Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Việt Nam

31/07/2023

Quan hệ Việt Nam - Vatican tiến triển : lợi ích song phương và quan ngại chung ?

RFA tiếng Việt

Vatican sắp sửa có một vị Đại diện Giáo hoàng thường trú tại Hà Nội đầu tiên kể từ sau chiến tranh. Bước tiến này đóng vai trò thế nào trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo ở Việt Nam, và có khiến chính quyền Việt Nam trả lại các cơ sở tôn giáo mà họ đã trưng dụng trong suốt mấy chục năm qua ?

vnvatican1

Giáo hoàng Francis gặp gỡ Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tại Vatican, ngày 27/7/2023. Reuters

Thông báo chung giữa Việt Nam và Vatican được đưa ra hôm 27/7 nhân chuyến thăm của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đến Vatican, cho biết với mong muốn tiếp tục thúc đẩy các quan hệ song phương, hai bên đã ký kết "Thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh và về Văn phòng Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam".

Các bên đồng thời đánh giá cao về những tiến triển đáng kể trong quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh cũng như những đóng góp tích cực của cộng đồng Công giáo Việt Nam cho đến nay.

Đây được coi là bước đệm cho mối quan hệ ngoại giao đầy đủ giữa Việt Nam và Vatican.

Thúc đẩy tự do tôn giáo Việt Nam

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, Dòng Chúa Cứu Thế, người đang nghiên cứu và phục vụ tại Roma, trả lời RFA qua email nhận định, vị đại diện Tòa thánh ở Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy cho tự do tôn giáo - tín ngưỡng Việt Nam với lý do sau :

 "Dù sao thì, trong trường hợp Việt Nam, một cách tổng quát, tôi có thể nói rằng, trong số các đại diện của các tôn giáo, có thể vị đại diện thường trực của Tòa Thánh là người có vai trò tích cực nhất và thường xuyên nhất trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo cho các tín đồ thuộc mọi tôn giáo ở Việt Nam".

Linh mục Khải lý giải, trong Công giáo, các vị chức sắc luôn dựa trên bản Hiến chương Liên Hiệp Quốc về quyền con người để đối thoại với chính quyền các quốc gia, nhằm yêu cầu các chính quyền tôn trọng quyền tự do tôn giáo của các công dân của họ.

Và trong trường hợp Việt Nam, một cách tự nhiên và tất nhiên, vị đại diện thường trực của Tòa Thánh cũng sẽ có tiếng nói đối với Nhà nước Việt Nam và yêu cầu họ tôn trọng quyền tự do tôn giáo của mọi người, không riêng gì của tín hữu Công giáo và của Giáo hội Công giáo Việt Nam mà còn cho mọi tín đồ thuộc mọi tôn giáo khác :

"Tôi nói là cho mọi tín đồ thuộc mọi tôi giáo khác nữa vì sao ?

Vì ở Việt Nam, đối với một số tôn giáo, các tổ chức giáo hội thường nằm trong tay Nhà nước và Nhà nước biến các giáo hội thành cánh tay nối dài của mình để cai trị dân chúng.

Người dân hay gọi các tổ chức này là "giáo hội quốc doanh". Những giáo hội này thường cũng không có tiếng nói gì để thúc đẩy tự do tôn giáo cho các tín đồ. Nói như Thiền sư Tinh Vân thì họ chỉ lo hóa duyên quyên góp, rộng thâu đệ tử, tự mưu lấy việc ấm no làm đủ làm thôi".

Theo linh mục Khải, cũng có một số tổ chức giáo hội của một số tôn giáo ngoài Công giáo không chịu khuất phục chính quyền. Và như thế, họ bị nhà cầm quyền coi là các giáo hội bất hợp pháp. Các chức sắc và tín đồ của các giáo hội này thường bị đàn áp và bắt bớ. Những giáo hội này cũng không có tiếng nói chính thức với Nhà nước Việt Nam và nếu có cũng không được Nhà nước lắng nghe :

"Trong bối cảnh đó, vị đại diện thường trực của Tòa Thánh sẽ là người có vai trò tích cực nhất và thường xuyên nhất trong việc thúc đẩy tự do tôn giáo tại Việt Nam cho các tín đồ thuộc mọi tôn giáo ở Việt Nam".

Khả năng trả lại Tòa Khâm sứ cho Giáo hội

Ngay khi có thông tin việc hai bên đạt được thỏa thuận về Quy chế của Đại diện Thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam ; Linh mục Nguyễn Ngọc Nam Phong, thuộc Dòng Chúa Cứu Thế ở Hà Nội, bày tỏ trên Facebook cá nhân : "Đề nghị Nhà nước Việt Nam trả lại Tòa Khâm sứ số 42, Nhà chung Hà Nội , để Tòa Thánh làm văn phòng đại diện !"

Ông Cao Hà Trực, một giáo dân đã từng nhiều lần tham gia đồng hành cùng một số cơ sở Công giáo đòi lại đất như Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm, Tu viện Thiên An ở Huế… đồng tình với đề nghị này của linh mục Nam Phong, và cho biết thêm rằng ông hy vọng Tòa Thánh sẽ giữ nguyên lập trường là sẽ sử dụng đất của Giáo hội để làm Tòa Khâm sứ chứ không nhận đất mà chính quyền Hà Nội cấp để xây Tòa Khâm sứ mới :

"Mấy ngàn cơ sở tôn giáo mà Nhà nước đã mượn từ năm 1954 ở miền Bắc và sau năm 1975 ở miền Nam để làm trường học hoặc công trình thì phải trả. Nếu như Nhà nước trả lại Tòa Khâm sứ thì tất cả các cơ sở công giáo đó cũng phải trả lại.

Vì vậy Nhà nước phải dè chừng và sợ tình trạng Domino xảy ra. Nếu mà Tòa Thánh cứng rắn trong vấn đề này thì sẽ rất có lợi cho tôn giáo".

vnvatican2

Các sơ Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm cầu nguyện trước hành động tháo dỡ nhà nguyện của chính quyền. Ảnh : Tin mừng cho người nghèo

Nhận định về khả năng chính quyền Việt Nam sẽ trả lại Tòa Khâm sứ, linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải lại cho rằng khả năng trả lại Tòa Khâm Sứ là không có, bởi ba nguyên do chính.

Thứ nhất là Tòa Khâm Sứ là tài sản của Tổng Giáo phận Hà Nội chứ không phải là tài sản của Tòa Thánh Vatican :

"Tôi nghĩ, trong khi đàm phán, để hướng đến những mục đích chung cho toàn thể Giáo hội và vì vấn đề tế nhị, có lẽ Tòa Thánh không đặt vấn đề trả lại Tòa Khâm Sứ với Chính phủ Việt Nam".

Thứ hai, theo linh mục Khải, Tòa Khâm Sứ bị Nhà nước chiếm dụng bất hợp pháp từ hơn 60 năm trước. Trong những thập niên vừa qua, Tòa Khâm Sứ là biểu tượng cho sự tranh đấu cho tự do tôn giáo của Giáo hội ở miền Bắc :

"Nếu trả lại tòa nhà này thì đó là điều rất tốt cho Giáo hội và cho Nhà nước. Tuy nhiên, tôi nghĩ chính quyền Việt Nam sẽ không trả vì thói kiêu ngạo cộng sản không cho phép họ làm vậy".

Thứ ba là khi hai bên đã ký với nhau quy chế về Văn phòng Đại diện Thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam thì cũng đã thống nhất với nhau về việc đặt văn phòng ở đâu và cũng có thể là về lâu dài chính quyền Việt Nam đồng ý cho Tòa Thánh mua đất đai ở đâu đó để lập Văn phòng Đại diện của mình theo thông lệ bang giao quốc tế.

Lợi ích cộng đồng Công giáo Việt Nam

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, trong email gởi cho RFA, cũng đã phân tích rất kỹ lưỡng những lợi ích mà Giáo hội Công giáo cũng như Chính quyền Việt Nam sẽ đạt được nếu xích lại gần nhau hơn.

Thứ nhất, khi có người Đại diện Giáo hoàng, hay còn gọi là ngài Khâm sứ, sẽ trợ giúp các hoạt động của Giáo hội Công giáo Việt Nam, nhằm đảm bảo cho Giáo hội có cơ may tồn tại và phát triển tốt nhất, đồng thời giúp cho Giáo hội Công giáo Việt Nam được hiệp thông với Giáo hoàng và hội nhập với Giáo hội Công giáo Việt Nam trên toàn thế giới một cách cụ thể, sâu sắc và toàn diện hơn.

Một cách tổng quát, sự hiện diện thường trực của Khâm sứ sẽ giúp Tòa Thánh hiểu rõ hơn đời sống và sinh hoạt của Giáo hội Công giáo Việt Nam, từ đó Tòa Thánh có những hướng dẫn kịp thời và thích hợp hơn.

Một cách cụ thể, ông sẽ giúp Tòa Thánh hiểu biết rõ hơn các ứng viên giám mục và tiến trình bổ nhiệm giám mục cũng sẽ diễn ra mau chóng hơn :

"Ngài cũng đại diện Giáo hoàng thăm viếng các cộng đồng Công giáo thường xuyên hơn và sự hiện diện, lời cầu nguyện và giáo huấn của ngài sẽ góp phần giúp các thành phần trong Giáo hội sống đạo tốt hơn.

Giáo hội Công giáo Việt Nam nói chung và từng cộng đồng Công giáo có một tiếng nói kịp thời và thường xuyên đối với chính quyền trung ương và vì thế quyền lợi của họ có cơ may được bảo đảm hơn, các tranh chấp nếu có của họ đối với chính quyền địa phương có thể sẽ được giải quyết mau hơn.

Sau cùng, một điều tự nhiên là sự hiện diện thường xuyên tại Việt Nam của vị đại diện Giáo hoàng sẽ khiến cho các thành viên của Giáo hội Công giáo Việt Nam cẩn trọng hơn trong lối sống và lối ứng xử, nhất là những người có trách nhiệm quản trị và điều hành".

Lợi ích cho Chính quyền Việt Nam

Theo linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải, ở chiều ngược lại, Nhà nước Việt Nam tất nhiên cũng có nhiều lợi ích thì mới đồng ý nâng cấp mối quan hệ với Vatican.

Thứ nhất, theo linh mục Khải, Việt Nam thêm uy tín hơn đối với cộng đồng quốc tế. Vì Vatican là một chủ thể ngoại giao uy tín hàng đầu thế giới mà hầu hết các quốc gia đã đặt quan hệ ngoại giao. Các quốc gia và các tổ chức quốc tế thấy Việt Nam có một bước tiến tích cực hơn trong vấn đề tôn giáo, dù thực tế không hẳn là đã tôn trọng tự do tôn giáo.

Hai là trong bang giao quốc tế, Việt Nam có thêm một kênh liên lạc thường xuyên và chính thức, và nhờ thế Việt Nam sẽ hiểu rõ mình và hiểu rõ quốc tế hơn ở mức độ nào đó, trong việc giải quyết các vấn đề chung cũng như riêng, nhằm tối ưu hóa lợi ích của mình.

Thứ ba là việc này sẽ khiến cho các tín hữu Công giáo thêm tin tưởng và hy vọng vào chính quyền. Trong những tranh chấp, những căng thẳng của Giáo hội hoặc của riêng một cộng đồng Công giáo nào đó với chính quyền, Nhà nước Việt Nam có thêm một kênh trung gian để giải quyết vấn đề một cách nhanh chóng hơn, thống nhất hơn và hiệu quả hơn. Tất cả những điều này làm giảm áp lực xã hội lên chính quyền từ khối Công giáo, vốn là một cộng đồng thường có những tiếng nói thường xuyên nhất trong việc bảo vệ quyền con người và có những phản ứng mạnh mẽ nhất trước nạn bất công và bạo lực.

Bốn là cộng đồng quốc tế thường coi việc quan hệ ngoại giao với Tòa Thánh Vatican là một dấu hiệu tích cực để có thể viện trợ nhân đạo. Tòa Thánh Vatican cũng có tiếng nói rất hiệu quả trong lãnh vực này. Ít nhất các tổ chức Công giáo sẽ thêm tin tưởng mà gia tăng trợ giúp Việt Nam trong các dự án giáo dục, y tế và từ thiện, vốn là những lĩnh vực họ rất có tiềm năng và kinh nghiệm.

Nguồn : RFA, 31/07/2023

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: RFA tiếng Việt
Read 344 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)