Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là mối bận tâm số một của Việt Nam
Trường Sơn, RFA, 17/10/2023
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn Việt Nam trở thành điểm đến của lãnh đạo hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự tương đồng về chế độ chính trị, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không trở nên quá gần gũi với Hoa Kỳ.
Mở màn với chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Joe Biden, hồi tháng 9 cùng với sự kiện mối quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Giờ đây, truyền thông quốc tế đang rộ lên tin tức về một chuyến thăm đang được hai phía chuẩn bị chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.
Chuyến thăm của tổng thống Biden tới Hà Nội và việc Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ rõ ràng là tâm điểm của hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023, thế nhưng trên thực tế, ở một mức độ ít được chú ý hơn, thì Hà Nội chưa bao giờ lơ là việc giữ gìn quan hệ với nước láng giềng phía bắc.
Chuyến thăm dự kiến của lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam thực ra đã được chuẩn bị từ trước.
Tháng 11/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, và nhân dịp này đã đưa ra lời mời đối với người đồng cấp phía Trung Quốc về việc sang thăm Việt Nam.
Không rõ liệu trong chuyến đi kể trên thì người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam có thông báo cho phía Trung Quốc về kế hoạch nâng cấp quan hệ với Mỹ hay không. Nhưng xét theo truyền thống chính trị của Việt Nam, đó là luôn thông báo trước với các nước thân cận, bao gồm cả Trung Quốc, về các hoạt động đối ngoại quan trọng, đặc biệt là khi liên quan đến Hoa Kỳ, thì đây là một khả năng.
Hồi tháng 6/2023, ba tháng trước khi tổng thống Mỹ tới Việt Nam, thì thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước Cộng sản đàn anh đầu tiên của vị đương kim thủ tướng kể từ khi nhận chức. Trong lần này thì ông Chính cũng đã có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình.
Và cũng phải kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 10 năm nay.
Như vậy, việc ông Tập Cận Bình tới Việt Nam thực ra nằm trong một kế hoạch bận rộn của mối quan hệ song phương Việt-Trung, và nó diễn ra song hành, thậm chí là tất bật hơn, với mối quan hệ Việt-Mỹ ở cùng thời điểm. Dù rằng ở bề ngoài thì mối quan hệ Việt-Mỹ tốn giấy mực của báo giới hơn.
Tất cả những hoạt động trên, theo ông Zachary Abuza, giáo sư trường Đại học Chiến tranh ở Hoa Kỳ, là nhằm trấn an Trung Quốc về sự thăng hạng của mối quan hệ Việt-Mỹ :
"Chuyến thăm tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình cuối tháng này là một phần của nỗ lực cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của chính quyền Hà Nội. Lãnh đạo Việt Nam đã phải cố hết sức để truyền tải thông điệp tới Trung Quốc rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào đến lợi ích của họ. Và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải thể hiện rằng chính sách ngoại giao và an ninh của chế độ do ông ta lãnh đạo, không hề có bất cứ sự thay đổi nào về mặt nguyên tắc".
Cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác quan trọng bậc nhất đối với Việt Nam, do vậy, việc duy trì mối quan hệ tích cực với cả hai là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là không để bên nào có ấn tượng sai lầm rằng Việt Nam đứng về một phe nào đó, bởi Mỹ và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh nhau quyết liệt.
Bình luận về khía cạnh này, bà Hạnh Nguyễn, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Quốc gia Úc và nhà nghiên cứu của Yokosuka Council on Asia Pacific (YCAPS), cho biết quan điểm của mình :
"Việc Việt Nam cùng lúc thực hiện các hoạt động đối ngoại cấp cao với cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc. Chính sách này nhằm tránh khiến Mỹ hoặc Trung Quốc có ấn tượng rằng Việt Nam đang ủng hộ một bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung.
Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác quan trọng hàng đầu với Việt Nam cả về mặt kinh tế và chính trị, nên Hà Nội muốn tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo với cả hai bên.
Ngoài ra, chính sách cân bằng ảnh hưởng này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt hai cường quốc, giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội đầu tư, thương mại, hợp tác an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển khoa học công nghệ mà Trung Quốc và Mỹ đưa ra".
Chính sách của phía Việt Nam là vậy, còn về phía hai siêu cường thì theo các chuyên gia, không phải ai cũng muốn Việt Nam trung lập. Rõ ràng, Trung Quốc là nước có nhiều thứ phải lo hơn nếu Việt Nam tỏ ra thân thiện với Hoa Kỳ, bởi vị trí địa lý cũng như thể chế chính trị của Việt Nam có vai trò trọng yếu đối với an ninh của Trung Quốc.
Cũng chính vì vậy mà Việt Nam phải nỗ lực để trấn an Trung Quốc nhiều hơn. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc phải tỏ ra lo ngại quá nhiều về mối quan hệ Việt-Mỹ, bởi theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì so với Hoa Kỳ, Trung Quốc có lợi thế lớn và đi trước một bước trong mối bang giao với Việt Nam. Ông nói thêm :
"Hoa Kỳ đang phải bám đuổi Trung Quốc trong việc quan hệ với Việt Nam. Việt-Trung bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1991, theo sau thập kỷ Campuchia. Hai nước cũng thành lập Uỷ ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương, với lãnh đạo là cấp phó thủ tướng và thường là thành viên Bộ Chính trị. Tuy vấn đề Biển Đông là trở ngại lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Ngoài ra, cả hai nước cùng theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa".
Sự tương đồng về thể chế chính trị rõ ràng vẫn là thế mạnh lớn nhất mà Trung Quốc có so với Hoa Kỳ, một nước vẫn được coi là đối tượng cần phải dè chừng của các thể chế độc đảng. Việt Nam đã từng chịu sức ép rất lớn về các vấn đề nhân quyền và tự do chính trị từ các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đây, và mọi chuyện chỉ thay đổi từ thời tổng thống Donald Trump, theo giáo sư Carlyle Thayer.
Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam tới đây, theo giới quan sát, thì Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự tương đồng về chế độ chính trị, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không trở nên quá gần gũi với Hoa Kỳ. Qua đó hy vọng vào việc Trung Quốc sẽ để yên cho Việt Nam hợp tác với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc hợp tác với Phương tây.
RFA, 17/10/2023
Một số chuyên gia tại Việt Nam cho rằng Sáng kiến Một vành đai-Một con đường (BRI) của Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Việt Nam và Hà Nội phải thận trọng trong việc hợp tác với Bắc Kinh khi phát triển cơ sở hạ tầng của mình.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ngày 17/10/2023. (Ảnh : Dương Trung Cường/PV TTXVN tại Trung Quốc)
Truyền thông Nhà nước đưa tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu sang Bắc Kinh dự Diễn đàn "Vành đai-Con đường (BRI)" lần thứ ba trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày từ ngày 17/10.
Hồi tháng 11/2017, Việt Nam và Trung Quốc ký Bản Ghi nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai kinh tế" (một dự án kết nối ASEAN với Trung Quốc) với BRI. Đây được xem như là sự ủng hộ của Hà Nội đối với Sáng kiến "Vành đai-Con đường".
Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), nhận định rằng dường như các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam có liên quan đến BRI chủ yếu là các dự án giao thông đường sắt.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 17/10 :
"Trong Sáng kiến Một vành đai-Một con đường thì Trung Quốc đã đưa ra một vài dự án ở Việt Nam trong đó có Dự án hành lang Đông Tây tức là đường sắt từ Lào Cai đi Hà Nội rồi đi Hải Phòng và Quảng Ninh, cũng như là từ Lạng Sơn.
Báo chí trong thời gian gần đây họ đang tâng bốc, khen ngợi- tức là đang tạo dư luận về đường sắt cao tốc Bắc Nam, thì đấy có lẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể nằm trong Dự án Một vành đai-Một con đường của Trung Quốc".
Ông nói về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng như triển vọng về hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này.
"Thực sự ở đây là có hai vấn đề : một là Việt Nam cần phát triển hạ tầng cơ sở và công nghệ đường sắt của Trung Quốc bây giờ thì phải nói là loại nhất thế giới. Nếu mà tận dụng được vốn và công nghệ đường sắt của Trung Quốc để mà xây dựng hạ tầng cơ sở ở Việt Nam thì đó là điều tốt và rất nên làm".
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ lạc hậu ra nước ngoài.
"Họ có công nghệ đường sắt tuyệt vời đỉnh cao thế giới nhưng cái mà họ mang sang xây dựng ở một nơi nào đó thì chưa chắc đã phải là cái đấy mà có thể là cái thấp hơn rất là nhiều".
Theo ông, Việt Nam không chỉ nên chú ý tới nguồn vốn và công nghệ trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn phải chú ý đến các yếu tố khác.
"Vấn đề là những cái dự án như thế đấy có những cái khía cạnh khác nữa và mình phải cân nhắc rất nhiều mặt của các dự án phát triển hạ tầng cơ sở như vậy, không thể chỉ chăm chăm vào công nghệ tốt, vốn tài trợ.
Bởi vì nó có rất là nhiều những cái hậu quả khác phải tính đến về mặt an ninh quốc gia, về mặt lệ thuộc về kinh tế, về mặt nợ nần".
Ông cảnh báo về việc vay vốn với lãi suất cao của Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ mắc bẫy nợ, giống như trường hợp của Sri Lanka trong phát triển cảng biển, và Lào trong việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc với phía Trung Quốc.
"Những nguồn tài trợ của Trung Quốc là những nguồn tài trợ thương mại không phải là kiểu tài trợ Kế hoạch Marshall của Mỹ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai hoặc là của Ngân hàng thế giới hay là ODA của Nhật Bản và những nước khác, là những cái nguồn tài trợ mà lãi rất là thấp.
Trung Quốc không có cái kiểu tài trợ như vậy và phải vay vốn của ngân hàng nào đó của Trung Quốc và lãi của ngân hàng thương mại thì cao ngất trời.
Khi gánh nặng để trả lãi và trả gốc ấy sẽ buộc cái nước vay nợ trở thành tay sai về mặt chính trị cho Trung Quốc và đó là vấn đề chính trị rất hệ trọng".
Ông cho biết khi Trung Quốc công bố BRI trong thập niên trước, nhiều viện nghiên cứu của Việt Nam cũng đã tổ chức những hội thảo mà ông cũng đã tham dự một số hội thảo như thế. Trong những sự kiện này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc trong BRI.
"Ngay từ ban đầu, nhiều người lên tiếng đây là một sáng kiến để kêu tất cả các nước trên thế giới về chầu Bắc Kinh. Đấy là một lời cảnh báo sớm và tôi nghĩ rằng là kịp thời".
Ông nhận thấy rằng ban lãnh đạo Việt Nam cũng thận trọng với BRI.
"Thực sự trong thời gian vừa qua Việt Nam cũng đã lên tiếng tham gia ủng hộ trên giấy nhưng mà thực chất những cái dự án đấy đã được thực hiện như thế nào ở Việt Nam có lẽ ít hơn so với các nơi khác ở trên thế giới.
Bởi vì những nhà lãnh đạo Việt Nam bất kể họ là như thế nào họ cũng không thể quên được cái lịch sử không lấy gì làm tốt đẹp và rất gian khổ gay go giữa Việt Nam và ông láng giềng to lớn ở phía bắc".
Theo ông, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương có dự án cơ sở hạ tầng đi qua, các chuyên gia, và các công ty tham gia dự án, cần thảo luận một cách dân chủ, để có thể đưa ra những quyết định có lợi nhất cho đất nước.
Báo Tiền Phong ngày 16/07/2023 đưa tin Bộ Giao thông Vận tải đưa dự án đường sắt nối Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào quy hoạch dự kiến đầu tư trước năm 2030. Theo tính toán sơ bộ của bộ này thì dự án này cần vốn khoảng 10-11 tỷ đô la Mỹ. Chính phủ định hướng kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, phấn đấu khởi công xây dựng trước năm 2030.
Theo ông Phạm Viết Đào, nhà văn-blogger từ Hà Nội, dự án này nối cảng Hải Phòng với miền Tây của Trung Quốc.
"Trên giấy tờ thì nói sẽ thông thương với miền Tây Á rồi đi Châu Âu với con đường đó, nhưng thực ra chỉ là phục vụ cho việc chở hàng của Trung Quốc từ vùng Vân Nam, Tây Tứ Xuyên ra cảng Hải Phòng, chắc chắn rút ngắn khoảng cách so với việc vận chuyển từ đó sang các cảng miền Đông của Trung Quốc và như vậy giá cả giảm rất nhiều, tạo ra sự cạnh tranh cho hàng hoá Trung Quốc".
Ông cho rằng Việt Nam phải vay vốn lớn với lãi suất cao từ Trung Quốc để làm dự án này, một dự án chỉ làm lợi cho việc xuất khẩu hàng của Trung Quốc ra thế giới.
Theo ông, đây là dự án mang lại rủi ro cao cho phía Việt Nam vì nếu không có tiền trả nợ, rất có thể Việt Nam phải đem cảng Hải Phòng ra gán nợ, như trường hợp năm 2017 Sri Lanka phải gán nợ cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo dạng cho thuê trong thời hạn 99 năm. Trước đó, Srilanka đã vay 8 tỷ đô la Mỹ từ Trung Quốc để phát triển nhiều dự án cơ sở hạ tầng nhưng các dự án này không phát huy hiệu quả kinh tế cho quốc gia này.
Một giảng viên kinh tế kỳ cựu của một trường đại học ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA biết dự án cao tốc Bắc Nam là để phục vụ kế hoạch "Một vành đai, một con đường" nhưng chỉ phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của Trung Quốc.
Ông nói trong tin nhắn gửi tới RFA :
"Trong mối quan hệ thương mại bất bình đẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, cao tốc Bắc Nam sẽ phục vụ tốt hơn việc cung cấp cho nhu cầu của Trung Quốc về tiêu dùng đặc sản đồng bằng Sông Cửu Long. Còn khi nào họ không có nhu cầu, cao tốc này cũng là con tin để họ thực hiện tốt hơn mưu đồ của mình, hàng hóa xuất sang Trung Quốc sẽ dồn ứ ở cửa khẩu nhiều hơn".
Theo ông, nếu có chiến tranh xảy ra, cao tốc Bắc Nam cùng với căn cứ quân sự của Trung Quốc ở hải cảng Sihanoukville (Campuchia) sẽ tạo thành thế gọng kìm, thực hiện tốt hơn kế hoạch tiến quân của Bắc Kinh.
Ông cho rằng tuy Chính phủ Việt Nam không tuyên bố tham gia chương trình BRI một cách cụ thể, có thể là để tránh sự phản đối từ dư luận, nhưng Hà Nội và Bắc Kinh vẫn ngấm ngầm thỏa thuận với nhau nhiều kế hoạch mà người dân dễ dàng nhận thấy. Việc này cũng giống như trước đây, khi Việt Nam chưa nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện, nhưng thực tế đã thực hiện các nội dung của một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.
Theo ông, mối quan hệ mập mờ, không chính danh trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và cả với Hoa Kỳ chỉ đem lại bất lợi so với một tuyên bố chính thức.
Qua tin nhắn gửi RFA, nhà báo Nguyễn Phạm Mười từ Hà Nội nói rằng Việt Nam không hoặc chưa tham gia dự án nào liên quan đến BRI. Dự án đường sắt cao tốc trên cao Cát Linh-Hà Đông có dùng vốn của Trung Quốc, tuy nhiên dự án này lại được lên kế hoạch từ trước khi có BRI.
Ông nói tuyến đường sắt mới nối từ Quảng Ninh qua Hà Nội lên Lào Cai đi Trung Quốc được đề xuất đầu tư để phục vụ nhu cầu vận tải giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng chiều dài hơn 441 km, đi qua 9 tỉnh thành gồm : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, và Quảng Ninh (ga Cái Lân). Tuy nhiên, dự án này vẫn trên giấy, chưa hề ký kết hay thực hiện gì.
Ông cho biết dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam thì chưa có gì cụ thể.
Theo ông, về lâu dài, kinh tế Việt Nam sẽ kết nối nhiều hơn với Trung Quốc, do vậy nhu cầu kết nối hạ tầng giao thông với Trung Quốc cũng sẽ là tất yếu. Kết nối được hệ thống giao thông đường sắt với Trung Quốc cũng đồng nghĩa kết nối với Nga và khu vực Trung Á, và Đông Âu, có lợi cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước.
Ngay cả trong một nhà nước cộng sản độc đảng, người dân vẫn có khả năng thực thi quyền lực.
AFP
Đảng cộng sản chưa từng đưa người Việt Nam ra khỏi cảnh nghèo nàn, người dân đã tự làm được điều này. Cuộc cách mạng kinh tế thị trường tự do của đất nước là kết quả của áp lực từ dưới lên của quần chúng, những người đã chống lại nền kinh tế chỉ đạo đến mức chính quyền cộng sản phải chấp nhận kinh doanh tư nhân. Việc Chính phủ rút ruột các công ty Nhà nước và giao dịch trên thị trường chợ đen, và khả năng sở hữu ngày càng nhiều sản phẩm dư thừa sau khi Nhà nước nắm giữ cổ phần, có nghĩa là Chính phủ đơn giản đã không thể quản lý nổi nền kinh tế tập trung đã khiến Việt Nam trở thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới trong thập niên 80.
Khi nhà cầm quyền cộng sản nhường một tấc, người dân đòi thêm một dặm. "Ý tưởng cho rằng thành công kinh tế bắt nguồn từ sự thay đổi chiến lược trong tư duy của Đảng [năm 1986]... thực ra là một chuyện hoang đường," nhà kinh tế học Adam Fforde viết. "Thay vào đó, thành công đến từ những vi phạm ý thức hệ của Đảng có hệ thống từ cuối thập niên 70, nếu không muốn nói là sớm hơn".
Gói cải cách kinh tế của Đảng năm 1986 (Đổi Mới) là một kiến thức quen thuộc. Nhưng các hứa hẹn về đổi mới chính trị thì không như vậy. Nguyễn Văn Linh, Tổng bí thư kế nhiệm của Đảng năm đó, đã nói với các nhà văn và nhà báo rằng họ nên ‘bám sát vào sự thật’. Một trong những người tin lời Linh là Bảo Ninh, một tiểu thuyết gia trẻ và cựu chiến binh từ miền Bắc. Ông đã viết trong "Nỗi buồn chiến tranh", cuốn tiểu thuyết năm 1990 của mình : "Bao nhiêu máu, bao nhiêu sinh mạng hy sinh để làm gì ?" Nhà thơ và dịch giả Dương Tường gọi tác phẩm của Bảo Ninh là "cuốn sách chân thực đầu tiên về chiến tranh". Chân thực vì nó không ca ngợi chiến thắng chống Mỹ ("Trong chiến tranh, không có thắng thua. Chỉ có hủy diệt"), cũng không coi các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản là anh hùng duy nhất. Bảo Ninh lập luận rằng hầu hết người Việt Nam đang đấu tranh cho hòa bình quốc gia, cũng không phải cho chủ nghĩa Mác. Đương nhiên, cuốn sách đã bị cấm.
Ngay cả trong một nhà nước cộng sản độc đảng, người dân vẫn có có khả năng thực thi quyền lực. Ngày nay, Chính phủ vẫn đàn áp công dân một cách nghiêm trọng. Không có truyền thông tự do. Không có một cuộc bầu cử thực sự. Nhưng Đảng cộng sản vẫn lo lắng về những suy nghĩ của người dân. Những áp lực trong nước đó rất khó đánh giá và thường xuyên nằm trong các cuộc tranh luận về chính sách, chẳng hạn như về việc Việt Nam đi dây giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, việc tập trung vào "các yếu tố bên ngoài" sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Chẳng hạn, một thái cực của cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại nói trên lập luận rằng Chính phủ Việt Nam không có bất kỳ quyền tự quyết nào vì các điều kiện kinh tế : Trung Quốc là đối tác thương mại chính và là cũng kẻ xâm lược chính của Việt Nam ; Hoa Kỳ là đối tác xuất khẩu chính và "vệ sĩ" cho an ninh Việt Nam. Vì vậy, qua việc liên kết chặt chẽ hơn với một trong hai bên, Việt Nam có nguy cơ xảy ra chiến tranh hoặc suy thoái kinh tế. Một thái cực khác nói rằng Đảng cộng sản có rất nhiều quyền tự quyết, và các yếu tố định hình chính sách đối ngoại là một ý thức hệ chung khiến Việt Nam thân thiện với Trung Quốc, các cuộc đấu tranh bè phái trong Đảng, và tính khí thất thường của một số quan chức Chính phủ.
Nhưng hãy xem xét bài phát biểu của ông Nguyễn Phú Trọng vào năm 2021, người hiện là Tổng bí thư Đảng nhiệm kỳ thứ ba. Bất cứ quốc gia nào "cũng đều phải xử lý hai vấn đề cơ bản là đối nội và đối ngoại", ông Trọng phát biểu. "Hai vấn đề này có mối quan hệ hữu cơ, biện chứng, tác động qua lại, hỗ trợ lẫn nhau như hai cái cánh của một con chim, tạo thế và lực cho nhau, gắn kết và đan xen ngày càng chặt chẽ với nhau". Đối ngoại ngày nay, ông Trọng nói tiếp, "không chỉ là sự nối tiếp của chính sách đối nội". Ông Trọng bổ sung thêm sau đó là "đối ngoại phải luôn luôn phục vụ tốt nhất cho sự nghiệp đối nội". Sự nghiệp đối nội đối với ông Trọng là sự sống còn, là sức sống của Đảng cộng sản.
Một tầm quan trọng khác của "Nỗi buồn chiến tranh" là tác phẩm này đã cho thấy dấu hiệu ban đầu rằng chủ nghĩa dân tộc đang tuột khỏi tay Đảng cộng sản, vốn đã thiết lập tính chính danh của mình bằng các chiến thắng trước Pháp, sau đó là Mỹ và Trung Quốc. Nhưng Đảng đã bắt đầu mất kiểm soát vào đầu thập niên 90 khi đạt được thỏa thuận hòa bình với Bắc Kinh. Dư luận càng phẫn nộ hơn khi vốn Trung Quốc bắt đầu chảy vào Việt Nam. Năm 2006, anh hùng dân tộc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ("Napoleon Đỏ") cáo buộc chế độ bán đất Việt Nam cho các nhà đầu cơ bô xít Trung Quốc khai thác. Nhà sử học Christopher Goscha đã viết : Các cuộc biểu tình kéo dài nhiều năm đã lật ngược thế cờ của những người theo chủ nghĩa dân tộc đối với Đảng bằng cách cáo buộc Đảng đã nhượng bộ Trung Quốc vào đúng thời điểm Trung Quốc đang mở rộng yêu sách lãnh thổ của họ đối với Việt Nam ở Biển Đông. Quá trình đó càng ngày càng mở rộng theo thời gian. Có thể nói rằng Đảng cộng sản bây giờ đang sợ chủ nghĩa dân tộc.
Các học giả Trung Quốc dường như đặc biệt tin rằng tất cả các cuộc biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc ở Việt Nam đều do Đảng cộng sản chỉ đạo. Đây là trường hợp hiếm khi xảy ra. Đảng chỉ chạy theo các phong trào nhưng hiếm khi khởi xướng chúng. Sự tức giận của cư dân mạng đã dẫn đến việc bộ phim Hollywood "Barbie" bị cấm chiếu ở Việt Nam gần đây vì tấm bản đồ thô sơ mà một số người cho rằng thể hiện yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và đe dọa tẩy chay các buổi hòa nhạc của ban nhạc K-Pop Hàn Quốc BlackPink. Trong cuộc đối đầu ở Bãi Tư Chính năm 2019, khi quân đội Trung Quốc một lần nữa quấy rối các tàu Việt Nam ở Biển Đông, các quan chức ở Hà Nội được cho là đã thảo luận về việc có nên cho phép một số cuộc biểu tình hạn chế hay không. "Tuy nhiên, một số quan chức khác đã cảnh báo các cuộc biểu tình phải được kiểm soát chặt chẽ. Nếu không, các cuộc biểu tình có thể bị các cá nhân và nhóm ở Việt Nam, cụ thể là những người ủng hộ dân chủ hóa, tiếp quản," Ben Kerkvliet viết trong "Lên tiếng ở Việt Nam" (Speaking Out in Vietnam), một nghiên cứu về các hoạt động chính trị tại quốc gia này.
Điều này vẫn là một mối quan ngại. Nếu Đảng có lập trường mạnh mẽ chống lại Trung Quốc, sẽ có nguy cơ xảy ra các cuộc biểu tình theo chủ nghĩa dân tộc trên toàn quốc mà Đảng không thể kiểm soát, và có thể nhanh chóng bị kích động thành phong trào chống Cộng. Từ ngày 9 đến ngày 11/6/2018, hơn 100.000 người biểu tình trên khắp Việt Nam. Đây có thể là cuộc biểu tình toàn quốc lớn nhất trong nhiều thập kỷ, khi Quốc hội tranh luận về dự luật thành lập ba đặc khu kinh tế (SEZ) dọc theo bờ biển Việt Nam. Bộ trưởng đầu tư đã công khai nói rằng "không có từ nào đề cập đến Trung Quốc" trong kế hoạch SEZ. Nhưng điều này không giúp xua tan ý kiến cho rằng Bắc Kinh sẽ là bên hưởng lợi chính từ thỏa thuận này. Mặc dù cuộc biểu tình chủ yếu là ôn hòa, nhưng bạo loạn đã xảy ra ở tỉnh Bình Thuận, nơi những người biểu tình đốt phá một tòa nhà chính phủ. Đến tháng 11/2018, năm tháng sau sự kiện, hơn 120 người biểu tình đã bị bỏ tù. Nhưng với quy mô phản đối của công chúng, Quốc hội đã hoãn cuộc thảo luận về luật Đặc khu kinh tế, trong khi Chính phủ cho biết sẽ rút lại dự luật "để nghiên cứu thêm" trước khi âm thầm hủy bỏ hoàn toàn (một dấu hiệu khác của quyền lực nhân dân).
Phần lớn công chúng sẽ ủng hộ việc cắt đứt hoàn toàn quan hệ với Trung Quốc. Giới thượng lưu cũng vậy. Hàng năm, Viện ISEAS-Yusof Ishak đặt ra câu hỏi cho "giới thượng lưu" Đông Nam Á : Nếu ASEAN bị buộc phải liên kết với Hoa Kỳ hoặc Trung Quốc, thì nên chọn bên nào ? Trong cuộc khảo sát gần đây nhất, khoảng 77,9% người Việt Nam được hỏi đã chọn Hoa Kỳ, tỷ lệ cao nhất trong khu vực chỉ sau Philippines, một đồng minh hiệp ước của Hoa Kỳ. Mặt khác, một bộ phận khác trong xã hội, đặc biệt là những người có ý thức hệ trong Đảng, vẫn cho rằng Hoa Kỳ đang âm mưu "diễn biến hòa bình" ở Việt Nam, một thuật ngữ chỉ sự thay đổi chế độ.
Họ nói rằng nếu Hà Nội trở nên phụ thuộc vào Washington, Nhà nước sẽ buộc phải dân chủ hóa. Như vậy, Đảng cộng sản được hưởng lợi từ nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chống lại động cơ của phương Tây về nhân quyền. Sau chuyến thăm Bắc Kinh của ông Trọng vào tháng 11, một tuyên bố chung ghi nhận rằng cả hai bên đã đồng ý "thúc đẩy hợp tác" trong cuộc chiến chống "diễn biến hòa bình" và "cách mạng màu". Theo BBC , đây là lần đầu tiên họ đồng ý thúc đẩy đối thoại và hợp tác quốc tế về nhân quyền mà không tìm cách chính trị hóa vấn đề này. (Đây cũng là năm nhiệm kỳ ba năm của Việt Nam trong Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc bắt đầu).
Theo một học giả, trích lời các quan chức Việt Nam : "Liên kết với Hoa Kỳ sẽ dẫn đến sự sụp đổ của chế độ cộng sản ; liên kết với Trung Quốc sẽ dẫn đến mất mát lãnh thổ". Tuy nhiên, trong trường hợp có bất kỳ tổn thất lãnh thổ lớn nào hoặc thậm chí là sự chấp nhận từ Hà Nội đối với các yêu sách của Bắc Kinh ở Biển Đông, chế độ cộng sản Việt Nam cũng sẽ sụp đổ. Nhưng còn lâu mới biết rõ sự thay đổi chế độ mà nước Mỹ mang lại. Nói cho cùng, Đảng cộng sản nhận thấy quyền lực trong nước của mình đang bị đe dọa bởi những gì hai siêu cường đại diện. Nhận thức chung của những người cộng sản Việt Nam là các mối quan ngại trong nước dẫn đến một chính sách đối ngoại cân bằng. Tất cả vấn đề không xoay quanh thương mại và Biển Đông.
David Hutt
Nguyên tác : "Vietnam’s communists are constrained domestically in choice between the US and China", CEIAS, 08/07/2023
Nguồn : RFA, 14/07/2023
David Hutt là nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Châu Á Trung Âu (CEIAS) và là nhà bình luận Đông Nam Á cho tờ Diplomat. Với cương vị một nhà báo, ông đã đưa tin về chính trị Đông Nam Á từ năm 2014. Các quan điểm thể hiện ở đây là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của RFA.
Nhiều nhà quan sát cho rằng chuyến viếng thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không chỉ là cơ hội quan trọng để Việt Nam tăng cường quan hệ với Hoa Kỳ mà nó còn cho thấy những nỗ lực của Việt Nam trong việc tiếp tục cố gắng tìm cách cân bằng quan hệ với hai cường quốc quan trọng trong chính sách đối ngoại của họ là Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Donald Trump và Nguyễn Xuân Phúc - ảnh ghép minh họa
BBC Tiếng Việt đã hỏi Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nghiên cứu viên tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore nhận định của ông về những nỗ lực 'cân bằng quan hệ' này nhân chuyến đi thăm của Thủ tướng Việt Nam tới Hoa Kỳ.
Lê Hồng Hiệp : Chuyến đi này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ, Donald Trump, mới nhậm chức được hơn ba tháng và bản thân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng là một nhà lãnh đạo mới đảm nhiệm chức vụ từ tháng Tư năm 2016, cho nên chuyến đi này theo quan sát của một số nhà phân tích có thể giúp hai nhà lãnh đạo thiết lập quan hệ.
Tuy nhiên, quan trọng hơn, đây là một bước đi tiếp theo để giúp Việt Nam có thể tìm hiểu rõ hơn các ý định về kinh tế và chiến lược của Hoa Kỳ đối với Việt Nam và qua đó tạo đà giúp phát triển hơn nữa quan hệ song phương trong thời gian tới. Chương trình làm việc của chuyến thăm lần này có đề cập tới nhiều vấn đề nhưng nổi bật nhất là kinh tế và an ninh quốc phòng.
Về kinh tế, thì Hoa Kỳ đã rút hỏi TTP, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, và Việt Nam trước đây được xác định là một trong những nước hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định TTP này, nay Việt Nam có thể là nước mất mát nhiều nhất.
Ảnh hưởng của TTP
BBC : Tại sao Hoa Kỳ rút hỏi TTP thì Việt Nam lại thiệt thòi nhất ?
Lê Hồng Hiệp : Việt Nam được lợi chủ yếu là thông qua việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ đặc biệt trong lĩnh vực dệt may hay giầy dép, v.v. Nhưng nay Hoa Kỳ không tham gia thì quyền tiếp cận các thị trường này của Việt Nam ở Hoa Kỳ cũng không còn nữa, vì vậy Việt Nam cũng ngần ngại, chần chừ, chưa phê chuẩn Hiệp định này như nhiều người kỳ vọng.
Chuyến đi lần này cũng là dịp để nhiều người Việt Nam tìm hiểu các chính sách của Hoa Kỳ trong thời gian tới liệu hai bên có thể đàm phán một hiệp định tự do thương mại song phương để có thể giúp Việt Nam bù đắp những tổn thất Việt Nam gặp phải khi Hoa Kỳ không tham gia TTP.
Trong thời gian qua, Hoa Kỳ là một thị trường rất quan trọng đối với Việt Nam và nếu xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ gặp trở ngại một phần vì Hoa Kỳ rút khỏi TTP và một phần vì Tổng thống Donald Trump lên tiếng có thể điều tra Việt Nam về tình trạng xuất siêu quá lớn sang Hoa Kỳ chẳng hạn, qua đó có thể áp đặt các hạn chế nhập khẩu, thì Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn.
Chính vì thế chuyến đi này có thể tạo ra hiểu biết rõ hơn về quan điểm, chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam đặc biệt trong lĩnh vực thương mại.
Thách thức về an ninh, quốc phòng
BBC : Đó là về thương mại. Vậy về hợp tác an ninh thì sao ? Trong bối cảnh Trung Quốc hiện đang là một cường quốc muốn gây ảnh hưởng, không phải chỉ trong vùng, trong khu vực mà trên toàn cầu, đặc biệt với "Sáng kiến Một vành đai, Một con đường", theo ông chuyến đi này của Thủ tướng Phúc sẽ có ảnh hưởng hay tác động gì tới cân bằng giữa hai cường quốc mà Việt Nam cần quan hệ là Hoa Kỳ và Trung Quốc ?
Lê Hồng Hiệp : Kể từ khi Việt Nam tiến hành đổi mới, trong đó bao gồm cả đối mới trong chính sách đối ngoại, Việt Nam luôn nhấn mạnh chính sách cân bằng giữa các nước lớn và đặc biệt cân bằng trong quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai quốc gia quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam lúc này. Trong thời gian qua chúng ta thấy Trung Quốc đã trỗi dậy mạnh mẽ, và đi kèm các cơ hội về kinh tế thì sự trỗi dậy của Trung Quốc cũng đặt ra một số thách thức đối với Việt Nam về an ninh, quốc phòng.
Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc hai nước chủ chốt có tranh chấp tại Biển Đông thì áp lực từ phía Trung Quốc càng ngày càng lớn hơn và điều đó đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường quan hệ với các cường quốc bên ngoài đặc biệt là Hoa Kỳ để cân bằng lại áp lực từ Trung Quốc.
Mấy tháng qua, sau khi Tổng thống Trump lên nắm quyền, các chính sách của Hoa Kỳ đối với Đông Á và Đông Nam Á nói chung, cũng như đối với Việt Nam nói riêng, chưa được định hình rõ nét.
Sau khi tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục sang Châu Á Thái Bình Dương của chính quyền tiền nhiệm của ông Obama, chính quyền của ông Trump vẫn chưa đưa ra được chính sách thay thế. Khoảng trống đó tạo ra ít nhiều bất an, lo lắng trong khu vực này, trong đó có Việt Nam.
Tổng thống Trump vẫn chưa có chính sách thay thế sau tuyên bố chấm dứt chính sách xoay trục sang Châu Á Thái Bình Dương của chính quyền Obama tiền nhiệm
Chuyến thăm của ông Nguyễn Xuân Phúc có thể là cơ hội tốt để Việt Nam tìm hiểu rõ hơn lập trường, chính sách của Tổng thống Donald Trump đối với khu vực Đông Nam Á và Đông Á cũng như với Việt Nam và đặc biệt về hồ sơ Biển Đông vì trong thời gian qua, sau những chần chừ phía Hoa Kỳ đã tiến hành trở lại các chuyến tuần tra đảm bảo tự do hàng hải trên Biển Đông. Nó thể hiện ít nhiều sự tiếp nối trong chính sách về khu vực từ chính phủ của ông Obama.
Tuy nhiên trong quan sát của các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam, tôi tin rằng họ vẫn còn một chút e ngại, nghi ngờ cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này, đặc biệt là nhiều người cho rằng sẽ có thể có khả năng Hoa Kỳ trong bối cảnh phải giải quyết khủng hoảng hạt nhân ở bán đảo Triều Tiên sẽ có thể làm ngơ trước sự bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông để đối lấy sự hợp tác của Trung Quốc trong hồ sơ Triều Tiên.
Nếu điều đó thực sự xảy ra thì nó sẽ ảnh hưởng rất tiêu cực tới các lợi ích của Việt Nam tại Biển Đông.
Tôi cho rằng chuyến đi này là một dịp cần thiết và kịp thời để giúp Việt Nam tiếp cận các nhà hoạch định chính sách cấp cao của Hoa Kỳ và tìm hiểu rõ hơn các ý định của họ về hồ sơ Biển Đông và qua đấy giúp Việt Nam có các đối sách phù hợp trong thời gian tới.
Hải quân và Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ sẽ tăng cường chiến dịch tự do lưu thông (FONOPS) trên Biển Đông, đặc biệt là gần các đảo nhân tạo Trung Quốc tuyên bố chủ quyền
BBC : Ông có nói tới vấn đề Biển Đông và việc Hoa Kỳ có thể vì cần Trung Quốc trong quan hệ với Bắc Triều Tiên nên phần nào nhẹ tay và không can thiệp, nhưng Biển Đông không chỉ liên quan giữa Trung Quốc và Việt Nam mà còn liên quan tới một loạt các nước khác trong vùng. Hoa Kỳ và Philippines chẳng hạn có liên minh quân sự rất quan trọng, vậy liệu con bài Bắc Hàn có ảnh hưởng tới quan điểm của Hoa Kỳ trong vấn đề Biển Đông hay không, trong khi có còn có các mối quan hệ đối tác chiến lược quan trọng khác của Hoa Kỳ tại vùng ?
Lê Hồng Hiệp : Bản thân tôi cho rằng khả năng Hoa Kỳ có thể hy sinh lợi ích của mình ở Biển Đông để theo đuổi các lợi ích liên quan tới Bán đảo Triều Tiên và qua đó giúp Trung Quốc đạt được các mục đích của họ có lẽ ít xảy ra.
Tuy nhiên các nhà quan sát khác có lý do của họ khi cho rằng điều đó là khả dĩ vì bản thân các Hiệp định của Hoa Kỳ - như với Philippines chẳng hạn - không bao trùm các đảo đá tranh chấp trên Biển Đông và Hoa Kỳ không có nghĩa vụ pháp lý phải bảo vệ Philippines khi xảy ra xung đột tại đó.
Ngoài ra, thời gian qua, bản thân Philippines cũng thay đổi cách tiếp cận đối với Biển Đông và Trung Quốc - nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc trong khi xa lánh Hoa Kỳ. Nhiều người đặt câu hỏi là tại sao Hoa Kỳ lại phải nhảy vào và tung nguồn lực để theo đuổi lợi ích của Philippines trên Biển Đông mà chính Philippines cũng không mặn mà.
Vì vậy nhiều người cho rằng trong bối cảnh hiện tại khi Trung Quốc đang trỗi dậy, các nước trong khu vực nghiêng nhiều hơn về phía Trung Quốc, bản thân nội bộ Hoa Kỳ đang có những xáo trộn và có nguy cơ Hoa Kỳ sẽ lơ là các lợi ích của họ ở khu vực, thì các nhà quan sát nghĩ tới khả năng Hoa Kỳ hy sinh quyền lợi ở Biển Đông vì các lợi ích liên quan Bán đảo Triều Tiên cũng là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên việc tuần tra đảm bảo tự do hàng hải mà Hoa Kỳ mới thực hiện trở lại cho thấy chính sách của Hoa Kỳ về Biển Đông sẽ không thay đổi nhiều.
Tàu khu trục USS Decatur tuần tra gần Quần đảo Hoàng Sa hổi tháng 10/2016, trong chương trình Mỹ gọi là hoạt động tự do hàng hải
BBC : Nói tới vấn đề tự do hàng hải thì gần đây không chỉ Hoa Kỳ mà gần đây cả các nước khác như Úc cũng đã lên tiếng vì theo quan điểm của một số người thì sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông không phải chỉ là tranh chấp giữa các nước trong khu vực mà còn ảnh hưởng tới tuyến hàng hải quốc tế. Vậy trong tương lai mối quan hệ giữa Việt Nam với Hoa Kỳ và với Trung Quốc liên quan tới Biển Đông sẽ có ảnh hưởng gì sau chuyến đi thăm này ?
Lê Hồng Hiệp : Theo tôi về cơ bản nó sẽ không nhiều thay đổi. Việt Nam sẽ vẫn phải kiên trì các lập trường quan điểm của mình, và trong vấn đề Biển Đông sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng trên khía cạnh tự do hàng hải vì các nước khác ngoài khu vực không tham gia trực tiếp vào các tranh chấp, họ không có lợi ích về lãnh thổ mà chỉ có lợi ích về tự do hàng hải, hàng không trong khu vực này.
Việt Nam cần phải nhấn mạnh các lợi ích này để thu hút sự quan tâm của các nước khác trong việc can dự vào vấn đề Biển Đông và kiềm chế áp lực từ phía Trung Quốc.
Tôi tin rằng trong thời gian tới Việt Nam sẽ theo đuổi cách tiếp cận như vậy và tiếp tục củng cố hơn nữa quan hệ của mình với các cường quốc bên ngoài đặc biệt là Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ hay Australia là những nước có lợi ích lớn trong vấn đề tự do hàng hải ở Biển Đông.
Nguồn : BBC, 30/05/2017