Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

03/10/2023

Việt - Nhật tăng cường hợp tác trên Biển Đông

RFA tiếng Việt

Lực lượng Cảnh sát Biển Việt Nam và Nhật Bản tăng cường hợp tác trước thách thức từ Trung Quốc

Hôm 3/10, tàu CSB 8004 của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đã cập cảng Shinko tại thành phố Kobe để bắt đầu chuyến thăm Nhật Bản. Đây là lần thứ hai một tàu cảnh sát biển của Việt Nam tới thăm Nhật Bản, theo sau chuyến thăm của tàu CSB 8002 hồi năm 2019.

vietnhat1

Rõ ràng trước mối đe dọa chung từ Trung Quốc thì Việt Nam và Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn, và theo giới quan sát thì Việt Nam sẽ là bên được lợi khi thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản. Báo điện tử - Đảng cộng sản Việt Nam

Theo thông tin từ cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam thì chuyến thăm này được diễn ra trong khuôn khổ kỷ niệm 50 năm thiết lập quân hệ ngoại giao giữa hai nước.

Phát biểu trong lễ đón phái đoàn cảnh sát biển Việt Nam, ông Hattori, Tư lệnh Vùng 5, Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho rằng sự kiện này giúp tăng cường hợp tác giữa lực lượng chấp pháp hàng hải của hai nước, và qua đó, giúp hiện thực hóa một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP).

Đáp lại tuyên bố trên, Đại tá Lê Thanh Hải, Phó tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 1 của Việt Nam nhận định đây là cơ hội để hai nước trao đổi kinh nghiệm, và phối hợp trong việc đối phó với các "thách thức an ninh" cả truyền thống lẫn phi truyền thống.

Thông qua phát biểu của đại diện lực lượng cảnh sát biển hai nước thì có thể thấy vấn đề tự do và an ninh hàng hải được đôi bên đặt lên hàng đầu.

Trên thực tế, cả Nhật Bản lẫn Việt Nam đều đang phải đối mặt với các thách thức liên quan đến an ninh hàng hải, cụ thể là vấn đề chủ quyền lãnh thổ đối với các khu vực biển, đảo, và thực thể trên biển. Trong đó, đối tượng chung của cả hai quốc gia trong vấn đề này là Trung Quốc.

Trong khi Nhật Bản đối diện với yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với quần đảo Senkaku ở khu vực biển Hoa Đông, thì ở trên khu vực Biển Đông, Trung Quốc đã chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và một phần của quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Rõ ràng trước mối đe dọa chung từ Trung Quốc thì Việt Nam và Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc xích lại gần nhau hơn, và theo giới quan sát thì Việt Nam sẽ là bên được lợi khi thúc đẩy quan hệ với Nhật Bản.

Bình luận với đài RFA về vấn đề này, giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu về lĩnh vực an ninh ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, cho biết nhận định của ông :

"Tuy lực lượng hải cảnh của Trung Quốc hùng hậu hơn lực lượng cảnh sát biển của Nhật Bản và toàn bộ các nước Đông Nam Á cộng lại, nhưng các tàu của Nhật Bản có lượng giãn nước lớn, và hiện đại, và được trang bị cũng như huấn luyện tốt hơn.

Dù có những hạn chế về mặt hiến pháp và cả việc Việt Nam không phải là đồng mình hiệp ước, nhưng Nhật Bản vẫn có thể giúp Việt Nam trong việc huấn luyện và đào tạo sĩ quan, thực hiện tuần tra chung, viện trợ tàu tuần tra, hoặc thậm chí là đóng tàu theo đơn đặt hàng của Việt Nam".

Hồi năm 2020, chính phủ Việt Nam đã ký hiệp định vay vốn ODA từ Nhật Bản để mua 6 tàu tuần tra do nước này đóng, tổng giá trị của hợp đồng lên đến 348,2 triệu USD.

Ngoài ra, theo vị học giả người Úc thì Nhật Bản cũng có thể bày tỏ sự ủng hộ đối với Việt Nam thông qua các tuyên bố chính trị, nhằm phản đối các hành vi gây bất ổn trên khu vực Biển Đông do Trung Quốc gây ra.

Nhật Bản là quốc gia có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam ở lĩnh vực kinh tế, các doanh nghiệp Nhật đứng đầu trong hoạt động đầu tư ở Việt Nam, và chính phủ nước này cũng đứng đầu trong việc cung cấp các khoản vay ưu đãi cho chính phủ Việt Nam để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.

Vì lẽ đó, theo ông Nguyễn Thế Phương - nghiên cứu sinh tiến sĩ chuyên ngành an ninh hàng hải, thì giữa hai nước đã tồn tại sự tin tưởng ở mức độ cao, do đó sẽ giúp thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực an ninh hàng hải một cách thuận lợi hơn :

"Việt Nam tin Nhật ở một mức độ nhất định, và Nhật Bản cũng biết cách làm việc với Việt Nam trong các vấn đề liên quan đến chính trị, hai bên đã tạo ra lòng tin. Và khi đã có lòng tin thì các dự án, hợp tác liên quan đến an ninh quốc phòng sẽ chạy trơn tru, dễ dàng hơn".

Giới quan sát cũng đang đồn đoán rằng Việt Nam đang có mong muốn nâng cấp mối quan hệ ngoại giao với Nhật Bản lên mức cao nhất là chiến lược toàn diện.

Một khi mối quan hệ ngoại giao được nâng cấp và thắt chặt hơn, theo ông Nguyễn Thế Phương, thì Nhật Bản sẽ có thể cung cấp nhiều hỗ trợ hơn cho Việt Nam, thậm chí vượt ra ngoài khuôn khổ hợp tác giữa các lực lượng cảnh sát biển, để tiến tới các hỗ trợ về mặt quân sự. Ông nói thêm :

"Trong tương lai khi hai bên nâng cấp lên đối tác chiến lược toàn diện rồi, thì Nhật Bản có thể xuất khẩu vũ khí đã qua sử dụng cho Việt Nam, chất lượng vẫn tốt nhưng giá thành rẻ hơn. Thứ hai là chuyển giao công nghệ, dù gì thì Nhật vẫn là quốc gia có FDI đầu tư ở Việt Nam rất tốt, họ quen thể chế và biết cách làm việc rồi, cho nên việc Việt Nam nói chuyện với họ về việc chuyển giao công nghệ quốc phòng sẽ dễ hơn so với các đối tác hoàn toàn mới".

Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản trong lĩnh vực an ninh hàng hải, và thậm chí là quốc phòng theo các chuyên gia là rất lớn. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là không có trở ngại.

Ở phía Nhật Bản, theo ông Nguyễn Thế Phương thì chính trị nội bộ vẫn là một vấn đề cần phải được giải quyết, khi nước này cần phải thay đổi các chính sách giới hạn xuất khẩu vũ khí ra nước ngoài để có thể tăng cường hợp tác quốc phòng với nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Còn về phía Việt Nam, theo giáo sư Carlyle Thayer thì Đảng cộng sản cần phải mạnh dạn hơn trong việc thắt chặt quan hệ với các nước đồng minh của Hoa Kỳ, trong đó có Nhật Bản, thay vì rụt rè, lo sợ sự phản ứng từ Trung Quốc. 

Nguồn : RFA, 03/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 265 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)