Tiến trình bình thường hóa bang giao Việt Nam - Vatican : Chậm nhưng chắc
Sau nhiều thăng trầm, quan hệ giữa Việt Nam và Vatican đã đạt được một bước tiến lớn với việc thông qua "Thỏa thuận Quy chế hoạt động của Đại diện thường trú và Văn phòng Đại diện thường trú Tòa thánh tại Việt Nam". Thỏa thuận đã được thông qua vào tháng 7/2023 khi chủ tịch nước của Việt Nam vào lúc đó là Võ Văn Thưởng thăm Tòa Thánh và gặp giáo hoàng Francis.
Ngoại trưởng của Tòa Thánh Paul Richard Gallagher và bộ trưởng ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 09/04/2024. AP
Đến ngày 23/12 vừa qua, Tòa thánh Vatican đã chính thức công bố việc Tổng Giám mục Marek Zalewski được giáo hoàng Francis bổ nhiệm làm Đại diện thường trú đầu tiên của Tòa thánh tại Việt Nam. Tổng Giám mục Marek Zalewski nguyên là Sứ thần Tòa thánh tại Singapore và đã kiêm nhiệm Đặc phái viên không Thường trú của Tòa thánh tại Việt Nam từ năm 2018. Việt Nam là quốc gia cộng sản duy nhất mà Vatican có đại diện thường trú.
Một sự kiện đáng chú ý khác trong quan hệ Việt Nam - Vatican đó là vào tháng 4 năm nay, lần đầu tiên một ngoại trưởng của Tòa thánh đến thăm Việt Nam, đó là Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher. Chính quyền Hà Nội thì từ lâu cũng đã công nhận vai trò của Giáo hội Công giáo trong đời sống xã hội ở Việt Nam thông qua các hoạt động thiện nguyện, giáo dục, y tế, dạy nghề….
Tuy đã đạt được những bước tiến lớn như vậy, Hà Nội và Vatican cho tới nay vẫn chưa có dấu hiệu nào sẽ sớm bình thường hóa bang giao. Thậm chí, trong chuyến tông du của giáo hoàng Francis đến Đông Nam Á và Thái Bình Dương, ngài cũng đã không đặt chân đến Việt Nam mặc dù trước đó giáo hoàng cho biết rất muốn là lãnh đạo đầu tiên của Giáo hội Công giáo Hoàn Vũ đến thăm quốc gia vốn đã cắt đứt bang giao với Vatican sau năm 1975.
Vì sao giáo hoàng đã không đến thăm Việt Nam trong chuyến tông du Đông Nam Á và Thái Bình Dương lần này ? Trả lời RFI Việt ngữ ngày 02/09/2024, giảng viên lịch sử Đông Nam Á Trần Thị Liên Claire, chuyên về lịch sử tôn giáo ở Việt Nam, Đại học Paris Cité, giải thích :
"Rõ ràng đó là do những thay đổi nhân sự lãnh đạo chính trị trong những tháng gần đây. Trước hết là vụ từ chức bất ngờ ngày 20/03 của chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, người đã ký thỏa thuận với Roma về việc bổ nhiệm một đại diện thường trực của giáo hoàng ở Hà Nội. Tiếp đến là việc bổ nhiệm ông Tô Lâm làm chủ tịch nước ngày 22/05. Rồi đến ngày 19/07, tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng qua đời, sau đó ông Tô Lâm được Bộ Chính trị giao kiêm nhiệm tổng bí thư ngày 03/08.
Những thay đổi nhân sự lãnh đạo kể từ tháng 3, và trong thời gian đó tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sắp qua đời nên rất khó cho Việt Nam đón tiếp giáo hoàng. Tôi cũng xin lưu ý là hồng y Parolin, nhân vật giống như là thủ tướng của Vatican, lúc đó đã thay mặt giáo hoàng gởi lời chia buồn đến chủ tịch Việt Nam và đã đề cao vai trò của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc cải thiện quan hệ giữa Vatican với Việt Nam. Bản thân ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã từng đến thăm Vatican năm 2013 và gặp giáo hoàng Benedicto 16.
Đã có rất nhiều cuộc gặp cấp cao giữa hai bên, nhưng bối cảnh chính trị xáo trộn của Việt Nam trong những tháng gần đây giải thích vì sao không thể tổ chức chuyến thăm của giáo hoàng".
Như vậy là gần như sẽ không còn cơ hội cho giáo hoàng Francis đến thăm Việt Nam như mong muốn của ngài, bởi vì vị lãnh đạo Giáo hội Hoàn vũ năm nay đã 87 tuổi rồi, sau chuyến tông du kéo dài đến 12 ngày lần này chắc là ngài sẽ không còn đủ sức để trở lại Châu Á. Đây quả là điều rất đáng tiếc vì quan hệ giữa Tòa Thánh với Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong những thập niên qua, đặc biệt là thái độ nghi ngại của Hà Nội đối với Tòa Thánh đã giảm đi rất nhiều, thể hiện qua việc chấp nhận cho Vatican bổ nhiệm một đại diện thường trú ở Việt Nam, theo nhận xét của nhà nghiên cứu về lịch sử tôn giáo Việt Nam Trần Thị Liên Claire :
"Năm 2023 đã cho thấy là sự nghi ngại của phía Việt Nam đối với Vatican đã xuống đến mức thấp nhất. Việc chủ tịch nước Võ Văn Thưởng vào tháng 07/2023 ký kết thỏa thuận lần đầu tiên chấp nhận cho Tòa Thánh bổ nhiệm một đại diện không thường trực ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng. Đây là vị đại diện thường trực đầu tiên kể từ khi vị khâm sứ của Tòa Thánh ở miền bắc bị trục xuất vào năm 1959 và sau đó là khâm sứ ở miền nam bị trục xuất năm 1975.
Cho dù Tổng Giám mục Marek Zalewski chỉ là đại diện thường trú chứ chưa phải là sứ thần hay khâm sứ của Tòa Thánh, nhưng coi như đây là một đại diện của giáo hoàng, một chức vụ có tính biểu tượng cao và quan trọng.
Năm 2023 đánh dấu một bước ngoặt, nhất là với lời mời giáo hoàng đến thăm Việt Nam của chủ tịch nước lúc đó là Võ Văn Thưởng. Lời mời này được đưa ra một ngày sau khi chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kết thúc chuyến thăm Việt Nam.
Rất có thể là chính sách của Việt Nam sẽ không thay đổi. Cho dù ông Tô Lâm không được xem là một nhân vật cấp tiến mà đúng hơn là một nhân vật bảo thủ, ở Việt Nam, chính sách tôn giáo không chỉ có liên hệ với tôn giáo, mà còn liên hệ với những mục tiêu về ngoại giao, kinh tế, chiến lược. Vị đại diện thường trực của Tòa Thánh sẽ làm việc với Ban Tôn giáo của chính phủ, với bộ Ngoại Giao và trong vài tháng nữa chúng ta sẽ biết chính sách của ông Tô Lâm sẽ như thế nào.
Có thể nói là kể từ khi thời Đổi Mới, thái độ nghi ngại đó đã giảm đi rất nhiều. Không phải không còn những bất đồng, nhưng tình hình chính trị ở sẽ không ảnh hưởng đến những thay đổi trong ba thập niên qua".
Nói chung, đối với giảng viên Trần Thị Liên Claire, có thể nói là tiến trình bình thường hóa bang giao giữa Việt Nam và Vatican diễn ra chậm nhưng chắc :
"Như tôi đã nói, vẫn còn những bất đồng, nhưng tôi muốn nhấn mạnh là đối thoại giữa hai bên chưa bao giờ bị gián đoạn, nhờ thái độ thực dụng của ba nhân tố chính : Đảng cộng sản Việt Nam, Vatican và Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Diễn biến từ năm 1989, khi đại diện đầu tiên của giáo hoàng, hồng y Etchegaray, đến thăm Việt Nam, cho thấy tiến trình bình thường hóa bang giao từ 35 năm qua tuy chậm nhưng chắc. Tuy chưa có bình thường hóa, tức là chưa có một sứ thần của Tòa Thánh ở Việt Nam, nhưng từ năm 2007 đã có đến 5 lãnh đạo cao cấp của Việt Nam đã được tiếp ở Vatican : Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, hai chủ tịch nước Trần Đại Quang và Võ Văn Thưởng. Không có một nước cộng sản nào là các lãnh đạo viếng thăm Vatican nhiều như Việt Nam, cho thấy là trao đổi diễn ra ở cấp cao nhất, chứ không chỉ ở cấp bộ trưởng Ngoại Giao.
Những trao đổi cũng đã có từ năm 2009 với việc thành lập nhóm công tác hỗn hợp Việt Nam - Vatican. Nhóm này vẫn họp mỗi năm từ 2009 và đã đạt được kết quả là bổ nhiệm một đại diện thường trực của Tòa Thánh ở Việt Nam. Đối thoại giữa hai bên, chưa bao giờ bị gián đoạn, cũng đã giúp giải quyết vấn đề bổ nhiệm các giám mục, để cho các tu sĩ linh mục được đào tạo ở khắp nơi trên thế giới, cho phép Caritas, tổ chức thiện nguyện của Giáo hội, được hoạt động trở lại từ năm 2008.
Có thể nói là đối thoại giữa từ ba thập niên qua đã giúp đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng đã cần rất nhiều thời gian. Câu hỏi đặt ra bây giờ là Việt Nam có thể lập quan hệ ngoại giao với Vatican trước Trung Quốc hay không ? Liệu Trung Quốc có chấp nhận điều đó hay không ? Cả Vatican và Việt Nam đều phải tính đến phản ứng của Trung Quốc. Hồng y Parolin, vốn vẫn rất tích cực trong các cuộc đối thoại, đã nhiều lần nói rằng mô hình của Việt Nam có thể được áp dụng cho Trung Quốc, nhất là về việc bổ nhiệm các giám mục, một vấn đề rất nhạy cảm. Điều chính yếu đối với ba tác nhân là phải duy trì đối thoại và giải quyết theo từng trường hợp một. Tôi nghĩ là sự hiện diện của Tổng giám mục Zalewski ở Hà Nội cũng sẽ giúp giải quyết vấn đề đó.
Việc bình thường hóa quan hệ sẽ không diễn ra ngay trong bối cảnh hiện nay ở Việt Nam, cũng như trong bối cảnh quan hệ giữa Vatican với Trung Quốc. Nhưng suy cho cùng thì điều đó có thật sự quan trọng không ? Chủ yếu là phải làm sao cho cộng đồng tín hữu Công Giáo luôn có điều kiện thuận lợi nhất để sống đạo. Đó mới thật sự là điều quan trọng đối với Giáo hội Việt Nam và Vatican".
Thật ra thì theo cái nhìn của bà Trần Thị Liên Claire, đối với chính quyền Hà Nội, quan hệ tốt với Tòa Thánh có lợi cả về mặt kinh tế, lẫn địa chính trị :
"Việt Nam là một trường hợp đặc biệt trong số các quốc gia cộng sản, nhất là ở Châu Á. Chính sách tôn giáo của Việt Nam không chỉ mang tính tôn giáo mà nằm trong chính sách chung về kinh tế, địa chính trị và quân sự.
Trước hết là về kinh tế. Từ năm 1998, trong đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế được ban hành dưới thời Bill Clinton, Hoa Kỳ gắn liền quan hệ kinh tế với tự do tôn giáo. Vì muốn bằng mọi giá hội nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, phát triển hiệp định tự do mậu dịch với Hoa Kỳ và Liên Âu, Đảng cộng sản Việt Nam đã phải nỗ lực cải thiện tự do tôn giáo vì lý do kinh tế. Những tiến bộ đó đã góp phần giúp Việt Nam đạt được những thành quả kinh tế quan trọng. Đảng phải đạt thành công kinh tế để bảo vệ tính chính danh của mình, mục tiêu là duy trì mức tăng trưởng cao. Năm nay Việt Nam là quốc gia có mức tăng trưởng đứng hàng thứ hai ở Đông Nam Á. Phải làm sao giữ chân các nhà đầu tư ngoại quốc, nhất là trong bối cảnh nhiều công ty đa quốc gia đã rời bỏ Trung Quốc để chuyển sang Việt Nam. Trong bối cảnh kinh tế đó, Việt Nam cần có quan hệ tốt với Vatican. Tuy đó không phải là yếu tố quyết định, nhưng mối quan hệ tốt đó là nhằm chứng tỏ Việt Nam đã có những nỗ lực về tự do tôn giáo.
Lý do thứ hai là về mặt địa chính trị quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho nhiệm kỳ 2023-2025 và trước đó đã là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an nhiệm kỳ 2020-2021, quan hệ tốt với Vatican cũng là thể hiện hình ảnh một quốc gia đáng tin cậy. Cho dù không thể so sánh Vatican với Hoa Kỳ, Liên Âu hay với các cường quốc Châu Á như Ấn Độ hay Nhật Bản, nhưng Việt Nam vẫn theo đuổi chính sách ngoại giao "cây tre", tức là giữ thế cân bằng trong quan hệ với các cường quốc. Tòa Thánh chỉ là một nước nhỏ, nhưng là một quốc gia có tính biểu tượng cao.
Lý do cuối cùng là về mặt quân sự. Theo chính sách đa phương hóa, Việt Nam phải tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng ở Biển Đông. Quan hệ tối với Vatican cũng nhằm chứng tỏ với các cường quốc phương Tây là Việt Nam vẫn chủ trương đối thoại với các cường quốc này. Việt Nam hiện vẫn cố tìm những đối trọng với láng giềng Trung Quốc hùng mạnh. Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm Hoa Kỳ vào năm 2015 và được tổng thống Mỹ đón tiếp tại Nhà Trắng. Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Việt Nam chia buồn sau lễ quốc tang ông Nguyễn Phú Trọng trong tháng 7 và ông đã nhấn mạnh đến mối quan hệ đối tác chiến lược giữa Hoa Kỳ với Việt Nam. Tân chủ tịch nướcTô Lâm cũng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ đối tác này và đã hoan nghênh sự ủng hộ của Hoa Kỳ cho một nước Việt Nam vững mạnh, độc lập, tự chủ và thịnh vượng".
Thanh Phương
Tổng giám mục Ba Lan Marek Zalewski, đại diện thường trú đầu tiên của Vatican tại Việt Nam, nhậm chức ngay đầu năm 2024. Đây là sự kiện mang tính bước ngoặt, cho thấy những nỗ lực không ngừng của Tòa Thánh và Việt Nam trong suốt ba thập niên.
Giáo hoàng Francis tiếp chủ tịch Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Vatican, ngày 27/07/2023. © Reuters – Vatican Media
Vatican sắp sửa có một vị Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội đầu tiên kể từ sau chiến tranh. Bước tiến này đóng vai trò thế nào trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo ở Việt Nam, và có khiến chính quyền Việt Nam trả lại các cơ sở tôn giáo mà họ đã trưng dụng trong suốt mấy chục năm qua ?
Reuters
Thông báo chung giữa Việt Nam và Vatican được đưa ra hôm 27/7 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Vatican, cho biết với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên đã ký kết "Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam".
Các bên đồng thời đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay.
Đây được coi là bước đệm cho mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Vatican.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế, người đang nghiên cứu và phục vụ tại Roma, trả lời RFA qua email nhận định, vị đại diện Tòa thánh ở Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy cho tự do tôn giáo - tín ngưỡng Việt Nam với lý do sau :
"Dù sao thì, trong trường hợp Việt Nam, một cách tổng quát, tôi có thể nói rằng, trong số các đại diện của các tôn giáo, có thể vị đại diện thường trực của Tòa Thánh là người có vai trò tích cực nhất và thường xuyên nhất trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo cho các tín đồ thuộc mọi tôn giáo ở Việt Nam".
Linh mục Khải lý giải, trong Công giáo, các vị chức sắc luôn dựa trên bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền con người để đối thoại với chính quyền các quốc gia, nhằm yêu cầu các chính quyền tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các công dân của họ.
Và trong trường hợp Việt Nam, một cách tự nhiên và tất nhiên, vị đại diện thường trực của Tòa Thánh cũng sẽ có tiếng nói đối với Nhà nước Việt Nam và yêu cầu họ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người, không riêng gì của tín hữu Công giáo và của Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn cho mọi tín đồ thuộc mọi tôn giáo khác :
"Tôi nói là cho mọi tín đồ thuộc mọi tôi giáo khác nữa vì sao ?
Vì ở Việt Nam, đối với một số tôn giáo, các tổ chức giáo hội thường nằm trong tay Nhà nước và Nhà nước biến các giáo hội thành cánh tay nối dài của mình để cai trị dân chúng.
Người dân hay gọi các tổ chức này là "giáo hội quốc doanh". Những giáo hội này thường cũng không có tiếng nói gì để thúc đẩy tự do tôn giáo cho các tín đồ. Nói như Thiền sư Tinh Vân thì họ chỉ lo hóa duyên quyên góp, rộng thâu đệ tử, tự mưu lấy việc ấm no làm đủ làm thôi".
Theo linh mục Khải, cũng có một số tổ chức giáo hội của một số tôn giáo ngoài Công giáo không chịu khuất phục chính quyền. Và như thế, họ bị nhà cầm quyền coi là các giáo hội bất hợp pháp. Các chức sắc và tín đồ của các giáo hội này thường bị đàn áp và bắt bớ. Những giáo hội này cũng không có tiếng nói chính thức với Nhà nước Việt Nam và nếu có cũng không được Nhà nước lắng nghe :
"Trong bối cảnh đó, vị đại diện thường trực của Tòa Thánh sẽ là người có vai trò tích cực nhất và thường xuyên nhất trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo tại Việt Nam cho các tín đồ thuộc mọi tôn giáo ở Việt Nam".
Ngay khi có thông tin việc hai bên đạt được thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam ; Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, bày tỏ trên Facebook cá nhân : "Đề nghị Nhà nước Việt Nam trả lại Tòa Khâm sứ số 42, Nhà chung Hà Nội , để Tòa Thánh làm văn phòng đại diện !"
Ông Cao Hà Trực, một giáo dân đã từng nhiều lần tham gia đồng hành cùng một số cơ sở Công giáo đòi lại đất như Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Tu viện Thiên An ở Huế… đồng tình với đề nghị này của linh mục Nam Phong, và cho biết thêm rằng ông hy vọng Tòa Thánh sẽ giữ nguyên lập trường là sẽ sử dụng đất của Giáo hội để làm Tòa Khâm sứ chứ không nhận đất mà chính quyền Hà Nội cấp để xây Tòa Khâm sứ mới :
"Mấy ngàn cơ sở tôn giáo mà Nhà nước đã mượn từ năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam để làm trường học hoặc công trình thì phải trả. Nếu như Nhà nước trả lại Tòa Khâm sứ thì tất cả các cơ sở công giáo đó cũng phải trả lại.
Vì vậy Nhà nước phải dè chừng và sợ tình trạng Domino xảy ra. Nếu mà Tòa Thánh cứng rắn trong vấn đề này thì sẽ rất có lợi cho tôn giáo".
Các sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cầu nguyện trước hành động tháo dỡ nhà nguyện của chính quyền. Ảnh : Tin mừng cho người nghèo
Nhận định về khả năng chính quyền Việt Nam sẽ trả lại Tòa Khâm sứ, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải lại cho rằng khả năng trả lại Tòa Khâm Sứ là không có, bởi ba nguyên do chính.
Thứ nhất là Tòa Khâm Sứ là tài sản của Tổng Giáo phận Hà Nội chứ không phải là tài sản của Tòa Thánh Vatican :
"Tôi nghĩ, trong khi đàm phán, để hướng đến những mục đích chung cho toàn thể Giáo hội và vì vấn đề tế nhị, có lẽ Tòa Thánh không đặt vấn đề trả lại Tòa Khâm Sứ với Chính phủ Việt Nam".
Thứ hai, theo linh mục Khải, Tòa Khâm Sứ bị Nhà nước chiếm dụng bất hợp pháp từ hơn 60 năm trước. Trong những thập niên vừa qua, Tòa Khâm Sứ là biểu tượng cho sự tranh đấu cho tự do tôn giáo của Giáo hội ở miền Bắc :
"Nếu trả lại tòa nhà này thì đó là điều rất tốt cho Giáo hội và cho Nhà nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính quyền Việt Nam sẽ không trả vì thói kiêu ngạo cộng sản không cho phép họ làm vậy".
Thứ ba là khi hai bên đã ký với nhau quy chế về Văn phòng Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam thì cũng đã thống nhất với nhau về việc đặt văn phòng ở đâu và cũng có thể là về lâu dài chính quyền Việt Nam đồng ý cho Tòa Thánh mua đất đai ở đâu đó để lập Văn phòng Đại diện của mình theo thông lệ bang giao quốc tế.
Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, trong email gởi cho RFA, cũng đã phân tích rất kỹ lưỡng những lợi ích mà Giáo hội Công giáo cũng như Chính quyền Việt Nam sẽ đạt được nếu xích lại gần nhau hơn.
Thứ nhất, khi có người Đại diện Giáo hoàng, hay còn gọi là ngài Khâm sứ, sẽ trợ giúp các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhằm đảm bảo cho Giáo hội có cơ may tồn tại và phát triển tốt nhất, đồng thời giúp cho Giáo hội Công giáo Việt Nam được hiệp thông với Giáo hoàng và hội nhập với Giáo hội Công giáo Việt Nam trên toàn thế giới một cách cụ thể, sâu sắc và toàn diện hơn.
Một cách tổng quát, sự hiện diện thường trực của Khâm sứ sẽ giúp Tòa Thánh hiểu rõ hơn đời sống và sinh hoạt của Giáo hội Công giáo Việt Nam, từ đó Tòa Thánh có những hướng dẫn kịp thời và thích hợp hơn.
Một cách cụ thể, ông sẽ giúp Tòa Thánh hiểu biết rõ hơn các ứng viên giám mục và tiến trình bổ nhiệm giám mục cũng sẽ diễn ra mau chóng hơn :
"Ngài cũng đại diện Giáo hoàng thăm viếng các cộng đồng Công giáo thường xuyên hơn và sự hiện diện, lời cầu nguyện và giáo huấn của ngài sẽ góp phần giúp các thành phần trong Giáo hội sống đạo tốt hơn.
Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và từng cộng đồng Công giáo có một tiếng nói kịp thời và thường xuyên đối với chính quyền trung ương và vì thế quyền lợi của họ có cơ may được bảo đảm hơn, các tranh chấp nếu có của họ đối với chính quyền địa phương có thể sẽ được giải quyết mau hơn.
Sau cùng, một điều tự nhiên là sự hiện diện thường xuyên tại Việt Nam của vị đại diện Giáo hoàng sẽ khiến cho các thành viên của Giáo hội Công giáo Việt Nam cẩn trọng hơn trong lối sống và lối ứng xử, nhất là những người có trách nhiệm quản trị và điều hành".
Theo linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, ở chiều ngược lại, Nhà nước Việt Nam tất nhiên cũng có nhiều lợi ích thì mới đồng ý nâng cấp mối quan hệ với Vatican.
Thứ nhất, theo linh mục Khải, Việt Nam thêm uy tín hơn đối với cộng đồng quốc tế. Vì Vatican là một chủ thể ngoại giao uy tín hàng đầu thế giới mà hầu hết các quốc gia đã đặt quan hệ ngoại giao. Các quốc gia và các tổ chức quốc tế thấy Việt Nam có một bước tiến tích cực hơn trong vấn đề tôn giáo, dù thực tế không hẳn là đã tôn trọng tự do tôn giáo.
Hai là trong bang giao quốc tế, Việt Nam có thêm một kênh liên lạc thường xuyên và chính thức, và nhờ thế Việt Nam sẽ hiểu rõ mình và hiểu rõ quốc tế hơn ở mức độ nào đó, trong việc giải quyết các vấn đề chung cũng như riêng, nhằm tối ưu hóa lợi ích của mình.
Thứ ba là việc này sẽ khiến cho các tín hữu Công giáo thêm tin tưởng và hy vọng vào chính quyền. Trong những tranh chấp, những căng thẳng của Giáo hội hoặc của riêng một cộng đồng Công giáo nào đó với chính quyền, Nhà nước Việt Nam có thêm một kênh trung gian để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng hơn, thống nhất hơn và hiệu quả hơn. Tất cả những điều này làm giảm áp lực xã hội lên chính quyền từ khối Công giáo, vốn là một cộng đồng thường có những tiếng nói thường xuyên nhất trong việc bảo vệ quyền con người và có những phản ứng mạnh mẽ nhất trước nạn bất công và bạo lực.
Bốn là cộng đồng quốc tế thường coi việc quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican là một dấu hiệu tích cực để có thể viện trợ nhân đạo. Tòa Thánh Vatican cũng có tiếng nói rất hiệu quả trong lãnh vực này. Ít nhất các tổ chức Công giáo sẽ thêm tin tưởng mà gia tăng trợ giúp Việt Nam trong các dự án giáo dục, y tế và từ thiện, vốn là những lĩnh vực họ rất có tiềm năng và kinh nghiệm.
Nguồn : RFA, 31/07/2023