"Người nghèo" lại được các viên chức hữu trách nhắc tới như đối tượng hàng đầu trong hoạch định và thực thi chính sách, song sự quan tâm cũng vẫn chỉ dừng lại trên chót lưỡi và đầu môi.
Những người nông dân đang lên thành phố bán sức lao động tại Hà Nội (Hình : Nguyễn Đình Hà)
***
Hồi trung tuần tháng 8, sau khi giới thiệu kế hoạch tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) dự trù sẽ thực hiện từ đầu năm 2019 (nâng tỉ lệ của các sản phẩm, dịch vụ đang chịu thuế VAT từ 5% lên 6%, thu 12% đối với các mặt hàng đang chịu thuế VAT là 10%), ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, thuộc Bộ Tài chính, nhấn mạnh rằng, dự tính tăng thuế VAT sẽ không ảnh hưởng đến người nghèo vì 60% chi phí của nhóm này dành cho các sản phẩm, dịch vụ (thực phẩm, giáo dục, y tế) thuộc loại không bị tính VAT.
VAT là loại thuế tính trên giá trị tăng thêm của sản phẩm, dịch vụ suốt quá trình từ sản xuất, phân phối đến sử dụng và người cuối cùng trả tiền mua hàng hóa, dịch vụ là đối tượng gánh khoản thuế này. Tăng tỉ lệ VAT đồng nghĩa với việc buộc tất cả mọi người phải trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm phải mua, dịch vụ phải dùng thành ra dự tính tăng tỉ lệ VAT trên đa số hàng hóa, dịch vụ tại Việt Nam bị công chúng phản đối kịch liệt.
Có thể vì vậy nên hai tuần sau, vào hạ tuần tháng 8, bà Vũ Thị Mai, một Thứ trưởng của Bộ Tài Chính, thỏ thẻ với công chúng, xin điều chỉnh lại chút xíu rằng, kế hoạch tăng VAT có ảnh hưởng đến người nghèo nhưng mức độ không nhiều ! Dẫu bà Mai đã nói lại cho rõ nhưng công chúng vẫn không ưng và đã có rất nhiều người giải thích tại sao họ bất bình. Trong số này có ông Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia kinh tế làm việc tại Đại học Fulbright Việt Nam.
Ông Anh vừa đem lý thuyết cơ bản của kinh tế học ra nhắc các viên chức Bộ Tài chính (tỉ lệ thu nhập dành cho tiêu dùng của người nghèo luôn cao hơn người giàu, thành ra gánh nặng VAT mà họ phải mang sẽ có tỉ lệ cao hơn so với thu nhập của họ, tăng VAT chắc chắn sẽ làm giới có thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn) vừa dẫn một tài liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) để chứng minh các viên chức Bộ Tài chính đã "nói lấy được". WB từng tính toán và kết luận rằng, năm 2014, mức đóng VAT của 20% gia đình thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam cao hơn mức đóng VAT của 20% gia đình thuộc nhóm nghèo nhất Việt Nam 4,5 lần. Theo ông Anh, nếu tính toán vừa kể của WB đúng thì so với 20% gia đình thuộc nhóm giàu nhất Việt Nam, gánh nặng VAT/thu nhập của nhóm 20% gia đình nghèo nhất sẽ gấp hai lần.
***
Để bảo vệ dự tính tăng VAT, Bộ Tài chính dẫn các quốc gia trong cộng đồng châu Âu (EU) như bằng chứng, dù nâng tỉ lệ VAT ở Việt Nam thêm từ 1% đến 2% thì vẫn chưa thấm vào đâu so với EU, tại EU người tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ phải trả VAT tới 20%.
Ông Sebastian Eckhardt, Trưởng nhóm chuyên gia kinh tế chi nhánh Việt Nam của WB, tán thêm là đề nghị cải cách chính sách thuế của Bộ Tài chính Việt Nam vừa quan trọng, vừa kịp thời để bảo đảm tăng trưởng bền vững và ổn định kinh tế vĩ mô.
Ông Vũ Thành Tự Anh lập tức đáp trả, các chuyên gia kinh tế quốc tế vẫn ví người nghèo như những con chim ở vị trí cuối cùng của một đàn chim, tốc độ di chuyển của một đàn chim không phụ thuộc vào những con chim khỏe nhất, dẫn đầu mà phụ thuộc vào những con chim yếu nhất ở cuối đàn. Ông Anh chứng minh nếu muốn giảm nợ nần và cân đối được ngân sách thì phải giảm những khoản chi vô bổ chứ không phải là tăng thu.
Qua báo chí Việt Nam, ông Anh hỏi ông Eckhardt rằng, đại diện của WB tại Việt Nam tập tô hồng bức tranh kinh tế Việt Nam từ lúc nào, bất kể điều đó ngược hướng với lợi ích của người nghèo - đối tượng mà WB luôn muốn hỗ trợ ? Chưa thấy ông Eckhardt phản hồi.
Nhìn một cách tổng quát, trấn an của ông Phạm Đình Thi, giải thích của bà Vũ Thị Mai, ý kiến của ông Sebastian Eckhardt, nhận định của ông Vũ Thành Tự Anh đều phát xuất từ góc độ vĩ mô và học thuật, còn đời thường thì sao ?
Hà Hùng, một công dân Đức gốc Việt, sống ở thành phố Mainz, bang Rheinland-Pfalz đã cười sằng sặc khi nghe người viết bài này đề nghị nhận định về so sánh của Bộ Tài chính Việt Nam về thuế suất VAT ở châu Âu với Việt Nam.
Hùng – người mà công việc đòi hỏi phải liên lạc thường xuyên với hệ thống công quyền của Đức bảo rằng, giống như Việt Nam, VAT ở Đức được chia thành hai mức, một mức là 7% đối với tất cả các loại sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho cả đời sống vật chất lẫn tinh thần (như sách). Những sản phẩm, dịch vụ còn lại phải trả VAT là 19%.
Tuy nhiên khác với Việt Nam, sau khi nộp thuế, bao gồm cả VAT, dân Đức được hưởng chế độ giáo dục miễn phí hoàn toàn từ mẫu giáo cho đến hết đại học. Mọi người đều có bảo hiểm y tế. Đãi ngộ trong khám bệnh – chữa bệnh giữa người tự trả tiền bảo hiểm y tế cho mình với người nhận trợ cấp của chính phủ là giống hệt nhau.
Hùng nói thêm rằng, không giống Việt Nam, các viên chức trong hệ thống công quyền Đức rất ít đề cập đến người nghèo, công bằng xã hội,…
Tại Đức, nếu nghèo, người ta đương nhiên được hưởng trợ cấp gia cư. Luật buộc hệ thống công quyền phải bảo đảm chỗ ở của đối tượng nhận trợ cấp gia cư phải đủ diện tích qui định/người, cùng với các tiện nghi tối thiểu như bếp, TV, tủ lạnh. Những người nhận trợ cấp gia cư còn được nhận trợ cấp thực phẩm và luật buộc hệ thống công quyền phải bảo đảm họ luôn đủ ăn. Rồi trợ cấp quần áo riêng cho mùa Hè và mùa Đông để bảo đảm họ đủ mặc, đủ ấm. Nghèo chỉ là trạng thái nên hệ thống công quyền phải thỏa mãn những nhu cầu chính đáng khác của một công dân như nghỉ hè thành ra người nghèo có cả trợ cấp nghỉ hè (10 ngày/năm).
Rất khác với Việt Nam, ở Đức thu – chi nguồn tiền có được từ thuế bị buộc phải công khai. Ngoài việc được một cơ quan độc lập giám sát chặt chẽ, chuyện thu – chi nguồn tiền có được từ thuế còn bị các tổ chức dân sự theo dõi, chất vấn.
Sau cuộc trò chuyện với Hùng, người viết bài này đã thử liên lạc với một số thân hữu đang sống tại vài quốc gia khác ở châu Âu để hỏi thêm về VAT cũng như chi dụng ngân sách tại những quốc gia đó nhưng không thành công, thành ra chỉ dám suy đoán, cùng là thành viên cộng đồng châu Âu, cùng chia sẻ và vun bồi các giá trị chung, có lẽ thu thuế – chi ngân sách tại những quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu không khác Đức nhiều lắm.
So với Việt Nam, VAT ở Đức rõ ràng là gần gấp đôi. Bộ Tài Chính Việt Nam thích yếu tố đó và chỉ muốn đề cập đến yếu tố đó mà thôi. Việt Nam còn lâu mới như Đức và nhiều quốc gia khác vì tại Việt Nam, quản trị - điều hành quốc gia vẫn thế, vẫn chỉ đề cao nghĩa vụ của công dân, còn bổn phận của nhà nước đối với công dân thì không phải miễn bàn mà là không được bàn.
Đâu phải tự nhiên mà Việt Nam vẫn khăng khăng giữ cả "tuyên truyền chống nhà nước" lẫn "lợi dụng các quyền tự do, dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, công dân" khi ban hành bộ luật Hình sự mới.
Trân Văn
Nguồn : VOA, 20/09/2017
Tăng thuế và lý lẽ của "dân chi phụ mẫu"
Tại cuộc họp báo chiều 15/8, Bộ Tài chính đã đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) theo hai phương án : (i) tăng từ 10% lên 12% kể từ ngày 1/1/2019 ; và (ii) tăng theo lộ trình, lên 12% từ ngày 1/1/2019 và 14% từ ngày 1/1/2021.
Hình minh họa.
Lý do để Bộ Tài chính đưa ra đề xuất này là mức thuế VAT 10% hiện tại tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia.
Theo lập luận của Bộ Tài chính thì số lượng quốc gia áp dụng thuế VAT ngày càng tăng, từ khoảng 140 nước năm 2004 lên 160 nước năm 2014, và 166 nước năm 2016. Song song với điều đó, xu thế tăng thuế suất VAT cũng diễn ra phổ biến. Từ năm 2009-2016, các nước đều tăng thuế suất phổ thông. Cụ thể thuế suất VAT trung bình tại EU năm 2000 là 19%, đến năm 2014 lên mức xấp xỉ 21,5%. Các nước OECD cũng có xu hướng tăng thuế suất VAT từ mức bình quân 18% năm 2000, lên khoảng 19% năm 2014, và hơn 19% vào năm 2016.
Và sự thật đằng sau
Mặc dù Bộ Tài chính không nói thẳng ra, nhưng ai cũng hiểu, nguyên nhân bức bách nhất khiến cơ quan chủ quản ngân khố quốc gia phải đề xuất tăng thuế chính là tình trạng thâm thủng ngân sách, thu không đủ bù chi, vốn đã kéo dài nhiều năm nay, trong bối cảnh nợ công đã lên đến mức báo động (theo một chuyên gia của Liên Hợp Quốc là 210% GDP tính đến hết năm 2016) và vẫn đang trên đà gia tăng.
Bất chấp việc một số quan chức trong bộ máy lên tiếng trấn an dư luận, cho rằng người nghèo không bị ảnh hưởng nhiều, hoặc thậm chí là không bị ảnh hưởng bởi việc tăng thuế, đề xuất tăng thuế VAT của Bộ Tài chính vẫn vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận, cả trên truyền thông "lề đảng" lẫn "lề dân". Đơn giản, những lời giải thích của các quan chức kia hoặc là thiếu hiểu biết, hoặc là nguỵ biện. VAT là một loại thuế gián thu, không phân biệt người giàu hay người nghèo, nam phụ hay lão ấu, thế nên tất cả mọi người, bất kể giàu nghèo, đều bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, với mức thu nhập thấp hơn, người nghèo chắc chắn sẽ chịu nhiều ảnh hưởng hơn người giàu.
Ngoài ra, mức thuế suất VAT bình quân trên thế giới dao động với biên độ rất lớn, từ 0% (khoảng 27 nước không áp đặt thuế VAT) đến mức 5% như ở Đài Loan, Kuwait cho đến mức 25% (thậm chí 27%) như tại nhiều nước EU. Vì vậy có thể nói, cái gọi là "thông lệ quốc tế" về thuế suất VAT như lập luận của Bộ Tài chính đơn giản là không tồn tại. Bên cạnh đó, so với các nước trong khu vực (Đài Loan và Nhật Bản 5% ; Thái Lan và Singapore 7% ; Campuchia, Indonesia, Malaysia, Lào và Hàn Quốc 10% ; Philippines 12% ; Ấn Độ 12,5% ; Trung Quốc 17%), thuế suất VAT 10% hiện nay của Việt Nam cũng nằm ở mức trung bình, chứ không hề thấp.
Đặc biệt, theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Trần Đình Thiên thì thu từ thuế và phí (không kể thu từ dầu thô) của Việt Nam hiện đang ở mức rất cao so với các nước trong khu vực. Cụ thể, trung bình trong giai đoạn 2007-2012, tỷ lệ này ở Việt Nam là 21,6% GDP, Trung Quốc là 17,3%, Thái Lan và Malaysia là 15,5%, Indonesia là 12,1% còn Ấn Độ chỉ là 7,8%. "Như vậy, những chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế đang khiến mỗi người dân Việt Nam gánh chịu tỷ lệ thuế phí/GDP cao gấp từ 1,4 đến 3 lần so với các nước khác trong khu vực", Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết.
Tóm lại, những lời giải thích của các quan chức Bộ Tài chính đều là lấp liếm, nguỵ biện, không che dấu được bản chất của việc tăng thuế suất VAT lần này là tiếp tục bòn rút sức dân, những "ông/bà chủ" vốn đã còm cõi vì phải gánh chịu đủ loại thuế phí trên trời dưới đất. Với việc thuế suất VAT tăng lên 12%, gánh nặng thuế phí/GDP lại càng đè nặng lên đôi vai họ.
Cơ hội cho chính phủ Nguyễn Xuân Phúc
Tiếng nói của người dân ngày càng có ảnh hưởng đến công tác hoạch định chính sách của chính phủ. Đó là thực tế không cần phải bàn cãi. Lý do là vì dân chúng Việt Nam ngày càng bạo dạn hơn trong việc bày tỏ chính kiến, đặc biệt là những gì liên quan đến chuyện cơm áo gạo tiền hàng ngày, mà vụ BOT Cai Lậy vừa rồi là một minh chứng nóng hổi. Ngoài ra, bản thân chính phủ Việt Nam cũng đã phải trả nhiều học phí đắt giá khi bất chấp phản ứng của công luận, mà vụ Bauxite Tây Nguyên là một ví dụ điển hình.
Trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ của dư luận, trong cuộc họp chính phủ thường kỳ tháng 8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo : "Với tinh thần năm 2017 là năm giảm chi phí cho doanh nghiệp, trước mắt, chưa đề cập việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí, ảnh hưởng đến doanh nghiệp".
Chỉ đạo của người đứng đầu chính phủ, có thể nói, phần nào đã cho thấy sự lắng nghe phản ứng của dư luận, trước khi "chuyển hoá" thành chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, nếu tất cả chỉ dừng lại ở chừng đó không thôi thì chưa rõ ràng và chưa đủ.
Chưa rõ ràng là vì việc tăng thuế suất VAT trước hết ảnh hưởng đến người dân. VAT là thuế gián thu, đánh vào người tiêu dùng, doanh nghiệp chỉ đơn giản là thu hộ cho nhà nước. VAT làm cho giá hàng hóa tăng lên, khiến sức mua của người tiêu dùng giảm đi, nhưng với những mặt hàng thiết yếu thì mức suy giảm gần như bằng không. Trong khi đó, chỉ đạo của Thủ tướng Phúc lại mới chỉ quan tâm đến doanh nghiệp, mà cũng không chỉ đích danh loại thuế đang khiến dư luận bất bình là VAT.
Chưa đủ là vì "chưa đề cập đến việc tăng các loại thuế, phí, lệ phí" mới chỉ là một giải pháp tình thế trước áp lực của dư luận, mà chưa kèm theo những giải pháp căn cơ, rốt ráo nhằm giáp bớt áp lực ngân sách đang ngày một đè nặng lên hệ thống và quan trọng hơn là quyết tâm chính trị để hiện thực hóa chúng.
Theo Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Nghiên cứu của Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright : "Với thuế suất VAT phổ thông hiện nay là 10%, thì nguồn thu từ thuế VAT đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách của Việt Nam. Trong khi đó, với mức thuế suất trung bình cao hơn hẳn là 21,3%, VAT cũng mới chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU". Khi thuế suất VAT tăng lên thì một mặt sức mua của người dân sẽ giảm ; mặt khác, tình trạng trốn lậu thuế lại càng diễn ra phổ biến. Cả hai yếu tố đều ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách. Nghĩa là, việc tăng thuế suất VAT không đồng nghĩa với việc vai trò của sắc thuế này trong tổng thu ngân sách sẽ được cải thiện tương ứng.
Vì thế, để giải quyết một cách căn cơ tình trạng thâm thủng ngân sách và nợ công ngất ngưởng trong bối cảnh dư luận phản ứng gay gắt trước đề xuất tăng thuế suất VAT hiện nay, chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần nhân cơ hội thúc đẩy mạnh mẽ nghị trình cải cách kinh tế, mà trọng tâm và gai góc nhất là việc tinh gọn và lành mạnh hóa khu vực kinh tế nhà nước :
(i) cổ phần hoá/tư nhân hóa doanh nghiệp nhà nước : nhằm giải phóng nguồn lực trong khu vực kinh tế nhà nước, khu vực nắm giữ phần lớn nguồn lực quốc gia nhất nhưng hiệu quả lại thấp nhất ;
(ii) thị trường hoá/phi điều tiết hoá, đặc biệt là những lĩnh vực còn bị can thiệp nặng nề như điện lực, xăng dầu, v.v… và dịch vụ sự nghiệp công ;
(iii) tinh gọn bộ máy, cắt giảm biên chế ; và
(iv) cải cách đầu tư công (minh bạch, kiểm soát và thắt chặt đầu tư công ; thực hiện nguyên tắc ngân sách cứng, chấm dứt hiện tượng "đội vốn" ; đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp thực hiện đầu tư).
Lê Anh Hùng
Nguồn : VOA, 12/09/2017