Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc đóng cửa nhà máy ở Trung Quốc và chuyển hầu hết hoạt động sang Việt Nam do lợi ích về giá nhân công và để tránh bị "vạ lây" trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ngày 31/12/2020, Hà Nội và Seoul ký thỏa thuận đối tác chiến lược toàn diện để thúc đẩy hợp tác thương mại và đầu tư song phương trong khuôn khổ hàng loạt thỏa thuận được ký kết trong tháng 12.
Mục tiêu hai nước đề ra là đạt mức trao đổi thương mại song phương lên tới 100 tỉ đô la từ nay đến năm 2023, tăng thêm 30 tỉ đô la so thống kê năm 2018. Kế hoạch hành động được Seoul và Hà Nội đề ra còn nhắm đến việc trao đổi công nghệ mũi nhọn, lập nhiều trung tâm nghiên cứu và phát triển, hợp tác và phát triển nhiều khu công nghiệp tại Việt Nam… nhằm thu hút thêm đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc.
Đối với trường hợp Samsung, trong chuyến thăm Hà Nội ngày 20/10/2020 và được thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón, phó chủ tịch tập đoàn Lee Jae-yong (người thừa kế tập đoàn bị kết án 30 tháng tù vào ngày 18/01/2021) khẳng định Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển lớn nhất Đông Nam Á, được Samsung khởi công từ tháng 03/2020 tại Hà Nội, sẽ đi vào hoạt động vào năm 2022. Với hơn 3.000 kĩ sư, Trung tâm tại Hà Nội sẽ là cơ sở Nghiên cứu và Phát triển chính của cả tập đoàn (1).
Phối hợp và đa dạng hóa đối tác thương mại là chiến lược được cả Việt Nam và Hàn Quốc theo đuổi để tránh phụ thuộc vào nước láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Đây là nhận định của nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á tại Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp (Fondation pour la Recherche stratégique, FRS), điều hành Chương trình Triều Tiên về an ninh và ngoại giao (FRS-KF Programme Corée sur la sécurité et la diplomatie) khi trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt.
*****
RFI :Ngày 31/12/2020, Việt Nam và Hàn Quốc đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện để thúc đẩy hợp tác về thương mại và đầu tư. Khi tăng cường hợp tác song phương, Việt Nam có thể nhận được gì từ phía Hàn Quốc và ngược lại ?
Antoine Bondaz : Trước hết, phải nhấn mạnh đến việc trong số những nước ASEAN, Việt Nam thực sự là đối tác ưu tiên của Hàn Quốc. Giao thương giữa Việt Nam và Hàn Quốc rất phát triển vì tổng trao đổi thương mại song phương đã vượt ngưỡng 70 tỉ đô la vào năm 2018, nhờ đó Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 4 của Hàn Quốc, đứng sau Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Có thể nói là quá trình đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã có từ khá lâu vì ngay từ khi Việt Nam mở cửa và cải cách vào đầu những năm 1990, Hàn Quốc, đặc biệt là những tập đoàn lớn của nước này, nằm trong số những doanh nghiệp đầu tiên đầu tư hàng loạt vào Việt Nam. Điều này giải thích tại sao hiện nay những đại tập đoàn, như Samsung, Daewoo và nhiều tập đoàn khác, đều hiện diện ở Việt Nam.
Vì vậy, tiếp tục và thúc đẩy phát triển quan hệ kinh tế với Việt Nam là điều vô cùng quan trọng đối với chính quyền Seoul. Thêm vào đó, từ vài năm gần đây, Hàn Quốc đã triển khai một chiến lược dành riêng cho khu vực Đông Nam Á, có tên là "New Southern Policy" (Chính sách hướng Nam mới). Mục tiêu mà Hàn Quốc đề ra rất đơn giản : tăng cường mối quan hệ kinh tế với các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, để bớt phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Cuối cùng, ngoài đơn thuần về kinh tế và thương mại, còn có một mặt khác liên quan đến "hỗ trợ phát triển". Rõ ràng là Việt Nam nằm trong chiến lược hỗ trợ cho các nước đang phát triển của Hàn Quốc. Chính quyền Seoul ưu tiên Việt Nam, cho nên có rất nhiều việc được tiến hành giữa Hàn Quốc và Việt Nam. Và dĩ nhiên, thỏa thuận được ký ngày 31/12/2020 góp phần tăng cường cho quá trình đang diễn ra.
RFI : Có thể nhận thấy là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đã đẩy nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc, đặc biệt là tập đoàn Samsung, chuyển dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam. Liệu làn sóng tẩy chay sản phẩm Hàn Quốc vào những năm 2016-2017 tại Trung Quốc sau khi chính quyền Seoul quyết định lập hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc, có góp phần thúc đẩy tiến trình di dời sản xuất này hay không ? Phải chăng không nên "vuốt râu hùm" Trung Quốc ?
Antoine Bondaz : Cần phải nói rõ rằng việc các doanh nghiệp Hàn Quốc tìm cách đa dạng hóa về thị trường, về các nước sản xuất đã bắt đầu trước cả cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Dĩ nhiên quá trình này được tăng tốc vào năm 2016-2017 khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Seoul trở nên xấu đi.
Hàn Quốc hoàn toàn ý thức được rằng nhờ dựa vào nền kinh tế Trung Quốc, cũng như về mặt xuất khẩu, các doanh nghiệp của nước này đã kiếm được rất nhiều tiền trong những thập niên qua, nhưng cũng là một "tai họa" nếu như sự phụ thuộc trở nên quá lớn. Vì thế trong những năm gần đây, Seoul, hay chính xác hơn là các doanh nghiệp Hàn Quốc, đề ra chiến lược khá rõ ràng, đó là đa dạng hóa đối tác. Điều này được thấy qua việc nhiều nhà máy của Hàn Quốc bị đóng cửa ở Trung Quốc và được mở ở Việt Nam.
Quá trình này được thúc đẩy hoàn toàn vì lợi ích kinh tế, do giá nhân công ở Trung Quốc tăng cao nên Việt Nam trở nên cạnh trạnh hơn về nhân công. Do đó, nhiều doanh nghiệp nước ngoài, kể cả Châu Á dù là của Hàn Quốc, Nhật Bản hay những nước khác, đã chuyển hoạt động sang Việt Nam, một quốc gia có giá nhân công rẻ hơn, môi trường chính trị được coi là tốt, nơi người dân được đào tạo và hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng vững chắc. Nhờ đó, Việt Nam ngày càng có khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, kể cả Hàn Quốc.
RFI :Thị trường chung Châu Âu có ý nghĩa như nào đối với Việt Nam và Hàn Quốc, trong khi cả hai nước này đều có thỏa thuận tự do thương mại riêng với Liên Hiệp Châu Âu ?
Antoine Bondaz : Liên Hiệp Châu Âu là một nhân tố không thể thiếu đối với bất kỳ cường quốc thương mại nào hiện nay. Liên Hiệp Châu Âu là cường quốc thương mại hàng đầu, là thị trường có hơn 450 triệu người có mức sống trung bình và cao. Vì thế, đối với bất kỳ quốc gia nào muốn giao thương đều muốn trở thành đối tác của Liên Hiệp Châu Âu. Đó là điều mà Hàn Quốc đã làm, với việc ký Hiệp định Thương mại Tự do với Bruxelles cách đây hơn 10 năm (thỏa thuận có hiệu lực từ năm 2010). Và gần đây là trường hợp Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam (EVFTA). Đây là điểm tích cực cho các doanh nghiệp và nền kinh tế Châu Âu, khu vực luôn tìm cách tăng cường trao đổi thương mại với những nước này.
Cần phải nhắc lại rằng đây cũng là cơ hội tốt cho cả Hàn Quốc lẫn Việt Nam trong việc đa dạng hóa đối tác, giảm phụ thuộc vào nước láng giềng Trung Quốc. Đây chính là mục tiêu kinh tế và chính trị quan trọng, không chỉ đối với các chính phủ mà còn đối với cả các doanh nghiệp của những nước liên quan.
RFI :Trong Hiệp định Thương mại Tự do giữa Liên Hiệp Châu Âu và Việt Nam có một số quy định về nguồn gốc nguyên liệu, ví dụ như vải, phải sử dụng sản phẩm của Hàn Quốc để xuất sang thị trường chung Châu Âu. Xin ông giải thích thêm mối liên hệ trong điểm này !
Antoine Bondaz : Trong thỏa thuận giữa Hàn Quốc và Việt Nam, mục tiêu rõ ràng là để cả hai nền kinh tế đều được lợi. Nếu Hàn Quốc có thể có được độc quyền về một số sản phẩm hoặc độc quyền về mặt sản phẩm trong một số chuỗi sản xuất hoặc chuỗi giá trị, dĩ nhiên là họ sẽ làm.
Về phía Việt Nam, đây cũng là điểm quan trọng vì như tôi đã nói ở trên, 70 tỉ đô la trao đổi thương mại là khoản tiền vô cùng lớn. Đối với Việt Nam, đây là cơ hội có một không hai và có thể là chính quyền Hà Nội, cũng như các doanh nghiệp Việt Nam, sẵn sàng nhân nhượng một số điểm với chính phủ, cũng như các tập đoàn Hàn Quốc. Điều này có thể đẩy mạnh trao đổi thương mại và như vậy không chỉ góp phần vào phát triển kinh tế của Việt Nam mà còn làm tăng mức sống của người dân.
RFI :Việt Nam vẫn bị chỉ trích thiếu hoạt động công đoàn độc lập. Dường như đây cũng không phải là điểm mạnh của Hàn Quốc. Liệu có cần lo ngại về việc quyền lợi của người lao động bị tác động trong khi ưu tiên của chính phủ Việt Nam là thu hút đầu tư nước ngoài, dĩ nhiên là cả từ Hàn Quốc ?
Antoine Bondaz : Đúng là quan ngại này có từ lâu và vấn đề còn rộng hơn cả việc giữa một bên là phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, và bên kia là việc phát triển và tăng cường các quyền, kể cả các quyền lợi xã hội, trong đó có quyền lợi lao động.
Dĩ nhiên, một số chính phủ có xu hướng hạn chế các quyền lợi xã hội để gia tăng đầu tư nước ngoài. Chính vì thế mà một số cường quốc thương mại, như trường hợp của Liên Hiệp Châu Âu, rất chú tâm đến việc quyền lợi xã hội, quyền của người lao động phải được nêu trong các thỏa thuận thương mại.
Tôi lấy ví dụ Hiệp định Thương mại Tự do được Bruxelles và Hà Nội ký có một chương tên là "Phát triển bền vững". Chương này không chỉ liên quan đến vấn đề môi trường mà còn đề cập đến những vấn đề xã hội, nhân quyền… Chính điều này đã hối thúc Việt Nam phê chuẩn Công ước số 105 xóa bỏ Lao động cưỡng bức của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO). Việt Nam đã ký Công ước này vào ngày 14/07/2020 và sẽ có hiệu lực vào ngày 14/07/2021. Có nghĩa là Hà Nội đưa ra những cam kết, trong đó có cam kết về loại bỏ lao động cưỡng bức, để cải thiện tình hình.
Vấn đề nghiệp đoàn thì phức tạp hơn. Người ta nhận thấy tác động của những thỏa thuận ký với Liên Hiệp Châu Âu vẫn có một hạn chế tiềm năng. Ví dụ trong trường hợp giữa Bruxelles và Seoul, Hiệp định Thương mại Tự do song phương lẽ ra gắn liền với điều kiện quyền của người lao động phải được bảo vệ tốt hơn ở Hàn Quốc. Trên thực tế là 10 năm sau (từ năm 2010 khi thỏa thuận tự do trao đổi thương mại với Liên Hiệp Châu Âu có hiệu lực), Hàn Quốc mới phê chuẩn một số công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế (2), khác với Việt Nam. Chính quyền Seoul còn không đưa ra những biện pháp mạnh mẽ mang tầm quốc gia để cổ vũ cho quyền của người lao động.
Mục tiêu hiện giờ là thông qua các cuộc tham vấn và thảo luận để đốc thúc Seoul thực hiện việc này vì lợi ích lâu dài của Hàn Quốc. Bởi vì, việc bảo đảm cho các quyền lợi xã hội hoặc quyền lao động được tốt hơn có thể giúp gia tăng hiệu năng của một đất nước, nhờ đó tăng tốc cho quá trình phát triển quốc gia và cuối cùng là nâng cao đời sống của người dân.
RFI tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Antoine Bondaz, chuyên gia về Đông Á của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp (FRS), điều hành Chương trình Triều Tiên về an ninh và ngoại giao (FRS-KF).
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 22/03/2021
(1) Theo Le Courrier du Vietnam, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp phó chủ tịch tập đoàn Samsung ngày 20/10/2020. Ông Lee Jae Yong nêu kế hoạch xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển tại Hà Nội của tập đoàn Samsung trong buổi làm việc này.
(2) Theo hãng tin Yonhap, ngày 26/02/2021, Quốc Hội Hàn Quốc đã phê chuẩn các công ước chính của Tổ Chức Lao Động Quốc Tế (ILO) về các quyền của người lao động và lao động cưỡng bức. Hàn Quốc gia nhập cơ quan này của Liên Hiệp Quốc năm 1991 nhưng chưa thông qua bốn trong số những công ước chính của tổ chức này.