Trước những hành động ngày càng quả quyết của Trung Quốc để củng cố vị thế trên Biển Đông, Hoa Kỳ cần phải hành động mạnh mẽ hơn nữa để bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên pháp luật, bắt đầu với việc chuyển từ thế trung lập trong các tranh chấp sang chống đối đòi hỏi chủ quyền thái quá của Bắc Kinh, theo kiến nghị của các quan chức Mỹ cũng như các nhà nghiên cứu.
Tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Tiên Sa, Đà Nẵng, hôm 5/3 năm 2018
Đề xuất được đưa ra tại Hội thảo thường niên lần thứ 8 về Biển Đông do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở Washington tổ chức vào cuối tháng Bảy năm 2018.
Lâu nay lập trường chính thức của Mỹ về các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông được tóm gọn trong tuyên bố nổi tiếng của cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Hà Nội hồi cuối năm 2010 là Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp nhưng sẽ hành động để bảo vệ luật pháp quốc tế và duy trì tự do hàng hải ở vùng biển chiến lược này.
Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, Bắc Kinh ngày càng mở rộng ảnh hưởng trên Biển Đông mà đỉnh điểm là việc họ bồi đắp và quân sự hóa các thực thể mà họ kiểm soát ở quần đảo Trường Sa.
Hiện nay, hiện trạng trên Biển Đông đã thay đổi theo chiều hướng ngày càng có lợi cho Trung Quốc. Đô đốc Phil Davidson, tư lệnh mới của Bộ chỉ huy Mỹ ở Thái Bình Dương, đã từng nói trước Thượng viện Mỹ hồi tháng Tư năm nay rằng Trung Quốc ‘hiện đã kiểm soát trên thực tế Biển Đông trong mọi kịch bản ngoại trừ xung đột quân sự với Mỹ’.
Tình hình đó đòi hỏi Mỹ phải thay đổi cách tiếp cận : chuyển hướng từ sự ‘kết hợp giữa can dự và cạnh tranh’ sang ‘đối đầu’, dân biểu Ted Yoho, chủ tịch của tiểu bang châu Á-Thái Bình Dương của Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đề xuất trong bài diễn văn chủ đề của ông tại hội thảo của CSIS.
“Hoa Kỳ đang đứng trước một thời khắc quan trọng khi chúng ta phải quyết định liệu ưu tiên của chúng ta vẫn là kiểm soát quan hệ (với Trung Quốc) hay những đe dọa về hành động thù địch của Trung Quốc có đủ mạnh để chúng ta phải chống đối quyết liệt hay không,” ông Yoho nói.
“Quan hệ Hoa Kỳ-Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đang tiến sang giai đoạn mới là đi từ cạnh tranh sang đối đầu, ngay cả khi việc đối đầu này có nguy cơ làm gián đoạn một số nội dung của quan hệ hai nước,” ông nói và khẳng định rằng những lợi ích của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ‘đang ngày càng lạc điệu với những chuẩn mực quốc tế và đối nghịch với lợi ích của Mỹ’.
“Tôi cho rằng cách hành xử của Trung Quốc trên Biển Đông cho thấy tại sao quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc giờ đây cần phải được định hình bằng đối đầu,” ông nói.
Ông nói mặc dù lâu nay Mỹ vẫn duy trì tương đối đều đặn các hoạt động tuần tra để bảo vệ tự do hàng hải (FONOP) trên Biển Đông và giúp các quốc gia nhỏ cũng có tranh chấp ở vùng biển này tăng cường năng lực hải quân, nhưng ông thừa nhận rằng ‘nếu thực lòng đánh giá thì những chiến lược này là không đủ ở thời điểm này’.
“Ngày nay không có gì mà Mỹ làm có thể làm chậm, ngăn chặn hay đảo ngược được những hành động của Trung Quốc trên Biển Đông,” ông nói và cho biết lợi ích của Mỹ cũng như các đối tác của Mỹ ở vùng biển này ‘đang trong tình trạng xấu hơn so với thời điểm một năm rưỡi trước (tức thời điểm Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền)’ với việc cán cân quân sự đang nghiêng về phía Trung Quốc và các hòn đảo nhân tạo của họ đang ngày càng được quân sự hóa nhiều hơn trong thời gian qua trong khi Trung Quốc không hề chịu hậu quả gì sau khi đã phớt lờ phán quyết của tòa án quốc tế bác bỏ yêu sách đường chin đoạn của họ.
“Do đó, các quốc gia có tranh chấp khác trở nên nhút nhát hơn và không có không gian để lên tiếng,” dân biểu Yoho nói.
Vị dân biểu này thừa nhận rằng nguyên nhân của sự thất bại trong chính sách của Mỹ là ‘Mỹ luôn tập trung vào quá trình giải quyết tranh chấp’ với mong muốn các tranh chấp được giải quyết một cách hòa bình tuân theo luật pháp quốc tế. Điều này có nghĩa là Mỹ không bao giờ thách thức đòi hỏi chủ quyền thái quá của Trung Quốc hay xác định luôn là những vùng biển tranh chấp đó thuộc chủ quyền của ai. Nói cách khác, về kết quả tranh chấp thì Washington giữ thái độ trung lập.
“Chính quyền Trump nên kiên quyết phản đối yêu sách lãnh thổ quá mức của Trung Quốc trên Biển Đông và xem xét những lựa chọn khả dĩ để chống lại yêu sách bất hợp pháp này,” ông nói và cho biết Mỹ không nên tập trung vào mỗi vấn đề tự do hàng hải nữa. “Chúng ta sẽ không thể nào thúc đẩy lợi ích của mình và của các nước đối tác cho đến khi chúng ta thách thức yêu sách giả mạo của Trung Quốc.”
Ông cũng thừa nhận rằng các chiến dịch FONOP mà lâu nay Mỹ vẫn thực hiện không giúp ích gì trong việc thách thức trực tiếp chủ quyền của Trung Quốc.
Những giải pháp vị dân biểu này đưa ra để chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc bao gồm khiến cho Bắc Kinh nhận lãnh hậu quả cho những việc họ làm ; thay đổi biến số trong tính toán lợi hại của ông Tập khi ông quyết định có hành động trên Biển Đông – chẳng hạn như tăng cường mạnh mẽ sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực nếu Bắc Kinh tiếp tục quân sự hóa ; trừng phạt kinh tế đối với bất cứ cá nhân nào có liên quan đến việc xây đắp đảo nhân tạo ; bắt Bắc Kinh phải gánh chịu cái giá về ngoại giao – chẳng hạn như không mời Trung Quốc tập trận RIMPAC mà thay vào đó mời Đài Loan tham gia ; sử dụng chính cách làm của Bắc Kinh như khi họ làm với Hàn Quốc trong vụ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD là trừng phạt về thương mại, tẩy chay du lịch, hàng hóa.
“Không có lý do gì để ông Tập thay đổi tính toán nếu như ông đạt được những lợi ích chiến lược với một cái giá cực kỳ thấp là không có gì ngoài hình ảnh tiêu cực trên báo chí và sự lên án của quốc tế,” ông Yoho lập luận.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc chống lại yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ‘không chỉ là công việc của riêng nước Mỹ’ mà Mỹ cần sự phối hợp của các nước đồng minh trên thế giới.
“Khi chúng ta có phán quyết của tòa trọng tài để giải quyết tranh chấp, chúng ta cần các cường quốc lớn phối hợp cùng với nhau để đưa ra lập trường rằng : đây chính là chuẩn mực kể từ nay trở về sau,” ông nói và đề cập đến vai trò của ASEAN và các nước như Nhật, Pháp, Ấn, Úc, Canada vốn đã có các tiếng nói và hành động để bảo đảm tự do lưu thông trên Biển Đông.
Ông cũng đề xuất Mỹ nên ‘đáp trả mạnh mẽ và tức thời’ trước ‘chiến thuật vùng xám’, hay ‘lát cắt từ từ’ của Trung Quốc – tức là có những hành động lấn tuyến nhưng vẫn được giữ dưới ngưỡng khiến đối thủ có thể đáp trả mạnh mẽ, một chiến thuật mà lâu nay Trung Quốc đã vận dụng một cách thành công để bành trướng trên Biển Đông.
“Nếu chúng ta không làm ngay, thì năm năm nữa hãy nghĩ chúng ta sẽ ở đâu ?” ông nói và so sánh hành động của Trung Quốc trên Biển Đông với hành động của Nga dùng vũ lực sáp nhập Crimea. Ông gọi đó là ‘hình thức chiến tranh mới của các cường quốc chuyên chế và xét lại (trật tự cũ) để ‘tấn công vào tự do, dân chủ’ và ‘biến thế giới thành một nơi mà kẻ yếu bị kẻ mạnh ức hiếp’.
Ông nói rằng ông đã nghe thấy những lời phàn nàn từ những quốc gia trong khu vực rằng ‘Mỹ đang ở đâu ?’ hay ‘Mỹ có còn cam kết với khu vực không ?’
“Tôi đứng đây để nói với quý vị từ quan điểm của Tiểu ban Châu Á-Thái Bình Dương của Hạ viện rằng chúng tôi vẫn cam kết hiện diện ở khu vực và chúng tôi muốn tiếp tục duy trì nền hòa bình đã được kiến tạo từ sau Đệ nhị Thế chiến,” ông phát biểu.
Ông Bill Hayton, chuyên viên nghiên cứu cao cấp tại Viện Chatham House, Anh Quốc, và là người theo dõi tình hình Biển Đông lâu năm, cũng đồng ý với phân tích của dân biểu Yoho là cách làm của Mỹ tập trung FONOP không có tác dụng đối với Trung Quốc.
“FONOP cũng có cái lý của nó là vạch ra lằn ranh trên biển về việc vi phạm UNCLOS (Công ước Quốc tế về Luật Biển),” ông Hayton giải thích. “Nhưng đây không phải là chiến lược (để đấu lại Trung Quốc). Trung Quốc có thể vẫy tay khi những tàu chiến của Mỹ đi qua và sau đó họ vẫn tiếp tục làm những gì họ đang làm.”
Ông Hayton dẫn chứng là việc tàu sân bay USS Carl Vinson của Mỹ cập cảng Đà Nẵng hồi đầu tháng Ba ‘không hề ảnh hưởng gì’ với sự quả quyết của Trung Quốc với Việt Nam. Chưa đầy một tuần sau khi tàu USS Carl Vinson ra khỏi Biển Đông thì đến lượt hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung Quốc tiến vào theo đúng con đường mà tàu Mỹ đã đi ra và sau đó công ty Repsol phải hủy bỏ việc thăm dò dầu khí với Việt Nam.
“Tôi cho rằng điều mà các quốc gia đông nam Á muốn ở Hoa Kỳ là tăng cường bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp xét trên việc tiếp cận các tài nguyên trên biển như dầu khí và tôm cá (tức là quyền lợi của các nước nhỏ được khai thác tài nguyên mà họ cho là của họ). Điều đó sẽ giúp hình ảnh của Mỹ trở nên hết sức tốt đẹp ở khu vực thay vì chỉ là một cường quốc cho tàu chiến đi vào vùng biển này,” ông phân tích.
Ông Hayton nói ông đồng ý với quan điểm của dân biểu Yoho rằng Mỹ nên tiến xa hơn là chỉ giữ lập trường trung lập trên Biển Đông và nên xem xét, thách thức các đòi hỏi chủ quyền để xem đòi hỏi nào là hợp pháp còn đòi hỏi nào là phi pháp.
“Việc phản công giờ đây nên tập trung vào việc xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hợp pháp (của từng quốc gia tranh chấp) và Mỹ nên giúp tăng cường khả năng kháng cự của những nước đông nam Á trước các vụ xâm nhập vào EEZ của họ,” ông Hayton đề xuất.
Trao đổi thêm với VOA bên lề hội thảo về các chiến dịch FONOP của Mỹ, ông Hayton cho rằng việc chính quyền Mỹ dựa vào số lần FONOP nhiều hơn chính phủ tiền nhiệm để chứng tỏ mình có lập trường cứng rắn hơi với Trung Quốc trên Biển Đông thực ra ‘không có tác dụng gì với Trung Quốc’.
Ông cho rằng FONOP không giải quyết được vấn đề thực sự trên Biển Đông là ‘Trung Quốc đang xâm phạm quyền và lợi ích của các nước nhỏ’ và Mỹ và các cường quốc nên đi xa hơn FONOP để bảo vệ quyền lợi các nước trong khuôn khổ UNCLOS.
Trả lời câu hỏi của VOA rằng có phải chính quyền của Tổng thống Donald Trump lơ là với tình hình trên Biển Đông hơn chính phủ tiền nhiệm, ông Hayton nói : “Cũng công bằng khi nói chính quyền Trump quan tâm nhất đến thương mại, sau đó là vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên trong khi Biển Đông xếp dưới hơn nữa trong những vấn đề mà ông Trump quan tâm nhưng tôi chưa thấy dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Trump yêu cầu hải quân dừng các hoạt động tuần tra trên Biển Đông. Ông ấy không thể nào giải quyết mọi hồ sơ cùng một lúc.”
Về phần mình, bà Collin Willet, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về châu Á của Quốc hội Mỹ, nói rằng việc Mỹ từ bỏ lập trường trung lập của mình ‘là một việc rất khó’ do phải xác định ranh giới chủ quyền hợp pháp của từng bên tranh chấp trên Biển Đông và đối chiếu với các thực thể mà họ chiếm giữ.
“Khi chúng ta nói rằng đường chín đoạn của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý thì cũng được,” bà Willet phân tích, “Nhưng sau đó thì nước nào mới sở hữu không gian đó để thế giới có cái gì đó làm cơ sở để phản ứng ?”
Ngược lại với quan điểm cho rằng các chiến dịch FONOP không có tác dụng răn đe Trung Quốc, từ góc độ của Trung Quốc, Tiến sỹ Trương Phong, chuyên gia nghiên cứu của Khoa Quan hệ Quốc tế của Đại học Quốc gia Úc ở Canberra, nói rằng Bắc Kinh có cái nhìn hoàn toàn khác với Mỹ về các chiến dịch FONOP mà ông cho là ‘đe dọa đến an ninh của Trung Quốc’.
Theo ông Trương, trong khi Washington coi FONOP là để gửi ‘thông điệp pháp lý’ đến Bắc Kinh về tự do hàng hải theo luật quốc tế thì Bắc Kinh nhìn nhận FONOP dưới góc độ an ninh.
“Cho đến nay Trung Quốc đã phản ứng lại FONOP và những hành động triển khai quân sự khác của Mỹ trên Biển Đông một cách tương đối có chừng mực,” ông Trương cho biết, “Nhưng nếu Mỹ cố tình tiến quá sát đến các hòn đảo (mà Trung Quốc hiện đang nắm giữ) thì đó có thể xem là hành động khiêu khích quân sự đi quá xa so với việc gửi thông điệp pháp lý.”
“Bắc Kinh sẽ cảm thấy bị đe dọa, họ có thể sẽ phản công và xung đột sẽ xảy ra,” ông nói và nói thêm rằng vấn đề hiện nay là quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc PLA có thể chịu đựng sự tăng cường sức ép này của Mỹ thêm bao lâu nữa nếu như các chiến dịch FONOP diễn ra thường xuyên hơn và mang tính khiêu khích nhiều hơn.
Theo ông Trương thì bức tranh chiến lược trên Biển Đông hiện ‘đang lâm vào thế bế tắc’ mà theo đó ‘Mỹ không thể nào bứng Trung Quốc khỏi các hòn đảo mà không phải dùng đến vũ lực – vốn không có khả năng xảy ra, trong khi Trung Quốc cũng không thể tác động đến chính sách quân sự của Mỹ bao gồm FONOP và đẩy Mỹ ra khỏi các vùng biển gần với các hòn đảo của họ mà không có đối đầu quân sự - vốn cũng không có khả năng xảy ra’.
Ông Trương cho rằng việc Mỹ triển khai lực lượng đến Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc càng củng cố vị trí của mình. “Trong mắt của Trung Quốc nếu Mỹ càng tỏ ra khiêu khích thì Trung Quốc sẽ càng xây dựng sự hiện diện quân sự của mình quyết liệt hơn,” ông nói.
Về quan điểm cho rằng Trung Quốc đang giữ quyền kiểm soát thực tế trên Biển Đông, Tiến sỹ Trương Phong cho rằng cần phải xác định rõ là Bắc Kinh có mục tiêu trở thành cường quốc chi phối về quân sự ở vùng biển này hay họ chỉ đang muốn nâng cao năng lực phòng vệ và răn đe để bảo vệ vị trí hiện tại của họ.
“Trung Quốc đang cố gắng làm cho Biển Đông bớt là ao nhà của Mỹ, nhưng liệu họ có thể biến nó thành ao nhà của Trung Quốc hay không ?” ông nói. “Tôi không cho rằng họ sẽ làm được.”
“Làm sao Trung Quốc có thể ngăn cho quân đội Mỹ hoạt động trong khu vực mà không tránh khỏi xung đột ? Làm sao Trung Quốc có thể đẩy quân đội Mỹ ra khỏi Biển Đông. Ngay cả giờ đây quân đội Mỹ vẫn tự do hoạt động bất cứ ở đâu và bất cứ cách nào họ muốn.”
Trả lời câu hỏi của VOA về việc Trung Quốc bồi đắp đảo và quân sự hóa trên Biển Đông có đi ngược lập trường của Trung Quốc là ‘giải quyết hòa bình các tranh chấp’ và làm xấu đi hình ảnh của Trung Quốc như là một ‘cường quốc có trách nhiệm’ và ‘đang trỗi dậy hòa bình’ hay không, ông Trương Phong nói quan điểm của Bắc Kinh là việc bồi đắp đảo ‘không vi phạm bất cứ điều luật quốc tế nào trước khi có phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực vào năm 2016’.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 02/08/2018
Lãnh đạo và người dân Trung Quốc không tin vào một thế giới có luật lệ theo trật tự mà Mỹ và các nước phương Tây dựng lên, nên họ quyết tâm thách thức các luật lệ quốc tế ở Biển Đông và họ có thể bành trướng được như ngày hôm nay một phần cũng là do sự thất bại của Mỹ và các nước đồng minh Châu Á trong việc lập một liên minh đoàn kết để cân bằng sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, một nhà báo Anh theo dõi thời sự quốc tế nhận định.
Chuyên gia : Việt Nam đối thủ 'khó nuốt' trên Biển Đông
Nhà báo Humphrey Hawksley, phóng viên thời sự quốc tế của hãng truyền thông BBC đã đưa ra nhận định trên tại buổi ra mắt cuốn sách mới của ông có tựa đề ‘Asian Waters – the Struggle Over the South China Sea and the Strategy of Chinese Expansion’ tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế CSIS tại Washington, Mỹ, hôm thứ Sáu ngày 22/6. Những nhận định trên nằm trong phần trình bày tóm lược về nội dung cuốn sách mới của ông.
‘Nỗi nhục trăm năm’
Trước hết, lãnh đạo và người dân Trung Quốc không tin vào trật tự thế giới dựa trên luật pháp bởi vì những bài học lịch sử mà họ đã trải qua và thấm thía trong cái mà họ gọi là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ (Nỗi nhục Trăm năm) mà bản thân nhà báo Hawksley đã nhìn nhận được trong thời gian ông đến Trung Quốc.
Từ sau khi ông Tập Cận Bình lên cầm quyền vào năm 2012, lập luận tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chuyển từ quan niệm ‘người chiến thắng’ – tức Đảng Cộng sản là lực lượng đã đưa Trung Quốc đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác trước các ‘lực lượng đế quốc’ – sang quan niệm ‘kẻ bị chèn ép’ – tức đất nước và dân tộc Trung Hoa là nạn nhân bị các cường quốc phương Tây bóc lột và chèn ép trong suốt quá trình lịch sử trên một trăm năm.
Bản thân ông Tập ngay sau khi lên cầm quyền năm 2012 trong một hành động mang tính biểu tượng cao đã đi thăm một cuộc triển lãm có tên là ‘Bách Niên Quốc Sỉ’ ở Bắc Kinh để gợi nhớ đến thời kỳ hơn một trăm năm Trung Quốc bị các nước phương Tây sỉ nhục kể từ cuộc chiến tranh nha phiến đầu tiên với Anh quốc vào năm 1839 cho đến khi Nhà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời vào năm 1949.
Từ ‘nỗi nhục trăm năm’ đó, ông Tập đã đề ra khẩu hiệu 'Trung Hoa Mộng’ để đưa tới ‘sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa’. Đại hội 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc hồi năm ngoái đã đề ra ‘Bách niên Mục tiêu’ (Mục tiêu Trăm năm) để xây dựng đất nước họ thành một quốc gia hùng cường vào năm 2049 – tức tròn một trăm năm Nhà nước Trung Hoa mới ra đời.
"Suy nghĩ về ‘Nỗi nhục Trăm năm’ ăn sâu trong đầu óc của người dân Trung Quốc từ khi mới sinh ra cho đến khi học đại học vì nó là một nội dung nổi bật được giảng dạy trong chương trình đại học", ông Hawksley cho biết. "Nó cũng là câu chuyện được nhắc đến nhiều trên bàn ăn tối của người dân Trung Quốc".
Ông Hawksley kể rằng ông đã đến thăm Bảo tàng về ‘Bách niên Quốc sỉ’ này ở Bắc Kinh và ông đã tranh luận với người dân ở đó về trật tự thế giới dựa trên pháp trị.
"Đó là điều tốt nếu anh có thể tận dụng điều đó để làm cho anh giàu mạnh", ông kể lại lập luận của một người dân Trung Quốc mà ông đã trò chuyện với, "Nhưng đừng nói với họ là những luật lệ đó là công bằng và bình đẳng".
"Họ không tin vào điều đó đâu. Họ sẽ lấy những gì họ có thể".
Ông kể một người dân Trung Quốc khác đã có cách ví von như sau : "Hãy tưởng tượng : giả sử như nước Mỹ trải qua một giai đoạn dễ bị tổn thương ; không có nhà lãnh đạo đáng tin tưởng ; xã hội loạn lạc ; người dân không biết chắc đất nước mình sẽ đi về đâu. Vào lúc đó, một băng đảng buôn ma túy ở Mexico từ phía Nam tấn công lên phía bắc và yêu cầu nước Mỹ phải mở cửa các tiểu bang như New Mexico, Arizona và California để họ có thể tự do bán ma túy. Họ buộc nước Mỹ yếu ớt phải ký hiệp ước với họ và nói rằng ‘Hãy nhìn xem : đây là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp. Anh phải biết tôn trọng nó’".
"Đó là điều đang được giảng dạy ở các trường học và trường đại học ở Trung Quốc", ông Hawksley nói.
Do đó, ông cho rằng phương Tây cần hiểu tâm tư của người dân Trung Quốc để có cách giải quyết quan ngại này theo cái cách mà ‘chúng ta đã không làm để có thể nắm bắt được suy nghĩ của Saddam Hussein và người dân Iraq’.
Ông Hawksley nói rằng mặc dù các tranh chấp lãnh thổ diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng vấn đề chính ở Biển Đông là trật tự quốc tế dựa trên luật pháp đã không bị tôn trọng, luật pháp quốc tế đã bị vi phạm.
Do đó, một trong những nội dung chính của cuốn sách của ông là giải thích rằng tình hình trên Biển Đông là ‘về trật tự dựa trên luật pháp và pháp trị’.
"Nếu chúng ta từ bỏ những giá trị mà chúng ta đã chiến đấu để dựng nên, nếu chúng ta để cho một chính phủ hùng mạnh và chuyên chế gặm nhấm dần dần (Biển Đông) thì họ sẽ giành được các đồng minh ở Châu Á, họ sẽ lôi kéo những quốc gia yếu ở Châu Phi, Châu Âu về phía họ", ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng nói rằng vấn đề đối với những tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông không làm cho các nước phương Tây cảm thấy nhu cầu phải có hành động mạnh mẽ là ‘không có ai sinh sống ngoài đó cả’.
"Anh không có bức tranh như những gì anh nhìn thấy ở Syria (nơi luật lệ quốc tế cũng bị xâm phạm với việc Tổng thống Bashar al Assad bị cáo buộc dùng vũ khí hóa học giết hại dân thường) vốn khiến chúng ta nhận thấy rằng chúng ta phải làm điều gì đó", ông nói và cho biết ông muốn góp phần nâng cao nhận thức của các nhà hoạch định chính sách về các tranh chấp trên Biển Đông.
Trung Quốc đang dần chiếm ưu thế ?
Nhà báo Hawksley cũng nhận định rằng ở vùng Đông Nam Á trong vòng 5, 6 năm qua Trung Quốc ‘đã có được ảnh hưởng rất lớn’ và ‘đòn bẩy kinh tế của Trung Quốc đã gia tăng’.
Ông cho rằng Trung Quốc có thể xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông là do ‘Mỹ và liên minh thống nhất của Châu Á đã thất bại trong việc ngăn chặn sức ảnh hưởng của Trung Quốc’.
"Điều này đã khiến cho một số lãnh đạo Châu Á thực dụng đặt dấu hỏi tương lai đất nước họ sẽ đi về đâu", ông cho biết. "Khoảng 3,4 năm trước khi tôi nói chuyện với các chính phủ Đông Nam Á thì họ vẫn luôn nói rằng chúng tôi không muốn bị yêu cầu phải chọn đi theo bên nào như đã từng xảy ra trong Chiến tranh Lạnh. Nhưng giờ đây ngày càng có nhiều chính phủ trong khu vực đã xây dựng kế hoạch B vì họ biết rằng mọi việc đang diễn ra theo chiều hướng đó".
"Tất cả các chính phủ trong khu vực đều có kinh nghiệm về việc những gì sẽ xảy đến với họ nếu họ làm cho Bắc Kinh phật lòng và nếu họ làm như những gì Bắc Kinh muốn thì họ sẽ được tưởng thưởng như thế nào", ông cho biết.
Một ví dụ mà ông đưa ra là ở Việt Nam, nơi ông đến thăm Viện Bảo tàng Lịch sử Quân sự lần đầu tiên vào đầu những năm 80, ông đã nhìn thấy những khí tài của người Pháp, người Mỹ, người Trung Quốc xếp chồng lên nhau để chứng tỏ rằng ‘đây là một đất nước đã từng chiến đấu với ba ủy viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và khiến họ phải ôm đầu máu’.
"Giờ đây, nếu anh tới đó anh sẽ không còn thấy phương tiện vận tải quân sự nào của Trung Quốc được trưng bày ở đó nữa. Họ (Việt Nam) muốn xoa dịu Trung Quốc bằng cách đó", ông nói, mặc dù ông cũng cho biết những trận đánh cổ xưa như trận Bạch Đằng năm 938 vẫn được trưng bày và so sánh việc này với việc các bảo tàng ở Anh Quốc trưng bày về cuộc xâm lược của người Norman từ Pháp vào năm 1066 nhưng lại ‘không có gì về hai cuộc Thế chiến’.
Liên minh không vững ?
Đề cập đến diễn biến gần đây là chính quyền Tổng thống Donald Trump của Mỹ đưa ra chiến lược ‘Ấn Độ - Thái Bình Dương mở và tự do’ để thay thế cho chiến lược ‘xoay trục về Châu Á’ của cựu Tổng thống Barack Obama, ông cho rằng chiến lược mới – với trọng tâm là xây dựng tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn – này ‘sẽ không hiệu quả’ trong việc cân bằng với ảnh hưởng của Trung Quốc (ông không dùng từ ‘kiềm chế’ hay ‘đẩy lùi’ mà chỉ là ‘cân bằng’).
"Nhân tố mới là Ấn Độ. Đây không phải là đồng minh mới mà là đối tác mới. Chúng ta đã từng thấy việc này trước đây. Nó sẽ không như là những gì mọi người nói. Một liên minh của các giá trị dân chủ chống lại các giá trị độc tài sẽ không có tác dụng", ông phân tích.
Ông đưa ra dẫn chứng là vào năm 1962 khi chiến tranh bùng nổ tại biên giới Trung-Ấn thì chính quyền của Tổng thống Kennedy đã gửi khí tài và cố vấn quân sự đến giúp Ấn Độ chống lại Trung Quốc khiến Trung Quốc cuối cùng phải lui quân sau chiến thắng quân sự do lo ngại Mỹ sẽ tham chiến với vũ khí hạt nhân. Lúc đó mọi người nghĩ rằng liên minh kề vai sát cánh giữa hai nền dân chủ lớn nhất thế giới sẽ bền vững nhưng mọi chuyện về sau lại không phải như vậy.
"Chín năm sau, khi chiến tranh giành độc lập của Bangladesh nổ ra, Mỹ đứng về phía Pakistan còn Ấn Độ ký hiệp ước với Nga và cho đến bây giờ hiệp ước đó vẫn còn duy trì rất tốt. Nga đã trở thành nhà cung cấp vũ khí chính của Ấn Độ", ông cho biết.
Một trong những lý do mà ông Hawksley chỉ ra để giải thích cho việc liên minh không bền vững với Ấn Độ là ‘sự thiếu tin tưởng nói chung’ giữa hai nước.
"Kịch bản có thể xảy ra là mối quan hệ Mỹ-Nga xấu đi. Lúc đó Ấn Độ được yêu cầu phải đứng về một phía. Nhiều khả năng New Dehli sẽ trở lại chính sách không liên kết của họ và họ đi con đường riêng của họ. Họ xem Nga là nhà cung cấp vũ khí đáng tin cậy còn Mỹ thì không", ông giải thích.
Trả lời câu hỏi của VOA về những đòn bẩy gì mà Washington có thể sử dụng để buộc Bắc Kinh tôn trọng trật tự dựa trên luật pháp trên Biển Đông, ông Hawksley nói : "Đó là vấn đề mà Mỹ đang gặp phải. Nếu không, các đồng minh của Mỹ trong khu vực đã không chào đón Anh, Pháp để tham gia (vào việc duy trì tự do hàng hải trên Biển Đông)".
Ông đưa ra dẫn chứng là Philippines mới đây đã bác bỏ việc tuần tra chung trên Biển Đông với Mỹ ‘bởi vì họ không muốn vấn đề của Mỹ với Trung Quốc nằm trong những hành động của họ’ và việc Manila giảm nhẹ một phần của hiệp định an ninh tăng cường Mỹ-Philippines.
"Mọi người trong khu vực đều cảnh giác trước việc họ có thể đi xa đến đâu (trong việc hợp tác với Mỹ). Việt Nam có lẽ là nước mạnh mẽ nhất với những chiếc cập cảng của tàu chiến Mỹ", ông giải thích. "Chúng ta sẽ không có một mặt trận thống nhất của các nước đồng minh dân chủ (để cân bằng với Trung Quốc)".
Trả lời câu hỏi của VOA về chiến lược gì giúp Trung Quốc thành công trong việc bành trướng trên Biển Đông, ông Hawksley đưa ra dẫn chứng là bãi cạn Sscarborough mà Trung Quốc đã giành quyền kiểm soát từ phía Philippines hồi năm 2012.
"Bãi cạn Sscarborough là nơi diễn ra trò chơi chiến lược. Bắc Kinh đã kiểm soát được nó. Tôi đồ rằng vào lúc nào đó họ xây dựng cái gì đó ở đấy. Không phải là vào lúc này. Họ sẵn sàng giảm bớt căng thẳng. Đó là một nơi cần phải theo dõi".
Một dẫn chứng nữa mà ông đưa ra là việc Trung Quốc liên tục đưa những ‘lực lượng dân quân hải quân’ mà thực chất là những tàu cá do Giải phóng Quân PLA Trung Quốc kiểm soát ra cái mà họ gọi là Quần đảo Đông Sa (tên quốc tế là quần đảo Pratas) để diễn tập phòng vệ đảo.
Khi được hỏi về điểm mạnh và điểm yếu của chiến lược ‘Ấn Độ-Thái Bình Dương mở và tự do’ của chính quyền Mỹ, ông Hawksley nói đó thực chất là sự ‘mở rộng của chiến lược xoay trục sang Châu Á của chính quyền Obama để bao gồm luôn cả Ấn Độ Dương để vươn tới vùng bờ biển phía đông Châu Phi nơi Trung Quốc đang xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc vùng sừng của Châu Phi’.
Tuy nhiên ông cho rằng chiến lược này chỉ mới tập trung vào tứ giác Mỹ-Nhật-Úc-Ấn chứ chưa ‘chính thức lôi kéo những nước nhỏ như Việt Nam và Philippines tham gia vào’.
Một hạn chế nữa ông chỉ ra là tốc độ của liên minh này đang diễn ra rất chậm chạp so với sự bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc. "Mỹ đã cố gắng lôi kéo Ấn Độ đã gần 20 năm kể từ vụ khủng bố 11/9 vào năm 2001. Đó là công việc mất nhiều thời gian trong khi Trung Quốc đang hành động rất nhanh chóng".
"Đó là vấn đề liệu anh có thể hình thành một liên minh kinh tế, chính trị và quân sự ở Châu Á trước khi Trung Quốc hướng về phía Châu Âu (xuyên qua Châu Á) với dự án Một Vành đai, Một Con đường hay không", ông nói.
Về vai trò của Việt Nam, ông nói Hà Nội ‘đã là nước đứng lên chống lại Trung Quốc mạnh mẽ nhất trên Biển Đông’ và đưa ra dẫn chứng là cuộc khủng hoảng giàn khoan HD-981 của Trung Quốc hồi năm 2014 mà Việt Nam đã đấu tranh mạnh mẽ với Trung Quốc và rằng ‘các ngư dân ở đảo Lý Sơn vẫn liên tục ra đánh bắt ở Hoàng Sa để thể hiện chủ quyền với vùng biển họ tuyên bố là lãnh hải của họ’.
"Vấn đề của Việt Nam là Trung Quốc là một cường quốc có đòn bẩy kinh tế đối với khu vực. Nếu Việt Nam muốn nâng cao mức sống của người dân thì họ buộc phải làm việc với Trung Quốc", ông nói.
Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Hà Nội đã từng đặt nhiều hy vọng vào để giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào Trung Quốc cũng như được chính quyền Obama hy vọng là tăng cường sự hiện diện kinh tế của Mỹ ở khu vực trước ảnh hưởng kinh tế lớn mạnh của Trung Quốc đã bị Tổng thống Donald Trump từ bỏ sau khi ông lên cầm quyền.
"Đồng thời, Trung Quốc cũng biết rằng Việt Nam là một đất nước rất khó chơi. Họ đã từng có chiến tranh ở biên giới (vào năm 1979) mà Trung Quốc thật ra đã thua. Bắc Kinh không muốn xung đột với Hà Nội một lần nữa".
"Nếu Trung Quốc đối xử tệ với Việt Nam hoặc được nhìn thấy là đối xử tệ với Việt Nam thì phần còn lại ở Đông Nam Á sẽ không tin vào Trung Quốc nữa vì Việt Nam và Trung Quốc có mối quan hệ đối tác chiến lược", ông nói. "Có rất nhiều lợi ích kinh tế mà hai bên đang khai thác nhưng không có nhiều sự tin tưởng".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 26/06/2018
Ngày Nhân quyền Việt Nam năm 2018 cũng đón chào sự góp mặt của những tù nhân lương tâm Việt Nam được phóng thích và tới Mỹ trong thời gian gần đây.
Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gây sức ép để Việt Nam trả tự do cho tất cả những tù nhân đang bị giam cầm vì lý do chính trị hay tôn giáo trong cuộc đối thoại nhân quyền sắp tới, một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết nhân Ngày Nhân quyền Việt Nam 2018.
Việt Khang, Phương Uyên và cuộc vận động nhân quyền Việt Nam (VOA)
Ông Scott Busby, phó trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách về dân chủ, nhân quyền và lao động, cũng cho biết ông sẽ nêu các vấn đề tự do tôn giáo và chỉnh sửa các điều luật mà ông cho là ‘mơ hồ’ của Việt Nam tại cuộc đối thoại nhân quyền thường niên giữa hai nước vào tuần tới.
Ông cho rằng mặc dù quan hệ Việt-Mỹ đang tiến triển tốt đẹp và Mỹ đang cùng Việt Nam thúc đẩy nhiều ưu tiên như thương mại, an ninh khu vực, giáo dục đào tạo nhưng vấn đề nhân quyền ‘vẫn đang là thách thức’ cho quan hệ song phương bởi vì ‘vẫn đang tiếp tục có nhiều vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam’.
"Một trong những vấn đề mà chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với Việt Nam là tự do tôn giáo", ông phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm Ngày Nhân quyền Việt Nam hôm 11/5/2018 tại Quốc hội Mỹ và cho biết phía Mỹ đang tham vấn với Việt Nam trong việc thực thi đạo luật tự do tôn giáo mới của nước này.
"Chúng tôi vẫn rất quan ngại về sự sách nhiễu mà những nhóm tôn giáo chưa đăng ký gặp phải ở Việt Nam, bao gồm các nhóm ở Tây Nguyên", ông nói. Ông cho biết mục tiêu của Mỹ là muốn Việt Nam cho phép tất cả những nhóm tôn giáo có đăng ký hoặc chưa đăng ký có thể hoạt động.
Vấn đề tù nhân chính trị ở Việt Nam cũng khiến ‘phía Hoa Kỳ quan ngại sâu sắc’ và sẽ nêu lên trong cuộc đối thoại. Ông cho biết Mỹ ghi nhận ‘tình trạng Việt Nam gia tăng đàn áp những người thực thi hòa bình quyền tự do ngôn luận và tự do lập hội’.
Trong số những tù nhân chính trị hiện đang còn bị giam cầm ở Việt Nam, ông cho biết phía Mỹ rất quan tâm đến trường hợp của Luật sư Nguyễn Văn Đài và các thành viên khác của Hội Anh em Dân chủ.
Ông mô tả ông Đài, người mà ông gặp được hai lần, là ‘một người ôn hòa, đấu tranh cho các giá trị phổ phát và nhân quyền cơ bản’ và cho biết trường hợp ông Đài sẽ là một trong những ưu tiên mà ông sẽ nêu lên với phía Việt Nam trong cuộc đối thoại vào tuần tới.
Ngoài ra, ông cho biết cũng sẽ đề cập với phía Việt Nam các trường hợp của các tù nhân Hoàng Đức Bình và Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm) và kêu gọi Việt Nam trả tự do cho họ.
"Chúng tôi sẽ gây áp lực để Việt Nam thả tất cả các tù nhân lương tâm", ông phát biểu.
Ngoài ra, quyền tự do trao đổi thông tin trên mạng cũng sẽ là một trong những chủ đề được phía Mỹ đề cập trong cuộc đối thoại, ông Busby cho biết.
Một trong những vấn đề mà phía Mỹ quan ngại là Nghị định 72 vốn cấm chia sẻ trên mạng những thông tin được cho là phê phán chính quyền hay lãnh đạo và đạo luật an ninh mạng mà ông cho rằng ‘hình sự hóa quyền tự do diễn đạt trên mạng’.
Ngoài ra, ông Scott Busby còn cho biết phía Mỹ cũng sẽ kêu gọi Việt Nam rút lại những ‘điều luật mơ hồ’ mà họ dùng để buộc tội những người bất đồng ôn hòa cũng như nêu mối quan tâm của Hoa Kỳ về việc cải cách bộ luật lao động để cho phép công nhân tổ chức các công đoàn độc lập để đình công khi cần thiết.
Ông cho biết Đại sứ Mỹ tại Việt Nam ông Daniel Kritenbrink đã nói với ông rằng ông đã nêu vấn đề nhân quyền trong ‘gần như mọi cuộc gặp với giới chức Việt Nam’.
Ngày Nhân quyền Việt Nam (VOA)
"Có rất nhiều lĩnh vực để hợp tác giữa hai nước. Chúng tôi muốn có mối quan hệ mạnh mẽ nhưng chúng ta không thể có quan hệ mạnh mẽ cho đến khi Việt Nam tôn trọng các nhân quyền cơ bản", ông phát biểu.
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 12/05/2018
Thông qua việc thực hiện "Bốn toàn diện" (Tứ Toàn) để đạt mục đích tối hậu là sự phục hưng vĩ đại của đất nước Trung Hoa (Trung Quốc Mộng) bằng con đường đi đến hai mục tiêu trăm năm (Bách niên Mục tiêu) và xây dựng quân đội hùng mạnh trong khi không dung thứ hành động ly khai – đó chính một số điểm chính của Tư tưởng Tập Cận Bình theo một học giả chuyên về Đảng của Trung Quốc.
Ông Tập Cận Bình bên cạnh hai người tiền nhiệm tại Đại hội Đảng
Đây là học thuyết chính trị mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc được Chủ tịch Tập Cận Bình đúc kết sau năm năm cầm quyền. Dự kiến học thuyết này sẽ được đưa vào Điều lệ Đảng tại Đại hội 19 đang diễn ra ở Bắc Kinh để làm kim chỉ nam cho hành động của Đảng – ngang hàng với Tư tưởng Mao Trạch Đông và Lý luận Đặng Tiểu Bình.
Những từ ngữ trên được ông Tập lặp đi lặp lại trong Báo cáo Chính trị dài hơn ba tiếng rưỡi đồng hồ mà ông trình bày trước phiên khai mạc Đại hội hôm 18/10. Báo cáo này cung cấp một cái nhìn rõ nét về nền tảng lý luận trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Tập.
Trên Nhân dân Nhật báo hôm thứ Năm ngày 19/10, Giáo sư Hàn Khánh Tường thuộc Trường Đảng Trung ương đã có bài viết làm rõ nội hàm của Tư tưởng Tập Cận Bình. Học thuyết này đã được các cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc gọi là: "Tư tưởng về Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc trong thời đại mới" (nguyên văn chữ Hán: Tân thời đại Trung Quốc đặc sắc Chủ nghĩa xã hội Tư tưởng).
Kể từ khi lên cầm quyền vào năm 2012, ông Tập đã đề ra khái niệm "Trung Quốc Mộng" để thực hiện sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa. Để thực hiện điều đó, ông Tập và Ban lãnh đạo Đảng đã đặt ra hai mục tiêu trăm năm. Một là xây dựng một xã hội khá giả vừa phải vào năm 2020, tức là một năm trước kỷ niệm 100 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hai là đưa Trung Quốc trở thành "siêu cường xã hội chủ nghĩa" vào năm 2049, tức đúng dịp tròn 100 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời.
Con đường để thực hiện hai mục tiêu này là thông qua nguyên tắc "Bốn Toàn diện" : xây dựng xã hội khá giả toàn diện, cải cách kinh tế-xã hội sâu sắc toàn diện, xây dựng một nền pháp trị toàn diện và quản lý Đảng bằng kỷ luật một cách toàn diện.
Theo kiến giải của Giáo sư Hàn thì xây dựng một xã hội khá giả toàn diện để làm nền tảng cho công cuộc hiện đại hóa và phục hưng Trung Quốc ; cải cách sâu sắc toàn diện là để tạo lực đẩy đi tới ; nền pháp trị toàn diện để đảm bảo quản trị Nhà nước một cách hiệu quả ; Thi hành kỷ luật Đảng toàn diện là để đảm bảo cho khả năng lãnh đạo của Đảng.
Một nội dung quan trọng khác của học thuyết này là xây dựng quân đội Trung Quốc hùng mạnh để đối phó với "sự chống đối của các cường quốc khác trước sự trỗi dậy của Trung Quốc" mặc dù, theo ông Hàn, triết lý ngoại giao của Trung Quốc vẫn trung thành với nguyên tắc tạo môi trường hòa bình để phát triển.
"Mặc dù Trung Quốc muốn duy trì hòa bình và thực hiện chính sách phòng vệ nhưng vẫn cần phải có một quân đội hùng mạnh để bảo vệ mình trước những thách thức phức tạp. Đó là lý do tại sao quân đội hùng mạnh là một nội dung cần thiết của Giấc mộng Trung Hoa," ông Hàn Khánh Tường viết.
Ông Hàn cũng nói rõ rằng "Trung Quốc Mộng" là cho cả tất cả mọi người dân Trung Quốc bao gồm những người ở Hong Kong, Macao và Đài Loan.
Trong khi đó, trong một dấu hiệu cho thấy tư tưởng của ông Tập sẽ được Đại hội Đảng tôn vinh, Tân Hoa Xã đã dẫn lời những lãnh đạo cao cấp Trung Quốc ca ngợi học thuyết này.
"Tư tưởng này chính là điểm nhấn quan trọng nhất của Đại hội Đảng lần thứ 19 và là đóng góp lịch sử vào sự phát triển của Đảng," ông Trương Đức Giang, Chủ tịch Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc, nhân vật số ba trong bộ máy lãnh đạo Trung Quốc, được dẫn lời nói tại một phiên thảo luận tổ của Đoàn đại biểu Khu tự trị Nội Mông bên lề Đại hội.
Về phần mình, ông Du Chính Thanh, Chủ tịch Chính hiệp, nhân vật lãnh đạo xếp hàng thứ tư, nói rằng Tư tưởng Tập là "thành tựu mới nhất trong quá trình áp dụng chủ nghĩa Mác vào hoàn cảnh Trung Quốc và nó là một cấu phần quan trọng trong hệ thống học thuyết về Chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung Quốc".
Còn ông Lưu Vân Sơn, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và là nhân vật số năm trong Đảng, nói rằng việc đưa Tư tưởng Tập vào Điều lệ Đảng có "ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, lý luận và thực tiễn" và kêu gọi toàn Đảng "nghiêm túc học tập".
Ngọc Lễ
Nguồn : VOA, 20/10/2017
Một cuốn tiểu thuyết lấy cảm hứng từ các sự kiện nổi cộm trong đời sống xã hội Việt Nam trong thời gian qua vừa bị Bộ Thông tin và truyền thông ra lệnh đình chỉ phát hành vì mô tả hiện thực một cách "đen tối, u ám".
Bìa sách "Mối Chúa" bị cấm phát hành ở Việt Nam (ảnh chụp màn hình Dantri.com.vn)
Một nhà phê bình văn học từ Hà Nội nói với VOA rằng ông thấy những gì mà cuốn tiểu thuyết đó phản ánh là "bình thường" và lệnh cấm lưu hành chỉ có tác dụng ngược.
Tiểu thuyết "Mối chúa" của tác giả Tạ Duy Anh ký dưới bút danh Đãng Khấu, mô tả những hiện thực gợi nhớ đến những vụ việc như vụ ông Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng, nổ súng vào đoàn cưỡng chế đất, vụ nhà máy thép Formosa ở Hà Tĩnh xả thải, các đại án ngân hàng đang được xét xử...
Theo bản tin của Thông tấn xã Việt Nam thì "Mối chúa" bị đình chỉ do "phần lớn các nhân vật đều thể hiện sự đen tối, vô vọng, đau đớn khi phản ánh những vấn đề nổi cộm trong xã hội hiện nay" và bao phủ tác phẩm là "lòng tham và sự bất chấp pháp luật".
Ngoài ra, giọng điệu chế giễu sâu cay cũng là một nguyên nhân khiến cho tác phẩm bị chặn lại. Cục Xuất bản, In và Phát hành thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam, cho rằng tiểu thuyết này "tô đậm" và "khái quát hóa" tiêu cực xã hội khiến cho "hiện thực trở nên đen tối, u ám".
Do đó, cơ quan này đã yêu Nhà xuất bản Hội Nhà văn, cơ quan liên kết với Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam xuất bản "Mối chúa", đình chỉ phát hành "để thẩm định lại nội dung" cuốn tiểu thuyết.
Trao đổi với VOA, ông Phạm Xuân Nguyên, một nhà phê bình văn học ở Hà Nội, nói rằng nhiệm vụ của nhà văn "không phải là tô hồng, cũng không phải bôi đen" mà là "trình bày cảm nhận của mình về hiện thực xã hội".
Còn nhận định rằng tác phẩm đen tối hay tươi sáng là tùy vào cảm nhận của từng người đọc, ông Nguyên nói. "Có người nói đó là đen tối nhưng tôi cảm nhận không có gì đen tối".
Khi được hỏi những câu chuyện được tác giả kể lại trong tác phẩm có thể khiến người đọc liên tưởng đến những vụ việc ảnh hưởng xấu đến thanh danh của chính quyền trong thời gian qua, ông Nguyên cho rằng điều đó "pháp luật không cấm".
"Vụ việc Formosa báo chí đã nói rồi, đã viết rất nhiều rồi, đã đưa công khai rõ ràng rồi. Vụ ông Đoàn Văn Vươn tòa cũng đã xử rồi, ông Vươn cũng đã thụ án xong và đã trở về địa phương lại rồi. Các đại án ngân hàng cũng đang được xét xử. Nhà văn cũng như mọi người khác tiếp nhận những thông tin đó, tổng hợp lại đưa vào tác phẩm của mình, phát triển thêm và xây dựng hình tượng nhân vật thì cũng chẳng sao cả", ông Nguyên nói.
"Đặt trong hoàn cảnh hiện tại thì độc giả có thể thấy trong tác phẩm những mảng hiện thực, những góc cạnh của đời sống, nhưng tác giả không phải là sao chép mà có sự sáng tạo của ông".
"Nếu không đưa những cái này vào tác phẩm thì có thể bị phê phán là không bám sát hiện thực, không bám sát cuộc sống", ông nói thêm.
Theo nhận định của nhà phê bình này thì "Mối chúa" cũng "thể hiện hiện thực tươi sáng" chứ không phải hoàn toàn là u tối.
Ông dẫn lại nhân vật cô gái trẻ xuất hiện ở phần sau của "Mối chúa" có vẻ đẹp trong trắng và luôn hướng về người khác. Nhân vật này khi lên thay người cha làm giám đốc các dự án kinh doanh, đã cho dừng các dự án sân golf khiến người dân mất đất chứ không như cha, chỉ tìm mọi cách để áp đặt dự án và đẩy người dân đến đường cùng.
"Đó là hiện thực tươi sáng chứ cái gì nữa", ông Nguyên nhận xét.
Theo ông Nguyên thì về danh nghĩa ở Việt Nam không có cơ quan kiểm duyệt các tác phẩm văn chương trước khi xuất bản mà các nhà xuất bản chỉ biên tập và chịu trách nhiệm về sự biên tập của mình sau khi xuất bản.
Ông Nguyên cho rằng công việc biên tập này chỉ nên là để đảm bảo các tác phẩm không phạm vào những điều mà pháp luật cấm, nhưng cũng không tác giả nào "nhè vào chỗ cấm mà viết mà đem tác phẩm đến nhà xuất bản cả".
"Làm biên tập mà cứ phải nghĩ đến ngăn ngừa cái này cái kia thì không phải là biên tập", ông nói, "Nhà biên tập không phải là gác cổng, nếu không, chỉ làm nghèo văn chương".
"Lệnh cấm chỉ phản tác dụng mà thôi. Nó làm giảm, thu hẹp tính đa chiều, đa nghĩa vốn là một đặc tính của văn chương. Nó chỉ càng làm cho người ta tò mò tìm đọc tác phẩm bị cấm, và nếu đó là tác phẩm xấu thật sự thì lệnh cấm chỉ góp phần tạo vinh quang giả tạo cho cái xấu".