Nâng cấp quan hệ Việt - Hàn có thể thúc đẩy đầu tư và bán vũ khí của Hàn Quốc
RFA, 07/12/2022
Lãnh đạo hai quốc gia cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự- trị an và công nghệ.
Trưng bày máy bay Triển lãm Quốc phòng và Hàng không Vũ trụ Quốc tế Seoul năm 2019 tại Sân bay Quân sự Seoul ở Seongnam, Hàn Quốc, ngày 14/10/2019. Ảnh : AP/ Ahn Young-joon
Việt Nam và Hàn Quốc vừa công bố một mối quan hệ đối tác đặc biệt, mối quan hệ đầu tiên thuộc loại này mà quốc gia cộng sản thiết lập với một nước có ký hiệp ước đồng minh với Mỹ.
Cái được gọi là Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện được công bố hôm thứ hai, trong chuyến thăm Hàn Quốc của Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc từ ngày 4-6/12 theo lời mời của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol.
Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện thường được hiểu là mối quan hệ được thiết lập trên cơ sở mức độ tin cậy cao, các lợi ích và các giá trị chung.
Cho đến nay, Việt Nam mới chỉ công nhận ba quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện, đó là: Trung Quốc, Nga và Ấn Độ. Cả ba nước này đều có bề dày lịch sử trong việc hỗ trợ Miền Bắc Việt Nam, đặc biệt trong thời kỳ Chiến tranh Việt Nam.
Hàn Quốc đã tham gia vào cuộc chiến này một cách khá chủ động với việc gửi đến hàng trăm ngàn binh lính để chiến đấu sát cánh cùng quân đội Mỹ. Quân đội Hàn Quốc bị buộc tội là có nhiều hành động tàn bạo trong thời gian diễn ra cuộc chiến và các nhóm dân sự của cả hai nước đã liên tục kêu gọi phải có một cuộc điều tra chính thức về những hành động của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.
Hà Nội thiết lập mối quan hệ lâu dài với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (Bắc Triều Tiên) – nơi cung cấp những hỗ trợ về kinh tế và quân sự đáng kể cho Miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh.
Trong khi đó, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc đã trải qua một giai đoạn căng thẳng và mất niềm tin vì Bắc Kinh đã phát động một cuộc chiến tranh biên giới ngắn nhưng đẫm máu giữa hai nước vào năm 1979. Trung Quốc hiện còn có những tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam trong khu vực Biển Đông.
Tầm nhìn chung
Theo các nhà phân tích, bất chấp vấn đề di sản chiến tranh, Seoul và Hà Nội có rất nhiều điểm chung về tầm nhìn chiến lược.
"Là các quốc gia tầm trung đang lớn mạnh ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, Hàn Quốc và Việt Nam đã và đang là mục tiêu lôi kéo của cả Washington và Bắc Kinh" – ông Huỳnh Tâm Sáng, giảng viên Đại học Quốc gia của Việt Nam nói.
Tuy nhiên, theo ông Sáng, cả hai quốc gia đều muốn tự chủ chiến lược và "tìm kiếm một sự cân bằng tinh tế giữa hai cường quốc".
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đã trở thành một trong những đối tác thương mại thân cận nhất của Việt Nam và các tập đoàn hàng đầu như Samsung, SK, LG, Lotte và Hyundai của nước này đều đã mở rộng sản xuất kinh doanh tại quốc gia Đông Nam Á.
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư của Việt Nam, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã rót hơn 80,5 tỷ đô-la Mỹ vào Việt Nam và Seoul hiện là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam.
Trong cuộc gặp với Chủ tịch Phúc hôm thứ Ba, ông Han Jong-hee, Phó Chủ tịch tập đoàn Điện tử Samsung cho biết tập đoàn của ông dự kiến sẽ tăng vốn đầu tư tại Việt Nam lên đạt 20 tỷ đô-la Mỹ.
Samsung hiện đã đầu tư 18 tỷ đô-la vào Việt Nam và đóng góp khoảng 20% trong tổng lượng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.
Trang thiết bị quốc phòng
Theo Giáo sư Zachary Abuza thuộc Trường Đại học Chiến tranh Quốc gia Hoa Kỳ, với việc nâng cấp quan hệ đối tác Việt Nam – Hàn Quốc, hợp tác song phương trong công nghiệp quốc phòng cũng có thể thay đổi vì Việt Nam cố gắng đa dạng hóa nguồn cung, tránh phụ thuộc vào Nga.
Hàn Quốc đã tặng hai tàu hộ vệ lớp Pohang đã loại biên và trong tương lai có thể sẽ chuyển giao thêm nhiều tàu đã thôi phục vụ nữa cho Hải quân Việt Nam – lực lượng hiện đang rất cần hiện đại hóa đội tàu già cỗi của mình.
Theo Giáo sư Abuza, các tàu hộ vệ này đang được nâng cấp để trở thành tàu chiến chống ngầm và Hà Nội cũng đang tìm cách mua máy bay chiến đấu của Seoul.
Lực lượng Không quân Việt Nam cho đến nay cũng phụ thuộc vào trang thiết bị của Liên Xô và Nga.
"Bất chấp giá cả, ngay bây giờ, Nga không thể giao hàng. Hàn Quốc chào bán cho Việt Nam máy bay chiến đấu thế hệ tiếp theo, KF-21, với giá khá hợp lý. Và điều này cũng giúp [Việt Nam] đa dạng hóa chuỗi cung ứng vũ khí của mình" – ông Abuza nói.
Mỗi chiếc KF-21 giá từ 80 đến 100 triệu đô la Mỹ, gần như tương đương với giá máy bay chiến đấu Su-35 của Nga.
Hiện tại, hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước còn ở mức thấp nhưng nếu Hàn Quốc đồng ý với một số hoạt động chuyển giao công nghệ và sản xuất chung, "có thể có những hợp tác lớn hơn trong lĩnh vực này" – ông Abuza nói.
Trong tuyên bố chung công bố sau cuộc hội đàm giữa Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol, hai nhà lãnh đạo đã nhấn mạnh cam kết của họ trong việc thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự - trị an và công nghệ trong đó có công nghệ trong ngành công nghiệp quốc phòng.
Trong khu vực Đông Á, bên cạnh Hàn quốc, Việt Nam cũng có quan hệ đối tác sâu rộng với Nhật Bản. Bằng việc nâng cấp quan hệ với Seoul, thay vì với Tokyo, Việt Nam đã muốn "tránh những nghi ngờ không cần thiết từ phía Trung Quốc" – giảng viên Huỳnh Tâm Sáng nói.
"Vì Nhật Bản thúc đẩy quan hệ với Mỹ trong khi chỉ trích chính sách ngoại giao hiếu chiến của Trung Quốc. Việc nâng cấp quan hệ với Tokyo có thể đẩy Hà Nội vào một tình thế khó khăn và không vui vẻ gì" - ông Sáng nói và cho rằng đối với các nhà lãnh đạo Hà Nội "đây là động thái nên tránh".
Nguồn : RFA, 07/12/2022
**************************
Nâng cấp quan hệ với Việt Nam : Chiến lược gần ASEAN, xa Trung Quốc của Seoul ?
Minh Anh, RFI, 06/12/2022
Ngày 05/12/2022, tổng thống Hàn Quốc đã long trọng tiếp đón chủ tịch Việt Nam tại Seoul, với tư cách là khách mời cấp Nhà nước đầu tiên và duy nhất trong nhiệm kỳ 5 năm của ông. Sự trọng thị này của nguyên thủ Hàn Quốc dành cho Việt Nam khẳng định xu hướng của Seoul tìm cách thắt chặt quan hệ đối tác với các quốc gia Đông Nam Á, như là một phần trong nỗ lực chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ dẫn đầu và giữ khoảng cách với Trung Quốc.
Chủ tịch nước Việt Nam Ngyễn Xuân Phúc và tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol tại phủ tổng thống Hàn Quốc, Seoul, ngày 05/12/2022. AP - Suh Myung-geon
Trong buổi họp báo chung với đồng nhiệm Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết hai nước tái khẳng định kế hoạch mở rộng hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng và an ninh kinh tế, đặc biệt là trong khai thác đất hiếm tại Việt Nam.
Tuyên bố chung của hai lãnh đạo Việt Nam và Hàn Quốc còn bày tỏ phản đối việc quân sự hóa Biển Đông và bất kỳ thay đổi nguyên trạng nào tại vùng biển này – đây cũng chính là những lời lẽ mà Hoa Kỳ và các đồng minh sử dụng để phản đối Trung Quốc.
Khi tuyên bố sẽ "thiết lập các mối quan hệ đối tác toàn diện và chiến lược" với Hà Nội, tổng thống Yoon Suk-yeol đã xem Việt Nam như là một "đối tác cốt lõi trong chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương", gắn kết Hàn Quốc với các nước Đông Nam Á. Tầm nhìn này của Seoul, phần nào phản ảnh các nỗ lực của Mỹ và Nhật Bản, đã được nguyên thủ Hàn Quốc từng công bố tại Phnom Penh, khi đến dự thượng đỉnh ASEAN hồi tháng 11/2022.
Theo đó, Hàn Quốc đề ra mục tiêu "xây dựng một vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng nhờ vào tình liên đới và hợp tác với các nước ASEAN và nhiều quốc gia lớn khác", một khu vực "hài hòa tôn trọng các quyền và lợi ích của mỗi bên". Theo ông, điều này sẽ cho phép ngăn ngừa các cuộc xung đột và đối đầu vũ trang, bảo vệ nguyên tắc giải quyết ôn hòa qua đối thoại. Nhưng lãnh đạo Hàn Quốc cũng cứng rắn tuyên bố "không bao giờ dung thứ cho việc đơn phương thay đổi nguyên trạng bằng vũ lực".
Trong chiều hướng này, tại Phnom Penh, tổng thống Hàn Quốc cam kết tăng cường hợp tác với nhiều nước tại khu vực trong nhiều lĩnh vực như không phổ biến hạt nhân, chống khủng bố, bảo đảm an ninh hàng hải và dịch tễ, cũng như an ninh mạng.
Một mặt, tổng thống Hàn Quốc có cuộc họp ba bên với đồng nhiệm Mỹ Joe Biden và thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại thủ đô Cam Bốt. Mặt khác, ông cũng có cuộc hội kiến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, bày tỏ sẵn sàng phát triển quan hệ song phương dựa trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung.
Theo quan sát của trang mạng Nikkei Asia, rõ ràng tổng thống Yoon có một cách tiếp cận khác với người tiền nhiệm. Cựu tổng thống Moon Jae In theo đuổi hợp tác kinh tế với khối ASEAN thông qua Chính sách hướng Nam, nhưng tránh chọc giận Trung Quốc, đối tác thương mại quan trọng.
Về phần mình, ông Yoon đề ra tầm nhìn ASEAN – Hàn Quốc, tìm cách mở rộng đầu tư của Hàn Quốc, hiện tập trung chủ yếu ở Việt Nam và Singapore, sang phần còn lại của Đông Nam Á. Mục tiêu là nhằm đảm bảo nguồn cung các loại nguyên nhiên liệu như lithium, niken và nhiều nguồn tài nguyên quan trọng khác cho ngành sản xuất xe ô tô điện.
Đầu tư của Hàn Quốc trong khu vực đã tăng gấp đôi trong vòng 10 năm. Nhờ vào "K-Pop", một thứ quyền lực mềm của Seoul, mà thị trường các dòng sản phẩm của Hàn Quốc đã được mở rộng.
Chính trong tầm nhìn này, tại thượng đỉnh G20 ở Bali, Hàn Quốc và Indonesia đã ký kết nhiều thỏa thuận tăng cường đầu tư song phương trong các lĩnh vực số hóa, chuỗi cung ứng, vận chuyển hàng hải, môi trường, cơ sở hạ tầng… Sau Việt Nam, đối với Hàn Quốc, Indonesia là một thị trường lớn thứ hai. Seoul cũng lần lượt mở rộng cam kết đầu tư và hỗ trợ kinh tế cho các nước Cam Bốt, Philippines…
Trong dài hạn, tổng thống Yoon đã chính thức đề nghị nâng cấp mối quan hệ ASEAN – Hàn Quốc hướng đến một đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2024 nhân dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối tác đối thoại Hàn Quốc–ASEAN.
Nguồn : RFI, 06/12/2022
Việt Nam - Hàn Quốc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện
Hương Minh, Mekong-ASEAN, 05/12/2022
Trong buổi họp báo chung ngày 5/12 sau cuộc hội đàm, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết hai bên đã quyết định nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol trong buổi họp báo ở Seoul chiều 5/12.
Việt Nam - Hàn Quốc là "anh em, hàng xóm thân thiết với nhau"
Phát biểu tại buổi họp báo, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố : "Hướng về tương lai tươi sáng, chúng tôi thay mặt cho lãnh đạo hai nước quyết định nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện. Đó là niềm vui mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn hôm nay. Trên tinh thần lạc quan đó, chúng tôi đã trao đổi, thống nhất về tầm nhìn, phương hướng lớn và các biện pháp thúc đẩy quan hệ, hợp tác thời gian tới".
Chủ tịch nước bày tỏ tin tưởng, với quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước, quan hệ "Đối tác chiến lược toàn diện" sẽ đưa quan hệ hợp tác hai nước "sang trang mới phát triển mạnh mẽ ở tầm cao mới, vì lợi ích của nhân dân hai nước, đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực và trên thế giới".
Việt Nam - Hàn Quốc đã trở thành đối tác quan trọng hàng đầu của nhau kể từ năm 2012, thời điểm thiết lập quan hệ Đối Phát biểu tại họp báo, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol nhấn mạnh Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc "là quốc khách đầu tiên của tôi". Tổng thống Hàn Quốc cho rằng chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có ý nghĩa to lớn khi năm nay tròn 30 năm hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Nhà lãnh đạo Hàn Quốc đánh giá, trong 30 năm qua, hai nước đã cùng hợp tác, cùng có lợi, hợp tác thương mại và đầu tư đã phát triển vượt bậc và người dân hai nước đã là "anh em, hàng xóm thân thiết với nhau".
Dựa trên nền tảng đó, Tổng thống Yoon Suk-yeol cho rằng, quan hệ Hàn - Việt được nâng cấp lên Đối tác chiến lược toàn diện, mở ra một chương mới trong hợp tác song phương.
Tăng cường mở rộng và làm sâu sắc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực
Trong cuộc họp báo, lãnh đạo hai nước nhất trí thúc đẩy đưa kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng ổn định theo hướng cân bằng, giữ vững vị trí là đối tác thương mại hàng đầu của nhau, trước mắt phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 100 tỷ USD vào năm 2023, hướng tới mục tiêu đạt 150 tỷ USD. "Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc là những nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam với tổng vốn là 80 tỷ USD, tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư gắn với chuyển giao công nghệ và hướng vào các lĩnh vực điện tử, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp xanh, đô thị thông minh...", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về các khoản viện trợ hợp tác phát triển (ODA), Việt Nam cảm ơn Hàn Quốc đã cung cấp các khoản viện trợ, tín dụng ưu đãi mang lại những thành quả phát triển trên các vùng miền, kể cả những vùng khó khăn.
Tổng thống Hàn Quốc nhận định hai bên cần tiến tới là đối tác tối ưu tiên về thương mại - đầu tư và sẽ hỗ trợ doanh nghiệp hai nước thúc đẩy hơn nữa lĩnh vực này. Tổng thống Yoon Suk-yeol cho biết Hàn Quốc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tiên tiến thông qua ổn định các chuỗi cung ứng.
Về khoa học công nghệ tiên tiến, y tế, cơ sở hạ tầng, Viện Khoa học công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc (VKIST) là biểu tượng hợp tác về khoa học công nghệ giữa hai nước. Hàn Quốc sẽ xem xét phương án hỗ trợ xây dựng Trung tâm dự phòng và kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam.
Về lao động, hai nhà lãnh đạo nhất trí mở rộng hình thức hợp tác lao động mới, tiếp tục hỗ trợ để người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc và người Hàn Quốc tại Việt Nam làm việc an toàn, thuận lợi, tuân thủ luật pháp của hai nước, bao gồm cả về thời hạn lưu trú.
Trong hợp tác đa phương, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn quốc tế và khu vực mà hai bên cùng tham gia. Hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982).
Hai bên cũng nhất trí thúc đẩy đối thoại, hợp tác và thực hiện mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển tại khu vực và trên thế giới.
Lãnh đạo cấp cao hai nước nhất trí cho rằng, chuyến thăm cấp Nhà nước Hàn Quốc của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã thành công tốt đẹp, góp phần quan trọng tăng cường và phát triển hơn nữa mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa hai nước, đóng góp vào hòa bình, ổn định và phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.
Thay mặt các nhà lãnh đạo Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trân trọng mời Tổng thống Hàn Quốc thăm Việt Nam trong thời gian sớm nhất. Tổng thống Yoon Suk-yeol chân thành cảm ơn và vui vẻ nhận lời.
Hương Minh
Nguồn : Mekong-ASEAN, 05/12/2022
Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và chuyển hầu hết hoạt động sang Việt Nam do lợi ích về giá nhân công và để tránh bị "vạ lây" trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngày 31/12/2020, Hà Nội và Seoul ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương trong khuôn khổ hàng loạt thỏa thuận được ký kết trong tháng 12.
Mục tiêu hai nước đề ra là đạt mức trao đổi thương mại song phương lên tới 100 tỉ đô la từ nay đến năm 2023, tăng thêm 30 tỉ đô la so thống kê năm 2018. Kế hoạch hành động được Seoul và Hà Nội đề ra còn nhắm đến việc trao đổi công nghệ mũi nhọn, lập nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển, hợp tác và phát triển nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam… nhằm thu hút thêm đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đối với trường hợp Samsung, trong chuyến thăm Hà Nội ngày 20/10/2020 và được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón, phó chủ tịch tập đoàn Lee Jae-yong (người thừa kế tập đoàn bị kết án 30 tháng tù vào ngày 18/01/2021) khẳng định Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất Đông Nam Á, được Samsung khởi công từ tháng 03/2020 tại Hà Nội, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Với hơn 3.000 kĩ sư, Trung tâm tại Hà Nội sẽ là cơ sở Nghiên cứu và Phát triển chính của cả tập đoàn (1).
Phối hợp và đa dạng hóa đối tác thương mại là chiến lược được cả Việt Nam và Hàn Quốc theo đuổi để tránh phụ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondation pour la Recherche stratégique, FRS), điều hành Chương trình Triều Tiên về an ninh và ngoại giao (FRS-KF Programme Corée sur la sécurité et la diplomatie) khi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt.
*****
RFI :Ngày 31/12/2020, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện để thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư. Khi tăng cường hợp tác song phương, Việt Nam có thể nhận được gì từ phía Hàn Quốc và ngược lại ?
Antoine Bondaz : Trước hết, phải nhấn mạnh đến việc trong số những nước ASEAN, Việt Nam thực sự là đối tác ưu tiên của Hàn Quốc. Giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất phát triển vì tổng trao đổi thương mại song phương đã vượt ngưỡng 70 tỉ đô la vào năm 2018, nhờ đó Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc, đứng sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Có thể nói là quá trình đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có từ khá lâu vì ngay từ khi Việt Nam mở cửa và cải cách vào đầu những năm 1990, Hàn Quốc, đặc biệt là những tập đoàn lớn của nước này, nằm trong số những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư hàng loạt vào Việt Nam. Điều này giải thích tại sao hiện nay những đại tập đoàn, như Samsung, Daewoo và nhiều tập đoàn khác, đều hiện diện ở Việt Nam.
Vì vậy, tiếp tục và thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam là điều vô cùng quan trọng đối với chính quyền Seoul. Thêm vào đó, từ vài năm gần đây, Hàn Quốc đã triển khai một chiến lược dành riêng cho khu vực Đông Nam Á, có tên là "New Southern Policy" (Chính sách hướng Nam mới). Mục tiêu mà Hàn Quốc đề ra rất đơn giản : tăng cường mối quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Cuối cùng, ngoài đơn thuần về kinh tế và thương mại, còn có một mặt khác liên quan đến "hỗ trợ phát triển". Rõ ràng là Việt Nam nằm trong chiến lược hỗ trợ cho các nước đang phát triển của Hàn Quốc. Chính quyền Seoul ưu tiên Việt Nam, cho nên có rất nhiều việc được tiến hành giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Và dĩ nhiên, thỏa thuận được ký ngày 31/12/2020 góp phần tăng cường cho quá trình đang diễn ra.
RFI : Có thể nhận thấy là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đẩy nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là tập đoàn Samsung, chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Liệu làn sóng tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc vào những năm 2016-2017 tại Trung Quốc sau khi chính quyền Seoul quyết định lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, có góp phần thúc đẩy tiến trình di dời sản xuất này hay không ? Phải chăng không nên "vuốt râu hùm" Trung Quốc ?
Antoine Bondaz : Cần phải nói rõ rằng việc các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách đa dạng hóa về thị trường, về các nước sản xuất đã bắt đầu trước cả cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dĩ nhiên quá trình này được tăng tốc vào năm 2016-2017 khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul trở nên xấu đi.
Hàn Quốc hoàn toàn ý thức được rằng nhờ dựa vào nền kinh tế Trung Quốc, cũng như về mặt xuất khẩu, các doanh nghiệp của nước này đã kiếm được rất nhiều tiền trong những thập niên qua, nhưng cũng là một "tai họa" nếu như sự phụ thuộc trở nên quá lớn. Vì thế trong những năm gần đây, Seoul, hay chính xác hơn là các doanh nghiệp Hàn Quốc, đề ra chiến lược khá rõ ràng, đó là đa dạng hóa đối tác. Điều này được thấy qua việc nhiều nhà máy của Hàn Quốc bị đóng cửa ở Trung Quốc và được mở ở Việt Nam.
Quá trình này được thúc đẩy hoàn toàn vì lợi ích kinh tế, do giá nhân công ở Trung Quốc tăng cao nên Việt Nam trở nên cạnh trạnh hơn về nhân công. Do đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, kể cả Châu Á dù là của Hàn Quốc, Nhật Bản hay những nước khác, đã chuyển hoạt động sang Việt Nam, một quốc gia có giá nhân công rẻ hơn, môi trường chính trị được coi là tốt, nơi người dân được đào tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng vững chắc. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả Hàn Quốc.
RFI :Thị trường chung Châu Âu có ý nghĩa như nào đối với Việt Nam và Hàn Quốc, trong khi cả hai nước này đều có thỏa thuận tự do thương mại riêng với Liên Hiệp Châu Âu ?
Antoine Bondaz : Liên Hiệp Châu Âu là một nhân tố không thể thiếu đối với bất kỳ cường quốc thương mại nào hiện nay. Liên Hiệp Châu Âu là cường quốc thương mại hàng đầu, là thị trường có hơn 450 triệu người có mức sống trung bình và cao. Vì thế, đối với bất kỳ quốc gia nào muốn giao thương đều muốn trở thành đối tác của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là điều mà Hàn Quốc đã làm, với việc ký Hiệp định Thương mại Tự do với Bruxelles cách đây hơn 10 năm (thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2010). Và gần đây là trường hợp Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Đây là điểm tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Châu Âu, khu vực luôn tìm cách tăng cường trao đổi thương mại với những nước này.
Cần phải nhắc lại rằng đây cũng là cơ hội tốt cho cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam trong việc đa dạng hóa đối tác, giảm phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc. Đây chính là mục tiêu kinh tế và chính trị quan trọng, không chỉ đối với các chính phủ mà còn đối với cả các doanh nghiệp của những nước liên quan.
RFI :Trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam có một số quy định về nguồn gốc nguyên liệu, ví dụ như vải, phải sử dụng sản phẩm của Hàn Quốc để xuất sang thị trường chung Châu Âu. Xin ông giải thích thêm mối liên hệ trong điểm này !
Antoine Bondaz : Trong thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Việt Nam, mục tiêu rõ ràng là để cả hai nền kinh tế đều được lợi. Nếu Hàn Quốc có thể có được độc quyền về một số sản phẩm hoặc độc quyền về mặt sản phẩm trong một số chuỗi sản xuất hoặc chuỗi giá trị, dĩ nhiên là họ sẽ làm.
Về phía Việt Nam, đây cũng là điểm quan trọng vì như tôi đã nói ở trên, 70 tỉ đô la trao đổi thương mại là khoản tiền vô cùng lớn. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội có một không hai và có thể là chính quyền Hà Nội, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, sẵn sàng nhân nhượng một số điểm với chính phủ, cũng như các tập đoàn Hàn Quốc. Điều này có thể đẩy mạnh trao đổi thương mại và như vậy không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn làm tăng mức sống của người dân.
RFI :Việt Nam vẫn bị chỉ trích thiếu hoạt động công đoàn độc lập. Dường như đây cũng không phải là điểm mạnh của Hàn Quốc. Liệu có cần lo ngại về việc quyền lợi của người lao động bị tác động trong khi ưu tiên của chính phủ Việt Nam là thu hút đầu tư nước ngoài, dĩ nhiên là cả từ Hàn Quốc ?
Antoine Bondaz : Đúng là quan ngại này có từ lâu và vấn đề còn rộng hơn cả việc giữa một bên là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, và bên kia là việc phát triển và tăng cường các quyền, kể cả các quyền lợi xã hội, trong đó có quyền lợi lao động.
Dĩ nhiên, một số chính phủ có xu hướng hạn chế các quyền lợi xã hội để gia tăng đầu tư nước ngoài. Chính vì thế mà một số cường quốc thương mại, như trường hợp của Liên Hiệp Châu Âu, rất chú tâm đến việc quyền lợi xã hội, quyền của người lao động phải được nêu trong các thỏa thuận thương mại.
Tôi lấy ví dụ Hiệp định Thương mại Tự do được Bruxelles và Hà Nội ký có một chương tên là "Phát triển bền vững". Chương này không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường mà còn đề cập đến những vấn đề xã hội, nhân quyền… Chính điều này đã hối thúc Việt Nam phê chuẩn Công ước số 105 xóa bỏ Lao động cưỡng bức của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO). Việt Nam đã ký Công ước này vào ngày 14/07/2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 14/07/2021. Có nghĩa là Hà Nội đưa ra những cam kết, trong đó có cam kết về loại bỏ lao động cưỡng bức, để cải thiện tình hình.
Vấn đề nghiệp đoàn thì phức tạp hơn. Người ta nhận thấy tác động của những thỏa thuận ký với Liên Hiệp Châu Âu vẫn có một hạn chế tiềm năng. Ví dụ trong trường hợp giữa Bruxelles và Seoul, Hiệp định Thương mại Tự do song phương lẽ ra gắn liền với điều kiện quyền của người lao động phải được bảo vệ tốt hơn ở Hàn Quốc. Trên thực tế là 10 năm sau (từ năm 2010 khi thỏa thuận tự do trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu có hiệu lực), Hàn Quốc mới phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (2), khác với Việt Nam. Chính quyền Seoul còn không đưa ra những biện pháp mạnh mẽ mang tầm quốc gia để cổ vũ cho quyền của người lao động.
Mục tiêu hiện giờ là thông qua các cuộc tham vấn và thảo luận để đốc thúc Seoul thực hiện việc này vì lợi ích lâu dài của Hàn Quốc. Bởi vì, việc bảo đảm cho các quyền lợi xã hội hoặc quyền lao động được tốt hơn có thể giúp gia tăng hiệu năng của một đất nước, nhờ đó tăng tốc cho quá trình phát triển quốc gia và cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS), điều hành Chương trình Triều Tiên về an ninh và ngoại giao (FRS-KF).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 22/03/2021
(1) Theo Le Courrier du Vietnam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp phó chủ tịch tập đoàn Samsung ngày 20/10/2020. Ông Lee Jae Yong nêu kế hoạch xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội của tập đoàn Samsung trong buổi làm việc này.
(2) Theo hãng tin Yonhap, ngày 26/02/2021, Quốc Hội Hàn Quốc đã phê chuẩn các công ước chính của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về các quyền của người lao động và lao động cưỡng bức. Hàn Quốc gia nhập cơ quan này của Liên Hiệp Quốc năm 1991 nhưng chưa thông qua bốn trong số những công ước chính của tổ chức này.