhà nước theo chủ nghĩa duy vật dành cho dân, nhưng hạ thấp quyền lợi tinh thần của con người vì con người không chỉ sống và được hưởng hạnh phúc nếu không có các quyền tự do cơ bản từ khi sinh ra.
Ngoài ra, khi ông Chính bảo "Nhân quyền lớn nhất ở Việt Nam là lo cho 100 triệu dân ấm no và hạnh phúc, dân chủ…" thì dân chủ của dân ở đâu ? Bằng chứng "quyền làm chủ" của dân đối với đất nước, tài sản quốc gia, đất đai, biển cả đã bị đảng và nhà nước chiếm hữu "hợp pháp", như quy định trong Điều 53, Hiến pháp năm 2013 viết rằng : "Đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, tài nguyên thiên nhiên khác và các tài sản do Nhà nước đầu tư, quản lý là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý".
Cũng thế, Điều 4 Hiến pháp đã áp đặt không những quyền cai trị "đương nhiên" của Đảng cộng sản mà còn cưỡng chế dân phải chấp nhận chủ nghĩa cộng sản, như quy định, theo đó : "Đảng cộng sản Việt Nam - đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, Nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội".
Ngoài ra, trong các cuộc bầu cử các cấp từ Hội đồng Nhân dân lên Quốc hội, cử tri phải bỏ phiếu theo nguyên tắc "đảng cử dân bầu", và không được quyền từ chối bỏ phiếu. Mặt trận Tổ quốc, tổ chức tay sai của đảng đã dàn dựng các cuộc bầu cử này để bảo đảm sự sắp đặt được hoàn hảo theo như đảng yêu cầu. Nếu thảng hoặc có ứng cử viên độc lập, hay ngoài đảng trúng cử thì cũng là do đảng sắp đặt để phô trương có dân chủ.
Như vậy, nếu so sánh những cuộc tàn sát dân lành của Nga ở Ukraine từ ngày 14/2/2022 với những vụ giết hại dân của Quân đội công sản Việt Nam trong 30 năm chiến tranh, trong đó có cuộc thảm sát hàng chục ngàn thường dân vô tội ở Huế năm Mậu Thân năm 1968, và trên "đại lộ kinh hoàng" Quảng Trị-Thừa Thiên-Huế năm 1972 thì cán cân nghiêng về phía nào ?
Do đó, 3 cuộc bỏ phiếu bênh Nga của Việt Nam ở diễn đàn Liên Hiệp Quốc chỉ bộc lộ tính lệ thuộc và "cùng hội cùng thuyền" với Putin của những người lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản Việt Nam.
Phạm Trần
(20/04/022)
Nga tiến hành cuộc chiến xâm lăng Ukraine dẫn đến việc Mỹ và phương Tây áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga. Đây cũng là quốc gia có đông người Việt Nam sinh sống và làm ăn, một cộng đồng có từ thời còn Liên Xô. Vậy những biện pháp trừng phạt này có tác động ra sao đối với cuộc sống người Việt ở Nga ?
Đồng rúp bị mất giá so với đôla và euro do chính tranh Ukraine ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của dân Nga nói chung và giới kinh doanh người Việt nói chung. AP - Alexander Zemlianichenko Jr
Người Việt Nam đến Nga bằng nhiều con đường, thông thường qua ngả du lịch hay đi thăm người thân, rồi tìm cách hợp pháp hóa giấy tờ để định cư, nên số liệu thống kê chính thức là không có, theo giải thích của một người Việt Nam, xin ẩn danh, với Ban tiếng Việt đài RFI qua thư điện tử.
Cũng theo người Việt này, dịch bệnh Covid-19 kéo dài hai năm qua cũng gây khó khăn cho công việc kinh doanh của không ít người Việt. Giờ đây, với lệnh cấm vận của Mỹ và phương Tây, cuộc sống của người dân Nga nói chung và người Việt Nam nói riêng bắt đầu bị xáo trộn.
Nhân chứng này giải thích : "Dịch bệnh hai năm qua tuy cũng ảnh hưởng đến việc kinh doanh của người Việt ở Nga, có người làm được, có người thì không, thành ra dịch bệnh là dịch chung của cả thế giới. Nhưng vấn đề "chiến dịch đặc biệt" của Nga ở Ukraine, đấy là một mất mát rất là nặng, thiệt hại rất là nặng cho người Việt ở Nga, ảnh hưởng rất nhiều đến công việc. Tạm thời hiện tại chưa gây sâu sắc lắm, nhưng hoang mang trong giới kinh doanh là có.
Thật ra, tạm thời khi đồng rúp mất giá, mất mát của người Việt ở Nga cũng rất là nặng. Ví dụ như trước đây, những thợ may làm một tháng khoảng chừng 70 ngàn rúp, thì họ đã có 1.000 đô la để gởi về cho gia đình, thì số tiền đó giờ chỉ còn khoảng chừng 500-600 đô la. Đây là một thiệt hại lớn.
Và nếu như người chủ phải trả đúng theo đô la thì thiệt hại cho chủ cũng rất nặng, mọi chi phí sẽ làm tăng giá hàng hóa, trong khi mức bán ra chưa tăng lên và giá hàng cũng chưa thể tăng thêm, vì nếu lên giá nhiều hàng hóa cũng khó thể bán ra. Đây cũng chính là những thiệt hại chung của người Việt ở Nga".
RFI tiếng Việt : Được biết là chính phủ Moskva cũng cho đóng cửa nhiều trang mạng xã hội. Vậy biện pháp này của chính quyền có tác động ra sao với cuộc sống người Việt Nam ở Nga ? Trong tình hình này, người Việt Nam định cư làm ăn ở Nga có tính toán ra sao ?
Nhân chứng ẩn danh : Việc chính phủ đóng nhiều trang mạng xã hội chỉ ảnh hưởng đến một số ít những người buôn bán nhỏ lẻ, các tiểu thương, nhưng số tiểu thương người Việt mình ở Nga cũng không nhiều lắm.
Với tình hình như hiện tại, giới kinh doanh người Việt ở Nga hoàn toàn chưa có một định hình gì cho tương lai cả. Hiện tại chỉ chờ xem tình hình chung và cuộc chiến giữa hai nước, và sau đó lệnh cấm vận sẽ ảnh hưởng như thế nào thì mới tính. Còn bây giờ thật sự ra cũng chỉ chờ xem nghe ngóng tình hình.
RFI tiếng Việt : Liệu những đòn trừng phạt như vậy có ảnh hưởng gì đến chuyện đi lại về Việt Nam thăm nhà ?
Nhân chứng ẩn danh : Là người Việt Nam, đương nhiên cũng thích về thăm nhà, nghỉ ngơi, tắm biển, nhưng hai năm dịch bệnh vì những quy định khắt khe nên cũng không muốn về lắm. Giờ cũng vì đồng rúp mất giá mà vé máy bay cũng tính theo đồng đô la Mỹ, đồng euro, trong khi thu nhập vẫn như cũ, nên vé máy bay nếu mà quy ra rúp cao hơn rất là nhiều so với trước".
RFI tiếng Việt, 22/03/2022
Bỏ phiếu chống Nga để bảo vệ chính mình
Cuộc chiến tranh xâm lược của Nga vào lãnh thổ Ukraine đã bước sang ngày thứ bảy. Từ ngày 28 tháng 2 đến 2 tháng 3, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã mở phiên họp khẩn cấp lần thứ 11 để thảo luận về tình hình Ukraine. Tại đây, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã bày tỏ lo ngại về tình hình xung đột vũ trang hiện nay ở Ukraine, một quốc gia thành viên có chủ quyền của Liên Hiệp Quốc đồng thời kêu gọi các bên liên quan giảm leo thang căng thẳng, nối lại đối thoại và đàm phán.
- Reuters
Bà Nataliya Zhynkina, Đại biện lâm thời Ukraine tại Việt Nam khi trả lời BBC tiếng Việt hôm 28 tháng 2 cho rằng "chúng ta nên sát cánh cùng nhau để không cho phép Nga phá vỡ trật tự thế giới hiện có". Bà Nataliya qua đó, mong chính phủ Việt Nam sẽ bỏ phiếu ủng hộ nghị quyết của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc do Albania và Hoa Kỳ đưa ra vào ngày 2 tháng 3 nhằm lên án hành động xâm lược của Nga với Ukraine vì vi phạm điều khoản của Hiến chương Liên Hiệp Quốc.
Ông Đinh Kim Phúc, một người từng dạy môn lịch sử và quan hệ quốc tế, người quan sát và bình luận chính trị trước tình hình trên nhận định rằng, Việt Nam phải rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm qua vụ Ukraine. Ông nêu ví dụ :
"Thí dụ như trường hợp Singapore. Đây là đất nước tách ra liên bang Malaysia để lập quốc vào năm 1965 trong lúc Mao Trạch Đông coi người Hoa ở hải ngoại là đạo quân thứ năm để thực hiện chiến lược toàn cầu của Trung Quốc lúc bấy giờ. Khi Singapore lập quốc thì gần 70% công dân nước này là hậu duệ của người Hoa. Chính vì vậy mà Malaysia, Indonesia và Mindanao của Philippines xem Singapore là con ngựa thành Troy của Trung Quốc ở Đông Nam Á. Họ nghĩ Singapore có thể là nước nối tiếp để cộng sản Trung Quốc bành trướng xuống khu vực Đông Nam Á. Do đó, họ có sự nghi kỵ Singapore.
Chính vì cội nguồn và bối cảnh lịch sử như vậy, khi Việt Nam đưa quân vào Campuchia năm 1979 và ở đó 10 năm, Singapore là nước lớn tiếng nhất chống Việt Nam xâm lược Campuchia. Lên án Việt Nam hàng ngày, hàng giờ trên phương tiện truyền thông cũng như tranh luận quốc tế trong khi Singapore là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam lúc bây giờ. Singapore cũng là cửa ngõ để Việt Nam buôn bán giao thương với phương Tây trong điều kiện Mỹ cấm vận.
Vậy câu hỏi đặt ra là phải chăng Singapore ghét Việt Nam, thương Khmer Đỏ ? Câu trả lời là không ! Chỉ vì Singapore không muốn tạo ra một tiền lệ ở Đông Nam Á, là lực lượng của quốc gia này tiến công vào quốc gia khác có chủ quyền, là thành viên Liên Hiệp Quốc".
Theo ông Đinh Kim Phúc, Việt Nam cần bỏ lá phiếu ủng hộ về tiến trình hòa bình cho Ukraine ; lên án tất cả các cuộc xâm lược trên thế giới và kêu gọi tất cả các nước phải tuân thủ hiến chương Liên Hiệp Quốc, tuân thủ công pháp quốc tế.
Không chỉ để bảo vệ Ukraine mà lá phiếu của Việt Nam theo ông Đinh Kim Phúc còn để thể hiện Việt Nam bảo vệ cho chính mình trước âm mưu của phương Bắc.
Hợp tác với Mỹ và phương Tây
Cùng nhìn nhận về chiến sự Ukraine nhưng phân tích về tình hình Việt Nam, Luật sư Vũ Đức Khanh nhận định có những điểm khác biệt. Ông nói :
"Điểm khác biệt thứ nhất, đó là Nga có thể tấn công vào trong lãnh thổ của Ukraine nhưng Trung Quốc sẽ không tấn công vào lãnh thổ của Việt Nam. Vì nếu Trung Quốc làm giống như Nga thì Trung Quốc sẽ bị thế giới tẩy chay, giống như là trường hợp của Nga.
Điểm khác biệt thứ hai, theo nhận định cá nhân của tôi, Trung Quốc không có ý định tấn công Đài Loan mặc dầu sẽ tăng áp lực lên Đài Loan rất là nhiều. Nếu như có những tiến triển thuận lợi thì Trung Quốc có thể chớp nhoáng tấn công các đảo ở Trường Sa của Việt Nam, là chủ yếu.
Nhưng trong trường hợp quần đảo Trường Sa thì không có một quốc gia nào trên thế giới, kể cả Hoa Kỳ, công nhận chủ quyền của bất cứ nước nào hết. Do đó, nếu có sự phản ứng của thế giới, thì họ chỉ nhân danh cái quyền tự do hàng hải và họ không chấp nhận cái nguyên tắc gọi là dùng vũ lực để mà giải quyết những cái vấn đề tranh chấp giữa hai quốc gia. Điều đó là điều duy nhất mà họ có thể làm. Còn ngoài ra, họ không thể nào làm được gì hết. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa Ukraine và Việt Nam".
Theo Luật sư Vũ Đức Khanh, tình hình chiến tranh hiện nay ở Ukraine là cơ hội cho Việt Nam chuyển đổi sự lệ thuộc trong mối quan hệ chính trị, ngoại giao và quân sự với Nga sang sự hợp tác với Mỹ và phương Tây. Ông nhắc lại hồi năm 2016, cựu Tổng thống Obama trước khi tới Việt Nam đã ký bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam, mở đường cho mối quan hệ về quân sự sâu rộng với Việt Nam. Nhưng sáu năm qua vẫn ở mức vô cùng khiêm tốn. Luật sư Khanh kết luận :
"Dầu có hay không một giải pháp hòa bình với Nga trong cuộc chiến với Ukraine thì Nga vẫn đứng bên lề thế giới ít nhất trong năm năm tới. Đây là cơ hội tốt nhất cho Việt Nam tiếp cận với Hoa Kỳ để đảm bảo an ninh cho Việt Nam".
Nhiều người Việt Nam trong những ngày qua lên tiếng ủng hộ Ukraine bằng nhiều hình thức. Hôm 26 tháng 2, một số công dân, tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam cùng ký một ‘Thư ủng hộ nhân dân Ukraine’ gửi đến bà Nataliya Zhynkina - Đại biện lâm thời của Đại sứ quán Ukraine tại Việt Nam.
Bức thư do Lập Quyền Dân, Ban Vận Động Văn Đoàn Độc Lập, Diễn Đàn Xã hội dân sự, Câu lạc bộ Nguyễn Trọng Vĩnh, Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng khởi xướng. Trong đó có đoạn :
"Là một đất nước phải trải qua nhiều cuộc chiến tranh cho tới tận cuối thập niên 1980, người Việt Nam chúng tôi thấu hiểu cái giá mà Ukraine phải trả để giữ vững được chủ quyền và nền dân chủ của mình trước chủ nghĩa bá quyền Putin. Chúng tôi kiên quyết lên án hành vi xâm lược trắng trợn của Putin vào Ukraine và hoàn toàn ủng hộ cuộc kháng chiến chính nghĩa của nhân dân và chính phủ Ukraine.
Chúng tôi cũng hiểu rằng bảo vệ Ukraine lúc này không chỉ là bảo vệ hòa bình mà còn là bảo vệ một nền dân chủ non trẻ vừa mới thoát ra khỏi quá khứ độc tài. Là những người yêu chuộng tự do, chúng tôi luôn đứng bên cạnh nhân dân Ukraine để gìn giữ nền dân chủ của các bạn".
Nga hiện là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam. Trong khi đó, Ukraine là nguồn cung cấp thiết bị quân sự chính cho Việt Nam, đóng vai trò trong việc giúp Việt Nam nâng cấp và hiện đại hóa quân đội.
Nhiều nhà bình luận chính trị cho rằng, Việt Nam đang ở thế khó xử khi lên án Nga trong cuộc chiến mà quốc tế cho rằng ‘phi lý và vô nghĩa’ hiện nay.
Nguồn : RFA, 02/03/2022
Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Công ty Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital được Foreign Broadcast Information Service - FBIS hôm 1/3/2022 dẫn lời rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng cao.
Thủy sản là mặt hàng nông sản Việt có thế mạnh tại Nga.
Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 1/3 lại cho rằng, sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến Việt Nam :
"Việt Nam và Nga có quan hệ ngoại thương rất là thấp, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 4,9 USD và nhập khẩu từ Nga là 2,1 tỷ USD. Như vậy tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga chỉ khoảng 7 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy vậy cuộc chiến Nga - Ukraine đẩy giá dầu lên, giá nguyên liệu lên, ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam. Thứ hai nữa là một số ngành của Việt Nam như nhà máy điện, giàn khoan dầu khí... phụ thuộc phụ tùng của Nga, và nếu như cấm vận Nga thì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam".
Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng chung toàn thế giới, mà Việt Nam nhập dầu lửa và khí đốt sẽ phải chịu ảnh hưởng. Ngoài ra theo ông Doanh, thương mại trực tiếp Nga - Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng ông Doanh cho rằng tác động này sẽ không quá lớn để có thể ảnh hưởng gì đến nền kinh tế và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo :
"Bây giờ phương Tây nhiều nước cấm vận Nga, nếu Việt Nam mà không tuân thủ thì có lẽ sẽ phải chịu vạ lây. Tôi tin rằng đó cũng là ảnh hưởng tiêu cực, nhưng riêng nhập khẩu than từ Nga thì Việt Nam có thể tìm một nhà cung cấp khác, có thể giá cao hơn, nhưng tìm nguồn thay thế được".
Theo bà Nguyễn Hoài Thu, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể là những doanh nghiệp không thể tăng giá để bù đắp chi phí sản xuất và vận tải ngày càng tăng, bao gồm cả các doanh nghiệp xuất khẩu.
Chủ một doanh nghiệp sản xuất ở Sài Gòn không muốn nêu tên cho biết, ông chưa thấy ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine, nhưng giá cước vận chuyển hàng hóa đi Châu Âu đã tăng từ nhiều tháng trước, nay lại tiếp tục tăng do giá dầu thế giới tăng, làm tăng chi phí, giàm lợi nhuận :
"Cước tàu tăng chiếm một phần rất lớn trong lợi nhuận của mình trước đây... mình có tăng giá lên đi chăng nữa thì nó cũng không thể nào bù lại được phần tăng chênh lệch cước nhiều như vậy được...".
Theo số liệu của Bộ Công thương, trong năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga đạt 7,1 tỷ USD tăng 26% so với năm 2020, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Còn thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Ukraine trong năm 2021 chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đạt 720 triệu USD, tăng 50% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam nhập siêu từ Ukraine 30 triệu USD.
Trong khi đó cũng trong ngày 1/3, truyền thông nhà nước dẫn nguồn từ Dragon Capital dựa trên ba kịch bản giá dầu trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine dự đoán lạm phát 2022 của Việt Nam từ 3,58% đến 4,18%.
Giám đốc Công ty Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital - Nguyễn Hoài Thu cũng cho rằng, lạm phát có thể khiến tiêu dùng và giải ngân đầu tư, bao gồm cả đầu tư công, bị thu hẹp.
Chuyên gia kinh tế - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 1/3 nhận định :
"Những ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cũng như trừng phạt của quốc tế đối với Nga có ảnh hưởng không lớn đến Việt Nam. Hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lớn nhất là với Trung Quốc, rồi đến Hàn Quốc và các nước ASEAN... vì thế nguồn từ Nga không đáng kể. Vì vậy thực tế chỉ có tác động gián tiếp đến Việt Nam do giá dầu và một số nguyên liệu trên thế giời tăng".
Liên quan giao thương giữa Việt Nam và Ukraine, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói tiếp :
"Việt Nam với Ukraine xưa nay cũng có giao thương, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn bé nữa so với kim ngạch Việt Nam - Nga. Vì thế xung đột này ảnh hưởng không lớn đến xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam so với các nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều. Tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam là có nhưng không đáng kể".
Trong khi đó, FBIS dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư Maybank - MIB cho biết, những tác động gián tiếp đến Việt Nam bao gồm giá nhiên liệu, kim loại và ngũ cốc tăng mạnh.
Nga chiếm 11% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng, 18% than đá, 8% thép, 14% nhôm, 5% đồng và 10% ngũ cốc. Theo MIB, cuộc khủng hoảng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp lớn đến nền kinh tế Việt Nam do thương mại với Nga chỉ chiếm 1% thương mại quốc tế của Việt Nam vào năm 2021.
Dù vậy, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, vai trò của Nga và Ukraine ngày càng tăng đối với thương mại quốc tế. Do đó, Việt Nam vẫn sẽ chịu một số tác động do hai quốc gia này có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu.
Nguồn : RFA, 01/03/2022