Trọng có dám ‘thiêu’ Tiến ?
Phạm Chí Dũng, VOA, 26/09/2019
Phải mất đến hai năm kể từ phiên tòa vụ nhập 9.300 hộp thuốc H-Capita chữa bệnh ung thư "không được sử dụng cho người" với nguyên Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng bị dư luận xem là ‘Lê Lai cứu chúa’, vụ án này mới được Bộ Công an khởi tố ở cấp cao hơn là Cục Quản lý Dược thuộc Bộ Y tế.
Bà Nguyễn Thị Kim Tiến và vụ VN-Pharma - Ảnh Soha
Không có cơ sở đáng thuyết phục nào cho thấy vụ khởi tố trên xuất phát từ ‘quyết tâm đốt lò’ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, trong khi vẫn ngày càng nóng lên dư luận về chuyện ông Trọng thích đốt ‘củi rừng’ hơn là ‘củi nhà’ mà khiến cho tính ‘chính nghĩa’ của chiến dịch được xem là ‘chống tham nhũng’ của ông ta càng lúc càng thiếu thuyết phục và càng bế tắc.
Nhìn lại phiên tòa ‘Lê Lai cứu chúa’
Vụ án VN Pharma, thực chất là nhập khẩu thuốc ung thư giả, đã gây phẫn uất ghê gớm trong dư luận khi Công ty VN Pharma, được cấp phép vô thiên vô pháp bởi Cục Quản lý Dược. Trong 3 năm liên tiếp 2012, 2013, 2014, cục này đã cấp đến 607 giấy phép nhập khẩu thuốc chưa có số đăng ký, không yêu cầu doanh nghiệp nộp giấy phép hoạt động về thuốc và nguyên liệu làm thuốc tại Việt Nam. Trong đó có các loại thuốc không rõ nguồn gốc, không đủ chất lượng và không thể sử dụng làm thuốc chữa ung thư cho con người như H-Capita, H-Epra 40 và H-Lastapen 500mg.
Theo đó, VN Pharma đã tung ra thị trường và vào các bệnh viện hàng trăm ngàn viên thuốc ung thư giả mà đã khiến hàng ngàn bệnh nhân - trong khi chưa chết vì bệnh ung thư thật - thì đã đối mặt với tử thần vì uống thuốc giả.
Một chi tiết rất ‘đáng nể’ là VN Pharma đã giả mạo tất cả hồ sơ, chứng thư để nhập khẩu số thuốc trên, đặc biệt là giả mạo cả giấy xác nhận của tham tán lãnh sự quán Việt Nam tại Canada để hợp pháp hoá lô thuốc H-Capita và đưa vào Việt Nam.
Thế nhưng tại phiên tòa xét xử vụ VN Pharma vào tháng 10 năm 2017, chỉ có Nguyễn Minh Hùng và một số ‘cá bé’ phải nhận án tù, trong khi cấp trên trực tiếp của Hùng là Thứ trưởng y tế kiêm Cục trưởng Cục quản lý Dược Trương Quốc Cường vẫn bình chân như vại dù đã trực tiếp ký rất nhiều giấy phép nhập khẩu cho VN Pharma.
Và trên Trương Quốc Cường là bộ trưởng ‘kim tiêm’ Nguyễn Thị Kim Tiến, quan chức đã bút phê chấp thuận chủ trương cho nhập khẩu thuốc ung thư giả, cũng không hề hấn gì.
‘Ả chuyên giết người’
Sau khi thoát khỏi phiên tòa xử VN Pharma, Nguyễn Thị Kim Tiến đã mạnh miệng trước báo chí : trong gia đình tôi không có ai tham gia VN Pharma’. Đó cũng là khoảng thời gian mà ‘đảng và nhà nước ta’ khởi động bàn tiệc ‘làm nhân sự’ cho đại hội 13, còn các quan chức từ trên xuống dưới chuẩn bị cho một cuộc chạy đua giành giật từng cái ghế trong Ban chấp hành trung ương và Bộ Chính trị. Trong số đó và một lần nữa ấp ủ hy vọng là Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, dù quan chức này đã trở thành ‘hàng hiếm muộn’ trong chính trường bởi là bộ trưởng duy nhất không phải là ‘trung ủy’ (ủy viên trung ương đảng) tại đại hội 12 vào đầu năm 2016.
Nhưng chẳng bao lâu sau lời trần tình có vẻ rất chân thật của Nguyễn Thị Kim Tiến, đã xuất hiện những thông tin rất màu nội bộ vạch trần sự giả dối của bà ta. Theo đó, có ít nhất hai người nhà của Nguyễn Thị Kim Tiến đã tham gia VN Pharma là Hoàng Quốc Dũng - em chồng bà Tiến - là Phó Tổng giám đốc phụ trách mảng đối ngoại và quan hệ với các bệnh viện, đã dùng ảnh hưởng của chị dâu là Bộ trưởng Tiến để đi móc nối và ép các bệnh viện cho công ty VN Pharma trúng thầu thuốc ; và Hoàng Quốc Cường - con trai bà Tiến - là cố vấn của VN Pharma.
Hoàng Quốc Cường, 37 tuổi và thuộc loại ‘tuổi trẻ tài cao’, cũng là nhân vật được người mẹ Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp ký bổ nhiệm làm phó viện trưởng Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 9 năm 2019 - một biểu hiện rõ như ban ngày về sang chấn ‘hốt cú chót’ nếu bà Tiến chẳng may bị ‘văng’’ khỏi đại hội 13.
Nếu Thứ trưởng y tế Trương Quốc Cường không bị quá nhiều dư luận chú ý bởi đặc tính giấu mặt của ông ta, thì đặc thù thích làm nổi của Nguyễn Thị Kim Tiến đã đưa tên bà ta vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trong câu vè ‘Trai kim Cự, gái Kim Tiêm ; Kẻ thì giết biển, ả chuyên giết người’, không chỉ bởi tội nhập thuốc ung thư giả mà đã giết hàng ngàn người bệnh đến hai lần, mà còn để cho toàn bộ ngành y tế rơi vào thảm trạng vô lương tâm trong kiểu cách đối xử với hàng triệu bệnh nhân nghèo.
Nguyễn Thị Kim Tiến cũng là một trong những quan chức bị dân chúng Việt Nam căm ghét nhất và đòi hỏi phải từ chức nhiều nhất. Những làn sóng đòi bà ta phải từ chức cứ rộ lên từng đợt trên mạng xã hội hầu như vào mỗi năm.
Nhưng không những không chịu từ chức, không những được ‘lò’ của Nguyễn Phú Trọng nương nhẹ và không phải chịu bất cứ một hình thứ kỷ luật nào, đến tháng 7 năm 2019 Nguyễn Thị Kim Tiến còn được đặc cách bổ nhiệm Trưởng Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ trung ương, trở thành bộ trưởng duy nhất không phải là ‘trung ủy’ nhưng lại có độ tập quyền thuộc loại cao nhất trong giàn giáo các bộ trưởng và như được đúc khuôn bởi mô hình ‘chủ tịch nước kiêm tổng bí thư’ của Nguyễn Phú Trọng.
‘Củi nhà’ khác ‘củi rừng’ ra sao ?
Tháng 9 năm 2019, bầu không khí ‘toàn đảng’, toàn quân lập thành tích chào mừng đại hội 13’ đã trở nên quyết liệt và hứa hẹn sống mái. Đơn thư tố cáo nội bộ - cái mà đảng cầm quyền xem là ‘thông tin không chính thức’ bất chợt tung ra dày đặc trên mạng xã hội…
Chỉ hai ngày sau khi Nguyễn Thị Kim Tiến ‘hốt cú chót’ vụ con trai Hoàng Quốc Cường, Thanh tra Chính phủ thình lình thông báo kết luận thanh tra vụ nhập khẩu thuốc ung thư giả, nhưng lần này đề cập trực tiếp đến trách nhiệm của Cục quản lý Dược, Bộ Y tế. Đáng chú ý, kết luận thanh tra trên đã chính thức xác định Bộ Y tế đã có nhiều tắc trách trong đăng ký, quản lý nhập khẩu, lưu hành thuốc chữa bệnh, dẫn đến doanh nghiệp nhập khẩu, lưu hành thuốc ung thư giả.
Cũng đáng chú ý, Thanh tra Chính phủ chuyển kết luận thanh tra này sang Ủy ban kiểm tra trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm nêu trong kết luận thanh tra.
Và cũng chỉ vài ngày sau đó, Bộ Công an khởi tố vụ án này.
Như vậy, sau hai năm ‘không chính thức’ kể từ lúc mở tòa xử Công ty Pharma nhập thuốc ung thư giả, cũng là hai năm Bộ trưởng ‘kim tiêm’ Nguyễn Thị Kim Tiến được bảo bọc bởi Nguyễn Phú Trọng - người đã được bà Tiến chăm sóc thường trực và hết mình trong khoảng thời gian ông Trọng bị bạo bệnh từ tháng 4 năm 2019, Nguyễn Thị Kim Tiến đã chính thức bị quy trách nhiệm trong vụ án tán tận lương tâm đó.
Vậy ‘ả chuyên giết người’ sẽ bị xử lý ra sao - chỉ đơn giản là về mặt đảng và một phần trách nhiệm hành chính, hay còn phải ra tòa để với tội danh hình sự nhẹ nhàng nhất cũng phải là ‘thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng’ ?
Nhưng với truyền thống ‘giơ cao đánh khẽ’ và đặc biệt với triết lý mới ‘chống tham nhũng phải nhân văn’ của ‘Tổng tịch’ Nguyễn Phú Trọng, chẳng có gì chắc chắn là Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ phải nhận một hình thức xử lý nào, cho dù là xử lý cho có.
Thậm chí còn có thông tin ‘không chính thức’ cho biết Nguyễn Thị Kim Tiến đã có tên trong danh sách các ủy viên trung ương cho đại hội 13, sau khi Hội nghị trung ương 10 kết thúc vào tháng 5 năm 2019.
Cũng bởi thế, triển vọng bà Tiến tiếp tục được cho tồn tại để tận tình chăm sóc sức khỏe cho Nguyễn Phú Trọng và ‘các đồng chí có công với cách mạng’ là khá tươi sáng.
Rất ‘đồng cảm’ với Nguyễn Thị Kim Tiến còn là hàng loạt quan chức có quá nhiều tai tiếng nhưng vẫn an lạc hành sự như Bí thư Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến, cựu Bí thư Hà Giang Triệu Tài Vinh, Bí thư Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư Yên Bái Phạm Thị Thanh Trà… Tất cả những quan chức này đều được xem là ‘người nhà’ của ‘Người đốt lò vĩ đại’.
******************
VN Pharma : ‘Minh bạch’ lại khóc ngất !
Trân Văn, VOA, 26/09/2019
Hội đồng xét xử sơ thẩm lần thứ hai vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) và đồng bọn "buôn bán thuốc giả" vừa tạt vào mặt "minh bạch" một gáo nước lạnh : Cảnh báo tất cả các cá nhân dự xử, từ bị cáo, nhân chứng, người có quyền và nghĩa liên quan,… cho đến luật sư, báo giới,… rằng, hồ sơ vụ án có một số tài liệu thuộc loại "mật" và "tuyệt mật", vô tình hay cố ý tiết lộ những tài liệu này sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự (1) !
Vụ án Nguyễn Minh Hùng (cựu Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc VN Pharma) và đồng bọn "buôn bán thuốc giả"
***
VN Pharma chào đời năm 2011, năm 2012 thai nghén rồi sinh hạ năm công ty con, đến 2014 trở thành "vua" trong lĩnh vực nhập cảng – tranh thầu - phân phối thuốc, thiết bị y tế cho các bệnh viện trên toàn quốc.
Tháng 9 năm 2014, công an Việt Nam khởi tố vụ "buôn lậu" xảy ra ở VN Pharma. Hàng "buôn lậu" được xác định là H-Capita, một loại thuốc đặc trị ung thư mà VN Pharma xin phép nhập cảng từ Canada và đã được cho phép nhập cảng, phân phối tại Việt Nam.
Có thể tóm tắt vụ "buôn lậu" vừa kể thế này : Thông qua trung gian, VN Pharma tiếp cận với người của một công ty dược có tên là Helix ở Canada để mua H-Capita. Về nguyên tắc, muốn có giấy phép nhập cảng H-Capita, Helix phải cung cấp hồ sơ về H-Capita cho VN Pharma nhưng Helix chẳng có gì để trao cho VN Pharma cả. Do đó VN Pharma thay Helix làm hết (tự soạn từ kết quả nghiên cứu, kết quả thử nghiệm đến giấy phép phân phối tại Canada, hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng,…).
Cho dù có thể tìm thông tin về Helix, về H-Capital trên Internet và chỉ cần dùng Google, cũng có thể nhận ra Helix là… công ty ma, H-Capita là… thuốc đểu nhưng Cục Quản lý Dược của Bộ Y tế - cơ quan kiểm soát, cho phép lưu hành tất cả các lọai dược phẩm sản xuất trong nước và nhập cảng, không làm ! Cơ quan này cũng chẳng nhận ra, những tài liệu liên quan đến H-Capita mà VN Pharma đệ trình có nhiều sai sót ký quái… Nhờ vậy, VN Pharma có giấy phép nhập cảng, phân phối H-Capita tại Việt Nam !
***
Cách nay năm năm, khi vụ VN Pharma/H-Capita bùng lên thành scandal, từng có rất nhiều người thắc mắc, tại sao lại xem ông Hùng và tám đồng phạm "buôn lậu", trong khi tất cả những tình tiết có liên quan đến chuỗi sai phạm này là "buôn bán thuốc giả" ? Tuy nhiên hệ thống tư pháp không thèm giải thích tại sao.
Tháng 8 năm 2017, Hội đồng xét xử sơ thẩm lần đầu, tuyên phạt ông Hùng và ông Võ Mạnh Cường (Giám đốc Công ty H&C – bị cáo buộc là đồng chủ mưu) mỗi người 12 năm tù. Bảy bị cáo còn lại bị phạt nhiều mức khác nhau, cao nhất là 5 năm tù, nhẹ nhất là hai năm tù nhưng được hưởng án treo.
Bản án vừa kể khiến dư luận phẫn nộ không chỉ do điều tra – truy tố - kết án sai bản chất của hành vi phạm tội, đó rõ ràng là "buôn bán thuốc giả" (hình phạt lẽ ra nặng hơn nhiều so với "buôn lậu"), mà còn bỏ sót trách nhiệm của nhiều viên chức như : Nguyễn Quốc Triệu (cựu Bộ trưởng Y tế, nguyên Trưởng Ban Bảo vệ sức khỏe cho Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, nay được thay thế bằng Nguyễn Thị Kim Tiến), Cao Minh Quang, Trương Quốc Cường (cùng là Thứ trưởng Y tế),… Đã vậy còn làm ngơ, không truy xét xem những ai biến VN Pharma thành "vua" !
Chẳng riêng hệ thống tư pháp, hệ thống chính trị và hệ thống công quyền cũng làm ngơ, không thèm đáp ứng yêu cầu của công chúng : Liệu bà Nguyễn Thị Kim Tiến, cựu Thứ trưởng Y tế, nay là Bộ trưởng Y tế, có giữ được sự "vô tư" cần thiết khi ông Hoàng Quốc Dũng, em chồng bà Tiến là Phó Tổng giám đốc của VN Pharma ? Khi VN Pharma/H-Capita bùng lên thành scandal, tại sao bà nói dối – phủ nhận tin đồn bà có thân nhân làm việc cho VN Pharma (2) và chưa bao giờ xin lỗi do đã nói dối ?..
Có thể trận bão dư luận về bản án sơ thẩm xử ông Hùng, ông Cường và các đồng phạm "buôn lậu" là lý do một tháng sau (tháng 9 năm 2017), Viện Kiểm sát phúc thẩm tại Thành phố Hồ Chí Minh đột nhiên tuyên bố đã kháng nghị hủy bản án sơ thẩm. Tháng 10 năm 2017, tới lượt Tòa phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tuyên hủy bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra – xác định lại tội danh, xác định thêm đồng phạm...
***
Đầu tuần này, ông Hùng, ông Cường và các đồng phạm tiếp tục bị đưa đến pháp đình để chịu xét xử sơ thẩm lần hai. Tuy tội danh đã đổi từ "buôn lậu" thành "buôn bán thuốc giả", tuy công an đã khởi tố thêm ba người, nâng tổng số bị cáo từ chín thành 12 nhưng cả ba đều chỉ là nhân viên hoặc của VN Pharma, hoặc của Công ty H&C.
Cho dù phiên xử sơ thẩm lần hai chỉ mới bắt đầu song chắc chắn hàng loạt câu hỏi liên quan đến nhiều vấn đề mà công chúng từng quan tâm sẽ không được giải đáp. Ví dụ, VN Pharma không chỉ nhập và phân phối H-Capita. VN Pharma từng nhập cảng – phân phối ít nhất bảy loại kháng sinh dùng để chích vào tĩnh mạch của… Helix. Helix là… công ty ma. Những được phẩm như H-Capita đã được xác định là không thể dùng… cho người !
Dựa vào các yếu tố đó, y giới cảnh báo, nếu không hội đủ yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng, kháng sinh tiêm vào tĩnh mạch sẽ trở thành đặc biệt nguy hiểm cho người bệnh. Thế nhưng sau scandal VN Pharma/H-Capita, Cục Quản lý Dược chỉ lẳng lặng rút giấy phép lưu hành bảy loại kháng sinh mà VN Pharma từng mua từ Helix !
Còn hệ thống tư pháp (công an, viện kiểm sát, tòa án) của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ? Hệ thống này cũng không bận tâm. Hoạt động điều tra – truy tố - xét xử ông Hùng, ông Cường và các đồng phạm chỉ xoay quanh H-Capita, bất kể một đại biểu Quốc hội vốn là chuyên viên y tế đã từng chất vấn tại sao (3) ?
Ông Hùng, ông Cường và phần lớn thuộc cấp dính líu đến scandal VN Pharma/H-Capita đã bị tạm giam hơn năm năm. Trong năm năm ấy, các viên chức y tế có trách nhiệm liên đới không chỉ vô sự mà còn được qui hoạch để đảm nhận những trọng trách… nặng nề hơn. Ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược ngày ấy, nay là Thứ trưởng Y tế. Ông Nguyễn Tất Đạt, ngày ấy là Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược, nay là Cục phó Cục quản lý Dược...
Mãi đến tuần trước, sau khi Thanh tra của chính phủ chuyển Kết luận Thanh tra việc cấp giấy phép nhập cảng và giấy lưu hành 10 loại thuốc của Công ty Helix cho VN Pharma đến Ủy ban Kiểm tra của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam, đề nghị nơi này xem xét, xử lý theo thẩm quyền những đảng viên thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý (4), công an mới khởi tố vụ án "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Cục Quản lý Dược và các nơi có liên quan đến VN Pharma/H-Capita (5).
Chắc chắn dấu hiệu vi phạm pháp luật đã rất rõ nên công an mới khởi tố vụ án nhưng vụ án mới trong scandal VN Phama/H-Capita chưa có bị can. Ủy ban Kiểm tra chưa luận tội, Ban Bí thư, Bộ Chính trị chưa có… phán quyết thì công an, kiểm sát, tòa án phải chờ xem cá nhân nào thuộc diện Ban Bí thư, Bộ Chính trị quản lý, bị chọn làm… bị can.
Đó là ví dụ minh họa tại sao những người kêu gọi thực hiện "tam quyền phân lập" (lập pháp, hành pháp, tư pháp hoạt động độc lập, kiểm soát lẫn nhau nhằm bảo đảm các hệ thống hoạt động lành mạnh) – lõi của thể chế cộng hòa, luôn bị đảng ta xem là… thù địch, là luận điệu phản động "cổ xúy cho… xung đột quyền lực và bất ổn chính trị" (6) !
***
Dẫu hoạt động "buôn bán thuốc giả" của ông Hùng, ông Cường liên quan chặt chẽ với hoạt động của Cục Quản lý Dược và Bộ Y tế nhưng rõ ràng, hệ thống tư pháp muốn tách chuỗi hoạt động phạm pháp này thành hai vụ án riêng biệt. Bộ Chính trị, Ban Bí thư giữ vai trò gì khi năm năm sau, mới khởi tố vụ án thứ hai ?
Lần trước, khi "được" truy tố tội "buôn lậu", hình phạt tối đa dành cho ông Hùng chỉ là 12 năm nhưng lần này, khi tội danh đã chuyển thành "buôn bán thuốc giả", ông Hùng sẽ phải đối diện với khả năng bị phạt tử hình. Liệu viễn cảnh ấy có làm ông Hùng suy sụp tới mức "khai tuốt tuồn tuột" và gây nguy hại cho qui hoạch nhân sự lãnh đạo chủ chốt của đảng ở nhiệm kỳ tới ?
Vì lẽ gì mà nhập cảng – phê duyệt – phân phối dược phẩm lại có tài liệu thuộc loại "mật" và "tối mật" ? Vì lẽ gì mà Hội đồng xét xử vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng bọn "buôn bán thuốc giả" phải cảnh báo tất cả các cá nhân liên quan đến tiến trình xét xử, rằng vô tình hay cố ý tiết lộ những tài liệu được bảo mật sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ? Cảnh báo như vậy thì làm sao có thể tìm và xác định "sự thật khách quan" để định tính, định lượng cho đúng đắn theo đúng tinh thần của luật hình sự ?
Tài liệu "mật" và "tuyệt mật" liên quan tới nhập cảng – phê duyệt – phân phối dược phẩm, có cùng tính chất với… tài liệu "mật" và "tuyệt mật" trong vụ… AVG bán 95% cổ phần cho MobiFone không ? Bảo mật chắc chắn có lợi cho một số cá nhân, một số nhóm nhưng làm sao bảo đảm sự toàn vẹn của công lý, làm sao thuyết phục đám đông, rằng công lý đã được thực thi và hệ thống tư pháp từng xác định ông Hùng chỉ "buôn lậu", lần này vẫn… đúng khi bảo rằng đó là… "buôn bán thuốc giả" ?
Trân Văn
Nguồn : VOA, 26/09/2019
Chú thích
(1) https://plo.vn/phap-luat/nhung-dau-mat-tuyet-mat-trong-ho-so-vu-an-vn-pharma-860035.html
(3) https://news.zing.vn/lo-hong-dau-thau-duoc-pham-giup-vn-pharma-thang-the-post775699.html
Ai đã nhận 14 tỷ bôi trơn và VN Pharma ?
Gần 2 năm kể từ phiên tòa phúc thẩm quyết định hủy án để điều tra lại, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh mở lại phiên sơ thẩm vụ mua bán thuốc ung thư giả, xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma.
Phiên tòa lần này có nhiều thay đổi khi cáo trạng truy tố Nguyễn Minh Hùng (cựu Tổng giám đốc VN Pharma) cùng 11 đồng phạm khẳng định H-Capita là thuốc giả ; tội danh của 12 bị cáo được chuyển từ Buôn lậu sang Buôn bán thực phẩm giả là thuốc chữa bệnh, có khung hình phạt tù 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
Tuy nhiên, nhiều góc khuất trong vụ án này vẫn chưa được làm rõ như 14 tỷ đồng chi hoa hồng cho những ai ? Hơn 7 tỷ (trong số 14 tỷ) là tiền nâng khống giá của những lô thuốc nào ngoài H-Capita ? Raymundo - người mà Võ Mạnh Cường khai mua thuốc H-Capita - là ai ?
Từ năm 2012, Nguyễn Minh Hùng đã mua từ Võ Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hàng hải Quốc tế H&C (Công ty H&C) một số loại thuốc tân dược mang nhãn mác Công ty Health 2000, có xuất xứ từ Canada.
Đến giữa năm 2013, Hùng tiếp tục đặt Cường mua 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet (H-Capita), dùng để chữa các bệnh ung thư vú, ung thư đại trực tràng mang nhãn mác Công ty Helix Canada để bán và đấu thầu cung cấp cho các bệnh viện ở Việt Nam.
Quá trình thương lượng, Hùng và Cường thống nhất giá mua, bán thuốc H-Capita là 27 USD/hộp. Sau đó, Cường tự liên lạc với Raymundo Y.Mararac, quốc tịch Philippines, để đặt mua thuốc H-Capita với giá thỏa thuận là 0,6 USD/viên (18 USD/hộp).
Sau khi được cấp phép nhập khẩu, Cường đã ký hợp đồng bán 8.300 hộp thuốc H-Capita cho VN Pharma với giá 27 USD/hộp, đóng dấu giả mang tên Công ty Helix Canada.
Helix Canada là công ty ma nên không thể nhập khẩu thuốc vào Việt Nam. Do đó, Hùng đã thống nhất với Cường làm hợp đồng mua bán thuốc H-Capita thông qua Công ty Austin Hong Kong.
Hùng chỉ đạo nhân viên làm giả hợp đồng mua, bán 8.300 hộp thuốc H-Capita giữa Công ty VN Pharma với Công ty Austin Hong Kong, nâng giá từ 27 USD/hộp lên 75 USD/hộp và ghi lùi lại ngày 1/10/2013 để phù hợp với thời gian còn hiệu lực giấy phép hoạt động của Công ty Austin Hong Kong.
Để hợp thức việc ký hợp đồng mua bán, Hùng tiếp tục chỉ đạo làm giả hợp đồng phân phối ba bên giữa Công ty VN Pharma với Công ty Helix Canada và Công ty Austin Hong Kong. Trong đó, Công ty Austin Hong Kong được độc quyền bán các sản phẩm của Công ty Helix Canada ; Công ty VN Pharma là nhà phân phối mua thuốc của Công ty Helix Canada thông qua Austin Hong Kong.
Ngoài ra, cả hai còn làm giả thỏa thuận giảm giá mua bán thuốc H-Capita với Công ty Austin Hong Kong từ 75 USD/hộp xuống còn 61,5 USD/hộp.
Như vậy giá mua thuốc H-Capita trong hợp đồng giữa Hùng và Cường đã được nâng từ 27 USD/hộp lên 61,5 USD/hộp, chênh lệch 34,5 USD/hộp.
Sau đó, VN Pharma được phê duyệt trúng thầu cung cấp 471.275 viên thuốc H-Capita (tương đương 15.709 hộp) cho các bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh với giá là 31.000 đồng/viên, tương đương 930.000 đồng/hộp (mỗi hộp 30 viên).
Về nguồn gốc lô thuốc H-Capita giả, kết quả điều tra xác định 9.300 hộp thuốc H-Capita do VN Pharma nhập khẩu không có nguồn gốc sản xuất tại Canada. Trên các thùng thuốc có dán tem kiểm tra an ninh tại sân bay của Ấn Độ và dán tem vận chuyển từ Ấn Độ về Singapore.
Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng Bộ Khoa học và Công nghệ xác định mã số, mã vạch in trên vỏ hộp thuốc H-Capita không được đăng ký bởi quốc gia nào.
Giấy chứng nhận lưu hành tự do của thuốc H-Capita (FSC) và Giấy chứng nhận thực hành tốt sản xuất thuốc (GMP) được kết luận là giả ; Interpol Ấn Độ trả lời không có thông tin về lô thuốc này.
Cảnh sát Canada cũng cho biết địa chỉ 392 đại lộ Wilson Toronto, ON M3H 1S9, Canada, là một tòa nhà chứ không phải cơ sở kinh doanh và cũng không cấp mã số giấy phép kinh doanh cho Công ty Helix Canada.
Về chất lượng của lô thuốc H-Capita, Hội đồng giám định Bộ Y tế kết luận có chứa 97,5% hoạt chất Capecitabine là thuốc kém chất lượng, không được sử dụng làm thuốc chữa bệnh cho người.
Kiểm tra các chỉ tiêu về mô tả màu sắc viên thực tế (màu hồng) không giống với màu sắc viên theo yêu cầu trong tiêu chuẩn cơ sở (màu đỏ), không đạt yêu cầu chất lượng tiêu chuẩn. Trên tờ hướng dẫn sử dụng, nhãn vỉ thuốc, nhãn hộp thuốc H-Capita, có một số chi tiết không đúng như trong hồ sơ.
9.300 hộp thuốc H-Capita không những lọt qua khâu kiểm tra hồ sơ của Cục quản lý Dược, thông quan trót lọt mà lô thuốc này còn lọt qua cả khâu đấu thầu của một số bệnh viện.
Thêm nữa, không chỉ có H-Capita, Công ty VN Pharma còn thuê người chỉnh sửa 10 bộ hồ sơ thuốc khác lấy tên công ty ma Helix Canada, trong đó 7 loại thuốc được cấp số đăng ký lưu hành và 3 loại thuốc được cấp giấy phép nhập khẩu.
Trong hồ sơ giả do VN Pharma cung cấp để xin cấp phép, Cục Quản lý Dược đã thành lập tổ thẩm định gồm 3 nhóm do ông Nguyễn Tất Đạt (Trưởng phòng Quản lý kinh doanh Dược thuộc Cục Quản lý Dược) làm tổ trưởng, tiến hành thẩm định đơn hàng cùng hồ sơ pháp lý thuốc H-Capita của VN Pharma.
Thời điểm thẩm định, cấp phép nhập khẩu, hồ sơ giấy tờ của VN Pharma nộp có rất nhiều sai sót ; tuy nhiên, các chuyên gia vẫn lập biên bản thẩm định đánh giá hồ sơ đạt và đề xuất ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (nay là Thứ trưởng Bộ Y tế) ký công văn cho VN Pharma nhập khẩu 200.000 hộp H-Capita.
Khi thông quan, ông Phạm Đình Chương, công chức Hải quan Chi cục Hải quan Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), không phát hiện được sự bất hợp lý, không đồng nhất giữa các tài liệu trong hồ sơ nhập khẩu, vẫn cho thông quan lô thuốc H-Capita giả nêu trên.
Ngày 11/4/2014, 9.300 hộp thuốc H-Capita được nhập về Việt Nam để tại kho của Công ty VN Pharma. Ngày 1/8/2014, Cục Quản lý Dược có công văn yêu cầu VN Pharma tạm ngừng nhập khẩu, lưu hành thuốc ; đề nghị cơ quan điều tra xác minh nguồn gốc lô thuốc. Từ đây phát hiện thuốc không đạt chất lượng.
Với những việc làm tắc trách, tiếp tay cho VN Pharma nhập thuốc giả, ngày 18/9, Bộ Công an đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm xảy ra tại Cục quản lý Dược, để điều tra.
Không chỉ là câu chuyện thuốc ung thư giả, làm giả giấy tờ, VN Pharma cũng hé lộ những góc khuất trong mối quan hệ giữa các công ty dược và bác sĩ tại các bệnh viện.
Theo cáo trạng, Nguyễn Minh Hùng đã có chủ trương chi tiền để trình dược viên sử dụng chi phí cho việc bán thuốc của công ty.
Cụ thể, từ tháng 10/2014 đến tháng 5/2015, VN Pharma sử dụng số tiền hơn 14 tỷ đồng có được từ việc nâng khống giá mua thuốc và nguyên liệu làm thuốc, để chi phí cho việc bán thuốc.
Trong đó đã xác định được 6,8 tỷ đồng là tiền nâng giá lô thuốc H-Capita, số tiền còn lại chưa xác định được là tiền nâng giá của những lô thuốc nào.
Các khoản chi phí này đều không có hóa đơn, chứng từ hợp lệ. Khoản tiền này cũng không được VN Pharma thể hiện ở sổ sách công ty.
Để luân chuyển dòng tiền này đến tay bác sĩ, các cá nhân trong Công ty VN Pharma mở sổ tiết kiệm tại một số ngân hàng và chi hoa hồng thông qua tài khoản của các doanh nghiệp mà họ lập ở nước ngoài như Công ty Sa Chempha ở Camphuchia, Công ty Sigma Holding và Công ty Auspicious ở Hong Kong.
Trong đó, Ngô Anh Quốc đứng tên số tiền trên 70 tỷ đồng ; Nguyễn Trí Nhật đứng tên số tiền 59 tỷ đồng ; Lê Thị Vũ Phương đứng tên số tiền 13,5 tỷ đồng ; Nguyễn Văn Vàng (trình dược viên) đứng tên số tiền 5,2 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, cựu Tổng giám đốc VN Pharma Nguyễn Minh Hùng đã có chủ trương chi tiền để trình dược viên sử dụng chi phí cho việc bán thuốc của công ty.
"Không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc nhận tiền, quà của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện mà Công ty VN Pharma bán thuốc nên cơ quan điều tra không đủ căn cứ để kết luận hành vi cụ thể trong việc nhận tiền, quà của các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại các bệnh viện", cáo trạng nêu.
Mặc dù phiên tòa sơ thẩm lần hai, cho đến nay, câu hỏi về số tiền 14 tỷ đồng này dùng để "bôi trơn" cho những ai vẫn chưa có câu trả lời.
******************
Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội, mua sắm trang thiết bị và đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế và một số bệnh viện, theo chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thanh tra Chính phủ đã quyết định thanh tra nhiều vấn đề nóng tại Bộ Y tế - Ảnh Đình Trường
Ngày 23/9, tại Hà Nội, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức công bố Quyết định số 656 của Tổng Thanh tra Chính phủ về thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế ; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao ; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm y tế và một số bệnh viện thuộc Bộ này, cũng như tại một số Sở Y tế địa phương.
Theo nguồn tin Thanh Niên, hồi đầu năm, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống tham nhũng, đã có văn bản chỉ đạo Thanh tra Chính phủ làm rõ một số vấn đề nóng trong ngành y tế gây bức xúc trong dư luận hiện nay.
Theo quyết định thanh tra nêu trên, nội dung thanh tra gồm : thanh tra việc sử dụng quỹ bảo hiểm ; mua sắm trang thiết bị y tế và vật tư tiêu hao ; đấu thầu thuốc chữa bệnh tại Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và một số cơ sở khám chữa bệnh thuộc Bộ Y tế ; kiểm tra, xác minh nội dung liên quan tại một số cơ sở y tế thuộc bộ, địa phương.
Thời kỳ thanh tra từ 1/1/2014 đến 31/12/2018 (khi cần thiết có thể xem xét trước hoặc sau thời kỳ này) ; thời hạn thanh tra là 80 ngày làm việc thực tế, kể từ ngày công bố quyết định thanh tra (không kể ngày nghỉ, ngày lễ theo quy định.
Đoàn thanh tra gồm 16 thành viên, do ông Vũ Đức Tâm, Thanh tra viên cao cấp, Phó vụ trưởng Vụ Thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo khối kinh tế ngành (Vụ I - Thanh tra Chính phủ), làm Trưởng đoàn.
Cùng với quyết định thanh tra trên, Tổng thanh tra Chính phủ cũng ban hành Quyết định số 661/QĐ-TTCP về lập Tổ giám sát hoạt động đoàn thanh tra theo Quyết định 656/QĐ-TTCP, gồm 4 người, do ông Hoàng Đức Quỳnh, Trưởng phòng nghiệp vụ III, vụ Giám sát, Thẩm định và xử lý sau thanh tra (Thanh tra Chính phủ), làm Tổ trưởng.
Phát biểu tại buổi công bố, Phó tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm khẳng định, đây là cuộc thanh tra theo kế hoạch thanh tra năm 2019 của Thanh tra Chính phủ, với 3 nội dung phức tạp, được dư luận xã hội quan tâm. Ông Liêm yêu cầu đoàn thanh tra thực hiện theo đúng kế hoạch, thực hiện nghiêm khắc tất cả các quy định, quy chế của doàn, cũng như các quy định khác của pháp luật về thanh tra.
Ông Liêm cũng lưu ý trong quá trình thanh tra, đoàn cần thực hiện công khai, minh bạch, công tâm, tạo ra sự đồng thuận tốt nhất vì mục tiêu của Thanh tra Chính phủ là giúp Chính phủ thấy cơ chế bất cập cần phải được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp trong lĩnh vực liên quan đến người bệnh, để có một cơ chế chính sách phù hợp với thực tiễn, tránh thất thoát.
Trước đó, ngày 21/9, tại Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ cũng công bố kết luận thanh tra việc cấp giấy phép nhập khẩu, giấy đăng ký lưu hành đối với 10 loại thuốc của Công ty Helix, cấp giấy phép hoạt động cho Công ty Helix và việc trúng các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện của Công ty VN Pharma.
Kết luận này cho biết, trong một thời gian dài, Bộ Y tế đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý nhà nước trong công tác cấp số đăng ký thuốc ; khâu cấp phép nhập khẩu thuốc ; khâu cấp phép hoạt động về thuốc, nguyên liệu làm thuốc, dẫn đến doanh nghiệp "ma" cũng được cấp giấy phép và dễ dàng dùng tài liệu giả qua mặt cơ quan chức năng thuộc Bộ Y tế.
Liên quan sự việc này, hiện Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án, gồm : buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, xảy ra tại Công ty VN Pharma, theo quy định tại điều 157 bộ luật Hình sự 2015 ; và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) và các cơ quan, đơn vị có liên quan, theo quy định tại điều 360 bộ luật Hình sự 2015.
Thái Sơn
Đề nghị truy tố 12 bị can trong vụ Việt Nam Pharma (RFA, 08/05/2019)
Bộ Công an chuyển hồ sơ đề nghị Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao truy tố 12 bị can về tội "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" trong vụ án buôn bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần Việt Nam Pharma.
Ông Nguyễn Minh Hùng, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc Việt Nam Pharma. Courtesy of phunu
Tin trong nước cho biết đây là kết luận điều tra lại theo yêu cầu của Tòa án Nhân dân cấp cao Thành phố Hồ Chí Minh hồi tháng 10 năm 2017. Kết quả điều tra lại cho thấy công ty cổ phần Việt Nam Pharma được thành lập từ tháng 10 năm 2011 do ông Nguyễn Minh Hùng làm chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm tổng giám đốc.
Công ty này nhập thuốc chữa ung thư là H-Capita 500mg từ Canada về Việt Nam từ năm 2012 và ông Hùng đã chỉ đạo nhân viên làm giả một số giấy tờ về tiêu chuẩn thuốc mà phía công ty ở Canada không cung cấp được.
Cũng theo kết quả điều tra lại thì ban giám đốc Việt Nam Pharma đã có chủ trương chi tiền cho trình dược viên để bán thuốc.
Trước đó vào tháng 7 năm 2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Nguyễn Minh Hùng 12 năm tù về tội buôn lậu ; ông Võ Mạnh Cường, giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Thương Mại Hàng Hải Quốc Tế, người môi giới cho Việt Nam Pharma nhập lô thuốc trị ung thư không rõ nguồn gốc cũng bị tuyên 12 năm tù cùng tội danh nêu trên. Ngoài ra còn có 7 bị cáo khác bị kết án về tội buôn lậu và làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Tháng 10 năm 2017, toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã cấp phúc thẩm tuyên hủy để điều tra lại và cơ quan điều tra đã khởi tố thêm 3 bị can, nâng tổng số bị can trong vụ án lên 12 người.
Liên quan tình trạng ung thư tại Việt Nam, thống kê mới nhất cho thấy hiện trong nước có hơn 300 ngàn người bệnh đang phải chiến đấu với ung thư.
*****************
Vụ án tại VN Pharma : 12 bị cáo bị đề nghị truy tố tội buôn thuốc giả (Người Lao Động, 09/05/2019)
12 bị can trong vụ buôn bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty cổ phần VN Pharma bị đề nghị truy tố tội buôn bán hàng giả thay vì buôn lậu.
Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) vừa hoàn tất điều tra bổ sung và đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao truy tố 12 bị can trong vụ án buôn bán thuốc ung thư giả xảy ra tại Công ty Cổ phần VN Pharma. Theo đó, 12 người đều bị đề nghị truy tố về tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh", theo khoản 2 điều 157 Bộ Luật Hình sự 1999, có khung hình phạt từ 5 đến 12 năm tù.
Đặc biệt nghiêm trọng
Theo kết luận điều tra (Kêt luận điều tra) bổ sung, Cơ quan điều tra đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, đến nay có đủ cơ sở xác định, việc giao dịch, mua bán 9.300 hộp thuốc H-Capita 500 mg Caplet được thực hiện qua nhiều công đoạn với sự tham gia của nhiều người. Trong đó, trách nhiệm chính là Nguyễn Minh Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty VN Pharma.
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng (thứ 2 từ phải sang) tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh : PHẠM DŨNG
Hùng là người có nhiều năm kinh doanh trong lĩnh vực dược phẩm, biết rõ các quy định trong việc nhập khẩu thuốc nhưng đã cố tình thực hiện các việc vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Hùng đã móc nối với Võ Mạnh Cường nhập khẩu thuốc không có đủ các giấy tờ hợp pháp và chỉ đạo các bị can khác làm giả hồ sơ, chứng từ, tài liệu để thực hiện hành vi buôn bán, nhập khẩu lô thuốc H-Capita kém chất lượng về Việt Nam tiêu thụ nhằm thu lợi bất chính.
Các bị can khác trong vụ án với vai trò là người thực hiện và giúp sức đã tích cực tiếp nhận ý chí và sự chỉ đạo của Hùng và Cường nhằm thực hiện trót lọt việc mua bán, nhập khẩu lô thuốc trên.
Cũng theo Kêt luận điều tra, vụ án nêu trên có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trên lĩnh vực dược phẩm, y tế, liên quan trực tiếp đến tính mạng, an toàn, sức khỏe của người dân. Sau khi vụ án được khởi tố, các bị can đã tìm cách đối phó, tiêu hủy tài liệu, chứng cứ, gây khó khăn, cản trở hoạt động điều tra. Vì vậy, cần phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Chưa làm rõ trách nhiệm Cục Quản lý Dược
Trước đó, ngày 30/10/2017, Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm mà Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên trong vụ án trên.
Hội đồng xét xử cấp phúc thẩm nhận định các bị cáo đều nhận thức được rằng việc làm giả hồ sơ, con dấu và các tài liệu khác để nhập khẩu lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet là hành vi trái pháp luật, y đức. Các bị cáo đã thỏa thuận mua bán, làm đơn đặt hàng, thiết lập hồ sơ xin phép nhập khẩu lô thuốc, chuẩn bị bán hàng thông qua đấu thầu, chỉ định trước tiền hoa hồng cho các bác sĩ… đến khi làm thủ tục thông quan là để bán hàng giả nhằm thu lợi bất chính, bất chấp hậu quả.
Cấp phúc thẩm cho rằng đủ cơ sở xác định lô thuốc H-Capita 500 mg Caplet là thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, kiểm nghiệm. Lô thuốc được hợp thức hóa từ thuốc giả sang thuốc có nguồn gốc bằng việc chuyển đi từ nơi nào đó sang Ấn Độ, Singapore về Việt Nam rồi nâng khống giá thuốc bán cho người bệnh. Trong các phiên tòa, Võ Mạnh Cường thừa nhận không biết nguồn gốc các lô thuốc này.
Các bị cáo đồng phạm biết cấp trên của mình có hành vi buôn bán, nhập khẩu thuốc không rõ nguồn gốc nhưng vẫn tiếp tay cho sai phạm. Do đó, tòa sơ thẩm xử phạt 9 bị cáo 2 tội danh "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức" và "Buôn lậu" là bỏ lọt tội phạm, chưa đúng người đúng tội.
Ngoài ra, ông Phan Xuân Thiện (Phó Tổng Giám đốc VN Pharma) là người giới thiệu cho Hoàng Trúc Vy (nhân viên VN Pharma) thuê dược sĩ Phạm Văn Đông viết hồ sơ kỹ thuật thuốc. Ông Thiện biết rõ xuất xứ lô thuốc và biết rõ con dấu Helix Canada là dấu giả đã có ở VN Pharma từ trước nhưng vẫn để mặc cho bị cáo Hùng và cấp dưới thực hiện hành vi sai phạm là có dấu hiệu che giấu, không tố giác tội phạm. Bà Vy đã biết việc làm giả hồ sơ để nhập thuốc nhưng vẫn tiếp sức cho Hùng để thực hiện hành vi nên là đồng phạm tích cực.
Tòa án nhân dân Cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh còn yêu cầu làm rõ trách nhiệm của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế khi để xảy ra nhiều sai phạm nghiêm trọng liên quan đến việc duyệt hồ sơ, cấp phép nhập khẩu thuốc cho VN Pharma.
Chưa rõ có chi "hoa hồng" cho bác sĩ hay không
Theo Kết luận điều tra bổ sung, qua quá trình điều tra lại, cơ quan điều tra đã thực hiện theo các yêu cầu điều tra của Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, bảo đảm trình tự thủ tục theo quy định pháp luật; đồng thời làm rõ có hay không việc chi "hoa hồng" cho các bác sĩ...
Tuy nhiên, những nội dung này không ảnh hưởng đến việc kết luận hành vi phạm tội của các bị can trong việc buôn bán, nhập khẩu lô hàng 9.300 hộp thuốc H-Capita.
Nguyễn Hưởng - Phạm Dũng
Đọc trên nhiều tờ báo mấy bữa nay, tôi thấy mà tá hoả bởi những chuyện không ai dám nghĩ tới. Phó Giáo sư Tiến sĩ Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, tất cả những người trên Bộ Y tế vừa phát ngôn trên các báo này đều không ai có chuyên môn về dược. Thật vậy sao ?
Tôi hơi thất vọng khi đọc trên báo khoảng chục hôm nay thấy có những điều tưởng như không quá khó khi tìm ra một định nghĩa tạm gọi là đủ ý về khái niệm thế nào là hàng giả ? Thế nào là thuốc chữa bệnh giả ? Với ngay cả các cơ quan tố tụng pháp luật cũng vậy, muốn xử đúng người, đúng tội trong vụ án xảy ra tại Công ty VN Pharma hôm mới đây, lẽ ra cũng cần thống nhất khái niệm. Chỉ có vậy mới tránh được điều tiếng cho những người tham gia tố tụng.
Trên diễn đàn chính thức mà các cơ quan truyền thông trích dẫn, đại diện Bộ Y tế luôn khăng khăng cho rằng lô thuốc H-Capita do Công ty VN Pharma nhập chỉ là thuốc kém chất lượng chứ không phải thuốc giả. Họ viện dẫn cả đến Luật Dược (năm 2005) với điều nọ, khoản kia, nói này, nói nọ để biện minh thì ai chẳng phải tin. Nếu không có chút kiến thức nhất định về dược học như tôi chẳng hạn, có lẽ tôi cũng phải im lặng mà nghe và tin vào họ. Không lẽ nơi đây có cả một cơ quan cấp cục, gọi là Cục Quản lý dược mà lại non kém kiến thức đến thế là sao ?
Đọc trên nhiều tờ báo mấy bữa nay, tôi thấy mà tá hoả bởi những chuyện không ai dám nghĩ tới. Phó Giáo sư Tiến sĩ Dược sĩ Phạm Khánh Phong Lan, nguyên Phó giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu quốc hội khóa XIV cho rằng, tất cả những người trên Bộ Y tế vừa phát ngôn trên các báo này đều không ai có chuyên môn về dược. Thật vậy sao ?
Hãy nghe bà nói : "Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, đại diện cho Bộ Y tế nói thuốc H-Capita 500mg Caplet là thuốc thật, nhưng ông cũng chỉ là một bác sĩ, chứ không phải là dược sĩ ; còn lại những người khác nói thuốc này là thuốc thật mà tôi biết đều là những người không có chuyên môn về dược, kể cả phó giáo sư.Tiến sĩ Trần Thị Hồng Phương - Phó cục trưởng Cục quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) - lên tiếng với báo chí mới đây cũng không có kiến thức về dược"- bà Lan khẳng định.
Khi được hỏi, liệu bà có chấp nhận ra đối chất nếu Bộ Y tế thành lập hội đồng để phản biện việc này không thì bà nói sẽ rất sẵn sàng bởi bà tin vào kiến thức chuyên môn được đào tạo và hành nghề nhiều năm của bà. Bà Phong Lan cho hay : "Tôi rất bức xúc không hiểu tại sao mọi người luôn kêu gọi bắt và trừng trị nghiêm khắc những người sản xuất, buôn bán thuốc giả nhưng khi chúng ta đã bỏ công sức bắt được rồi thì lại đánh tráo khái niệm để tạo điều kiện cho những kẻ vi phạm thoát tội".
Một điều làm tôi hơi bất ngờ là khi bà nói : "Tôi là một người học chuyên ngành về dược, được đào tạo bài bản ở trong nước và nước ngoài, từ đại học, đến tiến sĩ rồi được phong hàm phó giáo sư, tôi có thể thẳng thắn tranh luận về vấn đề này đến cùng. Thật ra đến giờ tôi chưa thấy có nhà chuyên môn nào trong lĩnh vực dược nói đây là thuốc thật cả, còn những người nói đây là thuốc thật đều là những người ngoài chuyên môn về dược".
Có lẽ bà Phong Lan đã rất dũng cảm khi nói vậy mà không ngại "đụng" đến sự tự ái của Thứ trưởng Y tế Nguyễn Viết Tiến, âu bà cũng vì cái chung. Tôi tuyệt nhiên không hề có ý coi thường ông, vị Giáo sư, tiến sỹ Y khoa, Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới mà còn rất muốn chia sẻ với ông khi bị bộ trưởng phân công oái oăm như thế, bởi tôi biết rõ giáo sư Viết Tiến vốn là nhà ngoại khoa chuyên về sản rất tài năng, từng được mệnh danh "người có đôi bàn tay vàng trời cho".
Song dù sao, Bộ Y tế cũng không nên làm khó ông như thế. Không nên để ông Tiến phải chịu trận như vậy trong khi bộ này có hẳn vị Thứ trưởng kiêm Cục trưởng cục quản lý dược ngồi đó. Hơn nữa, thời điểm xảy ra vụ việc năm 2014, ông Trương Quốc Cường chưa ngồi ghế Thứ trưởng mà vẫn là Cục trưởng của chính cái cục cấp giấy phép cho lô thuốc này vào Việt Nam (Giám đốc VN Pharma bị bắt từ tháng 9/2014, tới giờ đã 3 năm, Bộ Y tế xử lý kiểu gì mà lãnh đạo Cục Quản lý dược vẫn tiếp tục được lên chức cao hơn ?) cho nên trách nhiệm của ông Cường đến đâu, tôi nghĩ cũng không thể ngoài cuộc. Tất nhiên, cũng không loại trừ khả năng Bộ trưởng Kim Tiến muốn cho sự việc được khách quan hơn nên không muốn ông Cường xuất hiện chăng ?
Nếu đọc trên báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh hôm 4/9 thì sẽ thấy cuộc trao đổi với ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (BCĐ 389) cũng sẽ vỡ ra nhiều điều. Ông Trần Hùng, trong các mảng công việc được Ban 389 phân công theo dõi thì cũng có cả ngành y tế. Cho nên theo ông Hùng, "ngay từ khi kinh doanh loại thuốc này, Công ty VN Pharma đã có ý định không trung thực. Họ nại ra cái tên của một công ty không có thật ở Canada dùng làm tên hãng sản xuất để phục vụ mục đích kê khai hồ sơ nhập khẩu thuốc. Như vậy, họ đã cố tình giả mạo nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa, tem nhãn, bao bì có chỉ dẫn giả mạo nơi sản xuất, đóng gói, vi phạm theo điểm e khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Vì thuốc là hàng hóa đặc biệt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng con người nên chắc chắn các quy định có liên quan còn ngặt nghèo hơn. Với tổ thẩm định của Cục Quản lý dược Bộ Y tế, gồm 10 chuyên gia giỏi, chia thành hai nhóm kiểm tra, đánh giá trước khi xét duyệt, tôi không rõ quá trình thẩm định nguồn gốc, xuất xứ số thuốc này của Công ty VN Pharma được thực hiện theo cách thức, quy trình nào. Các mã vạch ở vỏ hộp thuốc cũng có thể là nguồn tra cứu trực tiếp, đơn giản và hữu dụng. Tất cả mã vạch chuẩn được đăng ký toàn cầu và rất nhiều trang web có mục tra cứu, quét bằng điện thoại smartphone thông dụng để một người tiêu dùng bình thường cũng có thể kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa mình sử dụng.
Nói ngắn gọn H-Capita là hàng giả, thuốc giả và cần được xử lý đúng tội danh buôn bán hàng giả và yếu tố nghiêm trọng đó là thuốc chữa bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người. Đây là tội ác !".
Liên quan đến vụ VN Pharma làm giả giấy tờ để nhập thuốc chữa ung thư, cùng những tranh luận về thuốc giả, thuốc thật, thuốc nhập lậu và thuốc kém chất lượng, Giáo sư Tiến sĩ Phạm Gia Khải, chuyên gia cao cấp trong Ban bảo vệ sức khoẻ trung ương nhiều năm nay cho biết : "Nếu đã là thuốc thì giấy tờ phải hợp lệ. Nếu thuốc thật thì làm sao phải làm giấy tờ giả ? Có những thuốc lý luận tốt nhưng tương đương về lâm sàng không có. Lâm sàng mới là thước đo cuối cùng...".
Ông nói thêm : "Tôi kể chuyện này : Một công ty nổi tiếng là Boehringer Ingelheim của Đức tiến hành thử nghiệm lâm sàng chứng minh Telnisantan (biệt dược Micardis) cộng với Ramipril (tên một loại thuốc ức chế men chuyển) thì cho kết quả hạ huyết áp tốt. Thế nhưng trên thực nghiệm, làm trên hàng trăm người, người ta thấy rằng nó không phải như vậy. Những người suy thận, kali cao thì dùng như vậy nguy hiểm. Và cuối cùng chỉ công nhận được : Telnisantan và Ramipril giá trị như nhau nhưng dùng riêng rẽ, không nên dùng phối hợp".
"Mình nghĩ rằng tốt, nhưng trên thực tế nó không tốt như vậy. Thực tế lâm sàng khác với suy luận của mình. Một công ty nổi tiếng và được thế giới công nhận mà còn như vậy. Trong y học không có suy luận.
Trở lại vụ việc ở Công ty VN Pharma, tôi thấy nó là dấu giả, giấy giả, công ty cũng giả nốt, nếu thuốc vẫn tốt, vậy thì cần gì dấu với giấy tờ nữa, cứ nhập thuốc thôi !"- Giáo sư Khải phân tích.
Việc Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Toà án nhân dân tối cao, sau phiên toà sơ thẩm, trước bức xúc của dư luận đã cùng có ý kiến chỉ đạo cấp dưới xem xét lại quá trình điều tra, ra cáo trạng và xét xử vụ án nói trên ; Thủ tướng cũng yêu cầu Thanh tra chính phủ thanh tra toàn diện công tác quản lý dược của bộ Y tế, đã cho thấy tất cả đều đang vào cuộc và không tha thứ cho những dấu hiệu khuất tất đã và đang diễn ra ở lĩnh vực chuyên doanh nhạy cảm nói trên. Tôi nghĩ, chỉ có làm nghiêm khắc và làm tới cùng sự việc như thế thì mới có khả năng răn đe những hành vi vi phạm kiểu như thế về sau. Hy vọng vào một Chính phủ hành động, liêm chính cũng chính là từ những việc rất cụ thể như thế này.
Quốc Phong
Nguồn : Một Thế Giới, 05/09/2017