Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

01/03/2022

Khủng hoảng Ukraine và Việt Nam

RFA tiếng Việt

Khủng hoảng Ukraine ảnh hưởng đến chi phí sản xuất của Việt Nam ở mức nào ?

Bà Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Công ty Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital được Foreign Broadcast Information Service - FBIS hôm 1/3/2022 dẫn lời rằng các biện pháp trừng phạt của EU đối với Nga và sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng có thể dẫn đến tình trạng thiếu nguyên liệu đầu vào, khiến chi phí sản xuất tại Việt Nam tăng cao.

chiphi2

Thủy sản là mặt hàng nông sản Việt có thế mạnh tại Nga.

Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, khi trả lời RFA hôm 1/3 lại cho rằng, sẽ không ảnh hưởng quá lớn đến Việt Nam :

"Việt Nam và Nga có quan hệ ngoại thương rất là thấp, Việt Nam xuất khẩu sang Nga 4,9 USD và nhập khẩu từ Nga là 2,1 tỷ USD. Như vậy tổng xuất nhập khẩu của Việt Nam và Nga chỉ khoảng 7 tỷ USD, chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy vậy cuộc chiến Nga - Ukraine đẩy giá dầu lên, giá nguyên liệu lên, ảnh hưởng đến lạm phát của Việt Nam. Thứ hai nữa là một số ngành của Việt Nam như nhà máy điện, giàn khoan dầu khí... phụ thuộc phụ tùng của Nga, và nếu như cấm vận Nga thì cũng ảnh hưởng tiêu cực đến Việt Nam".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, xung đột Nga - Ukraine ảnh hưởng chung toàn thế giới, mà Việt Nam nhập dầu lửa và khí đốt sẽ phải chịu ảnh hưởng. Ngoài ra theo ông Doanh, thương mại trực tiếp Nga - Việt Nam cũng bị ảnh hưởng tiêu cực. Nhưng ông Doanh cho rằng tác động này sẽ không quá lớn để có thể ảnh hưởng gì đến nền kinh tế và xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cảnh báo :

"Bây giờ phương Tây nhiều nước cấm vận Nga, nếu Việt Nam mà không tuân thủ thì có lẽ sẽ phải chịu vạ lây. Tôi tin rằng đó cũng là ảnh hưởng tiêu cực, nhưng riêng nhập khẩu than từ Nga thì Việt Nam có thể tìm một nhà cung cấp khác, có thể giá cao hơn, nhưng tìm nguồn thay thế được".

Theo bà Nguyễn Hoài Thu, những doanh nghiệp bị ảnh hưởng nhiều nhất có thể là những doanh nghiệp không thể tăng giá để bù đắp chi phí sản xuất và vận tải ngày càng tăng, bao gồm cả các doanh nghiệp xuất khẩu.

Chủ một doanh nghiệp sản xuất ở Sài Gòn không muốn nêu tên cho biết, ông chưa thấy ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine, nhưng giá cước vận chuyển hàng hóa đi Châu Âu đã tăng từ nhiều tháng trước, nay lại tiếp tục tăng do giá dầu thế giới tăng, làm tăng chi phí, giàm lợi nhuận :

"Cước tàu tăng chiếm một phần rất lớn trong lợi nhuận của mình trước đây... mình có tăng giá lên đi chăng nữa thì nó cũng không thể nào bù lại được phần tăng chênh lệch cước nhiều như vậy được...".

Theo số liệu của Bộ Công thương, trong năm 2021, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Nga đạt 7,1 tỷ USD tăng 26% so với năm 2020, chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam.

Còn thương mại hai chiều giữa Việt Nam – Ukraine trong năm 2021 chỉ chiếm 0,1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam, đạt 720 triệu USD, tăng 50% so với năm 2020. Trong đó, Việt Nam nhập siêu từ Ukraine 30 triệu USD.

Trong khi đó cũng trong ngày 1/3, truyền thông nhà nước dẫn nguồn từ Dragon Capital dựa trên ba kịch bản giá dầu trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine dự đoán lạm phát 2022 của Việt Nam từ 3,58% đến 4,18%.

Giám đốc Công ty Đầu tư chứng khoán và trái phiếu của VinaCapital - Nguyễn Hoài Thu cũng cho rằng, lạm phát có thể khiến tiêu dùng và giải ngân đầu tư, bao gồm cả đầu tư công, bị thu hẹp.

Chuyên gia kinh tế - Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, thuộc Học viện Tài chính Việt Nam, khi trả lời RFA hôm 1/3 nhận định :

"Những ảnh hưởng của xung đột Nga - Ukraine cũng như trừng phạt của quốc tế đối với Nga có ảnh hưởng không lớn đến Việt Nam. Hiện nay kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam lớn nhất là với Trung Quốc, rồi đến Hàn Quốc và các nước ASEAN... vì thế nguồn từ Nga không đáng kể. Vì vậy thực tế chỉ có tác động gián tiếp đến Việt Nam do giá dầu và một số nguyên liệu trên thế giời tăng".

Liên quan giao thương giữa Việt Nam và Ukraine, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh nói tiếp :

"Việt Nam với Ukraine xưa nay cũng có giao thương, nhưng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước còn bé nữa so với kim ngạch Việt Nam - Nga. Vì thế xung đột này ảnh hưởng không lớn đến xuất nhập khẩu và hoạt động sản xuất kinh doanh của Việt Nam so với các nước mà Việt Nam nhập khẩu nhiều. Tác động của nó đối với kinh tế Việt Nam là có nhưng không đáng kể".

Trong khi đó, FBIS dẫn thông tin từ các nhà nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư Maybank - MIB cho biết, những tác động gián tiếp đến Việt Nam bao gồm giá nhiên liệu, kim loại và ngũ cốc tăng mạnh.

Nga chiếm 11% lượng dầu xuất khẩu toàn cầu, 8% khí đốt tự nhiên hóa lỏng, 18% than đá, 8% thép, 14% nhôm, 5% đồng và 10% ngũ cốc. Theo MIB, cuộc khủng hoảng sẽ không ảnh hưởng trực tiếp lớn đến nền kinh tế Việt Nam do thương mại với Nga chỉ chiếm 1% thương mại quốc tế của Việt Nam vào năm 2021.

Dù vậy, theo Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đinh Trọng Thịnh, vai trò của Nga và Ukraine ngày càng tăng đối với thương mại quốc tế. Do đó, Việt Nam vẫn sẽ chịu một số tác động do hai quốc gia này có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng và năng lượng toàn cầu.

Nguồn : RFA, 01/03/2022

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 329 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)