Trước thềm năm mới 2020, VOA điểm lại các sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2019 qua những con số :
Nét đẹp đất nước Việt Nam - Ninh Bình
114ngày : là khoảng thời gian tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đến quấy nhiễu trong thềm lục địa của Việt Nam xung quanh bãi Tư Chính trên Biển Đông – vụ việc được giới quan sát đánh giá là khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên Biển Đông kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014. Tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính vào ngày 3/7 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc mà lúc cao điểm có đến 35 tàu – theo số liệu chính thức – để quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hợp tác với hãng dầu khí Rosneft của Nga. Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần lễ. Việc này đã cho thấy sự lợi hại của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp vốn giờ đây giúp họ có thể duy trì sự hiện diện lâu dài và liên tục để gây sức ép lên các nước xung quanh Biển Đông. Sự hiện diện của các tàu Hải Dương 8 đã dẫn đến sự đối đầu căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát biển giữa hai nước. Chính quyền Việt Nam loan báo đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế, đối đầu trên thực địa. Cuối cùng, vào ngày 24/10, tàu Hải Dương cũng đã rời đi mà chính phủ Việt Nam cho là ‘nhờ vào sự đấu tranh khôn khéo và cương quyết’ của họ.
39 là số nạn nhân Việt Nam chết trong thùng xe tải đông lạnh trên đường từ Bỉ sang Anh được phát hiện vào hôm 23/10 ở hạt Essex, gần thủ đô London. Lúc đầu, cảnh sát Anh công bố toàn bộ các nạn nhân này đều là người Trung Quốc căn cứ vào hộ chiếu họ mang theo. Nhưng quá trình điều tra sau đó đã kết luận toàn bộ 39 người này đều là người Việt Nam, chủ yếu đến từ hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Các nạn nhân được cho là đã trả số tiền cả tỷ đồng để được các đường dây buôn người đưa từ Việt Nam bằng đường bộ sang các nước Châu Âu sau đó tìm đường sang Anh – nơi họ được hứa hẹn sẽ có công việc lương cao để trang trải nợ nần cũng như giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Đây là vụ án mạng có số nạn nhân tử vong cao nhất từ trước đến nay ở nước Anh cũng như là một thảm họa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trên con đường di dân lậu của người Việt Nam. Vụ việc đã vén lên bức màn về tình trạng đi xuất khẩu lao động chui ồ ạt ở một số địa phương ở miền Trung sang Châu Âu cũng như hé mở về hoạt động của các đường dây buôn người tinh vi. Sau khi hoàn tất điều tra và xác nhận danh tính, tất cả các nạn nhân đều được hồi hương về Việt Nam dưới hình thức thi thể hoặc tro cốt sau khi người thân của họ cam kết hoàn trả lại chi phí cho chính phủ. Thảm họa này đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, khiến công chúng thương cảm đồng thời cũng tạo ra những chỉ trích gay gắt về việc các nạn nhân bất chấp các rủi ro về sinh mạng cũng như luật pháp để di cư lậu.
3 triệu Mỹ kim : là số tiền mà ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đã nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn AVG, để chỉ đạo tập đoàn viễn thông vốn nhà nước Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, vốn lúc đó đang trên bờ vực, với mức giá cao hơn nhiều giá trị thực của công ty này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng. Ông Son và người kế nhiệm ông, Trương Minh Tuấn, đã ra trước vành móng ngựa vào cuối năm trong đại án Mobifone-AVG. Ông Son được cho là người cầm đầu đã chỉ đạo cho ông Tuấn là thuộc cấp của ông lúc đó ký quyết định phê duyệt dự án Mobifone mua AVG. Gia đình ông Son đã nộp lại 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, do đó mặc dù đối diện với mức án tử hình, nhưng ông Son chỉ bị tuyên 16 năm tù về tội vi phạm về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và mức án chung thân về tội nhận hối lộ. Tổng cộng ông Son phải chịu mức án chung thân. Ông Trương Minh Tuấn nhận tổng cộng 14 năm tù với cùng hai tội danh trên. Vụ án này xếp vào một trong các vụ đại án trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là vụ án mà các bị cáo đã khắc phục phần lớn số tiền chiếm đoạt, trong đó ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch AVG, được cho là đã trả trả lại toàn bộ số tiền thiệt hại cùng chi phí, lãi suất cho MobiFone.
5 đợt ô nhiễm bụi mịn đã xảy ra ở Hà Nội trong suốt năm 2019, theo số liệu do Tổng cục Môi trường công bố, khiến ô nhiễm trở thành một trong những vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân thủ đô trong năm qua. Các đợt ô nhiễm rải đều từ tháng 1, 3, 10, 11 cho đến tháng 12. Mỗi đợt ô nhiễm kéo dài từ một cho đến trên hai tuần lễ với bầu trời Hà Nội trở nên mù mịt vì nồng độ mịn cao và người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà và hạn chế ra ngoài trời. Trong suốt năm 2019, nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã nhiều lần vượt mức 140μg/m3, tức là vượt gần 6 lần quy chuẩn quốc gia của Việt Nam là 25μg/m3 và gấp 14 mức bụi mịn được Tổ chức Ý tế Thế giới cho là lý tưởng. Đặc biệt, trong ngày 12/12, có nơi ở Hà Nội đo được nồng độ bụi mịn 2.5 lên đến 160 μg/m3. Kết quả này đã khiến Hà Nội lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trong nhóm các thành phố có số liệu đo đạc trên thế giới. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng nồng độ bụi mịn cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân, làm tăng khả năng đột quỵ và gia tăng các bệnh tim mạch. Nguyên nhân khiến bầu trời Hà Nội trở nên mịt mờ vì bụi mịn như vậy được cho là một phần do thời tiết, một phần do các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất thải bụi.
2 huy chương vàng tại Sea Games 30 ở Philippines dành cho đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã từng vào chung kết ở Sea Games nhưng đều thất bại ở trận cuối cùng, do đó thắng lợi này của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã được cả nước chờ đợi và ăn mừng. Đội tuyển nam Việt Nam đánh bại Indonesia với tỷ số 3-0, trong khi đội tuyển nữ Việt Nam thắng tuyển Thái Lan 1-0. Đây là lần thứ hai sau 60 năm và lần lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nam của nước Việt Nam thống nhất giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Sea Games. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đoạt thắng lợi kép ở cả bóng đá nam và nữ - thành tích mà trước đó chỉ có Thái Lan mới đạt được. Đội tuyển nam Việt Nam đã giành được ngôi vô địch mà không để thua bất cứ trận nào trong số 7 trận. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được cho là có công lớn của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo, người đã tạo nên đà thắng lợi của đội tuyển Việt Nam sau khi lên nắm quyền chỉ huy đội tuyển vào 2017, bắt đầu từ việc vào chung kết giải U23 ở Thường Châu, Trung Quốc, cho đến bán kết Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018 và tứ kết Asian Cup 2019. Trong khi đó, huấn luyện viên Mai Đức Chung được ca ngợi với thắng lợi của đội tuyển nữ. Thành viên của hai đội tuyển đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón sau khi về nước.
1 tháng : là thời gian ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đột ngột biến mất khỏi công chúng từ ngày 14/4 cho đến ngày 14/5. Ông Trọng biến mất khi ông đang đi công tác ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thành trì của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ chính trị một thời của ông. Do đó, sự biến mất của ông Trọng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông Trọng bị đầu độc. Trong suốt thời gian một tháng biến mất đó, tin tức về sức khỏe ông Trọng làm chao đảo mạng xã hội với rất nhiều đồn đoán, trong đó có tin ông Trọng bị đột quỵ, hôn mê, trong khi truyền thông chính thức hoàn toàn im tiếng mà mãi đến rất lâu sau đó mới xác nhận rằng ông Trọng ‘không được khỏe’ do ‘cường độ làm việc cao’. Mãi đến ngày 14/5, ông Trọng mới xuất hiện trở lại khi truyền thông nhà nước chiếu hình ảnh cho thấy ông chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước. Hai ngày sau đó, 16/5, ông Trọng chủ trì hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản. Sức khỏe ông Trọng dường như cũng trở nên ổn định hơn kể từ đó nhưng chuyến công du Mỹ của ông Trọng được dự kiến vào cuối năm cũng bị hủy mà nguyên nhân được cho là do sức khỏe của ông chưa được tốt.
7,02% là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019, theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố hôm 27/12. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới bất chấp một năm kinh tế thế giới có nhiều biến động với đà leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây cũng là mức tăng trưởng cao thứ hai trong 10 năm qua này mặc dù thấp hơn mức 7,08% của năm 2018 và vượt chỉ tiêu 6,6-6,8% mà Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức 5,25% của năm 2012, mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2009-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm đạt 516,96 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1% đạt 263,45 tỷ đô la. Các lĩnh vực nắm vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam là công nghiệp chế biến, dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi, bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm). Việt Nam đạt mức tăng trưởng này trong bối cảnh các nền kinh tế năng động khác của Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đều có thành tích thấp hơn với lần lượt là 6.1% 6.1% và 5%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á tương đối lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và nhận định rằng ‘đang có xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam như là lựa chọn thay thế để bù đắp rủi ro của cuộc chiến thương mại’.
99% là số dòng thuế mà Liên minh Châu Âu (EU) xóa bỏ cho cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, tức EVFTA, được hai phía ký kết vào giữa năm 2019 sau gần 10 năm đàm phán. Theo đó, mức xóa bỏ thuế quan này sẽ thành hiện thực theo lộ trình 7 năm sau khi EVFTA được ký kết, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong khi đó, 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam cũng sẽ được EU áp dụng mức thuế là 0% nhưng phải theo hạn ngạch. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 và giúp GDP Việt Nam tăng bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023. EVFTA được trông đợi sẽ giúp gia tăng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam trong các mặt hàng dệt may, da giày và nông thủy sản. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp Châu Âu nhất là trong các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, vốn là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, toàn diện giống như CPTPP, EVFTA là bao phủ từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ cho đến quyền lợi lao động. Nếu cải cách theo các yêu cầu của EVFTA, Việt Nam được cho là sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế. Hiệp định EVFTA còn chờ được Nghị viện EU thông qua với nhiều tiếng nói yêu cầu EU cân nhắc thành tích nhân quyền của Việt Nam.
220.000 đồng (gần 10 USD) là giá một kilogram sườn heo tại thời điểm tháng 12. Trong khi đó, mức giá sườn cốt lết và thịt ba rọi cũng dao động trên dưới 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Đây là mức giá thịt heo cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, dẫn đến cuộc khủng hoảng thịt heo trong bối cảnh nhu cầu thịt heo tăng cao khi Tết nhất gần kề. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự hoành hành của dịch tả lợn Châu Phi từ đầu năm khiến đàn lợn Việt Nam giảm 6 triệu con. Sự khan hiếm thịt heo đã đẩy giá loại thịt chủ lực trên mâm cơm của người Việt tăng phi mã trong giai đoạn cuối năm. Khả năng cung ứng thịt heo ngày Tết được các cơ quan chức năng của Việt Nam dự đoán là sẽ thiếu hụt từ 200.000 đến 300.000 tấn so với nhu cầu của thị trường. Giá thịt heo tăng đã làm tăng áp lực đối với lạm phát, khiến chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 11 tăng 0,96% - mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 9 năm, cũng như gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của người dân. Giá thịt heo quá cao đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hoặc chuyển sang các loại thịt khác, khiến sức mua giảm. Cuộc khủng hoảng này được dự đoán sẽ còn tiếp diễn thêm nhiều tháng sau Tết vì đàn lợn vừa mới tái đàn sau dịch. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn để làm giảm sức ép đối với thị trường trong nước.
6 án tử hình cùng lúc cho các bị cáo trong vụ án giết hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên ở Điện Biên trong dịp Tết Kỷ Hợi. Sau gần 4 ngày xét xử, có 6 trong số 9 bị cáo bị Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên án tử hình trong vụ án làm chấn động cả nước gần một năm trước mà khi đó nạn nhân Duyên đã bị các bị cáo lừa phỉnh đi giao gà Tết rồi thực hiện bắt cóc, hiếp dâm và sát hại nạn nhân. Ba bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án tù từ 2-3 năm cho đến 9-10 năm. Đa số các bị cáo đều là con nghiện và đều đã từng vào tù ra khám. Tính chất tàn bạo của vụ án đã gây sự phẫn nộ cho dư luận trong nước. Phiên tòa lưu động diễn ra tại sân vận động của thành phố Điện Biên Phủ, thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân. Nhóm bị cáo bị cho là hành động có kế hoạh kỹ lưỡng từ trước nhằm bắt cóc người tống tiền để có tiền tiêu Tết và sau khi nạn nhân chết, họ đã tìm mọi cách nhằm che giấu dấu vết và đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vụ án sau đó có thêm diễn biến phức tạp khi mẹ ruột của nạn nhân, bà Trần Thị Hiền, được cho là cố tình không thành thật về việc con bà bị bắt cóc để che giấu việc bà từng bán ma túy cho nhóm thủ phạm 10 năm trước và nợ họ 300 triệu đồng.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 31/12/2019