Trước thềm năm mới 2020, VOA điểm lại các sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2019 qua những con số :
Nét đẹp đất nước Việt Nam - Ninh Bình
114ngày : là khoảng thời gian tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đến quấy nhiễu trong thềm lục địa của Việt Nam xung quanh bãi Tư Chính trên Biển Đông – vụ việc được giới quan sát đánh giá là khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên Biển Đông kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014. Tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính vào ngày 3/7 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc mà lúc cao điểm có đến 35 tàu – theo số liệu chính thức – để quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hợp tác với hãng dầu khí Rosneft của Nga. Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần lễ. Việc này đã cho thấy sự lợi hại của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp vốn giờ đây giúp họ có thể duy trì sự hiện diện lâu dài và liên tục để gây sức ép lên các nước xung quanh Biển Đông. Sự hiện diện của các tàu Hải Dương 8 đã dẫn đến sự đối đầu căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát biển giữa hai nước. Chính quyền Việt Nam loan báo đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế, đối đầu trên thực địa. Cuối cùng, vào ngày 24/10, tàu Hải Dương cũng đã rời đi mà chính phủ Việt Nam cho là ‘nhờ vào sự đấu tranh khôn khéo và cương quyết’ của họ.
39 là số nạn nhân Việt Nam chết trong thùng xe tải đông lạnh trên đường từ Bỉ sang Anh được phát hiện vào hôm 23/10 ở hạt Essex, gần thủ đô London. Lúc đầu, cảnh sát Anh công bố toàn bộ các nạn nhân này đều là người Trung Quốc căn cứ vào hộ chiếu họ mang theo. Nhưng quá trình điều tra sau đó đã kết luận toàn bộ 39 người này đều là người Việt Nam, chủ yếu đến từ hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Các nạn nhân được cho là đã trả số tiền cả tỷ đồng để được các đường dây buôn người đưa từ Việt Nam bằng đường bộ sang các nước Châu Âu sau đó tìm đường sang Anh – nơi họ được hứa hẹn sẽ có công việc lương cao để trang trải nợ nần cũng như giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Đây là vụ án mạng có số nạn nhân tử vong cao nhất từ trước đến nay ở nước Anh cũng như là một thảm họa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trên con đường di dân lậu của người Việt Nam. Vụ việc đã vén lên bức màn về tình trạng đi xuất khẩu lao động chui ồ ạt ở một số địa phương ở miền Trung sang Châu Âu cũng như hé mở về hoạt động của các đường dây buôn người tinh vi. Sau khi hoàn tất điều tra và xác nhận danh tính, tất cả các nạn nhân đều được hồi hương về Việt Nam dưới hình thức thi thể hoặc tro cốt sau khi người thân của họ cam kết hoàn trả lại chi phí cho chính phủ. Thảm họa này đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, khiến công chúng thương cảm đồng thời cũng tạo ra những chỉ trích gay gắt về việc các nạn nhân bất chấp các rủi ro về sinh mạng cũng như luật pháp để di cư lậu.
3 triệu Mỹ kim : là số tiền mà ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đã nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn AVG, để chỉ đạo tập đoàn viễn thông vốn nhà nước Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, vốn lúc đó đang trên bờ vực, với mức giá cao hơn nhiều giá trị thực của công ty này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng. Ông Son và người kế nhiệm ông, Trương Minh Tuấn, đã ra trước vành móng ngựa vào cuối năm trong đại án Mobifone-AVG. Ông Son được cho là người cầm đầu đã chỉ đạo cho ông Tuấn là thuộc cấp của ông lúc đó ký quyết định phê duyệt dự án Mobifone mua AVG. Gia đình ông Son đã nộp lại 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, do đó mặc dù đối diện với mức án tử hình, nhưng ông Son chỉ bị tuyên 16 năm tù về tội vi phạm về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và mức án chung thân về tội nhận hối lộ. Tổng cộng ông Son phải chịu mức án chung thân. Ông Trương Minh Tuấn nhận tổng cộng 14 năm tù với cùng hai tội danh trên. Vụ án này xếp vào một trong các vụ đại án trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là vụ án mà các bị cáo đã khắc phục phần lớn số tiền chiếm đoạt, trong đó ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch AVG, được cho là đã trả trả lại toàn bộ số tiền thiệt hại cùng chi phí, lãi suất cho MobiFone.
5 đợt ô nhiễm bụi mịn đã xảy ra ở Hà Nội trong suốt năm 2019, theo số liệu do Tổng cục Môi trường công bố, khiến ô nhiễm trở thành một trong những vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân thủ đô trong năm qua. Các đợt ô nhiễm rải đều từ tháng 1, 3, 10, 11 cho đến tháng 12. Mỗi đợt ô nhiễm kéo dài từ một cho đến trên hai tuần lễ với bầu trời Hà Nội trở nên mù mịt vì nồng độ mịn cao và người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà và hạn chế ra ngoài trời. Trong suốt năm 2019, nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã nhiều lần vượt mức 140μg/m3, tức là vượt gần 6 lần quy chuẩn quốc gia của Việt Nam là 25μg/m3 và gấp 14 mức bụi mịn được Tổ chức Ý tế Thế giới cho là lý tưởng. Đặc biệt, trong ngày 12/12, có nơi ở Hà Nội đo được nồng độ bụi mịn 2.5 lên đến 160 μg/m3. Kết quả này đã khiến Hà Nội lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trong nhóm các thành phố có số liệu đo đạc trên thế giới. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng nồng độ bụi mịn cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân, làm tăng khả năng đột quỵ và gia tăng các bệnh tim mạch. Nguyên nhân khiến bầu trời Hà Nội trở nên mịt mờ vì bụi mịn như vậy được cho là một phần do thời tiết, một phần do các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất thải bụi.
2 huy chương vàng tại Sea Games 30 ở Philippines dành cho đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã từng vào chung kết ở Sea Games nhưng đều thất bại ở trận cuối cùng, do đó thắng lợi này của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã được cả nước chờ đợi và ăn mừng. Đội tuyển nam Việt Nam đánh bại Indonesia với tỷ số 3-0, trong khi đội tuyển nữ Việt Nam thắng tuyển Thái Lan 1-0. Đây là lần thứ hai sau 60 năm và lần lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nam của nước Việt Nam thống nhất giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Sea Games. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đoạt thắng lợi kép ở cả bóng đá nam và nữ - thành tích mà trước đó chỉ có Thái Lan mới đạt được. Đội tuyển nam Việt Nam đã giành được ngôi vô địch mà không để thua bất cứ trận nào trong số 7 trận. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được cho là có công lớn của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo, người đã tạo nên đà thắng lợi của đội tuyển Việt Nam sau khi lên nắm quyền chỉ huy đội tuyển vào 2017, bắt đầu từ việc vào chung kết giải U23 ở Thường Châu, Trung Quốc, cho đến bán kết Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018 và tứ kết Asian Cup 2019. Trong khi đó, huấn luyện viên Mai Đức Chung được ca ngợi với thắng lợi của đội tuyển nữ. Thành viên của hai đội tuyển đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón sau khi về nước.
1 tháng : là thời gian ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đột ngột biến mất khỏi công chúng từ ngày 14/4 cho đến ngày 14/5. Ông Trọng biến mất khi ông đang đi công tác ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thành trì của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ chính trị một thời của ông. Do đó, sự biến mất của ông Trọng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông Trọng bị đầu độc. Trong suốt thời gian một tháng biến mất đó, tin tức về sức khỏe ông Trọng làm chao đảo mạng xã hội với rất nhiều đồn đoán, trong đó có tin ông Trọng bị đột quỵ, hôn mê, trong khi truyền thông chính thức hoàn toàn im tiếng mà mãi đến rất lâu sau đó mới xác nhận rằng ông Trọng ‘không được khỏe’ do ‘cường độ làm việc cao’. Mãi đến ngày 14/5, ông Trọng mới xuất hiện trở lại khi truyền thông nhà nước chiếu hình ảnh cho thấy ông chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước. Hai ngày sau đó, 16/5, ông Trọng chủ trì hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản. Sức khỏe ông Trọng dường như cũng trở nên ổn định hơn kể từ đó nhưng chuyến công du Mỹ của ông Trọng được dự kiến vào cuối năm cũng bị hủy mà nguyên nhân được cho là do sức khỏe của ông chưa được tốt.
7,02% là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019, theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố hôm 27/12. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới bất chấp một năm kinh tế thế giới có nhiều biến động với đà leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây cũng là mức tăng trưởng cao thứ hai trong 10 năm qua này mặc dù thấp hơn mức 7,08% của năm 2018 và vượt chỉ tiêu 6,6-6,8% mà Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức 5,25% của năm 2012, mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2009-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm đạt 516,96 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1% đạt 263,45 tỷ đô la. Các lĩnh vực nắm vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam là công nghiệp chế biến, dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi, bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm). Việt Nam đạt mức tăng trưởng này trong bối cảnh các nền kinh tế năng động khác của Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đều có thành tích thấp hơn với lần lượt là 6.1% 6.1% và 5%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á tương đối lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và nhận định rằng ‘đang có xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam như là lựa chọn thay thế để bù đắp rủi ro của cuộc chiến thương mại’.
99% là số dòng thuế mà Liên minh Châu Âu (EU) xóa bỏ cho cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, tức EVFTA, được hai phía ký kết vào giữa năm 2019 sau gần 10 năm đàm phán. Theo đó, mức xóa bỏ thuế quan này sẽ thành hiện thực theo lộ trình 7 năm sau khi EVFTA được ký kết, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong khi đó, 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam cũng sẽ được EU áp dụng mức thuế là 0% nhưng phải theo hạn ngạch. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 và giúp GDP Việt Nam tăng bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023. EVFTA được trông đợi sẽ giúp gia tăng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam trong các mặt hàng dệt may, da giày và nông thủy sản. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp Châu Âu nhất là trong các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, vốn là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, toàn diện giống như CPTPP, EVFTA là bao phủ từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ cho đến quyền lợi lao động. Nếu cải cách theo các yêu cầu của EVFTA, Việt Nam được cho là sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế. Hiệp định EVFTA còn chờ được Nghị viện EU thông qua với nhiều tiếng nói yêu cầu EU cân nhắc thành tích nhân quyền của Việt Nam.
220.000 đồng (gần 10 USD) là giá một kilogram sườn heo tại thời điểm tháng 12. Trong khi đó, mức giá sườn cốt lết và thịt ba rọi cũng dao động trên dưới 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Đây là mức giá thịt heo cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, dẫn đến cuộc khủng hoảng thịt heo trong bối cảnh nhu cầu thịt heo tăng cao khi Tết nhất gần kề. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự hoành hành của dịch tả lợn Châu Phi từ đầu năm khiến đàn lợn Việt Nam giảm 6 triệu con. Sự khan hiếm thịt heo đã đẩy giá loại thịt chủ lực trên mâm cơm của người Việt tăng phi mã trong giai đoạn cuối năm. Khả năng cung ứng thịt heo ngày Tết được các cơ quan chức năng của Việt Nam dự đoán là sẽ thiếu hụt từ 200.000 đến 300.000 tấn so với nhu cầu của thị trường. Giá thịt heo tăng đã làm tăng áp lực đối với lạm phát, khiến chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 11 tăng 0,96% - mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 9 năm, cũng như gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của người dân. Giá thịt heo quá cao đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hoặc chuyển sang các loại thịt khác, khiến sức mua giảm. Cuộc khủng hoảng này được dự đoán sẽ còn tiếp diễn thêm nhiều tháng sau Tết vì đàn lợn vừa mới tái đàn sau dịch. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn để làm giảm sức ép đối với thị trường trong nước.
6 án tử hình cùng lúc cho các bị cáo trong vụ án giết hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên ở Điện Biên trong dịp Tết Kỷ Hợi. Sau gần 4 ngày xét xử, có 6 trong số 9 bị cáo bị Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên án tử hình trong vụ án làm chấn động cả nước gần một năm trước mà khi đó nạn nhân Duyên đã bị các bị cáo lừa phỉnh đi giao gà Tết rồi thực hiện bắt cóc, hiếp dâm và sát hại nạn nhân. Ba bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án tù từ 2-3 năm cho đến 9-10 năm. Đa số các bị cáo đều là con nghiện và đều đã từng vào tù ra khám. Tính chất tàn bạo của vụ án đã gây sự phẫn nộ cho dư luận trong nước. Phiên tòa lưu động diễn ra tại sân vận động của thành phố Điện Biên Phủ, thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân. Nhóm bị cáo bị cho là hành động có kế hoạh kỹ lưỡng từ trước nhằm bắt cóc người tống tiền để có tiền tiêu Tết và sau khi nạn nhân chết, họ đã tìm mọi cách nhằm che giấu dấu vết và đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vụ án sau đó có thêm diễn biến phức tạp khi mẹ ruột của nạn nhân, bà Trần Thị Hiền, được cho là cố tình không thành thật về việc con bà bị bắt cóc để che giấu việc bà từng bán ma túy cho nhóm thủ phạm 10 năm trước và nợ họ 300 triệu đồng.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 31/12/2019
Sau 45 năm độc tài cai trị đất nước, Đảng cộng sản Việt Nam đang phải đối mặt với giặc ngọai xâm Trung Quốc trên đất liền và ngoài Biển Đông, trong khi nội thù "phai nhạt lý tưởng, lợi ích nhóm, tự diễn biến-tự chuyển hóa và quốc nạn Tham nhũng" đe dọa sự sống còn của chế độ khi Việt Nam bước qua năm 2020.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên toàn bộ Biển Đông - Tranh biếm họa
Kết luận này không do "các thế lực thù địch", "diễn biến hòa bình", hay "những kẻ cơ hội chính trị" đưa ra để nói xấu chế độ mà do tình hình thực tế và từ miệng lưỡi lãnh đạo Tuyên giáo, Tổng cục Chính trị quân đội, Công an và Bộ Thông tin và truyền thông.
Trước hết, khi nói về hiểm họa mất nước vào tay bá quyền Trung Quốc, không người Việt Nam nào quên sự kiện Trung Quốc đem tầu khảo sát dầu khí Hải Dương 8 (HD-8) vào tự do hoạt động bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở bãi Tư Chính, cách Vũng Tầu khoảng 370 cây số về hướng Đông Nam, từ ngày 03/07 đến 24/10/2019 mà Việt Nam không dám xua đuổi.
Trong suốt thời gian này, chỉ có một lần họp của khối ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh là người duy nhất đã lên án đích danh Trung Quốc vi phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và đòi Bắc Kinh rút tầu. Nhưng sau đó, trong diễn văn ngày 28/09/2019, ông Minh lại tránh lên án Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc.
Mọi người chỉ nghe ông nói : "Chúng tôi kêu gọi các bên liên quan ở Biển Đông tuân thủ luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982) – "Hiến chương của Biển và Đại dương"… Các bên liên quan cần kiềm chế và tránh có những hành động đơn phương làm phức tạp tình hình và gia tăng căng thẳng, và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982".
Lối nói chung chung này đã thể hiện nỗi sợ Bắc Kinh trả đũa của nước nhỏ lệ thuộc Việt Nam, theo chủ trương của Bộ Chính trị, lãnh đạo bởi ông Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.
Nhưng khi "tam đầu chế" gồm ông Trọng, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng không dám công khai lên án Trung Quốc trong thời gian HD-8 tự do khuấy nhiễu thì thấy tập đoàn này đã không giấu được thói nhu nhược hổ thẹn trong cương vị lãnh đạo.
Bên cạnh nỗi nhục thuần phục này, ông Trọng cũng không dám kiện Trung Quốc ra trước Tòa án quốc tế như Phi Luật Tân đã đối phó với Bắc Kinh năm 2016 và thắng kiện, mặc dù nhiều đảng viên cao cấp và nguyên lãnh đạo và các chuyên gia quốc tế đã thúc đẩy ông Trọng theo gương Phi Luật Tân. Tòa năm 2016 đã bác yêu sách của Trung Quốc đòi chủ quyền trong phạm vi đường Lưỡi Bò, hay đường 9 đoạn, chiếm 3/4 diện tích của trên 3 triệu cây số vuông Biển Đông.
Nỗi sợ Trung Quốc của Đảng cộng sản Việt Nam còn thể hiện qua việc nhà nước tiếp tục khủng bố, ngăn chặn và bắt bỏ tù những ai dám chống Tầu trong các dịp kỷ niệm đau thương ngày mất Hoàng Sa 19/01/1974 ; chiến tranh biên giới Việt-Trung 17/02/1979 và trận Gạc Ma 14/03/1988. Đảng cộng sản Việt Nam còn cấm dân không được tổ chức truy diệu và ghi ơn những chiến sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến chống Tầu xâm lược này, đặc biệt đối với 74 quân nhân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình ở Hoàng Sa.
Hành động chia rẽ, hận thù dân tộc Bắc-Nam của nhà nước cộng sản đã xác nhận thêm sự giả dối của chế độ ngay cả đối với những người đã chết khi bảo vệ lãnh thổ.
Vì vậy, ngay cả trong sách sử, các sử gia cộng sản cũng chỉ dám ghi lại hời hợt cho có những cuộc chiến giữa quân Tầu xâm lược và quân đội Việt Nam, thay vì phải ghi lại đầy đủ để lưu truyền tinh thần giữ nước hào hùng chống ngoại xâm của dân tộc.
Lệ thuộc kinh tế - mất chủ quyền đất đai
Trên đất liền, nét rõ mất chủ quyền kinh tế và đất đai đã chứng minh trong hai dự án Bauxite Tây nguyên và Formosa Hà Tĩnh. Đảng cộng sản Việt Nam đã để cho các nhà thầu Trung Quốc tự do làm giầu trên lưng lao động của người Việt Nam để thu vét tài nguyên từ quặng Bauxite ở Lâm Đồng, Nhân Cơ và gang thép ở Hà Tĩnh, nơi Công ty Formosa đã thải chất độc làm chết hải sản và ô nhiễm môi trường ngày 06/04/2016. Cho đến nay, ba năm sau, chưa có bất cứ cuộc khảo sát nào có chứng minh quốc tế là biển miền Trung đã an toàn ở 4 Tỉnh bị ô nhiễm gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huê.
Ngoài ra rất nhiều nhà máy, hãng xưởng do Trung Quốc đầu tư hay cho Việt Nam vay chịu nợ đã được thiết lập ở dọc theo các địa điểm chiến lược bờ biển trọng yếu từ Bắc xuống Nam. Tất cả các vị trí này thuộc quyền kiểm soát tuyệt đối ra vào của Trung Quốc, kể cả quyền đưa công nhân Tầu vào làm và cướp việc của người Việt.
Bên cạnh đó là việc Đảng cộng sản Việt Nam đã cho Công ty InnovGreen của Trung Quốc, một số công ty khác của Hồng Kong và Đài Loan thuê đất trồng cây kỹ nghệ, dài 50 năm ở nhiều vùng biên giới Việt-Lào.
Theo một bài viết trên báo Đất Việt ngày 18/06/2014 thì việc cho thuê đất đã xẩy ra ở các tỉnh Cao Bằng, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Kon Tum và Bình Dương.
Đất Việt cho biết : "Các địa phương đã cho 10 doanh nghiệp nước ngoài thuê đất rừng đầu nguồn dài hạn (50 năm) trồng rừng nguyên liệu với tổng diện tích hơn 300 ngàn ha, trong đó doanh nghiệp từ Hồng Kông, Đài Loan, Trung Quốc chiếm trên 264 ngàn ha, 87% ở các tỉnh xung yếu biên giới".
Như vậy, câu hỏi được đặt ra là Việt Nam được lợi gì khi cho người Tầu thuê đất ở các địa điểm chiến lược biên giới, và có ai biết họ đã và đang làm gì trong các khu rừng này ?
Trong lĩnh vực trao đổi thương mại, chỉ riêng 11 tháng năm 2019, Việt Nam đã nhập siêu từ Trung Quốc là 31 tỷ Mỹ kim với đủ mặt hàng và máy móc. Thêm vào đó, tổng số tiền nợ Trung Quốc của Việt Nam được ước tính khoảng 6 tỷ USD vào năm 2013, trong khi Việt Nam không bao giờ công số các khoản nợ nước ngoài.
Vì nhà nước đã chi nhiều hơn thu trong dài hạn, nhất là khi đến hạn phải trả nợ nước ngoài nên báo cáo của Chính phủ về nợ công đã thừa nhận Việt Nam đang ở ngưỡng 3,2 triệu tỷ đồng. Trung bình mỗi người dân gánh 32 triệu đồng nợ công (VietnamNet, 17/06/2019).
Quay lưng chống Đảng
Về mặt chính trị, năm 2019 cũng đánh dấu nội bộ đảng cầm quyền đã và đang nát từ thất bại trong công tác "bảo vệ Đảng, bảo vệ Cương lĩnh chính trị, đường lối lãnh đạo của Đảng" và "bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh".
Thiếu tướng, Phó Giáo sư tiến sĩ - Nhà giáo nhân dân Nguyễn Bá Dương phát biểu tại buổi tọa đàm chống "Diễn biến hòa bình" trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa tại Bộ Tư lệnh Quân khu 7 ngày 17/05/2018 - Ảnh minh họa
Tình trạng suy thoái tư tưởng, chán đảng, nhạt đoàn và ngại học tập Nghị quyết và tự ý làm sai Chỉ thị của Đảng đã đến mức báo động. Nghiêm trọng đến độ Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân phải cảnh báo : "Đây là cuộc đấu tranh một mất một còn, quyết liệt, nóng bỏng, cấp bách và không nhân nhượng" (Thanh Niên, 23/12/2019).
Lên tiếng tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác tuyên giáo năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 tại Hà Nội, tướng Nghĩa giải thích lý do khẩn trương vì : "Âm mưu thủ đoạn của thế lực thù địch, phản động, ngày càng tinh vi, phức tạp, trực diện và triệt để khai thác công nghệ, bóp méo, làm sai lệch, gán ghép thông tin, gây hoang mang, lo lắng cho dự luận. Mục đích của chúng là làm tan rã, suy giảm niềm tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng, chế độ và lực lượng vũ trang nhân dân".
Đáng chú ý, lần đầu tiên Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa đã tiết lộ các thành phần chống đảng hiện nay gồm : "Ngoài lực lượng hoạt động thù địch của chế độ cũ thì hiện nay đã có lực lượng mới là những cán bộ thoái hóa, biến chất, những người đã bị xử lý kỷ luật, xử lý về pháp luật, thậm chí có những cán bộ cao cấp, có cả những tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang, rồi thanh niên, sinh viên và tầng lớp khác, do đó, công tác đấu tranh diễn ra trên nhiều lĩnh vực và rất phức tạp".
Tướng Nghĩa không cho biết "lực lượng" của mỗi phe chống đảng có bao nhiêu người, nhưng ông nhìn nhận "có lợi ích nhóm trên mặt trận tư tưởng".
Như vậy là rối beng, có nhiều thành phần trong xã hội, trong đảng và quân đội đã hợp lực với nhau chống Đảng là hiện tượng chưa hề có từ trước tới nay.
Tướng Nghĩa nói : "Trong công tác tư tưởng, có hay không "lợi ích nhóm" Tôi cho cho là có. Nhiều đồng chí nói các thông tin này do ai đưa ra ? Thực tế nhiều thông do nội bộ chúng ta đưa ra để thế lực thù địch lợi dụng chống phá".
Công an và Thông tin nhập cuộc
Tiếp lời ông Nghĩa là báo cáo của Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Nguyễn Văn Thành. Báo VietnamNet ngày 23/12/2019 trích lời ông Thành nói : "Trong lực lượng công an đã có hơn 50 đơn vị địa phương thành lập ban chỉ đạo, bộ phận thường trực của công an trong công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng, đấu tranh với quan điểm sai trái, thù địch phản động".
Cụ thể, Tướng Nguyễn Văn Thành kể chi tiết : "Thời gian qua, ngành công an đã xây dựng 20 kế hoạch ; đăng tải 1.500 tin bài trên các báo chính thống ; 113.000 tin bài viết, video clip ; 304 trang web, blog để đấu tranh phản bác những quan điểm sai trái thù địch, đưa ra 1.260 bình luận để phản bác những thông tin đó. Công an địa phương đã chủ động nắm tình hình, đấu tranh với 300 trang mạng xã hội (Facebook, blog, kênh Youtube)".
Ngoài ra, vẫn theo ông Thành thì : "Công an đã tập trung ngăn chặn kích động biểu tình với các nhóm hội mạng xã hội trên Facebook có hoạt động phá hoại ; tiến hành vô hiệu hoá 50 trang tin điện tử mang tên các lãnh đạo Đảng, Nhà nước ; yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ gỡ bỏ hàng trăm link Youtube có nội dung kích động biểu tình, gây rối và vi phạm pháp luật".
Về phần mình, Thứ trưởng Thông tin và truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo nêu ra những khó khăn trong quản lý thông tin trên báo chí, dù toàn là báo của Đảng. Ông nói : "Năm tới (2020) là năm tổ chức đại hội Đảng các cấp hướng tới Đại hội Đảng khóa 13, nên nếu quản lý không tốt thì rất dễ dẫn tới tình trạng lợi dụng báo chí gây ra mất đoàn kết nội bộ".
Theo báo VietnamNet thì : "Ông (Hoàng Vĩnh Bảo) lưu ý lãnh đạo các địa phương về tình trạng thông tin bên nọ cung cấp để "chiến đấu" với bên kia dẫn đến những khó khăn trong xử lý của cơ quan quản lý báo chí như Bộ Thông tin và truyền thông".
Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo tiết lộ trước Hội nghị : "Tình trạng đơn thư của địa phương chuyển lên về báo chí rất nhiều. Khi gửi yêu cầu báo cáo thì bên này nói thế này, bên kia nói thế kia, chúng tôi rất khó xử lý".
Tuyên giáo và báo chí cũng diễn biến
Nội bộ đảng ở địa phương mà chống nhau như thế, báo chí cũng phe đảng bênh và chống thì Tuyên giáo cũng dao động và suy thoái là chuyện phải có.
Việc này được ông Võ Văn Phuông, Ủy viên trung ương đảng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo trung ương nhìn nhận đã có những hạn chế.
Theo báo cáo của ông Phuông thì những yếu kém là : "Tính dự báo, phát hiện các vấn đề phức tạp, các xu hướng vận động trong diễn biến tư tưởng chính trị, dư luận xã hội có lúc, có nơi chưa thực sự chủ động, tính nhạy bén chưa cao. Sự phối hợp với các cơ quan liên quan để phát hiện, nắm bắt tình hình tư tưởng chính trị, dư luận xã hội trong các giai tầng xã hội chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới ở những vụ việc, sự kiện cụ thể. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên chưa tự giác, gương mẫu trong học tập nghị quyết. Việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc, sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chưa kịp thời, chưa quyết liệt.
Đặc biệt, trong lĩnh vực báo chí, xuất bản, hiện nay vẫn còn có một số bài báo, ấn phẩm tính chính trị, tính tư tưởng không cao, thậm chí gây ảnh hưởng đến công tác đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội , hoặc có biểu hiện "thương mại hóa", xa rời tôn chỉ, mục đích của một số cơ quan báo chí chưa được chấn chỉnh hiệu quả".
Rối ren và đối phó
Ngoài chuyện bên trong Hội nghị, Tuyên giáo còn kêu gọi các cấp đảng bộ từ địa phương đến trung ương, nhất là các cơ quan báo chí, phải tập trung và phối hợp chặt chẽ trong mặt trận đấu tranh bảo vệ Đảng, trước thềm Đại hội đảng XIII, diễn ra vào tháng 01/2021.
Bài viết chung của Thượng tướng, Viện sĩ Tiến sĩ Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên trung ương đảng, nguyên Thứ trưởng quốc phòng và Đại tá, Phó Giáo sư tiến sĩ khoa học quân sự Trần Nam Chuân đã đề xuất những việc phải khẩn trương làm như sau :
1. "Chủ động nắm tình hình, phát hiện sớm hoạt động chống phá của đối tượng để đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị. Công tác nắm tình hình cần tập trung vào những vấn đề cụ thể như : Phát hiện các trang web, blog, "diễn đàn" thường xuyên đăng tải những nội dung xấu, thù địch ; phát hiện âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động tuyên truyền chống phá của chúng trên không gian mạng, kịp thời nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới ; phát hiện cá nhân, tổ chức sở hữu, quản lý, điều hành các trang mạng xã hội thường xuyên đăng tải các bài viết, hình ảnh, video tuyên truyền phá chống phá cách mạng Việt Nam ; phát hiện những bất cập, hạn chế của các biện pháp, công tác nghiệp vụ đã và đang được triển khai…".
2. "Để nắm tình hình có hiệu quả, đòi hỏi các cơ quan báo chí cách mạng cần sử dụng tổng hợp các lực lượng, phương tiện, biện pháp ; thường xuyên rà quét, lên danh sách các trang web, blog, diễn đàn có nội dung phức tạp, các đối tượng viết bài trên những trang mạng này (có thể là tên thật hoặc nickname, bút danh) ; khai thác thông tin trên các trang web, blog để xác định được đối tượng sở hữu, quản lý bài viết và đề xuất biện pháp kịp thời xử lý".
3. "Tập trung lãnh đạo kiện toàn, xây dựng phát triển lực lượng đấu tranh theo hướng chủ động tạo thế liên hoàn, vững chắc, có bộ phận nòng cốt, chuyên sâu, tập hợp lực lượng rộng rãi ; quản lý chặt chẽ tình hình chính trị nội bộ, nắm, dự báo, xử lý kịp thời những vấn đề tư tưởng nảy sinh. Trong tổ chức thực hiện, cần duy trì tốt các chuyên trang, chuyên mục chống "diễn biến hòa bình", "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ở các cơ quan, đơn vị. Các cơ quan báo chí cần phát huy vai trò nòng cốt đấu tranh vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch, phản động, góp phần định hướng dư luận xã hội".
4. "Tăng cườnghoạt động quản lý, kiểm soát đối với các trang mạng xã hội và chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật, ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng "độc hại" một cách có hiệu quả. Chủ động phối hợp với các nhà cung cấp dịch vụ, tính toán sử dụng các giải pháp về công nghệ để ngăn chặn một cách triệt để các tin tức xấu độc trên các trang mạng. Đặc biệt, phải chủ động sử dụng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ để xâm nhập, chiếm quyền quản trị, điều hành các trang web, blog, diễn đàn mạng xã hội, sau đó xóa dữ liệu, vô hiệu hóa hoặc ngăn chặn việc truy cập vào các trang mạng có nội dung "độc hại" trong một thời gian nhất định. Kiên quyết xử lý kịp thời, nghiêm minh các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm Cương lĩnh chính trị, Ðiều lệ Ðảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Ðảng. Siết chặt kỷ cương, kỷ luật trong Ðảng. Các cấp ủy và tổ chức đảng, mọi cán bộ, đảng viên phải chấp hành nghiêm kỷ luật phát ngôn ; nghiêm cấm để lộ bí mật của Ðảng, Nhà nước, lan truyền những thông tin sai lệch hoặc tán phát những đơn thư nặc danh, mạo danh, hoặc thư có danh nhưng có nội dung xấu, xuyên tạc, vu khống, kích động".
Với 4 nhiệm vụ "sống chết gian nan" này, liệu ngành Tuyên giáo, các tổ chức đảng và báo chí có giúp đảng vượt qua để tồn tại hay, sau những bất lực, sẽ bị chôn cùng một lỗ trong vòng tay của Trung Quốc ?
Phạm Trần
(26/12/2019)
Trả lời tờ Dân trí đầu xuân Kỷ Hợi 2019, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng nói "cải cách được xác định chính là dư địa lớn cho tăng trưởng".
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng
Đó là quan điểm và phương châm hành động của chính phủ kiến tạo trong những năm còn lại của nhiệm kỳ 2016-2021 và là cách tiếp cận cho các hành động 'bứt phá' trong năm 2019 khi tốc độ tăng trưởng GDP đang có những dấu hiệu giảm sút.
Cải cách thể chế có thể được coi là giải pháp thay thế khi nhu cầu hoạch định một chính sách tăng trưởng nhanh và bền vững ngày càng lớn trong môi trường kinh tế mới.
Chính sách tăng trưởng nóng vội trong hai nhiệm kỳ trước dựa vào các tập đoàn kinh tế, các tổng công ty nhà nước - 'các quả đấm thép' - đã thất bại và để lại hậu quả nặng nề về kinh tế xã hội.
Ngoài sức ép cần thay đổi tư duy chủ quan, duy ý chí và từ bỏ mô hình 'tư bản nhà nước' dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thì việc khắc phục hậu quả vật chất vẫn còn phức tạp và tốn kém.
Tuy nhiên, việc tìm kiếm chính sách kinh tế phù hợp hơn với thực tế có ý nghĩa quan trọng cả về phương diện chính trị và kinh tế.
Các hoạt động của 'Chính phủ kiến tạo' từ đầu nhiệm kỳ này được tập trung vào vào việc thúc đẩy tự do kinh doanh và tạo lập môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân bằng cách dần loại bỏ các rào cản thủ tục hành chính.
Động lực từ khu vực dân doanh và đầu tư nước ngoài đã được cởi trói, phát huy tác dụng và mang lại những kết quả nhanh chóng, rõ rệt, đặc biệt là tăng trưởng kinh tế tăng dần qua 3 năm gần đây, và năm 2018 đạt 7,08%, cao nhất trong 10 năm kể từ 2008.
Năm mới, nhiều hy vọng mới ?
Dấu hiệu giảm tốc
Tuy nhiên, các dấu hiệu giảm tốc tăng trưởng GDP đã xuất hiện. Quý 1 năm 2018 đạt 7,45%, các quý sau đó đã giảm đi.
Các biểu hiện của thời kỳ 'bất ổn kinh tế vĩ mô' vẫn còn đó như nợ công, nợ xấu vẫn ở mức cao, thị trường bất động sản khó khăn, nóng lạnh bất thường, thị trường chứng khoán giảm sút đến hơn 20% trong năm 2018, mang tính đầu cơ...
Ngoài ra, các căn bệnh cố hữu của nền kinh tế như năng suất lao động thấp, tụt hậu, chất lượng tăng trưởng thấp, không được cải thiện, phụ thuộc nhiều vào khu vực đầu tư nước ngoài dựa vào giá nhân công rẻ và khai thác tài nguyên, ô nhiễm môi trường nặng nề, tệ nạn xã hội…
Hơn thế, đối với Việt Nam, nền kinh tế có độ mở rất cao, trong bối cảnh kinh tế thế giới phức tạp sự tham gia hội nhập kinh tế như một thành viên của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) luôn chứa đựng đan xen thuận lợi và rủi ro khó lường, đặc biệt là tác động từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung căng thẳng đang leo thang.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giảm dự báo tỷ lệ tăng GDP thế giới năm 2019 từ 3,4% xuống còn 3,2%. Các dự báo tăng GDP của Việt Nam đã 'thận trọng hơn', ở mức thấp hơn năm 2018, ở mức 6,6% - 6,7% năm 2019.
Thậm chí còn xuất hiện những cảnh báo về chu kỳ khủng hoảng 10 năm, tính từ 2008-2009.
Người dân Việt Nam hy vọng kinh tế tăng trưởng tốt
Cần chính sách dài hơi
Các hành động hiện nay của Chính phủ kiến tạo đang ứng phó với thực tế và mang tính thời điểm.
Các phương châm hành động được nhấn mạnh cho cả nhiệm kỳ như "hành động", "kiến tạo", "liêm chính", "cải cách" và 'bổ sung, điều chỉnh' cho từng năm.
Ví dụ năm 2019 là "bứt phá" về thể chế và chính sách.
Bởi vậy các hành động này thể hiện sự cam kết và quyết tâm hơn là một chính sách kinh tế ổn định.
Giả thuyết kì vọng hợp lí cho rằng chính sách kinh tế nhất thời không thể 'đánh lừa' người dân được lâu vì họ sẽ sử dụng hợp lí mọi thông tin mới có sẵn để phản ứng với các chính sách của chính phủ.
Trong điều kiện khiếm khuyết các nguyên tắc cơ bản của thị trường, bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu năng, 'trên nóng dưới lạnh', vấn nạn quan liêu, tham nhũng tràn lan… các chính sách kinh tế thường méo mó, sai lệch bởi vì nhà nước can thiệp sâu trong quan hệ với thị trường.
Chính sách tài khóa và tiền tệ 'linh hoạt' thường không mang lại hiệu quả thực sự là do vấn đề xác định thời điểm, trong không ít trường hợp trở thành 'tuỳ tiện' do 'nhu cầu cấp bách' của Đảng Cộng sản trong bộ máy công quyền.
Chính sách trọng cung đang chịu áp lực cạnh tranh từ lượng cầu ngắn hạn và suy giảm.
Việc cắt giảm thuế tạm thời sẽ không thúc đẩy tiêu dùng, vì mọi người đều biết rằng họ sẽ phải trả các khoản chi phí của chính sách đó sau này. Việc tăng cung tiền sẽ chỉ dẫn đến hệ quả là lạm phát cao hơn, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên.
Những bất lợi của thị trường vốn đang méo mó đang bị che giấu. Các tập đoàn tư nhân lớn có xu hướng độc quyền, chi phối thị trường.
Tính 'trục lợi' đang thiếu cơ chế kiểm soát, đang phát tác tinh vi trong các nhóm lợi ích nhiều tầng của các quan chức 'thoái hoá' - đại gia 'giấu mình'.
Các cán bộ lãnh đạo 'suy thoái' ra quyết định cũng chỉ là các tác nhân tư lợi duy lý đang cố ý tạo ra 'sân sau' và các nhà 'tư bản đỏ' cho thế hệ con cháu họ…
Trong môi trường kinh tế mới cần phải chuẩn bị một chính sách mới. Nhu cầu này càng lớn dần tính từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021.
Gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần đề cập đến sự cần thiết của chính sách tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, thậm chí ông từng đặt hàng cho các chuyên gia, trong đó có Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ.
Tuy nhiên cho đến nay vấn đề này vẫn bỏ ngỏ. Liệu có thể có một chính sách vừa thể hiện sự khát vọng mang tính chính trị vừa tạo khuôn khổ kỹ trị cho 'Chính phủ kiến tạo' điều hành kinh tế trong điều kiện Đảng Cộng sản toàn trị và đang tập trung quyền lực ?
Để có lời giải thì, trước hết, việc xác định "cải cách… chính là dư địa lớn cho tăng trưởng" là cách tiếp cận chính sách phù hợp thực tế, phù hợp phương châm cải cách 'tiệm tiến' mà lại tránh buộc phải diễn giải phù hợp với mô hình 'nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa' mang nặng ý thức hệ giáo điều.
Phạm Quý Thọ (Hà Nội)
Nguồn : BBC, 14/02/2019