Trước thềm năm mới 2020, VOA điểm lại các sự kiện nổi bật của Việt Nam trong năm 2019 qua những con số :
Nét đẹp đất nước Việt Nam - Ninh Bình
114ngày : là khoảng thời gian tàu Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc đến quấy nhiễu trong thềm lục địa của Việt Nam xung quanh bãi Tư Chính trên Biển Đông – vụ việc được giới quan sát đánh giá là khủng hoảng nghiêm trọng nhất trên Biển Đông kể từ vụ giàn khoan Hải Dương 981 hồi năm 2014. Tàu Hải Dương 8 vào bãi Tư Chính vào ngày 3/7 với sự hộ tống của các tàu hải cảnh Trung Quốc mà lúc cao điểm có đến 35 tàu – theo số liệu chính thức – để quấy nhiễu hoạt động khai thác dầu khí của Việt Nam hợp tác với hãng dầu khí Rosneft của Nga. Trong khoảng thời gian gần 4 tháng, tàu Hải Dương đã vài lần rời đi để hướng về Bãi Chữ Thập, nơi Trung Quốc đã bồi đắp thành đảo nhân tạo, trước khi trở lại quấy nhiễu – mỗi lần rời đi khoảng một tuần lễ. Việc này đã cho thấy sự lợi hại của các hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc bồi đắp vốn giờ đây giúp họ có thể duy trì sự hiện diện lâu dài và liên tục để gây sức ép lên các nước xung quanh Biển Đông. Sự hiện diện của các tàu Hải Dương 8 đã dẫn đến sự đối đầu căng thẳng giữa lực lượng cảnh sát biển giữa hai nước. Chính quyền Việt Nam loan báo đã dùng mọi kênh để tranh đấu với Trung Quốc, từ phản đối ngoại giao, vận động quốc tế, đối đầu trên thực địa. Cuối cùng, vào ngày 24/10, tàu Hải Dương cũng đã rời đi mà chính phủ Việt Nam cho là ‘nhờ vào sự đấu tranh khôn khéo và cương quyết’ của họ.
39 là số nạn nhân Việt Nam chết trong thùng xe tải đông lạnh trên đường từ Bỉ sang Anh được phát hiện vào hôm 23/10 ở hạt Essex, gần thủ đô London. Lúc đầu, cảnh sát Anh công bố toàn bộ các nạn nhân này đều là người Trung Quốc căn cứ vào hộ chiếu họ mang theo. Nhưng quá trình điều tra sau đó đã kết luận toàn bộ 39 người này đều là người Việt Nam, chủ yếu đến từ hai tỉnh miền Trung là Nghệ An và Hà Tĩnh. Các nạn nhân được cho là đã trả số tiền cả tỷ đồng để được các đường dây buôn người đưa từ Việt Nam bằng đường bộ sang các nước Châu Âu sau đó tìm đường sang Anh – nơi họ được hứa hẹn sẽ có công việc lương cao để trang trải nợ nần cũng như giúp đỡ gia đình ở Việt Nam. Đây là vụ án mạng có số nạn nhân tử vong cao nhất từ trước đến nay ở nước Anh cũng như là một thảm họa nghiêm trọng nhất trong nhiều năm trên con đường di dân lậu của người Việt Nam. Vụ việc đã vén lên bức màn về tình trạng đi xuất khẩu lao động chui ồ ạt ở một số địa phương ở miền Trung sang Châu Âu cũng như hé mở về hoạt động của các đường dây buôn người tinh vi. Sau khi hoàn tất điều tra và xác nhận danh tính, tất cả các nạn nhân đều được hồi hương về Việt Nam dưới hình thức thi thể hoặc tro cốt sau khi người thân của họ cam kết hoàn trả lại chi phí cho chính phủ. Thảm họa này đã gây chấn động dư luận trong và ngoài nước, khiến công chúng thương cảm đồng thời cũng tạo ra những chỉ trích gay gắt về việc các nạn nhân bất chấp các rủi ro về sinh mạng cũng như luật pháp để di cư lậu.
3 triệu Mỹ kim : là số tiền mà ông Nguyễn Bắc Son, cựu Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông đã nhận hối lộ từ ông Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty cổ phần nghe nhìn AVG, để chỉ đạo tập đoàn viễn thông vốn nhà nước Mobifone mua lại 95% cổ phần của AVG, vốn lúc đó đang trên bờ vực, với mức giá cao hơn nhiều giá trị thực của công ty này, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng. Ông Son và người kế nhiệm ông, Trương Minh Tuấn, đã ra trước vành móng ngựa vào cuối năm trong đại án Mobifone-AVG. Ông Son được cho là người cầm đầu đã chỉ đạo cho ông Tuấn là thuộc cấp của ông lúc đó ký quyết định phê duyệt dự án Mobifone mua AVG. Gia đình ông Son đã nộp lại 66 tỷ đồng để khắc phục hậu quả vụ án, do đó mặc dù đối diện với mức án tử hình, nhưng ông Son chỉ bị tuyên 16 năm tù về tội vi phạm về quản lý vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và mức án chung thân về tội nhận hối lộ. Tổng cộng ông Son phải chịu mức án chung thân. Ông Trương Minh Tuấn nhận tổng cộng 14 năm tù với cùng hai tội danh trên. Vụ án này xếp vào một trong các vụ đại án trong chiến dịch chống tham nhũng của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây cũng là vụ án mà các bị cáo đã khắc phục phần lớn số tiền chiếm đoạt, trong đó ông Phạm Nhật Vũ, chủ tịch AVG, được cho là đã trả trả lại toàn bộ số tiền thiệt hại cùng chi phí, lãi suất cho MobiFone.
5 đợt ô nhiễm bụi mịn đã xảy ra ở Hà Nội trong suốt năm 2019, theo số liệu do Tổng cục Môi trường công bố, khiến ô nhiễm trở thành một trong những vấn đề lo lắng hàng đầu của người dân thủ đô trong năm qua. Các đợt ô nhiễm rải đều từ tháng 1, 3, 10, 11 cho đến tháng 12. Mỗi đợt ô nhiễm kéo dài từ một cho đến trên hai tuần lễ với bầu trời Hà Nội trở nên mù mịt vì nồng độ mịn cao và người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà và hạn chế ra ngoài trời. Trong suốt năm 2019, nồng độ bụi mịn PM 2.5 đã nhiều lần vượt mức 140μg/m3, tức là vượt gần 6 lần quy chuẩn quốc gia của Việt Nam là 25μg/m3 và gấp 14 mức bụi mịn được Tổ chức Ý tế Thế giới cho là lý tưởng. Đặc biệt, trong ngày 12/12, có nơi ở Hà Nội đo được nồng độ bụi mịn 2.5 lên đến 160 μg/m3. Kết quả này đã khiến Hà Nội lọt vào danh sách các thành phố ô nhiễm nhất trong nhóm các thành phố có số liệu đo đạc trên thế giới. Các chuyên gia y tế cảnh báo rằng nồng độ bụi mịn cao sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của người dân, làm tăng khả năng đột quỵ và gia tăng các bệnh tim mạch. Nguyên nhân khiến bầu trời Hà Nội trở nên mịt mờ vì bụi mịn như vậy được cho là một phần do thời tiết, một phần do các hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất thải bụi.
2 huy chương vàng tại Sea Games 30 ở Philippines dành cho đội tuyển bóng đá nam và bóng đá nữ của Việt Nam. Trước đó, Việt Nam đã từng vào chung kết ở Sea Games nhưng đều thất bại ở trận cuối cùng, do đó thắng lợi này của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam đã được cả nước chờ đợi và ăn mừng. Đội tuyển nam Việt Nam đánh bại Indonesia với tỷ số 3-0, trong khi đội tuyển nữ Việt Nam thắng tuyển Thái Lan 1-0. Đây là lần thứ hai sau 60 năm và lần lần đầu tiên trong lịch sử đội tuyển bóng đá nam của nước Việt Nam thống nhất giành huy chương vàng môn bóng đá nam tại Sea Games. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam đoạt thắng lợi kép ở cả bóng đá nam và nữ - thành tích mà trước đó chỉ có Thái Lan mới đạt được. Đội tuyển nam Việt Nam đã giành được ngôi vô địch mà không để thua bất cứ trận nào trong số 7 trận. Chiến thắng của đội tuyển bóng đá nam Việt Nam được cho là có công lớn của huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo, người đã tạo nên đà thắng lợi của đội tuyển Việt Nam sau khi lên nắm quyền chỉ huy đội tuyển vào 2017, bắt đầu từ việc vào chung kết giải U23 ở Thường Châu, Trung Quốc, cho đến bán kết Asiad 2018, vô địch AFF Cup 2018 và tứ kết Asian Cup 2019. Trong khi đó, huấn luyện viên Mai Đức Chung được ca ngợi với thắng lợi của đội tuyển nữ. Thành viên của hai đội tuyển đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp đón sau khi về nước.
1 tháng : là thời gian ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đột ngột biến mất khỏi công chúng từ ngày 14/4 cho đến ngày 14/5. Ông Trọng biến mất khi ông đang đi công tác ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, thành trì của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đối thủ chính trị một thời của ông. Do đó, sự biến mất của ông Trọng đã làm dấy lên nhiều đồn đoán rằng ông Trọng bị đầu độc. Trong suốt thời gian một tháng biến mất đó, tin tức về sức khỏe ông Trọng làm chao đảo mạng xã hội với rất nhiều đồn đoán, trong đó có tin ông Trọng bị đột quỵ, hôn mê, trong khi truyền thông chính thức hoàn toàn im tiếng mà mãi đến rất lâu sau đó mới xác nhận rằng ông Trọng ‘không được khỏe’ do ‘cường độ làm việc cao’. Mãi đến ngày 14/5, ông Trọng mới xuất hiện trở lại khi truyền thông nhà nước chiếu hình ảnh cho thấy ông chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo tối cao của đảng và nhà nước. Hai ngày sau đó, 16/5, ông Trọng chủ trì hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản. Sức khỏe ông Trọng dường như cũng trở nên ổn định hơn kể từ đó nhưng chuyến công du Mỹ của ông Trọng được dự kiến vào cuối năm cũng bị hủy mà nguyên nhân được cho là do sức khỏe của ông chưa được tốt.
7,02% là tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2019, theo số liệu chính thức do Tổng cục Thống kê công bố hôm 27/12. Đây là tốc độ tăng trưởng hàng đầu thế giới bất chấp một năm kinh tế thế giới có nhiều biến động với đà leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Đây cũng là mức tăng trưởng cao thứ hai trong 10 năm qua này mặc dù thấp hơn mức 7,08% của năm 2018 và vượt chỉ tiêu 6,6-6,8% mà Quốc hội đề ra. Đây cũng là mức tăng trưởng cao hơn nhiều so với mức 5,25% của năm 2012, mức thấp nhất trong giai đoạn từ 2009-2019. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm đạt 516,96 tỷ đô la Mỹ, trong đó kim ngạch xuất khẩu tăng 8,1% đạt 263,45 tỷ đô la. Các lĩnh vực nắm vai trò đầu tàu trong việc thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam là công nghiệp chế biến, dịch vụ thị trường (ngành vận tải, kho bãi, bán buôn và bán lẻ, hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm). Việt Nam đạt mức tăng trưởng này trong bối cảnh các nền kinh tế năng động khác của Châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia đều có thành tích thấp hơn với lần lượt là 6.1% 6.1% và 5%, theo số liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF. Báo cáo của Ngân hàng Phát triển Châu Á tương đối lạc quan về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam và nhận định rằng ‘đang có xu hướng các nhà đầu tư nước ngoài rút ra khỏi Trung Quốc và tìm đến Việt Nam như là lựa chọn thay thế để bù đắp rủi ro của cuộc chiến thương mại’.
99% là số dòng thuế mà Liên minh Châu Âu (EU) xóa bỏ cho cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU theo hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU, tức EVFTA, được hai phía ký kết vào giữa năm 2019 sau gần 10 năm đàm phán. Theo đó, mức xóa bỏ thuế quan này sẽ thành hiện thực theo lộ trình 7 năm sau khi EVFTA được ký kết, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Trong khi đó, 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại của Việt Nam cũng sẽ được EU áp dụng mức thuế là 0% nhưng phải theo hạn ngạch. Theo tính toán của Bộ Kế hoạch Đầu tư, EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020 và gần 44,4% vào năm 2030 và giúp GDP Việt Nam tăng bình quân 2,18-3,25% giai đoạn 2019-2023. EVFTA được trông đợi sẽ giúp gia tăng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam trong các mặt hàng dệt may, da giày và nông thủy sản. Ở chiều ngược lại, Việt Nam sẽ đối mặt sự cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp Châu Âu nhất là trong các ngành dịch vụ. Tuy nhiên, vốn là hiệp định thương mại có tiêu chuẩn cao, toàn diện giống như CPTPP, EVFTA là bao phủ từ hàng hóa, đầu tư, mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ cho đến quyền lợi lao động. Nếu cải cách theo các yêu cầu của EVFTA, Việt Nam được cho là sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh và sẽ hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế. Hiệp định EVFTA còn chờ được Nghị viện EU thông qua với nhiều tiếng nói yêu cầu EU cân nhắc thành tích nhân quyền của Việt Nam.
220.000 đồng (gần 10 USD) là giá một kilogram sườn heo tại thời điểm tháng 12. Trong khi đó, mức giá sườn cốt lết và thịt ba rọi cũng dao động trên dưới 200.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với hồi đầu năm. Đây là mức giá thịt heo cao nhất ở Việt Nam từ trước đến nay, dẫn đến cuộc khủng hoảng thịt heo trong bối cảnh nhu cầu thịt heo tăng cao khi Tết nhất gần kề. Cuộc khủng hoảng bắt nguồn từ sự hoành hành của dịch tả lợn Châu Phi từ đầu năm khiến đàn lợn Việt Nam giảm 6 triệu con. Sự khan hiếm thịt heo đã đẩy giá loại thịt chủ lực trên mâm cơm của người Việt tăng phi mã trong giai đoạn cuối năm. Khả năng cung ứng thịt heo ngày Tết được các cơ quan chức năng của Việt Nam dự đoán là sẽ thiếu hụt từ 200.000 đến 300.000 tấn so với nhu cầu của thị trường. Giá thịt heo tăng đã làm tăng áp lực đối với lạm phát, khiến chỉ số giá tiêu dùng của Việt Nam trong tháng 11 tăng 0,96% - mức cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 9 năm, cũng như gây ra nhiều xáo trộn trong đời sống của người dân. Giá thịt heo quá cao đã khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu hoặc chuyển sang các loại thịt khác, khiến sức mua giảm. Cuộc khủng hoảng này được dự đoán sẽ còn tiếp diễn thêm nhiều tháng sau Tết vì đàn lợn vừa mới tái đàn sau dịch. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã ra lệnh nhập khẩu 100.000 tấn thịt lợn để làm giảm sức ép đối với thị trường trong nước.
6 án tử hình cùng lúc cho các bị cáo trong vụ án giết hại nữ sinh giao gà Cao Mỹ Duyên ở Điện Biên trong dịp Tết Kỷ Hợi. Sau gần 4 ngày xét xử, có 6 trong số 9 bị cáo bị Tòa án Nhân dân tỉnh Điện Biên tuyên án tử hình trong vụ án làm chấn động cả nước gần một năm trước mà khi đó nạn nhân Duyên đã bị các bị cáo lừa phỉnh đi giao gà Tết rồi thực hiện bắt cóc, hiếp dâm và sát hại nạn nhân. Ba bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án tù từ 2-3 năm cho đến 9-10 năm. Đa số các bị cáo đều là con nghiện và đều đã từng vào tù ra khám. Tính chất tàn bạo của vụ án đã gây sự phẫn nộ cho dư luận trong nước. Phiên tòa lưu động diễn ra tại sân vận động của thành phố Điện Biên Phủ, thu hút sự theo dõi của đông đảo người dân. Nhóm bị cáo bị cho là hành động có kế hoạh kỹ lưỡng từ trước nhằm bắt cóc người tống tiền để có tiền tiêu Tết và sau khi nạn nhân chết, họ đã tìm mọi cách nhằm che giấu dấu vết và đánh lạc hướng cơ quan điều tra. Tuy nhiên, vụ án sau đó có thêm diễn biến phức tạp khi mẹ ruột của nạn nhân, bà Trần Thị Hiền, được cho là cố tình không thành thật về việc con bà bị bắt cóc để che giấu việc bà từng bán ma túy cho nhóm thủ phạm 10 năm trước và nợ họ 300 triệu đồng.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 31/12/2019
Chính phủ Việt Nam không thể làm gì nhiều để ngăn chặn cuộc khủng hoảng thịt heo vốn đẩy giá loại thịt này tăng phi mã và cũng không nên dùng các biện pháp hành chính để điều tiết thị trường, một nhà quan sát từ trong nước nói với VOA.
Thịt lợn đang được bày bán ở một chợ ở Đồng Nai. Giá thịt lợn đã tăng cao nhất ở VIệt Nam trong nhiều năm
Dịch tả heo Châu Phi hoành hành ở Việt Nam trong nửa đầu năm 2019 đã đẩy giá thịt heo ở Việt Nam tăng lên mức kỷ lục từ trước đến nay, gây xáo trộn trong đời sống người dân trong bối cảnh chỉ còn hơn một tháng nữa là Tết đến với nhu cầu thịt heo tăng cao.
Theo số liệu của Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, được trang mạng VnExpress dẫn lại thì đàn heo Việt Nam vào thời điểm tháng 12 năm 2019 đã giảm xuống còn 22 triệu con từ mức 28 triệu trước khi xảy ra nạn dịch.
Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cũng dự đoán Việt Nam sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt heo cho dịp Tết, trong khi Bộ Công thương lại đưa ra con số thiếu tới 300.000 tấn, cũng theo tờ báo mạng này.
Trong khi đó, phát biểu tại hội nghị ngành nông nghiệp ngày 23/12, Thủ tướng Việt Nam được dẫn lời trấn an rằng ‘nguồn thịt lợn hiện nay đủ đáp ứng nhu cầu của người dân và không có chuyện thiếu hụt’.
Các cơ quan chức năng cũng cho rằng tình trạng thiếu hụt thịt heo vào dịp Tết một phần là do ‘có hiện tượng người chăn nuôi ém hàng chờ giá tăng cao hơn nữa mới bán’.
‘Bất khả kháng’
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu IDS, nói rằng việc kiềm giữ giá cả do dịch bệnh ‘gần như là bất khả kháng’ đối với chính phủ Việt Nam.
"Trung Quốc đã để xảy ra khủng hoảng lớn", ông A nói với ý so sánh đến cuộc khủng hoảng thịt heo trầm trọng ở Trung Quốc khiến nước này phải nhập thịt heo ồ ạt để bù đắp thiếu hụt trong nước. "Để Nhà nước có thể giải quyết được khủng hoảng thực sự là chuyện không thể".
"Giá thịt heo tăng kéo giá cả các mặt hàng khác tăng lên. Lạm phát tăng lên là chuyện hiển nhiên", ông nói thêm.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê được VnExpress dẫn lại thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,96% so với tháng 10, mức tăng trong một tháng cao nhất trong vòng 9 năm qua mà nguyên nhân chính là do giá thịt heo tăng cao đẩy giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng cao nhất trong gói chỉ số giá tiêu dùng.
Về tình trạng găm hàng thịt heo để đẩy giá cao hơn mới bán, ông A cho rằng ‘chắc chắn sẽ xảy ra’ vì nếu để qua Tết ra Giêng thì ‘giá sẽ xuống’ và ‘nhà đầu cơ phải tự tính toán’.
"Nhà nước không thể can thiệp vào khu vực tư nhân ở chỗ này mà bằng những chính sách của mình làm cho biến động đó bớt đi chừng nào hay chừng nấy".
Tiến sĩ A cũng cho rằng nếu xét về động cơ lợi nhuận thì việc tuồn thịt heo qua Trung Quốc ‘tất nhiên có xảy ra’. "Ở vùng này giá cao hơn vùng kia thì không thể bảo người ta không mang thịt sang đấy bán được".
‘Mở rộng nhập khẩu’
Về giải pháp trước cuộc khủng hoảng này, ông A cho rằng Việt Nam cần mở rộng nhập khẩu thịt heo từ Úc, New Zealand, Pháp hoặc Mỹ.
Theo lời ông giải thích thì mặc dù có tình trạng thiếu hụt thịt lợn trầm trọng ở Trung Quốc đẩy nhu cầu trên thị trường thế giới tăng cao nhưng do thị trường ở Việt Nam chỉ là một phần nhỏ so với 1,4 tỷ người của Trung Quốc nên ‘có thể xoay sở được’ từ việc nhập khẩu.
Ông cho rằng do thịt heo là một mặt hàng thực phẩm được người Việt tiêu thụ rất nhiều nên để tránh xảy ra những khủng hoảng tương tự trong tương lai Việt Nam cũng nên cần ‘xây dựng kho dự trữ đông lạnh’ giống như bên Trung Quốc đang làm nhưng ‘cũng không đến mức như vậy’.
"Ở mức độ nhất định ở các thành phố lớn hoặc ven các thành phố có điều kiện cũng nên xây dựng kho dự trữ hay đưa ra các khuyến khích để các nhà kinh doanh hay các nhà nhập khẩu có động cơ để xây dựng kho dự trữ để khi hàng khan hiếm thì bán ra sẽ được giá hơn", ông nói.
Ông A dự đoán từ giờ đến Tết ‘chắc chắn thịt heo sẽ còn tăng giá’ nhưng ‘đối với người khá giả thì điều đó không thành vấn đề’.
"Còn đối với những người thu nhập thấp thì họ phải tìm những thực phẩm thay thế như thịt gia cầm, tôm cá", ông nói.
Về giải pháp của Chính phủ để giảm áp lực lên cuộc sống của người dân trong bối cảnh vật giá leo thang khi Tết nhất gần kề, ông A nói ‘chính phủ không thể làm được gì nhiều đâu’.
"Chính phủ có thể chi ra một số tiền để giúp cho những bà con gặp khó khăn hoặc có chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp thưởng Tết thêm cho những người làm công ăn lương thu nhập thấp rồi Nhà nước sẽ bù lại cho họ bằng cách giảm khoản thu nào đó", ông phân tích.
Ông dự đoán cuộc khủng hoảng thịt lợn này sẽ còn tiếp diễn cho đến sau Tết ‘vì chu kỳ nuôi heo con cho đến khi được thịt thì cũng mất 4-5 tháng’.
"Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình chăn nuôi, những trang trại lớn để giúp họ tăng đàn heo (sau khi bị dịch ảnh hưởng) nếu muốn cho khủng hoảng không trở nên trầm trọng hơn", ông khuyên.
Ông A cũng nhận định rằng công tác phòng chống dịch bệnh của Việt Nam trong dịch tả lợn Châu Phi ‘rất là kém’ và ông cho rằng ‘cần phải tổ chức lại ngành thú y’.
Lo thiếu hàng ngày Tết
Hiện tại giá thịt heo hơi trung bình ở Việt Nam dao động từ 90.000 cho đến 100.000 đồng/kg, tức cao gấp đôi so với thời điểm bình thường (lúc chưa xảy ra dịch), theo báo Thanh Niên. Giá heo hơi tăng cao đã đẩy giá sườn non, ba chỉ cũng như sườn cốt lết dao động ở mức trên dưới 200.000 đồng/kg, tức cao từ gấp đôi cho đến gấp ba so với giá bình thường, theo thống kê của trang mạng VnExpress.
Anh Phan Văn Út, một tiểu thương bán thịt heo ở chợ Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau, nhận định với VOA rằng giá thịt heo tại thời điểm này là ‘cao nhất từ trước đến nay’.
"So với bình thường giá tăng gần gấp ba", anh Út nói và dự đoán đến cận Tết giá thịt heo dùng để kho tàu có thể tăng lên đến 250.000 đồng/kg.
"Do nguồn hàng khan hiếm, không có hàng để bán nên mới tăng giá", anh nói và cho biết thêm nguồn thịt anh bán phải lấy từ địa phương khác như Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh chứ tại tỉnh Cà Mau đàn heo đã ‘bị dịch làm cho chết hết’ nên ‘đã hết sạch’ hàng.
Anh nói giá thịt heo tăng cao đã khiến ‘sức mua giảm phân nửa’ – điều này khiến cho các tiểu thương không dám lấy hàng nhiều mà chỉ lấy vừa đủ để ‘có bao nhiêu bán hết bấy nhiêu’.
Theo lời anh Út thì các bạn hàng lấy mối của anh để bán hàng ăn cũng đã ‘giảm lại’ vì khách cũng ăn ít hơn do ‘mỗi tô tăng giá từ 5 đến 10 ngàn’.
"Sợ Tết năm nay không có thịt để bán, đầu mối đã báo trước là mấy ngày Tết có thể thiếu thịt heo", anh nói và cho biết từ 25 tháng Chạp âm lịch trở lên anh sẽ tăng nguồn hàng để bán phục vụ Tết.
Anh cũng cho rằng bất chấp giá thịt heo tăng cao, ít có khả năng người dân chuyển sang các loại thịt khác trong ngày Tết.
"Phong tục cổ truyền của dân tộc thì Tết phải có nồi thịt kho, không thể chuyển qua loại thịt khác", anh nói. "Người Việt Nam nghèo mấy thì Tết nhất cũng phải có nồi thịt kho tàu để ăn 2,3 ngày Tết".
"Chỉ sợ không đủ hàng để bán", anh nói thêm.
Anh cho biết là ở địa phương của anh thì một số hộ chăn nuôi ‘đã tái đàn trở lại’ sau khi đã kiểm dịch, xử lý vệ sinh đàng hoàng. Tuy nhiên, phải đợi 3, 4 tháng nữa khi đàn heo này đủ lớn thì giá thịt heo mới bình ổn trở lại.
Chờ giá cao hơn
Trái với anh Út, anh Nguyễn Đức Thọ, một đầu mối chuyên bỏ mối thịt heo ở Chợ Lớn, thành phố Hồ Chí Minh, tin rằng ‘lượng thịt heo không hề thiếu’ để cung cấp cho thị trường.
Lý do anh cho rằng nguồn hàng không hề thiếu là ‘hàng nhập khẩu đã về’ và ‘công ty (các trang trại chăn nuôi quy mô lớn) lúc nào cũng có hàng’.
Tuy nhiên, anh cho biết tâm lý người tiêu dùng Việt Nam không mặn mà với hàng đông lạnh nhập khẩu mà chỉ thích ‘hàng nóng’ (tức hàng tươi sống).
"Hàng lạnh so với hàng nóng chỉ rẻ hơn được 2-3 ngàn một ký thôi", anh nói. "Mấy lần tôi có mua hàng lạnh về xài thử nhưng hao lắm".
Anh giải thích hàng đông lạnh ‘hao’ là bị hao hụt rất nhiều trong quá trình rã đông – ‘10 kg còn chừng 6-7 kg thôi’.
"Người Việt Nam không có thịt heo thì họ ăn cái khác chứ họ không xài hàng lạnh vì hàng lạnh quá cứng, xả ra phải hai ngày mới xong", anh cho biết.
Anh lấy ví dụ là những hàng quán bán cơm tấm họ cần ‘ướp thịt để 2,3 tiếng đồng hồ mới đem nướng. Trong khi đó, ‘hàng lạnh phải xả hai ngày thì làm sao ướp nướng được ?’
Về nguồn hàng trong các công ty chăn nuôi, anh cho biết ‘lúc nào cũng có sẵn’ nhưng ‘bây giờ không tuôn ra’.
Anh giải thích sự thiếu hụt chỉ đến từ các hộ nông dân chăn nuôi nhỏ lẻ bị ảnh hưởng của dịch chứ ‘các công ty chăn nuôi bài bản, áp dụng khoa học kỹ thuật đàng hoàng thì không bị dịch ảnh hưởng’.
"Họ có thể lợi dụng cơ hội để đẩy giá lên nữa", anh nhận định. "Ai cũng vậy mà. Có cơ hội làm giàu được thì làm giàu thôi".
Anh Thọ cũng cho rằng các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ nếu còn hàng thì họ cũng không găm hàng vì ‘họ chỉ nuôi vài chục con để kiếm tiền ăn Tết’ nên ‘không thấm tháp gì với thị trường mà găm hàng’.
Về sức mua của thị trường, anh cho biết mấy hàng thịt heo ngoài chợ ‘bây giờ ế dữ lắm’.
"Lúc trước người đi chợ mua khoảng 1-2 kg thịt heo, bây giờ giá mắc quá họ chỉ mua chừng 200-300 gram thôi".
"Mấy hộ nghèo quá họ ăn không nổi (thịt heo) thì họ phải chuyển sang món khác mà ăn", anh nói thêm. "Còn các hàng ăn (chuyên thịt heo) thì họ vẫn bắt buộc lấy mối thôi vì nếu không lấy thì phải nghỉ bán".
Mặc dù sức mua giảm như vậy nhưng anh Thọ cho rằng ‘sẽ không có chuyện thịt heo giảm giá’.
"Giá công ty đưa ra. Các tiểu thương mua về bán lẻ nếu bán không được thì người ta sẵn sàng bỏ tủ chứ không bao giờ chấp nhận bán rẻ vì bán rẻ sẽ bị lỗ vốn", anh giải thích. "Chẳng thà lấy hàng ít lại".
Dự báo nhu cầu ngày Tết, anh Thọ cho rằng ‘sẽ rất hút hàng’.
"Người Việt mình xưa giờ ngày Tết phải có thịt kho, phải có bánh chưng, bánh tét. Năm nay chắc cũng có nhưng số lượng ít thôi chứ không như những năm trước", anh nói.
Anh cho biết các bạn hàng lấy mối thịt heo ở chỗ anh để làm giò chả phục vụ Tết ‘đã lấy hàng bớt lại’.
"Ví dụ hồi trước người ta lấy 10 bây giờ chỉ còn được 3,4 phần. Người ta cũng phải hỏi trước bạn hàng là giá lên như vậy nếu bạn hàng đồng ý thì họ mới làm", anh nói.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 27/12/2019
****************
Đài Loan mới yêu cầu các cửa hàng rút mặt hàng patê gan heo đóng hộp của Việt Nam khỏi kệ, đồng thời cấm nhập khẩu loại mặt hàng này vì lo ngại sự lây lan của dịch tả heo Châu Phi, trang tin Taiwan News đưa tin hôm 25/12.
Trang tin này dẫn lời của người đứng đầu cơ quan có tên gọi là Hội đồng Nông nghiệp của Đài Loan nói rằng sản phẩm trên đã bị phát hiện nhiễm virus gây dịch tả heo trong quá trình kiểm tra đột xuất các sản phẩm đồ hộp và thực phẩm chế biến sẵn nhập từ các quốc gia có nguy cơ cao, trong đó có Việt Nam.
Tin cho hay, cơ quan kiểm nghiệm thực phẩm đã xác định 212 mẫu bị nhiễm virus gây dịch tả heo trong khoảng thời gian từ ngày 1/10 tới 24/12. Theo Taiwan News, 164 mẫu xuất xứ từ Trung Quốc và 48 mẫu từ Việt Nam.
Theo hình ảnh được Hội đồng Nông nghiệp công bố, sản phẩm đóng hộp patê gan heo được sản xuất bởi Halong Canfoco, tức Công ty cổ phần đồ hộp Hạ Long.
Theo tìm hiểu của VOA tiếng Việt, tới ngày 25/12, Halong Canfoco chưa đưa ra bất kỳ phản ứng nào đối với lệnh cấm của Đài Loan.
Trang web của công ty này viết : "Tại Việt Nam, cứ mỗi khi nhắc đến Ha Long Canfoco là người ta nói đến ngay sản phẩm Patê. Đối với hàng triệu gia đình Việt Nam "Nếu Patê không phải là của Hạ Long, thì không thể gọi là Patê được".
VnExpress từng dẫn lời Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu "chống dịch tả lợn Châu Phi như chống giặc".
Ngoài ra, báo điện tử này còn dẫn lời ông Phúc nói rằng "lợn bị nhiễm bệnh phải được phát hiện kịp thời, tiêu hủy theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn để hạn chế lây lan, không gây ô nhiễm môi trường".
Một số nước lớn trong ASEAN có lợi ích trực tiếp trên Biển Đông nên hợp sức lại để phản công sự lấn tới của Trung Quốc trong bối cảnh nguyên tắc đồng thuận của khối đã bị Bắc Kinh lợi dụng trong thời gian qua, một nhà nghiên cứu am hiểu tình hình khu vực nhận định.
Lãnh đạo 10 nước ASEAN tại hội nghị thượng đỉnh ở Bangkok, Thái Lan hồi tháng 6/2019
Chuyên gia này cũng khuyên là khu vực không nên đối đầu hay loại bỏ Trung Quốc mà cần phải kiểm soát sự vươn lên của Trung Quốc theo hướng có lợi cho khu vực.
Những nhận định này được đưa ra tại buổi thảo luận bàn tròn với chủ đề ‘Đẩy lùi Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ được Viện Hudson, môt viện nghiên cứu chiến lược ở thủ đô Washington D.C. của Hoa Kỳ, tổ chức hôm 26/11.
Tầm quan trọng của ASEAN
Trong phần trình bày về cách các nước Đông Nam Á có thể đương đầu với Trung Quốc, ông Richard Heydarian, phó giáo sư chính trị học thuộc Đại học De La Salle, Philippines, đã chỉ trích thẳng thừng những điểm yếu của khối ASEAN mà Bắc Kinh đã lợi dụng.
Trước hết, ông nhìn nhận là kể từ khi thành lập, ASEAN đã ‘làm được rất nhiều việc’ trong việc duy trì hòa bình và ổn định cho khu vực.
Ông nhắc lại vào đầu những năm 1960 trước khi ASEAN thành lập, các nước lớn trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Philippines đã có chính sách thù nghịch với nhau (chính sách Konfrontasi của Indonesia) xung quanh việc ra đời của Liên bang Malaysia.
Ông đưa ra dẫn chứng là việc chính quyền cựu Thủ tướng Abdul Razak Hussein (Razak cha) của Malaysia đã thông qua các kênh ngoại giao để nhờ tổng thống Mỹ khi đó là Richard Nixon can thiệp với nhà độc đài Ferdinand Marcos của Philippines đừng đổ quân xâm chiếm Malaysia.
"Vào cuối những năm 1960, chiến tranh giữa các nước Đông Nam Á là vấn đề được nhắc đến nhiều", ông nói.
Tuy nhiên, với sự ra đời của khối ASEAN vào năm 1967, sau hơn 50 năm, ‘ý niệm về chiến tranh hay thậm chí đe dọa chiến tranh giữa các nước Đông Nam Á gần như đã là điều không ai có thể nghĩ đến nữa’, ông cho biết, mặc dù vẫn có những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ dai dẳng giữa một số nước thành viên.
"Họ (các nước ASEAN) đã thiết lập được cái gọi là cộng đồng an ninh", ông nói thêm. "Cho nên không phải là họ không có ý định gây xung đột mà là họ không hề thiếu các phương cách xử lý xung đột giữa họ với nhau".
Nhưng trên hết, ông cho biết, vai trò của ASEAN quan trọng ở chỗ là ‘kéo các cường quốc bên ngoài cùng ngồi lại với nhau’ để tránh xung đột và bắt các cường quốc (như Mỹ, Trung Quốc) tuân theo luật chơi do ASEAN đề ra trong việc xử lý căng thẳng và xung đột giữa các nước.
Ngoài ra, các nước ASEAN còn có sự hợp tác hiệu quả để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống như khủng bố, cướp biển… Ông dẫn chứng là ba nước Indonesia, Malaysia và Philippines đã có các cuộc tuần tra ba bên trên biển để chống sự thâm nhập của các phần tử thuộc Nhà nước Hồi giáo (ISIS).
Nguyên tắc lỗi thời ?
Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra hạn chế lớn của khối là trong việc xử lý mối quan hệ với các đại cường, chẳng hạn như Trung Quốc.
Ông dẫn ra hai nguyên tắc cơ bản của ASEAN là ‘tham vấn và đồng thuận’ mà trong đó đồng thuận đã ‘bị hiểu lầm là nhất trí’.
"Nếu chúng ta nhìn vào những vấn đề như chính trị, an ninh, nhân quyền thì sự nhất trí là một trở ngại lớn bởi vì nhất trí có nghĩa là từng nước thành viên trên thực tế đều có quyền phủ quyết (để chặn bất cứ quyết định nào của khối", ông nói.
"Nếu như anh là một cường quốc bên ngoài có mong muốn không để cho ASEAN đoàn kết trên một vần đề nào đó thì việc anh cần làm chỉ là gây sức ép hay dựa vào chỉ một thành viên ASEAN bất chấp mức độ quan ngại của các nước ASEAN khác", ông giải thích.
Ông đưa ra dẫn chứng là Campuchia chịu sự chi phối của Trung Quốc ‘để phá hoại ASEAN’ (saboteur) trên vấn đề Biển Đông mặc dù nước này không có lợi ích trực tiếp trên vùng biển này.
"Chúng ta không thể chê trách họ (Campuchia) bởi vì trên quan điểm của họ thì tại sao họ phải gánh lấy rủi ro là chọc giận Trung Quốc vốn là nguồn đầu tư chính và là nước ủng hộ chủ chốt cho nước họ về mặt ngoại giao".
Ông tương phản cách làm việc dựa trên sự nhất trí này của ASEAN với nguyên tắc của Hội đồng châu Âu là phân bổ quyền bổ phiếu của mỗi nước tùy theo sức nặng của nước đó và quyết định được thông qua chỉ cần đa số phiếu thuận.
Ông Heydarian gọi đây là ‘cái bẫy thể chế ở lưng chừng’ và cho rằng chính ‘nguyên tắc lỗi thời’ này đã khiến ASEAN từ vị trí trung tâm trong các vấn đề trong khu vực bị đẩy ra ‘ngoài lề’.
"Cơ chế ra quyết định vốn giúp cho các nước ASEAN tạo dựng hòa bình với nhau trong vòng 50 năm qua đã không còn hiệu quả trong việc tạo ra hòa bình giữa các đại cường", ông đúc kết.
Bên cạnh đó, trong khi ASEAN đang chật vật khẳng định vai trò trung tâm của mình để giải quyết các vấn đề trong khu vực thì Bắc Kinh ‘đang nhanh chóng thay đổi thực địa trên Biển Đông’.
Ông dẫn chứng là Trung Quốc đang xây dựng ‘Vạn Lý Trường Thành tên lửa đất đối không’ (Great Wall of SAM) với việc triển khai tên lửa loại này ra Biển Đông trong vòng ba năm qua bên cạnh các máy bay ném bom, các thiết bị phá sóng điện tử.
Về lực lượng hải cảnh của Trung Quốc, vốn là lực lượng bán quân sự được Bắc Kinh triển khai để duy trì luật pháp của họ trên Biển Đông, ông Heydarian cho rằng lực lượng này giờ đây là ‘cánh tay nối dài của Hải quân Trung Quốc’.
"Mức độ của các hoạt động ngoại giao của ASEAN không theo kịp những diễn biến trên thực địa", ông nói.
"Khi chúng ta đang bàn thảo về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) với Trung Quốc thì Trung Quốc lại nhanh chóng thay đổi tình tình trên thực địa hàng ngày", ông nói thêm. "Vậy thì tại sao chúng ta lại lãng phí thời gian vào các cuộc đàm phán trong khi chúng ta thậm chí còn không biết liệu COC có ràng buộc về pháp lý hay không ?"
‘Tiểu ASEAN’
Cho nên, vị giáo sư này đề xuất ‘cách tốt nhất để duy trì cơ chế đa phương và giúp cho khối ASEAN trở nên hiệu quả hơn là xây dựng cơ chế tiểu đa phương (mini-lateralism) giữa các nước chủ chốt trong ASEAN và tăng cường sự tiếp xúc giữa các nước Bộ Tứ (Mỹ, Nhật, Ấn, Úc) với các nước chủ chốt trong ASEAN.
Những nước chủ chốt trong ASEAN này mà ông nêu ra là Indonesia, Thái Lan, Philippines Malaysia và Việt Nam.
"Nếu những nước Bộ Tứ có thể định chế hóa sự hợp tác với các nước ASEAN chủ chốt trên những vấn đề mà họ quan ngại về Trung Quốc thì tôi cho rằng điều đó đã quá đủ. Chúng ta không cần đưa hết tất cả 10 nước ASEAN vào".
Trả lời câu hỏi của VOA liệu mô hình ‘tiểu ASEAN’ có khả thi và có được sự ủng hộ của các nước ASEAN hay không khi nó làm suy yếu vai trò trung tâm của ASEAN, ông cho rằng ASEAN ‘đã đâm vào chân tường’ và đang ở trong thế ‘bế tắc về thể chế’.
"Chúng ta cần phải tìm phương án thay thế", ông nhấn mạnh.
"Tôi cho rằng Philippines có quyết định đơn phương đưa vấn đề ra tòa là vì chúng tôi cảm thấy ASEAN không làm được gì và quyết định đơn phương đó giờ đây có ích cho nhiều nước ASEAN như Việt Nam và Malaysia".
Chính vì lẽ đó, ông cho biết cho biết ông đã trao đổi nhiều với các quan chức Philippines, Malaysia và Việt Nam rằng tại sao các nước này không làm việc cùng nhau (theo cơ chế tiểu ASEAN) để đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) của mình mà theo ý ông là ‘bộ quy tắc ứng xử thật sự chứ không phải là giả tạo như bộ quy tắc đang được bàn thảo (giữa Trung Quốc và toàn bộ 10 nước ASEAN),’ ông nhấn mạnh.
Ông cho biết ông ‘hết sức lo ngại về nội dung bản dự thảo COC mà Trung Quốc hiện đang đàm phán với các nước ASEAN’ đến mức ông cho rằng với văn bản như thế chẳng thà nó ‘không ràng buộc về pháp lý’ còn hơn.
Theo đó, Trung Quốc có hai yêu cầu chủ yếu. Thứ nhất, họ muốn các nguồn lợi dầu mỏ trên Biển Đông ‘chỉ được chia sẻ giữa Trung Quốc và các nước ven Biển Đông mà thôi’. Điều này có nghĩa là các hãng dầu khí của phương Tây không thể nào hợp tác khai thác với các nước nhỏ có tranh chấp chủ quyền.
Thứ hai, Trung Quốc muốn có quyền phủ quyết việc tập trận của các nước trong khu vực với các cường quốc bên ngoài. Điều này không thể chấp nhận được với Mỹ vì nước này có cuộc tập trận thường xuyên với Philippines trên Biển Đông, đó là chưa kể các nước đối tác tập trận khác bên ngoài như Pháp, Nhật, Úc, ông cho biết.
Khi đưa ra những yêu sách như vậy đối với COC, Bắc Kinh đã thể hiện thái độ rất bạo dạn nhưng, theo ông, những nước như Việt Nam, Indonesia và Malaysia đã chống lại. Tuy nhiên, ông cho rằng việc Trung Quốc mạnh dạn tin rằng họ có thể sử dụng ASEAN ‘như là lá chắn’ để đẩy các cường quốc khác ra khỏi khu vực ‘là điều đáng lo ngại’.
"Mặc dù trong khối ASEAN, các nước thành viên được cho là bình đẳng với nhau nhưng trên thực tế không phải nước nào nào cũng có lợi ích tương đương nhau và không phải nước nào cũng có trọng lượng như nhau", ông giải thích.
"Bắc Kinh sẽ lắng nghe nhiều hơn gấp 10 lần nếu đó là tiếng nói của Indonesia chứ không phải những nước như Campuchia và Lào", ông nói và cho biết Indonesia cũng đang đóng vai trò ngày càng lớn trong việc đàm phán COC vì họ có vùng biển Natuna của họ cũng bị ảnh hưởng trong đường chín đoạn của Trung Quốc.
"Chỉ cần những nước chủ chốt duy trì lập trường trước Trung Quốc là đã quá đủ", ông nói thêm.
‘Cường quốc bậc trung’
Ông cho rằng rất nhiều người đã đánh giá thấp sức mạnh của những nước Đông Nam Á mà họ cho là ‘nhỏ’ như Indonesia, Philippines và Việt Nam.
Ông dẫn ra Indonesia có dân số 270 triệu người, tức gần tương đương nước Mỹ, và có nền kinh tế được dư đoán sẽ ‘nằm trong số 5 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong vòng hai thập niên tới’.
Trong khi đó, quy mô dân số của Việt Nam và Philippines sẽ chóng vượt mức 100 triệu dân. Tất cả ba nước này, ông Heydarian dự đoán, sẽ có nền kinh tế vượt 1.000 tỷ đô la trong khoảng thời gian trung hạn.
"Do đó ASEAN không thật sự là tập hợp của các nước nhỏ mà bao gồm những cường quốc bậc trung hết sức năng động vốn bản thân họ cũng có sức mạnh của riêng mình", ông phân tích.
Tuy nhiên, vị giáo sư đến từ Philippines này cũng lưu ý rằng mặc dù các nước ASEAN cần đề phòng mối đe dọa của Trung Quốc nhưng mặc khác họ cũng phải ‘công nhận vai trò của Trung Quốc trong khu vực’.
"Cho dù có muốn hay không thì Trung Quốc vẫn là một phần của cuộc chơi và việc can dự (thay vì đối đầu) với Trung Quốc là không thể tránh khỏi", ông nói. "Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là can dự với Trung Quốc như thế nào để họ phản hồi nhiều hơn trước nhu cầu và sự nhạy cảm của các nước nhỏ".
Còn đối với các nước Bộ Tứ, ông khuyên rằng thay về tập trung vào việc hình thành liên minh đối chọi Trung Quốc thì hãy nên ‘tập trung vào xây dựng năng lực cho các nước nhỏ trong khu vực’.
Thời cơ cho Việt Nam ?
"Nếu chúng ta tìm xem nước nào sẽ là cường quốc mới nổi ở Đông Nam Á thì không nghi ngờ gì đó sẽ là Việt Nam. Và Việt Nam sẽ là chủ tịch ASEAN vào năm sau", ông nói và nhấn mạnh vai trò của Hà Nội hiện nay là ‘dẫn dắt cả khu vực trong việc xác định lằn ranh với Trung Quốc trên Biển Đông’ nhưng đôi khi ‘Hà Nội chiến đấu chỉ có một mình’.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Hà Nội nên tận dụng thời cơ là chủ tịch ASEAN vào năm 2020 như thế nào để lãnh đạo sự đối phó của khối trước sự quả quyết ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, giáo sư Heydarian nhắc lại nhiệm kỳ chủ tịch của Việt Nam cách nay gần 10 năm (vào năm 2010) mà khi đó Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố ở Hà Nội rằng ‘Mỹ có lợi ích quốc gia trên Biển Đông’ bất chấp sự cảnh báo mạnh mẽ của Bắc Kinh.
Ông cho rằng tại lần làm chủ tịch lần này, Hà Nội nên xúc tiến hành động pháp lý đối với Bắc Kinh trên Biển Đông dựa trên kinh nghiệm vụ kiện của Manila ra Tòa Trọng tài Thường trực (PCA).
Ông cho biết trong những năm từ 2013 cho đến 2016, phía Philippines đã nhiều lần mời Việt Nam sang nước họ để chia sẻ những kinh nghiệm về vụ kiện.
"Với quyết định đơn phương kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế, Philippines đã đến cho khu vực một đòn bẩy và lợi thế lớn (trong việc đối phó với Trung Quốc)", ông nói. Do đó, giờ đây nếu Hà Nội đe dọa dùng đến công cụ pháp lý thì lời đe dọa đó sẽ ‘càng đáng tin hơn’ vì vụ kiện của Manila đã cho thấy họ có thể chiến thắng trước Trung Quốc.
"Dĩ nhiên Hà Nội không nên kiện về vấn đề chủ quyền (trên Biển Đông) mà về phạm vi vùng đặc quyền kinh tế mà họ được cho phép theo luật quốc tế", ông khuyên. "Hà Nội có thể nhờ đến Tòa Trọng Tài để chứng minh rằng Bắc Kinh không có quyền đi vào Bãi Tư Chính (để thăm dò) gì cả".
"Đây là điều rất quan trọng mà Việt Nam có thể làm", ông nói thêm và cho rằng nếu Hà Nội thực sự đặt lên bàn khả năng kiện Trung Quốc thì họ sẽ càng ‘củng cố thêm lòng yêu nước của người dân Philippines để nhắc nhở Tổng thống của chúng tôi (Rodrigo Duterte) cần phải làm những gì ông ấy cần làm (về phán quyết của PCA hồi năm 2016 trao chiến thắng cho Philippnes)".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 28/11/2019
Nhạc Vàng mà sự thịnh hành của nó gắn liền với miền Nam Việt Nam trước 1975 giúp cho khán thính giả ngày nay sống lại thời Việt Nam Cộng Hòa và có thể được xem là di sản có sức sống nhất của chế độ đã qua, các nhà nghiên cứu nhận định tại một hội thảo mới đây ở tiểu bang Oregon, Hoa Kỳ.
Graphic - Nhac Vang
Nhạc Vàng là tên thường gọi của thể loại nhạc được sáng tác và trình diễn dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Ngoài tên gọi này, một phần của nó còn được gọi là ‘nhạc sến’ hay ‘nhạc boléro’, dựa trên thể điệu và lời ca.
U sầu, hoài niệm
"Nhạc Vàng là một trong những phương tiện giữ cho ký ức của nền Cộng hòa sống mãi", ông Vinh Phạm, nghiên cứu sinh Tiến sỹ về Văn học đối chiếu tại Đại học Cornell, nhận định tại hội thảo về nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa Việt Nam tại Đại học Oregon, Eugene, hôm 15/10.
Điều này thấy rõ trong các chương trình ca nhạc và nhạc hội được tổ chức ở hải ngoại để người gốc Việt tôn vinh nền văn hóa của họ vốn thường trình diễn những bài hát có nội dung về Việt Nam Cộng Hòa, ông nói.
Ông Vinh đưa ra dẫn chứng là có giai thoại về ‘ba thứ không thể thiếu’ trong các gia đình người Việt ở Mỹ, trong đó có những đĩa nhạc của Paris by Night hay Asia, hai nhà sản xuất băng đĩa hàng đầu của người Việt ở hải ngoại, bên cạnh... chai nước mắm và tô phở.
"Những bài hát như thế này thường được xem là để gợi nhớ về thời kỳ trước năm 1975", ông nói.
Ông Vinh cho biết thể loại nhạc này thường bị các nhà phê bình ngày nay đóng khung là ‘âu sầu, áo não’ (melancholy).
Theo ông Vinh, sự u sầu này có nghĩa là ‘mất đi một thứ gì đó’ và ‘ít nhất trong phạm vi văn học và âm nhạc sự mất mát đó chính là mất mát thật sự nền Việt Nam Cộng Hòa’.
"Nói cách khác, vật bị mất (gây ra cảm giác u sầu) ở đây không nằm trong phạm vi vô thức mà trái lại được đóng khung và định danh rõ ràng là một đất nước".
Ông dẫn chứng là trong các chương trình ca nhạc của người Việt ở Mỹ, ngày 30/4 năm 1975 được gọi là ‘Ngày Mất nước’. Sau khi Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ và những công dân của quốc gia này sống lưu vong thì âm nhạc của chế độ cũ giúp họ nhận thức rõ về sự mất mát này, ông nói.
Trong khi đó, cách mô tả Nhạc Vàng là ‘hoài niệm’ (nostalgic) về thời xa xưa có ý nghĩa là ‘chấp nhận quá khứ là chuyện đã qua và chấp nhận thực tại’, ông nói.
"Với những gì mà cộng đồng người Việt ở hải ngoại, vốn tích cực tham gia chính trị, đã phản đối (chính quyền trong nước) lâu nay và cái cách mà Nhạc Vàng được sử dụng để củng cố tinh thần quốc gia của họ thì không thể nói là có bất cứ dấu hiệu gì cho thấy họ chấp nhận quá khứ mà thay vào đó đó là sự phản đối Đảng cộng sản", ông nhận định.
"Cách dùng những từ như hoài niệm, u sầu lâu nay để phê bình Nhạc Vàng đã bỏ qua mục đích thật sự của những bài nhạc này", ông nói.
Sau khi đất nước thống nhất, chính quyền trong nước có một thời kỳ cấm đoán gắt gao thể loại âm nhạc này vì cho rằng nó ‘quá diễm tình, yếu đuối và thể hiện nền văn hóa yếu ớt của miền Nam’. Thậm chí nó còn được miêu tả là ‘độc hại và phản động’.
Có hợp với giới trẻ ?
Trao đổi với VOA bên lề buổi hội thảo về lý do tại sao Nhạc Vàng có sự trở lại ngoạn mục ở trong nước hiện nay, ông Vinh nêu lên các lý do là ‘làm ra tiền’, ‘dễ tiếp cận hơn trước’, ‘dễ nhớ dễ thuộc’ và ‘kết nối với thế hệ đi trước’.
"Anh có thể kiếm tiền bằng Nhạc Vàng dựa trên số lượt người xem hay nghe trên YouTube. Một số kênh về Nhạc Vàng trên YouTube có hàng triệu lượt xem mỗi mục đăng tải", ông giải thích.
"Một lý do nữa là khán giả Việt Nam hiện nay có nhiều cách tiếp cận các sản phẩm văn hóa hơn. Vào những năm 1990, các băng đĩa Nhạc Vàng mà họ có được hoặc là sao chép lậu hoặc do người thân của họ mang từ nước ngoài về", ông nói thêm. "Giờ đây mọi người chỉ cần rút điện thoại thông minh từ trong túi ra là có thể nghe Nhạc Vàng".
"Mặc dù một số bài hát vẫn bị cấm nhưng khán giả có thể dễ dàng tiếp cận được".
Ngoài ra, tính chất lãng mạn (poetic) của thể loại nhạc này khiến khán giả dễ dàng ghi nhớ và thuộc bài hát.
"Có những thanh niên có ông bà cha mẹ vẫn còn nghe Nhạc Vàng cho nên nó là một hình thức để họ kết nối với thế hệ đi trước", ông Vinh nói thêm.
Trả lời câu hỏi liệu Nhạc Vàng có phù hợp với thị hiếu của các khán giả trẻ ở trong nước hiện nay, ông Vinh nói rằng giới trẻ ‘quan tâm đến nhiều thể loại âm nhạc khác nhau chứ họ không quan tâm đến duy nhất một thứ’ cho nên ‘không thể gom các khán giả trẻ thành một khối duy nhất’.
Tuy nhiên, theo những gì ông quan sát, ông cho rằng giới trẻ trong nước hiện nay hướng đến âm nhạc Hàn Quốc, Trung Quốc và nhạc Mỹ, trong đó nhạc Hàn rất được giới trẻ ưa chuộng.
Về vấn đề liệu sự hồi sinh của Nhạc Vàng có làm sống lại sự quan tâm và tìm hiểu về Việt Nam Cộng Hòa và các giá trị của nó hay không, ông Vinh trả lời rằng ‘mặc dù những bài Nhạc Vàng có thể gợi lại những tình cảm thân thiết với Việt Nam Cộng Hòa nhưng ở trong nước chúng đã được đưa ra khỏi bối cảnh ban đầu’.
"Những người hát Nhạc Vàng vì họ yêu giai điệu bài hát (không phải lời hát). Tôi không cho rằng có sự gắn bó cá nhân rõ ràng (với nội dung các bài hát)", ông nói thêm. "Một số bài hát cơ quan kiểm duyệt còn sửa một số chữ trong lời hát".
Ông cho rằng các khán giả ở Việt Nam khi hát Nhạc Vàng họ ‘ít quan tâm đến chính trị’ và Nhạc Vàng chỉ đơn thuần là ‘một mặt hàng mới’ phục vụ người tiêu dùng.
Chính vì những lý do đó mà ông cho rằng Nhạc Vàng hiện nay ‘không còn là mối đe dọa chính trị’ đối với chính quyền trong nước.
Ông đưa ra dẫn chứng là có hiện tượng ‘trong nước trình diễn lại màn trình diễn ở nước ngoài’ (performing the performance), tức là tái hiện lại y chang khung cảnh sân khấu của các bài hát dàn dựng ở hải ngoại mặc dù họ đang ở Việt Nam trong khi những bài hát này vì không tiếp cận được bối cảnh ở Việt Nam nên phải dựng cảnh giả.
Cách làm đó đã cho thấy khán giả trong nước ‘phi chính trị hóa Nhạc Vàng’ – tức họ là trình diễn âm nhạc chứ ‘không truyền tải thông điệp chính trị’, ông Vinh phân tích.
Tuyển tập nhạc vàng nhạc xưa trước 1975 - nhạc vàng pre 75 tuyển chọn - Courtesy of Audiophile NbR Music
Di sản có sức sống nhất ?
Trong phần trình bày của mình, ông Jason Gibbs, một nhà nghiên cứu về âm nhạc Việt Nam và hiện đang làm việc cho Thư viện Công tại San Francisco, cho rằng ‘có lẽ di sản về Việt Nam Cộng Hòa có sức sống nhất ở Việt Nam ngày nay là âm nhạc’.
"Những bài hát vẫn còn sống mãi từ thời điểm đó tập trung vào tình cảm con người và những cảm xúc sâu thẳm trong lòng người", ông nói.
Theo ông Gibbs thì sở dĩ âm nhạc phát triển mạnh mẽ ở miền Nam Việt Nam vì ‘có thị trường’ cho sản phẩm âm nhạc mang tính thương mại mà nhờ vào đó các nhạc sỹ có rất nhiều cơ hội kiếm tiền từ các sáng tác của họ và có được mức sống cao.
"Trong một thị trường sơ khai còn hỗn loạn, những nhà sáng tác và khán giả tìm kiếm âm nhạc mới mẻ giàu cảm xúc và phù hợp với giá trị chung của một bộ phận đáng kể dân chúng", ông nói và cho rằng thị trường âm nhạc miền Nam lúc đó ‘hoàn toàn bản địa’ vì ‘không có hãng đĩa nước ngoài nào tranh thủ được thị trường’.
Ông giải thích rằng nhạc thị trường là một ‘điều mới mẻ’ ở miền Nam Việt Nam lúc đó vì nó không tồn tại dưới thời thuộc địa và ở miền Bắc.
"Âm nhạc của Việt Nam Cộng Hòa hoạt động trong mối quan hệ của ba yếu tố : chính sách của chính quyền, động cơ lợi nhuận và tình cảm chung của người dân", ông cho biết.
Ông nói thêm chính quyền Việt Nam Cộng Hòa lúc đó do muốn tách bạch khỏi hệ tư tưởng và cách cai trị ở miền Bắc nên không thể ra lệnh cho các văn nghệ sỹ và người dân tuyệt đối tuân theo lệnh của chính quyền.
Tuy nhiên, ‘tâm lý chiến cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình công việc sáng tạo của các nhạc sỹ và có ảnh hưởng lên các tác phẩm âm nhạc được đưa ra thị trường’. Mặc dù vậy, khi nhạc thương mại chiếm lĩnh thị trường, trên sóng phát thanh và sóng truyền hình thì ảnh hưởng của chính quyền trở nên bị giới hạn.
Sau năm 1975, Nhạc Vàng mặc dù bị cấm đoán quyết liệt ở miền Bắc nhưng nó vẫn được cộng đồng người Việt ở hải ngoại gìn giữ và ngày nay đã được một bộ phận dân chúng miền Bắc, vốn trước giờ lạ lẫm với dòng nhạc này, chấp nhận, ông Gibbs cho biết.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng dòng nhạc tâm lý chiến có giống như nhạc tuyên truyền cổ động chiến đấu ở miền Bắc hay không, ông Gibbs nói : "Tôi phải thừa nhận rằng với những gì mà tôi đã nghe thì (nhạc miền Nam) cũng có yếu tố tuyên truyền".
"Ý tưởng tuyên truyền là nhấn mạnh vào hành động xấu xa của đối phương", ông nói.
Cũng theo nhận định của ông, Nhạc Vàng ‘chắc chắn mang tính cổ động quân đội’ vì nó ‘bày tỏ sự cảm thông cho người lính, cho những người dân bị chiến tranh chia cắt’.
"Một số bài hát còn hướng đến thu phục những người bên ngoài chế độ (sống ở miền Bắc)", ông nói và cho biết những bài hát này nằm trong chương trình chiêu hồi (open arms) của chính quyền và có thể đi sâu vào phía đối phương.
"Tuy nhiên, họ biết rằng họ không thể sáng tác những bài hát mang tính chất quân sự mạnh mẽ bởi vì những bài hát như thế không có sức hút (đối với thị trường)", ông nói thêm.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 31/10/2019
Cách dạy và học Sử ở Việt Nam hiện nay quá tập trung vào chiến tranh mà bỏ qua những mảng quan trọng khác của lịch sử và do đó nên tham khảo cách tiếp cận của Sử gia Trần Trọng Kim là tìm hiểu lịch sử dưới góc độ tiến hóa, một nhà nghiên cứu về tư tưởng Châu Á nói với VOA.
Ông Nguyễn Lương Hải Khôi trả lời phỏng vấn VOA bên lề hội thảo về nền cộng hòa và các giá trị Cộng hòa của miền Nam Việt Nam
Nhận định này được Tiến sĩ Nguyễn Lương Hải Khôi, hiện đang là nghiên cứu viên tại Viện các vấn đề Toàn cầu thuộc Đại học Oregon ở Eugene, đưa ra tại một cuộc hội thảo về các nền Cộng hòa và các giá trị Cộng hòa hôm 14/10 tại Eugene, Oregon.
Tại hội thảo này, ông Khôi đã có bài tham luận về phương pháp luận lịch sử của ông Trần Trọng Kim, một chính khách và học giả tên tuổi của Việt Nam dưới thời kỳ thực dân vốn có thời kỳ làm Thủ tướng dưới trướng Quốc trưởng Bảo Đại, qua tác phẩm để đời của ông là ‘Việt Nam Sử lược’.
‘Xây dựng hồn dân tộc’
Việt Nam Sử lược, được xuất bản bằng chữ Quốc ngữ vào năm 1920, là giáo trình hiện đại đầu tiên của lịch sử Việt Nam được sử dụng rộng rãi trong các trường học ở khắp ba miền Việt Nam dưới thời thực dân Pháp và sau đó được Việt Nam Cộng Hòa sử dụng làm sách giáo khoa ở miền Nam từ năm 1954 cho đến 1975.
Ông Khôi lưu ý rằng trong Việt Nam Sử lược, Trần Trọng Kim đã cố gắng xây dựng nên bản sắc dân tộc và ‘hồn dân tộc’ – những khái niệm không tồn tại trong cách viết sử dưới thời phong kiến hàng ngàn năm trước đó.
"Việt Nam Sử lược đóng vai trò quan trọng trong việc đem đến hiểu biết lịch sử và ý thức dân tộc cho người dân Việt Nam kể từ đầu thế kỷ 20", ông Khôi cho biết.
"Tác phẩm của ông không trình bày lịch sử qua các triều đại và các đời vua như các nhà sử học tiền hiện đại mà đi vào giải thích mối quan hệ nhân quả của các hiện tượng lịch sử trên ba góc độ : văn hóa, xã hội và chính trị", ông trình bày.
Trong Việt Nam Sử lược, ông Trần Trọng Kim đã giới thiệu rất nhiều khái niệm của phương Tây vốn không có trong thư tịch Việt Nam mãi cho đến cuối thế kỷ 19 như ‘quốc gia, dân tộc, quốc hồn, quốc ngữ, tiến hóa, chính trị, chính thể, nhân dân, cạnh tranh, văn minh, kỹ thuật, giáo dục…’
"Đối với Trần Trọng Kim, mục đích của Sử học là xây dựng ‘linh hồn dân tộc’, là giúp cho thế hệ trẻ ngày nay biết về lịch sử nước nhà", ông Khôi phân tích. "Khi đó họ sẽ xây dựng được ‘quốc hồn’, bao gồm tinh thần dân tộc và lòng yêu nước".
Theo lời giải thích của ông Khôi thì tinh thần dân tộc xem đất nước và dân tộc Việt Nam lớn hơn bất cứ cá nhân vị quân chủ hay triều đại nào và vượt qua giai cấp, tầng lớp.
"Trần Trọng Kim đã dành khá nhiều công sức trong cuộc đời học thuật của ông để tìm hiểu các giá trị tuyền thống của Việt Nam", ông Khôi nói và cho biết ông Kim cũng đã viết luận về Nho giáo cũng như nghiên cứu về tinh thần Phật giáo.
Tuy nhiên, ông Kim lại đề xuất Việt Nam nên theo mô hình kinh tế-chính trị-xã hội của các nước Tây phương, nhưng theo ông, ‘quốc hồn của người Việt không phải là tờ giấy trắng để từ đó vẽ lên hình ảnh của Tây phương mà đã có lịch sử hàng ngàn năm’.
"Làm thế nào để vẽ hình ảnh hiện đại lên bức tranh cổ. Làm thế nào để hài hòa hai bức tranh này. Đó là trăn trở của Trần Trọng Kim", ông Khôi nói.
‘Tiến hóa luận’
‘Tiến hóa luận’ là điểm then chốt trong tư duy lịch sử của Trần Trọng Kim, ông Khôi nói và cho biết đây là điểm khác biệt giữa Trần Trọng Kim với các sử gia phong kiến và các sử gia của Đảng Cộng sản sau này.
Tiến hóa luận, ông Khôi giải thích, là nhìn vào khả năng sáng tạo của một dân tộc, một đất nước. "Việt Nam Sử lược xem đối tượng nghiên cứu lịch sử là trình độ tiến hóa của một dân tộc. Tiêu chuẩn để xác định các thời kỳ lịch sử Việt Nam là mức độ tiến hóa và khả năng phản ứng lại trước các thách thức bên ngoài", ông nói.
"Theo Việt Nam Sử lược, lịch sử Việt Nam là sự tiến hóa từ giai đoạn dã man chưa có văn minh và sau đó nhờ học tập Trung Quốc mà văn minh hóa rồi trải qua thời kỳ tự chủ Đinh, Lý, Trần, Lê, Nguyễn rồi mở mang bờ cõi xuống phương Nam. Đến giai đoạn tiếp xúc với văn minh phương Tây thì thất bại", ông giải thích.
Ông đưa ra một ví dụ so sánh để làm rõ quan điểm tiến hóa này. Theo đó, trong khi các nhà viết sử cộng sản nhìn vào thế kỷ 19 là thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp xâm lược và đô hộ, nhà Nguyễn phản bội quyền lợi dân tộc và cấu kết với người Pháp, nhân dân đấu tranh anh dũng với quân Pháp nhưng đều thất bại cho đến khi Đảng Cộng sản ra đời, thì Trần Trọng Kim lại nhấn mạnh đến cuộc chiến Pháp-Thanh để giành quyền thống trị ở Việt Nam, điều mà các sử gia miền bắc bỏ qua.
"Trần Trọng Kim xem thế kỷ 19 là lúc Việt Nam phải đối diện với hai nền văn minh, một là văn minh Trung Hoa đã lỗi thời, một là văn minh hiện đại của người Pháp", ông Khôi giải thích. "Theo ông Kim, lựa chọn đúng đắn duy nhất của Việt Nam là phải hiện đại hóa để trở nên hùng cường như Nhật Bản từ đó mới giành được độc lập. Nhưng ông lại cho rằng vào thời điểm đó không có lực lượng chính trị xã hội nào có thể làm được nên Việt Nam chỉ có hai con đường : hoặc là chư hầu của nhà Thanh hoặc là thuộc địa của Pháp".
Trả lời câu hỏi của VOA về quan điểm viết sử của miền Bắc, ông Khôi nói trong khi Trần Trọng Kim nhìn trên quan điểm tiến hóa thì các nhà sử học cộng sản nhìn lịch sử Việt Nam theo quan điểm ‘lịch sử tranh đấu’, tức là một chuỗi của các cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm và giành độc lập cho dân tộc. Cách nhìn này, theo ông Khôi, đã bỏ qua những mảng khác cũng rất quan trọng trong lịch sử Việt Nam.
"Theo cách nhìn này thì người dân Việt Nam suốt mấy ngàn năm không có làm gì khác ngoài đấu tranh chống giặc ngoại xâm", ông nói. "Nhưng ngoài ra Việt Nam còn có văn hóa, chính trị, xã hội và quan trọng hơn nữa là lịch sử tiến hóa của dân tộc".
Từ quan điểm tiến hóa luận này, ông Trần Trọng Kim đã phê bình rằng dân tộc Việt Nam suốt mấy ngàn năm không có sáng tạo nào về mặt tư tưởng mà chỉ tiếp nhận Nho giáo của Trung Quốc và Phật giáo từ Ấn Độ, trong khi Nhật Bản tiếp nhận Nho giáo nhưng đã có tác phẩm luận giải về Nho giáo.
Phản dân tộc, phản cách mạng ?
Theo lời ông Khôi thì trong suốt cuộc chiến giữa hai miền, Việt Nam Sử lược vẫn được miền Nam sử dụng làm sách giáo khoa lịch sử trong tất cả các trường học và ‘có đóng góp to lớn trong việc hình thành bản sắc tinh thần của miền Nam Việt Nam. Trong khi đó, sau khi những người cộng sản lên nắm quyền ở miền Bắc thì tác phẩm này đã bị cấm và bị chỉ trích nặng nề là ‘mang tư tưởng phong kiến, tư sản, phản dân tộc và phản cách mạng’.
Trả lời VOA bên lề hội thảo về những sự chỉ trích này, ông Khôi cho rằng chúng xuất phát từ sự hiểu lầm hay ‘cố tình hiểu sai’ của các nhà sử học miền Bắc, nhất là những nhà sử học đầu đàn như Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu.
Trần Trọng Kim bị lên án vì phê phán ‘dân tộc không có khả năng sáng tạo’, ông Khôi cho biết nhưng nói rằng Trần Trọng Kim ‘có lẽ là tác giả đầu tiên đưa Truyện Kiều của Nguyễn Du vào một công trình luận về lịch sử dân tộc’ để chứng minh rằng đây là ‘tác phẩm tiêu biểu về sức sáng tạo của dân tộc trong thời phong kiến’ và tham gia vào phong trào thúc đẩy tìm hiểu Truyện Kiều.
"Trần Trọng Kim phê phán dân tộc không có tinh thần sáng tạo vốn không có mục đích nào khác ngoài nhìn vào sự thực là dân tộc Việt Nam không tiến hóa bằng con đường sáng tạo, phát minh chứ không có ý định vùi dập dân tộc gì cả", ông Khôi biện hộ.
Một điểm nữa khiến ông Kim bị chỉ trích ‘phản dân tộc’ là khi ông phê phán phong trào Bình Tây Sát Tả của giới văn thân, tức tầng lớp trí thức ở nông thôn, vào thế kỷ 19, là ‘không phải tinh thần dân tộc’ mà chỉ là sự phản kháng lại các yếu tố của xã hội mới mà ‘họ không thích ứng được’ như các chính sách kinh tế-chính trị của người Pháp hay Thiên chúa giáo. Trong khi đó, sử gia miền Bắc Trần Huy Liệu từ năm 1950 đã xem phong trào Văn thân là phong trào yêu nước đánh giặc Pháp và có tinh thần dân tộc cao.
Ông Khôi nói các sử gia như Trần Huy Liệu và Trần Văn Giàu cũng được giao nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa dân tộc ở miền Bắc và đó là ‘chủ nghĩa dân tộc cộng sản’. "Chủ nghĩa dân tộc theo cách nhìn của những người cộng sản là lịch sử chỉ có đấu tranh chống giặc ngoại xâm và đấu tranh giai cấp và chỉ có những người cộng sản là kế thừa đầy đủ những giá trị truyền thống của dân tộc", ông nói với VOA bên lề hội thảo.
Ông cho biết là quan điểm sử luận của Trần Trọng Kim ‘đã in dấu lên các trước tác chính trị, văn hóa, xã hội ở miền Nam Việt Nam’ và dẫn ra tác phẩm ‘Chính đề Việt Nam’ của nhóm ông Ngô Đình Nhu dưới thời Đệ nhất Cộng hòa mà trong đó ‘khái niệm tiến hóa được lặp đi lặp lại trên 30 lần’.
"Độc lập dân tộc không phải là vấn đề quan trọng nhất mà là phát triển dân tộc", ông Khôi giải thích về sự khác biệt trong quan điểm của Trần Trọng Kim với các sử gia miền Bắc. "Bởi vì nếu anh độc lập về chính trị mà không phát triển dân tộc thì độc lập đó cũng là giả vì sớm muộn gì anh cũng trở lại như cũ".
Nên tham khảo Trần Trọng Kim ?
Trao đổi với VOA, ông Khôi nói rằng phương pháp luận lịch sử của Việt Nam hiện nay ‘nên tham khảo cách nhìn tiến hóa của Trần Trọng Kim nhưng không phải áp dụng hoàn toàn’.
"Tiến hóa luận xã hội ngày nay cũng đã lỗi thời và trở nên nhạy cảm vì nó chi lịch sử ra các giai đoạn từ thấp đến cao nên vô hình chung tạo ra sự phân biệt đối xử", ông phân tích. "Nhưng tinh thần của tiến hóa luận xã hội vẫn chưa chết và vẫn thể hiện rõ trong kinh tế học phát triển vốn nghiên cứu về chiến lược và con đường phát triển của các cộng đồng đang phát triển".
"Điều cần phải tránh là viết sử chỉ tập trung vào chiến tranh. Trong thời đại ngày nay và từ thời Trần Trọng Kim đã nhận ra rằng lịch sử của sự sáng tạo mới là yếu tố quyết định đến sự phát triển của quốc gia", ông nói.
"Đánh nhau với nước ngoài sẽ có ích trong thời điểm chiến tranh chống ngoại xâm nhưng rõ ràng không có ích trong thời đại xây dựng đất nước".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 24/10/2019
Tập đoàn Vingroup của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Việt Nam, vừa bước chân vào ngành hàng không với việc thành lập hãng hàng không Vinpearl Air, báo chí trong nước loan tin.
Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng (thứ hai từ trái sang) đón Thủ tướng New Zealand John Key sau khi ông đến thăm một cửa hang Vinmart ở Hà Nội hồi năm 2015
Với động thái này, Vingroup, vốn được cho là đang chi phối mọi lĩnh vực trong đời sống Việt Nam, từ nhà ở, trường học, bệnh viện, cửa hàng tiện ích, điện thoại thông minh, xe hơi cho đến nghỉ dưỡng, tiếp tục kéo dài danh sách những lĩnh vực kinh doanh theo phương châm của họ là cung cấp mọi dịch vụ cho người dân ‘từ lúc sinh ra cho đến khi qua đời’.
Vào tối ngày 9/7, tờ Tuổi Trẻ dẫn lời đại diện của tập đoàn này cho biết họ vừa thành lập hãng hàng không Vinpearl Air với số vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng với trụ sở chính đặt tại quận Long Biên, Hà Nội.
Cũng theo tờ báo này thì Vinpearl Air là sự đổi tên từ VinAsia và lĩnh vực kinh doanh cũng thay đổi từ bất động sản sang vận tải hàng không dân dụng.
Hiện chưa rõ phân khúc thị trường và chiến lược kinh doanh của Vinpearl Air là gì, nhưng sự ra đời một hãng bay mới được đánh giá là làm thị trường hàng không Việt Nam cạnh tranh thêm gay gắt. Hiện ngoài hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Việt Nam còn có các hãng giá rẻ Vietjet Air, Jetstar Pacific Airlines và mới đây là hãng Bamboo Airways (tức Tre Việt).
Trong một động thái chuẩn bị cho hoạt động của Vinpearl Air, tập đoàn Vingroup thông báo sẽ mở trường đào tạo phi công ở Việt Nam với mục tiêu cung ứng 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường mỗi năm, theo trang mạng VnExpress.
Vinpearl Air, tập đoàn Vingroup thông báo sẽ mở trường đào tạo phi công ở Việt Nam với mục tiêu cung ứng 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế ra thị trường mỗi năm
Theo đó, hai cơ sở đào tạo phi công mà Vingroup thành lập ở Việt Nam có tên gọi là Trường đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành hàng không (VinAviation School) và Trung tâm huấn luyện bay Vinpearl Air (VPA Training Centre). Đây là kết quả của sự hợp tác với Tập đoàn CAE của Canada để tập đoàn này giúp đào tào nhân sự ngành hàng không cho Việt Nam.
VinAviation School được cho là sẽ đào tạo ra các phi công theo tiêu chuẩn của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) và Cơ quan An toàn hàng không Châu Âu (EASA).
Ngoài ra, trường đại học VinUni cũng của tập đoàn Vingroup sẽ mở các ngành đào tạo các ngành quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay.
VnExpress dẫn lời ông Nguyễn Việt Quang, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc Vingroup, nói rằng tập đoàn này đặt mục tiêu ‘giải quyết được bài toán khan hiếm phi công trong nước, đồng thời tiến tới xuất khẩu phi công ra thế giới, nhằm tham gia phát triển các nguồn lực quốc gia, tạo cơ hội cho thế hệ trẻ và đóng góp ngoại tệ cho đất nước’.
‘Vin mọi thứ’
Tập đoàn này cũng đã tung ra mẫu xe hơi VinFast với tham vọng đưa mẫu xe này trở thành một thương hiệu quốc gia của Việt Nam và xây dựng nhà máy sản xuất xe hơi trị giá 3,5 tỷ đô la ở Hải Phòng.
Ngoài ra, tập đoàn này còn sở hữu chuỗi cửa hàng tiện ích VinMart, các khu căn hộ, các trường học VinSchool, Đại học VinUni, khu nghỉ dưỡng VinPearl, bệnh viện VinMec, dược phẩm VinFa, các trung tâm thương mại cao cấp VinCom, dịch vụ vận tải bằng xe điện VinBus, xe máy điện VinFast và điện thoại thông minh Vsmart.
Mới đây, tờ Financial Times của Anh đã đăng bài điều tra của nhà báo John Reed về Vingroup mà trong đó tác giả gọi tập đoàn này là ‘đế chế’.
Theo bài báo này, Vingroup được xem là ‘câu trả lời của Việt Nam đối với mô hình chaebol của Hàn Quốc, tức những tập đoàn đa ngành nghề, đa lĩnh vực và là lá cờ đầu trong ngành kỹ nghệ đất nước như Samsung và Hyundai, vốn không chỉ chi phối thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sản phẩm ra thế giới’.
"Việt Nam đang nhanh chóng trở thành đất nước mà mọi thứ đều là Vin gì đó", bài báo viết.
"Ngày nay, một người Việt Nam thuộc đẳng cấp nào đó có thể sống trong căn hộ của Vinhome, cho con đi học trường VinSchool, đi nghỉ ở resort Vinpearl và sạc xe điện VinFast của họ tại cửa hàng VinMart", bài báo miêu tả.
Nhà báo John Reed cũng nêu ra quan ngại về việc tập đoàn này ‘mở rộng quá mức’ vào những lĩnh vực ‘mạo hiểm và cạnh tranh gay gắt như sản xuất ô tô’ và việc ‘những nhà hoạch định chính sách và các chính trị gia có nguy cơ bị Vingroup sử dụng’ cho mục đích của họ.
Vẫn theo bài báo của Financial Times, Vingroup đã thành công trong việc ‘xây dựng mối quan hệ với giới lãnh đạo ở Việt Nam để bảo vệ cho việc làm ăn của họ’ và dựa vào thể chế chuyên chế ‘để bịt miệng những người chỉ trích họ’.
Bài báo cũng đề cập đến việc tập đoàn này bị chỉ trích vì giành được những miếng đất béo bở trong những vụ chuyển nhượng đất đai ‘không minh bạch’.
‘Cần nhiều Vingroup’
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Đinh Trường Hinh, cựu kinh tế gia trưởng Ngân hàng Thế giới hiện là chủ tịch công ty EGAT ở Washington D.C., nói rằng sự phát triển của Vingroup là ‘điều tốt’ và ‘Việt Nam cần tạo cơ hội cho những tập đoàn tư nhân được phát triển giống như Vingroup, nhất là trong lĩnh vực công kỹ nghệ chứ không phải bất động sản’.
Ông cho rằng ‘Việt Nam cần đến 20, 30 tập đoàn như Vingroup để giúp phát triển kinh tế Việt Nam, nâng cấp kỹ nghệ Việt Nam’.
Trả lời câu hỏi liệu có sự lũng đoạn của Vingroup đối với giới chính trị gia ở Việt Nam để được ưu ái hay không, ông Hinh cho rằng do ‘phương pháp làm việc của Việt Nam lâu nay không rõ ràng’ cho nên ‘chắc cũng có cái gì đó đằng sau mà Tập đoàn Vingroup mới có thể lên nhanh đến vậy’.
"Sự giúp đỡ của chính phủ (cho khu vực tư nhân) phải thật minh bạch, rõ ràng và không kỳ thị ai cả", ông nói. "Bất cứ tập đoàn tư nhân nào miễn là của Việt Nam, dùng trí óc Việt Nam, dùng lao động Việt Nam, sản xuất cho Việt Nam thì phải được chính phủ giúp đỡ".
Ông Hinh cũng cho rằng không nên chỉ trích Vingroup vì những khuyết điểm trong sản phẩm của họ, nhất là dòng xe hơi VinFast.
"Những chuyện này (thiếu sót) thì bất cứ nước nào đang phát triển cũng phải trải qua. Sự phê bình như vậy là không công bằng", ông Hinh nói và dẫn trường hợp xe hơi Toyota lúc đầu cũng gặp ‘không biết bao nhiêu là khuyết điểm’.
Khi được hỏi Việt Nam có nên đi theo mô hình xây dựng các chaebol như của Hàn Quốc không, ông Hinh cho rằng Việt Nam nên vừa xây dựng các chaebol như Hàn Quốc, vừa tập trung phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) theo mô hình của Đài Loan. Hai mô hình này đều có thể là ‘bàn đạp để Việt Nam tiến lên’.
Ông giải thích là các tập đoàn lớn giúp Việt Nam nâng cấp công nghệ và đuổi kịp công nghệ của thế giới trong khi đại bộ phận nền kinh tế của Việt Nam là các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước để tạo ra công ăn việc làm cho đông đảo người dân Việt Nam.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 11/07/2019
Mỹ tuyên bố thẳng thừng Trung Quốc là ‘cường quốc xét lại’ trong chiến lược an ninh mới của mình và gọi những hành động của Trung Quốc là phá hoại ‘trật tự quốc tế dựa trên luật pháp’ trong khi các chuyên gia nhận định rằng chính sách ‘Nước Mỹ trên hết’ của chính quyền Donald Trump khiến Mỹ khó lòng thực thi được chiến lược này.
Từ năm 2013, Trung Quốc đã xây nhiều đảo nhân tạo trên Biển Đông để biến thành những căn cứ quân sự kiểm soát sự đi lại của tàu thuyền trên trục lộ giao thông hàng hải Đông Á
Trong thuật ngữ quan hệ quốc tế, ‘cường quốc xét lại’ (revisionist power) tức là cường quốc mới nổi đòi sắp xếp lại trật tự thế giới có lợi cho mình và do đó đe dọa quyền lợi của ‘cường quốc nguyên trạng’ (status-quo power).
Sự đối đầu giữa ‘cường quốc nguyên trạng’ và ‘cường quốc xét lại’ dẫn đến điều mà các học giả quan hệ quốc tế gọi là ‘bẫy Thucydides’, tức là nguy cơ chiến tranh giữa hai bên. Lịch sử ghi nhận những lần trỗi dậy của ‘cường quốc xét lại’ đều dẫn đến chiến tranh.
Báo cáo Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hôm 1/6 đã đặt ‘cường quốc xét lại’ Trung Quốc là mối đe dọa hàng đầu đối với Mỹ, theo sau là Nga – ‘phần tử hiểm ác đang hồi sinh’ – và cuối cùng là Triều Tiên – ‘quốc gia lưu manh’.
Báo cáo này trình bày về nội dung an ninh, một trong ba trụ cột của chiến lược mới này bên cạnh kinh tế và quản trị.
‘Phá hoại trật tự quốc tế’
Mặc dù thừa nhận là sự trỗi dậy về chính trị, kinh tế, quân sự của Trung Quốc là một trong những yếu tố định hình thế kỷ 21, báo cáo này cho rằng khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đang đối mặt với một Trung Quốc ngày càng tự tin và quả quyết vốn sẵn sàng chấp nhận xung đột để theo đuổi các lợi ích chính trị, kinh tế, an ninh ngày càng rộng lớn của mình.
"Có lẽ không có quốc gia nào hưởng lợi nhiều hơn từ trật tự thế giới và khu vực mở và tự do hơn Trung Quốc", báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ viết. "Ấy vậy mà trong khi người dân Trung Quốc khao khát thị trường tự do, công bằng và pháp trị, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, đã phá hoại trật tự quốc tế từ bên trong bằng cách tận dụng những lợi ích nó đem lại đồng thời làm xói mòn các giá trị và nguyên tắc của trật tự dựa trên pháp luật".
Lầu Năm Góc đánh giá mục tiêu của Trung Quốc trong lúc nước này ngày càng vươn lên về kinh tế và quân sự là ‘bá chủ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong tương lai gần và cuối cùng là áp đảo toàn cầu về lâu dài’.
Để thực hiện mục tiêu này, về quân sự, Bắc Kinh đang đầu tư vào một phạm vi rộng lớn các chương trình quân sự và vũ khí nhằm cải thiện khả năng thực thi sức mạnh, hiện đại hóa năng lực hạt nhân và tiến hành các chiến dịch ngày càng phức tạp trong các lĩnh vực như không gian, không gian mạng và tác chiến điện tử.
"Trung Quốc cũng đang phát triển một loạt các năng lực chống tiếp cận vốn có thể được dùng để ngăn các nước hoạt động ở những khu vực ngoài biên của họ, trong đó có vùng trời và vùng biển vốn mở rộng cho các nước sử dụng", báo cáo viết.
Lầu Năm Góc chỉ ra hai khu vực đáng lo ngại với các hoạt động quân sự của Trung Quốc là Biển Đông và eo biển Đài Loan. Ở Biển Đông, Trung Quốc bị chỉ trích là tiếp tục quân sự hóa vùng biển này với việc lắp đặt các phi đạn hành trình chống hạm và phi đạn đất đối không tầm xa trên những thực thể có tranh chấp thuộc quần đảo Trường Sa và triển khai các lực lượng bán quân sự trong các tranh chấp lãnh thổ với các nước khác.
"Những hành động này làm nguy hại cho dòng chảy thương mại tự do, đe dọa chủ quyền của các quốc gia khác và phá hoại ổn định khu vực. Những hành động như thế không nhất quán với các nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do", báo cáo viết.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng chỉ ra rằng ‘Trung Quốc sử dụng tuần tự các bước đi nhỏ, dần dần, nằm ở khoảng giữa quan hệ hòa bình và thù địch công khai để đạt được mục tiêu của mình trong khi giữ cho chúng dưới ngưỡng của một cuộc xung đột vũ trang". Chiến lược này biết đến với tên gọi ‘vùng xám’ do tính lờ mờ, không rõ ràng của nó khiến các nước bị ảnh hưởng khó lòng đáp trả quả quyết.
Còn đối với Đài Loan, Giải phóng quân Nhân dân Trung Quốc đã tăng cường tuần tra xung quanh vùng trời Đài Loan với các máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và máy bay do thám.
"Trong thập niên qua, Trung Quốc tiếp tục tập trung vào các năng lực chuẩn bị cho các tình huống liên quan đến Đài Loan. Trung Quốc không bao giờ từ bỏ sử dụng sức mạnh quân sự đối với Đài Loan và tiếp tục phát triển cũng như triển khai các khí tài quân sự tối tân cần cho một chiến dịch quân sự có khả năng", báo cáo viết.
‘Bắt nạt về kinh tế’
Báo cáo chiến lược mới của Mỹ cũng nêu mối quan ngại về những hành vi kinh tế mang tính ‘bắt nạt’ của Trung Quốc đối với các nước nhỏ có tranh chấp. Đây là điểm mới so với chiến lược tái cân bằng dưới thời của cựu Tổng thống Barack Obama trong bối cảnh chính quyền Donald Trump có tranh chấp với Trung Quốc trên một loạt vấn đề từ thương mại đến các chính sách cạnh tranh không công bằng.
Trong những hành vi kinh tế mang tính ‘bắt nạt’, Trung Quốc đã sử dụng các biện pháp phi quân sự, bao gồm các công cụ kinh tế, để gây sức ép với các nước có căng thẳng chính trị với Trung Quốc.
"Trung Quốc sử dụng các biện pháp dẫn dụ và trừng phạt về kinh tế, các chiến dịch gây ảnh hưởng kết hợp cùng đe dọa quân sự ngầm để thuyết phục các nước tuân theo nghị trình của họ", báo cáo viết.
Theo Lầu Năm Góc thì đầu tư của Trung Quốc ‘thường đem đến những tác động kinh tế tiêu cực hay cái giá phải trả đối với chủ quyền của những nước tiếp nhận đầu tư’ do sự đầu tư và cấp vốn của Trung Quốc ‘bỏ qua những cơ chế thị trường thông thường’ sẽ ‘dẫn đến chuẩn mực thấp và giảm thiểu cơ hội cho các công ty và nhân công bản địa và gây tích lũy nợ đáng kể’.
"Các thỏa thuận làm ăn khuất tuất và một chiều không nhất quán với các nguyên tắc của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do".
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ không hề thay đổi phạm vi hoạt động dưới chiến lược mới "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương mở và tự do "
Báo cáo dẫn lời của Đô đốc Philip S. Davidson, Tư lệnh Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong một buổi điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện hồi tháng 2 năm nay rằng cách vận dụng các đòn bẩy kinh tế của Bắc Kinh ‘có thể làm tổn hại đến quyền tự quyết của các nước trong khu vực… tiền đến dễ dàng trong ngắn hạn nhưng đều đi kèm điều kiện ràng buộc, nợ không bền vững, tính minh bạch sụt giảm, những giới hạn của nền kinh tế thị trường và khả năng mất kiểm soát tài nguyên thiên nhiên’.
Tuy nhiên, báo cáo nói rằng Mỹ ‘không chống đối những hoạt động đầu tư của Trung Quốc miễn là họ tôn trọng chủ quyền và pháp trị, cấp vốn có trách nhiệm, và hoạt động một cách minh bạch và bền vững về kinh tế’.
"Nhưng Mỹ có quan ngại nghiêm trọng đối với khả năng Trung Quốc biến những gánh nặng nợ không bền vững của các nước mượn nợ thành quyền tiếp cận chiến lược và quân sự cho Trung Quốc, bao gồm việc chiếm hữu các tài sản thuộc chủ quyền quốc gia làm vật thế nợ", báo cáo viết.
‘Không nhất thiết xung đột’
Trên tờ Diplomat, nhà phân tích chính trị Ankit Panda bình luận rằng việc báo cáo này xem Trung Quốc là ‘đối thủ cạnh tranh chiến lược’ là điều khác biệt đáng quan trọng nhất nhưng cũng ít gây bất ngờ nhất so với chiến lược ‘xoay trục’ hay ‘tái cân bằng’ sang Châu Á của ông Obama vốn là nền tảng chủ chốt cho chiến lược mới này dựa vào để phát triển thêm.
"Chính quyền Obama, vốn rất không muốn đối đầu hay cạnh tranh trực tiếp với Trung Quốc, đã né tránh gọi Trung Quốc là ‘cường quốc xét lại’ và giữ cho cơ chế cạnh tranh với Bắc Kinh ở mức độ ngấm ngầm. Việc báo cáo chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đưa điều này thành chủ đề trọng tâm là điều ít gây ngạc nhiên nhất", ông Panda phân tích.
Trao đổi với VOA, Giáo sư Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng Autralia, nói rằng việc Mỹ gọi Trung Quốc là ‘cường quốc xét lại’, vốn đã xuất hiện từ Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, không nhất thiết có hàm ý nói về sự xung đột không thể tránh khỏi giữa hai nước mà là Trung Quốc ‘đang hành xử không tuân thủ luật lệ và chuẩn mực’.
"Bản báo cáo đã nói hết sức thành thực rằng Trung Quốc tìm cách trở thành bá chủ ở khu vực Thái Bình Dương và muốn có trở thành cường quốc áp đảo toàn cầu. Cho nên đó là thách thức đối với Mỹ", ông Thayer giải thích.
"Trung Quốc đang có sự phát triển quân sự cũng như kinh tế và không gian mạng – điều này có nghĩa là Trung Quốc có thể dùng thế mạnh này để thúc đẩy lợi ích của họ", ông nói thêm. "Và điều này thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ".
Tuy nhiên, ông Thayer cũng lưu ý rằng bản báo cáo của Lầu Năm Góc cũng nói rằng nếu quân đội hai nước tiếp tục gặp gỡ và cùng nhau xác định các luật lệ để hành xử thì họ có thể tránh hiểu lầm và do đó giảm nhẹ nguy cơ về một cuộc đối đầu không tránh khỏi giữa cường quốc xét lại và cường quốc nguyên trạng.
Theo ông Thayer thì bản báo cáo nhấn mạnh việc Trung Quốc có những hành động quả quyết nhưng ‘giữ cho chúng dưới ngưỡng gây ra một cuộc xung đột’, tức chiến thuật ‘vùng xám’, và nhờ vào đó, họ từng bước họ có thể làm xói mòn vị thế áp đảo mà Mỹ có được ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương kể từ khi kết thúc Đệ nhị Thế chiến.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng cách đánh giá Trung Quốc của chính quyền Trump khác với chiến lược ‘tái cân bằng’ của chính quyền Obama như thế nào, ông Thayer nói chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘thẳng thừng hơn’ trong việc chỉ đích danh những ‘hành vi xấu’ của Trung Quốc.
"Sự ‘xoay trục’ của chính quyền Obama chỉ là nói rằng lợi ích của nước Mỹ nằm ở Châu Á-Thái Bình Dương đang vươn lên do sức nặng kinh tế quan trọng của khu vực này cho nến Mỹ phải xác định lại các ưu tiên", ông giải thích.
Tuy nhiên ông cho rằng việc gọi tên là ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ chỉ là một sự ‘thay đổi cách gọi’ so với thời Obama.
"Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ không hề thay đổi phạm vi hoạt động dưới chiến lược mới này", ông nói và bày tỏ nghi ngờ rằng chính quyền Trump sẽ thật sự chú tâm đến khu vực này khi mà nguồn lực của nước Mỹ tiếp tục bị căng ra cho nhưng ưu tiên khác trong lúc ông Trump đang bận tâm về vấn đề Iran".
Sự thất thường của ông Trump
Mặc dù khen ngợi bản báo cáo của Lầu Năm Góc về chiến lược mới, ông Thayer nói rằng từng vấn đề cụ thể nào muốn thành hiện thực ‘đều phải thu hút sự chú ý của ông Trump’.
"Cho dù chiến lược có tốt cũng trở thành vô nghĩa bởi vì anh phải thực hiện những gì Tổng thống muốn", ông nói.
"Anh có một chiến lược về quân sự quốc phòng có gắn kết với khía cạnh kinh tế. Và nếu ông Trump có thể đạt được thỏa thuận với ông Tập (về thương mại tại hội nghị thượng đỉnh G-20 sắp tới ở Nhật), ông ấy có thể ra bất cứ quyết định nào về chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nếu muốn", ông nói thêm.
"Do đó nó khiến các đồng minh của Mỹ bất an".
Khi được hỏi mục tiêu ‘kết nối’ (promoting a networked region), tức là lôi kéo các nước đồng minh và đối tác của Mỹ cùng xây dựng một mạng lưới an ninh chung, như báo cáo nêu ra có thể thực hiện được hay không khi ông Trump dị ứng với chủ nghĩa đa phương và đề cao phương châm ‘Nước Mỹ trên hết’, ông Thayer nhắc lại trên vấn đề thương mại, chính sách của ông Trump chỉ là ‘quý vị hoặc phải đạt thỏa thuận thương mại với chúng tôi hoặc chúng tôi sẽ đánh thuế quý vị’.
Ông đưa ra ví dụ là ông Trump đe dọa các đồng minh Nhật và Hàn Quốc phải tái đàm phán các thỏa thuận thương mại với Mỹ trong khi Mỹ có lợi ích an ninh chung với các nước này trên vấn đề Triều Tiên và gọi đó là ‘chiến lược rối rắm của Mỹ’.
"Không có chủ nghĩa đa phương gì hết trên vấn đề kinh tế trong chiến lược của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương", ông nói và dẫn ra việc ông Trump đã hủy Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) từ thời Obama ngay khi lên nắm quyền trong khi Việt Nam, một đối tác quan trọng trong chiến lược an ninh của Mỹ, là nước được hưởng lợi nhiều nhất.
Trong khi đó, Trung Quốc đã đổ tiền bạc để thực hiện Ý tưởng Vành đai-Con đường nhằm lôi kéo các nước về phía mình, còn ông Trump đã bỏ qua các diễn đàn khu vực ở Singapore và Papua New Guinea hồi năm ngoái để cho phó Tổng thống Mike Pence đi thay.
"Chủ nghĩa đa phương là vấn đề rất được coi trọng ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và nhất là đối với các nước ASEAN. Trung Quốc đang làm tốt hơn Mỹ bằng cách xuất hiện (tại các diễn đàn khu vực) và vung tiền ra", ông Thayer giải thích.
Vì sự rối rắm, không rõ ràng và thiếu nhất quán trong các chính sách của ông Trump mà các nước trong khu vực ‘phải đề phòng’ bởi vì ‘họ không biết mọi chuyện sẽ xảy đến như thế nào’, ông phân tích, chẳng hạn bất thình lình ông Trump quyết định đánh thuế đối với Việt Nam.
Ông Thayer dẫn lại câu trả lời của ông Trump trong một cuộc phỏng vấn với New York Times hồi năm 2017 rằng vũ khí của ông để giải quyết tất cả mọi vấn đề trên thế giới, từ khủng hoảng cho đến đàn áp, là ‘thuế quan và thuế quan’.
Ông cho rằng việc ông Trump chỉ tập trung vào cán cân thương mại trong các vấn đề ở khu vực đã ‘bóp méo bản chất mối quan hệ’ và cách hành xử của Mỹ ‘làm suy yếu vai trò lãnh đạo’ của chính họ trong khu vực.
"Nếu anh nhảy lên một con tàu mà có thể đổi hướng ngay ngày mai thì anh sẽ về đâu ?" ông nói ví von về lập trường các nước trong khu vực trước sự thất thường của Mỹ.
Biển Đông bị đẩy ra sau ?
Khi được hỏi nếu ông Trump quan tâm đến vấn đề thương mại như vậy, liệu ông có bỏ qua hay coi nhẹ Biển Đông hay không, ông Thayer cho rằng nếu ông Trump có thể đạt được thỏa thuận thương mại với Trung Quốc, ông có thể đề cao khả năng đàm phán của mình để đem lại lợi ích cho nước Mỹ với các cử tri. Do đó, vấn đề Biển Đông có thể bị đẩy ra ngoài danh sách ưu tiên (của ông Trump).
"Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã nói về việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo trên Biển Đông. Nhưng sau đó chúng ta hiếm khi nghe ông Trump nói một lời về việc này bởi vì ông ấy tập trung vào thỏa thuận thương mại với Trung Quốc", ông Thayer nêu ví dụ và cho rằng Biển Đông sẽ càng bị lu mờ trong nghị trình của chính quyền Trump nếu căng thẳng dâng cao ở eo biển Đài Loan.
Ông cũng chỉ trích việc báo cáo chiến lược mới này chỉ nêu việc Trung Quốc triển khai khí tài ra các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông mà không nêu ra chiến lược gì để đối phó và để buộc Trung Quốc ‘phi quân sự hóa’.
"Chúng ta không thật sự thấy điều này mà chúng ta chỉ thấy hành động nhỏ giọt", giáo sư Thayer nói. "Hải quân Mỹ vẫn duy trì các cuộc tuần tra tự do hàng hải thường xuyên nhưng các cuộc tuần tra này không thách thức chủ quyền quá mức của Trung Quốc trên Biển Đông".
"Theo tôi thì Mỹ không có một chiến lược bao trùm để kết nối các biện pháp kinh tế quân sự lại với nhau để hướng đến một nỗ lực nhất định".
"Do đó Biển Đông được để cho sôi nhẹ, được để lại phía sau và vẫn chưa liên quan đến các cuộc đàm phán thương mại", ông Thayer nói thêm.
"Mỹ muốn điều gì ? Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do ? Tự do thương mại ? Thế còn phi quân sự hóa Biển Đông vốn là tuyến hàng hải huyết mạch của thế giới thì sao ?" giáo sư Thayer đặt vấn đề.
Khó lôi kéo các nước ?
Khi được yêu cầu so sánh giữa hai chiến lược ‘Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do’ của chính quyền Trump và ‘tái cân bằng’ (tức ‘xoay trục’) của chính quyền Obama, chuyên gia này cho rằng chiến lược mới ‘tìm cách xử lý toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bao gồm các đảo quốc Nam Thái Bình Dương.’
"Nhiều yếu tố trong chính sách xoay trục của ông Obama, chẳng hạn như triển khai thêm nhiều máy bay hiện đại, nhiều tàu chiến đến khu vực vẫn sẽ tiếp tục", ông Thayer nói.
Tuy nhiên, giáo sư Thayer cho rằng trong khi ông Obama chuyển toàn bộ sự quan tâm từ khu vực Trung Đông của chính quyền George W. Bush sang khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và tập trung xây dựng cơ chế đa phương, thì ông Trump đã đảo ngược cam kết đối với thỏa thuận hạt nhân Iran khiến tình hình Iran tồi tệ hơn làm cho chính quyền ông khó lòng tập trung vào khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
"Và chính quyền Trump đã làm suy giảm cơ chế đa phương vốn làm suy yếu cấu trúc của khu vực một cách cơ bản".
Vẫn theo giáo sư Thayer, việc chiến lược mới của Mỹ dùng vấn đề chủ quyền để kêu gọi sự hợp tác của các nước đối phó Trung Quốc sẽ không hiệu quả.
Ông nêu trường hợp Việt Nam ‘sẽ nghe theo Mỹ ở một mức độ nào đó’ nhưng nước này ‘không muốn bị rơi vào cái bẫy nếu như họ liên minh vĩnh viễn với Mỹ chống lại Trung Quốc’.
Campuchia là một trường hợp còn khó hơn, theo ông Thayer, vì Mỹ không thể dùng vấn đề chủ quyền quốc gia ra chiêu dụ Phnom Penh được trong lúc chính quyền Hun Sen phá hoại dân chủ và đàn áp khốc liệt phe đối lập.
"Nếu anh là Hun Sen ở Campuchia với chế độ một đảng (CPP) thì Trung Quốc sẽ không làm gì anh chừng nào anh vẫn còn nhờ vả họ và chừng nào anh vẫn còn ủng hộ các chính sách của họ. Tôi không biết Mỹ sẽ nói với Campuchia là chúng tôi sẽ giúp bảo vệ chủ quyền của quý vị như thế nào trong khi các nhà lập pháp Mỹ sẽ chĩa mũi dùi vào các vấn đề nhân quyền", ông giải thích.
Riêng về Úc, một đồng minh thân cận có hiệp ước với Mỹ, ông Thayer cho rằng Úc cũng trong thế khó không thể hùa về cùng với Mỹ đối phó Trung Quốc.
"Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Khi nước Mỹ trong chiến lược của mình đề cập đến an ninh mạnh, ăn cắp sở hữu trí tuệ… chúng tôi (ông Thayer là người Úc) đã chịu tất cả các hình thức chiến tranh chính trị và tạo ảnh hưởng của Trung Quốc", ông Thayer phân tích. "Nhưng chúng tôi không thể quay lại chống Trung Quốc vì Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn".
"Nước nào (trong khu vực) sẽ có lập trường chống Trung Quốc đây ? Myanmar, Campuchia, hay Thái Lan ? Kể cả Malaysia vốn độc lập hơn nhưng cũng không chống Trung Quốc".
Trên tờ Diplomat, ông Prashanth Parameswaran, biên tập cấp cao của tờ báo này, cũng có nhận định tương tự rằng chiến lược mới của Mỹ sẽ gặp khó khăn trong việc chiêu dụ các nước – bao gồm cả các đối tác hiện tại mà nguyên nhân ông chỉ ra là ‘sự không sẵn sàng’ hay ‘bất an với các chính sách của chính quyền Trump vốn làm tổn hại các nguyên tắc chi phối của một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mở và tự do, chẳng hạn chủ nghĩa bảo hộ hay sự ngờ vực đối với các luật lệ và thỏa thuận quốc tế.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 22/06/2019
Việt Nam, nước sắp đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN vào năm 2020, sẽ đóng vai trò quan trọng trong lúc Hoa Kỳ sắp sửa triển khai giai đoạn đầu của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà Washington vừa công bố tại diễn đàn an ninh khu vực Đối thoại Shangri-La ở Singapore hồi đầu tháng.
Tầm quan trọng của hợp tác Mỹ và các nước tiểu vùng sông Mê Kông
Hầu hết các quan chức cấp cao về ngoại giao và quốc phòng của Mỹ đều nhấn mạnh quan hệ đối tác với Việt Nam tại hội thảo nhan đề ‘Diễn đàn Ngoại giao Meridian : Các nước sông Mê Kông’ do Trung tâm Quốc tế Meridian tổ chức hôm 6/6 tại thủ đô Washington D.C.
Tiểu vùng sông Mekong bao gồm năm quốc gia lục địa của ASEAN : Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Tính tổng cộng, năm nước này có dân số 240 triệu người và GDP trên 800 tỷ đô la.
Nhận thức về tầm quan trọng của khu vực này, bản thân Hoa Kỳ cũng đã có những cơ chế riêng để hợp tác với các nước thuộc lưu vực sông Mekong, trong đó có Sáng kiến Hạ nguồn sông Mekong (LMI) vốn sẽ đánh dấu kỷ niệm 10 năm thành lập trong năm nay.
Đối tác ‘ngày càng quan trọng’
Mặc dù trong 5 nước này chỉ có Thái Lan là nước có quan hệ đồng minh theo hiệp ước với Mỹ, nhưng Việt Nam lại được đánh giá là ‘đối tác ngày càng quan trọng’, ông Mark Clark, quyền phó trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ, Văn phòng Đông Á và Thái Bình Dương sự vụ, phát biểu tại buổi hội thảo.
Ông Randall Schriver, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách An ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng có nhận định như thế về tầm quan trọng của Việt Nam đối với Mỹ trong chiến lược an ninh mới của Washington trong khu vực.
"Những quốc gia mà chúng ta đề cập hôm nay đều có vai trò chủ chốt trong chiến lược của Mỹ", ông nói.
Ông chỉ ra liên tục các chính quyền Mỹ khác nhau đều đã tích cực xây dựng mối quan hệ với Việt Nam và cho rằng chính quyền của Tổng thống Donald Trump ‘đưa quan hệ này lên một mức độ cao hơn nữa’ với việc bản thân ông Trump đã đến Hà Nội hai lần trong vòng 3 năm – tức tương đương với số lần ông viếng thăm các nước đồng minh quan trọng (Anh, Pháp, Nhật) – trong khi cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis đã thăm Việt Nam hai lần khi còn tại chức. Ông cũng lưu ý Việt Nam đã đứng ra tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh lần hai giữa ông Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.
Còn bà Piper Campbell, một nhà ngoại giao cao cấp từng là đại biện của Mỹ ở ASEAN, cho rằng Việt Nam ‘đóng vai trò rất quan trọng trong ASEAN vào năm tới’ khi mà một trong những vấn đề trọng tâm của ASEAN sẽ là tăng cường kết nối trong phạm vi nội khối và giữa ASEAN với thế giới.
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Hà Kim Ngọc, phát biểu tại diễn đàn rằng trọng tâm của Việt Nam khi nắm chức chủ tịch ASEAN là ‘xây dựng cơ sở hạ tầng’ để tăng cường kết nối, trong đó có việc thực hiện Kế hoạch Hành động Hà Nội cho Đại khu vực Mekong (tức bao gồm cả Trung Quốc).
"Giao thông là hết sức quan trọng", ông Ngọc nói, "Chúng tôi đang cần số tiền đầu tư 48 tỷ đô la Mỹ (vào cơ sở hạ tầng)".
Trung Quốc hiện đang lôi kéo các nước trong khu vực tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng do nước này bỏ vốn trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường.
"Chúng tôi hết sức cần sự hợp tác của Mỹ trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng và năng lượng tái tạo", ông Ngọc nói.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng Mỹ có sẵn sàng nâng cấp quan hệ ‘đối tác toàn diện’ Việt-Mỹ thành ‘đối tác chiến lược’ hay không, ông Jim Webb, cựu thượng nghị sỹ liên bang Hoa Kỳ, nói rằng ‘bất cứ khi nào chúng tôi có thể cải thiện quan hệ với Việt Nam thì chúng tôi nên làm’.
Trả lời câu hỏi cũng của VOA về làm sao Mỹ-Việt có thể mở rộng quan hệ chiến lược mà không chọc giận Trung Quốc, ông Webb lưu ý rằng Việt Nam ‘luôn muốn đảm bảo rằng họ nằm ở giữa các cường quốc (tức không ngả về một bên nào)’.
"Họ muốn có quan hệ với Nga, với Mỹ và lại muốn không làm tổn hại quan hệ với Trung Quốc một cách không cần thiết", ông nói và lưu ý Việt Nam đã đi từ chỗ hoàn toàn lệ thuộc vào Liên Xô đến xây dựng một chính sách đối ngoại phức tạp như hiện nay.
‘Lợi ích an ninh chung’
Các quan chức tham dự hội thảo cũng nhấn mạnh về mối liên hệ về an ninh giữa Mỹ với các nước tiểu vùng Mekong nói riêng và ASEAN nói chung.
"Các nước Mekong và cả khối ASEAN chia sẻ nhiều lợi ích chung chiến lược với chúng tôi trong việc xây dựng trật tự dựa trên luật pháp, tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng độc lập quốc gia, chủ quyền lãnh thổ và chế độ chính trị với vai trò trung tâm của ASEAN", Đại sứ Ngọc nói.
Tại hội thảo, ông Randall Schriver đã tóm tắt ba đường hướng chính của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà ông gọi là ‘ba chữ P’, bao gồm ‘Preparedness’, ‘Partnership’ và ‘Promoting a networked region’.
Trước hết, ‘Preparedness’, tức chuẩn bị sẵn sàng, là tăng cường năng lực phối hợp lực lượng giữa các nước trong bối cảnh Mỹ chuyển từ các cuộc chiến mà họ tham gia lâu nay sang các cuộc cạnh tranh mới.
Thứ hai, ‘Partnership’, tức quan hệ đối tác, nhấn mạnh việc Mỹ tăng cường phát triển quan hệ an ninh với các nước trong khu vực mà theo ông giải thích là ‘Mỹ rất lệ thuộc vào các đối tác để có thể tiếp cận, đặt căn cứ và dựa vào các đóng góp hậu cần khi dính đến an ninh chung’ do Mỹ không phải là một quốc gia ở châu Á.
Chữ P thứ ba, ‘Promoting a networked region’, tức thúc đẩy một khu vực kết nối, nhấn mạnh vào việc hợp tác đa phương để đương đầu với các thách thức trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trong khi cấu trúc an ninh có sẵn của Mỹ trong khu vực chủ yếu là song phương với một số quan hệ đồng minh có hiệp ước trong khuôn khổ ‘hub and spoke’ (tức trục và nan hoa)
"Chúng tôi muốn các nước đông nam Á có thể góp phần bảo vệ các lợi ích chung và đảm bảo rằng các vùng biển quốc tế vẫn là vùng biển quốc tế", trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Randall Schriver nói và cho biết Mỹ ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN và sẽ có cuộc tập trận hải quân giữa Mỹ-ASEAN lần đầu tiên vào cuối năm nay.
Đại sứ Hà Kim Ngọc nói các khuôn khổ hợp tác giữa vùng Mekong với Mỹ như LMI hay ‘Những người bạn của Vùng hạ Mekong’ đã cho phép hai bên cùng làm việc trên nhiều vấn đề như an ninh, bảo vệ môi trường, đấu tranh với tội phạm xuyên quốc gia, chống buôn bán ma túy và buôn người.
Một số nguyên tắc của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương trùng khớp với tầm nhìn của ASEAN về bảo vệ chủ quyền và luật pháp quốc tế, ông Schriver cho hay.
"Nếu quý vị nói là bảo vệ chủ quyền là quan trọng, bảo vệ luật pháp quốc tế là quan trọng thì chúng ta có thể cùng làm việc với nhau về những nội dung đó", ông nói. "Chúng tôi đồng ý với nguyên tắc nền tảng của quý vị là không muốn phải chọn phe giữa chúng tôi và Trung Quốc".
Ông cho biết trong giai đoạn đầu tiên thực thi chiến lược mới, việc Mỹ có thể làm trước mắt là ‘bắt đầu xây dựng năng lực cho các nước đối tác’.
‘Bất an về Trung Quốc’
Về phần mình, ông Mark Clark cũng thừa nhận rằng lưu vực sông Mekong là ‘trọng tâm đặc biệt của chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương’ và nhấn mạnh những nguyên tắc trong chiến lược này là cam kết đối với chủ quyền lãnh thổ, sự minh bạch trong quản trị, vai trò trung tâm của Asean, trật tự dựa trên pháp trị và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Trở về từ một chuyến công tác đến khu vực không lâu, ông Clark nói ông cảm nhận được các nước trong khu vực ‘rất hồ hởi về vai trò mạnh mẽ của Mỹ trong khu vực’.
"Tuy nhiên, phía dưới có một cảm giác bất an, lo lắng về áp lực của Trung Quốc đối với các nước để đi theo dự án ‘Một vành đai, Một con đường’ và áp lực phải ngày càng lệ thuộc kinh tế vào Bắc Kinh", ông nói.
"Một số người trong khu vực đang lo lắng về việc Trung Quốc thúc đẩy phạm vi ảnh hưởng và áp dụng các chiến thuật mà chúng ta thấy trên Biển Đông để mở rộng dần dần phạm vi kiểm soát một cách tinh vi theo lát cắt salami".
"Chúng tôi không có chính sách đòi các quốc gia vùng Mekong phải hạn chế quan hệ kinh tế với Trung Quốc, nhưng chúng tôi ủng hộ quyền của các nước được chọn lựa và cân nhắc kỹ trước khi họ đi theo con đường có nguồn vốn dễ dàng để trở nên quá phụ thuộc và tác động của việc này đối với chủ quyền của họ trong tương lai", ông nói thêm.
Cựu Thượng nghị sỹ Jim Webb thì cho rằng vai trò của Mỹ như là một nhà đảm bảo được chấp nhận cho ổn định khu vực là ‘điểm mạnh nhất’ cho quan hệ giữa Mỹ và các nước trong khu vực trong tương lai.
Ông Webb cũng chỉ trích mạnh mẽ lập trường của Trung Quốc muốn giải quyết song phương với riêng từng nước trong các vấn đề của lưu vực sông Mekong cũng như trên Biển Đông và cho rằng các vấn đề này ‘cần giải pháp đa phương’.
"Trung Quốc khăng khăng đòi giải quyết toàn bộ vấn đề Biển Đông trong khuôn khổ song phương mà điều này có nghĩa là sẽ không bao giờ giải quyết được hay giải quyết theo ý đồ Trung Quốc", ông Webb nói. "Trên vấn đề sông Mekong, anh không thể giải quyết song phương với từng nước về các đập thủy điện mọc lên ở bên phía Trung Quốc được mà anh phải đưa nó tới bàn đàm phán để có cuộc thương thảo đa phương".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 08/06/2019
Về Việt Nam để gần gũi với người thân cũng như được đón một không khí Tết trọn vẹn hơn ở hải ngoại là lý do một số người Việt sống ở nước ngoài muốn về Việt Nam trong ngày lễ trọng nhất của dân tộc Việt Nam trong năm.
Một con đường bán những đồ trang trí cho ngày Tết ở Việt Nam
Vào lúc này, khi chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến Tết Âm lịch Kỷ Hợi, trong lúc người dân trong nước đang tất bật chuẩn bị cho ngày Tết thì Việt kiều ở khắp nơi trên thế giới cũng lũ lượt về nước ăn Tết.
Tình trạng này đã gây nên sự tắc nghẽn ở sân bay Tân Sơn Nhất. Theo báo Pháp luật thì bắt đầu từ giữa tháng 1 năm 2019 thì số lượng Việt kiều về qua cửa ngõ Tân Sơn Nhất ‘tăng đột biến’ kéo theo ‘hàng ngàn người từ nhiều tỉnh thành lân cận tổ chức các chuyến xe gia đình đến đón người thân’.
‘Không khí rộn ràng’
VOA đã phỏng vấn một số Việt kiều về nước ăn Tết trong dịp này để tìm hiểu về ngày Tết của họ ở Việt Nam.
Ông Chí Tâm, một nghệ sĩ cổ nhạc và cải lương nổi tiếng trước năm 1975 hiện vẫn đang hoạt động ở hải ngoại, cho biết ông về Việt Nam dịp này vừa để ăn Tết vừa để tham gia trình diễn trong các chương trình văn nghệ mà các nhà tổ chức đã mời ông từ trước.
Trao đổi với VOA từ quê vợ của ông ở thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, ông Chí Tâm cho biết ông vừa tham gia buổi trình diễn gây quỹ trùng tu một ngôi đình thần ở xã Khánh An do doanh nghiệp đứng ra tài trợ mời nghệ sĩ xuống hát cho bà con ở vùng sâu vùng xa.
"Buổi biểu diễn quy tu hàng ngàn khán giả đến xem trong không khí rộn ràng khi Tết gần đến", ông Chí Tâm, người hiện đang định cư ở Quận Cam, bang California, nói.
Ông nói ông về quê ăn Tết ‘có bà con thân thuộc, có anh em chào đón mình’ nên ông cảm thấy gần gũi hơn. Năm nay là lần thứ hai ông đón Tết ở Việt Nam sau lần về vào năm 2016 kể từ khi ông định cư ở hải ngoại.
Ông cho biết những ngày này ở Thành phố Hồ Chí Minh không khí Tết đã rộn ràng với ‘đường phố giăng đèn kết hoa’ rất nhiều.
Khi được hỏi về cái Tết của cộng đồng người Việt ở Quận Cam, nơi được xem là ‘thủ đô của người Việt hải ngoại, ông nói không khí ăn Tết ở quanh thương xá Phước Lộc Thọ hay đường Bolsa cũng ‘rất vui’ nhưng không được kéo dài như ở trong nước.
"Các chùa, các nhà thờ quanh vùng đều có tổ chức đón giao thừa, có chương trình văn nghệ", ông nói. "Nếu Tết rơi vào ngày cuối tuần sẽ vui hơn còn nếu rơi vào ngày trong tuần thì bà con còn phải về sớm để chuẩn bị ngày mai đi làm".
Ông cho biết nghi lễ ngày Tết của người Việt ở Quận Cam ‘cũng cố gắng tham khảo ý kiến của các bậc tiền bối để giữ được những nét thuần túy của dân tộc’ nhưng do điều kiện thiếu thốn nhân sự có chuyên môn, thiếu thốn dụng cụ nên không được trọn vẹn.
"Ở trong nước đầy đủ hơn, mỗi địa phương đều có tổ chức lễ hội xuân", ông nói thêm, "Không chỉ có những sự kiện do chính quyền tổ chức mà có những doanh nghiệp, tư nhân tổ chức những buổi lễ tất niên, tân niên, cúng ông Táo, rồi những lễ hội dân gian như cúng Đình, cúng Chùa nữa".
Nghệ sĩ Chí Tâm về nước ăn Tết cùng vợ nhưng các con của ông ‘do bận đi học nên không về cùng được’. Nhưng ông nói rằng bây giờ nhờ vào công nghệ hiện đại nên lúc nào ông cũng có thể gọi điện để thấy mặt con cái nên ‘không cảm thấy xa vắng’.
Khi được hỏi cảm nhận của ông về đời sống người dân trong nước, ông nói ‘tốt hơn, sung túc hơn’ mặc dù ‘ở đâu cũng có người giàu người nghèo’.
"Nhiều doanh nghiệp nổi lên, có thêm nhiều cao ốc, nhiều chung cư giải quyết vấn đề nhập cư cho người dân", ông cho biết nhưng cũng than phiền về vấn đề kẹt xe ở các thành phố lớn khiến mất thời gian di chuyển gấp đôi.
Mặc dù vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm đối với người Việt hải ngoại mà ông cho rằng ‘có kháng thể yếu hơn người dân trong nước’ cũng là một điều đáng lo nhưng ông cho rằng ‘nếu kỹ lưỡng thì không có gì phải ngại’. Tương tự, ông cho rằng giao thông mặc dù lộn xộn nhưng nếu chú ý gìn giữ an toàn thì ‘không phải là điều lo lắng lớn lắm’.
‘Vui hơn bên Pháp’
Bà Hà Mỹ Xuân, vốn cũng là một nghệ sĩ cải lương có tên tuổi ở Sài Gòn trước năm 1975 và nhiều năm qua đã định cư ở thủ đô Paris của Pháp, cho biết ngày Tết ở Việt Nam ‘lớn và vui hơn ở bên Pháp nhiều’.
"Ở bên Pháp chỗ nào có người Việt nhiều thì mới có không khí Tết nhiều", bà nói và cho biết vào ngày Tết ‘cũng có múa lân, đốt pháo’.
"Chỉ có Quận 13 ở Paris có người nhiều Asiatique (Á Đông) thì mới vui còn những chỗ khác không có gì là nhộn nhịp hết".
Bà Hà Mỹ Xuân hiện đang ở thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam, và qua Tết bà mới quay lại Pháp, bà cho biết.
Khi được hỏi các gia đình người Việt ở Pháp có duy trì phong tục ngày Tết giống như ở Việt Nam không, bà Xuân nói ‘một hai gia đình tụ lại một nhà ăn cơm để đón Tết chứ làm giống như ở Việt Nam thì không có đâu’.
"Tuy nhiên nếu đó là ngày đi học đi làm trong tuần thì cũng như những ngày bình thường thôi".
Bà Hà Mỹ Xuân cho biết bà sẽ về quê ở Long Xuyên, tỉnh An Giang, ăn Tết vì ‘mồ mả cha mẹ ở đó’. Bà nói bà về quê ăn Tết với các em Út và các cháu.
Theo bà thì ngày Tết ở Việt Nam thì ‘ở dưới quê vui hơn thành phố’ vì ‘Sài Gòn mấy ngày Tết vắng nhiều do người ta về quê hết’.
Điều làm bà nhớ nhất về ngày Tết Việt Nam, theo bà Xuân, là ‘tình cảm gia đình’. Bà giải thích rằng ngày Tết ở bên Pháp chỉ có vợ chồng hai chị em bà còn khi bà về nước ăn Tết có đông thân nhân hơn.
Bà Xuân cũng có cảm nhận giống ông Chí Tâm là ở Việt Nam bây giờ ‘cũng có người giàu, người nghèo’.
"Ở đâu cũng vậy, mà hồi xưa cũng vậy", bà nói, "Đi làm thì sẽ sống được, nếu không thì sẽ khó sống".
Về cuộc sống của người dân, bà Xuân cảm nhận là ‘cải thiện hơn so với trước’. "Trong gia đình mình, các em, các cháu có đầy đủ điều kiện hơn mình hồi nhỏ".
"Nếu có điều kiện, có thời gian thì tôi sẽ thường về nước ăn Tết, nếu không thì ăn Tết ở Pháp nhiều hơn", bà nói và cho biết bây giờ không không cảm thấy quyết tâm về nước ăn Tết như lúc cha mẹ bà còn sống.
Khi được hỏi về nỗi lo khi ở Việt Nam, bà Xuân nói ‘thấy trên mạng nói về vấn đề ăn uống ở Việt Nam cũng thấy sợ’ như cũng như Nghệ sĩ Chí Tâm, bà cho rằng ‘nếu mình cẩn thận thì không phải lo gì hết vì ở Việt Nam cũng có người sống trên trăm tuổi vậy’.
Thích Tết nhưng không muốn về Việt Nam
Khác với hai nghệ sĩ hải ngoại trên, bà T.N., một người Việt đang định cư ở Oklahoma City, tiểu bang Oklahoma, Hoa Kỳ, nói bà ‘không hề muốn về Việt Nam ăn Tết’.
Trao đổi với VOA với điều kiện giấu tên, bà T. N. nói rằng bà đã sống ở Mỹ được 14 năm và trong thời gian đó bà ‘chưa bao giờ bỏ qua một ngày Tết Việt Nam nào’ nhưng cũng chưa bao giờ về Việt Nam ăn Tết.
"Cái Tết đối với tôi rất quan trọng", bà nói và cho biết vào ngày Tết bà vẫn đi chùa, vẫn bày biện bàn thờ cúng kiến ông bà ở nhà với đầy đủ bánh tét, bánh chưng, dưa hấu và vẫn duy trì tục xông đất, đạp đất vào ngày đầu năm như ở Việt Nam. Nếu Tết rơi vào ngày đi làm thì bà xin nghỉ phép để ở nhà đón Tết.
Tuy nhiên, bà không muốn về Việt Nam vào dịp Tết vì thời điểm đó công việc của bà bên Mỹ rất bận rộn, bà cho biết.
Lý do trên hết, theo bà T.N., là bà lo sợ về tai nạn giao thông ở Việt Nam những ngày Tết.
"Mấy ngày Tết nhiều người nhậu nhẹt say sưa đi xe rất nguy hiểm", bà giải thích và nói thêm là bà cũng lo ngại về ‘thực phẩm nhiễm độc, thức ăn có hóa chất’ trong khi ‘bệnh viện không được tốt’.
Do không đón Tết ở quê nhà trong nhiều năm, bà T.N. nói rằng trong tâm trí bà vẫn nhớ về ngày Tết ‘với tiếng pháo nổ, hoa mai vàng, dưa hấu đỏ, bánh tét xanh’.
Về không khí ngày Tết của người Việt ở Oklahoma, bà cho biết vào đêm giao thừa nhiều người Việt tập hợp lại ở các chùa để nghe quý Thầy chúc Tết và được lì xì.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 22/01/2019
Đấu tranh chính trị để xây dựng chính nghĩa cho mình và đả phá chính nghĩa của Sài Gòn, kế sách này đã giúp Hà Nội tập hợp sự ủng hộ của người dân Việt Nam không chỉ ở miền Bắc mà cả một bộ phận ở miền Nam, cùng lúc làm lay chuyển sự ủng hộ của dân Mỹ đối với cuộc chiến. Đó là một trong những nguyên nhân then chốt giúp Bắc Việt giành chiến thắng trong cuộc chiến tranh Việt Nam, theo các học giả Mỹ và Việt Nam tại một hội thảo mới đây ở thủ đô Washington, Hoa Kỳ.
Thủy Quân Lục Chiến. Kỵ binh Quân lực Việt Nam Cộng Hòa : Trận Cửa Việt - Ảnh minh họa
Trong khi đó, chính quyền Sài Gòn lại chật vật tranh thủ sự ủng hộ của người dân, đối mặt với sự chia rẽ trong dư luận, bị nghi ngờ về tính chính nghĩa của mình ở cả trong nước và trên trường quốc tế, cũng theo các ý kiến tại hội thảo có tiêu đề : ‘Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam’ do Tập hợp vì Dân chủ cho Việt Nam (ADVN) tổ chức tại Cơ quan Văn khố Quốc gia Mỹ hôm 14/9.
‘Giương cao chính nghĩa’
Chiến dịch đấu tranh ngoại giao ‘hết sức quyết liệt và hiệu quả’ của chính quyền Hà Nội trên trường quốc tế là ‘một trong những chìa khóa’ giúp miền Bắc giành chiến thắng chung cuộc bên cạnh chiến dịch quân sự ở miền nam, ông Pierre Asselin, Giáo sư Sử học thuộc Đại học San Diego và là tác giả của nhiều đầu sách về chiến tranh Việt Nam, nhận định.
Nhờ đó mà Hà Nội ‘đã giương cao chính nghĩa của mình là chính nghĩa hợp pháp trong khi liên tục đả kích tính chính nghĩa của miền Nam và của Mỹ’. Theo Giáo sư Asselin, đó là vũ khí để Hà Nội vô hiệu hóa sức mạnh quân sự rõ ràng là vượt trội của người Mỹ.
"Chung cuộc, Hà Nội đã có thể cô lập cả người Mỹ và miền Nam Việt Nam về ngoại giao", ông Asselin nhận định trong phần tham luận có tựa đề ‘Nhìn từ Bắc Việt : Làm sao Bắc Việt thắng trong cuộc chiến’ và lưu ý rằng miền Nam đã không thể làm được như Hà Nội.
"Sài Gòn đã thất bại thảm hại trong việc thể hiện tính hợp pháp của mình ngay cả với dư luận trong nước", ông nói.
Ông Asselin nói rằng ngay từ rất sớm trong cuộc chiến, chính quyền miền Bắc đã nhận thức được tầm quan trọng của thông tin tuyên truyền. "Hà Nội đã xây dựng được luận điệu tuyên truyền thậm chí ngay trước khi chiến tranh bắt đầu và luôn nhấn mạnh, duy trì luận điệu đó một cách nhất quán", ông nói.
"Cách tuyên truyền đó thành công đến nỗi nó vẫn còn tiếp tục đến ngày nay", ông nói thêm và dẫn chứng những sinh viên học sinh khi được học về Chiến tranh Việt Nam vẫn cho rằng Việt Nam Cộng hòa là ‘tay sai, bù nhìn’ của người Mỹ.
Về tính chính nghĩa của miền Nam, ông Tường Vũ, Giáo sư chính trị tại Đại học Oregon, cho rằng đó là một chính thể cộng hòa được xây dựng với các lý tưởng tự do dân chủ kết hợp với lý tưởng dân tộc. Theo ông thì những giá trị như ‘xã hội dân chủ tự do cho phép mọi người được tự do buôn bán, làm việc, học hành’ cũng tạo nên chính nghĩa của riêng miền Nam để thu hút người dân đứng lên.
Về lý tưởng dân tộc thì miền Nam cũng mong muốn Việt Nam ‘trở thành một quốc gia thống nhất, không bị lệ thuộc vào ngoại bang’, ông Vũ trình bày trong phần tham luận về quá trình xây dựng nhà nước cộng hòa ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1955-1975.
"Tổng thống Ngô Đình Diệm từng nhấn mạnh rằng sự can thiệp quân sự của người Mỹ là đi ngược lại lý tưởng dân tộc", Giáo sư Vũ cho biết và nói rằng tuy nhiên sau đó Việt Nam Cộng hòa đã không thể chấm dứt được sự lệ thuộc vào người Mỹ.
Trả lời câu hỏi của VOA tại hội thảo rằng điều gì, chính nghĩa giải phóng dân tộc hay xây dựng chủ nghĩa xã hội, đã giúp miền Bắc tranh thủ được sự ủng hộ của người dân miền Bắc và cả ở miền Nam tập kết ra Bắc, Giáo sư Asselyn nói rằng đó là vì miền Bắc ‘biết cách thao túng lịch sử’.
Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh rằng chính người Mỹ cũng đã giúp Hà Nội tăng cường tính chính danh của mình khi họ tiến hành ném bom miền Bắc. Điều này càng làm cho người dân miền Bắc, vốn đã mệt mỏi sau cuộc chiến với người Pháp và không muốn có thêm một cuộc chiến nữa, càng hết lòng ủng hộ lãnh đạo của họ trong cuộc chiến ở miền Nam.
‘Thất sách’ của miền Nam
Trao đổi với VOA bên lề hội thảo về tại sao miền Nam cũng giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc nhưng lại để cho quân Mỹ vào bắn giết người dân Việt Nam, Giáo sư Vũ cho rằng ‘đó là thất sách’ mà vì lẽ đó mà chính quyền miền Nam ‘phần nào mất đi tính chính nghĩa’.
Tuy nhiên, ông cho rằng ‘điểm yếu đó nằm ngoài khả năng kiểm soát của chính quyền miền Nam Việt Nam’ mặc dù ‘rất nhiều giới tinh hoa kể cả Tổng thống Ngô Đình Diệm lúc bấy giờ đều không đồng ý đưa quân Mỹ vào miền Nam Việt Nam’.
Trước câu hỏi của VOA tại sao miền Bắc cũng đón quân Trung Quốc và Liên Xô vào cố vấn, vào đồn trú nhưng lại không ảnh hưởng đến chính nghĩa của họ trong mắt người dân, ông Vũ giải thích rằng đó là vì ‘miền Bắc để cho quân lính nước ngoài đóng ở các tỉnh biên giới sát với Trung Quốc và không được đi sâu vào thành phố’.
"Họ (quân nước ngoài) được bố trí ở những nơi hẻo lánh và kín đáo nên không tạo nên sự phản cảm với người dân trong khi ở miền Nam sự hiện diện của quân Mỹ là quá rõ ràng", ông nói thêm và cho biết quân Trung Quốc và Liên Xô không trực tiếp chiến đấu như quân Mỹ ở miền Nam mà ‘chỉ huy các đơn vị phòng không và các đơn vị xây dựng sửa chữa cầu đường khi bị bom đạn phá hỏng’.
Ông Vũ cũng cho rằng tính chất chế độ Nhà nước ở miền Nam khiến cho họ gặp nhiều bất lợi hơn Hà Nội trong việc thống nhất dư luận cho cuộc chiến.
"Chế độ độc tài có thể huy động quân lính, huy động lương thực, huy động tài nguyên cho chiến tranh dễ hơn chế độ dân chủ vốn phải qua nhiều cuộc thảo luận mới có thể quyết định", ông giải thích. "Thêm nữa là còn tinh thần thượng tôn pháp luật (ở miền Nam). Ở miền Bắc những ai bất đồng chính kiến thì bị bỏ tù ngay lập tức trong khi ở miền Nam thì không thể làm thế vì người dân có quyền biểu tình, có quyền thể hiện chính kiến của mình".
Chính vì vậy mà miền Nam đã ‘không thể thống nhất được dư luận và gặp phải sự chống đối từ bên trong’, ông Vũ phân tích. Tuy nhiên, ông cho rằng miền Nam không thể nào làm theo miền Bắc là xây dựng một chế độ toàn trị để có thể thắng cuộc chiến vì ‘nếu từ bỏ những giá trị tự do thì miền Nam còn đi chiến đấu để làm gì ?’
"Việt Nam Cộng hòa vẫn trung thành với lý tưởng của mình cho dù họ có thua trong cuộc chiến đi nữa", ông nói.
Điều này cũng được Giáo sư Asselyn đồng tình. Ông cho rằng mặc dù bên ngoài không nghe thấy về thái độ phản chiến trong lòng Bắc Việt nhưng điều này thật sự là có vì ‘cho đến những năm 1969-1971, người dân Bắc Việt đã quá mệt mỏi với chiến tranh vì họ cũng là con người’ nhưng ‘Hà Nội đã làm tốt hơn rất nhiều so với Sài Gòn trong việc bóp nghẹt những tiếng nói phản đối’.
Cũng tại hội thảo, trước câu hỏi về tình trạng tham nhũng và không có tính giải trình (unaccountability) của các quan chức miền Nam làm tổn hại như thế nào đến cuộc chiến của họ, Giáo sư Vũ thừa nhận rằng ‘chắc chắn có tình trạng tham nhũng và vấn đề giải trình và xu hướng của một số lãnh đạo như Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu và một số tướng lĩnh có những hành động làm mất lòng tin của người dân, giới trí thức, xã hội dân sự và gặp khó khăn trong quan hệ với Mỹ’. Tuy nhiên, ông cho rằng xã hội lành mạnh và truyền thông độc lập ở miền Nam có thể đứng lên chống lại những hành vi vi phạm các chuẩn mực của nền Cộng hòa.
Về câu hỏi của VOA rằng đối với các nhà lãnh đạo miền Bắc thì mục tiêu chiến lược nào của họ là quan trọng hơn : dùng lá bài giải phóng dân tộc để tiến tới mục tiêu cuối cùng là xây dựng chủ nghĩa xã hội hay dùng lý thuyết đấu tranh giai cấp để phục vụ cho việc giành độc lập dân tộc, ông Vũ cho rằng mục tiêu cuối cùng của các nhà lãnh đạo cộng sản ‘luôn là chủ nghĩa xã hội’ vì điều này ‘thể hiện rất rõ trong những văn kiện của Đảng Cộng sản từ những thập niên 30 cho đến 60’.
"Điều kiện cần thiết để họ đạt được mục tiêu đó (xây dựng chủ nghĩa xã hội) là quyền kiểm soát chính trị ở cả miền Bắc lẫn miền Nam", ông giải thích và lấy dẫn chứng là cuộc cải cách ruộng đất mà thực chất là cuộc đấu tranh giai cấp ở nông thôn đã được các lãnh đạo miền Bắc đưa vào thực thi ngay cả trước khi họ đạt được mục tiêu giành độc lập dân tộc.
Về phần mình, Giáo sư Asselyn cũng cho rằng Hà Nội muốn thắng trong chiến tranh không chỉ vì mục tiêu thống nhất đất nước mà còn là ‘để tạo cảm hứng cho các phong trào cách mạng cánh tả khác trên thế giới’.
Tuy nhiên, chính sử của đảng cộng sản cho rằng ông Hồ Chí Minh vì ra đi tìm đường cứu nước (độc lập dân tộc) mới tìm thấy chủ nghĩa Mác-Lenin (Luận cương của Lenin về các vấn đề dân tộc và thuộc địa) và xem chủ nghĩa xã hội là con đường giải phóng dân tộc. Trong khi đó, trước giờ các văn kiện của Đảng Cộng sản vẫn đặt hai mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội song song và ngang nhau.
Lung lạc dân Mỹ
Nhìn từ quan điểm của nước Mỹ, trong phần tham luận có tiêu đề ‘Cuộc đấu tranh chính trị không được để ý : Tại sao miền Nam Việt Nam và đồng minh thua cuộc chiến ?’, Giáo sư Robert Turner thuộc Trường Luật Đại học Virginia nhấn mạnh rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Bắc Việt ‘đã rất thành công trong việc làm cho người Mỹ quay lưng lại với cuộc chiến’.
Dưới sức ép của các nhà hoạt động phản chiến, vào tháng 5 năm 1973, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật để đưa tới thất bại từ ngưỡng cửa của chiến thắng
"Chúng ta đã nói nhiều về việc Bắc Việt đã giành được khối óc và trái tim của người dân Việt Nam nhưng chúng ta ít khi để ý đến việc họ đã chiếm được tình cảm và suy nghĩ của người dân Mỹ", ông Turner nói.
"Chúng ta tham chiến với sự ủng hộ áp đảo của người dân Mỹ", ông nhắc và đưa ra dẫn chứng là tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Lyndon B. Johnson đã tăng vọt lên thêm 30 điểm (tức tăng đến 58%) sau khi ông lần đầu tiên ra lệnh dùng vũ lực đối với miền Bắc Việt Nam và việc Quốc hội Mỹ đã cho phép sử dụng hành động quân sự với tỷ lệ 99,6% bỏ phiếu thuận trong khi hai nghị sỹ bỏ phiếu chống đã thất cử ngay sau đó.
Theo ông Turner thì cho đến năm 1970 nhiều quan chức và giới học thuật nhận thấy rõ là Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa ‘đang trên đà thắng’, và điều này cũng được chính các quan chức ở Hà Nội nhìn nhận.
Ông lấy dẫn chứng là lời của Đại tá Bùi Tín, người vừa qua đời tại Paris, thuật lại vào giữa những năm 1990 rằng ‘kể từ năm 1965 thì Bộ Chính trị đã biết rằng họ không thể nào đánh thắng được Mỹ’ và ‘hy vọng duy nhất của Hà Nội là thắng lợi trong phong trào phản chiến ở Mỹ’.
Chính vì vậy, Giáo sư Turner cho rằng chính quyền Hà Nội và các đồng minh của họ đã tiến hành một cuộc đấu tranh chính trị ‘tài ba’ để thay đổi lập trường của người dân Mỹ đối với cuộc chiến.
Ông dẫn lại nghị quyết của Hội nghị Trung ương 9 của Đảng Lao Động Việt Nam vào năm 1963 đã trình bày về chiến lược chiến tranh chính trị như sau : "Chúng ta phải tiến hành mọi nỗ lực để thúc đẩy các tổ chức yêu chuộng hòa bình của nhân dân Á, Phi, Mỹ Latin có hành động mạnh mẽ yêu cầu đế quốc Mỹ chấm dứt chiến tranh xâm lược và rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chúng ta cũng phải tranh thủ sự thông cảm và ủng hộ của nhân dân các nước đế quốc như Mỹ, Anh, Pháp’.
Chiến lược chiến tranh chính trị này thật ra đã được giới lãnh đạo cộng sản miền Bắc áp dụng từ cuộc chiến chống lại người Pháp. Ông Turner đã dẫn lời Tổng bí thư Trường Chinh viết vào năm 1947 rằng họ phải ‘cô lập kẻ thù, thêm nhiều bạn’ và tranh thủ sự ủng hộ của người dân Pháp, người dân ở các thuộc địa của Pháp và của ‘tất cả các lực lượng yêu chuộng hòa bình’ trên thế giới.
"Dưới sức ép của các nhà hoạt động phản chiến, vào tháng 5 năm 1973, Quốc hội Mỹ đã thông qua luật để đưa tới thất bại từ ngưỡng cửa của chiến thắng", ông Turner nói và cho biết đạo luật này đã dừng mọi chu cấp tài chính của Mỹ cho cuộc chiến ở Việt Nam.
Ngoài ra, theo Giáo sư Asselyn, các nguyên nhân khác giúp miền Bắc giành thắng lợi chung cuộc là ‘khả năng tổ chức tài tình về mặt đảng và mặt quân đội’, ‘sự kiên trì, bền bỉ đến không ngờ’, ‘khả năng phục hồi sau những thất bại thảm khốc như chiến dịch Mậu Thân 1968’, ‘biết lợi dụng chia rẽ giữa Moscow và Bắc Kinh để đạt được sự ủng hộ vật chất, chính trị và tinh thần của cả hai bên’, và việc Lê Duẩn và các cộng sự thân cận của ông ‘không hề quan tâm đến việc phải hy sinh bao nhiêu nhân mạng để đạt đến thắng lợi’.
Ngoài ra, sự ủng hộ của Liên Xô và Trung Quốc cũng đóng vai trò hết sức quan trọng trong thắng lợi của miền Bắc mà nếu không, theo Giáo sư Tường Vũ, thì Hà Nội không thể nào thắng được Mỹ và Sài Gòn.
Ông Asselyn cho rằng nhờ vào sự ủng hộ của hai nước lớn này mà quân đội Bắc Việt, vốn phần lớn là nông dân, đã được huấn luyện và trang bị tốt ‘như bất cứ quân đội nào trên thế giới’.
"Bất chấp những sai lầm thảm họa của giới lãnh đạo và đặc biệt là của (Bí thư thứ nhất) Lê Duẩn, Bắc Việt Nam vẫn chiến thắng", ông Asselyn kết luận.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 19/09/2018