Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác trước thách thức từ Trung Quốc
Hôm 3/10, tàu CSB 8004 của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Shinko tại thành phố Kobe để bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản. Đây là lần thứ hai một tàu cảnh sát biển của Việt Nam tới thăm Nhật Bản, theo sau chuyến thăm của tàu CSB 8002 hồi năm 2019.
Rõ ràng trước mối đe dọa chung từ Trung Quốc thì Việt Nam và Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn, và theo giới quan sát thì Việt Nam sẽ là bên được lợi khi thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản. Báo điện tử - Đảng cộng sản Việt Nam
Theo thông tin từ cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì chuyến thăm này được diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quân hệ ngoại giao giữa hai nước.
Phát biểu trong lễ đón phái đoàn cảnh sát biển Việt Nam, ông Hattori, Tư lệnh Vùng 5, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho rằng sự kiện này giúp tăng cường hợp tác giữa lực lượng chấp pháp hàng hải của hai nước, và qua đó, giúp hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).
Đáp lại tuyên bố trên, Đại tá Lê Thanh Hải, Phó tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 của Việt Nam nhận định đây là cơ hội để hai nước trao đổi kinh nghiệm, và phối hợp trong việc đối phó với các "thách thức an ninh" cả truyền thống lẫn phi truyền thống.
Thông qua phát biểu của đại diện lực lượng cảnh sát biển hai nước thì có thể thấy vấn đề tự do và an ninh hàng hải được đôi bên đặt lên hàng đầu.
Trên thực tế, cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến an ninh hàng hải, cụ thể là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực biển, đảo, và thực thể trên biển. Trong đó, đối tượng chung của cả hai quốc gia trong vấn đề này là Trung Quốc.
Trong khi Nhật Bản đối diện với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku ở khu vực biển Hoa Đông, thì ở trên khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Rõ ràng trước mối đe dọa chung từ Trung Quốc thì Việt Nam và Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn, và theo giới quan sát thì Việt Nam sẽ là bên được lợi khi thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản.
Bình luận với đài RFA về vấn đề này, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết nhận định của ông :
"Tuy lực lượng hải cảnh của Trung Quốc hùng hậu hơn lực lượng cảnh sát biển của Nhật Bản và toàn bộ các nước Đông Nam Á cộng lại, nhưng các tàu của Nhật Bản có lượng giãn nước lớn, và hiện đại, và được trang bị cũng như huấn luyện tốt hơn.
Dù có những hạn chế về mặt hiến pháp và cả việc Việt Nam không phải là đồng mình hiệp ước, nhưng Nhật Bản vẫn có thể giúp Việt Nam trong việc huấn luyện và đào tạo sĩ quan, thực hiện tuần tra chung, viện trợ tàu tuần tra, hoặc thậm chí là đóng tàu theo đơn đặt hàng của Việt Nam".
Hồi năm 2020, chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định vay vốn ODA từ Nhật Bản để mua 6 tàu tuần tra do nước này đóng, tổng giá trị của hợp đồng lên đến 348,2 triệu USD.
Ngoài ra, theo vị học giả người Úc thì Nhật Bản cũng có thể bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam thông qua các tuyên bố chính trị, nhằm phản đối các hành vi gây bất ổn trên khu vực Biển Đông do Trung Quốc gây ra.
Nhật Bản là quốc gia có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam ở lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp Nhật đứng đầu trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam, và chính phủ nước này cũng đứng đầu trong việc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho chính phủ Việt Nam để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Vì lẽ đó, theo ông Nguyễn Thế Phương - nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải, thì giữa hai nước đã tồn tại sự tin tưởng ở mức độ cao, do đó sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải một cách thuận lợi hơn :
"Việt Nam tin Nhật ở một mức độ nhất định, và Nhật Bản cũng biết cách làm việc với Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chính trị, hai bên đã tạo ra lòng tin. Và khi đã có lòng tin thì các dự án, hợp tác liên quan đến an ninh quốc phòng sẽ chạy trơn tru, dễ dàng hơn".
Giới quan sát cũng đang đồn đoán rằng Việt Nam đang có mong muốn nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Nhật Bản lên mức cao nhất là chiến lược toàn diện.
Một khi mối quan hệ ngoại giao được nâng cấp và thắt chặt hơn, theo ông Nguyễn Thế Phương, thì Nhật Bản sẽ có thể cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho Việt Nam, thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển, để tiến tới các hỗ trợ về mặt quân sự. Ông nói thêm :
"Trong tương lai khi hai bên nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện rồi, thì Nhật Bản có thể xuất khẩu vũ khí đã qua sử dụng cho Việt Nam, chất lượng vẫn tốt nhưng giá thành rẻ hơn. Thứ hai là chuyển giao công nghệ, dù gì thì Nhật vẫn là quốc gia có FDI đầu tư ở Việt Nam rất tốt, họ quen thể chế và biết cách làm việc rồi, cho nên việc Việt Nam nói chuyện với họ về việc chuyển giao công nghệ quốc phòng sẽ dễ hơn so với các đối tác hoàn toàn mới".
Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh hàng hải, và thậm chí là quốc phòng theo các chuyên gia là rất lớn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có trở ngại.
Ở phía Nhật Bản, theo ông Nguyễn Thế Phương thì chính trị nội bộ vẫn là một vấn đề cần phải được giải quyết, khi nước này cần phải thay đổi các chính sách giới hạn xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài để có thể tăng cường hợp tác quốc phòng với nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Còn về phía Việt Nam, theo giáo sư Carlyle Thayer thì Đảng cộng sản cần phải mạnh dạn hơn trong việc thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Nhật Bản, thay vì rụt rè, lo sợ sự phản ứng từ Trung Quốc.
Nguồn : RFA, 03/10/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam và Nhật Bản đồng ý hợp tác đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông (RFA, 04/05/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng hai nước Việt Nam và Nhật Bản hôm thứ Năm, 2/5 đã đồng ý sẽ hợp tác đối phó một cách hoà bình với Trung Quốc ở Biển Đông. Trang tin Japan Times loan tin này hôm 4/5.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya duyệt Đội danh dự Quân đội nhân dân Việt Nam Courtesy of dangcongsan.vn
Nói với người đồng nhiệm trong cuộc gặp ở Hà Nội, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Takeshi Iwaya giải thích hướng dẫn quốc phòng quốc gia mới của Nhật Bản đưa ra hồi tháng 12 năm ngoái đã xác định các hoạt động quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông và các vùng nước xung quanh là một mối quan ngại an ninh nghiêm trọng trong khu vực bao gồm cả Nhật Bản và cộng đồng quốc tế.
Nhật Bản đã nhiều lần lên tiếng phản đối hành động xây lấp đảo nhân tạo và quân sự hoá của Trung Quốc ở khu vực Biển Đông, nơi nước này đang có tranh chấp với một số nước láng giềng trong đó có Việt Nam.
Trong cuộc gặp lần này, Bộ trưởng Quốc phòng hai nước đã trao đổi một bản ghi nhớ về hợp tác công nghiệp quốc phòng giữa hai nước.
Theo bản ghi nhớ này, các hợp tác giữa hai bên sẽ bao gồm an ninh biển, trợ giúp nhân đạo, an ninh mạng. Japan Times trích các nguồn tin giấu tên cho biết.
Nhật Bản là nước trong các năm qua đã hỗ trợ Việt Nam các tàu tuần duyên nhằm tăng cường khả năng tuần tra biển cho lực lượng cảnh sát biển của Việt Nam.
Nhật Bản cũng là nước đang có tranh chấp với Trung Quốc ở khu vực Đông Hải nơi có quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư.
*****************
Việt Nam - Nhật Bản tăng cường quan hệ quốc phòng (RFA, 03/05/2019)
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Nhật Bản Takeshi Iwaya trong buổi hội đàm tại Hà Nội hôm 2/5/2019 đã đồng ý tiếp tục tăng cường quan hệ quốc phòng song phương giữa hai nước trong năm nay và tiếp sau đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch và người đồng cấp Nhật Bản Tekeshi Iwaya tại Hà Nội hôm 2/5/2019. Courtesy of nhandan.org.vn
Truyền thông trong nước loan tin hôm 3/5 cho biết buổi hội đàm diễn ra nhân chuyến thăm của ông Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản đến Việt Nam từ 2 – 4/5/2019.
Theo đó tại buổi hội đàm, hai ông bộ trưởng tuyên bố hai nước sẽ tận dụng các cơ chế hợp tác hiện có và các thỏa thuận quốc phòng đã ký kết cho mục tiêu tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Việt Nam và Nhật Bản.
Vấn đề quốc phòng được nói là một trong những nội dung quan trọng của mối quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa Hà Nội và Tokyo.
Bản ghi nhớ về hợp tác và trao đổi quốc phòng được hai nước ký kết vào tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung Việt Nam – Nhật Bản về hợp tác quốc phòng trong thập kỷ tiếp theo được ký kết vào tháng 4/2018 được nhận định là giúp tăng cường niềm tin chính trị giữa đôi bên.
Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch nhân dịp này cũng cảm ơn Nhật Bản vì đã hỗ trợ chi phí phục hồi cho Việt Nam sau chiến tranh và những sáng kiến về cơ chế hợp tác trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng.
Kể từ năm 2009, Nhật Bản đã viện trợ gần 5,5 triệu USD cho hai dự án rà phá bom mìn ở các tỉnh Quảng Trị và Hà Tĩnh của Việt Nam.
Việt Nam và Nhật Bản được nói cũng đang hợp tác để thử nghiệm các công nghệ xử lý chất độc da cam tại sân bay Biên Hòa.
Việt Nam và Nhật Bản có chung một mối bận tâm : sức mạnh và mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng gia tăng tại các vùng biển trong khu vực. Hà Nội tiếp tục chính sách đa dạng hóa các mối quan hệ quốc tế, đặc biệt là tăng cường hợp tác quân sự với Nhật Bản, nhằm đối phó với Trung Quốc.
Hai chiến hạm Uraga và Takashima của Nhật ghé thăm cảng Cam Ranh ngày 12/04/2016. Vietnam News Agency / AFP
Từ năm 2017, lãnh đạo cao cấp của chính quyền và quân đội hai nước tăng cường các chuyến công du, đặc biệt là chuyến công du Tokyo của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang từ 29/05 đến 02/06/2018, đánh dấu 45 năm quan hệ ngoại giao Việt-Nhật.
Trong thông cáo chung, chủ tịch nước Việt Nam và thủ tướng Nhật Bản chia sẻ ý định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng dựa trên Biên bản Hợp tác và Trao đổi Quốc phòng song phương giữa bộ Quốc Phòng Việt Nam và bộ Quốc Phòng Nhật Bản ký tháng 10/2011 và Tuyên bố Tầm nhìn chung về Hợp tác Quốc phòng Việt-Nhật hướng tới thập kỷ tiếp theo được ký tháng 04/2018 giữa bộ trưởng Quốc Phòng hai nước.
Lãnh đạo hai nước chia sẻ quan điểm tăng cường giao lưu giữa các đơn vị, bao gồm việc thăm Việt Nam của tàu biển, máy bay của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản ; thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, trang thiết bị và công nghệ quốc phòng, tìm kiếm, cứu nạn hàng không, quân y, hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hiệp Quốc, an ninh mạng, hỗ trợ nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Trên quy mô khu vực, Nhật Bản tiếp tục cam kết gia tăng hiện diện và hợp tác phù hợp với chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương "tự do và rộng mở" do thủ tướng Shinzo Abe khởi xướng năm 2016. Từ ngày 26/08 đến cuối tháng 10/2018, ba tầu khu trục thuộc lực lượng Hải Quân Nhật Bản được điều đến Biển Đông và Ấn Độ Dương và có kế hoạch tập trận chung với Hải Quân của các nước Ấn Độ, Sri Lanka, Singapore, Indonesia và Philippines.
Trả lời phỏng vấn RFI tiếng Việt, bà Guibourg Delamotte (*), giảng viên Khoa học Chính trị thuộc Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản, Viện Ngôn ngữ và Văn minh phương Đông - Inalco (Paris), phân tích về quá trình hợp tác Việt-Nhật cũng như triển vọng của mối quan hệ song phương.
***
RFI : Hợp tác quốc phòng Việt-Nhật hình thành từ năm 2011 và được tăng cường thông qua các chuyến thăm của lãnh đạo và sĩ quan hai nước, đặc biệt là chuyến công du Nhật Bản của chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang. Vậy Việt Nam trông đợi gì ở Nhật Bản ? Nhật Bản tìm kiếm gì ở Việt Nam ?
Guibourg Delamotte : Tôi nghĩ đúng là có sự đồng nhất về lợi ích giữa Nhật Bản và Việt Nam tại thời điểm này. Mỗi bên cùng tìm kiếm một điều, đó là làm đối trọng với Trung Quốc. Việt Nam vô cùng nghi ngờ cường quốc Trung Hoa. Nhật Bản ít nhiều cũng trong hoàn cảnh đó. Vì vậy, Nhật Bản và Việt Nam xích lại gần nhau, dù có vẻ ngược đời nếu nhìn lại lịch sử hai nước nhưng hoàn toàn không hẳn vậy trong bối cảnh bất cân bằng địa-chiến lược hiện nay.
Nếu nhìn lại lịch sử Việt Nam thời trước, Việt Nam từng phụ thuộc vào Trung Quốc. Nhưng hiện nay, chúng ta nhận thấy rõ là chính phủ Việt Nam đang trong trong thế, được cho là "đối đầu" với Trung Quốc.
Và Nhật Bản cũng đang trong tình cảnh tương tự vì họ bị không quân và hải quân Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào lãnh thổ, từ tầu hải cảnh đến tầu cá. Vì vậy, Tokyo cũng tìm cách cân bằng trước sự trỗi dậy quân sự và ưu thế của Trung Quốc thông qua một mạng lưới đồng minh từ Ấn Độ đến Úc, với nhiều nước Châu Âu như Pháp, Anh, khối NATO và với các nước ASEAN. Chính bối cảnh này giải thích việc Nhật Bản và Việt Nam xích gần lại nhau.
RFI : Nhật Bản cung cấp tầu tuần tra hàng hải cho Việt Nam, thắt chặt hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, quân y… Vậy Nhật Bản phải làm thế nào, trong khi điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản có từ năm 1945 nêu rõ không xuất khẩu vũ khí, không liên minh quân sự ?
G. Delamotte : Cách diễn giải bản Hiến pháp của Nhật Bản đã thay đổi rất nhiều theo thời gian. Và trong đó luôn có một điểm là Nhật Bản có thể hành động vì lợi ích quốc phòng. Nhưng những gì họ có thể làm chỉ là những hành động vô hại.
Liên quan đến việc xuất khẩu các hệ thống vũ khí quốc phòng, Hiến pháp Nhật Bản đã được thay đổi vào năm 2014. Đúng là từ những năm 1970, Hiến pháp quy định Nhật không được xuất khẩu bất kỳ loại vũ khí nào hay bất kỳ hệ thống quân sự nào và không hợp tác dưới bất kỳ hình thức nào về quân sự, công nghệ và công nghiệp với bất kỳ quốc gia nào, ngoại trừ với Hoa Kỳ bắt đầu từ năm 1984.
Ngoài Hoa Kỳ, Nhật Bản không được xuất khẩu vũ khí cho bất kỳ nước nào, nhưng quy định này đã được thay đổi vào năm 2014. Phù hợp với Hiến pháp sửa đổi hiện nay, Nhật Bản có thể hợp tác công nghệ, trong đó có trao đổi thông tin và công nghệ, nếu thấy cần thiết, để đảm bảo an ninh quốc gia. Thực ra, những quy định về xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản và hợp tác công nghiệp từ trước đến nay vẫn linh hoạt hơn so với một số nước như Pháp chẳng hạn, nhưng đến giờ thì được mở rộng.
Về khả năng trao tặng tầu chiến, thực ra đó là những con tầu không còn được Lực lượng Phòng Vệ Nhật Bản sử dụng nữa, những con tầu mà Nhật Bản đã cấp cho Việt Nam là một ví dụ. Thực ra, cách thức này từng được áp dụng trước đó, vào năm 2008, khi Nhật Bản từng bước quyết định can thiệp nhiều hơn, có nghĩa là giúp đỡ các nước Đông Nam Á đối phó với Trung Quốc thông qua chương trình viện trợ công cho quá trình phát triển của các nước này bằng việc cấp tầu chiến mà Nhật Bản không sử dụng nữa.
Cách làm này của Nhật ngày càng phổ biến, ví dụ đối với Việt Nam và Philippines, với mục đích là tăng cường cho các lực lượng hải quân, yếu hơn hẳn so với sức mạnh Trung Quốc.
RFI : Làm thế nào Nhật Bản và Việt Nam có thể phát triển quan hệ quân sự ? Trong những lĩnh vực nào ? Và trong điều kiện nào ?
G. Delamotte : Tôi nghĩ là hiện giờ khó có thể đi xa hơn. Hai nước đã có những trao đổi khá rõ nét và được chú trọng về mảng nhân viên quân sự, tùy viên quốc phòng, trao đổi chính trị trong khuôn khổ ASEAN.
Liệu hai bên có tính đến các đợt thao dượt quân sự tỉ mỉ hơn không ? Điều này có lẽ không chắc. Vì ngoài diễn tập với Hoa Kỳ hoặc các cuộc tập trận đa phương, Nhật Bản không tiến hành thao dượt song phương với Hải Quân của các nước Đông Nam Á.
RFI : Tháng 05/2017, tầu chở trực thăng Nhật Bản Izumo đã thực hiện hành trình dài ba tháng tại vùng Biển Đông. Từ ngày 26/08 đến cuối tháng 10/2018, ba tầu chiến, trong đó có tầu chở trực thăng lớn nhất của Nhật Bản là Kaga, cũng sẽ đi qua Biển Đông và đến Ấn Độ Dương, đồng thời thao dượt quân sự chung cùng với hải quân năm nước và Hoa Kỳ. Thông qua các hoạt động này, Nhật Bản muốn truyền tải thông điệp gì ?
G. Delamotte : Đúng, các cuộc diễn tập đa phương rất quan trọng vì chúng có quy mô lớn. Đối với Lực Lượng Phòng Vệ Nhật Bản, thiếu kinh nghiệm chiến đấu, thì các cuộc thao dượt đa phương giúp họ tạo dựng được tình huống và như vậy, là cơ hội đáng quý cho họ. Đây cũng là cơ hội để duy trì hợp tác với các nước mà Nhật Bản chưa quen phối hợp sát cánh như vậy. Vì vậy, các hoạt động này gần như mang tính quân sự đối với Nhật Bản.
Với Hoa Kỳ, Nhật Bản đã quen với các cuộc tập trận song phương. Nhưng những cuộc diễn tập đa phương sẽ cho phép Nhật Bản mở rộng mạng lưới đối tác, đối thoại. Thói quen được luyện tập trong một cuộc thao diễn có quy mô lớn sẽ là cách chuẩn bị cho cuộc xung đột, nếu xảy ra, với Trung Quốc.
Dĩ nhiên đây chỉ là giả thuyết. Tuy nhiên, vai trò của các chính phủ và lực lượng quân sự tham gia tập trận là phải chuẩn bị, phòng trường hợp xảy ra một sự kiện ngoài mong muốn.
RFI : Trên quy mô lớn hơn, thủ tướng Shinzo Abe triển khai chính sách tăng cường quan hệ quân sự với các nước ASEAN, thông qua bản Vientiane Vision. Phải chăng Nhật Bản muốn khống chế sự hiện diện và sức mạnh của Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực Đông Nam Á ?
G. Delamotte : Nhật Bản nhận thấy sự hiện diện của Trung Quốc ở Biển Đông là hoàn toàn bất cân xứng, phi pháp, trái với luật quốc tế. Tokyo lấy làm tiếc là các nước đang tham gia đàm phán bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông vẫn chưa tìm ra được tiếng nói chung. Các quy định đã không được tôn trọng.
Tình hình từ giờ đã quá muộn đối với các nước Việt Nam, Philippines và Malaysia. Có nghĩa là với tình trạng "sự đã rồi" như hiện nay thì khó lòng đảo ngược được tình thế. Thực vậy, Trung Quốc đang giám sát Biển Đông và khó lòng lật lại được tình thế này vì Bắc Kinh đã kiểm soát nhiều đảo nhân tạo, quân sự hóa với hệ thống radar, đường băng…
Trước thực trạng này, cần phải chuẩn bị tinh thần cho một cuộc xung đột và cần phải hình thành mạng lưới đồng minh quốc tế để thúc đẩy đối thoại, làm đối trọng với sức mạnh Trung Hoa. Các nước cần đồng thuận về một cách hành động nào đó nếu có cơ hội. Và cuối cùng là phải có được hệ thống vũ khí tương thích, có khả năng răn đe để Trung Quốc không gây hành động thù nghịch.
Nhật Bản cố đảm nhiệm toàn bộ các hành động này, có nghĩa là họ cải thiện hệ thống vũ khí, khả năng phát giác, can thiệp và phản ứng. Đồng thời, Nhật Bản cũng cải thiện quan hệ đồng minh, trong đó có cả việc đối thoại với các nước ASEAN và hơn cả phạm vi đó.
Thu Hằng thực hiện
Nguồn : RFI, 03/09/2018
Một số tác phẩm của bà Guibourg Delamotte :
- "Japan's World Power. Assessment, Vision and Outlook" (tạm dịch : Sức mạnh thế giới của Nhật Bản. Đánh giá, tầm nhìn và triển vọng), Routledge, Luân Đôn, 2017.
- La Politique de défense du Japon (Chính sách quốc phòng của Nhật Bản), Presses universitaires de France, tháng 10/2010, 330 trang.
- Géopolitique de l’Asie (Địa chính trị Châu Á, đồng chủ biên với F. Godement), Sedes-Armanad Colin, 2007.