Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Diễn đàn

17/10/2023

Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Việt Nam giữ cân bằng được bao lâu ?

Trường Sơn - RFA tiếng Việt

Trung Quốc, chứ không phải Mỹ, mới là mối bận tâm số một của Việt Nam

Trường Sơn, RFA, 17/10/2023

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn Việt Nam trở thành điểm đến của lãnh đạo hai siêu cường Hoa Kỳ và Trung Quốc.

mytrung1

Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự tương đồng về chế độ chính trị, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không trở nên quá gần gũi với Hoa Kỳ.

Mở màn với chuyến thăm của tổng thống Mỹ, Joe Biden, hồi tháng 9 cùng với sự kiện mối quan hệ Việt-Mỹ được nâng cấp lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. Giờ đây, truyền thông quốc tế đang rộ lên tin tức về một chuyến thăm đang được hai phía chuẩn bị chủ tịch Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam dự kiến vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11. 

Chuyến thăm của tổng thống Biden tới Hà Nội và việc Việt-Mỹ nâng cấp quan hệ rõ ràng là tâm điểm của hoạt động đối ngoại của Việt Nam trong năm 2023, thế nhưng trên thực tế, ở một mức độ ít được chú ý hơn, thì Hà Nội chưa bao giờ lơ là việc giữ gìn quan hệ với nước láng giềng phía bắc. 

Chuyến thăm dự kiến của lãnh đạo Trung Quốc, Tập Cận Bình, tới Việt Nam thực ra đã được chuẩn bị từ trước. 

Tháng 11/2022, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng của Đảng cộng sản Việt Nam sang thăm Trung Quốc, và nhân dịp này đã đưa ra lời mời đối với người đồng cấp phía Trung Quốc về việc sang thăm Việt Nam. 

Không rõ liệu trong chuyến đi kể trên thì người đứng đầu Đảng cộng sản Việt Nam có thông báo cho phía Trung Quốc về kế hoạch nâng cấp quan hệ với Mỹ hay không. Nhưng xét theo truyền thống chính trị của Việt Nam, đó là luôn thông báo trước với các nước thân cận, bao gồm cả Trung Quốc, về các hoạt động đối ngoại quan trọng, đặc biệt là khi liên quan đến Hoa Kỳ, thì đây là một khả năng. 

Hồi tháng 6/2023, ba tháng trước khi tổng thống Mỹ tới Việt Nam, thì thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đã tới thăm Trung Quốc. Đây là chuyến thăm nước Cộng sản đàn anh đầu tiên của vị đương kim thủ tướng kể từ khi nhận chức. Trong lần này thì ông Chính cũng đã có cuộc hội kiến với ông Tập Cận Bình. 

Và cũng phải kể đến chuyến thăm Trung Quốc của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng từ ngày 17 đến ngày 20 tháng 10 năm nay. 

Như vậy, việc ông Tập Cận Bình tới Việt Nam thực ra nằm trong một kế hoạch bận rộn của mối quan hệ song phương Việt-Trung, và nó diễn ra song hành, thậm chí là tất bật hơn, với mối quan hệ Việt-Mỹ ở cùng thời điểm. Dù rằng ở bề ngoài thì mối quan hệ Việt-Mỹ tốn giấy mực của báo giới hơn. 

Tất cả những hoạt động trên, theo ông Zachary Abuza, giáo sư trường Đại học Chiến tranh ở Hoa Kỳ, là nhằm trấn an Trung Quốc về sự thăng hạng của mối quan hệ Việt-Mỹ : 

"Chuyến thăm tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình cuối tháng này là một phần của nỗ lực cân bằng mối quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của chính quyền Hà Nội. Lãnh đạo Việt Nam đã phải cố hết sức để truyền tải thông điệp tới Trung Quốc rằng việc nâng cấp quan hệ với Mỹ không hề gây ra bất cứ thiệt hại nào đến lợi ích của họ. Và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cần phải thể hiện rằng chính sách ngoại giao và an ninh của chế độ do ông ta lãnh đạo, không hề có bất cứ sự thay đổi nào về mặt nguyên tắc".

Cả Mỹ và Trung Quốc đều là các đối tác quan trọng bậc nhất đối với Việt Nam, do vậy, việc duy trì mối quan hệ tích cực với cả hai là điều cần thiết, nhưng quan trọng hơn là không để bên nào có ấn tượng sai lầm rằng Việt Nam đứng về một phe nào đó, bởi Mỹ và Trung Quốc hiện đang cạnh tranh nhau quyết liệt. 

Bình luận về khía cạnh này, bà Hạnh Nguyễn, nghiên cứu sinh tiến sĩ Đại học Quốc gia Úc và nhà nghiên cứu của Yokosuka Council on Asia Pacific (YCAPS), cho biết quan điểm của mình : 

"Việc Việt Nam cùng lúc thực hiện các hoạt động đối ngoại cấp cao với cả Mỹ và Trung Quốc cho thấy Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao cân bằng ảnh hưởng của các cường quốc. Chính sách này nhằm tránh khiến Mỹ hoặc Trung Quốc có ấn tượng rằng Việt Nam đang ủng hộ một bên trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. 

Hiện nay cả Mỹ và Trung Quốc là hai đối tác quan trọng hàng đầu với Việt Nam cả về mặt kinh tế và chính trị, nên Hà Nội muốn tiếp tục duy trì quan hệ hữu hảo vi cả hai bên. 

Ngoài ra, chính sách cân bằng ảnh hưởng này sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong mắt hai cường quốc, giúp Việt Nam tận dụng các cơ hội đầu tư, thương mại, hợp tác an ninh, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển khoa học công nghệ mà Trung Quốc và Mỹ đưa ra". 

Chính sách của phía Việt Nam là vậy, còn về phía hai siêu cường thì theo các chuyên gia, không phải ai cũng muốn Việt Nam trung lập. Rõ ràng, Trung Quốc là nước có nhiều thứ phải lo hơn nếu Việt Nam tỏ ra thân thiện với Hoa Kỳ, bởi vị trí địa lý cũng như thể chế chính trị của Việt Nam có vai trò trọng yếu đối với an ninh của Trung Quốc.

Cũng chính vì vậy mà Việt Nam phải nỗ lực để trấn an Trung Quốc nhiều hơn. Tuy vậy, điều đó không có nghĩa là Trung Quốc phải tỏ ra lo ngại quá nhiều về mối quan hệ Việt-Mỹ, bởi theo giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia nghiên cứu quan hệ quốc tế và an ninh khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thì so với Hoa Kỳ, Trung Quốc có lợi thế lớn và đi trước một bước trong mối bang giao với Việt Nam. Ông nói thêm : 

"Hoa Kỳ đang phải bám đuổi Trung Quốc trong việc quan hệ với Việt Nam. Việt-Trung bình thường hoá quan hệ ngoại giao vào năm 1991, theo sau thập kỷ Campuchia. Hai nước cũng thành lập Uỷ ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương, với lãnh đạo là cấp phó thủ tướng và thường là thành viên Bộ Chính trị. Tuy vấn đề Biển Đông là trở ngại lớn nhất, nhưng Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Ngoài ra, cả hai nước cùng theo chế độ Xã hội Chủ nghĩa". 

Sự tương đồng về thể chế chính trị rõ ràng vẫn là thế mạnh lớn nhất mà Trung Quốc có so với Hoa Kỳ, một nước vẫn được coi là đối tượng cần phải dè chừng của các thể chế độc đảng. Việt Nam đã từng chịu sức ép rất lớn về các vấn đề nhân quyền và tự do chính trị từ các đời tổng thống Hoa Kỳ trước đây, và mọi chuyện chỉ thay đổi từ thời tổng thống Donald Trump, theo giáo sư Carlyle Thayer. 

Trong chuyến thăm của ông Tập Cận Bình tới Việt Nam tới đây, theo giới quan sát, thì Hà Nội vẫn sẽ tiếp tục nhấn mạnh sự tương đồng về chế độ chính trị, nhằm khẳng định với Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ không trở nên quá gần gũi với Hoa Kỳ. Qua đó hy vọng vào việc Trung Quốc sẽ để yên cho Việt Nam hợp tác với Mỹ, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào việc hợp tác với Phương tây. 

Trường Sơn

Nguồn : RFA, 17/10/2023

*************************

Việt Nam trước Sáng kiến "Vành đai- Con đường của Trung Quốc" : "cẩn tắc vô áy náy" !

RFA, 17/10/2023

Một số chuyên gia tại Việt Nam cho rằng Sáng kiến Một vành đai-Một con đường (BRI) của Trung Quốc tiềm ẩn nhiều rủi ro cho Việt Nam và Hà Nội phải thận trọng trong việc hợp tác với Bắc Kinh khi phát triển cơ sở hạ tầng của mình.

mytrung2

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Ủy viên trưởng Nhân đại Toàn quốc Trung Quốc Triệu Lạc Tế trong cuộc gặp tại Bắc Kinh, ngày 17/10/2023. (Ảnh : Dương Trung Cường/PV TTXVN tại Trung Quốc)

Truyền thông Nhà nước đưa tin Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dẫn đầu đoàn đại biểu sang Bắc Kinh dự Diễn đàn "Vành đai-Con đường (BRI)" lần thứ ba trong chuyến thăm kéo dài bốn ngày từ ngày 17/10.

Hồi tháng 11/2017, Việt Nam và Trung Quốc ký Bản Ghi nhớ về việc thúc đẩy kết nối khuôn khổ "Hai hành lang, Một vành đai kinh tế" (một dự án kết nối ASEAN với Trung Quốc) với BRI. Đây được xem như là sự ủng hộ của Hà Nội đối với Sáng kiến "Vành đai-Con đường".

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện tư vấn, phản biện chính sách độc lập (IDS - đã tự giải thể), nhận định rằng dường như các dự án phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam có liên quan đến BRI chủ yếu là các dự án giao thông đường sắt.

Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 17/10 :

"Trong Sáng kiến Một vành đai-Một con đường thì Trung Quốc đã đưa ra một vài dự án ở Việt Nam trong đó có Dự án hành lang Đông Tây tức là đường sắt từ Lào Cai đi Hà Nội rồi đi Hải Phòng và Quảng Ninh, cũng như là từ Lạng Sơn.

Báo chí trong thời gian gần đây họ đang tâng bốc, khen ngợi- tức là đang tạo dư luận về đường sắt cao tốc Bắc Nam, thì đấy có lẽ là dự án cơ sở hạ tầng lớn có thể nằm trong Dự án Một vành đai-Một con đường của Trung Quốc".

Ông nói về nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng của Việt Nam cũng như triển vọng về hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực này.

"Thực sự ở đây là có hai vấn đề : một là Việt Nam cần phát triển hạ tầng cơ sở và công nghệ đường sắt của Trung Quốc bây giờ thì phải nói là loại nhất thế giới. Nếu mà tận dụng được vốn và công nghệ đường sắt của Trung Quốc để mà xây dựng hạ tầng cơ sở ở Việt Nam thì đó là điều tốt và rất nên làm".

Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo về việc Trung Quốc xuất khẩu công nghệ lạc hậu ra nước ngoài.

"Họ có công nghệ đường sắt tuyệt vời đỉnh cao thế giới nhưng cái mà họ mang sang xây dựng ở một nơi nào đó thì chưa chắc đã phải là cái đấy mà có thể là cái thấp hơn rất là nhiều".

Theo ông, Việt Nam không chỉ nên chú ý tới nguồn vốn và công nghệ trong phát triển cơ sở hạ tầng mà còn phải chú ý đến các yếu tố khác.

"Vấn đề là những cái dự án như thế đấy có những cái khía cạnh khác nữa và mình phải cân nhắc rất nhiều mặt của các dự án phát triển hạ tầng cơ sở như vậy, không thể chỉ chăm chăm vào công nghệ tốt, vốn tài trợ.

Bởi vì nó có rất là nhiều những cái hậu quả khác phải tính đến về mặt an ninh quốc gia, về mặt lệ thuộc về kinh tế, về mặt nợ nần". 

Ông cảnh báo về việc vay vốn với lãi suất cao của Trung Quốc có thể dẫn đến nguy cơ mắc bẫy nợ, giống như trường hợp của Sri Lanka trong phát triển cảng biển, và Lào trong việc xây dựng dự án đường sắt cao tốc với phía Trung Quốc. 

"Những nguồn tài trợ của Trung Quốc là những nguồn tài trợ thương mại không phải là kiểu tài trợ Kế hoạch Marshall của Mỹ sau Đại chiến thế giới lần thứ hai hoặc là của Ngân hàng thế giới hay là ODA của Nhật Bản và những nước khác, là những cái nguồn tài trợ mà lãi rất là thấp.

Trung Quốc không có cái kiểu tài trợ như vậy và phải vay vốn của ngân hàng nào đó của Trung Quốc và lãi của ngân hàng thương mại thì cao ngất trời.

Khi gánh nặng để trả lãi và trả gốc ấy sẽ buộc cái nước vay nợ trở thành tay sai về mặt chính trị cho Trung Quốc và đó là vấn đề chính trị rất hệ trọng".

Ông cho biết khi Trung Quốc công bố BRI trong thập niên trước, nhiều viện nghiên cứu của Việt Nam cũng đã tổ chức những hội thảo mà ông cũng đã tham dự một số hội thảo như thế. Trong những sự kiện này, nhiều chuyên gia đã cảnh báo về tham vọng của Trung Quốc trong BRI.

"Ngay từ ban đầu, nhiều người lên tiếng đây là một sáng kiến để kêu tất cả các nước trên thế giới về chầu Bắc Kinh. Đấy là một lời cảnh báo sớm và tôi nghĩ rằng là kịp thời".

Ông nhận thấy rằng ban lãnh đạo Việt Nam cũng thận trọng với BRI.

"Thực sự trong thời gian vừa qua Việt Nam cũng đã lên tiếng tham gia ủng hộ trên giấy nhưng mà thực chất những cái dự án đấy đã được thực hiện như thế nào ở Việt Nam có lẽ ít hơn so với các nơi khác ở trên thế giới.

Bởi vì những nhà lãnh đạo Việt Nam bất kể họ là như thế nào họ cũng không thể quên được cái lịch sử không lấy gì làm tốt đẹp và rất gian khổ gay go giữa Việt Nam và ông láng giềng to lớn ở phía bắc".

Theo ông, Chính phủ Việt Nam, chính quyền các địa phương có dự án cơ sở hạ tầng đi qua, các chuyên gia, và các công ty tham gia dự án, cần thảo luận một cách dân chủ, để có thể đưa ra những quyết định có lợi nhất cho đất nước.

Báo Tiền Phong ngày 16/07/2023 đưa tin Bộ Giao thông Vận tải đưa dự án đường sắt nối Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng vào quy hoạch dự kiến đầu tư trước năm 2030. Theo tính toán sơ bộ của bộ này thì dự án này cần vốn khoảng 10-11 tỷ đô la Mỹ. Chính phủ định hướng kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn từ nay tới năm 2025, phấn đấu khởi công xây dựng trước năm 2030.

Theo ông Phạm Viết Đào, nhà văn-blogger từ Hà Nội, dự án này nối cảng Hải Phòng với miền Tây của Trung Quốc.

"Trên giấy tờ thì nói sẽ thông thương với miền Tây Á rồi đi Châu Âu với con đường đó, nhưng thực ra chỉ là phục vụ cho việc chở hàng của Trung Quốc từ vùng Vân Nam, Tây Tứ Xuyên ra cảng Hải Phòng, chắc chắn rút ngắn khoảng cách so với việc vận chuyển từ đó sang các cảng miền Đông của Trung Quốc và như vậy giá cả giảm rất nhiều, tạo ra sự cạnh tranh cho hàng hoá Trung Quốc".

Ông cho rằng Việt Nam phải vay vốn lớn với lãi suất cao từ Trung Quốc để làm dự án này, một dự án chỉ làm lợi cho việc xuất khẩu hàng của Trung Quốc ra thế giới.

Theo ông, đây là dự án mang lại rủi ro cao cho phía Việt Nam vì nếu không có tiền trả nợ, rất có thể Việt Nam phải đem cảng Hải Phòng ra gán nợ, như trường hợp năm 2017 Sri Lanka phải gán nợ cảng chiến lược Hambantota cho Trung Quốc theo dạng cho thuê trong thời hạn 99 năm. Trước đó, Srilanka đã vay 8 tỷ đô la Mỹ từ Trung Quốc để phát triển nhiều dự án cơ sở hạ tầng nhưng các dự án này không phát huy hiệu quả kinh tế cho quốc gia này.

Việt Nam thiếu minh bạch

Một giảng viên kinh tế kỳ cựu của một trường đại học ở Hà Nội, người muốn ẩn danh vì lý do an ninh, cho RFA biết dự án cao tốc Bắc Nam là để phục vụ kế hoạch "Một vành đai, một con đường" nhưng chỉ phục vụ chủ yếu cho quyền lợi của Trung Quốc.

Ông nói trong tin nhắn gửi tới RFA :

"Trong mối quan hệ thương mại bất bình đẳng hiện nay giữa Việt Nam và Trung Quốc, cao tốc Bắc Nam sẽ phục vụ tốt hơn việc cung cấp cho nhu cầu của Trung Quốc về tiêu dùng đặc sản đồng bằng Sông Cửu Long. Còn khi nào họ không có nhu cầu, cao tốc này cũng là con tin để họ thực hiện tốt hơn mưu đồ của mình, hàng hóa xuất sang Trung Quốc sẽ dồn ứ ở cửa khẩu nhiều hơn".

Theo ông, nếu có chiến tranh xảy ra, cao tốc Bắc Nam cùng với căn cứ quân sự của Trung Quốc ở hải cảng Sihanoukville (Campuchia) sẽ tạo thành thế gọng kìm, thực hiện tốt hơn kế hoạch tiến quân của Bắc Kinh.

Ông cho rằng tuy Chính phủ Việt Nam không tuyên bố tham gia chương trình BRI một cách cụ thể, có thể là để tránh sự phản đối từ dư luận, nhưng Hà Nội và Bắc Kinh vẫn ngấm ngầm thỏa thuận với nhau nhiều kế hoạch mà người dân dễ dàng nhận thấy. Việc này cũng giống như trước đây, khi Việt Nam chưa nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện, nhưng thực tế đã thực hiện các nội dung của một quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Theo ông, mối quan hệ mập mờ, không chính danh trong quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Trung Quốc và cả với Hoa Kỳ chỉ đem lại bất lợi so với một tuyên bố chính thức.

Kết nối hạ tầng giao thông với Trung Quốc có lợi cho Việt Nam

Qua tin nhắn gửi RFA, nhà báo Nguyễn Phạm Mười từ Hà Nội nói rằng Việt Nam không hoặc chưa tham gia dự án nào liên quan đến BRI. Dự án đường sắt cao tốc trên cao Cát Linh-Hà Đông có dùng vốn của Trung Quốc, tuy nhiên dự án này lại được lên kế hoạch từ trước khi có BRI.

Ông nói tuyến đường sắt mới nối từ Quảng Ninh qua Hà Nội lên Lào Cai đi Trung Quốc được đề xuất đầu tư để phục vụ nhu cầu vận tải giai đoạn tới năm 2030, dự kiến tổng chiều dài hơn 441 km, đi qua 9 tỉnh thành gồm : Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, và Quảng Ninh (ga Cái Lân). Tuy nhiên, dự án này vẫn trên giấy, chưa hề ký kết hay thực hiện gì.

Ông cho biết dự án đường sắt cao tốc Bắc Nam thì chưa có gì cụ thể.

Theo ông, về lâu dài, kinh tế Việt Nam sẽ kết nối nhiều hơn với Trung Quốc, do vậy nhu cầu kết nối hạ tầng giao thông với Trung Quốc cũng sẽ là tất yếu. Kết nối được hệ thống giao thông đường sắt với Trung Quốc cũng đồng nghĩa kết nối với Nga và khu vực Trung Á, và Đông Âu, có lợi cho phát triển quan hệ hợp tác kinh tế thương mại giữa Việt Nam và các nước.

Nguồn : RFA, 17/10/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Trường Sa, RFA tiếng Việt
Read 449 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)